Số lần đọc/download: 1688 / 23
Cập nhật: 2016-07-13 10:11:16 +0700
Chương 2: Vùng Thượng Du Và Xứ Thái
V
ào thời kỳ này, trung tá Quilichini, một trong những người tin cậy của tướng Leclerc, chỉ huy các đơn vị quân Pháp rút lui sang Trung Quốc sau cuộc tấn công của quân Nhật1 và vừa mới chiếm lại được một phần của xứ Thái ở phía tây tỉnh Sơn La. Quilichini, ba mươi tư tuổi, đã giữ cấp trung tá, yêu cầu bộ chỉ huy đạo quân viễn chinh cung cấp cho mình những đại úy tình nguyện, trẻ tuổi, năng động, “với một dòng máu mới”, để chỉ huy một vài đơn vị dưới quyền của ông.
Sau một cuộc trình bày với chỉ huy Rocaboy của tôi, lá đơn đề nghị của tôi được chuyển lên cấp trên với lời phê duyệt thuận lợi. Tôi thấy nhọc lòng khi phải chia tay với đại đội của tôi, nơi tôi đã sống trong một năm qua. Nhưng may là tôi để họ ở lại trong khung cảnh hòa bình ở Hải Phòng để một mình bước vào cuộc phiêu lưu trên cái vùng thượng du xa xôi ấy, ở đó các trận đánh nối tiếp nhau một cách thầm lặng, bất chấp có bản Hiệp định Sơ bộ.
Những người Thái cư trú ở vùng đất này, các thủ lĩnh của họ có trong tay mấy đại đội dân binh vũ trang, cán bộ chỉ huy một phần do chúng tôi cung cấp. Họ không ưa những người nhỏ bé ở vùng đồng bằng và chỉ có một mong muốn đuổi được đám người đó ra khỏi xứ sở đã nằm dưới quyền kiểm soát của họ khoảng một nửa. Trước khi đi tới xứ Thái, được các cựu binh đánh giá là vùng chó đẻ thượng dư, tôi nghĩ là cần thiết, trong vài dòng ngắn ngủi, đánh giá lại với các bạn vùng đất đó trong khuôn khổ toàn cảnh Bắc Kỳ.
Xứ Bắc Kỳ, nơi sẽ diễn ra những trận đánh ác liệt nhất của đạo quân viễn chinh, do sự có mặt của đội quân chính quy của quân Việt dựa vào Trung Quốc, có diện tích 115.000 kilômét vuông, bằng một phần năm của nước Pháp, dân số có mười triệu, tám phần mười số dân đó được đại diện bởi những người Bắc Kỳ nhỏ nhắn vùng đồng bằng, nguồn nhân lực chủ yếu của quân đội của tướng Giáp, và hai phần mười là những người vùng núi thuộc các tộc người khác nhau (Thái, Mán, Mường, Mèo... ). Xứ Bắc Kỳ bao gồm ba vùng chủ yếu: vùng đồng bằng, vùng trung du và vùng thượng du.
Vùng đồng bằng Bắc Kỳ, khoảng chừng hai mươi nghìn kilômét vuông, mà trung tâm rõ ràng là Hà Nội, nhìn từ trên máy bay và tùy theo mùa vụ, trông như một cánh đồng ngập nước, rải rác những xóm làng nhỏ bé hoặc một đồng cỏ mênh mông xanh mướt khi cây lúa đã mọc, để trở thành, vào vụ thu hoạch, cánh đồng xứ Beauce2 với những cây lúa mì đã chín vàng.
Những trận đánh trong vùng đồng bằng ác liệt và tệ hại. Lực lượng của chúng tôi chủ yếu đọ sức với những người Việt địa phương, họ nắm vững địa hình một cách đáng khâm phục, trên địa hình đó họ giăng bẫy và rải mìn một cách khôn khéo. Việc tiến lên trong đồng ruộng thật là nhọc nhằn, hành động rất khó khăn, với những cuộc chạm trán chết người. Nhưng bù lại được phục vụ tốt bởi một hệ thống đường sá quan trọng, bởi những đồn bốt bè bạn gần như có ở mọi nơi và người ta có thể tận dụng sự yểm trợ của pháo binh bất cứ lúc nào. Không quân với những sân bay ở gần bên cạnh có thể can thiệp nhanh chóng. Chắc chắn, người ta có thể chết ở đồng bằng nhưng ít cô đơn hơn ở vùng thượng du.
Tôi bỏ qua vùng trung du, cả loạt những quả đồi viền quanh vùng đồng bằng cũng như vùng thượng du ở phía đông con sông Hồng, với những cái tên làng sẽ nổi danh lâu dài trên báo chí, trước khi chìm vào quên lãng tiếp sau cuộc rút lui bi thảm của các đơn vị chúng tôi đồn trú trên con đường thuộc địa số 4: Cao Bằng, Thất Khê, Lạng Sơn...
Trong quá trình ba nhiệm kỳ sống dài ngày ở Đông Dương những nhọc nhằn gian khổ liên tục hầu như không dứt, số phận đã né tránh cho tôi vùng đất đó để đưa tôi tới những vùng đất khác, cũng không kém phần đẫm máu. Tôi sẽ chiến đấu một thời gian ngắn ở vùng đồng bằng. Nhưng nhất là thời kỳ ở xứ Thái nằm ở phía tây con sông Hồng và đặc biệt là ở dọc con đường thuộc địa số 413, nối liền vùng đồng bằng với Điện Biên Phủ và Lai Châu, đi qua Mộc Châu, Bản Thìn, Yên Châu, Chiềng Đông đèo Cò Nòi, Nà Sản, Sơn La, Thuận Châu, Tuần Giáo.
Bay trên xứ Thái, cái vùng đất rộng lớn này hiện ra mênh mông nhấp nhô hỗn độn những dãy núi, vách núi dựng đứng, được che phủ gần như hoàn toàn bởi một dải rừng cây rậm rạp, không tài nào vượt qua được, ngoại trừ đối với các đơn vị lính dù được huấn luyện đặc biệt, trang bị gọn nhẹ, biết tự bằng lòng với khối hành trang hạn chế đến mức tối thiểu. Đó là một vùng đất mà thiên nhiên (địa hình, cây cối, khí hậu, tài nguyên, dân cư) tác động một cách quyết liệt đến tính chất của các hoạt động tác chiến và hạn chế hình thái của các hoạt động đó. Ấy vậy mà chúng tôi sẽ vượt qua tiến đánh bất ngờ quân Việt bằng cách sử dụng những hành trình bất khả thi.
Ngồi trên chiếc máy bay Dakota chất đầy thực phẩm đưa tôi tới Điện Biên Phủ, khoảng cách ba trăm kilômét giúp tôi đủ thời gian để điểm lại tình hình: trang đời Hải Phòng đã được lật giở và chuyện phải là như thế, cái cuộc sống trong nhung lụa không thích hợp với tôi và trong cái tiểu đoàn với khuôn khổ hạn hẹp này, tôi đã không phải là chính tôi. Nhưng khi tới nơi này, tôi sẽ thấy được điều gì đây? Cái xứ sở Đông Dương rồi sẽ ra sao nhỉ? Liệu chúng ta có đi tới thoả ước không? Nhẩy dù xuống nước Pháp để giải phóng các đồng bào của tôi quả là việc dễ dàng hơn đấy... Rút cục, mektoub? Rồi chúng ta sẽ thấy rõ.
Tôi tới nơi đây rồi. Sao mà yên tĩnh đến thế! Một dải thung lũng nhỏ hẹp tuyệt mỹ ở nơi tận cùng thế giới, ở đó sẽ tha hồ mơ mộng: một ngôi làng xinh đẹp với những nóc nhà sàn san sát bên cạnh dòng sông Nậm U nước trong veo, đám cư dân niềm nở tươi cười, những phụ nữ cao to, nước da trắng ngần, thật là khỏe mạnh... Vùng đất lòng chảo này vài năm sau tôi sẽ còn quay lại đó lần thứ hai để đánh chiếm lại ngôi làng từ tay quân Việt và lần thứ ba sẽ giải cứu các đồng ngũ bị bao vây.
Một thượng sĩ tốt bụng và hai con ngựa bản địa nhỏ bé chờ đón tôi. Chúng tôi phải đi tới Thuận Châu, cách đây một trăm hai mươi kilômét, ở đó có sở chỉ huy của tiểu đoàn trưởng Mennebode, chỉ huy mấy đại đội đang chạm trán với quân Việt. Ba chặng đường mỗi chặng bốn mươi kilômét, lúc đi bộ, lúc cưỡi ngựa. Tôi đưa mắt ngắm nhìn cái xứ sở sao mà khác xa với vùng đồng bằng, vừa tiến bước theo dải lụa của con đường thuộc địa số 41, rộng bốn mét, là một con đường cấp phối, thường xuyên bị kẹp chặt giữa một thảm thực vật dầy đặc, đôi khi là những khu rừng rộng hoặc bị án ngữ bởi những ngọn núi cao tưởng chừng như đè bẹp lấy con đường. Từng quãng, từng quãng, một mảng rừng thưa, một ruộng lúa, một ngôi làng nhỏ, vài con trâu, những con lợn lông đen, bầy gia cầm, một đám cư dân yên tĩnh. Chắc chắn đây là dấu hiệu tiềm ẩn của hạnh phúc.
Những nơi tạm nghỉ chân được đặc biệt mơ ước và đánh giá cao sau một chặng đường bốn mươi kilômét giữa cái xứ sở yên ả này, với những dải rừng rậm, những ngọn núi cao tới một nghìn hai trăm, một nghìn rưởi, một nghìn tám trăm mét. Cơn mệt mỏi lành mạnh của chúng tôi biến mất sau một lần tắm suối, một bữa ăn của người Thái, với những đôi đũa mà tôi sử dụng một cách khéo léo, có cơm, thịt lợn hoặc thịt gà vịt được thái miếng nhỏ, những ngọn măng tre, chút ít ớt quả và rượu cất bằng gạo. Các cư dân tỏ ra mến khách, những ngôi nhà sàn bằng tre của họ rất sạch sẽ. Bản Phóng, Tuần Giáo, Mường He và đây, Thuận Châu. Chuyến du hành tuyệt vời mà bẩy năm sau, quân Việt sẽ cho chúng tôi thực hiện trong những điều kiện khác hẳn.
Trung tá Quilichini có mặt ở Thuận Châu chờ gặp tôi. Thân hình vạm vỡ, dáng vẻ quyết đoán, thẳng thắn, “được Leclerc chú ý”, ông nói rõ nhiệm vụ và lực lượng của tôi: tôi phải tổ chức các đội xung kích bao gồm các binh sĩ tình nguyện và hoạt động xung quanh các đồn bốt của chúng tôi, nhằm vào hậu phương của quân Việt. Việc đó rõ ràng, năng động và thú vị. Thiếu tá Mennebode rầu rĩ, lầm lì, không có vẻ phấn khởi với việc xuất hiện của cái tay đại úy trẻ tuổi, tiếp nhận nhiệm vụ trực tiếp từ trung tá. Chẳng sao.
Đám tình nguyện viên, khoảng chừng một trăm người, đến với tôi từ khắp các đơn vị trong tiểu đoàn. Hạ sĩ quan, hạ sĩ, binh sĩ tái ngũ, tất cả đều in đậm dấu vết sự mệt mỏi, bệnh kiết lị, bệnh sốt rét. Sặc sụa hơi men, trang bị xộc xệch, tự tay họ vá víu lấy các trang bị bằng da, chân đi không giầy. Ngược lại, vũ khí họ được bảo quản một cách đáng khen: cơ bẩm súng đầy đủ dầu mỡ, được bọc kín bằng một mảnh giẻ lau. Một bầy đàn thật là nhốn nháo... Quilichini đã có lý khi yêu cầu có thêm một ít lực lượng trẻ, để lập lại một trật tự nào đó.
Tôi sẽ phải hành động với một khí cụ như vậy, những người tình nguyện, như vậy là họ muốn chiến đấu, xoá đi cuộc rút lui bắt buộc của họ trước quân Nhật. Tôi hình dung ra những gì mà các cựu binh này đã phải gánh chịu không có tin tức của gia đình họ, không biết bao giờ và bằng cách nào để một ngày kia có thể quay trở về quê hương. Về mặt tình cảm, tôi đã đứng về phía họ. Dưới một hình thái đặc biệt, tôi cảm thấy mình không biết mệt mỏi. Không có vấn đề gì, tôi cũng sẽ đi chân đất, sẽ sống ở xứ sở này, sẽ huấn luyện họ, dắt dẫn họ đi tới những đòn đánh đáng giá. Hải Phòng, đại đội của tôi, cô gái Odette mờ đi trong màn mưa phùn vùng đồng bằng Bắc Kỳ.
Tôi tổ chức bốn đội xung kích, mỗi đội hai mươi nhăm người, tôi luân phiên sử dụng bốn đội đó, tùy theo hoàn cảnh, hai hay ba đội xung kích sẽ được tập hợp lại để tham gia một hoạt động. Trong vòng bốn tháng trời, với nhịp điệu hai hay ba ngày trong một tuần lễ, chúng tôi hoạt động trong vùng đệm không người hoặc trong vùng hậu phương quân Việt. Phục kích, tập kích nối tiếp nhau, xuất phát từ căn cứ của chúng tôi ở Thuận Châu, quả đấm lên phía bắc, mũi vu hồi xuống phía nam, tấn công vào sở chỉ huy ở phía đông. Mỗi tuần, chúng tôi hành quân khoảng một trăm hai mươi kilômét.
Cái bộ dạng của tôi thật là kì lạ! Ba mươi tuổi, không biết mệt mỏi, một con thú hoang dã đích thực, các ngón chân của tôi bám vào những con đường mòn trơn trượt, theo kiểu của người Thái, ngón chân cái như một cái móc sắt. Nửa trên thân người để trần, một chiếc quần sóc, khẩu các bin khoác vai, lựu đạn đeo ngang lưng, một tấm khăn mỏng buộc chéo trên đầu. Cái bộ dạng này của tôi thích hợp với việc phục vụ ở chỗ tướng Giáp hay là để quay một bộ phim miền Viễn Tây hơn là đứng trong hàng ngũ đội quân chính quy của chúng ta.
Tôi có thể kể ra hàng chục hoạt động có kết quả với tổn thất tối thiểu. Chúng tôi có đầy đủ thông tin nhờ vào các nhân viên chỉ điểm, vốn nắm vững khu rừng rậm của họ một cách đáng khen. Đôi khi phải phát cây rừng để mở đường, họ luôn luôn biết dắt dẫn chúng tôi đến nơi phải đến, nhờ vào cái bản năng định hướng vốn có của họ ngay từ lúc mới sinh ra.... để đổi lấy một ít muối, vài đồng bạc nhưng đặc biệt là vì sung sướng được ở trong số những người sẽ xua đuổi những người Kinh nhỏ bé ra khỏi quê hương của họ. Trong vùng đất này, chúng tôi không phải là những người đi chinh phục mà rõ ràng là những chiến binh giải phóng, những đồng minh của khối cư dân kiêu hãnh và dễ mến này.
Tôi nhớ lại rất rõ, mặc dầu đã một phần tư thế kỷ, về một trận phục kích. Chuyện này, về sau, tôi thường kể lại cho các bạn trẻ của tôi để giúp họ hiểu được rằng chỉ cần một điều sơ ý có thể làm hỏng cả một công việc mặc dù là công việc đó đã được chuẩn bị một cách tỉ mỉ.
Hai chỉ điểm viên của chúng tôi báo cho biết, hàng tuần nhiều lần có chừng ba mươi quân Việt đi qua, thực hiện đường liên lạc giữa căn cứ của họ ở Sơn La và con sông Mã, cách đây bốn mươi kilômét về phía nam.
Sau một cuộc nghiên cứu tỉ mỉ, nhiều cuộc bàn cãi dài dòng, chúng tôi đã có thể xác định được toạ độ trên bản đồ, thời gian cần thiết để tới địa điểm đó và các chi tiết khác. Ba mươi sáu tiếng đồng hồ được dự kiến để có mặt tại chỗ. Hai đội xung kích đi hàng một theo sau tôi, trên con đường mòn này thì đó là một đội hình dài, được che chở bởi tán lá rừng, ban ngày giúp cho chúng tôi tránh được ánh nắng và trong đêm tối, tựa như chụp xuống bóp nghẹt chúng tôi. Trèo lên, bước xuống, thở dốc, nhắm mắt ngủ trong vài tiếng đồng hồ; trao đổi với các chỉ điểm viên thông qua một người phiên dịch: “Các anh có đi đúng đường không đấy? Còn bao lâu nữa vậy?”. Uống nước suối, đổ đầy các bi-đông, ăn nắm cơm đã chuẩn bị sẵn với mấy miếng thịt trâu hun khói, mục tiêu là đến địa điểm dự kiến đúng kế hoạch.
Một vài người đã mệt mỏi. Một hạ sĩ quan bị sốt rét, thân nhiệt lên tới 40 độ. Một cựu binh tái ngũ, ba mươi tuổi bị kiết lị nặng. Tôi phải để họ ở lại tại chỗ cùng với một chỉ điểm viên và hai lính canh gác, chọn những người mệt mỏi nhất. Không có chuyện đưa họ về phía sau, bởi lẽ chúng tôi đã hành quân được hai mươi tiếng đồng hồ... Họ đã từng gặp những tình huống tương tự trong chuyến rút lui sang Trung Quốc. Họ phải chặt cây làm những chiếc cáng, mà chúng tôi sẽ sử dụng trên đường quay về. Thiếu đi bốn người không phải là chuyện nghiêm trọng. Chúng tôi khá đông để chọi nhau với ba mươi lính Việt nếu như đúng là có chuyện họ hành quân qua đây.
Ba giờ sáng. Đêm tối như mực. Cuối cùng đã tới được con đường mòn. Phải đợi cho trời sáng để có thể bố trí một đội hình vào trận nghiêm chỉnh. An toàn ở phía bắc và ở phía nam. Chúng tôi cố gắng ngủ một chút. Trời đã sáng. Chúng tôi bố trí lùi xuống một trăm mét về phía nam, ở đó bên rìa đường mòn có một số tảng đá, cho phép ngụy trang và giữ được an toàn thật sự. Ngoài ra, tầm nhìn cho phép trông thấy quân đối phương tới từ cách xa ba trăm mét. Các dấu vết của chúng tôi được xóa bỏ kỹ lưỡng.
6 giờ 30, 7 giờ. Liệu họ có tới không? Đến từ phía bắc hay phía nam? Bốn mươi nhăm con người của chúng tôi được rải ra trên đoạn dài một trăm mét ở phía tây đường mòn. Nếu như quân Việt có vài trinh sát, chúng tôi sẽ để cho đi qua và sẽ nổ súng vào đại bộ phận, một khi tất cả chui vào rọ. 8 giờ 30. Vẫn không động tĩnh, miễn sao mọi việc xảy ra hôm nay, nếu không phải đợi đến ngày mai. Tôi nghĩ tới các bệnh binh của tôi được để lại ở dọc đường, hi vọng là bệnh tình của họ không nghiêm trọng thêm.
9 giờ 30. Kia rồi... Bốn trinh sát, thoải mái tiến về phía chúng tôi. Phía sau họ cách năm mươi mét, hai mươi nhăm đến ba mươi lính Việt, đi theo hàng một. Hai trăm mét, một trăm mét, năm mươi mét, bốn trinh sát diễu qua cách có vài bước chân. Chúng tôi nín thở. Họ đã đi qua, không nhìn thấy mảy may. Số khác tiến đến. Các cựu binh của tôi bình thản, không hề động đậy, tất cả đã nằm trong rọ.
Nổ súng, những trái lựu đạn nổ tung trên đường mòn, các loại vũ khí cá nhân nổ ròn như pháo.Tiếc thay, những khẩu trung liên F.M, bố trí rất tốt, bắn được xuyên táo dọc con đường mòn, không thấy lên tiếng... Trước mặt là quang cảnh tan tác của đàn chim sẻ cất cánh, số sống sót biến mất vào trong rừng rậm, không nổ lấy một phát súng nào. Mười lăm lính Việt tử vong, hai bị thương nhẹ, bị bắt làm tù binh.
Trận phục kích thành công năm mươi phần trăm. Một khẩu F.M bị hỏng, xạ thủ để súng ở nấc khóa an toàn, lúc nhận ra chuyện đó thì đã quá muộn. Thật đáng tiếc và càng hay cho số còn sống sót, chắc sẽ nhớ đời về buổi sớm hôm đó, khi mà chúng thoải mái bước đi trên đoạn đường mòn ấy, vốn chưa hề xảy ra chuyện gì bao giờ.
Chúng tôi rút đi nhanh chóng sau khi đã ngụy trang che dấu trục đường rút lui. Tới nửa đêm, chúng tôi gặp lại số bệnh binh vẫn ở trong tình trạng như cũ. Vài giờ nghỉ ngơi và theo hướng Thuận Châu, nơi chúng tôi tới hai mươi tiếng đồng hồ sau, người mệt lử cùng với hai cáng thương.
Tôi chủ định nhắc lại trận phục kích này, một trong số biết bao trận phục kích khác, trò chơi dễ dãi, ít nguy hiểm, nắm đầy đủ thông tin và được chỉ đường tốt, chúng tôi như con cá trong ao, nhưng những hành động ấy lặp lại thì thật là nhọc nhằn. Chúng tôi về tới Thuận Châu, kiệt sức, trên người đầy các nốt muỗi đốt, cáng theo hai, ba chàng trai ốm nặng. Chúng tôi bị vô số những con vắt hút máu, lũ vắt này chờ đợi mình ở những nơi ẩm ướt lúc đầu chỉ to bằng đầu chiếc đinh ghim, luồn lách vào mọi chỗ: trên đôi cẳng chân, trên khắp người, giữa những chỗ tiếp giáp của cơ thể và khi phình lên đầy máu, chúng to bằng một nửa ngón tay. Mạnh tay rứt chúng ra thì da bạn bị xước và để lại những vết xước rớm máu. Chúng tôi dí điếu thuốc lá để đốt cháy chúng.
Bốn tháng đã trôi qua. Những người lính già của tôi, những người vốn không bao giờ nhăn mặt, cuối cùng sắp được hồi hương, gặp lại gia đình của họ, tổ quốc của họ. Cùng với họ, tôi đã học được cách sống, với nhu cầu hạn chế đến mức tối thiểu trong cái khu rừng rậm tệ hại, ở đó người ta tự cảm thấy sao mà thanh thản, cách xa những dục vọng thấp hèn của con người. Buổi chia tay thật xúc động. Tôi rất gắn bó với số anh em tình nguyện ấy, mong muốn kết thúc tốt đẹp công việc và mãi mãi là người chịu ơn họ. Những kilômét đi qua ấy, những gian khổ thiếu thốn phải chịu đựng, trận chiến với quân Việt ấy, sẽ giúp ích cho tôi trong những năm tháng sau này và tôi tích luỹ được từ đây một vốn kiến thức trên khá nhiều lĩnh vực, ít nhất sẽ biết được điều gì tôi có thể đòi hỏi ở những con người có quyết tâm, có ý chí... Nhưng mà rồi đây tôi sẽ ra sao nhỉ?
Chú thích
1. Ý nói sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp để độc chiếm Đông Dương ngày 9-3-1945.
2. Beauce: Một địa danh ở nước Pháp nằm trong địa phận ngoại ô của Paris nổi tiếng về cánh đồng phẳng rộng lớn trồng lúa mì và củ cải.
3. Tức là Đường số 6, theo cách gọi của Việt Nam - N.D