Nguyên tác: The Monogram Murders (2014)
Số lần đọc/download: 257 / 41
Cập nhật: 2020-04-04 20:28:24 +0700
Chương 3 - Tại Khách Sạn Bloxham
S
áng hôm sau, tại Bloxham, tôi cứ nhấp nhổm mãi vì biết rằng Poirot sẽ đến vào bất cứ lúc nào để nói với đám cảnh sát tầm thường chúng tôi rằng hướng chúng tôi điều tra ba án mạng là ngu ngốc như thế nào. Tôi là người duy nhất biết ông ta sẽ đến, điều đó càng khiến tôi bực bội. Tôi sẽ chịu trách nhiệm về sự hiện diện của ông, và tôi lo rằng ông sẽ làm cả nhóm mất tinh thần. Nói thật lòng, tôi còn sợ ông làm thối chí cả chính tôi nữa kìa. Trong ánh sáng lạc quan của một ngày tháng 2 sáng sủa lạ thường, và sau giấc ngủ say nồng đến đáng ngạc nhiên, tôi không hiểu nổi vì sao mình không cấm tiệt Poirot lai vãng đến Bloxham. Tuy nhiên, việc cấm đó chắc cũng chẳng tác dụng gì. Tôi có cấm thì chắc gì ông đã nghe theo.
Poirot đến khi tôi đang ở tiền sảnh sang trọng, trò chuyện với ông Luca Lazzari, quản lý khách sạn. Lazzari là một người thân thiện, ân cần, cực kỳ nhiệt tình. Ông có mái tóc xoăn đen, giọng nói nghe như hát, bộ ria mép khác xa bộ ria của Poirot. Lazarri có vẻ đã xác định rằng tôi và các đồng nghiệp cảnh sát cần dành thời gian để thưởng thức mọi cái hay, cái tốt của Bloxham chẳng khác gì các vị khách có trả tiền – dĩ nhiên là nói về những người không bị giết.
Tôi giới thiệu ông ta với Poirot. Poirot gật đầu khá xẵng. Ông có vẻ bực bội và lát sau tôi mới biết vì sao.
“Tôi không tìm thấy Jennie,” ông nói. “Suốt nửa buổi sáng tôi ngồi chờ ở quán cà phê, nhưng cô ta không đến!”
“Chưa đến nửa buổi buổi sáng đâu, ông Poirot,” tôi nói, vì ông có xu hướng cường điệu.
“Cả cô Fee cũng không có đó. Các cô phục vụ khác thì chẳng thể cho tôi biết điều gì.”
“Xui nhỉ,” tôi nói, không ngạc lắm nhiên trước tin này. Đã có lúc tôi cảm thấy có lỗi khi nghĩ Jennie có thể trở lại quán cà phê. Có lẽ tôi phải ráng sức hơn để giúp Poirot nhận thức vấn đề: cô ta đã chạy khỏi Poirot và quán cà phê Pleasant sau khi tuyên bố rằng cô đã sai lầm khi tin cậy vào ông. Lý do quái nào khiến cô ta trở lại quán hôm sau và cho phép ông bảo vệ cô?
“Nào!” Poirot nhìn tôi chờ đợi. “Anh có gì để kể tôi nghe không?”
“Cả tôi cũng ở đây để cung cấp mọi thông tin ông cần,” ông Lazzari nói, mặt tươi tỉnh. “Luca Lazzari xin hân hạnh phục vụ. Ông đã từng viếng thăm khách sạn Bloxham chưa, thưa ông Poirot?”
“Non.”
“Ông thấy nó có tuyệt vời không? Giống như một cung điện của Thời kỳ Tươi đẹp, phải không ạ? Lộng lẫy! Tôi hy vọng ông để mắt chiêm ngưỡng những tuyệt tác nghệ thuật đầy rẫy khắp xung quanh chúng ta!”
“Oui. Hơn hẳn nhà trọ của bà Unsworth, mặc dù nhà trọ đó có cảnh quan nhìn từ cửa sổ đẹp hơn,” Poirot sỗ sàng nói. Tâm trạng cáu bẳn của ông chắc chắn đã len lỏi vào câu đó.
“À, nói về quang cảnh từ khách sạn diễm lệ của chúng tôi!” Ông Lazzari chắp tay lại, vẻ say sưa. “Từ các phòng trông ra vườn hoa, khung cảnh là tuyệt đẹp, còn từ các phòng phía bên kia là London tráng lệ, một khung cảnh cực kỳ khác! Lát nữa tôi sẽ chỉ ông xem.”
“Tôi thích xem ba căn phòng diễn ra án mạng hơn,” Poirot nói.
Câu nói này gây ra một thoáng ngưng đọng trong nụ cười của ông Lazzari. “Thưa ông Poirot, ông có thể an tâm rằng tội ác khủng khiếp đó sẽ không bao giờ tái diễn ở khách sạn Bloxham nổi tiếng thế giới này. Ba án mạng trong một đêm, tôi thật không thể nào tin nổi.”
Poirot và tôi trao đổi một tia mắt. Vấn đề không phải là ngăn ngừa nó tái diễn trong tương lai, mà là xử lý thực tế nó đã diễn ra ngay lúc này.
Tôi quyết định siết dây cương, không để ông Lazzari có cơ hội huyên thuyên nữa. Bộ ria của Poirot chưa gì đã xoắn lên vì kiềm nén cơn cáu.
“Tên các nạn nhân là bà Harriet Sippel, cô Ida Gransbury và ông Richard Negus,” tôi nói với Poirot. “Mỗi người đều là khách và mỗi người đều thuê phòng đơn.”
“Mỗi người? Ý anh là phòng của mình, đúng không?” Poirot mỉm cười với câu đùa của ông. Tôi thì gắn sự cải thiện tâm trạng của ông với việc Lazzari rơi vào im lặng. “Tôi không định ngắt lời anh đâu, Catchpool. Anh cứ nói tiếp đi.”
“Cả ba nạn nhân đều đến khách sạn hôm thứ tư, một ngày trước khi họ bị giết.”
“Họ đến cùng nhau ư?”
“Không.”
“Chắc chắn là không ạ,” Lazzari nói. “Họ đến đây riêng rẽ, từng người một. Họ nhận phòng cũng từng người một.”
“Và họ đã bị giết từng người một,” Poirot nói, ngẫu nhiên mà giống hệt như suy nghĩ của tôi. “Ông chắc điều đó chứ?” ông hỏi Lazzari.
“Chắc mà. Tôi có lời thuật của ông John Goode, trưởng quầy lễ tân của tôi, một con người đáng tin cậy bậc nhất. Các ông sẽ gặp gỡ ông ta. Chỉ có những người hoàn hảo mới được nhận vào khách sạn Bloxham này, thưa ông Poirot, và khi trưởng quầy lễ tân của tôi đã nói sự việc là như thế thì tôi tin nó phải là như thế. Khắp đất nước và khắp thế giới, biết bao người xin xỏ được làm việc cho khách sạn Bloxham. Tôi chỉ nhận những người nào tốt nhất.”
Thật buồn cười, nhưng đến tận lúc đó, khi thấy Lazzari không biết cách đối xử với Poirot, tôi mới nhận ra mình hiểu rõ ông thám tử về hưu này đến mức nào. Cho dù Lazzari có viết bằng chữ lớn câu Người này là nghi can giết người rồi tròng nó quanh cổ John Goode, ông ta cũng chẳng khiến Poirot nghi ngờ thêm viên trưởng quầy lễ tân. Hercule Poirot không cho phép ai áp đặt bất cứ ý kiến nào. Thay vào đó, ông sẽ càng tin tưởng điều ngược lại.
“Vậy,” Poirot nói, “đó là sự trùng hợp đáng kể, đúng không nhỉ? Ba nạn nhân bị giết của chúng ta – bà Harriet Sippel, cô Ida Gransbury và ông Richard Negus – họ đến riêng rẽ và có vẻ chẳng dính dấp gì đến nhau. Thế mà cả ba đã chung nhau không chỉ ngày chết, tức ngày hôm qua, mà luôn cả cái ngày đến khách sạn Bloxham, tức hôm thứ tư.”
“Đáng kể chỗ nào?” tôi hỏi. “Một khách sạn lớn cỡ này thì có biết bao khách khác cùng đến vào ngày thứ tư. Ý tôi nói những khách không bị giết ấy.”
Đôi mắt Poirot trông như muốn phọt ra khỏi đầu. Tôi không thấy mình nói điều gì quá sốc, nên tôi vờ như không để ý đến sự sửng sốt đó và tiếp tục kể cho ông các tình tiết của vụ án.
“Mỗi nạn nhân đều được tìm thấy trong căn phòng khóa trái của chính mình,” tôi nói mà cảm thấy mình khá lưu tâm đến việc sử dụng cụm từ của chính mình. “Hung thủ đã khóa cả ba cánh cửa rồi trốn đi cùng các chìa khóa…”
“Attendez!” Poirot cắt ngang. “Ý anh là các chìa khóa đã biến mất? Anh đâu biết hung thủ có mang theo hoặc giữ chúng hay không.”
Tôi hít vào một hơi sâu. “Chúng tôi nghi ngờ hung thủ đã đem theo các chìa khóa. Chúng tôi đã lục soát rất kỹ, chắc chắn chìa khóa không có trong ba căn phòng, cũng không có ở nơi nào khác trong khách sạn.”
“Đội ngũ nhân viên xuất sắc của chúng tôi đã tiến hành kiểm tra và xác nhận đó là sự thật,” Lazzari nói.
Poirot nói ông muốn tự lục soát kỹ càng trong ba căn phòng. Lazzari hớn hở đồng ý, như thể Poirot vừa đề nghị một bữa tiệc trà tiếp nối bằng khiêu vũ.
“Ông cứ kiểm tra tùy thích, nhưng ông sẽ không tìm ra ba chiếc chìa khóa đâu,” tôi nói. “Tôi đã bảo hung thủ lấy chúng đi rồi mà. Tôi không biết hắn làm gì với chúng, nhưng…”
“Có lẽ hắn bỏ chúng vào túi áo khoác, cùng với một, hay ba, hay năm chiếc khuy măng-xét khác.” Poirot nói tỉnh khô.
“À, giờ thì tôi đã hiểu vì sao người ta nói ông là thám tử tài ba nhất, thưa ông Poirot!” Lazzari thốt lên dù ông ta không thể hiểu nhận xét của Poirot. “Ông có một bộ óc siêu việt, họ nói thế!”
“Nguyên nhân tử vong trông rất giống bị đầu độc,” tôi nói, không thích thú lắm với những lời ca ngợi trí tuệ sáng láng của Poirot. “Tôi nghĩ đó là chất độc cyanide, vốn tác dụng rất nhanh ở liều lượng đủ lớn. Kết quả xét nghiệm sẽ cho chúng ta biết đích xác, nhưng… gần như chắc chắn là thức uống của họ đã bị bỏ độc. Trong trường hợp Harriet Sippel và Ida Gransbury, thức uống là một tách trà. Trong trường hợp Richard Negus, là ly rượu vang.”
“Làm sao biết điều đó?” Poirot hỏi. “Thức uống vẫn còn trong các phòng ư?”
“Các tách vẫn còn, và ly rượu của Negus cũng còn. Các ly tách chỉ còn sót vài giọt, nhưng cũng khá dễ phân biệt giữa trà và cà phê. Chúng tôi sẽ tìm được cyanide trong các giọt sót lại, tôi dám cá là vậy.”
“Còn thời gian tử vong?”
“Theo pháp y, cả ba người bị giết trong khoảng thời gian từ 4 giờ chiều đến 8 giờ 30 tối. May thay, chúng tôi đã thu hẹp được dải thời gian này: chúng diễn ra từ 7 giờ 15 đến 8 giờ 10.”
“May thật!” Lazzari đồng ý. “Mỗi… ờ… mỗi vị khách quá cố đều được nhìn thấy lần cuối cùng còn sống vào lúc 7 giờ 15 bởi ba đại diện tuyệt đối đáng tin cậy của khách sạn chúng tôi, thế nên chúng tôi biết rằng thời gian đó ắt là đúng. Bản thân tôi thì lần lượt phát hiện các vị khách đã chết – tai họa này thật kinh khủng – trong khoảng từ 8 giờ 15 đến 8 giờ 20.”
“Nhưng vào lúc 8 giờ 10 họ hẳn đã chết rồi,” tôi nói với Poirot. “Đó là lúc người ta tìm thấy trên bàn lễ tân mảnh giấy báo tin những vụ giết người.”
“Đợi chút,” Poirot nói. “Chúng ta sẽ còn bàn luận kỹ về mảnh giấy đó. Ông Lazzari, ông chắc mỗi nạn nhân được các nhân viên khách sạn nhìn thấy lần cuối cùng còn sống vào chính xác 7 giờ 15 chứ?”
“Đúng vậy.” Lazzari gật đầu mạnh đến mức tôi lo cái đầu của ông ta sẽ rơi ra khỏi cổ. “Điều đó rất, rất đúng. Cả ba người đều đặt phục vụ bữa tối tại phòng vào lúc 7 giờ 15, và cả ba cuộc giao thức ăn đều cực kỳ đúng giờ. Đó là truyền thống của khách sạn Bloxham.”
Poirot quay sang tôi. “Lại là một sự trùng hợp énorme,” ông nói. “Harriet Sippel, Ida Gransbury và Richard Negus đến khách sạn cùng ngày, một ngày trước khi họ bị giết. Rồi vào ngày xảy ra án mạng, họ cùng đặt bữa tối phục vụ tại phòng vào chính xác 7 giờ 15. Chuyện này không bình thường chút nào cả.”
“Ông Poirot ạ, một việc đã diễn ra rồi thì ta có cần phải bàn xem nó bình thường hay không?”
“Non. Nhưng ta cần biết chắc nó có diễn ra theo đúng những gì chúng ta nghe khai báo hay không. Ông Lazzari, tôi biết chắc khách sạn của ông có ít nhất một gian phòng thật lớn. Xin làm ơn tập hợp toàn bộ nhân viên làm việc ở đây đến đó để tôi trao đổi với họ, càng sớm càng tốt nhé. Trong khi chờ đợi, tôi và ông Catchpool sẽ bắt đầu kiểm tra ba căn phòng có án mạng.”
“Vâng, và chúng ta phải làm nhanh trước khi họ đến lấy xác,” tôi nói. “Bình thường thì lúc này họ đã lấy xác đi rồi.”
Tôi không đả động gì đến chuyện mình xao lãng bổn phận, vốn là nguyên nhân gây trì hoãn. Trong khi vội vàng rời xa khách sạn Bloxham hồi đêm qua, khi đầu óc chỉ muốn nghĩ đến điều gì đó – bất cứ điều gì – dễ chịu hơn là ba án mạng, tôi đã lơ là việc sắp xếp những thứ cần thiết.
Tôi hy vọng Poirot có thể hâm nóng không khí thêm vài độ, nhân lúc ông Lazzari đi khỏi, nhưng đã không có thay đổi nào trong thái độ nghiêm nghị của ông, và tôi nhận ra rằng ông hẳn luôn như thế mỗi khi làm việc. Tôi thấy cũng hơi phiền vì đây là công việc của tôi chứ nào phải của ông, và ông đã chẳng làm gì để giúp tôi phấn chấn.
Tôi có chiếc chìa khóa tổng, và chúng tôi đi đến từng căn phòng nơi xảy ra án mạng. Trong khi chờ những cánh cửa mạ vàng cầu kỳ của thang máy mở ra.
Poirot nói: “Tôi mong rằng chúng ta có thể thống nhất với nhau một điều: lời của ông Lazzari về các nhân viên của khách sạn là không đáng tin cậy. Ông ta nói về họ cứ như họ vô can hết cả, mà điều đó thì dĩ nhiê là không thể một khi họ đã có mặt ở đây hôm qua, lúc xảy ra án mạng. Lòng trung thành của ông Lazzari thật đáng tuyên dương, nhưng ông ta quả là ngốc mới tin rằng nhân viên của Bloxham là des anges.”
Lòng tôi cũng thấy buồn phiền, cho nên tôi dốc luôn bầu tâm sự: “Tôi hy vọng ông không nghĩ rằng tôi cũng ngốc nốt. Tôi nói ban nãy về việc có biết bao khách khác cùng đến vào ngày thứ tư… Nói thế cũng hơi khinh suất. Các khách đến vào thứ tư mà không bị giết thảy đều không liên can, đúng không ạ? Ý tôi nói đó chỉ là trùng hợp đáng lưu ý khi ba người, hay bất kể bao nhiêu người, trong số các khách trọ có vẻ chẳng liên can gì với nhau lại đến vào cùng một ngày và bị giết vào cùng một đêm.”
“Oui.” Poirot mỉm cười với tôi một cách chân tình và nồng nhiệt khi chúng tôi cùng bước vào thang máy. “Anh đã có lại được niềm tin của tôi vào trí tuệ sắc bén của anh, bạn tôi ạ. Anh cũng đã diễn đạt rất đúng khi nói ‘có vẻ chẳng liên can gì với nhau’. Ba nạn nhân sẽ được phát hiện có liên hệ với nhau. Ngay lúc này tôi dám thề là như thế. Họ không được chọn ra ngẫu nhiên từ các vị khách của khách sạn. Ba người bị giết vì cùng một lý do, và lý do đó liên quan đến mấy chữ PIJ. Cũng vì lý do đó mà ba người họ đã đến khách sạn trong cùng một ngày.”
“Cứ như họ đã nhận thư mời đến trình diện kẻ giết hại mình vậy,” tôi nói với vẻ bỡn cợt. “Thư mời ghi: ‘Xin vui lòng đến trước một ngày, để thứ năm có thể dành trọn cho việc lấy mạng quý vị’.”
Có thể đó là một câu đùa vụng về, nhưng nói đùa là điều tôi thường làm mỗi khi cảm thấy thối chí và lo lắng. Đôi lúc tôi cũng thành công trong việc lừa dối mình và tưởng tượng rằng mọi sự đều ổn. Nhưng lần này thì không hiệu nghiệm.
“‘Dành trọn’…” Poirot lẩm bẩm. “Đúng, mon ami, đó cũng là một ý. Tôi hiểu là anh không nói nghiêm túc. Tuy nhiên, anh đã nêu được một ý rất thú vị.”
Tôi không nghĩ vậy. Đó là một câu đùa ngốc nghếch không hơn, không kém. Poirot chắc muốn động viên những ý tưởng phi lý nhất của tôi.
“Một, hai, ba,” Poirot nói khi chúng tôi đi lên bằng thang máy. “Harriet Sippel, phòng 121. Richard Negus, phòng 238. Ida Gransbury, phòng 317. Khách sạn còn có tầng bốn và tầng năm, nhưng ba nạn nhân lại ở các tầng nối tiếp nhau một, hai và ba. Khéo thật!” Poirot thường thích thú những thứ mà ông cho là khéo, nhưng lần này ông có vẻ lo lắng.
Chúng tôi quan sát ba căn phòng. Chúng tương đồng nhau hầu như ở mọi chi tiết. Mỗi phòng có một chiếc giường, một chiếc tủ, một bồn rửa với chiếc ly úp ngược ở một góc, nhiều ghế bành, một bàn con, một bàn làm việc, một lò sưởi lát gạch, một bộ tản nhiệt, một chiếc bàn rất lớn gần cửa sổ, một chiếc vali, quần áo, vật dụng cá nhân, và một xác chết.
Mỗi cửa phòng đều gài chốt, giam tôi lại bên trong…
“Cầm tay ông đi, Edward.”
Tôi không dám nhìn quá gần các xác chết. Tất cả đều nằm ngửa, thẳng người đến hoàn hảo, hai tay xuôi bên hông, chân hướng ra cửa. Một sự sắp đặt chỉn chu. (Ngay cả việc viết những dòng này, mô tả tư thế các tử thi, cũng gây ra trong tôi một cảm giác khó chịu. Chẳng trách gì tôi không dám nhìn gần khuôn mặt của ba nạn nhân, dẫu chỉ vài ba giây mỗi người. Những làn da xanh mét, những chiếc lưỡi bất động, nặng nề, những cặp môi cong vênh. Thế mà tôi vẫn phải xem xét chi tiết khuôn mặt họ thay vì nhìn những đôi tay không sức sống, phải làm việc gì đó thay vì thắc mắc điều mà mình không khỏi thắc mắc: Harriet Sippel, Ida Gransbury và Richard Negus liệu có muốn ai đó cầm tay họ khi họ đã chết, hay ý tưởng này sẽ làm họ kinh sợ. Hỡi ôi, não con người quả là bộ phận ương ngạnh, vô kiểm soát, và suy nghĩ đó đã khiến tôi rất đau đớn.)
Sắp đặt chỉn chu…
Một ý nghĩ giáng mạnh vào tôi. Có thể là thô thiển khi so sánh với ba hiện trường án mạng này, nhưng tôi nhận ra rằng các tử thi đã được sắp đặt như bác sĩ sắp đặt bệnh nhân từ trần sau khi đã chăm sóc họ suốt nhiều tháng. Thi thể của Harriet Sippel, Ida Gransbury và Richard Negus được sắp đặt với sự chăm chút tỉ mẩn nhất… hay ít ra tôi cảm thấy như thế. Kẻ giết họ đã chăm lo cho họ sau khi họ chết, và điều này khiến ta thấy rùng rợn khi nghĩ rằng hắn đã giết họ một cách lạnh lùng.
Thoáng có suy nghĩ đó, tôi liền tự nhủ mình đã sai hoàn toàn. Không có sự chăm sóc nào ở đây cả, hoàn toàn không. Đây là sự lẫn lộn giữa hiện tại và quá khứ, trộn lẫn giữa công việc tại Bloxham với những ký ức không vui nhất từ thuở ấu thơ của tôi. Tôi ra lệnh cho mình chỉ nghĩ về những việc ở đây, ngay trước mắt tôi, và không nghĩ gì khác hơn. Tôi cố nhìn sự việc qua cặp mắt của Poirot mà không bóp méo kinh nghiệm của bản thân.
Mỗi nạn nhân đều nằm giữa chiếc ghế bành và chiếc bàn con. Trên ba chiếc bàn có hai tách trà cùng đĩa lót (của Harriet Sippel và Ida Gransbury) và ly rượu vang (của Richard Negus). Trong phòng của Ida Gransbury, phòng 317, trên cái bàn lớn gần cửa sổ có một chiếc khay với những đĩa trống cùng một tách trà và đĩa lót khác. Tách này cũng cạn queo. Không có gì trên các đĩa ngoại trừ vụn bánh.
“A ha,” Poirot thốt lên. “Vậy là trong phòng đó chúng ta có hai tách trà và nhiều chiếc đĩa. Cô Ida Gransbury đã đãi khách vào bữa tối, chắc chắn thế. Có thể cô ta đãi hung thủ. Nhưng tại sao chiếc khay vẫn còn đó trong khi các khay đều được lấy đi khỏi phòng của Harriet Sippel và Richard Negus?”
“Có thể vì họ không đặt thức ăn,” tôi nói. “Có thể họ chỉ muốn uống – trà và rượu vang – nên ngay từ đầu các khay đá được lấy đi khỏi phòng họ. Ida Gransbury cũng mang theo nhiều quần áo như hai người kia.” Tôi làm động tác chỉ về chiếc tủ đang chứa một lượng váy rất ấn tượng. “Nhìn kìa, số lượng quần áo cô ta mang theo thật kinh khủng, thậm chí không còn chỗ để chèn thêm vào một chiếc váy lót. Chắc chắn cô ta muốn mình trông thật trang trọng.”
“Anh nói đúng,” Poirot nói. “Ông Lazzari bảo cả ba người họ đều đặt bữa tối, nhưng ta phải kiểm tra xem họ đã gọi chính xác những món gì. Poirot thì không thể nào giả định sai nếu như không bị Jennie làm trĩu nặng tâm trí – mà Jennie lúc này vẫn chưa biết ở đâu! Jennie cũng độ tuổi xấp xỉ ba người kia, tức từ bốn mươi đến bốn mươi lăm, tôi đoán thế.”
Tôi quay đi, mặc Poirot muốn làm gì thì làm với những cái miệng và khuy măng-xét. Trong khi ông tiến hành lục soát và thốt ra nhiều tiếng kêu, tôi nhìn vào lò sưởi, nhìn ra cửa sổ, tránh suy nghĩ về những cánh tay không bao giờ còn được cầm lên, tránh cả suy tư về trò chơi ô chữ của tôi cũng như việc nó sai trật ở đâu. Vài tuần nay, tôi đã cố sáng tạo một ván ô chữ đủ thú vị để có thể gửi đăng báo, nhưng không mấy thành công.
Sau khi chúng tôi rà soát xong cả ba căn phòng, Poirot đòi quay lại căn phòng ở tầng hai, tức phòng 238 của Richard Negus. Phải chăng càng vào các phòng này nhiều lần, tôi sẽ càng cảm thấy dễ dàng hơn? Tuy nhiên câu trả lời là không. Một lần nữa bước đi trong căn phòng của Negus, tôi cảm thấy như đang bắt chính mình phải leo lên ngọn núi hiểm nghèo nhất, lòng đoan chắc rằng sẽ thấy chơi vơi một khi lên đến đỉnh.
Poirot không hay biết gì về nỗi u uất của tôi, do tôi đã che giấu rất hiệu quả, hy vọng thế. Ông đứng giữa phòng và nói:
“Bon. Đây là căn phòng khác biệt nhất so với các phòng kia, n’est-ce pas? Ida Gransbury có thêm chiếc khay và một tách trà bổ sung trong phòng, đúng vậy, nhưng ở đây ta lại có ly rượu vang thay cho tách trà, và ở đây ta cũng có một cánh cửa sổ mở toang, trong khi ở hai phòng kia các cửa sổ đều đóng chặt. Phòng của ông Negus lạnh đến mức không chịu nổi.”
“Cửa sổ đã như thế khi ông Lazzari bước vào và thấy Negus chết,” tôi nói. “Mọi thứ đều tuyệt đối giữ nguyên trạng.”
Poirot bước đến cửa sổ để ngỏ. “Đây chính là cảnh quan tuyệt diệu mà ông Lazzari đã có nhã ý chỉ tôi xem, cảnh khu vườn của khách sạn. Phòng của Harriet Sippel và Ida Gransbury thì nhìn ra phía bên kia, hướng về ‘London tráng lệ’. Anh có thấy những gốc cây kia không, Catchpool?”
Tôi nói với ông rằng tôi thấy, lòng tự hỏi phải chăng ông muốn xỏ xiên tôi là một gã đại ngốc. Làm sao tôi có thể không thấy những gốc cây nằm lù lù ngay bên ngoài cửa sổ?
“Một sự khác biệt nữa ở đây là vị trí những chiếc khuy măng-xét,” Poirot nói. “Anh nhận ra điều đó không vậy? Trong miệng của Harriet Sippel và Ida Gransbury, các khuy măng-xét hơi ló ra khỏi môi. Trong khi đó chiếc khuy măng-xét của Richard Negus thì nằm sâu hơn nhiều, hầu như đến tận đầu cuống họng.”
Tôi mở miệng toan phản đối, rồi đổi ý, nhưng đã quá muộn. Poirot bắt được những lý lẽ trong mắt tôi. “Có chuyện gì vậy?” ông hỏi.
“Tôi nghĩ ông hơi quá mô phạm,” tôi nói. “Cả ba nạn nhân đều có khuy măng-xét trong miệng, chúng đều được khắc cùng một chữ PIJ. Đó là điểm chung. Không có điểm khác biệt. Khuy măng-xét nằm ở gần chiếc răng nào thì có khác gì đâu.”
“Nhưng đó là khác biệt rất lớn! Đôi môi và đầu cuống họng… đâu phải là cùng một chỗ! Hoàn toàn không phải.” Poirot bước đến, đứng đối mặt với tôi. “Catchpool à, làm ơn hãy nhớ lấy điều mà tôi sắp nói với anh đây: Khi ba án mạng hầu như hoàn toàn tương đồng nhau, một chi tiết lệch lạc nhỏ nhất sẽ trở nên cực kỳ quan trọng.”
Tôi có phải nhớ những lời lẽ khôn ngoan này không, nếu như tôi không đồng ý với chúng? Poirot không cần phải lo lắng. Tôi nhớ hầu như từng lời ông nói ra những lúc tôi có mặt, và những lời khiến tôi giận dữ nhất cũng chính là những lời mà tôi nhớ rõ nhất.
“Trong miệng mỗi nạn nhân đều có một chiếc khuy măng-xét,” tôi lặp lại với một sự quả quyết bướng bỉnh. “Tôi chỉ cần biết vậy là đủ.”
“Điều đó thì tôi thấy rồi,” Poirot nói với vẻ ngán ngẩm. “Đủ với anh, đủ với hàng trăm người mà anh hỏi, và tôi tin rằng cũng đủ cả với các sếp của anh ở Scotland Yard nữa, nhưng với Hercule Poirot thì không đủ!”
Tôi phải tự nhắc nhở mình rằng ông đang nói về ý nghĩa của tương đồng và khác biệt, chứ không phải về cá nhân tôi.
“Anh nghĩ sao khi cửa sổ này để ngỏ trong khi cửa sổ hai phòng kia đều đóng?” ông hỏi. “Sự khác biệt đó có giá trị gì không?”
“Chuyện đó khó mà liên quan nhau,” tôi nói. “Richard Negus có thể đã tự mở. Chẳng có lý do nào hung thủ phải đóng lại cả. Chính ông cũng thường nói vậy mà, ông Poirot – người Anh chúng tôi hay mở cửa sổ giữa giá rét mùa đông vì chúng tôi tin rằng điều đó tốt cho việc rèn luyện tính cách.”
“Mon ami,” Poirot kiên nhẫn nói, “hãy suy xét kỹ đi: có thể nào ba người đó uống thuốc độc rồi từ ghế bành của họ ngã xuống và nằm ngửa ra một cách tự nhiên, hai tay buông dọc thân, chân hướng ra cửa? Không thể nào vậy được. Tại sao không ai loạng choạng trong phòng? Tại sao không ai ngã khỏi ghế theo hướng ngược lại? Hung thủ đã sắp đặt tử thi để từng cái xác đều có cùng vị trí, cách quãng bằng nhau đến chiếc ghế và chiếc bàn nhỏ. Eh bien! Nếu hắn đã phải dụng tâm sắp đặt hiện trường ba án mạng cho giống hệt nhau, vậy cớ sao hắn lại không muốn đóng chiếc cửa sổ mà, đúng, có lẽ ông Richard Negus đã mở ra? Cớ sao hắn không đóng lại để làm cho nó đồng nhất với cửa sổ của hai căn phòng kia?”
Lẽ ra tôi phải nghĩ đến chuyện này. Poirot có lý: các tử thi đã được sắp đặt một cách cố tình. Hẳn hung thủ muốn chúng trông như nhau.
Sắp đặt chỉn chu…
“Tôi nghĩ nó còn tùy vào việc ông chọn phạm vi nào để vạch khung hiện trường,” tôi nói vội trong khi cố lôi mình trở về từ căn phòng tăm tối nhất thuở ấu thơ. “Tùy vào việc ông có muốn mở rộng ra đến tận cửa sổ hay không.”
“Khung?”
“Phải. Không phải là khung thật mà là khung lý thuyết. Có lẽ khung của hung thủ cho tác phẩm của hắn không lớn hơn một hình vuông như thế này.” Tôi bước quanh thi thể của Richard Negus, xoay mình khi cần xoay. “Ông hiểu chưa? Tôi vừa bước theo một khung quanh Negus, mà chiếc cửa sổ thì lại nằm bên ngoài khung đó.”
Poirot mỉm cười và cố giấu nụ cười đó sau bộ ria. “Một khung lý thuyết quanh nạn nhân. Có, tôi có hiểu. Hiện trường tội ác bắt đầu từ đâu và kết thúc tại đâu? Đó là một câu hỏi. Có thể nhỏ hơn căn phòng chứa nó không? Quả là một vấn đề hấp dẫn đối với các triết gia.”
“Cảm ơn ông.”
“Pas du tout. Catchpool, làm ơn cho tôi biết anh tin chuyện gì đã xảy ra tại khách sạn Bloxham tối hôm qua? Ta hãy tạm gác động cơ sang một bên. Hãy cho tôi biết anh nghĩ hung thủ đã làm gì. Đầu tiên, rồi kế tiếp, kế tiếp nữa, vân vân.”
“Tôi không có ý tưởng nào cả.”
“Cố nghĩ ra ý tưởng nào đi, Catchpool.”
“Thôi được… Tôi nghĩ hắn đến khách sạn với những chiếc khuy măng-xét trong túi, rồi lần lượt đến từng phòng của các nạn nhân. Có lẽ hắn bắt đầu từ phòng 317 của Ida Gransbury, rồi đi dần xuống để có thể rời khách sạn thật nhanh sau khi giết xong nạn nhân cuối cùng là Harriet Sippel ở phòng 121. Xuống thêm một tầng nữa là hắn có thể đào tẩu.”
“Và hắn làm gì trong ba căn phòng đó?”
Tôi thở dài. “Ông biết câu trả lời rồi mà. Hắn ra tay giết người và sắp đặt thi thể nạn nhân theo một đường thẳng. Hắn đặt vào miệng mỗi nạn nhân một chiếc khuy măng-xét. Rồi hắn đóng cửa, khóa lại và rời đi.”
“Và hắn đã được cho vào từng phòng mà không gặp phản kháng nào? Trong từng phòng, hắn được nạn nhân đợi sẵn với một món thức uống thuận tiện để hắn bỏ độc vào? Và những thức uống đó là do nhân viên của khách sạn bưng đến vào chính xác lúc 7 giờ 15? Hắn đứng bên nạn nhân, nhìn nạn nhân uống, và nán lại đôi chút để chờ nạn nhân chết? Rồi hắn bỗng dừng lại để dùng bữa tối với một nạn nhân, cô Ida Gransbury, cô ấy đã gọi thêm một tách trà nữa cho hắn? Tất cả những cuộc viếng thăm đó, những lần giết người, nhét khuy măng-xét vào miệng, sắp xếp rất chỉn chu các thi thể theo đường thẳng, chân hướng ra cửa… hắn có thể nào làm được trong khoảng thời gian từ 7 giờ 15 đến 8 giờ 10? Không thực tế, bạn tôi ạ, không thực tế chút nào cả.”
“Đúng vậy. Vậy ông có ý nào hay hơn không, ông Poirot? Ông ở đây vì lẽ đó mà… để cung cấp những ý tưởng hay hơn của tôi. Xin hãy bắt đầu bất cứ lúc nào ông muốn.” Vừa dứt câu tôi đã hối tiếc cơn bốc đồng của mình.
“Tôi bắt đầu từ lâu rồi,” Poirot nói, may thay không lộ vẻ khinh rẻ. “Anh nói hung thủ để lại mảnh giấy ở bàn lễ tân, thông báo về tội ác của hắn. Xin hãy cho tôi xem.”
Tôi lấy mảnh giấy đó ra từ trong túi, trao cho ông. John Goode, nhân vật hoàn hảo của ông Lazzari trong vai trò trưởng quầy lễ tân, đã tìm thấy nó trên bàn lễ tân vào lúc 8 giờ 10.
CẦU CHO HỌ KHÔNG BAO GIỜ YÊN NGHỈ: 121. 238. 317.
“Vậy ra tên hung thủ, hay tòng phạm của hắn, đã trâng tráo đến mức dám tiếp cận cả bàn lễ tân với mảnh giấy có thể kết tội hắn nếu như ai đó bắt gặp,” Poirot nói. “Hắn rất táo bạo và tự tin. Hắn không lẩn vào bóng tối bằng cách dùng cửa hậu.”
“Sau khi Luca Lazzari đọc tờ giấy, ông ta đã kiểm tra ba căn phòng và phát hiện các thi thể,” tôi nói. “Rồi ông ta kiểm tra tất cả các phòng khác trong khách sạn và rất tự hào thông báo với tôi điều đó. May thay, không thấy có vị khách nào khác bị chết.”
Tôi biết mình không nên có những lời thô lỗ, nhưng cách nói bỡn cợt này thế nào đó lại khiến tôi thấy dễ chịu hơn. Nếu Poirot là người Anh, có lẽ tôi sẽ ráng kiềm chế bản thân hơn.
“Và ông Lazzari có bao giờ nghĩ rằng một trong những vị khách còn sống của ông ta chính là hung thủ không nhỉ? Non. Ông ta không nghĩ vậy. ‘Bất kỳ ai chọn thuê phòng ở khách sạn Bloxham đều là người cực kỳ đạo đức và chính trực!’”
Tôi húng hắng, khẽ hất đầu về hướng cửa. Poirot quay lại. Ông Lazzari vừa bước vào và đang đứng ở ngưỡng cửa. Ông ta trông sung sướng hơn bao giờ hết. “Rất đúng, rất đúng, thưa ông Poirot,” ông ta nói.
“Mọi người có mặt trong khách sạn hôm thứ năm đều phải nói chuyện với ông Catchpool và tường thuật mọi hoạt động của mình,” Poirot nghiêm nghị nói với ông ta. “Mọi khách trọ, tất cả nhân viên ở đây. Tất tật mọi người.”
“Rất hân hạnh. Thưa ông Catchpool, ông có thể trao đổi với bất cứ người nào.” Ông Lazzari kính cẩn nghiêng mình. “Và phòng ăn của chúng tôi sẽ sớm thuộc toàn quyền sử dụng của ông, sau khi chúng tôi dọn dẹp xong bữa sáng… À, ông dặn sao nhỉ, khẩn trương tập hợp mọi người lại.”
“Merci. Trong khi chờ đợi, tôi sẽ kiểm tra kỹ ba căn phòng,” Poirot nói. Câu này khiến tôi ngạc nhiên. Tôi cứ tưởng chúng tôi vừa làm xong việc đó. “Catchpool, anh hãy tìm địa chỉ của Harriet Sippel, Ida Gransbury và Richard Negus. Hãy tìm hiểu xem ai trong khách sạn này là người đã nhận đặt món của họ, mỗi người họ đặt món ăn gì, thức uống gì tại phòng, và khi nào. Ai là người giao.”
Tôi bắt đầu hướng ra cửa, bụng lo rằng Poirot sẽ không bao giờ ngưng vẽ thêm những nhiệm vụ mới để bổ sung vào danh sách sẵn có của ông.
Ông gọi với theo tôi: “Nhớ tìm xem có ai tên Jennie ngụ tại khách sạn hay làm việc tại đây không nhé!”
“Không có Jennie nào làm việc tại đây cả, thưa ông Poirot,” Lazzari nói. “Thay vì hỏi ông Catchpool, ông có thể hỏi tôi. Tôi biết rõ tất cả mọi người ở đây. Tại khách sạn Bloxham này, chúng tôi là một gia đình lớn hạnh phúc!”