No person who can read is ever successful at cleaning out an attic.

Ann Landers

 
 
 
 
 
Tác giả: Du Tử Lê
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Dung Nguyen
Số chương: 12
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1057 / 20
Cập nhật: 2016-03-17 13:45:34 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3
uổi sáng, trời còn mát hơi sương. Không gian rộng, bềnh bồng những cụm mây trắng nhỏ. Tôi ra ban công, lúc bác Sáu đang tưới nước lên những khóm trúc xanh mượt. Bụng lá ngửa ra với những giọt nước đọng lăn tăn. Tôi cảm thấy thân thể nhẹ nhàng như không còn bị một vướng víu nào của áo quần. Nhớ lại chuyện xảy ra trưa hôm qua tôi mỉm cười một mình.
Xuống phòng rửa mặt, tôi gặp Thúy ở trong bước ra. Nó hỏi:
- Tỉnh hẳn chưa cô nàng?
- Định ăn vạ nữa nhưng xét lại ở đây chẳng có ma nào nó chịu được cái vạ của mình nên không muốn tỉnh cũng phải tỉnh.
Thúy cười hóm hỉnh:
- Giá có thằng Nhiệm ở đây thì hay biết mấy.
- Chuyện qua đường mà mầy. Trong giọng nói có pha chút giận hờn, tôi chợt thấy mình vô lý. Chỉ có những đứa ngu ngốc mới tin vào lời hẹn vu vơ của một thằng đàn ông khi nó chưa thuộc về mình mà thôi.Tôi nhớ lại những lời Nhiệm đã nói lúc chia tay.
Tôi nhớ lại những lời Nhiệm đã nói lúc chia tay...Tôi luôn nhủ tôi rằng, chuyện qua đường, nghĩ làm gì. Nhiệm không phải là của mình. Chàng của một người nào đó, hay không là của ai hết. Mình không có quyền hạn gì cả.
Ấy nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng tôi vẫn tơ tưởng về chàng, như tơ tưởng về một kỷ niệm đằm thắm, một dĩ vãng khôn khuây của một người tình chung kiếp. Nhớ đến Nhiệm, có nhiều đêm tôi không ngủ được. Cứ y như chuyện tôi gặp chàng mới xẩy ra hôm qua, hôm kia.
Tôi cong lưng múc nước trong chiếc lu đã cạn. Gió thổi tốc vạt áo ngắn của tôi, cái lạnh chạy dọc theo xương sống. Tôi rùng mình. Đổ nước rat ay, tôi ấp lên mặt. Cảm giác khoan khoái lâng lâng chạy từ những lỗ chân lông trên da mặt. Người tôi nóng dần, nóng dần. Máu dồn dập chảy. Tôi ngó mặt mình trong chiếc gương soi hình chữ nhật, đóng chết trên tường. Hai con mắt sâu đen. Những giọt nước từ hai mang tai chảy xuống, vơi những chấm lấm tấm đậu trên những sợi lông óng ánh. Đôi môi ướt mượt, đỏ và mềm.
- Hôm nay mình có vẻ đẹp hơn mỗi hôm? Tôi cười với bóng mình trong gương. Ý nghĩ mình đẹp làm tôi hãnh diện sung sướng. Tôi lùa tay, vuốt hết tóc về phía sau. Hai tai tôi vểnh ra một cách bướng bỉnh, và có vẻ nũng nịu thế nào ấy. Toi bĩu môi: Đừng tưởng đẹp đâu con. Xuýt nữa đời con tàn về tay thằng Hiển rồi đó. Đẹp để làm gì? Ừ, tại sao đứa con gái nào cũng mong mình đẹp, kể cả tôi. Nếu mình không đẹp thì mình không có chút giá trị nào sao? Tôi thở dài, chặc lưỡi: ôi dào, hơi đâu mà nghĩ vẩn vơ.
Tôi lên phòng, sửa soạn sách vở và thay quần áo.
Con Quỳ chăm chú nhìn tôi. Đến khi tôi quay lại thì nó cuối xuống nói:
- Hôm qua chị nghỉ học, ông Hiển có giờ bên tôi cũng nghỉ luôn.
Tôi hơi chột dạ. Nhưng vẻ thản nhiên lặng lờ của Quỳ làm tôi yên lòng. Tôi lấy lọ nước hoa bơm vào mặt rồi xoa xoa hai bàn tay.
- Bên chị cũng học ông Hiển đấy hả? Tôi hỏi.
- Vâng. Ông ấy " tốc" thế nào ấy. Lúc vui, giảng hay lắm, còn không thì buồn ngủ chịu không nổi. Quỳ vừa nói vừa cúi là quần áo.
Trong phòng tôi, có lẽ Quỳ là đứa đàng hoàng đứng đắn nhất. Nó không để ý chuyện gì khác hơn ngoài chuyện học hành. Nghe đâu gia đình Quỳ nghèo lắm.
Trước khi vào đây, Quỳ đã đi làm thêm nuôi các em. Mộng ước của nó chỉ là làm sao sớm ra trường, làm cô giáo. Ngoài lý do có tiền, Quỳ còn coi đó là một vinh hạnh, một đích đến cao xa mà Quỳ luôn lo lắng không đạt được. Kể cũng tội nghiệp cho Quỳ. Tôi biết không phải riêng Quỳ ở trong trường hợp đó. Rất nhiều đứa khác nữa. Có điều chúng không dám bày tỏ hoặc không dám nhìn thẳng vào sự thực ẩn kín trong thâm tâm chúng mà thôi. Đời sống càng ngày càng giản lược tâm hồn chúng ta vào những ước mơ nhỏ mọn, thấp hèn, thay vì mơ ước phải được phóng tới.
Tôi ôm luôn sách vở xuống phòng ăn, ăn sáng.
Con Liên đang ngồi với bạn nó ở ngay chiếc bàn ngoài cạnh cửa ra vào. Thấy tôi chúng nó đột nhiên im lặng. Riêng con Hải lườm tôi bằng ánh mắt sắc và đầy căm thù. Tôi cười, ngước mặt lên cao hơn, ý thách thức.
Lúc ngồi vào bàn, Thúy bảo tôi:
- Con Hải đó. Cái con vừa lườm mày đó mày biết chưa.
Tôi gật đầu, nhún vai:
- Tao thách chúng nó đấy. Cho tiền chúng nó cũng không dám làm gì tao. Đồ ngu. Sao chúng không tự biết rằng chúng đâu đáng mặt ganh đua với tao. Lũ chuột hôi hám mà cứ đòi đua với người thì lạ thật.
- Mày kiêu ngạo quá.
- Không. Tao nói thật đấy. Dưới mắt tao, chúng nó chưa đáng làm em tao cơ mà. Tao có thể nói thẳng với mày rằng, nếu cần, tao có thể " xúc" thằng Hiển một câu thôi, đời tụi nó sẽ khốn nạn liền.
Mưu toan lợi dụng Hiển để đánh trượt con Hải con Liên lóe bùng trong óc tôi. Có thể lắm chứ. Phải sai bảo bọn đàn ông như thằng Hiển để cười vào mặt những thằng đểu cáng khác, cho chúng biết. Thật khôi hài khi bọn đàn ông mê muội vì gái.
Sáng thứ bảy, buổi học chậm và chán ngán. Hầu hết học sinh đều nghĩ tới chương trình buổi trưa, sau bữa cơm. Nghĩ đến những người anh "họ" anh "bà con"... Những nôn nả, những nóng bỏng của nụ hôn, của cánh tay, của những lời hứa hẹn ngọt ngào những tương lai huyền hoặc. Nhưng đời sống nếu không có những hão huyền những lường bịp ấy, nó sẽ không còn là đời sống nữa. Chính tôi gần đây, cũng ao ước được những thứ giả dối ấy, mà không được. Do đó, cứ đến thứ bảy, chủ nhật là tôi buồn.Buồn vì chúng đi cả trường vắng hoe, chỉ còn mấy đứa con gái thuộc loại già cóc đế hoặc đã có gia đình. Nhìn những khuôn mặt trì trệ, bì bì đó, dù có yêu đời mấy cũng đâm chán nản. Mà quái ác thay là ngày thường tôi thèm ngủ bao nhiêu thì thứ bảy chủ nhật lại ít ngủ bấy nhiêu. Đã bao buổi trưa tôi trằn trọc khổ sở không ngủ được vì cái không khí rạc rời uể oải của những buổi trưa ngày nghĩ tan tác. Những chiếc giường trắng muốt, những bộ quần áo vắt bừa bãi, tất cả chỉ đồng thanh nhắc nhở người còn lại sự vắng mặt của những chủ nhân. Những kẻ vừa thoát khỏi cảnh giam hãm vây bọc của ngôi trường và họ đang hỉ hả, tíu tít bên người tình ở một góc phố, trong một rạp xi-nê, ngoài bãi biển hay ở những nơi nào kín đáo khác.
Từ ngày Thúy có Phụng, đời sống tôi cũng vì thế mất đi một phần nào an ủi. Vào những ngày nghỉ, nó không còn quanh quần bên tôi. Nó đã có tình yêu nó phải chăm chút tình yêu của nó chứ. Tôi đâu lấy quyền hạn gì để cấm cản việc nó dành thời giờ cho hạnh phúc riêng. Tôi cũng không thể nhân danh cái gì để ghen tỵ với nó.
Trái lại tôi mong nó lấy được Phụng. Nếu Phụng chịu lấy nó là Phụng làm một công việc có tính cách thiêng liêng cao cả như hành động cứu rỗi mà Chúa ban cho một con chiên đau khổ. Thì có gì khác nhau đâu. Cứu rỗi là gì nếu không phải là nâng dắt một tâm hồn một con người một kiếp sống đã gần kề tuyệt vọng. Hơn nữa, Chúa có hay không, vấn đề còn được xét lại.
Tôi có thể nói rằng tôi hiểu Thúy hơn chính nó. Người phụ nữ, đến một tuổi nào đó, sẽ không còn một thiết tha nào khác hơn thiết tha lấy chồng và có con. Lấy chồng, hai tiếng ấy là hai tiếng kêu thương não nùng nhất của số kiếp đàn bà chúng tôi, một khi tuổi quá cao. Ở đây không phải chỉ riêng Thúy bị ám ảnh hãi hùng đó. Nói đúng ra có đến ba phần tư đàn bà con gái Việt Nam bị dày vò, khốn đốn vì chuyện lấy chồng. Lý do ư? Giản dị lắm mà. Thực tế trước mắt đã cho chúng ta thấy chúng ta bị mất đi quá nhiều đàn ông. Trai thiếu gái thừa là một trong những thảm trạng bi đát xã hội bị chiến tranh. Cũng vì chiến tranh mà người phụ nữ bị đẩy dồn xuống mức tận cùng của bậc thang giá trị. Họ bị giản lược vào vị trí của một đồ vật, một thứ phương tiện giải trí. Và đau đớn hơn nữa là mặc dù biết mình bị nhìn ngó trong tư thế của một đồ vật, nhưng họ vẫn cam đành chịu nhận sự thật bỉ ổi, phi lý. Đã đành là cũng có một số phụ nữ, hiếm hoi lắm, vượt cảnh trạng, và hiến dâng đời mình cho lý tưởng này nọ. Trong trường hợp đó, tôi nghĩ, họ không còn là đàn bà nữa. Họ đã từ chối từ căn bản thân kiếp đàn bà của họ. Tôi chỉ đề cập tới cái đại đa số,là đàn bà, ngay khi họ được sinh ra và lớn lên trong cái mệnh số đàn bà của mình.
Hôm kia, tôi bảo Thúy: "Mày cần lấy chồng. Đứa con gái nào cũng phải cần điều đó. Nhưng chính vì thế mà phải rán coi chừng. Nếu vì nôn nả có chồng mà mày buông thả thì sự buông thả đó sẽ không đem đến cho mày kết quả mong muốn đâu. Tao không dạy khôn mày, nhưng dẫu sao thì tao cũng là người ngoại cuộc, tao sáng suốt hơn. Mày phải nhân điều đó. Thúy hiểu ý tôi. Nó bảo mày cứ yên chí. Tao đâu có ngô ngọng để đến nỗi bị lợi dụng nữa. Tại tin Phụng đàng hoàng và có vẻ thực tình muốn xây dựng không lẽ đời tao lại lỡ thêm một lần nữa?"
Theo lời Thúy tâm sự thì hồi còn đi học ở Huế Thúy có yêu một tên sĩ quan pháo binh. Tên này hứa hẹn với Thúy rằng thể nào cũng lấy, dù gặp trở ngại. Tin nơi lời hứa hẹn, lại thêm thấy tên kia tỏ vẻ sốt sắng, săn sóc, thực tình đắm đuối yêu thương. Thúy đã trao thân cho hắn. Sau khi đã hái được đời con gái của Thúy, tên kia mới lộ mặt thật sở khanh, khi nghe Thúy nói có thai và giục nó cưới, không những tên đó không an ủi hoặc dàn xếp gì với Thúy, nó còn trắng trợn nói với Thúy rằng nó không tin cái thai kia là của nó. Và nó dựng đứng câu chuyện thấy Thúy đi với một người đàn ông khác xuống ngủ đò ở bến An Cựu. Thúy biết mình đã lỡ lầm với một tên sở khanh, nhưng Thúy cũng cố năn nỉ thêm vài lần nữa. Tên kia vẫn không một mảy may xúc động hồi tâm. Nó một mực từ chối, nửa tháng sau, nó xin đổi đi khỏi Huế. Những trót dại, những lỗi lầm đại loại như thế, ở xã hội nào và thời đại nào cũng xảy ra, nhưng chưa bao giờ thấy xẩy ra ở đây nhiều như bây giờ. Nói thế không có nghĩa là bi quan mà là thực trạng. Một thực trạng phũ phàng mà ít ai chịu nhìn nhận hoặc lên tiếng. Người con gái chỉ nghĩ tới giữ gìn khi họ còn là con gái. Sau đó, không còn gì đáng nói cả.
Nắng hắt vào hành lang. Tôi lơ đãng nhìn ra ngoài sân cát. Mấy con sẻ xòe cánh tắm cạn, dũi dũi mình xuống cát. Những chiếc cánh nhỏ đập tung từng đám bụi cát bị gió hất lên không trung. Cái êm ả ì ì của buổi sáng đã cao, dội vào lòng tôi một nỗi tiếc nhớ mù mờ, như những kỷ niệm nào đã xa đang lần bước tìm lối về.
Tôi chợt thấy nắng mềm đi và loãng tan trong đó, có cả nỗi buồn vu vơ của tôi. Một thứ vu vơ dịu nhẹ như thuở nào chớm dậy thì.
Tôi day mặt liếc nhìn con Thúy. Nó đang chăm chú nghe giảng, mắt dán vào tấm bảng đen trải rộng. Tuy thế, tôi dám chắc rằng tâm hồn nó không đậu lại ở đó. Nếu nó không lạc đến Phụng thì nó cũng dạt về đâu đó, một chốn nào, khác hơn cái khung cảnh cố hữu này. Tôi chua xót nghĩ tới ngày dời khỏi nơi đây, mỗi đứa một phương. Không biết là với thời gian, có giờ phút nào chúng tôi nghĩ đến nhau chăng.
Tôi bần thần cúi nhìn cuốn vở mở trước mặt. Vẫn chưa một hàng chữ, ngoài hai chữ N rất nhỏ, ghi ở lề vở, chẳng biết tôi viết từ lúc nào. Tôi lấy bút xóa vội vã hai chữ đó, ngượng thầm. Thay vào đấy, tôi viết hai câu thơ của Cao Bá Quát: "Nước song Tương một dải nông sờ, cho kẻ đấy người đây mong nhớ".
Nhẩm đọc, tôi thấy không được. Làm sao ấy. Kỳ quá. Tôi xé bỏ cả trang vò nát rồi nhét vào hộc bàn. Thúy ngoài nhìn tôi, cười. Tôi viết cho nó mảnh giấy con. " Tao buồn quá, chiều nay, tao nhận đi chơi với chúng mày". Viết xong, tôi búng lên bàn trên cho nó.
Nắng bắt đầu gắt hơn. Gió lặng. Bên tai tôi chỉ còn tiếng song vỗ thì thào từ xa.
Mắt Thù Mắt Thù - Du Tử Lê Mắt Thù