Trong mỗi khó khăn đều ẩn chứa một cơ hội.

Albert Einstein

 
 
 
 
 
Tác giả: Dan Ariely
Nguyên tác: The Upside Of Irrationality
Biên tập: Viet Quang Luong
Upload bìa: Viet Quang Luong
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 323 / 54
Cập nhật: 2020-04-26 15:10:07 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2: Ý Nghĩa Của Lao Động
Lego dạy gì cho chúng ta về Niềm vui Lao động
Trên một chuyến bay gần đây, cất cánh từ California, tôi gặp một anh chàng ở độ tuổi ba mươi và trông có vẻ là dân văn phòng. Anh ta mỉm cười khi tôi ngồi xuống bên cạnh và chúng tôi trao đổi những lời phàn nàn về chỗ ngồi quá hẹp và những bất tiện khác. Cả hai cũng cùng kiểm tra email trước khi tắt iPhone. Khi máy bay cất cánh, chúng tôi cùng nhau trò chuyện. Câu chuyện diễn biến thế này:
Anh ta: Vì sao anh thích chiếc iPhone này?
Tôi: Nó có nhiều thứ làm tôi thích, nhưng quan trọng nhất là tôi có thể kiểm tra email bất kỳ lúc nào, ngay cả khi đang chờ đèn xanh hay đang ở trong thang máy.
Anh ta: Tôi hiểu điều đó. Trước khi mua iPhone, việc kiểm tra email ngốn của tôi khá nhiều thời gian.
Tôi: Tôi cũng không chắc là mình làm việc năng suất hơn hay kém hiệu quả hơn khi có những thiết bị công nghệ được làm ra với mục đích tăng năng suất làm việc này.
Anh ta: Anh làm việc gì vậy?
Hễ khi nào tôi lên máy bay và trò chuyện với người ngồi cạnh, họ đều thường hỏi tôi hoặc nói cho tôi biết họ sống bằng nghề gì trước khi chúng tôi trao đổi tên hay những chi tiết khác về cuộc sống của mình. Có thể điều đó xảy ra ở nước Mỹ nhiều hơn những chỗ khác, nhưng như tôi quan sát thấy những người bạn đường ở tất cả mọi nơi tôi qua - ít nhất là những người tôi đã bắt chuyện - thì họ thường nói về nghề nghiệp của mình trước khi nói về sở thích, gia đình, hay tư tưởng chính trị.
Người đàn ông ngồi cạnh tôi kể cho tôi nghe về công việc của anh ta, công việc làm giám đốc bán hàng cho SAP, một công ty lớn về phần mềm quản lý doanh nghiệp được nhiều doanh nghiệp sử dụng trong hoạt động quản lý văn phòng. (Tôi có biết chút ít về công nghệ đó vì người trợ lý đáng thương của tôi đã phải sử dụng nó khi MIT chuyển sang dùng SAP.) Tôi cũng không quan tâm lắm đến những thông tin trao đổi về cái lợi cũng như hại của phần mềm kế toán, nhưng sự nhiệt tình của người bạn đường đã cuốn tôi vào câu chuyện. Anh ta tỏ ra thực sự yêu thích công việc của mình. Tôi có cảm giác công việc là đặc điểm cốt lõi trong con người anh ta - có lẽ, đối với anh ta, nó quan trọng hơn vô vàn những điều khác trong cuộc sống.
BẰNG TRỰC GIÁC, phần lớn chúng ta hiểu được mối liên hệ sâu sắc giữa đặc tính của con người và công việc. Trẻ con nghĩ về nghề nghiệp tương lai của mình theo hướng chúng sẽ trở thành người như thế nào (lính cứu hỏa, giáo viên, bác sĩ, nhà kinh tế học hành vi, hoặc là những thứ khác bạn biết) chứ không phải nghĩ xem chúng sẽ kiếm được bao nhiêu tiền. Đối với những người Mỹ trưởng thành, câu hỏi "Anh làm nghề gì?" đã trở thành phổ biến trong các màn giới thiệu làm quen giống như câu chào "Anh có khoẻ không? " trước đây nay đã trở thành lỗi thời. Điều này cho thấy nghề nghiệp đã trở thành một phần không thể tách rời trong đặc tính của mỗi con người, không đơn thuần là cách để kiếm tiền duy trì ngôi nhà để ở hay để trả tiền mua cái ăn mỗi ngày. Có vẻ như là rất nhiều người - ít nhất là những người đã từng nói chuyện với tôi trên máy bay - tìm thấy niềm tự hào cũng như ý nghĩa trong công việc của mình.
Đối ngược với mối liên hệ giữa đặc tính và công việc, mô hình kinh tế căn bản thường coi con người như là những con chuột trong mê cung: công việc được xem như là điều bắt buộc không mấy thích thú, và tất cả những gì con chuột (người) đó muốn làm là kiếm được cái ăn một cách ít tốn sức lực nhất và nghỉ ngơi trong những thời gian còn lại với cái bụng đã no nê. Nhưng nếu công việc còn mang lại giá trị khác, hẳn nó có thể nói gì cho chúng ta biết lý do vì sao con người muốn làm việc? Và mối liên hệ giữa động cơ, ý nghĩa cuộc sống của mỗi con người cũng như hiệu suất làm việc là gì.
Rút cạn Ý nghĩa của Công việc
Vào năm 2005, khi đang ngồi trong văn phòng tại MIT chuẩn bị một bài phê bình, tôi nghe thấy tiếng gõ cửa. Tôi ngẩng lên và nhìn thấy một gương mặt khá béo tốt và thân thuộc của một anh chàng trẻ tuổi với mái tóc nâu và chòm râu dê ngộ nghĩnh. Tôi chắc chắn mình biết người này, nhưng không thể nhớ ra là đã gặp ở đâu. Tôi xử sự theo cách thông thường là mời cậu ta vào và một lát sau, tôi nhớ ra cậu ta là David. Đó là một sinh viên thông minh và hiểu biết đã theo học lớp của tôi cách đây vài năm. Tôi rất vui lại được gặp cậu ta.
Khi chúng tôi cùng ngồi với nhau bên tách cà phê, tôi hỏi David điều gì khiến cậu ta quay trở lại MIT. "Em đến đây để tuyển người." David trả lời. "Công ty em đang cần tìm nguồn nhân sự mới." Rồi David nói cho tôi biết công việc của cậu ta sau khi tốt nghiệp. David đã tìm được một công việc thú vị tại một ngân hàng đầu tư ở New York. Cậu ta được trả lương cao và được hưởng nhiều ưu đãi khác - kể cả việc được trả tiền giặt là - và thấy rất yêu cuộc sống ở một thành phố đông đúc. Cậu ta cũng hò hẹn với một cô gái mà qua mô tả của cậu ta thì cô này có sự kết hợp giữa Nữ Siêu Nhân và nữ doanh nhân thành đạt Martha Stewart, mặc dù thực ra họ chỉ mới cặp với nhau được hai tuần.
"Còn điều này em muốn nói với thầy," cậu ta nói. "Cách đây vài tuần, em gặp một chuyện và nó làm em nghĩ đến các giờ học về kinh tế học hành vi."
Cậu ta kể lại rằng vào đầu năm đó, cậu ta đã mất mười tuần để chuẩn bị thuyết trình cho một vụ mua bán công ty. Cậu ta đã phải làm việc rất vất vả để phân tích các số liệu, chuẩn bị các bản trình bày và sơ đồ đẹp đẽ, nhiều hôm phải ngồi quá nửa đêm trong văn phòng để sửa sang bài trình bày trên PowerPoint (không biết các giám đốc điều hành nhà băng và các nhà tư vấn làm gì khi chưa có PowerPoint?). Cậu ta rất hài lòng với kết quả làm việc của mình và vui sướng gửi nó qua email cho sếp của mình, người sẽ phải thuyết trình nó tại cuộc họp về vụ mua bán công ty rất quan trọng này. (Vị trí của David khi đó quá thấp để tham gia một cuộc họp như vậy.)
Vài tiếng sau, sếp của cậu ta đã gửi lại email như sau: "Xin lỗi David, nhưng vừa hôm qua chúng tôi mới biết tin là vụ mua bán đã hỏng rồi. Tôi cũng đã xem bài thuyết trình của cậu, rất ấn tượng." Vậy là David hiểu rằng bài thuyết trình của mình sẽ mãi mãi nằm trong bóng tối, cho dù rõ ràng là không có vấn đề cá nhân gì ở đây cả. Cậu ta cũng hiểu rằng công việc mà cậu đã làm là rất tốt, vì sếp của cậu không phải là người đưa ra những lời khen ngợi thiếu cơ sở. Nhưng kể cả có được khen như vậy thì cậu vẫn cảm thấy phát quẫn người lên với những gì xảy ra. Sự thật là tất cả những cố gắng của cậu ta cuối cùng thật vô nghĩa lý gì và còn tạo ra một vết nứt sâu chia cắt giữa cậu và công việc. Bỗng dưng, cậu cảm thấy mình không còn quan tâm lắm đến cái dự án mà cậu đã dành bao thời gian cho nó. Không những thế, cậu còn thấy rằng cậu cũng chẳng còn bận tâm gì lắm đến những dự án khác mà cậu đang làm. Thực sự là việc trải qua một lần "làm việc không vì cái gì" đã ảnh hưởng toàn bộ đến cách nhìn nhận công việc của David cũng như thái độ của cậu đối với ngân hàng. Cậu ta đã nhanh chóng chuyển từ cảm giác hài lòng và thấy mình có ích sang cảm giác bất mãn và cảm thấy những cố gắng của mình là vô ích.
"Thầy có thấy lạ không?", David nói tiếp, "Em đã làm việc rất nỗ lực, làm ra một bài trình bày có chất lượng, và sếp của em thì rõ ràng là hài lòng về em cũng như công việc em làm. Em dám chắc là em sẽ nhận được những đánh giá rất tích cực cho những cố gắng của mình và chắc là sẽ được tăng lương vào cuối năm. Đáng lẽ là từ góc độ thực dụng thì em phải thấy vui. Vậy mà em không làm sao xóa đi được cảm giác là công việc của em thật vô nghĩa. Điều gì sẽ xảy ra nếu dự án em đang làm hiện nay bị hủy bỏ ngay trước ngày nó được công bố và kết quả công việc của em cũng tan tành mây khói khi chưa một lần được dùng đến?"
Rồi cậu ta đề nghị tôi làm thí nghiệm giả tưởng sau. "Hãy tưởng tượng," cậu ta nói bằng một giọng trầm và buồn, "rằng thầy làm việc cho một công ty và công việc của thầy là thiết kế các bản trình chiếu trên PowerPoint. Mỗi lần thầy làm xong công việc của mình, lại có người lấy các bản trình chiếu đó và xóa nó đi. Chỉ đơn gian như vậy, nhưng thầy được trả lương và phụ cấp rất cao. Thậm chí còn có người giặt đồ cho thầy. Thầy có thấy hạnh phúc ở một nơi làm việc như thế không?"
Tôi cũng cảm thấy đáng tiếc cho David, và để làm cậu cảm thấy vui vẻ hơn, tôi kể cho cậu ta nghe câu chuyện về một người bạn của tôi, tên là Devra, cô làm biên tập viên tại một trong những nhà xuất bản của một trường đại học lớn. Gần đây, cô ấy đã biên tập xong một cuốn sách lịch sử - một công việc mà cô ấy cũng yêu thích và được trả lương. Ba tuần sau khi cô ấy trình bản thảo của mình lên nhà xuất bản, trưởng ban biên tập quyết định không in cuốn sách đó nữa. Giống như trường hợp của David, từ góc độ thực dụng thì mọi việc đều vẫn tốt, nhưng thực tế là sẽ chẳng có độc giả nào được cầm đến cuốn sách đó khiến cho cô ấy thấy tiếc thời gian và tâm huyết mà cô ấy đã bỏ ra khi biên tập cuốn sách. Hy vọng của tôi là muốn David thấy rằng chuyện này không chỉ xảy ra với cậu ta. Sau một phút yên lặng, cậu ta mới nói: "Thầy thấy không? Em nghĩ có vấn đề gì đó lớn lao hơn ở đây. Có vấn đề gì đó về những công việc vô ích và không được ghi nhận. Thầy nên nghiên cứu nó."
Đó là một ý tưởng tuyệt vời, và chỉ lát nữa thôi, tôi sẽ cho bạn biết tôi đã làm gì với nó. Nhưng có lẽ giờ chúng ta quay một chút sang thế giới của vẹt, chuột và hiện tượng “bữa ăn miễn phí” (contrafreeloading).
“Tay làm hàm nhai”
Khi mười sáu tuổi, tôi đã gia nhập Đội Dân quân Israel. Tôi học cách bắn bằng khẩu súng trường carbine của Nga thời Đại chiến II, học cách dựng lô cốt trên đường và các kỹ năng cần thiết khác khi có chiến tranh và thanh niên như chúng tôi phải ở lại để bảo vệ hậu phương. Lợi ích chính của việc học bắn súng, như thực tế đã chứng minh, là việc này trở thành lý do để tôi có thể thỉnh thoảng nghỉ học. Ở Israel thời đó, cứ khi nào lớp ở trường trung học tổ chức một chuyến đi thì những sinh viên biết bắn súng như tôi lại phải tham gia với tư cách bảo vệ. Nghĩa vụ này đồng nghĩa với việc thay vì mấy ngày lên lớp sẽ là những buổi đi bộ và hưởng thụ không khí ở vùng nông thôn nên tôi rất thích được tham gia, ngay cả khi tôi phải bỏ một buổi thi để đi làm nghĩa vụ này.
Trong một chuyến đi như thế, tôi gặp một cô gái và đến cuối đợt dã ngoại thì tôi phải lòng cô ấy. Không may là cô ấy học sau tôi một lớp và lịch học của chúng tôi không trùng nhau, vì thế tôi rất khó có thể gặp được cô ấy và để xem liệu cô ấy có tình cảm với tôi không. Vì thế tôi đã làm cái điều mà bất kỳ chàng thanh niên trẻ tuổi dồi dào sinh lực nào cũng có thể làm: tôi phát hiện ra một mối quan tâm đặc biệt của cô ấy và tôi cũng biến nó thành mối quan tâm của tôi.
Cách thị trấn chúng tôi sống khoảng một dặm có một người đàn ông có biệt danh là "Người chim", một người đã phải sống một tuổi thơ cô đơn và khốn khổ ở Đông Âu trong thời kỳ quân Đức tàn sát người Do Thái. Trốn tránh quân Đức quốc xã ở trong rừng, ông tìm thấy niềm vui từ những con chim, con thú sống quanh mình. Sau này, khi về Israel, ông quyết tâm tìm mọi cách để những đứa trẻ sống quanh ông có một tuổi thơ tốt đẹp hơn ông, vì thế ông đã sưu tầm các loài chim từ khắp nơi trên thế giới và mời bọn trẻ đến để thưởng thức thế giới chim đó. Cô gái mà tôi thích khi đó đang là tình nguyện viên trong khu vườn của Người chim, và tôi tham gia cùng với cô ấy dọn dẹp các lồng nhốt chim, cho chúng ăn, kể cho các khách tham quan nhỏ tuổi câu chuyện về chúng và - thích thú nhất là được quan sát những con chim non nở ra từ trứng, lớn lên, sống cùng đồng loại và tương tác với những vị khách của chúng. Sau vài tháng thì tôi thấy rõ là tôi và cô gái kia chẳng có triển vọng gì, nhưng mối quan hệ giữa tôi với lũ con chim thì có, vì thế tôi tiếp tục công việc tình nguyện viên suốt một thời gian dài sau đó.
Vài năm sau, sau thời gian nằm viện, tôi quyết định mua một con vẹt. Tôi chọn một con vẹt vùng Amazon khá bự và thông minh, rồi đặt tên cho nó là Jean Paul. (Có những lý do khiến tôi nhất quyết là phải đặt tên cho những cô vẹt những cái tên tiếng Pháp dành cho những quí ông). Đó là một con vẹt đẹp đẽ; màu lông chủ đạo của nó là xanh lá cây, điểm các màu xanh nhạt, vàng và đỏ ở cuối cánh. Chúng tôi đã có thời gian rất vui vẻ bên nhau. Jean Paul thích nói chuyện và tán dóc với bất kỳ ai đứng bên cạnh lồng của nó. Mỗi khi tôi đến gần là nó lại sà đến bên cạnh, cúi đầu xuống để lộ cái gáy của mình, và tôi có thể thì thầm nói chuyện với nó khi đang vuốt ve những cái lông trên cổ nó. Mỗi khi tôi tắm vòi sen, nó lại đậu trong phòng tắm và co rúm người lại một cách thích thú khi tôi làm văng những giọt nước lên người nó.
Jean Paul cực kỳ thích giao tiếp. Khi nào phải ở một mình trong chuồng lâu quá, nó thường giật những cái lông của mình. Đó là công việc nó làm khi buồn chán. Tôi khám phá ra là những con vẹt có một nhu cầu đặc biệt là được tham gia vào các hoạt động mang tính tinh thần, vì thế tôi mua một số đồ chơi được thiết kế riêng để làm nó khỏi buồn.
Một trong những đồ chơi đó là bộ xếp hình, có tên "SeekaTreat", gồm một bộ các mảnh gỗ nhiều màu xếp thành bậc có kích thước nhỏ dần tạo thành hình một chiếc kim tự tháp. Các mảnh gỗ được gắn với nhau bằng sợi dây. Tại mỗi bậc thang gỗ lại có một cái hố nhỏ khoảng 1,3 cm đựng thức ăn cho vẹt được làm để hấp dẫn nó. Để lấy được thức ăn, Jean Paul phải nhấc các mảnh gỗ để lộ ra cái lỗ, một công việc không mấy dễ dàng. Năm này qua năm khác, SeekaTreat và các đồ chơi khác giúp cho Jean Paul sống vui vẻ và quan tâm đến mọi thứ xung quanh nơi ở của mình.
CÓ THỂ KHI ĐÓ tôi không để ý, nhưng thực ra có một triết lý hết sức quan trọng đằng sau trò chơi "SeekaTreat". "Không thích những bữa ăn miễn phí”, một thuật ngữ mà Glen Jensen, một nhà tâm lý động vật đưa ra, đề cập đến một hiện tượng là nhiều loài vật thích tự kiếm thức ăn thay vì chỉ đơn giản là ăn những thức ăn đó ở ngay cái đĩa gần bên mà không phải mất công gì.
Để hiểu rõ hơn niềm vui khi kiếm được thức ăn nhờ lao động, chúng ta hãy quay lại những năm của thập kỷ 1960, khi Jensen lấy những con chuột bạch trưởng thành để thí nghiệm về sự yêu thích lao động của chúng. Bây giờ, lại tưởng tượng bạn là chú chuột trong thí nghiệm của Jensen. Bạn cùng với những người bạn nhỏ thuộc bộ gặm nhấm của mình bắt đầu cuộc sống ở mức trung bình trong cái lồng cũng thuộc hạng trung bình và hàng ngày, trong suốt 10 ngày, một người đàn ông mặc bộ blu trắng đặt xuống trước mặt bạn 10 gram bánh quy giòn Purina vào đúng giữa trưa (có thể bạn không biết đó là 12 giờ trưa, nhưng ít nhất thì bạn cũng nhận ra được là bạn được cho ăn vào một giờ cố định). Sau vài ngày, bạn sẽ biết để chờ đợi thức ăn hàng ngày vào lúc 12 giờ trưa đó, và cái dạ dày chuột của bạn hàng ngày sẽ sôi lên vào đúng thời điểm trước khi người đàn ông dễ thương xuất hiện - chính là cái trạng thái mà Jensen mong muốn đối với bạn.
Khi mà bạn đã được làm quen với việc có bánh quy ăn hàng ngày vào giữa trưa thì mọi thứ đột nhiên thay đổi. Thay vì cho bạn ăn vào đúng giờ vào lúc bạn đói nhất thì người ta bắt bạn phải chờ thêm một tiếng nữa. Rồi vào lúc 1 giờ chiều, người đàn ông đó nhấc bạn ra và đặt vào một cái "Hộp Skinner" được thắp sáng. Bạn đói muốn chết. Được đặt tên theo người đã thiết kế ra nó, một nhà tâm lý học có tầm ảnh hưởng rất lớn là B. F. Skinner, cái hộp này là một cái lồng thông thường (tương tự như cái mà bạn đã quen sống ở đó), nhưng nó có hai đặc tính mới. Thứ nhất là một cái cấp thức ăn tự động cứ ba mươi giây lại nhả ra những viên thức ăn. Chẹp! Cái thứ hai là một cái thanh vì lý do nào đó được chắn bởi một cái khiên.
Ban đầu, cái thanh không có gì hấp dẫn lắm. Thứ hấp dẫn là cái cấp thức ăn, và bạn sà luôn vào đó. Cái cấp thức ăn cứ tự động nhả thức ăn đều đặn trong suốt hai mươi lăm phút, cho đến khi bạn đã ăn tất cả năm mươi viên thức ăn. Khi đó, bạn lại được đưa trở lại lồng và lại được cung cấp phần thức ăn còn lại của ngày hôm đó.
Vào ngày tiếp theo, giờ ăn trưa của bạn lại trôi qua mà không có tí thức ăn nào, và vào lúc 1 giờ chiều, bạn lại được đặt vào chiếc hộp Skinner. Bạn đói cồn cào, nhưng thật bất hạnh, cái cấp thức ăn không nhả các viên thực phẩm ra nữa. Làm gì bây giờ. Bạn đi lang thang trong cái lồng, và, khi đi qua cái thanh, bạn nhận ra là cái khiên không còn ở đó nữa. Rồi bạn vô tình nhấn vào cái thanh, ngay lập tức một viên thức ăn được nhả ra. Tuyệt! Bạn lại nhấn vào cái thanh lần nữa. Thật sung sướng! - lại một viên thức ăn nữa xuất hiện. Bạn cứ thế nhấn cái thanh, sung sướng đánh chén, nhưng khi đó đèn tắt, và cùng lúc đó, cái thanh cũng thôi không nhả thức ăn nữa. Bạn nhận ngay được ra rằng khi đèn đã tắt thì dù bạn có nhấn vào cái thanh bao nhiêu lần cũng chẳng nhận được tí thức ăn nào.
Rồi đúng lúc đó, người đàn ông mặc áo blu trắng mở cửa lồng và đặt vào một cái tách bằng thiếc vào góc lồng. (Bạn không biết rằng cái tách khi đó đầy những viên thức ăn.) Bạn chẳng chú ý gì đến cái tách cả; bạn chỉ muốn là cái thanh lại tiếp tục nhả thức ăn nữa. Bạn nhấn và nhấn, nhưng chẳng thấy gì. Khi mà đèn vẫn còn tắt thì nhấn vào cái thanh chẳng có tác dụng gì. Bạn lại bò loanh quanh trong lồng, giấu những lời càu nhàu đằng sau những tiếng thở của loài chuột, rồi vô tình đi ngang qua cái tách. "Ôi, thật là!", bạn thốt lên với chính mình. "Đầy hụ thức ăn thế này! Chẳng mất công gì cả!" Bạn bắt đầu đánh chén, và khi đó, đèn tự nhiên bật sáng. Giờ thì bạn biết là bạn có hai nguồn thức ăn. Bạn có thể tiếp tục xơi thức ăn từ cái tách, chẳng phải bỏ tí công sức nào hoặc quay trở lại cái thanh để nhấn vào đó và lấy thức ăn. Nếu bạn là con chuột đó, bạn sẽ làm gì nhỉ?
Giả sử bạn cũng giống như tất cả, trừ một trong hai trăm con chuột trong nghiên cứu của Jensen, chắc là bạn sẽ quyết định không tập trung tiệc tùng với tách đồ ăn. Lúc này hay lúc khác, bạn sẽ quay trở lại cái thanh và nhấn vào đó để thức ăn được nhả ra. Và nếu bạn ở trong số 44% các con chuột được làm thí nghiệm, bạn sẽ nhấn vào cái thanh một cách thường xuyên - đủ để cấp cho bạn hơn một nửa số thức ăn bạn cần. Hơn nữa, khi bạn đã bắt đầu nhấn vào cái thanh thì việc quay trở lại cái tách đầy thức ăn miễn phí cũng không mấy dễ dàng.
Jensen phát hiện ra (và nhiều thí nghiệm sau đó cũng xác nhận điều này), là rất nhiều loài động vật - gồm cả cá, chim, chuột nhảy, chuột cống, chuột thường, khỉ và vượn - dường như là thích cách mất thời gian và gián tiếp lấy được thức ăn hơn là cách không mất thời gian và lấy được thức ăn một cách trực tiếp. Đó là, cũng giống như cá, chim, chuột nhảy, chuột cống, chuột thường, khỉ và vượn không phải làm việc nhiều, chúng thường thích làm để kiếm được thức ăn. Thực tế thì trong tất cả các con vật được đưa ra để làm thí nghiệm, chỉ có duy nhất một loài là thích chọn con đường nhàn nhã - bạn có thể đoán được đấy - đó chính là loài mèo, vẫn được coi là loài có lý trí nhất.
Điều này đưa chúng ta trở lại với Jean Paul. Nếu cô nàng là một chú vẹt có tư duy kinh tế và chỉ quan tâm đến việc làm thế nào để bỏ ra càng ít sức lực càng tốt để lấy được thức ăn, nó sẽ chỉ ăn thức ăn từ cái khay trong lồng và phớt lờ cái đồ chơi SeekaTreat. Nhưng thay vào đó, nó đã chơi SeekaTreat (và cả những đồ chơi khác) hàng giờ đồng hồ bởi những thứ này mang lại cho việc kiếm thức ăn cũng như sử dụng thời gian của nó có ý nghĩa hơn. Nó không thuần túy là tồn tại, mà là đang làm chủ một cái gì đó và điều đó có ý nghĩa là "kiếm sống".
Ý TƯỞNG KHÁI QUÁT của hiện tượng "không thích bữa ăn miễn phí" trái ngược hẳn với quan điểm của kinh tế học rằng các cơ thể sống luôn chọn cách để tối đa hóa lợi ích và giảm thiểu công sức bỏ ra. Theo quan điểm này của kinh tế học chuẩn tắc, sử dụng bất kỳ cái gì, bao gồm cả năng lượng, đều được coi là chi phí và chẳng có ý nghĩa gì cả nếu một cơ thể sống lại tình nguyện làm điều đó. Sao lại phải làm việc khi người ta có thể lấy được những thức ăn như thế - thậm chí là nhiều hơn như thế - mà chẳng mất tí công sức nào?
Khi tôi nói về ý tưởng "không thích bữa ăn miễn phí" cho một những người bạn của tôi cũng là nhà kinh tế học (vâng, tôi vẫn có những người bạn như vậy), anh ấy ngay lập tức giải thích cho tôi biết rằng kết quả thí nghiệm của Jensen thực ra là không mâu thuẫn với lý giải của kinh tế học chuẩn tắc. Anh kiên nhẫn giải thích cho tôi rằng nghiên cứu đó không liên quan đến các vấn đề của kinh tế học. "Cậu biết đấy", anh ấy nói, như là người ta nói với một đứa trẻ con, "lý thuyết kinh tế học là về hành vi của con người, không phải là chuột hay vẹt. Chuột thì có bộ não rất nhỏ và thậm chí còn không có vỏ não, vì thế mà chẳng có gì đáng băn khoăn nếu những con vật không nhận ra rằng chúng có thể lấy thức ăn một cách tự do. Thực ra là chúng chỉ nhầm lẫn thôi.”
“Tuy nhiên,” anh ta tiếp tục, “tôi tin là nếu cậu định lặp lại thí nghiệm của Jensen với những người bình thường, cậu sẽ mỏi mắt chờ hiện tượng “không thích bữa ăn miễn phí”. Tôi tin chắc một trăm phần trăm là nếu cậu đưa các nhà kinh tế ra làm thí nghiệm, cậu sẽ chẳng thấy ai làm việc khi không cần thiết!”
Anh ta có ý đúng. Và mặc dù tôi tin rằng có thể đưa ra khái quát cách mà chúng tôi liên hệ tới công việc từ những nghiên cứu trên động vật, thì một điều cũng rõ ràng đối với tôi là một vài thí nghiệm về việc không thích hưởng không trên người trưởng thành là có thể tiến hành được. (Và cũng rõ ràng nữa, đó là tôi không nên thí nghiệm trên những nhà kinh tế học.)
Còn bạn thì nghĩ sao? Con người, nói chung, sẽ thể hiện là không thích cái gì từ trên trời rơi xuống, hay sẽ hành động theo lý trí khôn ngoan? Và riêng bạn thì thế nào?
Động lực “Small-M”
Sau khi David rời khỏi văn phòng của tôi, tôi bắt đầu suy nghĩ về sự thất vọng của anh ta và của Devra. Việc không có người tán thưởng công việc của họ đã tạo ra một sự thiếu hụt rất lớn trong động cơ làm việc của họ. Điều tôi băn khoăn là bên cạnh tiền lương còn có yếu tố gì khác mang lại ý nghĩa cho công việc. Đó có phải là sự hài lòng nho nhỏ khi nỗ lực làm việc của mình được chú ý đến không? Đó có phải là, giống như Jean Paul, chúng ta thích thú với cảm giác được thử thách bằng bất kỳ điều gì chúng ta đang làm và hài lòng khi hoàn thành công việc (và tạo ra một ý nghĩa nho nhỏ - “small meaning” hay viết tắt là Small-m)? Hay chúng ta chỉ cảm thấy thực sự có ý nghĩa khi chúng ta đối diện với cái gì đó lớn lao hơn. Có lẽ chúng ta hy vọng rằng ai đó, đặc biệt là những người có tầm quan trọng đối với chúng ta, sẽ chỉ ra rằng kết quả công việc của chúng ta có những giá trị nhất định? Có lẽ chúng ta cần ảo tưởng rằng một ngày nào đó, công việc của chúng ta sẽ có ý nghĩa đối với nhiều người. Rằng nó có thể có giá trị nào đó đối với một thế giới bên ngoài rộng lớn hơn (chúng ta có thể gọi đó là ý nghĩa (Meaning) với chữ M được viết hoa)? Rất có thể phần lớn là như vậy. Nhưng về cơ bản, tôi cho rằng gần như tất cả các phương diện của ý nghĩa (thậm chí cả ý nghĩa nhỏ bé (small-m) đều có thể thúc đẩy hành động của chúng ta. Khi chúng ta làm điều gì đó liên quan đến hình ảnh của chính mình, nó sẽ thổi động lực vào chúng ta và khiến chúng ta tích cực hơn nhiều.
Hãy lấy công việc viết lách làm ví dụ. Ngày xưa, tôi viết các báo cáo có tính chất học thuật với mong muốn được thăng tiến. Nhưng khi đó, tôi cũng hy vọng - và bây giờ vẫn hy vọng - là những bài viết đó có tác động thực sự đến một cái gì đó trên thế giới này. Nếu tôi biết chắc chắn rằng chỉ có một số ít người đọc bài viết của mình thì liệu tôi có làm việc cật lực không? Liệu tôi có còn tiếp tục công việc đó không? Tôi thực sự thích thú với công việc mà tôi làm; tôi nghĩ nó mang lại nhiều niềm vui. Tôi rất hào hứng khi nói với bạn, độc giả thân mến của tôi, rằng hai mươi năm qua của đời tôi đã trôi qua như thế nào. Tôi gần như chắc chắn, rằng mẹ tôi sẽ đọc cuốn sách này, và tôi đang hy vọng ít nhất một số người khác cũng sẽ làm như vậy. Nhưng nếu tôi biết chắc rằng chẳng có ai đọc nó thì sao? Nếu như Claire Wachtel, biên tập viên của tôi tại HarperCollins, quyết định để nó vào ngăn kéo, trả tiền cho tôi và không bao giờ xuất bản nó? Liệu tôi có đang làm cái việc là ngồi vào bàn lúc nửa đêm như thế để viết chương sách này hay không? Không đời nào. Phần lớn những công việc tôi làm trong cuộc đời mình, bao gồm cả viết nhật ký trên mạng, viết bài tạp chí và viết những trang sách này, đều được thúc đẩy bởi cái tôi bên trong và nó kết nối những nỗ lực của tôi với ý nghĩa mà tôi hy vọng rằng các độc giả sẽ tìm thấy được khi đọc chúng. Không có độc giả, tôi sẽ không có động lực để nỗ lực làm việc như tôi vẫn làm.
NIỀM VUI VIẾT BLOG
Bây giờ hãy nghĩ về việc viết nhật ký trên mạng. Số lượng các trang blog hiện nay thật đáng kinh ngạc và gần như ai cũng có blog hoặc là nghĩ về việc viết blog. Vì sao blog lại trở nên thông dụng như vậy? Không chỉ vì có quá nhiều người muốn viết lách, đơn giản bởi người ta đã viết từ khi blog chưa xuất hiện trên cuộc đời này. Họ viết bởi vì blog có hai đặc điểm khiến nó khác biệt với các loại hình viết khác. Thứ nhất, chúng mang lại hy vọng, hay cứ gọi là ảo tưởng, rằng sẽ có người đọc cái mà một người khác đang viết. Suy cho cùng, vào cái khoảnh khắc mà một người viết blog nhấn vào nút “Xuất bản” trên màn hình, trang nhật ký đó có thể được đọc bởi bất kỳ một ai đó trên thế giới. Với số lượng người kết nối đông như hiện nay, sẽ có ai đó, ít nhất cũng là một vài người, sa chân vào một trang nhật ký nào đó. Trên thực tế, thống kê về "số lượng người xem" sẽ tạo động lực cho người viết blog bởi người viết sẽ biết chính xác có bao nhiêu người ít nhất cũng đã nhìn bản viết họ đưa lên.
Các trang nhật ký mạng cũng cho phép người đọc để lại những bình luận và phản ứng của họ - điều này thỏa mãn mong muốn của người viết blog, giờ đã có được một lượng độc giả xác định và cả người đọc kiêm người viết. Thực ra phần lớn blog đều có lượng độc giả không lớn - có khi chỉ có mẹ hay người bạn thân nhất của người viết blog đọc nó - nhưng thậm chí là viết cho một người đọc chăng nữa, có lẽ cũng đủ để dụ dỗ hàng triệu người ngồi viết blog, khi so nó với việc viết mà chẳng có ai đọc.
Lắp ráp Bionicle
Vài tuần sau khi tôi có buổi trò chuyện với David, tôi gặp Emir Kamenica (Giáo sư tại trường Đại học Chicago), và Dražen Prelec (Giáo sư tại MIT) tại một quán cà phê nhỏ. Sau khi thảo luận về một số chủ đề nghiên cứu khác nhau, chúng tôi chuyển sang khám phá tác động của việc đánh giá thấp giá trị đối với động lực làm việc. Chúng tôi đã có thể tìm hiểu về những ý nghĩa to lớn (Large-M), tức là tìm hiểu về giá trị công việc của những người đang tìm các phương pháp chữa bệnh ung thư, giúp đỡ những người nghèo, xây các cây cầu hay cứu thế giới bằng công việc hàng ngày của mình. Nhưng thay vào đó, cũng có thể là vì cả ba chúng tôi đều thuộc giới học thuật, chúng tôi quyết định tiến hành thí nghiệm để tìm hiểu về hiệu ứng của giá trị nhỏ (Small-m) - hiệu ứng mà chúng tôi cảm thấy là phổ biến hơn trong công việc cũng như trong cuộc sống hàng ngày. Chúng tôi muốn khám phá xem những thay đổi nhỏ trong công việc của những người như David, một nhân viên ngân hàng hay Devra, một biên tập viên, ảnh hưởng đến mong muốn làm việc của họ theo cơ chế nào. Và vì vậy chúng tôi đi đến ý tưởng cho một thí nghiệm kiểm chứng phản ứng của con người đối với những sự suy giảm ý nghĩa nho nhỏ trong công việc mà ban đầu cũng không có nhiều ý nghĩa lắm.
VÀO MỘT NGÀY mùa thu ở Boston, một sinh viên cao lớn học ngành kỹ thuật cơ khí tên là Joe bước vào phòng tập trung sinh viên ở trường Đại học Harvard. Cậu là một anh chàng mới lớn đầy tham vọng. Trên bảng tin mà các sinh viên đang xúm xít vào đọc với những tờ rơi giới thiệu các buổi hòa nhạc, bài giảng, sự kiện chính trị và tìm bạn ở chung phòng, Joe bắt gặp một tờ thông báo "Trả công cho người xếp hình Lego!" Là một sinh viên ngành kỹ thuật đam mê nghề của mình, Joe luôn yêu thích những gì liên quan đến lắp ráp. Bị cuốn hút bởi bất kỳ cái gì có yêu cầu việc lắp ghép suốt từ thời niên thiếu, Joe đã có thiên hướng thích chơi Lego. Khi mới sáu tuổi, cậu đã tháo rời cái máy tính của cha mình và một năm sau thì dỡ tung hệ thống âm thanh nổi trong phòng khách. Khi mười lăm tuổi, thói quen tháo và lắp đồ vật của Joe đã làm tiêu tốn của gia đình cậu một gia tài nho nhỏ. May mắn là cậu đã tìm được lối đi cho niềm đam mê của mình ở trường đại học, giờ đây lại có cơ hội chơi bằng tình yêu thực sự của mình khi được xếp hình Lego, và lại còn được trả tiền khi làm việc đó.
Vài ngày sau, vào đúng thời giờ đã thỏa thuận trước, Joe xuất hiện để tham gia vào thí nghiệm của chúng tôi. Rút thăm may mắn, cậu được xếp vào nhóm nhiệm vụ có ý nghĩa. Người trợ lý nghiên cứu tên Sean đón Joe khi cậu bước vào phòng, chỉ ghế để cậu ngồi và giải thích quy trình cho cậu ta. Sean chỉ cho Joe cái Bionicle của Lego - một con rô bốt chiến binh nhỏ - và sau đó bảo Joe rằng nhiệm vụ của cậu ta là lắp ráp đúng con Bionicle đó từ bốn mươi miếng Lego. Sau đó, Sean nói cho Joe biết quy tắc để được nhận tiền. "Quy tắc cơ bản là cậu sẽ được trả tiền theo mức độ giảm dần cho mỗi chiếc Bionicle mà cậu lắp", Sean nói, "Cái đầu tiên cậu sẽ nhận được 2 đô-la. Sau khi cậu lắp xong cái đầu tiên, tôi sẽ hỏi liệu cậu có muốn lắp tiếp không, lần này sẽ giảm đi 11 xu, tức là 1 đô-la 89 xu. Nếu cậu nói cậu muốn tiếp, tôi sẽ đưa cậu cái thứ hai. Quy trình cứ tiếp tục như vậy và mỗi con Bionicle tiếp theo, số tiền nhận được lại giảm đi 11 xu, cho đến khi nào cậu quyết định là mình không muốn lắp thêm con Bionicle nào nữa. Đến khi đó, cậu sẽ nhận được toàn bộ số tiền trả cho những con robot mà cậu đã lắp được. Thời gian không bị giới hạn, và cậu có thể lắp Bionicle cho đến khi nào thấy ích lợi của nó không đáng so với công sức bỏ ra".
Joe gật đầu, háo hức được tiến hành ngay. Sean thông báo tiếp "Còn điều này nữa, chúng tôi sẽ sử dụng cùng một loại Bionicle cho tất cả những người tham gia và vì thế, khi người tiếp theo đến, tôi sẽ phải tháo tất cả những con Bionicle mà cậu đã lắp và cho vào hộp của chúng để người sau có thể chơi. cậu rõ rồi chứ?"
Joe nhanh chóng mở hộp đựng các mảnh nhựa đầu tiên, liếc qua bản hướng dẫn cách lắp và bắt đầu công việc. Cậu ta rõ ràng là rất thích thú với việc ghép các mảnh nhỏ lại với nhau và xem các con robốt lạ mắt được hình thành. Khi kết thúc, cậu xếp con rô bốt vào vị trí chiến đấu và đề nghị được lấy tiếp con khác để lắp. Sean lưu ý Joe về số tiền cậu ta nhận được cho con Bionicle sau (1 đô-la 89 xu) và đưa cho cậu ta chiếc hộp tiếp theo. Mỗi khi Joe bắt tay vào con rô bốt sau, Sean lại nhấc con đã lắp xong và đặt vào cái hộp dưới gầm bàn, nơi nó đã được dự tính sẽ bị tháo ra để dành cho người chơi kế tiếp.
Giống như một người đang thi hành nhiệm vụ, Joe lắp hết con rô bốt này đến con rô bốt khác, trong khi Sean tiếp tục xếp chúng vào cái hộp dưới gầm bàn. Sau khi đã lắp xong 10 con rô bốt, Joe thông báo anh đã thấy đủ và nhận số tiến 15 đô-la 5 xu. Trước khi rời khỏi, Sean đề nghị Joe trả lời một số câu hỏi về sở thích chơi Lego của cậu ta và xem cậu thích công việc này đến đâu. Joe nói cậu là fan của Lego và cậu thực sự thích thú trò chơi thí nghiệm này, và sẽ giới thiệu để bạn bè đến chơi.
Người tiếp theo tham gia thí nghiệm là một chàng trai trai trẻ có tên là Chad, một sinh viên đang học dự bị trường Y rất hồ hởi - cũng có thể do uống quá nhiều cà phê. Khác với Joe, công việc mà Chad được giao là một quá trình mà nhóm chúng tôi gọi là “Sisyphus”. Đó chính là trường hợp mà chúng tôi quan tâm.
Tất nhiên là người chơi của chúng tôi không làm gì ác để phải bị trừng phạt cả. Chúng tôi chỉ dùng thuật ngữ đó với mục đích mô tả điều kiện chơi kém may mắn hơn so với những người khác.
TRUYỀN THUYẾT SISYPHUS
Chúng tôi sử dụng thuật ngữ “Sisyphus” là dựa theo câu chuyện thần thoại về nhà vua Sisyphus, người đã bị các vị thần trừng phạt vì tính tham lam và gian trá. Không chỉ giết những người bộ hành và các vị khách, quyến rũ cháu gái và cướp ngai vàng của người anh trai, Sisyphus còn lừa dối các vị thần.
Trước khi chết, biết rằng mình sẽ phải xuống địa ngục, Sisyphus bắt vợ phải hứa sẽ phản đối việc tuân theo tục lệ là chết theo hắn. Vừa xuống đến âm phủ, Sisyphus đã thuyết phục Persephone tốt bụng, nữ chúa tể của Địa Ngục cho phép hắn quay lại dương gian với mục đích hỏi người vợ của mình vì sao lại không thực hiện bổn phận. Tất nhiên là Persephone không biết gì về việc Sisyphus đã có chủ ý yêu cầu vợ mình làm như vậy nên đồng ý. Sisyphus thoát khỏi Địa Ngục và không chịu quay lại nữa. Về sau, hắn ta bị bắt đưa trở lại Địa Ngục, các vị thần vô cùng giận dữ nên đã trừng phạt hắn như sau: từ đó cho đến vĩnh viễn về sau, hắn sẽ phải đẩy một tảng đá khổng lồ lên đỉnh dốc, một công việc vô cùng cực nhọc. Mỗi lần hắn đẩy gần đến nơi, tảng đá lại lăn trở lại chân dốc và hắn lại phải làm lại từ đầu.
Sean giải thích các yêu cầu và lợi ích của công việc cho Chad theo đúng cách đã giải thích cho Joe. Chad tóm ngay lấy cái hộp, mở nó, lôi tờ hướng dẫn lắp Bionicle ra và xem xét một cách kỹ lưỡng, xác định chiến lược cho mình. Trước tiên, cậu phân các mảnh ghép theo nhóm, theo thứ tự phải dùng đến rồi mới tiến hành lắp ráp, rất nhanh từ miếng này sang miếng khác. Cậu thực hiện công việc một cách hết sức hoan hỉ, hoàn thành xong con Bionicle đầu tiên chỉ trong ít phút và đưa nó cho Sean theo yêu cầu. “Hai đô-la nhé,” Sean nói. “Cậu có muốn lắp tiếp để lấy một đô-la 89 xu không?” Chad gật đầu một cách hết sức nhiệt tình và bắt đầu với con rô bốt thứ hai, vẫn theo chiến lược như lúc trước.
Trong khi Chad đang bắt đầu lắp các mảnh nhựa đầu tiên của con Bionicle thứ hai (hãy chú ý, bởi đây chính là chỗ mà hai điều kiện chơi khác nhau), Sean chậm rãi tháo con Bionicle đầu tiên, từng mảnh từng mảnh một, xếp chúng vào cái hộp.
“Sao lại tháo nó ra?” Chad hỏi, trông có vẻ bối rối và mất tinh thần. “Chỉ là do công việc yêu cầu thôi mà,” Sean giải thích. “Chúng tôi cần tháo nó trong trường hợp cậu muốn lắp con Bionicle khác.”
Chad tập trung trở lại vào con rô bốt đang làm dở, nhưng năng lượng và sự thích thú cho việc lắp Bionicle thì rõ ràng là đã biến mất. Khi xong con thứ hai, cậu dừng lại. Cậu có lắp tiếp con thứ ba không? Sau một chút ngập ngừng, Chad nói cậu sẽ lắp tiếp.
Sean đưa cho Chad cái hộp đầu tiên (có con rô bốt mà Chad đã lắp ghép còn Sean thì tháo rời nó), và Chad bắt tay vào việc. Lần này có vẻ nhanh hơn một chút, nhưng không còn sử dụng chiến lược như lúc trước nữa; có thể anh ta cảm thấy việc lập kế hoạch là không cần thiết, hoặc cũng có thể anh ta thấy rằng chẳng cần có thêm bước đó.
Trong khi đó, Sean lại chậm rãi tháo con Bionicle thứ hai mà Chad vừa lắp được và đặt các miếng ghép trở lại hộp. Sau khi Chad hoàn thành con thứ ba, cậu ngắm nghía rồi đưa cho Sean. “Tổng cộng là 5 đô-la 67 xu,” Sean thông báo. “Cậu muốn lắp con tiếp theo không?” Chad kiểm tra giờ trên điện thoại di động và nghĩ một thoáng. “Thôi được,” cậu trả lời, “tôi sẽ lắp tiếp con nữa.”
Sean lại đưa cho chàng trai trẻ con Bionicle lần hai, để Chad, theo ý định của chúng tôi, lắp lại nó. (Tất cả những người chơi theo điều kiện này đều phải lắp đi lắp lại chỉ với hai con Bionicle cho đến khi nào họ quyết định dừng.) Chad đã cố gắng để lắp cả hai con Bionicle hai lần, tổng cộng là bốn lần, nhận được 7 đô-la 34 xu.
Sau khi trả tiền cho Chad, Sean đặt những câu hỏi giống như những người chơi khác, rằng cậu có thích chơi Lego không, và cậu có cảm giác thích thú khi tham gia thí nghiệm này không.
“Vâng, tôi thích chơi Lego, nhưng tôi không tán thưởng thí nghiệm theo kiểu này,” Chad nói và nhún vai. Cậu ta bỏ số tiền nhận được vào ví rồi đi thẳng.
Kết quả này cho thấy điều gì? Joe và những người tham gia thí nghiệm khác tiến hành trong điều kiện có ý nghĩa lắp trung bình 10,6 con Bionicle và nhận được trung bình 14 đô-la 40 xu cho mỗi người. Thậm chí ngay cả khi họ đã đạt đến điểm mà khi đó số tiến kiếm được cho mỗi con Bionicle chỉ chưa đến 1 đô-la (tức là phân nửa số tiền của con rô bốt đầu tiên) thì vẫn có 65% số người thuộc nhóm chơi theo điều kiện có ý nghĩa tiếp tục công việc. Ngược lại, những người thuộc điều kiện Sisyphus đều dừng chơi sớm hơn. Trung bình, mỗi người nhóm này lắp được 7,2 con Bionicle (68% so với số lượng mà mỗi người thuộc nhóm thực hiện công việc có ý nghĩa lắp được) và kiếm trung bình 11 đô-la 52 xu mỗi người. Chỉ có 20% số người tham gia chơi trong điều kiện Sisiphus vẫn lắp Bionicle khi số tiền nhận được mỗi con rô bốt giảm xuống dưới 1 đô-la.
Cùng với việc so sánh con số Bionicle mà mỗi người chơi lắp được trong hai trường hợp khác nhau, chúng tôi muốn xem việc yêu thích Lego của mỗi người ảnh hưởng như thế nào đối với việc họ kiên nhẫn thực hiện công việc trong thí nghiệm này. Chắc là bạn sẽ trông đợi rằng người nào càng yêu thích Lego thì càng lắp được nhiều con Bionicle (được đo bằng mối tương quan thống kê được giữa hai con số.) Thực tế đúng là như vậy. Nhưng còn có một thực tế nữa là ở hai điều kiện khác nhau thì sự tương quan giữa tình yêu Lego và sự kiên trì trong thí nghiệm cũng khác nhau. Trong trường hợp được tham gia trò chơi có ý nghĩa, sự liên quan này là rất lớn, trong khi tương quan này gần như bằng 0 trong điều kiện chơi Sisyphus.
Phân tích này cho tôi thấy rằng nếu bạn chọn những người yêu thích một thứ gì đó (các sinh viên trong thí nghiệm này đăng ký tham gia thí nghiệm lắp Lego) và đặt họ vào điều kiện được tham gia công việc có ý nghĩa, sự thích thú có được từ công việc sẽ là động lực lớn thúc đẩy sự cố gắng của họ. Tuy nhiên, nếu bạn cũng chọn những người có cùng niềm say mê như vậy và đặt họ vào điều kiện công việc kém ý nghĩa hơn, có thể bạn sẽ giết chết sự hứng thú trong họ một cách dễ dàng.
HÃY TƯỞNG TƯỢNG rằng bạn là một nhà tư vấn đi thăm hai nhà máy sản xuất Bionicle. Điều kiện làm việc trong nhà máy Bionicle thứ nhất tương tự với nhà máy có điều kiện làm việc kiểu Sisyphus (điều đó, đáng buồn là không khác lắm với nhiều chỗ làm việc hiện nay). Sau khi quan sát hành vi của các công nhân, bạn rất dễ đi đến kết luận là họ không thích Lego mấy (hoặc có thể họ không có mối quan tâm đặc biệt nào với Bionicle). Bạn cũng quan sát thấy là nhu cầu nhận lương thưởng là cái thúc đẩy họ làm công việc không mấy yêu thích và họ sẽ bỏ việc rất nhanh khi mà thù lao giảm xuống một mức nhất định.
Khi bạn trình bày vấn đề trên PowerPoint trước ban lãnh đạo của công ty, bạn nhận xét là mức lương cho một đầu sản phẩm đã giảm xuống, mức độ sẵn sàng làm việc của các nhân viên cũng đã mất đi đáng kể. Từ đó, bạn kết luận tiếp rằng nếu nhà máy muốn tăng năng suất thì lương cho công nhân phải tăng nhiều hơn.
Sau đó, bạn đi thăm nhà máy Bionicle thứ hai, được tổ chức theo cách tương tự với điều kiện làm việc có ý nghĩa. Bây giờ, hãy tưởng tượng xem kết luận của ban về tính chất nặng nhọc của công việc, về sự yêu thích đối với nó, về mức thù lao cần thiết để có thể động viên mọi người làm việc sẽ khác trường hợp trên như thế nào.
Thực tế, chúng tôi cũng tiến hành một thí nghiệm tư vấn liên quan đến vấn đề này bằng việc mô tả hai điều kiện thí nghiệm cho những người tham gia và yêu cầu họ ước tính sự khác biệt về năng suất làm việc giữa hai nhà máy. Về cơ bản thì họ đều đúng khi đưa ra nhận định rằng tổng sản phẩm của nhà máy có điều kiện làm việc có ý nghĩa sẽ cao hơn điều kiện làm việc kiểu Sisyphus. Nhưng họ bị sai về mức độ chênh lệch. Họ nghĩ rằng những người làm việc trong điều kiện có ý nghĩa có thể có năng suất cao hơn từ một đến hai con Bionicle, trong khi thực tế là họ làm ra trung bình cao hơn 3,5 con. Kết quả này cho thấy rằng ngay cả khi chúng ta có thể nhận ra được hiệu ứng của những ý nghĩa mặc dù là nhỏ nhoi (small-m) đối với động cơ làm việc, chúng ta vẫn đánh giá quá thấp sức mạnh thực tế của nó.
Theo hướng này, chúng ta hãy nghĩ đến kết quả của thí nghiệm Bionicle về vấn đề tác động đối với lao động trên thực tế. Joe và Chad thích chơi Lego và được trả cùng một mức. Cả hai đều biết rằng sản phẩm của họ chỉ có tính tạm thời. Sự khác nhau duy nhất là Joe thì duy trì được ảo tưởng rằng công việc của mình là có ý nghĩa và vì vậy, tiếp tục say mê lắp Bionicle. Còn Chad thì phải tận mắt chứng kiến công lao của mình bị dỡ ra từng mảnh từng mảnh một, buộc anh ta biết một sự thật là công sức của anh ta chẳng có ý nghĩa gì. Tất cả những người tham gia nhìn chung đều hiểu rằng toàn bộ công việc nói chung là ngớ ngẩn, họ chỉ có làm những thứ linh tinh từ Lego chứ chẳng phải là thiết kế một con đập, cứu sống ai đó, hay phát triển một phương pháp chữa bệnh. Nhưng với những người trong điều kiện chơi giống như Chad, phải nhìn thấy công trình của mình bị phá ra ngay trước mắt thì thực sự là nản chí. Điều đó đủ để giết chết ngay lập tức tất cả sự hứng thú mà người ta có thể có được từ Bionicle.
Kết luận này có vẻ phù hợp với chuyện xảy ra với David và Devra; sự chuyển hóa từ hứng thú sang sự sẵn sàng làm việc phụ thuộc rất nhiều vào việc chúng ta thấy lao động của mình có ý nghĩa ra sao.
BÂY GIỜ, KHI chúng tôi đã làm hỏng những ký ức tuổi thơ của một nửa những người đã tham gia thí nghiệm của mình, đã đến lúc để thử một cách tiếp cận khác cho thí nghiệm này. Lần này, cách tổ chức thí nghiệm dựa nhiều hơn vào sự việc của David. Một lần nữa, chúng tôi lại lập ra một cái quầy ở khu trung tâm sinh viên, nhưng lần này chúng tôi đưa ra ba điều kiện khác nhau và sử dụng loại công việc khác.
Chúng tôi lập một trang giấy với những dãy chữ ngẫu nhiên và yêu cầu các sinh viên phải tìm những chỗ mà hai chữ s đi liền nhau. Chúng tôi bảo trước với họ là mỗi bảng chữ sẽ có mười trường hợp có cặp chữ ss đi liền và họ phải tìm được đủ mười cặp để hoàn tất trò chơi. Chúng tôi cũng cho họ biết về cách tính tiền thưởng: họ sẽ nhận được 55 xu khi hoàn thành tờ thứ nhất, 50 xu khi hoàn thành tờ thứ hai và cứ vậy (từ tờ thứ 20 về sau thì sẽ chẳng nhận được gì).
Ở điều kiện đầu tiên (mà chúng tôi gọi là “được ghi nhận”), chúng tôi yêu cầu các sinh viên viết tên họ lên mỗi tờ giấy trước khi bắt đầu chơi và sau đó tìm mười cặp liên tục có chữ ss. Khi họ hoàn thành xong một trang, họ đưa nó cho người tổ chức thí nghiệm, người sẽ nhìn toàn bộ bảng chữ từ trên xuống dưới, gật gù tán thưởng và đặt nó úp xuống một chồng các trang giấy khác. Hướng dẫn chơi cho điều kiện “phớt lờ” về cơ bản cũng tương tự, nhưng chúng tôi không yêu cầu người chơi viết tên họ lên phần đầu trang giấy nữa. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, họ đưa tờ giấy cho người tổ chức thí nghiệm, người này sẽ đặt nó lên trên chồng giấy mà không hề nhìn qua tí nào. Với điều kiện thứ ba, gọi theo linh tính của chúng tôi là “điều kiện phá hủy”, chúng tôi làm mọi việc tồi tệ hơn. Mỗi khi người tham gia thí nghiệm nộp lại tờ giấy họ đã làm, thay vì đặt nó vào tập giấy trên bàn, người tổ chức thí nghiệm tống nó ngay vào cái máy hủy tài liệu, ngay trước mắt người chơi và thậm chí còn chẳng thèm nhìn vào đó.
Chúng tôi rất ấn tượng về sự khác biệt mà việc chỉ đơn giản là ghi nhận có thể tạo ra. Dựa vào kết quả của thí nghiệm đối với Bionicle, chúng tôi vẫn nghĩ là người chơi với điều kiện được ghi nhận sẽ có kết quả tốt nhất. Và thực tế là họ hoàn thành nhiều bảng chữ hơn nhiều so với những người chơi ở điều kiện bị phá hủy. Khi chúng tôi kiểm tra xem bao nhiêu người tiếp tục làm công việc tìm các cặp chữ ss sau khi tiền thưởng đã đến cái mức rẻ mạt là 10 xu (tức là đã đến bảng chữ cái thứ mười), chúng tôi nhận thấy khoảng một nửa (49%) số người ở điều kiện được ghi nhận tiếp tục chơi để hoàn thiện 10 bảng chữ hoặc hơn, trong khi chỉ có 17% số người trong nhóm điều kiện phá hủy là chơi bản thứ 10 hoặc hơn. Thực tế thì có vẻ như là công việc tìm các cặp chữ có thể là vừa thú vị vừa cuốn hút (nếu cố gắng của bạn được ghi nhận) hoặc là đau lòng (nếu công sức bỏ ra bị phá hủy).
Nhưng còn những người thực hiện thí nghiệm trong điều kiện phớt lờ thì sao? Kết quả lao động của họ không bị phá hủy, nhưng cũng không nhận được bất kỳ phản hồi nào. Những người này hoàn thành được bao nhiêu bảng chữ? Số lượng của họ có bằng với những người có điều kiện chơi được ghi nhận hay không? Họ có coi việc không có phản ứng là điều tồi tệ và vì vậy chỉ làm với số lượng bằng với những người tham gia trong điều kiện phá hủy hay không? Hay kết quả của những người chơi ở điều kiện phá hủy sẽ là ở giữa mức của hai nhóm còn lại?
Kết quả cho thấy rằng những người chơi trong điều kiện được ghi nhận hoàn thành trung bình 9,03 bản chữ cái; những người tham gia với điều kiện phá hủy hoàn thành 6,34 bản và những người tham gia với điều kiện bị phớt lờ (nổi trống lên nào) hoàn thành có 6,77 bản chữ cái (chỉ có 18% là hoàn thành 10 bản hoặc hơn). Khối lượng công việc của nhóm có điều kiện phớt lờ gần với khối lượng công việc của nhóm phá hủy hơn là nhóm được ghi nhận.
THÍ NGHIỆM NÀY giúp chúng ta hiểu rằng việc làm mất đi ý nghĩa của công việc hóa ra lại dễ dàng một cách đáng ngạc nhiên. Nếu bạn là một nhà quản lý và bạn thực sự muốn nhân viên của mình mất hết động cơ làm việc, chỉ cần phá hủy kết quả công việc ngay trước mặt họ. Hoặc, nếu bạn muốn tế nhị hơn một chút, chỉ cần lờ họ và những nỗ lực của họ đi. Ngược lại, nếu bạn muốn khuyến khích mọi người làm việc với bạn và vì bạn, việc chú ý tới họ, tới những nỗ lực cũng như thành quả lao động của họ chắc chắn là rất có ích.
Còn có một cách khác để nhìn nhận kết quả thu được từ thí nghiệm tìm cặp chữ này. Những người chơi trong điều kiện bị phá hủy nhanh chóng nhận ra ngay rằng họ có thể ăn gian, vì chẳng ai buồn nhìn đến sản phẩm của họ. Trên thực tế, nếu những người tham gia này duy lý trí, khi nhận thấy kết quả của mình không bị kiểm tra, họ có thể chơi một cách giả tạo, chơi cho đến mức lâu nhất có thể để kiếm được số tiền nhiều nhất. Với thực tế là nhóm làm việc ở điều kiện được ghi nhận làm việc lâu hơn và nhóm ở điều kiện phá hủy làm việc ít nhất cho thấy thêm một điều là đối với lao động, động cơ làm việc của con người là vấn đề rất phức tạp. Nó không thể bị suy giảm bởi sự đánh đổi thuần túy là làm việc để kiếm tiền. Thay vào đó, chúng ta cần nhận biết được tác dụng của ý nghĩa đối với công việc, cũng như hiểu được rằng tác động của việc làm mất đi ý nghĩa của công việc sẽ lớn hơn chúng ta vẫn tưởng.
Phân công và Ý nghĩa của lao động
Kết quả của hai thí nghiệm theo nhận định của tôi là rất nhất quán, và tác động to lớn của những sự khác biệt nhỏ về ý nghĩa thật đáng giật mình. Tôi thật sự sửng sốt trước việc những người chơi trong điều kiện Sysiphus gần như đã mất hết cả sự hứng thú với trò Lego. Khi tôi suy nghĩ về tình huống xảy ra với David, Devra và những người khác, tôi chợt nghĩ đến công việc của người trợ lý hành chính của mình.
Jay đã viết lên giấy bản mô tả đầy đủ công việc đơn giản của mình như sau: anh ta quản lý các khoản chi tiêu cho nghiên cứu của tôi, trả tiền cho những người tham gia thí nghiệm, gọi văn phòng phẩm và các thứ cần thiết khác cho công việc nghiên cứu và sắp sếp lịch trình các chuyến đi. Nhưng việc phải sử dụng công nghệ thông tin đã khiến cho công việc của Jay mang dáng dấp của nhiệm vụ Sisyphus. Phần mềm kế toán SAP mà anh ta sử dụng hàng ngày đòi hỏi anh ta phải điền một số thông tin và các biểu mẫu điện tử thích hợp, gửi các biểu đó cho người khác, những người này, đến lượt họ lại điền tiếp các thông tin và chuyển biểu điện tử cho người khác nữa, người này sẽ phê chuẩn các khoản chi và đưa nó cho người sẽ trả tiền vào tài khoản. Jay tội nghiệp không chỉ đang phải làm một phần nhỏ của một công việc khá vô nghĩa, mà còn không bao giờ có được cảm giác hài lòng là được chứng kiến công việc đó hoàn tất ra sao.
Vì sao những con người đáng mến ở MIT và SAP lại thiết kế hệ thống làm việc kiểu như vậy? Vì sao họ lại phân chia công việc thành những phần nhỏ và giao cho mỗi người chịu trách nhiệm một phần, và không bao giờ cho họ biết diễn biến của toàn bộ quá trình hay là thông tin rằng công việc đã hoàn thành? Tôi ngờ rằng đó chính là dựa vào lý thuyết về hiệu quả mà Adam Smith đã dạy chúng ta. Theo như lập luận của Smith trong cuốnThe Wealth of Nations (Nguồn gốc của cải của các Quốc gia) vào năm 1776, phân công lao động là một cách hết sức có tác dụng để đạt được hiệu quả cao trong quá trình sản xuất. Hãy cùng xem xét ví dụ này, về quan sát của ông đối với một nhà máy sản xuất đinh ghim:
... sự phân công lao động đã thường xuyên được lưu ý trong công việc của người sản xuất đinh ghim; một công nhân không được đào tạo để làm công việc này (mà sự phân công lao động đã khiến nó trở thành một công việc hoàn toàn khác), hay quen với việc sử dụng các máy móc trong công việc đó (mà chính sự phân công lao động đã mang lại cơ hội sáng tạo ra nó) có lẽ là khó có thể, dù là cố gắng hết sức, để có thể làm ra một cái đinh ghim một ngày, và dĩ nhiên, không thể làm được mười hai cái. Nhưng bằng cách tiến hành công việc như hiện nay, không chỉ toàn bộ quy trình công việc trở nên khác biệt, mà nó còn được chia thành những phần nhỏ và từng phần trong đó, phần lớn đều cũng là những công việc khác biệt. Một người kéo sợi kim loại, người khác duỗi thẳng nó, người thứ ba cắt nó thành từng đoạn, người thứ tư mài nhọn đầu, người thứ năm mài phía trên để lắp đầu đinh; để làm đầu đinh cũng đòi hỏi hai đến ba công đoạn khác nhau; lắp nó vào cũng là một công đoạn, mạ trắng là một công đoạn khác và việc gài nó vào bìa giấy thậm chí cũng là một công đoạn; và một công việc quan trọng là sản xuất đinh ghim, theo cách này, được chia thành khoảng mười tám công đoạn khác nhau, mà, ở một số nhà máy, được thực hiện bởi những người khác nhau trong khi một số khác thì một người có thể làm hai đến ba công đoạn. Tôi đã từng chứng kiến một nhà máy nhỏ dạng này, ở đó họ có mười công nhân và một vài người trong số đó phải làm hai đến ba công đoạn. Nhưng mặc dù họ rất nghèo và vì thế phải, mặc dù rất thờ ơ, làm quen với những máy móc cần thiết, họ có thể, khi gắng sức, làm ra được khoảng mười hai cân Anh đinh ghim mỗi ngày. Mỗi cân Anh đinh ghim được khoảng bốn ngàn đinh cỡ trung bình, như vậy mười người đó có thể làm đến bốn mươi tám ngàn chiếc đinh ghim mỗi ngày.
Khi chúng ta hoạch định các công việc và chia nhỏ chúng, chúng ta tạo ra hiệu quả có tính cục bộ; mỗi người có thể làm tốt hơn ở phần công đoạn nhỏ mà anh ta đảm nhiệm. (Henry Ford và Frederick Winslow Taylor đã áp dụng khái niệm về sự phân công lao động vào dây chuyền sản xuất với việc phát hiện ra rằng cách này làm giảm các sai sót, tăng năng suất và vì vậy, cho phép sản xuất ô tô cũng như những hàng hóa khác theo kiểu hàng loạt.) Nhưng chúng ta thường không nhận ra rằng sự phân công lao động cũng có thể tiêu tốn chi phí nhân công. Năm 1844, Karl Marx — nhà triết học người Đức, nhà kinh tế chính trị, xã hội học, nhà cách mạng và cha đẻ của chủ nghĩa cộng sản — đã chỉ ra tầm quan trọng của cái mà ông gọi là “sự chán ghét lao động.” Theo Marx, một người cảm thấy chán lao động là người bị tách rời khỏi công việc của chính mình, khỏi mục tiêu công việc và khỏi quá trình sản xuất. Điều này làm cho người ta trở thành ngoài lề đối với công việc và không nhận thấy được đặc trưng cũng như ý nghĩa công việc của mình.
Tôi không phải là một người theo chủ nghĩa Marx (mặc dù nhiều người nghĩ rằng tất cả giới học thuật đều theo chủ nghĩa Marx), nhưng tôi thấy rằng chúng ta không nên phủ nhận hết ý nghĩa của lý thuyết về sự chán ghét lao động của Marx khi nói về môi trường công việc. Thực tế thì tôi cũng nghi ngờ lý thuyết về sự chán ghét lao động này có đúng với thời của Marx hay không, khi mà thậm chí nếu các công nhân cố gắng làm việc chăm chỉ thì cũng khó để mà tìm được ý nghĩa của công việc. Trong nền kinh tế hiện tại, khi chúng ta chuyển sang những công việc đòi hỏi trí tưởng tượng, sự sáng tạo, tư duy và dành toàn tâm cho nó, sự lưu ý của Marx đối với việc chán ghét lao động thực sự có ý nghĩa quan trọng khi bàn về lao động. Tôi cũng cho rằng việc Adam Smith nhấn mạnh hiệu quả của sự phân công lao động có lẽ là thích hợp hơn trong thời của ông, khi mà công việc được nghiên cứu khi đó chỉ là những hoạt động sản xuất đơn giản và không phù hợp lắm với nền kinh tế tri thức ngày nay.
Từ góc độ này, theo quan điểm của tôi, phân công lao động thực sự là mối nguy của các công nghệ dựa trên công việc. Hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại cho phép chúng ta phân chia công việc thành các phần nhỏ, rời rạc và giao cho mỗi người chỉ thực hiện một phần trong đó. Làm như vậy, các công ty sẽ có nguy cơ là làm cho các nhân viên không còn có cái nhìn toàn cảnh về công việc, về mục tiêu cuối cùng và ý thức về sự hoàn thành. Lao động được phân công ở mức độ cao có thể có hiệu quả nếu con người là những cỗ máy tự động, nhưng khi động lực bên trong và ý nghĩa công việc có tầm quan trọng thúc đẩy công việc cũng như tác động tới năng suất thì kiểu phân công này sẽ phản tác dụng. Thiếu ý nghĩa công việc, các công nhân trí thức sẽ có cảm giác như nhân vật của Charlie Chaplin trong phim Thời hiện đại, nhìn qua nhìn lại các dây chuyền và bánh răng của một cái máy trong công xưởng và hậu quả là chẳng còn ham muốn gì cho việc đặt trái tim và tâm hồn mình vào công việc nữa.
Cuộc kiếm tìm Ý nghĩa
Nếu nhìn vào thị trường lao động qua lăng kính này, không khó để nhận ra vô vàn cách mà các công ty, dù là không cố ý, đang làm mất đi động lực lao động của nhân viên của họ. Hãy dành một phút nghĩ về công việc tại chỗ làm của bạn, và tôi tin chắc thể nào bạn cũng nghĩ ra được không ít ví dụ minh họa cho điều này. Đó thật là một bức tranh đáng buồn, tuy nhiên cũng vẫn có điểm để chúng ta lạc quan. Nếu như công việc là một phần trọng tâm trong cuộc sống của chúng ta, sẽ là rất tự nhiên khi con người tìm kiếm ý nghĩa - dù là đơn giản và nhỏ bé nhất - ở trong đó. Phát hiện từ thí nghiệm về chơi Lego và tìm cặp chữ cho thấy những cơ hội thực sự để làm tăng động cơ làm việc cũng như nguy cơ làm mất hết cảm giác được đóng góp. Nếu các công ty thực lòng muốn nhân viên của mình làm việc, họ nên tìm cách để phát triển nhận thức về ý nghĩa - không chỉ thông qua những mô tả về viễn cảnh mà bằng việc cho phép các nhân viên có được cảm giác về hoàn thành công việc và đảm bảo rằng công việc tốt luôn được ghi nhận. Dù thế nào chăng nữa, những nhân tố này cũng ảnh hưởng lớn đến sự hài lòng cũng như năng suất làm việc.
Một bài học khác về ý nghĩa và sự quan trọng của công việc được hoàn thành cũng đã nhận được từ một trong những người anh hùng trong nghiên cứu của tôi, George Loewenstein.
George phân tích các báo cáo về một công việc cực kỳ khó khăn và đầy thách thức: leo núi. Dựa vào phân tích của mình, anh ta kết luận rằng leo núi là “sự khổ sở kéo dài từ khi bắt đầu đến khi kết thúc.” Nhưng leo núi cũng lại tạo ra một ý nghĩa to lớn về đạt được mục tiêu (dù cuối cùng cũng chỉ là đề tài cho những chuyện phiếm trong bàn ăn tối). Mong muốn đạt được mục tiêu luôn chảy trong huyết quản của mỗi con người - có lẽ cũng sâu sắc như cá, chuột nhảy, chuột, khỉ, vượn hay vẹt chơi với trò SeekaTreat. George đã từng viết thế này:
Chính tôi cũng nghi ngờ mối liên hệ “khó hiểu” giữa động cơ thiết lập mục tiêu và sự hoàn thành mục tiêu. Con người, giống các con vật và thậm chí cả thực vật, được duy trì bởi hàng loạt các cơ chế điều chỉnh phức tạp để giữ cho các hệ thống trong cơ thể được cân bằng. Rất nhiều những sự khổ sở trong quá trình leo núi như đói, khát, đau đớn là minh chứng của những cơ chế tự điều chỉnh thúc đẩy con người làm cái công việc cần phải làm để tồn tại… nhu cầu của cơ thể đối với việc hoàn thành mục tiêu khi đó có thể chỉ đơn giản là một biểu hiện khác của bộ máy cơ thể khi hướng tới giải quyết các vấn đề - trong trường hợp này, vấn đề chính là tiến hành các hành động đã có động lực bên trong thúc đẩy.
Suy nghĩ về những bài học này, tôi quyết định mang quan niệm về ý nghĩa ra để áp dụng cho công việc của Jay bằng cách giúp cho anh ta hình dung ra bối cảnh chung. Hàng tuần, tôi dành một số thời gian để giải thích với anh về nghiên cứu mà chúng tôi đang tiến hành, vì sao chúng tôi phải làm các nghiên cứu này và chúng tôi sẽ thu được gì từ đó. Tôi thấy là Jay tỏ ra rất phấn khích khi được thông tin và được trao đổi về các nghiên cứu, nhưng ít tháng sau, anh ta thôi việc ở MIT để theo học một khóa thạc sĩ về báo chí, vì vậy tôi cũng không chắc là cố gắng của tôi có thành công hay không. Không bận tâm lắm về thành công hay thất bại với Jay, tôi tiếp tục áp dụng cách làm của mình với những người đang cùng cộng tác, trong đó có cả cánh tay phải rất đắc lực là Megan Hogerty.
Cuối cùng, kết quả chúng tôi thu được cũng cho thấy chỉ một ý nghĩa nhỏ cũng làm cho chúng tôi đi xa hơn rất nhiều. Sau rốt, các nhà quản lý (cũng như người vợ hay người chồng, giáo viên, phụ huynh) có lẽ không cần phải tăng ý nghĩa công việc lên nhiều lắm để có thể đảm bảo rằng họ không làm hỏng quá trình làm việc. Có lẽ lời thề Hippocrates, nhà y học thời Hy Lạp cổ đại, cũng quan trọng trong công việc của các ngành khác không kém gì trong ngành y, khi nó được sử dụng để cho mục tiêu “tạo cho hai việc sau trở thành thói quen, đó là có ích hoặc ít nhất cũng không gây thiệt hại".
Lẽ Phải Của Phi Lý Trí Lẽ Phải Của Phi Lý Trí - Dan Ariely Lẽ Phải Của Phi Lý Trí