Nguyên tác: Want To Stay Alive?
Số lần đọc/download: 185 / 15
Cập nhật: 2020-06-07 21:39:53 +0700
Chương 3
T
hám tử loại hai Max Jacoby trực đêm ở sở. Trả lời điện thoại, anh ta đã kịp phân loại những tin về vụ giết McCuen, tách hạt khỏi cỏ lùng, để sáng ra đặt lên bàn Terrell thông tin có ích.
Cùng trực với anh có hai cảnh sát trẻ, hai gã trai sáng ý, nhưng hoàn toàn chưa có kinh nghiệm. Gã tóc hung tên là Dusty Lucas, gã thấp lùn tên là Rocky Hamblin. Jacoby trút cho họ một phần công việc. Họ vừa ngáp vừa đọc tin tức báo về, có vô số tin như thế.
— Anh em sẽ cứ việc lê mòn đế giày, chắc chắn là như thế. – Dusty nhận xét, với tay lấy bản báo cáo tiếp theo. – Phải thế thôi: tôi đang đọc bản báo cáo thứ bốn mươi ba, mà đã tìm được cái gì có ích chưa – tuyệt không!
Jacoby có chức vụ cao hơn, biết rằng phải làm gương cho họ. Vì thế anh ngẩng đầu lên, chau mày, nói:
— Công việc của cảnh sát là như vậy. Đến bản thứ bốn mươi tư có thể có cái mà chúng ta tìm.
— Thật ư? – Hai gã lính mới đồng thanh kêu lên. – Anh lừa phỉnh ai vậy, Max?
Chuông điện thoại reo.
Với tay lấy ống nghe, — Jacoby đây. – Anh nói một cách thành thạo.
— Giúp chúng tôi với. – Tiếng một người đàn ông. Tiếng nói hơi run, nhưng nghe vẫn oai vệ. – Địa chỉ như sau: Seagull, Beach Drive. Mau mau cho một người nào đến đây.
—Ai nói đấy? – Jacoby hỏi, ghi địa chỉ vào sổ tay.
—Malcolm Riddle. Ở chỗ tôi có một phụ nữ bị giết… Mau mau cho một người nào đến đây.
Tên của tất cả những người trong thành phố của họ đều là nhân viên tiếng tăm cách này hay cách khác. Jacoby biết Malcolm Riddle là chủ tịch câu lạc bộ thuyền buồm, chủ tịch ban quản trị các giám đốc Opera địa phương, còn vợ ông ta đứng hàng thứ bảy trong danh sách những người phụ nữ giàu nhất Florida.
— Vâng được, Mr. Riddle. – Jacoby thậm chí nhỏm dậy trên ghế bành. – Tôi cho ngay đội cảnh sát trực đến.
Trong mấy giây, Jacoby liên hệ với viên cảnh sát tuần tra Steve Roberts đang trực ở khu vực Beach Drive.
— Steve, đi nhanh đến Seagull, Beach Drive. – Anh truyền đạt lại. – Malcolm Riddle vừa gọi điện, báo là có vụ giết người. Tôi sẽ gọi đến phòng điều tra các vụ giết người. Trước khi họ đến, anh cứ tự mình hành động.
— Hiểu rồi. – Giọng nói của Roberts có những âm thanh lo lắng. – Tôi đi đây.
Mấy giây sau đó, Jacoby ngồi bên điện thoại còn hai lính mới tròn mắt nhìn anh. Thoạt tiên anh gọi điện cho Beigler, ông ta đã đi ngủ. Khi Beigler nghe tên Malcolm Riddle, ông ra lệnh cho Jacoby báo cho Terrell.
— Lepski đâu? – Beigler ra lệnh và bỏ máy.
— Chắc là ở nhà. Anh ấy tuyên bố hết giờ từ hai mươi phút trước.
— Bảo anh ta đến đấy. – Beigler hỏi, cố nén cái ngáp.
Lepski và Beigler đi xe đến gần cái bun ga lô (3) nhỏ nhắn sang trọng gần như cùng một lúc.
3. Bungalow: Nhà nhỏ có hàng hiên ở ngoại ô. (N.D)
Bất cứ người nào đã kịp nhìn qua phía trên cái hàng rào sống động bằng những bụi cây nở hoa che lấp đến một nửa nơi ở đầm ấm này đều này ra cùng một ý nghĩ: đây là chỗ hẹn hò của những đôi tình nhân. Ngôi nhà nhìn ra biển, phía sau được che chắn bằng một vạt rừng đước, còn hai bên là những bụi cây rất cao đang ra hoa.
Dưới cây cọ là chiếc ô tô tuần tra của Roberts. Một viên cảnh sát khoẻ mạnh, mặt hồng hào từ trong bóng rợp đi ra, tới gặp Beigler.
— Tôi đã tạt vào đấy, thưa trung sĩ. – Anh ta cho biết. – Bây giờ tôi đang đợi ông. Ông sẽ hoan hỉ… Đấy lại là Đao phủ.
Beigler rủa thầm trong bụng, theo con đường nhỏ ngắn ngủi lên chỗ cửa nhà bỏ ngõ.
Trong phòng khách rộng thênh thang, Malcolm Riddle ngồi trong ghế bành. Đây là một người đàn ông vạm vỡ, ngót sáu mươi, mặt đa tình, đẹp, rám nắng. Trên mặt đọng lại vẻ tuyệt vọng đến nỗi Beigler cảm thấy tay chân rụng rời. Beigler thích Riddle và biết những vấn đề của ông ta. Vợ Riddle là một mụ đàn bà thực sự đê tiện. Mụ đã bị tai nạn ô tô, và phần còn lại của đời mụ phải gắn liền với chiếc ghế bành có bánh xe đẩy, nhưng điều đó không ngăn cản mụ trở thành đê tiện.
Nghe thấy tiếng bước chân, Riddle ngẩng đầu lên.
— A a, Joe… hay lắm, lại là anh. Đã xảy ra một chuyện rầy rà… – Ông ta vung tay chỉ về phía cánh cửa ở đằng xa. – Cô ấy ở đấy…
— Đừng nóng nảy thế, Mr. Riddle. – Beigler cố làm cho ông ta yên tâm và đến sát cửa vào buồng. Đèn đã bật sáng. Chiếc giường cực to chiếm gần hết diện tích sàn.
Trên giường một phụ nữ nằm sấp, trần truồng. Con mắt giàu kinh nghiệm của Beigler nhận ra ngay chiếc bít tất ni lông quấn quanh cổ chị ta, rồi luồng mắt của ông lướt qua suốc dọc tấm lưng dài rám nắng.
Từ cổ đến lưng có viết bằng sơn đen sậm.
ĐAO PHỦ
Beigler đứng một lúc lâu và nhìn cái xác, trên mặt cái xác nổi hẳn lên hai gò má, rồi ông quay vào phòng khách, và không chú ý gì đến Riddle, ông ra ngoài trời đêm ngột ngạt.
— Đây lại là đứa trẻ tinh nghịch của chúng ta. – Ông nói với Lepski. – Bắt tay vào việc đi. Gọi người trong phòng của anh đến đây. Tôi sẽ đưa Riddle về nhà.
Lepski gật đầu và dùng điện thoại trong ô tô gọi về sở.
Beigler trở lại bun ga lô.
— Bọn nhà báo có thể ập đến đây ngay bây giờ. –Ông ta nói. – Để tôi đánh xe đưa ông về nhà, Mr. Riddle.
Riddle nặng nề đứng lên.
— Tôi không muốn về nhà… hiện thời tôi không muốn. Cố nhiên ông muốn thẩm vấn tôi. Tôi sẽ đi xe của tôi… còn ông đi theo sau tôi. Ta sẽ ra vịnh MainBay… ở đấy yên tĩnh.
Mười phút sau, Riddle dừng xe trước cây cọ. Ban ngày ở MainBay quả táo rơi không lọt – người ta thích nằm nghỉ trên cái vịnh này – nhưng ban đêm thì ở đây êm ả và tĩnh mịch.
Beigler và Riddle ngồi cạnh nhau trên cát. Sau một khoảng im lặng khá lâu Riddle nói:
— Đã xảy ra một chuyện hết sức phiền toái, phải không? Tôi e rằng tôi cũng sắp hết đời. Tại sao tên khốn khiếp đó lại chọn tôi? – Ông ta cầm lấy điếu thuốc lá Beigler đưa cho, cả hai cùng châm thuốc hút. – Nếu là xe không xịt lốp thì chuyện này có thể không xảy ra. Hẳn là số phận. Tôi luôn luôn đến bun ga lô trước Lisa, nhưng hôm nay một lốp xe bị xịt và cô ấy đến trước.
— Xin kể chi tiết hơn, Mr. Riddle. – Beigler yêu cầu. – Xin lỗi, nhưng tôi cần biết tất cả những điều mà ông biết. Vì tên mắc bệnh tâm thần ấy còn có thể giết thêm một người nào đó.
— Được… xin cứ việc… hãy coi những gì mà ông thấy là cần thiết.
— Người phụ nữ ấy là ai?
— Lisa Mendoza. – Riddle nhìn đốm lửa thuốc lá lập loè của mình. – Ông biết về vợ tôi đấy. Cố nhiên tôi không nên bắt bồ, nhưng chúng ta đâu có trẻ dại… hãy coi đây là bài ca cuối cùng. Tôi tình cờ quen với Lisa. Giữa chúng tôi bùng lên một tia lửa. Cô ấy rất dễ thương, cũng như tôi hoàn toàn cô độc. – Giọng nói của ông rung lên, bặt đi. – Thế đấy. Tôi đã mua cái bun ga lô này. Cái tổ ấm tình yêu của chúng tôi… Các tờ báo lá cải thường viết như vậy, phải không?
— Ông mua bun ga lô lâu chưa?
— Cách đây một năm rưỡi… một năm bảy tháng… đại loại là thế. Hai chúng tôi đều biết rằng chuyện này sẽ không kéo dài lâu… Mọi chuyện đều có lúc chấm dứt.
— Hai người gặp nhau có thường xuyên không?
— Cứ đến thứ sáu, buổi tối. Đúng thời gian qui định… thì hôm nay là thứ sáu mà…
— Cô ấy không ở bun ga lô à?
— Lạy trời, không, cố nhiên. Cô ấy có nhà riêng. Chúng tôi chọn thứ sáu vì ngày ấy vợ tôi bao giờ cũng đi ngủ sớm. Thứ bảy nhà chúng tôi tiếp khách, vì vậy bà ấy phải thật tươi tỉnh.
— Còn ai nữa biết về những cuộc gặp gỡ của ông với cô ấy, Mr. Riddle? Ngoài ông và Mrs. Mendoza?
Riddle nhìn Beigler với vẻ không hiểu.
— Biết à?
— Có thể ông còn tin cậy nói với một người nào đó… trong số bạn bè chăng?
— Câu hỏi kỳ lạ.
Beigler cố không tỏ ra nôn nóng.
— Không kỳ lạ lắm đâu. Lúc này đầu óc ông vướng bận về việc đã xảy ra với ông. Còn tôi bận tâm về kẻ đã thực hiện hai vụ giết người và có thể không dừng ở đây. Lối sống của McCuen không phải là điều bí mật đối với hắn. Cả lối sống của ông nữa, tôi ngờ rằng ai cũng thế. Vì thế, tôi nhắc lại câu hỏi: không ai biết về những quan hệ của ông chứ?
Riddle nghĩ ngợi, giụi điếu thuốc lá vào cát.
— Vâng… tôi hiểu. Thứ lỗi cho tôi. Đấy chẳng qua là tính ích kỷ. Tôi hiểu rõ ông nhằm mục đích gì. Phải, tôi có thổ lộ với một vài người bạn thân, nhưng họ không bao giờ…
— Tôi không nghi ngờ gì về việc họ không dính líu đến chuyện này, nhưng có thể có người nào tình cờ lỡ miệng nói ra hay đại loại như vậy. Ông có thể cho biết tên những người đó không.
Riddle lau sống mũi.
— Harriet Green, chị thư ký của tôi. Chị ấy thuê bun ga lô. Tiếp đó là David Bentley, tôi vẫn đi thuyền buồm với anh ấy, đó là người bạn thân nhất của tôi. Terry Thompson, quản trị trưởng nhà hát Opera địa phương, ông ấy là bạn Lisa. Ông ấy biết hết và hoàn toàn ủng hộ. – Riddle im lặng, nghĩ ngợi. – Luke Williams. Đấy là chứng cứ ngoại phạm của tôi. Người ta cho rằng thứ sáu, buổi tối tôi chơi ki với ông ấy.
Dưới ánh trăng tuyệt diệu, Beigler viết tên những người đó vào sổ tay.
— Ông nói rằng một bánh xe của ông xịt hơi phải không?
— Vâng… Tôi định đi và thấy lốp trước phía bên phải xịt hơi. Người lái xe của tôi, tôi đã cho về rồi, phải tự mình thay lấy. Tôi không thạo lắm về những việc như thế và loay hoay rất lâu. Thường thường tôi đến bun ga lô vào chín giờ. Không lo ngại gì lắm. Tôi biết Lisa sẽ chờ. Tôi chậm mất ba mươi phút. Cô ấy nằm đấy, bị giết. Tất cả có thế thôi. Còn gì nữa không?
Beigler ngần ngừ. Ngộ nhỡ Riddle xích mích với người tình và giết cô ta thì sao? Rồi chính ông ta viết chữ “Đao phủ” lên lưng cô ta để đánh lạc sự nghi ngờ? Nhưng vẻ mặt Riddle đau xót đến nỗi Beigler xua đuổi ý nghĩ ấy.
— Không, Mr. Riddle, ông về nhà đi. – Beigler đứng lên. – Sếp của tôi sẽ muốn gặp ông. Bây giờ tôi sẽ đi cắt hai người của tôi đi, để không cho các nhà báo đến gặp ông.
— Cám ơn. – Riddle cũng đứng dậy. Ông ta quay về phía Beigler. – Phải, đã xảy ra chuyện phiền phức. – Ông ta chần chừ, rồi chìa tay ra. Hơi ngạc nhiên, Beigler nắm bắt bàn tay đó. – Cám ơn ông đã có sự thông cảm.
— Mọi việc rồi sẽ đâu vào đấy.
— Vâng, chắc là như vậy.
o O o
Ngồi trong căn nhà hơi hẹp của mình. Poke Toholo xem ti vi: bình luận viên đang nói trên màn ảnh. Chuck và Meg đã đi rồi. Gã bảo Chuck đưa Meg đi khiêu vũ và đừng vội về. Bình luận viên to béo, xúc động vung micro trên nền cái tổ ấm tình yêu, không ngừng nói liến thoắng. Lát sau, xác Lisa Mendoza, đắp tấm chăn, được đưa ra khỏi bun ga lô bằng cáng và đặt vào xe cấp cứu đỗ ở đây.
—Vậy là Đao phủ đã giáng một đòn mới. – Bình luận viên nói bằng giọng xúc động giả tạo. – Thoạt tiên là Dean K. McCuen, một trong những người có tiếng nhất thành phố, ông bị bắn chết hôm qua, và bây giờ nạn nhân là Lisa Mendoza, những người yêu âm nhạc của chúng ta biết rõ nhạc sĩ vi ô lông xuất sắc này, chị bị thắt cổ đến chết, tên giết người khốn kiếp bôi tên ký của hắn lên xác chị. Tất cả mọi người dân thành phố chúng ta đều đặt ra câu hỏi, hoàn toàn không phải là câu hỏi tên điên rồ ấy có giáng đòn tiếp theo nữa không, họ lo lắng điều khác: bao giờ hắn sẽ giáng đòn tiếp theo, ai sẽ là nạn nhân tiếp theo. Bên cạnh tôi là sếp cảnh sát Terrell…
Poke mỉm cười. Được, gã đã làm cho không khí trở nên căng thẳng: không thể nghĩ ra cách nào tốt hơn. Gã nghe thấy Terrell kêu gọi nhân dân bình tĩnh, đừng hoang mang và gã biết rất rõ: không thể trấn an những người giàu có và được cưng chiều bằng lời nói suông. Thêm một vụ giết người nữa là bắt đầu hoang mang toàn thể, chính gã cần như thế, gã sẽ nắm cổ họng toàn thành phố.
Lần này cần phải trao cho Chuck một vai trò nghiêm chỉnh hơn. Hiện thời phần đóng góp của hắn không lớn: hắn mới giúp đánh cắp khẩu súng và xì hơi lốp ô tô của Riddle. Poke cần có thời gian để đến bun ga lô trước Riddle, khi người tình của ông ta ở đó một mình. Nhưng vụ giết người tiếp theo sẽ bày đặt khác. Đã đến lúc Chuck phải làm việc để có số tiền đã hứa: cho hắn dấn vào cuộc thật sâu, khi ấy hắn không muốn “nhổ móng vuốt” nữa.
Màn ảnh sáng lại thu hút sự chú ý của Poke.
Bình luận viên thì thầm với người đàn ông đến gần anh ta.
— Trời ơi! Đúng thế không? – Poke nghe thấy.
Người đàn ông gật đầu và ra khỏi tầm quay của ca mê ra.
Bình luận viên dùng mùi xoa lau khuôn mặt đẫm mồ hôi và lại quay trở về với các khán giả truyền hình.
— Các bạn, tôi vừa được tin Malcolm Riddle đã chết. Cố nhiên các bạn bàng hoàng cũng như tôi. Trả lời xong các câu hỏi của cảnh sát, ông ta trở về nhà, và có lẽ không điều khiển nổi xe. Xe lao từ bờ dốc xuống đại dương ở khu West Point. Mr. Riddle…
Poke đứng dậy và vươn vai. Điều này gã không dự tính. Gã nhìn đồng hồ: quá nửa đêm một chút.
Ý nghĩ của gã trở lại với lúc gã lọt vào bun ga lô. Mở khoá cửa sau là việc không có gì rắc rối. Poke bắt đầu chờ trong bóng tối. Cô ta tới vào 21:25, như gã giả định, gã nghe thấy Luke Williams thì thầm hỏi một người bạn khác ở câu lạc bộ, họ ngồi sau quầy bán hàng trong bar, còn Poke rót đồ uống cho họ. Gã nấp sau tấm bình phong trong căn phòng ngủ rộng lớn. Cô ta cởi xống áo. Cô ta nhởn nhơ quẳng đôi tất dài đi, nó rơi cách chỗ của nấp gã hai bước. Gã trông cậy vào đôi tay mình, nhưng chính cô ta vứt cho gã công cụ giết người…
Ô tô vào ga ra bên cạnh. Gã vén rèm lên một chút, ngó ra ngoài.
Chuck và Meg đi về nhà mình.
Gã lại nằm dài trên giường.
Ngày mai là vụ giết người cuối cùng…
Gã nằm không ngủ một lúc, xây dựng kế hoạch của mình. Phải, mọi việc diễn ra như đã định. Một tuần nữa tiền sẽ chảy vào túi gã.
o O o
Trong dãy phòng của thị trưởng Hedley trên nóc toà thị chính thành phố, đèn vẫn sáng.
Bấy giờ là 2:33.
Hedley vừa thoát khỏi Pete Hamilton và các nhà báo khác. Họ quấy ông đến khiếp: ông nổi khùng và tái nhợt đi, mồ hôi toát ra trên trán.
Monica, vợ ông, người giữ gìn tổ ấm gia đình, bốn mươi tuổi, là một phụ nữ khôn ngoan, rất dễ thương, ngồi trong chiếc ghế bành chếch về phía bên một chút. Đối diện với thị trưởng là sếp cảnh sát Terrell.
—Anh Lawson thân mến, hãy cố bình tâm lại – Monica khuyên giải. – Anh không thể xúc động như thế. Anh thừa biết rằng…
—Bình tâm ư? – Hedley nổi xung. – Có mình bình tâm thì có! Mình lại không hiểu rằng vì cái mớ bòng bong này mà tôi có thể mất việc ư? Bình yên thế quái nào được? Một tên giết người cuồng sát đang lang thang trong thành phố.
Monica và Terrell nhìn nhau.
—Nhưng anh thân mến, cho dù cho anh đột nhiên mất việc thì có đáng vì thế mà buồn phiền không?
Hedley nắm chặt tay và hít một hơi nghe rít lên, cố nén sự cáu kỉnh.
— Em không hiểu, Monica… Anh xin em, đi ngủ đi. Anh cần nói chuyện với Frank.
— Em hiểu hết, Lawson ạ.
— Còn anh nói là không! Em không thể hiểu được một điều đơn giản: cả thành phố bây giờ như cái tổ ong bị chọc.
— Thật ư? – Bà đứng lên và bằng dáng đi duyên dáng tới gần cửa sổ, từ đó nhìn thấy cảnh đẹp tuyệt vời của những ngôi nhà ở, những nhà chọc trời bao quanh toà thị chính. Chỉ có mấy cửa sổ còn sáng đèn. – Em có cảm giác hầu hết mọi người đều ngủ yên. Nếu có người nào lo lắng thì đấy chỉ là một nhúm các nhà báo và anh.
— Monica, anh van em, đi ngủ đi!
— Vâng, tất nhiên. – Bà mỉm cười với Terrell, rồi đi ra cửa. – Với Lawson thì không có gì quan trọng hơn sự bình yên của dân thành phố mình, Frank ạ. Từ cửa, bà nói và khuất dạng.
Tiếp đó, một lúc ngừng lặng lâu, rồi Hedley lên tiếng:
— Monica không đánh giá được những hậu quả có thể có. Anh thì anh hiểu rằng ngày mai tôi với anh có thể bị hất khỏi chiếc ghế chúng ta ngồi chứ?
Terrell lấy ống tẩu và bắt đầu nhồi thuốc.
— Anh cho là như thế sao? Terrell nhìn Hedley. – Dẫu sao tôi không thể không nói với anh một điều, Lawson ạ. Monica đã đi rồi, bây giờ tôi sẽ nói. Theo tôi, anh cư xử như một mụ già mường tượng thấy dưới gậm giường mình có một người đàn ông.
Hedley đỏ mặt.
— Anh nói với tôi thế ư? – Ông giận dữ hỏi, nhưng Terrell chịu đựng nổi cái nhìn của ông và thị trưởng bình tĩnh lại. – Chớ cả gan nói với tôi bằng cái kiểu như vậy!
— Dẫu sao thì điều cần nói đã nói rồi. – Terrell thốt lên bằng giọng dàn hoà. – Bây giờ thì hãy nghe tôi. –Ông châm ống tẩu, khoan khoái rít một hơi dài và chỉ sau đó mới nói tiếp: – Tôi đã mười lăm năm đứng đầu cảnh sát. Ở cương vị đó, tôi phải gặp đủ mọi loại người, nhưng tôi biết việc của mình, tôi nghĩ rằng anh đồng ý với tôi. Việc ở ta nảy ra một tên mắc bệnh tâm thần đã gây ra hai vụ giết người chưa phải là một cớ để hoang mang, vậy mà anh đâm ra hoang mang. Trong bất cứ thành phố nào thỉnh thoảng lại xuất hiện một kẻ mắc bệnh tâm thần, anh biết điều đó không kém gì tôi.
— Nhưng điều đó lại diễn ra ở Paradise City! – Hedley phản đối.
—Đúng. Nhưng Paradise City khác gì các thành phố khác? Tôi sẽ nói anh rõ khác ở chỗ nào. Paradise City là nơi mà những kẻ giàu có nhất, cao ngạo nhất, dung tục nhất và khó chịu nhất trong cả nước đến để chơi đùa. Chính ở đây đã xuất hiện một kẻ giết người: một con cáo giữa những con ngỗng vàng. Nếu chuyện ấy xảy ra ở bất cứ thành phố nào khác, anh sẽ không thèm đọc về nó.
Bắt theo giọng nói, Hedley tuyên bố:
— Bảo vệ những người mà tôi phục vụ là bổn phận của tôi! Thành phố khác thì tôi mặc xác! Đối với tôi, điều quan trọng là những gì diễn ra ở đây!
— Thế ở đây đang diễn ra cái gì? Một tên mắc bệnh tâm thần hai lần giết người. Hoang mang thì chúng ta sẽ không tìm được nó.
— Thế còn anh vẫn ngồi mà nói phiệu. – Hedley làu bàu một cách cáu kỉnh. – Anh đã có những biện pháp gì nào?
— Nó sẽ không thoát khỏi tay tôi đâu. Tôi sẽ tìm ra nó, chỉ là vấn đề thời gian thôi. Còn anh và các nhà báo xử sự như thể chính các anh tạo nên bầu không khí mà tên giết người cần có. Tôi có cảm tưởng như vậy.
Hedley ngả người lên lưng ghế bành.
— Anh nói nhảm nhí gì vậy? Đừng có nói năng lung tung! Hiện thời anh với người của anh chẳng làm cái cóc khô gì để mọi người có thể nói: “Phải, cảnh sát của chúng ta cũng có một giá trị nào đó.” Hai vụ giết người! Vậy mà anh có thể khoe điều gì nào? Chẳng có cái cóc khô gì hết! Tôi tạo nên bầu không khí mà tên cuồng sát đang cần ư? Anh bảo nên hiểu anh như thế nào đây?
Vẻ thản nhiên, Terrell vạm vỡ bắt chéo chân lên nhau.
— Tôi đã sống trong thành phố này gần suốt đời mình. – Ông nói. – Và lần đầu tiên ở đây có hơi hướng sợ hãi. Trước kia ở đây có hơi hướng của tiền, xếch, tham nhũng, chuyện bê bối và thói xấu, nhưng sợ hãi thì chưa bao giờ… Còn bây giờ thì tôi ngửi thấy nó.
Hedley cáu kỉnh xua tay.
— Tôi cóc thèm để ý đến khứu giác của anh! Anh buộc tội tôi tạo nên bầu không khí có lợi cho kẻ giết người… Xin làm ơn giải thích có lợi ở điểm nào?
— Tôi chưa hỏi anh: những vụ giết người ấy là vì lý do gì? – Terrell hỏi. – Và tại sao tên sát nhân tự quảng cáo mình? Khi tôi gặp vụ giết người, việc trước tiên là tôi tự hỏi: lý do gì? Nếu là vụ giết người không có lý do thì cảnh sát phải mò mẫm trong bóng tối. Và tôi tự hỏi: lý do của hai vụ giết người này là gì?
Hedley ngọ nguậy trên ghế.
— Sao anh nhìn tôi thế? Đấy là công việc của anh chứ không phải của tôi, quái quỷ ạ!
— Đúng. Đấy là việc của tôi. – Terrell rít thuốc thật đậm. – Thế đấy, bằng cách này hay cách khác, lý do bao giờ cũng có. Khi ta gặp một tên tâm thần, không thể xác định ngay được lý do, nhưng nó có, chỉ cần tìm cho kỹ. Giữa McCuen và Lisa Mendoza không có gì chung: cái chết của họ là phương tiện làm cho con người xưng là Đao phủ trở nên nổi tiếng. Hắn đặt biệt hiệu một cách thông minh, khỏi nói. Với biệt danh như thế hắn mau chóng được lên trang đầu của các báo. Hắn lập tức giao rắc hoang mang trong thành phố. Tôi cho rằng đấy chính là lý do của hắn, tôi không thấy có lý do nào khác: gieo rắc hoang mang trong thành phố.
— Nhảm nhí. – Hedley gầm lên. – Tên mắc bệnh tâm thần cần gieo rắc hoang mang trong thành phố để làm gì?
— Tuy nhiên hắn đang làm điều đó đấy. – Terrell bình tĩnh nhận xét. – Tôi không khẳng định rằng tôi đúng trăm phần trăm, nhưng có cách giải thích nào khác? Căn cứ vào sự phát triển các sự biến thì dường như tôi xác định đúng lý do.
Hedley suy nghĩ một lúc lâu, rồi tì mạnh vào tay ghế bành, đứng lên.
— Tôi mệt. Hôm nay thế là ngấy đến tận cổ rồi. Frank, xin lỗi vì tôi đã sửng cồ… Thôi được… Tôi sẽ suy nghĩ về những lời của anh. Về những gì đang chờ đợi chúng ta ngày mai, thậm chí không muốn nói đến nữa.
Terrell im lặng, còn Hedley dù muốn hay không vẫn hình dung thấy những tờ báo ngày mai, nhưng hồi chuông điện thoại bất tận, sự phát biểu gây bê bối của Pete Hamilton trên buổi tin truyền hình.
— Có thật anh cho rằng tên loạn thần kinh này định doạ cả thành phố không? – Ông hỏi Terrell.
— Thế theo anh hắn còn làm cái gì nữa?
— Chúng ta sẽ đối phó thế nào?
— Bây giờ điều đó tuỳ thuộc ở anh. – Terrell nói – Trước khi về sở, tôi muốn biết anh có đứng về phía tôi không.
— Tôi có đứng về phía anh không ấy à? – Hedley chăm chú nhìn Terrell. – Đương nhiên là đứng về phía anh.
— Đương nhiên à? – Với khuôn mặt bằng đá, Terrell nhìn Hedley. – Anh vừa nói rằng tôi có thể mất việc. Anh có cần một sếp cảnh sát mới không?
Hedley giật nảy lên như bị đánh.
— Tôi cần một sếp cảnh sát mới làm quái gì? Nếu có người nào có thể bắt được tên khốn kiếp ấy thì người đó là anh!
Terrell đứng lên.
— Đến đây thì anh nói đúng. Nếu có người nào có thể bắt được nó thì đấy là tôi. Vì thế không hoang mang gì nữa hết.
— Giỏi lắm, Frank! – Tiếng nói của Monica vang lên ở cửa. – Tôi vẫn chờ có người nào sẽ nói với anh ấy điều đó!
Hai người đàn ông quay lại và hiểu ngay rằng Monica đã nghe hết cuộc nói chuyện.
Hedley lập tức cảm thấy nhẹ nhõm trong lòng. Ông nom có vẻ bẽn lẽn.
— Ôi, những bà vợ này! Có lẽ anh sẽ chiếm đoạt bà ấy của tôi chứ, thế nào, Frank?
Terrell cũng lập tức trở nên mềm dịu hơn. Ông nháy mắt với Monica.
— Tôi mà không có vợ thì tôi sẽ chộp ngay lấy câu nói hớ của anh. – Terrell nói đùa. – Hai bên xứng đáng với nhau. – Và ông ta đi về phía lối ra.
Hedley hỏi, giọng đượm vẻ hồ nghi!
— Anh có muốn ngày mai tôi sẽ đến sở không?
— Bao giờ chúng tôi cũng thèm muốn, anh Lawson ạ. – Một lần nữa Terrell bông đùa.
Sau khi chạm vào tay Monic, Terrell vào thang máy… và ở dưới, những ca mê ra ti vi đang chờ ông.
o O o
Jack Anders, người gác cửa khách sạn Plaza Beach đứng trên tấm thảm đỏ trước cái cửa chính đường bệ bằng đá hoa cương dẫn vào khách sạn sang nhất của Paradise City, bai bàn tay hộ pháp chắp sau lưng, còn đôi mắt nhìn xuyên suốt đại lộ trước lối vào.
Anders là cựu binh trong thế chiến thứ hai, đã có mấy huy chương chiến đấu có thể gây ấn tượng mạnh và bây giờ ông ta là nhân vật rất nổi bật ở đại lộ. Hai mươi năm gần đây ông ta giữ chân gác cửa khách sạn Plaza Beach.
Buổi sáng là lúc Anders có thể cho phép mình thư giãn. Vài tiếng nữa khách sẽ bắt đầu đổ đến dự tiệc cốc tai trước bữa ăn trưa, và công việc của ông ta sẽ ngập cổ: mở cửa ô tô, chỉ cho lái xe chỗ đỗ, bỏ mũ trước các vị khách thường xuyên, trả lời những câu hỏi dớ dẩn, truyền đạt thông tin, nhận những đồng đô la. Không một người khách nào của Plaza Beach lại có ý định nói với Anders mà không chuẩn bị cho ông ta một đô la. Nhưng lúc này, 9:30, dự tính không có gì cần phải chú ý, ông quyết định nghỉ ngơi.
Viên cảnh sát Paddy McNeil, một người Ai Len đồ sộ tuổi trung niên trực ở đại lộ để phòng khi tắc nghẽn giao thông, tới gần Anders.
Họ là bạn với nhau, và điều đó chẳng có gì lạ. Đã nhiều năm nay, vào bất cứ thời tiết nào, Anders đứng gác trước lối vào khách sạn, còn McNeil đi lại trên đại lộ và cứ hai giờ lại tới gần khách sạn để nghỉ ngơi và tán gẫu một chút.
— Này, anh bạn của ông thế nào… Đao phủ ấy mà? – Anders hỏi khi McNeil dừng lại bên cạnh. – Tôi đã nghe ra đi ô. Các ông già của tôi vãi đái cả ra quần.
— Các ông già của ông… nếu như chỉ có họ thôi. – McNeil nói bằng giọng ủ rũ. – Không phải là cuộc sống nữa, mà có quỷ biết được là cái gì. Tôi vẫn còn may là được cắt đặt vào đây. Đội cận vệ già, – khoảng mươi người nữa đại loại như tôi, – còn được thương xót ít nhiều, phần còn lại thì thè lè lưỡi ra đi tìm thằng chó đẻ. Buổi sáng, hai xe tải đưa người từ Miami tới. Nhưng mà họ có đem lại lợi ích gì không chứ? Phí thời giờ và phí tiền. Họ biết cái gì ở đây, những con người từ Miami tới ấy?
— Ông nghĩ thế nào, Hamilton báo tin trên ti vi về vụ án chứ? – Anders hỏi một cách hồn nhiên. Ông ta thích châm chọc McNeil.
— Hamilton à? – McNeil phì một tiếng, – tôi thì tôi không bao giờ thèm nghe cái thằng ba hoa ấy… hắn chỉ biết đục nước béo cò. – Ông liếc nhìn Anders. – Lần này hắn sủa cái gì vậy?
— Anh chàng ấy là một kẻ mê cuồng, dường như anh ta khoái chí về việc giết người, anh ta hằn thù những người giàu có.
McNeil kéo sụp chiếc mũ cát két xuống trán và gãi gáy.
— Căm ghét những kẻ giàu có chưa có nghĩa anh là kẻ giết người hay cuồng loạn. – Rút cuộc ông ta nói. – Như tôi chẳng hạn, tôi chẳng yêu mến nồng nhiệt những kẻ giàu có.
Anders che giấu nụ cười mỉa.
— Đôi khi cũng có thể lợi dụng họ.
— Có ai nghi ngờ điều đó đâu. Tôi sẵn lòng đổi địa vị với ông không cần nghĩ ngợi.
— Phải, công việc của tôi cũng khá. – Anders không muốn tỏ ra vẻ mình là con công tự mãn. – Thực ra cần phải biết cách đối xử với họ. Ông nghĩ thế nào, ông có bắt được tên loạn thần kinh đó không?
— Tôi ấy à? – McNeil lắc đầu. – Tôi không dính vào những trò chơi đó nữa rồi. Tôi đã lấy đủ phần của tôi trong cuộc đời này. Cũng như ông… bây giờ chúng ta cần cái gì yên ổn hơn, ít căng thẳng… Nhưng sếp của chúng tôi sẽ bắt được hắn, không có gì phải nghi ngờ. Terrell là người có đầu óc, nhưng sẽ phải một thời gian nữa, dễ hiểu thôi.
Một chiếc Rolls màu cát bóng loáng tới gần lối vào. Anders bỏ McNeil đó, thành thạo đi trên tấm thảm đỏ, tới mở cửa xe ô tô.
— Chào ông Jack. – Người to béo, dễ có thiện cảm ra khỏi xe, tên ông ta là Rodney Branzenstein. Đây là một luật sư thành đạt. Sáng nào ông ta cũng đến đây gặp khách hàng lưu trú ở khách sạn. – Mrs. Dunc Browler chưa đến ư?
— Với cô ấy thì còn hơi sớm, thưa ngài. – Anders trả lời. – Mười lăm phút nữa ạ.
— Nếu cô ấy hỏi thì bảo rằng tôi chưa đến nhé. – Branzenstein giúi tờ một đô la vào tay Anders, rồi vào khách sạn.
Anders dẫn chiếc Rolls đến chỗ đỗ, còn McNeil tới gần Anders.
— Những vảy kết này trên các ngón tay ông không bao giờ bong ra à? – McNeil hỏi với giọng thông cảm.
— Sẽ giải quyết được thôi. – Anders trả lời nhanh. – Nhưng ông đừng nghĩ rằng mọi chuyện đơn giản, hấp một cái là thành công đâu. Tôi phải mất nhiều năm mới được như vậy.
— Thật ư? – McNeil lắc đầu. – Tôi lê mòn gót trên con đường này bao nhiêu năm rồi, con chó nào giúi cho tôi lấy một đô la cũng là tốt, nhưng có đâu.
— Cái duyên riêng thôi. – Anders giải thích. – Ông quả thực là không may.
Một phụ nữ nhỏ thó từ khách sạn đi ra, hơi khập khiễng, tóc màu sáng, mặt nhăn nheo, những ngón tay cong queo vì bị bệnh có đeo nhẫn kim cương.
Ngay tức thời Anders ở ngay bên cạnh bà ta.
— Mrs. Clayton! – Nhìn ông ta, McNeil giật mình: trên khuôn mặt đỏ, trơ cứng như đế giầy của Anders lộ vẻ ngạc nhiên chân thành. – Bà định đi đâu dấy?
Người phụ nữ nhỏ bé cười gượng và nhìn Anders với vẻ khâm phục.
— Tôi định đi dạo một chút.
— Mrs. Clayton! – Vẻ lo lắng trong giọng nói của Anders khiến ngây cả McNeil cũng phải xúc động. – Thế bác sĩ Lowenstein có cho phép bà đi dạo chơi một chút không?
Người phụ nữ nhỏ bé liếc nhìn ông ta với vẻ biết lỗi.
— Nói thực thì không, Anders ạ.
— Thế mà tôi đã lấy làm ngạc nhiên! – Anders dịu dàng đỡ lấy khuỷu tay bà ta và đưa trở lại khách sạn. – Xin bà hãy ngồi yên cho, Mrs. Clayton. Tôi sẽ yêu cầu Mr. Bevan gọi điện thoại cho bác sĩ Lowenstein. Nếu không thì ở đây bà sẽ chạy lung tung, rồi tôi chịu trách nhiệm ư?
— Trời đất ơi! – McNeil lầm bầm, sửng sốt đến cực độ, thậm chí làm dấu chữ thập.
Lát sau Anders trở lại và đứng ở vị trí của mình trên tấm thảm đỏ. McNeil vẫn đứng ở lối vào, chưa trấn tĩnh lại sau điều vừa thấy, cặp mắt nhỏ của người Ai Len hơi đờ đẫn.
— Đấy là Mrs. Henry Willliam Clayton. – Anders giải thích. – Ông già của bà ta vào hòm năm năm trước và để lại cho bà ta năm triệu.
McNeil trố mắt.
— Ông muốn nói rằng cái túi xương già lão ấy trị giá năm triệu?
Anders cau mày.
— Pat! Người ta không nói xấu người đã chết.
— Ơ hơ. – Tiếp theo là một lúc ngừng lâu, rồi McNeil nói. – Hình như ông đã mắng bà ta một trận nên thân phải không?
— Với họ thì chính là phải làm như vậy. Bà ta rất mê thích điều đó. Bà ta biết nếu có người nào có tấm lòng cởi mở với bà ta thì đó là tôi.
— Trong khách sạn của ông có nhiều người như thế không? – McNeil hỏi.
— Vô khối. – Anders lắc đầu. – Những người già kỳ quặc đã một chân trong mồ, vậy mà tiền thì tiêu không xuể… thật buồn.
— Giá mà tôi có nhiều tiền như thế thì tôi sẽ không buồn đâu. – McNeil nói. – Thôi, ông hãy đi chăm sóc những đứa trẻ đái dầm của ông đi, tôi đi đây. Rồi ta sẽ lại gặp nhau. – Ông ta im bặt, rồi chăm chú nhìn Anders. – Mụ ấy cho ông bao nhiêu tiền?
Anders che mi mắt bên phải, nheo mắt nháy nháy.
— Bí mật của hãng, Paddy ạ.
— Gớm chưa! Tôi thì suốt đời không làm cái việc như thế! McNeil thở dài, bước đi trên đường nhựa, hai bàn chân đồ sộ lê trên mặt nhựa hấp nóng.
o O o
Từ trên mái bằng của câu lạc bộ đêm Pelota, Poke Toholo nằm nhìn cái lưng ra xa dần của viên cảnh sát. Nhìn qua kính ngắm của khẩu súng.
Poke phục trên mái nhà ba giờ trước. Toà nhà câu lạc bộ bốn tầng cách khách sạn Plaza Beach khoảng một ngàn yard hay non một chút. Poke đến câu lạc bộ bằng chiếc Buick lúc 6:00, vào lúc này chắc không ai nhìn thấy gã ra khỏi xe với khẩu súng trong tay.
Poke biết rõ câu lạc bộ, dù sao đây là toà nhà lâu đời nhất trong thành phố. Phía sau toà nhà có gắn một chiếc thang kim loại dốc đứng, khách du lịch coi đó là vật lạ đời và bao giờ cũng ngắm nhìn. Lên mái không khó và hoàn toàn không nguy hiểm, nhưng Poke biết rõ: xuống phức tạp hơn nhiều. Lúc ấy ở đại lộ sẽ đông người, cuộc sống sôi nổi, và ở các toà nhà bên người ta có thể nhìn thấy gã, cố nhiên, nhưng gã sẵn sàng chấp nhận sự liều lĩnh đó.
Nằm sau bức tường chắn thấp đó, Poke nhìn đồng hồ: 9:43. Gã lại ghé mắt vào kính ngắm và bắt đầu nghiên cứu đại lộ.
Ô tô mỗi lúc một nhiều hơn. Người xuất hiện, họ đi thành dòng dày đặc hai bên đại lộ. Liền đó gã thấy Chuck và gật đầu tán thành. Chiếc sơ mi mới màu đỏ và trắng, chiếc quần bò xám – Chuck không khác gì những người du lịch trẻ tuổi thời gian này đã đổ về đầy Paradise City. Chuck đi với dáng điệu nhàn tản và đọc báo.
Poke hơi quay xe kính ngắm, tiêu điểm chiếu vào đầu Chuck. Trên mặt thấy rõ những giọt mồ hôi. Ờ, chẳng có gì lạ: Chuck sắp phải làm một công việc tinh vi, không kém nguy hiểm hơn việc của Poke.
Poke lại nhìn đồng hồ. Mấy phút nữa… gã chuyển kính ngắm về lối vào khách sạn Plaza Beach. Đầu Anders lọt vào điểm giao nhau của chữ thập… ổn cả.
Anders không nghi ngờ gì cả, điềm tĩnh ngó quanh đại lộ, gật đầu đáp lễ khách, đưa tay lên mũ khi cần cất mũ chào, nói chung ông khoan khoái phơi mình dưới nắng.
Từ khi mi ni giuýp, y phục bó sát thân và áo váy trong suốt trở thành mốt thì cuộc sống của Anders trở nên đầy đủ hơn nhiều. Ông ta nhìn những cô gái đang nhởn nhơ xung quanh. Tuy tiền mà người gác cửa kiếm được phụ thuộc vào các ông già, những người giàu và những người béo ú, song ông hoàn toàn không mất hứng thú với những đôi chân dài, những cặp mông nhún nhảy và những bộ ngực núng nính theo nhịp bước đi.
Mrs. Dunc Browler xuất hiện.
Anders chờ bà ta. Bà ta không thể không xuất hiện, bây giờ là giờ của bà ta. Ông ta vung tay một cách niềm nở đặc biệt, nở một nụ cười sáng ngời, đầy thân thiện, nụ cười hoàn toàn không phải dành cho bất cứ ai.
Mrs. Browler người một mẩu, béo phị. Nói là “béo phị” có lẽ vẫn nhẹ lời quá. Hầu hết sáu mươi bảy năm của đời mình bà ta ăn rất thịnh soạn năm lần một ngày, kết quả bộ xương xoàng xĩnh của bà ta bọc một lớp mỡ mà ngay cả con voi cũng phải ghen tị. Bà ta thuộc số hết sức đông đảo những kẻ kỳ quặc thường xuyên sống ở khách sạn. Tất nhiên tiền của bà ta nhiều vô kể, nó là bao nhiêu thì không ai biết, nhưng bà ta ở một trong những phòng “luxe” sang nhất khách sạn, giá ba trăm đô la một ngày, không tính tiền ăn uống!
Bốn năm trước, mất người chồng vô cùng yêu mến, bà ta mua ở bãi nhốt chó vô chủ một con chó cái đù đờ khoẻ mạnh, giá ba đô la. Và Anders tin chắc là bà ta còn trả nhiều hơn.
Đối với Mrs. Dunc Browler, Lucy, – tên con chó – là đứa con gái yêu, là kho báu quý giá nhất, là người bạn gái, người bạn đường… Anders đành phải cam chịu điều đó, ai cũng có thể có những chỗ yếu nhỏ nhặt của mình.
Kia, Mrs. Dunc Browler đã xuất hiện trong bộ áo váy trắng lốp phấp phới, một quảng cáo tuyệt diệu cho hãng sản xuất xà phòng giặt Procter & Gamble, đội chiếc mũ với vô số trái anh đào, mơ và chanh già, bà ta ra để cho Lucy đi dạo buổi sáng.
Anders biết rất rõ vai trò của mình.
— Kính chào bà. – Ông ta chào hỏi, hơi cúi mình xuống. – Ms. Lucy hôm nay có khoẻ không, thưa bà.
Mrs. Dunc Browler mặt tươi hơn hớn vì thích thú. Bà ta cho rằng Anders là người có tâm hồn, rất đỗi dễ thương, với Lucy bao giờ ông ta cũng có một lời tốt đẹp.
— Rất tuyệt. – Bà ta trả lời. – Không thể tốt hơn được nữa, – Bà ta mỉm cười, nhìn con chó đang thở hồng hộc và thốt lên: – Lucy, niềm vui sướng của ta, hãy nói với ông Anders rất dễ mến: “Chào ông” đi.
Con chó nhìn ông ta bằng cái nhìn trong đó có lộ rõ sự no nê và buồn chán, rồi ngồi xệp xuống – trên tấm thảm đỏ xuất hiện một vũng nước.
— Ôi, thật xấu hổ. – Mrs. Dunc Browler nhìn Anders một cách bất lực. – Đấy là lỗi tại tôi… Tôi không đưa con yêu của tôi ra sớm hơn.
Sẽ phải thay thảm, đưa giặt, trải tấm khác thay vào, nhưng đấy hoàn toàn không phải việc của ông… Bà lão trả tiền phòng ba trăm đô la một ngày thì việc gì ông phải lo ngại?
— Thưa bà, trong đời mọi chuyện đều có thể xảy ra. – Ông an ủi bà ta. – Nhưng sáng hôm nay mà dạo chơi thì đẹp biết bao.
— Đúng… buổi sáng quả là đẹp tuyệt vời. Trong lúc Lucy ăn sáng, tôi nghe thấy chim hót líu lo. Chúng…
Đấy là những lời cuối cùng trong đời bà ta.
Xuyên qua cái mũ kì cục của bà ta, viên đạn cắm thẳng vào não. Mrs. Dunc Browler đổ xuống tấm thảm đỏ như con voi trúng đạn.
Anders nhìn người phụ nữ đã chết nằm dưới chân ông ta. Trước đây ông ta đã thấy nhiều cái đầu bị những tay thiện xạ bắn trúng và ông ta hiểu ngay chuyện gì đã xảy ra. Ông ta đưa mắt chăm chú lục soát mái những toà nhà xa. Xung quanh phụ nữ la ré, đàn ông la hét và chen lại gần hơn, ô tô phanh ken két. Anders đã nhìn thấy một hình bóng thoáng hiện trên mái câu lạc bộ đêm Pelota – đấy là một người lẩn xuống sau bức tường chắn thấp.
Anders không phí thời giờ la hét, làm điệu bộ. Len qua đám đông mỗi lúc một dày đặc lại trước mắt, ông ra đường cái, và hối hả chạy tới câu lạc bộ đêm ở cuối đại lộ.
— Jack!
Không dừng bước, Anders quay lại nhìn qua vai. Tay cảnh sát McNeil chạy theo ông ta bằng nước chạy nặng nề.
— Tên chó má ấy ở đằng kia! – Anders thở hồng hộc, trở lên mái nhà câu lạc bộ đêm. – Tiến lên, Paddy! Chúng ta sẽ tóm được nó.
Nhưng tuối tác xa với lối sống thể thao và sự đam mê thái quá rượu uýt ki Cutty Sark đã bắt đầu lộ rõ ảnh hưởng. Chân Anders ríu lại và lát sau McNeil đã đuổi kịp ông.
— Tôi đã nhìn thấy nó! – Miệng hớp không khí, Anders nói, giọng khàn khàn. – Thang chữa cháy, Paddy!
McNeil hộc lên một tiếng và chạy thình thịch qua bên Anders, bàn tay hộ pháp rút khẩu súng lục khỏi bao. Mọi người sửng sốt nhìn ông ta và vội giãn cả ra. Không ai chạy theo để giúp ông ta. Cứ mặc cảnh sát làm công việc của họ, tại sao lại phải liều đời kia chứ?
Poke Toholo vẫn đang xuống cái thang chữa cháy thì McNeil từ sau góc nhà thở hồng hộc chạy ra. Hai bên nhìn thấy nhau cùng một lúc. Tay gã da đỏ cầm khẩu súng ngắn. McNeil dừng lại – bộ ngực nở phồng của ông ta phình lên vì chạy nhanh. – Ông giơ bàn tay cầm súng lên. Nhưng ông ta chưa kịp bóp cò thì một cú va đập cực mạnh vào ngực làm ông ta bị hất khỏi mặt đất và ngã quật ngửa xuống đất.
Poke vượt mười bậc cuối cùng trong chớp nhoáng và chạy về chỗ đỗ ô tô. McNeil thu hết sức lực và lại giơ súng lên, nhưng đúng lúc ấy Poke ngoảnh lại. Thấy nòng súng hướng về mình, Poke quặt sang bên và tránh được viên đạn, rồi ngắm kỹ vào đầu McNeil. Vừa chạy vừa đổi hướng, gã chạy về bãi đỗ ô tô, cặp mắt đen của gã nhìn tứ phía xem có nguy hiểm không. Nhưng gã thấy mấy chiếc xe để lại ban đêm ở đó. Gã nhanh chóng tìm được trong số đó một chiếc cửa không đóng. Gã lẻn vào ghế sau, sập cửa lại và nằm co quắp trên sàn.
Anders thở hồng hộc và mặt đỏ tía tai vì không quen gắng sức, đến bãi ô tô và thấy xác McNeil.
Mới thoạt nhìn Anders hiểu ngay rằng không cần cứu giúp nữa. Ông ta chộp lấy khẩu súng của McNeil và vội vượt qua bãi đỗ ô tô tới lối ra, tin chắc rằng kẻ phạm tội chạy ra đấy. Lúc đó ba người vẻ mặt sợ hãi ngập ngừng ra bãi đỗ xe. Thấy Anders cầm súng và nhìn bộ chế phục người gác cửa khách sạn Plaza Beach của ông ta, họ mạnh dạn, đi theo ông ta. Poke không mất tự chủ, nhìn theo họ rồi lấy mùi xoa trong túi ra và cẩn thận lau khẩu súng. Tiếc rằng gã phải chia tay với nó. Gã nâng ghế ngồi lên và nhét khẩu súng thật sâu xuống dưới.
Người đổ ra bến đỗ xe. Còi xe cảnh sát và xe cấp cứu rú lên rùng rợn trong không trung. Poke luồn ra khỏi xe và thong thả tới gần đám đông xúm quanh viên cảnh sát bị giết. Đám đông coi gã là một kẻ tò mò nữa đến xem. Gã cứ đứng như thế, giương mắt nhìn cùng với mọi người, cho đến khi cảnh sát kéo đến đầy bãi. Gã để cho người ta chen đẩy mình cùng với những người khác và khi đã ở trên đại lộ, gã bình tĩnh đến chiếc Buick của mình.
Trong lúc đó Chuck mồ hôi ròng ròng, hoà vào đám đông sôi sục xung quanh xác Mrs. Dunc Browler. Mọi người quên bẵng con chó Lucy của bà ta, con chó béo ú ấy đứng ở mép vỉa hè. Chuck cúi xuống, đưa tay với cái cổ dề. Lucy không ưa người lạ. Nó lùi lại. Chuck văng câu chửi, túm lấy cổ nó. Chẳng ai để ý đến hắn.
Chỉ khi cảnh sát đã khôi phục lại trật tự, khi các nhân viên khách sạn đã đâm bổ đi lấy chăn để đắp lên xác người chết, khi dân chúng đã được yêu cầu giải tán, người phụ tá của quản lý khách sạn, bản thân là người rất thích chó, mới nhớ đến Lucy. Chính ông ta đã tìm thấy tấm thẻ hành lý đính vào cổ dề con chó. Trên tấm biển có viết bằng chữ in:
ĐAO PHỦ