Freedom is not given to us by anyone; we have to cultivate it ourselves. It is a daily practice... No one can prevent you from being aware of each step you take or each breath in and breath out.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Arthur Hailey
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: The Final Diagnosis
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 261 / 21
Cập nhật: 2020-04-04 20:30:51 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
ách bệnh viện Three Counties hai dãy phố, tháp chuông đồng hồ của nhà thờ Chúa Cứu thế đang điểm giờ.
Bác sĩ Kent O’Donnell rời tầng lầu của khoa phẫu thuật đi xuống văn phòng quản trị. Tiếng chuông hơi khàn vì một vết nứt nào đó của tuổi tác già nua vọng vào qua cửa sổ để mở trên thang lầu. Theo thói quen, O’Donnell chỉnh lại đồng hồ đeo tay rồi bước sang sát mép thang lầu khi một nhóm sinh viên thực tập rảo gót vượt qua anh, tiếng chân rầm rập trên các bậc thang bọc kim loại. Trông thấy bác sĩ trưởng, đám sinh viên bớt ồn ào một chút, ai nấy đều cất tiếng “Chào Bác sĩ” một cách kính cẩn. Tại lầu hai, O’Donnell đừng lại nhường chỗ cho một cô y tá đẩy xe lăn.
Bệnh nhân là một bé gái khoảng mười tuổi bị băng kín một bên mắt. Một người phụ nữ, hẳn là bà mẹ, ân cần bước theo ngay bên.
Anh mỉm cười với cô y tá nhưng không nhận ra đó là ai, trong khi cô thầm khen ngợi anh hết lời Tuy đã ngoài bốn mươi, O’Donnell còn lọt mắt phụ nữ lắm. Anh còn giữ được vóc dáng của..một thời làm tiền vệ xuất sắc trong đội bóng sinh viên: cao lớn, lụng thẳng, vai rộng, cánh tay cuồn cuộn. Ngay cả hiện nay, mỗi khi ra quyết định hoặc sẵn sàng thực hiện một việc khó khăn nào đó, anh vẫn ưỡn ngực ra như để truy cản đường đi bóng của đối phương. Tuy vóc người vạm vỡ - chỉ toàn xương và bắp bịt, không dư thừa một chút nào- anh vẫn đi lại rất nhẹ nhàng. Nhờ chơi thể thao đều đặn- ten nít mùa hè, trượt tuyết mùa đông - anh vẫn giữ được vẻ cường tráng và uyển chuyển.
O’Donnell không đẹp trai một cách mượt mà. Mặt anh cứng cỏi, nhiều nếp nhăn, trên mũi còn vết sẹo của một trận bóng ngày nào. Thế mà phụ nữ thường coi đó là khuôn mặt hấp dẫn. Duy mái tóc là có dấu vết của thời gian. Mới gần đây nó còn đen nhánh mà nay đang bạc đi nhanh chóng cơ hồ như các sắc tố bỗng nhiên quy hàng năm tháng và rủ nhau ra đi.
Nghe có tiếng người gọi phía sau, O’Donnell dừng chân và nhận ra đó là Bill Rufus, một trong những bác sĩ phẫu thuật thâm niên của bệnh viện.
- Khỏe chứ, Bill? – O’Donnell quí mến Rufus. Anh là một bác sĩ giỏi, có lương tâm, đáng tin cậy và luôn luôn bận bịu. Các bệnh nhân tin tưởng anh vì khi nói chuyện với anh, họ nhận ra ngay đây là một con người chính trực. Toàn bệnh viện kính trọng anh vì anh có cách ra lệnh rất lịch thiệp và đối xử với họ một cách bình đẳng - ít có bác sĩ nào được như vậy.
Cái lập dị duy nhất của anh, tạm gọi như thế, là thói quen đeo ca vát lòe loẹt. O’Donnell thầm kinh ngạc trước sức sáng tạo vượt bực của anh bạn đồng nghiệp ngày hôm nay: chiếc ca vát có những hình tròn xanh lam xen kẽ với đường zíc zắc đỏ chóe trên nền hoa cà và vàng thanh. Bill Rufus bị thiên hạ trêu chọc lắm lời về những chiếc ca vát. Mới đây một bác sĩ phân tâm trong bệnh viện phát biểu rằng những chiếc ca vát của Bill Rufus biểu hiện một cái ung nhọt mưng mủ đang soi ngầm dưới một bề ngoài nghiêm trang, đạo mạo. Rufus chỉ cười xuề xòa. Hôm nay anh có vẻ không vui.
- Kent, mình muốn nói chuyện với cậu Rufus nói.
- Đến văn phòng của tôi đi. O’Donnell hơi ngạc nhiên. Rufus không bao giờ chịu đến với anh trừ phi có chuyện gì hết sức quan trọng.
- Không cần.Ở đây cũng được rồi. Kent này, mình muốn nói về biên bản kết quả bên khoa Xét nghiệm ấy mà.
Hai người bước đến bên một khung cửa sổ để tránh người đi lại trên hành lang. O’Donnell thầm nghĩ.. biết ngay mà! Nhưng anh nói với Rufus:
- Anh nghĩ sao Bill?
- Biên bản có chậm quá. Đợi mỏi cả mắt vẫn chưa thấy.
O’Donnell biết rõ chuyện này. Như tất cả các bác sĩ phẫu thuật khác, Rufus thường mổ các bệnh nhân có khối u. Khối u được lấy ra và chuyển đến cho chuyên viên xét nghiệm của bệnh viện là bác sĩ Joseph Pearson. Nhà bệnh lý học sẽ khảo sát mô bệnh hai lần, trước tiên là trong phòng thí nghiệm nhỏ nằm sát bên phòng mổ - lúc này, bệnh nhân còn hôn mê - ông làm lạnh một chút mô và xét nghiệm dưới kính hiển vi ([4]). Tiến trình này dẫn đến một trong hai lời phán quyết: “U ác tính” cũng có nghĩa là ung thư, cần phải mổ, kỹ lưỡng và “U lành” không cần phải mổ thêm nữa một khi khối u đã được lấy ra. Nếu giai đoạn xét nghiệm lạnh đưa ra lời phán quyết “U ác tính” ca mổ phải được tiếp tục ngay lập tức. Trái lại, “U lành” là dấu hiệu cho biết bác sĩ hãy khâu vết mổ và chuyển bệnh nhân sang phòng hồi sức.
- Xét nghiệm lạnh không chậm trễ chứ? - O’Donnell biết không có ai phàn nàn về chuyện này nhưng cứ hỏi cho chắc.
- Không - Rufus đáp - nếu mà chậm trễ thì bệnh viện hẳn là điếc tai vì những tiếng kêu thét. Có chậm trễ là ở khâu báo cáo kết quả xét nghiệm toàn diện.
- Tôi hiểu.
O’Donnell nấn ná để sắp xếp các ý nghĩ. Đầu óc anh chạy lướt qua các giai đoạn xét nghiệm. Sau khi làm sinh thiết lạnh, khối u được chuyển sang phòng xét nghiệm để kỹ thuật viên làm thành nhiều bản mẫu (slide), công việc tại đây kỹ lưỡng hơn và có các điều kiện thuận lợi hơn. Sau đó nhà bệnh lý học khảo sát các bản mô rồi đưa ra ý kiến tối hậu. Đôi khi một khối u có vẻ lành hoặc chưa rõ ràng trong giai đoạn xét nghiệm lạnh lại hiện rõ là khối u ác tính dưới con mắt xét nghiệm tỉ mỉ. Bởi thế, nếu phòng xét nghiệm thay đổi ý kiến thì cũng không có gì là bất thường.
Bênh nhân lại được chuyển về phòng mổ một lần nữa. Hiển nhiên biên bản thứ hai của phòng xét nghiệm cần phải có thật sớm. O’Donnellbiết đây chính là điều mà Rurfus đang phàn nàn.
- Nếu chỉ một lần thì mình chẳng nói làm gì - Rufus than thở - Mình biết khoa Xét nghiệm bận rộn lắm, mà đụng chạm đến Joe Pearson thì cũng mệt. Nhưng nào có một lần mà thôi đâu. Chậm trễ hoài mới chết chứ!
- Cụ thể là thế nào, Bill - O’Donnell nói giọng rắn rỏi. Anh biết chắc Rufus có đủ chứng cớ để phàn nàn.
- Này nhé, tuần trước mình có một bệnh nhân là bà Mason - khối u ở vú. Mình cắt bỏ khối u. Joe Pearson xét nghiệm lạnh rồi bảo là u lành. Nhưng biên bản xét nghiệm sau đó lại bảo là u ác tính - Rufus nhún vai- mình không phản đối chuyện đó đâu, xét nghiệm lần đầu chưa thể kết luận một trăm phần trăm được.
- Thế thì sao? - ODonnell đã đoán biết được vấn đề, nhưng anh muốn nghe cho hết gọn ngành.
- Pearson xét nghiệm những tám ngày trời. Biên bản đến tay mình thì bệnh nhân xuất viện rồi.
- Tôi hiểu - Tệ quá - Anh thầm nghĩ - Tới mức đó thì không thể ngờ được.
Rufus nói nhẹ nhàng:
- Không phải dễ đâu nhé. Cậu cứ thử tưởng tượng bây giờ ta gọi bà ấy lại là nhận rằng mình lầm lẫn, rằng bà ấy bị ung thư, rằng phải mổ lại mới được.
- Phải, không dễ đâu. O’Donnell thừa hiểu điều đó. Trước kia, khi chưa vào bệnh viện Three Counties, anh đã từng vướng vào hoàn cảnh này và vẫn hằng thăm mong nó sẽ không bao giờ tái diễn.
- Bill, anh nhường cho tôi lo việc này nhé - Cũng may đây là Rufus. Gặp người khác thì chuyện đã rắc rối hơn nhiều.
- Được! Miễn là phải có hành động cụ thể nào đó - Rufus có quyền đưa ra lời yêu câu mạnh mẽ - cận biết đó, đây là một ca tệ hại và không phải là không kéo theo nhiều chuyện khác nữa.
O’Donnell lại phải thầm thừa nhận điều ấy là đúng.
Khổ nỗi Rufus không biết rõ những chuyện bị kéo theo ấy ra sao
- Chiều nay tôi sẽ nói chuyện với Joe Pearson - Anh hứa hẹn -sau buổi họp kiểm thảo tử vong ([5]). Anh sẽ có mặt chứ?
Rufus gật đầu:
- Mình sẽ có mặt. Hẹn gặp lại nhé Bill. Cảm ơn anh đã cho tôi biết chuyện đó. Nhất định phải giải quyết, xin hứa với anh như vậy.
Giải quyết. O’Donnell vừa bước theo hành lan vừa suy nghĩ. Cụ thể phải làm thế nào? Anh suy nghĩ mãi đến khi đưa tay đẩy cửa văn phòng quản trị của Harry Tomaselli.
Thoại bước vào, O’Donnell không trông thấy Tomaselli. Viên quản trị cất tiếng gọi: Đây nè, Kent.
Tomaselli đang cúi mình trên một chiếc bàn đặt ở cuối căn phòng lát gỗ bu-lô, cách xa chiếc bàn giấy là nơi ông ngồi hầu hết thời gian làm việc. Trước mặt ông la liệt những cuộn giấy phác thảo đã mở sản. O’Donnell bước trên thảm dày lót sẵn đến bên ghé mắt nhìn.
- Đương mơ mộng hả Harry?- Anh chạm tay vào một tờ phác thảo - có thể đặt một dãy nhà ở tuyệt đẹp vào chỗ này trên cánh phía đông.
Tomaselli mỉm cười:
- Đồng ý, miễn là anh thuyết phục được ban quản trị để họ thấy đó là cần thiết - ông gỡ kính xuống và bắt đầu lau - Hay lắm, có thể nói đó là Jêrusalem Mới ([6]).
O’Donnell nhìn bản dự án mở rộng bệnh viện Three Counties. Sẽ xây cất thêm cả một cánh mới và nhà ở cho y tá.
Anh quay sang Tomaselli:
- Có tin gì mới không?
Viên quản trị đeo kính lên mắt:
- Sáng nay tôi mới bàn lại với Orden.
Orden là giám đốc một xí nghiệp thép lớn vào hạng nhì ở Burlingon, đồng thời là chủ tịch hội đồng quản tri bệnh viện.
- Sao?
- Ông ta cam đoan đến tháng giêng quỹ xây dựng sẽ có nửa triệu đô la. Nghĩa là có thể khởi công vào tháng ba.
- Còn nửa triệu kia thì sao? Tuần trước Orden bảo với tôi rằng đến tháng chạp mới có - cho dẫu là tháng chạp - O’Donnell nghĩ thầm, ông chủ tịch kể cũng quá lạc quan.
Tôi biết – Tomaselli nói - Nhưng ông ta nhờ tôi báo cho anh biết ông ta đã thay đổi ý kiến. Hôm qua ông ta họp bàn với thị trưởng. Hai người tin chắc sẽ lấy được nửa triệu còn lại vào mùa hè năm sau và đẩy mạnh chiến dịch vào mùa thu.
- Tốt lắm - O’Donnell quyết định xóa bỏ điều nghi ngờ trước kia của mình. Gây bất lợi như thế, Orden Brown có thể vượt qua được.
- Ồ, nhân tiện cũng cho anh hay luôn - Tomaselli nói ỡm ờ - Orden và ông thị trưởng sẽ gặp gỡ ngài thống đốc vào thứ tư tuần sau. Xem ra chúng ta ngày càng được chính phủ ủng hộ nhiều hơn.
- Còn gì nữa không?- O’Donnell hỏi giọng châm biếm.
- Tôi nghĩ rằng anh sẽ vui lắm đấy - Tomaselli đáp.
- Vui quá đi chứ! O’Donnell thầm nghĩ. Có thể coi đây là bước đầu tiên đến một hiện tượng tốt đẹp. Viễn tượng ấy đã hé mở từ dạo anh vào nhận việc ở bệnh viện Three Counties cách đây ba năm rưỡi. Lạ thật, sao người ta có thể dễ dàng hòa nhập với môi trường mới đến thế. Khi còn học ở trường thuốc Harvard, hay sau này khi đã làm bác sĩ trưởng ở bệnh viện Columbia Presbyterian, nếu có ai bảo rằng một ngày nào đó anh sẽ vào làm việc một chỗ bùn lầy nước đọng như bệnh viện Three Counties, hẳn anh đã phá lên cười chế nhạo. Cả khi đã vào trỗ tay nghề lại bệnh viện St. Bartholomew ở Luân Đôn anh vẫn nuôi ý định sẽ trở về một bệnh viện có tầm cỡ như Johns Hopkins hoặc Massachusetts. Có trong tay tất cả mọi điều kiện thuận lợi, anh dư sức chọn đúng nơi đúng việc. Thế nhưng anh chưa kịp quyết định thì Orden Brown đã đến New York và thuyết phục anh đến thăm thành phố Burlington và bệnh viện Three Countics. Những điều trông thấy mà đau đớn lòng. Bệnh viện sắp đổ nát, tổ chức lỏng lẻo, các tiêu chuẩn y tế xuống cấp, ban lãnh đạo chuyên môn nắm giữ chức vụ quá lâu năm.
O’Donnell có cảm tưởng rằng mục đích của họ trong cuộc đời là duy trì một nguyên trạng đáng yêu: Viên quản trị - nhân vật chủ chốt nắm giữ mối dây liên hệ giữa ban lãnh đạo và tập thể y sĩ chuyên môn - là một kẻ bất tài nhu nhược. Chương trình đào tạo mắc nhiều tiếng xấu. Không có ngân sách đầu tư cho việc nghiên cứu. Điều kiện sống và làm việc cho các y tá quá ư lạc hậu. Orden Brown đã mở toang tất cả mọi thứ cho anh nhìn thấy, không giấu giếm một điều gì. Rồi họ cùng đến nhà ông chủ tịch, O’Donnell đồng ý ở lại dùng bữa tối, nhưng sau đó lại đáp máy bay trở về New York ngay. Chán nản, anh không muốn nhìn lại thành phố Burlington hay bệnh viện Three Counties nữa.
Trong khi dùng bữa tối trong phòng ăn trải thảm yên tĩnh tại nhà Orden Brown nằm trên sườn đồi bên thành phố Burlington, anh đã được nghe kể lại toàn bộ câu chuyện lạ thường về bệnh viện Three Counties. Bệnh viện một thời tiên tiến, hiện đại và có chỗ đứng cao trong guồng máy nhà nước đã dần dần suy sụp vì thói tự mãn và biếng nhác. Vị chu tịch hội đồng quản trị hồi ấy là một nhà doanh nghiệp cộng nghiệp già nua luôn luôn đổ trách nhiệm cho người khác và năm thì mười họa mới xuất hiện tại bệnh viện trong những dịp lễ lạt. Mái nhà lãnh tụ dột từ trên thấm xuống dưới. Thủ trưởng các ban ngành tham quyền cố vị nhiều năm không muốn rời ghế. Cánh trẻ bên dưới lúc đầu khó chịu, rồi phẫn nộ, rồi xin thuyên chuyển đi nơi khác. Rốt cuộc bệnh viện trở thành nơi tai tiếng đến nỗi các bác sĩ trẻ có tay nghề cao không còn muốn vào làm việc tại đó nữa. Thế là đành phải thu dụng những người non tay hơn. Tình hình của bệnh viện lúc O’Donnell nhập cuộc là thế.
Sự thay đổi duy nhất chính là việc bổ nhiệm Orden Brown. Cách đó ba tháng vị chủ tịch già nua qua đời. Một nhóm nhân sĩ đã thuyết phục Ordon Brown lên thay thế. Sự đề cử không được nhất trí hoàn toàn: Nhóm tham quyền cố vị trong ban quản trị muốn giành chiếc ghế ấy cho ứng cử viên của họ, một ủy viên thâm niên tên là Eustace Swayne. Nhưng Orden Brown đã chiếm được đa số phiếu và lúc này đang ra sức thuyết phục các ủy viên trong ban quản trị chấp thuận một vài sáng kiến của ông nhằm hiện đại hóa bệnh viện Three Counties.
Cuộc đấu tranh của ông đầy cam go. Thành phần bảo thủ trong ban quản trị mà Eustace Swayne làm phát ngôn viên liên minh với một nhóm y sĩ thâm niên, cùng nhau chống lại việc cải tổ. Orden Brown phải hết sức dè dặt và tế nhị.
Một trong những điều ông mong mỏi là được quyền mở rộng ban quản trị bệnh viện và đưa vào những ủy viên mới tích cực. Ông dự định thu nạp một số người trẻ tròng doanh nghiệp của thành phố Burlington. Nhưng tất cả chưa nhất trí, kế hoạch đành phải gác lại.
Orden Brown chân thành tâm sự với O’Donnell rằng nếu muốn ông có thể tố nước bài một ăn hai thua theo kiểu của mình. Nếu muốn, ông có thể dùng thế lực để đưa các ủy viên già nua và ù lì ra khỏi chức vụ. Nhưng làm như thế là thiển cận bởi vì hầu hết bọn họ đều là những người giàu có, một mai chết đi sẽ để lại tài sản cho bệnh viện. Rất có thể khi bị phật ý một số người sẽ xóa tên bệnh viện trong di chúc của họ. Eustace Swayne nắm trong tay cả một vương quốc các cửa hiệu lớn, đã từng nói bóng gió về hiểm họa ấy. Bởi thế Orden Brown cần phải dè dặt và tế nhị. Dẫu sao cũng đã có đôi chút tiến bộ. Vị tân chủ tịch đã đi được một bước với sự tán thành của đa số các ủy viên, ấy là việc bàn bạc tìm một bác sĩ trưởng mới. Đó là lý do ông đến với O’Donnell.
Trong bữa ăn, O’Donnell lắc đầu:
- E rằng tôi không hợp với công việc ấy đâu.
- Có lẽ thế - Brown đáp - Nhưng xin anh cứ nghe tôi trình bày tất cả xem sao. Ông nói năng rất mực thuyết phục. Tuy là con nhà giàu có, ông đã cần cù tiến thân từ nhà máy lọc gang, qua nhà máy luyện thép, vươn lên tới địa vị trong ban quản trị và hiện nay giữ chức chủ tịch. Những năm tháng chen vai thích cánh với giới thợ thuyền đã giúp ông biết thông cảm với mọi người. Rất có thể đó là lý do khiến ông đưa vai hứng lấy trách nhiệm nặng nề nhằm cứu bệnh viện Three Counties ra khỏi vũng lầy. Lý do gì đi nữa, trong khoảng thời gian gặp gỡ ngắn ngủi ấy, O’Donnell cũng cảm thấy được thiện chí của Orden Brown. Bữa ăn sắp kết thúc, ông nói:
- Nếu anh nhận lời đến đây, tôi chẳng dám hứa chắc một điều gì. Anh có thể tự do hành động, nhưng phải trầy da tróc vẩy mới đạt được ý nguyện của mình. Sẽ có bất mãn, tham quyền cố vị, thủ đoạn. Sẽ có những lãnh vực mà anh phải chiến đấu đơn độc vì tôi không giúp gì được.
Ngừng một lúc, ông nói tiếp:
- Trong tình thế ấy dưới cái nhìn của một người như anh đây, chỉ có một điều hay: anh sẽ có cơ hội đương đầu với một thử thách lớn nhất trong đời một người đàn ông.
Đó là những lời cuối cùng của Orđen Brown nói về bệnh viện trong bữa tối hôm ấy. Sau đó hai người trò chuyện về những đề tài khác: Châu Âu, cuộc bầu cử sắp tới; sự ra đời của Chủ nghĩa quốc gia Trung Đông v.v...
Orden Brown là người đi nhiều hiểu rộng. Cuối cùng, chủ lái xe đưa khách ra phi trường và bắt tay nhau dưới thang máy bay.
- Rất sung sướng được gặp anh - Orden Brown nói.
O’Donnell đáp lại lời chúc tụng bằng mấy câu ý nhị rồi bước lên máy bay với ý định sẽ quên đi thành phố Burlington và coi chuyến đi vừa qua như một bài học kinh nghiệm để đời mà thôi. Trên máy bay anh cố đọc tạp chí - có một bài về giải vô địch quần vợt lôi cuốn sự chú ý của anh nhưng đầu óc anh cứ phiêu diêu tận đâu đâu, không bắt được một chữ nào. Anh miên man suy nghĩ về bệnh viện Three Counties, những điều mắt thấy tai nghe, những vấn đề cần phải giải quyết bỗng nhiên lần đầu tiên sau bao năm trong nghề, anh bắt đầu tự tra vấn về vai trò người thầy thuốc. Mình theo đuổi ý nghĩa gì trong cái nghề này? Đâu là sự nghiệp mình đang ra sức tìm tòi? Phải cống hiến cho đời như thế nào? Rốt cuộc rồi đây mình sẽ để lại được những gì cho thế hệ mai sau? Anh vẫn sống độc thân và có lẽ sẽ chẳng bao giờ lập gia đình. Đã có mấy cuộc tình đi qua đời - trong và ngoài chiếc giường - nhưng chẳng cuộc tình nào bền vững trăm năm. Có nghĩa gì đâu đoạn đường đã đi qua từ Harvard sang các bệnh viện Presbyterrian, St Bartholomew...? Rồi đây sẽ đến nơi nào nữa? Bỗng nhiên câu trả lời hiện ra rõ mồn một: Burlington và Three Counties!
Định hướng xong, anh đi đến một quyết đinh dứt khoát.
Khi máy bay hạ cánh xuống La Guardia, anh gọi điện cho Orden Brown, vỏn vẹn mấy chữ: “Tôi nhận lời”.
Giờ đây, nhìn những bản phác thảo của công trình mà viên quản trị gọi một cách suồng sã là “Jêrusalem Mới”, O’Donnell hồi tưởng lại ba năm rưỡi vượt qua đi. Đầy cam go! Đúng như lời báo trước của Orden Brown. Mọi trở ngại mà ông chủ tịch ban quản trị tiên đoán đều đã thấy đến. Tuy nhiên, dần dần từng bước, ngay cả trở ngại lớn nhất cũng đã vượt qua được.
O’Donnell mới chân ướt chân ráo đến nhân việc là tay bác sĩ trưởng lặng lẽ rút lui. Anh tập họp một số các bác sĩ phẫu thuật ủng hộ việc cải tổ bệnh viện rồi cùng nhau đề ra những nội quy nghiêm ngặt với cả một ủy ban thanh tra hùng hậu. Ủy ban nghiệm mô gần chết rũ được khôi phục lại, nhiệm vụ của nó là ngăn ngừa những sai lầm trong phẫu thuật, nhất là việc cắt bỏ một cách không cần thiết những bộ phận còn lành mạnh. Các bác sĩ phẫu thuật kém cỏi bị giới hạn một cách nhẹ nhàng nhưng cương quyết trong những công việc vừa sức họ mà thôi. Những người bất tài hoặc phải tự ý rút lui một cách lặng lẽ hoặc sẽ bị sa thải theo đúng nguyên tắc. Dù rất đau lòng, hầu hết những người này chọn con đường rút lui. Trong số những người bị sa thải có một bác sĩ phẫu thuật đã cắt bỏ một quả thận mà không biết rằng quả thận kia đã bị cắt bỏ trong lần mổ trước. Lầm lẫn kinh khủng này bị phơi bày khi mổ xét nghiệm tử thi. Sa thải nhà phẫu thuật này rất dễ dàng. Tuy nhiên, đối với một số người khác, sự thể có khó khăn hơn. Người ta xếp hàng dài trước văn phòng Ủy ban y tế quận lỵ. Hai bác sĩ phẫu thuật trước có chân trong y sĩ đoàn của bệnh viện, đâm đơn kiện bệnh viện. O’Donnell biết sẽ xảy ra lắm sự tranh biện lôi thôi ở tòa án, và anh lo ngại dư luận chắc chắn sẽ nổ ra chung quanh sự việc này.
Dẫu muôn vàn khó khăn, O’Donnell cùng các cộng sự vẫn không lùi bước. Các chỗ trống trong y sĩ đoàn dần dần được trám đầy bằng những người mới, tay nghề cao, một số mới tốt nghiệp cùng một trường với anh và được anh mời đến Burlington thực tập.
Trong khi đó Khoa Dược đã có chủ nhiệm mới, bác sĩ Chandler, từng làm việc trong bệnh viện dưới chế độ quản trị cũ và thường công khai phê phán nó. Chandler là chuyên gia về dược nội khoa. O’Donnell đôi khi không nhận thấy ông này rất tự cao tự mãn. Tuy nhiên, ít ra là ông ta tỏ ra rất cương quyết khi đến lúc phải ra sức nâng cao các tiêu chuẩn về thuốc men trong bệnh viện.
Trong ba năm rưỡi với sự góp mặt của O’Donnell, các phương pháp quản trị cũng đã được thay đổi. Đến nhận việc được mấy tháng, O’Donnell góp ý với Orden Brown về một viên quản trị bệnh viện trẻ tuổi thuộc hàng những người tài giỏi nhất mà anh từng biết đến trong bao năm hành nghề. Vị chủ tịch đáp máy bay đi ngay, và hai ngày sau trở về với một bản hợp đồng đã ký xong. Sau đó một tháng, viên quản trị cũ sung sướng rút lui khỏi công việc mỗi ngày một thêm chồng chất với lương hưu hậu hĩ.
Harry Tomaselli bước vào thế chỗ. Hiện nay tất cả bộ mặt quản trị đều nói lên tài năng của con người Tomaselli, sôi nổi nhưng không hề vấp váp.
Năm ngoái O’Donnell được bầu làm chủ tịch hội đồng thầy thuốc bệnh viện, từ đó anh trở thành vị bác sĩ trưởng đầy uy tín. Cũng từ đó anh cùng Tomaselli thành công trong việc mở rộng kế hoạch đào tạo nội trú sinh. Số người nộp đơn xin vào làm việc ngày càng đông. Con đường trước mặt còn dài, O’Donnell biết rằng họ mới chỉ ở bước khởi đầu một chương trình lâu dài quán xuyến ba mặt cơ bản của bệnh viện: phục vụ, đào tạo và nghiên cứu. Anh đã bốn mươi hai tuổi rồi, chỉ còn vài tháng nữa là bước sang tuổi bốn mươi ba. Anh băn khoăn tự hỏi liệu trong những năm còn làm việc được anh có hoàn tất nổi sự nghiệp đã khởi đầu hay không? Vạn sự khởi đầu nan, những thành công hiện nay hứa hẹn nhiều triển vọng ở tương lai. Anh biết quyết định của mình trên máy bay cách đây ba năm rưỡi là đúng.
Tất nhiên cũng có những chỗ yếu kém trong tình hình hiện nay, làm sao tránh khỏi được! Chuyện lớn không thể nào thành được trong một sớm một chiều. Một vài bácsĩ thâm niên vẫn khăng khăng chống lại cuộc cải tổ. Họ có ảnh hưởng mạnh đối với lớp già trong hội đồng thầy thuốc. Eustace Swayne (bướng bỉnh hơn bao giờ hết) vẫn là kẻ cầm đầu. Ấy lại là điều hay, O’Donnell thầm nghĩ, và có lẽ người xưa nói đúng: “Giới trẻ thay đổi quá nhiều và quá nhanh”. Nhờ có nhóm người chống đối này cùng thế lực ghê gớm của họ và nhiều khi phe của O’Donnell phải thận trọng cân nhắc các kế hoạch hoạt động. Bản thân O’Donnell chấp nhận sự kiện ấy, nhưng đôi khi anh cảm thấy khó có thể chia sẻ với các bác sĩ mới vào làm việc.
Tình hình hiện nay là thế. Bởi vậy anh tỏ ra ưu tư trong khi trao đổi với Rufus. Khoa xét nghiệm vẫn là pháo đài kiên cố của chế độ quản trị cũ. Bác sĩ Joseph Pearson điều khiển khoa xét nghiệm như tài sản riêng và ông đã có ba mươi hai năm làm việc trong bệnh viện. Ông quen thân với hầu hết các thành viên cao niên trong hội đồng thầy thuốc và là bạn chơi cờ thường xuyên với Eustace Swayne. Hơn nữa Joe Peatson có tay nghề không xoàng chút nào, quá trình công tác của ông rất tốt. Từ khi mới hành nghề, ông đã được công nhận là một nhà nghiên cứu năng nổ và đã từng giữ chức chủ tịch Hội bệnh lý học quốc gia. Vấn đề nổi cộm hiện nay là công việc bề bộn ở khoa Xét nghiệm đã vượt quá sức đảm đương của một người. O’ Donnll ngờ rằng một số khâu xét nghiệm cần phải được sắp đặt lại. Cải tổ mới rất quý, nhưng cải tổ ở mặt này chắc chắn sẽ dẫn đến lắm sự đụng chạm lôi thôi.
Lại còn việc gây quỹ để mở rộng bệnh viện. Nếu có đụng chạm giữa O’Donnell và Joe Pearson, rất có thể thế lực của Pearson đối với Eustace Swayne sẽ gây trở ngại cho kế hoạch của Orden Brown nhằm kiếm đủ tiền tới hạn mùa thu năm sau. Số tiền trao tặng của Swayne thường rất lớn. Mất đi nguyên một khoản này thôi đã là một thiệt hại nghiêm trọng... Cũng nghiêm trọng không kém là ảnh hưởng của Swayne đối với những người khác nữa trong thành phố..
Xem ra nhà tài phiệt già nua này có đủ quyền lực quyết định sự thành bại của các kế hoạch khẩn trương trong bệnh viện.
Trăm công ngàn việc rối như tơ vò, O’Donllell hy vọng có thể tạm gác lại vấn đề của khoa xét nghiệm một ít lâu. Dù sao đi nữa anh cũng phải sớm có hành động can thiệp để đáp ứng lời phàn nàn của Bill Rufus.
Rời mắt khỏi những bản phác thảo, anh nói với viên quản trị:
- Harry, có lẽ chúng ta phải khai chiến với Joe Pearson thôi.
Lời Chẩn Đoán Cuối Cùng Lời Chẩn Đoán Cuối Cùng - Arthur Hailey Lời Chẩn Đoán Cuối Cùng