Số lần đọc/download: 1217 / 25
Cập nhật: 2016-06-21 08:45:52 +0700
Chương 3
K
hi các món nợ đã trang trải xong đâu vào đấy, và các hành lý của chàng (một hòm quần áo với hai bồ to sách) đã được xếp cẩn thận trên nóc ô tô hàng rộng lớn, như cả một gian nhà, Khải ngạc nhiên nhận thấy rằng sự đổi chỗ ở, thực ra, không có gì khó chịu, như chàng lầm tưởng. Trái lại thế! Khải nhìn Kim, và nói qua một nụ cười: "Những ngày cuối cùng ở Hà Nội thực là cả một ác mộng". Ấy là một đoạn đời đã hết hẳn, đã qua đi mãi mãi - và lòng chàng tự nhiên lâng lâng khoan khoái, trong sự chờ đợi bâng quơ một cái gì mới mẻ nó sẽ bắt đầu cho chàng.
Hành khách lên đã đầy xe. Người cảnh sát thổi một tiếng còi. Chiếc ô tô từ từ ra cổng bến Nứa và rẽ lên cầu sông Cái. Vậy là thôi, vĩnh biệt Thăng Long, với những cái vinh, cái nhục chàng đã sống ở đấy; vĩnh biệt Nghệ thuật tôn ông, cả chủ nhân Hàn mặc tư xã nữa!
Những ngón ranh ma trong sự lợi dụng và bắt chẹt của anh chàng văn sĩ nửa đời này cũng chẳng kém chi của bạn đồng nghiệp hắn. Biết thóp cảnh nhà văn chạy Tết, cái cảnh chính hắn, xưa kia, đã từng qua, hắn đã vờ kêu túng ầm ĩ, khi Khải vừa mở miệng nói cái mục đích đến thăm của chàng: "Bực quá, tiên sinh ạ, ai lại Tết nhất đến nơi, mình phải trả nào tiền in, nào tiền giấy hàng trăm món, thế mà mấy thằng đại lý chó chết cứ ì ra, thì tiên sinh tính cứ tức đến phát điên lên được hay không?". Và hắn vồn vã mời Khải đến bên khay đèn: "... Hãy làm mấy phát đã! Anh em lâu không gặp nhau, đi đâu mà vội... Câu chuyện tiền nong, rồi đâu tự khắc có đấy!". Nhưng, luôn mấy tiếng đồng hồ, hắn chỉ nói những câu phiếm và chỉ kể lể những cái không mảy may quan thiết chi đến Khải. Chàng đâm nóng ruột: "Thế nào, ông anh có lấy giúp đệ quyển tiểu thuyết này chăng?". Hắn vẫn chờ câu hỏi ấy, tuy cứ làm ra dáng uể oải cầm lấy tập bản thảo giở xem (cứ theo thời giá tám hào một trang, quyển tiểu thuyết của Khải bán rẻ cũng phải một trăm hai mươi đồng). Hắn thở dài: "Chẳng mấy khi đại huynh hỏi đến, - Ồ, Khải bán chứ có vay đâu! - đệ mà không có đưa lại huynh tiêu thì thực rất lấy làm ân hận; khốn nỗi, chính đệ cũng đang quẫn bách hết sức...". Hắn ngừng lại để hút, và khi đã nhận rõ vẻ lo lắng, thất vọng của Khải, hắn mới ngọt ngào bổ nhân nghĩa:
- Thôi, chẳng mua bán gì cả, đệ cố lo sáu chục đưa đại huynh tiêu; còn hơn thiệt chừng nào thì kể như đại huynh giúp đệ, được chăng?
- Được. - Khải hổ thẹn như một gái đĩ chưa quen nghề khi phải nghe những câu mặc cả sống sượng - Cho xin một mẩu giấy trắng để tôi viết tờ nhượng bản quyền.
Nhận tiền xong, Khải lập tức đứng dậy ra về. Chàng nghĩ: ấy là tiếc cái thằng người nào cũng biết rằng một ngày kia nó phải chết, và khi từ giã cõi đời thì vua Ngô ba mươi sáu tàn vàng, thác xuống âm phủ chẳng mang được gì, mà nó còn tham lam tàn nhẫn được đến thế đấy! Giá nó có thể sống mãi mãi thì không biết sẽ tệ như thế nào! Và chàng cảm thấy một nỗi buồn tuyệt vọng, trước cái cảnh loài người, để mưu sự sống riêng cho mình, cứ phải ác hại lẫn nhau.
... Ngày cuối năm hơi vẩn sương; vòm trời nặng như cái vung chì úp xuống cảnh vật. Khải nhìn dòng sông Bồ Đề chảy mông mênh và lạnh lùng, như một mối vô tâm thiên vạn cổ...
Hết dải cầu - mà một lần, Khải đã nghe bọn lái thoi gọi rất đúng là cái giàn mướp - ô tô vào một phố đông đúc, có những cửa hàng sặc sỡ, và những người đi sắm tết tưng bừng quá một đám hội. Sau cùng, xe bon bon trên đường thiên lý, hai bên là những mảnh ruộng đã gặt mở liên tiếp đến tận chân trời màu bạc. Từng lũy tre nổi lác đác trên cái phẳng lặng của mặt đồng, với những ngọn cong vút như những tia nước xanh. Đó là những làng mạc yên tĩnh đến gần như ngủ say trong khuôn sáo những tục lệ không bao giờ thay đổi. Cái thế giới thôn quê chất phác, nhũn nhặn và quen thuộc quá! Ngay vòm trời vẩn mây đè nặng bên trên và ngọn gió bấc lộng qua khoảng trống cũng có vẻ giản dị và bình thản. Chẳng bù với cái thế giới phồn hoa! Khải có những ý so sánh hay hay về cái quan niệm sống và hạnh phúc một đằng của người nông phu, tâm hồn đã hòa nhịp theo sự vần chuyển đều đều của thời tiết, với một đằng của người thành thị, lúc nào cũng sôi nổi những ham muốn chẳng bao giờ thỏa mãn.
Chiếc xe vẫn vùn vụt trên con đường đá xám, theo cái tốc độ bốn mươi nhăm cây số một giờ. Kim, chừng lạnh, ngồi nép mãi vào bên Khải, và kéo vạt áo pardessus của chàng che ngực. Khải nhìn vợ, nàng mỉm cười, mắt long lanh sáng và má hây hây đỏ...
Một tình thương bỗng tràn ngập cả tâm hồn Khải. Chàng tội nghiệp cho Kim, bởi cái lẽ Kim chỉ là một người đàn bà ít học vấn và hiểu biết. Thực vậy, giá Kim cao hơn chút nữa, nàng sẽ chịu cái nghèo dễ dàng hơn, và nàng sẽ quý sự hy sinh của chàng cho văn chương bao nhiêu. Ấy là chưa nói Kim sẽ an ủi chàng vô cùng, bằng cách thấu rõ tấn kịch nó đương diễn ngấm ngầm trong lòng Khải - trong lương tâm một nhà văn đã gần bốn mươi tuổi mới nhận ra rằng tất cả quan niệm của mình về nhân sinh cũng như về nghệ thuật đều hư ngụy đến hầu thành một tội ác. Bởi không thể tìm được ở Kim một khích lệ tinh thần, Khải càng phàn nàn cho Kim, và coi cuộc nhân duyên của hai người như một điều sai lầm đau đớn. Nhưng dù thế nữa, Khải vẫn không có quyền cứ vô tâm với những cái nó tạo nên hạnh phúc của một người mà chàng đã lấy làm vợ. Lại còn bốn thằng con và một ông bố già nữa. Chẳng nhẽ chàng hy sinh cả bấy nhiêu cuộc đời cho cái mà chàng lấy làm lẽ sống của chàng? "Ta, trước hết, phải mưu sự no ấm và sự yên ổn cho gia đình ta đã!" - Bằng cách nào? Khải kiểm duyệt các phương kế mà, quanh mình chàng, người ta vẫn dùng để đi tới sự đắc thắng trong xã hội; và chàng tự thú rằng hết thảy cùng không hợp với cuộc đổi đời lớn lao đương bắt đầu trong tư tưởng của chàng. Vấp phải vấn đề khó khăn, chàng loay hoay tìm mãi mà không ra một cách giải quyết nào ổn thỏa. Tinh thần và xác thịt chàng, đồng thời bị tiếng động cơ đều đều ru dần vào giấc ngủ: đêm qua, chàng đã chẳng thức suốt sáng để dự cuộc tiễn hành của mấy ông bạn đồng nghiệp, toàn thuộc cái hạng "giang hồ khí cốt" đấy ư? Họ đã xa chàng biết chừng nào! Cả cái cách sống bên ngoài khuôn phép "của phường dung tục" mà bọn nghệ sĩ vẫn tán dương là đẹp đẽ, là cần cho sự sáng tạo dồi dào mãnh liệt, Khải cũng chỉ còn hơi mang máng như nó đã thuộc về một kiếp nào mù mịt quá.
Xe đến Việt Trì và đỗ lại trước một dãy hàng quà. Khải bị Kim đánh thức: Chàng vừa chớp chớp hai mi mắt vừa mỉm cười, như để tạ lỗi: "Mệt quá, ngủ dìu đi một tí mà đã nửa đường rồi!". Câu chàng nói bị át đi bởi muôn tiếng ồn ào của người lên kẻ xuống và của những hàng rong chèo kéo khách mua. Khải thấy đói, liền rủ vợ ăn mỗi người một bát phở gà; chàng uống thêm một chai bia nhỏ nữa; rồi, khi xe chạy, chàng lại thiu thiu ngủ...
Lúc chàng tỉnh giấc lần thứ hai thì xe đã sắp qua cầu sắt phủ Đoan Hùng, bắc ngang trên dòng Lô Giang, nước réo ầm ầm như tiếng xay thóc. Một kỷ niệm làm vẩn tâm hồn Khải: Mười năm về trước, những chuyến xe ngược xuôi còn phải dùng phà khảm từ bờ bên này sang bờ bên kia. Và, một lần chàng đã cùng mấy bạn... đứng trên mui phà, thề với nhau những việc lấp biển vá trời. Ấy là một chiều cuối đông, trời cũng vẫn mây như chiều nay, và gió bấc cũng chạy lướt từng cơn trên ngàn lau hoa trắng; lưng chừng không, một con vạc lẻ bỏ rơi những tiếng kêu buồn... Mấy bạn... của chàng, hiện giờ, đã hoặc chết rũ trong một xó tối tăm nào, hoặc đương từ... xa trông vời về cố quận... Khải buông một tiếng thở dài; đoạn chàng cất tiếng ngâm một bài thơ cổ chàng đã chuyển dịch sang quốc âm, mặc dầu tiếng ngâm của chàng bị tiếng động cơ lấn át:
Thuở loạn, xuôi đông thế...
Ngày yên, ngược một mình!
Quê người, đầu điểm bạc:
Đất cũ, dáng non xanh...
(Thế loạn, đồng nam khứ;
Thời thanh, độc bắc hoàn!
Tha hương, sinh bạch phát;
Cựu quốc kiến thanh sơn).
Bài thơ mới gợi cảm làm sao! Nó tỉnh thức trong đáy lòng chàng biết bao nhiêu là u hận, bao nhiêu mối tiếc thương đối với những gương mặt chẳng bao giờ lại thấy, và những ngày mà chàng còn có những bồng bột, những say sưa nó làm cho ta chỉ thấy đời có một ý nghĩa trong sạch và giản dị. Mười năm đã qua đi. Thời gian cứ như nước chảy dưới chân cầu, chẳng hề gián đoạn. Chàng đã ba mươi nhăm tuổi; chàng đã mất nhiều, nếu chưa nói là mất cả - trừ mối hoài nghi đối với những cái nó đã làm căn cứ cho hết thảy ý nghĩ, tình cảm và sự nghiệp của chàng. Khải chua chát: "... Sự nghiệp của một kẻ viết văn kiếm gạo!... Một kẻ đem tên đánh đĩ với đời, đầu đường cuối phố kẻ cười người chê, đúng như Tản Đà đã nói...". Và, bùi ngùi, Khải nhìn qua cửa xe: Sông núi lúc năm tàn nhuộm một màu ảm đạm. Một mùi cỏ ướt theo gió thấm vào giác quan chàng. Hai bên vệ đường, những dải rừng xưa vẫn dựng đứng cái vẻ xác xơ đưới những từng mây vẩn. Đó đây, một vài đốm lửa nương cố ghi yếu ớt những dấu sinh hoạt lẻ loi... Bóng tối và mây đen càng lâu càng dày đặc. Sự hòa hợp dịu dàng của mọi hình sắc gieo vào hồn Khải một bâng khuâng kỳ lạ.
Khải đến nhà vào lúc ánh đèn còn sáng: Ông cụ lang và bốn thằng nhỏ chưa đi nằm. Vừa nghe tiếng Kim gọi, lũ trẻ nhao nhao chạy ra đón; có đứa không kịp xỏ chân vào giày, guốc; cả con chó lài, vẫn nhớ chủ, cũng chồm lên, muốn rứt phăng cả xích sắt.
Ông cụ lang hỏi bằng một giọng vui vẻ:
- Các con đã lên đấy à? Sao chậm thế, làm ông và các cháu mong mãi, nhất là thằng cu Tí, nó nhắc cậu mợ luôn miệng...
Kim ôm thằng út lên lòng và hôn hít túi bụi:
- Vợ chồng con cũng nóng ruột quá; nhưng mãi hôm qua nhà con mới bán được sách cho người ta!
Khải kéo cái điếu bát để làm hơi thuốc lào, mà chàng đã phải nhịn suốt từ sau lúc rời bỏ Việt Trì. Chàng hỏi bố:
- Ông và các cháu ăn cơm rồi à?
- Ối chào, các anh ấy kêu đói ầm nhà cửa ngay từ chập tối kia! Để bảo thằng nhỏ nó nấu cơm hai vợ chồng ăn...
- Thôi chúng con ăn tạm phở cũng được. Nấu cơm bây giờ cách rách lắm!
- Thế thì chi bằng có bánh chưng nóng đấy, bóc vài chiếc ra mà ăn.
- Con sợ chưa cúng?
- Ông đã đặt lên thắp hương ở bàn thờ Phật và ở bàn thờ ông Vải rồi.
- Nếu vậy tốt quá! Con đương thèm bánh chưng...
Lũ trẻ bâu ngay vào bố:
- Phải đấy, cậu cho chúng con với nhé, cậu nhé!
- Chúng bay vừa cơm rồi! Mai hãy ăn bánh; no bụng quá, đêm lại làm rầy người ta!
Cu Tí ngoẹo đầu:
- Không, bé ăn bây giờ kia... nào... nào!
- Thằng Diệp! Cậu bảo thì nghe ngay chứ! Chóng mẹ cho kẹo và dép mới đây này... Kim vừa nói vừa lấy các thứ ở hòm ra và chia cho lũ trẻ mỗi đứa một phần đều nhau. Một gói kẹo dừa và một đôi sandale.
Thằng lớn tuổi nhất phụng phịu:
- Có sandale thế mà mẹ không mua quần áo lính thủy!...
Một nét buồn thoáng qua trên mặt Kim:
- Các con mặc tạm áo tết năm ngoái vậy! Cậu ốm, làm gì ra tiền...
Cu Tí nói chõ:
- Độ ở Hà Nội... cậu ốm, em cũng biết! Lúc nào cậu khỏi, cậu mới mua quần áo tây cho được chứ!... cả súng này... cả xe đạp này... cả kèn nữa kia!...
- Thật! Em bé nói phải. Các anh thì thua nó tuốt... Cụ lang gật gù khen cháu út đoạn quay lại phía Kim: Thầy xem ý thằng cu con nó lý sự đáo để: nói đâu ra đấy! Giời chứng sống thì phải biết!...
Cụ còn thuật lại vô số những cái hóm hỉnh của thằng Diệp. Khải để vợ nghe chuyện bố, chàng vặn to cái ngọn đèn Hoa Kỳ, dùng để ăn thuốc lào, cho thêm sáng, và cầm cây đèn búp măng sang các gian bên soi khắp một lượt.
Nếp nhà của cụ lang Xuân Hòa đã cũ lắm, gồm có ba gian hai chái rộng thênh thang. Luôn mấy năm sống vắng vẻ một mình, cụ lang nhất định cứ không cho ai thuê bớt, sợ nếu các cháu cụ lên, chúng sẽ không có chỗ chơi đùa ăn ngủ. Nếp nhà này đối với Khải, là cả một kho kỷ niệm não nùng, chàng đã sống ở đấy những ngày đen tối nhất; và cũng ở đây, mẹ chàng đã thở hơi thở cuối cùng, người mẹ đã để thương để nhớ cho lòng chàng không bao giờ nguôi được.
Khải qua gian giữa thờ Phật, tới gian bên là chỗ thờ mẹ chàng rồi vào gian trái mà trước kia, chàng đã dùng làm buồng ngủ.
Dưới ánh đèn dầu tây, các chi tiết hiện dần lên với một vẻ hoang tàn thảm đạm: bộ salon bằng gỗ tạp nhuộm, kê trước bàn thờ Phật, cái bàn viết què chân và đã mất một ô kéo, đứng tựa lưng vào vách gần ngay đấy, vài cái giường giát, một đôi tràng kỷ mối xông, dăm ba cái hòm khóa chuông bục đáy, vài cái tủ bỏ lổng chổng, tất cả đều mốc thếch dấu phù sa của trận lụt hồi tháng bảy (Tuyên Quang năm nào cũng phải mấy ngày ngâm nước). Bốn phía, vách tam hợp đã lở nhiều chỗ, để trơ lượt nan nứa, và mở lối cho gió lạnh vào trong nhà. Ngẩng nhìn mái tranh, Khải thấy nội các rui mè đều bị khói ăn đen kịt, và đầy những mạng nhện rủ buông như thao nón.
Khải lại trước bàn thờ mẹ và châm mấy nén hương cắm vào cái bát sứ vẽ rồng. Chàng nhận thấy bức thủy họa, do tay chàng vẽ để ghi cái hình ảnh mẹ chàng khi bà cụ vừa tắt thở, đã phai màu nhiều quá. Bộ ngũ sự, bằng gỗ sơn son, cũng đã khuyết mấy thứ - chắc hẳn bị nước cuốn đi. Khải bùi ngùi muốn khóc, chàng cảm tưởng như bao nhiêu dấu vết của dĩ vãng đều vây cả lấy chàng mà bảo: "Không, anh đừng bỏ chúng tôi nữa! Vắng anh ngần ấy năm, cái tình trạng của chúng tôi ra thế nào, anh thử xem?". Thực chưa bao giờ Khải ái ngại cha mẹ, vợ con chàng bằng bấy giờ, lại cũng chưa bao giờ cái vấn đề mưu toan sự no ấm và sự yên ổn cho gia đình chàng thúc giục lòng chàng đến thế! Cùng một lúc, cả cuộc đời chàng hiện ra, ngửa nghiêng và lỡ dở một cách vô cùng tuyệt vọng.
"Cậu ơi, sang ông bảo gì ấy..." - Tiếng gọi của đàn trẻ càng khiến tim chàng như bị vò xé. Họng chàng thắt lại. Một cảm giác cay cay xông lên mắt chàng. Khải lộn về chỗ ngồi. Nhưng, từ lúc lại tiếp chuyện cha, Khải không dám nhìn thẳng vào gương mặt mà những ngấn răn reo đều như bảo ngầm chàng: "Hãy thiết tha với những cái gì ngươi không thấy được hai lần".