Tài giỏi không có nghĩa là không bao giờ phạm phải sai lầm, mà ở chỗ nhanh chóng chuyển bại thành thắng.

Bertolt Brecht

 
 
 
 
 
Tác giả: Hoàng Kim
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2792 / 4
Cập nhật: 2015-11-21 22:20:10 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3
ốt cuộc, Mỹ Trang đã chính thức bước vào nhà họ Kim sau khi trải qua hàng loạt cuộc trắc nghiệm, xét nghiệm ADN cũng như dò hỏi các nhân chứng của cuộc tình ông Đạt- bà Mai thuở trước.
Nhờ sự tiến bộ của khoa học mà không ai dị nghị được gì khi xác minh xong thân phận của đứa con rơi bao nhiêu năm nay của ông giám đốc ngân hàng nọ.
Ông Kim Luân Thành - cha ông Đạt- đã mừng rơi nước mắt khi cầm tờ kết quả giám định trên tay, lập bập kêu lên:
- Thằng Đạt đã có người lo hương hỏa rồi. Cám ơn ông Trời!
Hai mươi tuổi đầu mới biết người thân của mình, tâm trạng của Mỹ Trạng thật khó diễn tả. Nửa vui, nửa e ngại vì chưa thích nghi được với cương vị mới: vồ vập quá thì sợ cho là quị lụy, còn dững dưng thì sợ mang tiếng làm cao. Và điều quan trọng nhất là dù muốn hay không thì cô vẫn phải từ giã căn nhà thân thuộc của mình để về biệt thự họ Kim.
Về vấn đề này thì chủ trương của ông Thành rất rõ ràng, không thể lay chuyển được. Ông tuyên bố dứt khoát:
- Người họ Kim phải sống trong nhà họ Kim chứ không thể ở nhà người khác được.
Tuy vậy, ông vẫn bằng lòng cho Mỹ Trang sử dụng phần tiền riêng của cô xây lại nhà cho mẹ và mấy đứa em rồi cấp vốn cho bà mở tiệm tạp hóa tại nhà, khỏi dãi nắng dầm mưa. Sẵn tiền, bà Mai thuê một người giúp việc rồi cho mấy đứa con tiếp tục đến trường.
Trả hiếu cho mẹ, chu toàn bổn phận với các em xong, Mỹ Trang chẳng còn duyên cớ nào để lưu luyến ngôi nhà cũ nữa. Cô bịn rịn hứa sẽ quay về thăm người nhà thường xuyên rồi lau nước mắt, ngồi lên chiếc Mercedes bóng lộn về thẳng ngôi biệt thự lộng lẫy nằm trong một khu đất rộng biệt lập từ bao đời nay của họ Kim. Từ giờ trở đi, cô đã là một trong những người danh giá nhất thành phố, không được để họ Kim mất mặt vì cô.
Bà giáo già cứ nói thao thao bất tuyệt, còn Mỹ Trang vẫn cứ ngáp dài ngáp vắn theo mấy bài Anh ngữ trúc trắc, "nghe nhiều mà chẳng hiểu bao nhiêu". Nghỉ học từ hồi lớp chín, lăm lóc kiếm tiền ở ngoài đường cả chục năm, chữ nghĩa bao nhiêu cô trả thầy hết rồi.
Không nghe Mỹ Trang hưởng ứng gì hết, bà Đàm cụt hứng hỏi lại cô:
- Tôi giảng có nhanh quá không?
Mỹ Trang lật đật đáp:
- Dạ không.
Bà lại hỏi tiếp:
- Chắc tôi đọc khó nghe lắm hả?
Cô gái vẫn lắc đầu lia lịa:
- Không hề!
Lúc này bà Đàm mới tung lá bài sau cùng:
- Vậy tại sao cô học không vô?
Ngớ người ra, Mỹ Trang thú thật:
- Em không hiểu gì hết!
Giơ hai tay lên trời, bà Đàm rên rĩ:
- Chúa ơi, con biết phải làm sao đây?
Mỹ Trang cố xoa dịu bà:
- Tại em chứ không phải tại cô đâu.
Lời biện minh của cô càng làm bà giáo tức thêm. Quên hết sự cẩn trọng, bà gay gắt la lớn:
- Trò dở tức là thầy không giỏi! Tôi làm sao chịu được nỗi nhục này? Hơn ba mươi năm làm thầy kẻ khác, tôi chưa bao giờ gặp một đứa học trò nào như cô hết!
Mở to mắt, Mỹ Trang hồn nhiên hỏi:
- Em như thế nào hả cô?
Bà Đàm giận dữ hét lên:
- Vừa dốt vừa bướng chứ sao nữa!
Mỹ Trang chưa kịp bày tỏ thái độ của mình thì đã nghe tiếng cười sặc sụa từ ngoài cửa rồi một cái đầu bù xù ló vào, kèm theo lời nhạo báng:
- Ối Trời ơi! Cô thiên kim tiểu thư nhà học Kim là kẻ dốt đặc, khó dạy đến thế ư? Thiên hạ phải cười đến bể bụng mất thôi.
Chỉ nghe giọng thôi thì Mỹ Trang cũng biết kẻ đáng ghét ấy là ai rồi: Hồ Anh Vũ- cháu vợ của chú ruột cô-!
Vũ mồ côi từ nhỏ, được thím Ba đem về nuôi trong nhà họ Kim nên hắn chẳng khác gì con cháu ruột bởi họ Kim hiếm muộn. Ông nội cô chỉ có hai người con trai và một con gái. Trừ cô Út có đủ trai gái, còn cha cô với chú Ba Phú thì có toàn con gái.
Sẽ rất thiếu sót nếu không nhắc đến bà Hồng Cúc - vợ chính thức của ông Đạt-. Bà là một "mệnh phụ" với đúng nghĩa của nó: Xinh đẹp, giàu sang, học thức và cũng rất kín đáo. Làm dâu họ Kim ba chục năm trời, không có được mụn con nhưng gia đình chồng không hề dám xử tệ thì phải hiểu bản lĩnh của bà tới đâu rồi.
Khi xảy ra sự kiện đưa Mỹ Trang về nhà họ Kim, bà Hồng Cúc vẫn im lặng chấp nhận, không hề đưa ra lời phản đối nào nhưng cũng không tỏ ra vồn vã với đứa con rơi lưu lạc mấy chục năm trời của chồng mình. Đối với Mỹ Trang, bà không có thái độ ghét bỏ mà cũng chẳng ngọt ngào, cứ lịch sự như đối với một vị khách. Vì thế, Mỹ Trang vừa ngại lại vừa dè chừng, cô thật sự không thoải mái khi ở gần bà nên cố tránh tiếp xúc ở mức độ cao nhất. Bô lô bô la như thím Ba cô, vậy mà dễ kết thân hơn.
Nói tóm lại là cái gia tộc họ Kim hiện tại chẳng đơn giản chút nào, có đủ thành phần cũng chung sống trong một khuôn viên rộng lớn, thừa thải tiện nghi: hồ bơi, sân tennis, vườn hoa… như một khu vui chơi thu nhỏ vậy. Phương châm của họ Kim là qui tụ cả gia đình về một mối, tam tứ đại đồng đường chứ không tứ tán thành từng gia đình nhỏ như xu hướng hiện tại của xã hội để có sự đoàn kết ( và cũng có nghĩa là gia tăng sức mạnh gia tộc - điều rất cần thiết để bảo toàn khối tài sản đồ sộ hiện tại của giòng họ).
Tiện ích của việc hợp quần chỗ nào không thấy chứ trước mắt thì Mỹ Trang chỉ cảm thấy rất bực mình vì có quá nhiều kẻ đi ra đi vào dòm ngó từng hành động, cử chỉ của mình khiến cô có cảm giác mình như con khỉ trong rạp xiếc vậy, điển hình là cái gã Anh Vũ đáng ghét này!
Hiện tại, gã cứ nhăn nhăn nhở nhở đưa bộ mặt đười ươi vào cười ngạo cô, làm như ta đây hay hớm lắm vậy!
Tức quá, Mỹ Trang trừng mắt trả đũa:
- Không giỏi gì nhưng cũng đủ làm bà chủ, chứ không vô công rồi nghề đi long nhong phá làng phá xóm cho thiên hạ ghét!
Anh Vũ như không hề biết câu nói móc ấy nhắm vào ai, vẫn tỉnh bơ cười hì hì:
- Có tiền thì làm chủ, không tiền làm tớ. Chuyện bình thường, có gì lạ chứ!
Khi không rồi " gậy ông đập lưng ông", Mỹ Trang nghe nhột nhạt khắp người. Cô có cảm tưởng là hắn đang mỉa mai, bới móc quá khứ nghèo hèn của cô ra làm trò đùa. Vì thế, cô đứng phắt dậy, chống tay lên hông, chỉ thẳng mặt cái gã thanh niên nhiều chuyện ấy, hỏi lanh lảnh:
- Anh nói chủ tớ gì ở đây hả? Thử lập lại cho tôi nghe coi!
Anh Vũ rùng vai, nói giọng rất kịch:
- Người quân tử không cãi vã với phụ nữ. Xin kiếu từ!
Mỹ Trang giận dữ muốn đuổi theo mà không được vì bà Đàm đã đập mạnh cuốn giáo trình xuống bàn, la chói lói:
- Giờ học còn hơn hai mươi phút nữa! Tôi có nên dạy tiếp nữa không?
Sau bữa ăn trưa, ông Kim Luân Thành bảo Mỹ Trang:
- Con lên phòng cho nội nói chuyện.
Trong đại gia đình bao gồm những người thân thuộc mới được sống gần gũi này, Mỹ Trang nể sợ ông nhất mà cũng thương quí ông nhiều nhất bởi một lẽ đơn giản là ông thật lòng thương mến cô nhất mà thôi.
Nghe ông kêu, cô nhăn mũi, so vai tỏ vẻ sợ sệt nhưng cũng mau chóng làm theo lời ông.
Ngồi trên chiếc ghế bành màu xám tro sang trọng, ông Luân Thành từ tốn hỏi đứa cháu gái:
- Cô Đàm dạy khó hiểu lắm sao mà con học không vô vậy Trang?
"Thì ra là chuyện đó! " - Mỹ Trang nghe lòng nhẹ nhõm hẵn đi-, " Chắc bà giáo than phiền gì với ông nên mới xảy ra cuộc nói chuyện này".
Nắm được vấn đề rồi, Mỹ Trang tự tin trả lời ông:
- Dạ không phải. Cô dạy giỏi lắm. Chỉ tại con học dốt thôi.
Nét cười thấp thoáng trên môi nhưng ông Luân Thành vẫn cố làm nghiêm, vặn hỏi:
- Biết mình dở sao không cố gắng để tiến bộ hơn chứ?
Mỹ Trang rụt rè thú nhận:
- Hồi nào tới giờ, con chỉ lo buôn bán kiếm tiền, còn chuyện học hành ít quan tâm lắm. Hết trung học cơ sở là giỏi nhứt xóm rồi.
Câu nói ngây thơ của đứa cháu lạc loài khiến ông Luân Thành chạnh lòng thở dài, không sao nói thêm được nữa. Gia đình ông giàu sang là thế mà để nó trôi nổi giữa chợ đời thì lỗi lầm không nhẹ chút nào.
Càng nghĩ càng thấy xót xa cho cháu nhiều hơn, ông Luân Thành dịu giọng hỏi Mỹ Trang:
- Con không thích học phải không?
Rụt rè liếc nhìn ông, Mỹ Trang ra điều kiện:
- Con nói thiệt thì nội đừng la con nha.
Cười hiền hậu, ông Luân Thành hứa:
- Được rồi, con nói đi.
Mỹ Trang mạnh dạn nói luôn một lèo:
- Con bỏ học lâu quá nên bây giờ chỉ có chữ biết con chứ con không biết chữ. Nội cho con học cái gì nhẹ nhẹ thôi, đừng nhồi con như vịt tiềm ngũ quả, con nuốt không vô đâu.
Không dằn được, ông Luân Thành phá lên cười to đầy thú vị:
- Chuyện học hành chữ nghĩa mà con ví von như đang đứng bếp vậy. Thôi được rồi, nội không ép. Nếu không thích học chữ thì nội cho học nghề, đâu phải chỉ có con đường học vấn mới tiến thân được, xã hội còn biết bao ngành nghề khác nữa mà.
Mỹ Trang hớn hở vỗ tay reo to:
- Hoan hô nội, con cám ơn nội nhiều lắm.
Sự vô tư, hồn nhiên của cô đã sưởi ấm lòng ông Luân Thành. Các thế hệ cứ liên tục sinh ra và lớn lên dưới tòa nhà thâm nghiêm này đều phải khuôn xử theo phép tắc, không được tự do bày tỏ tình cảm cũng như ý nghĩ thật của mình nên Mỹ Trang như làn gió mới mang hơi thở của mùa xuân đến vậy.
Nở nụ cười trìu mến, ông Luân Thành vỗ đầu cô,ân cần thốt:
- Để nội bàn lại với gia đình rồi quyết định nhưng con phải hứa với nội là dù không thi đại học thì vẫn phải bồi dưỡng kiến thức cho mình, đừng để thói lười biếng biến mình thành kẻ ngu dốt, biết chưa?
Mỹ Trang liến láu:
- Chỉ cần nội với chú Ba không bắt con thi đậu đại học thì cái gánh nặng ngàn cân trên lưng con sẽ biến mất tiêu. Lúc đó con sẽ học siêng thiệt siêng cho nội coi.
Ông Luân Thành vờ làm mặt nghiêm cho cô sợ:
- Học cho con chứ không phải học cho nội đâu, đừng bày đặt trả giá.
Biết " nói dài, nói dai thành nói dại", Mỹ Trang nhanh nhẹn phóng ra khỏi phòng sau khi chào ông nội thật lễ phép.
Nhìn theo cô, ông Luân Thành cười ấm áp.
Mùa Đông Trên Mắt Nhớ Mùa Đông Trên Mắt Nhớ - Hoàng Kim Mùa Đông Trên Mắt Nhớ