"It is possible to live happily in the here and the now. So many conditions of happiness are available - more than enough for you to be happy right now. You don't have to run into the future in order to get more.",

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 24
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 8919 / 26
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3 -
ậy đi công chúa ngủ trong … mùng!
Nhật Phượng lười biếng lăn một vòng rồI quơ tay tìm chiếc gối ôm. Cô vờ không nghe Nhật Linh gọi
- Phượng! Dậy chưa?
Vừa gọi Linh vừa tháo dây ở bốn góc cho cái mùng sụp xuống phủ lên người Phượng. Cô càu nhàu bằng giọng ngái ngủ:
- Chủ Nhật cũng không cho người ta nằm nướng một chút. Chị gì mà giống chị … của con bé Lọ Lem quá vậy!
- Có gã nào tìm ở dưới nhà kìa con khỉ độc mồm. Ghê thật! Mới sáng sớm đã có khách với khứa!
Mở to mắt ra. Phượng hốt hoảng:
- Ai vậy?
- Làm sao tao biết!
Vậy là không phải Nhã! Phượng nhắm mắt lại nằm tiếp. Mà ai thế nhỉ?
- Gã ta đâu rồi chị Linh?
- Đang đấu hót tưng bừng với thằng Trung ngoài salon.
- Ối xời!Vậy là bạn ảnh chớ làm sao là bạn em được. Mệt bà quá!
Nhật Linh gạt:
- Gã nói là tìm em mà! Tay ôm hộp gì như hộp bánh. Xuống coi ai vậy. Cứ nằm ì ra hoài kỳ chưa?
Lật đật ngồi dậy, Phượng chạy xuống phòng tắm. Vừa chải tóc cô vừa ngắm mình trong gương. Thật xấu hổ! Chẳng đâu vào đâu bộ mặt mới ngủ dậy. Cô lắng tai nhưng không nghe tiếng ai khác tiếng Nhật Trung đang huyên thuyên kể chuyện đánh độ bida.
Lấy ngón tay trỏ miết nhè nhẹ lên mặt, Nhật Phượng khổ sở với gương mặt mèo ngái ngủ. Cô đi lên phòng khách mà lòng thầm rủa xả kẻ nào bất lịch sự, dám đến sớm để phá giấc ngủ nướng ngày Chủ Nhật của Gà Xước.
- Trời ơi! Lại là gã cậu trời đánh!
Phượng ngạc nhiên suýt kêu lên thành tiếng khi thấy Thiên đang toác mồm ra cười với mình. Cô đứng chôn chân một chỗ mặt lạnh lùng như sắp gây lộn đến nơi.
Đang thao thao bất tuyệt, Trung cụt hứng ngưng lại. Anh chàng nhún vai đứng lên.
- Trả khách lại cho em đây. Gà Xước!
Rồi vẻ đàn anh, Trung thân mật vỗ vỗ vai Thiên:
- Hôm nào có dịp mình chơi vài vàn, tôi sẽ chấp anh bàn hai chục điểm. Đồng ý chứ?
Thiên tủm tỉm gật đầu:
- Thế nào anh em mình cũng còn gặp nhau mà!
Nhật Phượng khó chịu chem. ngay một câu:
- Vội vàng thân mật quá vậy. Anh Trung tôi chưa đủ tuổi để làm anh anh đâu!
- Ủa! Phượng nghĩ rằng tôi … hạ mình làm em cậu ta à. Rõ là buồn cười! Chủ quan quá đấy! Cô giáo!
Phượng hậm hực nhìn anh ta. Đàn ông gì mà lúc nào cũng sẵn sàng ăn thua đủ với phụ nữ. Cô cáu kỉnh:
- Anh tìm tôi có chuyện gì?
Dường như cô càng tỏ thái độ bực dọc Thiên càng thích hay sao ấy. Lững lờ nhìn xéo Phượng qua khói thuốc anh ta cười cười trêu:
- Phái nữ đẹp nhất lúc mới ngủ dậy và lúc giận dữ. Sáng nay hai nét đẹp trời cho ấy đều có đủ ở Nhật Phượng. Thật hân hạnh khi tôi được chiêm ngưỡng!
- Anh … anh … anh tới đây để nói như vậy hả? Xin lỗi! Tôi không có dư thời giờ đâu.
- Kìa! Lại mất bình tĩnh rồi! Tôi cũng đâu có thời giờ. Nhưng vì người khác tôi đành phải hy sinh Sunday morning … Lẽ ra giờ này tôi tới Vũng Tàu rồi! Khổ nỗi …
Ngần ngừ một chút, Thiên xụ mặt thiểu não:
- Hoài Tú bệnh rồi, Nhật Phượng làm ơn đến với nó …
Nén bực dọc xuống, Phượng hỏi trỏng:
- Chị Đan Tâm đâu?
- Vẫn ở kề bên, nhưng hình như Hoài Tú giận mẹ nó
- Nó bệnh nhõng nhẽo phải không?
- Chắc là vậy!
Nhật Phượng mím môi:
- Có gì nghiêm trọng đâu mà anh lại làm phiền người khác vào buổi sáng sớm như vậy. Xin lỗi, tôi kèm trẻ theo giờ quy định chớ đâu phải muốn gọi lúc nào, khiến cái gì cũng được. Anh đừng nghĩ có tiền rồi muốn làm tình làm tội ai thì làm.
Mặt Thiên vẫn tỉnh như không:
- Lại nóng rồi! Sao nhiều tự ái vậy … Gà Xước?
Nghe anh ta goi. tên Gà Xước ngọt như quan thân từ đời kiếp nào. Nhật Phượng liếc xéo một cái dài. Cái liếc không hề làm Thiên bối rối hay rung động, ngược lại cô thấy anh hơi chồm ra trước một chút, giọng nghiêm như thật:
- Hình như mắt Phượng có dính … ơ … dính bụi thì phải
Như một phản xạ Nhật Phượng cho tay lên mặt. Sao kỳ vậy, lúc nãy cô đã soi gương kỹ lắm mà! Đang muốn độn thổ cho đỡ quê, cô lại nghe Thiên cười:
- Rớt rồi! Lúc nãy Phượng liếc … tôi, cục bụi rớt xuống đất đánh bốp một cái đây nè.
Là em út trong nhà Phượng đã quen nghe bị hai ông anh và mấy bà chị chưa vợ, chưa chồng chọc tối ngày, nhưng lần này thì cô ức phải khóc thật
- Sáng nay anh không làm gì, nên tới đây chọc tôi hả?
- Đâu có. Tôi đang làm việc thiện.
Thiên bỗng đổi thái độ. Anh ta trở lại bộ tịch kẻ trên như hồi tới với giọng ra lệnh:
- Tôi cho Phượng năm phút nữa, rồi chúng ta tới chỗ Đan Tâm. Có người dài cổ chờ cô.
- Dứt khoát tôi không đi!
- Vậy tôi sẽ ngồi đây! Mặc cho con Hoài Tú khóc lóc ỉ ôi, làm trận, làm thượng với mẹ nó. Cô có ông anh nói chuyện vui lắm! Tôi dư sức ngồi hầu chuyện với cậu ấy tới chiều, không cần cơm nước.
Nhật Phượng gắt gỏng:
- Đừng đùa dai nữa anh Thiên.
- Tôi là người không biết đùa. Nè! Nếu tôi cứ đổ lì ngồi đây thế nào hai bác và anh chị cô cũng tưởng tôi là đối tượng chính… Thế nào mọi người cũng mời tôi ăn cơm. Lúc ấy tôi sẽ xưng anh, gọi em với Phượng nghe.
Trời ạ! Sao có hạng người trơ trẽn đến thế. Mặt mày hắn trông đâu đến nỗi tệ, có phần bảnh bao, sáng sủa là khác, sao ăn nói vô duyên lạ lùng. Đúng là khổ! Người mình trông ngóng lại không thấy đâu, kẻ mình muốn né, tự dưng lại đến ngồi ăn vạ.
Nhật Phượng khoát tay như xua tà:
- Thôi đủ rồi! Anh về đi, tôi sẽ đến sau.
Thiên lắc đầu:
- Đâu có được! Đã trót hứa sẽ chở cô đến tận nhà Đan Tâm, tôi phải làm đúng lời hứa, không thì mất uy tín lắm.
- Ai biểu anh hứa làm gì khi chưa biết ý… người ta có chịu đi hay không.
- Tôi dám hứa vì biết Nhật Phượng là người nhiều tình cảm, không khi nào để người khác thất vọng vì mình. Với Hoài Tú, cô có một vị trí rất đặc biệt, lẽ nào Phượng đang tâm làm mất tình cảm người khác dành cho mình?
Nhìn Thiên, Nhật Phượng có cảm giác anh ta cứ như nửa đùa, nửa thật. Chẳng biết Hoài Tú có đòi cô hay không. Nhưng nghe lời Thiên nói, Phượng cũng thấy mát ruột.
Thiên đúng là cáo già, anh nắm ngay một giây chạnh lòng của cô để dụ dỗ:
- Đi nhe Nhật Phượng, đến đó cô sẽ vui khi thấy người ta cần mình, chờ đợi mình. Tôi không đùa dai với Phượng đâu.
- Anh muốn nói người ta nào chứ?
Mắt Thiên nheo nheo trước khi trả lời:
- Đan Tâm, Hoài Tú. À! Mẹ bé Tú gởi cho cô bánh sinh nhật. Hồi tối cô nàng cằn nhằn tôi về việc không giữ được cô ở lại. Đan Tâm đổ thừa rằng tôi không nhiệt tình với em gái nuôi của cô nàng. Chính vì vậy sáng mai tôi phải chứng tỏ tôi có thừa nhiệt tình và luôn luôn sống vì mọi người.
Phượng mai mỉa:
- Anh tốt quá nhỉ!
Mắt Thiên sáng rỡ lên, anh mồm mép:
- Tốt hay không bây giờ tùy ở Phượng. Nếu cô không bằng lòng để tôi đưa tới nhà Đan Tâm thì rõ ràng cô cố tình gieo tiếng xấu cho tôi.
Thấy Nhật Phượng làm thinh, Thiên tán vào thêm:
- Lẽ nào “Gà xước” nỡ cố chấp để tôi mang tiếng xấu với Nhã.
Phượng chợt liếc vội vào nhà, mặt cô đỏ bừng lên. Anh ta gài cô đây mà! Dầu tức cành hông Phượng cũng chẳng thể nào để Thiên mách lẻo với Nhã rằng: con bé đó vừa thù vặt vừa cố chấp, khó mê lắm!
Đứng dậy Phượng ráng dịu giọng:
- Tôi sẽ đến vì Hoài Tú chớ không vì tiếng xấu, tiếng tốt của ai hết!
- Vâng! Vâng! Tôi cũng chỉ mong được như vậy!
Bước vào bếp, Phượng đụng ngay gương mặt chờ đợi của Nhật Linh:
- Ai vậy?
- Cậu của Hoài Tú! Con nhỏ bệnh nặng rồi! Em phải tới đó vì chị Tâm nhờ…
- Con Uyên đi, rồi tới em đi. Chị lại phải giữ nhà nữa ha?
- Ủa! Chị Uyên đi đâu sớm vậy?
Giọng Linh cộc lốc:
- Điểm tâm, lót dạ gì đó với thằng cha bạn mới nào nó hẹn ngoài quán. Ai mà biết!
Thấy mặt bà chị có vẻ ngầu, Phượng xìu hẳn xuống:
- Nếu vậy để em ở nhà, đi chợ nấu cơm, làm hết mọi việc cho chị
- Thôi đừng nói lẫy nữa! Người ta tới tận đây nhờ vã, lẽ nào lại ở nhà. Có điều nhớ về sớm sớm để chiều chị đi cắt tóc.
- Yes! Madam!
Phượng bặm môi lại, cô không hiểu sao mình lại rộn lên như thế? Lúc nãy cô vừa mới từ chối việc tới nhà Hoài Tú kia mà. Ôi! Nhã ơi Nhã! Xoa xoa hai bên má đang nóng bừng, cô thầm gọi Nhã. Tại cô không muốn gã trời gầm kia sẽ nói xấu cô với anh, nên…
Vờ như không thấy cái nhìn hơi xấc của Thiên, cô ngồi lên sau xe và nhất định ngậm miệng suốt dọc đường. Thiên cũng chẳng mở lời, chuyện trò bép xép như từ nãy đến giờ anh đã huyên thuyên. Nhật Phượng chợt cay đắng nghĩ Thiên đã đạt được mục đích rồi, hắn cần gì nói nữa cho mệt. Vậy cũng tốt, cô không ưa đàn ông già mồm kiểu như Thiên. Mà hắn ta có phải hạng già mồm không? Hay hắn là kẻ thủ đoạn, khi cần thuyết phục sẽ mở hết “volume”, còn không thì lạnh lùng phớt tỉnh như bây giờ?
Đến cổng xe ngừng lại, Nhật Phượng leo xuống đưa tay nhấn chuông. Cô nghe giọng Thiên hơi ngập ngừng:
- Nhật Phượng! Tôi đã nói dối cô. Thật ra Hoài Tú không hề ốm đau gì cả. Tôi làm việc này vì Nhã. Hắn đang héo hon chờ cô ngoài vườn. Tôi đã hứa sẽ mang cô tới…
Mắt Phượng từ ngạc nhiên chuyển sang giận dữ. Cô lạc tiếng đi vì tức:
- Anh xem thường tôi quá sức! Anh chỉ coi tôi như con nít.
Dứt lời cô quay ngoắt ra đường. Thiên lẹ làng chụp tay cô kéo lại:
- Tôi xin lỗi!
Phượng dằng mạnh tay mình ra:
- Không lỗi phải gì cả!
Nhưng Thiên giữ cô chặt quá, Phượng đang cố dứt tay anh thì cánh cổng hé mở. Hoài Tú thò đầu ra reo lên:
- A! Cô Phượng! Cậu Thiên! Cô Phượng cầm tay cậu Thiên chi vậy?
- Để dắt cậu vào nhà chớ chi nữa. Mở cổng rộng ra mau lên con bé nhe!
Hoài Tú vừa mở Cổng vừa cầm tay Nhật Phượng, nó tía lia cái mồm có cái răng sún:
- Con biết thế nào cô cũng đến mà!
Nhật Phượng gượng cười:
- Sao con biết được?
Hất mặt lên với vẻ Tự Hào con bé nói:
- Con nghe cậu Thiên với cậu Nhã…
- Hoài Tú! Ra gài chốt cổng lại. Nhiều chuyện rồi phải không?
Con bé rụt cổ, lè lưỡi chạy ngược ra cổng. Phượng trút sự hồi hộp của mình lên những viên sỏi trắng dưới đất. Cô co chân đá đá chúng và liếc mắt tìm Nhã.
Thiên biết Phượng giận nhưng anh phớt lờ như không. Vẫn cái giọng ra lệnh, anh bảo:
- Vào đây Nhật Phượng! Bàn tiệc hồi tối đã được chuẩn bị y như cũ. Nhất định tôi phải làm cô vui thật vui.
Lầm lì Phượng bứớc theo sau Thiên, cô thấy dưới gốc cây sứ với đốm bông trắng, một cái bàn nhỏ với ba chiếc ghế sơn màu hồng lợt đã được bày sẵn. Trên bàn đầy ắp thức ăn, nhưng Nhã thì không thấy đâu cả.
Phượng thấy Thiên thoáng ngạc nhiên, anh quay lưng gọi ầm lên:
- Hoài Tú! Hoài Tú! Đi tìm cậu Nhã cho cậu.
Hoài Tú nhảy chân sáo, loi choi lóc chóc chạy vào:
- Cậu Nhã đi rồi!
- Hả! Cậu Nhã đi đâu?
- Con hông biết! Cậu Thiên vừa đi khỏi là tới cậu Nhã đi ngay.
Mặt Thiên nghệch ra khổ sở. Anh ấp úng:
- Chuyện này ngoài dự kiến của tôi. Có lẽ tại Nhã chờ lâu quá, hắn thất vọng.
- Không phải anh Nhã chờ lâu, không phải anh ấy thất vọng gì hết. Đây chỉ là trò đùa quái ác của anh, một người dối như cuội.
Mặc cho Thiên đứng ngẩn ra. Phượng gọi bé Tú:
- Ra mở cổng cho cô! Hoài Tú!
- Ủa! Sao cô Phượng về. Không ở lại coi cậu Nhã thua cá độ với cậu Thiên con hả. Một két bia lận đó!
Thiên quắc mắt nạt Hoài Tú:
- Vào nhà học bài đi Hoài Tú!
Con nhỏ lắc đầu:
- Bữa nay chủ Nhật mà cậu Thiên!
- Vậy vào nhà chơi búp bê. Nhanh!
Thấy ông cậu nổi nóng con bé cụp mặt chạy tuột. Phượng đâu phải kém thông minh, nên dẫu không nắm hết đầu đuôi lời Hoài Tú muốn nói, cô vẫn lờ mờ đoán được câu chuyện theo chủ quan của mình. Có lẽ Thiên uốn ba tấc lưỡi Tô Tần kéo cho được cô tới đây sáng nay, là vì lời thách thức của Nhã. Còn Nhã thì cũng chẳng cần biết cô đến hay không. Anh lẩn mất biệt tăm hơi, ngay sau khi thằng bạn quý hóa của mình lên xe bắt tay vào cuộc thách đố.
Uất nghẹn vì đau khổ hơn là tức tối đã nhẹ dạ tin lời Thiên. Nhật Phựợng choáng váng ngồi phịch xuống ghế. Cô buột miệng:
- Anh ác lắm!
Cứ ngỡ Phượng trách mình, Thiên rối rít:
- Phượng đừng hiểu lầm! Thật sự tôi nói dối vì muốn cô và Nhã được gặp nhau. Sao hắn bỏ đi đâu thế kìa!
Phượng nổi sùng lên
- Thôi để tôi về! Bọn các anh đúng là quỷ sứ, nỡ đem người khác ra làm trò đùa.
Phượng đứng bật dậy đi ra cổng, Thiên vội chạy theo, anh đứng tựa người vào chốt cửa.
- Cô phải ở lại đợi Nhã để hiểu là tôi nói thật. Biết đâu hắn đi mua tặng cô một bó hoa nhằm bày tỏ tình cảm. Cô nên tin tôi một chút, một chút thôi!
Gật gật đầu Phượng nói cho qua:
- Ừ! Tôi tin anh. Nhưng tốt nhất anh nên để tôi về. Tôi rất ghét những gì có tính cách sắp xếp trước.
Ngần ngừ nhìn Phượng, Thiên thở dài:
- Tôi sẽ đưa Phượng về!
- Không cần đâu! Tôi còn ghé chợ nữa…
Bước ra đường. Thiên ngoắc cho Phượng chiếc xích lô. Tay anh ta nhét tiền cho người đạp xe, mồm ngọt ngào đưa đẩy:
- Chỉ mong Phượng đừng hiểu lầm tôi.
Khinh khỉnh nhìn Thiên, cô nhấn mạnh:
- Anh chỉ mong vậy thôi sao? Còn tôi, tôi muốn đừng bao giờ phải gặp lại anh lần nữa. Anh nhắn với chị Tâm dùm, tôi sắp thi nên không rảnh dạy kèm bé Tú được.
Hả hê với những lời của mình, Phượng ra lệnh:
- Chạy mau mau đi bác!
Thế nhưng khi chiếc xe lắc lư băng qua các dãy phố đông vui, cô lại muốn khóc vì tức. Bao giờ đối với Nhã, Nhật Phượng cũng là con bé ngốc nghếch chẳng có gì để anh đáng quan tâm, như lời anh đã nói ở hai lần gặp lại sau bảy tám năm xa cách.
Cho đáng đời cái tội chủ quan, chỉ suốt đêm thao thức, mơ mộng nghĩ tới người ta. Lẽ nào Nhã từng ấy tuổi, đi từ ta sang tây mà chưa có mảnh tình vắt vai, để về đây vừa gặp con bé… ròm năm xưa đã rung động?
Càng phân tích, suy luận Phượng càng rối mù trong mớ bòng bong tình cảm. Tốt hơn cứ nghĩ Nhã vẫn còn xa nghìn trùng như từ trườc đến giờ anh vẫn xa. Chuyện gặp đêm qua chỉ là một giấc mơ tuyệt đẹp.
Vào nhà, Phượng đi thẳng xuống bếp và ngồi phịch lên ghế dưới cặp mắt ngạc nhiên của Nhật Trung.
- Chị Linh đâu anh Trung?
- Bả đi chợ rồi! Ê! Phượng! Cắt bánh ăn đi cưng. Lúc nãy anh… gợi ý chị Linh, bả nói nó thuộc quyền sở hữu của em. Vậy anh cắt nghe.
Phượng làu bàu:
- Cắt thì cắt! Nếu mà anh ăn được hết, em tặng anh luôn.
Nhật Trung hồ hởi mở tủ lạnh bưng cái bánh ra. Lúc này Phượng mới nhìn kỹ, đó là tầng bánh thứ hai của cỗ bánh ba tầng. Mặt trên của nó là một tòa lâu đài làm bằng kem thật xinh xắn. Lúc tối Phượng đã thích thú nhìn tầng bánh này khi Hoài Tú đứng tựa vào đó chụp hình. Bây giờ nhìn kỹ nó hơn, Phượng càng thích dữ.
- Đẹp thật! Cắt ra uổng quá.
- Lại vớ vẫn! Đẹp cỡ nào cũng vô miệng. Anh đói rồi, cấm em rút lại lời đã nói ra à nghe.
Nhìn Trung lăm lăm con dao với tư thế chuẩn bị Phượng hất mặt đi chỗ khác khi nghĩ tới Thiên.
- Thì anh cắt đi. Đẹp ăn càng ngon.
- A! Cậu của học trò em lịch sự đấy chứ. Ít ra, cũng biết em hảo ngọt nên mới đem tới cả một cái bánh to như vậy.
Phượng trề môi:
- Đàn ông gì mồm mép quá, thấy sợ.
- Ủa! Anh ta mồm mép gì đâu, từ đầu đến cuối ngồi im re nghe anh nói chuyện cá độ không mà.
Nghe tới chuyện cá độ, tự dưng Phượng tò mò:
- Thường thường bọn đàn ông các anh cá độ những gì?
- Sao hôm nay em để ý tới chuyện này vậy?
- Em muốn biết để đừng rơi vào trương hợp mình là vật thí, bị thiên hạ đem ra đánh cá vậy mà.
Trung cười hì hì. Anh từ tốn cắn một miếng bánh to, gật gù nhấm nháp rồi mới đáp:
- Với bọn anh cái gì cũng cá được hết. Coi đá banh cũng cá, đua xe đạp cũng cá, đôi lúc hai ba thằng ngồi ngoài quán, thấy một con bé được được đi ngang, hứng chí cũng cá xem đứa nào tán được “em” mời được “em” đi đạp vịt ở hồ Kỳ Hòa. Làm sao kể hết ba cái vụ cá độ trời thần đó.
- Mà… cá chi vậy?
- Tụi anh chủ yếu để vui thôi! Nhưng có nhiều tay chuyên sống bằng nghề cá độ. Nhất là cá độ ngựa. Bọn này thì thiên về cờ bạc. Em không đọc báo thấy đang ở cầu Nhị Thiên Đường có bọn chuyên môn nhìn trời rồi cá mưa nắng ăn tiền sao?
Nhún vai một cái Trung cười cười:
- Với bọn đàn ông… chân chính như anh chẳng hạn, thì cá độ đôi khi là cách biểu lộ tính háo thắng, sự tự tin cho mình là đúng, mình tài hơn kẻ khác, bằng bất cứ giá nào mình cũng phải làm được điều gì đã… cá.
Thấy Phượng nhíu mày làm thinh. Trung hỏi:
- Bộ có đứa nào cá là sẽ cua được em hả
- Đâu có! Sao anh hỏi kỳ vậy?
Nghiêm mặt lại Trung nói:
- Nếu có, em phải cho anh biết để anh nện vỡ mồm chúng ra. Anh không muốn bất kỳ ai đem em gái anh ra để bỡn cợt hết.
Chớp mắt cảm động, Phượng đùa:
- Bữa nay anh Trung oai ghê ha! Đáng thưởng nửa ổ bánh sinh nhật.
Nói xong Phượng lại ngồi thừ ra, bứt rứt. Bọn đàn ông là thế đó! Cô chua xót nhớ tới cái nhìn xấc xược của Thiên khi cô lên ngồi trên xe của anh ta. Đối với Thiên cô là trò đùa, đối với Nhã cô có gì khác hơn đâu?
Đang ngồi rầu rĩ với nỗi đau riêng, Phượng chợt nghe tiếng Nhật Uyên hát ở nhà trước.
“Khi tình yêu là một hoa hồng
Hơi thở người yêu
Hóa thành ngọn gió
Niềm hạnh phúc là làn hương nhỏ
Theo gió bay bát ngát giữa đời…”
Nhật Phượng nuốt vội miếng bánh.
- Bà Uyên làm gì mà yêu đời dữ vậy ta!
- Yêu người chớ chưa yêu đời đâu. Nè đẹp chưa! Khi trái tim ta là một hoa hồng…
Cả Nhật Trung lẫn Nhật Phượng đều nhìn tay Nhật Uyên. Cô đang cầm một cánh hồng hàm tiếu màu đỏ thật đẹp. Cánh hoa được gói giấy kiếng, cột nơ hồng cẩn thận, chứng tỏ hoa này là tặng vật của gã si tình nào đó. Mà Nhật Uyên của nhà này thì có nhiều gã si tình lắm!
- Phượng lên tủ kính lấy cho chị cái bình pha lê cổ cao nhanh lên! Chỉ có cái bình đó mới xứng với cành hoa này.
Nhật Trung nhún vai:
- Vẽ chuyện!
Nhật Uyên không thèm chú ý lời của Trung, cô vừa tháo lớp giấy kiếng ra, vừa lắc lư đầu hát tiếp:
- “Ta sẽ tự hào nở hoa giữa ngực…”
Phượng đem bình hoa xuống, cô đặt lên bàn rồi nhìn Uyên cắm hoa vào bình. Cái màu đỏ chói lòng làm cô tiếc rẻ. Biết đâu Nhã đi mua hoa cho mình như lời Thiên nói thật. Sao mình lại dửng dưng nổi giận thế, rồi ảnh biết tặng ai?
Hất mặt lên hí hửng, Nhật Uyên nói:
- Biểu tượng của tình yêu bất tử!
Vừa cắt thêm cho mình miếng bánh, Trung vừa ngâm nga:
- “Trong bình cắm là hoa
Ném ra ngoài là rác
Cũng như thế tình yêu
Trong trái tim bội bạc.”
- Điều đó không sai đâu! Thằng cha nào nói với bà hoa hồng là biểu tượng của tình yêu bất tử thì coi chừng. Thằng đểu đấy! Phải thực tế một chút, tình yêu không chỉ là hoa. Nó còn là rác nữa. Mà hoa nào cũng thành rác hết, thưa bà chị yêu dấu.
Nhật Uyên bĩu môi:
- Nói như mày, mấy chợ bán hoa ế hết!
- Nhưng mấy chỗ bán bánh lại đắt. Tui chịu như gã đẹp trai của con Phượng. Sáng sớm đã mang tới một ổ bánh kem to. Có thực mới vực được đạo yêu.
Phượng phản ứng ngay:
- Anh Trung nói bậy! Em với thằng cha đó không có gì hết à nhe!
Giả lơ như không nghe lời Phượng, Trung hỏi Uyên:
- Cành hoa hồng này của một anh chàng chị mới quen phải không?
- Sao mày biết?
- Dễ hiểu thôi. Mới quen nên bày đặt tặng hoa, chớ còn rành nhau quá rồi, ngu sao đi “ga lang” kiểu đó. Mà hỏi thật nghen. Em biết hắn ta không?
Bật cười thành tiếng, Nhật Uyên đáp:
- Dĩ nhiên là không.
Trung chặc lưỡi:
- Chà! Nhật Uyên mà cũng im im giống Nhật Linh. Coi chừng chị và chị Linh cùng chung một bí mật đó. Dạo này em thấy chị Linh coi bộ tuổi trẻ ra.
Nhật Uyên kêu:
- Mày muốn ám chỉ việc gì thằng quỷ
- Em đang nghĩ chả biết việc bà Linh đi ăn cơm nhà hàng với ông Nhã có giống việc chị đi ăn điểm tâm sáng nay với ai đó không.
Phượng ấp úng hỏi:
- Sao anh biết chuyện chị Linh đi ăn cơm với anh Nhã?
- Tình cờ thôi! Bữa đó anh đi với tụi bạn. Thấy hai ông bà, anh liền lánh ngay. Để mất công người ta ăn không ngon.
Nhật Uyên cười:
- Nghe cho rõ nè: Chị Linh đi ăn nhà hàng với anh Nhã là vì công việc làm ăn của công ty chỉ, chẳng giống chuyện chị đi ăn sáng với chủ nhân đóa hồng này đâu. Chắc gì ông Nhã thích thú khi phải ngồi “servir” cho chị Linh.
- Đương nhiên công việc của em làm sao quen nhiều việt kiều như chị được. Biết một vài tên thôi cũng thấy khó chịu. Hỏi là để phòng xa vì coi bộ dạo này Việt kiều tấn công tới bức tường rêu phòng kiên cố của nhà mình rồi.
Có tật giật mình, Phượng kêu lên:
- Là sao chứ?
- Mày đi mà hỏi bà Linh ấy!
Nhật Uyên nhanh nhẩu:
- Em muốn nói ông Nhã hả?
- Đúng phóc!
Phượng nghe tim minh đập hỗn loạn. Cô cúi đầu xuống nhìn những hoa cúc vàng nâu in trên mặt bàn mica và thấy như chúng đang nhảy muá loạn xạ theo tiếng cười rất lạ của Nhật Uyên:
- Ha! Ha! Em lại phóng đại sự tưởng tượng của mình quá cố rồi. Con gái hơ hớ thiếu gì, ông Nhã điên sao lại tốn thời gian tấn công bức tường rêu của nhà mình. Chị Linh sắp… băm tới nơi rồi. Khổ lắm đấy! Anh Nhã tới chở chị làm nhỏ đòi “dỗ” hoài. Có bao giờ anh nhắc nhở, thăm hỏi gì chị Linh đâu?
Ba chị em bỗng dưng rơi vào im lặng. Nhật Uyên bưng lọ hoa lên lầu. Trung ngồi lại nhâm nhi cho hết miếng bánh đang ăn dở. Phượng bước ra vườn.
Gia đình cô đông anh em, ba cô chỉ là một công nhân viên quèn. Ông đã từng phải cực nhọc làm thêm nhiều nghề phụ để nuôi bảy đứa con ăn học nên người. Tính ba cô kín đáo ít khi bộc lộ tình cảm của mình đối với con cái, mẹ cô cũng vậy, nên hai ông bà vô tình tạo cho lũ con lối sống khép kính, mỗi đứa là một thế giới riêng biệt. Khó ai nhìn vào bên trong được. Anh em, chị em trong nhà gặp nhau nói chuyện trên trời dưới đất rất vui, nhưng đố ai biết rõ ai, hầu như anh chị em cô không hề có những giây phút gọi là tâm sự. Mọi người đều ôm riêng trong lòng chuyện của mình. Bảy đứa con lớn lên, mỗi đứa một lối sống, một tính tình. Không bao giờ anh em cô gây gỗ, lớn tiếng với nhau, nên với mọi người xung quanh, gia đình cô là một gia đình trên thuận dưới hòa. Ba mẹ cô xem đó là điều đáng hãnh diện. Ông bà không hề hiểu rằng mỗi đứa con là một ngôi sao đơn côi rất thèm xích lại gần nhau. Nhưng trong bầu trời đêm vô tận đó, việc xích lại gần nhau chắc khó xảy ra vì thói quen của con người có khác nào quỹ đạo của tinh ngôi sao. Muốn không phải là được!
Mùa Thu Màu Hạt Dẻ Mùa Thu Màu Hạt Dẻ - Trần Thị Bảo Châu