A lot of parents will do anything for their kids except let them be themselves.

Bansky

 
 
 
 
 
Tác giả: P.l.travers
Thể loại: Tuổi Học Trò
Nguyên tác: Mary Poppins
Dịch giả: Huy Khánh
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 11
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 213 / 14
Cập nhật: 2020-01-25 21:17:15 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
III - "Hơi Cười"
hi cô Mêry cùng Giên và Maicơn vừa từ xe buýt bước xuống, Giên đã vội hỏi:
- Cô ơi, có chắc chắn là ông ấy có nhà hay không hả cô?
Cô Mêry nghe câu hỏi có vẻ bực mình lắm, cô nói:
- Nếu ông bác của cô có việc phải đi đâu thì ông ấy đac chẳng mời các cháu tới uống nước trà với ông!
Bữa nay, cô mặc áo vét màu xanh lơ có khuy bạc, đôi cái mũ cũng màu xanh lơ cho hợp với áo, và khi cô đã trưng diện mũ áo như vậy thì một chuyện lặt vặt nhất đời cũng làm cô phật ý.
Ba cô cháu hôm nay đi thăm ông bác của cô Mêry, ông Uych. Giên và Maicơn chờ đợi chuyến đi này đã từ lâu nên chúng chỉ sợ rằng cuối cùng, khi tới thì ông lại không có nhà.
Maicơn rảo bước bên cô Mêry và hỏi cô:
- Cô ơi, tại sao lại gọi là ông Uých hả cô? Có phải vì ông mang bộ tóc giả, phải không cô?
Cô Mêry đáp:
- Gọi là ông Uých vì tên ông ấy là Uých. Ông ấy không mang tóc giả. Ông ấy hói đầu. Nếu cháu còn hỏi một câu nào nữa, cô sẽ cho đi về nhà cả đấy! – Và cô khịt mũi theo kiểu của cô để tỏ vẻ bực bội.
Giên và Maic ơn nhìn nhau, nhăn mặt, tức là chúng bảo với nhau: “Thôi, chị em ta đừng hỏi gì nữa kẻo sẽ không được đi nữa đâu!”
Đến cửa hàng bán thuốc lá ở góc phố, cô Mêry sửa lại mũ cho ngay ngắn. Cửa hàng này có một cái tủ gương kỳ lạ, khi soi vào bạn sẽ thấy mình hoá thành ba mà không phỉa là một và bạn sẽ cảm thấy như không phải chính mình, mà có bao nhiêu người khác nữa. Nhưng cô Mêry đã thở một hơi dài thích thú khi thấy trong gương có ba cô Mêry, cô nào cũng mặc áo vét xanh lưo khuy bạc, đội mũ xanh lơ hợp với màu áo. Cô cho cảnh đó thật là mỹ miều nên cô ước ao giá có thể có một tá cô Mêry, thậm chí cả ba chục cô Mêry như thế. Càng nhiều hình ảnh cảu Mêry càng hay.
Cô nghiêm nghị nói: “Đi nào!”, như thể hai đứa bé đã bắt cô phải chờ chúng. Ba cô cháu rẽ qua góc phố và tới ngôi nhà số 3, phố Rôbơcxơn, kéo chuông. Giên và Maicơn nghe tiếng chuông văng vẳng từ phía xa trong nhà vọng lại và chúng biết chỉ sau một phút nữa, hoặc đến hai phút là cùng, chúng sẽ được ngồi uống trà với ông Uých, mà lần này chúng được gặp lần đầu tiên, Giên thì thầm với Máicơn:
- Chắc là ông ấy có nhà!
Vừa đúng lúc đó, cửa mở và một bà gầy gò, mặt mũi bủng beo xuất hiện.
Maicơn hỏi ngay:
- Ông ấy có nhà không?
Cô Mêry lườm Maicơn một cái và nói:
- Cô xin cháu đây! Cháu hãy để cô nói chuyện nhé!
Bé Giên lễ phép hỏi:
- Bà Uých ơi, bà vẫn được khoẻ chứ?
Bà gầy đáp lại với một giọng còn “mảnh mai” hơn con người bà ta nữa:
- Bà Uých là cái gì? Sao cháu lại dám gọi ta là bà Uých? Không phải đâu nhé, cảm ơn cháu. Ta chỉ là cô Pơcximơn mà thôi và ta rất tự hào về cái tên đó! Hừ, ta đâu phải là bà Uých!
Trông bà ta có vẻ rất bực mình và hai đứa trẻ nghĩ rằng chắc ông Uých là một con người rất kì cục nên cô Pơcximơn này mới cho rằng mình rất may mắn không phải là vợ ông ấy.
Cô Pơcximơn nói:
- Cứ lên thẳng trên gác, cái cửa đầu hành lang là nhà ông ấy đấy!
Nói xong, cô ta vội đi trở vào, vừa đi vừa nói một mình với giọng the thé, bực dọc:
- Hừ, bà Uých à!
Giên và Maicơn theo cô Mêry lên gác. Cô Mêry gõ cửa.
Từ trong nhà, một giọng nói vui vẻ lớn tiếng trả lời:
- Xin mời vào! Xin mời vào! Có lời chào mừng các bạn!
Giên cảm thấy tim mình đập rộn rã. Em đưa mắt ra hiệu cho Maicơn: “Ông ấy có nhà!”
Cô Mêry mở cửa và đẩy hai đứa bé vào trước. Trước mặt ba cô cháu, cảnh tượng trong phòng thật là vui vẻ. Ở cuối phòng, lửa cháy trong lò sưởi và ở giữa phòng đã bày sẵn trên cái bàn lớn bốn cốc, bốn chén đặt trong đĩa, một chồng cao các thứ bánh mỳ, bánh nướng bơ, bánh dừa và một cái bánh gatô nhân mứt nho rất to, trên mặt có hoa lá bằng kem màu hồng.
Một giọng noi ồm ồm vang lên: “A, thật là một bữa liên hoan!” Giên và Maicơn nhìn quanh phòng để tìm xem chủ nhân ở đâu. Chẳng thấy ông đâu cả. Trong phòng hình như không có ai. Thế rồi, hai đứa nhỏ nghe tiếng cô Mêry nói, có vẻ không vừa ý:
- Ồ, bác Anbớc ơi! Lại thế nữa ư? Hôm nay là ngày sinh nhật của bác, có phải không ạ?
Cô vừa nói vừa ngước nhìn lên trần nhà, Giên và Maicơn cũng ngước mắt lên và rất ngạc nhiên khi thấy một ông béo tròn đầu hói đang lơ lửng trên không, chẳng bám víu vào cái gì cả. Thật vậy, trông như ông đang ngồi trên không khí, hai chân bắt chéo và ông đặt tờ báo dang đọc xuống khi thấy mấy cô cháu bước vào.
Ông Uých cúi xuống cười với hai đứa trẻ và gật đầu nói với cô Mêry:
- Bác xin lỗi, có lẽ hôm nay là ngày sinh nhật của bác đấy!
Cô Mêry đành chỉ chậc lưỡi.
Ông Uých lại cúi xuống nhìn Giên và Maicơn, nói:
- Mãi tới đêm qua, mới nhớ ra là nếu gửi bưu thiếp hẹn các cháu một ngày khác thì không kịp. Như vậy thật rắc rối, có phải không? Bác thấy là các cháu có vẻ ngạc nhiên mà!
Quả là như vậy, hai đứa trẻ kinh ngạc, há miệng to tới mức nếu ông Uých bé nhỏ một chút thì có thể rơi tọt vào miệng một trong hai đứa.
Ông Uých lại bình tĩnh nói tiếp:
- Bác nghĩ là nên giải thích cho các cháu. Các cháu đã thấy đấy, bác là người vui tính, lúc nào cũng thích cười đùa. Chắc chẳng cháu nào biết những chuyện gì làm bác thấy buồn cười. Bác có thể thấy gần như chuyện gì, cái gì cũng buồn cười cả!
Nói đoạn, ông Uých bắt đầu bay lên bay xuống, vừa bay vừa cười rung chuyển cả mình mẩy vì ông thấy tính hay đùa của ông cũng thật buồn cười.
Cô Mêry gọi: “Bác Anbớc!” Thế là ông Uých giật mình, thôi không cười nữa. Ông nói:
- À! xin lỗi các cháu yêu quý! Bác đang ở đâu thế này? À, đúng rồi, bác buồn cười vì một chuyện về chính bác đấy, cháu Mêry ạ. Nếu bác nhịn được cười thì bác đã không cười. Chuyện đó là nếu mỗi lần sinh nhật của bác đúng vào ngày thứ sáu thì bác không thể không buồn cười, hoàn toàn không thể nhịn cười được
Giên hỏi:
- Nhưng tại sao lại như thế,thưa ông?
Maicơn cũng hỏi:
- Nhưng tại sao lại như thế, thưa ông?
- Các cháu biết không, đúng vào ngày đặc biệt này mà ông cười sẽ hít hơi cười đầy bụng và không đứng trên mặt đất được nữa. Ngay khi chỉ mỉm cười cũng vậy. Ông chỉ mới nghĩ đến thôi là cũng bay ngay lên như một quả bóng bay và chỉ tới khi nào ông nghĩ tới một chuyện gì nghiêm túc thì mới xuống mặt đất được.
Thế là ông Uých lại bắt đầu cười cục cục như con gà mái nhưng khi nhìn thấy bộ mặt cô Mêry, ông thôi không cười nữa và nói tiếp:
- Tất nhiên, chuyện đó rắc rối nhưng kể cũng hay hay. Ông chắc là các cháu không hề bị như vậy bao giờ, có phải không?
Giên và Maicơn cùnglắc đầu.
- Ông cũng tin như vậy. Có lẽ đó chỉ là một thói quen đặc biệt của ông. Một tối kia ông đi xem xiếc về, ông cười nhiều đến nỗi ngay hôm sau liệu các cháu có tin lời ông nói không? – Ông bay bổng lên suốt mười hai tiếng đồng hồ và đến khi đồng hồ đánh mười hai giờ đêm, ông mới xuống được mặt đất đấy! Tất nhiên khi đó, ông đã bị rơi đánh “bịch” một cái vì hôm đó là thứ bảy và không phảilà sinh nhật cảu ông nữa rồi. Thật là rắc rối, có phải không, mà lại còn tức cười nữa! Và hôm nay lại là ngày thứ sáu, nàgy sinh nhật của ông, hai cháu cùng Mêry đã tới thăm ông. Ôi, lạy chúa, xin chúa đừng bắt con phải cười!
Nhưng, tuy Giên và Maicơn không hề làm trò gì đáng cười mà chỉ ngạc nhiên trố mắt nhìn, ông Uých lại phá lên cười ầm ĩ và ông lại bay lên bay xuống trên không, tờ báo ở tay ông kêu lật phật, cặp kính đeo mắt chỉ còn bám một nửa vào sống mũi.
Trông ông thật buồn cười, giống như một qủa bóng bay to tướng hình người, đôi khi va đầu vào trần nhà, và có lúc lại va vào giá đỡ ống ga và hai đứa trẻ cố giữ lễ phép mà không thể nào nhịn được cười. Chúng bật lên cười và cứ cười mãi. Chúng mím chặt miệng cố giữ cho tiếng cười khỏi bật ra mà không được. Và ngay sau đó chúng lăn ra sàn nhà, cười bò ra, cười lăn cười lộn.
Cô Mêry kêu lên:
- Đúng là kiều đùa dai!
Maicơn lăn gần tới tấm chắn lò sưởi, kêu lên:
- Cháu không nhịn được! Cháu không sao nhịn được. Buồn cười quá, phải không, chị Giên ơi!
Giên không trả lời vì em đang cảm thấy một sự lạ: khi cười em thấy mình cứ nhẹ dần như bị bơm đầy không khí vào trong người. Đó là một cảm giác kì lạ và thú vị, làm cho em lại càng cười nhiều hơn. Rồi bỗng nhiên, em vụt nẩy lên một cái lơ lửng trong không khí. Maicơn kinh ngạc nhìn Giên bay trogn phòng. Đầu Giên khẽ chạm vào trần nhà và em cứ nẩy dọc trần nhà tới chỗ ônh Uých.
Ông Uých cũng có vẻ rất ngạc nhiên, kêu lên:
- Thế nào? Hôm nay cũng là ngày sinh nhật của cháu à?
Giên lắc đầu.
- Không phải ư? Vậy thì cái hơi cười này lây lan từ người này sang người khác được đó! Này, phải chú ý kẻo va vào lò sưởi.
Lúc này đến lượt Maicơn, cậu bé bỗng nhiên bay bổng lên, vừa bay vừa cười sằng sặc và lướt qua đám đồ trang trí bằng sứ bày trên mặt lò sưởi. Em “hạ cánh” xuống đúng trên đầu gối ông Uých rồi nẩy nhẹ lên một cái.
Ông Uých nồng nhiệt bắt tay Maicơn nói:
- Chào cháu, cháu khoẻ chứ? Ông thấy các cháu thực là ngoan đấy. Ông không xuống được thì các cháu đã lên với ông, có phải không?
Thế rồi hai ông cháu ngó nhìn nhau, ngửa đầu ra phía sau và cùng cười ầm ĩ.
Ông Uých vừa dụi mắt vừa nói với Giên:
- Có lẽ các cháu sẽ cho ông là người kém lịch sự nhất đời đấy. Đáng lẽ phải mời các cháu ngồi thì cháu vẫn cứ phải đứng. Ông không mang ghế lên đây cho cháu ngồi được nhưng cháu cứ ngồi ngay trên không khí cũng rất thoải mái, dễ chịu. Ông cũng ngồi như thế đấy!
Giên ngồi thử và thấy hoàn toàn thoải mái. Em bỏ mũ ra đặt xuống bên cạnh và cái mũ cũng cứ lơ lửng như thế, không cần có cái gì đỡ giữ cả.
Ông Uých nói: “Hay lắm”, rồi ông quay đầu nhìn xuống cô Mêry bên dưới.
- Này, cháu Mêry, mấy ông cháu đã ngồi trên này, bây giờ còn cô cháu yêu quý của bác nữa. Thế nào đây? Bác rất vui được cháu và hai cháu bé tới thăm bác hôm nay. Nhưng bác trông cháu, cháu Mêry ạ, có vẻ cau có. Có lẽ cháu không tán thành chuyện này phải không?
Ông chỉ vào Giên và Maicơn và nói một cách vội vàng:
- Cháu Mêry thân mến, bác xin lỗi cháu nhé. Nhưng cháu đã biết tính bác rồi mà. Bác cũng phải nói với cháu là bác không ngờ hai bạn nhỏ này lại có thể bị lây cái tính hay cười của bác. Đáng lẽ bác phỉa bảo chúng tới vào ngày khác hoặc cố nghĩ tới một chuyện gì buồn chán hoặc một cái gì...
Cô Mêry trả lời, rất nghiêm trang:
- Thưa bác, cháu xin nói với bác là trong đời cháu, cháu chưa hề thấy một cảnh tượng như thế này. Mà bác đã lớn tuổi rồi...
Maicơn ngắt lời cô:
- Cô Mêry ơi, cô Mêry! Mời cô lên trên này. Cô cứ nghĩ đến một chuyện gì buồn cười là lên được ngay đấy!
Giên cũng chìa tay về phía cô Mêry và gọi:
- Không có cô, chúng cháu thấy nhớ cô lắm! Cô hãy nghĩ một chuyện gì vui vui đi.
Ông Uých thở dài và nói:
- À, Mêry cũng chẳng muốn lên đấy thôi. Nếu cô thích lên đây thì chẳng cần phải cười cũng lên được, cô ấy cũng thừa biết điều đó.
Nói dứt lời, ông bí mật khẽ đưa mắt lẳng lặng nhìn cô Mêry đang ngồi trên tấm đệm trước lò sưởi.
Cô Mêry nói:
- Thôi, cái trò đùa này thật thiếu nghiem túc nhưng vì bác và các cháu bé đều đã ở trên đó và có lẽ chưa thể xuống được dưới này, thì cháu cũng sẽ phải lên thôi.
Nói đoạn, cô khuỳnh hai tay, đặt hai bàn tay vào hai bên sườn. Giên và Maicơn rất ngạc nhiên khi nhìn thấy cô, mặt vẫn nghiêm nghị, không cười một tí nào, đã bay vụt lên ngồi bên cạnh Giên.
Cô nghiêm nét mặt, nói:
- Đã bao nhiêu lần cô dặn các cháu là khi đi vào trong một căn phòng ấm, phải cởi áo ngoài ra, mà các cháu không nhớ!
Thế là cô cởi khuy áo ngoài của Giên và đặt chiếc áo gọn ghẽ bên cái mũ.
Ông Uých vui vẻ nói:
- Hay lắm! Cháu Mêry! Hay lắm! - Rồi ông cúi xuống, đặt cái kính xuống mặt lò sưởi. – Bây giờ, chúng ta ngồi đây đều dễ chịu cả.
Mêry khịt mũi, đáp:
- Vâng, dễ chịu cũng có kiểu này kiểu kia!
Ông Uých hình như không chú ý đến điều cô vừa nói, ông bảo:
- Bây giờ, chúng ta sẽ uống trà, ăn bánh nhé!
Nhưng vừa nói xong, ông bỗng giật mình nhớ ra, ông nói:
- Trời ơi! Thật đáng buồn! Bác sực nhớ ra là cái bàn trà dưới kia không thể nào bay lên đây được mà chúng ta thì ngồi ở trên này. Vậy làm thế nào bây giờ? Chúng ta ngồi trên này, bàn tiệc ở dưới ấy! Ôi rắc rối! Rắc rối quá! Nhưng, ồ, bác thấy chuyện này hết sức buồn cười!
Thế là ông lấy ngay khăn mùi xoa che mặt và bật lên cười sằng sặc. Giên và Maicơn tuy vẫn tiếc rẻ các món bánh nướng, bánh ngọt, cũng không nhịn được cười vì bệnh cười của ông Uých lan rất mau.
Ông Uých lấy mùi xoa chùi mắt, ông nói:
- Bây giờ chỉ còn có một cách là chúng ta phải nghĩ tới một chuyện gì nghiêm túc. Một chuyện gì buồn chán, thật là buồn. Thế thì chúng ta mới có thể xuống được. Nào, một, hai, ba! Các cáhu phải nhớ! Chuyện thật là buồn!
Mấy bác cháu lấy tay đỡ cằm và suy nghĩ, nghĩ mãi....
Maicơn nghĩ đến trường học, sẽ có một ngày kia, em sẽ phải đi học. Nhưng chính chuyện đó lại làm cho em thấy buồn cười.
Giên thì nghĩ: “ Khoảng mười bốn năm nữa mình sẽ thành người lớn!” Nhưng em cũng chẳng tthấy buồn mà lại còn thấy thích thú, vui vui nữa. Em không thể không mỉm cười khi hình dung ra mình đã lớn, mặc váy dài, mang túi xách.
Ông Uých thì vừa suy nghĩ vừa nói:
- Bác nhớ đến bà cô Êmily đáng thương của bác. Bà cụ bị xe tải cán chết. Buồn quá. Thật buồn hết sức! Bà cô Êmily tội nghiệp! Nhưng họ đã cứu được cái dù của bà cụ. Thật kì lạ, phải không?
Và bỗng nhiên, ông chẳng hiểu vì sao nữa, ông nghĩ đến cái dù cảu bà cụ Êmily được bình yên vô sự, ông bật cười, nẩy cả người lên.
Ông hỉ mũi rồi nói:
- Chẳng có kết quả. Bác bỏ cuộc thôi! Và các bạn nhỏ hình như cũng chẳng có vẻ gì là buồn hơn bác. Cháu Mêry, cháu có cách gì không? Chúng ta phải được uống trà, ăn bánh chứ?
Cho đến bây giờ, Giên và Maicơn vẫn không hiểu là như thế nào. Các em chỉ biết có một điều đã thấy rõ: đó là khi ông Uých hỏi cô Mêry có cách gì không thì bỗng thấy các chân bàn lay động. Thế rồi cái bàn tiệc bay lượn trông thật đáng sợ, các thứ cốc chén, đồ sứ va vào nhau kêu lanh canh, bánh từ trong đĩa rơi ra nằm trên khăn trải bàn, cái bàn bay là là trong phòng, lượn vòng theo một đường cong thật đẹp rồi bay lên và dừng lại khi vừa tới chỗ ông Uých ngồi đúng ở đầu bàn.
Ông Uých tự hào mỉm cười với cô Mêry và khen:
- Cháu của bác giỏi quá! Bác biết là cháu sẽ giải quyết được mà. Mêry, cháu giữ lấy cái chân bàn và rót trà ra đi! Và xin mời hai vị khách nhỏ tới ngồi hai bên ông. Đúng như thế đó! – Ông nói – khi thấy bé Maicơn bay lăng xăng trên không và tới ngồi bên phải ông Giên tới ngồi bên trái ông. - Thế là đông đủ mấy bác cháu ngồi hai bên bàn tiệc. Ở bên dưới, không bỏ sót một cái bánh, một miếng đường nào.
Ông Uých rất hài lòng, mỉm cười. Ông bảo với Giên và Maicơn:
- Ông nghĩ thông thường người ta ăn bánh mì với bơ trước, nhưng hôm nay sinh nhật ông, ta sẽ làm ngược lại, theo cách mà xưa nay ông vẫn cho là thuận, tức là ăn bánh gatô trước.
Nói rồi, ông cắt cho mỗi người một miếng to. Ông hỏi Giên:
- Cháu uống trà nữa nhé?
Giên chưa kịp trả lời bỗng có tiếng người gõ cửa dồn dập. Ông Uých đáp:
- Xin mời vào!
Cửa mở, cô Pơcximơn xuất hiện, tay bưng một cái khay, trên khay là một bình nước nóng. Cô nhìn quanh trong phòng và nói:
- Ông Uých ạ, có lẽ ông cần nước nóng hơn đấy nhỉ!
Cô bỗng nhìn lên thấy mọi người đều ngồi quanh bàn, lơ lửng trên không, cô kêu lên:
- Ối, thật chưa bao giờ, chưa bao giờ tôi thấy những chuyện như thế này! Từ bé đến giờ, chưa từng thấy! Ông Uých ơi, tôi cũng biết là ông hơi kì cục một chút. Nhưng tôi đã nhắm mắt bỏ qua vì ông trả tiền thuê nhà rất đều đặn. Nhưng cái kiểu ông mời khách tới ngồi lơ lửng trên không mà uống trà, ăn bánh như thế này thì thưa ông, làm tôi phải kinh ngạc quá đỗi đấy, ông Uých ạ! Đó là việc làm không nghiêm túc, nhất là ở địa vị một nhà quý tộc đã cao tuổi như ông. Tôi không bao giờ làm...
Maicơn nói:
- Cô Pơcximơn ơi, có khi rồi cô cũng sẽ làm như vậy.
Cô Pơcximơn vênh mặt hỏi:
- Sẽ...sẽ cái gì?
Maicơn đáp:
- Sẽ hít phải thứ “hơi cười”, cũng như chúng cháu ấy mà!
Cô Pơcxinmơn bướng bỉnh hất đầu về phía sau và đáp:
- Cô tin là không cậu bé ạ. Cô tôn trọng bản thân cô nên không thể bay lơ lửng trên không như một quả bóng cao su đánh bằng một cái vợt. Xin cảm ơn cậu, tôi phải đứng bằng hai chân tôi, nếu không tôi không còn là Emi Pơcximơn nữa. Nhưng trời ơi! Trời ơi! Làm sao thế này? Tôi không bước chân lên được nữa.... Tôi đang bị nhấc bổng lên... Tôi... Ôi! Có ai cứu tôi với!
Khi đó, cô Pơcximơn dù không muốn, cũng đã rời khỏi mặt đất và đang lơ lửng trên không, lăn bên này bên kia như một cái thùng nhỏ, trong tay vẫn bưng cái khay đu đưa. Khi bay tới bên bàn và đặt bình nước nóng lên bàn thì cô đã như đang khóc vì bực mình.
Cô Mêry nói bằng một giọng rất bình tĩnh, lễ phép:
- Xin cảm ơn cô!
Thế rồi cô Pơcximơn quay ra, từ từ rơi xuống, miệng lẩm bẩm: Thật là thiếu nghiêm túc. Mình xưa nay vẫn là một phụ nữ nghiêm chỉnh, đoan trang, mình phải đi khám bác sĩ...
Khi xuống tới mặt đất, cô vội chạy khỏi phòng, vặn vẹo hai bàn tay nắm vào nahu và không hề quay đầu nhìn trở lại phía sau.
Khi cô đã đóng cửa phòng lại, mấy bác cháu nghe tiếng cô rền rĩ:
- Thật thiếu nghiêm túc!
Giên khẽ bảo với Maicơn:
- Cô ấy không đứng được trên hai chân của mình thì không còn là cô Pơcximơn nữa rồi!
Nhưng giờ đây, ông Uých đang nhìn cô Mêry với vẻ mặt vừa như tò mò, thích thí, vừa như quở trách:
- Cháu Mêry, đáng lẽ cháu không nên làm như vậy, cháu ạ. Tấm thân già của cô ấy có lẽ không chịu nổi. Nhưng, trời ơi, trông cô ta bay lượn trên không ngộ nghĩnh quá!
Thế là cả ông Uých và hai đứa trẻ lại bay lên lăn lộn trên không, ôm bụng cười sằng sặc khi hình dung lúc nãy cô Pơcximơn đã bay lượn như thế nào...
Maicơn kêu lên:
- Trời ơi! Đừng làm em cười nữa! Em không chịu nổi, đến vỡ bụng mất!
Giên đặt tay lên ngực, cố nín cười để thở và kêu lên:
- Ối! Ối! Ối!
Ông Uých kéo vạt áo chùi mắt vì không tìm thấy mùi xoa, gào lên:
- Ôi! Trời ơi!...
Bỗng nghe tiếng cô Mêry sang sảng như kèn tơrompet, át hết tiếng mọi người cười nói:
- Đã đến giờ về nhà rồi!
Bỗng nhiên, độp một cái, ông Uých và hai đứa trẻ đều đột ngột rơi xuống nề nhà cùng một lúc.
Ý nghĩ phải về nhà là ý nghĩ buồn rầu nhất trong buổi chiều nay, và đúng lúc ý nghĩ này xuất hiện trong đầu mấy bác cháu thì “hơi cười” thoát ra hết.
Giên và Maicơn thở dài khi nhìn thấy cô Mêry từ từ lượn xuống, tay cầm áo và mũ của Giên.
Ông Uých cũng thở dài, một tiếng thở dài nặng nề kéo dài mãi. Ông bình tĩnh nói:
- Thật đáng tiếc là các cháu phaỉ về nhà. Chưa bao giờ bác có được một buổi chiều vui vẻ như chiều nay. Các cháu có thấy như thế không?
Maicơn chán quá vì phải trở về mặt đất và thấy trong mình đã mất hết “hơi cười”, đáp:
- Cháu cũng thấy như vậy!
Hai em lên xe buýt đi về nhà, mỗi em ngồi một bên cô Mêry. Cả hai em yên lặng, mường tượng lại buổi chiều vui vẻ vừa rồi. Thế rồi Maicơn hỏi cô Mêry với giọng buồn ngủ:
- Cô ơi, cú bao nhiêu lâu thì ông bác cô lại làm như thế một lần?
Cô Mêry có vẻ cáu như thể Maicơn đã hỏi một câu xúc phạm đến bản thân cô, cô gắt lên:
- Như thế là như thế nào?
- Vâng thưa cô, là bay lượn lên xuống trên không, vừa bay lượn vừa cười...
Cô Mêry cất cao giọng và có vẻ cáu kỉnh hỏi:
- Ở trên không? Cháu hãy nói cho cô nghe, cháu muốn nói gì nữa?
Giên cố giải thích:
- Maicơn muốn nói là khi ông bác của cô có đầy “hơi cười” trong người, hay bay lên bay xuống đụng vào trần nhà và khi...
Cô Mêry khịt mũi có vẻ bực mình:
- Bay lên bay xuống! Đụng vào trần nhà! Thật là chuyện hão huyền! Có lẽ các cháu sẽ nói với cô là sau đó, ông ấy biến thành một quả bóng bay!
Maicơn cãi:
- Nhưng mắt chúng cháu đã thấy ông ấy bay lượn rồi mà!
- Sao? Bay lượn! Các cháu dám nói vậy à? Cô phải nói cho các cháu biết ông bác cô là một người rất mực thước, thật thà, chăm chỉ làm ăn và các cháu phải biết tôn trọng khi nói tới ông mới ngoan. Và này, đừng có gặm nhấm cái vé xe buýt nữa. Bay lượn! Thật là chuyện hão huyền!
Maicơn và Giên ngồi hai bên cô Mêry liếc mắt nhìn nhau. Chúng không nói gì nữa vì chúng đã biết rằng tốt hơn hết không nên tranh cãi với cô Mêry, dù có điều gì kì dị mức nào cũng vậy.
Nhưng chúng đưa mắt nhìn nhau có ý bảo với nhau. Chúng không nói gì nữa vì chúng đã biết rằng tốt hơn hết không nên tranh cãi với cô Mêry, dù có điều gì kì dị mức nào cũng vậy.
Nhưng chúng đưa mắt nhìn nhau có ý bảo với nhau: “Có đúng như vậy không nhỉ? Về chuyện ông Uých ấy!. Cô Mêry nói đúng hay chúng mình nói đúng?”
Nhưng không có ai trả lời được câu hỏi đó của hai em nhỏ.
Xe buýt chuyển bánh, chạy long sòng sọc, nhẩy lên chồm chồm. Cô Mêry ngồi giữa hai em nhỏ, có vẻ phật ý. Cô ngồi yên lặng và giờ đây hai em nhỏ đã khá mệt, chúng nhích lại sát vào cô, dựa vào hai bên sườn cô và nhắm mắt ngủ, vẫn còn chưa hết thắc mắc.
Merry Nhiều Phép Lạ Merry Nhiều Phép Lạ - P.l.travers Merry Nhiều Phép Lạ