Số lần đọc/download: 8385 / 21
Cập nhật: 2016-04-24 14:23:00 +0700
Chương 3 -
N
hìn Sao Khuê ủ rũ như con mèo ướt bên ly nước xí muội, Phương Du chép miệng:
- Mày đúng là thất tình thiệt rồi. Tàn tạ dung nhan, phờ phạc tâm hồn vì một gã phu xe. Lãng mạn thật! Nhưng có đáng không nhỉ mà cả tuần này, ngày nào mày cũng bắt tao vào quán này ngồi để ngóng phụ mày một người xa lạ.
Sao Khuê phất tay:
- Tao đâu có ép mày vào quán, mày tự nguyện, giờ lại cằn nhằn. Thôi về đi...
Phương Du liếc cô một cái dài sọc:
- Hứ! Về được đã chẳng ngồi đây.
- Vậy thì đừng có than nha.
- Không than, nhưng tao muốn biết cái gã... đó như thế nào mà khiến mày bệnh một trận nặng quá sức.
Khuê gân cổ:
- Tao bệnh là tại tao mắc mưa, chớ ăn thua gì tới ai.
- Phải không đấy?
Sao Khuê bưng ly uống từng ngụm nhó và nghe buồn thấm vào tim. Cô ngập ngừng:
- Những gì tao biết về Viễn, tao đã kể hết với mày rồi.
Phương Du nói:
- Những cái biết đó mông lung còn hơn sương khói. Gã ta đúng là bí hiểm. Tự xưng mình là tài xế chạy xe ba gác, nhưng mở miệng lại văn vẻ như nhà thơ.
Sao Khuê thở dài:
- Bởi vậy tao có cảm giác tao đã gặp Viễn trong một giấc mơ, chớ không có thật.
Nhìn sang bên kia đường, Du nói:
- Nhưng ngôi nhà hai … đứa bây đục mưa vẫn sờ sờ kia kìa.
- Đành là vậy, khổ là người thì đã biền biệt nơi đâu rồi. Hôm đó, cái quán này đóng cửa nếu không tao đã chui vào cho ấm rồi chứ đâu đứng dưới mái hiên nhà người.
Phương Du hóm hỉnh:
- Nếu thế thì có gì hay để về già kể cho con cháu nghe.
Sao Khuê buồn so:
- Chẳng lẽ tao không bao giờ gặp lại Viễn?
Du chống tay dưới cằm, giọng dài ra:
- "Người đâu gặp gỡ làm chi
Trăm năm biết có duyên gì hay không?"
Muốn biết... vụ này, chắc tao phải đưa mày đi coi bói. Tao biết một bà bói bài hay lắm.
Sao Khuê lắc đầu nguầy nguậy:
- Thôi! Tao không đi đâu. Lỡ thầy bói nói "không" thì sao?
- Thì tụi bây vô duyên chứ sao nữa.
Phương Du chăm chú nhìn Khuê:
- Hỏi thiệt nha! Mày bị... sét đánh hả?
Thấy Khuê làm thinh. Du lại hỏi:
- Nhắm gã Viễn đó có bị... sét đánh như mày không?
Sao Khuê tự tin:
- Chắc có.
Du kêu lên:
- Sao mày biết.
- Nhìn trong mắt Viễn, tao thấy có một nỗi gì nồng nàn, da diết tao không thể quên được.
Phương Du lắc đầu:
- Trời ơi! Chết mày rồi! Cô Hiệp mà nghe thì... thì...
Sao Khuê nghiêm mặt:
- Mầy phải thề là không được nói với mẹ tao đó.
- Chặc! Chuyện nhỏ!
Khuê cương quyết:
- Nhỏ cũng phải thề.
Phương Du trợn mắt:
- Mầy bị sao vậy?
- Mầy thề đi!
- Thề thì thề, làm gì dữ vậy. Tao có phải đứa mách lẻo đâu.
Sao Khuê gượng cười:
- Tao xin lỗi. Mình về thôi, chiều lắm rồi.
Phương Du đứng dậy:
- Ừ về.
Một chiếc xe ba gác máy nổ đinh tay nhức óc chở đầy hàng chạy ngang làm Khuê vội vã nhìn theo rồi thất vọng. Không phải Viễn. Anh đã mất hút từ chiều mưa ngày ấy và Khuê đã nhớ nhung rồi vẽ vời bao nhiêu hình ảnh đẹp về anh.
Theo nhận định của Khuê, Viễn không phải tầm thường, một người lam lũ lao động chân tay nặng nhọc. Ở anh, nhất định phải có cái gì cao siêu, nhưng đó là gì. Sao Khuê không nói cụ thể được.
Cô đã luôn nghĩ tới Viễn với mong ước cháy bỏng là sớm gặp lại. Buồn làm sao mơ ước ấy mỗi lúc một xa tầm tay với.
Ngồi sau xe cho Khuê chở, Phương Du cứ léo nhéo liền miệng:
- Tại sao mầy phải dấu cô Hiệp chuyện gã Viễn đó? Phải mày biết trước cô Hiệp cấm mày quen anh ta không?
Khuê ậm ự:
- Tao không muốn mẹ xen vào chuyện riêng của mình. Tao sợ bị tra tấn bởi ức tỉ câu hỏi của mẹ lắm.
Phương Du nhún vai:
- Tốt hơn hết nên quên buổi chiều mưa ấy đi. Hãy coi như chưa bao giờ gặp Viễn, anh ta không hề tồn tại. Có thế mày mới bình tâm được.
Sao Khuê rầu rĩ:
- Tao có muốn nhớ đâu. Nhưng hình bóng Viễn vẫn lởn vỡn trong hồn, tao không quên được. Lẽ ra hôm đó tao nên đợi tạnh mưa hẳn hãy về, có thêm thời gian, tao sẽ biết về Viễn nhiều hơn. Giờ nghĩ lại tao thấy ân hận.
Phương Du nghiêm giọng:
- Mày phải thực tế để nhận ra rằng nếu có gặp lại, mày và hắn cũng không đi tới đâu.
Sao Khuê im lặng, một lúc sau mới nói:
- Đành là vậy, nhưng tao vẫn ước ao được gặp lại, dù chỉ một lần thôi.
Du rủ:
- Ghé chỗ tụi nhỏ không? Giờ này chắc bọn chúng về cả rồi.
Khuê nhìn đồng hồ:
- Ghé mười phút thôi, về trễ quá, tao sẽ bị mắng.
Du hấp háy mắt:
- Mày cũng sợ bị mắng nữa à?
Sao Khuê rầu rĩ:
- Dạo này mẹ tao giữ tao kỹ lắm. Bà muốn ép tao vào khuôn. Mẹ muốn tao tham gia dịp tiệc tùng để làm quen với ông này bà nọ. Mẹ nuốn tao quen một người môn đăng hộ đối trong giới làm ăn của bà.
Phương Du lên giọng dạy đời:
- Cha mẹ nào lại không muốn gả con vào gia đình đàng hoàng, giàu có.
Khuê lầm bầm:
- Đàng hoàng giàu có mà không hạnh phúc thà xuống địa ngục còn hơn.
Phương Du hỏi:
- Mày tiếp xúc với trẻ đường phố nhiều, mày thấy có đứa nào thuộc gia đình giàu có không? Hãy đứa trẻ bị đẩy ra đường vì nghèo đói. Bởi dậy đừng dại dột mơ một túp lều tranh hai quả tim vàng và một chiếc xe ba gác. Lũ con mày sẽ khổ đó.
Sao Khuê không đồng ý:
- Nói như mày rồi những người nghèo không được yêu à?
- Có chớ! Nhưng tiểu thơ mà yêu một gã phu xe thì chỉ có trong chuyện cổ tích. Hiểu không?
Khuê không tranh luận với Du nữa. Đã tới Mái Ấm rồi. Cô vừa dừng xe thì trong nhà một bầy con nít ùa ra. Khuê nhìn quanh và hỏi:
- Trí chưa về hả mấy đứa?
- Dạ chưa. Bữa nay thằng Trí bị bán ế nên đâu dám về sớm.
Sao Khuê nhìn Phương Du:
- Thật khổ thân thằng nhỏ.
Du hạ giọng:
- Chỉ sợ nó lại bỏ đi lang thang như trước kia thôi. Trí là đứa dễ bị dụ nhất. Mày nhớ vụ nó nhào vào đầu xe người ta để thằng Đực chôm cái túi xách không?
Sao Khuê nói:
- Nó sẽ không làm thế nữa. Tao tin như vậy.
Cả hai vào trong trò chuyện, hỏi thăm bọn trẻ. Đứa nào ở đây cũng có hoàn cảnh đáng thương. Khuê thương nhất là thằng Trí. Mới tám tuổi đầu đã bị vứt vào đời. Mẹ bỏ đi vì không chịu nổi người chồng vũ phu nát rượu. Trí ở với ngoại, đến khi ngoại chết, vợ chồng cậu mợ đánh đập không ngớt tay. Trí lên xe đò vào Sài Gòn với một đứa cùng xóm, đó là thằng Đực. Nó mới vất vưởng trên hè phố được một tháng thì gặp Khuê và Du. Hai cô đã đưa Trí vào Mái Ấm này để nó có chỗ ăn chỗ ngủ, giúp nó một số tiền nhỏ để nó bán vé số. Tội nghiệp nó còn bé quá. Ở vào tuổi đó, nhiều đứa bé còn được cha mẹ năn nỉ, dụ ngọt để ăn thêm nhiều cơm, được các dì các cô tranh nhau ẵm đi chơi thì thằng Trí đã phải lăn lóc như thế.
- A! Thằng Trí về.
Nghe đứa nào đó la lên, Sao Khuê liền bước ra ngoài và thấy Trí. Nó cười toe toét và vòng tay thưa cô. Khuê thấy cái túi vải đựng cái áo mưa cô cho nó căng phồng. Nó hí hửng khoe:
- Em có nhiều kẹo lắm.
- Ở đâu em có thế?
Trí quệt mũi:
- Em không ăn cắp. Của anh kia cho em.
Sao Khuê thắc mắc:
- Sao tự nhiên ảnh lại cho em?
Thằng Trí ngập ngừng:
- Ảnh bảo em về cho mấy anh chị trong nhà, rồi bữa nào anh sẽ ghé chơi.
Phương Du hỏi:
- Ảnh tên gì?
- Em hông biết. Chắc anh đó là thầy giáo. Ảnh nói sẽ dạy em học.
Sao Khuê ngập ngừng:
- Anh đó có biết em đang ở trong nhà mở không?
- Dạ biết. Hồi nãy ảnh chở em về đây mà.
Sao Khuê vuốt đầu thằng Trí:
- Có người dạy em học là tốt, nhưng chị phải gặp họ trước đã. Mà em bán hết vé số chưa?
Thằng Trí hớn hở:
- Dạ hết rồi. Anh đó mua cho em bảy tờ luôn. Bữa nay hên thiệt!
Sao Khuê chớp mắt:
- Ờ hên! Thôi tụi chị về đây.
- Sao chị về sớm vậy?
- Hổng dám sớm đâu. Chị chờ em lâu lắm rồi. Cứ tưởng em đi theo thằng Đực không hà?
Thằng Trí giẫy nẫy:
- Nó xấu lắm. Em không theo nó.
Sao Khuê gật gù:
- Chị biết em ngoan. Nhớ chia kẹo cho các bạn nghe. Chị về!
Phương Du lại léo nhéo sau lưng Khuê:
- Không biết... thằng cha nào cho nó kẹo, rồi chở nó về nhà nữa.
Khuê nhún vai:
- Tao cũng đang thắc mắc như mày. Theo tao đó là người tốt.
- Cầu mong là như vậy.
Tới đầu hẻm nhà Phương Du, Khuê ngừng xe cho con nhỏ đi bộ vào. Giờ này, chắc chắn mẹ đang đi tới đi lui ngóng cô. Lớn rồi mà không có chút tự do nghĩ cũng khổ. Từ ngày anh Thái đi du học tới nay, bao nhiêu lo lắng mẹ đổ hết vào Khuê. Với bà, Khuê chẳng khác đứa trẻ lên mười cần được chăm nuôi cẩn thận.
Dừng xe trước cổng, Khuê chưa kịp nhấn chuông, cửa đã mở. Bà Tính, giúp việc cho gia đình nói nhỏ:
- Mọi người chờ con suốt từ chiều.
Khuê ngạc nhiên:
- Chờ con làm chi?
- Nhà có khách. Ba mẹ muốn con gặp họ.
- Ai mà quan trọng dữ vậy dì?
Bà Tính lắc đầu:
- Họ mới tới lần đầu, dì không biết.
Ngay lúc đó, bà Hiệp bước ra. Mặt cười thật tươi, bà bảo:
- Vào đây con.
Sao Khuê tò mò bước theo mẹ. Cô khá bất ngờ khi thấy Lĩnh và ông Tuân đang ngồi trong phòng khách với ba mình.
Ông Thông dứ dứ tay về phía cô:
- Bữa nay con gái đi học về trễ đấy nhé!
Sao Khuê lễ phép vòng tay chào ông Tuân rồi Lĩnh. Cô bắt gặp một chút giễu cợt trong ánh mắt của anh ta.
Nghĩ cũng lạ. Cô từng bâng khuâng mất cả tuần vì Lĩnh, từng mong anh gọi điện cho mình. Với Khuê, dư vị buổi tiệc đêm ấy từng làm cô mơ mộng, ấy vậy mà sao cuộc gặp gỡ hết sức lãng mạn với Viễn, cô chừng như quên bẳng Lĩnh. Khuê đã bị gã con trai kia thu mất hồn vía rồi nên hôm nay đứng trước Lĩnh, cô chẳng còn chút cảm giác nào.
Lĩnh ra vẻ quan tâm:
- Dường như Khuê không được khỏe?
Lúc cô còn gượng gạo cười, bà Hiệp đã trả lời:
- Em nó vừa bệnh một trận. Chả là bị mắc mưa nên cảm lạnh. May là không viêm phổi đấy.
Rồi bà lên giọng thở than:
- Nó mà ra khỏi nhà là mình không thể nào yên tâm, cứ thắc thỏm đến khi nó về mới thôi.
Ông Tuân nhỏ nhẹ:
- Vậy sao anh chị không đưa đón cháu mỗi ngày? Ngồi xe du lịch vẫn an toàn hơn chạy xe gắn máy.
Ông Thông mỉm cười:
- Tôi cũng định vậy, nhưng nghĩ lại con bé đâu còn là trẻ con, cứ giữ rịt mãi biết chừng nào nó mới trưởng thành.
Lĩnh nói với ông Tuân:
- Sao Khuê là tình nguyện viên của trẻ em đường phố đó ba. Hôm trước nhờ Khuê, con mới tìm lại được cái túi đựng vợt tennis bị mất.
Bà Hiệp ngạc nhiên:
- Vậy mà cô chú chả nghe Sao Khuê nói gì cả.
Lĩnh kêu lên:
- Thế à! Chắc là Sao Khuê muốn giữ bí mật chuyện này. Vậy mà cháu không biết.
Khuê lắc đầu:
- Không phải là giữ bí mật, mà em cho đó là chuyện nhỏ nhặt.
Bà Hiệp lại kể... tội con gái:
- Đấy! Anh và cháu Lĩnh xem, con bé chỉ giỏi "Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng".
Ông Tuân mỉm cười:
- Có con gái như thế là quý hóa quá rồi. Tôi đang mơ một đứa con gái như thế đấy.
Bà Hiệp chép miệng:
- Thế ra nhà chỉ một mình cháu Lĩnh cũng buồn nhỉ. Muốn đông vui, chắc anh phải mau cưới vợ cho con trai.
Ông Tuân từ tốn:
- Tôi cũng nghĩ như thế, nhưng cậu quý tử nhà tôi còn mãi ham chơi.
Bà Hiệp nói:
- Có vợ tự khắc sẽ biết lo chớ gì.
Thấy vợ hăng hái chuyện của người khác quá, ông Thông nhẹ nhàng:
- Đàn ông thời đại này thường nặng phần công danh, ít ai chịu lấy vợ sớm như thời của chúng ta. Mà... chúng ta bắt đầu dùng cơm được rồi chứ?
Nghe ba mình nói thế, Khuê hơi ngạc nhiên vì không ngờ ông Tuân và Lĩnh lại được ba mẹ cô mời cơm. Vốn nhanh nhẩu, cô đứng lên:
- Con xin phép xuống bếp phụ dì Tính ạ.
Bà Hiệp kéo Khuê ngồi xuống:
- Để cho mẹ. Con nói chuyện với anh Lĩnh cho vui.
Sao Khuê đành tuân lệnh. Lĩnh hỏi:
- Khuê về muộn vì lũ trẻ phải không?
- Vâng.
- Cậu bé hôm trước bữa nay thế nào rồi?
- Vẫn bình thường.
Lĩnh hơi nheo mắt:
- Nghĩa là suốt ngày vẫn lang thang trên phố?
Sao Khuê nhấn mạnh:
- Lang thang có nghĩa đi không có mục đích. Nhưng bọn trẻ của tôi không như vậy, chúng làm việc trên phố nên đâu thể gọi là lang thang.
- Tôi dùng từ lang thang cho có vẻ hay hay vậy mà.
Sao Khuê nói:
- Trẻ con cần sự chính xác, chân thật hơn cái hay hay.
Lĩnh bật cười:
- Xin lỗi... trẻ con vậy.
Khuê vuốt tóc, cô dài giọng:
- Anh còn đánh tennis chứ?
Lĩnh gật đầu:
- Với tôi, chơi tennis nằm trong lịch làm việc hàng ngày.
- Ghê vậy sao?
- Có sức khoẻ mới làm việc nổi chứ. Theo tôi, em nên chơi một môn thể thao nào đó.
Khuê che miệng:
- Như tennis chẳng hạn hả?
- Đúng vậy. Tôi sẵn sàng làm huấn luyện viên cho riêng Khuê.
Sao Khuê nói ngay:
- Tiếc là tôi chưa sẵn sàng làm học trò để học chơi tennis. Môn này có vẻ thời thượng quá, không hợp với tôi. Thay vì đi xe máy tới trường, tôi sẽ đi xe đạp hoặc đi bộ, cũng là cách luyện thân thể vậy. Lang thang như vậy mới có vẻ... hay hay đó.
Lĩnh hỏi:
- Thế em đã thử lang thang lần nào chưa?
Sao Khuê gật đầu:
- Đã thử và đúng là... hay hay thật.
Lĩnh lại cười. Anh thích kiểu nói chuyện nghịch ngợm, dí dỏm của Khuê. Cô bé không tâng bốc anh, và luôn tỏ vẻ ngang hàng khiến Lĩnh cháy bỏng mong muốn chinh phục. Anh biết lần đầu tiên gặp trên đường đã khiến Khuê có ác cảm với mình. Rồi gặp lại nhau lần thứ hai trong bữa tiệc ở nhà ông bà Luỹ, ác cảm Khuê... dành cho Lĩnh có vơi đi nhiều, thậm chí cô bé đã tỏ ra rất cỡi mở đến mức Lĩnh đã tưởng cô bé thích mình. Thế nhưng hôm nay Khuê đã quay lại như ngày đầu. Cô bé đang thích thú khi châm chọc Lĩnh. Nhưng với anh đó là chuyện nhỏ, nhất định Sao Khuê sẽ...
Giọng bà Hiệp vang lên cắt đứt suy nghĩ của Lĩnh:
- Mời anh và cháu Lĩnh dùng cơm.
Ông Thông đứng dậy tiếp lời vợ:
- Xin mời.
Sao Khuê định sẽ là người vào phòng ăn sau cùng nhưng Lĩnh đã hết sức lịch sự khi nghiêng người nhường bước cho cô.
Khuê nhẹ nhàng:
- Anh cứ tự nhiên, tôi còn phải cất tập vở nữa.
Lĩnh đành bước theo ông Tuân trong Khuê đứng lại nói với mẹ:
- Con không ăn cơm đâu mẹ.
Bà Hiệp trừng mắt:
- Lại kiếm chuyện nữa à?
Sao Khuê nói:
- Lúc nãy con với Phương Du ăn rồi, bụng đâu mà ăn nữa hả mẹ?
Bà Hiệp đanh giọng:
- Không ăn cũng phải ra ngồi cho tôi.
Khuê bướng bỉnh:
- Con không ra đâu, mẹ đừng ép con như vậy.
Dứt lời, cô bước vội về phòng mình và khóa trái cửa lại.
Dẫu biết mẹ sẽ rất giận, và hậu quả của sự "cãi lời người lớn" sẽ nghiêm trọng chớ không phải đùa, Sao Khuê vẫn muốn trốn trong phòng. Cô sợ phải đóng kịch khi ăn uống. Với Lĩnh, cô không có chút hứng thú nào để trò chuyện thì tại sao phải ép lòng ngồi cạnh anh ta.
Mẹ đã không cho Khuê biết trước sẽ đãi cơm khách, cô không chuẩn bị cho việc này nên nếu bị mẹ mắng, Khuê vẫn có lý do để... cãi chày cãi cối nhằm biện hộ cho hành động của mình. Yên chí với lập luận đó. Khuê lấy quần áo vào phòng tắm. Đứng trước vòi nước nóng, cô thấy thật thoải mái. Khuê biết một lát khi khách về, chắc chắn mẹ sẽ lôi cô ra mắng. Nhưng có sao đâu, Khuê sẵn sàng nghe mẹ mắng còn hơn phải ngồi làm diễn diên bất đắc dĩ cho một vở kịch mà cô biết là rất nhạt nhẽo.