Forever is not a word…rather a place where two lovers go when true love takes them there.

Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Barbara Cartland
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Anna 88
Biên tập: Gió
Upload bìa: khoa tran
Số chương: 7
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 4
Cập nhật: 2021-10-03 17:30:08 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3
usanna đang say giấc trước khi nàng chợt nhận ra có tiếng gõ cửa.
Trong khoảnh khắc nàng không nghĩ ra được mình đang ở đâu, và rồi tiếng bánh xe kêu ầm ầm bên dưới nhắc cho nàng nhớ mình đang ở trên xe lửa băng ngang qua Pháp.
Tiếng gõ lại vang lên, nàng ngồi dậy trên giường, vặn đèn, và lo lắng hỏi.
“Ai... đấy?”
“Là Clint đây cô, tùy tùng của ông Dunblane.”
Susanna đã biết anh ta là ai không cần phải giải thích. Ông Chambers đã chỉ cho nàng thấy người đàn ông nhỏ con, tướng tá trông dẻo dai mà ông bảo vừa là người hầu cá nhân và vừa là y tá của ông Dunblane.
“Có chuyện gì thế?”
“Tôi có thể nói với cô một chút được không thưa cô?”
Susanna ngó quanh nàng có vẻ bất lực, phân vân tự hỏi mình có thể làm chuyện gì đây. Rồi, kéo áo ngủ cao lên một chút để che ngực, nàng bảo.
“Có lẽ anh... mở cửa... được rồi.”
Người tùy tùng gần như không đợi nổi cho nàng nói hết câu nhưng mở cửa ngay khi nàng đề nghị. Đứng ngay khe cửa hở nhưng không tỏ ý muốn bước vào trong phòng, anh ta lên tiếng.
“Cô à, ông Dunblane muốn gặp cô.”
Susanna tròn mắt nhìn anh ta.
“Vào buổi tối... giờ này... sao?”
“Đêm hay ngày đâu có gì khác biệt với ông chủ, thưa cô.”
“À không, dĩ nhiên là không.”
“Ông ấy muốn cô đọc sách. Ông ấy đang tính khí bất thường, tôi cũng đành bó tay thôi.”
“Được, tôi hiểu,” Susanna bảo, “tôi sẽ thay y phục.”
Người tùy tùng lưỡng lự một lát rồi nói.
“Cô à tôi không muốn làm phiền cô đâu, chỉ vì ông ấy muốn cô đến gấp thôi. Cứ như là ông ấy thấy được cô vậy.”
“Không đâu, không có gì đâu,” Susanna đồng ý. “Có lẽ anh nên đợi tôi ngoài phòng khách nhé?”
“Tôi sẽ đợi cô, nhưng tôi không muốn để ông chủ ở một mình khi ông ấy hiện đang ở trong trạng thái như bây giờ.”
“Tôi sẽ mau thôi,” Susanna hứa.
Ngay khi anh tùy tùng đóng cửa, nàng xuống giường, cầm lấy cái áo nàng vừa dỡ ra tối qua, và tròng vào người.
Bộ áo rất xinh và ấm áp, làm bằng nhung màu hồng viền những dải kết lông chim. Mẹ nàng tính mua áo này cho bà nhưng rồi lại đổi ý không muốn, và Susanna không thể bỏ qua nổi bất cứ món hàng nào xinh đẹp cả.
Nàng biết mình mặc bộ áo này không hợp như mẹ, tuy nhiên giờ đây nàng biết mặc nó bảo đảm nàng sẽ trông kín đáo.
Khi cài nút lên cổ và suốt thân trước, nàng trang phục trông đứng đắn như thể đang mặc y phục ban ngày.
Tóc nàng cột bằng một chiếc nơ sau gáy và nàng cũng không cố sửa soạn gì hơn vì nhớ rằng anh hầu đã nói rất đúng là ông Dunblane không thể thấy nàng.
Thực ra nàng cũng chẳng nghĩ ngợi gì, nàng cầm theo quyển sách đọc khi lên giường rồi vội ra phòng khách.
Nàng nghĩ anh tùy tùng chắc đang nóng ruột chờ nàng, anh ta đi trước mở cánh cửa dẫn tới khoang xe kế bên.
Khi nàng bước vào lối đi nối giữa hai khoang, tiếng bánh xe ồn hơn và không khí lạnh hơn khiến nàng mừng vì đã an toàn vào khoang bên cạnh.
Họ đi ngang qua phòng khách y hệt như phòng bên xe của nàng rồi đi qua một cửa nữa vào nơi ông Dunblane ở.
Ở đây lại là chiếc giường đồng kê chính giữa, và ánh sáng hai bên giường để lộ ra một hình dáng như xác ướp quấn băng.
“Anh đã đi cái chỗ khốn kiếp nào?” ông Dunblane hỏi, chắc ông ta đã nghe thấy tiếng anh hầu đi vào.
“Thưa tôi đi tìm cô Brown theo lời ông bảo. Cô ấy đã đến và sẵn sàng đọc cho ông.”
“Ồ, cô ấy đến rồi phải không?”
Dù âm điệu trong giọng ông ta nghe bất bình, nhưng vẫn có lẫn chút ngạc nhiên.
“Vâng, tôi đã đến,” Susanna khẽ nói. “Nếu tôi đọc cho ông nghe, biết đâu sẽ giúp ông cảm thấy buồn ngủ.”
“Tại sao tôi lại muốn ngủ?” câu trả lời vang lên. “Tôi có làm cái thứ gì đâu ngoài chuyện nằm ngửa ra cả ngày lẫn đêm! Tôi chẳng biết mình đang ở trong tối hay sáng ngoại trừ nghe thấy Clint ngáp muốn sái cả quai hàm.”
“Tôi đoán là anh ấy mệt mỏi,” Susanna nói, “tôi nghĩ nếu anh ấy ngả lưng một lát trong lúc tôi đọc cho ông thì hay hơn. Tôi nghĩ anh ấy đã trực suốt từ lúc chúng ta rời ga Victoria.”
Ông Dunblane không đáp lại, nhưng nàng đoán chừng ông ta đã nghe lọt những điều nàng nói.
Nàng ngó quanh tìm ghế, và khi Clint đặt một cái bên cạnh giường, ông Dunblane bảo.
“Được rồi Clint, anh đi đi. Nếu tôi cần anh tôi sẽ rung chuông. Tôi nghĩ là anh nghe được
bên chỗ của anh chứ?”
“Nó rung ngay bên tai tôi thưa ngài,” Clint trả lời, “nên không muốn nghe cũng khó đấy.”
Anh ta nói bằng cung cách mà nàng biết ba mình sẽ cho là qúa suồng sã đối với vị thế của một người tùy tùng, nhưng nàng biết là Clint, dù nói giọng Mỹ, không phải là người hầu thường, lặng lẽ và khúm núm theo kiểu đòi hỏi của mọi qúy ông trong giới đàn ông thượng lưu.
Nàng nghĩ nếu anh ta biết băng bó cho ông chủ một cách một cách thành thạo thế kia thì anh ta chắc hẳn cũng vượt trội trong cách phương diện khác.
Khi Clint đi khỏi, Susanna ngồi xuống ghế và hỏi.
“Ông muốn tôi đọc gì cho ông?”
Trong chỗ này có sách vở gì không?”
“Tôi lưu ý thấy một số trong phòng khách,” Susanna đáp lại, “tôi sẽ đi lấy một cuốn, trừ phi ông không thích nghe cuốn mà tôi mang theo, cuốn này tôi đang đọc trước khi đi ngủ.”
“Clint đánh thức cô dậy phải không?”
“Vâng, nhưng không thành vấn đề. Tôi rất vui làm bất cứ chuyện gì ông muốn tôi làm.”
Nàng có cảm giác ông ta sắp sửa bắt bẻ, “thì đấy chính là lý do cô vào đây làm,” nhưng rồi lại dằn lòng không nói ra.
Nàng mở sách, và nghĩ rằng nếu trong lúc nàng đọc ông Dunblane không thích nghe thì lúc nào ông ta cũng có thể ngăn nàng lại. Tuy vậy nàng nghĩ mình cần phải giải thích.
“Tôi sẽ đọc về Lonrenzo vĩ đại,” nàng bắt đầu, “tôi cảm thấy thích hợp rằng tôi nên biết về ông ấy nhiều hơn trước khi chúng ta tới Florence.”
“Trước đây cô có nghe đến ông ta chưa?”
“Vâng, tất nhiên rồi.”
“Tại sao là ‘tất nhiên’? Hầu hết phụ nữ, đặc biệt là người Anh, biết rất ít về lịch sử huống hồ gì là nghệ thuật.”
“Tôi hy vọng là tôi biết được nhiều cả hai lĩnh vực ấy,” Susanna trả lời, “và đó là lý do tôi rất hào hứng vì biết rằng khi đến Florence tôi sẽ được tham quan nhà triển lãm Uffizi.”
Trong lúc nói, nàng nghĩ mình nên thêm vào.
“Nếu ông cho tôi đi.”
Một thoáng im lặng, rồi ông Dunblane bất bình nói.
“Tôi cho rằng cũng giống như tất cả phụ nữ cô mơ mộng rằng mình giống như thần vệ nữ của Botticelli trỗi lên từ những ngọn sóng.”
Susanna nghĩ thầm nếu ông ta đoán thế thì qủa thật là khôi hài.
Nếu mà ông ta nhìn thấy nàng ấy hả, ông ta sẽ hiểu tới xa tít mù tắp nàng mới giống thần vệ nữ trong bức họa của Botticelli hay là bất cứ ai. Ngay lúc nàng định nói với ông ta như thế, nàng chợt đổi ý.
Tại sao nàng lại hạ thấp thể diện của mình trước người đàn ông không thể thấy nàng? Khi những lớp băng kia được tháo ra ông ta sẽ biết nàng nhìn ra sao liền lập tức.
Có lẽ sẽ thú vị đấy, khi nàng biết ông ta rõ hơn để tìm hiểu xem ông ta đã sáng tạo ra hình ảnh nào về nàng trong đầu ông ta. Ông ta sẽ ghép nàng vào hình ảnh nào đây nhỉ, giống như trước hay ngược lại.
Nàng cũng không thể thấy được dáng dấp ông ta: có thể là người đàn ông xấu trai nhất trên thế giới hay là người tuấn tú nhất. Khó mà nói được khi ông ta bị quấn băng chỉ chừa hai cái lỗ, một cái để thở và cái kia để nói.
“Tôi chắc chắn là thích mình trông giống như Venus rồi,” nàng bảo ông ta. “Nhưng vì tôi chỉ xem có một phó bản bức họa nổi tiếng của Botticelli, tôi có thể nhận xét khá hơn nếu tôi có nét nào giống khi được xem bản chính.”
Trong lúc nàng nói một ý nghĩ vụt hiện lên khiến nàng nói thêm.
“Nếu tôi được lựa chọn, tôi nghĩ tôi sẽ thích nhìn giống Thánh nữ đồng trinh và các thánh của Fra Filippo hơn.”
“Tại sao?” ông Dunblane đột ngột hỏi.
“Tôi đã xem một phó bản rất đẹp của bức tranh đó,” Susanna trả lời.
Nàng không giải thích rằng bức đó treo ở viên trang Lavenham và đã được ông nội nàng mua về từ Ý.
“Đức mẹ trong tranh họa đó là quan niệm của cô về sắc đẹp sao?”
“Không những bà ấy tuyệt đẹp,” Susanna nói, “mà còn nhìn rất thông tuệ nữa. Ông có thể thấy điều đó trong vầng trán cao của bà và, tôi nghĩ rằng, còn trong ánh mắt của bà nữa.”
“Vậy là cô muốn cả sắc đẹp lẫn trí tuệ,” ông Dunblane nhận xét.
Khi nói những điều đó, nàng nghĩ rằng ông ta ắt hẳn không tin hai yếu tố đó lại đi đôi với nhau.
“Tôi nghĩ được đẹp đẽ thì hết sức may mắn và tuyệt diệu, nhưng có đầu óc thì người ta được thỏa mãn hơn và biết thưởng thức đời sống một cách hoàn toàn khác biệt.”
Nàng có cảm tưởng ông Dunblane đang cân nhắc lời nàng nói, và bởi vì nàng không muốn tiếp tục chiều hướng câu chuyện về nàng là một người đẹp nàng mở sách ra và nói.
“Tối qua tôi đọc về gia đình của Lonrenzo và bao lâu trước khi ông ấy nhận danh hiệu hiệu Nhân Vật Vĩ Đại, ông ta trở nên hứng khởi trong lĩnh vực chính trị và cũng tạo cho mình trở thành một nhà thể thao lừng danh.”
“ ‘Hai ngày trước sau khi cha tôi mất,’ sau này ông ghi lại, “dù tôi, Lorenzo, còn rất trẻ, chỉ mới hai mươi mốt tuổi, các vị nguyên lão của thành phố và quốc gia đến nhà tôi chia buồn sự mất mát của chúng tôi và khuyến khích tôi tự đảm trách việc chăm lo thành phố và quốc gia, như cha và ông tôi đã làm. Lời đề nghị này trái ngược với bản năng tuổi trẻ của tôi, và khi cân nhắc rằng gánh nặng và hiểm họa qúa lớn lao tôi đã miễn cưỡng chấp thuận. Nhưng tôi làm như thế để bảo vệ cho bằng hữu và tài sản của chúng tôi, vì đối với người giàu có nhưng không có thế lực trong chính phủ thì làm ăn rất khó khăn.”
Susanna ngưng lại và nói.
“Tôi nghĩ Lorenzo cảm thấy đơn độc và bị cô lập. Suy cho cùng, ông ấy còn rất trẻ.”
Khi nàng nói nàng hầu như quên rằng mình không phải đang bàn luận những cái nàng đọc với cô Harding theo kiểu họ luôn luôn trao đổi quan điểm với nhau.
“Ông ta may mắn,” ông Dunblane nói, “vì không những sự lỗi lạc của ông ấy tạo cho ông ấy vị thế lớn lao mà ông ta còn có những bạn bè trung thực sát cánh với ông ta một cách trung thành nữa.”
“Nhưng ông ấy chắc phải làm cho họ trở thành bạn của ông ấy bằng những tài năng khác thường của mình.”
Khi nói nàng nàng mới nghĩ mình có qúa ít bạn.
Những cô gái từ nhà quê ra thăm họ lúc nào cũng cảm thấy dễ làm bạn với May hơn, và nàng luôn luôn thấy mình là người lập dị.
“Nhưng đấy đâu phải là lỗi của họ,” nàng hay tự nhủ như vậy.
Đó chỉ vì nàng thường thấy con gái trạc tuổi nàng thiếu chín chắn và chán không thể tả.
Họ cười khúc khích, màu mè điệu bộ, và chỉ nói về trang phục và những cái họ sẽ làm khi trưởng thành. Susanna nghĩ có lẽ đó là vì nàng kém thu hút đến độ những thứ này không hấp dẫn với mình.
“Cô có nghĩ đàn ông nên tin cậy vào bạn bè không?” ông Dunblane cất tiếng hỏi.
Nàng giật mình vì hầu như đã quên là ông ta đang ở đó.
“Tất nhiên là anh ta phải tin cậy họ rồi, đặc biệt trong hoàn cảnh mà Lorenzo đang đương đầu. Có được bạn bè trung thực là một lời khen tặng đối với cá nhân người đó và như thế ắt hẳn là một sự mãn nguyện to tát.”
“Cô nói cứ như cô muốn có bạn và không có nhiều bạn để khen tặng mình vậy.”
Nàng chợt nhận ra nói về mình thì rất nguy hiểm.
“Tôi có thể tiếp tục chứ?” nàng hỏi. “Lorenzo có thể có nhiều bạn, nhưng ông cũng có những người chỉ trích. Guicciardini là một, người đã nói ông ấy “khao khát vinh quang và vượt trội trên mọi người và có thể bị chỉ trích vì có qúa nhiều tham vọng ngay cả trong những việc nhỏ. Ông ấy không muốn có người ngang cân đồng sức với mình hay nối gót mình trong thi ca hoặc trong các trận đấu hay làm bất cứ chuyện gì, và tỏ ra giận dữ nếu có người làm như thế.”
“Cô nghĩ thế nào về ý kiến đó?” ông Dunblane hỏi một cách mỉa mai. “Cô không tin là đàn ông muốn được thăng tiến, là người tiên phong trong bất cứ lĩnh vực nào họ làm sao?”
“Đương nhiên là đàn ông muốn thắng trong các trận thi đấu và thể thao,” Susanna đáp lại. “Không có người chủ ngựa đua nào không muốn thắng giải Derby hay người đi săn bắn không muốn hạ nhiều gà lôi hơn mọi người khác.”
Khi nói, nàng nghĩ đến ba mình và những cái bao khổng lồ đựng chim bị hạ trong mỗi đợt bắn, bắt đầu với Sandringham, ở nơi đó kỷ lục của nhà vua cách đấy hai năm đã lên đến 7,256 con chim trong bốn ngày.
“Thế cô cho rằng đàn ông nên thắng trong thể thao,” ông Dunblane nói, dường như ông ta khiêu khích cho nàng tranh cãi thì phải; “còn những thành tựu khác của họ trong đời sống thì sao – ao ước có được tước hiệu, điều này rất thịnh hành ở Anh, hay tranh đấu điên cuồng vì tiền bạc, mà tôi đoán là cô biết được chú trọng ở Mỹ. Có chắc là mọi tham vọng đều đáng ngưỡng mộ không?”
“Tôi nghĩ cái đó còn tùy,” Susanna trả lời sau một hồi suy nghĩ. “một cách chính xác người ta tham vọng vì cái gì. Tự-ca-ngợi lúc nào cũng đáng nghi ngờ trừ phi quyền hành nhắm vào đó là vì mục đích giúp người khác – giống như các nhà chính trị gia nên dùng tiếng tăm của mình để tạo lợi ích cho quốc gia của họ. Và khi liên quan đến tiền bạc, Francis Bacon từng nói, ‘tiền bạc giống như phân vậy, không hữu dụng trừ phi được rải ra’!”
Ông Dunblane thốt lên âm thanh khe khẽ mà nàng nhận ra là tiếng cười.
“Tôi thấy vấn đề nào cô cũng có câu trả lời cả, cô Brown,” ông ta nói, “và tôi tưởng tượng rằng việc đọc sách của chúng ta là đang buộc tôi mài dũa trí óc của tôi, nếu nó chưa bị nát nhừ ra!”
Thấy Susanna không trả lời ông nói tiếp.
“Nhưng cô có lợi thế không công bằng – cô nhìn thấy được cái cô muốn nói, trong lúc tôi chẳng thấy cái gì ngoài bóng tối.”
Âm điệu chán nản lại hiện lên trong giọng của ông ta bảo cho Susanna biết ông ta đang nuối tiếc cho mình và bất cứ lúc nào cũng có thể quay lại xỉ vả số phận, mà nàng biết chính là lý do ông ta gọi nàng tới hồi nãy.
Nàng lớn tiếng nói.
“Tôi nghĩ có lẽ Lorenzo là chủ đề dễ gây ra tranh cãi vào giờ này. Tôi muốn ông nghe một cái khác mà tôi biết nằm lòng. Có lẽ nó sẽ giúp ông khuây khỏa và ngủ được, và tôi nghĩ ông rất cần ngủ.”
“Cô lo lắng cho tôi sao?”
“Phải, giống như mọi người chung quanh ông. Chúng tôi muốn làm cho ông khỏe lại, và dù tôi không phải là bác sỹ, tôi luôn luôn nhận thức rằng để chữa trị một phần của cơ thể, tất cả các bộ phận khác phải phối hợp trong qúa trình điều trị.”
“Cô nói thế có nghĩa là sao?”
“Cơ thể giống như một bộ máy,” Susanna đáp lại. “Nếu một bộ phận chạy sai, toàn thể bộ máy sẽ bị ngừng lại rất dễ dàng.”
“Tôi hiểu điều cô nói. Cứ tiếp tục đọc đi, tôi sẽ cố không làm ra vẻ tài khôn nữa đâu.”
Đến lúc đó Susanna vẫn chưa nghĩ mình sẽ đọc bài thơ nào, nhưng nàng mau chóng quyết định sẽ đọc Khổ thơ tứ tuyệt được viết trên đường giữa Florence và Pisa của Byron.
Oh talk not to me of a name great in story;
The days of our youth are the days of our glory;
And the myrtle and ivy of sweet two-and-twenty
Are worth all your laurels, though ever so plenty.
Nàng lặng lẽ đọc những dòng thơ, trong lúc đó nàng nghĩ rằng khi mình học với cô Harding nàng chưa bao giờ mơ đến ngày mình đang trên đường đến Florence và đó là thành phố mình hằng mong mỏi viếng thăm đang chờ đợi nàng!
Những từ ngữ dường như rất thích hợp vào thời điểm này, nhưng nàng tự hỏi, trong lúc tiếp tục đọc hết đoạn thơ này đến đoạn thơ khác, mẹ nàng sẽ nghĩ gì nếu bà biết nàng đang ở đâu, đọc thơ cho một người mù quấn băng kín mít trong lúc ngồi bên giường ông ta mặc độc có chiếc áo khoác ngoài.
Chỉ đến khi nàng đọc đến dòng: “I knew it was love, and I felt it was glory” nàng mới nghĩ rằng lẽ ra nàng nên chọn một bài thơ khác.
Thật vô cùng đáng trách khi đọc thơ tình cho người đàn ông mà nàng thậm chí chưa từng quen biết! Rồi nàng nhận ra là ông Dunblane đã ngủ!
Nàng nghe được tiếng thở đều đều khe khẽ của ông ta, và căn cứ vào kiểu nằm thư thái, đầu hơi quay nghiêng trên gối của ông ta, nàng cũng biết rõ bài đọc của mình đã mang lại ảnh hưởng mong muốn.
Rất nhẹ nhàng nàng đứng dậy và đi ra khỏi phòng, và với đôi chút khó khăn nàng tìm cách về lại phòng khách của mình và đi xuyên qua đấy vào phòng ngủ.
Chỉ khi rúc sát vào gối và kéo tấm đắp lên vai nàng mới nghĩ đến chuyện này là vận sự lạ thường nhất từng xảy ra đối với nàng.
Thậm chí May hay cô Harding cũng khó mà tin nổi nếu nàng kể lại cho họ nghe.
“Không biết ông ấy trông như thế nào nhỉ?” nàng tự hỏi nhưng cũng chẳng biết trả lời ra sao trước khi ngủ thiếp đi.
Ngày hôm sau náo nức đến độ giờ giấc như trôi đi vùn vụt cũng giống như xe lửa chạy.
Bất cứ lúc nào không cần phải đọc sách cho ông Dunblane, Susanna ngồi trong phòng khách nhìn ra cửa sổ, lo lắng không muốn bỏ lỡ phong cảnh nào thoáng qua của Pháp khi họ lướt ngang.
Những cánh đồng trồng trọt khổng lồ không có những hàng dậu hay be bờ, trông không giống bên Anh tí nào, vẫn có sức thu hút riêng.
Những ngôi làng nhỏ, mỗi làng có nhà thờ tháp nhọn cao chót vót đối với nàng là một niềm vui, và ngay cả những ga lớn, sân ga chật ních người trông rất khác với những người nàng từng gặp ở chỗ khác cũng là một sự say mê thích thú.
Vì nàng nghĩ nếu mình có cảm giác ngượng ngùng khi kể lại cho ông Dunblane những cái mình thấy được thì đúng là vô lý, nên nàng nói về miền quê họ chạy ngang, và trông ra cửa sổ trong phòng ông ta để mô tả những cánh rừng, những con bò đang làm lụng trong các thửa ruộng, cùng các người nông phu và con cái của họ.
Đến sau cùng khi họ băng ngang vùng núi Alps nàng không thể dằn nổi lòng háo hức trước phong cảnh những đỉnh núi phủ đầy tuyết và các thung lũng sâu tối đen bên dưới.
Ông Dunblane không hề bảo cho nàng biết rằng ông ta không muốn nghe những cái nàng thấy, dù thỉnh thoảng ông ta nói một cách cay đắng và bằng thái độ khiến nàng hiểu ông đang phải chịu đựng nỗi đau đớn sợ hãi rằng mình sẽ bị mù vĩnh viễn.
Nàng tạo cho ông ta khuây khỏa và cuối cùng ông cho nàng cơ hội được giải bày ý nghĩ của mình.
Vào buổi tối ngày thứ hai khi bóng tối đã phủ xuống Susanna không thể nhìn thấy thứ gì bên ngoài cửa sổ nữa thì Clint đi vào để kéo màn cửa sổ.
“Tôi đoán là trời đã tối,” ông Dunblane nói bằng giọng bất bình khi người tùy tùng rời khỏi phòng.
“Vâng, đã tối rồi,” Susanna đáp lại, “vì thế chuyến du lịch đến Florence mà tôi vừa hướng dẫn cho ông phải đợi đến ngày mai thôi.”
Ông ta không trả lời và một lúc sau nàng nói.
“Ông cứ... nói cho tôi biết nếu ông không muốn... tôi kể cho ông nghe... những cái tôi... thấy.”
“Vì tôi có thể phải sử dụng đến mắt của cô hay là của người khác cho đến mãn đời. Tôi đành phải chịu cho quen thôi!” ông Dunblane hung hăng nói.
Ông ta ngưng lại một lát rồi nói tiếp.
“Cô thì bận rộn mơ với mộng. Cô có bao giờ tưởng tượng ra được nếu cô bị mù thì mọi chuyện sẽ ra sao không? Nếu cô ngồi trong bóng tối và đành phải chấp nhận sự diễn tả gián tiếp mọi vật mà cô mong mỏi được thấy bằng chính mắt của mình!”
“Nếu chuyện đó xảy đến với tôi,” Susanna đáp lại, “tôi hy vọng mình có được cảm giác và lòng can đảm để phát huy tam nhãn.”
“Cô muốn nói cái khỉ gì vậy?”
Câu hỏi qúa thô lỗ gần như là hung tợn, và Susanna cảm thấy người mình run lên trước khi nàng lấy hết can đảm nói tiếp.
“Ông có bao giờ nghe đến Tam Nhãn chưa? Người Ai Cập đều biết chuyện đó.”
“Cô đang nói về giống người Cyclops mà tôi thường cho là quái vật phải không, và nếu tôi nhớ chính xác thì họ chỉ có một con mắt ngay giữa trán?”
“Không tôi không nói về họ; ý tôi là người Ai Cập cổ đại khi họ ở đỉnh cao rực rỡ và các thầy tư tế của họ hiểu được những bí ẩn dành cho những người đã được điểm hóa hay cho các vị vua của họ.”
“Tôi nghĩ cô tốt hơn kể cho tôi nghe về họ đi.” Ông Dunblane cáu kỉnh.
“Họ biểu thị Tam Nhãn trên các tượng thần của họ bằng một khối u trên trán,” Susanna bắt đầu cắt nghĩa. “Họ giáo huấn dân chúng sử dụng khả năng tâm linh này trong đền thờ của Ma-at.”
Nàng ngưng một hồi để xem ông Dunblane muốn nói điều gì không, khi ông ấy không lên tiếng nàng tiếp tục.
“Thần Ma-at có đầu hình dạng như diều hâu bởi vì diều hâu có nhãn lực rất tinh hầu như là có khả năng nhìn thấu được những cái vô hình. Khi người ta đáp ứng được sự rèn luyện của các vị tư tế, họ trở thành tiên tri hay các nhà tâm linh học.”
“Toàn là những thứ vớ vẩn khốn kiếp!” ông Dumblane càu nhàu.
Susanna tảng lờ câu chỉ trích của ông ta và nói tiếp.
“Các tiên tri có thể nhìn bằng Tam Nhãn đã được điểm hóa xuyên qua thân thể như tia X-ray và chẩn đoán bệnh tật. Tôi tin ông có thể tìm những tượng có khối u biểu thị cho Tam Nhãn khắp các vùng đông phương.”
Giọng nàng nhịp nhàng trong lúc nàng tiếp tục.
“Khi tôi mới đọc về lĩnh vực này tôi đã đi với cô giáo của tôi đến viện bảo tàng Anh quốc và chúng tôi phát hiện nhiều tượng có khối u trên trán. Thật là lý thú!”
“Thế cô cho rằng đó là những cái cô đạt được khi triển khai Tam Nhãn sao?” ông Dunblane khinh miệt hỏi.
“Không phải; nhưng tôi cho rằng mọi người đều có khả năng sử dụng trực giác của mình nhưng hầu hết đều sao lãng với khả năng này.”
“Về mặt nào?”
“Khi ông thuê một người hầu, ông có xét đoán anh ta dựa trên những cái ông thấy hay cảm giác về người đó, hay ông tin cậy hoàn toàn vào thư giới thiệu?”
“Tôi muốn có thư giới thiệu, tốt hơn phải là những lời giới thiệu tốt.”
“Vậy thì ông đã để Tam Nhãn của ông biến thành lười biếng và thụ động rồi,” Susanna nói. “Chắc chắn ông đã gặp những người ông tự nhiên thích và thấy họ rất hợp tính, gần như trước đó họ đã có ảnh hưởng nào đấy trong đời ông.”
“Tôi chả nghĩ ra được ai cả.”
“Vậy có lẽ ông vô cớ ghét ai đó; có ác cảm với họ ngay khi họ bước vào trong phòng. Diện mạo của họ không có gì khác thường cả, tuy nhiên bản năng của ông bảo ông họ là người không đáng tin cậy, có lẽ sâu hiểm nữa.”
“Sao cô lại đề nghị tôi triển khai cái năng lực không lấy gì làm chắc chắn này?”
“Tôi nghĩ đây là cơ hội thật tốt,” Susanna đáp lại, “bởi vì trong lúc này ông không thể xét đoán những cái ông thấy, vì lẽ đó cái mà ông cảm giác sẽ sâu sắc, mạnh mẽ. Thí dụ như, ông có rung cảm nào với tôi trong lúc chúng ta nói chuyện với nhau?”
Nàng không cố ý nhắm vào cá nhân mình mà chỉ là khai triển chủ đề tranh luận như nàng hay làm với cô Harding.
“Hãy nói cho cô biết em cảm thấy thế nào,” cô giáo nàng thường nói. “Không phải là những cái trí óc em bảo em nên nghĩ thế nào về vấn đề đó, mà là tiềm thức của em, nếu em muốn gọi như thế cũng được, phản ứng thế nào.”
“Nếu cô muốn được khen,” ông Dunblane nói. “Thì tôi không khen cô đâu!”
“Ồ! Tôi không có ý đó!” Susanna hầu như kinh ngạc thốt lên. “Thế ông đang buộc tội tôi là đang xử sự theo kiểu đàn bà con gái sao, tôi hoàn toàn không phải như thế.”
“Tại sao không?”
“Vì nhiều lý do, nhưng phần lớn bởi vì ông Chambers đã bảo rằng ông không muốn nhận phụ nữ vào làm công việc này. Tuy nhiên, vì không có nhân tuyển nào có đủ khả năng, nên tôi đã hứa với ông ấy tôi sẽ không xử sự theo kiểu phụ nữ một cách thái qúa và tôi cũng không có ý định trở thành người như vậy.”
“Nhưng vẫn là phụ nữ dù cô thích hay không thích!”
Bây giờ thì giọng ông ta có vẻ hài hước.
“Chuyện đó chưa bao giờ gây trở ngại cho tôi trong qúa khứ và chắc chắn sẽ không liên quan gì đến tôi trong tương lai.”
“Thật là một lời tuyên bố nực cười, nhưng tôi cho rằng, dựa vào cách cô nói, là cô chưa bao giờ yêu ai.”
“Không, tất nhiên là không!”
“Sao lại phản ứng kịch liệt vậy? Ngày nào đó chuyện ấy sẽ xảy ra thôi và rồi cô sẽ kết hôn và ổn định cuộc sống và chắc chắn sẽ có một gia đình đông đúc với lũ con cái phiền toái.”
“Tôi không bao giờ lập gia đình!”
“Sao lại không chứ?”
“Vì những lý do... riêng của tôi.”
Susanna hơi mạnh tay đóng sập cuốn sách lại và nói thêm.
“Tôi nghĩ đã đến giờ để tôi đi sửa soạn cho bữa tối, tôi không muốn để ông Chamber phải đợi.”
“Nếu tôi muốn thì Chambers có thể đợi.”
Susanna đứng dậy.
“Nói như thế là ích kỷ,” nàng đáp lại, “rõ ràng là ông không dùng trực giác với ông ấy. Vì ông mà ông ấy lo lắng muốn chết đi được, tôi nghĩ là ông nên biết cảm kích!”
Chỉ khi nàng ra khỏi chỗ đó trước khi ông Dunblane kịp đáp lại nàng mới nghĩ rằng đó hoàn toàn không phải là thái độ mình nên nói với chủ.
“Có lẽ lúc tới nơi ông ta sẽ đuổi mình về nhà ngay lập không chừng,” nàng lo âu nghĩ ngợi.
Nhưng nàng biết, nàng có trực giác rằng nếu không còn chuyện gì khác thì câu chuyện mà họ đối đáp nhau lúc nãy đã khích động ông ta thoát khỏi cơn tuyệt vọng u ám mà ông đang canh cánh trong lòng kể từ lúc họ bắt đầu cuộc hành trình.
Giờ đây ông ta đã nói năng khẽ khàng hơn và nàng cảm thấy ông ta đã chịu đối đáp với nàng thậm chí khi nàng làm cho ông ta nổi giận.
“Tuy là vậy, mình phải cẩn thận,” nàng tự dặn mình. “Mình không chịu nổi khi bị đuổi về Anh, và nhất định là chẳng có lá thư giới thiệu nào!”
Khi vào giường ngủ tối đó nàng suy nghĩ kỹ về buổi nói chuyện với ông Dunblane trong hai ngày chót và mong rằng khi họ đến Florence sẽ không có nhiều người khác đến nói chuyện với ông ta.
Nhưng rồi nàng nhớ ông Chambers có nói là ông ta phải được yên tịnh, và đấy cũng chính là điều khuây khỏa.
“Mình phải nghĩ ra ý tưởng mới, phải kích thích trí óc của ông ta mới được. Phải tìm cách làm cho ông ta ngoi lên khỏi những cơn hành hạ thể xác.”
Nàng hoàn toàn không biết mình phải làm cách nào nhưng cảm thấy rằng mình cần phải làm như thế.
“Có một ý kiến,” nàng ngẫm nghĩ, “là có rất nhiều chuyện để nói đến khi ở Florence.”
Rồi tim nàng nhói lên khi nghĩ đến việc ngắm những bức họa mình luôn ao ước thấy và ngay cả Florence, thành phố mà sách vở đã nói là một trong những nơi đẹp nhất trên thế giới.
Susanna thức dậy sớm vì không cách nào ngủ được khi biết rằng họ đã tới nơi. Ánh nắng đã rón rén trườn vào dưới những bức màn trong phòng ngủ của nàng, nắng chiếu chan hòa khắp thành phố cách đây bốn thế kỷ Lorenzo Vĩ Đại đã trở thành nhà thống trị tối cao.
Nàng nhớ đã từng đọc trong sách của thư viện trang viên Lavenham rằng Florence lừng danh về các lầu đài và các ngôi giáo đường, những nơi này đã góp phần rất lớn vào lịch sử thành phố.
“Florence như những qủa chuông vào buổi sáng,” nàng từng đọc trong sách như thế, “ánh trăng tỏa khắp San Miniato, những con đường hẹp không lớn hơn những khe rãnh là bao, những mái hiên chìa ra trên các lầu đài, tiếng lọc cọc của những chú lừa ra chợ vào hừng đông.”
Đấy chính là Florence nàng muốn thấy, ngoài Florence của những công trình điêu khắc, các tranh họa, và các tòa nhà cao tầng nàng từng thấy vươn cao bên trên khi họ lái ngang đường xá sau khi tới ga lúc khuya tối qua.
Nàng nghĩ lúc đó mùi vị của Florence khác với bất kỳ cái gì nàng từng biết ở nơi khác.
Nàng nghĩ mình nhận ra được hương hoa đậu màu tím cà đung đưa trên nhiều bức tường, hương thơm ngào ngạt của café rang, và mùi ẩm ướt thoảng tới từ sông Arno khi họ lái song song.
Ông Chambers đã bảo với nàng rằng biệt thự của ông Dunblane không nằm trong thành phố nhưng ra ngoài một chút trên một ngọn đồi.
Bao quanh Florence là những qủa đồi, phủ đầy những ngọn khuynh diệp vút cao như những ngón tay đen đen hướng lên trời.
Susanna lặng người khi họ đến biệt thự, nàng thấy tòa nhà đẹp đến nhường nào.
Ông Chambers đã nói rằng trước đây nó là một nữ tu viện và cha ông Dunblane đã biến nó thành biệt thự mà ông đã sống nửa đời còn lại của mình tại đây.
Nàng mê man trước tòa nhà dài màu trắng với mái lợp ngói gạch dường như đang tỏa ra không khí thiêng liêng và bí ẩn mà là một phần bản chất thực thụ của Florence.
“Bộ sưu tập tranh họa và bàn ghế của cha ông ấy đã làm cho biệt thự trở thành một nơi cư ngụ tư nhân đẹp đẽ nhất được biết đến trong bất kỳ nơi nào ở Ý,” ông Chambers nhận xét. “Và khu vườn mà ông ấy đã bỏ bao công sức cho đến ngày nhắm mắt, đẹp không thể tả.”
“Mình phải ngắm mới được,” giờ đây Susanna tự nhủ, và phóng xuống giường kéo màn ra, quang cảnh từ cửa sổ khiến nàng nín thở.
Chỗ đó, vượt lên trên các tòa nhà là mái vòm tròn khổng lồ của thánh đường chính tòa được xây bởi Brunelleschi vào năm 1420, và như nàng từng đọc trong sách: “Nó đã vươn đến đỉnh cao và nguy nga đến độ người ta không thể nào cho rằng có công trình của nhân loại nào đẹp đẽ hơn, siêu quần hơn thế nữa.”
Nhưng đoạn mô tả ấy đã xưa lắm rồi và nàng không nghĩ rằng nó hãy còn chiếm ưu thế trên toàn thể Florence và cho nàng cảm giác rằng nó sẽ làm cho tim nàng bay bổng đến trời cao như từng là dụng ý của đoạn văn.
Kế đến nàng thấy khu vườn. Màu sắc rực rỡ và hoa cỏ thì cứ như từ trên thiên đường xuống, dù chúng được vun trồng bằng tay người đi nữa.
“Thật là đẹp! Đẹp qúa!” Susanna thích thú kêu lên.
Vì nàng không cách chi đợi để ngắm thêm nữa, nàng rửa ráy bằng nước lạnh và bắt đầu mặc áo.
Nàng hớn hở nhận ra mình có thể cất những y phục dày từng mặc ở London và mặc loại áo mỏng và mát mà khi mua cho nàng mẹ nàng đoán chừng là trời tháng sáu và tháng bảy có lẽ rất nóng.
Nàng lẻn ra ngoài biệt thự, lúc này dường như rất yên tĩnh, dù nàng chắc chắn những người hầu Ý đang tươi cười chào đón khi họ đến tối qua đã bận bịu trong bếp rồi.
Ông Dunblane qúa mệt để làm bất cứ chuyện gì, nhưng Clint bảo nàng bằng thái độ hài lòng là ông ấy đã ngủ ngay khi lên giường.
Nàng và ông Chambers đã ăn tối một mình tại chiếc bàn ăn cổ trong căn phòng trước đây từng là tịnh thất của tu viện.
Giờ đây, với sàn phòng được trải bằng những tấm thảm tráng lệ và các vách tường treo thảm thêu và thắp sáng bằng những ngọn nến khổng lồ cắm trên giá vàng chạm trổ, mà chắc từng được đặt trong nhà thờ. Căn phòng có vẻ đẹp sang trọng.
Susanna khám phá ra những căn phòng khác còn thu hút hơn, nhưng tối qua nàng qúa mệt để tham quan nhiều phòng.
“Đi ngủ đi cô Brown,” ông Chambers đã bảo. “Cô còn nhiều thời gian để thám hiểm mọi thứ ngày mai. Tôi biết chắc cô đã mệt rồi.”
“Tôi hơi mệt một chút,” Susanna thú nhận. “Chắc có lẽ do xe lửa cứ rung liên tục.”
“Tôi muốn ngỏ lời cám ơn cô,” ông Chamber bất ngờ nói, “vì thái độ cô đã làm cho bệnh nhân của chúng ta hứng khởi trong suốt bốn ngày dài chắc chắn là mệt mỏi.”
Thấy Susanna trông hài lòng ông nói tiếp.
“Tôi nhận thấy nếu ông ấy nổi cơn, như ông ấy đã làm suốt chuyến đi băng qua Đại Tây Dương, rồi biến thành thất vọng căm giận, mắng nhiếc số phận và cự tuyệt không muốn trở nên lạc quan về tương lai thì rất là tệ hại cho ông ấy.”
“Tôi đã cố giúp ông ấy.”
“Cô làm được rồi đấy. Tôi chỉ nghĩ rằng chúng tôi rất may mắn tìm được cô sau bao thất vọng.”
Ông mỉm cười và tiếp tục.
“Tôi mệt kinh khủng khi nghe những người xin việc phát âm sai những từ đơn giản nhất trong tiếng Pháp và tôi biết ông Dunblane cũng có cảm giác tương tự.”
“Tôi cảm thấy áy náy cho ông ấy.”
“Nếu rốt cuộc thị lực của ông ấy hồi phục,” ông Chambers nhận xét, “thì có lẽ những chuyện xảy ra đã giúp ích cho ông ấy.”
“Giúp ích cho ông ấy!” Susanna ngạc nhiên thốt lên.
“Cho đến bây giờ mọi việc đều xuông xẻ cho ông ấy. Ông ấy là một đứa trẻ đẻ bọc điều trong đủ mọi mặt chứ không phải là chỉ một.”
“Như Lorenzo Vĩ Đại,” Susanna vô tình buột miệng nói.
Ông Chambers bật cười.
“Tôi đoan chắc là cô nói đúng, chắc cô đã trông thấy tượng sành bán thân của Lorenzo do Verrocchio sáng tác. Đấy là một trong những công trình nghệ thuật ưng ý nhất của tôi.”
“Tôi cũng muốn xem,” Susanna nói.
“Vậy tôi hứa với cô, ngay khi chúng ta sắp đặt đâu vào đấy tôi sẽ thu xếp đưa cô vào thành phố, không cần hỏi tôi cũng biết cô muốn tham quan viện triển lãm Uffizi.”
“Đúng rồi!”
Nàng đi ngủ trong lòng náo nức. Có rất nhiều cái cho nàng xem, và giờ khi đứng dưới ánh mặt trời trong vườn ngắm phong cảnh, nàng biết trí tưởng tượng của mình đã thất bại không hình dung nổi lấy một phần mười kỳ diệu của nó.
Nàng cúi xuống hái một vài đóa thổ lan có mùi ngòn ngọt mỏng mảnh duyên dáng đến độ dường như lạ là chúng chắc phải gần gũi với loại thổ lan loa kèn to tướng mà người ta hay kèm chung với trang trí trong nhà thờ, hay thậm chí có liên quan với giống thổ lan Thánh Nữ hình chuông.
Susanna nghĩ những đóa mà nàng vừa hái giống như những tiếng thì thào nho nhỏ của thiên thần khó mà nghe nổi trong dàn thánh ca của nhà thờ.
Rồi nàng chợt cảm thấy ngượng ngùng vì mình lập dị qúa.
“Mọi cái đều đẹp đến độ,” nàng tự nhủ, “mình phải nhớ rằng mình chỉ là một sinh vật xấu xí trong bức tranh mỹ miều trong suốt mà chỉ có thể được nắm bắt bởi các họa sư bậc thầy.
Nàng nghĩ mình không phải là đang than thân trách phận về dung mạo mình, chỉ là dùng lý lẽ thường tình để tự ngăn ngừa khỏi bị lôi kéo đi qúa xa vào cơn ngây ngất mình không được phép bước vào.
Nàng thả bộ quanh một bụi cây phủ đầy hoa và vô cùng ngạc nhiên phát hiện ra một hồ bơi lớn. Ít ra thì nàng tạm cho là như thế, vì nàng cũng chưa bao giờ thấy trước đây cả.
Đúng ra nàng nghĩ nó chỉ là một cái ao nhân tạo nếu không được lát bằng gạch màu lam và bao quanh bằng đá phiến. Thêm vào đó nước cũng chuyển động liên tục và trong đến nỗi có thể nhìn thấy đáy.
“Cô định bơi à, cô Brown?” một giọng nói vang lên hỏi nàng, và ông Chambers bước lại gần nàng.
“Tôi nghĩ đây chắc là hồ bơi,” Susanna nói. “Tôi nghe nói người Mỹ xây trong vườn nhà họ bên Mỹ, nhưng tôi chưa hề chính mắt thấy cái nào.”
“Ba của ông Dunblane gắn cái này vào khi ông sửa đổi biệt thự,” ông Chambers giải thích.
“Ông có bơi không?”
“Tôi thường bơi khi tới đây lần đầu,” ông đáp lại, “nhưng giờ thì thấy hơi mệt, nên tôi để lại cái môn thể dục đòi hỏi phải gắng sức này cho lớp người trẻ như cô. Vào giờ này buổi sáng cô sẽ thấy nước ấm.”
“Ồ, tôi không thể bơi ở đây được đâu!” Susanna vội nói. “Dù lúc còn nhỏ tôi có bời trong hồ tại nhà tôi.”
“Không có ai thấy cô đâu,” ông Chambers trả lời, “và bởi vì chúng tôi chu cấp mọi thứ khách cần, nên cô sẽ thấy một số đồ tắm trong thủy tạ bên kia hồ. Đừng mắc cỡ! Bất cứ khi nào cô thích thì cứ xuống tắm một phát.”
“Dạ cám ơn,” Susanna đáp lại, “tôi sẽ nghĩ đến sau.”
Khi nói nàng biết mình ngượng ghê lắm không dám xuống bơi đâu, vì hiểu rõ là mình sẽ trông rất mập và lóng ngóng khi mặc áo tắm.
Tại Brighton có lần nàng thấy một phụ nữ lớn tuổi tắm suối nước nóng khi nàng và May đến đó để dưỡng bệnh sau khi mắc chứng ho gà. Họ đã phá lên cười chế giễu những người đến tắm cứ trồi lên hụp xuống trong những làn sóng và Susanna không thích mình sẽ bị chế nhạo y như thế.
“Tuy vậy,” nàng ngẫm nghĩ với đôi chút ao ước. “Mình thích được bơi trong cái hồ đẹp như vầy.”
Dẫu ông Dunblane không thấy nàng nhưng có thể ông Chambers sẽ thấy, ngoài ra còn Clint và các gia nhân khác nữa.
“Không được! Mình nhất định không làm đâu,” nàng thầm nghĩ một cách cương quyết.
Cầm mấy đóa lan, nàng quay về biệt thự với ông Chambers và thấy thức ăn sáng đã dọn sẵn cho họ trong hàng hiên, từ chỗ đó họ sẽ ngắm được quang cảnh khác của Florence.
Bây giờ ở đằng đó là dòng Arno lấp loáng trong nắng, có nhiều cây cầu bắc ngang, và nàng thấy rất rõ cây cầu cổ nhất và nổi tiếng nhất trong số đó, Ponte Vechio.
“Làm sao mà mình có thể cám ơn cho đủ vì được tới đây?” nàng tự hỏi, giọng thoáng rộn rã.
Hầu như để trả lời câu hỏi của nàng, Clint bước vào phòng.
“Ông chủ muốn gặp cô ngay, cô Brown,” anh ta lên tiếng. “Ông ấy cảm thấy mình bị bỏ bê.”
“Ôi trời!” ông Chambers thốt lên, “lẽ ra tôi phải đến gặp ông ấy trước khi ăn sáng.”
“Ông không cần phải vội đâu thưa ông,” Clint nói. “Ông ấy yêu cầu chính là tiểu thư đây, và tốt nhất đừng để ông ấy đợi!”
Chưa kịp ăn sáng xong nhưng nàng đứng bật dậy ra khỏi bàn và cầm theo bó hoa lan nhỏ rồi nối gót theo Clint đi dọc theo lối đi mát mẻ, xuyên qua khoảng sân trong xinh đẹp bao quanh bởi những dãy hiên, vào căn phòng ngủ thật rộng rãi.
Trên bục kê một chiếc giường phủ màn tỏa xuống từ đỉnh màn vòm cung được chạm trổ hình thiên thần đang bay lượn, và bên dưới là đầu giường trang trí với huy hiệu được chạm nổi và sơn màu.
Dưới huy hiệu, ông Dunblane trông có vẻ là lạ kỳ bí trong lớp băng quấn.
“Cô đi đâu vậy hả?” ông ta gắt gỏng hỏi. “Không ai đến gặp tôi cả, dù tôi cho rằng cô và Chambers đang nhởn nhơ ngoài nắng chứ gì!”
“Tôi vừa đi ngắm cảnh và thám hiển khu vườn, và tôi thấy cả hồ bơi của ông nữa,” Susanna nói. “Tất cả mọi cái trông như truyện thần thoại vậy.”
“Nếu cô đang hình dung mình như công chúa trong cái truyện đó, thì tôi cần phải chỉ cho cô biết,” ông Dunblane nói, “rằng hoàng tử hình như đang bị bỏ bê đấy.”
“Tôi xin lỗi,” Susanna đáp lại, “nhưng trời hãy còn sớm, tôi nghĩ chắc là ông đang ngủ.”
“Ngủ! Ngủ! Ai cũng muốn tôi làm chỉ bấy nhiêu đó thôi! Không ai thèm lo xem tôi có nằm mục thây trên giường hay không miễn là họ hưởng thụ cho bản thân họ là được rồi!”
“Cái đó không đúng và ông biết rõ mà,” Susanna dịu dàng nói. “Tuy thế, ông cứ càu nhàu tùy thích; tôi ngồi ở đây nghe ông nói.”
“Tôi nghĩ là cô sắp nói rằng cô được trả tiền để làm như thế, rằng cô là –”
“Tôi đâu có định nói vậy, nhưng giờ ông đã nhắc đến thì câu trả lời là vâng!”
Ông Dunblane bật cười nho nhỏ.
“Đồ mắc toi! Cô không bao giờ để tôi thật tình cảm thấy thương hại mình cả.”
“Sao tôi cần phải làm vậy, khi ông lại có rất nhiều thứ để mà cảm kích.”
“Cái gì chứ?”
“Tôi không trả lời câu hỏi đó đâu,” Susanna đáp lại. “Ông có thể đếm những cái may mắn của ông cũng như bất cứ ai khác; và Tam Nhãn của ông sáng nay thế nào rồi?”
“Không có gì cả!”
“Cái đó thì tôi không tin đâu. Vì vậy chúng ta sẽ thử xem nó có hoạt động không nhé. Hãy nói cho tôi cái này là gì.”
Trong lúc nói nàng khom tới trước và chìa bó hoa cách một chút trước cái lỗ chừa trên mặt băng cho ông ta thở.
“Cô hái trong vườn à?” ông hỏi.
“Vâng đúng thế,” Susanna trả lời, “vì chúng nhỏ bé không quan trọng, nên tôi nghĩ chúng lấy làm hài lòng được diện kiến ông trong khi lũ bạn bè sặc sỡ lại bị bỏ lăn lóc bên ngoài!”
Ông Dunblane lại bật cười.
“Cô là một phụ nữ hết sức ngạc nhiên!” ông ta nói. “Vậy cô có thể kiếm sống bằng cách đọc báo cho tôi nghe, nếu báo giao tới rồi, trước khi tôi nói cho cô biết cô có thể đi ngắm diện mạo của cô trong viện triển lãm Uffizi.”
Susanna nín thở.
Giá mà ông ta biết mình thực sự nhìn ra sao nhỉ! Nàng thầm nghĩ. Rồi nàng tự dặn mình là không được phá hỏng niềm hạnh phúc của riêng mình, niềm hân hoan được ở trong Florence bằng cách tiết lộ sự thật với ông ta.
Giữa bao như thứ đẹp đẽ như thế nàng làm sao có thể đành lòng nói rằng, “Tôi tầm thường, xấu xí, và mập!”
“Khi nào ông cho đi viếng Uffizi,” nàng nói lớn, “tôi sẽ nói cho ông biết tôi giống ai nhất, Simonetta Vespuci, người mẫu thần vệ nữ của Botticelli, hay là vị tiểu thư thông minh sáng láng ngồi làm mẫu cho Fra Filippo Lippi.”
Nàng ngưng lại trước khi nói thêm.
“Tôi có đọc rằng cô ấy hình như là Lucrezia Buti, người đã bỏ trốn khỏi tu viện để sống với họa sỹ.”
“Tất nhiên cô chắc không quên nhận ra tôi trong hình ảnh của Lorenzo Vĩ Đại chứ.”
“Cố nhiên rồi!” Susanna tán thành. “Ông Chambers đã kể cho tôi những chuyện về ông làm cho tôi hoàn toàn khẳng định ông là Lorenzo trong kiếp trước.”
Nàng nói một cách chế giễu và ông Dunblane ngờ vực nói.
“Tôi cho rằng ngoài việc tâng bốc tôi cô đang dự đoán rằng rồi cũng có ngày mất hết thanh danh địa vị, và ngoài khó khăn tài chính, lại còn bị chết vì chứng sưng khớp!”
“Cái đó thì còn lâu lắm.”
“Hiện tại thì tội lỗi của tôi đã gây ra hậu quả xấu bằng hình thức trừng phạt khác rồi đấy!”
“Giờ thì ông đang nghĩ quẩn,” Susanna phản bác. “Tai nạn của ông có dính líu gì đến tội lỗi của ông cơ chứ?”
“Có lẽ giống như Lorenzo tôi là người dương dương tự đắc, cứ nhất định mình phải là người tiên phong trong mọi chuyện tôi làm. Chắc thế nào cô cũng nói sự trừng phạt đích đáng với tội ác?”
“Tôi sẽ không nói cái kiểu như vậy,” Susanna trả lời gần như tức giận. “Tôi cho rằng loại tự vấn tội này không tốt lành gì cho ông đâu, vì vậy tôi sẽ đọc báo cho ông nghe.”
Nàng thấy bên cạnh giường có để báo Ý và một tờ báo Mỹ. Cái sau thì đã ra từ tuần trước và nàng nghĩ là chắc được đem theo từ Anh.
“Ở đây có hai tờ báo. Ông thích đọc tờ nào trước, báo Ý hay là New York Times?”
“Cô có tờ New York Times!” ông Dunblane kêu lên. “Sao trước đó cô không đọc cho tôi?”
“Vì lý do rất chính đáng rằng đâu có ai đưa nó cho tôi,” Susanna trả lời.
“Hừ, vậy cô đọc đi! Lật qua trang thể thao và xem coi có tin gì về chuyện thử xe hơi không.”
Susanna ngạc nhiên nhìn ông ta. Lần đầu tiên nàng nghĩ có lẽ tai nạn của ông ta có phần nào liên quan đến đua xe.
Ông Chambers không đề cập đến chuyện đó và nàng thầm nghĩ chắc ông ta dính líu đến tai nạn xe trên đường xá xảy ra rất thường kể từ khi xe hơi xuất hiện trên đường.
Mặc dù trên thực tế xe hơi bị giới hạn chạy trong tốc độ vừa phải, nhưng chúng làm cho ngựa hoảng sợ, khiến chúng kinh hãi lao đi lung tung gây rối loạn cho xe kéo gắn liền với chúng và thường kéo theo hậu qủa thảm khốc.
Khá nhiều bạn bè của mẹ nàng đi vòng vòng London bằng xe Brougham chạy điện và cha nàng đã nhắc đến việc mua xe hơi để lái về quê nhanh hơn là ngồi sau mấy con ngựa.
Susanna biết chuyện thì này thì khác với đua xe hơi mà nàng tin, dù vẫn còn mơ hồ, là đã trở thành một phần trong sự phát triển xe hơi của Mỹ.
Henry là nhân vật độc nhất trong gia đình họ rất hào hứng với xe hơi. Thực ra khi từ Eton trở về nó ít nói đến chuyện gì khác ngoài chuyện đó.
Susanna luôn luôn là thính giả nhẫn nại đối với nhiệt tình của cậu em trai, và giờ đây nghĩ trở lại, nàng nhớ em nàng có kể là năm ngoái một chiếc xe Stanley chạy bằng hơi đã đạt tới vận tốc kinh hồn trên bãi biển Daytona.
Trong lúc nàng cố tìm trang thể thao của tờ New York Times vì không quen thuộc với loại báo này, nàng phân vân tự hỏi cũng như ông Dunblane là tại sao trước đó người ta không đưa báo cho nàng.
Nàng gặp khó khăn trong lúc lướt xuống trang giấy để tìm bất cứ phần tin nào có liên quan đến xe hơi, và rốt cuộc nàng đã khám phá ra.
“Ồ, đây rồi!” nàng hớn hở thốt lên.
“Nó nói cái gì vậy?” ông Dunblane hỏi, và Susanna đọc lớn.
“Không nghi ngờ gì nữa, loại Fiats của Felice Nazzaro đã chiếm ưu thế trong những vòng đua năm nay đang được mọi người kỳ vọng đoạt giải Targa Florios. Mặc dù Louis Coatalen, là người Pháp từng bị đày biệt xứ, đã thiết kế loại 25 HP Hillman cho 1907 TT.’ ”
“Không có tin gì về xe Mỹ sao?” ông Dunblane gay gắt hỏi.
Susanna vội ngó xuống vài đoạn kế tiếp rồi đọc.
“Có dự đoán rằng loại xe hơi với kỹ thuật tăng nạp đầu tiên của thế giới, Chadwick sáu máy, sẽ được đem ra trình làng trong vòng đua American Grand Prix mới ở Savannah và Locomobile của Robertson được bỏ nhỏ sẽ đoạt giải Vanderbilt.' ”
“Còn gì nữa không?” ông Dunblane hỏi bằng giọng nôn nóng một cách ngạc nhiên.
“Hiện nay Mỹ rất nổi bật trong làng xe hơi, sản lượng xe của họ đã qua mặt Pháp trong 1906. Cho đến bây giờ loại Falcons đang thắng thế trong thị trường, nhưng có tin hành lang rằng Henry Ford đã đưa vào sản xuất kiểu xe T độc đáo, một loại xe cực kỳ đơn giản, hầu như là không thể nào phá hủy nổi, không bao lâu nữa sẽ đem đến cho mọi người một tay lái đáng tin cậy.’ ”
Trước khi Susanna kịp đọc hết phần tường trình, ông Dunblane kêu to gần như là thét lên.
“Tại sao không có ai báo cho tôi biết tin này? Tại sao lại dấu tôi cái tin mắc dịch này?” ông ta điên tiết hỏi. “Đi kêu Chambers, bảo ông ấy đến đây ngay lập tức!”
Ông ta lớn giọng và hung hãn đến nỗi Susanna vô tình đứng bật dậy.
“Đi đi, đi kêu ông ấy mau! Cô còn đợi cái quái gì nữa hả!” ông Dunblane gầm lên.
Kinh hãi trước giọng điệu hung bạo của ông ta, Susanna chạy ào ra khỏi phòng ngủ đi tìm ông Chambers.
Love In The Dark Love In The Dark - Barbara Cartland Love In The Dark