Số lần đọc/download: 0 / 1
Cập nhật: 2020-10-23 04:17:18 +0700
Chương 2
Chủ xe là chủ nhiệm họ Lưu ở bệnh viện ấy. Không những ông làm chủ nhiệm Phòng thí nghiệm vô sinh của bệnh viện mà còn là bác sĩ chủ nhiệm kiêm cố vấn của mấy bệnh viện khác nữa. Ông còn có tên trong danh sách các chuyên gia của Ủy ban sinh đẻ có kế hoạch quốc gia, khá có tên tuổi trong nước. Nếu sắp xếp in tất cả các chức danh trên danh thiếp của ông thì chúng đủ thành một bài thơ. Nhưng ông chủ nhiệm họ Lưu này tính khá khiêm tốn nên không đội tất cả các chức danh đó lên đầu, càng không phải loại người vừa thấy xe của mình bị va quệt một cái đã nổi trận lôi đình. Vừa nãy ông nổi giận mắng người là có nguyên nhân, đó là gần đây công tác của ông rất không thuận lợi, lòng ông hết sức nôn nóng. Nhưng muốn giới thiệu ông chủ nhiệm họ Lưu này và nói rõ nguyên nhân khiến ông buồn phiền thì trước hết không thể không giới thiệu bệnh viện ấy; mà nếu muốn giới thiệu bệnh viện ấy thì phải nói từ ông chủ của bệnh viện nói đi.
4
Nhắc đến chủ nhân thực sự của bệnh viện ấy thì ở thành phố C không ai là không biết, không ai là không tỏ. Nào là Ủy viên Chính trị Hiệp thương của thành phố, “Đại gia công thương” của giới xí nghiệp, từ “Doanh nhân tiên tiến”, “Doanh nhân tiên tiến xuất sắc” cho đến “Một trong mười doanh nhân hàng đầu của thành phố C”, ông cứ lên thẳng một lèo trong cả quá trình xây dựng kinh tế thị trường từ bấy đến nay. Bây giờ ông là “vua Nhựa” kiêm “vua Thép” nổi tiếng của thành phố C, có thể sánh ngang với Vương Vĩnh Khánh của Đài Loan. Chỉ có điều xuất thân hèn kém, hơn hai chục năm trước ông còn lang thang ở ngoài đồng kiếm cái ăn như gà bới thóc. Vì trưởng thôn mượn cớ sửa đường, mảnh ruộng cỏn con được khoán bị thôn đòi lại không bồi thường nên ông đành lưu lạc tới thành phố C, nhặt những tấm nilon cũ bỏ đi dựng một cái lều ở rìa của rìa thành phố cùng vợ con sống tạm bợ qua ngày. Để có miếng ăn, lúc đầu ông nhặt nhạnh phế liệu ở bãi rác. Nhờ chăm chỉ, nhanh nhẹn, ông nhặt được nhiều phế liệu hơn người khác. Người khác bới một đống rác thì ông bới được ba đống. Sau khi dành dụm được chút ít, ông không đi bới rác nữa mà mở một trạm thu mua phế liệu
Ai cũng chẳng coi trạm thu mua phế liệu nhếch nhác ấy ra gì. Rác vẫn là rác, sau khi lựa chọn, phân loại thì vẫn là rác. Ngoài mùi hôi thối bốc ra khiến người ta chú ý thì ai cũng ngại phải để mắt tới chúng. Nhưng đó mới đúng là nơi cất giữ những thứ dơ bẩn. Nói nó “cất giữ dơ bẩn” không phải chỉ riêng có rác phế liệu mà còn là điểm tập trung mua bán những tang vật đánh cắp ở cả nông thôn và thành thị. Từ những nắp cống nho nhỏ, lan can sắt, đường sắt, dây điện bằng đồng và nhôm, đồ điện dùng trong nhà cho đến linh kiện ô tô con mới tinh cùng máy móc vừa mới nhập khẩu từ nước ngoài, bất kể thứ gì, kể cả thiết bị nguyên đai nguyên kiện, chỉ trừ máy bay, pháo cối, bom nguyên tử là không dám thu mua, còn hễ có người chở đến thì tuốt tuột biến thành phế liệu. Hơn nữa toàn bộ những phế liệu đó đều được thu mua theo giá bán cân, sau đó chúng được bán lại với giá thấp hơn giá thực tế ở thị trường một chút.
Ông chủ những trạm phế liệu đó không muốn phát tài thì trời cũng chẳng chịu cho.
5
Tôi không biết đặt tên gì cho thích hợp với vị “Doanh nhân hàng đầu” xuất thân từ người nhặt rác. Truy đến ngọn nguồn, thôi thì gọi ông là Vương Thảo Căn.
Khi Vương Thảo Căn đã vững chân ở trạm thu mua phế liệu rồi nhân đó muốn phát triển lên thì cặp mắt ông nhằm đúng vào đất đai. Nông dân mãi mãi không quên được tình yêu ruộng đất, nằm mơ cũng vẫn là đồng ruộng bằng phẳng vàng tươi, mượt mà. Ông không giữ tiền, hễ có tiền là mua đất. Lúc đầu mua đất để làm nơi chứa phế liệu, không ngờ đất ở rìa của rìa thành phố lại rẻ đến thế. Đấy đều là đất của cái gọi là “Chế độ sở hữu tập thể”, mà cái “Tập thể” này thực ra là trưởng thôn. Chỉ cần cho trưởng thôn kiếm chác chút ít, được lợi chút ít thì giá cả ruộng đất như thế nào, người mua cứ liệu mà trả. Vương Thảo Căn lúc đó mới tỉnh ra. Mảnh đất mà ông nhận khoán đã được trưởng thôn bán đứt như thế. Ngày nay, khi đã thành đạt ông vẫn dùng biện pháp đó mà ăn như tằm những thửa đất ở xung quanh nơi chứa phế liệu, tốc độ còn nhanh hơn cả quân Nhật lấn chiếm Trung Quốc trong Thế chiến thứ hai. Sau đó, thu mua phế liệu trở thành nghề phụ, còn nghề chính của ông là buôn đất. Như chó chạy đến đâu thì vãi đái đánh dấu đến đấy, ông coi đất là lãnh địa của mình và lãnh địa của ông lan ra khắp nơi, đến tận ngoại ô thành phố C. Còn ông cũng như nhân vật Người chuyển vận khéo gặp Động Đình Hồng trong bộ Tam ngôn, Nhị phách, đất đai trở thành Động Đình Hồng của ông, và ông cũng triệt để “chuyển vận”.
Theo đà tăng tốc và mở rộng việc xây dựng thành phố, giá đất ở rìa của rìa thành phố không ngờ cao vợi vượt qua bội số của cấp số nhân, tiền như nước triều không ngừng cuồn cuộn chảy về phía Vương Thảo Căn, khiến ông không kịp đón nhận. Có một dạo, ông đếm tiền nhiều đến mức mắc một bệnh quái lạ chưa từng nghe nói bao giờ.
Bác sĩ gọi bệnh đó là “giáp câu viêm”, nghĩa là viêm rãnh móng. Rãnh móng ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa bàn tay phải cùng rãnh móng ngón cái bàn tay trái nứt ra, để lộ thịt đỏ hon hỏn, máu mủ rỉ ra ngoài. Đặc biệt là ngón cái và ngón trỏ bàn tay phải đều bị tiền mài mòn cả da, đau đến nỗi ông không cầm nổi đũa khi ăn cơm. Sau đó hễ trông thấy tiền thì chẳng những đầu ngón tay nhức nhối mà cả đầu (người Tứ Xuyên gọi là sọ) cũng đau không chịu nổi.
Vì không thể ngồi nhìn tiền mãi được mà lúc mới có tiền, ông lại chẳng hiểu biết gì về ngân hàng. Ông nghĩ mãi không thông, đem từng bó tiền có hình lãnh tụ vĩ đại Mao Trạch Đông đến tòa nhà lộng lẫy kia thì có lợi gì cho mình? Thế là hễ có tiền ông liền thu mua, ông phát tài nhờ thu mua, nên có thứ nào thì thu mua thứ nấy. Vừa hay gặp lúc xí nghiệp quốc doanh thay đổi chế độ sở hữu, xí nghiệp quốc doanh đáng ba xu thì họ bán cho tư nhân chưa đến hai xu. Ông phát hiện những xí nghiệp quốc doanh này chả khác gì phế liệu. Cũng như mua đất, chỉ cần có quan hệ tốt với giám đốc và bí thư nhà máy, thỏa mãn yêu cầu của họ thì cấp trên và cấp trên của cấp trên của họ sẽ ra mặt thu xếp. Khi đã gia cố mỗi mắt xích trên sợi xích lợi ích là nhà máy đáng giá hai mươi triệu nhân dân tệ thì bỏ ra nhiều nhất hai, ba triệu tệ chi công khai và đi cửa sau tổng cộng không tới bốn triệu tệ là xong.
Lúc này Vương Thảo Căn đã có nhận thức mới về ngân hàng: Đem nhà máy mua với giá bốn triệu tệ thế chấp cho ngân hàng với giá thực tế là hai mươi triệu tệ.
Đương nhiên, cầm được hai mươi triệu tệ ấy thì ít nhất phải chi cho mấy ông đầu não ngân hàng hai, ba triệu tệ. Có điều, lại quả dù có đậm đến đâu chăng nữa cũng chẳng phải đều là tiền nhà nước hay sao? Tiền đâu có phải rút từ túi mình ra? Sau đó, ngân hàng chẳng khác gì do ông mở, ông chẳng gửi xu nào vào đấy cả, chỉ cần đem thế chấp đất và xí nghiệp quốc doanh chờ bán thêm là có thể vay tiền của ngân hàng. Trên thực tế, Vương Thảo Căn lấy tiền của nhà nước mua xí nghiệp của nhà nước, chuyển đổi trên sổ sách, chỉ trong nháy mắt xí nghiệp quốc doanh liền trở thành xí nghiệp của cá nhân ông.
Cho nên Vương Thảo Căn rất không thích nghe người ta nói quan chức Trung Quốc tham ô. Ông cảm thấy những quan chức đó thanh liêm đáo để, đưa cho họ một, hai chục ngàn tệ là họ trả lại gấp trăm lần, đưa tận tay cho ông thứ đáng giá đến một, hai triệu tệ.
Vương Thảo Căn đặc biệt “chung tình” với nhà máy nhựa. Ông ở trong kho nhựa hơn một năm, nên rất thích ngửi mùi nhựa. Mua được nhà máy nhựa đầu tiên, ông trở thành “Doanh nhân tiên tiến”. Đến khi mua được ba nhà máy nhựa thì ông vinh dự trở thành “Doanh nhân tiên tiến xuất sắc”. Những danh hiệu đó không phải chỉ bình hão vì bất kể xí nghiệp quốc doanh nào, bất kể “thủ tục phí” trong quá trình thu mua là bao nhiêu, bất kể nhân viên quản lý ngân hàng đòi lại quả bao nhiêu, hễ chuyển sang tay ông là hiệu quả kinh doanh lập tức tăng gấp bội, lời lãi ổn định không bao giờ lỗ vốn. Thì ra, những giám đốc và bí thư Đảng ở nhà máy không phải do kiến thức không bằng ông mà là vì không để tâm suy tính như ông. Ông kinh doanh xí nghiệp như cày cấy ruộng đất được để lại và ruộng đất nhận khoán, việc gì cũng hỏi, đem chính sức mình ra làm, từ sáng tới tối chân không rời khỏi ruộng. Tuy chẳng biết một chữ nào nhưng ông thực sự làm được điều mà cổ nhân nói là “Để lòng trống như thung lũng, không lấy làm sỉ nhục khi hỏi người dưới”. Như thế hỏi còn việc nào mà không làm được?
Cụ Mao chủ tịch chẳng đã nói: “Điều đáng sợ trên thế giới là hai chữ nghiêm túc” đó sao?
6
Bây giờ thì nói tới bệnh viện. Năm ấy, bệnh viện cũng thay đổi chế độ sở hữu, cũng phải bán cho tư nhân. Lúc này Vương Thảo Căn như tằm ăn rỗi đến tận thành phố rồi. Cạnh khu đất của ông vừa hay có một bệnh viện muốn bán. Ông có tiền lại có tiếng, còn là ủy viên Chính trị Hiệp thương của thành phố nữa. Đám cán bộ chủ chốt ở bệnh viện bàn nhau, tự họ chỉ bỏ được một ít tiền, quá nửa số còn lại kia nếu để cho người Bồ Điền ở xa nghìn dặm được lợi, hay để một người Phúc Kiến đến làm Chủ tịch Hội đồng quản trị cai quản họ thì chẳng bằng bán cho Vương Thảo Căn ở ngay cạnh đó.
Vương Thảo Căn chưa từng nghĩ đến việc thu mua bệnh viện. Nhưng mối lợi tìm đến cửa mà chẳng lấy thì ông Sấm ắt xuống bổ cho một nhát. Hơn nữa, sau khi đã phấn đấu hơn hai chục năm, ông cảm thấy thể lực đã dần suy yếu. Bà vợ cả suốt ngày thường xuyên đau ốm, con gái đã lấy chồng, con rể và cháu gái cũng ốm đau. Còn bà hai chẳng biết làm sao, hết hôm nay khó chịu ngày mai lại ươn người. Cô ba giỏi giang thì đẻ ra toàn là gái, thằng con trai mà ông đêm ngày ao ước thì mãi chẳng có được. Đứa sau là gái, đứa sau nữa vẫn là gái. Cả ba nhà ấy đều là doanh trại của các nương tử quân. Ba người đàn bà không sinh nổi cho ông một thằng con trai là tâm sự buồn bực nhất của ông, cho nên ông cũng có chút hứng thú mua lại bệnh viện. Ông nghĩ mình có bệnh viện thì cũng như nhà có ruộng rau. Ở nông thôn, nhà có đất trồng rau thì muốn ăn rau gì cứ xuống đó mà hái, vừa tươi vừa non, người thành phố sức mấy mà có được?
Nhưng Vương Thảo Căn là người biết tính toán. Bệnh viện không phải là nhà máy. Thường ngày, người nhà ông không bệnh này thì tật khác khiến ông thường xuyên phải tới bệnh viện, phải nhìn bộ mặt vô cảm của các bác sĩ, mặt lạnh như tiền. Ở nhà máy và xí nghiệp, ông chỉ đông vẽ tây, hòa mình với nhân viên quản lý và công nhân, nhưng cứ đến bệnh viện gặp bác sĩ thì ông lại có đến mấy phần nể sợ. Bây giờ bảo ông quản lý bác sĩ, chưa làm mà ông đã thấy run. Liệu có cai quản nổi không?
Để giải quyết vấn đề có thu mua bệnh viện hay không, ông quyết định đến miếu một chuyến. Vương Thảo Căn vốn không mê tín, ông chỉ tin tưởng ở mình, xưa nay không tin bất kỳ quỷ thần hay phong thủy. Ông chưa tới được tầng tri thức cao là “mê tín”. Chỉ sau khi trở thành Ủy viên Chính trị Hiệp thương của thành phố, giao tiếp với nhiều nhân sĩ thuộc tầng lớp cao và quan chức chính phủ, ông mới lây bệnh mê tín từ họ. Ông biết một số quan chức chính phủ tin quỷ thần còn hơn cả Mác - Lê, hoặc là mê tín cả hai. Trên diễn đàn giảng Mác - Lê, dưới diễn đàn bàn chuyện quỷ thần, phong thủy. Trong cuộc họp ông không hề phát biểu, bao giờ cũng ngồi ghế bên cạnh lẳng lặng lắng nghe với cái vẻ bậc đại trí như người ngu. Một lần ông ngẫu nhiên nghe thấy mấy vị Ủy viên Chính trị Hiệp thương bàn tán về ngôi miếu ở ngoại thành thiêng như thế nào, nhất là việc xin quẻ trong miếu. Xem ra mấy vị ấy đã từng đến đó bày tỏ tâm nguyện và xin thẻ. Nào con trai thi đại học, nào hôn nhân đại sự của con gái, nào đầu tư cổ phiếu và nhà đất, nào Chính trị Hiệp thương thành phố khóa sau có được làm Ủy viên nữa hay không, có khi còn hỏi giúp một ai đó xem người ấy có bị kỷ luật về tội tham nhũng hay không v.v... Kết quả là không điều nào không ứng nghiệm.
Vương Thảo Căn biết xin quẻ là thế nào, bởi hồi nhỏ mẹ ông có lần dắt ông đến miếu để xin. Đó là một cách dự đoán tương lai đơn giản, rõ ràng nhất, lại có thể biết ngay lập tức, khỏi phải vận dụng trí não nhiều.
7
Hôm ấy, Vương Thảo Căn bảo tài xế đưa ông đến ngôi miếu đó. Tài xế luôn miệng nói: “Em biết rồi, biết rồi...”, thì ra đó là nơi anh ta thường đến. Xe chạy hơn một giờ, qua hai trạm thu phí cầu đường, quành đi ngoặt lại mới lên tới ngôi miếu ở trên núi.
Miếu tuy nhỏ nhưng có lịch sử lâu đời, xây vào năm Vạn Lịch đời Minh, từ rất lâu đã nổi tiếng xa gần, hương khói nghi ngút, chỉ đến hồi “Đại nhảy vọt” mới bắt đầu suy tàn, rồi bị hủy hoại vào thời “Cách mạng văn hóa”. Hồng vệ binh đem hết tượng thần và bồ tát ra sân đốt hủy, thậm chí nếu phái tạo phản không vừa mắt với cái xác trống không của ngôi miếu thì có khi cả miếu cũng bị phá nát. Một dạo nơi đây là trạm tiếp đón Hồng vệ binh “Trường chinh”, Hồng vệ binh từ bốn phương tám hướng đến đây ăn cơm và ngủ lại. Sau ngày cải cách mở cửa, thực hiện chính sách tự do tín ngưỡng tôn giáo mới dần dần có hòa thượng đến ở. Vị Cao tăng đầu tiên không biết kinh doanh, chỉ biết tụng kinh, gõ mõ. Sau khi vị này viên tịch thì có hòa thượng trung niên đến trụ trì. Hòa thượng trung niên không biết từ đâu đến, vân du tới đây và lấy đây làm nhà. Sư trụ trì tháo vát ra trò, sửa xong bức tường bao bị đổ rồi lại thay ngói vỡ chống dột. Đặc biệt ông biết hóa duyên, dùng danh tiếng của Phật làm điểm bán, lấy lịch sử miếu cổ làm thương hiệu, sản phẩm chủ yếu là thẻ. Một tờ giấy xấu mỏng tang ít nhất cũng phải trăm tệ, nhiều hơn thì cả nghìn tệ, buôn cổ phiếu cũng không kiếm được nhiều tiền bằng cái nghề này, hơn nữa lại không hề có rủi ro.
Chỉ sau mấy năm, tượng Phật lại được mạ vàng, điện Phật được sơn son, hương khói nghi ngút đến mức vượt cả năm trăm năm trước dưới đời Minh.
Lúc này hòa thượng trụ trì vừa hay tiễn một quan lớn và tiểu thư của vị này ra đến cửa. Đừng tưởng người xuất gia không để ý gì đến sự đời, hòa thượng này biết rất rõ về các loại xe con. Xe của vị quan lớn chẳng qua là con Audi, lại là loại sản xuất trong nước, còn xe mới đến là Benz S600 mà dân chơi gọi là con Benz Lớn. Tiểu thư của quan lớn nũng nịu nói “Bai bai” với hòa thượng nhưng hòa thượng chẳng buồn để ý, tỏ ý luôn đây là nơi “sắc tức thị không”, vội vàng đến đón Benz Lớn.
Vương Thảo Căn vừa xuống xe đã thấy hòa thượng thi lễ với mình. Ông lấy làm áy náy, vội ấp tay vái chào:
- Không dám, không dám, làm phiền đại sư phụ phải mệt nhọc, làm phiền đại sư phụ phải mệt nhọc!
Vương Thảo Căn quả là người thông minh, nếu không ông đã chẳng phát tài! Vì thường xuyên gặp gỡ các Ủy viên Chính trị Hiệp thương và quan chức chính phủ nên dần dần cũng biết cách đón người đến, tiễn người đi, đáp tạ và thù tiếp.
Sư trụ trì khoảng năm chục tuổi, người thấp đậm, đầu tròn xoe, mặt vuông tai lớn, vừa từ bi hiền hòa lại vừa khôn khéo, lão luyện, đúng là hình tượng điển hình của người từ lâu qua lại giữa chốn hồng trần và nơi cửa Phật. Vương Thảo Căn trông thấy sư thì hơi ngượng: mình cả ngày bận túi bụi, tuy có tiền nhưng đâu được tiêu dao tự tại, khí sắc hồng hào, thân thể cường tráng như vị hòa thượng này!
Vào đến miếu, ngồi yên trên điện rồi, Vương Thảo Căn không uống trà do hòa thượng bưng đến mà đi thẳng vào chủ đề, nói rõ ý mình. Hòa thượng vừa nghe đến việc mua cả bệnh viện thì giật mình, lại thêm khách cũng chẳng trao danh thiếp thì càng tỏ ra là khác thường. Chỉ có nhân vật lớn mọi người đều biết mới không trao danh thiếp, còn người mà trao danh thiếp thì toàn là hạng xoàng. Hòa thượng vội lấy ngay ống thẻ ra, hai tay dâng lên trước mặt Vương Thảo Căn mời ông xóc thẻ. Vốn dĩ người xin thẻ trước hết phải thắp hương lễ bồ tát đã, nhưng người có tiền thì có thể miễn cái lễ hờ đó đi. Người có tiền, bồ tát ắt nhìn với con mắt khác. Nhưng Vương Thảo Căn không dám khinh suất, ông học theo cách của mẹ, hai tay bưng ống thẻ cung kính đứng lên, mặt hướng về bồ tát, khom lưng ôm ống thẻ, miệng lẩm bẩm niệm: “Thu mua hay không thu mua, thu mua hay không thu mua...”.
Người nhặt rác khéo tay phải biết, xóc hai cái là một que thẻ rơi ra, hòa thượng vội vàng nhặt lên đưa cho Vương Thảo Căn. Ông khiêm tốn nói:
- Vẫn phải phiền đại sư mệt nhọc giảng cho mới được.
Hòa thượng theo số thẻ, lấy từ ngăn kéo của chiếc tủ cạnh đấy ra một tờ giấy nhỏ. Mỗi tờ giấy là lời phán của một thẻ, đó là một bài thất ngôn tuyệt cú theo lối cổ, ẩn ý khó hiểu mà giải thế này hay thế khác đều được cả. Hòa thượng lắc đầu ngoẹo cổ lẩm nhẩm đọc một lượt, Vương Thảo Căn đâu có hiểu thế nào là thất ngôn bát cú, một câu cũng chẳng hiểu nghĩa là gì. Chỉ nghe hòa thượng nói:
- Việc tốt lành, tốt lành! Đây là thẻ thượng trung, A di đà Phật, vui mừng thêm vui mừng, tiền của thêm tiền của, lúc này mà không thu mua thì còn chờ lúc nào nữa?
Vương Thảo Căn đâu phải đồ ngốc, chính vì nghe không hiểu bài thơ thất ngôn tuyệt cú ấy nên nhất định phải hỏi cho đến tận cùng. Ông nói:
- Vậy thì những câu mà đại sư phụ vừa đọc rốt cuộc ý nghĩa ra sao, vẫn phải phiền đại sư “lao động” giảng từng câu một cho nghe.
Vương Thảo Căn thích dùng hai chữ “lao động” nghĩa là phiền ai đó dốc lòng giúp đỡ. Trong mọi trường hợp cần phải thêm chữ “thỉnh” thì ông đều dùng “lao động” để thay thế. Ông đi lên từ lao động vì thế đến nay vẫn không quên gốc.
Có thể nói hòa thượng trung niên này còn thông minh hơn Vương Thảo Căn một bậc. Hơn hai chục năm bôn ba nay đây mai đó, sư đã thấy bất kỳ buôn gì bán gì cũng phải cần có vốn. Chỉ vào miếu làm hòa thượng là buôn bán mà không cần vốn. Người tin Phật càng nhiều thì tiền bạc càng cuồn cuộn chảy vào hòm công đức, không như Vương Thảo Căn, tuy kiếm được nhiều tiền nhưng phải tốn nhiều công sức và tâm tư. Hòa thượng chỉ cần đứng bên hòm công đức, mắt nhìn bạc tiền cam lòng nguyện ý tranh nhau chạy vào hòm, thì cái vị ấy ra sao, bạn có tưởng tượng nổi không? Vấn đề của Vương Thảo Căn đối với hòa thượng chẳng có gì là khó. Sư đã nhận ra đại gia ngồi xe Benz lớn chẳng biết được mấy chữ. Đừng có thấy đại gia cả người sáng rỡ, nhưng da ông ta lại thô ráp, đốt ngón tay rất to, khe bàn tay còn tỏa ra mùi ngoi lên từ ruộng đồng chưa được bao lâu, giải thích cho ông ta từng câu thất ngôn tuyệt cú trên tờ đơn thẻ thì có khác gì đàn gảy tai trâu? Thế là sư bèn giở những tích lũy hàng ngày về kiến thức kinh tế thị trường ra gợi ý cho Vương Thảo Căn:
- A di đà Phật! Thí chủ, ông nghĩ xem nước Trung Quốc chúng ta thứ gì nhiều nhất?
Vương Thảo Căn vuột nói luôn:
- Đương nhiên người là nhiều nhất.
- Đúng rồi! - Hòa thượng vỗ vào cà sa - Nhưng A di đà Phật, người ăn ngũ cốc tạp lương thì ai mà không sinh bệnh chứ? Sinh bệnh thì thế nào? Phải vào bệnh viện tìm bác sĩ. Dù làm quan lớn đến đâu, tài có phát nhiều đến đâu, hễ cứ vào bệnh viện là người thấp hẳn ba gang. Có bệnh thì phải cầu cạnh bác sĩ, thí chủ đã thấy bác sĩ cầu cạnh bệnh nhân bao giờ chưa? Phải không nào? Cho nên, A di đà Phật, cái chữ “cứu” trong cứu người, cứu mạng, cứu người chết dìu người bị thương, một bên là chữ “cầu”, một bên là chữ “văn” viết ngược.
Hòa thượng vừa nói vừa viết chữ “văn” ngược ấy trên lòng bàn tay cho Vương Thảo Căn xem. Vương Thảo Căn tuy không biết chữ, nhưng chữ “văn” thì nhận ra được vì thường thấy hết văn kiện này đến văn kiện khác. Hòa thượng viết lộn ngược chữ “văn” lại, Vương Thảo Căn nhìn là biết ngay chữ ấy có nghĩa là ngược lại.
- Chính là cái ý này đấy! Bất kể là người nào, địa vị cao đến đâu, đại gia lớn đến mấy, bình thường người ta cầu cạnh mình, nhưng hễ ốm đau thì ngược lại mình phải cầu cạnh người ta. Cho nên mới nói, mở một bệnh viện thì vạn sự chẳng phải cầu cạnh ai, mà ai ai cũng phải cầu cạnh mình. Cầu cạnh mình làm gì? Để mình cứu người ta mà lị! Cho nên mới nói, mở một bệnh viện còn kiếm bộn tiền hơn mở một ngân hàng. Cần mạng hay cần tiền? Nếu cần mạng thì phải xùy tiền ra, còn nếu cần tiền thì đừng vào bệnh viện. A di đà Phật, muốn bao nhiêu tiền chẳng phải thí chủ cứ việc phán hay sao?
Lời giảng giải của hòa thượng khiến Vương Thảo Căn phục sát đất. Ông không cần hỏi mỗi câu thơ có nghĩa ra sao nữa, chỉ một câu “vào bệnh viện thì thấp hẳn ba gang” đã chuẩn đến mức không thể chuẩn hơn, đó cũng chính là điều bản thân ông lĩnh hội rất sâu sắc. Người nhà ông vào bệnh viện, cho dù chỉ hơi nóng đầu cũng phải kiểm tra toàn thân, lại phải lấy máu để xét nghiệm. Bác sĩ chẳng những mặt lạnh như sương giá mà còn nói thao thao: “Không kiểm tra toàn thân, không chụp phim, không lấy máu xét nghiệm thì ai biết bà nhà sốt vì nguyên nhân gì? sốt có nhiều dạng lắm, có hiểu hay không? Đây hoàn toàn là tinh thần trách nhiệm đối với người bệnh gia đình ông, ông có hiểu không?”. Gia đình bệnh nhân không còn đất để bàn bạc. Đúng như hòa thượng nói: “Nếu cần mạng thì phải xùy tiền ra, nếu cần tiền thì đừng vào bệnh viện”. Con gái ông hay mẹ nó, một lần vào bệnh viện ít nhất cũng tốn cả nghìn tệ, nhiều hơn thì cả vạn tệ. Mỗi lần Vương Thảo Căn vào bệnh viện thăm người nhà, lúc về đều nghĩ: “Mẹ nó chứ, may mà ông là đại gia, nếu như ông còn ở nhà quê, mỗi lần người nhà ốm thì ông đến phải treo cổ!”. Nếu mua một bệnh viện thì đúng như hòa thượng nói, “Muốn bao nhiêu tiền, chẳng phải thí chủ cứ việc phán hay sao?”. Thí chủ là ai? Thí chủ chính là ông, Vương Thảo Căn chứ ai. Nghĩ đến đây thì mừng từ bụng mừng ra.
- Đại sư phụ quả là danh bất hư truyền, danh bất hư truyền!
Vương Thảo Căn cung kính tán dương hòa thượng. Bốn chữ “danh bất hư truyền” là câu người khác thường khen ông, bây giờ vận dụng thì thật vừa vặn.
- Đại sư phụ, thế thì tôi dứt khoát mua nhé! Có điều, vẫn cần đại sư “lao động” đặt cho bệnh viện một cái tên, tôi quyết không xử bạc với đại sư đâu.
Bệnh viện sắp bán vốn tên là Bệnh viện Nhân dân số 2 khu Cửu Đạo Loan ở thành phố C. Bán cho xí nghiệp tư nhân, đương nhiên không thể dùng tên cũ, vì lúc ấy không còn là của “nhân dân” nữa. Đặt tên vốn là việc dễ như trở bàn tay đối với hòa thượng, nhưng quyết không được để cho thí chủ thấy quá dễ dàng. Hòa thượng bèn cố ý làm ra vẻ suy nghĩ một lúc rất lâu rồi mới nói như đã trải qua cân nhắc kĩ càng:
- Cái này ấy mà, nhà Phật chúng tôi rất kỹ tính với phổ độ chúng sinh. A di đà Phật, bệnh viện cũng muốn phổ cứu chúng sinh, nên xem ra tôi thấy đặt tên là Bệnh viện Chúng Sinh thì tốt.
Vương Thảo Căn không biết “chúng sinh” là hai chữ nào nên lại phiền hòa thượng “lao động” viết ra. Hòa thượng lấy một tờ giấy trắng, dùng bút bi viết ra. Hai chữ này hóa ra Vương Thảo Căn lại biết. Chữ “chúng” là ba chữ “nhân” đứng chụm vào nhau, vừa hay ứng với ba người vợ của ông, “sinh” chỉ con trai. Con gái chỉ có thể gọi là “nữ sĩ” hay “tiểu thư”, riêng con trai, đàn ông mới gọi “tiên sinh”. “Sinh” chẳng phải chỉ con trai là gì?
Vương Thảo Căn lấy làm mừng, đúng là điềm tốt lành! Ông thầm nghĩ: “Mẹ nó chứ, ba mụ vợ đẻ không nổi một thằng con trai, mình có chết cũng không tin được!”. Bà Cả đã tuyệt đường sinh sản, cả con gái cũng không đẻ được, còn bà Hai, bà Ba mà ông bao đều mới ngoài hai mươi chưa tới ba mươi tuổi. Không những bồ tát nhìn người có tiền với con mắt khác mà chính phủ cũng nhìn bằng con mắt khác những ai có tiền. Vương Thảo Căn không sợ đẻ vượt tiêu chuẩn, nếu đẻ vượt thì chẳng phải nộp tiền nuôi dưỡng cho xã hội là xong đấy sao? Đối với ông, việc đó nhẹ hơn cả sợi lông trâu.
Ông hớn hở gấp cẩn thận tờ giấy bỏ vào túi áo bộ comlê hiệu Jênia, tươi cười nói với hòa thượng:
- Cảm phiền đại sư phụ, cảm phiền đại sư phụ! Việc này ấy mà, tôi phải hiếu kính bồ tát mới được!
Hòa thượng không đợi ông nói hết câu đã cầm sổ bố thí cung kính chờ ở bên cạnh rồi. Nhưng đến đây thì gặp phải chuyện khó giải quyết: một là, Vương Thảo Căn không biết viết, tuy không ki bo nhưng bảo ông viết ba chữ “hai vạn tệ” còn khó hơn việc ông móc ra hai vạn tệ; hai là, Vương Thảo Căn không bao giờ mang theo tiền mặt, nếu không, móc hai vạn tệ ra quăng trên bàn có khó gì đâu.
Nhưng Vương Thảo Căn không muốn để hòa thượng nhận ra cả đến ba chữ “hai vạn tệ” ông cũng không biết viết nên quay sang hỏi tài xế:
- Này, cậu có mang theo hai vạn tệ không đấy?
Một anh lái xe đâu có mang theo số tiền lớn đến thế theo người. Chẳng qua đó là khoe mẽ cho hòa thượng thấy mà thôi. Tài xế ngầm hiểu bèn phối hợp với chủ, vỗ lung tung tất cả túi áo túi quần rồi mới nói:
- Em không mang theo rồi. Ông chủ, chẳng phải ông mang theo séc đó sao?
Tài xế biết ông chủ không phải là người keo kiệt, hơn nữa rất thích giở séc ra. Cái tính thích giở séc của Vương Thảo Căn nổi tiếng khắp giới ngân hàng ở thành phố C, cho dù mấy tệ hay mấy chục tệ cũng viết séc. Về điểm này, ông là khách hàng trung thành của tờ séc ngân hàng.
Vương Thảo Căn sở dĩ thích giở séc là bởi ông thích ký tên. Ông không biết đọc, cũng chẳng biết viết nên ký tên trở thành thói nghiện lớn nhất của ông. Chỉ cần cầm bút lên, vung bút vạch vạch mấy nhát, lập tức cảm thấy mình có khí phái, có khí thế, có học vấn, có địa vị ngang hàng với những người hiển đạt sang trọng. Còn ông ký tên thì quả là rồng bay phượng múa, người khác đứng cạnh nhìn, ai không biết tẩy của ông thì đều tưởng ông từng học viết bia, viết thiếp, đọc khắp thi thư.
8
Làm sao Vương Thảo Căn ký được đẹp như thế? Kể ra cũng do ông gặp vận may. Hồi mới khai trương trạm thu mua phế liệu, một hôm Vương Thảo Căn đi qua chợ nông sản nổi tiếng của thành phố C, thấy mấy người bâu quanh một sạp hàng, không biết ở đó bán cái gì. Theo bản năng, ông cũng bước tới chỗ đó xem. Thì ra có một người ngồi trên chiếc ghế đẩu thấp, trên đầu gối đặt một miếng gỗ, trên miếng gỗ đặt một tờ giấy trắng, phía trước chẳng bày thứ gì, chỉ trải một tờ quảng cáo. Vương Thảo Căn chẳng hiểu mô tê, hỏi một người bên cạnh:
- Anh ta bán gì thế nhỉ?
- Anh cũng thấy đấy thôi! Thật là buồn cười, cả đến lán cũng chẳng có mà bày đặt gọi là “Phòng thiết kế chữ ký”!
Đúng vậy! Chỉ một cái sạp, cả lán cũng chẳng có mà dám gọi là “Phòng”, Vương Thảo Căn cảm thấy người này không hề tầm thường. Đó là điều khiến ông không giống những người khác. Xưa nay ông không bao giờ coi khinh người khác vì bản thân ông cũng từ gốc cỏ mà ngoi lên. Nhà thiết kế chữ ký đeo kính, dáng nho nhã. Anh ta phát minh một phương pháp giản tiện, nhanh chóng chuyên để dạy người mù chữ ký tên. Ở thời kỳ đầu xây dựng kinh tế thị trường, các doanh nhân ở hương, trấn, các chủ khai thác mỏ khoáng sản, các chủ khai thác dầu mỏ, các chủ xe vận tải, kể cả các tay buôn bán đầu cơ, hầu hết đều như Vương Thảo Căn, một chữ “đại” cũng chẳng biết. Nhưng ký tên trên biểu đăng ký này, trên đơn xin phép nọ lại là việc mà thường ngày họ phải làm. Hễ nhấc bút lên họ lại ngượng, một ngày ngượng đến bao nhiêu lần, thật là xấu hổ, mà ký tên thì không thể nhờ người ký thay được. Trạm thu mua phế liệu vừa khai trương, hàng ngày Vương Thảo Căn phải đối mặt với vấn đề khó khăn: ký tên vào các loại hóa đơn.
Nhà thiết kế chữ ký nói, ông không biết viết cũng chẳng hề gì, nhưng chữ số Ả rập thì ông biết chứ?
Đương nhiên! Không nhận ra những chữ số Ả rập 123456... thì tiền nhiều, tiền ít cũng đều không biết, thế thì còn buôn bán cái nỗi gì? Tốt, ông biết mấy chữ số Ả rập là được! Anh ta dùng chữ số Ả rập ghép thành tên ông. Chẳng hạn năm chữ số Ả rập 27859 có thể ghép thành ba chữ tên ông hết sức đẹp ở dạng phồn thể chưa giản hóa. Thực ra rất đơn giản, anh ta toàn dùng chữ thảo trong thư pháp truyền thống của Trung Quốc!
Thiết kế một chữ ký chỉ cần mười tệ. Người khác còn do dự ngó nghiêng, còn Vương Thảo Căn thì không chậm trễ, rút luôn tiền ra. Vương Thảo Căn là người đầu tiên mở hàng hôm nay cho nhà thiết kế chữ ký vì thế anh ta thiết kế chữ ký cho Vương Thảo Căn rất bay bướm, rất cầu kỳ, rất đẹp, hơn nữa lại rất đơn giản, dễ viết. Vương Thảo Căn cứ theo hình vẽ mà vẽ đúng như thế là được. Vẽ theo đã nhiều lần nên ông ta nhắm mắt cũng có thể ký tên.
Chữ ký này không những có tác dụng cực lớn trong loạt thu mua của Vương Thảo Căn mà còn cổ vũ Vương Thảo Căn trong hàng loạt đợt thu mua mới, thậm chí có thể nói đó là trụ cột về mặt tâm lý cho ông.
Sau khi Vương Thảo Căn phát tài, nhà thiết kế chữ ký vẫn bày sạp ở chợ nông sản. Một hôm Vương Thảo Căn bảo tài xế đưa mình đến đó một chuyến.
- L. mẹ anh! Cả đến mái che cũng chẳng có thế mà gọi là “phòng thiết kế” à? Đi, đi theo tôi!
Vương Thảo Căn đưa nhà thiết kế đến hội chợ văn hóa vừa mới xây dựng của thành phố C rồi mua cho anh ta một cửa hàng.
- Tốt rồi, cứ làm tốt việc mua bán đi, hễ rảnh là tôi đến thăm đấy!
9
Bây giờ ngồi trước quyển sổ công đức của hòa thượng, Vương Thảo Căn đành ngượng nghịu hỏi:
- Đại sư phụ, ở đây có máy rút tiền không?
Trong chùa thì làm gì có máy rút tiền? Hòa Thượng lộ vẻ lúng túng, luôn miệng niệm A di đà Phật. Xem ra thí chủ này quả thật thành tâm, không đến nỗi quỵt tiền, nhưng e rằng món tiền hai vạn tệ có khi trôi theo nước. Làm thế nào đây?
Hòa thượng tuy thông minh đấy nhưng nhất thời không biết xử trí ra sao.
- Không hề gì, không hề gì! Rồi Vương Thảo Căn bảo lái xe - Chú ghi số máy di động của chú cho đại sư phụ! - Rồi quay lại nói với hòa thượng - Đại sư phụ, ngày mai chú ấy sẽ mang tiền dầu đèn đến. Đại sư phụ yên tâm đi, tôi ăn nên làm ra thì đại sư phụ cũng chẳng thế hay sao? Ngày mai lái xe không đến thì đại sư phụ cứ điện đến để tôi sửa cho thằng rùa bò khốn kiếp này một trận.
Sáng sớm hôm sau, khóa lễ buổi sáng ở chùa vừa xong thì quả nhiên lái xe lái chiếc Benz S600 đưa hai vạn tệ tiền mặt đến. Từ đó về sau, ngôi chùa có từ đời Minh này cũng tiến cùng thời đại, cho là lắp đặt máy rút tiền, đặt ngay bên cạnh bảo tọa của bồ tát.