Mỗi con người có 03 loại tính cách: tính cách anh ta phô bày, tính cách anh ta có, và tính cách anh ta nghĩ anh ta có.

Alphonse Karr

 
 
 
 
 
Tác giả: Yuval Noah Harari
Thể loại: Khoa Học
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 6
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 395
Cập nhật: 2021-01-12 19:45:42 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần 1
ÁCH MẠNG NHẬN THỨC
1
MỘT ĐỘNG VẬT KHÔNG NỔI TRỘI
Khoảng 13,5 tỉ năm trước, vật chất, năng lượng, thời gian và không gian được hình thành trong một sự kiện gọi là Big Bang (Vụ nổ Lớn). Câu chuyện về những đặc tính cơ bản này của vũ trụ chúng ta được gọi là Vật lý.
Khoảng 300.000 năm sau khi xuất hiện, vật chất và năng lượng bắt đầu hợp nhất tạo thành các cấu trúc phức tạp, gọi là những nguyên tử, sau đó chúng kết hợp thành những phân tử. Câu chuyện của các nguyên tử, phân tử và những tương tác giữa chúng được gọi là Hoá học.
Khoảng 3,8 tỉ năm trước, trên một hành tinh được gọi là Trái đất, một số phân tử nhất định đã kết hợp tạo thành những cấu trúc đặc biệt lớn và phức tạp, được gọi là các sinh vật. Câu chuyện về các sinh vật được gọi là Sinh học.
Khoảng 70.000 năm trước đây, các sinh vật thuộc loài Homo sapiens bắt đầu hình thành một cấu trúc thậm chí còn tinh vi hơn gọi là văn hoá. Quá trình phát triển văn hoá này của con người được gọi là Lịch sử.
Có ba cuộc cách mạng quan trọng định hình tiến trình lịch sử: Cách mạng Nhận thức đã khởi động lịch sử cách đây khoảng 70.000 năm. Cách mạng Nông nghiệp đã tăng tốc lịch sử vào khoảng 12.000 năm trước đây. Còn Cách mạng Khoa học, mới bắt đầu cách đây 500 năm, biết đâu sẽ kết thúc lịch sử và bắt đầu một thứ gì đó hoàn toàn khác biệt. Cuốn sách này kể câu chuyện về việc ba cuộc cách mạng đó đã tác động đến loài người và những sinh vật cùng sống với họ ra sao.
Loài người đã có mặt từ lâu trước khi có lịch sử. Động vật gần giống với con người hiện đại xuất hiện lần đầu khoảng 2,5 triệu năm trước. Nhưng qua rất nhiều thế hệ, chúng chẳng có gì nổi trội hơn so với vô số các sinh vật khác cùng chia sẻ môi trường sống với mình.
Nếu lặn lội ngược về Đông Phi 2 triệu năm trước, có lẽ bạn sẽ bắt gặp những cảnh tượng quen thuộc của những loài giống như con người: những bà mẹ lo lắng ôm ấp đứa con nhỏ của mình bên đám trẻ em vô tư chơi đùa trong bùn đất; đám thanh niên hiếu thắng chống lại những định kiến của xã hội còn những cụ già mệt mỏi chỉ muốn sống trong yên bình; những đấng mày râu ưỡn ngực cố gây ấn tượng với những bóng hồng xung quanh, trong khi bà chủ gia đình thông thái đã chứng kiến tất cả những chuyện này. Những con người tối cổ này yêu thương, chơi đùa, kết bạn thân thiết và đấu tranh cho địa vị và quyền lực – nhưng vẫn giống hệt như những loài tinh tinh, khỉ đầu chó và voi. Họ chẳng có gì quá đặc biệt. Không có ai, kể cả con người, có bất cứ ý niệm mơ hồ nào về việc con cháu của họ một ngày nào đó sẽ dạo bước trên Mặt trăng, phân tách các nguyên tử, hiểu được mã di truyền và viết sách lịch sử. Điều quan trọng nhất cần biết về con người thời tiền sử rằng đây là những động vật bình thường như bao loài khác, với tác động của họ lên môi trường chẳng hơn gì các loài khỉ đột, đom đóm hoặc sứa.
Các nhà sinh học phân chia sinh vật thành các loài. Động vật được cho là cùng loài nếu chúng có xu hướng giao phổi với nhau, sinh con hữu thụ.” Ngựa và lừa có cùng một tổ tiên gần gũi và có chung nhiều đặc điểm về thể chất. Nhưng chúng lại tỏ ra ít quan tâm về tính dục với nhau. Chúng sẽ ghép đôi nếu bị bắt buộc – nhưng con cái của chúng, được gọi là la, sẽ không có khả năng sinh sản. Do đó, các đột* biến ADN ở loài lừa không bao giờ có thể truyền sang loài ngựa hoà ngược lại. Vì thế hai loài động vật trên được coi là hai loài tách biệt đi theo những con đường tiến hoá riêng. Ngược lại, chó mặt xệ và chó tai cụp có thể trông rất khác nhau, nhưng chúng lại cùng loài, chia sẻ chung cái kho ADN. Chúng sẽ vui vẻ ghép đôi, con của chúng sẽ lớn lên và ghép đôi được với các con chó khác, tạo ra nhiều hậu duệ hơn.
Các loài tiến hoá từ một tổ tiên chung được tập hợp lại thành một “chi”. Sư tử, hổ, báo và báo đốm là các loài khác nhau trong chi Panthera. Các nhà sinh học đặt cho mỗi loài sinh vật một cái tên Latin gồm hai phần, tên chi rồi đến tên loài. Sư tử, ví dụ, được gọi là Panthera leo, tức loài leo thuộc chi Panthera. Có lẽ, tất cả những ai đọc cuốn sách này đều thuộc về Homo sapiens – loài sapiens (tinh khôn) của chi Homo (người).
Tới lượt các chi lại được nhóm thành các họ, chẳng hạn như họ mèo (sư tử, báo gepa, mèo nhà), họ chó (chó sói, cáo, chó rừng) và họ voi (voi, voi ma-mút, voi răng kiếm). Mọi thành viên của một họ lần theo dòng dõi của mình ngược về một bà tổ hoặc ông tổ. Ví dụ, tất cả loài mèo, từ con mèo nhà nhỏ nhất đến những con sư tử hung dữ nhất, có chung một tổ tiên là loài mèo sống cách đây khoảng 25 triệu năm trước.
Homo sapiens cũng vậy, thuộc về cùng một họ. Thực tế vô vị này đã từng là một trong những bí mật được giữ kín nhất trong lịch sử. Từ khá lâu, Homo sapiens thích coi mình tách biệt với các loài động vật, một đứa trẻ mồ côi bị tước mất gia đình, thiếu anh chị em ruột hoặc anh chị em họ, và quan trọng nhất là không có cha mẹ. Nhưng đó không phải sự thật. Dù thích hay không, chúng ta đều là thành viên của một gia đình lớn và đặc biệt ổn ào, gọi là vượn loại lớn. Họ hàng gần nhất của chúng ta bao gồm tinh tinh, khỉ đột và đười ươi. Tinh tinh là loài gần nhất. 6 triệu năm trước đây, một con vượn cái có hai con gái. Một trở thành tổ tiên của loài tinh tinh, một là bà ngoại của chúng ta.
Những bí mật được giấu kín
Homo sapiens đã giữ kín một bí mật thậm chí còn đáng lo hơn. Chúng ta không chỉ có những người anh em họ man rợ mà từng có lúc, loài người còn có một vài anh chị em khác. Chúng ta luôn tự cho rằng mình là những con người duy nhất, bởi vì trong 10.000 năm trở lại đây, chúng ta đã thực sự là loài người duy nhất tồn tại. Song, ý nghĩa thực sự của từ Con người là “một con vật thuộc chi Homo”, và nó được dùng để chỉ nhiều loài khác thuộc chi này bên cạnh Homo sapiens. Hơn nữa, như chúng ta sẽ thấy trong chương cuối cùng của cuốn sách, trong tương lai không xa, chúng ta một lần nữa có thể phải đối mặt với con người không phải sapiens. Để làm rõ điểm này, tôi sẽ thường xuyên sử dụng thuật ngữ “Sapiens” để chỉ các thành viên của loài Homo sapiens, trong khi dành riêng thuật ngữ “con người” để chỉ tất cả các thành viên còn lại của chi Homo.
Hình 2. Các họ hàng thân thuộc của chúng ta, dựa theo hình ảnh phỏng đoán được tái tạo (từ trái sang): Homo rudoltensis (Đông Phi); Homo erectus (Đông Á); và Homo neanderthalensis (châu Âu và Tây Á). Tất cả họ đều là con người.
Con người bắt đầu tiến hoá ở Đông Phi khoảng 2,5 triệu năm trước, từ một chi trước của loài vượn gọi là Australopithecus, có nghĩa là “vượn cổ phương Nam”. Khoảng 2 triệu năm trước, một số nam giới và nữ giới cổ đại đã rời bỏ quê hương để bắt đầu cuộc hành trình xuyên qua và dừng lại định cư tại các khu vực Bắc Phi, châu Âu và châu Á rộng lớn. Do môi trường sống trong các khu rừng tuyết phủ của Bắc Âu yêu cầu những đặc tính di truyền khác biệt so với các khu rừng nhiệt đới nóng bức của Indonesia, nên quần thể người đã tiến hoá theo những hướng khác nhau. Kết quả là tạo ra một số loài khác biệt, mỗi loài trong đó được các nhà khoa học đặt cho cái tên Latin rất kêu.
Con người ở châu Âu và Tây Á đã tiến hoá thành Homo neanderthalensis (“Người đến từ thung lũng Neander”), thường được gọi đơn giản là “Neanderthal”. Neanderthal, đô con và lực lưỡng hơn Sapiens chúng ta, đã thích nghi rất giỏi với khí hậu lạnh của thời kỳ băng hà vùng Tây Á. Những khu vực xa hơn về phía đông của châu Á là nơi tập trung đông đảo của nhóm Homo erectus, “Người có dáng đứng thẳng”, sinh sống ở đó gần 2 triệu năm, là loài người tồn tại lâu nhất từ trước tới nay. Kỷ lục này khó có thể bị phá vỡ ngay cả với chính loài người chúng ta. Người ta hoài nghi là liệu Homo sapiens có còn tồn tại trong 1.000 năm nữa kể từ bây giờ hay không, cho nên 2 triệu năm thực sự là quá sức đối với chúng ta.
Trên đảo Java ở Indonesia, có Homo soloensis (“Người đến từ thung lũng Solo”) sinh sống, loài người này được cho là phù hợp với cuộc sống ở vùng nhiệt đới. Trên một hòn đảo nhỏ khác của Indonesia là Flores, người cổ đại đã trải qua một quá trình thu nhỏ lại. Những người đầu tiên đặt chân lên Flores khi mực nước biển xuống thấp bất thường, và rất dễ dàng đi từ đất liền ra đảo. Khi biển lại dâng lên, một số người bị mắc kẹt trên đảo, vốn rất nghèo tài nguyên. Những người to lớn, cần nhiều thức ăn, chết đầu tiên. Người nhỏ hơn dễ sống sót hơn nhiều. Trải qua nhiều thế hệ, người dân Flores đã trở thành người lùn. Loài người độc đáo này, được các nhà khoa học đặt tên là Homo floresiensis, đạt chiều cao tối đa chỉ khoảng một mét và nặng không quá 25 kg. Tuy nhiên, họ có thể chế tác các công cụ bằng đá, và thậm chí đôi khi vẫn có thể săn bắt được một vài con voi trên đảo, dù rằng đây cũng là một dạng voi lùn, cho có vẻ công bằng.
Năm 2010, một người anh em ruột thịt khác đã biến mất của loài người được cứu thoát khỏi sự quên lãng, khi các nhà khoa học khai quật hang Denisova ở Siberia phát hiện ra một phần xương ngón tay hoá thạch. Phân tích gen đã cho thấy các ngón tay này thuộc về một loài người chưa từng được biết đến trước đây, được đặt tên là Homo denisova. Ai mà biết được còn bao nhiêu họ hàng của chúng ta đang chờ đợi để được khám phá trong các hang động, trên các đảo và trong những vùng khí hậu khác.
Trong khi con người đã phát triển ở châu Âu và châu Á, quá trình tiến hoá ở Đông Phi cũng diễn ra không ngừng. Cái nôi của nhân loại tiếp tục nuôi dưỡng nhiều loài mới, chẳng hạn như Homo rudolfensis, “Người tới từ hổ Rudolf”, Homo ergaster, “Người lao động”, và cuối cùng là loài người chúng ta ngày nay, được chúng ta đặt tên một cách không khiêm tốn là Homo sapiens, “Người tinh khôn”.
Những thành viên của một số loài kể trên có vóc dáng rất to lớn, còn số khác lại rất nhỏ. Một số là những thợ săn đáng sợ và số khác lại trở thành chuyên gia hái lượm. Một số nhóm chỉ sống trên một hòn đảo duy nhất, trong khi nhiều nhóm lại chinh phục toàn bộ các châu lục. Nhưng tất cả bọn họ đều thuộc về chi Homo. Tất cả họ đều là con người.
Một quan niệm sai lầm phổ biến là cho rằng các loài này đã được sắp xếp theo một đường thẳng đi lên, với việc ergaster tiến hoá thành erectus, erectus lại tiến hoá thành Neanderthal, và Neanderthal tiến hoá thành chúng ta. Mô hình tuyến tính này tạo ra ấn tượng nhầm lẫn rằng tại bất kỳ thời điểm nào cũng chỉ có một loài người trên Trái đất, và rằng tất cả các loài trước đó là những phiên bản lỗi thời của chúng ta. Sự thật là từ khoảng 2 triệu năm trước cho đến khoảng 10.000 năm trở lại đây, tại cùng một thời điểm, thế giới là ngôi nhà của một số loài người. Tại sao lại không? Ngày nay có nhiều loài cáo, gấu và lợn. Trái đất của 100 thiên niên kỷ trước đã in dấu chân của ít nhất sáu loài người khác nhau. Sự độc quyền hiện tại của chúng ta, chứ không phải của đa loài trong quá khứ là điều kỳ dị và có lẽ là tội ác. Như chúng ta sẽ sớm thấy, Sapiens chúng ta có các lý do hợp lý để kiềm chế kí ức về những người anh em ruột thịt của mình.
Cái giá của tư duy
Mặc dù có nhiều sự khác biệt, nhưng tất cả các loài người đều cùng chung một số đặc tính rõ nét. Đáng chú ý nhất, con người có bộ não cực lớn so với các loài động vật khác. Động vật có vú nặng 60 kg có kích thước não trung bình là 200 cm³. Những nam giới và nữ giới xuất hiện đầu tiên vào khoảng 2,5 triệu năm trước đã có bộ não khoảng 600 cm³. Bộ não trung bình của Sapiens hiện đại có kích thước vào khoảng 1.200-1.400 cm³. Bộ não của Neanderthal thậm chí còn lớn hơn.
Quá trình tiến hoá chọn lọc những bộ não lớn hơn với chúng ta là điều dường như không cần phải bàn cãi. Chúng ta say mê trí thông minh bậc cao của mình đến mức cho rằng sức mạnh não bộ càng lớn càng tốt. Nhưng nếu vậy, họ nhà mèo cũng sẽ sinh ra những con mèo biết làm toán. Tại sao chỉ mỗi chi Homo trong toàn bộ thế giới động vật có được bộ óc lớn tới như vậy?
Thực tế là một bộ não khổng lồ giống như một ống cống vĩ đại hút cạn năng lượng của cơ thể. Thật không dễ dàng để mang nó, đặc biệt khi được bọc kín trong một hộp sọ lớn. Tiếp nhiên liệu cho não còn khó khăn hơn. Ở Homo sapiens, bộ não chiếm khoảng 2-3% tổng trọng lượng cơ thể, nhưng nó sử dụng tới 25% năng lượng của cơ thể khi cơ thể ở trạng thái nghỉ ngơi. Để so sánh, bộ não của các loài vượn khác chỉ đòi hỏi có 8% năng lượng trong thời gian nghỉ ngơi. Người cổ đại phải trả giá cho bộ não lớn của họ theo hai cách. Thứ nhất, họ mất nhiều thời gian hơn để tìm thức ăn. Thứ hai, cơ bắp của họ bị teo lại. Giống như việc chính phủ hướng ngân sách tư quốc phòng sang giáo dục, con người cũng hướng năng lượng từ bắp tay đến tế bào thần kinh. Khó có thể khẳng định rằng cuộc đổi chác này là một chiến lược tồn tại tốt trên đồng cỏ. Một con tinh tinh không thể giành chiến thắng khi tranh luận với một Homo sapiens, nhưng một con vượn có thể xé xác bạn giống như một con búp bê vải.
Ngày nay, bộ não lớn của chúng ta là một món hời, bởi vì chúng ta có thể sản xuất ra xe hơi và súng, những thứ cho phép chúng ta di chuyển nhanh hơn nhiều so với tinh tinh, và bắn chúng từ một khoảng cách an toàn thay vì đấu trực tiếp. Nhưng xe hơi và súng là những sản phẩm hiện đại. Trong hơn 2 triệu năm, mạng lưới nơron của con người tiếp tục phát triển không ngừng, nhưng ngoài một số thứ như dao bằng đá và gậy vót nhọn, con người chẳng có gì nhiều để khoe khoang. Vậy điều gì đã thúc đẩy sự tiến hoá của bộ não khổng lồ của con người trong suốt 2 triệu năm đó? Thành thật mà nói, chúng ta không biết.
Một điểm riêng biệt nữa của con người là chúng ta đứng thẳng trên hai chân. Nhờ đứng lên, ta có thể rà quét các đồng cỏ để săn bắt hoặc phát hiện kẻ thù dễ dàng hơn, và đôi tay khi không còn cần thiết cho vận động thì được tự do làm những việc khác, như ném đá hoặc ra hiệu. Đôi bàn tay có thể làm được nhiều việc hơn thì người chủ của chúng càng thành công hơn, vì vậy áp lực tiến hoá khiến các dây thần kinh và cơ bắp tinh chỉnh tập trung ngày càng nhiều vào lòng bàn tay và ngón tay. Kết quả là con người có thể thực hiện các nhiệm vụ rất phức tạp với đôi bàn tay của mình. Đặc biệt, họ có thể chế tác và sử dụng các công cụ tinh vi. Bằng chứng đầu tiên về việc này xuất hiện vào khoảng 2,5 triệu năm trước, và đây là những tiêu chí mà các nhà khảo cổ nhận biết được về sự tồn tại của con người cổ đại.
Song, đi thẳng có nhược điểm của nó. Tổ tiên loài linh trưởng của chúng ta có bộ xương phát triển trong hàng triệu năm giúp họ đi bằng bốn chân và có một cái đầu tương đối nhỏ. Khi điều chỉnh sang dáng đứng thẳng là một thách thức khá lớn, đặc biệt khi bộ khung xương phải hỗ trợ một hộp sọ cực lớn. Loài người đã phải trả giá cho việc có được tầm nhìn cao và bàn tay khéo léo bằng các bệnh đau lưng và vôi hoá đốt sống cổ.
Phụ nữ còn phải trả giá đắt hơn. Dáng đi thẳng làm cho hông hẹp lại, chèn ép đường sinh – và điều này xảy ra khi mà đầu của trẻ sơ sinh ngày càng trở nên lớn hơn. Chết khi sinh nở đã trở thành một mối nguy hiểm lớn đối với phụ nữ. Những phụ nữ sinh non, khi não và đầu của trẻ sơ sinh vẫn còn tương đối nhỏ và mềm, thì có sức khỏe tốt hơn và cơ hội sống sót để có thêm con. Chọn lọc tự nhiên do đó ủng hộ việc sinh non. Và quả thực so với các động vật khác, con người được sinh sớm, khi nhiều bộ phận quan trọng vẫn còn chưa phát triển. Một con ngựa con có thể đứng dậy ngay sau khi được sinh ra; một con mèo con có thể tự kiếm ăn khi chỉ mới một vài tuần tuổi. Còn những đứa trẻ sơ sinh thì bất lực, phụ thuộc nhiều năm vào bố mẹ để nhận sự nuôi dưỡng, bảo vệ và giáo dục.
Thực tế này đã đóng góp rất nhiều cho các năng lực mang tính xã hội kỳ diệu của loài người và các vấn đề xã hội chỉ mình nó có. Một bà mẹ đơn độc khó có thể kiếm đủ thức ăn cho mình và con cái khi chúng đang cần được chăm bẵm. Nuôi con đòi hỏi sự giúp đỡ liên tục từ các thành viên khác trong gia đình và hàng xóm. Cả một bộ tộc phải cùng chung sức nuôi dưỡng một con người. Do đó, tiến hoá ủng hộ những ai có thể hình thành các mối quan hệ xã hội chặt chẽ. Ngoài ra, do con người được sinh ra khi chưa phát triển hoàn thiện, nên họ có thể được giáo dục và xã hội hoá ở một mức độ lớn hơn nhiều so với bất kỳ động vật nào. Hầu hết bào thai của động vật có vú giống như đất nung đà tráng men trong lò, mọi nỗ lực ép vào khuôn sẽ làm xước hoặc phá hỏng chúng. Còn bào thai người giống như thủy tinh nóng chảy trong lò. Có thể xe chúng thành sợi, kéo dài và định hình dễ dàng đến ngạc nhiên. Đó là lý do mà hôm nay chúng ta có thể giáo dục con cái trở thành một tín đồ Ki-tô hay Phật giáo, theo tư bản hay chủ nghĩa xã hội, hiếu chiến hay yêu hòa bình.
Chúng ta giả định rằng với một bộ não lớn, khả năng sử dụng công cụ, học tập đỉnh cao và hình thành các cấu trúc xã hội phức tạp là những lợi thế to lớn. Dường như hiển nhiên là những đặc điểm kể trên đã góp phần tạo nên loài động vật có sức mạnh nhất trên Trái đất. Nhưng dù con người được hưởng tất cả những lợi thế đó trong 2 triệu năm, trong khoảng thời gian đó họ vẫn là sinh vật yếu đuối và ngoài rìa. Như vậy, dù có bộ não lớn và các công cụ bằng đá sắc nhọn, nhưng con người cách đây 1 triệu năm luôn sống trong sợ hãi bởi những kẻ săn mồi, hiếm khi săn bắt lớn, và sống đơn độc chủ yếu bằng cách hái lượm cây cỏ, thu vét côn trùng, rình rập động vật nhỏ, và ăn thịt thối rữa do các động vật ăn thịt mạnh mẽ khác để lại.
Một trong những tác dụng phổ biến nhất của các công cụ bằng đá thời kỳ đầu là để đập vỡ xương và lấy tủy. Một số nhà nghiên cứu tin rằng đây là ưu thế ban đầu của chúng ta. Cũng như chim gõ kiến chuyên moi côn trùng từ các thân cây, những con người đầu tiên chuyên hút tủy từ xương. Tại sao lại là tủy? Vâng, giả sử bạn quan sát những con sư tử đầy kiêu hãnh hạ gục và ngấu nghiến một con hươu cao cổ. Bạn kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi chúng dùng xong bữa. Nhưng vẫn chưa tới lượt bạn đâu, vì đầu tiên sẽ có các con linh cẩu và chó rừng tới nhặt nhạnh thức ăn thừa, và bạn không dám cạnh tranh với chúng. Chỉ sau khi chúng bỏ đi, bạn cùng cả nhóm mới dám tiếp cận những gì còn sót lại, thận trọng nhìn xung quanh và moi móc những mẩu còn ăn được.
Đây chính là chìa khoá để hiểu được lịch sử và tâm lý của chúng ta. Vị trí của chi Homo trong chuỗi thức ăn, cho đến gần đây vẫn trụ vững ở giữa. Trong hàng triệu năm, con người săn bắt những sinh vật nhỏ hơn và thu thập tất cả những gì họ có thể, trong khi luôn bị săn đuổi bởi những kẻ săn mồi lớn hơn. Chỉ 400.000 năm trước đây, loài người mới bắt đầu săn thú lớn một cách thường xuyên, và chỉ trong 100.000 năm vừa qua – với sự gia tăng của Homo sapiens – con người mới nhảy lên đứng đầu chuỗi thức ăn.
Bước nhảy vọt ngoạn mục từ vị trí giữa lên đầu chuỗi thức ăn mang đến những hệ quả to lớn. Các động vật ở đỉnh kim tự tháp, như sư tử và cá mập, đạt được vị trí đó rất từ từ qua hàng triệu năm. Điều này cho phép các hệ sinh thái có thể phát triển một cơ chế tự kiểm soát và cân bằng để ngăn chặn sư tử và cá mập không gây ra thiệt hại quá lớn. Khi sư tử trở nên hung dữ hơn, thì linh dương cũng tiến hoá để chạy nhanh hơn, linh cẩu hợp tác tốt hơn, và tê giác trở nên nóng tính hơn. Ngược lại, loài người lên tới đỉnh nhanh tới mức các hệ sinh thái đã không có thời gian để điều chỉnh. Hơn nữa, con người cũng thất bại trong việc tự điều chỉnh. Hầu hết các loài ăn thịt hàng đầu của hành tinh là những sinh vật có kích thước lớn. Hàng triệu năm thống trị đã làm chúng đầy tự tin. Homo sapiens ngược lại giống như một tên độc tài trong nền “Cộng hòa chuối”*. Cho tới gần đây, con người vẫn ở thế yếu trên đồng cỏ. Chúng ta sợ hãi và lo lắng khôn nguôi về vị trí của mình, điều đó khiến cho chúng ta độc ác và nguy hiểm gấp đôi. Nhiều tai ương trong lịch sử, từ các cuộc chiến tranh chết chóc đến những thảm họa sinh thái, đều là hậu quả của bước nhảy vọt tiến hoá quá vội vàng này.
Một giống loài biết nấu nướng
Một bước quan trọng trên con đường tới đỉnh là sự thuần hoá lửa. Một số loài người có thể thi thoảng đã sử dụng lửa khoảng 800.000 năm trước. Khoảng 300.000 năm trước, Homo erectus, Neanderthal và tổ tiên của Homo sapiens đã sử dụng lửa hằng ngày. Lửa đã cấp cho con người lúc đó nguồn ánh sáng và sự sưởi ấm đầy tin cậy, cùng một thứ vũ khí lợi hại chống lại những con sư tử đang rình mò. Không lâu sau đó, thậm chí con người có lẽ đã bắt đầu dùng lửa để đốt cháy khu vực xung quanh một cách có chủ ý. Một ngọn lửa được quản lý cẩn thận có thể biến nơi đầy những bụi cây cằn cỗi không thể đi qua thành các đồng cỏ tươi tốt đầy tiềm năng săn bắt. Ngoài ra, ngay khi lửa vừa tắt, con người Thời kỳ Đồ đá có thể dạo bước giữa đống tro tàn, thu hoạch các con vật, hạt cây và củ được nướng chín.
Nhưng tác dụng tuyệt nhất của lửa chính là nấu chín thức ăn. Thực phẩm mà con người không thể tiêu hoá ở trạng thái tự nhiên – như lúa mì, gạo và khoai tây – đã trở thành thức ăn chính trong chế độ ăn uống của chúng ta nhờ nấu nướng. Lửa không chỉ thay đổi tính chất hoá học của thực phẩm, nó còn làm thay đổi tính chất sinh học. Việc nấu chín đã tiêu diệt vi trùng và ký sinh trùng vốn gây nhiễm khuẩn thực phẩm. Con người cũng nhai và tiêu hoá các món yêu thích cũ như trái cây, các loại hạt, côn trùng và thịt thối dễ dàng hơn nếu chúng được nấu chín. Trong khi tinh tinh dành năm giờ một ngày nhai thức ăn sống, con người chỉ cần một giờ là đủ cho thức ăn đã nấu chín.
Sự xuất hiện của việc nấu nướng đã cho phép con người ăn được nhiều loại thức ăn, tốn ít thời gian cho chuyện ăn uống, và khiến răng trở nên nhỏ hơn còn ruột thì ngắn hơn. Một số học giả tin rằng có một mối liên quan trực tiếp giữa sự xuất hiện của nấu nướng với sự rút ngắn đường ruột và sự phát triển của bộ não con người. Bởi cả hệ tiêu hoá dài và bộ não lớn đều tiêu thụ năng lượng khủng khiếp, rất khó để dung hòa cả hai. Bằng cách rút ngắn ruột và giảm tiêu thụ năng lượng, việc nấu nướng vô tình mở đường cho bộ não to lớn của Neanderthal và Sapiens.
Lửa cũng đã mở ra bước ngoặt quan trọng đầu tiên giữa con người và các loài động vật khác. Sức mạnh của hầu hết các loài động vật phụ thuộc vào cơ thể của chúng: sức mạnh của cơ bắp, kích thước của răng, bề rộng của sải cánh. Mặc dù chúng có thể lợi dụng gió và dòng nước, nhưng chúng không thể kiểm soát các lực lượng tự nhiên, và luôn bị hạn chế bởi thiết kế vật lý của mình. Ví dụ như loài đại bàng có thể xác định các luồng nhiệt bốc lên từ mặt đất, dang rộng đôi cánh khổng lồ của chúng và cho phép không khí nóng nâng chúng lên. Tuy nhiên, đại bàng không thể kiểm soát vị trí của luồng nhiệt, và năng lực mang vác tối đa của chúng tỉ lệ chặt chẽ với sải cánh.
Khi con người thuần hoá được lửa, họ đã kiểm soát được một sức mạnh có tiềm năng vô hạn và dễ sai khiến. Không như đại bàng, con người có thể chọn khi nào và ở đâu để nhóm lửa, và họ có thể sử dụng lửa cho bất kỳ nhiệm vụ nào. Quan trọng nhất, sức mạnh của lửa không bị giới hạn bởi hình thức, cấu tạo hay sức mạnh của cơ thể con người. Một người phụ nữ đơn độc với một viên đá lửa hoặc cây gậy đang cháy dở có thể thiêu rụi toàn bộ một khu rừng trong vài giờ. Việc thuần phục lửa là dấu hiệu của những sự kiện sắp đến.
Người chăm sóc cho các anh em của chúng ta
Mặc dù nhận được lợi ích rất lớn từ lửa, nhưng 150.000 năm trước con người vẫn là những sinh vật hèn mọn. Họ có thể xua đuổi sư tử, sưởi ấm mình trong đêm lạnh, và thi thoảng đốt rừng. Song, tính tổng tất cả các loài người, chắc có không quá 1 triệu người sống giữa quần đảo Indonesia và bán đảo Iberia, một chấm nhỏ li ti trên màn hình ra-đa sinh thái.
Loài người chúng ta, Homo sapiens, đã hiện diện trên thế giới, nhưng cho đến lúc đó vẫn chỉ quanh quẩn trong một góc của châu Phi. Chúng ta không biết chính xác ở đâu và khi nào động vật có thể được phân loại thành Homo sapiens đầu tiên tiến hoá từ một số loại hình trước đây của con người, nhưng hầu hết các nhà khoa học đều đồng ý rằng khoảng 150.000 năm trước, Sapiens nhìn giống chúng ta có lẽ đã cư ngụ tại Đông Phi. Nếu một trong số họ có mặt trong một nhà xác hiện đại, các bác sĩ giải phẫu địa phương sẽ không nhận thấy có gì đặc biệt. Nhờ lửa, họ đã có răng và hàm nhỏ hơn tổ tiên mình, trong khi bộ não họ phát triển tối đa, bằng kích thước của chúng ta.
Các nhà khoa học cũng đồng ý rằng khoảng 70.000 năm trước đây, Sapiens từ Đông Phi đã lan sang bán đảo Ả-rập, và từ đó họ nhanh chóng chiếm lĩnh toàn bộ vùng Á-Âu rộng lớn.
Khi Homo sapiens đặt chân tới Ả-rập, thì những giống người khác đã cư ngụ ở phần lớn Á-Âu. Chuyện gì đã xảy ra với họ? Có hai lý thuyết xung đột nhau. “Lý thuyết lai giống” đưa ra câu chuyện về sự thu hút, tình dục và pha trộn. Khi những người nhập cư từ châu Phi lan rộng khắp thế giới, họ đã giao phối với các cộng đồng người khác, và con người ngày nay chính là kết quả của sự lai giống này.
Ví dụ, khi Sapiens đến Trung Đông và châu Âu, họ đã gặp Neanderthal. Những người này có cơ bắp hơn Sapiens, bộ não lớn hơn, và đã thích nghi tốt hơn với khí hậu lạnh. Họ sử dụng công cụ và lửa, là thợ săn giỏi, và dường như đã biết chăm sóc những thành viên bệnh tật và ốm yếu. (Các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra những bộ xương của Neanderthal sống nhiều năm với những khuyết tật thể chất nghiêm trọng, có bằng chứng là họ đã được những họ hàng của mình chăm sóc). Neanderthal thường được vẽ trong các bức tranh là “người hang động” tàn bạo và ngu ngốc điển hình, nhưng bằng chứng gần đây đã làm quan niệm về họ thay đổi.
Theo lý thuyết lai giống, khi Sapiens tỏa rộng sang các vùng đất của Neanderthal, Sapiens phối ngẫu với Neanderthal cho đến khi hai quần thể sáp nhập. Nếu đây là giả thuyết đúng thì người Âu-Á ngày nay không phải là Sapiens thuần chủng. Họ là sự kết hợp giữa Sapiens và Neanderthal. Tương tự, khi Sapiens đặt chân tới Đông Á, họ giao phối với người Erectus địa phương, do đó người Trung Hoa và Hàn Quốc chính là sự kết hợp của Sapiens và Erectus.
Quan điểm đối lập, được gọi là “lý thuyết thay thế” lại kể một câu chuyện rất khác – một sự không tương thích, ghê tởm, và thậm chí cả diệt chủng. Theo lý thuyết này, Sapiens và những giống người khác có các cấu tạo giải phẫu khác nhau, những thói quen ghép đôi và thậm chí cả mùi cơ thể rất có thể cũng khác nhau. Có thể họ đã có chút quan tâm về tình dục đối với giống người khác. Và thậm chí nếu một chàng Romeo Neanderthal và một nàng Juliet Sapiens yêu nhau thì họ cũng không thể tạo ra những đứa trẻ khỏe mạnh, vì tổ hợp gen khác biệt giữa hai quần thể không thể kết nối với nhau. Hai quần thể luôn hoàn toàn tách biệt và khi Neanderthal chết đi hoặc bị giết, gen của họ cũng mất theo. Theo quan điểm này, Sapiens thay thế tất cả các quần thể người trước đó chứ không sáp nhập với họ. Nếu trường hợp này là đúng, chúng ta có thể truy ra nguồn cội của tất cả người hiện đại trước đây, đặc biệt là ở Đông Phi cách đây 70.000 năm. Tất cả chúng ta là “Sapiens thuần chủng”.
Bản đồ 1.Homo sapiens chinh phục toàn cầu
Nhiều vấn đề hệ trọng phụ thuộc vào cuộc tranh luận này. Từ quan điểm tiến hoá, 70.000 năm là một khoảng thời gian tương đối ngắn. Nếu lý thuyết thay thế là đúng, thì tất cả con người đều có chung một hành trang di truyền, và sự khác biệt về chủng tộc giữa họ là không đáng kể. Nhưng nếu lý thuyết lai giống là đúng thì có thể cũng có sự khác biệt về gen giữa người châu Phi, châu Âu và châu Á từ mấy trăm ngàn năm về trước. Điều này giống như thuốc nổ chính trị, có thể cung cấp nguyên liệu cho các học thuyết phân biệt chủng tộc kinh hoàng.
Trong những thập kỷ gần đây, lý thuyết thay thế trở nên phổ biến trong nghiên cứu. Nó nhận được sự ủng hộ vững chắc từ khảo cổ học, và được coi là đúng đắn hơn về mặt chính trị (các nhà khoa học không mong muốn mở chiếc hộp Pandora, chứa đựng sự phân biệt chủng tộc bằng cách tuyên bố sự đa dạng đáng kể về gen giữa các quần thể người hiện đại). Nhưng điều này đã kết thúc vào năm 2010, khi các kết quả của một nỗ lực suốt bốn năm để lập bản đồ hệ gen Neanderthal được công bố. Các nhà di truyền học đã có thể thu thập đầy đủ nguyên vẹn ADN của Neanderthal hoá thạch để thiết lập một so sánh rộng giữa ADN này và ADN của con người hiện đại. Kết quả đã làm cộng đồng khoa học choáng váng.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng có khoảng 1-4% ADN duy nhất của quần thể người hiện đại ở Trung Đông và châu Âu là giống với ADN của Neanderthal. Đây không phải là con số lớn, nhưng lại quan trọng. Cú sốc thứ hai đến sau đó vài tháng, khi ADN lấy từ các ngón tay hoá thạch ở người Denisova được phân tích di truyền. Các kết quả đã chứng minh rằng có đến 6% ADN dị biệt của thổ dân Melanesia hiện đại và thổ dân Úc là giống với ADN của Denisova.
Nếu những kết quả trên là chính xác – và điều quan trọng cần lưu ý rằng nghiên cứu bổ sung đang được tiến hành có thể củng cố hoặc sửa đổi những kết luận – lý thuyết lai giống ít nhất cũng đúng một phần nào đó. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng lý thuyết thay thế là hoàn toàn sai. Bởi Neanderthal và Denisova chỉ góp một lượng nhỏ ADN trong bộ gen ngày nay của chúng ta, không thể nói có một cuộc “sáp nhập” giữa Sapiens và các loài người khác. Mặc dù sự khác biệt giữa họ đã không đủ lớn để ngăn chặn hoàn toàn giao phối hữu thụ, nhưng chúng cũng đủ để làm cho những kết nối như vậy trở nên rất hiếm hoi.
Vậy thì chúng ta nên hiểu mối liên hệ sinh học giữa Sapiens, Neanderthal và Denisova thế nào? Rõ ràng, họ không phải là các loài hoàn toàn khác nhau như ngựa và lừa. Mặt khác, họ không phải là các quần thể khác biệt nhau trong cùng loài, giống như chó bun và chó tai cụp. Thực tế sinh học không đơn giản là màu đen và trắng. Còn có các vùng màu xám quan trọng. Nếu hai loài tiến hoá từ một tổ tiên chung, giống như ngựa và lừa, thì đã có thời điểm nào đó chúng chỉ là hai quần thể của cùng một loài, giống như chó bun và chó tai cụp Chắc chắn phải có một điểm mà hai quần thể hoàn toàn khác nhau về mặt di truyền, nhưng vào những dịp hiếm hoi vẫn có khả năng giao phối và sinh ra những đứa con hữu thụ. Rồi đột biến gen đã cắt đứt kết nối cuối cùng này, và chúng đã tiến hoá theo những con đường riêng biệt.
Hình 3. Hình ảnh phỏng đoán tái tạo về một đứa trẻ Neanderthal. Bằng chứng di truyền học gợi ý rằng ít nhất một số Neanderthal có tóc và da màu sáng.
Dường như là khoảng 50.000 năm trước đây, Sapiens, Neanderthal và Denisova ở thời điểm lằn ranh này. Họ gần như, nhưng không hoàn toàn, là những loài riêng biệt. Như chúng ta sẽ thấy trong chương tiếp theo, Sapiens rất khác biệt với Neanderthal và Denisova không chỉ trong mã di truyền và các đặc điểm thể chất, mà còn ở khả năng nhận thức và xã hội của họ, song vẫn không thể loại trừ khả năng vào những dịp hiếm hoi, Sapiens và Neanderthal sinh ra những đứa con hữu thụ.
Vì vậy, các quần thể không hợp nhất, nhưng một vài gen Neanderthal may mắn đã di truyền vào vốn gen của Sapiens. Thật đáng ngại – và có lẽ còn ly kỳ – khi nghĩ rằng Sapiens chúng ta tại một thời điểm nào đó lại có quan hệ tình dục với một động vật từ một loài khác, và sinh ra những đứa con chung.
Nhưng nếu Neanderthal, Denisova và những loài người khác nữa không hợp nhất với Sapiens, thì tại sao họ biến mất? Có một khả năng là chính Homo sapiens đã đẩy họ đến bờ tuyệt chủng. Hãy tưởng tượng một toán Sapiens đến một thung lũng Balkan nơi người Neanderthal đã sống mấy trăm ngàn năm. Những kẻ mới đến bắt đầu đi săn hươu và thu thập các loại hạt và quả mọng, vốn là thực đơn truyền thống của Neanderthal. Sapiens là những thợ săn bắt và hái lượm thành thạo hơn – nhờ công nghệ tốt hơn và kĩ năng xã hội tốt hơn – nên đã tăng theo cấp số nhân và lan rộng. Tài nguyên ít đi khiến Neanderthal khó tìm được thức ăn để nuôi thân. Dân số giảm đi và họ chết dần, có lẽ ngoại trừ 1-2 thành viên đã gia nhập cộng đồng Sapiens láng giềng của họ.
Khả năng khác là sự cạnh tranh nguồn tài nguyên đã bùng lên thành bạo lực và diệt chủng. Khoan dung không phải là đặc trưng của Sapiens. Ở thời kỳ hiện đại, sự khác biệt nhỏ về màu da, phương ngữ hay tôn giáo là đã đủ để khiến cho một nhóm Sapiens tiêu diệt một nhóm khác. Liệu Sapiens cổ đại có khoan dung hơn đối với những loài người hoàn toàn khác với họ? Có thể khi Sapiens bắt gặp Neanderthal, kết quả là một chiến dịch diệt chủng đầu tiên và quan trọng nhất trong lịch sử.
Cho dù điều gì đã xảy ra, Neanderthal (và những loài người khác) đã đặt ra câu hỏi “nếu như” lớn nhất trong lịch sử. Hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu như Neanderthal hoặc Denisova sống sót cùng với Homo sapiens. Nền văn hoá, xã hội và các cơ cấu chính trị nào sẽ nổi lên trong một thế giới mà các loài người khác nhau cùng tồn tại? Ví dụ, các tín ngưỡng tôn giáo sẽ phát triển như thế nào? Liệu Sáng thế ký có tuyên bố rằng Neanderthal cũng là hậu duệ của Adam và Eve, và liệu Jesus có hy sinh để chuộc tội cho Denisova, và liệu kinh Koran có dành chỗ công bằng trên thiên đường cho tất cả những kẻ chính trực, bất kể giống loài nào? Neanderthal có thể phục vụ trong các binh đoàn La Mã, hoặc trở thành đám quan lại màu mè trong triều đình phong kiến Trung Quốc được không? Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ có nêu cao một sự thật hiển nhiên rằng tất cả các thành viên của chi Homo đều được sinh ra bình đẳng? Liệu Karl Marx có kêu gọi công nhân của tất cả các loài phải đoàn kết?
Hơn 10.000 năm qua, Homo sapiens đã quá quen với tư cách loài người duy nhất đến mức thật khó để chúng ta nhìn nhận bất kỳ khả năng nào khác. Sự thiếu hụt anh chị em càng làm chúng ta dễ nhầm tưởng hơn rằng mình là hình ảnh thu nhỏ của sự sáng tạo tuyệt đỉnh, và rằng đó là vực thẳm ngăn cách chúng ta với phần còn lại của thế giới động vật. Khi Charles Darwin chỉ ra rằng Homo sapiens chỉ là một loài động vật, nhân loại đã cảm thấy bị xúc phạm. Thậm chí ngày nay, nhiều người từ chối tin vào điều này. Liệu nếu Neanderthal còn sống sót, chúng ta vẫn sẽ tưởng tượng mình là một loài đơn độc? Có lẽ đây là nguyên do chính xác tại sao tổ tiên của chúng ta đã xóa sổ Neanderthal. Họ quá tương đồng nên không thể làm ngơ, nhưng cũng quá khác biệt để dung thứ.
Cho dù Sapiens có bị đổ lỗi hay không, thì họ đã tới nơi mới sau khi cư dân bản địa đã bị tuyệt chủng. Những gì còn lại cuối cùng của Homo soloensis có niên đại cách đây khoảng 50.000 năm. Homo denisova biến mất ngay sau đó. Neanderthal biến mất cách đây khoảng 30.000 năm. Những người lùn cuối cùng biến mất khỏi đảo Flores khoảng 12.000 năm trước đây. Họ để lại một số mảnh xương, công cụ bằng đá, một vài gen trong ADN của chúng ta và nhiều câu hỏi không lời đáp. Họ cũng để lại chúng ta, Homo sapiens, loài người cuối cùng.
Bí mật thành công của Sapiens là gì? Làm thế nào chúng ta có thể định cư nhanh chóng trong những môi trường sống xa lạ và có đặc điểm sinh thái khác biệt? Làm thế nào chúng ta đẩy được tất cả các loài người khác vào quên lãng? Tại sao ngay cả Neanderthal khỏe mạnh, thông minh, chịu được lạnh lại không thể tồn tại trước sự tấn công của chúng ta? Các cuộc bàn luận vẫn tiếp tục diễn ra sôi nổi. Câu trả lời khả dĩ nhất lại nằm ở chính nhân tố khiến cuộc tranh luận có thể xảy ra: Homo sapiens chinh phục thế giới nhờ ngôn ngữ độc đáo của mình.
2
CÂY TRI THỨC
Trong chương trước, chúng ta đã thấy rằng mặc dù Sapiens đã định cư tại Đông Phi khoảng 150.000 năm trước, họ tiếp tục xâm chiếm phần còn lại của Trái đất và đẩy những loài người khác đến tuyệt chủng chỉ cách đây khoảng 70.000 năm. Trong hàng ngàn năm đó, mặc dù Sapiens cổ đại trông giống chúng ta với bộ não có kích thước như loài người hiện nay, nhưng họ đã không sở hữu bất kỳ lợi thế đáng kể nào so với các loài người khác, không tạo ra các công cụ đặc biệt phức tạp, và cũng không ghi dấu bất kỳ chiến công đáng kể nào.
Trên thực tế, trong cuộc đụng độ đầu tiên được ghi nhận giữa Sapiens và Neanderthal, Neanderthal đã thắng. Khoảng 100.000 năm trước đây, một số nhóm Sapiens di cư về phía bắc tới Levant, lãnh thổ của Neanderthal, nhưng đã thất bại trong việc giành quyền đứng chân vững chắc. Có thể là do môi trường bản địa khó chịu, khí hậu khắc nghiệt, hoặc những loài ký sinh trùng địa phương xa lạ. Dù gì đi nữa, Sapiens cuối cùng rút lui, để lại Neanderthal thống trị Trung Đông.
Thành tích kém cỏi này đã dẫn đến việc các học giả suy đoán rằng cấu trúc bên trong bộ não của những Sapiens này có lẽ khác với của chúng ta. Họ trông giống chúng ta, nhưng các khả năng nhận thức - học tập, ghi nhớ, giao tiếp - vô cùng hạn chế. Dạy một người Sapiens cổ đại nói tiếng Anh, thuyết phục anh ta về các tín điều tôn giáo, hoặc giảng cho anh ta hiểu được lý thuyết tiến hoá có lẽ là vô vọng. Ngược lại, chúng ta cũng sẽ phải rất mất thời gian mới hiểu được thứ ngôn ngữ và cách tư duy của anh ta.
Nhưng sau đó, bắt đầu từ khoảng 70.000 năm trước, Homo sapiens bắt đầu làm những điều rất đặc biệt. Khoảng thời gian đó, một toán Sapiens rời châu Phi lần thứ hai. Lần này, họ đẩy Neanderthal và tất cả các loài người khác không chỉ khỏi Trung Đông mà còn khỏi mọi nơi trên Trái đất. Trong một thời gian khá ngắn, Sapiens đã đặt chân tới châu Âu và Đông Nam Á. Khoảng 43.000 năm trước, bằng cách nào đó họ đã vượt biển và đặt chân lên châu Úc – một lục địa cho đến lúc đó vẫn chưa hề có con người. Khoảng thời gian cách đây từ 70.000 năm tới 30.000 năm đã chứng kiến việc phát minh ra thuyền, đèn dầu, cung tên và kim khâu (cần thiết cho việc may quần áo ấm). Những sản phẩm đầu tiên có thể tự tin gọi là nghệ thuật và đồ trang sức đã xuất hiện từ thời đại này, là những bằng chứng đầu tiên không thể chối cãi về sự hình thành tôn giáo, thương mại và phân tầng xã hội.
Hầu hết các nhà nghiên cứu tin rằng những thành tích chưa từng có này là sản phẩm của một cuộc cách mạng trong khả năng nhận thức của Sapiens. Họ khẳng định rằng người đã đẩy Neanderthal tới tuyệt chủng, định cư ở châu Úc, và điêu khắc tượng nhân sư Stadel chính là những người thông minh, sáng tạo và nhạy cảm như chúng ta ngày nay. Nếu chúng ta có dịp nhìn ngắm các tác phẩm nghệ thuật trong hang động Stadel, chúng ta có thể học ngôn ngữ của họ và ngược lại. Chúng ta có thể giải thích cho họ tất cả mọi thứ mình biết, từ những cuộc phiêu lưu của Alice ở xứ sở thần tiên đến những nghịch lý của vật lý lượng tử, còn họ có thể dạy chúng ta về thế giới quan của mình.
Những cách suy nghĩ và giao tiếp mới xuất hiện trong thời kỳ cách đây 70.000 đến 30.000 năm trước đã tạo nên Cách mạng Nhận thức. Điều gì tạo ra nó? Chúng ta không chắc. Các lý thuyết phổ biến nhất tin rằng những đột biến di truyền ngẫu nhiên thay đổi hệ thống thần kinh não bộ của Sapiens, cho phép họ suy nghĩ đột phá và giao tiếp bằng một loại ngôn ngữ hoàn toàn mới. Chúng ta có thể gọi đó là đột biến của Cây Tri thức. Tại sao nó lại xảy ra ở ADN của Sapiens chứ không phải ở Neanderthal? Theo những gì chúng ta biết đến nay, tất cả chỉ là tình cờ. Nhưng hiểu được các hệ quả của đột biến Cây Tri thức quan trọng hơn nhiều so với việc tìm hiểu nguyên nhân của nó. Có gì thật đặc biệt ở ngôn ngữ mới của Sapiens đã cho phép loài người chinh phục thế giới?
Đây không phải là ngôn ngữ đầu tiên. Mỗi loài động vật có một số loại ngôn ngữ riêng. Ngay cả côn trùng, chẳng hạn như ong và kiến, cũng biết làm thế nào để giao tiếp theo những cách tinh vi, thông báo cho nhau về chỗ có đồ ăn. Đây cũng không phải là thứ ngôn ngữ đầu tiên có thanh âm. Nhiều loài động vật, bao gồm tất cả loài vượn và khỉ, cũng có ngôn ngữ thanh âm. Ví dụ, khỉ Chlorocebus sử dụng các tiếng kêu khác nhau để giao tiếp. Các nhà động vật học đã xác định được một tiếng kêu đó có nghĩa là: “Cẩn thận! Đại bàng!” Một tiếng kêu hơi khác thì cảnh báo: “Cẩn thận! Sư tử!” Khi các nhà nghiên cứu bật bản ghi âm tiếng kêu đầu tiên với một bầy khỉ, chúng dừng việc đang làm và nhìn lên trời đầy sợ hãi. Khi bầy khỉ đó được nghe một bản ghi âm tiếng kêu thứ hai, cảnh báo sư tử, chúng nhanh chóng leo lên một cái cây. Sapiens có thể tạo ra nhiều âm thanh đặc trưng hơn so với khỉ Chlorocebus, nhưng cá voi và voi cũng có khả năng ấn tượng không kém. Một con vẹt có thể nhại lại bất cứ điều gì mà Albert Einstein có thể nói, cũng như bắt chước tiếng chuông điện thoại, tiếng cánh cửa đóng sầm và tiếng còi báo động hú. Dù lợi thế của Einstein so với một con vẹt là gì đi nữa, thì đó cũng không phải là thanh âm. Vậy thì ngôn ngữ của chúng ta thực sự đặc biệt ở điểm nào?*
Hình 4. Bức tượng “nhân sư” (nam hoặc nữ) bằng ngà voi được tìm thấy tại hang Stadel ở Đức (32.000 năm trước). Mình người, nhưng đầu sư tử. Đây là một trong những ví dụ đầu tiên không thể chối cãi của nghệ thuật, và có lẽ của cả tôn giáo, cùng khả năng trí tuệ của con người tưởng tượng điều không có thật.
Câu trả lời phổ biến nhất, là ngôn ngữ của chúng ta linh hoạt một cách kinh ngạc. Chúng ta có thể kết nối một số nhất định các âm thanh và dấu hiệu để tạo nên vô số câu, mỗi câu lại có ý nghĩa riêng biệt. Chúng ta do đó có thể hấp thu, lưu trữ và truyền đạt một lượng thông tin khổng lồ về thế giới xung quanh. Một con khỉ Chlorocebus có thể cảnh báo cho đàn của nó: “Cẩn thận! Sư tử!” Nhưng một con người hiện đại có thể nói với bạn bè của mình rằng sáng nay, ở gần nhánh sông, cô ấy nhìn thấy một con sư tử bám đuổi một đàn bò rừng. Rồi cô ấy có thể mô tả chính xác vị trí, kể cả các con đường khác nhau dẫn đến nơi đó. Với thông tin này, các thành viên trong nhóm của cô ấy có thể chụm đầu với nhau và thảo luận liệu họ có nên tiếp cận nhánh sông để xua đuổi sư tử và săn bò rừng hay không.
Lý thuyết thứ hai đồng ý rằng ngôn ngữ độc đáo của chúng ta tiến hoá như là một phương tiện để chia sẻ thông tin về thế giới. Nhưng thông tin quan trọng nhất cần được chuyển tải, không phải về sư tử và bò rừng, mà là về con người. Ngôn ngữ của chúng ta phát triển như là một cách để tán gẫu. Theo lý thuyết này, Homo sapiens về bản chất là một động vật xã hội. Sự cộng tác xã hội là chìa khoá cho sự tồn tại và sinh sản. Những người nam và nữ không chỉ cần biết về sư tử hay bò rừng. Điều quan trọng hơn nhiều đối với họ là biết trong nhóm của mình ai ghét ai, ai đang ngủ với ai, ai trung thực, và ai lừa dối.
Lượng thông tin mà một người có được và lưu giữ để theo dõi các mối quan hệ luôn thay đổi của vài chục cá nhân là đáng kinh ngạc. (Trong một bầy gồm 50 thành viên, có 1.225 mối quan hệ một-một, và vô số các kết hợp xã hội phức tạp hơn). Tất cả vượn đều cho thấy một mối quan tâm về thông tin xã hội như vậy, nhưng chúng rất khó tán gẫu hiệu quả. Neanderthal và Homo sapiens cổ xưa có lẽ cũng đã có một thời gian khó khăn với việc nói sau lưng, một năng lực khá thâm hiểm nhưng trong thực tế lại cần thiết cho sự hợp tác với số lượng lớn. Các kĩ năng ngôn ngữ mới mà Sapiens hiện đại tiếp nhận được khoảng 70.000 năm trước đây cho phép họ tán gẫu nhiều giờ liền. Nhờ có được thông tin xác thực về thành viên đáng tin cậy mà những bầy nhỏ có thể mở rộng thành những bầy lớn hơn, và Sapiens có thể phát triển sự hợp tác chặt chẽ và tinh vi hơn.
Lý thuyết tán gẫu nghe như một trò đùa, nhưng nhiều nghiên cứu đã ủng hộ nó. Thậm chí ngày nay phần lớn các thông tin liên lạc của con người – dù ở hình thức email, gọi điện thoại hoặc bình luận báo chí – đều là tán gẫu. Nó diễn ra tự nhiên đến nỗi như thể ngôn ngữ của chúng ta phát triển cho mục đích này. Bạn có nghĩ rằng các giáo sư lịch sử tán gẫu về nguyên nhân của Thế chiến I khi họ gặp nhau ăn trưa, hoặc các nhà vật lý hạt nhân dành giờ nghỉ giải lao của họ tại các hội nghị khoa học để nói về hạt quark? Thi thoảng. Nhưng thường là họ sẽ bàn tán về việc một giáo sư bắt quả tang chồng mình ngoại tình, hoặc cuộc tranh cãi giữa trưởng khoa và hiệu trưởng, hoặc những tin đồn về một đồng nghiệp sử dụng quỹ nghiên cứu của mình để mua một chiếc Lexus. Tán gẫu thường tập trung vào những việc làm sai trái. Kẻ buôn chuyện ban đầu là giới báo chí, các phóng viên thông báo cho xã hội về việc này việc nọ, và do đó bảo vệ xã hội khỏi những kẻ gian dối và ăn bám.
Nhiều khả năng, cả lý thuyết về tán gẫu lẫn lý thuyết có-một-con-sư-tử-gần-bờ-sông đều có căn cứ. Song, đặc điểm độc đáo nhất trong ngôn ngữ của chúng ta không phải là khả năng truyền tải thông tin về những người đàn ông và sư tử. Mà đúng hơn, đó là khả năng truyền tải thông tin về những thứ không tồn tại. Theo như chúng ta biết, chỉ Sapiens mới có thể nói về mọi thứ mà họ chưa bao giờ thấy, chạm vào hoặc ngửi mùi.
Huyền thoại, thần thoại, các vị thần và tôn giáo xuất hiện lần đầu tiên cùng với Cách mạng Nhận thức. Nhiều loài động vật và loài người trước đây có thể nói: “Cẩn thận! Sư tử!” Nhờ Cách mạng Nhận thức, Homo sapiens có được khả năng nói, “Sư tử là thần linh giám hộ bộ lạc chúng ta”. Khả năng nói chuyện hư cấu này là điểm độc đáo nhất trong ngôn ngữ của Sapiens.
Thật dễ thấy rằng chỉ Homo sapiens mới có thể nói về những điều không thực sự tồn tại, và tin rằng có sáu điều bất khả trước bữa sáng. Bạn không bao giờ có thể thuyết phục một con khỉ cho bạn một quả chuối bằng cách hứa hẹn một nguồn chuối vô hạn sau khi chết ở thiên đường khỉ. Nhưng tại sao điều này quan trọng? Sau tất cả, hư cấu có thể rất nguy hiểm khi gây hiểu lầm hoặc mất tập trung. Những người đi vào rừng tìm các nàng tiên và kỳ lân dường như có ít cơ hội sống sót hơn những người đi tìm nấm và nai. Và nếu bạn dành nhiều giờ cầu nguyện cho những linh hồn giám hộ không tồn tại, chẳng phải là bạn đang lãng phí thời gian quý báu, trong khi lẽ ra nên đi tìm đồ ăn, đánh nhau hoặc làm tình?
Nhưng hư cấu không chỉ giúp chúng ta tưởng tượng, mà còn tưởng tượng cùng nhau. Chúng ta có thể thêu dệt những huyền thoại phổ biến như câu chuyện sáng thế, những huyền thoại thời Mơ mộng của thổ dân châu Úc, và những huyền thoại dân tộc của các quốc gia hiện đại. Những huyền thoại như vậy mang lại cho Sapiens khả năng chưa từng có để hợp tác linh hoạt với số lượng lớn. Kiến và ong cũng có thể làm việc trong một tập thể lớn, nhưng chúng làm theo một cách rất cứng nhắc và chỉ với họ hàng thân thuộc. Sói và tinh tinh hợp tác linh hoạt hơn nhiều so với kiến, nhưng chỉ với số ít con trong bầy mà chúng biết rõ. Sapiens có thể hợp tác cực kỳ linh hoạt với vô số người xa lạ. Đó là lý do Sapiens thống trị thế giới, trong khi kiến chỉ biết ăn đổ thừa của chúng ta và tinh tinh thì bị nhốt trong vườn thú hay các phòng thí nghiệm.
Huyền thoại Peugeot
Các anh em họ tinh tinh của chúng ta thường sống theo từng nhóm nhỏ với khoảng vài chục con. Chúng kết bạn thân thiết, đi săn với nhau và chiến đấu chống lại các con khỉ đầu chó, báo và những con tinh tinh thù địch. Cấu trúc xã hội của chúng có xu hướng phân tầng. Con đầu đàn thường là một con đực, được gọi là “con đực alpha”. Các con đực và con cái khác thể hiện sự phục tùng của chúng với con đực alpha bằng cách cúi chào trước nó với âm thanh gầm gừ nhỏ, chẳng khác gì thần dân bái lạy trước vua. Con đực alpha nỗ lực duy trì sự hài hòa xã hội trong bầy của nó. Khi hai cá thể đánh nhau, nó sẽ can thiệp và chấm dứt bạo lực. Không cần nhân từ, nó có thể độc quyền phân chia thức ăn ngon và ngăn những con đực cấp thấp hơn ghép đôi với những con cái.
Khi hai con đực tranh giành vị trí alpha, chúng thường thực hiện bằng cách hình thành các liên minh giữa những con ủng hộ, bao gồm cả con đực và con cái trong bầy. Quan hệ giữa các thành viên liên minh dựa trên tiếp xúc thân mật hằng ngày như ôm, sờ, hôn, chải lông và giúp đỡ lẫn nhau. Cũng như các chính trị gia đi xung quanh bắt tay và hôn mấy em bé trong các chiến dịch bầu cử, những kẻ muốn theo đuổi vị trí đứng đầu trong một nhóm tinh tinh dành nhiều thời gian để ôm, vỗ lưng và hôn mấy con tinh tinh con. Con đực alpha thường giành được vị trí của mình không phải vì có thể chất mạnh mẽ hơn, mà vì nó dẫn đầu một liên minh lớn và bền vững. Các liên minh đóng một vai trò trung tâm không chỉ trong cuộc đấu tranh công khai giành vị trí alpha, mà còn trong hầu hết các hoạt động hằng ngày. Các thành viên của một liên minh dành nhiều thời gian cho nhau, chia sẻ đồ ăn và giúp nhau lúc khó khăn.
Có những giới hạn rõ ràng về quy mô của các nhóm khi hình thành và duy trì theo cách như vậy. Để hoạt động được, mọi thành viên của một nhóm phải biết nhau mật thiết. Hai con tinh tinh chưa từng gặp nhau, chưa từng đánh nhau, chưa từng chải lông cho nhau sẽ không biết liệu chúng có thể tin tưởng lẫn nhau, liệu chúng có nên giúp đỡ lẫn nhau, và ai trong chúng có thứ hạng cao hơn. Trong điều kiện tự nhiên, một bầy tinh tinh điển hình bao gồm 20 tới 50 cá thể. Khi số lượng tinh tinh trong bầy tăng, trật tự xã hội mất ổn định, cuối cùng dẫn đến sự tan vỡ và hình thành một bầy mới từ một số con tách ra. Chỉ trong một vài trường hợp, các nhà động vật học quan sát được các bầy lớn hơn 100. Các bầy riêng biệt hiếm khi hợp tác, có xu hướng cạnh tranh lãnh thổ và thức ăn. Các nhà nghiên cứu đã ghi nhận chiến tranh kéo dài giữa các bầy, và thậm chí có một trường hợp “diệt chủng”, trong đó một bầy tàn sát một cách có hệ thống hầu hết các thành viên của một bầy lân cận.
Mô hình tương tự có thể thống trị trong đời sống xã hội của người tiền sử, bao gồm cả Homo sapiens cổ xưa. Con người, cũng giống như tinh tinh, có những bản năng xã hội cho phép tổ tiên của chúng ta kết bạn, tạo nên thứ bậc, và săn bắt hoặc chiến đấu cùng nhau. Tuy nhiên, giống như tinh tinh, bản năng xã hội của con người thích nghi với các nhóm nhỏ thân mật. Khi nhóm phát triển quá lớn, trật tự xã hội của nó sẽ bất ổn và nhóm chia tách. Kể cả nếu có một thung lũng đặc biệt màu mỡ có thể nuôi được 500 Sapiens cổ xưa, cũng không thể khiến nhiều người xa lạ có thể sống bên nhau. Làm sao để họ có thể đồng ý ai sẽ lãnh đạo, ai nên săn ở đâu, hoặc ai nên ghép đôi với ai?
Cùng với sự xuất hiện của Cách mạng Nhận thức, tán gẫu đã giúp Homo sapiens hình thành những bầy lớn hơn và ổn định hơn. Nhưng ngay cả tán gẫu cũng có giới hạn của nó. Nghiên cứu xã hội học đã chỉ ra rằng quy mô “tự nhiên” tối đa của một nhóm được gắn kết bởi tán gẫu là khoảng 150 cá thể. Với các nhóm hơn 150 người, hầu hết mọi người không thể biết rõ về nhau cũng như tán gẫu không còn hiệu quả.
Kể cả ngày nay, cái ngưỡng quan trọng trong các tổ chức của con người cũng nằm ở đâu đó xung quanh con số ma thuật này. Dưới ngưỡng này, các cộng đồng, các doanh nghiệp, các mạng lưới xã hội và các đơn vị quân đội có thể duy trì chủ yếu dựa vào người quen và sự trao đổi các tin đồn. Không cần phải có cấp bậc chính thức, danh vị và sách vở pháp luật để giữ gìn trật tự. Một trung đội 30 binh sĩ hay thậm chí một đại đội 100 người có thể hoạt động tốt dựa trên nền tảng của mối quan hệ thân mật, với mức độ kỷ luật ở hình thức tối thiểu. Một trung sĩ có uy tín có thể trở thành “ông vua đại đội” và có uy lực điều hành vượt cả những sĩ quan được ủy nhiệm. Một doanh nghiệp gia đình nhỏ có thể tồn tại và phát triển mà không cần hội đồng quản trị, giám đốc điều hành hoặc bộ phận kế toán.
Nhưng một khi ngưỡng 150 cá nhân bị vượt qua, mọi thứ không còn có thể hoạt động theo cách đó. Bạn không thể điều hành một sư đoàn hàng ngàn binh sĩ giống như cách bạn quản lý một trung đội. Các doanh nghiệp gia đình thành công thường phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng khi họ phát triển lớn hơn và thuê thêm nhân sự. Nếu họ không thể tự làm mới mình, họ sẽ phá sản.
Làm thế nào mà Homo sapiens xoay xở vượt qua ngưỡng quan trọng này, để cuối cùng lập nên các thành phố bao gồm hàng chục ngàn cư dân, và những đế chế cai trị hàng trăm triệu người? Bí mật có lẽ nằm ở sự xuất hiện của những chuyện hư cấu. Số đông người lạ có thể hợp tác thành công bởi cùng tin vào những huyền thoại chung.
Bất kỳ sự hợp tác nào của con người ở quy mô lớn – dù là một quốc gia hiện đại, một nhà thờ trung cổ, một thành phố cổ đại hay một bộ lạc cổ xưa – đều bắt nguồn từ những huyền thoại phổ biến vốn chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng tập thể của nhân dân. Giáo hội bắt nguồn từ những huyền thoại tôn giáo chung. Tuy hai người Công giáo chưa từng gặp nhau, nhưng họ vẫn có thể cùng tham gia thập tự chinh hoặc gây quỹ để xây dựng một bệnh viện, bởi vì họ đều tin rằng Thiên Chúa đã nhập thế dưới hình hài con người và chịu đóng đinh để chuộc tội cho chúng ta. Các quốc gia bắt nguồn từ những huyền thoại chung về dân tộc. Hai người Serbia chưa từng gặp nhau có thể liều mạng để cứu nhau vì cùng tin vào sự tồn tại của dân tộc Serbia, quê hương Serbia và lá cờ Serbia. Hệ thống tư pháp bắt nguồn từ những huyền thoại chung về luật pháp. Hai luật sư chưa từng gặp nhau vẫn có thể cùng chung nỗ lực để bảo vệ một người hoàn toàn xa lạ, vì tất cả họ đều tin vào sự tồn tại của luật pháp, công lý, nhân quyền – và cả số tiền lệ phí được trả.
Song, tất cả những điều này chỉ tồn tại trong những câu chuyện được con người sáng tạo và truyền khẩu. Không có thần linh trong vũ trụ, không có dân tộc, không có tiền, không có nhân quyền, không có luật pháp, và không có công lý ngoài trí tưởng tượng thông thường của con người.
Mọi người đều hiểu rằng “người nguyên thủy” gia cố trật tự xã hội của họ bằng niềm tin vào ma quỷ và linh hồn, họ tập hợp vào mỗi dịp trăng tròn để nhảy cùng nhau xung quanh đống lửa. Điều chúng ta quên mất là các tổ chức hiện đại hoạt động chính xác trên cùng cơ sở đó. Lấy ví dụ về thế giới của các tập đoàn kinh tế. Doanh nhân hiện đại và giới luật sư trên thực tế là các phù thủy quyền lực. Sự khác biệt cơ bản giữa họ với các thầy phù thủy (shaman) của bộ lạc ở chỗ, luật sư thời hiện đại kể những câu chuyện thần thoại lạ lùng hơn nhiều. Huyền thoại dưới đây về Peugeot cung cấp một ví dụ tốt cho chúng ta.
Một biểu tượng có phần giống với nhân sư ở Stadel xuất hiện ngày nay trên xe hơi, xe tải và xe máy từ Paris đến Sydney. Đó là các vật trang trí mui xe do Peugeot, một trong những hãng xe châu Âu lâu đời nhất và lớn nhất, chế tạo. Peugeot khởi sự như một doanh nghiệp gia đình nhỏ ở làng Valentigney, chỉ cách hang Stadel 300 km. Ngày nay công ty sử dụng khoảng 200.000 người trên toàn thế giới, hầu hết họ hoàn toàn xa lạ với nhau. Những người này hợp tác rất hiệu quả trong năm 2008, giúp Peugeot sản xuất hơn 1,3 triệu xe hơi, lợi nhuận thu được vào khoảng 33 tỉ euro.
Hình 5. Sư tử Peugeot
Theo nghĩa nào chúng ta có thể nói rằng Peugeot SA (tên chính thức của công ty) tồn tại? Có rất nhiều xe Peugeot, nhưng rõ ràng đó không phải là công ty. Thậm chí nếu mọi chiếc Peugeot trên thế giới đồng thời bị loại bỏ và bán phế liệu, thì Peugeot SA vẫn không biến mất. Nó sẽ tiếp tục sản xuất xe hơi mới và phát hành báo cáo thường niên. Công ty sở hữu các nhà máy, máy móc, phòng trưng bày, và sử dụng nhiều thợ cơ khí, nhân viên kế toán, thư ký, nhưng tất cả tập hợp lại với nhau không tạo nên Peugeot. Một thảm họa có thể hủy diệt toàn bộ nhân viên của Peugeot, và dẫn tới việc tiêu tùng mọi hệ thống lắp ráp dây chuyền và văn phòng điều hành. Dẫu vậy đi nữa, công ty vẫn có thể vay tiền, thuê nhân viên mới, xây dựng các nhà máy mới và mua máy móc thiết bị mới. Peugeot có các nhà quản lý và các cổ đông, nhưng không phải họ tạo nên công ty. Tất cả các nhà quản lý có thể bị miễn nhiệm và toàn bộ cổ phiếu được bán ra, nhưng bản thân công ty sẽ vẫn còn nguyên vẹn.
Nói vậy không có nghĩa là Peugeot SA là bất khả xâm phạm hoặc bất tử. Nếu một thẩm phán được ủy thác việc giải thể công ty, nhà máy vẫn sẽ tồn tại và công nhân, kế toán, quản lý, cổ đông sẽ tiếp tục sống – nhưng Peugeot SA sẽ lập tức biến mất. Tóm lại, Peugeot SA dường như không có kết nối cần thiết với thế giới vật chất. Liệu nó có thực sự tồn tại?
Peugeot nằm trong ý tưởng tập thể của chúng ta. Các luật sư gọi đây là một “hư cấu pháp lý”. Không thể chỉ tay vào nó; nó không phải là một đối tượng vật lý. Nhưng nó hiện hữu như một thực thể pháp lý. Cũng giống như bạn hay tôi, nó bị ràng buộc bởi pháp luật của đất nước mà nó hoạt động. Nó có thể mở một tài khoản ngân hàng và sở hữu tài sản riêng. Nó đóng thuế, nó có thể bị kiện và thậm chí truy tố riêng biệt với bất kỳ người nào sở hữu hoặc làm việc cho nó.
Peugeot là một dạng cụ thể của hư cấu pháp lý được gọi là “công ty trách nhiệm hữu hạn”. Ý tưởng đằng sau các công ty này là một trong những phát minh tài tình nhất của nhân loại. Homo sapiens đã sống hàng ngàn năm mà không có chúng. Trong phần lớn lịch sử thành văn, tài sản chỉ có thể được sở hữu bởi con người bằng xương bằng thịt, loài đứng trên hai chân và có bộ não lớn. Nếu trong thế kỷ 13, France Jean tổ chức một hội thảo về sản xuất xe chở hàng, thì chính ông là công việc. Nếu một chiếc xe mà ông chế tạo bị hỏng sau khi mua được một tuần, người mua bực tức sẽ khởi kiện cá nhân Jean. Nếu Jean đã vay 1.000 đồng vàng để lập xưởng riêng và việc kinh doanh thất bại, ông sẽ phải trả nợ bằng cách bán tài sản riêng của mình – nhà, bò, đất đai của ông. Ông thậm chí sẽ phải bán con mình làm nô lệ. Nếu không thể trang trải các khoản nợ, ông có thể bị nhà nước tống vào tù hoặc làm nô lệ cho các chủ nợ của mình. Ông hoàn toàn chịu trách nhiệm, không có giới hạn, cho mọi nghĩa vụ phát sinh bởi xưởng của mình.
Nếu được phép quay ngược thời gian, bạn có thể sẽ phải suy nghĩ rất kĩ trước khi mở một doanh nghiệp riêng. Và quả thực tình trạng pháp lý này không khuyến khích tinh thần kinh doanh. Mọi người sợ khởi nghiệp và nhận về rủi ro kinh tế. Dường như không đáng để liều khi mà cả gia đình có thể đi tới cái kết túng quẫn.
Đây là lý do khiến người ta bắt đầu cùng hình dung về sự tồn tại của công ty trách nhiệm hữu hạn. Những công ty này hầu như hoạt động độc lập một cách hợp pháp với những người lập ra chúng, hoặc đầu tư tiền vào đó, hoặc quản lý chúng. Trong vài thế kỷ qua, những công ty như vậy đã trở thành những tay chơi chính trên vũ đài kinh tế, và trở nên quen thuộc đến mức chúng ta quên rằng chúng chỉ hiện hữu trong trí tưởng tượng của mình. Tại Mỹ, thuật ngữ chỉ công ty trách nhiệm hữu hạn là “Corporation”, khá mỉa mai, vì thuật ngữ này bắt nguồn từ “corpus” (tiếng Latin nghĩa là cơ thể), là thứ mà các công ty này thiếu. Dù chúng không hề có một cơ thể thực sự, nhưng hệ thống pháp luật Mỹ vẫn đối xử với các công ty này như những pháp nhân, như thể chúng là những con người bằng xương bằng thịt.
Và đó cũng là điều mà hệ thống pháp luật Pháp đã thực thi vào năm 1896, khi Armand Peugeot, người đã thừa hưởng từ cha mẹ một cửa hàng kim loại chuyên sản xuất lò xo, cưa và xe đạp, quyết định kinh doanh xe hơi. Nên ông đã thành lập một công ty trách nhiệm hữu hạn. Ông đặt tên cho công ty theo tên mình, nhưng nó độc lập với ông. Nếu một trong những chiếc xe hơi bị hỏng hóc, người mua có thể kiện Peugeot, chứ không phải Armand Peugeot. Nếu công ty đã vay hàng triệu franc và sau đó bị sụp đổ, Armand Peugeot không mắc nợ dù chỉ 1 franc. Sau tất cả, khoản vay đã được trao cho Peugeot, chứ không phải Armand Peugeot, một Homo sapiens. Armand Peugeot đã chết năm 1915, còn công ty Peugeot hiện vẫn còn sống và khỏe mạnh.
Chính xác bằng cách nào mà Armand Peugeot, một con người, đã tạo nên Peugeot, một công ty? Rất giống với cách mà giới giáo phẩm và phù thủy đã sáng tạo ra những vị thần và quỷ dữ trong suốt lịch sử, và giống với cách mà hàng ngàn linh mục Pháp vẫn tạo ra cơ thể của Chúa Jesus mỗi Chủ nhật tại nhà thờ giáo xứ. Tất cả đều xoay quanh những câu chuyện kể, và thuyết phục mọi người tin vào chúng. Trong trường hợp của các linh mục Pháp, câu chuyện quan trọng về sự sống và cái chết của Chúa Jesus giống như lời kể của Giáo hội Công giáo. Theo câu chuyện này, nếu một linh mục Công giáo mặc áo lễ trịnh trọng nói những lời chính xác vào đúng thời điểm, thì bánh mì và rượu vang thế tục sẽ biến thành thịt và máu của Chúa. Các linh mục kêu lên “Hoc est Corpus meum!” (Tiếng Latin nghĩa là “Đây là cơ thể của tôi”). Khi thấy các linh mục đã thực hành chuẩn mực và cần mẫn mọi lễ nghi, hàng triệu người Pháp Công giáo mộ đạo liền cư xử như thể Thiên Chúa thực sự tồn tại trong bánh mì và rượu vang.
Trong trường hợp của Peugeot SA, điều quyết định chính là các bộ luật của Pháp được Nghị viện Pháp thảo ra. Theo các nhà lập pháp nước này, nếu một luật sư có chứng nhận hành nghề, tuân theo mọi tập tục và nghi lễ cúng bái, đã viết tất cả bùa chú và lời thề nguyền cần thiết trên một mảnh giấy trang trí đẹp, ký tên đóng dấu vào cuối tài liệu, rồi hô biến – một công ty mới sẽ ra đời. Năm 1896, khi Armand Peugeot muốn lập ra công ty của mình, ông đã trả tiền cho một luật sư lo liệu mọi thủ tục thiêng liêng đó. Sau khi vị luật sư đã thực hiện đúng mọi nghi lễ và công bố tất cả bùa chú và tuyên thệ cần thiết, hàng triệu công dân Pháp biết đứng thẳng đã cư xử như thể công ty Peugeot thực sự tồn tại.
Kể chuyện hiệu quả là không dễ. Khó khăn không chỉ ở việc kể chuyện, mà còn ở việc thuyết phục người khác tin vào nó. Phần lớn lịch sử xoay quanh câu hỏi này: làm thế nào để thuyết phục hàng triệu người tin vào những câu chuyện nào đó về các vị thần, hoặc các dân tộc, hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn? Song khi thành công, nó mang lại cho Sapiens sức mạnh to lớn, vì nó cho phép hàng triệu người lạ hợp tác và làm việc hướng tới các mục tiêu chung. Hãy thử tưởng tượng, sẽ vất vả đến thế nào để lập ra các quốc gia, các nhà thờ, các hệ thống pháp lý nếu chúng ta chỉ có thể nói về những điều thực sự tồn tại, như sông, cây xanh và sư tử.
Theo năm tháng, con người đã thêu dệt nên một mạng lưới những câu chuyện phức tạp khó tin. Trong mạng lưới này, hư cấu kiểu như Peugeot không chỉ tồn tại mà còn tích lũy sức mạnh to lớn. Những kiểu loại mà con người tạo ra thông qua mạng lưới các câu chuyện này được biết đến trong giới học thuật là “hư cấu”, “cấu trúc xã hội”, hoặc “thực tế tưởng tượng”. Một thực tế tưởng tượng không phải là một lời nói dối. Tôi dối trá khi nói rằng có một con sư tử ở gần sông dù tôi biết rất rõ rằng không có sư tử ở đó. Không có gì đặc biệt về những lời nói dối. Những con khỉ Chlorocebus và tinh tinh có thể nói dối. Ví dụ, một con khỉ Chlorocebus, sau khi quan sát đã kêu “Cẩn thận! Sư tử!” khi không có con sư tử nào xung quanh. Báo động này hoàn toàn có thể làm khiếp sợ con khỉ đồng bọn vừa tìm thấy một quả chuối và khiến nó bỏ đi, để lại kẻ nói dối một mình thó lấy phần thưởng cho bản thân.
Không giống như nói dối, một thực tế tưởng tượng là điều mà mọi người đều tin vào, và chừng nào niềm tin cộng đồng này tồn tại, thì chừng đó thực tế tưởng tượng còn thể hiện sức mạnh lên thế giới. Người điêu khắc ở hang Stadel có thể chân thành tin vào sự tồn tại của nhân sư như một linh thần giám hộ. Một số phù thủy là lang băm, nhưng đa phần thành kính tin vào sự tồn tại của thần linh và ma quỷ. Hầu hết các triệu phú thật sự tin vào sự tồn tại của tiền và trách nhiệm hữu hạn của các công ty. Hầu hết các nhà hoạt động nhân quyền thành thật tin vào sự tồn tại của các quyền con người. Không ai nói dối khi vào năm 2011, Liên Hợp Quốc yêu cầu chính phủ Libya tôn trọng các quyền con người của công dân, mặc dù kể cả Liên Hợp Quốc, Libya và nhân quyền đều là những khái niệm bịa đặt bắt nguồn từ trí tưởng tượng phong phú của chúng ta.
Kể từ Cách mạng Nhận thức, Sapiens đã sống trong một thực tế kép. Một mặt là thực tế khách quan về các dòng sông, cây cối, sư tử, và mặt khác là thực tế tưởng tượng của các vị thần, quốc gia, công ty. Thời gian trôi qua, thực tế tưởng tượng này đã trở nên mạnh mẽ hơn, do đó mà ngày nay chính sự tồn tại của các dòng sông, cây cối và sư tử lại phụ thuộc vào sự chiếu cố của các thực thể tưởng tượng này.
Bỏ qua bộ gen
Khả năng tạo ra một thực tế tưởng tượng bằng từ ngữ cho phép vô số người lạ hợp tác hiệu quả. Nhưng nó còn làm được nhiều hơn thế. Bởi con người hợp tác được trên quy mô lớn là nhờ vào những huyền thoại, cách thức họ hợp tác có thể được thay đổi bằng cách thay đổi những huyền thoại, qua việc kể những câu chuyện khác đi. Trong những trường hợp thuận lợi, huyền thoại có thể thay đổi nhanh chóng. Năm 1789, gần như chỉ qua một đêm, người dân Pháp chuyển từ việc tin tưởng vào huyền thoại về quyền thiêng liêng của các vị vua sang tin vào huyền thoại về chủ quyền của nhân dân. Do đó, kể từ Cách mạng Nhận thức, Homo sapiens đã có thể điều chỉnh nhanh chóng hành vi của mình phù hợp với nhu cầu thay đổi. Điều này đã mở ra một làn cao tốc của tiến hoá văn hoá, vượt qua những tắc nghẽn trong tiến hoá gen. Tăng tốc trên làn này, Homo sapiens đã sớm vượt xa tất cả các loài người và động vật khác về khả năng hợp tác của mình.
Hành vi của những loài động vật xã hội khác được xác định phần lớn bởi các gen của chúng. ADN không phải là một nhà độc tài. Hành vi của động vật cũng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố môi trường và đặc điểm cá nhân. Tuy nhiên, trong một môi trường nhất định, động vật cùng loài sẽ có xu hướng cư xử giống nhau. Những thay đổi lớn trong hành vi xã hội không thể xảy ra một cách thông thường nếu không có đột biến gen. Ví dụ, tinh tinh thường có khuynh hướng di truyền để sống trong các nhóm phân tầng được điều hành bởi một con đực alpha. Một loài rất gần với tinh tinh là tinh tinh lùn thường sống trong các nhóm bình đẳng hơn bị chi phối bởi con cái. Những tinh tinh cái nhìn chung không thể học được các bài học từ họ hàng thân thiết là tinh tinh lùn để thiết lập một cuộc cách mạng nữ quyền. Tinh tinh đực không thể tụ tập trong một hội đồng lập hiến để bãi bỏ ngôi vị của con đực alpha, và tuyên bố rằng từ giờ trở đi tất cả tinh tinh phải được đối xử bình đẳng. Những thay đổi lớn như vậy trong hành vi sẽ chỉ xảy ra nếu có gì đó thay đổi trong ADN của tinh tinh.
Với các lý do tương tự, con người cổ xưa đã không tiến hành cuộc cách mạng nào. Theo những gì chúng ta biết, các thay đổi trong mô hình xã hội, sự phát minh ra công nghệ mới, sự định cư trong các môi trường sống xa lạ là kết quả của đột biến gen và áp lực môi trường nhiều hơn là từ các phát kiến văn hoá. Thế nên phải mất hàng trăm ngàn năm để con người thực hiện các bước trên. 2 triệu năm trước đây, các đột biến gen dẫn đến sự xuất hiện của một loài người mới gọi là Homo erectus. Sự xuất hiện ấy đi kèm với việc phát triển một công nghệ chế tác công cụ đá mới, giờ đây đã được công nhận là một đặc điểm xác định của loài này. Và khi Homo erectus không tiếp tục có những biến đổi gen, công cụ bằng đá của họ vẫn chẳng thay đổi trong gần 2 triệu năm!
Ngược lại, kể từ Cách mạng Nhận thức, Sapiens đã có thể thay đổi hành vi của họ một cách nhanh chóng, truyền lại hành vi mới cho các thế hệ tương lai mà không cần bất kỳ sự thay đổi di truyền hoặc môi trường nào. Ví dụ, hãy xem xét sự xuất hiện lặp đi lặp lại của giới tinh hoa không có con cái, chẳng hạn các tăng lữ ở một số tôn giáo và thái giám Trung Hoa. Sự tồn tại của giới tinh hoa này đi ngược lại với các nguyên tắc cơ bản nhất của chọn lọc tự nhiên, kể từ khi các thành viên chủ đạo của xã hội tự nguyện từ bỏ việc sinh con. Trong khi đó, các tinh tinh đực alpha sử dụng quyền lực của mình để quan hệ tình dục với càng nhiều con cái càng tốt – và do vậy con đực đầu đàn có thể truyền giống với một tỉ lệ lớn cho thế hệ sau của nó – còn các con đực alpha có tín ngưỡng thì nhịn hoàn toàn quan hệ tình dục và có con. Sự kiêng khem này không phát sinh từ điều kiện môi trường đặc biệt như sự khan hiếm thực phẩm hoặc mong muốn của bạn tình tiềm năng. Nó cũng không phải là kết quả của một số đột biến gen kỳ quặc.
Nói cách khác, trong khi các mô hình hành vi của con người cổ xưa vẫn cố định trong hàng chục ngàn năm, thì Sapiens đã có thể biến đổi cấu trúc xã hội của mình, bản chất của mối quan hệ giữa các cá nhân, hoạt động kinh tế và một loạt các hành vi khác chỉ trong vòng một hoặc hai thập kỷ. Hãy xem xét một cư dân Berlin, sinh năm 1900 và sống đến 100 tuổi. Bà đã trải qua thời thơ ấu trong Đế chế Hohenzollern của Wilhelm II; trưởng thành trong thời Cộng hòa Weimar, Đức quốc xã và Đông Đức cộng sản; và bà đã chết như một công dân của một nước Đức dân chủ và thống nhất. Bà đã xoay xở để trở thành một phần của năm hệ thống chính trị xã hội rất khác nhau, mặc dù ADN của bà không hề thay đổi.
Đây là chìa khoá để Sapiens thành công. Trong trận chiến một chọi một, một Neanderthal có lẽ sẽ đánh bại một Sapiens. Nhưng trong một xung đột hàng trăm người, các Neanderthal sẽ không có cơ hội. Neanderthal có thể chia sẻ thông tin về nơi ở của sư tử, nhưng có lẽ họ không thể nói và sửa lại những câu chuyện về các thần linh của bộ lạc. Nếu không có khả năng sáng tác truyện hư cấu, Neanderthal không thể hợp tác hiệu quả với số lượng lớn, cũng không thể biến đổi hành vi xã hội của mình trước những thách thức luôn thay đổi.
Dù chúng ta không thể đi sâu vào tâm trí của Neanderthal để hiểu họ nghĩ gì, nhưng chúng ta có bằng chứng gián tiếp về các giới hạn nhận thức của họ so với các đối thủ Sapiens. Các nhà khảo cổ học khi khai quật địa điểm Sapiens sinh sống có tuổi 30.000 năm ở trung tâm châu Âu, đôi khi thấy có vỏ sò đến từ các bờ biển Địa Trung Hải và Đại Tây Dương. Trong mọi trường hợp, những vỏ sò đó đã đi vào sâu trong lục địa thông qua thương mại đường dài giữa các nhóm Sapiens khác nhau. Trong khi tại các địa điểm Neanderthal sinh sống, không có bằng chứng nào về hoạt động thương mại như thế. Mỗi nhóm còn sản xuất các công cụ riêng của mình từ các nguyên liệu địa phương.
Một ví dụ khác đến từ Nam Thái Bình Dương. Các bầy Sapiens sống trên đảo New Ireland, phía bắc New Guinea, sử dụng một loại thủy tinh lấy từ núi lửa gọi là đá vỏ chai để chế tác các công cụ đặc biệt cứng và sắc. Tuy nhiên, New Ireland không có trầm tích tự nhiên của đá vỏ chai. Các xem xét trong phòng thí nghiệm cho thấy rằng người cổ đại đã sử dụng loại đá được lấy từ các mỏ đá ở New Britain, một hòn đảo cách đó 400 km. Một số cư dân của những hòn đảo này phải là người đi biển lành nghề, trao đổi hàng hoá từ đảo này sang đảo khác với khoảng cách khá xa.
Thương mại dường như là một hoạt động rất thực dụng, không cần tới nền tảng tưởng tượng. Song thực tế là không có động vật nào khác ngoài Sapiens tham gia vào thương mại, và mọi mạng lưới thương mại của Sapiens mà chúng ta có bằng chứng chi tiết đều dựa trên những hư cấu. Thương mại không thể tồn tại mà không có sự tin tưởng, và rất khó khăn để tin tưởng người lạ. Mạng lưới thương mại toàn cầu ngày nay được dựa trên sự tin tưởng của chúng ta vào các thực thể hư cấu như đô-la, Ngân hàng Dự trữ Liên bang, và các nhãn hiệu khởi thủy của các tập đoàn. Khi hai người xa lạ trong xã hội bộ lạc muốn trao đổi, họ thường sẽ thiết lập sự tin tưởng bằng cách kêu gọi một vị thần, tổ tiên thần thoại hay vật tổ chung.
Nếu Sapiens cổ đại tin vào những điều tưởng tượng này để trao đổi vỏ sò và đá vỏ chai, thì có lý do để cho rằng họ cũng có thể đã trao đổi thông tin, do đó tạo ra một mạng lưới kiến thức dày đặc và rộng hơn nhiều so với những gì mà Neanderthal và một số nhóm người cổ đại khác có được.
Kĩ thuật cung cấp một minh họa cho những khác biệt này. Neanderthal thường đi săn một mình hoặc thành các nhóm nhỏ. Trái lại, Sapiens lại phát triển các kĩ thuật dựa trên sự hợp tác giữa hàng chục cá nhân, và thậm chí có thể giữa các nhóm khác nhau. Một phương pháp đặc biệt hiệu quả là bao vây toàn bộ một bầy thú, chẳng hạn như ngựa hoang, rồi dồn chúng vào một hẻm núi hẹp, nơi có thể dễ dàng giết chúng hàng loạt. Nếu kế hoạch suôn sẻ, các nhóm có thể thu hoạch hàng tấn thịt, mỡ và da thú chỉ trong một buổi chiều với nỗ lực tập thể, và tiêu thụ đống thực phẩm này trực tiếp trong một cái lò lớn, hoặc phơi khô, xông khói, hoặc (ở vùng Bắc cực) ướp đông chúng để sử dụng về sau. Giới khảo cổ học đã phát hiện ra các địa điểm mà hằng năm toàn bộ đàn bò được xẻ thịt theo những cách như vậy. Thậm chí một số nơi còn dựng lên các hàng rào và chướng ngại vật, tạo ra những cái bẫy nhân tạo và bãi giết mổ.
Chúng ta có thể giả định rằng Neanderthal đã không hài lòng khi nhìn thấy các vùng đất săn bắt truyền thống của họ bị biến thành những lò mổ do Sapiens kiểm soát. Tuy nhiên, nếu bạo lực nổ ra giữa hai loài, thì số phận của Neanderthal không hơn những con ngựa hoang. 50 Neanderthal phối hợp trong các mô hình truyền thống và tĩnh tại không thể địch nổi 500 Sapiens linh hoạt và sáng tạo. Và thậm chí nếu Sapiens thua ở trận đầu tiên, họ có thể nhanh chóng tạo ra chiến thuật mới giúp mình giành chiến thắng trong lần tiếp theo.
Điều gì xảy ra trong Cách mạng Nhận thức?
Khả năng mới
Hệ quả lâu dài
Khả năng truyền tải một lượng lớn thông tin về thế giới xung quanh của Homo sapiens.
Lập kế hoạch và thực hiện các hành động phức tạp, chẳng hạn như tránh sư tử và săn bò rừng.
Khả năng truyền tải một lượng lớn thông tin về các mối quan hệ xã hội của Sapiens.
Các nhóm ngày một lớn hơn và đoàn kết hơn, có thể lên tới 150 thành viên.
Khả năng truyền tải thông tin về những điều không thực sự tồn tại, chẳng hạn các thần linh bộ tộc, các dân tộc, các công ty trách nhiệm hữu hạn, và nhân quyền.
a. Hợp tác giữa rất nhiều người xa lạ.
b. Đổi mới nhanh chóng hành vi xã hội.
Lịch sử và sinh học
Sự vô cùng đa dạng của những thực tế tưởng tượng mà Sapiens đã sáng tạo ra, và sự đa dạng kéo theo của các mô hình hành vi, là thành phần chính của những gì chúng ta gọi là “văn hoá”. Sau khi xuất hiện, các nền văn hoá không bao giờ ngừng thay đổi và phát triển, và chúng ta gọi những thay đổi không thể ngăn cản được là “lịch sử”.
Theo đó, Cách mạng Nhận thức là thời điểm mà lịch sử tuyên bố nó độc lập với sinh học. Cho đến khi xảy ra Cách mạng Nhận thức, hành động của loài người đều thuộc về lĩnh vực sinh học, hoặc nếu bạn thích hơn, thì đó là thời tiền sử (tôi có xu hướng tránh thuật ngữ “thời tiền sử”, vì nó mang ý nghĩa sai lầm rằng kể cả trước Cách mạng Nhận thức, con người đã có phạm trù của riêng mình). Từ Cách mạng Nhận thức trở đi, câu chuyện lịch sử thay thế cho lý thuyết sinh học là phương tiện chủ yếu của chúng ta trong việc giải thích sự phát triển của Homo sapiens. Để hiểu được sự nổi lên của Ki-tô giáo hay Cách mạng Pháp, chúng ta không thể chỉ tìm hiểu sự tương tác của các gen, hoóc-môn và sinh vật. Còn cần phải tập trung vào sự tương tác của các ý tưởng, hình ảnh và cả tưởng tượng nữa.
Điều này không có nghĩa là Homo sapiens và văn hoá của con người đã trở nên miễn nhiễm với các quy luật sinh học. Chúng ta vẫn là những con vật, và khả năng thể chất, tình cảm và nhận thức của chúng ta vẫn được định hình bởi ADN của chúng ta. Xã hội của chúng ta được xây dựng từ những nền móng giống như Neanderthal hoặc xã hội loài tinh tinh, và chúng ta càng đào sâu vào những nền móng đó – cảm giác, cảm xúc, quan hệ gia đình – chúng ta càng thấy ít sự khác biệt giữa mình và các loài vượn khác.
Tuy nhiên, sẽ sai lầm nếu chỉ tìm sự khác biệt ở cấp độ cá nhân hoặc gia đình. Nếu so một với một, thậm chí 10 với 10, chúng ta giống với tinh tinh đến mức bối rối. Sự khác biệt đáng kể bắt đầu xuất hiện chỉ khi chúng ta vượt qua ngưỡng 150 cá nhân, và khi chúng ta đạt 1.000-2.000 cá nhân, sự khác biệt là rất đáng kinh ngạc. Nếu bạn cố gắng xếp hàng ngàn tinh tinh vào quảng trường Thiên An Môn, phố Wall, Vatican hoặc trụ sở Liên Hợp Quốc, kết quả sẽ rất hỗn loạn. Ngược lại, Sapiens thường xuyên tụ tập lên đến hàng ngàn người ở những nơi như vậy. Cùng nhau, họ tạo ra các mô hình trật tự – chẳng hạn như các mạng lưới thương mại, lễ hội quần chúng và các thiết chế chính trị – những thứ mà họ không bao giờ có thể tạo ra trong cô lập, Sự khác biệt thật sự giữa chúng ta và tinh tinh là chất keo thần thoại dính kết các cá nhân, gia đình và nhóm với số lượng lớn. Chất keo này đã làm cho chúng ta trở thành chủ nhân của sự sáng tạo.
Tất nhiên, chúng ta cũng cần những kĩ năng khác, chẳng hạn như khả năng chế tác và sử dụng công cụ. Song, việc tạo ra công cụ chẳng có ý nghĩa nhiều, trừ khi nó được kết hợp với khả năng hợp tác. Làm thế nào mà bây giờ chúng ta có tên lửa liên lục địa với đầu đạn hạt nhân, trong khi 30.000 năm trước, chúng ta chỉ có gậy với mũi nhọn bằng đá lửa? Về mặt sinh lý học, không có sự cải thiện đáng kể nào trong khả năng tạo ra công cụ của chúng ta suốt 30.000 năm qua. Albert Einstein còn không khéo tay bằng một người hái lượm cổ đại. Tuy nhiên, năng lực hợp tác với nhiều người lạ của chúng ta đã được cải thiện đáng kể. Đá lửa mũi nhọn cổ đại được làm ra trong vài phút bởi một người duy nhất, dựa trên sự tư vấn và giúp đỡ của vài người bạn thân thiết. Việc sản xuất một đầu đạn hạt nhân hiện đại đòi hỏi sự hợp tác của hàng triệu người lạ trên khắp thế giới, từ những công nhân khai thác quặng uranium sâu dưới lòng đất đến các nhà vật lý lý thuyết, những người viết các công thức toán học dài ngoằng để mô tả sự tương tác của các hạt hạ nguyên tử.*
Sau đây là tóm tắt mối quan hệ giữa sinh học và lịch sử sau Cách mạng Nhận thức:
1. Sinh học thiết lập những thông số cơ bản cho hành vi và năng lực của Homo sapiens. Toàn bộ lịch sử diễn ra trong phạm vi của trường sinh học này.
2. Tuy nhiên, trường hoạt động lại vô cùng lớn, cho phép Sapiens chơi nhiều trò đáng kinh ngạc. Nhờ vào khả năng sáng tạo ra những điều hư cấu, Sapiens tạo nên ngày càng nhiều những trò chơi phức tạp, mỗi thế hệ lại càng phát triển và trau chuốt chúng hơn nữa.
3. Do đó, để hiểu cách thức Sapiens cư xử, chúng ta phải mô tả lịch sử phát triển của các hành động của họ. Nếu chỉ nói về những giới hạn sinh học của chúng ta, sẽ giống như một bình luận viên phát thanh thể thao theo dõi World Cup, cung cấp cho người nghe một mô tả chi tiết về sân chơi, chứ không phải một lời giải thích về những gì các cầu thủ đang làm.
Những trò nào mà tổ tiên Thời kỳ Đồ đá của chúng ta đã chơi trong đấu trường của lịch sử? Theo như chúng ta biết, những người điêu khắc nhân sư Stadel khoảng 30.000 năm trước đây đã có các khả năng về thể chất, tình cảm và trí tuệ như chúng ta. Họ đã làm gì khi thức dậy vào buổi sáng? Bữa sáng và bữa trưa của họ có gì? Xã hội của họ thế nào? Họ có mối quan hệ một vợ một chồng và gia đình hạt nhân không? Họ có các lễ hội, các nguyên tắc đạo đức, các cuộc thi đấu thể thao và các nghi thức tôn giáo không? Họ có các cuộc chiến tranh không? Các chương tiếp theo sẽ vén mở đằng sau bức màn của các thời đại, khám phá đời sống trong khoảng thời gian hàng ngàn năm từ Cách mạng Nhận thức đến Cách mạng Nông nghiệp.
3
MỘT NGÀY TRONG ĐỜI ADAM VÀ EVE
Để hiểu được bản chất, lịch sử và tâm lý của mình, chúng ta phải vào trong bộ óc của những tổ tiên săn bắt hái lượm. Trong gần như toàn bộ lịch sử loài người, Sapiens sống sót bằng cách lang thang kiếm ăn. 200 năm qua, ngày càng nhiều Sapiens kiếm sống với tư cách người lao động thành thị và nhân viên công sở, và trước đó 10.000 năm, đa phần Sapiens kiếm ăn bằng cách trồng trọt và chăn nuôi, nhưng đó chỉ như cái chớp mắt so với hàng chục ngàn năm tổ tiên chúng ta săn bắt và hái lượm.
Ngành tâm lý học tiến hoá đang hưng thịnh lập luận rằng nhiều đặc điểm xã hội và tâm lý ngày nay của chúng ta đã được định hình trong suốt thời kỳ tiền nông nghiệp kéo dài. Thậm chí ngày nay, các học giả trong lĩnh vực này còn tuyên bố rằng bộ não và trí óc của chúng ta đã thích nghi với một cuộc sống sân bắt và hái lượm. Thói quen ăn uống, những xung đột và tình dục của chúng ta là kết quả của cách thức mà bộ não săn bắt hái lượm tương tác với môi trường hậu công nghiệp hiện tại, với các siêu đô thị, máy bay, điện thoại và máy vi tính. Môi trường này mang lại cho chúng ta điều kiện vật chất tốt hơn và sống thọ hơn bất kỳ thế hệ nào trước đây, nhưng lại thường làm cho chúng ta cảm thấy cô độc, chán nản và áp lực. Để hiểu được tại sao, các nhà tâm lý học tiến hoá cho rằng chúng ta cần phải đi sâu vào thế giới hái lượm đã định hình minh, một thế giới vẫn còn tồn tại trong tiềm thức của mỗi người.
Tại sao, chẳng hạn như con người vốn yêu thích thực phẩm có hàm lượng calo cao, không tốt cho cơ thể của họ? Các xã hội giàu có ngày nay đang bị bệnh dịch béo phì hành hạ, và nó đang nhanh chóng lan rộng ra các nước đang phát triển. Lý do khiến chúng ta ăn lấy ăn để thực phẩm ngọt và bổ béo nhất có thể tìm được chẳng có gì bí ẩn, nếu xem xét các thói quen ăn uống của tổ tiên xa xưa. Trong các thảo nguyên và cánh rừng nơi họ cư ngụ, những đồ ngọt có hàm lượng calo cao cực kỳ khan hiếm và thực phẩm nói chung chỉ đủ dùng. 30.000 năm trước đây, một người kiếm ăn điển hình chỉ có thể tiếp cận một loại thức ăn ngọt duy nhất – trái cây chín. Nếu một phụ nữ Thời kỳ Đồ đá tìm thấy một cây sung trĩu quả, điều hợp lý nhất nên làm là phải ăn nhiều nhất có thể ngay tại chỗ, trước khi đám khỉ đầu chó gần đó vặt sạch quả trên cây. Bản năng ăn ngấu nghiến các thực phẩm có lượng calo cao đã được đóng khung vào gen của chúng ta. Giờ đây chúng ta có thể đang sống trong những căn hộ cao tầng với tủ lạnh thừa mứa thực phẩm, nhưng ADN của chúng ta vẫn nghĩ rằng chúng ta đang ở trong thảo nguyên. Đó là lý do khiến cho chúng ta muốn ăn hết một cốc kem Ben & Jerry ngay khi tìm thấy trong tủ lạnh và sau đó nó trôi tuột xuống họng cùng với một cốc Cola lớn.
Lý thuyết “gen phàm ăn” này được chấp nhận rộng rãi. Các giả thuyết khác vấp phải tranh cãi nhiều hơn. Ví dụ, một số nhà tâm lý học tiến hoá cho rằng các bầy người cổ đại không được cấu tạo bởi các gia đình hạt nhân, xoay quanh một đôi vợ chồng. Thay vào đó, những người hái lượm sống trong các cộng đồng không có tư hữu, không có mối quan hệ một vợ một chồng và thậm chí cả tình phụ tử. Trong một bộ lạc như vậy, một nữ giới có thể có quan hệ tình dục và hình thành liên kết mật thiết với một số nam giới (và nữ giới) cùng lúc, và tất cả những người trưởng thành của bầy cùng hợp tác trong việc nuôi dạy con cái. Vì không có nam giới nào biết chắc chắn đâu là con mình, nên họ thể hiện mối quan tâm bình đẳng với mọi đứa trẻ.
Một Cấu trúc xã hội như vậy chẳng phải là một điều không tưởng. Nó đã được nghiên cứu khá chi tiết, đặc biệt là ở họ hàng gần nhất của chúng ta, tinh tinh và tinh tinh lùn. Thậm chí còn có một số nền văn hoá của con người ngày nay, trong đó thực hành việc làm cha tập thể, ví dụ như thổ dân Barí ở châu Mỹ. Theo niềm tin ở những xã hội kiểu này, một đứa trẻ không được sinh ra từ tinh trùng của một nam giới duy nhất mà là từ sự tích tụ của nhiều tinh trùng trong tử cung của nữ giới. Một người mẹ tốt sẽ quan hệ tình dục cùng thời điểm với nhiều nam giới khác nhau, đặc biệt là khi cô ta đang mang thai, do đó con của cô ta sẽ được thừa hưởng những phẩm chất (và cả kĩ năng chăm sóc con cái) không chỉ đơn thuần từ các thợ săn tốt nhất, mà từ người kể chuyện hay nhất, những chiến binh mạnh nhất và những người tình chu đáo nhất. Nếu điều này nghe có vẻ ngớ ngẩn, hãy nhớ rằng trước khi các nghiên cứu hiện đại về phôi thai phát triển, người ta không có bằng chứng chắc chắn rằng các em bé luôn được sinh ra bởi một người cha duy nhất hơn là bởi nhiều người.
Những người ủng hộ giả thuyết về “cộng đồng cổ đại” này lập luận rằng những sự không chung thủy thường xuyên là đặc trưng của hôn nhân hiện đại, và tỉ lệ ly hôn cao, chưa kể những mặc cảm tâm lý mà cả trẻ em và người lớn đều chịu ảnh hưởng, thường bắt nguồn từ việc ép con người phải sống trong các gia đình hạt nhân và có các mối quan hệ thủy chung, vốn không tương thích với phần mềm sinh học của chúng ta.
Nhiều học giả đã cực lực bác bỏ lý thuyết này, nhấn mạnh rằng cả hai đặc điểm một vợ một chồng và sự hình thành gia đình hạt nhân là cốt lõi trong hành vi của con người. Mặc dù xã hội săn bắt hái lượm cổ đại có xu hướng xã hội hoá hơn và bình đẳng hơn so với các xã hội hiện đại, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng xã hội đó vẫn bao gồm các tế bào riêng biệt, mỗi tế bào có chứa một cặp vợ chồng ghen tuông và những đứa trẻ mà họ có chung với nhau. Đây là lý do mà ngày nay các mối quan hệ một vợ một chồng và gia đình hạt nhân là chuẩn mực trong hầu hết các nền văn hoá, tại sao đàn ông và phụ nữ có xu hướng muốn sở hữu đối tác và con cái của họ, và thậm chí tại sao trong một xã hội hiện đại như Bắc Triều Tiên và Syria, quyền lực chính trị lại là cha truyền con nối.
Để giải quyết cuộc tranh cãi này và hiểu về đời sống tình dục, xã hội và chính trị của con người, chúng ta cần phải tìm hiểu về điều kiện sống của tổ tiên mình nhằm khám phá xem họ sống như thế nào vào thời điểm từ Cách mạng Nhận thức cách đây 70.000 năm tới sự khởi đầu Cách mạng Nông nghiệp cách đây khoảng 12.000 năm.
Thật không may, chúng ta không biết nhiều về cuộc sống phiêu bạt kiếm ăn của tổ tiên mình. Cuộc tranh luận giữa hai trường phái “cộng đồng cổ đại” và “một vợ một chồng chung thủy” dựa trên bằng chứng mong manh. Chúng ta rõ ràng là không có tài liệu thành văn nào về thời đại hái lượm, còn các bằng chứng khảo cổ thì chỉ bao gồm chủ yếu các xương hoá thạch và các công cụ bằng đá. Các đồ chế tác bằng vật liệu dễ hỏng hơn – như gỗ, tre hoặc da – chỉ còn sót lại trong những điều kiện vô cùng hiếm hoi. Ấn tượng phổ biến rằng con người thời kỳ tiền nông nghiệp sống trong thời đại chuyên dùng đồ đá là một quan niệm sai lầm dựa trên thiên kiến khảo cổ này. Thời kỳ Đồ đá nên được gọi chính xác hơn là Thời kỳ Đồ gỗ, vì hầu hết các công cụ được sử dụng bởi người săn bắt hái lượm cổ xưa được làm bằng gỗ.
Bất kỳ sự tái tạo nào về đời sống của người săn bắt hái lượm cổ đại từ những di vật còn sót lại đều rất có vấn để. Một trong những sự khác biệt rõ ràng nhất giữa các cư dân cổ đại với hậu duệ của nền văn minh nông nghiệp và công nghiệp, là người cổ đại có rất ít đồ tạo tác và chúng đóng một vai trò nhỏ trong cuộc sống của họ. Trong suốt đời mình, một thành viên điển hình của một xã hội hiện đại giàu sang có thể sở hữu hàng triệu đồ dùng – từ xe hơi, nhà ở cho tới tã dùng một lần, thậm chí là hộp sữa. Hầu như không có hoạt động, niềm tin, hoặc thậm chí là cảm xúc nào lại không được kết nối thông qua những đồ vật do chúng ta tự chế tạo ra. Thói quen ăn uống của chúng ta được hình thành bởi vô số đồ vật, từ thìa, ly đến các phòng thí nghiệm kĩ thuật di truyền và các con tàu đi biển khổng lồ. Trong giải trí, chúng ta sử dụng rất nhiều đồ chơi, từ thẻ nhựa tới sân vận động 100.000 chỗ ngồi. Các mối quan hệ lãng mạn và tình dục của chúng ta được trang bị đầy đủ bằng nhẫn, giường, quần áo đẹp, đồ lót quyến rũ, bao cao su, nhà hàng thời trang, nhà nghỉ giá rẻ, phòng chờ sân bay, hội trường đám cưới và các công ty tiệc cưới. Tôn giáo mang sự linh thiêng vào đời sống chúng ta bằng các nhà thờ Gothic, thánh đường Hồi giáo, đạo tràng Hindu, kinh Torah, bánh xe cầu nguyện Tây Tạng, áo lễ linh mục, nến, hương, cây Giáng sinh, thịt viên, bia mộ và các biểu tượng.
Chúng ta hầu như không nhận thấy sự tràn ngập của những vật dụng này cho đến khi phải chuyển chúng đến một ngôi nhà mới. Người hái lượm chuyển nhà mỗi tháng, mỗi tuần, và đôi khi thậm chí mỗi ngày, mang theo bất cứ thứ gì họ có trên lưng. Không có công ty chuyển nhà, xe tải, hoặc kể cả động vật thồ để chia sẻ gánh nặng. Do đó, họ phải xoay xở với những đồ dùng thiết yếu nhất. Điều này cũng hợp lý, bởi phần lớn đời sống tinh thần, tôn giáo và tình cảm của họ diễn ra mà không cần sự trợ giúp của các đồ chế tác. Sau 100.000 năm nữa, một nhà khảo cổ học có thể ghép nối những mảnh vụn với nhau thành một bức tranh hợp lý về niềm tin và nghi lễ Hồi giáo từ vô số các đồ dùng được khai quật tại tàn tích thánh đường. Nhưng chúng ta gần như vô vọng khi cố gắng tìm hiểu niềm tin và nghi lễ của những người săn bắt hái lượm cổ đại. Và còn rất nhiều tình huống khó xử tương tự mà một sử gia tương lai sẽ phải đối mặt khi miêu tả đời sống xã hội của những thiếu niên sống ở thế kỷ 21 chỉ dựa hoàn toàn trên thư từ viết tay còn sót lại – vì không có hồ sơ lưu giữ những cuộc trò chuyện điện thoại, email, blog hay tin nhắn.
Do đó, việc phụ thuộc vào những đồ chế tác sẽ không phản ánh đúng cuộc sống săn bắt hái lượm cổ đại. Một cách để khắc phục điều này là nhìn vào những xã hội săn bắt hái lượm hiện đại. Việc này có thể được nghiên cứu trực tiếp bằng quan sát nhân học. Nhưng có nhiều lý do hợp lý để phải rất cẩn thận trong việc ngoại suy từ các xã hội hái lượm hiện đại tới xã hội cổ đại.
Thứ nhất, tất cả các xã hội săn bắt hái lượm còn sót lại đến ngày nay đều bị ảnh hưởng bởi các xã hội nông nghiệp và công nghiệp lân cận. Do đó, giả định rằng những gì đúng với họ thì cũng đúng với hàng chục ngàn năm về trước là khá mạo hiểm.
Thứ hai, xã hội hái lượm hiện đại chỉ tồn tại chủ yếu ở những khu vực có điều kiện khí hậu và địa hình khó khăn, khắc nghiệt, không thích hợp cho nông nghiệp. Các xã hội, đã thích nghi với điều kiện khắc nghiệt của những nơi như sa mạc Kalahari ở Nam Phi, cũng có thể cung cấp một mô hình dễ gây hiểu nhầm cho sự hiểu biết về các xã hội cổ đại ở những khu vực màu mỡ, như thung lũng sông Dương Tử. Đặc biệt, mật độ dân số ở những nơi như sa mạc Kalahari thấp hơn nhiều so với thung lũng sông Dương Tử thời cổ đại, điều này rất có ý nghĩa với các câu hỏi quan trọng về quy mô và cấu trúc của các bầy người và mối quan hệ giữa họ.
Thứ ba, đặc điểm đáng chú ý nhất của các xã hội sân bắt hái lượm là sự khác biệt giữa xã hội này với xã hội kia. Chúng khác nhau không chỉ giữa vùng này với vùng kia trên địa cầu, mà ngay cả trong cùng khu vực. Một ví dụ điển hình là sự đa dạng rất lớn mà dân định cư châu Âu đầu tiên đã tìm thấy trong các thổ dân châu Úc. Ngay trước cuộc chinh phục của Anh, khoảng 300.000-700.000 cư dân săn bắt hái lượm trên lục địa chia thành 200-600 bộ lạc, mỗi bộ lạc lại được chia thành nhiều nhóm nhỏ hơn. Mỗi bộ lạc có ngôn ngữ, tín ngưỡng, chuẩn mực và tập quán riêng. Họ sống quanh khu vực bây giờ là Adelaide ở Nam Úc, với nhiều gia tộc phụ hệ, tính dòng dõi theo phía người cha. Những gia tộc này liên kết với nhau thành các bộ lạc dựa trên cơ sở lãnh thổ một cách chặt chẽ. Ngược lại, một số bộ lạc ở Bắc Úc để cao tầm quan trọng của dòng dõi bên mẹ, và bản sắc của một bộ lạc phụ thuộc vào vật tổ chứ không phải là lãnh thổ nơi họ sinh sống.
Có lý khi cho rằng sự đa dạng sắc tộc và văn hoá giữa các bộ lạc săn bắt hái lượm cổ đại khác cũng ấn tượng không kém, và rằng từ 5 tới 8 triệu người hái lượm, sống trên thế giới vào đêm trước của Cách mạng Nông nghiệp, được chia thành hàng ngàn bộ lạc riêng biệt với hàng ngàn ngôn ngữ và văn hoá khác nhau. Sau tất cả, điều này là một trong những di sản chính của Cách mạng Nhận thức. Do biết hư cấu, nên kể cả những người có cùng gen sống trong các điều kiện sinh thái giống nhau cũng có thể tạo ra những thực tế tưởng tượng rất khác nhau, trong đó thể hiện rõ nét các chuẩn mực và giá trị khác nhau.
Ví dụ, có đủ mọi lý do để tin rằng một bầy người hái lượm, sống cách đấy 30.000 năm tại nơi nay là Đại học Oxford, có thể nói một ngôn ngữ khác với cư dân sống ở nơi nay là Đại học Cambridge. Bầy này có thể hiếu chiến trong khi bầy kia lại thích hòa bình. Có lẽ bấy ở Cambridge mang tính chất cộng đồng nhiều hơn, trong khi bầy ở Oxford lại dựa trên gia đình hạt nhân. Dân Cambridge có thể đã dành nhiều giờ để khắc tượng gỗ linh thần giám hộ của họ, trong khi dân Oxford có thể đã tôn thờ bằng những điệu nhảy múa. Dân Cambridge có lẽ tin vào thuyết luân hồi, trong khi dân Oxford lại coi là nhảm nhí. Trong xã hội này các mối quan hệ tình dục đồng tính có thể được chấp nhận, trong khi ở xã hội kia thì điều này lại là cấm kị.
Nói cách khác, mặc dù các quan sát nhân học về những người hái lượm hiện đại có thể giúp chúng ta hiểu phần nào về các khả năng có thể có ở những người hái lượm cổ xưa, bên cạnh chân trời của các khả năng khác mà chúng ta hầu như không quan sát được.* Các cuộc tranh luận sôi nổi về “lối sống tự nhiên” của Homo sapiens lại bỏ lỡ điểm chính yếu. Kể từ Cách mạng Nhận thức, chưa từng có lối sống tự nhiên nào là duy nhất với Sapiens. Chỉ có những lựa chọn văn hoá từ một bảng màu rối rắm của những khả năng có thể xảy ra.
Nguồn gốc xã hội giàu có
Tuy nhiên, chúng ta có thể khái quát được những gì về thế giới thời kỳ tiền nông nghiệp? Dường như có thể tự tin nói rằng đại đa số người dân sống trong các bầy nhỏ với số lượng vài chục hoặc tối đa vài trăm cá nhân, và tất cả họ đều là con người. Điểm này rất đáng lưu ý vì nó không hẳn là hiển nhiên. Hầu hết các thành viên của xã hội nông nghiệp và công nghiệp là các động vật thuần hoá. Tất nhiên là chúng không thể bình đẳng với ông chủ của mình, nhưng chúng cũng là những thành viên như nhau. Ngày nay, xã hội New Zealand có 4,5 triệu Sapiens và 50 triệu con cừu.
Chỉ có một ngoại lệ với quy luật chung này: loài chó. Chó là con vật đầu tiên được Homo sapiens thuần hoá, và điều này xảy ra trước Cách mạng Nông nghiệp. Các chuyên gia không nhất trí về thời điểm chính xác, nhưng chúng ta có bằng chứng không thể chối cãi về loài chó đã được thuần hoá cách đây khoảng 15.000 năm. Chúng có thể đã sống cùng con người sớm hơn cả mốc này hàng ngàn năm.
Loài chó được dùng để đi săn và chiến đấu, để báo động thú dữ và những kẻ đột nhập. Qua nhiều thế hệ, hai loài đã đồng tiến hoá để có thể giao tiếp tốt với nhau. Con chó nào chú ý nhất đến những nhu cầu và cảm giác của con người sẽ được quan tâm hơn, được ăn tốt hơn, và có nhiều khả năng sống sót hơn. Đồng thời, những con chó cũng học được cách lôi kéo con người vì nhu cầu của riêng chúng. Một mối liên kết kéo dài 15.000 năm đã mang lại sự thấu hiểu và cảm tình sâu sắc hơn giữa người và chó hơn bất cứ loài động vật khác. Trong một số trường hợp, những con chó chết đi còn được chôn cất một cách trang trọng, giống như người.
Các thành viên trong một bầy biết nhau rất rõ, và trong suốt cuộc đời, quanh họ là bạn bè và người thân. Sự cô đơn và riêng tư là rất hiếm hoi. Các bầy lân cận có thể cạnh tranh nguồn tài nguyên và thậm chí là đánh nhau, nhưng họ cũng có thể có mối quan hệ thân thiện. Họ trao đổi các thành viên, đi săn cùng nhau, trao đổi những đồ quý hiếm đắt tiền, củng cố liên minh chính trị và tổ chức các ngày lễ tôn giáo. Sự hợp tác này là một trong những đặc trưng quan trọng của Homo sapiens, và đem lại lợi thế cho họ so với những loài người khác. Đôi khi quan hệ với các bầy lân cận chặt chẽ tới mức đủ để họ hợp thành một bộ tộc, chia sẻ một ngôn ngữ chung, những huyền thoại chung, các chuẩn mực và giá trị chung.
Song, chúng ta không nên đánh giá quá cao tầm quan trọng của các mối quan hệ bên ngoài như vậy. Ngay cả nếu xảy ra khủng hoảng, các bộ lạc láng giềng vẫn có thể xích lại gần nhau hơn, và cho dù thỉnh thoảng họ cũng tụ tập để đi săn hoặc ăn mừng với nhau, họ vẫn dành phần lớn thời gian của mình cho sự hoàn toàn riêng tư và độc lập. Giao dịch chủ yếu giới hạn ở những mặt hàng đáng giá như vỏ sò, hổ phách và bột màu. Không có bằng chứng cho thấy những người này đã giao dịch các loại hàng hoá thiết yếu như trái cây và thịt, hoặc sự tồn tại của bầy này phụ thuộc vào việc thu nhận vật phẩm từ những bầy khác. Quan hệ chính trị xã hội cũng chỉ diễn ra lẻ tẻ. Bộ lạc không phải là một khuôn mẫu chính trị thường trực, và dù có những địa điểm gặp mặt theo mùa, nhưng họ cũng không có các thị trấn hoặc thể chế cố định. Một người bình thường có thể sống nhiều tháng mà không nhìn hoặc nghe thấy một người không thuộc bầy mình, và trong suốt cuộc đời anh ta tiếp xúc với không quá vài trăm người. Quần thể Sapiens trải rộng lác đác trên những vùng lãnh thổ rộng lớn. Trước Cách mạng Nông nghiệp, dân số loài người còn nhỏ hơn cả dân số của Cairo ngày nay.
Hình 6. Con vật nuôi đầu tiên? Một ngôi mộ 12.000 năm tuổi được tìm thấy ở phía Bác Israel (bảo tàng Kibbutz Ma’ayan Baruch). Trong đó có bộ xương của một phụ nữ 50 tuổi, cạnh đó là một con chó con (góc trên bên phải). Con chó được chôn gần đầu của người này. Bàn tay trái của cô đặt cạnh con chó như để biểu thị một kết nối cảm xúc. Tất nhiên, cũng có những cách giải thích khác. Ví dụ, có lẽ con chó là món quà cho người gác cổng ở thế giới bên kia.
Hầu hết các bầy Sapiens sống lang bạt, di chuyển từ nơi này đến nơi khác để tìm kiếm thức ăn. Sự di chuyển của họ bị ảnh hưởng bởi sự đổi mùa, sự di cư hằng năm của động vật và các chu kỳ sinh trưởng của thực vật. Họ thường qua lại trên vùng lãnh thổ của mình với diện tích từ vài chục tới hàng trăm cây số vuông.
Thỉnh thoảng, các bầy lang thang ra bên ngoài và khám phá những vùng đất mới, đôi khi do thiên tai, xung đột bạo lực, áp lực dân số hay bởi sáng kiến của một thủ lĩnh uy tín. Những chuyến lang thang này chính là động cơ khiến con người lan rộng ra toàn thế giới. Nếu một bộ lạc hái lượm cứ mỗi 40 năm lại chia nhóm, và nhóm tách ra di cư đến một lãnh thổ mới cách 100 km về phía đông, thì chỉ trong khoảng 10.000 năm, con người sẽ định cư khắp từ Đông Phi tới Trung Hoa.
Trong một số trường hợp đặc biệt, khi nguồn thức ăn thực sự phong phú, các bộ lạc định cứ trong suốt mùa và thậm chí là vĩnh viễn. Kĩ thuật phơi khô, hun khói và ướp đông thực phẩm cũng khiến quá trình định cư lâu dài hơn. Quan trọng nhất, dọc các vùng sông biển giàu thủy sản và chim nước, con người lập những làng chài vĩnh viễn - các khu định cư lâu dài đầu tiên trong lịch sử, rất lâu trước Cách mạng Nông nghiệp. Làng chài có thể đã xuất hiện trên những bờ biển của một số hòn đảo Indonesia rất sớm, vào khoảng 45.000 năm trước đây. Đây có thể là bàn đạp để từ đó Homo sapiens thực hiện cuộc vượt đại dương đầu tiên của mình: xâm chiếm lục địa châu Úc.
Trong hầu hết các mồi trường sống, các bầy Sapiens tự kiếm ăn bằng những cách linh hoạt và cơ hội. Họ đào tổ bắt mối, hái quả, đào rễ cây, bẫy thỏ, săn bò rừng và voi ma-mút. Trái với hình ảnh phổ biến về “những thợ săn”, hái lượm là hoạt động chính của Sapiens, nó cung cấp hầu hết lượng calo cho họ, cũng như các nguyên liệu như đá, gỗ và tre.
Sapiens đã không chỉ tìm kiếm thực phẩm và nguyên vật liệu. Họ còn tìm kiếm kiến thức. Để tồn tại, họ cần một bản đồ chi tiết về lãnh thổ của mình. Để tối đa hoá hiệu quả công việc tìm kiếm thực phẩm hằng ngày, họ cần thông tin về các quy trình phát triển của từng loại cây và các thói quen của mỗi loài vật. Họ cần biết những loại thực phẩm nào ăn được, loại nào độc hại và loại nào dùng để chữa bệnh. Họ cần biết sự tiến triển của các mùa và những dấu hiệu cảnh báo trước của một cơn bão hoặc một đợt khô hạn. Họ đã nghiên cứu mọi dòng suối, cây óc chó, hang gấu và mọi mỏ đá lửa ở xung quanh. Mỗi cá nhân phải biết làm thế nào để tạo ra một con dao bằng đá, làm thế nào để vá một chiếc áo choàng bị rách, làm thế nào để đặt một cái bẫy thỏ, và làm thế nào để đối mặt với tuyết lở, rắn cắn hoặc sư tử đói. Để thuần thục nhiều kĩ năng như vậy bắt buộc phải có nhiều năm học nghề và thực hành. Một người hái lượm cổ đại bình thường có thể biến một cục đá lửa thành một mũi giáo trong vòng vài phút. Khi cố gắng bắt chước thành tựu này, chúng ta thường thất bại thảm hại. Hầu hết chúng ta thiếu kiến thức chuyên sâu về độ sắc cạnh của đá lửa, đá bazan và các kĩ năng chuyển động cần thiết để thực hiện được công việc đó một cách chính xác. Nói cách khác, một người cổ đại trung bình có nền tảng kiến thức rộng hơn, sâu hơn và hiểu biết đa dạng về môi trường xung quanh hơn hầu hết các hậu duệ hiện đại của mình. Ngày nay, đa phần mọi người trong xã hội công nghiệp không cần phải biết nhiều về giới tự nhiên để tồn tại. Bạn có thật sự biết những gì cần cho cuộc sống no đủ khi là một kĩ sư máy tính, một đại lý bảo hiểm, một giáo viên lịch sử hay một công nhân nhà máy? Bạn cần biết rất nhiều về lĩnh vực chuyên môn hẹp của mình, còn với phần lớn các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, bạn dựa vào sự giúp đỡ của các chuyên gia khác, những người mà kiến thức cũng lại chỉ giới hạn trong chuyên môn hẹp của mình. Vốn kiến thức hôm nay của con người lớn hơn rất nhiều so với các bầy người cổ đại. Nhưng ở cấp độ cá nhân, người hái lượm cổ đại có nhiều kiến thức và khéo léo nhất trong lịch sử.
Có một số bằng chứng cho thấy kích thước trung bình của bộ não Sapiens đã thực sự bị giảm sút so với thời kỳ hái lượm. Sống sót trong thời đại đó đòi hỏi mỗi cá nhân phải có năng lực trí tuệ siêu phàm. Khi nông nghiệp và công nghiệp xuất hiện, con người ngày càng có thể dựa vào kĩ năng của những người khác để tồn tại, và “những chỗ ẩn náu của những kẻ khờ dại” được mở ra. Bạn có thể sống sót và truyền lại các gen chẳng có gì đặc sắc của mình cho thế hệ sau bằng cách làm người vận chuyển nước hoặc công nhân dây chuyển lắp ráp.
Người cổ đại làm chủ không chỉ thế giới xung quanh của các loài động thực vật và những vật dụng, mà còn cả thế giới bên trong cơ thể và các giác quan của chính mình. Họ lắng nghe những chuyển động nhỏ nhất trong đám cỏ để xem liệu có một con rắn đang ẩn náu ở đó hay không. Họ cẩn thận quan sát những tán lá cây rừng nhằm phát hiện các loại trái cây, tổ ong và tổ chim. Họ di chuyển tốn ít sức lực nhất và gây ít tiếng ổn nhất, và biết làm thế nào để ngồi, đi lại và chạy nhảy một cách nhanh nhẹn và hiệu quả nhất. Việc sử dụng đa dạng và liên tục các cơ quan trong cơ thể khiến cho họ cân đối như vận động viên chạy marathon. Họ có nền tảng thể chất mà con người ngày nay không thể đạt được, kể cả sau nhiều năm luyện tập yoga hay khí công.
Cuộc sống săn bắt hái lượm khác biệt đáng kể giữa các vùng và các mùa, nhưng về tổng thể, người cổ đại dường như đã tận hưởng một cuộc sống thoải mái hơn và thú vị hơn hầu hết các nông dân, người chân nuôi gia súc, người lao động và nhân viên văn phòng, tất cả đều là hậu duệ của họ.
Trong khi con người trong xã hội giàu có ngày nay làm việc trung bình 40-45 giờ một tuần, và người dân ở các nước đang phát triển phải làm việc 60 và thậm chí 80 giờ một tuần, thì cư dân săn bắt hái lượm còn tồn tại đến hôm nay trong môi trường sống khắc nghiệt nhất, chẳng hạn như sa mạc Kalahari làm việc trung bình chỉ 35-45 giờ một tuần. Họ đi săn chỉ ba ngày một lần và hái lượm chỉ từ ba đến sáu giờ mỗi ngày. Trong điều kiện bình thường, việc đó đủ để nuôi sống cả bầy. Có lẽ người săn bắt hái lượm cổ đại sống trong những khu vực màu mỡ như Kalahari thậm chí còn mất ít thời gian hơn để thu thập thực phẩm và nguyên liệu thô. Trên hết, người cổ đại còn vui vẻ với lượng công việc nội trợ nhẹ nhàng hơn. Họ không có bát đũa để rửa, không có thảm để hút bụi, không có sàn nhà để đánh bóng, không có tã lót để thay và không có hoá đơn để thanh toán.
Nền kinh tế hái lượm mang lại cho hầu hết thành viên cuộc sống thú vị hơn những gì nền nông nghiệp hay công nghiệp làm được. Ngày nay, một công nhân làm việc trong nhà máy ở Trung Hoa rời khỏi nhà khoảng 7 giờ sáng, len lỏi qua các đường phố bị ô nhiễm để đến một xưởng lao động tồi tàn, và làm việc liên tục ở đó trên cùng một chiếc máy, với cùng một kiểu từ ngày này qua ngày khác, trong suốt 10 tiếng dài và căng thẳng, rồi trở về nhà khoảng 7 giờ tối để rửa chén bát và giặt ủi. 30.000 năm trước, một cư dân Trung Hoa cổ đại có thể rời khỏi lều với người bạn mình vào khoảng 8 giờ sáng. Họ có thể đi lang thang trong các khu rừng và đồng cỏ lân cận, hái nấm, đào rễ cây ăn được, bắt ếch và thỉnh thoảng trốn chạy khỏi những con hổ. Đầu giờ chiều, họ quay về lều để làm bữa trưa. Điều này khiến cho họ có rất nhiều thời gian để tán gẫu, kể chuyện, chơi với bọn trẻ và giải trí. Tất nhiên, đôi khi những con hổ vồ được họ, hay một con rắn cắn họ, nhưng mặt khác họ không phải đối phó với tai nạn xe cộ và ô nhiễm công nghiệp.
Ở hầu hết mọi nơi và mọi thời điểm, công cuộc tìm kiếm thức ăn cung cấp chế độ dinh dưỡng lý tưởng. Điều này không ngạc nhiên lắm, vì đây là chế độ ăn uống của con người trong suốt hàng trăm ngàn năm, và cơ thể con người cũng đã thích nghi tốt với nó. Bằng chứng từ các bộ xương hoá thạch chỉ ra rằng người hái lượm cổ xưa thường ít bị chết đói hoặc thiếu dinh dưỡng, và nhìn chung chế độ dinh dưỡng khiến cho họ cao hơn và khỏe mạnh hơn con cháu nông dân của họ sau này. Tuổi thọ trung bình dường như chỉ vào khoảng 40, nhưng điều này phần lớn là do tỉ lệ tử vong cao ở trẻ em. Trẻ em khi đã vượt qua những năm đầu đời nguy hiểm hoàn toàn có cơ hội tốt để sống đến tuổi 60, và một số thậm chí còn sống đến 80. Trong khi đó với người hiện đại, phụ nữ 43 tuổi có thể chỉ sống thêm 20 năm, và chỉ có khoảng 3-8% dân số thọ trên 60 tuổi.
Bí mật thành công của người cổ đại, giúp họ không chết đói và thiếu dinh dưỡng, nằm ở chế độ ăn uống đa dạng của họ. Nông dân thường có một chế độ ăn uống rất hạn chế và không cân bằng. Đặc biệt là trong thời kỳ tiền hiện đại, hầu hết nguồn dinh dưỡng cung cấp cho một xã hội nông nghiệp đến từ một loại cây duy nhất, như lúa mì, khoai tây, gạo. Do đó, họ bị thiếu một số vitamin, khoáng chất và thành phần dinh dưỡng khác cần cho con người. Người nông dân truyền thống điển hình tại Trung Hoa ăn cháo vào bữa sáng, ăn cơm bữa trưa, và lại ăn cơm bữa tối. Nếu may mắn, anh ta có thể mong đợi để ăn giống như thế vào hôm sau. Ngược lại, người cổ đại thường xuyên ăn hàng chục loại thực phẩm khác nhau. Tổ tiên của chúng ta có thể ăn hoa quả và nấm vào bữa sáng; trái cây, ốc sên và rùa dùng để ăn trưa; và thịt thỏ nướng với hành tây dại cho bữa tối. Thực đơn ngày mai có thể hoàn toàn khác. Sự đa dạng này đảm bảo cho người cổ xưa nhân được mọi chất dinh dưỡng cần thiết.
Hơn nữa, do không bị lệ thuộc vào bất kỳ loại thực phẩm duy nhất nào, nên họ ít chịu ảnh hưởng khi một nguồn thực phẩm nào đó biến mất. Các xã hội nông nghiệp sẽ gặp phải nạn đói khi hạn hán, hỏa hoạn, động đất tàn phá vụ lúa hoặc khoai tây cả năm. Xã hội hái lượm khó có thể miễn dịch với các thảm họa tự nhiên, và cũng khổ sở bởi những đợt thiếu thốn và đói khát, nhưng họ thường có thể đối phó với những thảm họa như thế dễ dàng hơn. Nếu họ bị mất một số lượng lương thực đáng kể, họ có thể hái lượm hoặc săn các loài khác, hay chuyển tới một khu vực ít bị ảnh hưởng hơn.
Người hái lượm cổ đại cũng ít chịu các bệnh truyền nhiễm. Hầu hết các bệnh truyền nhiễm được sản sinh ra từ xã hội nông nghiệp và công nghiệp (như bệnh đậu mùa, bệnh sởi và bệnh lao) có nguồn gốc từ động vật được thuần hoá và truyền bệnh cho con người chỉ sau Cách mạng Nông nghiệp. Người hái lượm cổ đại chỉ thuần hoá loài chó, tránh được sự truyền bệnh tai họa này. Hơn nữa, hầu hết mọi người trong các xã hội nông nghiệp và công nghiệp sống trong những khu định cư lâu dài đông đúc, mất vệ sinh, là các hang ổ lý tưởng cho dịch bệnh. Những bầy nhỏ người cổ đại rong ruổi khắp các vùng đất hầu như không thể xuất hiện dịch bệnh.
Chế độ ăn uống lành mạnh và đa dạng, tuần làm việc tương đối ngắn, và hiếm gặp các bệnh truyền nhiễm đã khiến nhiều chuyên gia coi các xã hội kiếm ăn tiền nông nghiệp là “xã hội nguyên thủy giàu có”. Tuy nhiên, sẽ sai lầm nếu lý tưởng hoá cuộc sống của người cổ đại. Mặc dù họ đã sống cuộc đời tốt hơn so với hầu hết mọi người trong xã hội nông nghiệp và công nghiệp, nhưng thế giới xung quanh họ có thể vẫn đầy khắc nghiệt và không khoan nhượng. Các giai đoạn thiếu thốn và khó khăn khá phổ biến, tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh rất cao, và một tai nạn nhỏ hôm nay có thể dễ dàng biến thành một bản án tử hình. Hầu hết mọi người có thể được hưởng sự thân mật gần gũi khi bầy di cư liên tục, nhưng những người bất hạnh, vốn phải chịu sự thù địch hay nhạo báng của các thành viên trong bầy mình, có thể phải chịu đau khổ. Những kẻ hái lượm hiện đại thi thoảng bỏ mặc, hoặc thậm chí giết hại người già cả hoặc người tàn tật nếu họ không thể theo kịp bầy. Trẻ sơ sinh và trẻ em không mong muốn đều có thể bị giết, và thậm chí có những trường hợp hiến tế người vì lý do tôn giáo.
Những người Aché săn bắt hái lượm, sống trong các khu rừng của Paraguay cho đến thập niên 1960, đem đến một góc nhìn đen tối về cuộc sống hái lượm. Khi một thành viên quan trọng trong bộ lạc chết đi, người Aché có phong tục giết chết một cô bé và chôn cả hai cùng nhau. Các nhà nhân học đã phỏng vấn cư dân Aché, ghi nhận một trường hợp trong đó một bầy đã bỏ rơi người đàn ông trung niên bị ốm và không thể theo kịp những người khác. Ông ta đã bị để lại dưới gốc cây. Kền kền vây quanh ông ta, chờ đợi một bữa ăn thịnh soạn. Nhưng người đàn ông đó đã hồi phục, run rẩy bước đi, và ông ta đã xoay xở để tái hòa nhập bẩy. Cơ thể của ông ta dính đầy phân chim, từ đó ông ta có biệt danh là “Phân Kền Kền”.
Khi một phụ nữ Aché già yếu trở thành gánh nặng cho bầy, một thanh niên có thể giết bà ta bằng cú đánh vào đầu với chiếc rìu từ đằng sau. Một người đàn ông Aché kể cho các nhà nhân học hiếu kỳ những câu chuyện thời trai trẻ của mình trong rừng nhiệt đới. “Tôi thường giết chết các bà già. Tôi cũng đã giết các dì của tôi… Phụ nữ sợ tôi… bây giờ, ở đây với người da trắng, tôi đã trở nên yếu ớt”. Trẻ em sinh ra không có tóc bị coi là kém phát triển, bị giết chết ngay lập tức. Một phụ nữ kể lại rằng đứa con đầu lòng của cô bị giết vì những người đàn ông trong bầy không muốn có thêm một bé gái. Trong trường hợp khác, một người đàn ông đã giết một cậu bé vì ông ta “đang chán đời còn đứa trẻ thì lại khóc”. Một đứa trẻ khác bị chôn sống vì “trông nó buồn cười và những đứa khác cười nhạo nó”.
Dù vậy, chúng ta nên cần trọng, không nên phán xét vội vàng về người Aché. Các nhà nhân học đã sống với họ trong nhiều năm cho biết bạo lực giữa những người lớn hiếm khi xảy ra. Cả nữ giới và nam giới có thể tự do thay đổi đối tác theo ý muốn. Họ cười và cười liên tục, không có hệ thống phân tầng lãnh đạo, và thường xa lánh những kẻ độc đoán. Họ rất hào phóng với số của cải ít ỏi của mình, và không bị ám ảnh bởi sự thành công hay giàu có. Những điều họ coi là giá trị nhất trong đời là mối quan hệ xã hội tốt và tình bạn chân thành. Họ coi việc giết hại trẻ em, người bệnh và người già giống như chúng ta ngày nay nhìn nhận việc phá thai và cái chết nhân đạo. Cũng nên lưu ý rằng nông dân Paraguay săn đuổi và giết người Aché không thương tiếc. Buộc phải né tránh kẻ thù có thể khiến người Aché chấp nhận một thái độ đặc biệt khắc nghiệt đối với bất cứ ai có thể trở thành gánh nặng với bầy.
Sự thật là xã hội Aché, giống như bất cứ xã hội loài người nào, đều rất phức tạp. Chúng ta không nên biến họ thành ác quỷ hoặc thiên thần, khi sự hiểu biết về họ còn rất hời hợt. Aché không phải thiên thần cũng không phải ác quỷ, họ là những con người. Và những người săn bắt hái lượm cổ đại cũng vậy.
Nói chuyện về những hồn ma
Chúng ta có thể nói gì về đời sống tâm linh và tinh thần của người sản bắt hái lượm cổ đại? Các nền tảng của nền kinh tế hái lượm có thể được tái tạo khá chắc chắn dựa trên các yếu tố định lượng và khách quan. Ví dụ, chúng ta có thể tính toán một người cần bao nhiêu calo mỗi ngày để tồn tại, nhận bao nhiêu calo từ 1 kg quả óc chó, và có bao nhiêu quả óc chó có thể thu thập được từ một cánh rừng có diện tích 1 km². Với dữ liệu này, chúng ta có thể dự đoán một cách khoa học về tầm quan trọng của quả óc chó trong chế độ ăn uống của họ.
Nhưng liệu họ có coi quả óc chó là một món khoái khẩu hay một thứ đáng ngán? Họ có tin rằng cây óc chó là nơi các linh hồn ẩn náu? Họ có thấy lá cây óc chó đẹp? Nếu một chàng trai cổ đại muốn dẫn một cô gái đến một nơi lãng mạn, liệu bóng mát của một cây óc chó có đủ? Theo đúng định nghĩa, thế giới của tư tưởng, niềm tin và cảm giác rất khó giải mã.
Hầu hết các học giả đều đồng ý rằng niềm tin vật linh rất phổ biến trong xã hội kiếm ăn cổ xưa. Thuyết vật linh (xuất phát từ “anima” nghĩa là “linh hồn” hay “tinh thần” trong tiếng Latin) là tín ngưỡng cho rằng hầu hết mọi địa điểm, mọi con vật, mọi cây cối và mọi hiện tượng tự nhiên đều có nhận thức và cảm xúc, có thể giao tiếp trực tiếp với con người. Do đó, người theo thuyết vật linh có thể tin rằng tảng đá lớn trên đỉnh đồi có những ham muốn và nhu cầu. Tảng đá có thể tức giận về điều gì đó mà con người đã làm và vui mừng bởi một số hành động khác. Tảng đá có thể nhắc nhở con người hoặc đưa ra ước nguyện. Về phần mình, con người có thể tác động lên tảng đá bằng cách xoa dịu hoặc đe dọa nó. Không chỉ tảng đá, mà cây sồi ở chân đồi cũng là một thực thể sống, và cũng vậy, là dòng nước chảy dưới đồi, dòng suối chảy qua khoảng rừng trống, những bụi cây mọc xung quanh, con đường mòn dẫn đến bãi đất trống, các con chuột đồng, chó sói và quạ uống nước ở đó. Trong thế giới của những người vật linh, các vật thể và sinh vật không phải là các thực thể duy nhất có linh hồn. Còn có các thực thể phi vật chất – linh hồn của người chết, những loài thân thiện và ác độc, những gì mà ngày nay chúng ta gọi là ác quỷ, tiên hay thiên thần.
Thuyết vật linh tin rằng không có rào cản giữa con người và các thực thể khác. Tất cả đều có thể giao tiếp trực tiếp qua lời nói, bài hát, vũ điệu và buổi tế lễ. Một thợ săn có thể nói chuyện với một đàn hươu và xin một con trong đàn hiến sinh. Nếu cuộc đi săn thành công, thợ sân có thể xin con vật bị giết tha thứ cho anh ta. Khi có người ốm đau một shaman có thể liên hệ với linh hồn gây ra bệnh tật và cố gắng làm nó yên lòng hay đuổi nó đi. Nếu cần, shaman có thể yêu cầu sự giúp đỡ từ các linh hồn khác. Đặc điểm chung của mọi hành vi giao tiếp này là các thực thể được liên hệ đều là những thực thể địa phương. Đấy không phải là những vị thần phổ quát, mà là một con nai cụ thể, một cái cây cụ thể, một dòng suối cụ thể, một con ma cụ thể.
Không có rào cản giữa con người và những thực thể khác, cũng như không có một hệ thống phân tầng nghiêm ngặt. Những thực thể phi nhân tồn tại không đơn thuần là để cấp cho các nhu cầu của con người, cũng không phải là những đấng toàn năng vận hành thế giới theo ý muốn của chúng. Thế giới không xoay quanh con người hoặc nhóm thực thể cụ thể nào.
Thuyết vật linh không phải là một tôn giáo cụ thể. Nó là tên gọi chung cho hàng ngàn tôn giáo, giáo phái và tín ngưỡng rất khác nhau. Cách tiếp cận phổ biến này làm cho tất cả chúng mang tính “vật linh” đối với thế giới và vị trí của con người trong đó. Khi nói rằng những người hái lượm cổ đại có lẽ theo thuyết vật linh, cũng giống như nói rằng những người làm ruộng thời tiền hiện đại chủ yếu là hữu thần. Thuyết hữu thần (bắt nguồn từ “theos” trong tiếng Hy Lạp nghĩa là “thần linh”) là quan điểm cho rằng trật tự vũ trụ được dựa trên mối quan hệ có thứ bậc giữa con người và một nhóm nhỏ những thực thể siêu phàm được gọi là các vị thần. Nói rằng những người làm ruộng thời tiền hiện đại thường tin vào các vị thần thì đúng, nhưng nó không giúp chúng ta hiểu hơn về những trường hợp riêng biệt. Các nhóm được xếp vào nhóm “hữu thần” bao gồm các giáo sĩ Do Thái từ thế kỷ thứ 18 ở Ba Lan, những người Thanh giáo thiêu sống phù thủy từ thế kỷ 17 ở Massachusetts, các giáo sĩ Aztec từ thế kỷ 15 ở Mexico, những tín đồ Sufi thần bí từ thế kỷ 12 ở Iran, những chiến binh Viking thế kỷ 10, những lính lê dương La Mã thế kỷ 2, và các quan lại Trung Hoa thế kỷ 1. Mỗi nhóm đều xem niềm tin và thực hành của các nhóm khác là hết sức kỳ lạ và dị giáo. Những khác biệt giữa niềm tin và thực hành của các nhóm hái lượm theo thuyết vật linh có lẽ cũng lớn như vậy. Trải nghiệm tôn giáo của họ có thể đã từng hỗn loạn và chứa đầy những cuộc tranh cãi, cải cách và cách mạng.
Nhưng những sự khái quát thận trọng này là tất cả những gì chúng ta có thể làm. Bất kỳ một cố gắng nào nhằm mô tả các chi tiết của thế giới tâm linh cổ xưa đều có tính suy đoán rất cao, bởi không có bằng chứng đi kèm, và một ít chứng cứ chúng ta có – một vài đồ chế tác và các bức vẽ trong hang động – có thể được giải thích theo nhiều cách. Những lý thuyết của các học giả tuyên bố hiểu được cảm giác của những người săn bắt hái lượm, chỉ càng làm sáng tỏ những định kiến của các học giả hơn là về các tôn giáo Thời kỳ Đồ đá.
Thay vì đưa ra hàng núi lý thuyết dựa trên một đụn đất của những di tích mộ cổ, các bức vẽ trong hang động và những hoá thạch bằng xương, tốt hơn là nên thẳng thắn thừa nhận rằng chúng ta chỉ có những ý niệm mờ nhạt nhất về các tôn giáo của người hái lượm cổ xưa. Chúng ta giả định rằng họ theo thuyết vật linh, nhưng điều đó cũng chẳng đem lại nhiều thông tin. Chúng ta không biết họ cầu nguyện các linh hồn nào, họ tổ chức ăn mừng gì trong các lễ hội, hoặc họ tuân theo những điều cấm kị gì. Quan trọng nhất, chúng ta không biết gì về những câu chuyện họ kể. Đây là một trong những lỗ hổng lớn nhất trong hiểu biết của chúng ta về lịch sử nhân loại.
Thế giới chính trị xã hội của người hái lượm là một lĩnh vực khác mà chúng ta gần như không biết gì. Như đã giải thích ở trên, các học giả thậm chí không thể đồng ý về những điều cơ bản, chẳng hạn như sự tồn tại của sở hữu tư nhân, gia đình hạt nhân và mối quan hệ một vợ một chồng. Có khả năng là các bộ lạc khác nhau có cấu trúc khác nhau. Một số có thể đã theo định chế thứ bậc, căng thẳng và bạo lực như nhóm tinh tinh dơ dáy, trong khi những nhóm khác lại dễ dãi, yên bình và dâm đãng như bầy tinh tinh lùn.
Hình 7. Một bức tranh ở hang Lascaux cách đây khoảng 15.000-20.000 năm. Chính xác thì chúng ta thấy gì, và ý nghĩa của bức tranh là gì? Một số người cho là nhìn thấy một người đàn ông với cái đầu hình chim và dương vật cương cứng, bị một con bò rừng giết chết. Bên dưới người đàn ông là một con chim khác có thể tượng trưng cho linh hồn, thoát ra từ cơ thể vào lúc chết. Nếu vậy, bức tranh không mô tả một tai nạn tầm thường, mà là sự chuyển dịch từ thế giới này sang thế giới tiếp theo. Nhưng chúng ta không có cách nào để biết liệu các suy đoán này có đúng không. Đó là một thử nghiệm Rorschach trong đó tiết lộ nhiều về những định kiến của các học giả hiện đại, và rất ít về niềm tin của những nguôi hái lượm cổ đại.
Ở vùng Sungir của Nga vào năm 1955, các nhà khảo cổ học phát hiện một nghĩa địa cổ 30.000 năm thuộc một nền văn hoá voi ma-mút. Trong một ngôi mộ, họ tìm thấy bộ xương của một người đàn ông 50 tuổi, được bao phủ bởi những chuỗi hạt bằng ngà voi ma-mút, tổng số khoảng 3.000 hạt. Trên đầu người chết là chiếc mũ trang trí hàm răng con cáo, và trên cổ tay ông ta là 25 chiếc vòng đeo tay bằng ngà voi.
Các ngôi mộ khác ở cùng địa điểm đó có ít đồ tùy táng hơn. Các học giả suy luận rằng những người săn voi ma-mút Sungir đã sống trong một xã hội có thứ bậc, và rằng người đàn ông đã chết kia có lẽ là người đứng đầu một bầy hay một bộ lạc lớn gồm nhiều bầy nhỏ hơn. Bởi chỉ vài chục thành viên của một bộ lạc duy nhất khó có thể tạo ra nhiều đồ tùy táng đến thế.
Hình 8. Những người săn bát hái lượm tạo ra những dấu tay này cách đây khoảng 9.000 năm trong “Hang bàn tay” ở Argentina. Nhìn như thể những bàn tay đã chết từ lâu này đang vươn về phía chúng ta từ trong tảng đá. Đây là một trong những di tích cảm động nhất của thế giới cổ đại, nhưng không ai biết nó có nghĩa gì.
Các nhà khảo cổ học sau đó phát hiện ra một ngôi mộ thậm chí còn thú vị hơn. Nó chứa hai bộ xương, chôn nối đầu nhau. Một thuộc về một cậu bé ở độ tuổi khoảng 12 hay 13, và một thuộc về một cô bé khoảng 9 hoặc 10 tuổi. Cậu bé được bao phủ với 3.000 hạt ngà voi, được đội một chiếc mũ răng cáo và một chiếc thắt lưng được kết từ 250 chiếc răng cáo (ít nhất phải nhổ hết răng của 60 con cáo mới có được nhiều răng tới vậy). Cô bé được trang trí với 5.250 hạt ngà voi. Quanh hai đứa trẻ là những bức tượng nhỏ và nhiều đồ vật khác nhau làm từ ngà voi. Một nam hoặc nữ nghệ nhân lành nghề có lẽ cần khoảng 45 phút để làm được một hạt ngà voi như thế. Nói cách khác, việc trang trí hơn 10.000 hạt ngà voi bao phủ hai đứa trẻ, chưa kể đến các vật trang trí khác nữa, đã tốn ít nhất 7.500 giờ làm việc tỉ mỉ, tinh xảo, tức là hơn ba năm lao động của một nghệ nhân giàu kinh nghiệm!
Ở một độ tuổi non trẻ như vậy, hai đứa trẻ Sungir khó có thể là những nhà lãnh đạo hay những người săn voi ma-mút lành nghề. Chỉ có niềm tin văn hoá mới có thể giải thích tại sao chúng lại được chôn cất xa hoa đến vậy. Một giả thuyết cho rằng chúng có được thứ bậc cao quý từ cha mẹ mình. Có lẽ chúng là con của người đứng đầu, trong một nền văn hoá tin tưởng vào uy tín gia đình hoặc các quy tắc kế vị nghiêm ngặt. Theo giả thuyết thứ hai, hai đứa trẻ đã được xác định ngay từ lúc sinh ra như là hiện thân của các linh hồn đã chết từ lâu. Một giả thuyết thứ ba cho rằng việc chôn cất trẻ em như vậy phản ánh cách mà chúng chết hơn là thứ bậc của chúng trong cuộc sống. Chúng đã được hiến tế – có lẽ như một phần của nghi lễ chôn cất người đứng đầu – và sau đó được chôn với nghi thức đầy trang trọng.
Dù giả thuyết nào đúng đi nữa, hai đứa trẻ Sungir vẫn là một trong những bằng chứng tốt nhất về việc cách đây 30.000 năm, Sapiens đã có thể phát minh ra các quy định chính trị xã hội vượt xa các mệnh lệnh trong ADN của họ và các mô hình hành vi của những loài người và loài động vật khác.
Hòa bình hay chiến tranh?
Cuối cùng, có một câu hỏi hóc búa về vai trò của chiến tranh trong các xã hội cổ đại. Một số học giả hình dung về các xã hội săn bắt hái lượm cổ đại như những thiên đường bình yên, lập luận rằng chiến tranh và bạo lực chỉ bắt đầu với Cách mạng Nông nghiệp, khi mọi người bắt đầu tích lũy tài sản tư nhân. Các học giả khác khẳng định rằng thế giới của người hái lượm cổ đại cực kỳ tàn nhẫn và bạo lực. Cả hai trường phái tư tưởng trên giống như là những lâu đài trên mây, kết nối với mặt đất bằng các sợi dây mỏng manh từ những di vật khảo cổ ít ỏi và những quan sát nhân học từ người hái lượm ngày nay.
Các bằng chứng nhân học tuy rất hấp dẫn, nhưng tồn tại rất nhiều vấn đề. Những người hái lượm ngày nay sống chủ yếu ở các khu vực cô lập và khắc nghiệt, như Bắc cực hay Kalahari, nơi mật độ dân số rất thấp và cơ hội đánh nhau rất hạn chế. Hơn nữa, trong các thế hệ gần đây, người hái lượm ngày càng là đối tượng thuộc thẩm quyền của các nhà nước hiện đại, nhằm ngăn chặn sự bùng nổ các cuộc xung đột quy mô lớn. Các học giả châu Âu đã chỉ có hai cơ hội để quan sát các quần thể lớn và tương đối dày đặc của những người hái lượm độc lập: một là ở phía tây bắc của Bắc Mỹ vào thế kỷ 19, và một là ở Bắc Úc vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Cả hai nền văn hoá của thổ dân châu Mỹ và châu Úc đều chứng kiến các cuộc xung đột vũ trang thường xuyên. Tuy nhiên, điều gây tranh cãi là không biết điều này đại diện cho một tình trạng “phi thời gian” hay là do tác động của chủ nghĩa đế quốc châu Âu.
Những phát hiện khảo cổ học đều vừa hiếm hoi vừa không rõ ràng. Manh mối nào còn tồn tại về cuộc chiến tranh nào đó đã xảy ra hàng chục ngàn năm trước? Thời đó không có hào lũy và tường thành, không có đạn pháo hoặc kể cả gươm và khiên. Một ngọn giáo cổ xưa có thể đã được sử dụng trong chiến tranh, nhưng nó cũng có thể đã được sử dụng trong một cuộc đi săn. Hoá thạch xương người cũng khó mà giải thích. Một vết nứt gãy có thể chỉ ra một vết thương chiến tranh hoặc một tai nạn. Cũng không phải là nếu thiếu vắng những vết nứt gãy xương hay các vết cắt trên một bộ xương thì chúng ta có thể kết luận rằng bộ xương cổ đại đó thuộc về một người chết không do bạo lực. Chấn thương mô mềm không để lại dấu vết trên xương cũng có thể dẫn đến cái chết. Thậm chí quan trọng hơn, trong chiến tranh thời kỳ tiền công nghiệp, hơn 90% nạn nhân chiến tranh đã chết vì đói rét và bệnh tật chứ không phải do vũ khí. Hãy tưởng tượng rằng 30.000 năm trước, một bộ lạc đã đánh bại hàng xóm của mình và trục xuất họ ra khỏi lãnh thổ đang sinh sống. Trong trận quyết chiến, 10 thành viên của bộ lạc thua trận đã bị giết. Trong năm sau, 100 thành viên của bộ lạc chết vì đói rét và bệnh tật. Các nhà khảo cổ học khi xem qua 110 bộ xương có thể dễ dàng kết luận rằng nạn nhân chết do thảm họa thiên nhiên nào đó. Làm thế nào chúng ta có thể nói rằng tất cả họ đều là nạn nhân của một cuộc chiến tranh tàn nhẫn?
Màn cảnh báo đã xong, và giờ thì chúng ta có thể chuyển sang những phát hiện khảo cổ học. Tại Bồ Đào Nha, một cuộc khảo sát đã được thực hiện trên 400 bộ xương từ thời kỳ ngay trước Cách mạng Nông nghiệp. Chỉ có hai bộ xương cho thấy dấu hiệu rõ ràng về bạo lực. Một cuộc khảo sát tương tự trên 400 bộ xương cùng thời kỳ tại Israel phát hiện một vết nứt duy nhất trên một hộp sọ duy nhất, có thể là do bạo lực của con người. Cuộc khảo sát thứ ba trên 400 bộ xương từ nhiều di chỉ thời kỳ tiền nông nghiệp ở thung lũng sông Danube cho thấy bằng chứng của bạo lực trên 18 bộ xương. 18 trong tổng số 400 nghe có vẻ không nhiều, nhưng nó thực sự là một tỉ lệ rất cao. Nếu tất cả 18 bộ xương đó thực sự là kết quả của những cái chết dữ dội, có nghĩa là khoảng 4,5% các ca tử vong ở thung lũng sông Danube cổ xưa có nguyên nhân từ bạo lực của con người. Ngày nay, tỉ lệ trung bình trên toàn thế giới chỉ là 1,5%, tính cả chiến tranh và tội phạm. Trong thế kỷ 20, chỉ có 5% trường hợp tử vong do bạo lực của con người, và đây là thế kỷ chứng kiến các cuộc chiến tranh đẫm máu nhất và nạn diệt chủng lớn nhất trong lịch sử. Nếu đây là trường hợp điển hình, thì thung lũng sông Danube cổ đại cũng bạo lực không kém gì thế kỷ 20.*
Những phát hiện buồn từ thung lũng sống Danube được hỗ trợ bởi một chuỗi các kết quả thất vọng ngang vậy được phát hiện từ các khu vực khác. Tại Jabl Sahaba ở Sudan, một nghĩa địa 12.000 năm tuổi chứa 59 bộ xương được phát hiện. Đầu mũi tên và mũi giáo được tìm thấy trong tình trạng đâm sâu vào trong hoặc nằm gần xương của 24 bộ xương, chiếm 40%. Bộ xương của một người phụ nữ có tới 12 vết thương. Trong hang Ofnet ở Bavaria, các nhà khảo cổ học còn phát hiện hài cốt của 38 người hái lượm, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, bị ném vào hai hố chôn tập thể. Một nửa các bộ xương, gồm cả trẻ em và trẻ sơ sinh, mang rõ dấu hiệu bị tấn công bởi vũ khí của con người như mác và dao. Một vài bộ xương thuộc về nam giới trưởng thành có những dấu hiệu bạo lực tồi tệ nhất. Có khả năng là toàn bộ một bầy người hái lượm đã bị tàn sát tại Ofnet.
Vậy bằng chứng nào đại diện tốt hơn cho thế giới của những người hái lượm cổ xưa: các bộ xương yên bình từ Israel và Bồ Đào Nha, hay các lò giết mổ của Jabl Sahaba và Ofnet? Câu trả lời là cả hai đều không. Cũng như khi thể hiện sự đa dạng trong các tôn giáo và cấu trúc xã hội, liệu người hái lượm có thể hiện những mức độ bạo lực khác nhau? Trong khi một số khu vực và một số thời điểm có thể được hưởng sự hòa bình và yên tĩnh, thì số khác lại bị xé nát bởi các cuộc xung đột dữ dội.
Bức màn im lặng
Nếu việc tái tạo một bức tranh tổng quát về cuộc sống của con người cổ đại là không hề dễ, thì các sự kiện cụ thể còn gần như vĩnh viễn không thể phục hồi. Khi một bầy Sapiens lần đầu tiên bước vào một thung lũng của Neanderthal, những năm tiếp theo có thể đã chứng kiến một bộ phim lịch sử hấp dẫn. Thật không may, không gì có thể tồn tại từ một cuộc gặp gỡ như vậy, ngoại trừ trong trường hợp tốt nhất là một vài khúc xương hoá thạch và một số ít các công cụ bằng đá, dù vẫn câm nín dưới những tìm tòi khoa học quyết liệt nhất. Chúng ta có thể trích xuất từ chúng thông tin về cơ thể, công nghệ, chế độ ăn uống, và thậm chí cả cấu trúc xã hội của con người. Nhưng chúng chẳng tiết lộ điều gì về liên minh chính trị giữa các bầy Sapiens láng giềng, về linh hồn của người chết ban phước cho liên minh này, hoặc về hạt ngà voi bí mật trao cho các thầy lang phù thủy địa phương để đảm bảo phước lành của các linh hồn.
Bức màn im lặng này kéo dài hàng chục ngàn năm lịch sử. Mấy thiên niên kỷ dài này cũng có thể đã chứng kiến các cuộc chiến tranh và cách mạng, những phong trào tôn giáo sôi sục, những lý thuyết triết học sâu xa, những kiệt tác nghệ thuật có một không hai. Người hái lượm có thể đã có những Napoleon-chinh-phục-tất-cả, người cai trị những đế quốc có quy mô bằng một nửa Luxembourg; có những Beethoven thiên tài dù không có dàn nhạc giao hưởng nhưng vẫn làm người ta rơi nước mắt bằng tiếng sáo trúc của mình; và những nhà tiên tri uy tín như Muhammad đã tiết lộ lời của một cây sồi tại địa phương, chứ không phải của một đấng sáng tạo phổ quát. Nhưng tất cả đều chỉ là phỏng đoán đơn thuần. Bức màn im lặng dày tới mức chúng ta thậm chí không thể dám chắc những điều đó đã xảy ra hay không, nói gì đến việc mô tả chúng chi tiết.
Các học giả có xu hướng chỉ đặt ra những câu hỏi mà họ có thể kỳ vọng có câu trả lời hợp lý. Nếu không có những công cụ khảo cứu mới, chúng ta sẽ không bao giờ biết được người hái lượm cổ đại tin gì hoặc đời sống chính trị của họ ra sao. Song, việc đặt ra những câu hỏi hiện chưa có câu trả lời vẫn rất quan trọng, nếu không chúng ta sẽ dễ bỏ qua 60.000 đến 70.000 năm lịch sử nhân loại với lời biện minh rằng “những người sống vào thời đó chẳng làm được gì quan trọng”.
Sự thật là họ đã làm được nhiều điều lớn lao. Đặc biệt, họ định hình thế giới xung quanh chúng ta ở mức độ lớn hơn nhiều những gì mọi người vẫn tưởng. Những khách bộ hành thăm lãnh nguyên Siberia, những sa mạc ở trung tâm nước Úc và các khu rừng nhiệt đới Amazon, tin rằng họ đã bước vào cảnh quan nguyên sơ, hầu như chưa bị tàn phá bởi bàn tay con người. Nhưng đó là một ảo tưởng. Những người hái lượm đã ở đó trước chúng ta, họ đã mang lại những thay đổi mạnh mẽ ngay cả đối với những khu rừng dày đặc nhất và những cánh đồng vắng hoang vu nhất. Chương tiếp theo giải thích cách người hái lượm định hình lại hoàn toàn hệ sinh thái của hành tinh chúng ta từ rất lâu trước khi các làng nông nghiệp đầu tiên được xây dựng. Các bầy Sapiens lang thang biết kể chuyện mang sức mạnh quan trọng nhất và phá hoại nhất mà thế giới động vật từng sản sinh.
4
TRẬN LỤT
Trước Cách mạng Nhận thức, loài người sống hoàn toàn trên một vùng đất rộng lớn thuộc lục địa Á-Phi. Đúng là họ đã định cư trên một vài hòn đảo bằng cách bơi qua những quãng đường ngắn hoặc vượt qua chúng bằng những chiếc bè gỗ tự chế. Ví dụ, con người đã định cư ở đảo Flores cách đây tận 850.000 năm. Tuy nhiên, họ vẫn chưa dám khám phá biển khơi và chưa một ai vươn tới được châu Mỹ, châu Úc và những hòn đảo xa xôi như Madagascar, New Zealand và Hawaii.
Rào cản biển khơi đã ngăn trở không chỉ con người mà còn rất nhiều loài động thực vật Á-Phi vươn tới “Thế giới Bên ngoài”. Kết quả là các sinh vật ở những vùng đất xa xôi như châu Úc và Madagascar đã tiến hoá một cách biệt lập trong hàng triệu triệu năm, có hình dạng và tính chất rất khác với họ hàng của chúng ở Á-Phi. Trái đất đã bị phân chia thành các hệ sinh thái riêng biệt, mỗi hệ được hình thành bởi một nhóm các loài động thực vật riêng biệt. Homo sapiens đang sắp sửa chấm dứt sự đa dạng sinh học này.
Tiếp theo sau Cách mạng Nhận thức, Sapiens đã nắm được kĩ thuật, các kĩ năng tổ chức, và thậm chí có thể lên cả kế hoạch để thoát ra khỏi Á-Phi và định cư ở Thế giới Bên ngoài. Thành tựu đầu tiên của họ là chiếm đóng châu Úc cách đây khoảng 45.000 năm. Các chuyên gia vấp phải nhiều khó khăn để lý giải thành tựu này. Để vươn tới châu Úc, loài người đã phải vượt qua nhiều eo biển, một số rộng hơn 100 km, và khi tới nơi họ phải thích nghi gần như lập tức với một hệ sinh thái hoàn toàn mới.
Giả định hợp lý nhất cho rằng, cách đây khoảng 45.000 năm, Sapiens sống ở quần đảo Indonesia (một nhóm các đảo riêng rẽ nhau và tách biệt khỏi châu Á bởi các eo biển nhỏ hẹp) đã phát triển những cộng đồng chuyên đi biển đầu tiên. Họ đã học đóng và điều khiển những con thuyền đi biển, trở thành những ngư dân, thương nhân và nhà thám hiểm đường dài. Điều này đã mang đến sự biến đổi chưa từng thấy về năng lực và lối sống của loài người. Các loài động vật có vú khác đã từng vượt biển như hải cẩu, bò biển, cá heo, đã phải tiến hoá trong hàng liên đại để phát triển các cơ quan chuyên biệt và một cơ thể hoạt động theo nguyên lý thủy động lực học. Sapiens ở Indonesia, con cháu của loài vượn sống ở đồng cỏ châu Phi, đã trở thành những thủy thủ vượt Thái Bình Dương mà không cần phát triển chân có màng và chờ cho mũi mình chuyển lên đỉnh đầu giống như cá voi. Thay vào đó, họ đóng thuyền và học cách điều khiển chúng. Chính những kĩ năng này đã giúp họ đến định cư tận châu Úc.
Thực tế là các nhà khảo cổ học vẫn chưa tìm được bè mảng, mái chèo, hoặc làng chài có niên đại cách đây tận 45.000 năm (rất khó phát hiện chúng, do mực nước biển dâng cao đã chôn vùi dải đất ven biển Indonesia cổ đại dưới hàng trăm mét nước). Tuy nhiên, có những bằng chứng gián tiếp mạnh mẽ ủng hộ cho giả thuyết này, đặc biệt là sự kiện hàng ngàn năm sau khi định cư ở châu Úc, Sapiens đã lan sang rất nhiều các hòn đảo nhỏ và biệt lập về phía Bắc của châu Úc. Một số hòn đảo như Buka và Manus cách đất liền nơi gần nhất 200 km theo đường thủy. Thật khó tin rằng ai đó đã có thể tiếp cận và định cư tại Manus mà không cần những con thuyền tinh vi và kĩ năng dùng buồm. Như từng đề cập, có bằng chứng vững chắc về sự giao thương thường xuyên bằng đường biển giữa một số hòn đảo như New Ireland và New Britain.
Hành trình của những người đầu tiên tới châu Úc là một trong những sự kiện quan trọng trong lịch sử, ít nhất là quan trọng ngang với hành trình của Columbus tới châu Mỹ, hoặc cuộc thám hiểm Mặt trăng Apollo 11. Lần đầu tiên, con người có thể rời khỏi hệ sinh thái Á-Phi. Quả thực, đây cũng là lần đầu tiên một loài động vật to lớn có vú sống trên cạn có thể đi từ Á-Phi tới châu Úc. Quan trọng hơn nữa là những gì mà những người tiên phong đã làm ở thế giới mới này. Thời điểm mà những người sân bắt hái lượm lần đầu đặt chân lên bờ biển của châu Úc chính là thời điểm mà Homo sapiens leo lên bậc cao nhất trong chuỗi thức ăn ở một vùng đất rộng lớn, và từ đó về sau trở thành một loài sinh vật tàn bạo nhất trong biên niên sử Trái đất.
Trước đó, con người đã thể hiện một vài sự thích nghi và hành vi sáng tạo, nhưng ảnh hưởng của họ lên môi trường không đáng kể. Họ đã chứng tỏ sự thành công ấn tượng trong việc chuyển đến và thích nghi với các môi trường sống khác nhau mà không làm thay đổi nhiều môi trường đó. Những người khai hoang ở châu Úc, hay chính xác hơn là những người đi xâm chiếm, không chỉ thích nghi mà còn làm thay đổi hệ sinh thái của châu Úc đến mức không còn nhận ra được.
Vết chân của những người đầu tiên trên bờ biển châu Úc đẩy cát ngay lập tức đã bị những con sóng cuốn đi xa. Song, khi những kẻ xâm chiếm tiến sâu vào đất liền, họ đã để lại một dấu chân khác, thứ sẽ không bao giờ bị xóa nhòa. Khi đi sâu hơn, họ đã bắt gặp một thế giới lạ kỳ với những sinh vật chưa từng được biết đến, bao gồm những con kangaroo nặng 200 kg cao 2 mét, những con sư tử có túi to bằng con hổ ngày nay – loài động vật ăn thịt lớn nhất của lục địa này. Những con gấu túi lớn đến mức khó mà vuốt ve và tạo cảm mến đang gây ra tiếng sột soạt trên cây, những con chim không bay được to gấp đôi đà điều đang chạy hết tốc lực trên vùng đồng bằng. Những con rắn và thằn lằn giống như con rồng dài 5 mét trườn dưới đất ngầm. Loài gấu túi diprotodon khổng lồ nặng khoảng 2,5 tấn lang thang trong các khu rừng. Không kể các loài chim và bò sát, tất cả những động vật này đều là loài thú có túi, như loài kangaroo sinh ra những con non như bào thai nhỏ bé, non nớt rất cần được bảo vệ và được bú mẹ trong cái túi ở trước bụng. Những động vật có túi, thuộc loài có vú hầu hết không được biết đến ở châu Á và châu Phi, nhưng ở châu Úc chúng là loài thống trị ở vị trí cao nhất.
Trong khoảng vài ngàn năm, hầu hết những con thú khổng lồ này đều biến mất. Trong 24 loài động vật của châu Úc có cân nặng trên 50 kg, 23 loài đã tuyệt chủng. Một số lượng lớn các loài động vật nhỏ hơn cũng đã biến mất. Chuỗi thức ăn của toàn bộ hệ sinh thái châu Úc bị phá vỡ và bị sắp xếp lại. Đây là một trong những sự biến đổi quan trọng nhất của hệ sinh thái châu Úc trong hàng triệu năm. Và tất cả có phải là tội lỗi của Homo sapiens hay không?
Cáo buộc phạm tội
Một số học giả cố gỡ tội cho chúng ta, đổ trách nhiệm cho sự thay đổi thất thường của khí hậu (vật tế thần thông thường trong những trường hợp như vậy). Song, thật khó tin rằng Home sapiens hoàn toàn vô tội. Có ba chứng cớ làm suy yếu bằng chứng tội phạm của “khí hậu” và ám chỉ đến tổ tiên của chúng ta trong việc tiêu diệt quần thể động vật to lớn của châu Úc.
Thứ nhất, mặc dù thời tiết châu Úc có biến đổi ít nhiều trong 45.000 năm qua, nhưng sự biến đổi này không quá rõ rệt. Thật khó có thể hiểu nổi làm thế nào mà chỉ riêng những hình thái thời tiết mới mẻ lại gây ra được sự tuyệt chủng nghiêm trọng đến vậy. Ngày nay, chúng ta thường giải thích mọi thứ là do biến đổi khí hậu. Nhưng thực tế là khí hậu Trái đất không bao giờ đứng yên. Nó luôn trong trạng thái thay đổi không ngừng. Mỗi sự kiện trong lịch sử đều xảy ra trong bối cảnh của sự biến đổi khí hậu nào đó.
Đặc biệt, hành tinh của chúng ta đã trải qua nhiều chu kỳ ấm lên và lạnh đi. Trong hàng triệu năm qua, trung bình cứ 100.000 năm lại có một thời kỳ băng hà. Thời kỳ băng hà cuối cùng xảy ra trong khoảng từ 15.000 đến 75.000 năm trước đây. Không có gì bất thường đối với thời kỳ băng hà, khi nó có hai đỉnh điểm giống nhau, đỉnh đầu tiên cách đây khoảng 70.000 năm và đỉnh thứ hai khoảng 20.000 năm. Loài gấu túi diprotodon khổng lồ xuất hiện ở châu Úc cách đây khoảng 1,5 triệu năm và đã sống sót thành công trong ít nhất 10 thời kỳ băng hà trước. Nó thậm chí còn sống sót trong đỉnh đầu tiên của thời kỳ băng hà cuối cùng, cách đây khoảng 70.000 năm. Vậy thì tại sao nó lại biến mất cách đây 45.000 năm? Tất nhiên nếu loài diprotodon là loài động vật to lớn duy nhất xuất hiện ở thời điểm này, có thể đó chỉ là sự may mắn. Nhưng hơn 90% quần thể động vật của châu Úc đã biến mất cùng với loài diprotodon. Đây là bằng chứng gián tiếp, nhưng khó có thể tưởng tượng được rằng chỉ do sự trùng hợp ngẫu nhiên, Sapiens đã tới châu Úc đúng thời điểm mà tất cả các loài động vật đều chết vì giá lạnh.
Thứ hai, khi biến đổi khí hậu gây ra sự tuyệt chủng hàng loạt, các sinh vật sống dưới biển thường cũng bị tổn thương nặng nề y như các sinh vật trên cạn. Sự dính dáng của con người có thể dễ dàng lý giải tại sao làn sóng tuyệt chủng đã phá hủy hoàn toàn quần thể động vật trên cạn khổng lồ của châu Úc, trong khi lại không tác động nhiều đến quần thể động vật của các đại dương xung quanh. Dù năng lực hàng hải đang phát triển, Homo sapiens vẫn là mối đe dọa chính trên mặt đất.
Thứ ba, sự tuyệt chủng hàng loạt có tính chất tương tự như vụ giết hại điển hình này ở châu Úc, xuất hiện đi xuất hiện lại trong nhiều thiên niên kỷ tiếp theo, bất cứ khi nào con người định cư ở phần khác của Thế giới Bên ngoài. Trong những trường hợp như vậy, tội lỗi của Sapiens là không thể chối cãi được. Ví dụ, quần thể động vật khổng lồ ở New Zealand – đã sống sót khá tốt trong biến đổi khí hậu 45.000 năm trước – phải chịu đựng tai họa tàn phá ngay khi những con người đầu tiên đặt chân lên hòn đảo này. Maoris, những người đầu tiên định cư ở New Zealand đã tiếp cận quần đảo này cách đây khoảng 800 năm.
Trong vòng vài thế kỷ, đại đa số quần thể động vật khổng lồ ở đây đã bị tuyệt chủng, bên cạnh đó là 60% các loài chim.
Số phận tương tự cũng giáng xuống loài voi ma-mút ở đảo Wrangle thuộc vùng biển Bắc cực (200 km về phía bắc bờ biển Siberia). Loài voi ma-mút đã phát triển cực thịnh trong hàng triệu năm trên hầu hết các vùng ở Bán cầu Bắc, nhưng khi Homo sapiens lan đến – ban đầu là Âu-Á, sau đó là Bắc Mỹ – loài voi ma-mút đã phải rút lui. Khoảng 10.000 năm lại đây, không hề tìm thấy một cá thể voi ma-mút nào trên thế giới, ngoại trừ tại một vài hòn đảo xa xôi ở Bắc cực, dễ thấy nhất là đảo Wrangle. Loài voi ma-mút ở Wrangle còn phát triển thịnh thêm vài thế kỷ nữa rồi đột nhiên biến mất cách đây khoảng 4.000 năm, khi những con người đầu tiên đặt chân lên hòn đảo này.
Liệu sự tuyệt chủng ở châu Úc có phải là một sự kiện cá biệt hay không? Vì còn nghi ngờ nên chúng ta chưa thể buộc tội loài người. Nhưng hồ sơ lịch sử đã chỉ ra Homo sapiens có vẻ là thủ phạm giết hại hàng loạt hệ sinh thái.
Những người khai hoang ở châu Úc đều sở hữu kĩ thuật của Thời kỳ Đồ đá. Làm thế nào mà họ có thể gây ra một thảm họa sinh thái như vậy? Có ba lý giải hoàn toàn phù hợp dưới đây.
Lý giải thứ nhất là các loài động vật có kích thước lớn – những nạn nhân đầu tiên của sự tuyệt chủng ở châu Úc – sinh sản rất chậm. Thời kỳ thai nghén kéo dài, số lượng con của mỗi lần sinh rất ít, và sự gián đoạn giữa các thai kỳ cũng rất dài. Kết quả là nếu con người giết hại thậm chí chỉ một cá thể gấu túi diprotodon cứ mỗi vài tháng, thì số lượng cá thể bị chết sẽ nhiều hơn số được sinh ra. Trong vòng vài ngàn năm sau đó, con diprotodon cuối cùng sẽ biến mất, cùng với toàn thể giống loài của nó.
Trong thực tế, vì có kích thước lớn, diprotodon và các loài động vật khổng lồ khác ở châu Úc thường không quá khó săn, chúng sẽ bị tấn công hoàn toàn bất ngờ bởi những kẻ ám sát hai chân. Các loài người khác nhau đều đã đi lang thang để kiếm mồi và tiến hoá ở Á-Phi trong vòng 2 triệu năm. Họ mài giũa một cách chậm chạp kĩ năng của mình và bắt đầu theo đuổi các loài động vật có kích thước lớn cách đây khoảng 400.000 năm. Những loài thú có kích thước lớn ở châu Á và châu Phi đã học cách để lẩn trốn con người, vì vậy khi loài động vật ăn thịt to lớn mới toanh – Homo sapiens – xuất hiện ở Á-Phi, những loài động vật có kích thước lớn đã biết làm thế nào để giữ khoảng cách đối với các sinh vật trông có vẻ giống như chúng này. Ngược lại, các loài động vật khổng lồ ở châu Úc lại không có thời gian để học cách trốn chạy. Con người trông không có vẻ đặc biệt nguy hiểm. Họ không có hàm răng dài sắc nhọn, và một cơ thể lực lưỡng uyển chuyển. Vì vậy khi một con diprotodon, loài động vật có túi to lớn nhất từng bước đi trên Trái đất, lần đầu tiên nhìn thấy những con vượn có vẻ yếu đuối này, nó chỉ liếc nhìn và quay trở lại gặm lá cây. Những loài động vật này đáng lẽ phải biết sợ loài người, nhưng trước khi kịp làm vậy, chúng đã phải ra đi.
Lý giải thứ hai là vào thời điểm Sapiens vươn đến châu Úc, họ đã rất thành thạo việc sử dụng lửa để làm nông nghiệp. Đối mặt với một môi trường xa lạ và đầy đe dọa, họ đã cố tình đốt cháy những khu vực bao la rộng lớn có nhiều đám cây không thể vượt qua được, những khu rừng rậm rạp, để tạo ra những vùng đồng cỏ thoáng rộng, nơi sẽ thu hút những con vật dễ dàng hơn và cũng phù hợp với nhu cầu của họ hơn. Vì vậy, họ đã thay đổi hoàn toàn hệ sinh thái của nhiều vùng đất rộng lớn thuộc châu Úc chỉ trong một vài thiên niên kỷ ngắn ngủi.
Một tập hợp bằng chứng ủng hộ cho quan điểm này là hồ sơ về những loài thực vật hoá thạch. Khoảng 45.000 năm trước đây, bạch đàn rất hiếm ở châu Úc. Nhưng sự xâm chiếm của Homo sapiens đã mở đầu cho thời kỳ hoàng kim của loài này. Vì loài cây này có thể chịu lửa rất tốt, nên chúng đã phát tán đi rất xa và rộng trong khi các loài cây mọc đơn lẻ và cây bụi khác đã biến mất.
Sự biến đổi của thảm thực vật đã ảnh hưởng tới các loài động vật ăn thực vật và các loài động vật ăn thịt ăn chúng. Loài gấu túi tồn tại bằng cách ăn lá cây bạch đàn, chúng nhai tóp tép một cách hạnh phúc trên đường đi đến các vùng lãnh thổ mới. Hầu hết các loài động vật khác đều phải chịu khổ lụy rất nhiều. Nhiều chuỗi thức ăn ở châu Úc đã bị bẻ gãy, khiến cho những mắt xích yếu nhất bị tiêu diệt.
Lý giải thứ ba cho rằng việc sử dụng lửa làm nông nghiệp đóng một vai trò quan trọng trong sự diệt vong này. Nhưng phải nhấn mạnh là chúng ta không thể hoàn toàn lờ đi vai trò của khí hậu. Những sự biến đổi khí hậu đã khuấy động châu Úc khoảng 45.000 năm trước đây, gây mất ổn định hệ sinh thái và làm cho nó đặc biệt dễ bị tổn thương. Trong những trường hợp thông thường, hệ thống có thể hồi phục, như đã xảy ra nhiều lần trước kia. Tuy nhiên, con người xuất hiện tại chính thời điểm quan trọng này và đẩy hệ sinh thái mỏng manh đó xuống vực thẳm. Sự kết hợp giữa biến đổi khí hậu và nạn săn bắt của con người đã gây ra tác hại lớn với các loài động vật to xác, bởi chúng bị tấn công từ các góc độ khác nhau. Thật khó tìm một chiến lược sinh tồn tốt để đối phó cùng lúc với nhiều mối đe dọa.
Khi chưa có thêm bằng chứng mới, không có cách nào để lựa chọn giữa ba kịch bản trên. Nhưng chắc chắc đã có những lý do hợp lý để tin rằng nếu Homo sapiens không bao giờ đi xuống Vùng Dưới, những nơi này vẫn sẽ là quê hương của những con sư tử có túi, diprotodon và kangaroo khổng lồ.
Hồi kết của loài lười
Sự tuyệt chủng của quần thể động vật khổng lồ châu Úc có thể là biểu hiện quan trọng đầu tiên mà Homo sapiens đã để lại trên hành tinh chúng ta. Tiếp sau nó là một thảm họa sinh thái thậm chí còn khủng khiếp hơn. Lần này xảy ra ở châu Mỹ. Homo sapiens là loài người đầu tiên và duy nhất có thể tiếp cận những vùng đất rộng lớn ở Bán cầu Tây, đặt chân đến đây khoảng 16.000 năm trước, tức là vào hoặc khoảng năm 14000 TCN. Những người châu Mỹ đầu tiên đến đây bằng đường bộ, họ có thể làm được điều này vì ở thời điểm đó, mực nước biển đủ thấp để đất nhô lên, có thể làm cầu nối liền vùng Đông bắc Siberia với vùng Tây bắc Alaska. Điều đó không phải dễ dàng – hành trình này rất gian khổ, có lẽ còn khó khăn hơn cả chuyên vượt biển tới châu Úc. Để có thể vượt qua, lần đầu tiên Sapiens phải học cách trụ vững trước điều kiện cực kỳ giá rét của phía bắc Siberia, khu vực Mặt trời không bao giờ chiếu sáng trong mùa đông và nhiệt độ có thể tụt xuống mức -50° c.
Không có loài người nào trước đây thành công trong việc xâm nhập vào những nơi giống như phía bắc Siberia. Kể cả Neanderthal vốn đã thích nghi tốt với môi trường sống lạnh giá cũng chỉ sống ở những vùng đất tương đối ấm áp hơn, xa hơn nữa về phía nam. Nhưng Homo sapiens, có cơ thể thích nghi tốt với điều kiện sống ở vùng đồng cỏ châu Phi hơn là những vùng đất băng giá và tuyết trắng, đã tìm ra các giải pháp tài tình. Khi các bầy Sapiens lang thang hái lượm di cư đến những vùng khí hậu lạnh hơn, họ học cách làm ra những đôi giày đi tuyết và những bộ quần áo giữ nhiệt hiệu quả hơn, làm từ những lớp da và lông thú được khâu lại với nhau bằng kim. Họ phát triển những thứ vũ khí mới và kĩ thuật tinh vi, giúp họ có thể lần theo dấu vết và giết được các con voi ma-mút cũng như những con thú to lớn khác ở miền cực Bắc. Do kĩ thuật săn bắt và quần áo giữ nhiệt được cải tiến, nên Sapiens đã dám mạo hiểm vào sâu và sâu hơn nữa những vùng đất băng giá. Và khi di chuyển về phương bắc, thì quần áo, chiến lược sân bắt và các kĩ năng sinh tồn khác của họ lại tiếp tục được cải tiến.
Nhưng tại sao họ lại gánh lấy khổ cực? Tại sao lại chọn việc tự lưu đày mình đến Siberia? Có thể một vài bầy nào đó bắt buộc phải di cư tới phương bắc do các cuộc chiến tranh, do sức ép về dân số hoặc do các thảm họa thiên nhiên. Một số khác bị quyến rũ bắc tiến bởi những lý do tích cực hơn, ví dụ như chất đạm động vật. Các vùng đất ở Bắc cực luôn có đẩy những loài động vật to lớn, thịt tươi rói như tuần lộc và voi ma-mút. Mỗi con voi ma-mút là một nguồn cung cấp thịt khổng lồ (ở nhiệt độ băng giá, thịt có thể giữ đông để sử dụng dần), có vị ngon béo, bộ lông ấm áp và bộ ngà quý giá. Những phát hiện ở Sungir đã chứng tỏ rằng, những người săn voi ma-mút không chỉ sống được ở vùng phương bắc lạnh giá mà còn phát triển rất mạnh. Thời gian trôi đi, những bầy người này ngày càng tỏa đi xa hơn và rộng hơn, săn đuổi voi ma-mút, voi ráng kiếm, tê giác và tuần lộc. Khoảng nám 14000 TCN, cuộc săn đuổi này đã đưa một số người từ vùng Đông bắc Siberia tới Alaska. Tất nhiên, họ không biết rằng mình đã khám phá ra một thế giới mới. Vì cũng như voi ma-mút, với con người thì Alaska chỉ là Siberia mở rộng mà thôi.
Ban đầu, những dòng sông băng đã cản trở con đường từ Alaska tới phần còn lại của châu Mỹ, khiến chỉ những người tiên phong đầu tiên do bị cô lập mới đi nổi để khám phá những vùng đất xa hơn ở phía nam. Tuy nhiên, khoảng năm 12000 TCN, sự ấm lên toàn cầu đã làm tan băng và mở ra một lối đi dễ dàng hơn. Sử dụng hành lang mới, loài người đã di chuyển ồ ạt về phía nam, tỏa ra toàn bộ lục địa. Mặc dù thoạt tiên đã thích nghi với việc săn bắt những loài thú to lớn, nhưng họ đã sớm điều chỉnh trước sự đa dạng đáng ngạc nhiên của các vùng khí hậu và hệ sinh thái. Con cháu của người Siberia đã sinh sống trong những khu rừng rậm rạp ở phía đông nước Mỹ, những vùng đầm lầy ở châu thổ Mississippi, những sa mạc ở Mexico, những khu rừng nhiệt đới oi bức ở Trung Mỹ. Một số đã dựng nhà ở lưu vực sông Amazon, số khác đào bới đất ở thung lũng núi Andes hoặc những cánh đồng hoang rộng rãi thuộc Argentina. Và tất cả chỉ xảy ra trong một hoặc hai thiên niên kỷ! Khoảng năm 10000 TCN, con người đã sinh sống ở hầu hết các vùng phía nam châu Mỹ, đảo Tierra del Fuego ở đỉnh phía nam lục địa. Cuộc tấn công ồ ạt chớp nhoáng của loài người từ bên này sang bên kia của châu Mỹ đã chứng tỏ sự khéo léo có một không hai và khả năng thích nghi tuyệt vời của Homo sapiens. Cho đến nay, không có loài động vật nào có thể thích nghi nhanh chóng với nhiều môi trường sống khác nhau như vậy, hầu như sử dụng cùng một bộ gen ở mọi nơi.
Việc định cư của Sapiens ở châu Mỹ khó mà không đổ máu. Nó để lại đằng sau một vệt dài các nạn nhân. 14.000 năm trước, quần thể động vật châu Mỹ phong phú hơn rất nhiều so với ngày nay. Khi những người châu Mỹ đầu tiên hành quân về phía nam, từ Alaska vào sâu trong những vùng đồng bằng thuộc Canada và phía tây của Mỹ, họ bắt gặp những con voi ma-mút, voi răng kiếm, những loài gặm nhấm có kích thước bằng loài gấu, những đàn ngựa và lạc đà, những con sư tử to quá khổ và hàng tá những loài động vật to lớn khác, những loài mà ngày nay hoàn toàn không được biết đến; trong đó có những con mèo đáng sợ với răng sắc như những lưỡi kiếm cong, và những con lười khổng lồ nặng trên 8 tấn và cao 6 mét. Nam Mỹ là quê hương của những bầy thú còn kỳ lạ hơn thuộc loài động vật có vú, bò sát và chim. Châu Mỹ là một phòng thí nghiệm vĩ đại cho các thử nghiệm về tiến hoá, một nơi mà các loài động thực vật chưa từng được biết đến ở châu Á, châu Phi có thể tiến hoá và phát triển hưng thịnh.
Nhưng không còn nữa. Trong vòng 2.000 năm từ khi Sapiens tới đây, hầu hết các loài động vật độc nhất vô nhị này đã ra đi. Theo ước tính hiện nay, trong khoảng thời gian ngắn đó, Bắc Mỹ đã bị mất ba phần tư của 47 loài động vật có vú khổng lồ, Nam Mỹ mất 50 trong số 60 loài. Loài mèo răng kiếm sau 30 triệu năm hưng thịnh đã biến mất, cũng như loài lười khổng lồ, loài sư tử to quá khổ, loài ngựa châu Mỹ bản địa, loài lạc đà châu Mỹ bản địa, những loài gặm nhấm khổng lồ và loài voi ma-mút. Hàng ngàn loài động vật có vú nhỏ hơn, các loài bò sát, các loài chim và thậm chí cả côn trùng, ký sinh trùng đều đi đến tuyệt chủng (khi những con voi ma-mút chết sạch, loài ve ký sinh trên chúng cũng theo đó mà đi vào quên lãng).
Trong hàng thập kỷ, các nhà cổ sinh vật học, khảo cổ học về động vật – những người luôn tìm kiếm và nghiên cứu những gì còn sót lại của các loài động vật – đã lùng sục các vùng đồng bằng và vùng núi của châu Mỹ để tìm xương hoá thạch của loài lạc đà cổ đại, phân hoá thạch của loài lười mặt đất khổng lồ. Khi họ tìm thấy thứ cần tìm, những vật quý giá này được đóng gói cẩn thận và gửi tới các phòng thí nghiệm, tại đó từng mảnh xương, từng viên sỏi phân (tên khoa học của phân hoá thạch) được nghiên cứu và xác định niên đại một cách tỉ mỉ. Sau nhiều lần, những phân tích này đều mang lại cùng một kết quả: những viên sỏi phân động vật mới nhất, những mảnh xương lạc đà gần đây nhất đều có niên đại vào thời kỳ con người tràn tới châu Mỹ, khoảng từ năm 12000 đến 9000 TCN. Chỉ có một khu vực các nhà khoa học đã phát hiện ra những viên sỏi phân có niên đại gần hơn: trên một số hòn đảo vùng Caribe, đặc biệt là tại Cuba và Hispaniola, họ tìm thấy phân của những con lười có niên đại vào khoảng năm 5000 TCN. Đây chính xác là thời điểm những người đầu tiên tiếp cận vùng biển Caribe và định cư tại hai hòn đảo lớn này.
Hình 9. Những hình ảnh dựng lại hai con lười mặt đất khổng lồ (Megatherium) và phía sau chúng là hai con tatu khổng lồ (Glyptodon) nay đã bị tuyệt chủng. Những con tatu này ước tính dài 3 mét và nặng trên 2 tấn, trong khi đó những con lười mặt đất thì cao khoảng 6 mét và nặng tới 8 tấn.
Một lần nữa, một số học giả đã cố gắng gỡ tội cho Homo sapiens, đổ lỗi cho sự biến đổi khí hậu (điều khiến họ phải thừa nhận rằng, do một vài lý do bí hiểm, khí hậu ở những hòn đảo vùng Caribe này vẫn không thay đổi trong 7.000 năm, trong khi phần còn lại của Bán cầu Tây thì ấm lên). Nhưng không thể né tránh những viên sỏi phân ở châu Mỹ. Chúng ta là thủ phạm. Không có cách nào phủ nhận được sự thật. Thậm chí nếu biến đổi khí hậu đã tiếp tay cho chúng ta, thì phần đóng góp của loài người vẫn cứ mang tính quyết định.
Con thuyền Noah
Nếu chúng ta kết hợp sự tuyệt chủng hàng loạt ở châu Úc với châu Mỹ, thêm vào đó là những sự tuyệt chủng quy mô nhỏ hơn diễn ra khi Homo sapiens tỏa đi khắp Á-Phi – ví dụ như sự tuyệt chủng của tất cả các loài người khác – và những sự tuyệt chủng xuất hiện khi người hái lượm định cư ở những hòn đảo xa xôi như Cuba, thì không thể tránh khỏi một kết luận rằng làn sóng thuộc địa hoá đầu tiên của Sapiens là một trong những thảm họa sinh thái lớn nhất và nhanh nhất ập đến thế giới động vật. Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là những sinh vật lớn có lông. Vào thời kỳ Cách mạng Nhận thức, Trái đất là ngôi nhà của khoảng 200 loài động vật có vú trên cạn to lớn, nặng trên 50 kg. Vào thời kỳ Cách mạng Nông nghiệp, chỉ còn lại khoảng 100 loài. Homo sapiens đã làm một nửa các loài động vật có kích thước lớn của hành tinh này bị tuyệt chủng, khá lâu trước khi con người phát minh ra bánh xe, chữ viết và công cụ bằng sắt.
Bi kịch sinh thái này đã được đưa trở lại sân khấu vô số lần sau Cách mạng Nông nghiệp. Hồ sơ khảo cổ của nhiều hòn đảo đã nói lên cùng một câu chuyện buồn. Bi kịch mở ra với một cảnh cho thấy sự giàu có và phong phú của các loài động vật có kích thước lớn khi chưa có dấu vết của con người. Trong cảnh hai, Sapiens xuất hiện, căn cứ vào mảnh xương người, mũi giáo, hoặc mảnh gốm vỡ… Cảnh ba theo sau rất nhanh, trong đó đàn ông đàn bà đứng choán hết sân khấu trung tâm, còn những con thú lớn nhất, cùng những con nhỏ hơn, đã biến mất.
Hòn đảo lớn Madagascar cách lục địa châu Phi khoảng 400 km về phía đông là một ví dụ nổi tiếng. Trải qua hàng triệu năm cô lập, một quần thể độc nhất vô nhị các loài thú đã tiến hoá tại đây. Trong đó có loài chim voi, một loài chim lớn nhất thế giới không biết bay, cao 3 mét và nặng gần nửa tấn, và loài vượn cáo – loài linh trưởng lớn nhất thế giới. Những con chim voi và vượn cáo khổng lồ, cùng hầu hết các loài động vật to lớn khác trên đảo Madagascar, đều đột nhiên biến mất khoảng 1.300 năm trước đây – đúng thời điểm những người đầu tiên đặt chân lên đảo.
Ở Thái Bình Dương, làn sóng tuyệt chủng chính bắt đầu vào khoảng năm 1500 TCN, khi nông dân Polynesia định cư ở quần đảo Solomon, Fiji và New Caledonia. Họ đã giết, trực tiếp hoặc gián tiếp, hàng trăm loài chim, côn trùng, ốc sên, và những cư dân địa phương khác. Từ nơi đây, làn sóng tuyệt chủng lan dần tới phía đông, phía nam và phía bắc, vào sâu trong trung tâm Thái Bình Dương, trên đường đi phá hủy hoàn toàn hệ sinh thái độc nhất vô nhị của Samoa và Tonga (năm 1200 TCN), quần đảo Marquis (năm 1), đảo Easter, quần đảo Cook và Hawaii (năm 500), và cuối cùng là New Zealand (năm 1200).
Những thảm họa sinh thái tương tự đã xảy ra trên hầu hết hàng ngàn hòn đảo trải khắp các vùng biển Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương, Bắc cực và Địa Trung Hải. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra rằng, thậm chí ở những hòn đảo bé nhất cũng có bằng chứng cho thấy sự tồn tại của các loài chim, côn trùng, ốc sên đã sinh sống hàng bao thế hệ, chỉ biến mất khi những nông dân đầu tiên đặt chân đến. Chỉ còn một ít đảo cực kỳ hẻo lánh mới thoát khỏi sự chú ý của loài người cho đến thời kỳ hiện đại, và những đảo này vẫn còn giữ được nguyên vẹn quần thể động vật của chúng. Quần đảo Galapagos là một ví dụ điển hình, vẫn chưa có người ở cho đến tận thế kỷ 19, vì vậy vẫn bảo tồn được quần thể động vật độc nhất của chúng, trong đó có loài rùa khổng lồ giống loài diprotodon cổ đại, không biết sợ người.
Làn sóng Tuyệt chủng Thứ nhất, đi cùng với sự xuất hiện rộng khắp của người hái lượm, đã được tiếp nối bằng Làn sóng Tuyệt chủng Thứ hai, kèm theo sự có mặt khắp nơi của nông dân, và cho chúng ta một viễn cảnh quan trọng về Làn sóng Tuyệt chủng Thứ ba do các hoạt động công nghiệp ngày nay gây ra. Đừng tin vào những người ôm cây,* họ khẳng định rằng tổ tiên chúng ta chung sống hài hòa với thiên nhiên. Rất lâu trước Cách mạng Công nghiệp, Homo sapiens đã giữ kỷ lục trong số tất cả sinh vật với thành tích tận diệt hầu hết các loài động vật và thực vật. Chúng ta nổi tiếng mờ ám như một loài sinh vật giết chóc nhất trong biên niên sử sinh học.
Chắc là nếu có thêm nhiều người nhận thức được về Làn sóng Tuyệt chủng Thứ nhất và Thứ hai, họ sẽ bớt thờ ơ với Làn sóng Thứ ba mà họ đang là một phần trong đó. Nếu chúng ta biết mình đã tiêu diệt bao nhiêu loài sinh vật, chúng ta sẽ có động lực hơn trong việc bảo vệ những loài còn sống sót. Điều này đặc biệt liên quan đến những loài động vật to lớn sống ở đại dương. Không giống như những bản sao trên cạn của chúng, những loài động vật biển to lớn chịu tác động tương đối ít từ Cách mạng Nhận thức và Cách mạng Nông nghiệp. Nhưng nhiều trong số chúng đang bên bờ vực tuyệt chủng do tình trạng ô nhiễm công nghiệp và lạm dụng quá mức nguồn tài nguyên biển của con người. Nếu những điều này tiếp tục xảy ra với tốc độ như hiện tại, các sinh vật như cá voi, cá mập, cá ngừ và cá heo sẽ đi vào quên lãng giống như loài diprotodon, loài lười mặt đất và voi ma-mút. Trong mọi loài sinh vật có kích thước lớn trên thế giới, loài duy nhất còn sống sót trước cơn lũ người chính là con người và những loài động vật nông trại, giống như những nô lệ chèo trên con thuyền Noah.
Lược Sử Loài Người Lược Sử Loài Người - Yuval Noah Harari Lược Sử Loài Người