Số lần đọc/download: 1147 / 5
Cập nhật: 2015-11-28 21:17:31 +0700
Chương 2
L
inh, Thảo, Oanh vẫn cùng đoàn kịch Bông Lau diễn ở thôn Mai Thượng. Dân chúng rất hoan nghênh, và thượng cấp chỉ huy văn hóa từ khu xa về kiểm điểm rất hài lòng về nghệ thuật, nhưng không hoàn toàn đồng ý về phương diện sáng tác của Linh, bảo rằng những kịch phẩm ấy tuy rất lôi cuốn khán giả song bất lợi cho mục đích tuyên truyền. Linh không cãi, chỉ mỉm cười. Thái độ của anh rất rõ ràng, và thái độ ấy đã tách xa anh với bạn đồng hành đồng ngũ song chẳng hề chung quan niệm và chí hướng. Anh ngoảnh mặt đi, hoặc cắm cúi làm thơ, hoặc lặng lẽ nhìn trời mỗi khi người ta cãi cọ về chính trị. Quá lắm thì anh đứng dậy, ra chỗ vắng ngồi, hay đi chơi đâu dăm bảy bữa, rồi trở về với anh em khi bầu không khí luận chiến đã nguội lạnh như vẻ mặt chán chường của Ngọ, Hoạt, Quý, Uy lúc không còn tiền mua rượu thịt.
Tiết trời rét dữ. Cứ về cữ mưa dầm gió bấc là Oanh ốm yếu luôn. Cái thai đã làm cho cơ thể của cô quá nặng nề.
Đoàn kịch vẫn luôn chuyển như vành xe rỉ trên đường bụi.
Cô lúc này tự thấy mình là một phần tử sắp rơi vào vòng sa thải, vì ốm đau và to bụng, không thể ra sân khấu đóng đôi với Linh được nữa. Ông bầu Tích tỏ ra khó chịu, và anh em có lần say, sỗ sàng trách Linh tác quái. Tác quái có nghĩa là làm hỏng hình hài một nữ tài tử của đoàn, phạm nội quy mà đoàn viên cần phải tránh.
Linh không chịu được những lời đùa bỡn có tính cách lên án đó, nên đã bàn với Thảo đành xa các bạn. Thảo đồng tình. Ngày hôm sau, Thảo rủ Oanh và Linh về nhà mình tạm nghỉ, chờ Oanh sinh đẻ, trong thời gian ấy anh sẽ có thể sáng tác thêm chăng.
Ba người bạn rời Mai Thượng vào một buổi tinh sương, giữa lúc các kịch sĩ đang nằm rúc vào nhau ngủ mệt trên giường, dưới đất, lấy phông cảnh, cánh gà làm chăn gối đắp điếm cho nhau sau một đêm bôi râu, vẽ mặt làm vương hầu, tráng sĩ, hiến vui cho bọn khán giả quê mùa.
Gió sớm lùa qua hơi sương băng giá vèo vèo quất vào da mặt. Ba người đã xa thôn Mai Thượng, lặng lẽ và chậm chạp cúi đầu đi bên bờ sông máng, nước sánh chất độc cao nguyên rót xuôi về đồng ruộng. Cô xuýt xoa so đôi vai gầy guộc, áo đơn không đủ ấm, níu chặt cánh tay Linh. Thảo đi lên trước, cản đỡ gió cho cô.
Màng sương đọng trên các khóm lá cúc tần trắng tựa những mảnh sa vương vất đó đây. Gió thổi dạt những bông lau tím phớt nghiêng nghiêng chụm vào nhau, ẻo lả như thân gái dặm trường đang dạt vào nẻo bến đời bất định.
Gần trưa, ba người tới Khương Sơn Hạ. Vợ Thảo vẫn như thường lệ, ngồi trong quán bán hàng. Đàn con Thảo mừng thấy bố, vui gặp bác, hò reo ra đỡ ba lô, đứa nắm tay áo cô Oanh khoe mẹ đắt hàng vừa mua đôi vịt, đứa nắm tay Linh khoe nhà có rượu ngon chờ đón bác.
Vợ Thảo hân hoan đón bạn vào hàng, hỏi thăm Oanh về ngày sinh. Oanh ứa nước mắt nhìn ra đồi cước bốn mùa lá nõn màu ngọc thạch, đáp:
- Chỉ vào cuối tháng sau em ở cữ. Đời lang bạt mãi thế này, thực chưa biết ngả vào đâu.
- Anh chị tạm nghỉ với chúng tôi. Một cái quán chông chênh này cũng đủ che mưa nắng - Thảo cười rồi nói tiếp - Được cái bếp không bao giờ tắt lửa, bún riêu và chè đậu đen những khi không bán hết, chủ quán được ăn trừ bữa như cảnh vợ chồng bác Trương ở Ngã tư Ngô Xá.
Linh giọng chân thành:
- Oanh sẽ chịu khó giúp chị làm hàng, phải cố mà quên cuộc đời quận chúa, giai nhân sân khấu…
Vợ Thảo nhìn hai bàn tay Oanh nõn nà, những chiếc móng thon dài nhuộm màu hoa lựu, cô cười khanh khách cắt lời Linh:
- Thôi ạ, tay tôi đã quen với càng cua, củi sắc thế mà cũng nát ra. Bàn tay nữ nghệ sĩ đẹp thế kia thì nhất định là ngon lắm, cua nó tha hồ bắt nạt. Chị cứ an tâm tĩnh dưỡng, đến ngày sinh nở đã có tôi. Bạn đàn bà với nhau phải có bổn phận dắt díu nhau khi vượt cạn. Còn các ông thì vượt sông vượt biển cũng mặc các ông. Đến cá ông voi cũng chán không muốn nuốt các ông vào bụng nữa.
Thảo cười:
- Thế mà chúng tôi phải sợ càng cua đấy. Gái thời loạn các bà anh hùng hơn chúng tôi nhiều.
Vợ Thảo cười tiếp ý chồng:
- Chả anh hùng mà cứ mỗi ngày lại xé xác hàng năm bảy trăm cua. Các ông thử mó vào xem, các ông sẽ biết.
Đứa trẻ lớn xen vào lời mẹ:
- Mẹ cháu lại có cái tài giết vịt. Tiết canh vịt mà mẹ cháu đánh cho bố cháu nhắm tuyệt lắm. Mẹ thử trổ tài cho bác Linh xem.
Đứa bé ngắt lời anh:
- Thế mới gọi là anh hùng chứ!
- Con sẽ vào trại nhà ông Chánh trong làng trèo lên cây ngắt khế. Tỏi thì trong bếp có sẵn rồi. Chỉ còn thiếu húng Láng thôi.
Thảo cười to:
- Các con tôi thảo luận về công tác tiết canh vịt, riêu cua dữ quá. Yêu cầu biểu quyết và thông qua, nghĩa là các chú đi đun nước ngay đi, để chiều nay đãi tiệc.
Đàn con mừng vì sắp được no cơm thịt sau khi bố đi vắng lâu ngày trở về; nếu như không có "các bác" qua đường ghé nghỉ để thay quần áo bụi bậm, ra sông máng tắm và nằm khểnh ngâm nga thi phú với bố chúng độ dăm ngày, thì mấy mẹ con chỉ được ăn chè bún ế, cơm gạo đỏ với trám xanh muối mặn.
Thấm thoắt Oanh và Linh trú ngụ ở gia đình Thảo đã gần một tháng. Ngày ngày cô ra hàng ngồi cùng vợ Thảo, lúc đông khách vào ăn thì tiếp hộ. Lúc rỗi, cô lại vá víu quần áo cho Linh hoặc phá các áo cũ khâu thành những chiếc áo xinh xắn cho đứa con sắp ra đời.
Sống trong gia đình Thảo, cô mới biết đồng tiền kiếm được thực khó khăn. Vợ Thảo ngày nào cũng vậy, đều đều như cái máy, dậy từ gà gáy lần thứ nhất để xé cua, cời gạch, rồi thì giã, lọc, rồi thì nướng quả dọc chua, gạn mẻ, xào mầu mỡ. Xong nồi riêu ngon ngọt lại lo đến nồi chè đỗ, lọ kẹo, que đóm nỏ, hũ chè tươi. Người đàn bà ấy từ thuở còn con gái đã quen mùi phú quý đến khi lấy chồng đã quen buôn nghìn bán vạn, gánh vác việc nhà chồng, quần quật cả ngày, làm nhanh, sạch sẽ, ngăn nắp, không hề dám gắt chồng mắng con. Và khi hàng ế cũng như lúc hàng đắt, người đàn bà ấy không hề xao nhãng mâm cơm đãi bạn, cần có rượu ngon, món nhắm, chẳng đợi chồng phải bảo.
Oanh xưa nay vốn quen mùi hương phấn thời bình ở các tỉnh thành, cô chỉ mỉm một nụ cười, rướn đôi mày liễu, đưa một ngón tay ra hiệu là đã có kẻ dâng tiền cho cô sài phá. Mới ngoài hai mươi tuổi, cô đã lang bạt từ Cao Mên đến Sài Gòn, lục tỉnh, bước qua năm bảy dịp cầu tình duyên. Dịp trước gẫy dịp sau lại nối, cô coi là thường sự cầm cố cái nhan sắc lộng lẫy của mình cho cái sòng đời đen đỏ, chẳng quan trọng gì hơn việc gởi tạm một bộ áo, chiếc đồng hồ cho nhà Vạn Bảo. "Ái tình chỉ là một cuộc giết thời giờ", cô đã quen cười lớn, nói thẳng vào mặt những kẻ sắp muốn tự tử vì cô. Nhưng rồi người con gái dày dạn ấy đã hiểu ý nghĩa tình yêu kể từ khi gặp Linh trên kịch trường mà tài trí, phong độ của anh đã chế ngự và buộc chặt cánh con chim én đong đưa ấy. Con chim trời đã cam chịu qua mấy năm nay nằm hót những tiếng buồn rầu, tha thiết trong tay áo rộng của người tình nghệ sĩ. Bởi thế mà Linh nghiến răng lìa bỏ gia đình, coi thân thế nhẹ như cánh lá bay theo tình, theo gió. Và chính vì thế mà cô cũng đành bỏ mẹ già và đứa con tám tuổi ở Thái Bình quê cũ, say đắm theo Linh và đoàn kịch kéo nhau lên phía Bắc trước ngày Hà Nội khói lửa. Yêu nhau vì nghệ thuật, bây giờ lại vì nghệ thuật mà đôi lứa ấy khổ vì nhau. Anh cam đành, không than thở. Nhưng cô, từ khi thai nghén đâm ra hay đau ốm, thành ra bẳn tính, luôn luôn day dứt bạn tình, tuy vợ chồng Thảo đã cố dàn hòa, an ủi.
Ít ngày nay sống bên vợ Thảo, Oanh đã được cảm hóa dần dần. Trước đây cô còn ngại rét, vẫn trùm chăn kín trong khi vợ Thảo đã lẹp kẹp guốc mòn ra giếng khơi múc nước, đãi gạo, giã cua. Rồi lại suốt ngày vợ Thảo ngồi còng lưng phẩy ruồi, chào khách, châm đóm và bưng điếu, chiều từ anh chàng công tác qua đường đến bác lái thuốc lào, lái lợn, để ngửa tay nhặt năm hào, một đồng tiền bát nước chè, bát bún.
Oanh không đành ngủ sớm dậy trưa, cũng cố tung chăn dậy cùng vợ Thảo nhóm bếp xé cua, cời gạch cua, vừa làm vừa sưởi ấm. Mỗi lần ngón tay nuột nà của cô bị càng cua cắp nghiến, cô lại xuýt xoa rồi cười khanh khách, trong khi ấy thì nước mắt cô đã ứa ra. Vợ Thảo nắm tay Oanh, gỡ bẻ càng cua, xoa xuýt thổi, bảo cô lên nhà nằm nghỉ, kẻo sắp đến ngày ở cữ, nên tĩnh dưỡng. Cô khóc nấc lên, chua xót đáp:
- Cua cắp thịt không đau. Em chỉ đau lòng vì yêu thương anh chị, nhất là thương chị, đã từ bao lâu rồi, bàn tay chị nứt mãi ra vì cua cắp, gai đâm, vậy mà lúc nào chị cũng vui vẻ lo cho chồng con, bạn bè ấm no.
Vợ Thảo khẽ thở dài. Khuôn mặt người đàn bà đảm đang, tần tảo sớm già trước tuổi ấy bỗng như se lại bên ánh lửa.
Mọi khi ngày phiên chợ, vợ Thảo phải nhờ Linh trông hộ cửa hàng, nếu ông chồng không mắc bận ngao du, để cắp thúng đi chợ cách xa vài cây số. Oanh tình nguyện xin đi chợ mua các thứ về làm hàng và làm cơm bữa. Vợ Thảo không nghe, bảo:
- Bà to bụng và yếu ớt đi sao nổi năm bảy cây số cả đi lẫn về. Đường lại xẻ nhiều, hố sâu nước vũng như ao, nhỡ sẩy chân thì khốn. Thôi để mặc tôi.
Nhưng cô cứ đòi đi, đỡ đần cho bạn. Thảo liền đề nghị:
- Nếu thế thì anh Linh đi phò tá. Lũ trẻ cho đi hộ vệ, để lúc về chúng nó thay phiên nhau xách bị.
Anh đang soạn dở vở kịch thơ lịch sử, đành phải xếp bản thảo, bỏ bút, mặc áo đội mũ đi chợ với cô. Cô chụp nón, xách bị, nhẩm lại những món cần mua mà vợ Thảo căn dặn. Đi được ba bước, Oanh vội quay lại hỏi:
- Mật, cua, kẹo bột, kẹo lam, cá, cà chua… rồi gì nữa, đến chợ thì có lẽ em quên hết.
Rồi đập yêu vào cánh tay Linh:
- Tại có anh Linh đi cạnh làm em lú lẫn.
Vợ Thảo cả cười:
- Còn món bầu dục đem về chần cho các ông ấy đánh chén. Nhớ mua chuối tiêu và dặn cô hàng bún mai xếp bớt đi, vì không phải ngày phiên chợ.
Oanh lim dim mắt, nhẩm lại, rồi lại ngập ngừng:
- Khó nhớ quá. Nhiều món thế. Anh Linh nhớ hộ em, hay biên vào sổ tay kia.
Vợ chồng Thảo cùng cười. Thảo nói:
- Ấy thế mà học vở kịch thì chỉ thoáng một đêm là bà ấy thuộc vanh vách hàng mấy trăm câu thơ của ông ấy. Thuộc đến nỗi ra sân khấu bà ấy lại nhắc thầm cho chính tác giả và các vai khác nữa.
Oanh cười, hai hàng răng đều như ngọc loáng trong nắng ấm phơn phớt ửng trên làn môi nhẫy mọng tuy cô không tô son điểm phấn như những ngày đi làm kịch:
- Thế mới gọi là khôn nhà dại chợ, phải không anh chị?
Linh chế giễu:
- Cô ấy chẳng dại đâu. Chốc nữa đến chợ, thấy mùi chả chó lại sà ngay vào làm năm bảy gắp. Quận chúa Huyền Cơ của tôi chỉ thích chả chó chấm mắm tôm chanh thôi ạ.
Vợ Thảo cãi hộ Oanh:
- Nếu không biết thưởng thức hương vị chả chó thì biết sao được cái hay của thơ anh để thuộc lòng tất cả các tác phẩm anh đã viết.
Cô cười:
- Đúng thế. Mà có phần hương vị chả chó còn ngon hơn thơ anh đấy. Yêu thơ anh tôi cứ gầy võ mãi đi, chứ yêu hương vị chả chó rồi tôi sẽ béo.
- Vậy thì hoan hô chả chó.
Linh vẫy lũ trẻ con:
- Nào, xuống chợ mau, các cháu. Đường xa ngày ngắn, tán mãi, đến nơi thì vãn hết chợ rồi!
Oanh, Linh và bọn trẻ đi được lúc lâu, Thảo quay vào đọc tập bản thảo của Linh. Thơ Linh dạo này đã nhiễm màu đại chúng, nhưng đôi khi cái nước sơn phong kiến tư sản cũ vẫn lộ ra qua những sắc thái dị kỳ rung lên bằng nhạc điệu.
Thảo cao hứng cất giọng ngâm. Vừa lúc đó, Thảo nghe có tiếng một cụ già nói ngoài hàng:
- Hai bác dọn quán ở đây à? May quá, mỏi chân vào quán nghỉ, gặp ngay người quen định gặp. Già không vào quán thì lại mất công tìm hỏi ở trong làng. Bác trai đâu?
Vợ Thảo thấy một cụ già khăn nhiễu Tam Giang quấn rối, đeo kính trắng, mặt vuông, mắt sáng tai to, thân thể cao lớn, mặc áo bông dài, quần lụa nhuộm màu cánh kiến, chân đi giày tàu, tay cầm ô lục soạn. Cụ điềm nhiên vén áo ngồi xuống ghế, liếc mắt vào gian trong, ánh mắt loáng như đường gươm bén. Tuy chưa gặp, nhưng vợ Thảo linh cảm ngay rằng khách lạ chính là cụ Đầu Xứ Bắc Ninh, và linh cảm nữa rằng cụ lặn lội đường trường đến đây để tìm Linh.
- Bẩm cụ, cụ ở bến Hồ lên?
Khách lạ ngạc nhiên:
- Sao bác cũng nhận được tôi ở bến Hồ?
Vợ Thảo đứng dậy chắp tay thưa:
- Bẩm cụ, con thường được nghe bố cháu nói nhiều về cụ. Nay trông cụ phảng phất giống anh Linh con, nên con phỏng đoán.
Rồi quay vào phía trong:
- Mình ra tiếp cụ Tú ở Hồ lên chơi đấy.
Từ nãy, Thảo đang bối rối vì cũng linh cảm như vợ rằng chuyện cụ Đầu Xứ lên đây chỉ là để trừng trị tội Linh. Anh còn đang luống cuống thì nghe vợ gọi. Thảo không tránh được phải bước ra cúi đầu chào, rồi mời cụ vào gian trong ẩm tối, trơ trọi hai chiếc giường ọp ep. Cụ Đầu Xứ nhìn quanh, ngồi xuống, Thảo loay hoay nhặt nhạnh mấy chiếc chén mà lũ trẻ vất mọi nơi, đặt vào chiếc khay gỗ cũ, vờ đem ra ngoài hàng rửa. Nhân dịp đó, Thảo ghé tai vợ thì thầm:
- Mình ba chân bốn cẳng chạy ngay xuống chợ, báo động cho Linh và Oanh biết. Bảo họ đi vòng về phía đồi sau, trên đồi thông có ngôi đền thờ đổ nát, cứ việc chui vào đấy, rồi chờ tối, ta sẽ sai con mang chăn chiếu, cơm nước ra tiếp tế. Tôi xem chừng cụ đồ mắt nhiều sát khí nhưng cố nén. Nếu để cụ bắt được Linh thì Linh sẽ bị đòn, Oanh cũng không thoát được. Mình gửi hàng cô bé ở quán bên sang trông giúp, đi ngay đi!
Thảo bưng khay nước chè tươi và đèn điếu vào kính cẩn mời, rồi chắp tay đứng hầu, như trước kia anh vẫn chắp tay nghe cụ đồ giảng sách ở gian nhà lá bến Hồ.
- Bẩm, cụ bà con và chị Linh cùng các cháu vẫn bình yên?
Cụ nhìn ngọn lửa bấc đèn bắt từ từ vào que đóm gỗ thông, chậm rãi:
- Chúng tôi không yên được tại Hồ, đã chuyển cả sang vùng Phương Thảo, cách đấy ngót hai mươi cây số. Mẹ thằng Linh độ này ốm đau luôn, tôi dẫu bốc thuốc chữa hàng ngày, nhưng xem ra ít hy vọng lắm. Còn vợ thằng Linh đang hậu sản mòn, ngày đêm lặng lẽ mong chồng. Bày trẻ thì không bố, thành một lũ chó con hoang. Cảnh nhà không ra làm sao cả - Cụ Đầu Xứ trầm ngâm, nhìn một con muỗi ngày vừa đắm mình vào đĩa dầu bấc lụi - Vì thế mà tôi phải lê thân già đi tìm thằng Linh vấn cái tội thất giáo và lưu đãng. Tôi đoán chắc rằng nó ở đây với bác. Xin cho tôi được gặp.
Thảo cố giữ nét mặt thản nhiên, cung kính:
- Bẩm, chúng con đã từng khuyên nhủ anh Linh trở về hầu các cụ và trông nom các cháu. Nhưng trời phú bẩm cho cái máu giang hồ phóng khoáng nên anh con cứ say mê những chuyện sự nghiệp…
Cụ cười chua chát:
- Nó say mê gì sự nghiệp. Tôi biết nó, tôi hiểu nó. Nó chỉ nặng lòng với một con đàn bà, một mối tình cẩu trệ, cho nên tôi cần gặp chúng nó, để nhắc chúng nó nhớ lại chữ sách đã học từ ngày còn nhỏ: "Phụ mẫu tại dương bất khả viễn du…". Mà viễn du ở phương nào, vì mục đích gì cao cả?
Bỗng cụ cười rộ lên mấy tiếng, giọng mỉa mai:
- Thằng con tôi nó viễn du ở trong khóe mắt con đàn bà trốn chúa lộn chồng. Thực là nhục nhã cho một kẻ đã dùng nhầm cái chí nam nhi hồ thỉ giữa thời này. Tôi đâu phải người chưa từng biết sống dọc ngang, mà nó dám xảo trá dối gạt tôi - Giọng cụ trở nên gay gắt - Ông bảo chúng nó ra đây cho tôi hỏi chuyện.
Cặp mắt cụ long lanh sau cặp kính, khiến Thảo ghê sợ lo lắng cho Linh và Oanh. Anh vẫn phải buộc lòng nói dối, dẫu rằng lương tâm anh không yên ổn đối với gia đình Linh, trong đó mẹ già hấp hối, vợ trẻ ốm đau, đàn con không bố như bầy chó con hoang lạc.
- Tôi biết rằng chúng nó ở đây. Bác cho tôi thấy mặt thằng nghịch tử và con yêu nữ ấy.
Thảo bị dồn vào trường hợp không biết xử thế nào cho ổn. Cụ Đầu Xứ mà Thảo từ xưa vẫn tôn trọng vào bậc sư phụ và bá phụ đã vì gia đạo bất nghiêm mà vượt đường trường sương gió tới đây không lẽ Thảo nỡ đánh lừa cụ để cụ hậm hực ra về? Còn nghĩa bạn với Linh, lòng thương với Oanh, Thảo thấy không đành cho hai kẻ tài tử giai nhân ấy chịu đau đớn vì lời nhục mạ và roi vọt.
- Thế nào, bác giấu chúng nó ở đâu? Bác hãy thương mẹ nó đang trọng bệnh, hãy thương vợ nó đang ốm đau mòn mỏi, lũ con nó đang bơ vơ, nheo nhóc mà xử sự cho ra người quân tử. Tôi tin rằng bác không thể thương nó, thương con đĩ hơn nghĩ đến tình nghĩa của gia đình tôi.
Thảo đã suy nghĩ kỹ, và cương quyết đáp:
- Bẩm cụ, vài ngày trước đây, anh Linh và cô Oanh có thường tới đây với chúng con. Nhưng thực tình sáng qua, anh Linh đã đi tiễn cô Oanh tìm đường xuôi về Thái. Cô ta về với gia đình, anh Linh sau đó cũng sẽ nghe lời chúng con khuyên nhủ mà sẽ về cùng các cháu. Cuộc tiễn đưa kia chỉ mươi cây số, rồi thế nào anh Linh cũng về nhà hầu hai cụ, và tin cụ bà bất an, anh Linh đã biết rồi.
Cụ Đầu Xứ trầm ngâm, hơ đầu que đóm vào bấc lửa rít một hơi điếu trúc. Tiếng nước sòng sọc nấc trong ruột dóng tre rừng tựa hồ tiếng cuốc gào non nước giữa đêm sâu.
Cụ chẳng nói năng chi nữa, một lát khẽ thở dài.
Thảo se lòng vì đã phải dối lừa một lão trượng từ bao dặm xa xôi đến tìm con, trong khi ấy ở phía chân trời xa kia đàn cháu nhỏ đang trông ngóng bóng ông về với người cha lưu đãng mặt xanh má hóp đeo khăn gói theo sau gót, từ nay sẽ ở yên nhà với chúng.
Vợ Thảo tất tưởi về, nháy mắt ra hiệu cho chồng biết rằng Linh đã y theo mưu kế, rồi vào bếp nhặt rau mổ cá, làm cơm đãi khách.
Cụ Tú mệt mỏi, ngả lưng nằm xuống nghỉ, với tay lên mặt hòm rút một cuốn sách, thờ ơ nói:
- Nếu tôi về ngay, e gặp tối giữa đường. Phiền hai bác cho nghỉ chân một đêm nay, mai lấy sức lên đường về sớm vậy.
Vợ chồng Thảo kẻ lấy gối, người giũ chăn đắp lên mình cụ, chắp tay thưa:
- Chúng con thường ngày vẫn băn khoăn nhắc đến hai cụ và các cháu, không biết có được an lành ở đất cũ chăng, thì hôm nay cụ từ xa đến, con được cái may mắn rót rượu hầu. Xin cụ lưu lại đây vài bữa, quanh miền này có nhiều di tích lịch sử, con sẽ xin hướng dẫn…
Cụ Đầu Xứ mỉm cười:
- Ba mươi năm xưa tôi đã lên đây nhiều lần với vài ba ông bạn. Những ông bạn ấy đều đã bỏ mình trên máy chém rồi. Thế mà tôi vẫn cứ sống, bụi trần trắng quá ba phần râu tóc. Đời mình đã bỏ đi rồi, sót lại thằng con, thì nó lại là một cái rác rơm vô dụng, ngông nghênh dăm vần thơ sáo mép, vùi mình vào nhan sắc kẻ phụ nhân. Ngao ngán quá!
Thảo thưa:
- Con nghĩ rằng anh Linh con không đến nỗi hư hỏng thế. Giá khi nào rảnh rỗi, cụ bớt thì giờ đọc thi phẩm của Linh, và nếu có dịp dự kiến một buổi kịch do Linh soạn vở và đạo diễn, cụ sẽ hiểu con người tài hoa ấy hơn chút nữa.
Cụ Đầu Xứ im lặng một lúc rồi mới đáp
- Tôi đã hiểu thằng Linh từ lâu rồi. Nó là một người thừa, vô dụng.
Định kiến khắt khe của cụ khiến Thảo phẫn uất thay cho bạn. Anh thầm nghĩ: "Khảng khái, cố chấp, khư khư ôm sĩ khí ở trong lòng, mặc kệ cả những điều cần xét đoán cho minh bạch, không trách cổ nhân, lấy danh nghĩa văn thân, đã theo nhau chết uổng và ngã dúi trên bao nhiêu vết xe nghiêng đổ."
Vợ Thảo bưng vào mâm rượu, đặt xuống giường. Thảo không dám ngồi cùng chiếu, bê chiếc ghế ngồi phía dưới, rót rượu hầu.
Linh và Oanh vẫn ẩn nấp trong ngôi đền cổ mà dân chúng miền này bảo đó là di tích của lão cách mạng Đề Thám trong thời kỳ chống Pháp. Và họ nói nữa rằng cụ Hoàng Hoa Thám sau một ngày giáp chiến đã rút vào ngôi đền hẻo lánh này an nghỉ. Mái đền tối thấp, rui kèo nát mọt, trơ ba pho tượng nhện chăng tơ. Chung quanh đồi, rừng thông tiết ra mùi ngái hắc. Hoa thông khô quắt rơi lộp bộp xuống mái đền, sân cỏ. Dưới sân, mấy cây si có lẽ mọc từ tiền sử ngả cành buông rễ xuống vũng ao sánh váng xanh.
Tối mịt mù. Oanh ôm lấy Linh sợ hãi. Cô tủi đời, nức nở, tiếng khóc vọng vào cái đìu hiu sâu thẳm của cây đồi.
- Em có ngờ đâu yêu anh mà khổ nhục thế này. Thôi thì cứ để em về dưới xuôi. Anh về với gia đình cho xong.
Anh đau lòng, ôm lấy cô mà an ủi. Bỗng có ánh đóm le lói từ dưới quán đang đi tới. Oanh hoảng hốt:
- Anh thử nhìn coi. Em sợ lắm!
Linh nhìn xói vào bóng tối. Năm sáu bóng người. Họ lẳng lặng mà đi. Ánh đóm chập chờn rồi tắt lụi. Linh nhận thấy họ đều mang khí giới. Oanh càng ghì chặt cánh tay Linh, thở rộ lên. Linh cũng hồi hộp, lắng nghe những nhịp chân bước vội. Sắp đến đền, họ rẽ quặt ra phía sau bức tường đổ, lên đồi rồi mất hút.
Oanh rùng mình, rên khẽ:
- Đã khổ chưa, anh ơi! Thật là thấm thía. Đời tôi, đời tôi chưa bao giờ nhục đến thế này.
Linh khó chịu:
- Đừng phàn nàn nữa. Hãy nhẫn nhục cùng chia nỗi khổ để cùng thương xót nhau hơn.
- Tôi không thể nào chịu đựng hơn được nữa. Chắc ông cụ lên tìm tôi để nhục mạ, rồi bắt anh về xích lại, chứ gì!
Anh cau mày khẽ bóp bàn tay Oanh lạnh giá trong gió lùa từ đồi thông xuống, từ dưới ao lên. Mấy con đom đóm bạt gió ngàn, gạch nhằng vào đêm tối nét sáng xanh dị ảo. Từ bụi hoa dại um tùm, con rắn nhỏ mốc mình hoa nhoài ra đớp tàn lửa đóm, rồi nó lại chui vào bụi kín, trườn qua khe cửa mọt. Oanh không còn hồn vía, dập tắt vội que diêm vừa lóe trên tay Linh soi theo rắn. Im lặng như tờ. Oanh định thần, ngồi gục đầu vào vai Linh xoa xuýt:
- Rét quá, và đói lắm. Ngồi cả đêm thế này thì chịu làm sao nổi.
- Anh tin rằng Thảo sẽ ra tiếp tế, không khi nào vợ chồng anh ấy để chúng mình chết đói rét ở đây - bỗng anh ngừng lại, bấm Oanh nhìn về con đường nhỏ, thì thầm - Em nhìn xem. Có người đi đến, chắc là Thảo…
- Sao anh ấy không mang đèn đóm, ăn mò xó tối à?
Linh tặc lưỡi:
- Anh ấy không mang đèn đóm, có lẽ sợ ông cụ nghi ngờ chăng.
Oanh thở dài ngao ngán. Những tiếng chân nặng nề đã đến gần, lẫn tiếng ho sù sụ. Ba bốn bóng người rên hừ hừ, đi qua mặt Oanh và Linh, xuống dưới dãy ba gian nhà xiêu vẹo bên gốc si cổ thụ. Họ thổi mồi lửa rơm, nhóm củi khô vun sẵn ở góc nhà kín gió. Một lát lửa sáng lên, soi rõ mấy cái đầu bù mặt võ, họ run lập cập trong những manh tải rách quấn bọc những bộ xương xám xịt. Linh ghé tai Oanh:
- Bọn hành khất ở chợ về. Đây là nơi trú ngụ thường đêm của chúng.
- Coi bộ họ hung dữ lắm. Nếu họ biết mình nấp ở đây… biết đâu họ không giở trò hung bạo vì anh còn chiếc áo bành tô chưa quá rách, mà em thì…
- Mình đa nghi quá! Họ chỉ là những bộ xương ma, làm gì được chúng mình.
- Anh tưởng! Người ta vẫn bảo trai Yên Thế…
Linh tắc lưỡi:
- Chi bằng mình đừng náu hình, im tiếng mãi. Chúng ta ra nhập với bọn họ, sưởi ấm với họ, thử sống một đêm với anh em hành khất xem sao.
Oanh nắm áo Linh:
- Chịu thôi, em hết vía!
Linh đứng dậy tiến xuống chỗ bọn người tóc rũ, xương khô. Oanh sợ sệt bước sau Linh. Ánh lửa hắt lên mảng tường rêu phủ, chiếu vào những tròng mắt trũng sâu, những bàn tay còng queo hơ trên củi cháy. Bóng họ rung rinh ở mặt tường, gợi cho Linh nghĩ đến một hoạt cảnh ma rừng quỷ núi. Linh dặng hắng. Bọn hành khất có kẻ khẽ ngẩng lên lừ đừ nhìn Linh, có kẻ vẫn gục đầu xuống đầu gối, mắt nhắm và bất động như xác chết ngồi trơ ra đó từ bao giờ.
Linh lên tiếng:
- Các ông đêm nào cũng ngủ ở miếu này?
Hai người ngồi bên lửa không hé miệng. Một lát, có tiếng phều phào ở trong đống chiếu góc tường:
- Chả ngủ miếu, ngủ đình, còn biết ngủ ở đâu. Ông đến đuổi chúng tôi ư?
Linh kéo Oanh ngồi xuống, cũng hơ tay vào lửa:
- Không, chúng tôi cũng lỡ độ đường, phải vào miếu này ngồi chờ sáng. Đang đói rét, thấy có lửa, chúng tôi đến xin được sưởi nhờ cho đỡ cóng. Các ông cứ yên tâm…
Bộ xương chết ngồi từ lúc nãy, giờ mới hé đôi môi thâm nhợt nhầy rớt rãi:
- Chả yên tâm thì sao nữa. Ăn mày khố rách còn sợ ai bóc lột, còn sợ ai đuổi đánh. Người ta đã đuổi đánh chán rồi. Chỉ còn thoi thóp thở, chờ xuống âm phủ nữa mà thôi.
Hắn mở đôi mắt trắng dã như lợn luộc nhìn dữ dội vào mặt Linh, Oanh. Hai bàn tay xương xẩu lóng cóng vì lạnh trao sát xuống ngọn lửa. Miệng hắn méo lệch đi:
- Chúng tôi ở làng Vàng tỉnh Bắc. Bị di cư lên miền này, vì súng đuổi sau lưng. Hồi đầu còn có áo quần, nồi niêu mà bán. Sau dần nhẵn nhụi, đi ở không ai mướn, rồi thì sốt rét, dở sống chết để đi ăn mày, nhặt lá bới xương các chợ.
Hắn im bặt, mắt lại nhắm như mù và môi lại mím, trơ như một cành cây mục ải. Trong đống chiếu có tiếng nhai xương gau gáu. Người đàn bà ở xó tối vút hiện ra tựa ma chơi, phào đến một mùi hôi tanh gớm ghiếc. Mặt chị ta đỏ loét, một mắt lòi cả con ngươi, mở chiếc bị lôi ra gói bánh đúc lẫn với mấy con cá chết. Chị hơ cá lên lửa nướng. Mùi thịt chín bốc thơm. Bộ xương khô vừa phẫn uất với Linh kia hé mắt và hé môi nhìn con cá đang được vàng mình trên lửa. Hắn lầu nhầu:
- Củi lửa của ta, dễ đốt lên cho chị làm điếc mũi thằng này chắc?
Rồi hắn giật phăng con cá nóng, bỏ vào mồm nhai, nuốt chửng. Chị kia kêu the thé, rủa mấy câu độc địa, vơ gói bánh đúc, tập tễnh lẩn nhanh vào bóng tối. Chợt có ánh đèn từ đường đồi rọi xuống. Ánh đèn lắc lư, tới gần thêm. Tiếng guốc trượt trên bậc gạch trơn bánh lá và vỏ chuối. Linh nhận rõ tiếng Thảo la:
- Suýt hỏng ăn. Cô cậu tha hồ đói nhé. Có thế mới biết thế nào là cái nhục cơ hàn.
Thảo xách liễn cơm to và bát món ăn lồng trong chiếc quang mây nhỏ, đứng sững trước cảnh tượng lạ lùng của bầy quỷ đói, khẽ kêu:
- Trời ơi, một tấm tranh sơn dầu linh hoạt và bi đát. Tiếc rằng anh bạn họa sĩ Trần Văn Cẩn không được vẽ.
Oanh không nói, chỉ gượng cười. Thảo tiếp:
- Biết cô cậu đói, nhưng không có dịp đánh tháo ra đây. Mà vợ mình thì lại nhát không dám đi tiếp tế. Ông cụ uống rất nhiều, vừa đi nghỉ. Mai sớm ông cụ lại về.
Linh cúi đầu, tiếp thêm lá khô vào lửa, khẽ thở dài. Thảo cười, giấu nỗi đau lòng thương bạn:
- Thôi, chén đi kẻo chết thì nguy.
Linh mở liễn cơm, bảo những người hành khất:
- Sẵn cơm nóng sốt đây, xin chia đều mỗi người chút ít để nhớ đêm đốt lửa ma này.
Bọn hành khất nhìn cả vào liễn cơm đầy bốc khói, mấy bát cá thịt thơm ngon, lại nhìn ba người một cách lạ lùng, bỡ ngỡ, để tưởng rằng mình bị lỡm.
Linh nhắc lại, họ mới dám ngả bát ra cho Oanh xới cơm và sẻ món ăn. Họ ăn rất nhanh, sung sướng như khi còn ở làng khoác áo quan viên đi đánh chén cỗ bàn hiếu hỷ. Linh và Oanh đang đói ngấu, ăn cũng thấy ngon miệng không kém lũ ăn mày thực thụ.
Thảo xếp bát đĩa vào trong liễn bảo:
- Tôi về mang chăn chiếu ra cho ông bà ngủ một đêm thơ mộng ở miếu hoang này. Ngồi rét cho đến sáng thì chết mất.
Linh gạt ngay đi:
- Tôi biết nhà chỉ có hai chăn. Một cái thày tôi đắp, một cái phần chị và các cháu. Nếu anh mang ra cho chúng tôi thì chị và các cháu nằm co, chị đã vậy, các cháu chịu làm sao nổi.
Oanh nói:
- Chúng em ngồi suốt đêm cũng được, chỉ lo không còn củi đốt.
Người hành khất đã được bát cơm, trở nên vui vẻ:
- Còn hai bó nữa, xin cứ đốt. Đáng lẽ mai sớm tôi gánh ra chợ bán, nhưng ông bà dùng thì cũng chẳng ngại gì.
Thảo cười to:
- Có bao nhiêu củi lá cứ đốt hết đi. Tôi xin trả tiền chu tất.
Lão ăn mày đứng ngay bên, khập khiễng vào xó tối, khuân mấy bó củi nỏ ra. Thảo móc túi lấy năm đồng trả, rồi chất thêm cành khô vào đống lửa sắp tàn:
- Đêm nay ba ta cùng thức ở cổ miếu này, chờ xem cụ Đề có báo mộng gì chăng, hay thú hơn là chờ xem có nàng hồ ly, hoặc cô tiên nào hiển hiện nói chuyện chơi chốc lát. Va chạm mãi vào sự thực, chán lắm rồi - Thảo khúc khích cười, nói tiếp - Chán nhất là mẹ đĩ, làm ăn khuya sớm, thành ra như ma mút, không còn cái óng ả của cô gái Hàng Đào xưa ở Hà thành!
Linh nhìn Oanh, quen miệng đọc câu thơ anh vẫn đọc:
- Thời loạn ly ai đẹp mãi bao giờ! Có phải không, Oanh?
Bọn hành khất đã rúc vào nhau ngủ. Chị đàn bà bị chen chúc, và chiếu đắp bị ai kéo mất, la the thé. Thảo nhìn Linh thấp giọng:
- Người ta thường lấy làm lạ mỗi khi thấy các chị ăn mày đã khổ sở đến thế mà còn chửa đẻ luôn luôn. Người ta không biết rằng họ nằm chui nằm chất thế kia, bất phân chồng vợ hay xa lạ, làm gì mà không chửa.
Oanh đỏ mặt lườm Linh và Thảo:
- Gớm chết, hai ông! Khổ chết đi thế này còn nói chuyện ma mãnh ấy.
Linh cười:
- Chúng mình có sướng hơn họ đâu, thế mà tại sao bà cũng nặng nề như thế!
Oanh nguýt Linh, ngoảnh đi chỗ khác:
- Mùa đông ngày ngắn đêm dài, ngồi đến bao giờ cho sáng - Rồi cô cúi xuống nhìn ngọn lửa - Mà sáng để làm gì! Nếu cuộc đời cứ kéo dài mãi thế này!
Nước mắt cô rơi xuống má, long lanh bên ánh lửa. Linh lảng sang chuyện khác, vỗ vai Thảo thân mật và cảm động:
- Anh về nhà nghỉ, kẻo chị và các cháu mong. Anh ngồi đây vẫn biết chịu chung với chúng tôi một đêm, nhưng rét thì vẫn rét như thường.
Thảo bùi ngùi, cười gượng:
- Về chui vào chăn bông, chắc gì đã ấm hơn, khi còn phải nghĩ đến những kẻ đói rét ở ngoài trời. Mờ đất, tôi về giúp nhà tôi làm hàng, đun nước cho cụ nhà rửa mặt để cụ lên đường sớm.
Linh lặng hẳn đi, nước mắt ứa ra:
- Thày tôi giận tôi lắm đấy, nhưng biết làm sao được. Đã lâu rồi tôi chưa có dịp về thăm, hẳn là cụ già đi nhiều lắm.
Thảo thở dài:
- Còn gì nữa mà chẳng già nua. Cụ bà cũng đang mang trọng bệnh.
Linh tiếp thêm củi vào than đỏ, ánh lửa chiếu lung linh tựa hồ làm hằn nổi trên mặt anh những nỗi tê tái.
Về khuya gió càng buốt lạnh. Hàng thông ở sườn đồi reo lao xao. Bọn hành khất đã ngáy khò khè lẫn những tiếng rên thảm hại. Lửa vẫn nghi ngút cháy. Oanh mệt mỏi ngả nửa mình vào cánh tay Linh, ngủ thiếp. Thảo đã hút đến điếu thuốc lá khét lẹt cuối cùng mà trời đêm còn mù mịt. Linh đã quen sống với canh trường để viết. Anh tỉnh táo rút cuốn sổ tay, tỳ lên đầu gối ghi vội những vần thơ vừa chợt đến, điền vào màn chót của vở kịch dài. Thảo cũng thiu thiu, tựa đầu vào vách lạnh.
Chim xao xác trong ánh sáng. Linh ngâm lại bốn câu thơ cuối trên bản thảo. Oanh bừng mở mắt, vươn vai, rồi lại nhắm mắt ôm choàng lấy Linh, nũng nịu:
- Rét lắm mình ơi! Thực là một đêm quái gở.
Thảo vùng đứng dậy, vặn mình kêu răng rắc:
- Bây giờ tôi về trước kẻo cụ nghi. Chắc cụ đang sửa soạn xuôi cho sớm. Lát nữa, còi báo động đã hết rồi, tôi sẽ cho cháu gọi về để ngủ bù lại một đêm chết dở.
Sương giá đã tan, trời hửng nắng. Ba đứa con của Thảo, lon ton chạy lên đền, vừa chạy miệng vừa bắt chước còi báo tĩnh:
- Hai bác về rửa mặt. Mẹ cháu đã đun nước nóng. Sẵn cả cháo xôi, chờ hai bác về xơi.
Linh, Thảo cùng lũ trẻ về tới quán. Vợ Thảo nắm lấy tay Oanh, lắc đầu ái ngại:
- Đêm sao lại buốt lạnh khác thường. Mẹ con tôi nằm chăn ấm, nghĩ đến ba người chịu rét ngồi ngoài ấy, thành ra không ngủ được. Cụ ông cũng cứ dậy hút thuốc cả đêm, rồi ngồi chờ sáng. Cụ rửa mặt, uống nước xong là vác ô đi liền, không thể nào giữ được.
Oanh rớm nước mắt:
- Trăm điều chỉ vì em hết. Cho nên em chỉ mong sinh đẻ cho xong, rồi thì sẽ liệu để cất gánh nặng cho anh Linh và các cụ, nhất là chị ấy…
Oanh tủi cực, quay đi nức nở. Linh lẳng lặng vục mặt vào chậu nước, rồi nhắp ngụm nước chè tươi nóng. Chưa bao giờ anh thấy nước chè tươi ngon đến thế. Một lát, anh khẽ hỏi vợ Thảo:
- Thày tôi nhắn chị thế nào?
Vợ Thảo mỉm cười, lưỡng lự. Linh nghi ngại nói:
- Chị cứ nói thật cho tôi biết. Tôi đau khổ vì sự thật đã quen rồi.
Vợ Thảo lật chiếu giường lên, bảo:
- Đó, cụ để lại chiếc roi mây mà cụ gài vào trong ô mang tự nhà lên để vấn tội con trai cụ. Cũng may, nếu cụ gặp cả hai người thì chị Oanh khó mà tránh được nhục hình. Xem ra cụ hờn giận lắm. Ban nãy đội khăn mặc áo xong, cụ nghiêm nghị dặn: "Gửi hai bác cái roi này, hễ chúng nó về thì nhớ trao cho chúng nó." Thế rồi cụ xuống thẳng dưới đường, không nói năng gì nữa.
Linh cầm chiếc roi lên ngắm nghía, rồi quay lại Thảo:
- Anh còn nhớ chứ? Hồi chúng mình học chữ Hán, đã mấy lần nếm roi này. Hồi ấy, tôi bị đánh mà không thấy đau lắm. Bây giờ roi không đánh vào thể xác mà lòng đau buốt gấp nghìn lần - Dứt lời, anh cuộn tròn chiếc roi, bỏ vào ba lô bản thảo, gượng cười - Cất kỹ roi để nhớ nỗi đau. Biết đâu mình sẽ khá nhờ lá bùa hộ mệnh này.
Rồi anh cười bâng khuâng. Oanh khó chịu đưa mắt lườm. Anh ngoảnh đi, ra quán đứng. Gió sớm nổi từng cơn, làm bồng mái tóc. Anh nhìn con đường xuôi về nẻo cầu Đồng, nghĩ đến cha già lúc này đương mệt mỏi tiến ngược lên chiều gió lộng.
Cô đã đứng bên anh từ lúc nào. Anh quay lại:
- Gió mát ghê, cay cả mắt.
Dưới đường, tiếng người gồng gánh đi họp chợ sớm cười nói lao xao. Những gánh cà chua chín đỏ lẫn với những thúng bắp cải xu hào xanh mát. Linh nói vẩn vơ:
- Đường vui quá nhỉ!
Cô cau mặt:
- Đường nào chẳng vui, khi người ta sắp trở về với vợ hiền, con thảo. Tôi cũng sắp tìm con đường vui khác đây ông ạ. Cần báo cho ông biết trước.
Anh chỉ mỉm cười.