Số lần đọc/download: 43682 / 356
Cập nhật: 2023-04-08 21:55:05 +0700
Chương 1
Tôi sinh ra (1942) trong một gia đình công chức tại Hà Nội. Theo ông nội tôi thì nơi chôn nhau cắt rốn của nội tôi là làng Cơ xá nam, ngày nay thuộc phố Nguyễn Huy Tự quận Hai Bà. Làng tôi có từ trước khi vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long. Làng có hai dòng họ lớn là họ Ngô và họ Lê. Lý Thường Kiệt họ Ngô (Ngô Thường Kiệt), vì có công nên được đổi sang họ vua (Lý). Nhân 1000 năm Thăng Long, đền thờ Lý Thường Kiệt được tu tạo, được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, hiện tọa lạc ở đầu đường Nguyễn Huy Tự ngày nay.
Theo một phả của cụ Đức Quán làm ngày 12 tháng 10 năm Ất Hợi (1815) thì làng tôi vốn trước ở Núi Nùng gần chùa Một Cột. Đến thời vua Thái Tổ nhà Lý (1010), dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long mới dời làng tôi ra bãi Phúc Xá bây giờ. Theo các cụ kể lại thì vua Lý lấy đất làng tôi làm kinh đô nên cho dân “tái định cư” bằng cách thả một quả bưởi xuống dông Hồng, bưởi trôi về đến đâu thì đất làng được đến đó. Ngẫm ra như thế thì chế độ phong kiến ngày xưa tử tế quá. Không đểu cáng như vụ giải tỏa cưỡng chế ở Văn Giang, Hưng Yên (24.04.2012) vừa qua! Vì quả bưởi trôi đến đâu, đất được cấp đến đó… nên đất làng tôi mênh mông, suốt từ Chèm đến tận Khuyến Lương, Thanh Trì. Một lần, vua đi kinh lý trên sông, thấy làng tôi nhà cửa lụp xụp ven sông, dân tình nghèo khó, vui hỏi quần thần “làng kia tên là làng gì”? Quần thần thưa: đó là làng Cơ Xá. Vua thấy thế bèn cho làng tôi cái bãi bồi giữa sông và đặt tên mới cho làng là Phúc Xá (ý vua muốn đổi tên từ chữ CƠ là nghèo, là cơ cực sang chữ PHÚC may mắn hơn). Theo gia phả của họ Lê Phú do ông nội tôi làm tại Phúc Xá ngày 15 tháng 8 năm Ất Tỵ (30.09.1955) lúc cụ 74 tuổi, thấy ghi như sau: Làng ta trước là Yên Xá, tổng Tam bảo, huyện Từ Liêm, đạo Sơn Tây… Từ khi làng ta dời xuống bãi Phúc Xá năm nào cũng bị ngập lụt. Vua Thần Tôn nhà Lý ngồi chơi du thuyền đi qua làng ta, thấy nhà nào cũng ở trên sàn, nên đặt tên làng ta là Cơ Xá, sau mới đổi tên là Phúc Xá. Đến đời Bảo Thái nhà Lê (1723) mới nhập vào xứ Kinh Bắc, Bắc Ninh.
Vật đổi sao dời, bải Phúc Xá bị lở hàng năm nên dân làng hiện nay phiêu bạt nhiều nơi. Nhưng vẫn còn một bộ phận lớn của làng hiện nay đang cư ngụ tại bên bắc sông Hồng thuộc quận Gia Lâm ngày nay. Hiện nay, hàng năm làng tôi vẫn làm hội làng vào ngày mùng 6 tháng 3 AL. Họ Lê Phú… của tôi hiện còn ông quyền trưởng tộc là Lê Phú Dư hiện ngụ tại số nhà 164 đường Ngọc Thụy, phường Ngọc Thụy, Quận Long Biên Hà Nội.
Trừ cái hiện tại là ông trưởng tộc họ, tên Lê Phú Dư và dòng họ Lê Phú… đang sinh sống tại Hà Nội, thì tất cả chuyện “ngày xưa” đều do tôi nghe kể lại hoặc theo các ghi chép từ gia phả. Do đó không chắc gì là chính xác 100% cả. Tuy vậy, đối với dòng họ Lê Phú của tôi thì những gì mà tôi nghe được về cái làng Cơ Xá của mình… nó thiêng liêng lắm, thú vị lắm. Như bất cứ người Việt Nam nào nghe kể về Bà Triệu, Bà Trưng “ngày xưa” vậy!
Dân làng Phúc Xá của tôi đã tham gia xây dựng những công trình lớn của thực dân Pháp hồi cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 ở Hà Nội. Theo ông nội tôi kể lại thì khi xây cầu Long Biên qua sông Hồng, nhiều dân làng đã chết vì khi xây dựng móng cầu ở độ sâu do thiếu dưỡng khí, nên khi họ được kéo lên mặt nước thì đã chết ngạt từ trước đó. Xin mở ngoặc nói thêm, tháp Eiffel ở Paris được xây dựng cùng thời gian với cầu Long Biên và được khánh thành năm 1889 để kỷ niệm 100 cách mạng Pháp 1789 (với 7000 tấn thép, hơn cầu Long Biên 1000 tấn). Điều đáng nói là tháp được xây dựng ròng rã ba năm nhưng không chết một công nhân nào cả. Trong khi đó, cầu Long Biên được khánh thánh 1902, với số người chết… không tính được. Chỉ riêng chuyện đó thôi, cũng thấy chuyện “nhân đạo” của bọn thực dân.
Bà cụ nội của tôi là Dương Thị Thiết (1858-1937) đã từng làm phụ hồ khi Pháp xây dựng nhà hát lớn Hà Nội. Đến bây giờ tôi vẫn còn thắc mắc là, ông nội tôi, cha mất sớm từ lúc ông có 11 tuổi, mẹ phải đi làm phụ hồ thì làm sao có tiền để nuôi ông nội tôi ăn học… đến trình độ đọc được sách chữ Hán, nói tiếng Tây trôi chảy.
Ông bà nội tôi sinh được 6 người con. Thứ nhất là bà cô tôi, Lê Thị Thọ. Thứ hai là ông bố tôi, Lê Phú Khang, thứ ba là Lê Phú Cường, sau này đi hoạt động cách mạng đổi tên là Lê Hữu Qua, thứ tư là Lê Phú Ninh, thứ năm là Lê Phú An, thứ sáu là Lê Phú Hào. Ở Hà Nội (và ở miền Bắc nói chung), con gái không được tính, không “dân chủ” như Nam Bộ nên bà cô tôi không được xếp thứ. Ông bố tôi được gọi là ông trưởng, thứ đến ông hai, ông ba… bà cô tôi được ăn học hết bậc tiểu học, sau đó học trường sư phạm (école normale) ba năm, trình độ tương đương diplome. Ông bố tôi vì ăn chơi không lo học nên thi diplome bốn lần không đỗ, cuối cùng phải sang tận Lào làm thư ký một thời gian. Riêng điểm này thôi cũng thấy chế độ thi cử của thực dân Pháp là nghiêm ngặt. Con nhà khá giả như bố tôi, cha là công chức Phủ Toàn Quyền nhưng không có cửa để đút lót để lấy bằng cấp như chế độ cộng sản thời nay. Người chú thứ tư của tôi là Lê Phú Hào do vừa làm vừa học nên đỗ được bằng tú tài trước Cách Mạng Tháng Tám. Những người chú khác thì không biết học được đến trình độ gì, nhưng nói chung đều nói được tiếng Pháp. Ví dụ như người chú thứ hai là Lê Phú Ninh, gia đình vẫn thấy ông thường xuyên nghe radio tiếng Pháp. Vì thế nên gia đình họ Lê Phú nhà tôi có cái “lệ” rất “humour” là mỗi khi người lớn (các ông) trong gia đình gặp gỡ nhau trong các dịp lễ tết, giỗ chạp, vủi vẻ thì họ nói tiếng Việt, nhưng nếu có sự cãi cọ, to tiếng mắng mỏ nhau… thì từ ông nội tôi đến bố tôi và các chú tôi đều sử dụng tiếng Tây để những người khác không biết họ cãi lộn về cái gì. Cái vốn tiếng tây “Francais sans maitre” của tôi đôi lúc cũng nghe được vài từ, chủ yếu là… chửi thề của các bậc cha chú đó (!)
Ông nội tôi (1881-1967) làm vaguemestre cho Toàn quyền Đông Dương trước Cách mạng Tháng Tám. Vuguemestre là nhân viên bưu chính của một công sở. Nhưng Toàn quyền Đông Dương có cả một nhóm nhân viên làm việc trực tiếp và chỉ phục vụ riêng về một công việc nào đó cho Toàn quyền mà thôi, trong đó có nhân viên bưu chính. Giống như tổng thống Mỹ ngày nay có đến hơn 90 nhân viên phục vụ trong Nhà trắng cho riêng tổng thống, trong đó có những chức danh như chuyên viên… ống dẫn nước… chẳng hạn! Có nghĩa là không có chuyện “cúp nước” hay “cúp điện” với Dinh Tổng thống. Cũng giống như thế, ông nội tôi có nhiệm vụ hàng ngày đi ra bưu điện nhận thư từ, công văn cho quan Toàn quyền, rồi lại đi gửi thư từ, công văn của quan Toàn quyền về Pháp. Để làm việc này, cụ có ô tô riêng và có một ông “tây đen” lái xe đi và về! Những điều tôi kể không quan trọng vì kiếm đâu chẳng có một nhân viên để làm những việc đó. Cái chính, như ông nội tôi kể là, sở dĩ quan Bẩy Toàn quyền chọn ông làm nhân viên vaguemestre vì… chữ ông nội tôi rất đẹp. Quan Bẩy rất kén người chữ đẹp để đề bao bì thư cho mình gửi về Pháp. Bây giờ chúng ta được xem những tờ giấy khai sinh của bố mẹ mình thời Pháp thuộc, thì thấy chữ viết được điền vào các tờ mẫu khai sinh thời đó rất đẹp. Đến chọn một nhân viên viết giấy khai sinh ở công sở, người ta còn chọn người chữ đẹp nữa là ở Phủ Toàn Quyền, viết bao thư cho Toàn quyền gửi về mẫu quốc. Cái văn hóa chữ đẹp ấy của người Pháp đã khiến ông nội tôi được quan Toàn quyền Đông Dương chọn làm nhân viên vaguemestre cho mình. Mà ông nội tôi viết chữ đẹp thật! Tôi đã bị ông nội tôi đánh sưng cả tay khi viết tập đồ. Ông nội tôi khi cầm cây bút có hình lưỡi mác chẻ đôi, khi viết có nét đậm nhạt khác nhau tùy theo chủ ý của người viết, chấm mực rồi, không phải đặt bút viết ngay… mà khua cây bút vài dòng để luyện gân tay rồi mới thả ngòi bút xuống trang giấy! Giống như hai đô vật trước khi lao vào đấu vật, họ thường múa vài đường thật đẹp để “diễu võ giương oai” và để làm đẹp lòng khán giả. Nhìn ông nội tôi cầm bút, trước khi viết, múa bút vài vòng như một thứ… “đạo”! Cái chữ đầu tiên của một địa chỉ trên phong bì thư đương nhiên phải viết chữ hoa. Vì thế nét bút đầu tiên phải là một nét phẩy từ dưới lên, rồi mới đến chữ cái viết hoa đầu tiên. Thiếu cái nét phẩy ngược lên ấy thì chữ cái viết hoa đầu tiên trơ trẽn như anh chàng “ở truồng” vậy! Ấy là lời bình của ông nội tôi. Có câu chuyện thú vị thế này. Khi người anh rể tôi là một đại úy quân đội được cử sang Liên Xô tu nghiệp ở học viện quân sự Frunze sau năm 1954. Một hôm có người báo với đại úy Việt Nam này rằng, anh lên gặp ngay Thượng tướng hiệu trưởng trường. Ông anh rể tôi run quá. Một học viện cỡ quốc tế, có hàng nghìn học viên các nước theo họ, cắc cớ gì mà một học viên cấp úy như ông phải lên gặp thượng tướng hiệu trưởng? Vừa đi vừa run. Khi ông anh rể tôi đứng nghiêm giơ tay chào vị Thượng tướng theo phong cách nhà binh và … chờ đợi. Bất ngờ vị tướng oai phong đó đặt một bức thư lên bàn và hỏi: Ai viết cho đồng chí bức thư này? Ông anh tôi cầm thư xem và thưa, đây là thư của ông nội vợ tôi viết trả lời sau khi nhận được thư hỏi thăm của tôi. Nghe rồi, vị tướng đó chỉ nói một câu ngắn gọn: Chữ ông nội vợ đồng chí đẹp quá! Rồi cho đồng chí đại úy Việt Nam… ra về!!! Thì ra cái văn hóa chữ đẹp nó có cả ở bên Nga nữa.
Thế mà bây giờ người ta lại đi học cái “thư pháp” của Tàu, viết chữ Latinh mẫu tự a, b, c theo cách viết chữ tượng hình của chữ Hán thì thật là ngu ngốc quá! Nhìn mấy chữ Việt “thư pháp” trên các cuốn lịch Việt Nam ngày nay người ta phát lộn mửa!
Chuyện ông nội tôi làm veguemestre cho Toàn quyền Đông Dương nhờ chữ đẹp là như thế. Nhưng ngoài công việc của một nhân viên bưu chính cho Toàn quyền, ông nội tôi còn một nhiệm vụ nữa là làm thông ngôn, ngày nay gọi là phiên dịch cho quan Toàn quyền mỗi khi có các quan An Nam ở địa phương lên bẩm báo. Chủ yếu là vào các dịp tết, lễ, các quan tỉnh, quan huyện lên biếu xén quà cáp, đút lót cho Toàn quyền. Nếu các vị đó biếu Toàn quyền 10 thì cũng phải biếu ông nội tôi 1-2… vì sợ ông nội tôi dịch sai!!! Chính vì thế, khi đến tuổi 50, Toàn quyền Đông Dương bảo ông nội tôi theo luật thì công chức sở tây đến 50 tuổi phải nghỉ hưu, nếu mày muốn tiếp tục làm thì tao chuyển cho mày sang ngạch An Nam. Mày sẽ được làm tri huyện, nhưng tri huyện vùng xuôi thì kín rồi. Nếu mày muốn thì làm tri châu (quan huyện ở miền núi) thì tao ký cho mày đi nhậm chức. Ông nội tôi suy nghĩ, nếu làm quan mà không ăn của đút, không bòn rút của dân, thì lấy đâu ra lụa là châu báu, của ngon vật lạ… để đem biếu quan trên như chính mắt ông tôi nhìn thấy. Vì thế, ông nội tôi xin về… Ngày ông nội tôi rời Phủ quyền, quan Bẩy tiển ra tận cổng phủ, bắt tay rất chặt trước lúc chia tay. Vẫn theo ông nội tôi kể, thì đó là lần đầu tiên có một người về hưu mà Toàn quyền tiễn ra tận cổng.
Chắc ông nội tôi phải là một công chức cần mẫn lắm thì mới được quan Toàn quyền “ưu ái” đến thế! Vậy mà, khi Cách mạng Tháng Tám thành công, kháng chiến toàn quốc sắp bùng nổ, ông nội tôi đã đem toàn bộ gia quyến tản cư lên Phú Thọ, theo lời kêu gọi của cụ Hồ trường kỳ kháng chiến.