Số lần đọc/download: 0 / 10
Cập nhật: 2022-04-16 15:31:26 +0700
Chương 2
Phải mất hai mươi ba tiếng đồng hồ trên toa xe nóng bức và ngột ngạt của hãng Dwarka tôi mới đến được Kota.
Tôi đã email cho Vineet, một cậu học sinh Varanasi đã ở Kota cả năm ngoái. Tôi đã tìm hiểu về các lớp học thêm; Bansal và Resonance có uy tín nhất. Tuy nhiên họ lựa chọn học sinh bằng những bài kiểm tra riêng. Nếu tôi không vào được Bansal hay Resonance thì Kota vẫn còn những lớp khác, tuyển chọn ít gắt gao hơn và sẵn sàng tiếp đón những kẻ thất bại như tôi.
Tuy nhiên, trước khi vào trại tập trung, tôi cần tìm nơi nào đó để sống. Vineet có nói với tôi về mấy chỗ trọ. Tôi bắt xe từ ga tàu. “Tòa nhà của Hội Gayatri,” tôi nói. “Ở Mahavir Nagar, gần các lớp luyện thi Bansal.”
Chiếc xe chạy trên những con phố bụi bặm của Kota. Nó giống y như bất cứ thị trấn nhỏ nào khác của Ấn Độ, tắc đường, ô nhiễm, quá nhiều cửa hàng điện thoại, đồ lót và bảng quảng cáo lớp học thêm. Tôi tự hỏi không hiểu ở đây có gì đặc biệt. Làm thế nào mà nó có thể khiến cho hàng ngàn học sinh đỗ được kỳ thi tuyển cạnh tranh khốc liệt nhất trên thế giới?
“IIT hay trường Y?” người lái xe hỏi, ông ta có mái tóc bạc và hàm răng đồng màu.
Tôi đã nghĩ ra điều làm cho Kota khác biệt. Ai cũng biết chút ít về kỳ thi tuyển.
“IIT.” Tôi đáp.
“Bansal là tốt nhất. Nhưng tuần sau họ mới bắt đầu tuyển chọn.”
“Chú biết hết mấy chuyện này à?” tôi nói, ngạc nhiên về kiến thức của người lái xe.
Ông ta cười và quay người lại. “Cả gia đình tôi đều làm trong ngành giáo dục. Vợ tôi bán cơm trưa. Cậu có muốn cơm đưa đến nơi không?”
Tôi gật đầu.
“Tôi là Shankar, quê ở Alwar,” ông ta nói. Ông ta chìa bàn tay dính dầu mỡ cho tôi.
Tôi bắt tay trong thời gian ngắn nhất có thể. “Gopal từ Varanasi.”
Ông ta đưa cho tôi tấm danh thiếp của dịch vụ cơm hộp. Hai bữa một ngày, một ngàn rưỡi đô một tháng.
“Để chúng tôi lo chuyện ăn uống. Còn các cậu học đi. Kỳ thi này khó đấy.”
“Kỳ thi nào?” tôi hỏi.
“Để vào IIT thì là JEE. Nào, anh Gopal. Chúng tôi cũng không đến nỗi thất học thế đâu.”
Chúng tôi đến tòa nhà của Hội Gaytri. Một cánh cổng sắt gỉ sét bảo vệ khu căn hộ nham nhở. Một người lao công dùng cái chổi lớn khua lên không một đám mây bụi trong lúc cố gắng quét dọn. Tôi đến bốt gác nhỏ ở cổng vào tòa nhà. Một nhân viên gác cổng ngồi bên trong.
“Cậu muốn gặp ai?” ông ta nói.
“Tôi muốn thuê một phòng,” tôi nói.
Ông ta nhìn tôi. Ông ta nhìn thấy hai cái va li quá cũ, bị sửa chữa quá nhiều và đầy chặt của tôi. Một cái đựng quần áo và cái kia nhồi đầy sách vở, những cuốn sách cho tới giờ vẫn chưa đưa tôi đến đâu. Trong ba lô tôi đựng những thứ Aarti đã mua cho. Tôi nhớ nàng. Tôi tự hỏi mình có nên tìm một bốt điện thoại công cộng và gọi cho nàng hay không.
“IIT hay trường Y?” ông ta hỏi, vò thuốc lá trong tay. Người dân Kota gặp khó khăn trong việc đánh giá người ngoài trước khi biết họ đến đây để làm gì.
“IIT,” tôi nói. Tôi mong ông ta chú ý tới tôi nhiều hơn so với chỗ nicotin của mình.
“Thi lần đầu hay thi lại?” ông ta hỏi tiếp, vẫn không ngẩng lên.
“Có quan trọng không?” tôi hỏi, thấy hơi khó chịu.
“Có chứ,” ông ta nói, ném thuốc lá vào miệng. “Nếu thi lần đầu thì cậu cũng phải đến trường đi học nữa. Cậu sẽ không ở nhà nhiều. Học sinh thi lại chỉ đi học thêm. Nhiều đứa ngủ cả ngày. Một số chủ nhà không thích thế. Thế nên nói tôi biết để tôi chỉ đúng chỗ cho cậu.”
“Thi lại,” tôi nói. Tôi không hiểu sao mình lại nhìn xuống khi nói câu đó. Tôi đoán, khi thi trượt thì cả ông gác cổng nhai thuốc lá cũng có thể khiến bạn thấy nhỏ bé.
“Ôi trời, lại một đứa thi lại nữa,” ông gác cổng nói. “Thôi được, tôi sẽ thử. Trả phí cho tôi trước.”
“Gì cơ?” tôi hỏi.
“Tôi lấy phí bằng nửa tháng thuê. Ngân sách của cậu thế nào?”
“Hai ngàn một tháng.”
“Thế thôi à?” ông gác cổng nói. “Lên bốn ngàn đi. Tôi sẽ tìm cho cậu một phòng đẹp, ở chung, có điều hòa.”
“Cháu không trả được nhiều thế đâu,” tôi nói.
Ông gác cổng cười khẩy, như thể có người gọi cuốc lủi trong quầy bar năm sao.
“Sao vậy?” tôi nói, tự hỏi không biết mình có phải ngủ ngoài phố trong đêm đầu tiên ở Kota không.
“Đi nào,” ông ta ra hiệu. Ông ta mở cổng và cất va li của tôi trong phòng mình. Chúng tôi lên cầu thang của khu căn hộ thứ nhất.
“Cậu sẽ chung phòng với mấy cậu nữa nhé. Ba người một phòng,” ông gác cổng nói.
“Cũng được,” tôi nói. “Nhưng thế cháu học sao được? Cháu muốn có phòng riêng, bé thế nào cũng được.”
Học hay không học, tôi cũng muốn ở một mình.
“Được rồi, tầng năm,” ông gác cổng nói.
Chúng tôi leo được ba tầng. Tôi thở hổn hển vì quá sức. Cái nóng cực độ không giúp gì thêm.
“Kota rất nóng, cậu phải quen dần với thời tiết đi,” ông ta nói. “Bên ngoài rất kinh khủng. Đó là lý do tại sao vùng này rất tốt cho việc ở trong nhà và học.”
Chúng tôi lên đến tầng bốn. Tôi cố gắng lấy lại hơi. Còn ông ta không thể ngừng lời. “Vậy cậu sẽ đến để học thật hay chỉ...” ông ta bỏ ngang câu nói.
“Chỉ cái gì?” tôi hỏi.
“Giết thời gian. Nhiều học sinh đến đây chỉ vì bố mẹ bắt phải đi. Chúng nó tự biết là mình không đỗ được. Nhưng ít nhất là bố mẹ không quấy rầy được chúng trong một năm,” ông ta nói.
“Cháu muốn thi đỗ. Cháu sẽ đỗ,” tôi nói, với chính mình hơn là với ông ta.
“Tốt. Nhưng nếu cậu cần bia hay thuốc lá thì nói tôi biết. Khu nhà này cấm mấy thứ đó.”
“Thế thì sao?”
“Khi Birju là bạn cậu thì cậu không phải lo lắng gì hết,” ông ta nháy mắt với tôi.
Chúng tôi bấm chuông căn hộ trên tầng năm. Một phụ nữ trung niên mở cửa.
“Học sinh,” ông gác cổng nói.
Người phụ nữ cho chúng tôi vào. Nhà bà ta có mùi thuốc và ẩm mốc. Ông gác cổng chỉ cho tôi phòng cho thuê. Bà chủ nhà đã cải tạo phòng kho thành một phòng học và phòng ngủ. Bà chủ nhà, ông gác cổng và tôi khó khăn lắm mới cùng đứng được trong căn phòng nhỏ xíu.
“Chỗ lý tưởng để học,” ông gác cổng, người có lẽ cả đời chưa học ngày nào, nói. “Thuê đi, nó vừa với túi tiền của cậu đấy.”
Tôi lắc đầu. Căn phòng không có cửa sổ. Bà chủ nhà già có vẻ như tự đại hoặc bị điếc, hoặc là cả hai. Bà ta giữ khuôn mặt khó chịu suốt thời gian đó. Tôi không muốn sống ở đây. Vì sao tôi không thể học ở Varanasi? Chỗ quỷ tha ma bắt này thì có gì đặc biệt cơ chứ? Tôi muốn rời khỏi Kota ngay tức khắc. Tôi ra khỏi căn hộ. Ông gác cổng chạy theo.
“Nếu cứ làm ầm lên thế thì cậu sẽ chẳng được ích lợi gì đâu.”
“Thế thì cháu sẽ về Varanasi,” tôi nói.
Tôi nghĩ đến chuyện cuộc đời tôi sẽ khác hẳn đi như thế nào nếu tôi trả lời đúng thêm sáu câu trắc nghiệm. Tôi nghĩ tới Raghav, có lẽ vào lúc này cậu ta đang tham gia buổi định hướng tại khuôn viên của BHU. Tôi nghĩ tới Aarti và những lần tâm sự của chúng tôi. Tôi nghĩ tới tình trạng sức khỏe của bố và quyết tâm đá tôi vào cái bãi rác này của ông. Tôi cố không khóc. Tôi bắt đầu xuống cầu thang.
“Hay tăng thêm tiền thuê đi,” ông gác cổng nói khi đuổi kịp tôi.
“Không được. Cháu còn phải ăn uống và trả tiền học,” tôi nói.
Chúng tôi xuống thang và tới tầng trệt.
“Lần đầu thường như thế,” ông gác cổng nói. “Cậu nhớ mẹ à?”
“Mẹ cháu mất rồi,” tôi nói.
“Mới mất à?” ông gác cổng hỏi. Có vài người coi việc điều tra người lạ là chuyện hoàn toàn bình thường.
“Bà mất mười bốn năm nay rồi.”
Tôi đến bốt gác lấy túi. “Cảm ơn, ông Birju,” tôi nói.
“Cậu đi đâu vậy? Thuê chung phòng đi,” ông ta van nài.
“Cháu sẽ tìm một khách sạn rẻ tiền đã. Cháu quen ở một mình rồi. Cháu sẽ tìm ra cách.”
Birju giằng lấy những cái va li khỏi tôi và đặt chúng xuống. “Tôi có một phòng ổn,” ông ta nói, “to gấp đôi phòng cậu vừa thấy. Có cửa sổ, có quạt to. Có một đôi vợ chồng về hưu đang ở đấy. Vừa túi tiền của cậu...”
“Thế tại sao chú không nói với cháu ngay từ đầu?”
“Có một vấn đề.”
“Gì vậy?”
“Có người đã chết ở đó.”
“Ai?” tôi hỏi. Kinh đây, tôi không ngại gì chết chóc. Tôi đến từ Varanasi, nơi cả thế giới đến để chết.
“Một cậu học sinh thuê chỗ đó. Cậu ta thi trượt nên đã treo cổ tự tử. Hai năm trước. Căn phòng ấy trống từ đó đến nay.”
Tôi không trả lời.
“Giờ thì cậu hiểu vì sao tôi không chỉ nó cho cậu rồi đấy,” Birju nói.
“Cháu sẽ thuê,” tôi nói.
“Chắc chứ?”
“Cháu đã thấy xác chết bị thiêu và trôi nổi cả đời rồi. Cháu không quan tâm đến chuyện có kẻ thất bại nào đó treo cổ tự tử.”
Ông gác cổng xách va li của tôi lên. Chúng tôi lên tầng ba để đến căn hộ tiếp theo. Một cặp vợ chồng tầm sáu mươi tuổi sống ở đó. Họ giữ chỗ ở của họ vô cùng sạch sẽ. Căn phòng đơn giản cho thuê có một cái giường, bàn, tủ quần áo và quạt.
“Một ngàn rưỡi,” tôi nói với đôi vợ chồng. Ông gác cổng nhìn tôi khinh bỉ.
Cặp vợ chồng nhìn nhau.
“Cháu biết chuyện gì đã xảy ra ở đây,” tôi nói. “Và cháu thấy không có vấn đề gì.”
Ông cụ gật đầu. “Bác là RL Soni, bác từng làm việc ở PWD.” Ông chìa tay.
Tôi bắt tay ông thật chặt. “Cháu là Gopal, thi lại IIT. Lần này cháu sẽ đỗ,” tôi nói.
7
Tôi ném cuốn sách giới thiệu lên giường rồi tháo giày tháo tất. Tôi đã dành cả ngày đến những trung tâm dạy thêm khác nhau. Đến ba giờ chiều, phòng tôi nóng đỉnh điểm.
Bác Soni gõ nhẹ cửa phòng tôi. “Bữa tối của cháu này,” ông nói và đặt hộp cơm tối lên bàn học của tôi.
Tôi gật đầu cảm ơn. Trời đang quá nóng cho những câu xã giao. Tôi đã sắp xếp ổn thỏa chuyện ăn ở. Tuy nhiên thách thức chính của tôi ở Kota, ngoài việc thường xuyên phải tranh đấu với những ý nghĩ về Aarti, là đăng ký một khóa luyện thi tốt. Tôi đã dành ba ngày đi tới tất cả các trung tâm bồi dưỡng. Tôi nghe những tuyên bố hùng hồn của họ về việc đưa được bất cứ con khỉ đột nào vào IIT. Tôi xem qua những cơ cấu học phí hết sức linh hoạt (nhưng cũng hết sức đắt đỏ) của họ. Bansal, Resonance và Career Path có vẻ như là lựa chọn hàng đầu của mọi người. Mỗi trung tâm này lại có các kỳ thi tuyển riêng, khá là khó. Trên thực tế, Kota bây giờ còn có cả những lò luyện nhỏ để luyện thi vào các lớp luyện thi hàng đầu. Từ đó bạn sẽ được luyện để thi vào đại học kỹ thuật. Một khi đỗ rồi bạn sẽ học để trở thành kỹ sư. Tất nhiên hầu hết các kỹ sư lại muốn học MBA. Vì thế, quy trình luyện thi lại bắt đầu lần nữa. Vòng xoáy phức tạp này của các kỳ thi, các lớp học, sự tuyển chọn và ôn tập là tất cả những gì mà mỗi học sinh Ấn Độ mạt hạng như tôi phải trải qua để có được một cuộc sống tươm tất. Nếu không, tôi luôn có thể làm gác cổng như Birju hoặc nếu muốn mọi chuyện đơn giản hơn, treo cổ tự tử như Manoj Dutta, người bạn quá cố từng thuê phòng này.
Tôi bật cái quạt trần đã giúp Manoj thoát khỏi kỳ thi tuyển có tên gọi cuộc đời. Những cánh quạt làm lưu thông khí nóng trong phòng.
“Cậu gọi điện về nhà chưa?”
“Cháu gọi rồi,” tôi nói. Bác Soni hỏi tôi câu ấy ít nhất hai lần một ngày. Tôi đoán chắc Manoj Dutta không thường xuyên gọi điện về nhà, chính điều đó dẫn tới sự cô đơn và cái chết sớm của cậu ta.
“Báo tin thường xuyên cho họ, được chứ? Không ai yêu cháu hơn bố mẹ đâu,” bác Soni nói khi ra khỏi phòng.
Tôi đóng cửa và cởi áo. Đã mười ngày tôi không chèo thuyền. Cánh tay tôi có vẻ nhão đi. Tôi muốn tập thể dục, nhưng trước hết tôi phải xem hết mười triệu cuốn sách giới thiệu này đã.
Thật ra tôi đã gọi cho bố hai lần. Ông có vẻ ổn. Tôi nói với ông rằng tôi đã bắt đầu chuẩn bị cho năm tới, dù tôi không thể nào chịu được việc mở sách giáo khoa ra lần nữa. Tôi chẳng quan tâm. Tôi có vào lớp luyện thi nào thì cũng sẽ bị bắt học ngày học đêm.
Tôi muốn nói chuyện với Aarti trước. Tôi đã gọi cho nàng bốn lần mà chưa nói chuyện được với nàng lần nào. Hai lần đầu mẹ nàng nhấc máy. Bà lịch sự nói với tôi là Aarti ra ngoài - một lần đi với bạn và một lần khác đi nộp đơn đăng ký thi đại học. Hôm sau tôi gọi lại hai lần nữa và lại là mẹ nàng nhấc máy. Tôi bỏ máy mà không nói gì. Tôi không muốn mẹ Aarti cằn nhằn “Sao anh chàng này từ nơi xa xôi lại gọi con nhiều thế?” Việc đó không tạo ra ấn tượng tốt. Aarti nói là nàng sắp có điện thoại di động. Tôi mong là nàng có. Bây giờ có vẻ như ai cũng có điện thoại di động, hay ít nhất là những người giàu có.
Aarti không có số để gọi tôi. Ngày mai tôi sẽ thử lại lần nữa.
Tôi nhặt một cuốn sách giới thiệu màu xanh lá. Trên bìa có ảnh của vài người xấu xí nhất quả đất. Đó là hình của những người đứng đầu IIT từ trung tâm luyện thi này. Họ có những nụ cười rộng hơn nụ cười của người mẫu quảng cáo thuốc đánh răng, chỉ có điều hàm răng lại khác hẳn.
Vì sở thích của tôi là lãng phí thời gian nên tôi đã dành cả buổi chiều để so sánh những cuốn sách giới thiệu. Không, tôi không so sánh khóa học, tỉ lệ thành công hay cơ cấu học phí. Dẫu sao thì ai cũng tuyên bố rằng mình tốt nhất trong những lĩnh vực đó. Tôi so sánh ảnh những ứng cử viên thành công của họ; chỗ nào có anh chàng xấu trai nhất, chỗ nào có cô gái xinh nhất, nếu có. Việc này chả có ý nghĩa gì, nhưng ngay cả việc tôi đến Kota cũng chẳng có ý nghĩa gì cả.
Tôi xem cuốn sách giới thiệu của Bansal, chiếc chén thánh của vùng đất Kota. Học sinh của Bansal đeo phù hiệu trên vai, cho dù nói đúng ra họ vẫn chưa vào đại học. Học sinh Bansal là những người nổi tiếng ở Kota. Tôi phải qua được kỳ thi của họ. Tuy nhiên tôi không còn nhiều thời gian ôn tập cho kỳ thi sau ba ngày nữa. Thực tế là nhiều lớp luyện thi bắt đầu thi tuyển trong một tuần nữa. Đợt thi tiếp theo là sau một tháng. Tôi phải vào ngay một lớp nào đó. Lười biếng sẽ khiến tôi phát điên nhanh hơn cả người thuê phòng này trước đây.
Mỗi cơ sở luyện thi yêu cầu bạn nộp một ngàn đô tiền đơn đăng ký. Dù họ có tuyển bạn hay không, dù bạn có vào học hay không thì khoản phí này vẫn cứ phải nộp. Tôi có năm mươi ngàn rupi, bố hứa sẽ gửi thêm tiền sau sáu tháng nữa. Tôi không có nhiều tiền nên phải đăng ký có lựa chọn.
Tôi chọn ra năm cơ sở luyện thi - Bansal, Career Path, Resonance và hai cơ sở mới, rẻ hơn có tên là AimIIT và CareerIgnite.
Sách giới thiệu của AimIIT nói: “Chúng tôi tin vào quyền dân chủ được luyện thi của mỗi học sinh, vì vậy chúng tôi không tổ chức thi tuyển.” Điều này có nghĩa là họ không cùng đẳng cấp với những cơ sở hàng đầu để có thể tuyển chọn. Họ có thể viết cách khác như sau: “Nếu bạn có tiền, xin được chào mừng.”
Cả buổi chiều hôm đó tôi điền những mẫu đơn nhàm chán giống nhau, tôi tự khuyến khích mình bằng cách nói tôi sẽ gọi cho Aarti một lần nữa trước bữa tối.
Tôi ra ngoài đi dạo lúc 7 giờ tối. Ngoài phố đầy bọn học sinh mọt sách ra ngoài để hưởng khẩu phần không khí trong lành hằng ngày của mình.
Tôi tìm thấy một bốt điện thoại đường dài.
“Tôi nghe?” ông Pradhan nói giọng nghiêm nghị. Tôi bỏ điện thoại theo phản xạ. Đồng hồ tính cước trong bốt điện thoại rít lên.
“Cậu vẫn phải trả tiền đấy,” chủ cửa hiệu khó chịu nói. Tôi gật đầu.
Tôi cần phải nói chuyện với ai đó. Tôi đã gọi cho bố sáng nay rồi. Tôi gọi cho Raghav.
“Raghav, là tớ đây. Gopal. Gọi từ Kota,” tôi nói, những từ cuối nhỏ nhẹ.
“Gopal! Ôi, trời, bọn mình vừa nhắc đến cậu,” Raghav nói.
“Tớ? Thật à? Với ai?” tôi hỏi.
“Aarti đang ở đây. Cậu thế nào? Kota thế nào? Bọn tớ nhớ cậu.”
“Aarti ở nhà cậu à?” tôi hỏi, ngạc nhiên.
“Ừ, cô ấy muốn nhờ tớ chọn khóa học. Cô ấy không chắc chắn lắm về Tâm lý học.”
Aarti cướp điện thoại từ Raghav giữa chừng.
“Gopal! Anh ở đâu?”
“Ở Kota, tất nhiên rồi. Anh đã gọi cho em,” tôi nói. Tôi muốn hỏi nàng vì sao nàng lại đến nhà Raghav. Tuy nhiên đấy có vẻ không phải là cách tốt nhất để mở đầu câu chuyện.
“Sao anh không gọi lại? Em còn không biết cả số để gọi cho anh nữa,” nàng nói.
“Anh sẽ hỏi chủ nhà xem có được nhận điện thoại không. Nói anh biết bao giờ em về nhà. Anh sẽ gọi cho em. Anh muốn nói chuyện.”
“Nói ngay bây giờ đi. Có chuyện gì thế?”
“Sao anh có thể nói bây giờ được?”
“Tại sao?”
“Em đang ở với Raghav mà,” tôi nói.
“Thì sao?”
“Em làm gì ở nhà Raghav thế?”
“Chẳng làm gì. Nhìn chung là thế.”
Khi con gái dùng những câu lấp lửng như “nhìn chung là thế”, đó lại là lý do gây ra những mối lo cụ thể. Hoặc cũng có thể không phải. Có thể đó chỉ là do đầu óc phản ứng quá mức của tôi.
“Em phải chọn khóa học. Em nên đi học Tâm lý hay làm cử nhân Khoa học Gia đình?” nàng hỏi.
“Em muốn làm gì?” tôi hỏi lại.
“Em phải tốt nghiệp trước khi trở thành tiếp viên hàng không. Đấy là lý do duy nhất khiến em đi học. Em muốn học khóa nào dễ dễ thôi.”
“Ồ, thế là kế hoạch tiếp viên hàng không của em vẫn chưa chết,” tôi nói.
“Ừ, Raghav nói ta không nên dễ dàng từ bỏ giấc mơ của mình. Có thể cử nhân Khoa học Gia đình sẽ tốt hơn nhỉ? Có vẻ như liên quan đến ngành khách sạn. Hay là em đi Agrasen học quản lý khách sạn nhỉ?”
Tôi im lặng. Raghav tư vấn cho nàng? Nó là ai mới được chứ? Chuyên viên tư vấn sự nghiệp à? Hay là giờ nó được phép rao giảng chỉ vỉ nó đã thi đỗ kỳ JEE khốn kiếp?
“Nói em nghe nào, Gopi,” Aarti nói. “Em đang bối rối quá.” Sau đó tôi nghe tiếng cười khúc khích của nàng.
“Có gì vui thế?” tôi hỏi.
“Raghav đang giả vờ làm tiếp viên hàng không. Cậu ấy có một cái khay với đủ thứ,” nàng nói, rất thích thú.
“Anh sẽ nói chuyện với em sau,” tôi nói.
“Được rồi, nhưng nói em biết nên theo khóa nào,” nàng nói, giọng cuối cùng đã tỏ ra nghiêm túc.
“Hỏi Raghav ấy. Cậu ấy học giỏi hơn,” tôi đáp.
“Thôi nào Gopi. Đừng nói vớ vẩn.”
“Hãy nói chuyện khi em ở một mình,” tôi nói.
“Gọi em giờ này ngày mai nhé.”
“Được rồi, tạm biệt.”
“Tạm biệt,” Aarti nói.
“Anh nhớ em,” tôi nói, chậm mất một giây. Tôi chỉ nghe thấy một tiếng cạch trả lời.
Tôi về phòng mình, bữa cơm hộp tối và những cuốn sách giới thiệu đang đợi tôi. Tôi hình dung ra Aarti ở nhà Raghav, đầy tiếng cười vui. Ruột gan tôi sôi sùng sục.
Tôi nhặt một cuốn sách giới thiệu lên với vẻ chán ghét. Tôi lấy lưỡi dao cạo từ hộp cạo râu, cắt tấm ảnh bìa có những học sinh đỗ IIT và xé chúng tan nát.
Các lớp học ở Bansal không giống những trung tâm luyện thi nhỏ tổ chức trong những căn hộ bé xíu ở Varanasi. Nó giống một học viện hay một văn phòng công ty lớn. Tôi đứng trong một khu sảnh khổng lồ, tự hỏi mình sẽ làm gì tiếp theo. Học sinh và thầy giáo đi lại với vẻ quả quyết, như thể họ đang chuẩn bị phóng vệ tinh lên vũ trụ. Giống với nhiều lớp luyện thi khác ở Kota, học sinh mặc đồng phục để loại bỏ sự bất bình đẳng xã hội. Ở đây có những đứa trẻ giàu có từ Delhi, tiền tiêu vặt bố mẹ cho chúng còn nhiều hơn tiền cha tôi làm ra cả một năm. Mặt khác, ở đây cũng có cả những kẻ thất bại như tôi từ Varanasi, những kẻ không có tiền cũng chẳng đủ thông minh cần có để được ở đây.
Bình đẳng trang phục không có nghĩa là Bansal tin rằng tất cả các học sinh đều bình đẳng. Tại đây tồn tại một hệ thống đẳng cấp, tùy theo cơ hội đỗ kỳ thi đầu vào của bạn.
Một nhân viên phòng tiếp nhận hồ sơ cầm lấy tờ khai của tôi. “Có phải học sinh giỏi không?” ông ta hỏi.
Tôi tự hỏi mình phải trả lời câu hỏi này như thế nào. “Xin lỗi?”
“Nếu cậu đạt tổng 85% ở lớp 12, hoặc cậu được xếp hạng AIEEE trên 40.000 thì cậu được giảm giá ba mươi phần trăm,” quý ông đeo kính ngồi ở quầy giải thích cho tôi.
“Cháu được 79%. AIEEE xếp thứ 52,043,” tôi nói.
“Ồ. Trong trường hợp này cậu phải đăng ký vào chương trình trả đủ phí,” nhân viên tiếp nhận nói. Tôi không nhận ra rằng thứ hạng AIEEE có thể được quy đổi trực tiếp thành tiền.
“Cháu có được giảm giá gì không ạ?” tôi hỏi, băn khoăn không hiểu người ta có được mặc cả ở đây không?
“Tùy kết quả thi tuyển của cậu,” nhân viên đó nói và đóng dấu vào tờ khai của tôi. Ông ta đưa tôi tờ hóa đơn kiêm thẻ dự thi tuyển.
“Cháu có phải học ôn gì cho kỳ thi tuyển không ạ?” tôi hỏi.
“Cậu sẽ ôn được gì trong vòng hai ngày? Dẫu sao thì xét theo điểm số trông cậu cũng không có vẻ gì thông minh sáng láng cho lắm. Tôi khuyên cậu nên đăng ký vào những cơ sở khác,” ông ta trả lời.
“Cảm ơn, cháu sẽ đăng ký,” tôi nói.
Người nhân viên nhìn quanh để chắc chắn không ai nghe được chúng tôi. “Anh họ chú vừa lập một cơ sở. Chú có thể giảm giá cho cháu năm mươi phần trăm ở đó,” ông ta thì thầm.
Tôi im lặng. Ông ta đẩy cho tôi một tấm danh thiếp: Dream IIT.
“Phí tiền làm gì? Tài liệu học như nhau cả. Anh họ chú là giảng viên cũ của Bansal đấy.”
Tôi xem tấm danh thiếp.
“Đừng nói với ai, được chứ?” ông ta nói.
Tôi cũng có kinh nghiệm tương tự tại các cơ sở khác. Những bức tường được phủ kín bởi những tấm hình cỡ con tem của những thí sinh thi JEE thành công, gợi nhớ những tên khủng bố bị truy nã, chào đón tôi khắp nơi. Tôi cũng nhận ra rằng những cơ sở có uy tín thường ầm ĩ hơn về những kẻ “thi lại”. Dẫu sao thì chúng tôi cũng đã thất bại một lần và các cơ sở thì không muốn làm hỏng các con số thống kê của họ. Những cơ sở hàng đầu tuyên bố rằng mỗi năm họ đưa được tới năm trăm sinh viên mới vào IIT. Tất nhiên là những cơ sở này không bao giờ tiết lộ rằng họ thu nhận cả chục ngàn học sinh, và trong số đó chỉ có năm trăm người thành công. Điều đó có nghĩa là tỉ lệ thi đỗ chỉ là năm phần trăm. Tuy nhiên JEE có tỉ lệ đỗ chung nhỏ hơn hai phần trăm và các cơ sở ở Kota tuyên bố họ có thể đánh bại tỉ lệ đó. Việc sàng lọc trước các ứng cử viên có thể là lý do duy nhất lý giải tỉ lệ đỗ cao hơn trung bình. Tuy nhiên, những học sinh như tôi vẫn lao đến từ khắp đất nước, xếp hàng nộp tờ khai đăng ký.
AimIIT và CareerIgnite có ít người xếp hàng hơn. Thực tế là họ đưa ra cho tôi vài đề nghị liền ngay tại chỗ. Cơ sở thứ hai thậm chí còn đề nghị giảm giá hai mươi phần trăm.
“Chỉ giảm giá nếu cậu đăng ký ngay bây giờ, sẽ không còn nếu cậu quay lại,” một nhân viên bán hàng kiêm tiếp tân hùng hổ nói với tôi.
“Nhưng cháu vẫn chưa quyết định,” tôi phản đối.
“Cậu đến đây để vào Bansal đúng không?” anh ta nói và ném cho tôi cái nhìn biết tuốt.
Tôi im lặng.
“Tôi là học sinh cũ của Bansal,” anh ta nói.
“Có ai ở Kota mà không phải không?” tôi hỏi và ra khỏi nơi đó.
8
“Gopal! Được nghe giọng anh thật thích,” Aarti nói. Nàng nhận ra tôi ngay lập tức. Cảm giác đó thật tuyệt.
“Vớ vẩn. Em đâu có quan tâm,” tôi nói.
“Hừ. Ngốc thế. Em quan tâm chứ. Đầu tiên là, anh có số điện thoại để em gọi không đã?”
“Có,” tôi nói và cho nàng số của chủ nhà. “Nhưng đừng gọi nhiều quá. Ông chủ nói không được quá hai lần một tuần.”
“Thì sao nào? Chỉ có mỗi em gọi điện cho anh thôi mà, phải không?” nàng hỏi.
“Ừ. Mà cuộc sống của em thế nào? Anh ghét ở đây.”
“Tệ thế à? Anh đã bắt đầu học chưa?” nàng hỏi.
“Chưa, anh chịu. Thật khó mở lại những cuốn sách cũ. Có thể anh sẽ có động lực sau khi vào được lớp luyện thi.”
“Đáng lẽ em phải ở đấy, em sẽ khuyến khích được anh.” Nàng cười.
“Đừng đùa thế.”
“Anh sẽ ổn thôi, Gopi. Thêm một lần cố gắng nữa. Nếu anh qua được, anh sẽ có sự nghiệp.”
“Anh nhớ em,” tôi nói, không quan tâm lắm đến những thứ vô bổ như sự nghiệp của tôi.
“Ồ,” nàng nói, hơi có vẻ ngạc nhiên vì tôi chuyển chủ đề. “Em cũng nhớ anh.”
“Anh chẳng có ai cả, Aarti,” tôi nói.
“Đừng nói thế. Có bố anh. Raghav, em... Bọn em nói về anh rất nhiều.” Giọng nàng nhỏ dần.
“Sao bọn mình không thành một đôi nhỉ?”
“Đừng. Làm ơn đừng bắt đầu câu chuyện ấy lần nữa. Bọn mình đã nói đủ rồi,” nàng nói.
“Sao lại không? Em nói em nhớ anh. Em quan tâm đến anh. Thế thì sao?”
“Em quan tâm đến anh rất nhiều. Nhưng không phải theo cách ấy. Dù sao đi nữa thì chúng ta phải tập trung vào sự nghiệp của mình. Anh ở đó, còn em ở đây.”
“Nếu anh có bạn gái thì ít nhất anh có thể nói chuyện với cô ấy. Anh thấy cô đơn lắm, Aarti à,” tôi nói.
“Ôi, Gopal, anh nhớ nhà ấy mà. Nói chuyện với em bất cứ khi nào anh muốn. Hoặc chúng mình có thể chat.”
“Trên mạng à?” tôi đã thấy vài quán cà phê Internet cạnh nhà.
“Phải, anh đăng ký một tài khoản Gmail đi. Tài khoản của em là FlyingAarti@gmail.com. Mời em vào chat nhé.”
“Aarti đang bay,” tôi cười to.
“Im đi.”
Tôi cười to hơn.
“Ít nhất em cũng đã khiến anh vui lên,” nàng nói.
“Suy nghĩ về đề xuất của anh nhé,” tôi nói.
“Không có đề xuất nào cả. Còn bây giờ thì đừng phí tiền gọi điện. Bọn mình có thể chat vào các buổi tối. Em sẽ kể anh nghe về cuộc sống của em, anh kể về cuộc sống của anh. Được chứ?”
“Được rồi. Mà này. Anh nên vào lớp luyện thi có uy tín nhưng đắt hay những lớp mới nhưng rẻ hơn?”
“Luôn chọn lấy thứ tốt nhất trong khả năng của anh,” Aarti nói nhanh. “Còn bây giờ thì tạm biệt đã. Mọi người gọi em đi ăn cơm rồi.”
Một tuần ở Kota và tôi đã ra vài quyết định cho chính mình. Thứ nhất, tôi không qua được kỳ thi vào Bansal. Tôi có thể tham gia chương trình học từ xa riêng của họ, nhưng như thế việc tôi ở Kota chẳng còn ý nghĩa gì cả. Resonance tăng phí vào phút cuối. Chỗ này trở nên quá đắt với tôi, vì thế tôi không đến thi tuyển nữa. Tôi vào được danh sách chờ của Career Path.
“Cơ hội của cậu tốt đấy. Nhiều người sẽ vào Bansal hoặc Resonance,” nhân viên Career Path nói.
Thậm chí danh sách chờ của Career Path cũng có giá trị. AimIIT và CareerIgnite đề nghị giảm giá ba mươi phần trăm cho tôi.
“Cậu có năng lực đấy,” nhân viên AimIIT nói với tôi. “Cậu qua được Career Path, điều đó cho thấy cậu có tiềm năng. Giờ hãy học ở chỗ chúng tôi với chi phí thấp hơn và thi đỗ.”
“Cậu sẽ chìm nghỉm trong số hàng ngàn người ở Career Path. Ở Ignite cậu sẽ là người đặc biệt,” tay cựu học sinh Bansal đang điều hành một cơ sở cựu Bansal khác nói.
Tuy nhiên năm ngày sau Career Path thông báo là tôi đỗ. Tôi đưa cho nhân viên kế toán tờ séc hai mươi lăm ngàn rupi bằng đôi tay run rẩy.
“Đây sẽ là khoản đầu tư tốt nhất đời cậu,” nhân viên kế toán nói.
Tôi nhận những vật dụng cần thiết cho học kỳ đầu tiên - tài liệu học tập, thẻ nhận dạng, thời khóa biểu, hướng dẫn và một số biểu mẫu cần cho ba tháng tới. Tôi cũng nhận ba bộ đồng phục của Career Path. Mặc chúng lên trông tôi giống như nhân viên tiếp tân của một khách sạn rẻ tiền.
Tôi ra khỏi trung tâm với những bộ đồng phục trên tay.
“Xin chúc mừng!” một người đàn ông mặc áo choàng đen chặn tôi lại.
“Xin chào,” tôi không chắc mình phải nói gì.
“Tôi là Sanjeev. Ở đây mọi người gọi tôi là thầy Ròng rọc. Tôi dạy vật lý.”
Tôi bắt tay thầy. Rõ ràng là ở Kota không ai có thể giải toán ròng rọc như thầy Sanjeev. Tôi cũng sớm nhận ra rằng có những chuyên gia về từng môn học tại các cơ sở ở Kota. Career Path cũng có những phù thủy riêng của mình. Verma, thầy giáo toán, có biệt danh là Thần lượng giác. Thầy Jadeja dạy hóa. Học sinh kính phục gọi thầy là thầy Cân bằng. Thầy có một phương pháp cân bằng phương trình hóa học rất độc đáo. Theo như lời đồn đại thì thầy đang tìm cách xin bằng sáng chế cho phương pháp này.
“Em là Gopal, từ Varanasi.”
“Chương trình AIEEE?” thầy Ròng rọc hỏi.
“Cả JEE nữa, thưa thầy.”
“Tốt. Khả năng cao chứ?” thầy ám chỉ đến việc phân loại học sinh nội bộ trong Career Path.
“Không, thưa thầy,” tôi nói, cụp mắt xuống. Một khi bị điểm kém, bạn sẽ nhanh chóng học được cách cụp mắt xuống.
“Không sao. Nhiều học sinh khả năng không cao cũng vẫn đỗ. Tất cả phụ thuộc vào sự chăm chỉ.”
“Em sẽ cố gắng hết sức, thưa thầy,” tôi nói.
♦♦♦
Tôi đã có thể gọi mình là một người Kota chính hiệu sau một tháng tới đây. Giống như hàng ngàn học sinh khác, cuộc sống của tôi giờ đây đã có nhịp điệu. Career Path giống một trường học, nhưng không chút vui vẻ. Không ai làm ồn trong lớp, đùa với người khác hay nghĩ tới việc ngủ trong giờ. Dẫu sao thì tất cả đều tự mình chọn tới đây và đã phải trả giá cao để được học.
Chúng tôi có ba đến bốn lớp một ngày, bắt đầu từ buổi chiều. Trên lý thuyết điều đó cho phép học sinh lớp 12 hiện tại có thể đến trường vào buổi sáng. Trên thực tế, học sinh lớp 12 không bao giờ đến trường. Career Path đã có thỏa thuận với một trường CBSE có chính sách chuyên cần linh hoạt. Có tin đồn cho rằng trường CBSE này nhận được một khoản đút lót không nhỏ từ Career Path từ sự hợp tác này.
Hồi đầu tôi căm thù cái thời khóa biểu dã man của Career Path. Các giờ học bắt đầu lúc hai giờ chiều và kéo dài tới chín giờ tối. Sau đó học sinh về nhà ăn tối và làm “bài luyện tập hằng ngày”, khoảng mười bài tập dựa trên các bài giảng trong ngày. Tôi thường làm xong hết bài vào lúc nửa đêm. Sau khi ngủ vài giờ, tôi dậy và chuẩn bị cho lớp học ngày hôm sau. Giữa những lúc đó, tôi làm việc nhà như giặt quần áo và đi mua bán những đồ cần thiết. Tôi chấp nhận sự điên rồ này, cũng chẳng phải vì nhiệt tình ôn luyện mà chủ yếu vì tôi muốn giữ cho mình bận rộn. Tôi không muốn sự cô đơn ở Kota giết chết mình.
Một đêm lớp học của chúng tôi tan muộn. Tôi về đến quán cà phê Internet lúc chín rưỡi, muộn hơn giờ tôi và Aarti hay chat. Tôi ngạc nhiên khi thấy nàng vẫn còn trên mạng.
Tôi gõ một tin nhắn như lệ thường.
GopalKotaFactory: Hi!
FlyingAarti: Hey!! Đoán xem!
Nếu con gái là người đặt ra các quy tắc ngữ pháp trên đời này, thì ta hẳn chỉ có mỗi dấu chấm than mà thôi.
GopalKotaFactory: Gì vậy?
FlyingAarti: Em đang ở trong trường BHU. Trong trung tâm máy tính!
GopalKotaFactory: Sao thế được?
FlyingAarti: Raghav đã vào đại học. Cậu ấy đưa em đến đây. Cậu ấy nói em có thể đến và dùng máy tính bất cứ lúc nào.
GopalKotaFactory: Giờ chẳng phải quá muộn để ở trường cậu ấy rồi sao? Em sẽ về bằng cách nào?
FlyingAarti: Em đi xe đèn nháy của bố. Ai dám trêu trọc em chứ?
GopalKotaFactory: Em có thường đến thăm Raghav không?
Tôi đợi nàng gõ tin nhắn.
FlyingAarti: Câu hỏi kiểu gì thế? Anh có đếm những lần đến thăm bạn bè không?
GopalKotaFactory: Chỉ bạn bè thôi, đúng không?
FlyingAarti: Phải rồi, anh à. Anh nên làm nghề thám tử chứ không phải kỹ sư.
GopalKotaFactory: Hmmm.
FlyingAarti: Em chỉ đến xem trường cậu ấy thôi. Thế dạo này anh ra sao?
GopalKotaFactory: Anh ở Kota được một tháng rồi.
FlyingAarti: Ít nhất anh cũng không còn gọi đấy là chỗ khỉ ho cò gáy nữa!
GopalKotaFactory: Đúng thế. Anh cũng khá là bận rộn. Chỉ học và học. Bọn anh còn phải làm cả bài kiểm tra trên lớp nữa.
FlyingAarti: Anh làm được chứ?
GopalKotaFactory: Top nửa lớp. Không tệ đối với một lớp cạnh tranh nhau ghê thế.
FlyingAarti: Em chắc chắn là anh sẽ đỗ JEE lần này.
GopalKotaFactory: Ai biết được? Nếu anh đỗ, em sẽ hẹn hò với anh chứ?
FlyingAarti: LẠI THẾ NỮA RỒI!!!
GopalKotaFactory:?
FlyingAarti: Em thích bọn mình như bây giờ. Và chuyện đó thì có liên quan gì đến JEE? Em thích anh!!!
GopalKotaFactory: Đừng chấm than nhiều thế.
FlyingAarti: Hả??!!!
GopalKotaFactory: Không có gì. Thôi, anh phải về đây. Phải về làm bài tập về nhà.
FlyingAarti: OK.
Tôi chờ nàng bảo tôi chat thêm mấy phút nữa. Không phải chỉ OK cộc lốc như thế. Nàng còn không hỏi tôi đã ăn tối chưa nữa...
FlyingAarti: Anh ăn tối chưa?
GopalKotaFactory: Vẫn chưa. Về nhà anh sẽ ăn.
FlyingAarti: Hay đấy!
Khi con gái giấu giếm điều gì đó, họ bắt đầu nói chuyện như con trai và dùng những câu như “Hay đấy”.
GopalKotaFactory: Em thì sao?
FlyingAarti: Raghav mời em. Chỉ ăn ở căng tin thôi. Rẻ rề!
GopalKotaFactory: Em có vẻ phấn khởi nhỉ.
Nàng không trả lời. Nếu ai đó chần chừ khi chat với bạn, mỗi phút có vẻ kéo dài như hàng giờ. Cuối cùng thì nàng cũng gõ sau năm phút.
FlyingAarti: Gì cơ?
Tôi cũng muốn chơi trò chờ đợi với nàng. Nhưng tôi không chịu được quá mười giây.
GopalKotaFactory: Không có gì.
FlyingAarti: OK, mà Raghav ở đây này. Cậu ấy gửi lời chào. Em phải ăn nhanh rồi về nhà đây. Nói chuyện sau nhé. Xoxo...
Tôi không hiểu “xoxo” có ý nghĩa gì. Chữ x thường là ôm và o là hôn. Tôi không nghĩ Aarti có ý ấy.
Nàng thoát ra. Tôi còn hai mươi phút dùng Internet. Tôi dùng thời gian này làm những thứ mà hầu hết các cậu trai đến đây làm - lướt website chính thức của IIT hoặc xem ảnh khiêu dâm. Tôi nghĩ rằng đó là hai thứ mà các cậu trai muốn nhất ở Kota. Ít nhất thì các trung tâm luyện thi có thể giúp ta có được một trong hai thứ này.
9
Tính đến đêm trước sinh nhật Aarti tôi đã ở Kota được ba tháng. Lần đầu tiên tôi đã cố gắng vào được nhóm hai nhăm phần trăm đầu trong bài kiểm tra trên lớp. Thầy Cân bằng chúc mừng tôi. Môn hóa của tôi đã lên thêm được hai mươi điểm. Thầy Ròng rọc không hài lòng với trình độ lý trung bình của tôi. Thầy Shirshir, còn được gọi là đại sư Hoán vị, ngừng vài giây cạnh chỗ tôi ngồi vì điểm toán của tôi đã tăng thêm mười phần trăm.
Ngồi trong giờ lý, tôi cất bài làm trong túi. Tôi nhìn quanh giảng đường ba trăm chỗ. Thầy Ròng rọc đang nói vào một cái micro xách tay, gõ gõ mỗi khi cảm thấy chúng tôi sao nhãng.
Tôi vẫn còn một con đường dài trước mặt. Để có thể cảm thấy tự tin sẽ giành được một chỗ trong IIT, ít nhất ta phải lọt vào nhóm năm phần trăm đứng đầu trong một lớp của Career Path.
“Một chỗ trong IIT không phải chuyện đùa đâu,” thầy Ròng rọc nói, cho dù trước giờ chẳng có ai tuyên bố nó là chuyện đùa cả.
Nâng được thứ hạng của mình trong một lớp học siêu cạnh tranh như thế này không hề dễ dàng. Bạn phải sống, thở và ngủ IIT.
Hai mươi học sinh đứng đầu mỗi lớp được đối xử như người của hoàng gia. Họ được gọi là Gems (đá quý), một danh hiệu vẫn khó hiểu đối với tôi. Gems là viết tắt của Group of Extra Meritorious Students, tức Nhóm những sinh viên đặc biệt xuất sắc. Gems bao gồm những anh chàng siêu đầu to mắt cận, những kẻ thích giải bài vật lý hơn là làm tình và lấy việc ghi nhớ bảng tuần hoàn hóa học làm thú vui. Career Path chăm sóc Gems rất cẩn thận, vì đó là những học sinh có tiềm năng rơi vào top một trăm trong kỳ thi JEE và trở thành đồ trang hoàng cho những trang quảng cáo tương lai. Gems được đối xử trân trọng, như người ta có thể hình dung nhân viên của hãng xà phòng Lux đối xử với đại sứ thương hiệu Katrina Kaif của họ.
Tôi còn chưa tiến tới được gần cơ hội trở thành một trong những học sinh Gems. Tuy nhiên nằm trong nhóm hai lăm phần trăm đầu bảng cũng thích. Tôi muốn báo tin này cho Aarti. Ngoài ra, tôi cũng đã nói với nàng rằng tôi sẽ là người đầu tiên chúc mừng sinh nhật nàng.
Tôi đến bốt điện thoại đường dài lúc gần nửa đêm. Tôi nhấc máy lúc 11 giờ 58 phút và quay số của nàng. Tôi nhận tín hiệu báo máy bận. Tôi thử lần nữa nhưng vẫn không kết nối được. Tôi thử năm lần nhưng đường dây vẫn bận.
“Để khách hàng khác gọi với chứ,” chủ hiệu nói.
Thật may là chỉ có duy nhất một người khác xếp hàng sau tôi - một học sinh chờ gọi điện cho mẹ ở Guwahati để chúc mừng sinh nhật bà. Tôi kiên nhẫn đợi tới khi cậu ta gọi điện xong lúc 12 giờ 5 phút sáng.
Tôi lao đến bốt điện thoại và gọi Aarti lần nữa. Đường dây vẫn bận. Sau vài lần thử, người chủ hiệu nhìn tôi thông cảm. Ông ta nói phải đóng cửa hiệu lúc 12 rưỡi. Tôi thử gọi lại nhiều lần, mỗi cuộc cách nhau hai phút, nhưng không thành công.
Không biết tại sao nhưng tôi quyết định gọi đến nhà Raghav. Giờ là tối thứ sáu và tôi biết Raghav cuối tuần sẽ về nhà. Tôi chần chừ một giây trước khi nhấn số cậu ta. Tất nhiên là điện thoại reo muộn thế này sẽ làm cả nhà giật mình. Tuy nhiên, sự nghi ngờ của tôi là đúng. Đường dây bận.
Tôi liên tục gọi lần lượt số của Raghav và Aarti. Tôi không kết nối được với cả hai.
Những lời chúc tốt đẹp của tôi dành cho Aarti biến mất khi sự phấn khích của tôi nhường chỗ cho cơn giận dữ.
Tại sao Raghav phải chúc mừng nàng lúc nửa đêm? Và chúc sinh nhật lại tốn thời gian đến thế hay sao?
Chủ hiệu gõ cửa sổ bốt điện thoại. “Cảnh sát sẽ quấy rầy tôi nếu tôi còn mở cửa.”
“Chú có biết chỗ nào có bốt điện thoại đường dài còn làm việc không ạ?” tôi hỏi.
“Ngoài ga xe lửa,” chủ hiệu nói. Ông ta tắt biển hiệu.
Không chiếc tuk tuk nào chịu chạy đến ga xe lửa vào giờ này với giá chấp nhận được. Nếu chạy bộ thì tôi có thể vượt năm cây số trong nửa tiếng.
Tôi đến sân ga số 1 của ga Kota lúc 1 giờ sáng; thở hổn hển sau khi chạy bộ năm cây số. Thậm chí vào giờ này nhà ga vẫn sôi động. Một đoàn tàu vào ga và những hành khách vé không số ghế lao đến chiếm chỗ ngồi.
Tôi tìm được một bốt điện thoại đường dài và gọi cho Aarti. Lần này thì điện thoại reo. Tôi hít một hơi dài. Tôi không tự hào lắm về tính khí của mình. Tôi muốn kiểm soát nó khi cô gái được chúc mừng sinh nhật nhấc máy.
“Tôi nghe,” nhưng người nhấc máy lại là Chánh án Pradhan.
“Chào chú? Thưa chú, cháu Gopal đây ạ,” tôi buột miệng trong lúc đáng ra phải gác máy. Sau ngần ấy lần gọi, tôi phải được nói chuyện với nàng.
“À, ừ. Cầm máy nhé,” ông nói và lớn tiếng gọi Aarti.
Aarti lại gần chiếc điện thoại. Tôi có thể nghe được tiếng nàng nói chuyện với cha.
“Con còn nói chuyện điện thoại bao nhiêu lâu nữa? Bạn bè con cứ gọi đến suốt,” bố nàng cằn nhằn.
“Sinh nhật con mà bố,” Aarti nói và cầm máy.
“Chúc mừng sinh nhật, Aarti,” tôi nói, cố ra giọng phấn khởi.
“Hey Gopal! Cảm ơn anh. Anh chu đáo quá. Anh thức để chúc mừng sinh nhật em đấy à?”
Anh đã chạy năm cây số và sẽ phải đi bộ thêm năm cây số để về, tôi muốn nói thế nhưng thôi. “Anh cố gọi em cả tiếng đồng hồ rồi.”
“Thật sao?” Aarti nói.
“Ừ, nhưng máy lúc nào cũng bận. Em nói chuyện với ai thế? Anh đã muốn là người đầu tiên chúc mừng em,” tôi nói.
“À, là mấy người anh em họ, anh biết đấy, họ đang ở bên Mỹ. Em còn có bà cô bên ấy mà, anh nhớ chứ?”
Giọng nàng nghe hết sức điềm nhiên. Aarti quên mất là tôi đã biết nàng được tám năm. Tôi có thể cảm nhận được khi nàng nói dối.
“Họ gọi điện thoại đường dài cả tiếng đồng hồ cơ à?”
“Cái gì mà một tiếng? Em nói chuyện với họ có hai phút thôi. Chắc em để kênh máy. Bỏ qua đi nhé. Anh thế nào? Mong sao có anh ở đây.”
“Em có mong thật không?”
“Có chứ. Tất nhiên rồi! Em nhớ anh,” Aarti nói, giọng nàng chân thật tới mức khó mà tin được nàng vừa nói dối tôi mười giây trước.
“Nếu em để kênh máy thì ai đặt nó lại thế?”
“Gopal! Đừng có tra khảo em nữa. Em ghét kiểu đó lắm. Hôm nay sinh nhật em mà.”
“Còn em thì nói dối trong ngày sinh nhật à?”
“Cái gì?”
“Em có dám thề trên tình bạn của chúng ta là Raghav không gọi đến không?”
“Cái gì?” Aarti to tiếng. “Thề à? Bọn mình bao nhiêu tuổi rồi, mười tuổi à?”
“Cậu ấy có gọi điện, phải không? Em nói chuyện với cậu ấy. Đang có chuyện gì giữa hai người thế?”
“Hôm nay là sinh nhật em. Anh đừng làm căng thẳng lên thế được không?”
“Em chưa trả lời câu hỏi của anh.”
“Muộn rồi. Bố đang lượn xung quanh. Ngày mai mình chat nhé? Sau khi em tan học?”
“Anh phải đi học,” tôi nói.
“Chủ nhật. Chat vào Chủ nhật nhé, vào tầm trưa, được không?”
“Aarti, hãy thành thật với anh. Anh đánh giá cao sự thành thật,” tôi nói.
“Tất nhiên rồi. OK, thôi tạm biệt nhé. Bố đang lườm em rồi. Thật đấy!”
“Tạm biệt,” tôi nói.
Tôi đi bộ về nhà, cố gắng không khóc.
Hãy chờ đến Chủ nhật, tôi tự an ủi mình.
♦♦♦
Chủ nhật nàng không lên mạng. Tôi ở quán cà phê Internet hai giờ liền. Mười hai giờ. Một giờ. Hai giờ. Tôi chỉ có thể xem ngần ấy ảnh khiêu dâm thôi. Tôi đã tải về đủ phim khiêu dâm để mở một một thư viện video. Tôi không thể nào chịu đựng được nữa.
Giữ một lời hứa đơn giản lại khó khăn đến như thế sao? Tôi đã chẳng làm gì ngoài việc đợi đến Chủ nhật để nói chuyện rõ ràng với nàng. Chính nàng đã hẹn, không phải tôi. Tôi muốn giải tỏa cơn giận của mình, nhưng không có cửa nào.
Tôi đá cái máy tính trong cơn giận dữ. Máy tắt.
“Cậu làm cái gì thế?” người chủ quán chạy đến.
“Xin lỗi, tính khí cháu hơi có vấn đề. Cháu vẫn đang cố sửa,” tôi nói và lao ra ngoài.
Tôi đến bốt điện thoại đường dài. Tôi gọi số nhà nàng. Mẹ nàng nhấc máy.
“Chào cô, cháu Gopal đây ạ.”
“Chào Gopal,” mẹ Aarti nói cộc lốc. Chồng bà là Chánh án, nhưng bà còn kênh kiệu hơn ông.
“Cô ơi, Aarti có nhà không ạ?”
“Nó đi Kanpur với Raghav từ sớm rồi.”
“Kanpur?” tôi hỏi, thấy bị sốc. Nàng đã đi cùng với Raghav đến một nơi cách Varanasi ba trăm cây số.
“Ừ, có lễ hội gì đấy ở IIT Kanpur. Raghav là thành viên nhóm tranh luận. Con bé cũng tham gia. Đi hát, cô nghĩ thế.”
“Vâng ạ,” tôi nói, băn khoăn không biết nên hỏi thêm câu gì để lấy thêm thông tin.
“Có gì quan trọng không?” mẹ Aarti hỏi.
Trời ạ, quan trọng lắm cô ạ. Cháu muốn biết con gái cô có đang diễn trò không.
“Không có gì gấp gáp cả. Tối nay họ về phải không ạ? Đường đi không mấy an toàn đâu ạ,” tôi nói.
“Tất nhiên rồi. Con bé đi bằng xe công. Có vệ sĩ.”
Tôi muốn cử vệ sĩ riêng của mình đến cạnh Aarti.
“Cảm ơn cô,” tôi nói.
“Được rồi. Cháu cứ học đi. Sau đó có thể cháu cũng vào được đại học và vui vẻ như Raghav.”
“Vâng, thưa cô,” tôi nói.
Tôi xem ví. Tôi chỉ còn một trăm đô còn lại từ số tiền một ngàn đô hằng tháng mà tôi tự dành cho mình. Vẫn còn mười ngày nữa mới hết tháng Mười một. Tôi tự mắng mình đã tiêu quá nhiều tiền vào việc gọi điện.
Có lúc tôi tự bảo mình đừng chạy theo nàng nữa. Cứ để cho nàng email hay gọi điện lại. Nhưng ngay sau đó tôi lại không thể nghĩ tới điều gì khác ngoài nàng. Tôi có một cuộc đối thoại điên rồ với chính mình.
Nàng không thể hẹn hò với cậu ta được. Nàng nói nàng vẫn chưa sẵn sàng cho một mối quan hệ. Nếu nàng sẵn sàng, nàng sẽ hẹn hò với mình, Ngài Lạc quan nói.
Tuy nhiên Ngài Bi quan không bị thuyết phục.
Được rồi, Raghav đẹp trai hơn. Nhưng Aarti không đến nỗi nông cạn thế, tôi đã biết nàng cả chục năm rồi, Ngài Lạc quan lý luận.
Raghav có tương lai tươi sáng hơn, Ngài Bi quan cãi.
Nhưng liệu nàng có chọn một anh chàng chỉ bằng điểm thi JEE không? Nàng là con gái, đâu phải một trường đại học, Ngài Lạc quan vặn lại.
Nàng thấy cậu ta hài hước, Ngài Bi quan lại tiếp tục.
Nàng thấy anh hề trong rạp xiếc cũng hài hước, Ngài Lạc quan không đầu hàng.
Đầu tôi phát nhức vì hai thằng ngốc bên trong không chịu ngừng tranh cãi. Con gái không hề biết được sự thiếu nhất quán của họ tác động thế nào lên bọn con trai. Tôi muốn nói chuyện với Aarti. Tôi muốn lắc vai nàng và bắt nàng phải nói.
Cơn nóng giận của tôi lại bùng phát. Tôi muốn chạy tới ga Kota để nhảy tàu đi Varanasi. Tôi không còn nghĩ được gì tới thầy Cân bằng hay điểm của tôi hay là cơ sở Career Path dở hơi ấy nữa.
Raghav mà làm gì Aarti thì mình sẽ giết chết nó.
Tôi bấm chuông sáu lần liền khi về đến nhà.
“Mọi việc ổn chứ?” bác chủ nhà hỏi.
“Cháu không có việc mẹ gì mà phải tự tử đâu, được chưa?” La hét giúp ta giải tỏa căng thẳng.
“Gì cơ?” ông bị sốc vì ngôn ngữ của tôi.
“Cháu xin lỗi,” tôi nói. Người ta không văng tục lung tung khi nói chuyện với chủ nhà.
Cả đêm tôi không ngủ. Tôi tự đánh mình vì nghĩ tới nàng nhiều đến thế.
Nàng là đồ nói dối, lật lọng và độc ác, tôi tự nhủ tới lần này là lần thứ năm mươi.
Nhưng nàng cũng là người mà tôi không thể không nghĩ đến. Tình yêu, về cơ bản mà nói, là một thứ chó chết.
10
Chúng tôi có bài kiểm tra bất ngờ ở lớp ngày hôm sau - tôi làm rất tệ. Trong giờ hóa, thầy Cân bằng mắng tôi vì tôi không thể trả lời được dù chỉ một câu đơn giản. Tôi không quan tâm. Tôi chỉ muốn có được cô gái này.
Tôi chạy đến quán cà phê Internet sau giờ học. Nàng không vào mạng. Tôi không biết mình phải làm gì. Gọi điện cho nàng lần nữa thì tuyệt vọng quá.
Tôi có một tuần khủng khiếp ở Career Path. Điểm của tôi tụt xuống mười tám phần trăm. Bốn phần năm lớp học tốt hơn tôi. Career Path có một phần mềm chọn ra những sinh viên tiến bộ nhiều nhất hay kém đi nhiều nhất. Tôi thuộc loại thứ hai.
“Không thể chấp nhận được,” thầy Shirshir, đại sư Hoán vị và là người kèm cặp tôi trong Career Path nói.
“Em xin lỗi, thưa thầy,” tôi nói.
“Hy vọng là em không thân với bạn xấu.”
“Em không có bạn. Không có bạn thân thiết nào cả đâu ạ,” tôi thành thực.
“Thế thì tìm vài đứa đi,” thầy Shirshir nói. “Em cần bạn bè ở Kota để còn xoay xở chứ.”
Tôi nhìn thầy Shirshir. Trông thầy trẻ và thành thực. “Tôi biết chuyện ấy rất khó. Chính tôi cũng là một sản phẩm của Kota.”
Chủ nhật tôi lại đến quán cà phê Internet. Vẫn như thường, không có email. Tuy nhiên năm phút sau nàng lên mạng.
Một phần trong tôi chống cự. Nhưng tôi vẫn bắt đầu chat trước.
GopalKotaFactory: Hi.
Hai phút không thấy nàng trả lời. Tôi gửi thêm một câu “hi” nữa.
FlyingAarti: Hi Gopal.
Nàng không gọi tôi là Gopi. Chuyện này có vẻ không bình thường.
GopalKotaFactory: Em giận à?
FlyingAarti: Em Ổn.
Cái “Em Ổn” của một cô gái, đặc biệt là với chữ Ô viết hoa cũng tương tự tín hiệu “phía trước có băng trôi” đối với con tàu.
GopalKotaFactory: Mình chat được không?
FlyingAarti: Với điều kiện là anh không được quát em.
GopalKotaFactory: Anh xin lỗi đã quát em hôm nọ.
Tôi muốn nói thêm là nàng đã cho tôi leo cây, không chat với tôi hôm Chủ nhật trước. Tôi muốn hỏi vì sao nàng đến IIT Kanpur với Raghav. Tuy nhiên nếu tôi quá mạnh tay thì nàng lại cho tôi liều thuốc im lặng có thể giết chết tôi mất. Đầu tiên và trước hết, tôi phải moi thông tin từ nàng đã.
GopalKotaFactory: Em biết bệnh nóng tính của anh mà. Anh vẫn đang sửa.
FlyingAarti: Được rồi. Lời xin lỗi được chấp nhận.
Tôi lấy làm ngạc nhiên khi cuối cùng mình là người xin lỗi trong khi nàng mới là người nợ tôi một lời xin lỗi. Con gái có bao giờ nhận lỗi không nhỉ? Một điều hay khi chat trên Internet là ta có thể kiểm soát được những cơn nóng giận của mình. Tôi hít một hai hơi thật sâu và gõ một câu vô thưởng vô phạt.
GopalKotaFactory: Có chuyện gì vui không?
Khi đang nghi ngờ, hãy bám lấy những câu hỏi mở.
FlyingAarti: Chẳng có gì nhiều. Đi học bận lắm. Em có thêm mấy người bạn, không nhiều.
GopalKotaFactory: Có ai đặc biệt không?:)
Tôi đặt một biểu tượng mặt cười mang tính chiến lược sau câu hỏi. Nó che giấu sự tò mò và cơn giận gay gắt của tôi.
FlyingAarti: Thôi nào, Gopi.
Đây rồi, biệt hiệu của tôi đã quay lại. Tâm trạng nàng đã sáng sủa hơn.
GopalKotaFactory: Không sao mà. Nói anh biết đi. Em không nói anh biết được à? Anh là bạn thân nhất của em mà.
FlyingAarti: Em không biết nữa. Anh sẽ giận dữ lắm.
Tim tôi bắt đầu đập nhanh. Tôi chậm chạp gõ từng chữ.
GopalKotaFactory: Em cứ nói đi. Để xem thế nào nào.:):):)
Tôi thêm thật nhiều mặt cười chỉ để nàng cảm thấy thoải mái hơn mà nói ra.
FlyingAarti: Uh, có một người đặc biệt.
Một con dao han gỉ thọc vào ngực tôi. Tôi kiềm chế cơn đau và gõ tiếp.
GopalKotaFactory::)
FlyingAarti: Anh biết anh ấy mà.
GopalKotaFactory::)
FlyingAarti: Thực ra là biết rất rõ.
GopalKotaFactory: Ai vậy?:)
FlyingAarti: Ngài BHU, còn ai vào đây nữa.
Bây giờ con dao đang đâm xuyên qua tim tôi. Tôi nghiến chặt răng.
GopalKotaFactory: Thật vậy sao?:)
Thở tiếp đi, dùng mặt cười tiếp đi.
FlyingAarti: Phải. Anh ấy bị điên rồi. Raghav điên rồ ngu xuẩn!!! Anh ấy đã bẫy em.
GopalKotaFactory: Vậy là... hai người rất thân thiết?
FlyingAarti: Gần như thế.
Tôi không thể dùng mặt cười tiếp được nữa.
GopalKotaFactory: Gần như thế?
FlyingAarti: Suỵt. Đừng hỏi những chuyện ấy nữa.
GopalKotaFactory: Thế bọn em làm chuyện ấy chưa?
FlyingAarti: Rẻ tiền quá, Gopi. Chưa, vẫn chưa.
GopalKotaFactory: Ý là sao?
FlyingAarti: Ý là suýt nữa... Ôi, đừng làm em xấu hổ.
GopalKotaFactory: Cái khốn kiếp gì thế chứ?
FlyingAarti: Xin lỗi?
GopalKotaFactory: Anh nghĩ em không quan tâm đến chuyện ấy.
FlyingAarti: Chuyện gì?
GopalKotaFactory: Em nói em chỉ cần tình bạn thôi. Với anh. Với mọi người.
FlyingAarti: Em có nói thế à? Em không biết nữa. Chuyện đó chỉ tự nhiên xảy ra thôi.
GopalKotaFactory: Làm thế nào mà chuyện ấy lại tự nhiên xảy ra được? Em cũng chỉ tự nhiên cởi quần áo ra thôi ư?
Cơn nóng giận của tôi quay lại và chiếm quyền điều khiển tôi.
FlyingAarti: Anh ăn nói cẩn thận nhé.
GopalKotaFactory: Tại sao? Em trong trắng lắm hay sao? Hành xử cứ như con đĩ.
Nàng không trả lời. Tôi tiếp tục.
GopalKotaFactory: Em nói anh biết tại sao được không? Tại vì thứ hạng JEE của nó à?
FlyingAarti: Im đi Gopal. Anh ấy với em có gắn kết rất đặc biệt.
GopalKotaFactory: Thật sao? Cái gì làm cho nó đặc biệt vậy? Em có thổi kèn cho nó không? Ở đâu? Trong ký túc xá hay ở Kanpur?
Nàng không trả lời. Tôi nhận ra mình đã nói quá nhiều. Tuy nhiên ta không thể rút lại một dòng chat đã gửi đi. Tôi không muốn xin lỗi lần nữa. Tôi tiếp tục đợi câu trả lời.
Sau ba phút một tin nhắn thoáng hiện trên màn hình của tôi. FlyingAarti đã thoát.
Tôi tải lại màn hình. Tôi nhận được một tin nhắn mới. FlyingAarti không còn nằm trong danh sách liên lạc nữa. Nàng đã xóa tôi khỏi danh sách liên lạc của nàng.
“Cậu cần thêm thời gian không?” chủ quán net hỏi tôi.
“Không, không cần nữa đâu, còn lâu nữa mới cần.” Tôi đáp.
Ngày Aarti cắt đứt liên lạc với tôi là ngày tôi ngừng làm bài tập về nhà. Tôi cũng không đến quán net nữa. Thay vào đó, tối nào tôi cũng la cà ở quán trà vỉa hè Chaman gần nhà mình. Các cậu học trò, một tay giữ chén trà, tay kia cầm vở bài tập, ngồi trên một tá ghế dài gỗ. Tôi không đem sách vở gì đến quán. Tôi chỉ ngồi đấy, giết thời gian, nhìn ngắm đám đông và uống trà.
Tới một ngày tôi không còn tiền để thanh toán hóa đơn.
“Cháu xin lỗi,” tôi nói với Chaman, người chủ quán, “ngày mai cháu sẽ đem tiền đến. Cháu quên ví ở nhà rồi.”
Một người không quen biết tiến đến và đưa cho chủ quán mười đô. “Vô tư đi,” người mới đến nói với tôi.
“Ồ, cảm ơn,” tôi nói.
“Bansal à?” cậu ta hỏi trong lúc nhận tiền trả lại.
“Career Path,” tôi nói. “Ngày mai tớ sẽ trả tiền cậu. Tớ quên ví ở nhà.”
“Cứ thoải mái đi,” cậu ta nói và chìa tay ra. “Tớ là Prateek. Từ Raipur.”
Khuôn mặt lởm chởm râu ria khiến cậu ta trông giống một nghệ sĩ hơn là một thí sinh IIT.
“Thi lại à?” Prateek hỏi.
Tôi gật đầu.
“Bỏ cuộc,” cậu ta nói.
“Là sao?”
“Đã thử Kota nhưng không ăn thua. Giờ thì tớ lang thang ở đây cho lành.”
Tôi cười. “Tớ lọt top 50.000 AIEEE. Tớ nghĩ tớ có thể có cơ hội nếu thử lại.”
“Cậu có muốn thử lại không?” Prateek nói.
Tôi im lặng. Chúng tôi ngồi xuống cái ghế đầu gỗ bên ngoài quán.
“Trông cậu như sắp sửa bỏ cuộc rồi đấy,” cậu ta nói.
“Tớ ổn. Hơi cạn tiền một tí. Sắp phải thanh toán lần nữa ở Career Path. Nhưng bố tớ không có nhiều tiền.”
“Quay về đi,” Prateek nói. Cậu ta châm một điếu thuốc và đưa nó cho tôi. Tôi từ chối.
“Tớ không thể. Tất cả hy vọng của ông được đặt vào tớ. Bố sẽ vay tiền và gửi cho tớ.”
Prateek ngửa đầu thở khói lên trời.
“Tớ đã vào top hai lăm phần trăm,” tôi nói, lý giải cho sự tồn tại của mình ở đây.
“Đã? Cậu vẫn đang đi học đấy chứ?”
“Tớ hơi bị tụt mấy tuần trước.”
“Vì sao?”
“Chẳng sao cả.” Tôi làm một hớp trà.
Prateek uống hết cốc của cậu ta và gọi cốc khác. “Vì cô gái nào phải không?” cậu ta hỏi.
“Tớ không biết cậu. Tớ sẽ trả lại cậu mười đô. Đừng dò hỏi nữa,” tôi nói.
“Bình tĩnh nào anh bạn, tớ chỉ đang nói chuyện thôi mà,” cậu ta cười và vỗ vai tôi.
Tôi im lặng, hình ảnh của vô số những lần bơi thuyền với Aarti lướt qua đầu tôi. Cái cách tôi chèo thuyền bằng tay trần. Cái cách nàng xoa bóp tay cho tôi sau đó... tôi thả lỏng cánh tay, nhớ lại.
Mình ghét nàng. Nhưng mình nhớ nàng.
Prateek hút liền hai điếu thuốc không nói một câu.
“Đúng là một cô gái đấy,” tôi miễn cưỡng nói.
“Bỏ cậu à?” cậu ta nhe răng.
“Chưa từng đến với tớ.”
“Thỉnh thoảng chuyện như vậy cũng xảy ra. Bọn mình là những kẻ thua cuộc. Mọi thứ không dễ dàng mà đến. Điểm số, thứ hạng, con gái - chẳng có gì dễ với bọn mình cả.”
“Phải, ai cũng bịp bọn mình cả. Từ những lò luyện ở Kota cho tới con khốn ở nhà,” tôi nói.
“Con khốn à? Cậu có vẻ vui tính đấy.” Prateek đập tay với tôi.
“Tớ về nhà đây.”
“Bọn mình không có nhà. Bọn mình giống những kẻ bị kẹt ngoài vũ trụ. Vô gia cư, không trường học, không đại học, không nghề nghiệp. Chỉ còn Kota thôi.” Cậu ta nháy mắt với tôi.
Prateek học ở Resonance. Thi lại lần hai. Cậu ta đã bỏ cuộc lần đầu, bây giờ cậu ta cũng đã gần như bỏ cuộc. Chúng tôi thành bạn bè, tối nào cũng gặp nhau ở quán Chaman.
Đến một ngày, trà dường như là không đủ. Thầy Ròng rọc đã đuổi tôi khỏi lớp.
“Ông ta đuổi cậu thì sao chứ. Đây đâu có phải là đại học thực,” Prateek nói.
“Tớ ngủ gật. Bài giảng chán quá,” tôi nói.
Cậu ta cười vang.
“Tớ vừa nộp tiền lần hai hôm nay. Vậy mà họ vẫn làm thế với tớ.”
“Thư giãn đi nào, hôm nay bọn mình cần thứ gì đó nặng hơn trà.” Prateek nói. Chúng tôi ra khỏi quán.
“Đi đâu đây?”
“Về nhà tớ,” cậu ta nói.
Phòng Prateek trông không giống nơi ở của một học sinh thi lại chăm học ở Kota. Số chai bia nhiều hơn sách, đót thuốc lá nhiều hơn bút. Thay vì chương trình học của Resonance, trên tường treo đầy ảnh những phụ nữ thiếu vải.
“Cậu an cư ở đây thật rồi,” tôi nói.
“Tớ mong là thế nếu tớ có thể. Bố mẹ sẽ ngừng chu cấp cho tớ sau năm nay,” cậu ta nói. Cậu ta lấy một chai Old Monk trong tủ ra. Cậu ta rót cho tôi một ly rum. Vị của nó kinh khủng.
“Sau năm nay thì sao?” tôi hỏi.
“Chẳng có gì. Đưa bố mẹ tớ về thực tế thôi. Cả hai người đều là giáo viên. Hy vọng là sau khi phung phí hai năm rưỡi tiền tiết kiệm cả đời họ sẽ nhận ra rằng con trai của họ chẳng thể đỗ bất cứ kỳ thi đầu vào nào.”
“Cậu có thể nếu cậu thật sự cố gắng.” Tôi nói và đặt ly rượu sang một bên.
“Không, tớ không thể,” Prateek nói, giọng cậu ta cương quyết. “Tỉ lệ đỗ nhỏ hơn ba phần trăm. Hầu hết chúng ta đều không thể qua được kỳ thi này, lý thuyết xác suất cơ bản thôi mà. Nhưng ai nhét được điều đó vào đầu cha mẹ chúng ta? Thôi, làm một hơi hết ly của cậu đi.”
Rượu rum có vị như một thứ thuốc nóng bỏng và đắng ngắt. Tôi tống nó xuống cổ. Tôi phải vượt qua được chuyện Aarti. Đôi khi, cách duy nhất để thoát khỏi một cảm giác cay đắng là thay thế nó bằng một cảm giác cay đắng khác.
Tôi xin một ly nữa, rồi một ly nữa. Sau đó, Aarti có vẻ không còn khiến tôi đau đớn nữa.
“Cậu yêu con bé chứ?” Prateek hỏi.
“Tình yêu là gì vậy?”
“Tình yêu là thứ bố mẹ tặng cậu nếu cậu thi đỗ IIT,” cậu ta nói.
Chúng tôi đập tay. “Tớ nghĩ là có,” tôi nói sau một lúc.
“Bao lâu rồi?” cậu ta châm thuốc.
“Tám năm.”
“Chúa ơi! Các cậu gặp nhau lúc mới đẻ trong bệnh viện à?” Prateek kêu lên.
Tôi lắc đầu. Trong ba giờ tiếp theo tôi kể cho cậu ta nghe chuyện tình đơn phương của mình. Từ ngày tôi trộm hộp cơm trưa của nàng tới ngày nàng xoa bóp tay cho tôi lần đầu tiên, cho đến tận khi nàng thoát khỏi phòng chat và xóa tôi khỏi danh sách liên lạc.
Prateek im lặng lắng nghe.
“Vậy cậu nghĩ sao? Nói gì đi chứ,” tôi nói. Tôi ngạc nhiên khi thấy cậu ta còn thức.
“Cậu có thể nói nhiều phết đấy!” cậu ta rót nốt chỗ rum còn lại cho tôi.
“Xin lỗi,” tôi ngượng nghịu. “Tớ có làm cậu chán không?”
“Không sao. Cố quên con bé đi. Chúc phúc cho cô ta với anh chàng JEE ấy đi.”
“Tớ không thể quên được cô ấy. Tớ không học được một ngày nào từ khi cô ấy ngừng nói chuyện với tớ.”
“Đừng lo. Cậu sẽ có một cô khác. Ai cũng có một cô cả. Kể cả bọn xếp hạng bét. Cậu nghĩ vì sao mà Ấn Độ lại đông dân thế chứ?”
“Tớ sẽ không bao giờ lấy vợ,” tôi nói.
“Để rồi? Cưới tay cậu à?” Prateek phá lên cười.
Đàn ông đúng là bọn vô dụng. Họ giấu sau những câu chuyện cười nhạt lẽo sự bất lực của mình khi nói về những mối quan hệ.
“Tớ đi đây.” Tôi nói.
Cậu ta không ngán tôi. Cậu ta nằm trên sàn, quá mệt để leo lên giường. “Đừng buông tay, anh bạn!” cậu ta hét theo tôi khi tôi ra khỏi nhà.
Đừng buông tay. Đúng vậy rồi. Thủ thuật của những cuộc thi tuyển này đó là bạn không bao giờ được buông tay. Bạn cần có kế hoạch rõ ràng. Bạn giỏi môn nào, yếu môn nào? Bạn có đang cày những môn yếu với giáo viên không? Bạn có nắm được sát sao trình độ của mình ở các kỳ thi thử không? Bạn chỉ nghĩ đến thi cử cả ngày chứ? Bạn có ăn thật nhanh, tắm thật nhanh để có thêm thời gian học tập không? Nếu bạn trả lời “có” cho tất cả những câu hỏi này, thì chỉ khi đó bạn mới có thể nói là mình không buông tay. Đó là cách duy nhất để có cơ hội kiếm được một chỗ. Tất nhiên, bạn có thể là một trong những học sinh có năng khiếu tự nhiên, những kẻ không bao giờ phải học nhiều. Nhưng hầu hết chúng ta chẳng phải như vậy, nhờ thừa kế hệ gien tầm thường của bố mẹ mình. Trớ trêu thay, chính những người cha người mẹ truyền cho ta thứ gien ngu ngốc đó lại cần nhiều thời gian nhất để hiểu ra rằng con cái họ không phải là bản sao của Einstein.
Tôi đã buông tay, ít nhất là trong suốt ba tháng sau khi Aarti bỏ tôi. Anh chàng Prateek ham chơi đã trở thành người bạn mới và duy nhất của tôi. Tôi vẫn đi học, dù những cơn nhức đầu sau cơn say làm tôi không hiểu nổi các cấu trúc Benzen hay đồng vị phóng xạ. Tôi cố gắng làm bài tập, nhưng không tập trung nổi. Các thầy giáo bắt đầu nhìn tôi như một kẻ bỏ cuộc và không còn chú ý đến tôi nữa. Tôi trở thành học sinh cá biệt, một trong những đứa vô vọng còn được ở lại vì đã nộp tiền cho trung tâm luyện thi.
Tôi còn gặp một vấn đề khác. Phí sinh hoạt của tôi tăng lên vì tôi phải trả thêm tiền rượu. Prateek đãi tôi vài lần, nhưng sau đó cậu ta đề nghị tôi trả phần của mình. Tôi biết bố đã phải vay tiền để thanh toán lần học phí gần đây và không còn tiền. Tuy nhiên, tôi không còn nhiều lựa chọn.
Một đêm, tôi gọi về nhà từ bốt điện thoại đường dài.
“Xin lỗi bố, tuần trước con không gọi về nhà,” tôi nói.
“Không sao. Con phải học nhiều mà,” giọng bố rất yếu.
“Bố, có một vấn đề nhỏ,” tôi nói.
“Gì vậy?”
“Con cần mua sách mới. Mấy cuốn sách tốt nhất cho môn toán.”
“Con không mượn ai đó được à?”
“Khó lắm ạ,” tôi đáp. “Ai cũng muốn giữ sách của mình mà.”
Bố ngừng lời. Tôi im lặng, cố gắng hồi lại sau khi nói ra quá nhiều điều dối trá cùng một lúc.
“Bao nhiêu?”
“Hai ngàn. Là sách nhập ạ.”
“Được rồi.”
“Bố có tiền không?”
“Bố sẽ gửi tiền sau một tuần, được chứ?”
“Bố đã vay bao nhiêu rồi?” tôi hỏi.
“Năm mươi ngàn,” ông nói. “Bố đã gửi cho con ba mươi ngàn, nhưng còn cần thêm một ít để sửa mái nhà.”
“Còn hóa đơn viện phí của bố thế nào?”
“Bố nợ bệnh viện hai mươi ngàn.”
“Bố vẫn sẽ vay thêm phải không?”
“Có thể.”
“Có bao nhiêu thì gửi con bấy nhiêu nhé. Con phải đi đây, gọi điện đắt lắm,” tôi nói, muốn chấm dứt thử thách này càng sớm càng tốt.
“Con sẽ đỗ phải không, Gopi?”
“Vâng, vâng, con sẽ đỗ.”
Tôi gác máy, cảm giác thật kinh khủng. Tôi quyết định sẽ học chăm hơn. Tôi sẽ trở lại nhóm hai lăm phần trăm và sau đó là nhóm năm phần trăm. Tôi quyết định sẽ học cả đêm. Thế nhưng, tôi lại đói rượu rum trước. Quyết tâm của tôi yếu đi. Tôi đến nhà Prateek và ở đó gần như cả đêm. Chẳng gì có thể khuyến khích tôi học cả. Thế rồi đến ngày sinh nhật của tôi.
11
Năm tháng sau khi tôi đến Kota là đến ngày sinh nhật của tôi. Tôi không nghĩ về nó như một ngày đặc biệt và vẫn có ý định đến lớp như bình thường. Tuy nhiên, tối muộn trước ngày sinh nhật của tôi, bác Soni gõ cửa.
“Có ai đó gọi điện đến, hỏi cậu.” Giọng bác có vẻ buồn ngủ.
“Ai vậy ạ?” tôi ngạc nhiên. “Bố cháu à?”
“Một cô gái.” bác Soni nói. “Và nhân tiện, chúc mừng sinh nhật.”
“Cảm ơn bác,” tôi nói và nhấc điện thoại. Có thể là ai được nhỉ? Tôi nghĩ. Cô giáo từ Career Path? Tôi có làm gì sai không nhỉ?
“Chúc mừng sinh nhật, Gopal.” Những lời nói tuyệt vời của Aarti như những giọt mưa rơi xuống buổi chiều nóng bức ở Kota. Cảm xúc dâng trào trong tôi. Tôi cảm thấy choáng ngợp.
“Aarti?” tôi hỏi, không kìm được nước mắt lăn trên má.
“Anh vẫn nhận ra giọng em à? Em đã nghĩ mình sẽ chơi trò đoán giọng cơ đấy. Mình nói chuyện được không? Em có làm phiền anh không đấy?”
Tôi đã hình dung ra cảnh này - nói chuyện với Aarti - hàng triệu lần trong đầu. Tôi nghĩ tôi sẽ cục cằn với nàng nhưng tất cả những trò diễn tập tâm lý ấy đều đổ sông đổ biển. “Không, không đâu Aarti,” tôi nói. “Em không làm phiền gì đâu.”
Hàng tháng rồi chưa bao giờ tôi cảm thấy vui hơn thế. Sao sinh nhật chỉ đến một năm một lần nhỉ?
“Rồi, có làm gì đặc biệt trong ngày sinh nhật không anh?” Aarti hỏi.
“Không hẳn. Sẽ đi ăn tối với một người bạn thôi.”
“Bạn? Hẹn hò phải không?” nàng nói bằng giọng tinh nghịch đặc trưng của mình.
“Prateek. Một cậu bạn,” tôi nói.
“Ồ, vậy à,” Aarti nói. “Được đấy.”
“Anh xin lỗi vì buổi chat lần trước.”
Nàng im lặng.
“Anh không nên nói những lời ấy. Nhưng rồi em cắt liên lạc...”
“Chưa ai nói với em như thế bao giờ cả.”
“Anh xin lỗi.”
“Không sao. Dẫu sao hôm nay là sinh nhật của anh. Em không muốn anh cảm thấy tệ hại.”
“Raghav thế nào?” tôi hỏi, không thể kiểm soát được mình. Tôi muốn biết về tình trạng quan hệ của họ hơn mọi thứ khác.
“Anh ấy ổn. Xong học kỳ một ở BHU rồi.”
“Chắc học hành thật lực.”
“Không, cũng không nhiều lắm. Thực ra thì anh ấy đang làm biên tập cho tạp chí của trường. Lúc nào cũng nói đến chuyện ấy.”
“Hay quá,” tôi nói. Nàng vẫn chưa nói với tôi về chuyện hai người họ. Tôi không muốn tọc mạch quá như lần trước.
“Anh ấy tuyệt lắm, Gopal. Anh phải thấy anh ấy, thấy anh ấy muốn làm nhiều việc cho thế giới này như thế nào?”
Tôi không phản đối chuyện Raghav làm bất cứ thứ gì cậu ta muốn cho thế giới, chừng nào cậu ta để yên cho duy nhất một người thôi. “Anh chưa bao giờ nói cậu ấy là người xấu,” tôi nói.
“Tốt rồi. Và em hạnh phúc với anh ấy. Nếu anh quan tâm đến em như một người bạn, anh nên chấp nhận chuyện đó.”
“Chúng ta vẫn là bạn chứ?” tôi hỏi.
“Em sẽ không nói chuyện với anh nếu mình không phải bạn bè, đúng không?”
Tôi muốn nói với nàng rằng nàng đã không nói chuyện với tôi suốt ba tháng nay. Tuy nhiên, con gái sẽ rất giận nếu bạn đưa ra chứng cớ trái ngược với niềm tin của họ.
“Phải, anh đoán thế,” tôi nói, ngừng lời một chút trước khi tiếp tục. “Vậy mình có thể nói chuyện chứ?”
“Phải, chừng nào anh không làm em khó chịu. Và...”
“Và gì?”
“Chấp nhận Raghav và em.”
“Anh có lựa chọn nào không?”
“Vấn đề ở chỗ ấy. Em muốn anh vui vẻ chấp nhận chuyện ấy. Em cũng sẽ mừng cho anh nếu anh tìm được cô gái trong mơ của mình.”
Vậy đấy, Raghav là người đàn ông trong mơ của nàng.
Con dao gỉ sét quay lại bụng tôi. Tôi băn khoăn không biết nói gì. “Anh chấp nhận,” tôi nói sau một lúc. Hơn mọi thứ, tôi không muốn một lần nữa bị cắt đứt với nàng. Cuộc sống của tôi ở Kota đã trở thành địa ngục sau khi nàng biến mất.
“Được rồi. Vì em nhớ anh,” nàng nói. “Như nhớ một người bạn.” Nàng nhấn mạnh điều kiện cuối cùng.
Con gái luôn để lại những câu tinh tế làm điều kiện để sau này bạn không thể bật lại họ. Như kiểu nếu tôi nói với nàng “nhưng em nói em nhớ anh” thì nàng sẽ nhảy lên và nói, “nhưng em nói là như nhớ một người bạn cơ mà!” như thể chúng tôi đang ở tòa vậy. Thật là khó để hiểu con gái. Tôi cá là đội Gems ở Career Path cũng chẳng thể hiểu được.
“Anh còn đấy không?” nàng nói, cắt đứt dòng suy nghĩ của tôi.
“Còn.”
“Được rồi, em phải đi đã. Chúc mừng sinh nhật lần nữa nhé.”
“Cảm ơn em, tạm biệt. Sẽ nói chuyện hay chat...” tôi nói và ngưng lại.
“Em sẽ thêm anh lại vào địa chỉ chat.” Nàng cười.
“Xin lỗi lần nữa nhé!”
“Đừng ngốc thế, chàng trai sinh nhật ạ. Nếu anh ở đây thì em sẽ véo má anh,” nàng nói.
Vậy đấy. Nàng lại làm thế - lại làm tôi bối rối bằng cách ném ra một câu đầy tình cảm. Nàng có thích tôi hay không? Ờ mà Raghav mới là người đàn ông của nàng cơ mà, tôi tự nhắc mình.
“Sẽ chat sau nhé.” nàng nói và cúp máy.
Tôi thấy vui đến mức muốn hôn cả tờ hướng dẫn làm bài vật lý đang nằm trên bàn học. Tôi muốn học. Tôi muốn sống.
Career Path không bao giờ hiểu được vì sao tôi lại vào được danh sách những học sinh tiến bộ nhiều nhất. Aarti đã khiến tôi quay lại học tập vô cùng nghiêm túc. Có thể đó chỉ là câu chào đơn giản “Hôm nay anh thế nào?” khi chat. Tôi cũng muốn có trách nhiệm với nàng và muốn báo cho nàng biết hôm nay tôi đã chăm chỉ ra sao. Tôi kể với nàng về những phương trình được dạy trên lớp, lời phê thầy giáo cho tôi (đặc biệt là lời khen) và chuyện tôi sẽ thức học muộn như thế nào.
Sâu trong lòng, tôi vẫn muốn gây ấn tượng với nàng. Tôi chưa bao giờ từ bỏ ý định làm nàng thay đổi tình cảm. Ngài Lạc quan chưa bao giờ đầu hàng.
Có thể hôm nay nàng sẽ nói với mình rằng chuyện giữa nàng và Raghav không đi đến đâu, hoặc rằng nàng gắn kết với tôi nhiều hơn so với cậu bạn trai của nàng.
Tuy nhiên, nàng chẳng bao giờ nói thế, dù rằng đôi khi nàng đã tới rất gần. Một lần nàng nói với tôi rằng Raghav là đồ sâu bọ cứng đầu. Nàng nói câu đó sau khi Raghav hai lần thất hẹn đi xem phim với nàng để chạy kịp tiến độ xuất bản số tạp chí trường cậu ta. Tôi không thể hình dung ra người đàn ông nào có thể bỏ qua cơ hội ở bên Aarti. Tôi có thể bỏ cả bài thi thử ở Career Path, chứ đừng nói là tiến độ của một tạp chí ngớ ngẩn nào đó. Nhưng tôi không nói điều đó với nàng. Tôi biết vị trí của mình: tôi, người không bao giờ có thể so sánh bản thân với Raghav.
Một buổi tối tôi chat với nàng và nói về kết quả học tập trên lớp của mình.
GopalKotaFactory: Anh được xếp thứ 20 rồi đấy.
FlyingAarti: Thứ 20 gì cơ?
GopalKotaFactory: Phần trăm của anh trên lớp. Có nghĩa là 80% lớp học kém hơn anh. Kết quả tốt nhất của anh từ trước đến nay đấy!
FlyingAarti: Ồ! Hay quá!
GopalKotaFactory: Đường vẫn còn xa lắm.
FlyingAarti: Anh làm được mà, vẫn còn thời gian.
GopalKotaFactory: Ít lắm. Chỉ còn hai tháng nữa là đến JEE và AIEEE rồi.
FlyingAarti: Anh sẽ ổn thôi.
GopalKotaFactory: Anh hy vọng thế. Anh đã bị trượt chân hồi giữa khóa học.
FlyingAarti: Sao vậy?
GopalKotaFactory: Không có lý do gì rõ ràng. Thiếu tập trung thôi. Tóm lại là anh muốn thoát khỏi Kota lắm rồi.
FlyingAarti: Em biết... Lâu lắm rồi em không nhìn thấy anh. Nhớ anh.
GopalKotaFactory: Thật chứ?
FlyingAarti: Tất nhiên rồi. Raghav lỡ hẹn xem Chak de lndia với em cả tuần rồi. Nếu anh ở đây thì em đã có thể đi xem cùng anh.
GopalKotaFactory: Em sẽ đi xem phim với anh chứ?
Nàng không trả lời. Tôi chờ năm phút.
GopalKotaFactory:??
GopalKotaFactory: Em còn đấy không?
Nàng không trả lời. Tôi băn khoăn không hiểu mình có nói điều gì không đúng không. Tim tôi bắt đầu đập nhanh. Tôi lại viết sau năm phút.
GopalKotaFactory: Này, em giận à? Anh xin lỗi nếu anh nói gì sai... Em không cần...
FlyingAarti: Này, em xin lỗi... Bạn trai gọi điện xin lỗi. Anh ấy xong việc rồi. Bọn em đi xem phim đây!!
GopalKotaFactory: Ừ, hay quá.
FlyingAarti: Anh vừa nói gì đấy... chờ tí. Tất nhiên rồi, bọn mình có thể đi xem phim sau khi anh quay về. Sao anh lại xin lỗi?
GopalKotaFactory: Không có gì, anh chỉ thấy...
FlyingAarti: Thư giãn đi nhé. Giờ em phải đi chuẩn bị đây.
GopalKotaFactory: Tốt rồi.
FlyingAarti: Em phải thật đẹp để anh ấy còn chú ý. Nếu không anh ấy lại soát lỗi mấy bài báo trong khi đi chơi mất.
GopalKotaFactory: Được rồi. Anh cũng phải học đây.
FlyingAarti: Hai tháng nữa. Sau đó chúng ta sẽ rất vui đấy.
GopalKotaFactory: Phải rồi. Cảm ơn.
FlyingAarti: Tạm biệt. Xoxoxo.
Và FlyingAarti thoát khỏi phòng chat.
Tôi đi về nhà chậm chạp hết mức có thể. Cuối cùng thì tôi cũng chẳng có gì để trông đợi ngoài những cuốn sách. Tôi cố không hình dung ra hai người bọn họ trong rạp, tay nắm tay. Tôi tự hỏi không hiểu mình có nên liên lạc với Aarti hay không. Tuy nhiên, tôi vẫn nhớ vực thẳm lần trước mình đã rơi xuống. Vài cú đâm vào tim vẫn tốt hơn là bị suy sụp tinh thần hoàn toàn.
Các giáo viên ở Career Path nhắc chúng tôi đi ngủ lúc 8 giờ tối vào đêm trước kỳ thi JEE. Tiết học cuối, chúng tôi được nghe những bài diễn văn khích lệ. Thầy Cân bằng đưa ra ví dụ về những người nổi tiếng, từ Mahatma Gandhi cho tới Muhammad Ali, những người không bao giờ đầu hàng và cuối cùng đã chiến thắng bất chấp mọi thứ. Tôi giơ nắm đấm như Ali, lao ra khỏi trung tâm như Gandhi, để thi đỗ một trong những kỳ thi tuyển khó khăn nhất trên thế giới. Trên đường về nhà, tôi gọi điện cho hai người mà tôi nghĩ có thể chúc tôi may mắn.
“Chúc con những điều tốt lành nhất, Gopi của ta. Ngày mai là cơ hội để vinh danh dòng họ của con,” bố nói.
“Cảm ơn bố,” tôi nói, kết thúc nhanh cuộc nói chuyện.
Sau đó tôi quay số của Aarti.
“Tôi nghe,” một giọng đàn ông làm tôi ngạc nhiên. Không giống giọng bố nàng.
“Làm ơn cho nói chuyện với Aarti,” tôi nói.
“Được thôi, ai đấy ạ?” giọng nói đó hỏi.
“Gopal.”
“Chào Gopal, Raghav đây mà,” giọng nói trả lời.
Tôi suýt đánh rơi điện thoại. “Raghav?” tôi nói. Đã gần một năm tôi không nói chuyện với cậu ta.
“Cậu không liên lạc gì cả, Gopal à. Dù đấy cũng là lỗi của tớ nữa,” Raghav nói.
Tôi không biết Raghav có biết nhiều về chuyện tôi và Aarti hay không, đặc biệt là vụ cãi vã và nối lại liên lạc sau đó. Tôi hỏi một chủ đề chung chung với một giọng cũng chung chung. “BHU thế nào?”
“Vẫn ổn. Cũng giống những trường đại học khác thôi. Có điều cơ sở vật chất tốt hơn. Cậu thế nào?”
“Ngày mai thi JEE. Cậu cũng có thể đoán ra đấy.”
“Tớ biết. Trường tớ cũng là địa điểm thi mà. Cậu không đến đấy thi à?”
“Tớ phải đi học đến phút cuối cùng. Thêm nữa, buổi ôn tập cuối cùng cho AIEEE bắt đầu ngày mai.”
“May mà tớ qua được hết những thứ ấy rồi, anh bạn ạ,” Raghav cười. Không có ý xấu, nhưng tôi nhăn mặt. Khi ai đó gián tiếp nhắc đến điểm yếu của bạn, thật chẳng dễ chịu gì.
“Tớ cũng thế, hy vọng là sắp thôi,” tôi nói.
“Cậu sẽ đỗ thôi. Aarti nói với tớ là cậu học tốt.”
Vậy là họ cũng có nói chuyện về mình, tôi nghĩ. “Ai biết được? Còn tùy vào đề bài nữa. Học tài thi phận mà.”
“Đúng vậy,” Raghav nói.
Chúng tôi có một thoáng lúng túng không-có-gì-để-nói. Là lỗi của cậu ta, vì cậu ta quên mất là tôi gọi cho Aarti. “Ờ, thế Aarti có đấy không?”
“Có chứ, chờ một giây.”
Tôi nghe tiếng nàng cười rúc rích. Tôi tự hỏi không biết Raghav có đùa cợt gì về tôi không.
“Chào! May mắn nhé, chàng trai JEE,” Aarti nói.
“Cảm ơn em. Anh cần lời chúc ấy.”
“Em đã đến chùa Vishwanath,” Aarti nói, “để cầu nguyện cho anh.”
“Vậy ư?”
“Phải. Em bắt chàng Raghav lười biếng này đi tắm và đi cùng với em,” nàng nói và lại cười. “Bọn em vừa về... Này, Raghav, thôi đi... thôi... Chờ tí, Gopal.”
Tôi trả tiền điện thoại đường dài để nghe tiếng họ đùa cợt. Tôi nghe thấy Aarti bảo Raghav thôi không bắt chước nàng nữa. Nhưng có lẽ Raghav không còn chuyện gì hay hơn để làm.
“Này?” tôi hỏi sau sáu mươi giây.
“Ừ, xin lỗi nhé,” Aarti nói khi đã bình tĩnh lại. “Được rồi, giờ thì em đã thoát được anh ấy rồi. Gopi, anh sẽ siêu tự tin lúc vào phòng thi nhé, hứa với em đi.”
“Ừ.” tôi đáp, như một đứa trẻ vâng lời. Tôi thích bản năng làm mẹ của nàng đối với tôi.
“Em muốn anh cảm thấy rằng anh có thể đạt được bất kỳ điều gì anh muốn trong cuộc đời. Vì em biết là anh có thể,” Aarti nói.
Anh không có được em, tôi muốn nói thế với nàng. Dẫu sao tôi cũng cảm kích vì nàng đã khích lệ tôi trước thử thách lớn. “Xong AIEEE và bốn tiếng sau anh sẽ lên tàu.”
“Ừ, bọn em cũng sẽ đợi. Về sớm nhé. Khi anh có kết quả, bọn mình sẽ cùng ăn mừng chiến thắng.”
“Nếu anh đỗ,” tôi nói.
“Đừng nghĩ như thế. Hãy tin là anh đã đỗ rồi,” Aarti nói, “vì em mà.”
Câu nói cuối cùng của nàng là tất cả đối với tôi. Phải, tôi muốn thành công - vì nàng.
Tôi thi ở thành phố khác, nhưng địa điểm thi JEE ở Kota vẫn cho tôi cảm giác giống y như năm ngoái. Phụ huynh đến bằng taxi hay xe hơi. Vài học sinh nhà khá giả đi thi bằng xe có điều hòa. Các bà mẹ biện lễ và cầu cúng cho con cái họ, thật trớ trêu, là ngay trước khi chúng vào phòng thi thể hiện trình độ khoa học của mình. Tôi không có ai trong gia đình đến để làm bộ làm tịch với mình. Tôi không quan tâm. Chấm tilaka trên trán và sữa ngậm trong miệng không quan trọng. Một khi đã vào phòng thi, bạn phải đánh bại chín mươi chín phần trăm của nửa triệu thí sinh đang ngồi trong các phòng thi khắp cả nước.
Tôi khởi đầu tốt. Tôi giải mấy bài đầu tương đối dễ dàng. Phần giữa khó hơn. Một số câu hỏi nằm trong phần này đã được dạy vào thời kỳ tôi say sưa và trầm cảm ở Kota. Tôi bị kẹt ở một bài. Tôi nghĩ mình có thể giải được nó, bị ám ảnh và lãng phí mất mười phút. Tôi cho là mình gặp khó khăn trong việc từ bỏ. Mười phút rất quan trọng trong kỳ thi JEE. Tôi thầm đá mình một cú trong đầu và chuyển sang bài tiếp theo. Tôi cố tiếp tục giải nhiều bài hết mức có thể trước khi tiếng chuông kinh hoàng vang lên.
Giám thị giật bài làm của tôi mặc tôi van xin ông ta cho tôi viết thêm câu trả lời cuối cùng. Bỏ sót một câu có thể đẩy tôi rớt xuống năm trăm bậc, nhưng mà... JEE đã kết thúc!
“Tình hình thế nào?” tối hôm đó bố hỏi tôi.
Tôi cố gắng trung thực hết sức. “Tốt hơn lần trước ạ.”
“Tốt. Nhưng đừng vội xả hơi. Tập trung hết sức vào AIEEE nhé.”
“Vâng ạ.” tôi nói.
Aarti và tôi chat một lát. Như thường lệ, nàng làm tôi yên lòng về mọi chuyện. Nàng đang được nghỉ học kỳ. Cha mẹ nàng lên kế hoạch cho một chuyến đi cả gia đình sang Mỹ, đến thăm cô của nàng.
“Kể cả nếu em không gọi điện hay chat được, em sẽ gửi email cho anh từ Chicago,” nàng nói. Nàng có gửi cho tôi một hai email để chúc tôi may mắn trong kỳ thi AIEEE.
Aarti cũng viết cho tôi là Raghav đang được nghỉ và đang thực tập ở một tờ báo địa phương.
“Vậy là bố Raghav không vui vẻ lắm với chuyện cậu con trai kỹ sư tương lai lại đi làm việc ở tòa báo. Nhưng em thấy chuyện ấy thì có gì sai?” Aarti viết cho tôi trong một bức thư.
Trong lúc mọi người đi nghỉ ở nước ngoài và thỏa mãn những thú vui của họ thì tôi thi AIEEE. Kỳ thi qua rất tốt, tốt hơn nhiều so với lần trước. Tuy nhiên, đây là bài thi dựa trên tốc độ. Bạn không thể biết mình có thi tốt hay không so với những người khác. Đúng được bảy mươi phần trăm câu hỏi đã là may mắn rồi. Tôi cảm giác lần này mình đã làm tốt hơn nhiều. Dẫu sao thì tôi cũng đã nộp bài làm, chạy về nhà và đóng gói đồ đạc. Tôi đã chịu hết bản án Kota của mình.
Prateek đến đưa tôi ra ga. Cậu ta giúp tôi cất mấy cái túi nặng vào ngăn hành lý.
“Bao giờ cậu về Raipur?” tôi hỏi.
“Bất cứ lúc nào họ đến đón tớ,” Prateek nói xẵng và vẫy tay tạm biệt.