Số lần đọc/download: 1347 / 18
Cập nhật: 2015-07-18 07:19:46 +0700
Chương 3 Đêm Trung Thu
Đ
êm nay, cả bọn Tuấn Khờ tập họp ở nhà Phát Lém để nghe Mai Nhè báo cáo công tác bí mật mà Mai Nhè vừa hoàn thành chiều nay. Ngoài kia, trời mưa to. Thật là xui xẻo cho tuổi thơ, năm nào cũng vậy, đúng đêm trung thu là trời mưa, nếu không to thì cũng rỉ rả ướt cả đường đi. Tức ơi là tức, làm sao các bé thắp đèn đi chơi được! Mưa quá! Ông giẳng ông giăng làm nũng bỏ đi đâu mất tiêu rồi!
Bọn Tuấn Khờ ngồi phòng riêng của Phát Lém. Má Phát Lém vừa đãi mọi người một chầu bánh trung thu thiệt là đã đời, bánh dẽo bánh nướng đều đủ cả. Nhất là những cái bánh nướng trong có tròng đỏ trứng gà làm Minh Lùn sướng run lên, nó vừa ăn vừa cười híp mắt. Mai Nhè ăn ít hơn các bạn, con gái mà, nó có vẻ hãnh diện và chờ đợi để chứng tỏ niềm hãnh diện đó. Tuần Khờ vừa nuốt xong một miếng bánh, uống một ngụm nước trà nóng rồi từ từ nói phá tan sự yên lặng đang bao trùm gian phòng, nhưng đó là sự yên lặng tương đối vì còn tiếng nhai nhóp nhép:
- Mai Nhè! Mày thuật lại cho tụi tao nghe mày hoàn thành công tác như thế nào đi!
Lúc bấy giờ Hương Tẹt, Minh Lùn, Phát Lém mới nhao nhao lên:
- Phải đó! Mai Nhè thuật lại mau lên, không thôi sẽ bị U Đỏ khiển trách và trừng phạt bây giờ.
Mai Nhè khẽ nhún vai cho có vẻ quan trọng:
- Để từ từ người ta kể chớ bộ! Hối quá, ai mà kể cho kịp! Bộ muốn khiển trách là khiển trách sao? Không thèm kể nữa đâu!
Thấy Mai Nhè dỗi, cả bọn hoảng sợ... Mặt Mai Nhè phị ra như cái mâm, mắt rơm rớm nước. Đúng là hay nhè, chỉ chút là nhè, chả có chuyện gì hết cũng nhè. Tuấn Khờ dỗ:
- Thôi! Mai kể đi! Các anh xin lỗi!
- Hổng thèm đâu! Hổng thèm đâu.
Sau mấy lần hổng thèm đâu, mất đi đúng năm phút hai mươi bảy giây, Mai Nhè mới hết dỗi và bằng lòng kể nhưng trước khi kể, Mai Nhè bắt cả bọn con trai ngồi ngay ngắn không được nhúc nhích, nếu người nào nhúc nhích thì nó ngưng ngay. Thấy con trai phục tòng, nó mới mỉm cười từ từ nói:
- Khi các anh giao cho tôi giỏ quà đó, tôi xách đi là đi vậy chớ chưa biết đi tới chỗ nào. Tôi nghĩ mãi, nếu phát giữa đường thì bị giành giựt khó mà đạt được kết quả. Rốt cuộc, tôi đến sân banh, nơi có một số gia đình đồng bào nạn nhân chiến tranh tạm trú trong những chòi tranh và cũng là nơi có rất nhiều trẻ em nghèo. Tôi lo lắm, không biết phải làm thế nào. Lúc đến nơi đó nhìn quang cảnh buồn quá, chỉ có mấy chú bé lèo tèo đứng nhìn tôi. Tôi bèn mời các cậu đó ra chơi. Nghe nói tôi sẽ cho kẹo ăn, cậu bé chạy reo ầm ĩ gọi bạn, rồi mấy chị em tôi chạy ra thảm cỏ quay vòng tròn hát rầm rĩ thật là hào hứng. Ban đầu chỉ có khoảng mười lăm đứa, sau càng ngày càng đông ngót ba bốn chục người. Tôi cùng tụi nó vừa hát vừa chơi trò con voi, chơi trò chim bay, cò bay. Đứa nào sai lệ thì bắt bò vòng quanh rồi bị lêu lêu ầm ĩ. Có lần, tôi cũng bị bắt bò rồi bị lêu lêu vui ghê! Vừa chơi, tôi vừa phát quà. Dần dần vì quá mê mà tụi nhỏ quên cả chơi xúm vào giỏ quà. Cứ mỗi lần như vậy, tôi phải lấy hết gân cổ hét ầm lên để dãn tụi nhỏ ra. Có một em bé khóc hoài vì nó bị anh nó làm sao đó, nhưng mỗi lần tôi bế hắn lên là hắn nín ngay làm tôi cảm động muốn chết. Đang chơi, tôi gặp bọn Lân Ù đi ngang. Bọn đó nhìn tôi rồi hỏi "Ê! Mai Nhè! Bồ làm trò gì vậy!". Tôi chỉ cười không đáp. Sau bọn ấy bỏ đi, tôi còn lại một mình cảm thấy hơi buồn nhưng lát lại quên ngay. Chơi vui càng lúc càng đông nhưng đến khi gần về, buồn hơn cả là có một số em túm lấy áo tôi tranh quà làm suýt nữa rách vạt áo dài. Tôi sợ hết vía nhưng không ghét tụi nhỏ, thầy chúng ta đã thường bảo:"Có ai để ý săn sóc đời sống, học hành của chúng đâu!" Chúng đáng thương lắm!... Đến lúc về, tôi có hứa lúc nào rỗi sẽ lại chơi với chúng, nhưng chưa biết dịp nào. Chắc phải đợi hơi lâu, phải không các anh? Tụi mình phải còn nuôi cho heo tiền mập lên một chút rồi mới đập ra mua quà cho các bé được chứ!
- Phải! Phải! Hoan hô Mai Nhè!
Mai Nhẹ vừa dứt lời, cả bọn hoan hô rầm rĩ, vang động cả nhà làm má Phát Lém phải chạy lên:
- Cái gì vui quá vậy cháu? Phải có bác trai ở nhà chắc bác ấy vui lắm.
Phát Lém ngó mẹ cười:
- Vui chứ má! Đêm nay là đêm của tụi con mà!
Đúng như lời Phát Lém, đêm nay là của bọn Tuấn Khờ, của U Đỏ. Sau khi Minh Lùn thay mặt cả bọn nhận mệnh lệnh U Đỏ trong Biệt Thự Vui Vẻ, cả bọn nhận thấy U Đỏ không đáng sợ như chúng tưởng tượng. U Đỏ không bắt chúng làm điều gì trái với lương tâm cả, mà trái lại... Hoan hô U Đỏ! Bọn Tuấn Khờ đã tôn U Đỏ làm thần tượng, làm đảng trưởng U Đỏ, tất cả đều sẵn sàng nhận mệnh lệnh và thi hành với bất cứ giá nào. Còn gì hay đẹp cho bằng khi phóng thích tất cả các con chim bồ câu trắng đang bị lão già Lãm nhốt trong một cái chuồng tối tăm bẩn thỉu! Bọn Tuấn Khờ chưa bao giờ nghĩ đến điều này, nhờ U Đỏ mà bọn chúng sắp sửa có một hành động cao đẹp. Những con chim bồ câu trắng mũm mĩm dễ thương, những con chim tượng trưng cho Hòa Bình đã phải bị nhốt mấy ngày nay trong một cái chuồng dơ dáy thiếu không khí trong một gian nhà âm u không một tia sáng mặt trời chiếu vào.
Để chứng tỏ sự phục tòng và niềm khâm phục đối với U Đỏ, bọn Tuấn Khờ đã cố gắng tìm một sáng kiến, nhưng chỉ có sáng kiến của Mai Nhè là được cả bọn chấp thuận và thi hành. Đó là: cả bọn năm người sẽ hùn tiền túi lại rồi đi mua quà, đồ chơi về gói trong những gói nhỏ đem đi phát không cho các trẻ em nghèo trong tỉnh không được hưởng trung thu vì nghèo. Tất cả đều đồng ý sẽ làm hết sức bí mật không cho ai biết cả, vì làm việc thiện mà kể, mà khoe khoang thì không phải là làm việc thiện, đó chỉ là những hành động mị xã hội có tính cách lợi dụng sự nghèo đói của người khác để tự đề cao cá nhân và đoàn thể mình một cách ích kỷ xấu xa cũng như đã thọ ân mà phản phúc thì không phải là người. Người được giao trọng trách thi hành cũng là Mai Nhè, vì Mai Nhè là con gái, mà con gái thì thường dễ đến gần, dễ cảm thông với các bé hơn con trai. Công tác tự nguyện đã thành công mỹ mãn, bây giờ đến lúc phải thi hành mệnh lệnh của U Đỏ. Theo mật lệnh của U Đỏ, chính tối nay cả bọn phải giải thoát đàn chim bồ câu trắng đang bị ông già Lãm xử tàn nhẫn.
Bọn trẻ con trong tỉnh đều sợ và ghét cay ghét đắng lão già sửa giày này. Lão ta sống một mình không vợ con, ưa đánh đập trẻ thơ, rượu chè be bét say sưa suốt cả ngày. Xưa kia lão ta là một tên Việt gian bán nước theo thực dân Pháp giết hại đồng bào mình. Biết bao nhiêu người cùng máu mủ với lão đã bị chết tức tưởi bởi bàn tay của lão chỉ vì một tội: yêu nước Việt Nam. Bây giờ hết thời, lão ta về tỉnh nhỏ này sống với nghề sửa giày mà lão ta đã học được lúc còn theo bọn thực dân xâm lược. Cả tỉnh nhỏ chỉ có hai nơi sửa giày, một của ông Trâm, cậu của Minh Lùn, một của lão Lãm. Vì thế, lão già Lãm vẫn có mối sửa giày luôn dù mọi người đều ghét lão. Khi một người đem giày tới sửa lão ta không bao giờ ngó mặt khách hàng mình, lão chỉ lầm bầm những tiếng khó hiểu qua hàm râu xồm xoàm của mình. Khi một người khách tới lấy giày, lão ta quăng đôi giày đã sửa vào ngay chân khách, nhất là với các cậu bé, chúng chỉ được phép ra cửa khi nào lão ta đếm xong tiền và thấy không thiếu một xu nào.
- Với một lão già như thế, giải thoát cho đàn chim bồ câu trắng không phải là dễ.
Phát Lém nói thầm với các bạn. Minh Lùn, Tuấn Khờ, Hương Tẹt và Mai Nhè xin phép má Phát Lém ra về. Chờ tất cả ra về một lúc lâu, Phát Lém mới nói với mẹ nó:
- Má ơi! Giày con đã hư rồi, má cho con đem đi sửa nghe má!
Vừa nghe Phát Lém nói xong, mẹ Phát Lém la lên:
- Trời ơi! Đã hư rồi nữa à! Chắc phải mua cho con giày sắt thì mới chịu nổi.
Phát Lém phụng phịu:
- Tại giày nó hư chớ bộ! Con đâu có muốn hư!
Mẹ Phát Lém mắng yêu:
- Thôi, tôi biết rồi, ông đem ngay đôi giày của ông đến nhà ông Trâm để ông ấy sửa cho. Ông ấy sửa chắc lắm. À! Đem đôi giày của ba ông đi sửa luôn. Thật hai cha con giống nhau quá, giày gì mà cứ đi méo lệch qua một bên luôn.
Chờ mẹ vừa nói xong, Phát Lém dạ một tiếng thật to, chạy lấy giày và phóng nhanh ra ngoài.
Mẹ Phát Lém nói với theo:
- Chạy đâu dữ vậy! Nhớ mang theo dù nghe con!
Phát Lém vừa chạy vừa trả lời:
- Chả cần má à! Bộ má quên rồi sao? Mang dù chó đuổi theo chạy không kịp.
Khi Phát Lém ra đến ngoài, các bạn nó đang đứng chờ sẵn. Vừa thấy Phát Lém, Hương Tẹt nói:
- Mày làm tụi tao lo quá!
Phát Lém trả lời:
- Tao cũng lo như tụi bây vậy vì đôi giày tao còn tốt lắm chỉ sợ má tao bắt lấy đem ra xem thì hết đường tương chao nhưng may quá, má tao chỉ nói sơ sơ rồi cho đi ngay. Tụi bây biết không, má tao dữ lắm, bà mà biết tao nói dối thì có mà bị đòn cong cả đít, những đòn roi mây bà quất vào thì khỏi nói, phải nội lực thâm hậu lắm mới có đường chịu nổi. Nhưng ba tao thì trái lại, ông biết điệu lắm, biết điệu nhứt thế giới lận. Tụi bây biết không? Một bữa, tao với thằng Tuấn Khờ đi câu lén cá ở bờ sông chỗ cầu Lê Lợi. Khi tụi tao vừa mới câu được một con thì cảnh sát bắt gặp và dẫn tụi tao về bót. Nhiều người đi đường thấy lạ bu quanh tụi tao. Thình lình, tao thấy ba tao hiện ra giữa đám người đó. Khi biết lý do bị bắt của tụi tao, ông hỏi tụi tao muốn dùng con cá này làm gì. Tụi tao trả lời muốn cho nó trở về sông nước để khỏi bị phạt. Nghe tụi tao trả lời xong, ông có rầy tụi tao sơ sơ. Nhưng khi rầy xong, ông bỗng cười to rung chuyển cả không khí rồi móc túi cho tụi tao 200 đồng xài chơi và nói để ông nộp phạt cho. Tụi bây thấy ba tao điệu chưa?
Mai Nhè bĩu môi ngó Phát Lém:
- Nhàm quá, tôi đã nghe anh thuật câu chuyện đó hàng trăm lần rồi! Nhàm quá! Phải chi lúc đó các anh mua cho tôi một hộp phó mách đầu bò thì điệu biết mấy!
- Nếu mua cho mày hộp phó mách đầu bò thì lấy tiền đâu để mua đèn pin. Một cái đèn pin có ích cho bọn mình gấp triệu lần hộp phó mách đầu bò.
Biết mình thua lý, Mai Nhè nói trống lảng:
- Thôi! Việc gì đã qua cho qua luôn! Cãi cọ chi vô ích lắm! Bây giờ chúng mình hãy bàn cách đối phó với lão già Lãm để thi hành lệnh của U Đỏ.
Tuấn Khờ la lên:
- Chúng ta hãy cùng nhau tất cả đến đó!
Mai Nhè chống lại:
- Bộ anh điên rồi hả? Bộ anh tưởng phóng thích đàn chim bồ cầu trắng ngay bây giờ hả? Nguy hiểm lắm! Trước tiên, bọn mình phải để một mình anh Phát Lém vào dọ thám tình hình đã, vì nếu bọn mình vào cả đám lão già ấy sẽ nghi ngờ ngay.
Lẽ dĩ nhiên những lời nói của Mai Nhè hoàn toàn đúng, cả bọn con trai khâm phục đứng lặng người. Thình lình, Minh Lùn ký đầu Mai Nhè một cái cốp:
- Tao thưởng mày đó, Mai Nhè!
Cả bọn cười vang. Mai Nhè chưa kịp phản ứng, bị cả bọn con trai kéo ngay đi về phía nhà lão già Lãm sửa giày. Trời mưa lâm râm. Cả năm người đi dưới những giọt mưa nho nhỏ sáng ngời trong những luồng ánh sáng dìu dịu của đèn đường. Chúng dừng trước cổng một ngôi nhà nhỏ. Cạnh cổng, một tấm bảng gỗ nhỏ dơ dáy và dính đầy bụi nhưng vẫn còn nổi rõ những chữ in to lớn:
TRẦN LÃM
Sửa giày chuyên môn
Ngó vào trong, Phát Lém khẽ nói:
- Lão ta treo chuồng chim bồ câu ở cạnh phòng bên tay trái cạnh sân đó. Và lão ta thường ngủ gần chuồng chim của lão.
Mai Nhè nói:
- Anh vào đi! Anh đi nhè nhẹ, đừng sợ gì hết, lão ta không ăn thịt anh đâu.
Nghe Mai Nhè nói, Phát Lém ngó Mai Nhè có vẻ giận dữ:
- Lão ta mà dám ăn thịt tao hả? Mày hãy coi những bắp thịt ở tay tao đây. Như thế này mà tao sợ lão hả? Mày khi tao quá!
Phát Lém vén tay áo gồng lên gồng xuống cho Mai Nhè xem. Rồi nó khẽ lách cổng đi vào. Bốn người còn lại chờ đợi ở ngoài. Phát Lém đi chầm chậm về phía cửa chánh. Không có một chút ánh sáng trong nhà lão Lãm, Phát Lém mò mẫm trong bóng đêm. Phải chăng lão Lãm đi vắng? Tới cửa, Phát Lém gõ nhè nhẹ. Im lặng. Đứng yên một hồi, nó nghe được tiếng động trong chuồng chim. Chờ mãi không thấy trả lời, Phát Lém bèn đập mạnh cửa:
- Bác Lãm! Bác Lãm! Cháu đem giầy đến sửa nè bác.
Không có tiếng trả lời, Phát Lém khẽ đẩy cửa vào. Cửa đã bị khóa. Làm sao bây giờ? Không lẽ trở ra? Trở ra thì tồi quá, mình là Phát Lém, mà đã là Phát Lém thì phải hoàn thành nhiệm vụ dù nhiệm vụ khó đến bậc nào?
Trong lớp, dù bài tập thầy ra khó làm sao đi nữa Phát Lém cũng cố gắng hết mình và nó đã thành công, lúc nào cũng thành công. Nếu bài cho về nhà làm, gặp bài khó, suốt đêm nó đánh vật với bài đó và không bao giờ bỏ cuộc nếu chưa tìm ra lời giải. Nhất định sáng hôm sau nó phải nộp cho thầy một bài làm chép thật sạch sẽ và gần như không lỗi gì hết. Phát Lém phải như thế đó, không lẽ bây giờ lại bỏ cuộc sao! Nó nói thầm:
- Mình cứ thử hành động xem, sợ gì.
Nó lấy đèn bấm ra, bật lên và rọi vào qua một kẽ hở. Ánh sáng của đèn bấm chỉ có tác dụng giới hạn… Phát Lém chỉ thấy một khoảng sâu độ hai thước mà thôi còn qua khỏi khoảng đó thì toàn là bóng tối, bóng tối âm u. Phát Lém quan sát ổ khóa. Có thể chìa khóa còn gắn ở phía trong và lão Lãm đang ngủ. Điều này thường xảy ra lắm. Tất cả bọn trẻ chung quanh đều biết rõ lão Lãm thường để quên chìa khoá ở cửa khi lão ta đã say mèm ngủ li bì suốt cả ngày. Nhưng lão Lãm rút chìa khóa tự bao giờ. Đúng là lão đã đi vắng rồi, Phát Lém phải hành động gấp, nếu không lão Lãm trở về thì nguy. Phát Lém lấy đèn bấm chiếu lại khắp chung quanh. Thình lình, nó thấy qua luồng ánh sáng của chiếc đèn bấm một cánh cửa nhỏ, cánh cửa của cái cửa sổ độc nhất ở bên hông nhà lão Lãm.
May quá! Cửa sổ mở rộng. Phát Lém thận trọng đi nhẹ nhẹ, hết sức nhè nhẹ đến phía cửa sổ vì nó đã nghe tiếng chân nện thình thịch trên đất. Đúng rồi, lão Lãm đã trở về, có lẽ lão vừa ở quán rượu về. Lão vừa vượt qua ngưỡng cửa, Phát Lém đã đến gần cửa sổ. Nó nghe rõ giọng nói lầm bầm của lão Lãm, giọng nói quen thuộc của lão khi lão đã nhậu say túy lúy. Phát Lém nghe tiếng chìa khóa lay động nhưng nó vẫn bình tĩnh quan sát phía cửa sổ. Cửa sổ ở trên cao, đủ cao để cho nó không thể nào vói tay tới được nhưng gần bên nó lại có một cái xe kéo hai bánh cũ. Nó bèn đẩy chiếc xe lại cạnh tường; leo lên và ở vị trí đó, nó đã có thể quan sát khắp nhà lão Lãm.
Cùng lúc đó, cố gắng xuyên thủng bóng đêm, Phát Lém thấy lão Lãm đã mở được cánh cửa và đi khệnh khạng vào. Lão bật một que diêm. Một tay cầm que diêm đang bùng cháy, một tay tìm cây đèn dầu nhưng khi tìm được đèn thì chiếc que diêm cũng vừa tắt. Lão lầm bầm chửi rủa. Bây giờ Phát Lém mới biết nhà đèn đang cúp điện. Lão Lãm lại bật cháy que diêm thứ hai và lần này lão đốt được đèn. Phát Lém rất ngạc nhiên khi thấy lão không bị té vì thấy người lão rung rinh trên đôi chân đảo qua đảo lại. Lão đến ngồi mạnh trên một cái bàn tròn. Cái bàn rung lên làm rơi tất cả những vật để trên đó xuống đất, nào là đinh, nào là búa, nào là dũa nằm ngổn ngang. Tiếng động làm các con chim bồ câu trắng đang bị giam trong chuồng kinh sợ la rối rít. Chúng bay tứ tung, chạm mạnh vào thành chuồng. Có lẽ cả ngày hôm nay chúng chả được ăn uống tí nào cả. Đáng thương thay những con chim tượng trưng cho hoà bình của loài người lại bị giam khổ sở trong một cái chuồng của tên cựu Việt gian bán nước! Phát Lém bỗng cảm thấy căm giận lão Lãm lạ lùng. Nó muốn công khai vào nhà lão trói lão và mở cửa giải thoát cho đàn chim bồ câu trắng. Với sức mạnh sẵn có của nó, nó có thể làm được một cách dễ dàng nhưng sau mấy phút suy nghĩ nó biết làm thế rất nguy hiểm vì như thế đúng là một hành động gây hấn, một hành động trái với pháp luật. Nó bèn nghĩ ngay đến cách chờ lão Lãm ngủ say rồi phóng từ cửa sổ xuống nhà mở cửa chuồng cho chim bay ra. Nhưng một mình nó làm nổi không? Cái chuồng chim nặng đến gần một trăm kí lô treo lơ lửng giữa nhà và khi nó mở được cửa chuồng, không biết các con chim thoát được không vì tất cả cửa đều đóng trừ cái cửa sổ nhỏ này. Sáng mai khi lão Lãm tỉnh dậy chúng lại bị lão bắt nhốt lại như thường. Nhưng phải chờ đến lúc nào lão mới chịu ngủ say?
Với dịp may bằng vàng này mà giải thoát không được đàn chim bồ câu trắng dễ thương kia thì uổng quá. Không lẽ đứng mãi trên chiếc xe này để ngắm lão say rượu sao? Rốt cuộc, Phát Lém quyết định trở ra cửa trước. Nó gõ nhẹ nhẹ. Im lặng. Chờ một lúc không thấy tiếng lão Lãm, Phát Lém khẽ tông cửa vào. Qua ánh sáng lung linh của chiếc đèn dầu, nó thấy lão Lãm ngó nó trừng trừng. Nó nói to:
- Thưa bác, cháu đến sửa giầy!
Vừa nghe xong, lão già rống lên:
- Đi! đi! Không có sửa giầy gì hết!
Vừa rống xong, lão lầm bầm như đang nói một mình:
- Tụi bây đuổi tao, không cho tao nhậu nữa, tụi bây sẽ biết tay tao.
Nghe xong mấy câu đó, Phát Lém đoán ngay lão vừa bị chủ quán rượu đuổi về. Nó nói:
- Chà! Họ ác với bác quá, phải chi cháu, cháu không bao giờ đuổi bác đâu?
Lão Lãm giương cặp mắt lờ đờ nhìn Phát Lém:
- Mày đem giầy đến sửa à? Tiền đâu?
- Thưa bác! Khi bác sửa xong má cháu sẽ cho cháu đem tiền tới trả bác?
- Không đem tiền thì đi đi, đi ngay không tao nện cái búa này vào đầu bây giờ.
Lão ta vung cái búa lên. Nguy hiểm! Lão dám phang ẩu lắm chớ không phải chơi. Phát Lém phóng nhanh như bay chạy ra đường. Các bạn nó đang chờ ở một gốc cây.
- Sao? Phải lão đang say không? Tụi tao núp ngoài này thấy lão đi nghiêng qua nghiêng lại.
Nghe bạn hỏi, Phát Lém trả lời:
- Đúng lão đang say. Lão đuổi tao ra vì tao không mang tiền sửa giầy theo. Theo tao nhận xét, lão đang muốn uống rượu nữa nhưng hết tiền. Lão vừa bị chủ quán rượu tống cổ đuổi về.
Tuấn Khờ hỏi:
- Thế bây giờ chúng ta phải làm gì? Không lẽ thất bại sao? Tụi bây nhớ là theo lệnh của U Đỏ nội đêm nay tụi mình phải giải thoát cho được đàn chim bồ câu trắng đó.
Cả bọn im lặng trầm ngâm suy nghĩ. Thình lình Mai Nhè nhảy như con choi choi. Thấy vậy, Hương Tẹt la lên:
- Con gì cắn mà mày làm kỳ vậy Mai Nhè?
Mai Nhè ngừng nhẩy, cặp mắt nó long lanh sáng ngời.
- Trong các anh ai có thể tìm được một trăm đồng ngay bây giờ?
Nghe Mai Nhè hỏi, Phát Lém trả lời:
- Tao có thể tìm được, nhưng làm gì vậy?
Mai Nhè tiến lên một bước về phía Phát Lém:
- Anh đừng có hỏi tại sao, làm gì? Dẫn tụi tôi đi tìm ngay bây giờ. Gấp lắm. Rồi anh sẽ biết làm gì nếu anh tìm được một trăm đồng.
Phát Lém chạy trước chầm chậm, cả bọn chạy theo sau. Đến ngã tư quẹo phải và chạy vào một quán cà phê. Thấy vậy, Mai Nhè nói:
- Ơ kìa l Anh Phát Lém vào đó làm chi vậy?
Phát Lém nói lại:
- Tụi bây chờ tao một lát, nếu hơi lâu thì tụi bây có thể trở về nhà lão Lãm chờ tao, đồng thời canh chừng hành động của lão Lãm luôn thể...
Chờ một lúc lâu, không thấy Phát Lém ra, Mai Nhè bảo cả bọn chạy về nhà lão Lãm. Cả bọn đều chưa rõ Phát Lém vào quán cà phê làm gì, nhưng Phát Lém lẽ dĩ nhiên đã biết rõ hành động của mình. Nó biết thường thường vào giờ này ba nó đang đánh cờ tướng ở quán cà phê này. Lúc này là lúc dễ xin tiền ba nó nhất.
Phát Lém thấy ba nó đang đánh cờ tướng với ông Thân một tay đánh cờ cao nhất tỉnh. Nhiều người hiếu kỳ và ái mộ bu quanh xem hết sức đông đảo. Nó lách mình vào. Ba nó vừa thọc sâu xe xuống phía địch. Ông Thân kéo ngay pháo về đuổi. Ba nó liền rút xe về hai nấc. Ông Thân lên tượng. Ba nó cho ngựa xuống đuổi pháo ông Thân. Ván cờ đang tới hồi khẩn trương. Cả hai địch thủ đang hết sức chăm chú nhìn vào từng con cờ của mình và của địch. Vừa thấy Phát Lém, một khán giả nói to:
- Con ông kìa, ông Tư. Chắc bị phu nhân cho lệnh đòi về rồi. Ha! Ha! Ha!
Tiếng cười to làm ông Tư giật mình, ông ngước lên, thấy Phát Lém ông hỏi:
- Gì đó con?
Phát Lém cười mím chi bảo:
- Không có gì, ba! Chà! Ba đánh cờ cao quá, dám đấu với cả bác Thân.
Nghe con khen, ông Tư hứng chí mỉm cười khoan khoái. Thấy không khí thuận tiện, Phát Lém nói nho nhỏ:
- Ba! Ba cho con một trăm đồng đi ba!
- Một trăm đồng? Làm gì vậy con?
Chưa biết trả lời làm sao cho ổn thỏa vì nó vẫn chưa hiểu được ý định của Mai Nhè. Quýnh quá nó nói đại:
- Mai Nhè biểu con xin ba…
Vừa nói xong, Phát Lém bỗng vỗ đầu mình cái bốp, nó đã hiểu Mai Nhè muốn gì rồi khi bảo nó tìm cho được một trăm đồng. Nó năn nỉ:
- Ba cho con một trăm đồng nghe ba. Bữa nọ, ba còn cho tụi con hai trăm đồng mà!
Lúc đó ông Tư vừa chuyển sang thế tấn công ông Thân dữ dội sau khi ông cho ngựa chiếu tướng đồng thời lợi dụng thế đó ông xuống xe biến thành thế xe đầu. Ông Thân bối rối rõ rệt, mồ hôi chảy lấm tấm trên trán. Lần đầu tiên đàn áp được và thắng một tay nổi tiếng cao cờ nhất tỉnh, ông Tư sung sướng tột độ, ông móc ngay bóp lấy một trăm đưa cho Phát Lém:
- Nè một trăm đồng nè! Con muốn làm gì thì làm!
Chả chờ đợi gì hơn, Phát Lém cầm tờ giấy một trăm chạy nhanh ra ngoài. Không thấy các bạn, nó bèn chạy vào quán rượu:
- Bán cho tôi một lít rượu đế.
Người chủ quán ngó Phát Lém với vẻ nghi ngờ. Luật lệ ở tỉnh này cấm bán rượu lẫn thuốc lá cho con nít trừ khi chúng có lý do chánh đáng mua dùm cho một người lớn nào đó. Người chú quán hỏi:
- Mày mua rượu đế cho ai vậy?
Biết không thể nào nói dối mua rượu cho ai được, Phát Lém bèn nói thực:
- Tôi mua rượu dùm cho lão Lãm sửa giày.
Ngó tờ giấy một trăm đồng trên tay Phát Lém, người chủ quán suy nghĩ:
- Quái! Lúc nãy lão Lãm không còn một xu mình đã phải tống cổ lão ra ngoài, sao bây giờ lão lại có? Lạ thật!
Người chủ quán ngó kỹ Phát Lém. Bỗng ông ta "a" lên một tiếng, ông ta nhận ra Phát Lém là con ông Tư, là một trong những đứa trẻ có tiếng phá phách nhất tỉnh. Ông ta nói:
- Chính là mày, mày là Phát Lém phải không? Bộ mày tưởng tao không biết mày lấy cắp của cha mày một trăm đồng lén mua rượu cho lão Lãm sao? Ai ở đây mà không biết tiếng phá của bọn năm đứa chúng mày? Ăn cắp xấu lắm mày ơi! Mày không biết hổ thẹn sao?
Phát Lém tức giận ngó người chủ quán. Dù nó hay phá phách nhưng nó chưa bao giờ có hành động xấu xa ăn cắp tiền của ba nó, nhất là bây giờ nó còn là người của U Đỏ. U Đỏ đâu có bao giờ chịu chấp nhận một người xấu xa như vậy! Nó muốn cho người chủ quán rõ nhưng không dám. Nó đứng lặng người chưa biết xử trí ra sao. Nhỡ chủ quán này đến mét ba nó thì thôi rồi, âm mưu giải thoát đàn chim bồ câu trắng sẽ tan ra mây khói, như thế thì làm sao ăn nói với U Đỏ bây giờ?
Nhưng thình lình, người chủ quán ngó nó mỉm cười và nói hết sức dịu dàng:
- Mày chờ tao một chút nhé!
Ông ta vào trong nhà, một lát sau ông ta ra, tay xách một cái chai đựng đầy nước đưa cho Phát Lém.
- Đây này! Thứ rượu đế thượng hảo hạng tao mua tận Hốc-Môn Gia Định, mày đem về cho lão Lãm uống và bảo lão sáng mai đem trả chai cho tao. Mày cất một trăm đồng đi, nói với lão tao biếu không lão đó.
Chờ Phát Lém xách chai vừa đi ra khỏi cửa, người chủ quán xoa tay: Đáng kiếp nghe nhãi con! Mày sẽ thấy lão Lãm sửa giầy nổi giận như thế nào!
Phát Lém chạy vội về nhà lão Lãm. Vừa thấy Mai Nhè, nó hổn hển nói:
- Mai Nhè! Đã tìm được một trăm đồng rồi nhưng đồng thời tao lại được người ta biếu không chai rượu đế này chả tốn một đồng xu nào hết. Còn y nguyên một trăm. Hay không?
Mai Nhè cười dòn để lộ hàm răng trắng ngần. Nó nói với Phát Lém.
- Anh giỏi lắm! Anh đã biết đúng ý tôi.
Phát Lém nói cho tất cả các bạn biết tình hình hiện tại. Nói xong nó kết luận:
- Nhất định mình sẽ thành công. Tụi bây coi chừng hễ tao la lên tụi bây chạy ra ngay. Tốt hơn là tụi bây theo tao vào nhà lão và núp ở sau xem tao hành động và phụ giúp tao nếu cần.
Thế là cả bọn tiến vào sân nhà lão Lãm. Phát Lém can đảm gõ cửa thiệt mạnh, nhưng không chờ đợi trả lời nó tự mở cửa đi vào.
- Cháu nè, bác Lãm!
Nhưng dường như lão Lãm không nghe tiếng. Lão có vẻ say sưa dữ dội. Đàn chim bồ câu kêu ríu rít hết sức thê thảm. Cho lão uống thêm một chai rượu đế trong khi lão đang say túy lúy không biết có tội hay không? Nhưng Phát Lém không thể nào lùi bước được nữa. Trong tình thế hiện tại, đã nói thì phải làm. Thình lình, lão Lãm có vẻ hồi tỉnh đứng dậy tựa vào một cái tủ. Thấy Phát Lém lão nói ấp úng:
- Lại mày nữa! Đến nhà tao làm gì? Đi ra ngay! Đi ra ngay!
- Thưa bác! Ba cháu cần gấp giầy đi làm sáng mai. Bác làm ơn sửa giúp, cháu ở đây chừng nào xong cũng được. Vì sợ làm phiền bác, ba cháu có gởi biếu bác một chai rượu đế thượng hảo hạng cất tại Hốc Môn Gia Định.
Phát Lém không ngờ nó đã nói được hết sức lưu loát với một lão già say rượu như thế. Thấy chai rượu, lão Lãm cười và lắp bắp nói:
- Được! Mày để nó lên bàn, tao tính đi ngủ rồi nhưng cố sửa giúp ba mày đôi giầy.
Nghe lão nói, Phát Lém tự hỏi không biết với tình trạng đó lão làm thế nào sửa được giầy cho ba nó. Liếc về phía cửa sổ, Phát Lém thoáng thấy Mai Nhè và Hương Tẹt đang đu dòm vào. Nó ra hiệu cho các bạn nó đề phòng. Lão Lãm tính ngồi xuống một ghế đẩu nhưng vì say quá lão té phịch xuống giữa một đống giầy cũ và các dụng cụ sửa giầy. Lão quơ đại một chiếc giầy đàn bà, ngắm nghía rồi nói:
- Không có hư nhiều! Sửa mau lắm.
Phát Lém cãi:
- Đâu phải giầy của ba cháu, bác! Giầy của ba cháu kia kìa!
Lão Lãm quắc mắt nhìn Phát Lém.
- Làm sao mày biết được không phải giầy của ba mày? Đưa chai rượu cho tao để tao uống lấy lại sức.
Phát Lém chịu thua, lấy chai rượu đưa cho lão. Nó liếc thấy Mai Nhè cười ở cửa sổ. Lão Lãm nắm lấy chai rượu, mở nút, để vào miệng uống ừng ực. Nhưng, lão ta bỗng đùng đùng nổi giận, bỏ mạnh chai rượu xuống, nắm lấy một chiếc giầy liệng mạnh vào Phát Lém. Lanh mắt, Phát Lém né kịp. Chiếc giầy mất mục tiêu nện vào cửa một cái rầm. Thấy vậy Phát Lém đã hiểu tại sao người chủ quán không lấy tiền rượu bởi vì ông ấy đã đổ nước lã vào. Thế là thất bại rồi!
- Phải trốn nhanh! Phát Lém nghĩ.
Một chiếc giầy thứ hai lại bay về phía Phát Lém như vũ bão. Nó biết nếu lúc này nó mà rơi vào tay lão Lãm là hết đời! Phát Lém chạy nhanh ra cửa. Nhưng, nó đã sợ hão. Lão Lãm chỉ rượt theo nó được vài bước rồi ngã phịch xuống đất như một bao gạo. Vài giây sau, lão ta ngáy lên như sấm. Phát Lém hỏi to:
- Bác ngủ rồi hả bác Lãm?
Lão Lãm chỉ đáp lại bằng những tiếng ngáy ồ ồ.
- Bác Lãm! Bác Lãm!
Lão Lãm chả nghe gì hết. Phát Lém kéo một chân lão, lúc đầu kéo nhẹ sau càng lúc càng mạnh, cuối cùng nó lấy một cây kim chích nhẹ vào cánh tay lão nhưng lão vẫn ngủ li bì. Để chắc chắn, nó bấm đèn rọi vào mắt lão Lãm. Lão vẫn không động đậy. Phát Lém đứng dậy ra cửa gọi các bạn nó:
- Lão ta đã ngủ say như chết. Tụi mình mau vào giải thoát đàn chim kẻo mất cơ hội tốt. À khoan! Mình cho các chim ăn đã, chúng nó chắc đói lắm.
Cả năm đứa chạy lục khắp nhà tìm chỗ để đồ ăn của chim. Chúng hoàn toàn im lặng, nếu cần nói với nhau điều gì chúng chỉ trao nhau bằng những lời nói thì thầm hết sức nhỏ. Khi tìm được đồ ăn, chúng vừa để vào chuồng thì đàn chim đang đói đã nhảy tới ăn ngay, chỉ chớp mắt là sạch sành sanh.
Một đứa nói:
- Các chim ăn no rồi! Mình để chuồng xuống đất đi.
Phát Lém và Tuấn Khờ không để chuồng chim xuống đất ngay, chúng khiêng ra sân, mở cửa chuồng, lấy tay lùa chim ra từng con một. Những con chim bồ câu trắng được tự do vỗ cánh bay tung không gian.
- Chim bồ câu trắng đã được tự do. Chắc chúng nó mừng lắm vì được thoát khỏi bàn tay sát nhân của lão Lãm.
Minh Lùn vừa nói xong, Mai Nhè tiếp theo.
- Vòm trời tỉnh mình sẽ được xinh đẹp hơn nhờ những con chim hòa bình dễ thương bay tung tăng tự do ngàn đời.
- Ối chà chà! Mai Nhè làm thi sĩ!
Cả bọn con trai vỗ tay ca ngợi Mai Nhè, nhưng chúng dừng lại ngay vì chúng biết còn ở trong nhà lão Lãm, lỡ lão thức dậy lúc này thì nguy lắm.
Cả năm đứa, Tuấn Khờ, Hương Tẹt, Phát Lém, Minh Lùn, Mai Nhè đều đứng thẳng người nhìn những con chim bồ câu trắng đang lượn qua lượn lại trong tầm mắt chúng. Chờ con chim cuối cùng mất hút, Hương Tẹt nói nho nhỏ:
- Thế là xong! Chúng ta đã hoàn thành nhiệm vụ của U Đỏ giao phó. Tụi bây có nhớ lời thầy mình nói không: Chim bồ câu trắng vừa được tự do, nhất là được giải thoát khỏi lão Lãm thì nhất định hòa bình sẽ tới, mà hoà bình tới thì nhất định dân tộc Việt Nam sẽ ngửng đầu dậy xây dựng đất nước! Thật đáng khâm phục U Đỏ đã giao chúng ta một công tác hết sức có ý nghĩa. Thôi chúng ta đem chuồng trả về chỗ cũ rồi về chứ!
Phát Lém nói nhỏ:
- Khoan! Tao đề nghị bọn mình phải làm thêm một cái gì đặc biệt nữa để xứng đáng là người U Đỏ, tụi bây chịu không?
Minh Lùn, Phát Lém, Hương Tẹt, Mai Nhè ngó nhau ngơ ngác không hiểu Phát Lém muốn đề nghị điều gì, không khí trong nhà lão Lãm rất khó thở, chúng chỉ muốn thoát ra khỏi đây sớm phút nào hay phút nấy. Mai Nhè run hỏi:
- Anh muốn làm điều gì nữa? Tôi muốn ra khỏi đây ngay. Sợ lắm!
Phát Lém cười:
- Có gì mà sợ! Lão Lãm chưa thức dậy nổi đâu. Chắc tụi bây biết thành tích lão Lãm chớ gì! Lão chính là một tên cựu Việt gian bám gót thực dân, nay lão về đây sống giữa tình thương và sự khoan dung của đồng bào, thế mà lão không biết, lão lại còn rượu chè be bét và nhốt chim bồ câu trắng đói khát trong cái chuồng bẩn thỉu này! Tao đề nghị tụi mình nhét lão vào cái chuồng này rồi để lên xe hai bánh kia kéo ra trước quán rượu triển lãm cho mọi người xem chơi. Tao đề nghị như thế là muốn để cho lão thấm thía niềm tủi nhục của sự mất tự do, của gông cùm nô lệ. Tụi bây chịu không?
Tất cả đều sửng sốt khi nghe đề nghị của Phát Lém. Nhưng chỉ trong chốc lát cái chuồng được đem vào trong nhà. Bốn đứa con trai hè nhau khiêng lão Lãm nhét vào chuồng, trong khi đó Mai Nhè mở rộng cửa chánh đề phòng lỡ lão Lãm tỉnh dậy bất ngờ thì cả bọn có thể trốn thoát nhanh. Nhưng lão vẫn không tỉnh dậy. Lão nằm gọn lỏn trong chuồng. Phát Lém đóng chặt cửa lại. Cả bọn ỳ à ỳ ạch khiêng chuồng ra sân đặt lên xe hai bánh. Tuấn Khờ vuốt những giọt mồ hôi đang rơi lấm tấm trên mặt. Nó nói:
- Mỗi ngày mà tao phải làm đều như thế này thì tao chết mất.
Nhưng Phát Lém cãi lại:
- Nhưng có thế thì tụi bây mới thấy xương tao cứng như thế nào?
- Đúng! Anh Phát nói đúng! Nhờ khó khăn như vậy mới thấy rõ tài ba của anh.
Lời khen của Mai Nhè xuyên vào tận tim của Phát Lém. Phát Lém sung sướng cười thỏa mãn.
Cả bọn đẩy xe ra đường. Nhưng trước khi ra tới đường, Mai Nhè bảo Hương Tẹt tìm một tấm màn cũ để che cái chuồng. Như thế mọi người không biết trong chuồng có gì và lại thoát khỏi các cặp mắt dò xét của Cảnh sát. Hương Tẹt chạy trở lại nhà lão Lãm. Chỉ chốc lát, nó chạy ra ngay, tay cầm một tấm màn cũ nhưng mặt mày nó lại xanh lè xanh lét. Nó nói lắp bắp:
- Tụi bây ơi! Tao thấy một gương mặt ở cửa sổ tụi mình đứng lúc nãy.
Vừa nghe Hương Tẹt nói, cả bọn hết sức sợ. Tuấn Khờ giơ chân chực chạy trốn. Minh Lùn thì thầm:
- Tao cũng vậy? Tao thấy bóng một người lúc tụi mình ở trong đó: đúng là U Đỏ rồi.
- Tụi mình vào xem đi. Mai Nhè đề nghị.
Nhưng không ai nghe đề nghị của Mai Nhè cả. Chả ai bảo ai, cả bọn đẩy chiếc xe nhanh, nhanh như đang bị ma rượt.
Lúc này, đường phố đã hoàn toàn vắng người. Cho xe dừng trước quán rượu, Phát Lém chạy vào.
- Lão Lãm bảo tôi trả ông cái chai.
Vừa nói với người chủ quán xong, nó chạy ngay ra ngoài. Nó kéo tấm màn che cái chuồng xuống và phóng nhanh về góc đường. Cả bọn đang chờ nó ở đó. Vừa thấy nó, Mai Nhè nói:
- Thế là công tác đã hoàn thành. Bây giờ anh Phát đem giầy của bác đến nhà bác Trâm sửa ngay đi.
- Mai Nhè! Mày thật khéo và đảm đang.
Nghe Phát Lém khen, Mai Nhè sung sướng ra mặt.
Khi cả bọn trở lại quán rượu thì thấy một đám đông đang cười, la hét chung quanh cái chuồng nhốt lão Lãm.
Ba Phát Lém trở về nhà lúc quá nửa đêm. Sáng hôm sau, ông thuật cho cả nhà nghe tối hôm qua người ta thấy lão Lãm bị nhốt trong chuồng chim của lão để trước quán rượu. Khi nói, ông liếc Phát Lém nhưng Phát Lém tỉnh bơ, đưa miếng bánh mì dòn vào miệng nhai rổn rảng đồng thời nó nâng ly sữa lên uống ừng ực.