Nguyên tác: 鹿鼎記
Số lần đọc/download: 17529 / 622
Cập nhật: 2015-11-07 12:54:12 +0700
Phi Lộ 3 -
H
ai người đưa tay nhau tới tửu lầu cạnh Tây Hồ kêu lấy rượu uống. Chẳng bao lâu Y Hoàng lại say mèm ngã lăn ra. Khi tỉnh rượu thì thấy tên khất cái đã đi đâu mất rồi. Những chuyện trên đây xảy ra vào mấy năm cuối cùng đời Sùng Trinh nhà Minh. Mấy năm sau, quân Thanh vào quan ải lật đổ nhà Minh. Tra Y Hoàng không có ý tiến thủ chỉ ngồi ỳ trong nhà. Một hôm bỗng thấy quan binh dẫn bốn tên lính vào Tra phủ. Tra Y Hoàng vừa thấy bọn quan binh vào nhà liền giật mình kinh hãi cho là tai họa đến nơi. Ngờ đâu viên quan binh kia lại kính cẩn thi lễ nói:
-Tiểu nhân vâng lệnh Ngô tướng quân đưa chút lễ mọn này đến kính tặng tiên sinh. Tra Y Hoàng đáp:
-Giữa tại hạ và vị thượng quan của tướng quân chẳng những chưa từng có chuyện kết giao mà tại hạ không gặp ngài bao giờ. E rằng tướng quân nhận lầm người mất rồi. Viên tướng quân liền lạy bái thiếp ra. Trên tấm thiếp đại hồng viết:
-Kính bái Tra Y Hoàng tiên sinh, tự Kế Tả. Phía dưới ghi rõ:
-Vãn sinh là Ngô Lục Kỳ khấu đầu trăm lạy. Tra Y Hoàng tự hỏi:
-Ta chưa từng nghe thấy cái tên Ngô Lục Kỳ này bao giờ mà sao hắn lại đưa đồ lễ đến kính tặng? Lão trầm ngâm chưa kịp trả lời thì viên quan binh kia lại nói:
-Thượng quan của tiểu nhân có dặn thưa cùng tiên sinh. Chút lễ mọn này chẳng có chi đáng kể mong được tiên sinh thâu nạp. Hắn vừa nói xong bưng hai cái hộp tròn sơn son thếp vàng đặt lên bàn. Ðoạn khom lưng cáo biệt rồi trở gót đi luôn. Y Hoàng mở một hộp ra thì thấy là ba ngàn lạng vàng. Còn trong hộp kia đựng sáu bình dương tửu. Bình rượu nào cũng giắt minh châu và ngọc phỉ thúy trân quí phi thường! Tra Y Hoàng càng kinh hãi hơn, vội chạy theo để trả lại đồ lễ. Nhưng viên binh kia là con nhà võ, cước trình rất mau lẹ, đã đi xa rồi. Tra Y Hoàng trong lòng buồn bả nghĩ thầm:
-Hoành tài đưa đến biết đâu là họa hay là phước? Phải chăng có kẻ nào muốn hại ta? Y liền gói hai hộp đồ lễ cẩn thận rồi cất vào mật thất. Tra gia vốn là một nhà cần kiệm, không cần dùng tới hoàng kim. Có đều Y Hoàng từng được nghe dương tửu là thứ rượu ngon mà không dám mở bình ra nếm thì trong lòng không khỏi có ý tiếc rẻ. Qua mấy bữa Tra gia vẫn không thấy chuyện gì khác lạ. Một hôm bỗng thấy có chàng công tử y phục cực kỳ hoa lệ tỏ ra dòng dõi quí phái. Chàng công tử này còn nhỏ tuổi cở 17,18 mà tinh thần quắc thước, khí vũ hiên ngang. Chàng đem tám gia nhân theo hầu. Vừa ngó thấy Tra Y Hoàng, chàng công tử liền quì xuống khấu đầu miệng hô:
-Tra thế bá! Tiểu điệt là Ngô Bảo Vũ xin ra mắt hế bá. Y Hoàng vội đỡ chàng dậy đưa vào nhà khách rồi hỏi:
-Tại hạ không dám nhận lãng cách xưng hô của công tử, xin công tử cho hay tên đại nhân là gì? Ngô Bảo Vũ đáp:
-Tên húy gia nghiêm là Ngô Lục Kỳ, hiện là Thủy Sư đề đồc ở Quảng Ðông. Gia nghiêm sai tiểu điệt tới đây kính mời thế bá đến Quảng Ðông ở chơi mấy tháng cho thỏa lòng mong nhớ. Tra Y Hoàng đáp:
-Bửa trước tôn đại nhân đã ban cho lễ hậu, khiến Tra mỗ băn khoăn trong dạ. Nói rõ ra lại mắc cỡ, tại hạ có giao du, tính lại hay quên, không nhớ đã được gặp lệnh tôn bao giờ. Tại hạ là kẻ thư sinh chưa từng giao kết với một vị quan nào hết. Mời công tử hãy ngồi chơi. Y Hoàng nói rồi chạy vào trong nhà sai bưng đồ lễ ra nói:
-Phiền công tử đưa hậu lễ này về, tại hạ thực tình không dám bái lĩnh. Y nghĩ thầm trong bụng:
-Ngô Lục Kỳ nào đây làm Ðề Ðốc ở Quảng Ðông chắc hâm mộ thanh danh của mình, nên đem lễ hậu đến mời mình làm tân khách. Rồi y bụng bảo dạ:
-Người này tuy là quan to, song là bọn ưng khuyển cho Mãn Thanh để chà đạp người Hán, nếu mình nhận lễ vật của hắn là tự làm nhơ danh. Bụng nghĩ vậy nhưng không lộ vẽ gì ra ngoài mặt. Ngô Bảo Vũ nói: Lúc tiểu điệt ra đi, gia nghiêm đã dặn đi dặn lại phải mời cho được thế bá. Gặp trường hợp thế bá quên mất gia nghiêm thì đã có tín vật đây xin thế bá coi lại. Công tử cởi cái bọc trong tay ra thì chỉ thấy một mãnh áo cừu cũ kỹ. Y Hoàng vừa ngó thấy mảnh bào liền nhớ tới người khất cái vào lúc mưa tuyết trong nhà mình ngày trước. Y liền tỉnh ngộ lẩm bẩm:
-Té ra Ngô Lục Kỳ tướng quân là ông bạn rượu với ta ngày trước. Y Hoàng động tâm tự nhủ: Bọn Thát Ðát chiếm đoạt giang sơn. Nếu được người tay nắm binh quyền dựng cờ khởi nghĩa tất bốn phương hưởng ứng ngay và có thể trục được quân Thát Ðát ra ngoài quan ải cũng chưa biết chừng. Ngô Lục Kỳ mới gặp ta có một lần đã tỏ dạ quan hoài. Hắn nhớ cả đến một bữa ăn một manh áo thì không phải là hạng người vô luơng tâm. Ta sẽ dùng đại nghĩa thuyết phục hắn. Bậc nam nhi lập công báo quốc là ở lúc này, ta có bị hắn giết cũng chẳng sao. Y nghĩ vậy liền theo công tử lên đường đi Quảng Châu. Ngô Lục Kỳ tướng quân ra tận ngoài xa mấy dặm để nghênh tiếp, thái độ rất cung kính, Ngô nói:
-Lục kỳ này trên con đường phiêu bạt tới Giang Nam, được Tra tiên sinh không khinh rẻ coi như tình bằng hữu, nào mời uống rượu nào tặng áo cừu. Ðó là chuyện nhỏ, nhưng khi vào tòa phá miếu ghé miệng vào hũ mà uống, tay bốc thịt chó mà ăn. Ðó mới là tình nghĩa bạn bè từ trong phế phủ. Lục Kỳ này nhân đó trong lòng phấn khởi nên có ngày nay. Lục Kỳ có làm nên gì cũng đều là của Tra tiên sinh ban cho. Tra Y Hoàng nói:
-Vãn sinh coi Ngô tướng quân hôm nay chẳng hơn gì khi tướng quân còn là một vị kỳ cái dầm mưa dãi gió. Ngô Lục Kỳ chưng hững đáp:
-Dạ dạ! Xin đa tạ tiên sinh.
Tối hôm ấy trong tướng phủ Quảng Châu mở một bữa tiệc lớn. Ngô Lục Kỳ mời hết văn vũ quan viên đến dự. Hắn đặt Tra Y Hoàng ngồi vào ghế chủ tịch. Còn hắn ngồi mé dưới để bồi tiếp. Văn võ bá quan tỉnh Quảng Ðông từ tuần phủ trở xuống thấy Ðề Ðốc đại nhân đối đãi với Tra Y Hoàng cực kỳ cung kính, trong lòng ai nấy đều lấy làm kỳ. Quan tuần phủ còn cho rằng Tra Y Hoàng là một vị khâm sai của triều đình phái đi vi hành để dò xét tỉnh Quảng Ðông. Nếu không Ngô Lục Kỳ xưa nay tính tình cao ngạo có lý nào lại kính cẩn một vị thư sinh miền Giang Nam đến thế? Sau khi tan tiệc. Quan tuần phủ hỏi thăm Ngô Lục Kỳ:
-Vị quí khách này phải chăng là một đại viên của triều đình? Ngô Lục Kỳ tủm tỉm cười đáp:
-Lão huynh thật là người thông minh. Coi mặt mà bắt hình dong, 10 lần đoán trúng đến 9. Câu nói này có ý trào phúng, bảo đối phương lần thứ 10 đoán sai trật. Nhưng quan tuần phủ tưởng mình đoán trúng và cho Tra Y Hoàng đúng là khâm sai đại thần. Hắn nghĩ bụng:
-Tra đại nhân đến phủ Ðề Ðốc chắc là có tình thân với y. Giữa Ngô đề đốc với ta vốn không ý hợp tâm đầu cho lắm. Nếu khâm sai đại nhân sau khi về kinh dâng bản tâu bất lợi cho ta thì thật là hỏng bét. Hắn về phủ liền chọn một phần lễ trọng. Sáng sớm hôm sau đưa sang phủ Ðề Ðốc. Ngô Lục Kỳ ra tiếp khách nói:
-Hôm qua Tra tiên sinh say quá, bây giờ hãy còn ngủ chưa dậy. Vật của phủ đài tại hạ nhất định sẽ thay mặt trao lại cho tiên sinh. Phủ đài cứ yên lòng, đừng lo ngại gì hết. Quan tuần phủ nghe nói cả mừng, liền ngỏ lời cám ơn rồi cáo từ ra về. Không bao lâu tin này đồn đại ra ngoài. Ai cũng biết tuần phủ đại nhân đưa hậu lễ đến mừng Tra tiên sinh, liền tự hỏi:
-Không hiểu lai lịch Tra tiên sinh này ra sao, nhưng đến quan tuần phủ còn đưa hậu lễ, lẽ nào mình không đưa? Chỉ trong vài ngày, lễ vật trong phủ Ðề Ðốc chất cao như núi. Nhất nhất Ngô Lục Kỳ đều sai văn phòng thu nhận mà không cho Tra tiên sinh hay. Ngô Lục Kỳ hàng ngày ngoài lúc công sự ở nha môn, y lại ngồi tiếp Tra Y Hoàng uống rượu. Rượu được vài tuần, Tra Y Hoàng nói:
-Vãn sinh ở quí phủ quấy nhiễu lâu ngày, rất lấy làm cảm tạ mối thạnh tình của đại nhân. Sáng mai, vãn sinh xin cáo biệt trở về phương Bắc. Ngô Lục Ký đáp:
-Sao tiên sinh lại nói vậy! Tiên sinh xuôi Nam chơi há phải chuyện dễ dàng? Nếu tiên sinh không chịu ở lại ít nhất nữa năm thì tại hạ quyết không để tiên sinh ra về. Sáng mai tại hạ bồi tiếp thêm tiên sinh lên năm từng lầu ngắm cảnh. Thành Quảng Châu có nhiều danh lam thắng cảnhđi du ngoạn mấy tháng cũng không hết. Tra Y Hoàng mượn chén cả gan đáp:
-Giang sơn tuy đẹp nhưng đã đắm chìm vào tay di địch, đi coi càng tăng thêm nỗi đau lòng. Ngô Lục Kỳ biến sắc nói:
-Tiên sinh say mất rồi! Bữa nay về nghỉ sớm một chút. Tra Y Hoàng nói:
-Buổi gặp gỡ ngày đầu, vãn sinh đem lòng kính mộ đại nhân là người hào kiệt trong cơn gió bụi mà kết tình hữu nghị. Ai ngờ vãn sinh nhận lầm người. Ngô Lục Kỳ hỏi:
-Sao lại nhận lầm người? Tra Y Hoàng đáp:
-Ðại nhân là tay bản lãnh phi thường đã không vì nước vì dân ra sức, còn giúp kẻ bạo tàn làm điều tàn ác, cam bề tôi mọi cho bọn Thát Ðát để chà đạp lên lương dân Ðại Hán. Ngày nay mà đại nhân còn nhơn nhơn đắc ý, không biết hổ thẹn. Tra mỗ không khỏi hối hận là đã kết bạn với đại nhân. Y Hoàng nói rồi đứng phắt dậy. Ngô lục Kỳ vội nói:
-Tiên sinh to tiếng để người ngoài nghe được là rước lấy vạ lớn! Tra Y Hoàng đáp:
-Tướng quân nay nắm binh quyền toàn tỉnh Quảng Ðông. Chính là thời cơ tốt nhất để dựng cờ khởi nghĩa, Tướng quân chỉ hô lên một tiếng là bốn phương hưởng ứng. Dù đại sự không thành cũng khiến cho bọn Thát Ðát phải bở vía. Tướng quân có làm nên một thời oanh liệt mới khỏi phụ lòng trời đã ban cho thần dũng sức địch muôn người. Ngô Lục Kỳ rót rượu ra bát uống một hơi cạn sạch, nói:
-Nghe tiên sinh nói, tại hạ khoan khoái vô cùng! Hắn giơ hai tay xé áo đánh roạt một cái. Vạt áo trước ngực bị xé toạc để hở đám lông đen xì trước ngực. Hắn vén đám lông lên, Y Hoàng trông rõ hàng chữ xăm vào da:"Thiên phụ địa mẫu, phản Thanh phục Minh". Tra Y Hoàng vừa kinh ngạc vừa vui mừng hỏi:
-Thế này là nghĩa làm sao? Ngô Lục Kỳ sửa áo lại cẩn thận rồi đáp:
-Vừa rồi nghe lời hùng luận của tiên sinh, tại hạ rất lấy làm kính phục. Tiên sinh đã không kể gì đến đại họa tuẫn thân diệt tộc, phơi gan, mật chỉ điểm cho tại hạ, thì tại hạ khi nào dám dấu tiên sinh? Tại hạ trước là Tả hộ pháp của cái bang, hiện nay làm Hồng Kỳ hương chủ tại Hồng thuật đường trong Thiên Ðịa Hội thề đem bầu nhiệt huyết chống lại Thanh triều, khôi phục nhà Ðại Minh. Tra Y Hoàng thấy trước ngực của Ngô Lục Kỳ có thích chữ liền tin ngay là sự thực, không nghi ngờ gì nữa. Lão nói:
-Té ra tướng quân mình ở nước Tào mà lòng để tại nhà hán. Vừa rồi tại hạ buông lời xúc phạm thật đắc tội.
Ngô Lục kỳ cả mừng tự nhủ:Y Hoàng bảo ta mình ở đất Tào mà lòng để ở Hán tức là ví ta với Quan Vân trường. Hắn liền đáp:
-Lời tỷ dụ của tiên sinh tại hạ không dám nhận đâu. Tra Y Hoàng hỏi:
-Cái Bang là gì? Thiên Ðịa Hội là tổ chức như thế nào? Tại hạ chưa hiểu rõ mong tướng quân chỉ giáo. Ngô Lục kỳ đáp:
-Mời tiên sinh hãy dùng một chung rượu nữa rồi hãy từ từ nói chuyện. Mỗi người liền uống một chung, Ngô Lục Kỳ đáp:
-Cái Bang là một bang hội thành lập từ đời nhà Tống. Nó cũng là bang hội lớn nhất trên chốn giang hồ. Toàn thể anh em trong Cái bang đều là hành khất mưu sinh. Những người hào khí gia nhập Cái bang rồi liền chia hết của cải cho mọi người và cùng sống bằng nghề hành khất, đứng đầu là bang chúa, thứ nhì là Vĩ trưởng lão, kế đến là năm vị hộ pháp chia theo ngũ phương: Tiền, Hậu, Tả, Hữu và trung.Tại hạ làm Tả hộ pháp, thuộc hàng đệ tử tám túi trong bang, địa vị không còn thấp kém nữa. Sau vì có chuyện xích mích với vị trưởng lão họ Tôn rồi xảy cuộc đánh lộn. Lúc đó tại hạ say rượu lỡ tay đả thương y, thế là phạm tội bất kính bậc tôn trưởng, một tội nặng trong bang qui. Bang chúa lập tức mở cuộc thương nghị cùng bốn vị trưởng lão và đuổi tại hạ ra khỏi bang. hôm tại hạ vào quí phủ được tiên sinh mời uống rượu, chính là ngày tại hạ bị cách chức đuổi đi, trong lòng phiền muộn. May được tiên sinh chẳng những không khinh rẻ lại kết thành bằng hữu khiến cho tại hạ an ủi trong lòng. Tra Y Hoàng nói:
- Té ra là thế! Ngô Lục Kỳ nói tiếp:
-Mùa xuân năm sau, chúng ta gặp nhau ở Hồ Tây, tiên sinh hạ mình giao du và coi tại hạ như một kỳ cái trong thiên hạ. Trước kia tại hạ vô cùng chán nản nghĩ rằng cái bang đã chẳng dung tình, bạn hữu giang hồ còn đem lòng khinh rẻ, nên suốt ngày chỉ uống rượu say mèm. Tại hạ đã chắc chỉ bê tha rượu chè trong vài năm rồi say khướt mà chết bỏ đời. Không ngờ Tra tiên sinh lại cho tại hạ là kỳ nam tử, khiến cho Ngô lục Kỳ này phấn khởi tinh thần. Nếu không có tiên sinh thì e rằng tại hạ chẳng còn ngày nào ngóc đầu lên được nữa, chẳng bao lâu quân Thanh xuống miền Nam. Khi đó trong lòng tại hạ vẫn còn phẫn kích, không hiểu thị phi mới đầu hàng quân Thanh, lập chút công lao bằng cách tàn sát đồng bào. Mỗi khi tại hạ nghĩ đến trong lòng lại hổ thẹn vô cùng! Tra Y Hoàng nghiêm nghị nói:
-Hành vi này của huynh đài thật là tội lỗi. Dù Cái Bang không dung, huynh đài đơn thân độc mã vùng vẫy giang hồ không được hay sao? Hay tự sáng lập ra môn hộ cũng được. Sao lại dùng đến hạ sách đầu hàng quân Thanh. Ngô Lục kỳ nói:
-Tại hạ ngu muội, vì khi đó chưa được tiên sinh dạy bảo, đã gây nên rất nhiều tội lỗi, thật là đáng chết. Tra Y hoàng vừa dạ, gật đầu nói:
-Tướng quân đã biết lỗi thì đem công chuộc tội vẫn chưa muộn. Ngô lục kỳ lại nói:
-Sau nhà Mãn Thanh thống nhất toàn quốc, tại hạ làm đến chức Ðề Ðốc. Trước đây hai năm, một hôm vào khoảng nửa đêm, đột nhiên có kẻ lẻn vào phòng ngủ tại hạ hành thích. Nhưng thích khách không địch nổi tại hạ và bị bắt ngay. Khi thắp đèn lên soi thì thích khách chính là người bị tại hạ đã thương ngày trước, tức Tôn trưởng lão. Y lớn tiếng thóa mạ, bảo tại hạ là kẻ đê hèn, cam tâm làm làm chó săn cho loài dị chủng. Y càng chửi càng hăng, câu nào cũng như đập vào trái tim tại hạ. Tại hạ nghe những lời y thóa mạ tự biết mình hành vi phản bội. Giữa lúc đêm khuya, càng hổ thẹn trong lòng, chỉ mong y chửi tàn nhẫn hơn nữa. Sau tại hạ thở dài, khai giải huyệt đạo cho y và bảo: "Tôn trưởng lão! Trưởng lão thóa mạ tại hạ như thế là phải lắm! Thôi trưởng lão đi đi!". Y lộ vẽ ngạc nhiên, rồi vượt cửa sổ chuồn đi. Tra Y Hoàng nói:
-Hành động này của tướng quân thật đáng khen! Ngô Lục Kỳ kể tiếp:
-Khi ấy trong nhà lao của nha Ðề Ðốc có rất nhiều hảo hán bị giam cầm về tội mưu phản Thanh triều. Sáng sớm hôm sau, tại hạ liền tìm cách buông tha bọn họ. Người thì tại hạ bảo là bị bắt lầm, kẻ thì tại hạ nói không phải là chính phạm, giảm tội nhẹ đi để phát lạc bọn chúng. Hơn một tháng sau, Tôn trưởng lão lại đến gặp tại hạ vào lúc nửa đêm, y hỏi ngay: "Phải chăng ông bạn đã sinh lòng hối lỗi, nguyện ý phản Thanh để lập lại công? ". Tại hạ liền rút đao chặt cụt hai ngón tay đáp: "Ngô Lục kỳ này quyết tâm sửa đổi lỗi lầm, từ nay nhất nhất nghe theo lời Tôn trưởng lão ". Ngô Lục Kỳ vừa nói vừa giơ bàn tay trái ra thì chỉ còn ba ngón, ngón trỏ và ngón cái đã bị chặt cụt. Ngô Lục Kỳ lại nói tiếp:
-Tôn trưởng lão thấy tại hạ thành tâm nguyện ý và biết rõ tại hạ tuy tánh tình lỗ mãng, nhưng chẳng bao giờ nói rồi lại nuốt lời. Lão liền bảo: "Hay lắm! Ðể Tôn mỗ về trình lại với bang chúa chờ người định đoạt". Hắn ngừng lại một chút rồi tiếp:
-Mười hôm sau, Tôn trưởng lão lại đến kiếm tại hạ, nói cho hay là Bang chúa cùng bốn vị trưởng lão đã thương nghị và quyết định thu tại hạ trở về bản bang, bắt đầu cho làm đệ tử một túi. Ngô Lục kỳ lại kể tiếp:
-Cái Bang cùng Thiên Ðịa Hội đã giao ước cùng nhau đồng tâm hiệp lực phản kháng Thanh triều, khôi phục nhà Minh. Thiên Ðịa Hội là một hội do Trần Vĩnh Hoa tiên sinh, thủ hạ của Trịnh quốc sư ở nước Thái Nhượng sáng lập ra. Mấy năm nay trở nên rất hưng thịnh nhất là trong vùng Phúc Kiến, Triết Giang và Quảng Ðông. Tôn trưởng lão đã dẫn tại hạ đến ra mắt Trần tiên sinh và giới thiệu cho vào Thiên Ðịa Hội. Trần tiên sinh sau khi điều tra trong vòng một năm giao cho tại hạ làm mấy việc trọng yếu. Tiên sinh thấy tại hạ dốc dạ trung thành, chẳng ở hai lòng, nên mới đây phong cho chức Hồng Kỳ hương chủ ở Hồng Thuận Ðường. Tra Y Hoàng tuy không hiểu lai lịch Thiên Ðịa Hội. Nhưng một nhân vật có Quốc tính ở Ðài Loan là Trịnh Thành Công người ta thường kêu là Quốc tính gia Trịnh đại soái là một nhân vật trung dũng. Trịnh Thành Công chỉ cần một đạo quân cũng vẫn chống chọi Thanh triều nên người thời bấy giờ ai cũng cực kỳ kính trọng. Nếu Thiên Ðịa Hội lại do thủ hạ của Trịnh đại soái là Trần Vĩnh Hoa sáng lập ra dĩ nhiên là đồng đạo rồi. Ngô Lục ký lại nói:
-Năm trước Quốc tính gia Trịnh đại soái dẫn quân vây đánh thành Kim Lăng, đáng tiếc vì người ít địch nhiều nên không địch nổi phải rút lui về Ðài Loan, song còn lưu lại ở ba tỉnh Giang, Triết, Phúc Kiến một số quân binh cũ không phải là ít.Trần tiên sinh cùng những bạn thanh khí, tổ chức Thiên Ðịa Hội này. Thiên Ðịa Hội dùng hai câu khẩu hiệu là "Thiên phụ địa mẫu" và "Phản Thanh phục Minh" hàng chữ này được thích vào trước ngực của những người nhập hội. Tra Y Hoàng mừng rỡ, uống cạn thêm hai chung rượu rồi nói:
-Hành vi của huynh đài mới không hổ là kỳ nam tử trong đời. Ngô Lục Kỳ đáp:
- Tại hạ không dám lãnh thụ năm chữ "Thiên hạ kỳ nam tử" mong Tra tiên sinh vui lòng nhìn nhận tại hạ làm bằng hữu thì Ngô này lấy làm sung sướng vô cùng! Tra Y Hoàng nói:
-Tra mỗ là kẻ thứ dân, chẳng bổ ích gì cho dân cho nước. Tại hạ cũng mong tướng quân có một ngày kia thời cơ hành động, gây nên phong trào kháng Thanh thì Tra mổ xin đầu quân để đóng góp chút sức mọn ở dưới trướng. Bắt đầu từ hôm ấy, Tra Y Hoàng ở trong phủ Ngô Lục Kỳ cùng y mỗi ngày thương nghị kế hoạch chống Thanh. Ngô Lục Kỳ còn nói chuyện Thiên Ðịa Hội đang liên lạc với Ngô Tam Quế ở Vân Nam. Mưu cùng nhau đồng thời phát động. Ðầu tiên là quét sạch mặt Tây Nam xong rồi mới tính chuyện phạt Bắc. Tra Y Hoàng làm tân khách trong phủ Ngô Lục Kỳ đến 6,7 tháng thì mới về nhà. Tra Y Hoàng biết rõ Huỳnh Tôn Hy và Cố Viêm Võ đều có chí khôi phục nhà Minh, hai vị này cũng chạy chọt bốn phương tụ họp anh hùng hào kiệt trong thiên hạ lo mưu phản Thanh. Vì vậy y kể hết mọi việc cho hai người nghe. Huỳnh Tôn Hy ngồi trên thuyền thuật lại đầu đuôi cho Lã lưu Lương nghe, rồi nói:
-Việc này nếu bị tiết lộ thì tất bọn Thát Ðát sẽ hạ thủ trước. Y Hoàng tiên sinh cùng Ngô tướng quân bị giết mà cả họ, mà công cuộc phản Thanh sẽ bị gãy mất những tay rường cột. Lã Lưu Lương nói:
-Ngoại trừ ba người chúng ta đây, vụ này quyết không thể hở môi. Dù chúng ta có gặp Tra Y Hoàng tiên sinh cũng không nên nhắc đến tên hiệu của Ngô tướng quân ở Quảng Ðông. Huỳnh Tôn Hy nói:
-Vậy là phải lắm! Y Hoàng tiên sinh cùng Ngô tướng quân đã có mối liên hệ như vậy mà hiện nay các vị đại thần trong triều lại đang đối đãi với Ngô tướng quân rất ân cần. Ngô tướng quân chịu xuất tịch sở tấu bênh vực Y Hoàng tiên sinh, tất triều đình cũng phải nể mặt. Lã Lưu Lương nói:
-Huỳnh huynh nói phải lắm! Có điều còn hai người kia là Lục Kỳ và Phạm Tương tại sao cũng ở vào trường hợp như Y Hoàng tiên sinh được miễn tội và đình cứu? Hay là hai người đó cũng có thế lực gì ở trong triều bênh vực cho? Huỳnh Tôn Hy đáp:
-Ngô tướng quân đã dùng sớ bênh vực Y Hoàng tiên sinh mà chỉ nói tới một người e rằng triều đình sinh nghi, nên kèm luôn hai người kia vào thêm cho có lẽ công bằng, cũng chưa biết chừng. Lã Lưu Lương cười nói:
-Nếu vậy thì lúc này muốn điều tra lại tính mạng của hai vị Lục và Phạm cũng rất khó lòng. Cố Viêm Võ gật đầu đáp:
-Những danh sĩ ở Giang Nam bảo toàn thêm được vị nào tức là giữ thêm được phần nguyên khí. Câu chuyện giữa ba người là việc bí mật. Lúc này thuyền đang ở khúc sông Vận Hà, trong khoang sau chỉ có ba mẹ con họ Lữ. Huỳnh Tôn Hy lại hạ thấp giọng nói rất khẽ, tưởng không còn ai nghe được. Trong thuyền không có tường vách, vậy còn sợ gì câu tai vách mạch rừng? Không ngờ Cố Viêm Võ vừa ngớt lời, bất thình lình trên đầu có tiếng cười the thé nổi lên! Ba người giật mình kinh hãi, đồng thanh quát hỏi:
-Ai đó? Nhưng không thấy phản ứng gì đáp lại. Ba người ngơ ngác nhìn nhau. Ai cũng tự hỏi:
-Chẳng lẽ có ma quái thật chăng? Cả ba người nghe rõ tràng cười the thé hiển nhiên từ trên đầu phát ra. Trong ba người này, Cố Viêm Võ lớn mật hơn hết. Lão có học qua đôi chút võ công tự vệ. Cố Viêm Võ vừa coi chừng vừa cho tay vào bọc móc lấy lưỡi dao trủy thủ. Lão mở cửa khoang bước ra đầu thuyền chú ý nhìn lên mui thì đột nhiên một bóng đen nhoai mình vọt tới. Cố Viêm Võ quát hỏi:
-Ai? Ðồng thời vung đao trủy thủ đâm vào bóng đen. Bỗng lão cảm thấy cổ tay đau nhói dường như bị một cái khâu sắt xiết chặt. Kế đó sau lưng cũng tê chồn. Lão bị đối phương điểm trúng huyệt đạo. Lưỡi đao trủy thủ rời khỏi tay. Người lão cũng bị đẩy vào trong khoang thuyền. Huỳnh Tôn Hy cùng Lã Lưu lương thấy Cố Viêm Võ bị người đẩy ngược trở vào và sau lưng lão có một hán tử áo đen đứng sừng sững. Người này thân thể cao lớn, khoé miệng nở nụ cười đanh ác. Tuy gã không cầm khí giới, nhưng tay to chân dài. Hiển nhiên là con người có bản lãnh. Lã Lưu lương hỏi:
-Các hạ sấn vào đây trong lúc đêm khuya là có dụng ý gì? Ðại hán cười lạt đáp:
-Còn dụng ý gì nữa! Ba người các ngươi khiến cho lão gia thành quan to, phát tài lớn rồi! Ngô Lục kỳ làm phản, Tra Y Hoàng cũng muốn làm phản. Ngao Thiếu Bảo mà được tin mật báo này tất nhiên là ta có được trọng thưởng. Ha ha! Ba vị hãy theo ta lên Bắc Kinh sẽ rõ. Lã, Cố, Huỳnh ba người ngấm ngầm kinh hãi, bụng bảo dạ:
-Bọn mình nói chuyện riêng với nhau giữa lúc canh khuya ở trong thuyền làm lụy đến Ngô tướng quân là hư việc lớn. Lã Lưu Lương hỏi:
-Các hạ nói gì vậy? Bọn tại hạ chẳng hiểu chi hết. Các hạ muốn vu hãm người ngay thì cứ việc mà làm. Còn định bắt quàng vào người ngoài là không được đâu. Lão đã quyết định chủ ý chờ lúc đại hán không kịp đề phòng thì liều chết với gã, hay ít ra bị gã giết đi thì cũng không còn ai đâu mà đối chứng. Ðại hán cười khẩy một tiếng rồi đột nhiên nhảy xổ tới, vung chỉ nhanh đìểm vào trước ngực Lã Lưu Lương và Huỳnh Tôn Hy. Lã, Huỳnh lập tức không nhúc nhích được nữa. Ðại hán ra chiều đắc ý cười ha hả, hô:
-Các vị thị vệ! Vào cả khoang thuyền đi! Phen này chúng ta lập được công lớn rồi! Mấy người ở đằng sau lái đồng thanh dạ một tiếng, đoạn bốn tên tiến vào. Tên nào cũng ăn mặc theo kiểu nhà đò, nổi lên tràng cười khanh khách. Cố Viêm Võ, Huỳnh Tôn Hy, Lã lưu Lương ba người ngơ ngác nhìn nhau. Chẳng ai ngờ bọn này lại là thị vệ trong triều đã hóa trang để gạt mình. Chúng giả làm thuyền phu thì dĩ nhiên đã đứng bên ngoài nghe lỏm hết. Huỳnh Tôn Hy và Lã Lưu Lương bị gạt đã đành, Nhưng Cố Viêm Võ trong mười mấy năm nay khắp cõi Thần Châu chỗ nào cũng có vết chân, đi tới đâu giao kết anh hùng hào kiệt tới đó. Nhãn quan lão luyện nào phải kém cỏi gì mà không nhìn ra mấy tên thuyền phu này? Bỗng nghe một tên thị vệ hô:
-Nhà đò! Hãy quay thuyền trở lại Hàng Châu. Nếu xảy ra chuyện gì thì là tự ngươi đó. Hãy coi chừng cái mạng chó má của nhà ngươi! Một lão gia ở đằng lái đáp:
-Xin vâng! Cố Viêm Võ nhớ lại, lão bẻ lái là một lão già cỡ sáu, bảy chục tuổi. Lúc mướn thuyền, Cố đã nói chuyện với lão này thấy lão mặt mũi dăn deo lại lưng gù. Ðúng lão là một lão già thành thực chất phát, nên không nghi ngờ gì nữa. Cố Viêm Võ nghĩ vậy liền trách: Ðáng trách mình chỉ cùng Huỳnh, Lữ cao đàm hùng biện, sơ ý để bị hãm vào vòng nguy hiểm mà không hay biết. Ðại hán áo đen hiển nhiên là thủ lãnh bọn này. Gã ngồi xuống sập thuyền. Bốn người kia đứng thõng tay, vẻ mặt rất cung kính. Ðại hán áo đen nói:
-Chúng ta có đủ bằng chứng về Ngô Ðề Ðốc ở Quảng Ðông âm mưu tạo phản. Bây giờ phải kịp đi Hải Ninh bắt lão họ Tra. Ba tên phản tặc này dù quật cường đến đâu cũng chẳng thể trốn tránh được.Có điều phải đề phòng bọn chúng uống thuốc độc hoặc nhảy xuống sông tự vẫn. Vậy các vị mỗi người phải giữ một tên. Nếu để xẩy ra chuyện bất trắc thì mối liên can không phải là nhỏ. Ba tên kia đáp:
-Da! Bọn tại hạ xin kính cẩn tuân lời căn dặn của Qua quản đới. Nguyên tên quản đới này họ Qua tên Giai, người Mãn Châu. Qua Giai lại nói:
-Khi vào tới kinh ra mắt Ngao thiếu bảo, các vị chẳng lo gì không được thăng quan phát tài. Một tên thị vệ cười đáp:
-Ðây toàn là công ơn của Qua quản đới tài bồi cho. Ba người trong bọn tại hạ làm gì đáng hưởng được phúc phận đó? Qua Giai cười khành khạch chưa kịp trả lời thì đầu thuyền có tiếng cười hô hố rồi nói:
-Cả bọn bốn người các ngươi đều không đáng hưởng phúc phận này. Qua Giai ngấm ngầm kinh hãi nghĩ thầm:
-Thằng cha này xem chừng bản lãnh rất là lợi hại! Hắn lên tới đầu thuyền mà không phát ra một tiếng động nào. Soạt một tiếng! Bốn tên thị vệ rút đơn đao ở sau lưng ra, đồng thời lảng tránh sang một bên đề phòng địch nhân liệng ám khí qua cửa khoang thuyền. Ỷ mình võ công cao cường, Qua Giai thường không đeo binh khí bên mình. Bây giờ đành bóc một miếng ván thuyền chuẩn bị cự địch. Bỗng nghe đánh "vù" một tiếng! Hai cánh cửa khoang thuyền tung ra nhắm đập vào mặt hắn. Qua Giai bụng bảo dạ:
-Hiển nhiên không phải là cường địch đã dùng tay liệng cánh cửa vào vì trước khi cánh cửa vọt ra không nghe tiếng gã đập cửa. Ðây là chưởng lực cách không hất bắn ra. Nếu vậy nội lực của đối phương thật là ghê gớm! Hắn liền vận kình lực vung tấm ván thuyền lên gạt hai cánh cửa rớt xuống. Bỗng thấy một chàng thư sinh xuất hiện ngay trước cửa khoang. Chàng chắp tay để sau lưng, nét mặt tươi cười. Thái độ rất ung dung. Qua Giai tuy gạt được cánh cửa khoang thuyền nhưng cánh tay mặt tê nhức vì bị đụng mạnh. Hắn lớn tiếng quát:
-Các quan trong này đang tra án. Ngươi biết điều thì lánh cho xa. Người thư sinh cười hỏi: Bằng không biết điều thì sao? Chàng vừa cất bước tiến vào khoang thuyền, bỗng thấy đao quang lấp loáng hai thanh đơn đao nhằm hai bên tả hữu chém tới. Bãn lỉnh của hai tên thị vệ này cũng không phải hạng kém cỏi. Hai chiêu đao của chúng vừa mau lẹ vừa mãnh liệt. Thư sinh lạng người đi sấn về phía Qua Giai. Chàng vung chưởng lên đánh xuống đỉnh đầu hắn. Qua Giai đưa tay trái lên gạt. Ðồng thời hắn vung quyền bên phải đánh ra thật mạnh. Chàng thư sinh vung chân trái đá ngược lại trúng vào trước ngực của một thị vệ. Tên thị vệ rú lên một tiếng, máu tươi phun ra òng ọc. Giữa lúc ấy mấy tên thị vệ kia đều vung đao lên vừa đâm vừa chém. Chàng thư sinh kia thấy địa thế trong khoang thuyền đã chật hẹp lại thêm ba lão Cố, Huỳnh, Lữ làm cho vướng víu chân tay, liền thi triển cầm nã công phu. Bỗng nghe đánh "cắc" một tiếng. Một thị vệ nữa lại bị chàng đánh gãy cổ. Qua Giai phóng chưởng đánh tới sau gáy thư sinh. Chàng thư sinh nghe tiếng gió để nhận định chiêu thức rồi xoay tay lại phóng chưởng. hai chưởng đụng nhau bật lên tiếng "binh" rùng rợn. Qua Giai bỗng thấy mắt tối sầm lại. Lưng hắn đập mạnh vào vách thuyền. Lập tức thuyền bị lủng một chổ. Chàng thư sinh sợ bọn Cố Viêm Võ bị thương vội tung hai tay đánh vào trước ngực hai tên thị vệ còn sống sót. Một tiếng "rắc rắc" vang lên! hai gã bị gảy hết xương sườn. Chàng thư sinh quay mình lại thấy Qua Giai giơ tay trái liệng tấm ván xuống sông Vận hà, kế đó hắn vọt người chuồn ra qua chỗ thủng ra ngoài. Chàng thư sinh thấy Qua Giai muốn trốn liền quát lớn:
-Chạy đâu cho thoát? Ðồng thời chàng phóng chưởng đánh ra. Nhưng khi phát chưởng sắp trúng sau lưng Qua Giai không ngờ gã phóng cước đá ngược lại. Phát chưởng của chàng đập trúng gan bàn chân hắn. Chưởng lực bị hất tung lên. Qua Giai nhảy một cái xa mấy trượng. Hắn trụ chân trái vào miếng ván thuyền để mượn đà lao người về phía trước. Kể ra thế lao này, hắn cũng không nhảy lên tới bờ được. Nhưng may thay! Bờ sông có một cây liễu cành rũ xuống nước. Qua Giai liền nắm lấy lộn người lên trên ngọn cậy vọt vào bờ. Chàng thư sinh thấy tình thế khó lòng đuổi kịp, không khỏi than thầm:
-Hỏng bét! Chàng vội lượm thanh đơn đao trong khoang thuyền nhắm liệng tới sau lưng Qua Giai, nhưng hắn đã chạy xa rồi. Thanh đơn đao bay vòng vèo rồi bên nặng bên nhẹ rơi xuống đất, cách sau lưng Qua Giai chừng hơn một trượng. Chàng thư sinh vội hô:
-Nhà đò mau áp thuyền vào bờ! Chàng định bụng:
-Dù hắn có chạy đến bên trời góc biển cũng phải đuổi tới cùng, giết cho bằng được tiểu tặc này đi để bịt miệng. Nhờ ánh trăng. bỗng chàng thấy rõ một bóng đen xì bay vọt đi như con trường xà, nhanh hơn điện chớp, bắn thẳng đến sau lưng Qua Giai. Bỗng nghe Qua Giai rú lên một tiếng khủng khiếp. Một bóng đen dài đã đâm trúng sau lưng cắm chặt người hắn xuống đất rồi bóng đen vẫn còn lung lay không ngớt. Chàng thư sinh kinh hãi vừa mừng thầm. Chàng chú ý nhìn lại thì thấy bóng đen đó chính là một cây sào trúc dùng để đẩy thuyền. Chàng thư sinh động tâm nhảy về đàng lái thì chỉ thấy một mình ông lão lái thuyền, ngoài ra chẳng còn người nào khác. Chàng thư sinh liền nhìn lão xá dài nói:
-Ða tạ lão anh hùng ra tay viện trợ. Bằng không thì hỏng việc lớn. Lão lái thuyền lim dim cặp mắt hỏi:
-Khách quan! Khách quan nói gì? Lão không hiểu. Chàng thư sinh nhắc lại:
-Ða tạ lão anh hùng vì lòng trượng nghĩa mà ra tay tương trợ. Lão lái thuyền hỏi:
-Lão ưng ư? Ðêm tối chim ưng không ra, trừ phi nó là con cú mèo. Chàng thư sinh tự hỏi:
-Chẳng lẽ người liệng con sào vừa rồi không phải là lão? Vậy, vị đại anh hùng vừa rồi ra tay viện trợ là người khác không muốn lộ diện nên đã ẩn thân lánh đi rồi chăng? Chàng trở vào khoang thuyền giải khai huyệt đạo cho bọn Cố, Huỳnh, Lữ, rồi liệng xác chết bốn tên thị vệ xuống sông. Huỳnh Tôn Hy thắp đèn lên rồi hỏi họ tên chàng thư sinh thì chàng cười đáp:
-Tiện danh vừa rồi được tiên sinh nhắc tới. Tại hạ họ Trần tên gọi Vĩnh Hoa.