Số lần đọc/download: 6093 / 356
Cập nhật: 2015-01-09 15:32:07 +0700
16 Tuổi Bắt Đầu Của Những Khổ Đau
Khoảng thời gian sống xa nhà đầu tiên ở bệnh viện của mình bắt đầu.
Mình ở chung phòng với một bác khoảng 50 tuổi. “Mong bác giúp đỡ cháu nó!” Lần đầu gặp, mẹ mình mở lời, còn mình và bác ấy cúi đầu chào nhau. Bác ấy là một người lặng lẽ, đôi mắt có vẻ cô đơn. Lòng mình cứ bứt rứt không yên, lo lắng vì không rõ rồi đây cuộc sống sẽ ra sao.
Buổi chiều, mình với bác cùng phòng ra ngoài đi dạo. Hai bác cháu ngồi trên hàng ghế dưới tán cây hoa anh đào. Ánh sáng len lỏi qua lá cây nhìn như đang nhảy múa. Mắt mình cận nặng nên nhìn không rõ lắm, nhưng vẫn lờ mờ thấy được màu xanh lá cây và màu nắng trời trắng sáng hòa vào nhau lung linh tuyệt đẹp. Mình thấy được những biến chuyển tinh tế ở những chiếc lá bình thường đang rung rinh trong gió.
Dần dà mình bắt đầu quen với cuộc sống ở bệnh viện, có điều dẫu thế nào đi nữa, 4h30 đã ăn tối còn 9h thì đi ngủ quả chực vẫn cứ là quá sớm. Nhịp độ cuộc sống của mình vì thế mà thay đổi, một ngày trôi qua thật chóng vánh.
Nào là kiểm tra điện cơ (cái này khá đau!), điện tâm đồ, chụp X-quang, kiểm tra thính giác... ngày nào mình cũng phải làm hàng loạt kiểm tra và xét nghiệm.
Mình được dẫn đi chỗ này chỗ nọ, đi nhiều đến tưởng như lạc luôn trong cái bệnh viện lớn thênh thang này. Đã thế hành lang lại còn tối tăm mờ mịt. Tâm trạng mình trở nên u ám theo.
“Từ giờ bắt đầu tiêm thuốc đặc trị, cháu sẽ khỏe lại nhanh thôi.” Bác sĩ Yamamoto Hiroko (hiện là Giáo sư Khoa Thần kinh ở Đại học Y Fujita) thông báo như vậy. Để có thể so sánh kết quả trước và sau khi tiêm thuốc, bác sĩ sẽ dùng máy quay 16 mm thu hình mình thực hiện các thao tác đi bộ, lên xuống cầu thang, bấm nút nhiều lần.
Sau này, mình sẽ làm gì? Mà không, mình sẽ có thể làm gì đây?
Công việc mình có thể làm:
Thứ nhất, công việc không tác động gì đến cơ thể.
Thứ hai, công việc chỉ sử dụng đầu óc.
Thứ ba, công việc có thu nhập ổn định.
Khó gớm. Liệu có công việc nào phù hợp cả ba điều kiện mình đưa ra không nhỉ?
Quanh mình đông chặt bác sĩ trẻ, họ quay mình như chong chóng.
“Đứng nhón chân lên nào! Cháu có làm được không?”
“Nhưng như vậy xương hông sẽ...”
Họ thậm chí còn hỏi là: “Cháu có vui không?”
“Đủ rồi, cháu không làm được đâu. Cháu không phải là chuột thí nghiệm, thôi đi cho cháu nhờ!” Mình muốn hét lên như vậy.
Ngày Chủ nhật mong đợi cuối cùng cũng đến. Mẹ và em gái đến thăm mình. Ba mẹ con cùng lên sân thượng rút quần áo phơi đã khô. Bầu trời hôm nay xanh tuyệt diệu. Những cụm mây trắng muốt đẹp làm sao. Gió ấm áp nhè nhẹ thổi, cảm giác khoan khoái vô cùng. Đã lâu lắm rồi mình mới được tận hưởng cảm giác như một người bình thường.
Mình bị lấy dịch tủy. Đầu mình đau lắm. Đau vô cùng. Có lẽ là bởi tiêm thuốc.
Gia đình cậu Michan (em trai của mẹ) đến thăm mình. Mắt cậu ấy đỏ ngầu. Thấy cậu đến, mình rất muốn nóí điều gì đó nhưng không thốt nên lời, chỉ biết nhìn chăm chăm thôi. “Vì công việc nên cậu bị cháy nắng đen sạm đi thế này, đêm qua lại còn thức khuya nữa, trông cậu có kỳ lắm không con?” Cậu bắt chuyện. Mình thấy mà thương, cậu ấy đen như cột nhà cháy. Đôi mắt câu giống hệt mắt con thỏ, cứ như vừa mới khóc vậy:
“Aya cố lên nhé, lần sau cậu vào sẽ mang cho con món gì ngon ngon nhé. Mà con thích gì?”
“Con thích sách, lúc trước con đang định đọc cuốn Buồn ơi chào mi của Françoise Sagan.” Mình nói.
Mình đến phòng vật lý trị liệu dưới tầng hầm. Dưới sự hướng dẫn của bác sĩ vật lý trị liệu Kawabashi và bác sĩ Imaeda, mình làm bài kiểm tra năng lực. Lúc ấy, mình lỡ nói ra vài điều ngu ngốc. Nào là vì mình thích tiếng Anh và ngữ văn nên tự tin lắm, nào là thành tích của mình rất cao, ôi, sao mình huênh hoang thế cơ chứ. Từ giờ mình không được như thế nữa. Cứ ngạo mạn khoe khoang thành tích của mình, có khác gì là muốn được người khác thương hại đâu. Dù sao, để nhận định ai đó có thông minh hay không, chẳng thể nào chỉ dựa vào mỗi bảng thành tích học cập được.
Nghe nói bác sĩ Kawabashi thời còn đi học rất hay quậy phá.
Thực tình, mình thấy thế chẳng phải rất tốt sao, quậy phá được nghĩa là rất khỏe mạnh.
Còn mình, tuổi đời rất trẻ, nhưng cơ thể thì...
Nước mắt mình bỗng tuôn trào vì buồn tủi. Thôi, kể linh tinh thế này là quá đủ rồi. Sau khi viết hết những điều cần thổ lộ ra, tinh thần mình phấn chấn hơn.
Sở dĩ mình chăm chỉ học hành, là bởi đó là điều duy nhất mình có thể làm tốt. Nếu không nhờ vào khả năng học tập, mình sẽ chẳng có gì ngoài một cơ thể tàn tật. Đó là điều mình không hề muốn nghĩ đến.
Mình buồn lắm, buồn vô cùng, nhưng đó là sự thật.
Nếu có được một cơ thể khỏe mạnh, chỉ đầu óc có ngớ ngẩn mình cũng chịu.
ĐÁNH GIÁ TÌNH TRẠNG SỨC KHỎE
Cử động hai tay, đưa qua đưa lại theo nhạc bài hát Ngôi sao sáng.
Trước khi tiêm thuốc: tay đưa được qua phải 12 lần, qua trái được 17 lần.
Sau khi tiêm thuốc 3 phút: tay đưa được qua phải 18 lần, qua trái được 22 lần.
Sau khi tiêm thuốc 5 phút: tay đưa được qua phải 18 lần, qua trái được 21 lần.
Phục hồi chức năng
(1) Kết hợp tay chân: quỳ gối, chống hai tay trên thềm, di chuyển thân trên, cố giữ trọng tâm để không bị ngã.
Vẫn quỳ gối, chống hai tay trên thềm, xoay mình, lặp đi lặp lại: một chân duỗi về sau → xoay xương hông → một tay duỗi ra trước → xoay xương hông → tay co lại như trước.
*Không được hụt chân. Xương vai không được hướng vào trong.
(2) Phản xạ vận động: tự ngã xuống đệm, hai tay co trước ngực. Cứ luyện tập như thế, khi bất ngờ bị ngã, sẽ hình thành phản xạ chống tay.
*Xương vai mình cứ hướng vào trong khi di chuyển, tay ríu lại không đỡ được trọng lượng mình.
(3) Tăng độ duỗi của hai tay: vung tay ra trước và sau, chú ý chuyển động của xương hông. Khi vung tay phải ra trước, xương hông bên phải lắc ra sau. Khi vung tay phải ra sau, xương hông bên phải lắc ra trước.
Tóm lại, khi bước đi cần có sự phối hợp nhịp nhàng của tay và chân. Còn mình thì: khi tay phải vung ra trước, xương hông bên phải lắc ra sau; khi tay phải vung ra sau xương hông bên phải lại cũng lắc ra sau nốt.
Kỳ lạ thật, khi bước đi thì tay và chân mình lại di chuyển cùng chiều với nhau.
(4) Quỳ gối nhưng không chống tay, dồn trọng lượng cơ thể xuống hai gối.
(5) Rướn người, cong cong hai vai về phía sau, nhón chân sao cho người thẳng đuỗn.
(6) Luyện bò trườn: tay phải đưa lên trước → chân trái co lên → sau đó đưa tay trái lên → rồi lặp lại với tay phải.
Mình phải cố duỗi chân cho thẳng. Chân mình khi bước đi nhìn rất kỳ cục so với người bình thường,
(7) Luyện vươn người đứng dậy.
Bác sĩ Yamamoto thông báo: “Hôm nay có một cậu bé tên là K nhập viện, cậu bé ấy cũng mắc chứng bệnh như của Aya đấy.” Lúc qua hành lang mình đã gặp cậu bé rồi.
Đó là một cậu bé gầy gầy cỡ chừng lớp Năm lớp Sáu gì đó. Nhìn cậu bé vui vẻ tươi tắn, không hề có vẻ là bị mắc bệnh. “Mong là tiêm thuốc sẽ có tác dụng với em, mau lành bệnh nhé!” Trong thâm tâm mình thầm khích lệ cậu bé như vậy.
Thường sau khi tiêm thuốc, đầu mình hơi đau, cảm giác rất khó chịu. Nhưng không rõ là do thuốc phát huy tác dụng hay vì đã quen rồi nên dần dần mình không thấy đau nữa. Các bác sĩ ghi âm lại giọng mình. Có lẽ họ muốn tiến hành kiểm tra thần kinh vận động ở lưỡi và cổ họng mình. Luyện tập phục hồi chức năng là hết sức quan trọng. Bác sĩ Yamamoto đã nói vậy. Mình biết là phải cố hết sức, nhưng mà mệt khủng khiếp. Vậy ra con là đứa không bình thường, con muốn khóc quá. Mẹ ơi!
Trên sân thượng, dưới cái nóng như thiêu, các bác sĩ ghi hình mình chuyển động bằng camera 16 mm. Mình thấy mệt khủng khiếp. Bác sĩ Kawabashi ơi, cháu chỉ có thể di chuyển như một con robot. Buồn làm sao.
Lúc nghỉ giải lao, bác sĩ Kawabashi kể cho mình nghe chuyện hồi còn đi học.
“Hồi nhỏ bác từng đứng trên sân thượng tè xuống trúng đầu một thầy giáo đấy.” Đó đúng là... là một trò nghịch quá thể. Tuy không thể bắt chước, nhưng trong lòng mình chợt cồn lên cảm giác muốn được nghịch phá. Trong chớp mắt, bác sĩ còn khéo léo chụp được mấy con ve (đều là ve cái) đang đậu trên cây. Bọn ve sầu lột xác được bác ấy gọi là là “ve khỏa thân”. Đáng là đàn ông con trai, mình thầm nghĩ.
Mình bị sốt. Tận 39,2 độ! Có phải mình sắp chết không đây? Không, mình không được chịu thua bệnh tật. Mình sẽ nhớ mẹ và gia đình lắm!
Khốn thật! Mình phải chật vật với từng bước đi. Tình trạng mất cân bằng giữa thể xác và linh hồn mình như thế sẽ kéo dài mãi mãi. Nếu cứ bệnh thế này mà sống tới lúc già thì... nghĩ thôi cũng thấy đáng sợ. Mình mới 16 tuổi thôi mà.
Còn vài mũi tiêm nữa là đủ liều. Sau đó mình sẽ được xuất viện.
Với người bình thường, được xuất viện hẳn là điều đáng mừng khôn xiết, nhưng mình thì lại khác. Từ khi bắt đầu tiêm thuốc điều trị, mình phải vật lộn với tác dụng phụ của thuốc (nôn mửa, đau đầu). Tuy bác sĩ nói là thuốc đã có hiệu quả, nhưng nếu so sánh tình trạng hiện giờ với lúc trước đây khi còn khỏe mạnh bình thường, thì quả thực vẫn cách biệt xa lắm. Giờ thì ngoài sổ ghi chép trên lớp ra, mình có thêm một cuốn sổ mới, đó là sổ ghi chép dành cho người bị tật (mức độ 3).
Các tế bào tiểu não chi phối hệ thần kinh vận động của mình không hiểu vì lý do gì mà ngày một thoái hóa, căn bệnh này đã được ghi nhận từ 100 năm trước.
Vì sao căn bệnh này lại chọn mình cơ chứ?
Dùng từ “số mệnh” chẳng đủ để giải thích chuyện này.
HỌC KỲ II
Mẹ mình dạy rằng: “Chậm chạp cũng được, không giỏi giang cũng được, điều quan trọng là con luôn nỗ lực hết mình.” Lúc nào con cũng cố gắng hết sức mẹ à, mình muốn nói vậy lắm, nhưng bởi hành động bên ngoài cứ lờ đờ như vậy, nên trong lòng dẫu có nỗ lực thì... mình thấy xót xa quá.
Sau buổi lễ tựu trường, mẹ đã nói chuyện riêng với thày giáo.
Thứ nhất, sau thời gian nhập viện điều trị, tình trạng của mình ít nhiều có dấu hiệu tích cực, nhưng bình phục được hoàn toàn là rất khó, bởi đây là một căn bệnh phức tạp.
Thứ hai, việc mình di chuyển có thể sẽ làm phiền các bạn xung quanh và chắc hẳn sẽ có vài vấn đề nảy sinh trong quá trình học tập, mong là mọi người châm chước cho. Mẹ xin thầy thông cảm và mong thầy tạo điều kiện cho mình hoàn thành những việc mình có khả năng.
Đây là kế hoạch của mẹ:
Thứ nhất, tháo sách giáo khoa ra thành nhiều trang rời, mỗi ngày chỉ mang theo những trang cần thiết cho tiết học hôm đó. Chỉ dùng một cuốn sổ dày để ghi chép, trong đó mỗi môn đều đính thẻ tiêu đề cho dễ phân loại.
Thứ hai, mình sẽ chuyển từ cặp xách tay sang ba lô đeo vai.
Thứ ba, giờ đến trường vào buổi sáng là giờ cao điểm nên rất nguy kiểm, mình sẽ đi học bằng taxi. Còn khi về, tùy tình trạng đường sá mình sẽ quyết định đi bằng xe buýt hoặc taxi.
“Con không phải lo gì đâu, mẹ đã liên lạc với công ty taxi rồi, con không phải lo trả tiền gì hết.” Mẹ nói.
Mình sẽ thành cơn sâu khoét mỏ và gây phiền toái đến thế nào nữa đây, con xin lỗi mẹ nhiều lắm.
NGÀY 13 TỒI TỆ
Mình ra khỏi cổng chính của trường rồi bước lên xe buýt đậu ngay đó. Đến nhà ga Asahibashi, mình xuống xe đổi tuyến, từ đây phải băng qua lối đi dành cho người đi bộ, đi thêm một đoạn nữa mới tới trạm xe buýt. Đèn giao thông chuyển sang màu xanh. Mưa phùn bắt đầu rơi. Có một em trai còn học tiểu học cho mình dùng chung ô, mình luống ca luống cuống vì muốn theo kịp tốc độ của em ấy. Bỗng thình lình mình ngã chúi đầu về phía trước.
Máu không ngừng chảy ra từ miệng mình, nhuộm đỏ cả mặt đường nhựa ướt nước mưa. Máu chảy nhiều đến mức, mình đã sợ rằng nếu cứ thế này thì chết là cái chắc rồi, mình bật khóc nức nở ngay dưới trời mưa.
Một bác gái ở tiệm bánh góc đường vội chạy đến và đỡ mình dậy. Bác ấy dẫn mình vào trong tiêm, rồi lấy khăn lau vết thương cho mình. Bác ấy còn lấy xe ô tô chở mình đến bệnh viện ngoại khoa gần đó. Thấy thẻ học sinh của mình, bác ấy bèn gọi điện đến trường thông báo, thầy giáo đang trực ở trường đến ngay bệnh viện. Sau khi xử lý xong vết thương, thầy chở mình về tận nhà. Bác gái ở tiệm bánh, cả thầy giáo nữa, cháu biết ơn mọi người rất nhiều.
Môi mình sưng vù, răng cửa bị gãy mất ba cái. Mình lấy khăn tay chặn vết thương, nó vẫn còn chảy máu. Dù gì mình cũng là con gái, bị gãy mất mấy cái răng cửa thế này, nhìn mới xấu xí làm sao.
Căn bệnh này còn khủng khiếp hơn cả bệnh ung thư! Nó đã hủy hoại dung nhan trẻ trung của mình!
Nếu không mắc phải căn bệnh quái ác này, không chừng mình đã có người yêu, có thể dựa vào vai người đó, mình ước ao biết chừng nào. Mình không thể chịu thêm được nữa!
Nhân vật Kaoru No Kimi (tác phẩm Gửi tới anh trai(3)... của Ikeda Riyoko) trước khi rời bỏ người yêu đã nói: “Là vì em yêu anh nên mới chia tay.” Nhưng mình thì sao, chẳng lẽ mình còn không được hưởng cái tự do yêu và được yêu ư?
Trong giấc mơ, mình được thoải mái dạo chơi, được chạy, được tự do vận động... nhưng trong hiện thực, tất cả với mình đều không thể.
Khi đọc đến cảnh Nanako(4) cất bước chạy, mình ước ao cũng được như thế. Co phải mình thảm hại lắm không?
Mình nằm ngủ cả ngày trời, cứ nghĩ đi nghĩ lại về chuyện bị ngã lần trước. Bạn K gọi điện hỏi thăm. “Bạn ổn chứ?” Mình thấy ấm áp quá. Có lẽ mình sẽ phải nghỉ học một thời gian.
7h30 sáng, mình thức dậy. Hôm nay em Ako phải đi Nagoya. Trông nó dễ thương quá, thành thử mình lại thấy ghen tị.
Thức dậy sớm thế này quả rất có lợi. Mình được ăn cái bánh kem duy nhất. Miệng mình ngậm đầy kem tươi, ngon ơi là ngon. Vì răng cửa bị gãy nên mình ăn hơi khó. Mình cứ phải mím chặt môi để bánh kem không bị rơi ra ngoài.
Ngày mai mình phải đến gặp nha sĩ. Mình muốn mau mau trở lại như Aya của ngày trước. Cái gương vốn đặt trên bàn đã bị mình tống khứ đi rồi.
Mẹ con mình cùng ngồi xem cuốn sách dạy đan. Trong đó có hình cái váy len trắng rất dễ thương mà hồi nhỏ mẹ đan cho mình.
“Mẹ ơi, lúc trước mẹ đan váy cho con theo mẫu trong sách này phải không?”
“Ừ, đúng rồi, con đã mặc nó vào ngày tết, còn thắt nơ làm điệu và đứng trước cổng nhà chụp ảnh nữa.”
Nếu khỏe mạnh, hắn là mình sẽ đáp: “À, cái hồi đó...” Nhưng vì tình trạng hiện giờ như thế này, càng nhắc lại càng buồn mà thôi, thế nên hai mẹ con không nói gì nữa.
TƯƠNG LAI
Mình cùng bàn luận với mẹ về chuyện tương lai.
Mẹ nói:
“Aya của mẹ khác với những người bị tật bẩm sinh về mắt hay cơ thể, những gì con có thể làm được trước đây sẽ không biến mất khỏi đầu óc con. Lúc nào con cũng dằn vặt rằng mình sẽ không thể làm gì được nữa, cảm xúc đã chi phối tinh thần con, Do đó, mọi chuyện đều khởi đầu từ việc chiến thắng chính mình. Dù người ngoài chỉ thấy con đang tập thể dục như một cái máy theo chương trình trên radio, nhưng sự thực là con đang nỗ lực đấu tranh với chính bản thân, đang rèn luyện gian khổ. Dù kết quả thế nào đi nữa, chừng nào con sống hết mình vì hiện tại, chừng đó con còn có tương lai. Aya của mẹ khóc rất nhiều. Mỗi lần thấy con như vậy, mẹ không khỏi xót xa. Nhưng con hãy nhìn vào thực tế, hãy chấp nhận tình trạng hiện tại và sống sao cho có ý nghĩa, nếu không thì vĩnh viễn con cũng không tự đứng được trên đôi chân của mình. Mẹ và các em luôn ở bên cạnh hỗ trợ những gì con không làm được. Nhưng khi thể hiện quan điểm hay tranh luận, mọi người sẽ thẳng thắn không kiêng dè. Đó là vì mọi người vẫn coi con là Aya, một người con, người chị bình thường trong gia đình chứ không phải ai xa lạ. Hãy coi đó là những lời yêu thương giúp tăng thêm sức mạnh tinh thần cho con. Đó cũng là rèn luyện đấy, để sau này dù người xung quanh có nói những lời cay nghiệt, con vẫn có thể mạnh dạn tiến lên. Con hãy học cách yêu, và yêu lấy những điều con biết. Giống như hai chữ Ái Tri, tên chữ Hán của tỉnh Aichi - Ái tức tình yêu, tri của tri thức; Aichi nơi Aya đã sinh ra, con là đứa trẻ được bao bọc bởi tình yêu và tri thức.”
Nghe những lời của mẹ, mình nghiêm tức đánh giá lại tình trạng hiện tại của mình và quyết định từ giờ sẽ bắt đầu suy nghĩ chín chắn về con đường tương lai.
“Con muốn trở thành thủ thư ở thư viện. Con sẽ học tiếp lên đại học và đạt được chứng nhận viên chức...”
“Nhưng đi làm sẽ bất tiện lắm. Con nên chọn công việc nào chỉ cần làm ở nhà, như vậy sẽ hay hơn. Dịch thuật chẳng hạn...”
“Con muốn viết tiểu thuyết, nhưng kinh nghiệm xã hội của con còn ít lắm, e là không được rồi.”
“Việc đó con có thể để sau này quyết định cũng được mà, giờ hãy tập trung vào những việc con có thể làm được, những gì con thấy là nên làm. Cố gắng lên!”
“Ừm, vậy thì, hẳn nhiên cái con cần quan tâm hiện giờ là học lực rồi.”
BẠN BÈ
Mình ngước nhìn mặt trời lúc hoàng hôn. Một khối cầu đỏ không lồ...
Như những tàn pháo hoa cháy sáng trước khi rơi xuống đất trong giây lát, mặt trời rực rỡ chói lọi. Một màu thật đẹp. Nó giống màu táo chín. “Đẹp quá!” Bạn Y thốt lên như vậy rồi im lặng. Trong ánh hoàng hôn, mình có thể nhìn rõ những đám mây đỏ rực hiện ra sau đuôi máy bay.
Bạn Y quả là một người bạn tốt.
“Mình đến nhà bạn học chung nhé?” Mình vừa hỏi bạn Y như vậy liền bị từ chối thẳng thừng. Mình cứ chắc mẩm là bạn ấy sẽ đồng ý. Nếu mình là bạn ấy, có lẽ mình đã đồng ý ngay rồi. Nhưng mà, rất dễ xảy ra trường hợp mình không theo được tốc độ học và làm bài như bình thường, rốt cuộc mình sẽ thấy hối hận vì đã đồng ý học chung. Nói ngắn gọn, cần phải biết kiểm soát chính mình.
Nếu nói rằng tình trạng bệnh hiện thời gây ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát tâm trí của mình, liệu đó có phải là lấy cớ không nhỉ? Mình rất hạnh phúc vì có người không ngại nói thẳng với mình những gì họ nghĩ và sẵn sàng lắng nghe điều mình muốn nói. Đã là bạn bè thì phải đối xử với nhau thực bình đẳng, mình cảm ơn các bạn mình quá.
Bạn S nói với mình: “Mình bắt đầu đọc sách là nhờ ảnh hưởng của Aya đấy.”
“Ôi, thật tốt quá.” Trước đây mình luôn tự trách bản thân vì đã làm phiền bạn bè quá nhiều, bạn ấy nói như vậy mình thấy vui quá.
“Aya nè, trước có lần cậu khóc toáng cả lên, lúc đó cậu dễ thương lắm đó”
“Hả! Thật không? Không phải chứ, lần đầu có người khen mình như vậy đó. Nhưng mà, mình đã soi gương rồi, mặt mình lúc khóc chẳng ưa nhìn tẹo nào.”
“Không, mình không nhìn mặt bạn, mà cái cách bạn khóc ấy, dễ thương lắm.”
“Ôi trời, sao phũ phàng thế.”
Dễ thương ở đây có lẽ không phải khuôn mặt mình, mà là cảm giác của bạn bè về mình lúc ấy. Hai đứa bèn cười phá lên. Có bạn bè thật là vui. Mình muốn lúc nào cũng có bạn bè ở cạnh.
ĐAU KHỔ
Một phụ nữ bị dị tật bẩm sinh đã sinh ra một bé gái khỏe mạnh. Từ việc thay tã lót đến cho em bé bú sữa, cô ấy đều làm bằng chân. Có nên vui mừng cho cô ấy không? Lòng mình lại chỉ thấy bất an và lo lắng.
Mắt cá chân bên phải cứ như bị cứng đờ. Mình thấy buồn quá.
Di chuyển giữa các phòng học thật là khổ sổ. Phải có người dắt mình mới vượt qua được hành lang dài và nhiều bậc thang. Mình toàn bị trễ, thành thử khiến các bạn bị trễ giờ theo.
Giờ cơm trưa cũng khổ sở như vậy. Mọi ngưồi chỉ 5 phút là ăn xong. Mình thì 5 phút chỉ nuốt được một hoặc hai miếng. Đã thế lại còn phải uống thuốc nữa. Khi cảm thấy không thể ăn xong kịp, mình liền uống vội thuốc rồi nhìn quanh, xem liệu có ai đang còn ngồi ăn rồi mới bắt đầu ăn tiếp. Đến nay chẳng có mấy lần mình ăn hết được cả bữa trưa. Mẹ đã nấu ăn chu đáo vậy mà mình lại để thừa, mình không đủ thời gian. Khi về nhà mình định ăn nốt thì mẹ bảo: “Để cho con Koro ăn, còn Aya ăn nhiều cơm tối là được rồi.” Phí quá đi, tính ra phần cơm mẹ làm cần cả Aya và con chó Koro cộng lại ăn mới hết.
Bạn Y và bạn S luôn ở cạnh giúp mình như hình với bóng vậy.
“Xin lỗi vì làm phiền hai bạn nhiều quá.”
“Chúng mình là bạn bè mà.”
Mình thấy nhẹ lòng khi nghe những lời này.
“Bạn bè là bình đẳng.” Nhưng chẳng phải lúc nào cũng như vậy. Đặc biệt là với mình, vì nếu không nhờ các bạn cõng đi học, mình sẽ không cách nào đến được trường,
“Hãy cố gắng tự bước đi một mình.” Rốt cuộc mình đã hiểu tại sao thầy cô lại nói như vậy. Chỉ có một con đường cho mình tiếp tục mà thôi. Mình không có quyền lựa chọn. Con đường mà bạn bè sẽ đi, mình hoàn toàn chẳng thể ao ước tới. Nếu cứ mong mỏi trong lòng rằng mình có thể sánh bước trên con đường đó cùng các bạn thì con đường của riêng mình sẽ biến mất...
Mình muốn đến một nơi nào đó...
Mình muốn được đập phá, muốn gào thết như điên, muốn cười hết sức mình...
Những nơi mình muốn đến: thư viện, rạp chiếu phim, quán cà phê (mình muốn được ngồi trong gốc quán và nhâm nhi một ly nước chanh), Thế nhưng, rốt cuộc Aya chẳng thể tự mình đến được đâu cả. Thật đau khổ, thật thảm hại, và mình bất lực về điều đó, mình chỉ biết khóc. Đồ hèn nhát! Nhưng mình chẳng có cách nào cả. Con sâu nước mắt đi đeo bám mình suốt hai năm nay rồi, nó nhất quyết chẳng chịu buông mình ra.
Đến giờ, mỗi lần khóc mình không còn bật ra tiếng nữa, nếu khóc vừa phải thì mũi không bị đỏ ửng lên. Khóc rất mệt, mắt thì sưng húp, mũi thì bị nghẹt, lại đâm ra chán ăn nữa, chẳng có gì tốt cả.
Dạo gần đây mình có chuyện không vui với vài người. Cái gọi là quan hệ con người sao mà phức tạp quá. Vốn chẳng có gì tồi tệ xảy ra, nhưng chẳng hiểu sao mọi chuyện cứ diễn biến xấu đi. Cũng giống như căn bệnh của mình vậy. Buồn làm sao.
KẾT QUẢ CHẨN ĐOÁN
Thần kinh mẫn cảm, tổn thương tuyến lệ, căng thẳng do cơ thể không thể đáp ứng các nhu cầu cá nhân, chứng sợ con trai, chứng mất tự tin...
Mình không thể nói lớn. Do cơ bụng bị suy yếu, hay do sức chứa của phổi giảm xuống, mình không biết nữa. Hành động nào cũng bị giới hạn nên mình nhiều khi chẳng hiểu chính bản thân muốn gì. Tuy vậy, mình cứ bồn chồn muốn làm gì đó, vô cùng muốn. Cứ như bị mắc kẹt trong bẫy, mình không sao thay đổi, được người xung quanh đối xử tốt cũng khiến mình thấy đau đớn.
Lúc hết tiết học, bạn Y dắt mình tới nhà vệ sinh, vì thế mà cả hai bị trễ giờ. Kèm theo cảm giác có lỗi với bạn Y là một nỗi bức xúc sôi sục trong lòng mình. “Đáng ghét thật, thảm hại thật, đến cả chuyện đó cũng không tự mình làm được.”
Người tàn tật cũng có tâm hồn như người bình thường chứ.
Ví như tai không nghe được không phải là điều bất hạnh. Chỉ hơi bất tiện mà thôi.
Mình cũng muốn đạt được hạnh phúc. Nhất định phải tìm ra điều gì đó mình có thể cạnh tranh bình đẳng với những người bình thường khác. “Mày chỉ mới 16 tuổi mà Aya, còn trẻ lắm, hãy cố lên!”
Giờ sinh hoạt, cả lớp bầu lớp trưởng và phân công nhiệm vụ cho từng người. Một lớp 45 người, 44 người có nhiệm vụ riêng. Thật buồn vì chỉ có mỗi mình không được phân công làm gì cả, có lẽ mình nên giúp vài việc nhỏ. Như là nhặt rác, hay đóng cửa sổ. Nếu nghĩ mình làm được thì mình sẽ làm được thôi.
Mình sắp bị căn bệnh này đè bẹp mất rồi.
Không, chẳng lẽ chịu thua dễ dàng vậy sao? Thế nhưng, đủ quyết tâm và có vui vẻ đến thế nào đi nữa, khi nhìn thấy bố mẹ, những đứa em, cả thầy cô và bè bạn bước đi thoải mái, mình lại thấy thật khốn khổ.
Để cố chútt phấn khởi, mình đến xem đại hội marathon một mình. Nhưng rốt cuộc mình lại càng chán nản. Cảnh “chạy nhảy” dấy lên trong lòng mình nỗi u uất. Bạn bè thì cứ dần rồi xa. Mình quá thấm thía sự bất lực khi có một cơ thể tật nguyền.
Giờ thể dục, mình quyết định đọc cuốn sách ưa thích.
Mình muốn học hỏi càng nhiều càng tốt từ nhân vật trong cuốn sách Xin chào tiểu thư (Kusayanagi Daizou). Còn hiện giờ, mình đang đọc tập thơ Tôi 12 tuổi (Oka Masafumi), nhưng đọc vậy thôi chứ mình sẽ không tự tử(5) đâu.
Mình không thể cứ sống mà chẳng suy tư điều gì. Không thể chỉ nói: “Thế nào mà chẳng được.”
Lúc đi trên đường mình cũng phải nghĩ: đi tới đâu và bước chân vào đâu là tốt nhất, đường nào thì không đi được, lúc dọn dẹp mình cũng cân nhắc, làm thế nào thì tiện lợi và hiệu quả hơn cả...
Mình đã bắt đầu thấy khó chịu và tội nghiệp chính bản thân. Nhưng mặt khác, dù sao cũng có những điều tốt đẹp xảy đến! Không được suy nghĩ như vậy nữa!
Thân thể mình dần trở nên cứng đờ. Không rõ là do trời lạnh hay do tiến triển của căn bệnh, nhưng ngay cả khi níu được vào đâu đó, mình cũng không tài nào giữ chắc được, còn bị té nhào xuống đất. Giờ đây chỉ mỗi việc bước đi trên đường thôi cũng nguy hiểm đối với mình. Thế là mẹ phải đưa mình đi học. Trên đường đi làm, mẹ dừng tạm vài phút dẫn mình vào trường. Để đi được đến tủ cất giày, mình cũng phải vịn vào vai mẹ, Trong khi mình thay giày vải vào chân (các bạn khác đều mang dép lê), mẹ xách cặp chạy lên phòng học ở tầng hai, mang theo cả hộp cơm cho mình. Còn mình không mang gì, bám chắc lấy tay vịn cầu chang, từ từ đi lên phòng học.
Tan học, mình chờ mẹ ở cửa hàng bánh kẹo đối diện trường đến khoảng 6 giờ. Bà bác ở cửa hàng bảo mình: “Cháu cứ vào căn phòng trải chiếu bên trong đi, làm bài tập hay đọc sách gì đó trong lúc chờ mẹ.”
Mình thấy hơi ngại vì những bạn về trễ do phải tham gia hoạt động câu lạc bộ thường hay ghé vào cửa hàng này, nhưng chẳng còn cách nào khác, đành phải chịu thôi.
Hôm nay khi di chuyển trong phòng học mình lại bị ngã, bị xước một đường trên thái dương bên phải. Bạn S đỡ mình dậy. Mình còn chưa kịp nói lời cảm ơn thì nước mắt đã lại chảy ròng ròng.
HAI GIỜ ĐỒNG HỒ TRỐNG RỖNG (ngồi đợi trong cửa hàng bánh kẹo)
Đó là hai giờ đồng hồ khủng khiếp, cứ phải nhìn hết người này đến người kia ghé qua cửa hàng và nghe những câu chuyện lan man. Ôi, thật là phí phạm thời gian.
Đi học bằng xe buýt tuy vất vả nhưng mình lại có cảm giác được tiếp xúc trực tiếp với con người nhiều hơn. Dù là ở đây mình cũng cảm nhận được thời tiết, trái cây trong cửa tiệm hay những cây dương trên phố, nhưng...
[Dáng đi của mình nhìn từ phía sau]
Khi bước đi trên phố (toàn là bạn bè dắt đi)... mình cảm nhận được những ánh nhìn. Mình cố lờ đi, ngượng ngùng bước tiếp. Mình loáng choáng nghe thấy những lời bàn tán xì xầm về dáng đi của mình từ phía sau.
“Thật tội nghiệp, cô bé đó, bị dở hơi à?”
MÌNH KHÔNG MUỐN LỚN LÊN
Thấy mình khóc mãi không thôi, mẹ liền tuôn ra những lời mắng mỏ: “Chỉ con nít mới khóc khi không được như ý muốn mà thôi. Con chẳng giống học sinh cấp III chút nào!” Mình càng thấy tủi thân, lại khóc rống lên (như một con cừu non lạc trong rừng vậy).
Gửi Emi (em họ mình)!
Emi ơi! Tại sao chị Aya lại mít ướt đến thế này? Tại sao chị không thể cười vô tư được như hồi xưa? Chị muốn trở lại quả khứ!
Chị ước có cỗ máy thời gian, chị sẽ ngồi lên đó quay về quá khứ. Chị muốn được thấy mình có thể chạy nhảy, dạo chơi, tung tăng khắp nơi, muốn được nhìn lại khoảng thời gian chúng ta vui đùa cùng nhau. Nhưng rồi chị vẫn sẽ phải quay về thực tại..
Lẽ nào không trở về với thực tại không được sao?
Chị không muốn lớn lên! Thời gian ơi hãy dừng lại! Nước mắt ơi đừng rơi nữa!
Tuyến nước mắt của chị dường như sắp hỏng mất rồi.
Đã 9 giờ tối. Dẫu có đập vỡ toàn bộ đồng hồ trên thế gian, thời gian vẫn sẽ trôi. Chừng nào chị còn sống, thời gian sẽ không dừng lại. Đành phải bỏ cuộc thôi, vì chẳng còn cách nào khác.
Mình rất thích đi dạo ngoài phố. Hồi học lớp Bảy, mình từng đi bộ những năm cây số từ trung tâm nghe nhìn về nhà. Lúc thong dong trên phố mình hết nhặt hoa rơi rồi lại ngước nhìn bầu trời trong xanh... một chút cảm giác đau thương cũng không có. So với đi bằng xe đạp, xe hơi, mình thích dạo bộ hơn cả. Ôi, giá bây giờ có thể đi dạo...
Có một bạn kể với mình rằng, khi ở một mình bạn ấy cảm thấy chẳng khác gì một đứa trẻ hư. Một bạn khác thì tâm sự, khi ở một mình cũng là lúc bạn ấy được là chính mình nhất. Còn mình, khi ở một mình thì... Không, mình không thích chỉ có một mình, một mình thì đáng sợ lắm...
Lẽ sống của mình rốt cuộc là gì đây? Lúc nào mình cũng được những người xung quanh giúp đỡ nhưng dù chỉ một lần mình cũng không thể làm được gì cho người khác. Với mình, việc học chính là điều quan trọng nhất, ngoài điều đó ra mình không thể nào tìm được gì khác nữa.
Đoạn hành lang dài có ba mét mà mình chẳng lết qua nổi.
Liệu con người có thể chỉ sống bằng tâm hồn? Sao lại không thể di chuyển chỉ bằng phần thân thể bên trên?
Mình muốn được như không khi. Có những người mà sự tồn tại của họ giống như không khí, êm dịu, nhẹ nhàng, chỉ khi họ mất đi người ta mới nhận ra họ quan trọng nhường nào. Mình muốn trở thành một sự tồn tại như thế.
Cả lớp chia lại chỗ ngồi, giờ mình ngồi ngay trên bàn đầu.
Phải chọn lối nào dẫn đến ghế của mình nhanh nhất, để phòng khi trễ học mình không phải quờ quạng loanh quanh tim chỗ nữa. Mình cũng phải chú ý nhiều đến tình trạng sức khỏe, nếu không thì sẽ bị ngáp, nghẹt mũi, người sẽ cảm thấy khó chịu.
Mình được ăn khoai lang nướng. Ngon quá!
Mới hai giờ rưỡi trưa mà mặt trời cứ như sắp khuất bóng. Lâu rồi mình không để ý, hoa anh đào trên núi Inari hầu như đã rụng hết. Nói mới nhớ, giờ này những tán cây ngân hạnh(6) ở trường chắc đang bắt đầu chuyển màu. Mình một tay vịn vai bạn, tay kia dựa tường men theo hành lang, vừa ngước lên nhìn thì đã bị té ngã.
Hôm nay trên lớp có buổi dự giờ của phụ huynh. May là bố mẹ mình không đến. Mình không thích mấy bà mẹ của các bạn cùng lớp. Họ nhìn mình từ trên xuống dưới bằng ánh mắt phân biệt như muốn thốt lên: “Có một con bé tàn tật ở đây à!” Mình thấy tủi thân lắm, nước mắt cứ chực trào ra.
Liệu có ai lại mong một cơ thể tật nguyền như thế này cơ chứ? Suốt bữa tối, mình cứ ngồi nghĩ mãi về chuyện lúc dự giờ, không kìm được mình liền bật khóc. Mình biết là không nên thế, bởi nước mắt thì chẳng giải quyết được gì cả. Mẹ ơi, con xin lỗi!
Ngày họp phụ huynh, thầy giáo trao đổi riêng với mẹ con mình. Thầy bảo nếu mình cố gắng hơn ở môn toán thì có thể đứng đầu lớp. Mình phải gắng lên chứ, cố lên Aya!
Giờ đã là 11h đêm. Nhìn từ cửa sổ hướng Đông, mình có thể thấy một nửa vầng trăng, hình như ông trăng đang cười với mình qua ô cửa kính. Nếu tắt hết đèn đi liệu mình có thể cầu nguyện được không nhỉ?
Dù thế nào, mình không thể không cảm thấy tủi thẹn trước những bạn bè khỏe mạnh cùng trang lứa. Đó là nỗi đau lớn. Nhưng mà, nhìn lại chỉ thấy, cảm giác tủi thẹn này hóa ra chính là động lực cho mình nỗ lực học tập.
Mình yêu ngôi trường Higashi, yêu thầy cô, bạn S, bạn Y, bạn M, mình yêu tất cả mọi người. Mình cũng rất quý anh khóa trên đã cho mình sô cô la khi chờ mẹ ở cửa hàng bánh kẹo.
QUYẾT ĐỊNH CỦA MÌNH
Mẹ đến xem trường khuyết tật ở Okazaki. Sau đó mẹ kể mình nghe về nơi đó. Không hiểu vì lý do gì mà mình bật khóc. Trong khi em gái cả tuần nay miệt mài ôn thi thì mình lại chẳng phải làm gì. Việc chuyển đến trường khuyết tật khiến tâm trí mình rối bời. Thực sự mà nói, việc mình tiếp tục theo học trường Higashi cho đủ ba năm cấp III quả là không thể. Nhưng còn trường khuyết tật đối với mình lại là một thế giới quá xa lạ. Khi tiến vào thế giới mới, Colombus và thủy thủ đoàn có lẽ đã mang trong lòng bốn niêm hy vọng và sáu nỗi sợ hãi.
[Hy vọng]
Thứ nhất, có thể cảm nhận trước tương lai của mình.
Thứ hai, có thể bắt đầu sống tự lập.
Thứ ba, hệ thống và các trang thiết bị vật chất tại trường đều có vẻ rất tốt.
Thứ tư, có thể quen biết với những bạn tàn tật đồng trang lứa.
[Nỗi sọ hãi]
Thứ nhất, càng ngày mình càng bớt giống người bình thường.
Thứ hai, việc sống chung có thoải mái không (sống ở ký túc xá)?
Thứ ba, phải chia tay với bạn bè ở trường cũ.
Thứ tư, thái độ của người xung quanh (vì mình theo học trường khuyết tật).
Thứ năm, bọn con trai.
Thứ sáu, xáo trộn trong gia đình.
Nếu mình chuyển sang trường khuyết tật và sống ở ký túc xá, liệu em gái út của mình có còn nhớ đến người chị Aya của nó hay không? Cả em trai mình nữa, không biết là nó có dành chút thời gian nghĩ đến mình hay không? (Nghe cứ như mình sắp đi tự tử ấy.)
Bạn S nhà rất xa trường cho nên từ năm lớp Mười đã phải chuyển đến ở ký túc xá. Lý do để bạn ấy ở một mình tuy khác với mình, nhưng giờ mình đã có thể hiểu được sự cô đơn của bạn ấy.
Một chú ruồi lớn bay đến đập vào cửa sổ. Thông thường là nên giết nó, nhưng khi nghĩ đến chuyện sang mùa hạ nó sẽ sinh ra rất nhiều ruồi con, mình cảm nhận được “sinh mạng” quan trọng đến nhường nào, mình không nỡ giết nò,
Qua ô cửa sổ, mình nhìn chăm chú về phía ngôi trường mới. Lòng mình hân hoan háo hức không kém gì lần đầu được thấy trường cấp III Higashi. Ngước nhìn lên bầu trời, mình thấy vầng trăng sáng đang bắt đầu ló dạng.
“Chẳng ai muốn bị bệnh cả. Nhưng dù cơ thể con trở thành tàn tật, vẫn còn rất nhiều việc con có thể làm. Giả sử con là người không có khả năng suy nghĩ và nhận biết, thì khi bị ốm làm sao con có thể cảm nhận được sự ân cần và ấm áp từ mọi người xung quanh.” Đó là lời của mẹ.
Vào một ngày nắng đẹp bên hồ, mình và bạn S cùng lắng nghe tiếng chim hót và nói chuyện với nhau.
“Aya nè, mình thấy cậu lạ lắm nhé. Trời hôm nay xanh và đẹp thật đấy, nhưng chỉ vì thế mà tỏ ra trầm trồ ngạc nhiên thì... Cậu đúng là ngây thơ quá.” Bạn S nói.
Mình hỏi lại: “Thế với cậu, người nào mà lúc nào ở bên cạnh cũng khiến cậu thoải mái và được là chính mình?”
“Có thể là em trai hoặc em gái. Có lẽ là vì mình ngạo mạn, nhưng thật sự thì mình thấy thoải mái nhát khi được ở một mình.”
Bạn S đã lựa chọn việc sống một mình. Còn Aya lại phải xa gia đình vì căn bệnh. Quả là khác biệt...
Có một chị tóc thắt bím ở bên câu lạc bộ sinh vật rất chích chuột. Mình từng đi cùng chị ấy đến thư viện. Mình tự đi mà không cần ai đỡ. Rất chậm, từng bước từng bước... và chị ấy đi chầm chậm chờ mình theo cùng. Nhà chị ấy nuôi đến gần 44 con chuột cơ đấy. Chị ấy kể cho mình về chú chuột đầu tiên mà nhà chị ấy nuôi.
“Tên của nó là Nana, nó là chuột cái. Nó chết vì bị ung thư vú. Khi bị bệnh thì chuột cũng giống như con người chúng ta thôi. Buồn lắm. Khi phải chứng kiến một con vật chết đi.”
Mình không biết gì về chị ấy. Nếu hỏi cô giáo hay mấy anh chị khóa trên chắc sẽ ra thôi, nhưng mình lại muốn hiểu về chị ấy qua những gì chị ấy kể. Thế nên mình chẳng hỏi gì.
Trong giờ GC (ngữ pháp và viết luận tiếng Anh), bạn K thốt lên “Thảm quá!” rồi khóc (bài kiểm tra của bạn ấy bị điểm kém). Cô giáo tức giận quát: “Không được khóc, vậy sao ngay từ lúc đầu em không cố gắng hả?” Thật đáng sợ! Nhưng nếu là mình bị điểm xấu đi nữa, thì chuyện bị có la như vậy cũng chẳng bao giờ xảy ra, mình thấy buồn buồn.
Mình kể với chị Sa về chuyện mình thích người mình nóng lên lúc tập thể dục.
“Chơi thể thao sướng thật đấy!”
“Bóng đá hay bóng rổ là hay nhất, dù không chạm được bóng thì vẫn được chạy, thế thôi cũng đủ vui rồi.”
Mình thấy hơi xấu hổ vì cứ đòi làm cho bằng được những việc mình không còn đủ khả năng nữa.
Mình vừa xem bộ phim Bóng huệ ngoài đồng(7) trên ti vi. Mình tin vào sự tồn tại của Chúa. Khi nghĩ rằng Chúa vì muốn thử thách mình nên mới bắt mình chịu những khổ ải này, mình thấy vững lòng hơn. Mình muốn giữ mãi tâm trạng này.
Sắp hết năm rồi. Mình hàm ơn mọi người đã quan tâm chăm sóc và lo lắng cho mình trong năm vừa qua. Năm sau sẽ còn vất vả khó khăn hơn nhiều, mình sẽ phải đấu tranh vài chính bản thân. Bởi vì Aya của hiện tại vẫn chưa chấp nhận được bản thân là một kẻ tàn tật. Bởi mình không muốn. Đáng sợ lắm! Nhưng mà không thể nào chạy trốn sự thật mãi được. Nếu mình chuyển đến trường khuyết tật thì... Càng nghĩ về việc chuyển đến trường khuyết tật, mình càng thấy lo âu. Quả thật, nơi đó có lẽ rất phù hợp cho người bị bệnh như mình. Thế nhưng, mình chưa muốn rồi xa trường Higashi. Mình muốn được học tiếp cùng bạn bè. Mình muốn được học nhiều thứ để sau này trở thành một người vĩ đại. Mình không muốn nghĩ về một nơi mà không có bạn bè cùng trang lứa ở bên cạnh.
Đôi khi mẹ cũng nhắc mình về chuyện trường khuyết tật. Mẹ bảo mình đủ khả năng tự hoàn thành mọi việc, dẫu có mất nhiều thời gian hơn người khác. Rằng mình có thể thay đổi, từ người chỉ có thể nhận sự giúp đỡ, thành người có thể giúp đỡ người khác.
Mình đang đứng trước một bước ngoặt lớn, và thời điểm quyết định đang đến gần.
THAY ĐỔI
“Con sẽ chuyển đến trường khuyết tật...” Mình đã đưa ra quyết định như vậy.
Từ giờ cho đến học kỳ thứ ba(8), mình sẽ phải kết thúc việc học tại ngôi trường này.
Thầy N, cho đến tận hôm nay mình vẫn tôn kính và tin tưởng thầy biết bao. Vậy mà chính thầy lại là người đặt dấu chấm hết cho mọi chuyện, tim mình thấy đau nhói.
Thầy có thể chỉ cần nói thẳng với mình rằng: “Em hãy chuyển đến trường khuyết tật đi, vì trường này không thể lo cho em được nữa.” Thay vì thế, thầy lại vòng vo nói với mẹ: “Em ấy càng ngày càng mất nhiều thời gian hơn cho việc đi lại trong lớp.” Nếu được thẳng thắn trao đổi với thầy, mình đã có thể quyết định một cách dễ dàng hơn.
Đừng nhìn tôi bằng cái ánh mắt soi mói ấy nữa!
Bức xức quá!
Thầy hỏi mình: “Mẹ em đã nói gì với em chưa?”
Việc gì phải mập mờ thế, sao thầy không trực tiếp nói với mình? Dẫu là hôm nay, ngày mai, hay mãi về sau, ngày nào cũng sẽ phải đối mặt với sự tủi thẹn và đau đớn, nhưng mình chưa bao giờ lẩn tránh. Vậy tại sao thầy lại không chịu lắng nghe mình? Nếu được vậy, hẳn mình đã có thể nói rằng mình đã quyết định sẽ chuyển trường vào năm lớp 11. Từ tháng Tư trở đi, dù không muốn mình cũng sẽ chuyển đến trường khuyết tật. Mình đã nghĩ có thể tự tin ngẩng cao đầu mà ra đi, nhưng lúc này đây mình không làm được... Mình không thể rời đi với cảm giác chua xót thế này.
Mình nói chuyện với bạn S.
“Ở trường khuyết tật, Aya sẽ không còn là người đặc biệt nữa. Bởi vậy, bạn sẽ không phải lo lắng về việc mình khác biệt với xung quanh như trước đây nữa đâu. Có điều, nếu muốn trở nên nhanh nhẹn, thì Aya phải biết nỗ lực đúng cách.”
Mình tưởng như có một nhát dao đâm xuyên qua ngực. Tinh bạn giữa hai đứa tồn tại được là nhờ 99% ân cần và 1% sự nghiêm khắc từ bạn S. Thế nên mình đã không rơi nước mắt. Cứ mỗi lần phải nhận một cú sốc lớn nào đó, dường như hệ thần kinh của mình bị tê dại. Bạn S đã dạy cho mình hiểu thế nào là “suy nghĩ”.
Mình như được hồi sinh.
Dù bị tật nguyền, nhưng khả năng nhận thức của mình chẳng khác gì của những người bình thường. Đang bước lên cầu thang thì bất ngò bị hụt chân và cứ thế lao xuống dưới... cảm giác của mình chính là như thế. Trong khi đó, thầy cô bạn bè thì đều khỏe mạnh. Mình rất đau buồn, nhưng chẳng thể làm gì với sự khác biệt này. Giờ đây mình phải chia tay với ngôi trường Higashi, và sẽ phải bước tiếp với một gánh nặng trên vai suốt quãng đời còn lại, đó chính là cái cơ thể tật nguyền này.
Để đưa ra được quyết định như vậy, mình đã phải khóc mất một lít nước mắt, và có lẽ, rồi đây sẽ còn nhiều hơn nhiều hơn thế nữa.
Tuyến lệ ơi, thôi rơi nước mắt đi.
Nếu buông xuôi thì sẽ mãi tiếc nuối.
Biết như vậy, phải làm gì đó đi chứ.
Không thể cứ tiếp tục chịu thua.
Đó là buổi khám đầu tiên từ sau tết. Mình nhẹ nhõm phần nào sau khi nói chuyện với bác sĩ Yamamoto. Đột nhiên trong lòng thấy hăng hái phấn chấn. Mẹ giải thích ngắn gọn cho mình về việc chuyển đến trường khuyết tật. Bác sĩ thì bảo rằng cô sẽ hỏi thăm hội đồng giáo dục ở đó. Hy vọng chợt nhen lên trong lòng mình, dẫu là nó mong manh như bong bóng xà phòng. Trong những ngày này, mọi chuyện cứ ập đến, thay đổi liên tiếp khiến mình chóng cả mặt.
“Mày” (bản thân mình) sao lúc nào cũng quá ư dựa dẫm vào người khác vậy?
Mình chỉ vừa nhận ra.
Tại sao mày toàn ỷ lại vào người khác? Điều đó khiến bạn bè mệt mỏi lắm, mày biết không? Nhưng quá muộn rồi.
Đã lâu rồi gia đình mình mới có dịp đến tiệm Asakuma. Mẹ bắt đầu nói với mấy đứa em về chuyện mình chuyển đến trường khuyết tật. Mình bỗng nổi cáu. “Các em biết hết rồi mà. Mẹ không cần nói nữa đâu.”
“Đúng là Aya mới là người phải chuyến trường, nhưng đây không phải chuyện của riêng mình con. Đây là chuyện của gia đình, mọi người sẽ cùng suy nghĩ, cùng cố gắng hỗ trợ con, khuyến khích động viên tinh thần cho con, đó mới là điều quan trọng.” Mẹ trấn an.
Chỉ cần một lần thôi, mình muốn được thoải mái. Giá mình không phải chịu cảm giác luôn phải đấu tranh tư tưởng. Hamburger ngon thật. Còn món tráng miệng thì mình được ăn kem và bánh ngọt.
Bạn W, bạn O, bạn D - lúc nào các bạn cũng quan tâm hỏi han mình. Cảm ơn các bạn nhiều! Mình vui lắm! Bạn M hay mang giúp mình cặp lúc đến trường, cảm ơn bạn rất nhiều. Mình muốn đáp câu “Chào buổi sáng!” với bạn H nhưng vẫn không được, xin lỗi nhé. Một năm qua thực là rất dài. Được cùng các bạn trải qua thời học sinh, Aya thật sự rất hạnh phúc. Giờ mình đã sẵn sàng rồi. Tạm biệt... Các bạn hãy giữ gìn sức khỏe!
Lúc lau chùi bàn học, mình da diết nghĩ về bạn bè qua những vết khắc trên mặt bàn.
SẮP XẾP LẠI SUY NGHĨ
Danh sách phân lớp cho năm sau đã được công bố. Không còn thấy tên mình trong danh sách lớp nữa. Dù đã chuẩn bị tâm lý, nhưng mình vẫn thấy buồn..
Nếu mình khỏe mạnh... Không được, hãy tỉnh táo lại đi! Phải tin rằng mình có thể vượt qua căn bệnh này. Biết thế, nhưng sao mình thấy tay cứ yếu dần đi, viết mỗi lúc một khó khăn, có phải căn bệnh đang trở nên tồi tệ hơn?
Vấp ngã ư? Chẳng vấn đề.
Dẫu thế nào ta vẫn có thể đứng lên.
Lúc vấp ngã hãy ngước lên nhìn trời kia.
Bầu trời xanh bao la ngút ngàn tầm mắt.
Có thấy nó đang mỉm cười với bạn không?
Bạn đang còn sống.
Mình đã khóc trước mặt bạn bè. Mình đã rất buồn khi giáo viên câu lạc bộ bất ngờ hỏi: “Em sắp nghỉ học à?” Cứ khóc như vậy, tâm trạng liệu có được thảnh thơi? Hay chỉ khiến những người xung quanh khó chịu, còn bản thân thì cảm thấy trống rỗng? Nếu vậy, đừng khóc nữa. Khi cười trông dễ thương hơn đấy. Rồi nếu muốn nói gì, thì cứ từ từ mà nói ra, sẽ thoải mái hơn nhiều. Phải nói trước khi khóc đấy!
Ngay lúc này, mình cảm thấy hoàn toàn trống trải. Mình định sẽ không đi tắm mà ngủ luôn. Mai là ngày mình phải đến nói chuyện với các giáo viên của trường khuyết tật. Mày đã quyết định rồi còn gì, không được khóc nữa.
Mình vẫn hy vọng và cầu nguyện, rằng sau này sẽ trở thành một người vĩ đại.
“Trường khuyết tật” - cái tên khiến mình thấy u ám quá. Không còn cái tên nào khác nữa hay sao? Trường là nơi hỗ trợ học sinh tàn tật, nhưng xã hội nào lại không có “hỗ trợ” cơ chứ.
“Ở mức độ tàn tật này, tôi nghĩ em vẫn có thể tiếp tục theo học trường cấp III hiện thời. Nếu không có trở ngại gì phát sinh trong quá trình lên lớp thì em vẫn như các bạn khác mà thôi. Em có thật sự thoải mái không? Bởi ở trường khuyết tật, trình độ học tập của mọi người thấp hơn bình thường rất nhiều.”
“Tôi không muốn nghe thêm nữa. Tôi không muốn phải nhận chút lòng thương hại nào nữa, quá đủ rồi!” Mình thầm gào lên trong long.
Khi bác sĩ Yamamoto nói sẽ liên lạc với hội đồng giáo dục ở đây, mình đã nảy sinh chút hy vọng. Nhưng, họ chỉ đáp rằng mọi quyết định tùy thuộc vào cô hiệu trưởng trường.
“Tại trường Higashi, người ta bảo chúng tôi rằng họ không chấp nhận trường hợp của con bé lâu hơn nữa. Aya đã phải rất khó khăn mới đi đến được quyết định này. Tôi muốn con bé có hy vọng để khởi đầu cho một cuộc sống mới. Con bé đã hạ quyết tâm rồi. Xin hãy tôn trọng quyết định này của chúng tôi, xin cho con bé chuyển đến đây.” Mẹ đã giải thích như thế.
Thực sự, trong lòng mình chỉ muốn ở lại trường Higashi. Nhưng khi nghe những lời của mẹ giãi bày với giáo viên, tâm tư của mình dần trở nên giống như của mẹ. Chừng nào mẹ còn ở bên cạnh và bênh vực cho mình, mình sẽ không bỏ cuộc.
Ông trời ơi, con sẽ nghe lời mẹ hết mực. Con cảm nhận được tình yêu qua những hành động cửa mẹ. Con sẽ trở thành một người có ích hơn và mạnh mẽ hơn.
Trên đường về mẹ con mình ghé qua nhà Emi (em họ mình). Trước khi đến, mình và mẹ đã gọi điện báo trước nên được dì chuẩn bị sẵn nhiều món chiêu đãi. Ăn no cả bụng rồi mình thấy buồn ngủ, không tài nào học cho nổi.
Mình đã tự nhủ sẽ cố gắng cho kỳ thi cuối cùng này để không phải hối tiếc điều gì. Nhưng bao nhiêu chuyện đã xảy đến, nên dù có muốn học cũng không tài nào tập trung được. Trong phòng học có cắm một bông hoa “ngốc nghếch”(9). Hoa này có màu rất đẹp, nhưng không hiểu sao người ta lại đặt cho nó cái tên đó. Tại sao vậy nhỉ? Suốt giờ làm bài kiểm tra mình cứ nghĩ mãi.
Giáo viên phụ trách là cô Motoko khuyên mình rằng: “Chuyển đến trường khuyết tật hay tiếp tục ở lại trường Higashi đều là do em tự quyết định. Cuộc sống là phải lựa chọn em ạ.”
“Cô phải biết chứ, dù em có muốn ở lại đi chăng nữa thì trường cũng đâu cho em ở lại, họ bảo em không theo kịp được môi trường tại đây, em chỉ còn mỗi cách là chuyển đến trường khuyết tật. Em làm gì có quyền quyết định hả cô? Chẳng qua cô chỉ nói cho khéo mà thôi.” Mình thầm nghĩ.
Cô Motoko còn dặn:
1. Hãy cố gắng sạch sẽ. Phải nghiêm khắc với bản thân để người xung quanh không nghĩ rằng cứ bị tàn tật là luộm thuộm không sạch sẽ.
2. Phải quý trọng và không được quên bạn bè.
3. Sắp tới đây phải thuần thục cách đánh máy.
4. Không được quên ngôi trường Higashi này.
Dù không nói ra, nhưng trong lòng mình cứ lặp đi lặp lại những lời của cô Motoko, thậm chí là cả những suy nghĩ và cảm xúc mà mình chưa tâm sự với cô.
Cuộc sống này chẳng khác gì một vòng quay, mọi người như thể xoay quanh mình với những ánh mắt kỳ thị, đoạn họ tấn công mình bằng từ “tàn tật”. Trong lòng mình bèn nảy sinh ý nghĩ: “Mình chỉ còn cách chuyển đến trường khuyết tật mà thôi.” Mình cố trấn an bản thân như vầy, nhưng mãi rồi mới đi đến quyết định chuyển trường. Mình bèn nhìn lại vài tháng trước đây, khi mới bắt đầu cân nhắc đến việc chuyển tới trường khuyết tật. Tuy là thực tâm, mình đã quyết định rồi nhưng những ý nghĩ của mình vẫn còn rất hỗn loạn. Do đó, tâm trạng của mình cũng mất cân bằng theo.
Mình tìm đọc Kinh Thánh, và nghiền ngẫm những lời dạy của Chúa Jesus. Nhưng khi suy nghĩ về những lời dạy đó thì... Con xin lỗi Chúa, con thấy mình vẫn chưa đủ đức tin để có thể trở thành một con chiên ngoan đạo, điều đó quả thực hết sức khó khăn. Được rồi, mình thử đào sâu tâm trí và suy nghĩ một cách chín chắn xem sao.
Thứ nhất, có thể khiến xung quanh đánh giá lại về sự tồn tại của một người tàn tật trong cuộc sống tập thể (vun đắp tinh thần tương trợ lẫn nhau).
Thứ hai, phức cảm nảy sinh bởi so sánh bản thân mình với một người khỏe mạnh bình thường sẽ thành động lực giúp mình tiếp tục cố gắng.
Thứ ba, mình có thể học được nhiều điều từ thầy cô giáo và bạn bè.
Thứ nhất, mình không thể bắt kịp thời gian biểu của xung quanh.
Thứ hai, lúc nào cũng phải dựa dẫm vào thầy cô và bạn bè.
Thứ ba, mình chỉ chơi được với một nhóm bạn nhỏ cố định và không thể gia nhập những nhóm lớn hơn. Mình chỉ có thể chơi với vài bạn vì khả năng của mình có giới hạn.
Thứ tư, tự mình không thể tham gia trực nhật, chẳng khác gì một gánh nặng đè trên vai bạn bè.
(chỉ là tưởng tượng của mình mà thôi).
Thứ nhất, mình được sống tự lập.
Thứ hai, giảm gánh nặng cho những người xung quanh.
Thứ ba, có thể tìm ra lối đi cho tương lai.
Thứ tư, có thể trang bị cho mình những kỹ năng sống.
Thứ năm, xung quanh đều là những người tàn tật, nên hiểu nhau dễ dàng hơn.
Thứ nhất, bắt đầu dùng từ “tàn tật” như một cái cớ.
Thứ hai, ít thời gian để chia sẻ với bạn bè là người khỏe mạnh.
Thứ ba, tốc độ học tập sẽ giảm sút.
CHIA TAY
Chỉ còn bốn ngày nữa thôi là đến lễ bế giảng. Hình như mọi người đang cùng nhau gấp ngàn hạc giấy(10) cho mình (mình đoán thế).
Mình sẽ khắc ghi hình ảnh bạn I và bạn G đang gấp hạc giấy cho mình. Dù có phải chia tay, mình sẽ không bao giờ quên họ. Các bạn cùng ước cho mình khỏe mạnh, điều đó khiến mình vô cùng hạnh phúc. Nhưng giá mà các bạn ấy nói “Aya ơi, bạn đừng đi...” thì hay biết mấy. Mình chợt thấy ghét mọi người vì đã không nói thế, ghét cả bản thân mình vì đã không cố gắng để mọi người níu giữ mình ở lại. Nhưng vì đã hứa với cô giáo (không được nghĩ xấu về bạn bè) nên mình không nói lời nào.
Mình tâm sự với mẹ, mẹ bèn hát cho mình một đoạn: “Mọi chuyện đã là quá khứ, đừng nghĩ ngợi gì nữa. Chìm đắm mãi trong quá khứ thì sao có thể tiến về phía trước. Nếu lùi hai bước ta phải tiến lên ba bước. Đó là cuộc sống.” Mình nghe vậy liền cười.
Một người bạn cho mình quả của cây thiên tuế. Nó có màu cam, mình thích lắm, đó là màu của sự ấm áp.
Cuộc trò chuyện cuối cùng với cô Motoko. Cô kiên nhẫn lắng nghe tất thảy những lời phàn nàn của mình. “Em đừng hà khắc với bản thân như thế, Aya. Cuộc sống này đâu chỉ có mỗi chuyện trường lớp và học hành. Thử nghĩ xem, khi bước chân ra ngoài xã hội em sẽ có thể làm được những gì nếu chỉ biết có học hành không thôi? Nói cách khác, cô nghĩ việc học đối với em chỉ là một cách để trốn chạy. Đến cả việc xách cặp đến trường, việc rửa chén bát... em đều tránh phải làm, trước giờ chỉ chăm chăm chú tâm vào việc học thôi, đúng không Aya? Chính vì thế nên con mắt nhìn đời của em thật hạn hẹp, em cần một sự thay đổi trong suy nghĩ của mình. Em nên cảm thấy hạnh phúc vì ít nhất vẫn được theo học một trường bình thường trong cả năm vừa qua. Em biết không, ở trường khuyết tật có những bạn còn phải sống suốt đời trong bệnh viện. So với họ, em ít ra đã được tiếp xúc với xã hội và hiểu được rằng không phải lúc nào cũng có thể dựa vào người khác. Đối với tuổi 16, em có mặt trưởng thành và có những mặt chưa trưởng thành. Tinh thần em không cân bằng. Đó là bởi em không được trải nghiệm cuộc sống như các bạn khác cùng trang lứa 16. Giờ chưa hẳn là muộn đâu, vì thế em đừng bao giờ bỏ cuộc, Aya nhé. Những gì em chưa thể làm tại trường Higashi này, hãy cố biến chúng thành hiện thực khi em bước chân vào trường khuyết tật. Em muốn thử mấy trò nghịch phá cũng được. Em có thể mà. Với mọi người tại trường Higashi này, ký ức về Aya sẽ mãi luôn là những điều tốt đẹp.”
Mình cứ chìm đắm mãi trong niềm hạnh phúc vì đã được theo học một giáo viên tuyệt vời như vậy. Mình sẽ chào từ biệt cô bằng một nụ cười hạnh phúc.
Sau đợt kiểm tra, từ giờ đến lễ bế giảng mình không phải đến trường. Bố mẹ đã lên kế hoạch tổ chức một bữa tiệc nhỏ để chiêu đãi bạn bè mình, và tất cả những người luôn động viên mình trong cả năm vừa qua. Mọi người cùng chơi bài, chơi cờ ca rô và huyên thuyên nhiều chuyện. Bạn S tặng mình chiếc tách cà phê, bạn Y tặng mình hộp nhạc (có hình anh nhân viên xe lửa), còn bạn A tặng mình giỏ hoa khô.
“Tụi con hãy cố gắng chăm học và học giúp luôn phần của Aya. Thi thoảng nhìn vào cây viết máy này hãy nhớ về Aya nhé!” Mẹ nói và đưa cho mỗi bạn một cây viết máy. Cả đám lặng thinh không nói lời nào. Buổi tiệc rồi cũng tàn và khoảnh khắc chia tay đã đến. Mình lấy hết can đảm để nói lời tạm biệt. Mình tự nhủ: “Không được! Aya, mày không được khóc.” Mình đã hứa là sẽ không khóc khi chia tay bạn bè.
Mình đã rất vui, thế nhưng, khi thấy bóng dáng các bạn đã ở tít xa trước mắt. Mình lại thấy cô đơn vô cùng, và mình òa khóc.
NGẪM LẠI
Đến rồi, ngày 22/3 cuối cùng cũng đã đến. Lễ bế giảng náo nhiệt đã kết thúc. Mình bước vào phòng học. Mọi người trong lớp cùng viết lời từ biệt mình vào một tờ giấy lớn.
“Cảm ơn mọi người rất nhiều. Suốt cuộc đời này mình sẽ không quên sự giúp đỡ của các bạn. Mình sẽ chuyển đến một ngôi trường mới và sẽ cố gắng sống thật tốt. Mọi người đừng bao giờ quên hình ảnh cửa Aya tàn tật này nhé.” Mình rất muốn dõng dạc thốt những lời nói đó, nhưng vì tổn thương ở tuyến lệ nên nước mắt không ngừng tuôn ra, và mình không thể nói nên lời.
Bạn S, bạn Y...
“Cũng có lúc tụi em thấy chăm sóc cho Aya là một gánh nặng.” Về sau cô giáo kể rằng các bạn đã nói như vậy. Mình thật đáng trách, tại sao mình lại không nhận ra điều đó. Là bởi lúc nào mình cũng chỉ nghĩ đến bản thân mình mà thôi. Mình đã khiến nhiều người phải mệt mỏi, mọi chuyện đều là lỗi ở mình.
Ôi, ngoài những lời này, mình không biết phải nói gì nữa. Chỉ có thể ngẫm lại nhiều điều mình đã làm sai trong quá khứ.
Trong lễ Thất Tịch, mình viết vào tờ giấy ước: “Mình muốn trở thành một cô gái bình thường.”
Thế là em gái mình nổi giận: “Hiện giờ chị khác gì với một cô gái bình thường chứ?”
“Sao chứ, viết lên sự thật thì có gì saí?” Mình những muốn phản ứng như vậy.
Mình nhận ra, dù trong thâm tâm mình hiểu rất rõ nhưng thực khó để có thể chấp nhận bản thân là một người tàn tật.
ĐỐI DIỆN
Lý lịch của bác sĩ Yamamoto Hiroko:
Bác sĩ có dáng người nhỏ nhắn, đeo mắt kính, tóc cắt ngắn. Cô hay mặc đồ màu trắng giản dị, cô cũng đeo hoa tai và nhẫn nhưng không hề lòe loẹt, khiến người ta cảm thấy cô rất thời trang và tinh tế. Khi mình còn ở Bệnh viện Nagoya, cô Yamamoto là một trong các bác sĩ điều trị ở đó. Khi chuyển công tác đến Đại học Y Fujita, bác sĩ Yamamoto bèn liên lạc với mẹ con mình, thế là mình chuyển viện cùng với cô.
Việc gì bác sĩ cũng làm rất nhanh, phản ứng rất mau lẹ. Có lần bác sĩ còn lái xe chở mình đến bệnh viện khác để kiểm tra kỹ hơn. Bác sĩ là người rất đáng tin cậy.
Có lần mình tò mò hỏi: “Bác sĩ, hồi xưa cô tốt nghiệp trường nào ạ?”
Bác sĩ chỉ đáp: “Trường Meiwa.”
Đến mình còn biết đó là một trường nổi tiếng với nhiều học sinh ưu tú. Bác sĩ kể là sau khi tốt nghiệp trường Meiwa, bác sĩ theo học tại Đại học Nagoya. Aya rất thích bác sĩ vì bác sĩ là một người hiền hậu. Trước mặt bác sĩ, Aya chẳng bao giờ phải cảm thấy rụt rè. Từ khi đều đặn đến bệnh viện điều trị, kể cả quãng thời gian nằm viện cho đến nay đã gần một năm rưỡi. Mình hiểu rõ hơn ai hết tình trạng bệnh đang chuyển biển xấu đi. Những tế bào tiểu não của mình đang ngày ngày bị hủy hoại, toàn bộ cơ thể như cứng đờ, không phản ứng nhanh được, bước đi vất vả bởi đầu gối rất khó gập lại, cử động của tay cũng trở nên yếu dần. Lời nói bị ngắt quãng thành từng chữ một, và tiếng nói nhỏ dần, tiếng cười cũng bị ảnh hưởng. Mình thậm chí không thể cười thành tiếng “ha ha”, nếu mà cố thì chỉ ra thành “hè hẹ hè hẹ”.
Mình không ngừng nuốt nước bọt dù chẳng nhai gì cả, vận động của lưỡi dần trờ nên bị hạn chế. Lần sau khi gặp bác sĩ, mình sẽ hỏi rõ: “Bệnh tình của cháu như thế nào? Xin bác sĩ hãy cho cháu biết đừng giấu giếm.” Có thể mình sẽ sợ hãi khi nghe sự thật về căn bệnh của mình nhưng dù thế nào mình cần phải hiểu rõ về nó. Tùy thuộc vào câu trả lời của bác sĩ, mình mới biết được cần phải làm gì và lập kế hoạch cho cuộc sống của mình.
(Lớp 10) → (Lớp 11) → (Lớp 12)
Trường cấp III Higashi → trường khuyết tật → trường khuyết tật → về nhà làm việc (làm việc nhà hoặc là trực điện thoại).
Có lẽ sẽ không còn cơ hội để trở về trường Higashi nữa, mình phải sống sao cho thật ý nghĩa trong khoảng thời gian ngắn ngủi còn lại tại ngôi trường này.
MUA SẮM
Mẹ gọi điện hết chỗ này đến chỗ kia. Rồi đột nhiên, từ trên cầu thang, mẹ lớn tiếng gọi: “Mình cùng đi YUNI (trung tâm mua sắm) nhé Aya. Mẹ nghe nói ở đó có xe lăn, nên Aya có thể di chuyển ở đó được đấy!”
Đó là kỳ nghỉ xuân, mọi người trong gia đình đều ở nhà. Sau một hồi lâu mọi người loay hoay mãi rồi cũng đưa được mình lên xe và cả nhà xuất phát. 15 phút sau cả nhà đến YUNI.
Mình đeo cái túi xách yêu thích qua cổ rồi leo lên xe lăn cho em gái đẩy đi dạo lòng vòng xung quanh mấy cửa hàng bán quần áo. Thứ nào cũng đẹp cũng lạ cả. Mình chú ý thấy một chiếc váy rất xinh và muốn mặc thử. Vì mình toàn phải bò, đầu gối rất đau nên ở nhà chỉ toàn mặc quần dài thôi, còn váy thì... Mình lấy hết can đảm gọi mẹ và chỉ vào cái váy. Mẹ bảo: “Có một cái váy cũng hay. Mà trời cũng dần ấm hơn rồi.” Và mẹ đã mua cho mình cái váy ấy.
Mình vui lắm. Chiéc váy lụa mềm in hình những bông hoa nhỏ màu hồng, nếu mình mặc thêm một cái áo khoác trắng và đứng thẳng lên, không biết chừng mọi người sẽ khen mình là dễ thương. Một lần thôi cũng được, mình thích cảm giác được nghe lời khen. Mẹ cũng mua cho mình nhiều đồ lót, vớ, khăn tám để chuẩn bị cho mình chuyển đến ở ký túc xá trường khuyết tật.
Đột nhiên mình thấy buồn lắm. Chỉ vài hôm nữa thôi là mình phải vào ký túc xá. Mình phải rời xa gia đình, bắt đầu một cuộc sống riêng. Mình tự hứa là sẽ không khóc nhưng sao nước mắt chảy ròng ròng. Phải mạnh mẽ lên! Có chuyện gì xảy ra đi nữa cũng phải bình tĩnh. Mình phải trở thành người mạnh mẽ, vượt qua được rất thảy mọi chuyện.
XE LĂN ĐIỆN
“Aya nè, mẹ định mua cho con một chiếc xe lăn.”
“Sao cơ ạ?”
Mẹ bắt đầu giải thích: “Tuy hành lang có tay vịn, nhưng lúc con di chuyển từ bên này sang bên kia rất nguy hiểm. Từ tư thế đứng, con sẽ phải ngồi xuống, bò đến phía đối diện, tới được nơi rồi mới đứng lên. Mà lúc đổi động tác nếu vội vàng con rất hay bị ngã. Chưa kể dẫu có muốn con cũng không thể ra ngoài đi dạo một mình được. Những lúc vậy, nếu có xe lăn điện chạy tự động sẽ rất tiện, tay con yếu không đẩy được thì xe vẫn có thể đi chuyển, kể cả khi lên dốc. Tốc độ xe là 5 cây số một giờ, bằng tốc độ đi bộ nên không nguy hiểm đâu; thao tác cũng đơn giản, mẹ thấy xe này thích hợp nhất. Tuy nhiên, con không thể ỷ lại vào xe lăn, vẫn phải luyện tập tự di chuyển và không được lười biếng. Biết không hả Aya?”
Mình vô cùng sung sướng với ý nghĩ từ giờ có thể tự do di chuyển. Niềm hạnh phúc nhỏ nhoi đó đủ khiến thế giới trước mắt mình như rộng mở hơn. Ai chẳng thích được làm mọi việc theo ý mình. Từ giờ mình có thể tự làm nhiều việc thay vì phải nhờ vả người khác như mọi khi. Cứ như một giấc mơ vậy! Trước giờ mình cứ phải viết tên cuốn sách mình muốn ra giấy rồi nhờ người đi tìm hộ. Nhưng nay mình có thể tự ra tiệm mà lựa sách rồi. Một cảm giác tự do và hạnh phúc làm sao! Được lắm, trước khi nhập học ở trường khuyết tật, mình phải thành thạo các thao tác của xe lăn và tự đi ra ngoài cho xem.
Có hai anh nhân viên của công ty xe lăn mang xe đến tận nhà. Mình được xem họ lắp ráp xe. Bánh xe di chuyển nhờ một động cơ nhỏ. Nó chạy bằng hai cục pin gắn liền nhau ngay dưới ghế ngồi.
“Aya, em dùng thử xem. Em chỉ cần chỉnh cái cần này, xe sẽ di chuyển trước sau trái phải theo hướng của cái cần.”
Mình chầm chậm ngồi lên thử. Vừa đẩy cái cần về phía trước, xe liền từ từ tiến thẳng. Khi di chuyển và xoay vòng, xe chỉ phát ra tiếng kêu nho nhỏ. Mình bèn miệt mài luyện tập, nhưng một lát sau... nước mắt mình lại tuôn rơi.
Cái tính mít ướt của mình, sao mà đáng ghét thế!
“Con sao thế, Aya?” Mẹ hỏi.
“Lâu lắm rồi con mới lại được tự do di chuyển, mừng quá mẹ ạ.” Mình nghẹn ngào, vì rối bời quá nên mình không tài nào thể hiện được cảm xúc trong lòng.
Mình quyết tâm luyện tập để có thể tự đến nhà sách mua cuốn sách ưa thích. Khi nhìn ra ngoài cửa sổ, mình thấy mưa đang rơi.
Mình vận động rất chăm chỉ: nào là lau sàn nhà bếp, rồi cọ nhà vệ sinh. Mình muốn làm việc gì đó để tiêu hao năng lượng.
Việc học thì tiến triển hơi chậm (dù sao cũng đáng mừng, mình toét miệng cười, nhận ra rằng bản thân vẫn còn háo hức muốn học). Em gái út Rika thì bảo cái xe lăn điện của mình là “Cái Ghế”, còn bố thì cứ chọc là “Cái Xe Hơi”. Thực sự thì nó vừa là cái ghế, lại cũng vừa là cái xe.
Mình vẫn còn nhớ một chuyện hồi còn học lớp Mười. Rika đang nghịch mấy chiếc xe lăn xếp hàng trong hành lang bệnh viện thì mẹ quát con bé: “Con không được nghịch xe lăn, làm vậy là xúc phạm những người chỉ có thể di chuyển bằng xe lăn đấy:” Cho đến bây giờ mình vẫn không thể quên những lời căn dặn ấy.
Mình có đọc một tác phẩm viết về thời Đức Quốc xã, trong đó đề cập nhiều đến những trải nghiệm của các tù nhân trong trại giam Auschwitz. Mình đồng cảm với những tù nhân ấy. Dường như tình trạng của mình có điều gì đó gần giống với họ, đó là việc thân thế dần dần không còn cảm nhận được gì nữa.
NHỮNG NGƯỜI BẠN TÀN TẬT
Có một nhóm những người tàn tật chơi với nhau và lập thành hội tên là Hội Bồ công anh. Họ rủ mình ra quán giải khát có tên Baroque, ở đó có một cây đàn Clavio. “Giá đến đây đúng lúc có người chơi đàn.” Nghe mình nói thế, anh Yamaguchi bèn mỉm cười với mình.
Trên đường về, mình ghé qua nhà bạn Jun chơi. Tai bạn ấy không nghe được nhưng rất tích cực nói chuyện bằng động tác tay. Nhưng biểu cảm trên mặt Jun vô cùng đáng yêu. Nhờ Jun mà mình cũng học được chút ít động tác tay. Mình muốn thật giỏi các động tác tay để trở thành bạn thân của Jun. Biểu cảm của mẹ bạn ấy rất giống với mẹ mình.
Những điều mình học được từ nhóm bạn này:
Thứ nhất, nếu chỉ biết rụt rè nhút nhát và nghĩ rằng mình tàn tật thì mãi không thể thay đổi được bản thân.
Thứ hai, thay vì cứ mải miết tìm những gì đã mất, hãy xem trọng những gì còn lại với mình.
Thứ ba, đừng bao giờ cho rằng mình thông minh, điều đó chỉ khiến mình càng cảm thấy thảm hại mà thôi.
CHUYỂN TRƯỜNG VÀ CUỘC SỐNG Ở KÝ TÚC XÁ
Gia đình mình chất lên cả đống đồ dùng trong nhà và chuyển mình đến ký túc xá. Cũng có những học sinh khác quay lại ký túc xá chuẩn bị cho học kỳ mới. Trong ký túc xá, những căn phòng lớn làm thành dãy như phòng học. Phòng nào cũng có một lối đi nhỏ ngăn chính giữa, hai bên trái phải đều trải chiếu. Mỗi học sinh được phân cho một cái tủ, một chiếc bàn cố định có gắn đèn. “Lâu đài” của mình ở cạnh cái tủ gần nhất.
“Cái này giờ chưa dùng đến, mẹ sẽ đặt nó ở ngăn trên của tủ. Còn cái này con hay dùng tới, mẹ để nó gần chỗ con nhé.” Vừa nói mẹ vừa sắp xếp mọi thứ ngăn nắp cho mình. Ngoài mình ra còn có khoảng mười mấy bạn nữa. Quả nhiên là các bà mẹ đều đang cắm cúi dọn đồ. Không một ai để ý đến mình. Chuyện này nên vui hay nên buồn nhỉ?
“Em hãy mau chóng quên trường Higashi đi và chú tâm đến cuộc sống ngay tại Okayou (trường cấp III cho thanh thiếu niên tàn tật của tỉnh Aichi) này.” Thầy Suzuki đã nói như vậy. Để có thể mau chóng quên đi trường cũ, mình đã tháo phù hiệu trường và lớp được phát ở Higashi đi, cất chúng thật kỹ sâu trong ngăn kéo.
Hai chân mình dần trở nên cứng ngắc, càng ngày càng khó bước về phía trước. Mình nắm thật chặt tay vịn hành lang, miệng lẩm bẩm: “Không sợ, mày không được sợ.” Vừa nghĩ đến chuyện buồn thì nước mắt tuôn ra. “Không biết chừng... mình sẽ...”
“Con người sinh ra là để bước đi mà.” Lời của cô B bất chợt nhói lên trong trí nhớ mình. Đúng vậy! Mình hiểu rồi! Phải quyết tâm! Đây là lời tuyên chiến vô song! Hãy vượt ngọn núi Niitaka(11)!
Trên đường đến phòng học, mình bị ngã và lại khóc. Cô A đi ngang qua hỏi: “Em buồn lắm phải không Aya?” Mình đáp: “Không phải buồn, mà là thất vọng cô ạ.”
Nhìn thấy những bước chân thoăn thoắt của bạn bè từ đằng xa, một câu hỏi bỗng hiện ra trong suy nghĩ của mình: Tại sao con người lại đúng thẳng và đi bằng hai chân? Đi lại được quả thực là một điều gì đó lớn lao.
Mình thấy may mắn vì đã tới nơi này. Mình quan sát các bạn chơi bóng chày dưới khung cửa sổ. Ngoài hành lang, có những học sinh đang chơi trò đấu vật với thầy giáo. Thế nhưng, để cảm thấy thân thuộc với cuộc sống ở đây, mình e là không đơn giản. Tâm trạng của mình bây giờ hơi chới với. Mình nhận ra mình chẳng còn coi bản thân là học sinh của trường Higashi nữa. Nhưng vẫn chưa có cảm giác đã là học sinh của trường Okayou. Lỡ có một người lạ nào đó hỏi: “Em là học sinh trường nào?” Mình sẽ trả lời ra sao đây?
TÂM TRẠNG RỐl BỜI
Trong lớp học, mình tâm sự với thầy A: “Thầy ơi, em mơ thấy thầy tỏ ra vui mừng khi em có thể đứng thẳng và bước đi nhanh nhẹn như các bạn khác.”
“Aya nè, từ trước đến giờ em chỉ toàn tập trung học hành, nhưng giờ lại phải tham gia giặt giũ và việc vặt trong phòng, chắc là vất vả lắm phải không?” Sau đó, thầy kể là có một đứa trẻ mắc bệnh loạn dưỡng cơ tăng tiến đã viết đoạn thơ này:
Chúa đã khiến mình trở nên tàn tật,
Đó là vì Người tin rằng
Mình có khả năng chịu đựng.
Nghe ai như những lời kêu gọi của độc tài Hitler vậy.
Mình đáp: “Thầy ơi, thực ra em cũng có những suy nghĩ tương tự, về căn bệnh của mình, về việc em được ở đây là nhờ sự hy sinh của rất nhiều người. Để an ủi bản thân rằng sự tồn tại của mình không vô nghĩa, em phải cố mà chấp nhận những quan điểm và cách nghĩ khác nhau.”
Từ cửa sổ, mình thấy được cầu vồng sau cơn mưa, nó tạo thành một vòng cung tuyệt đẹp. Mình vội vàng lên xe lăn ra ngoài.
“Được ngồi xe lăn, thích nhỉ Aya!” Bạn T đã nói như thế.
T này, tôi sẽ cắm đinh ghim vào hình của cậu đấy.
“Còn cậu, được đi lại chẳng phải quá tuyệt sao?” Mình muốn nói với cậu ta như thế nhưng lại thôi. Mình chỉ sợ những lời đó sẽ ảnh hưởng cảm giác tuyệt vời khi được ngắm chiếc cầu vồng xinh đẹp kia.
Mỗi tuần vào thứ Bảy, bố hoặc mẹ thường đến đón mình. Mình ngủ lại nhà một đêm, còn tối Chủ nhật thì quay về lại trường. Mỗi lần về nhà, trên người mình lại xuất hiện những vết bầm tím mới. “Con hay bị ngã lắm sao? Khi thấy thế mẹ lo lắng hỏi.
“Vì con chậm chạp cho nên thường có chuẩn bị sớm, con nhờ bác quản lý ký túc xá hằng ngày cứ khoảng 4 giờ sáng đánh thúc con dậy để học bài. Nếu không như thế, con sẽ không hoàn thành nổi việc gì. Nhưng vì con cứ hay vội vội vàng vàng, chân tay cứng đờ nên dễ bị ngã.”
Vì không muốn ỷ lại vào xe lăn, nên mình cố gắng không dùng xe lăn nhiều kể cả khi phải ra ngoài, nhưng khi có chuyện gấp hay phải đến thư viện ở xa, mình đều dùng xe lăn để tiết kiệm thời gian. Mình cũng đành chấp nhận đến trường bằng xe lăn. (Lúc ngồi lên xe lăn, mình bị ám ảnh bởi một cảm giác bất mãn và chán chường với ý nghĩ rằng: “Mình không thể đi lại được nữa rồi!”)
Khi gặp bác quản lý ký túc xá ở hành lang.
“Cháu chào bác ạ,” mình lễ phép cúi chào.
“Aya à, chào cháu, cháu đi bằng xe lăn à? Chắc thoải mái lắm phải không?”
Thật đau đớn, ngực mình như bị bóp chặt, hơi thở cũng khó khăn, sao mà “thoải mái” được cơ chứ? Bác ấy nghĩ mình thích ngồi xe lăn lắm à? Không, mình muốn được bước đi. Vì điều đó mà mình đã phải chịu đựng rất nhiều. Chẳng lẽ trông mình giống kiểu thích ngồi xe lăn cho “thoải mái” sao? Nghĩ đến đó mình chỉ muốn vò đầu bứt tóc vì tức giận.
Mái tóc của mẹ ngày một nhiều sợi bạc hơn, có lẽ là do tình trạng của mình không ngừng tiến triển xấu đi.
CẢM THÔNG CHO NHỮNG NGƯỜI TÀN TẬT
Nắng ấm của tháng Năm thật tuyệt.
Hôm nay là ngày hội thao. Cũng là ngày của mẹ. Thêm nữa, nó cũng là ngày sinh nhật của em gái mình, tóm lại ngày hôm nay toàn những lời chúc mừng thôi.
Mình điện thoại cho Emi - em họ mình sống ở Okazaki - và rủ em ấy đến thăm. Mình nghĩ là nên cho Emi hay về tình trạng sức khỏe của mình, cho Emi hiểu mình đã cố gắng thế nào. Emi và mình vốn đã thân nhau từ bé. Vào kỳ nghỉ hè và đông, hai đứa thường sang nhà nhau chơi và nghĩ lại, mình và Emi toàn đắp chung chăn.
Emi mặc áo trắng, váy xòe, trên đầu cài một chiếc kẹp tóc màu vàng, hai mắt to tròn, lông mi dài cong vút, nhìn qua không ai ngờ là em ấy vẫn đang còn là học sinh cấp III. Đi cùng là Kaori, em gái của Emi, cô bé này tính cách khá con trai, và cũng dễ bị nhìn nhầm là con trai nữa.
Ở góc sân chơi có một vệt cỏ mọc dày cỏ ba lá. Ba chị em mình cùng ra đó hì hụi tìm cây cỏ bốn lá. Mình muốn tìm một cây như vậy để làm quà cho mẹ. “Chẳng biết là có cây cỏ bốn lá không nữa.” Emi thì thầm.
Mình chợt bật ra câu hỏi cứ vướng víu trong ý nghĩ của mình từ nãy đến giờ: “Nè, Emi, Kaori! Cỏ bốn lá cũng có hình dạng tương tự như cỏ ba lá đúng không? Vậy sao người ta lại cho rằng nó đem lại hạnh phúc nhỉ?” Emi suy nghĩ trong giây lát rồi nói: “Bởi vì nó lạ mà chị.” Có lẽ là Emi nói đúng. Cái gọi là ‘‘hạnh phúc” vốn đâu dễ dàng tìm được. Mình đoán chừng có lẽ vì vậy mà khi tìm thấy một cây cỏ bốn lá, người ta cảm thấy hạnh phúc vô cùng.
Sáng nay mình vấp ngã và bị thương nhẹ. Lại vì thế mà khóc, mày phải mạnh mẽ hơn nữa chứ, Aya! Chẳng hiểu nguyên nhân là do đâu nữa, bởi mình đang vội hay vì cái tính hấp tấp này. Khi đó mình định bước chân lên trước, nhưng bất ngờ chân mình nó không nhấc lên được, thế là cả người mình đổ về phía trước. Mình đã bấu được vào tay vịn hành lang nhưng không đủ lực, thế là ngã uỳnh một cái. Mình nằm im trên cáng và được đưa đến phòng y tế, khi ngang qua hành lang mình thoáng thấy bầu trời trong xanh. “Ồ, lâu lắm rồi mình mới được nằm ngả lưng nhìn trời thế này.” Mình nghĩ thầm. Lúc nằm ở phòng y tế, mình lại được nhìn thấy bầu trời xanh qua khung cửa sổ.
Trên bầu trời xanh ấy, những đám mây trắng bồng bềnh trôi thật đẹp. Phải rồi, từ giờ trở đi, hễ khi nào cảm thấy bế tắc, mình sẽ ngước lên nhìn trời. “Tôi sẽ ngẩng đầu nhìn trời cao mà bước đi, nước mắt sẽ vì thế mà không tuôn rơi.” Trong bài Sukiyaki, ca sĩ Sakamoto Kyu đã hát như vậy. Phải rồi, tinh thần phải như thế chứ. Rồi mình lăn ra ngủ thiếp đi hơn cả tiếng đồng hồ. Tỉnh dậy, tinh thần mình cũng tỉnh táo ra rất nhiều, mình bèn tới nhà vệ sinh (ở đó dùng bồn cầu kiểu Âu).
Trong nhà vệ sinh, mình chợt nghĩ đến bức điều khắc Người suy tưởng nổi tiếng của Auguste Rodin. “Không chừng Rodin nảy ra ý tưởng về bức tượng đó khi đang ngồi trên bồn cầu không chừng?”
Mình luôn bị đè bẹp bởi sự chậm chạp của mình. Hôm qua đến phiên mình trực thư viện. Mình mất gần 20 phút hì hục mới lết lên được đến nơi. Nhưng... thư viện không một bóng người. Trễ giờ mất rồi. Mếu máo như sắp khóc, mình đăng ký mượn cuốn Những động vật mà tôi biết của Ernest Thomson Seton. Nếu lỡ mà bị nhốt tại thư viện, mình vẫn có thể gọi điện sang bên ký túc xá của trường, dẫu biết thế nhưng mình vẫn khóc. Hôm nay mình đến đó lúc 4 giờ chiều, thế mà: “Nhanh về thôi em, lần sau nếu đến mượn sách, em tranh thủ đến sớm nhé.” Chị thủ thư hối thúc. Thảm hại quá đi. Vì chậm hơn người khác quá nhiều nên mình chẳng có thời gian cho bản thân nữa. Mình tốn nhiều thời gian cho những việc vặt hằng ngày (chẳng hạn như việc giặc giũ), vấn đề không phải là chuyện mình không cố gắng.
Hôm nay trường tổ chức đi tham quan sở thú. Từ giờ mình chẳng thích sở thú nữa.
- Khuôn mặt buồn bã tội nghiệp của con đười ươi (mình có nghe nói đười ươi vốn là loại động vật nhạy cảm và dễ bị hoảng loạn).
- Bọn tinh tinh thì ném đá.
- Bồ nông chẳng chịu bắt cá.
- Đà điểu trông thì xơ xác mệt mỏi.
Nhìn chúng như vậy, mình càng thấy buồn và chán nản hơn.
Mình ghét cái quy chế trực nhật trong phòng ký túc. Nhưng đây là sống tập thể nên mình không được biếng nhác. Bởi mình vốn chậm chạp, nên dẫu là tham gia hoạt động tập thể nào mình cũng đều bị chậm hơn các bạn khác một hay hai bước. Để không bị chậm, trước khi đến phòng tập mình đã lau dọn xong phân nửa căn phòng. Nhưng khi trở về phòng, thì chị trưởng phòng lại nói: “Aya, em không dọn phòng được đúng không? Vậy hãy đi giặt khăn tắm và đổ rác trong nhà vệ sinh đi.”
Tuy bất ngờ với lời khiển trách đó, nhưng mình chỉ biết im lặng. “Hãy tha thứ mọi chuyện, hãy chịu đựng những điều không thể chịu đựng, hãy nhẫn nhịn những điều không thể nhẫn nhịn.” Lời dạy đó trong Kinh Thánh luôn khiến mình thấy phiền muộn. Chính cái cách suy nghĩ đó càng khiến mình thêm yếu đuối.
Nếu cơ thể này có thể di chuyển nhanh nhẹn hơn, thì mình sẽ vui vẻ bắt tay vào dọn dẹp nhà vệ sinh ngay. Nhưng mình không tài nào thể hiện được những suy nghĩ của bản thân. Rốt cuộc mình lặng lẽ rời phòng, lòng thầm nguyền rủa: “Khốn nạn thật.” Ngay khi mình vừa bước ra khỏi phòng, những giọt nước mắt chua xót lại tuôn trào. Bác quản lý ký túc xá đi ngang qua bèn nói: “Đây là sống tập thể, con phải biết là không nên khóc.” Mình phải làm sao mới được đây?
Hôm nay mình được về nhà.
Mình lau chùi sạch sẽ cái lồng cho lũ vẹt. Khi bước đi, mình thấy đau nhói ở hông bên trái. Chỉ sợ nó ảnh hưởng xấu đến phần lưng của chân trái, mình thở dài. Mình thấy động tác tay trái không tự nhiên, (khi xòe bàn tay ra rồi nắm lại, cử động của năm ngón không ăn khớp với nhau). Hông phải và phần nối giữa cánh tay và ngực trái cũng thấy đau. Có lẽ khi ngã, mình đã va phải đâu đó dẫn đến tổn thương, phải dán cao thôi, nếu không thì nguy to.
Chân phải và đầu gối mình đau nhói, rất khó bước đi. Khi đi tắm, mình xoa xoa chỗ đau, miệng lầm bầm: “Ngực và vai đập xuống đất lúc bị ngã, giờ thì ê ẩm khắp cả người. Tội nghiệp cho cái cơ thể này.”
Từ hôm nay, mình sẽ tập đi bộ khoảng mười phút mỗi ngày. Mình tự thách thức bản thân, để xem mình có thể đi bộ tới bao xa. Với đà này, khi tới cuối lớp Mười hai mình e là không thể giữ được chiều cao tầm nhìn tối thiểu là 1,2 mét (chiều cao tính từ ngang tầm mắt xuống tới chân người lúc đứng).
Mọi người cho mình xem mấy tấm hình chụp các anh chị lớp Mười hai đi tham quan. Năm sau liệu mình có được tham gia không nhỉ?
Để có thể hiểu hoàn toàn chấp nhận bản thân là người tàn tật, mình phải:
Thứ nhất, từ bỏ khao khát trở lại bình thường. Phải hiểu rõ những giới hạn của cơ thể này, và rằng vì là người tàn tật nên mình có nhiều chuyện không thể làm được. Mình sẽ nỗ lực khởi đầu lại từ đây.
Thứ hai, phải quên đi ngày xưa mình từng khỏe mạnh. Mình vẫn mơ thấy được chạy nhảy. Theo như cách giải thích giấc mơ của nhà tâm thần học Freud, lòng tham của con người mạnh mẽ hơn bất kỳ thứ gì (điều đó là hiển nhiên).
Sắp tới sẽ diễn ra lễ hội văn hóa của học sinh trong trường. Hiện giờ trong thâm tâm mình vẫn chưa hoàn toàn chấp nhận sự tàn tật của bản thân nên mình vẫn miệt mài theo đuổi một buổi biểu diễn hoàn hảo. Mình đã luyện tập cật lực, nhưng chẳng thấy đi đến đâu cả.
Hôm nay trên đường trở về, mình nghe tiếng mô tô xe lăn kêu è è cứ như thể nó đang chịu đựng vậy, tự dưng thấy thương chiếc xe lăn của mình. “Chắc tao nặng lắm à, xin lỗi mày, cố giúp tao mày nhé!” Cứ như thể nó đang gồng mình để chịu sức nặng 35 kg của mình.
Hôm nay mình có tràn trề sinh lực không ư?
Hoàn toàn không. Mình chỉ thực hiện phần việc của bản thân vì đó là cuộc sống của mình, không còn cách nào. Nào là đến phòng tập thể dục, ăn cơm trưa, giặc giũ, vứt rác, điểm danh... cứ trình tự đó mà theo. Thật vô vị.
“Aya à, mới sáng sớm mà cháu bận rộn gớm nhỉ?” Bác quản lý ký túc xá chào mình. “Cả đời cháu lúc nào cũng bận rộn cả, bác ạ.” Mình những muốn trả lời một cách cởi mở như thế, nhưng chẳng hiểu sao mặt mình cứ xụ lại.
Mình cho rằng, con người ta chỉ là chính mình khi họ đang bước đi và suy nghĩ, lúc đó họ mới giống “người” nhiều nhất. Ví dụ, một vị giám đốc bước đến trước bàn làm việc, đi đi lại lại và suy nghĩ phải làm thế nào để kiếm được nhiều tiền. Có lẽ cũng bởi vậy mà những người yêu nhau mới hay vừa đi và vừa nói chuyện về tương lai của đôi lứa.
Đôi mắt của thầy Suzuki gợi mình nhớ đến mắt voi Ấn Độ, một vị thần bảo hộ của đất nước này. Đó là chú voi thấu tỏ mọi điều trên thế gian. Mình rất thích đôi mắt hiền từ ấy.
Mình ngồi thẫn thờ trong phòng học. Chỉ có mình mình mà thôi. Nhớ hồi còn tiểu học, mình từng bị cô giáo phạt vì tội chạy thục mạng ngoài hành lang và đập bàn ầm ĩ. Mình nhớ có cậu bạn nhảy từ cửa sổ phòng học ra hành lang và bị đánh sưng cả mông. Mình cũng không phải loại nghịch đến như vậy, chỉ biết nhìn và cười thôi. Giờ nghĩ lại, mình ước có thể làm thế nhân lúc vẫn còn sức khỏe.
Xung quanh không một ai, không gian thật tĩnh lặng, chỉ có khung cửa sổ và một mình mình trong phòng. Mình bèn nhảy qua cửa sổ. Rầm! Lại phải vào phòng y tế. “Aya, em làm gì vậy, nghịch như thế nguy hiểm lắm em biết không?” Thế là mình bị cô A đặt biệt danh là “cô bé tự gây thương tích cho mình”.
Mình đau lắm chứ, nhưng vẫn cầm thấy thỏa mãn vì được nhảy qua cửa sổ dù sau đó có phải bò lết. Nhưng mình không dám có lần sau đâu.
Mình những trông mong rằng cơ thể sẽ cử động tốt hơn khi trời ấm dần. Nhưng mà, đừng nói thì tốt hơn, ngược lại mình thấy nó tệ dần đi. Mình đến bệnh viện với hy vọng được điều trị bằng một loại thuốc mới. Nhưng đáp lại là những lời nói lạnh lùng: “Bệnh viện chưa có loại thuốc đặc trị mới nào nên kỳ nghỉ hè này Aya không cần phải nhập viện.” Cứ như thể đến cả y học cũng chịu bó tay trước tình trạng của mình.
Giờ đây mình như đang rơi xuống vực thẳm. Một cảm giác tuyệt vọng đau như búa bổ vào đầu.