Books serve to show a man that those original thoughts of his aren't very new after all.

Abraham Lincoln

 
 
 
 
 
Tác giả: Hoàng Thu Dung
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: phan trung kiên
Số chương: 11
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 15189 / 36
Cập nhật: 2015-04-05 15:36:43 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3
ôm nay đám giỗ ông nội. Mẹ tôi bắt mang trái cây qua nhà bác Hai, rồi ở lại phụ nấu nướng xong mới được về.
Tôi đi mà rầu rĩ vô cùng. Không phải là rầu vì phụ nấu nướng. Mà là không thích qua nhà bác Hai. Đúng hơn là ghét mấy bà chị con của bác. Mấy bà ấy tiểu thư và kênh kiệu không chịu được. Mỗi lần tôi qua là sai chạy như vịt. Còn mình thì ngồi chơi. Như thế bảo không tức sao được.
Vừa thấy tôi, chị Thục đã háy một cái:
- Dữ, đám giỗ mà bây giờ mới thấy mặt.
Tôi chưa kịp trả lời thì chị My đã bồi thêm:
- Đến bây giờ còn đỡ, còn hơn là dọn xong rồi mới tới.
"Mấy bà chị bất lịch sự này, người ta đến phụ mà nói chuyện thấy ghét". Tôi ấm ức nghĩ thầm. Nhưng không dám ý kiến. Tôi mà nói ra, lập tức sẽ bị một cơn giông cuốn bay mất, chịu không nổi đâu.
Chị Thục bảo tôi xuống bếp gọt khoai tây. Nhưng gọt chưa hết củ thì chị My đã sai đi mua dầu. Biết lắm mà, tôi mà đến thì hai chị ấy thi nhau sai vặt, y như sai con nít. Trong khi tôi đã lớn rồi.
Tức muốn chết đi được. Tôi lóc cóc đi bộ ra đầu đường, cầu trời phù hộ cho hai bà chị khó ưa ấy lấy chồng đi thôi. Tôi mà có đũa thần thì sẽ phất tay một cái. Thế là xuất hiện hai ông chồng vừa hung dữ, vừa xấu xí. Hai ông ấy sẽ nện cho các bà chị đỏng đảnh của tôi một trận ra trò, mỗi khi các bà ấy kiêu kỳ với tôi.
Chỗ tiệm ngay ngã tư không có bán dầu, tôi phải đi tuốt qua ngã tư trên kia. Đi vừa xa vừa nắng. Rất may là có hai hàng cây che bớt ánh nắng. Tôi cầm chai dầu, lững thững đi bộ dưới hàng cây. Đến ngã tư thì vừa lúc có đèn đỏ. Tôi chợt thấy anh Chương của nhỏ Trúc. Anh ấy đang dừng xe chờ đèn. Tôi bèn cười với anh ấy. Và định đi luôn nhưng anh Chương đã gọi lại:
- Vy đi đâu vậy?
- Dạ, đi mua đồ.
Vừa nói tôi vừa giơ chai dầu lên minh họa, anh Chương nhìn tới phía trước:
- Nhà em ở gần đây à?
- Dạ không, em qua nhà bác em, qua khỏi ngã tư này là tới.
- Xa quá vậy, lên anh chở cho.
Tôi leo lên ngồi phía sau. Anh Chương hỏi thăm ngay:
- Em bé hết sốt chưa?
"Ủa, sao anh Chương biết công chúa bị sốt nhỉ? Chắc là nhỏ Trúc nói". Tôi bèn gật đầu:
- Dạ hết sốt rồi. Mẹ em bồng đi bác sĩ, uống thuốc hai ngày thì hết.
- Vy còn nhỏ mà biết chăm sóc em bé, giỏi quá.
- Dạ, em thấy đâu có gì, chuyện đó bình thường mà.
- Trúc bảo em thi giỏi toán phải không, có kết quả chưa?
- Dạ chưa. Em nghe cô bảo mai mới có... Bộ nhỏ Trúc hay kể chuyện của em cho anh nghe lắm hả?
Anh Chương trả lời mơ hồ:
- Tùy chuyện mới kể. Còn xem anh có quan tâm không nữa chứ.
Tôi không hiểu ý anh ấy, nhưng không hỏi. Vì đã đến nhà. Tôi chỉ về phía trước:
- Anh cho em xuống nhà có cửa màu xanh đó.
Anh Chương ngạc nhiên:
- Em có quen với nhà này à? Anh cũng tới đó, nhà bạn anh đó.
- Ủa, anh quen voi ai trong đó. Chị Thục hay anh Toàn?
- Anh là bạn thằng Toàn, nó mời tụi anh đến đám giỗ. Còn em?
- Đây là nhà bác em. Mẹ em bảo qua phụ mấy chị.
Anh Chương mỉm cười:
- Không ngờ anh em mình gặp nhau ở đây.
Tôi bước xuống. Đẩy cổng đi vào nhà.
- Anh Chương vô đi, để em đi gọi anh Toàn.
Nhưng tôi chưa kịp gọi thì anh Toàn đã đi ra.
Tôi thấy đám bạn anh ấy đã đến từ lúc nào. Tôi đi ra nhà sau đưa chai dầu cho chị My. Chị ấy đang ngồi dũa móng tay. Và chẳng hề ngó mắt đến chai dầu.
- Đem ra sau cho dì Bảy, đưa tao làm gì. Lặt rau xong rồi lên cắm hai bình hoa đi, hoa để ở góc tủ ấy.
Rồi chị ấy đi lên lầu. Tôi lặt rau xong, đi lên phòng khách cắm hoa. Tôi thích làm mấy công việc này lắm. Biết tôi khéo tay, nên mỗi lần nhà có đám tiệc, bác Hai thường bảo tôi qua trang trí. Hôm nay ngoài việc cắm hoa cho bình lớn trên bàn thờ, tôi vẫn còn phải trang trí thêm hai bình hoa nhỏ để ở bàn khách.
Tôi ngồi một góc phòng, bày hoa trên bàn bắt đầu tỉa lá. Một lát sau anh Chương vào ngồi chung bàn.
- Có cần anh phụ gì không?
- Dạ không, việc này dễ làm lắm, anh Chương ra ngoài kia chơi đi.
Hình như tôi nói câu đó giống nói với con nít nen anh ấy cười:
- Vy nói chuyện giống người lớn quá. Mỗi lần bên này có đám em qua phụ à, nhà không còn ai sao?
- Dạ, còn chị Tơ. Nhưng chị ấy ghét qua đây lắm, nen đùn em đi.
Chợt chị My từ trên lầu đi xuống, và đến ngồi gần tôi, giọng hiền ơi là hiền:
- Để đó chị làm cho, Vy không quen, sợ hư hoa hết.
Rồi chị ấy cầm lấy cái kéo nhỏ trên tay tôi, bắt đầu cắt cắt. Tôi ngồi im nhìn chị ấy làm. Cha mẹ Ơi, không hiểu tôi có nằm mơ không. Lần đầu tiên tôi thấy chị My nói chuyện ngọt ngào với tôi. Rồi lại còn giành làm công việc nữa. Lạy chúa!
Vừa cắm hoa, chị My vừa nghiêng nghiêng đầu cười chúm chím, điệu ơi là điệu. Tôi thấy anh Chương nhìn ra chỗ khác. Còn chị My thì thỉnh thoảng nhìn anh ấy. Thấy anh Chương không nói gì, bà chị bắt chuyện trước:
- Anh Chương đi thực tập chung với anh Toàn em phải không?
- Ừ.
- Thực tập có cực không anh?
- Cũng không cực lắm, anh quen rồi.
Chị My khẽ nhăn mặt điệu đàng:
- Em là em sợ máu lắm, eo ơi, mỗi lần thấy máu là muốn xỉu luôn, bởi vậy em không dám làm bác sĩ đâu.
"Chị mà làm bác sĩ chắc bệnh nhân chết hết. Họ mà nghe chị che ché cái miệng thì càng mau chết hơn". Tôi ngồi nghĩ thầm nhưng không dám nói ra.
Thấy anh Chương cười, chị My càng làm điệu hơn:
- Em sợ học y. Nhưng lại thích mấy người học nghành đó, em phục họ lắm. Thế anh có sợ máu không?
Anh Chương lắc đầu:
- Anh không sợ gì hết, sợ làm sao mà học.
- Đúng rồi đó, anh can đảm ghê.
Tôi ngồi nghe hai người nói chuyên, còn mắt thì chăm chú nhìn cành hoa trên tay chị My. Thấy chị cắt hoa mà tội nghiệp cho hoa với lá. Cành người ta mỏng manh như thế vậy mà chị ấy ghì cho nó đứt ra. Hoa nào mà chịu cho nổi.
Cuối cùng thì cũng cắm xong hai bình. Má ơi! Xấu không thể tưởng tượng. Hoa thì ngả ra sau, lá thì chúi tới trước. Tôi nhìn bình hoa mà tiếc đứt ruột. Không biết cắm thì thôi, để người ta làm. Ai mượn tài khôn.
Tức quá, tôi đứng dậy bỏ đi ra nhà sau cho hai người nói chuyện.
Khi công việc đã xong rồi chị My bèn kéo tôi lên lầu:
- Bộ mày có quen với anh Chương hả?
- Dạ, đâu có quen, anh ấy là người lớnh chứ đâu phải là bạn em.
- Không quen sao lúc nãy ảnh nói chuyện với mày?
- Tại vì ảnh là anh của nhỏ Trúc, bạn em, gặp nhau hoài thì nói chuyện chứ.
Chị My cốc đầu tôi một cái:
- Ngốc, vậy là quen chứ còn gì nữa. Bộ ảnh có em gái nữa hả?
- Dạ, nó học chung với em.
- Con nhỏ đó hiền không?
"Người ta hiền hay dữ kệ người ta, mắc gì đến chị mà chị hỏi". Tôi nghĩ thầm, nhưng vẫn trả lời:
- Bạn em đứa nào cũng hiền hết, nó dễ thương lắm.
Chị My có vẻ không để ý đến đám bạn tôi, chỉ hỏi về anh Chương.
- Mỗi lần mày đến nhà đều gặp ảnh hết hả?
- Dạ, lúc gặp lúc không.
- Mấy lúc gặp, ảnh có nói chuyện với mày không? Ở nhà ảnh thường làm gì, mày biết không?
Hỏi gì mà hỏi lắm thế? Tôi muốn hét toáng lên. Nhưng miệng vẫn trả lời ngoan ngoãn:
- Em thấy ảnh hay ở trên phòng, nhiều lúc đàn một mình.
- Sao mày biết, bộ mày ở trong phòng người ta hả?
- Đâu có, tại em nghe tiếng đàn vọng xuống.
Chị My mơ màng:
- Ảnh biết đàn nữa hả, hay thật, vừa đẹp trai vừa có tâm hồn nghệ sĩ, chàng hoàng tử của lòng ta.
Trời, trời! Nói chuyện như phim ảnh. Văn chương thấy ớn. Rõ ràng là chị ấy thích anh Chương rồi. Nếu không thích sao lại hỏi về người ta hoài thế?
Lạy chúa, đừng để anh Chương thích chị My. Anh ấy hay như thế. Còn bà chị của tôi thì vô cùng thấy ghét. Thích bà ấy uổng lắm. Bà ấy phải có ông chồng vừa dữ vừa xấu mới đáng đời.
Nghĩ xong tôi mới thấy mình ác quá. Ước toàn chuyện xấu cho ngườ ta. Lạy chúa, tha lỗi cho con.
Sợ chị My lại hỏi lôi thôi nữa, tôi bèn tìm cách đi xuống. Nhưng chị ấy cứ giữ tôi lại, điều tra tỉ mỉ về anh Chương. Nhiêu cái tôi không biết thì bà ấy phát cáu lên và cốc vào đầu tôi, bảo tôi ngu.
Đau muốn chết, nhưng tôi chỉ biết xoa đầu chứ không dám phản ứng. Nếu tôi có phép tiên, tôi sẽ cho bà ấy thành con vịt vừa mập, vừa xấu. Cho bỏ tật ăn hiếp người ta.
Mãi đến trưa chị My mới thôi nói chuyện. Tôi thở phào thoát nạn. Nhưng khi tồi định về thì gặp chị Thục.
- Ở lại rửa chén chứ về hả, con nhỏ này.
- Em phải về ủi đồ, chiều nay em còn phải đi học nữa.
- Chủ nhật mà đi học cái gì.
- Em học thêm, học lớp bồi dưỡng.
- Thôi mệt quá, rửa chén xong rồi về, đừng nói nhiều. Mày học cho lắm cũng không bằng ai đâu.
- Nhưng mà em...
Chị Thục cắt ngang:
- Mày không rửa, tao méc chú Năm đó. Qua đây phụ chứ đâu phải chơi. Làm biếng quá đi.
Không cãi lại được, tôi ấm ức đi xuống bếp. Sàn nước đầy nhóc chén đĩa. Một mình tôi rửa thì có đến chiều. Tôi ngồi xuống, vừa khóc vừa rửa. Nếu không thì bác Hai nói ra nói vô ba tôi sẽ đánh. Tôi đã bị nhiều lần lắm rồi.
Đang rửa chén thì anh Toàn xuống. Thấy tôi rửa một mình, anh ấy cau mặt:
- Sao không ai phụ với bé Vy vậy. Thục, My đâu rồi!
Anh ấy đi lên nhà trên, tôi nghe tiếng anh ấy bảo hai chị xuống phụ tôi. Nhưng hai vị tiểu thư ấy chỉ cãi lại. Thế là tôi vẫn tiếp tục độc diễn một mình.
Rửa chén xong thì đã gần hai giờ. Giờ này có về thì cũng không kịp đi học. Tôi tức ấm ức trong bụng. Có lẽ mặt tôi khó ưa lắm. Nên khi tôi đi lên nhà trên, bác Hai gái nói với bà bạn:
- Con cháu bây giờ vậy đó chị, không dám nhờ nó cái gì hết, mình cho thì được, còn nhờ nó thì nó oán mình lắm.
Thế là mấy người phụ nữ rảnh rồi ấy chuyển sang bàn tán về gia đình tôi. Họ nói mà không cần biết tôi buồn vui ra sao. Tôi nhìn bác Hai gái một cách căm ghét rồi lủi thủi ra về.
Anh Toàn dắt xe đi theo tôi.
- Để anh đưa về nhé, em đi học còn kịp không?
Chỉ nghe nói thế, tôi chợt oà khóc:
- Không kịp đâu anh, trễ mười phút rồi.
Anh Toàn vỗ đầu tôi như con nít:
- Thôi lỡ rồi, em nghĩ học một buổi đi, lên xe đi em.
Tôi ngồi lên phía sau xe va vần khóc thút thít. Vừa tiếc buổi học, vừa tức bác Hai và hai bà chị. Hình như hiểu ý nghĩ của tôi, anh Toàn an ủi:
- Tính tụi nó làm biếng nên lánh công việc, chứ không phải ghét em đâu, đừng buồn nữa.
Tôi nói dối:
- Em đâu có buồn.
Anh Toàn nói qua chuyện khác:
- Em thi giỏi toán có kết quả chưa?
- Dạ chưa.
- Ráng học nghe Vy, nhà chú Năm chỉ có mình em là vượt lên, em ráng thành tài cho chú thím nhờ.
Tôi cảm động dạ nhỏ một tiếng. Trong gia đình bác Hai, ai cũng kinh nhà tôi nghèo. Chỉ có anh Toàn là thông cảm và gần gũi với tôi nhất và tôi cũng mến anh ấy nhất.
Anh Toàn đưa tôi về đến nhà, rồi vào chơi với mẹ tôi một lát. Khi về, anh ấy ngoắc tôi ra sân, đặt tiền vào tay tôi.
- Em cất tiền mua thêm sách học, có thiếu gì thì nói anh nghe.
- Anh toàn cất đi, em đâu có sài gì đâu. - Tôi vội lắc đầu.
- Sao lại không, năm nay thi đại học là cực lắm, ráng bồi dưỡng cho sức học, đừng có cãi anh.
Tôi lí nhí cảm ơn anh Toàn rồi đi vào nhà. Vừa đi vừa ngẫm nghĩ lại thái độ của anh ấy đối với tôi. Tôi bỗng ước ao sao mình có được một ông anh như vậy. Thật ra thì cũng có thể xem đó là anh mình. Nhưng giá đừng có thêm chị Thục và chị My thì hay hơn.
Mấy ngày sau thì tôi quen mất chuyện hôm đám giỗ. Nhưng tự nhiên trưa nay chị My tới nhà tôi. Lúc tôi đang học bài thì nghe tiếng xe thắng phía trước nhà. Tôi chạy ra thì thấy chị ấy. Tưởng là nhỏ Trúc hay nhỏ Quyên thì mừng, chứ vị khách này thi sợ xanh cả mặt.
Cả bọn nhóc cũng vậy. Nếu anh Toàn hay bác Hai đến thì chúng nó còn chạy ra mừng. Còn thấy chị Thục hay chị My thì tản đi mất tiêu.
Thấy tôi, bà ấy cười như hoa:
- Vy làm gì đó?
- Em học bài.
- Sao tối ngày học hoài vậy, thôi bỏ đi, đi với chị.
- Đi đâu?
Chị My kéo tôi ra thềm nhà, hạ giọng:
- Chị với My lại nhà anh Chương chơi. Nhưng đừng nói tìm anh Chương. Vy đến chơi với em ảnh, còn chị như vô tình đi theo, đừng nói với ai nghe.
Trời ơi! Hôm nay lại có chuyện này nữa, đang học tự nhiên bỏ đi chơi. Mà tôi cũng đâu có cần tìm nhỏ Trúc. Tôi bèn tìm cách thoái thác:
- Em với nhỏ mới gặp nhau hồi sáng, tự nhiên bây giờ tới, nó hỏi thì em biết nói làm sao?
- Thì lấy lý do mượn tập, dốt quá. Vy làm bộ quên cái gì đó, bảo nó cho mượn. Rồi ngồi nói chuyện hơi lâu một chút.
Biết rồi, muốn tìm anh Chương mà không có lý do, nên kéo tôi đi làm lá chắn. Sao mà chị này vô duyên không thể tưởng tượng. Tự nhiên con gái mà đi tìm con trai, tôi chẳng thèm ưng mấy người như vậy đâu.
Mà nếu mai mốt tôi có bồ, chắc chắn tôi se để bồ tìm mình. Chứ mình không xông xáo đi tìm họ. Kỳ cục lắm. Họ mà biết thì có mà cười vô mũi mất.
Thấy tôi còn ngần ngừ, chị My kéo tôi vào nhà bắt thay đồ cho nhanh. Tôi đành thở dài đi theo bà ấy. Nếu không đi thì không được yên thân mà ngồi học đâu.
Đến nhà nhỏ Trúc, tôi còn đứng lơ ngớ thì thấy anh Chương đi ra. Tôi liếc nhìn qua chị My. Thế là trúng ý tôi nhé! Chị ấy nghiêng nghiêng đầu, mắt chớp chớp nhìn xuống đất, ra vẻ con nhà thục nữ, điệu rơi điệu rụng.
Anh Chương ra mở cổng, và mỉm cười chào thân mật:
- My và Vy vào nhà đi.
- Dạ.
Chị My dắt xe vào sân, không hiểu sao tự nhiên chiếc xe bị lạng đi như dắt không nổi. Thấy thế anh Chương bèn bảo:
- Để anh dẫn cho.
- Tại sân cao quá, em dắt lên không nổi. - Chị My nói như thanh minh.
Ôi, giọng nói mới êm ái làm sao! Tôi nhớ mấy lúc nói chuyện với tôi, giọng chị ấy chua như giấm. Con gái là vua làm bộ. Tự nhiên tôi che miệng cười. Rồi hoảng hồn quay mặt chỗ khác để chị ấy đừng nhìn thấy.
Vừa vào nhà thì nhỏ Trúc chạy ra, nó tròn mắt nhìn tôi:
- Ủa, đi đâu vậy, có chuyện gì không?
Câu hỏi hơi bị vô duyên. Nhưng đúng. Tại vì mới gặp sáng nay rồi, còn chuyện đâu mà nói. Tôi đành nói dối cho đỡ quê:
- Tao với chị My đi chợ, sẵn ghé mày mượn tập.
Nhỏ Trúc chưa kịp trả lời thì chị My đã lên tiếng, giọng thánh thót như chim oanh:
- Em là Trúc đây phải không, chị nghe Vy kể về em nhiều lắmg, dễ thương quá.
Nhỏ Trúc cũng khoái nghe khen lắm. Nhỏ bèn vồn vã kéo lôi tôi với chị My vào salon. Trong lúc nó đi lấy nước thì chị My ngó ngó ra sân. Hình như là tìm anh Chương. Nhưng đến khi anh Chương vào thì chị ấy cuối đầu xuống. Anh Chương ngồi xuống gần tôi, vẫn là cái cười thân mật như lúc nãy.
- Hôm nay không đi học sao mà đi chơi vậy, hai chị em đi đến đâu rồi?
Tôi định bảo chẳng đi đâu, nhưng chị My đã lên tiếng trước:
- Dạ, tụi em đi chợ. Nhưng ngang đây Vy nó kéo vô để mượn tập.
- À, vậy hả?
- Chủ Nhật mà anh Chương không đi chơi sao?
- Trưa nắng thế này, anh lười đi lắm.
Chị My che miệng cười điệu:
- Anh sợ đen chứi gì?
Anh Chương mỉm cười:
- Anh là con trai, đâu có sợ mấy chuyện đó.
Lúc đó nhỏ Trúc mang nước ra, anh Chương bèn đứng dậy:
- Vy với My ở chơi nghe.
Rồi anh ấy đi vô nhà. Chị My có vẻ mất hứng, nhưng lập tức chị ấy lại cười và vui vẻ với nhỏ Trúc.
- Chị đâu phải là khách, em làm nước chi vậy.
Trúc không biết trả lời sao, nó bèn nói thật:
- Tại chị là chị của nhỏ Vy.
Thế là chị My quay sang khen nó tới tấp, nào là cười có răng khểnh. Nào là lịch sự tế nhị, khen đủ thứ những gì thuộc về nhỏ Trúc làm tôi nghe cũng ngượng giùm.
Rõ là muốn lấy lòng nhỏ Trúc.
Tôi cũng có răng khểnh đây nè, thế mà có bao giờ chị ấy khen đâu. Còn nhỏ Trúc nghe khen thì cười tít mắt. Hai má đỏ hồng lên trông thật buồn cười. Ngốc hết biết. Bộ chị My chịu khó đi nắng đến đây chỉ để khen nó chắc.
Chị My ngồi nói chuyện, nhưng mắt thì thỉnh thoảng liếc vào nhà. Chắc là để tìm anh Chương. Khổ cho chị ấy, vì anh Chương chẳng xuất hiện lần nào.
Ngồi chơi một lúc thì chị My kéo tôi về. Quên bẵng luôn chuyện mượn tập. Tôi nhớ đấy, nhưng không nhắc làm gì. Mượn làm chi rồi mắc công trả, trong khi tôi có cần tập vở gì đâu.
Hôm sau vào lớp, nhỏ Trúc bèn nhắc tới chị My:
- Chị mày vui tính quá hén, nói chuyện dễ thương ghê.
Phải rồi, khen nó tới tấp mà, không dễ thương sao được. Nhưng mai mốt chọc cho chị ấy giận đi rồi biết. Xem bà chằn hét ra thế nào.
Bây giờ hai người có vẻ thích nhau lắm. Còn tôi thì rầu rĩ. Tại vì tôi đứng giữa. Ngộ nhỡ mai mốt nhỏ Trúc biết chị My lợi dụng nó, chắc con nhỏ sẽ giận luôn cả tôi, rầu gì đâu.
Nhưng tôi chẳng có thời giờ lo nhiều. Vì đến giờ toán, cô Thuỷ đã báo cho lớp một tin vui của tôi. Tôi đã được hạng nhất môn toán cấp thành phố.
Cả lớp vỗ tay hoan hô tôi nhiệt tình, làm tôi cảm động phát khóc lên. Chưa hết, đến hết giờ. Khi cô Thủy đi ra khỏi lớp, bọn nó ùa đến vây quanh tôi. Tên Bình nắm tay tôi lắc lắc:
- Chúc mừng nhà toán học, chúc mừng, chúc mừng!
Tôi chưa kịp trả lời thì thằng Phổ đã kéo thằng Bình ra:
- Ê, nắm tay nhà toán học lâu vậy ông, bộ định lợi dụng hả, tới phiên tụi tôi chứ!
Nó lau tay vào áo, rồi bắt tay tôi hỉnh mũi:
- Hân hạnh được học chung với nhà toán học vĩ đại.
Nói xong, nó lại nghiêng mình chào một cách trịnh trọng, hài hước. Làm bọn kia cười rần lên. Quê quá, tôi nhăn mặt:
- Ai mà gọi tui là nhà toán học, tui ngắt mũi.
Bọn nó nhao nhao lên:
- Chứ còn gì nữa, không là nhà toán thì là nhà gì bây giờ. Chẳng lẽ gọi là nhà văn.
- Mai mốt Vy thi toán toàn quốc, rồi thì toán quốc tế, tên tuổi lừng lẫy khắp năm châu, nhớ đừng quen những người bạn thuở cơ hàn nghe Vy.
Nghe thằng Tan nói cả bọn càng cười dữ. Tôi cũng thấy tức cười nên không trả lời được. Chỉ lườm nó một cái. Nó tỉnh bơ nói tiếp:
- Sau khi đi du học nướcc ngoài về Vy sẽ...
Tôi bèn ngắt lời nó ngay:
- Mới thi đậu chút xíu mà vẽ vời tùm lum, đừng có chọc quê tui nghe. Nói chuyện nghe thấy ớn.
Thằng Tần làm một cử chỉ vô cùng trịnh trọng, và hùng hồn. Đừng tự ti Vy, phải tự tin vào mình. Rồi đây Vy sẽ trở thành một nhân tài, sẽ là niềm hãnh diện của... "tàn" trường, của... "tàn" thể bạn bè!
Tôi hét toán lên:
- Có im lặng không, nói nữa là tui bẻ răng.
Tên Tân vẫn một mực trêu chọc. Nghe tôi la, nó bèn nói như ngâm:
- Ôi, khi nhà toán học biến thành nhà sư tử học.
Nhìn điệu bộ của nó, bọn tôi cười đau cả bụng. Cả đám tập trung ở bàn tôi, tiếp tục bàn tán, vẽ vời về triển vọng của tôi. Toàn là những nhà tư tưởng vĩ đại. Bọn tôi cườ nói, cười nói, mạnh hai nấy chọc. Khiến cả bọn mệt ngất ngư. Cuối cùng, nhỏ Quyên tuyên bố một sáng kiến làm bọn tôi rụng rời cả người, hồn vía bay tứ tán:
- Để chia vui với nhỏ Vy, tui sẽ đãi cả lớp món mứt đậu do chính tôi làm. Kèm theo là mứt khoai lang.
Nhỏ Kiều xua tay rối rít:
- Thôi đừng làm! Đừng cho ăn! Không ăn tao cũng vui rồi.
Thu Ba phụ họa:
- Chia vui bằng cách khác đi, đừng ăn uống gì cả, tao sợ chết lắm.
- Rủi nó không chết mà man man thì không biết nói sao với mọi người. Thôi đi, đừng ăn gì cả.
- Muốn tra tấn gì thi cứ nói, tui sẽ khai, miễn đừng bắt tui ăn.
- Hôm đó ăn bánh bông lan cỏ, một tuần sau tui còn vẫn thấy kinh hoàng.
Bọn tôi cười ngã nghiêng, lăn lóc. Chỉ có nhỏ Quyên mặt vẫn tỉnh bơ. Nó phẩy tay một cái:
- Đó là tại bánh hư, đừng có lo, lần này tao sẽ làm theo sách đàng hoàng, không sợ hư gì hết.
Tôi vẫn cố tình chọc nó:
- Hôm làm bánh, mày cũng tuyên bố không chế biến. Nhưng sau đó đến lượt chè trái cây. Bọn nhóc nhà tao nghe nói tới chè là sợ mất cả hồn vía.
Nhỏ Trúc tiếp tục phụ hoa.:
- Mấy đứa nhóc mà quậy là tao hăm "muống chị Quyên cho ăn chè không?", thế là chúng nó im thin thít, rồi rủ nhau chạy trốn mất tiêu.
Nhỏ Quyên định làm mặt hình sự, nhưng không kiềm được, nó phì cười:
- Mấy con nhỏ này vô duyên, mứt chứ có phải thuốc đâu, làm gì dữ vậy.
Bọn nó vẫn chọc tới bến:
- Nhưng ăn mứt xong rồi phải uống thuốc nhứt răng, tao sợ lắm.
- Tha cho tao đi Quyên, đừng bắt tao ăn, tao cũng sợ lắm.
- Mình già cả rồi, răng sắp rụng đến nơi, ăn xong mứt thì hàm răng đi đời, sống gì nổi mà sống.
Mặc cho bọn nó trêu chọc, nhiệt tình của nhỏ Quyên vẫn không giảm đi. Nó nói như đinh đóng cột:
- Lần này mứt sẽ tuyệt vời, ai không ăn là hối hận.
Bọn tôi đưa mắt nhìn nhau, chịu thua, không hiểu sao trời lại cho vô lớp tôi một con nhỏ phục vụ nhiệt tình như thế. Mà phục vụ toàn những món ăn khủng khiếp. Lạy trời cho tối nay ngủ một giấc, nó sẽ quên đi món mứt đậu đầy đe dọa kia.
Nhưng mà nhỏ Quyên không quên. Thứ hai nó mang vô lớp không phải một mà là hai bịch mứt to tướng. Một cái là đậu, một cái là khoai lang. Và nó chút mừng tôi bằng cách chia cho mỗi người một ít. Nó nói trước bằng cái giọng hể hả:
- Tao thức đến khuya để xên mứt đó. Hơi cứng một chút nhưng mà ngon lắm, béo ngậy luôn.
Tôi cho một hột đậu vào miệng. Oái! Không phải là đậu mà là đá. Không phải "hơi cứng" mà là "cứng như củi". Đau răng muốn chết được. Tôi ngậm miệng làm thinh, quay qua nhìn nhỏ Thu Ba, nó cũng ráng cắn mí mí hột đậu. Rồi nghiêng đầu qua tôi cười hinh híc:
- Đúng la khủng khiếp!
Nhỏ Trúc cũng quay qua tôi, thì thào:
- Biết trướcc mà, cứng như củi.
Bọn tôi không đứa nào có ý kiến nổi. Chỉ lặng lẽ nhai đậu. Mà phải nhai cho nhanh, vì sắp vào giờ học. Khổ gì mà tàn canh!
Tôi quay đầu xuống bàn thằng Tân. Nó đang ngước mặt lên trời, miệng nhai nhóp nhép với vẻ mặt ỉu xìu. Tôi bấm tay nhỏ Trúc, chỉ xuống dưới. Con nhỏ quay lại nhìn rồi cười phá lên:
- Sao cực quá vậy hở trời!
Giọng cười của con nhỏ như giòng điện truyền vòng vòng cả lớp. Đứa cười khì, đứa mỉm cười vì bận nhai. Đứa nhướng mắt lắc đầu.
Đúng là một buổi liên hoan đặc biệt nhất từ trước tới giờ. Một buổi liên hoan có một không hai. Mà chắc chỉ có lớp tôi mới có.
Không biết bọn bàn cuối bàn tán như thế nào. Đến giờ chơi, thằng Tân bỗng đi lên bàn tôi, giơ tay lên:
- Ê, ê, tụi tui có ý kiến thế này, quý vị có ủng hộ không?
Nhỏ Trúc tò mò nhìn và cảnh giác:
- Ý kiến gì nữa đó, đừng có chơi hại bạn nghe.
- Yên tâm, cứu bạn chứ không có hại bạn. - Tân nói nhỏ.
Rồi nó quay qua nhỏ Quyên, cười khoái chí.
- Thấy bà nhiệt tình quá, tụi tui cũng cảm động. Bởi vậy, tụi tui đề nghị thế này, chịu không?
- Nói đi. - Nhỏ Quyên hí hửng.
Tân hắng giọng:
- Mỗi ngày tụi tui sẽ đưa bà một thứ trái cây, nhờ bà đem về làm mứt giùm cho cả lớp ăn, còn không thì...
Quyên mở lớn hai mắt nhìn Tan trân trân:
- Cái gì, mỗi ngày đều làm hả?
- Ừ.
- Chắc tui chết.
- Đó là điều kiện thứ nhất. Còn điều kiện thứ hai là, nếu mỗi ngày bà không chịu làm, thì mai mốt không được bắt tụi tui ăn nữa. Sao, có đồng ý không?
Tôi và nhỏ Trúc bật cười. Còn nhỏ Quyên thì nhăn mặt:
- Hứ, người ta làm cực khổ cho mấy người ăn, không cảm ơn còn nói kiểu đó, đúng là vô ơn.
- Ê, ê, không được cự. Bởi vì biết ơn nên mới nhờ bà làm giùm đó.
- Mỗi ngày mỗi làm chịu sao nỗi.
Tân hất mặt lên:
- Đó nghen, tại bà từ chối nhiệt tình của bạn bè đó nghe. Nhưng không sao, tui không giận. Ngược lại, mai mốt không được giận nữa nghe.
- Giận cái gì?
- Bà bắt ăn mấy món kỳ cục, không ăn thì bà giận, ăn hiếp bạn bè quá mà. Giận hoài ai chịu cho nổi.
Không biết nhỏ Quyên nghĩ cái gì. Rồi tự nhiên nó cười hí hí:
- Ê, tui biết âm mưu của mấy người rồi. Không muốn ăn mứt của tui nên ra điều kiện như vậy phải không?
- Thì cứ cho là vậy, rồi sao, định giận hả?
- Thì thôi chứ giận gì. Xời, làm thấy ghê, làm thấy tự ái.
Thằng Tần về chỗ, khoái chí ra mặt. Tôi với tụi Thu Ba không thể nín cười vì cuộc trao đổi của nó. Còn nhỏ Quyên thì chống cằm có vẻ suy nghĩ ghê lắm. Rồi nó quay qua tôi.
- Mày nói thật đi nghe, bộ tụi nó sợ ăn mấy món tao làm lắm hả?
"Sợ khiếp lên được ấy chứ". TôI định nói như vậy để chọc nó. Nhưng thấy con nhỏ có vẻ buồn quá, tôi tốp lại:
- Ờ, cũng hơi hơi.
- Sao vậy?
- Tại nó... khó ăn quá, không thích mà phải ăn thì khổ lắm.
Nó ngồi ngẫm nghĩ một chút, rồi nó thở dài như người lớn:
- Tao thích làm bạn bè vui, chứ đâu có muốn làm cho tụi nó khó xử, thôi, mai mốt tao không làm gì nữa đâu.
Nhưng nó còn ráng vớt vát:
- Mai mốt tao làm món khác cho tụi mày, nhưng nếu không thích thì thôi, tao không ép.
Chưa thấy ai ngộ như nhỏ này. Hình như nó có thú vui là nhìn bạn bè ăn những thứ nó làm. Mà bọn tôi thì không dám làm nó buồn. Được săn sóc, nhiều khi cũng khổ thật.
Khung Trời Ước Mơ Khung Trời Ước Mơ - Hoàng Thu Dung Khung Trời Ước Mơ