Tôi tin những muộn phiền và thất bại đến với mình là nền tảng giúp tôi có thể cảm nhận cuộc sống ở một mức cao hơn.

Anthony Robbins

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Little rain
Số chương: 4
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 8390 / 56
Cập nhật: 2015-12-29 19:15:41 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3 -
. Hè đến.
Chúng tôi được nghỉ học. Và đó là những ngày tuyệt vời.
_ Cho mày chơi một tháng rồi tao gửi lên Thái để dì mày kèm cho có sức mà theo lớp mới.
Được một tháng? Thôi cũng được.
Lại rủ nhau lang thang đi hái mâm xôi, vặt trộm táo hoặc chơi trận giả. Có thể ra nghĩa địa tìm nhặt những nải chuối, phẩm oản, những bộ quần áo bằng giấy xanh đỏ người ta đặt trong các xó bụi. Bà tôi bảo đó là đồ cúng của những người không có con, ai ăn phải sẽ bị ma nhập vào người và chịu thay phận không con cho người cúng. Lúc đầu chúng tôi sợ, nhưng sau, cái thèm và cái tò mò còn lôi cuốn hơn. Chúng tôi ăn thử. NGON! Ăn thêm. Dần thì vớ được là chia nhau chén sạch. Chúng tôi còn bé, không có con cũng chả sao. Nhưng thường là tôi hay ra trường, xuống chỗ bếp của nhà trường để chơi. Bố thằng Dề làm lao công ở đó. Trong kỳ học, bác quét dọn các lớp và khu văn phòng, nấu nước đổ vào phích cho các thầy cô giáo và chăn nuôi đàn lợn để khi nào trường có liên hoan thì giết thịt. Lúc khác bác trồng rau. Vườn rau của trường mỗi luống do một lớp làm, cắm biển đề tên lớp để đánh dấu và chấm điểm thi đua. Bác góp phần chăm bón thêm, rau mọc rất tốt. Nhưng thích hơn cả với bác, có lẽ là việc chăm sóc mấy con gà chọi. Bác nuôi gà chọi để thỉnh thoảng đi thi đấu. Bác chăm đàn gà chọi của bác hơn cả chăm thằng Dề. Bắt đầu là từ cách chọn trứng. Bác bảo trứng tròn là trống, trứng dài là mái. Gà con nở ra, khi đã ráo lông, bác bắt từng con ra “ bấm mỏ chấu” tức là bóc đi cái chấm nổi lên ở đầu mỏ để lúc lớn lên đi đấu mỏ không bị tróc. Trong đàn gà con đông đến hơn chục con ấy bác lại chọn ra những con thường đi ăn lẻ xa đàn một mình hoặc ngược lại, con nào khi đã no mồi đến nằm áp ngay bên mỏ mẹ. “Thứ nhất ăn sâu, thứ nhì chầu mỏ” mà. Bác giải thích cho chúng tôi thế. Tôi rất yêu những con gà ấy của bác và cũng đã từng tham gia nuôi chúng nữa. Thằng Dề hay rủ tôi đi bắt ngoé về cho gà ăn. Bố thằng Dề đặt tên cho từng con gà theo tên những hảo hán trong truyện “ Thuỷ Hử”: Con mái chân vàng là Cố Đại Tẩu. Con đực lông xám, cổ đỏ tía có đuôi cẳng dày vảy mà bác bảo đó là lớp “khâu đao” thì được mang tên Võ Tòng. Con đực lông đen nhánh mà mỗi khi bế nó lên bác thường hát: “Chân chì, mắt ếch đếch sợ bố con thằng nào” được mang tên rất oách: Hoắc Toàn Phong Lý Quỳ! Cứ dăm sáu ngày bác lại cho gàra đấu thử.
Tôi không biết những cuộc chọi gà chính thức diễn ra như thế nào nhưng mới chỉ xem những cặp gà của bố thằng Dề luyện đấu với nhau tôi đã thấy khoái không thể tưởng được. Thường thì cái cảnh ấy diễn ra như thế này: Bố thằng Dề lấy phên quây lấy một vùng đất nho nhỏ, đổ cát dày vào đấy gọi là “sới”. Bác bắt gà ra, trùm lên mình gà một cái bao vải nhỏ trong đựng cát và xua cho gà chạy nhảy qua những thanh ngáng cao. Bác gọi đó là thuật “ luyện gân cốt”. Những chú gà chọi sau nhiều lần đeo cát nhảy qua rào cản, khi được bỏ túi cát ra sẽ có sức bật cao rất tốt. Tiếp đó là tập “vần lồng”. Gà được “vần lồng” nghĩa là gà đựơc đem ghép đôi đấu thử: Mỗi con được bịt mỏ bằng cái túi da nhỏ. Cựa cũng được bịt hoặc quấn vải. Những chú gà chọi xông vào nhau, mỏ bị bịt không mổ được, chủ yếu dùng sức để xô vào nhau là chính, ngã oành oạch. Chúng tôi ngồi xung quanh hò reo, cổ vũ.
Thường thì cặp Lý Quỳ – Võ Tòng hay cặp đôi tập với nhau và rất ít khi phân thắng bại. Con Cố Đại Tẩu thỉnh thoảng mới được đọ sức thử với “giới mày râu” – Chó giống cha, gà giống mẹ, chức năng chính của con Cố Đaị Tẩu là sản sinh ra những “trang anh hùng hảo hán”! Tập xong bác lấy nghệ, lấy cây ngải cứu, mở nắp hòm gỗ lấy một nhánh củ tam thất ra đem giã rồi đun với nước giải bóp cho gà, xoa lên các vết thương và bóp đùi cho chúng. “Đây là cách luyện để có mình đồng da sắt đây!” Bác giải thích cho chúng tôi vậy.
Cũng từ chuyện luyện “mình đồng da sắt” này mà có lần tôi bị mẹ nện cho một trận nhớ đời. Chả là cả tôi và thằng Quyết, thằng Dề đều mơ ước sau này trở thành võ sĩ. Học cách các con gà tập luyện gân cốt, chúng tôi buộc túm chặt hai ống quần, cho cát vào và tập chạy nhảy. Sau buổi tập, người tôi bị xây xước và chỗ và thằng Dề đã lấy của bố cho tôi một nhánh gừng( nó bảo nghệ với gừng là một), nắm ngải cứu và bảo tôi đái một ít vào bát rồi trộn và đem xoa bóp khắp người. Xót ghê gớm. Nhưng tôi cố chịu. Mong muốn được là người có “mình đồng da sắt” đã giúp tôi chịu đựng được cái xót ấy. Nhưng chỉ có điều là sau đấy, cả người tôi đã bốc lên một thứ mùi không dễ gì dấu đi được. Và mẹ tôi đã phát hiện ra. Tôi bị xơi roi, bị kì cọ, bị bôi thuốc đỏ và bị “ cấm bước chân ra khỏi giường”.
2. Tôi có thể bị xơi roi, bị kì cọ, bị bôi thuốc đỏ – được hết! Những thứ đó có thể chịu được. Nhưng “ cấm bước chân ra khỏi giường”? Chà. Hình phạt thế là hơi nhiều rồi đây. Chính bà tôi đã từng mắng mẹ: “Chị đày thằng bé vừa vừa chứ. Nó còn bé tí thế. Có gì không nên không phải thì BẢO cho nó. Nay đòn, mai phạt. Không khéo rồi chị làm nó không lớn được cho mà xem.” Đấy, thấy chưa. Thế mà mẹ tôi… Không, tôi phải mách bà mới được.
Chờ mẹ đi khỏi, tôi lẻn ngay. Lúc đầu cũng có sợ đôi chút. Nhưng khi ra đến đường là tôi đã PHỞN lắm. Con đường làng ngày hè đầy nắng, đầy cát vàng. Bụi tre đầy tiếng chim,đầy gió. Vạt cỏ đầy cào cào, đầy hoa dại. Tôi xếch lại quần cho khỏi tụt. Bộ quần áo mới thật bất tiện. Hai ống quần cứ đập vào nhau, xột xoạt đến khó chịu. Cáu tiết, tôi cúi xuống xắn lên trên đầu gối. Dễ chạy rồi.
_ Xung phong! – Đàng sau tôi chả biết từ đâu chui ra một toán những đứa trạc tuổi tôi. Chúng hò hét, đuổi nhau và vốc cát ném nhau. Một đứa chạy qua và ném vào tôi MỘT CÁI GÌ ĐÓ. Hay thật. Tôi cúi xuống cũng vơ vội nắm cát. Xung phong! Chúng tôi GIANG THẲNG CÁNH NÉM. Bụi cát mù mịt. Cát ào vào đầu tôi,chui vào cổ áo, lọt vào mồm. Kệ, cứ chơi. Hình như có ai đó quát. Tôi làm như không nghe thấy. Những đứa khác cũng vậy. Tôi vừa chạy khỏi một đứa nào đó, đuổi theo một đứa nào đó. Ống quần lại tụt. Tôi ngã vập mặt xuống đường. Có thằng nào đó nhảy cưỡi lên lưng tôi “nhong nhong” mấy cái rồi lại ù chạy. Tôi nhìn theo cái quần cộc của nó và thèm đến ứa nước mắt.
Khi tôi xắn lại xong được hai ống quần, ngửng lên thì bọn “bạn” tôi đã biến đâu hết. Trên đường chỉ còn toàn là người lớn. Họ cũng đang đi chợ. Tôi co giò phóng một mạch, vừa chạy vừa thở. Và khi sắp không còn hơi để thở nữa thì chợ đã hiện ra.
Ở đầu cổng chợ có một cái lều thợ rèn. Hai người thợ đang làm việc. Họ đều cởi trần, quần nâu dài xắn lên quá gối. Phì, phì, phì – chiếc bễ kêu. Những hạt than nổ lép bép và phun khói xanh. Một thỏi sắt sáng chói được lôi từ trong đống than ra đặt lên đe.
_ Bắt đầu!
Bác thợ già reo lên khoái chí và một tay cầm kìm dài kẹp chặt miếng sắt đỏ đặt lên đe, một tay cầm chiếc búa con gõ nhẹ lên miếng sắt ấy để gạt đi những xỉ than bám quanh. Anh thanh niên rời ống bể bước tới cầm lấy chiếc búa to giơ cao lên. “Chạt, choang, chạt, choang” – tiếng búa nện chững chạc và mạnh. Từng chùm hoa lửa bắn ra. Tôi hoảng hốt nhảy lùi lại. Những viên lửa nhỏ bắn vào hai người thợ và CHUI BIẾN vào họ. Tôi lè lưỡi thán phục và ngây người ra chiêm ngưỡng cảnh người ta cho vào bếp than những cục sắt và vất ra cho khách người thì con dao đã được đóng chuôi gỗ sáng loáng, người thì chiếc liềm cong như một dấu hỏi.
Có sắc không đây, ông cả?
_ Bác cứ đem về dùng thử. Hễ không ưng ý lại đem ra đây lấy tiền về! – Bác thợ cả vui vẻ nói vậy.
Trông bác thấp bé,da xanh tái, nhưng rõ ràng là vui tính và dễ dãi. Bác hào phóng trao cả chiếc gáo dừa treo trên vách cho khách. Và những ông khách tự tay moi lấy trong gáo những dúm thuốc lào đem vo tròn nhét vào nõ điếu, gắp một hòn than nhỏ còn đỏ bỏ lên trên, phồng gân cổ rít những hơi dài sòng sọc.
Khó khăn lắm tôi mới có thể rời khỏi cánh thợ rèn. Tôi bước hẳn vào chợ. Chợ ngày hè thích thật. Người đông như kiến. Trên ụ đất cao xây tròn bao quanh gốc cây bàng lớn là những bà hàng xén. Bà tôi cũng bán ở đó. Nhưng chưa đến với bà bây giờ được. Cứ đi loanh quanh một vòng xem đã. Tôi đến hàng rau, hàng gạo. Xì, chán! Những lưng áo nâu vàng mồ hôi muối đóng khoang thắng. Oàn quá. Chả nghe rõ gì. Dãy hàng cá. Oà, con cá chép to ghê. Bao giờ lớn tôi sẽ câu một con như vậy.
_ Cheng cheng – Tùng tùng tùng, cheng – A, một đám đông. Tôi chạy tới. Ở góc chợ có một vòng người nhốn nháo. Có tiếng trống, tiếng thanh la vọng ra từ đó. Tôi cố kiễng chân nhìn. Chỉ thấy toàn lưng với gáy.
_ Tết pục tứ khai, ngời có pìn đồng da sát, choeng choeng, tùng tùng tùng – Tiếng trống chiêng lại thúc. Trời ơi làm thế nào bây giờ? Tôi cố chui đầu vào. Không nổi. Người chen chật cứng. Điên tiết, tôi nhắm mắt lùi lại một tí, chắp hai tay vào nhau giơ thẳng về phía trước và nhằm một cái HÁNG đàn ông cao to, lao vào.
_ Ối, con cái nhà ai đây. Ái, ối… Ê, oắt con. Làm gì mà chen khiếp thế! Tiếng kêu, tiếng quát. Tai tôi bị xoắn. Tóc bị giật. Đầu bị cốc, lưng cũng bị mấy cái phát rát rạt. Tôi nghiến răng cố chịu. Và tôi mở mắt ra. À.Thấy rồi. Một người đàn ông lực lưỡng, mình để trần, lộ ra những bắp thịt cuồn cuộn, đầu chít chiếc khăn nhiễu đỏ, chiếc quần rộng ống màu vàng nghệ buộc túm sát mắt cá chân đang múa những điệu võ lạ mắt. Bất chợt, người đó đứng sững lại và giơ một tay ra. Một thằng bé cao gần gấp đôi tôi, cũng quần vàng áo đỏ, đi giày vải đen, cầm một thanh kiếm sáng loáng nhảy tới, ráng hết sức chém “ phập” một nhát thật mạnh lên cánh tay để trần của người đàn ông. Một tiếng thét ghê rợn bật lên. Tôi hoảng sợ nhắm nghiền mắt lại. Có tiếng đứa trẻ con nào khóc. Nhưng ngay sau đó, át đi tất cả là những tiếng reo thán phục. Tôi mở vội mắt ra. Cánh tay của người đàn ông VẪN CÒN.
_ Khiếp, lưỡi kiếm sắc chém mạnh thế mà bị bật ra như chém vào cao su!
_ Có lẽ ông ta “mình đồng da sắt” thật.
_ HÃI đấy. – Mọi người trầm trồ, bàn tán.
_ Cao xao phàng – cao hộ cột, loại tạc pệt tôt, mua đai, ai mua đai, nhăn kẹo khết lào…
Người đàn ông đã thôi múa võ và cầm trong tay một xấp giấy cao đen đi chào khách. Tôi để ý thấy không có mấy người không mua thuốc của ông ta. Giá có tiền, tôi cũng mua. Tôi len đến bên thằng bé cầm kiếm. Nó đang giơ thanh kiếm cho mọi người xem thử. Tôi đánh bạo sờ. Đúng, kiếm THẬT.
3. Đã thấy kiến bò bụng!
Thôi, tạm biệt bác lò rèn, tạm biệt đám hoa lửa, tạm biệt con người mình đồng da sắt. Tôi sẽ nhớ đến các người trong mơ. Tôi đến hàng bà tôi đây.
_ Ô kìa, Cao. Sao lại ra chợ một mình thế này con?
_ Cháu NHỚ bà!
_ Cha tông môn mày. Bà đi chợ, tối về chứ có gì mà phải nhớ. Chắc lại nhớ cái bát bún mọc chứ gì? Vào đây nào. Kìa, sao quần lại xắn cao vống lên thế này? Giời đất, sao mà người ngợm toàn cát thế con. Đầu, cổ, tóc nữa này. Chết. Chắc bị đứa nào nó bắt nạt ném cho hả?!
Bà tôi rối rít. Bà rên lên. Bà xoay tôi như chong chóng. Bà có vẻ rất XÓT. Tôi khoái chí vì thấy bà XÓT như vậy. Nhưng tôi không muốn để bà hiểu rằng tôi bị bắt nạt: “Cháu đã NÉM NHAU với bọn nó đấy!”
- Ném nhau gì. Mày bé tí thế này thì ném được ai! Thôi ngồi đây để bà đi xin chậu nước bà rửa cho. Ưù cái gì. Ngoan rồi bà mua cho cặp bánh giò. Hay là ăn bún mọc? Bà bảo bác Thoại bác ấy làm cho một bát nhá. Nhưng mà phải rửa mặt mũi chân tay đi đã. Cứ để như THẰNG HỀ thế này mà về thì con mẹ mày nó CHÔN!
Vâng. Thì bà đi nhanh đi. Bà muốn RỬA cho con thế nào cũng được. Bánh giò? Bún mọc? Aên thứ gì bây giờ? Chưa chi nước miếng tôi đã ứa ra. Giá như được ăn bánh giò trước, rồi rửa ráy xong ngồi chén bún mọc! Mà không phải chén bún mọc ở đây. Tôi sẽ đến hàng bác Thoại. Nhất định bác sẽ NHẬN RA TÔI. Ngày TÔI CÒN BÉ, nhà bác Thoại ở gần nhà tôi, tôi vẫn thường chạy sang để bác bắt đứng khoanh tay chào, hoặc hôn lên cái má dính đầy bột gạo của bác rồi chạy khoe với mẹ chiếc bánh nếp trong tay. Sau này bác chuyển nhà ra chợ để tiện cho việc làm hàng. Nhưng nhất định bác chưa quên tôi. Thấy tôi bước vào hàng bác sẽ ngạc nhiên lắm. Bác sẽ mừng nữa. Bác sẽ chạy đến nắm tay tôi, kéo ghế MỜI tôi ngồi và trịnh trọng đặt trước mặt tôi đĩa rau thơm cùng bát bún mọc thơm phức. Oâi, muôn năm bác Thoại. Muôn năm những sợi bún dài nhỏ trắng tinh, những viên mọc kì diệu nhúng trong thứ nước dùng nồi váng vàng ngậy, nóng đến chảy nước mắt nước mũi nhưng là những giọt nước mắt nước mũi của sung sướng và hạnh phúc!
4. _ Cao ơi, đi xem đấu gà không?
Trời, lại còn phải hỏi. Đang loay hoay với cái tàu chuối định làm một khẩu súng cho cuộc đánh trận giả tới, nghe thằng Quyết gọi, tôi vứt luôn và co giò phóng theo nó. Chúng tôi chạy ra bếp trường. Thằng Dề đang đứng đợi: Sao lâu thế, có khi gà nhà mình vào trận rồi đấy!
Cả ba lại chạy. Bãi đấu gà thường được chọn ở một vị trí “trung gian” giữa xã tôi và xã bên cạnh. “Ra bãi đến thôn Năm” – Thằng Dề vừa chạy vừa bảo. Tôi biết bãi ấy. Vào dịp tết người ta hay tổ chức đua thuyền, leo cầu ngô, đấu vật và đu tiên ở đó. Khi chúng tôi ra đến nơi, bãi đã có đông người và hình như một số cặp đấu đã xong. Bãi được chia làm ba khu, mỗi khu quây vòng bằng dây thừng cho một sới. Lòng tôi thoáng chút ghen tị khi thấy nhiều người lớn trong bãi biết thằng Dề. Họ chào nó trước và chỉ cho nó “ sới nhà”. Bố thằng Dề đang tháo miếng da bịt mỏ cho con Võ Tòng. Con Lý Quỳ “chân chì mắt ếch” thì chưa. Như đã thạo việc, thằng Dề ngồi ngay xuống ôm lấy con Lý Quỳ và cẩn thận gỡ vòng vải cuốn quanh cổ chân nó ra, để lộ cặp cựa nhọn như bút chì và cứng như thép. Thằng Dề rất yêu con Lý Quỳ và chúng tôi thường cùng nhau chăm sóc nó. Tôi biết con Lý Quỳ có một chiếc “vảy cáo” rất lợi hại. Nó giống như một chiếc cựa phụ nằm sóng ngay với cựa chính ở cẳng bên phải. Con nào lớ ngớ bị xơi miếng hầu dọc của nó là “toi” ngay, gãy cổ như bỡn.
_ Số 8 và số 21 chuẩn bị. – Có tiếng hô.
Một ông trong ban tổ chức đến bên bố thằng Dề yêu cầu cho kiểm tra. Mỗi con gà được đăng kí không phải theo tên đặt mà là theo số. Số được viết trong một miếng giấy nhỏ và quấn quanh ống quản buộc lại cẩn thận để không làm vướng gà khi đấu. Con Võ Tòng mang số 8, con Lý Quỳ mang số 15. Tôi không khoái cách gọi theo số này. Gọi theo tên nghe oách hơn. Nhưng thôi, đó là việc của người lớn.
_ Bắt đầu! – Khi tiếng hô của ông quản trò cất lên tôi mới kịp nhìn sang bên kia. Con số 21 là một con xám, đầu công mình cốc, cánh vỏ chai, dáng rất nhanh nhẹn. Vừa được thả ra nó đã vươn cổ đánh một đòn gió và liệng đi vài vòng đẹp tuyệt. Tiếng vỗ tay ran lên cổ vũ cho cho điệu “ ra ràng” của nó. Tôi nhìn sang thằng Dề. Mặt nó chẳng nói lên một điều gì cả. Một tay vẫn ôm con Lý Quỳ, một tay nó vỗ nhẹ lưng con gà yêu như muốn nói: Cứ bình tĩnh, rồi sẽ đến lượt mày thôi. Con Võ Tòng được bố thằng Dề buông ra. Với cái vẻ dạn dày chiến trận, con Võ Tòng không hề điệu đàng, cũng chẳng tỏ vẻ nôn nóng. Nó khoan thai tiến lên vài bước, cái tảng dày trước ngực ưỡn ra, bộ lông đuôi lá vả khẽ hất hất. Nó dừng lại đợi địch thủ, cái mỏ có ba múi nổi vồng thế “Tam sơn” quặp như mỏ diều hâu vươn cao.
Tiếng hò reo chỉ thực sự bùng lên khi con xám số 21 sau một vòng liệng biểu diễn đã bất ngờ áp sát ngay đến bên hông con Võ Tòng, nhảy lên ra một đòn quyết liệt và nhanh đến nỗi con Võ Tòng nhảy né sang trái tránh, thì mi mắt bên phải của nó đã bị chiếc cựa nhọn của con xám vạch cho một vết khá sâu. Thắng được một đòn con xám lại liệng một vòng. Nhưng ngay khi vòng liệng của con xám mới gần kết thúc, con Võ Tòng đã áp ngay tới. Hình như từ cú chịu đòn đầu tiên con Võ Tòng đã biết ngay được chiêu độc của con xám là miếng đá nên nó chủ động áp sát. Con xám bị lỡ nhịp đành luồn đầu chui qua bụng con Võ Tòng rồi nhanh chóng ngoảnh lại mổ một nhát vào đầu đối thủ. Hình như con Võ Tòng chỉ đợi có vậy. Nó hơi dướn mình lên một chút. Nhát mổ của con xám trúng vào dưới cổ con Võ Tòng. Bất thần con Võ Tòng nhảy dựng lên. Con xám chưa kịp nhả mỏ,đầu nó đã bị kéo ngược để lộ ra toàn bộ khoảng diều. Tôi không kịp nhìn điều gì xảy ra tiếp theo, chỉ thấy bỗng dưng sau cú nhảy dựng ngược của con Võ Tòng thì con xám bỗng nhiên đập cánh quay tròn lông lốc. Nhưng nó chỉ quay được một chỗ. Đầu nó bị chiếc mỏ như mỏ diều hâu của con Võ Tòng ghim chặt. Một cú nhảy ngược nữa. Cái đầu con Võ Tòng cúi xuống giữ chặt đầu con xám, cổ nó cong xuống, toàn thân tung lên trong một cú đá khủng khiếp của miếng hầu dọc. Tôi nghe tiếng người hét trong tiếng reo hò và nhìn rõ khoảng da dưới diều con xám bị xẻ một rãnh sâu đến nỗi chiếc cựa của con Võ Tòng bị mắc vào đó làm nó bị ngã. Cả hai con đều lăn. Người ta chạy vào tóm lấy cả hai và phải khó khăn lắm mới gỡ được đầu con xám ra khỏi mỏ con Võ Tòng. Ngực con xám đầy máu, cổ nó ngoẹo về một bên.
_ Gãy cổ thế thì không cứu được. Lá chanh thôi.
Có giọng một ai đó rất quen vang lên ở sát ngay bên tôi làm tôi giật mình quay lại: bác Tộ. Bác không nhìn tôi mà nhìn con gà xám. Không hiểu sao bỗng dưng tôi thấy sợ. Mãi sau này tôi cũng không hiểu được tại sao lúc đó tôi lại sợ. Có thể là vì tôi đã nhìn thấy máu, máu thật sự của kẻ tử trận, hay vì chính cái giọng được nói ra một cách lạnh lùng không một chút xúc cảm ấy? Tôi không biết.
Cuộc chọi gà hôm ấy kèm theo trận thắng quá nhanh của con Võ Tòng không đem lại sự hài lòng của mọi người. Người ta chờ đợi một trận thư hùng, một trận sống mái quyết liệt kéo dài kia. Chúng tôi cũng buồn. Rốt cuộc cả hai con gà của thằng Dề đều bị loại vì không tuân thủ cuộc chơi. Lệ làng là tất cả các con gà đã đăng kí đều phải cho đấu để chọn ra con vô địch. Con Võ Tòng đã thắng con xám, các con gà khác khi được thả vào sới đều bỏ chạy ngay hiệp đầu tiên. Còn lại con Lý Quỳ. Bố thằng Dề bảo: gà cùng một mẹ không cho đá lẫn nhau.
5. Kỳ nghỉ hè của tôi sẽ tiếp tục trôi đi như vậy: yên bình với những trò nghịch ngợm vô hại và nếu có một lúc nào đó tôi bị đòn thì nỗi buồn cũng chóng qua. Đúng lúc cuộc sống đang diễn ra bình yên như thế thì một chuyện xảy ra làm nhiều người trong thôn sửng sốt.
Aáy là một buổi sáng khi tôi còn đang ngồi vét cơm nguội thì thằng Quyết và thằng Dề chạy vào báo một tin động trời:
_ Con tàu của chúng mình bị chiếm rồi.
_ Ai chiếm? – Tôi ngạc nhiên.
_ Ông thằng Túc!
_ Xì… Bọn mày nói phét. Thằng Túc làm gì có ông?
_ Sao không? Ông nó bỏ làng đi từ lâu lẩu lầu lâu rồi, ai cũng bảo chết. Bây giờ về rồi, ông ấy về và chiếm con tàu của bọn mình để ở. Cả làng người ta đang nói, mày không biết sao?
Tôi lặng đi. Cái tin này quả quá sức tưởng tượng của tôi. Tôi nhìn mặt hai đứa. Chúng có vẻ không đùa. Chúng tôi kéo nhau ra sông. Con tàu vẫn đó. Những con sóng vẫn bình yên vỗ vào bờ cát, vỗ vào mạn tàu. Con tàu không trả lời. Nó im lặng nằm, mỏi mệt nghiêng về một bên lợi nước. Cát đã bám được nó và đang hút dìm nó xuống. Đã bao năm rồi con tàu vẫn im lặng, một sự im lặng gần như kiêu kì, nhẫn nhục. Nó giống như một viên tướng già đang sống những ngày cuối đời: phẫn chí và cô độc. Những lớp sơn chống gỉ cuối cùng cũng đã bong ra. Ơû một đôi chỗ, lớp vỏ sắt bọc ngoài đã bị những con hà đục thủng. Trước cửa buồng lái, nơi xưa kia chắc vẫn thường xuyên kiêu hãnh phản chiếu ánh nắng mặt trời trên những tấm kính trong suốt, bây giờ trống không như một đôi mắt chết. Đôi mắt ấy ngày đêm mở to nhìn thẳng về phía trước, nhưng chẳng thấy gì cả.
_ Vẫn nguyên đấy thôi! – Tôi ngạc nhiên.
_ Nguyên là thế nào. Mày nhìn thấy cái ván cầu không? – Thằng Dề bấm và chỉ cho tôi.
Quả có ai đó đã bắc từ bờ lên tàu một cái ván cầu thật.
_ Chúng mình ra tận nơi xem sao đi.
_ Đừng. Người ta đang cấm đấy.
_ Ai cấm?
_ Người ta!
6. Đến tối khi mẹ tôi về thì mọi chuyện đã rõ…
Lão Tác người làng tôi, nhưng lão đã bỏ làng đi từ tận những năm năm sáu, năm bảy gì đó. Hồi ấy lão cũng đã có vợ con (bà Tác và bác Tộ bây giờ), có một nếp nhà và một mảnh vườn để cày cuốc. Nhưng lão đã vứt tất cả đấy để theo người ta đi buôn. Nguyên nhân nào đã thúc đẩy lão làm chuyện đó? Có phải lão mơ một cuộc làm giàu nhanh chóng, hay bị quyến rũ bởi những câu chuyện ly kỳ hồi hộp của đời sông nước mà đám khách buôn đường thuỷ thường đem ra kể với nhau và với đám dân làng ra chơi bên những bếp lửa đồt rải rác trong đêm trên suốt dải triền sông này? Hay chính cảnh sống lầm lụi, bấp bênh của đời cày cuốc đã làm lão hoảng sợ, chán ngán và cuối cùng đã rứt lão ra khỏi nơi lão đã sinh ra, để ném vào cuộc đời nay đây mai đó. Không ai biết. Bởi lão đi rồi đi biệt. Chỉ có những tin đồn bay về. Có người bảo gặp lão làm thầu gỗ ở phố Lạng, giàu lắm. Có người bảo thấy lão đang buôn da thú ở mãi Lào Cai, năm ngón tay đeo đầy nhẫn vàng. Lại có người nói, chính họ đã tận mắt nhìn thấy lão đi gánh đồ thuê cho một gánh xiếc rong bán thuốc cao dán, rách rưới và gầy ốm. Cuối cùng, một người bà con đàng ngoại lão làm nghề mộc trên Thái Nguyên về cho biết là lão hiện đã lấy một người vợ khác. Đó là một người đàn bà bị chồng bỏ vì không có con, làm nghề buôn bè và rất giàu. Lão Tác sống với người đó và cả hai vẫn tiếp tục buôn bè. Chuyện ấy sau được nhiều người khẳng định là đúng..
Còn bây giờ thì lão Tác đã trở về thì tất cả lại mù tịt. Chả ai biết vì sao lão lại về. Liền mấy buổi tối, thím Quyết sang nhà tôi chơi. Câu chuyện giữa thím với mẹ và bà tôi quanh đi quẩn lại vẫn xoay quanh việc lão Tác trở về. Tôi chui vào màn, vờ ngủ nhưng tai thì dỏng lên.
_ Thế ý bên bác Tộ thế nào, thím nghe động tĩnh gì không? – Mẹ tôi hỏi. Thím Quyết lắc đầu:
_ Tôi chả hiểu nữa. Mấy lỵ, bác ở liền kề đây mà con không biết nữa là.
_ Kể thì cũng có cái khó. Bây giờ rước ông lão về… Thím không biết chứ ngoài làng ngoài xóm người ta cũng “ý kiến” ghê lắm. Người thì bảo nên ra đón ông lão về cho có nhân. Người lại: cứ thây kệ cho lão chết. Aùc giả ác báo. Đang tự dưng ruồng rẫy vợ con mà đi. Với, bây giờ thân tàn ma dại lão mới chịu mò về,chứ hồi ăn sung mặc sướng vàng bạc đầy người, có bao giờ lão gửi về cho mẹ con bác Tộ được mảy trinh nào? Đấy, khó thế… _ Mẹ tôi bảo với thím Quyết vậy.
Thím thở dài:
_ Ừ, sống mỗi người mỗi nhà, chết mỗi người mỗi mồ. Cái cảnh của người ta ở đời nó cũng nhiều nỗi éo le lắm, mình là người ngoài khó có thể nói dễ được. Lắm lúc tôi cứ nghĩ, thật lạy vong linh ông ấy nhà tôi, chứ ông ấy chết đi như vậy lại còn mát mẻ hơn là sống để rồi có lúc trở về như nhà kia…
Nói rồi thím Quyết lại thở dài lắc đầu. Tôi biết thím đang chạnh buồn cho cái cảnh mình.
Thím Quyết cũng là người đàn bà có cái cảnh buồn lắm. Chồng thím là cán bộ cẩn thận, nhưng sau cũng ruồng rẫy thím để đi lấy vợ khác trên tỉnh. Hồi đầu năm ngoái có tin là chú ấy đã mất vì bệnh ung thư gan. Ngày ấy thím cũng khóc, và sau cũng thấy đội khăn trắng. Trong làng có nhiều người cười thím về chuyện này, cho rằng người ta đã bội bạc với mình vậy thì tội gì mà tang với chả tóc cho nặng mình. Nghe thế thím chỉ buồn buồn:
_ Nghĩa tử là nghĩa tận. Mình giận người sống, chứ đâu nỡ giận người đã chết!
Mẹ tôi cho việc thím xử sự thế là đúng. Nhưng còn việc của lão Tác thì hình như cả thím, cả người lớn trong nhà tôi lại đều có vẻ như lảng tránh và ngại một điều gì đó.
7. Tôi gặp thằng Túc ở ngõ:
_ Ông mày về à?
_ Không phải.
_ Đúng đấy. Ông mày về đang ở ngoài sông ấy.
_ Không phải!
_ Mày không thích có ông à?
_ … Không… có, nhưng mà bố tao bảo không phải ông ấy.
_ Mày có đi với tao ra sông không?
_ Không. Bố tao cấm.
8. _ Cao, sáng nay mày đi chơi đâu? – Mẹ tôi hỏi.
_ Con … con đi chơi… ở trường.
_ Ở trường hay ở ngoài sông? Tao nghe nói mày xuống cả tàu chơi? – Mẹ tôi trừng mắt.
Tôi giật mình.
_ Thằng này giỏi thật. Ai cho mày ra đấy? Liệu cái thần hồn đấy. Từ nay là tao cấm chỉ, nghe chưa!
Tôi im. Quả sáng nay tôi có ra sông thật. Đang lúi húi rình đôi chim trả xem tổ nó ở đâu, bỗng tôi nghe tiếng chân người. Tôi nhìn lên. Một ông già lạ.
Muốn bắt chim trả thì phải rình lúc trời sắp tối,lúc ấy nó mới về tổå,chứ sáng thế này nó còn mải đi ăn, có bắt được chó!
Tôi ngạc nhiên. Sao ông biết tôi muốn bắt chim và ông là ai? Tôi nhìn kỹ. Ông lão mặc chiếc áo “ba đờ xuy” màu xám đã cũ. Người gầy. Mặt có những vết sẹo dài suốt từ đỉnh đầu tới cổ. Giống vết dao chém? Không phải, giống như bị con thú nào cào thì đúng hơn. Khiếp.
_ Để rồi lúc nào tôi sẽ bày cho cậu làm một cái bẫy dính. Có bẫy dính thì đến cò cũng bắt được!
Ông lão lại nói, giọng khàn nhưng rõ. Và tôi chợt yên tâm khi nghe cái giọng như “bè bạn” ấy!
_Nhà ông ở đâu?
_ Nhà thì đã là cái chó gì. Tôi không có nhà mà có cả một con tàu cơ!
Tôi giật mình. Ô, hay là…
_ Ông ở trên tàu ngoài sông à?
_ Cậu cũng biết con tàu ấy à?
_ Của chúng cháu đấy! – Không hiểu sao tôi bật ra một câu như vậy. Nói rồi tôi lại hơi sợ, nhỡ ra … Nhưng không, ông lão có vẻ lại thích nữa. Ông ngồi bệt xuống bờ cỏ, bên tôi, cặp mắt nheo lại như cười.
_ Tôi cũng đoán vậy. Chắc các cậu vẫn ra đấy để “bông nhông” chứ gì? Mà sao mấy bữa nay không thấy cậu ra? – Lão hỏi, cặp mắt vẫn nheo nheo.
Tôi biết lão là ai rồi.
_ Chả là tôi thấy trên tàu có mấy chỗ đang bị hỏng. Tôi nghĩ là … có lẽ phải có người ở thường xuyên đấy mà trông nom, tu sửa… Cậu cho tôi “CHUNG” với nhá. – Lão nói và chìa bàn tay ra.
_ Sao ông không về nhà với bà và với bác Tộ? – Câu hỏi tự nó bật ra, chứ thật tình tôi không muốn.
Lão Tác nhìn tôi một lúc. Có lẽ tôi đã làm lão ngạc nhiên.
_ Cậu con nhà ai? – Lão hỏi, giọng rất khẽ, khẽ như sợ ai nghe thấy.
Tôi nhìn ra xung quanh. Trên đường có mấy người đi chợ, nhưng họ ở rất xa. Tôi nhìn lão. Aùnh mắt lão hiền, giống như mắt bà tôi. Tôi thấy yên tâm. Tôi nói cho lão biết rằng tôi “LÀ ĐỨA NÀO”, rằng nhà tôi với nhà bác Tộ chỉ cách nhau cái dậu râm bụt, và tôi còn học chung với thằng Túc con bác Tộ nữa.
_ A, vậy ra cậu với tôi là hàng xóm! – Lão như reo, nhưng giọng vẫn khẽ. – Thế thì ta phải ăn mừng cuộc gặp mặt này mới được! _ Lão Tác nói và vội vã lục túi áo khoác. Tôi thấy lão khoắng tay trong túi một lúc rồi lúng túng chìa ra hai bàn tay không: - Chết nỗi, xin lỗi cậu. Rõ tôi chả ra cái thá gì. Có nhiều thứ ngon lắm cơ đấy, nhưng mà tôi để quên hết trên tàu mất rồi… hay là… _ Lão có vẻ ngập ngừng. Đột nhiên lão nắm lấy tay tôi: - Hay là ta xuống tàu của CHÚNG MÌNH đi.
Tôi rất muốn rụt tay lại. Tôi hơi sợ. Tôi nhìn lão. Mắt lão giống mắt bà tôi. Giống cả mắt con Đốm khi ngày nào nó ngồi bên cùng ăn chung với tôi chiếc bánh chưng cóc nữa.
Cho đến mãi sau này, khi cả một khoảng thời gian dài đã trôi qua, và dù đã lớn khôn tôi vẫn không sao lý giải nổi điều gì đã khiến tôi, sau cái nắm tay và cái nhìn như cầu khẩn của lão Tác, đã im lặng đứng lên cùng lão đi về phía bờ sông. Có lẽ đó là sự bày đặt có pha chút bỡn cợt của số phận. Số phận đã chìa bàn tay vô hình của nó ra, sắp xếp, để trong một buổi sáng đầy nắng và gió, ba chúng tôi: Một lão già cũ kỹ, một con tàu cũ kỹ và một thằng bé, ngồi lại với nhau nơi mặt nước cứ ánh lên như có trăm ngàn mảnh gương vỡ và những con lũ đầu mùa đang hối hả chảy về một nơi nào xa lắc.
9. Tôi thấy tôi nằm trước mặt lão, tay chống cằm, đít vổng lên, còn bụng thì dán xuống khoảng boong sắt gỉ hâm hấp nóng của con tàu.
_ Những chuyện ấy cậu có biết chớ. Người ta không thể bắn con gấu khi nó đang đi kiếm ăn được. Bắn nó lúc ấy thì nguy hiểm lắm, bị nó vồ trở lại lúc nào không hay! – Lão trợn mắt làm một điệu bộ ghê gớm, những vết sẹo trên mặt lão đỏ lên và giật liên hồi. – Phải kiên nhẫn theo hút nó mà không được để cho nó biết. Hết mùa đông là gấu bắt đầu đi tìm mật ong. Ong ở trong hốc cây ấy! Nó trèo lên thò chân vào khoắng mật ong bay ra bu kín lấy nó mà chích nọc. Nhưng nó không chạy đâu nhá. Nó cứ ăn, cái con quỷ ấy. Hết mật nó trở xuống. Cậu có biết nó trở xuống bằng cách nào không? Ưø, hỏi vậy chứ cậu biết thế chó nào được. Cậu chỉ mới rời vú mẹ ra được có mấy năm thôi mà. Còn lão, lão đã đặt chân lên khắp các nẻo rừng, ngã sông, hẻm núi. Làm trai phải thế cậu ạ. Phải đi nhiều cho đầu óc nó sáng ra, chứ không á, đời cậu sẽ chỉ là cục cứt thôi. Tôi nói thật đấy. Cậu có giận tôi không đấy? Không hả. Ơø, cậu tốt lắm. Đừng có giận tôi. Tôi già rồi chả còn sống được mấy nỗi nữa đâu…
_ Cháu không giận. Nhưng ông kể tiếp đi chứ. Con gấu nó xuống cây bằng cách nào? – Thấy nguy cơ có thể lão sẽ quên câu chuyện đang kể giở, tôi đành ngắt lời lão.
Lão giật mình ngơ ngác mấy giây, rồi cười:
_ Ừ nhỉ, cậu nhớ dai thật. Ấy vậy mà lão quên đấy. Cái gì nhỉ, con gấu à… ừ, nó xuống cây lạ lắm. Nó buông mình cho rơi đánh uỵch xuống đất, lăn đi lăn lại để đè chết những con ong đang bám quanh nó, tiết mật trong gan ra để chống lại nọc ong. Nhưng cũng chưa thể bắn nó lúc ấy được. Phải đợi nó tỉnh dậy thu mật về đã rồi mới nhằm thẳng vào đầu “anh cu” mà bóp cò…
_ … Cậu đừng tưởng con vật nó không biết gì đâu nhá. Nó khôn như người ấy. Đã có lần tôi bị cặp voi nó đuổi. Tôi đã leo tót lên ngọn một cái cây cao rồi mà cuối cùng tôi vẫn bị nó tóm…
_ Chết! – Không kìm nổi, tôi buột miệng.
_ Ừ, chết! – Lão gật đầu đồng ý.
_ Chắc nó nhổ được cây? Hai con cơ mà! – Tôi lại hỏi.
_ Ừ, nhổ được. – Lão lại gật đầu.- Nhưng bằng cách nào, cậu đoán thử xem.Chà, trông cái mặt cậu nó thộn ra kìa. Không phải ngay tắp lự nó quấn vòi vào nhổ đâu. Cái cây tôi ngồi to lắm, nhổ ngay thế đếch nào được. Nhưng tôi đã bảo con vật nó khôn như người ấy mà lị. Nó thay nhau xuống suối hút nước lên rồi phun vào gốc cây, lấy chân giẫm. Cậu bảo bốn cái cột đình ấy mà giẫm đất ướt thì còn gì. Đất hoá thành bùn, cây không có chỗ bám nữa, thế là đổ kềnh.
_ Chết! – Tôi lại tái mặt đi và tim rộn lên vì lo sợ. – Chết, vậy làm thế nào mà thoát được?
_ Thoát thế chó nào được? Cậu tưởng có thể thoát được trong những trường hợp như thế à?
– Lão nheo mắt hỏi lại tôi.
Tôi chịu không trả lời được. Tôi nhìn lão cầu khẩn. Nhưng lão đã ngó đi đâu đâu. Phía sau tôi, mặt trời đang lặn. Dãy núi phía xa in lên nền trời một mảng đậm xanh như miếng bìa cactông khổng lồ. Bóng núi in vào mắt lão. Ráng chiều nhuộm đỏ khuôn mặt đầy sẹo và chòm râu thưa cứng ương ngạnh của lão. Trông lão giống như con quỷ tả trong truyện cổ Grim.
_ Dân buôn đường rừng bao giờ cũng phải có một cái túi con trong đựng nhiều thứ lắm. Toàn những thứ phòng thân ấy mà: Răng hổ để nhà lên vết thương bị chó cắn. Hành tươi chữa nọc ong. Phân hổ để bôi vào chân cho chó đồn thuế khỏi theo tìm. Còn lá sẵn quảng… Ừ,chắc cậu chưa bị rắn nò đớp cho miếng nào nhỉ. Cái hồi tôi luồn rừng chạy hàng lậu, tôi đã bị một con rắn nó táp. Rắn xanh cẩn thận, cái loại cứ quấn đuôi trên cành cây rồi buông mình xuống như một cái dây leo ấy…
Tôi rùng mình ghê sợ. Còn lão, mặt lão cứ tỉnh khô. Bên dưới chỗ tôi nằm, con tàu đang lạnh dần. Mặt trời đã tắt hẳn. Cả đến tiếng sóng vỗ mạn tàu cũng nghe nhỏ hẳn đi. Chỉ có vì sao chếch qua vai lão Tác là cứ mỗi lúc một sáng lên, nhấp nháy. Tôi có cảm giác chính những ngôi sao ấy cũng đang tò mò hóng chuyện lão. Tôi không muốn về nhà nữa. Lần nào cũng vậy, cứ ra được với lão là tôi chỉ muốn ở lỳ đó…
10. Mẹ tôi không hài lòng với những lần tôi đi chơi như vậy. “ Mày liệu hồn đấy,cứ ra sông chơi bời, sao cũng có ngày NGƯỜI TA bỏ bùa cho rồi trói nghiến, đem xuống bè chở lên mạn ngựơc bán cho Mường thì hết đời”. Mẹ doạ tôi vậy. Tôi hơi sợ. Nhưng nỗi sợ bị sức hút của những câu chuyện ly kỳ kia át đi. Tôi không thể ở nhà được. Một chuyến vượt thác, xung quanh có nước sủi bọt, có đá ngầm và ma cà rồng lượn lờ chờ bắt người bị ngã bè đem về nộp cho Diêm Vương. Hà Bá đang chờ tôi.
Tôi vẫn tìm mọi cách để trốn mọi người ra chơi với lão Tác. Tôi vẫn say mê lão. Và lão, bao giờ thấy tôi ra chơi, cũng tỏ vẻ mừng rỡ lắm. Lão vẫn kể chuyện cho tôi nghe. Hết chuyện trên rừng lại dưới biển; hết chuyện người đến chuyện ma. Cả chuyện đàn bà lão cũng kể cho tôi nghe nốt.
_ Cậu có biết đếch. Đàn bà nó như con ma ấy. Nó quyến rũ mình mà không để cho mình biết ấy chứ. Định được nó có mưu gì với mình thì đã không nên chuyện. Ấy, cứ lớn lên rồi cậu xem tôi nói có đúng không.
Lão nói và nhe răng ra cười. Tiếng lão cười nghe thật chối: Nó khùng khục như nước xóc trong ống bương. Nhưng trông cái cách lão cười thì sướng: răng dô ra,da mặt kéo hào kéo rãnh chằng chịt, những vết sẹo đỏ tía, hai cánh mũi phập phồng hếch lên như hai cái lỗ chuột bị hun khói, đen ngòm ngòm. Bao giờ cũng thế, đã cười là lão nắm râu kéo. Có lẽ chính vì thế mà râu lão chỉ còn ít đến vậy.
Nhưng cũng có khi lão không kể gì cả. Lão im lặng ngồi uống rượu, lưng còng xuống, đầu gật gù và mắt thì như mắt người bị mộng du. Cả cái cách lão uống rượu cũng làm tôi mê. Ai lại uống rượu mà chả có gì nhắm. Trong túi lão chỉ có một cái đinh sắt. Cứ sau mỗi tợp rượu lão lại đưa cái đinh lên miệng mút chùn chụt. Nếu chỉ nghe tiếng mút đinh của lão thì có thể tưởng rằng cái đinh ngon lắm. Nhưng tôi biết chẳng phải là như vậy. Bởi một lần thương lão, tôi đã vặt trộm ở trong vườn nhà đem ra cho lão mấy quả chuối xanh và dúm muối. Lúc nhà không có tiền tôi vẫn thấy bố tôi nhắm rượu như vậy. Lần ấy lão vui lắm. Suốt cuộc rượu cái đinh vẫn để nguyên trong túi áo. Uống rượu xong rồi, đúng hơn, hết rượu rồi, cái bình đựng làm bằng vỏ quả bầu khô đã lăn ra bên cạnh, lão vòng tay bó gối ư ử hát. Lão hát nghe chối hơn cười. Tôi không biết lão hát điệu gì, nhưng lời nghe qua mấy lần thì tôi nhớ:
Anh Khoá ơi, từ khi anh cất bước xuống tàu
Để lại vườn sau mắt ai ngóng đợi
Sợi dây bầu leo dọc leo ngang, tình tang, tình tang tang…!
Lão đệm vào cuối câu hát điệu nhạc mồm cứng quèo ấy và mắt chợt đỏ lên. Tôi đã giật mình khi nhìn vào đôi mắt ấy: nó ngấn đầy nước! Thật không dễ gì có thể bắt lão kể chuyện vào lúc ấy được, dù là nài nỉ. Bởi lúc ấy, lão như quên hẳn tôi bên cạnh. Hát xong rồi, tay vẫn bó gối và cứ thế lão lặng đi, mặt hướng về phía làng, đờ đẫn và bất động.
Những lần như thế, có khi tôi lặng lẽ bỏ về. Nhưng thường là tôi lẩn ra sau lão, tìm một nơi nào đó ngồi đợi. Rất ít khi tôi uổng công. Bởi cuối cùng, chắc là khi đã tỉnh rượu, thế nào lão cũng tìm thấy tôi. Lão rối rít xin lỗi tôi, tỏ vẻ đau khổ thành tâm tự trách mình đã bạc ác mà quên đi “NGƯỜI BẠN BÉ BỎNG và ngốc như một con vích” của lão. Lúc ấy thì tôi đòi gì lão cũng chiều theo. Lão kể chuyện ma, chuyện chạy trốn đồn thuế và hứng lên có lần lão còn giơ chân múa tay biểu diễn cho tôi xem một điệu võ nữa. Vừa giậm chân uỳnh uỵch lên boong tàu, vừa thở hổn hển, lão vừa hét: Song phi này, khai hoa này, độc cước này… - Có lần trong lúc múa may quay cuồng lão đã suýt lôi cả tôi cùng ngã xuống sông! duy nhất có một lần tôi gặp lão trong trạng thái điên. Hôm ấy lão uống hơi nhiều rượu. Đột nhiên đang uống lão hét lên một tiếng, miệng sùi bọt và cứ lảm nhảm: “Cậy nào,bát nào… Trời ơi, nước đang dâng lên kìa, lũ đấy. Trời ơi, trôi hết rồi!...” và lão giãy đành đạch, nằm lăn ra boong tàu. Chẳng còn hồn vía nào, tôi nhảy đại khỏi con tàu xuống bờ chạy biến. Buổi tối tôi đánh bạo kể lại cho bà và mẹ tôi nghe. Bà tôi thì thầm:
_ Có lẽ họ nói đúng đấy. Ông lão bị lũ cuốn vỡ bè, mất cả vợ lẫn của cải… bây giờ thì khổ. Có lẽ trời phạt ông lão vì cái tội bỏ vợ ngày xưa… rõ tội nghiệp!
_ Chắc bà bên ấy với bác Tộ giận ông về chuyện ông đi lấy vợ khác nên không ra đón về nữa hả mẹ? – Tôi hỏi.
Mẹ tôi gắt:
_ Khẽ cái mồm chứ. Mày chỉ được cái tò mò. RANH CON. Biết cái gì mà cứ… Việc là việc của người ta. Mình là hàng xóm láng giềng, dẫu có muốn tham gia vào thì cũng mức độ thôi. Với cũng phải chọn lúc nữa. Trong khi nhà người ta chưa rõ ra môn ra khoai thế nào, mình cứ cuống lên là không được. Mà tao nhắc lại, mày cứ thậm thụt ra ngoài ấy, nhỡ người ta không hiểu lại cho là mày ra để ton hót gì thì chết với tao!
Mẹ tôi lại đe. Tôi im. Tôi biết mẹ đang ngại. Tôi liếc sang ngôi nhà phía bên kia hàng rào râm bụt. Từ hôm lão Tác về đến nay trong thôn ngoài làng người ta bàn tán rất nhiều, nhưng riêng nhà bác Tộ thì vẫn im ắng. Sự im lặng ấy đã khiến cho không ít người phải e sợ. Tôi thở dài và bỗng thấy lo lo. Có cái gì đó quá chậm chạp trong cách cư xử của người lớn làm cho tôi thấp thỏm.
11. Buổi sáng, đang đứng cho gà ăn ở sân, tôi nghe có tiếng gọi tên mình. Tôi quay nhìn. Bà Tác đang đứng khuất sau bụi râm bụt phía bên kia.
- Bà cho cháu cái này! – Bà nói vừa dúi vào tay tôi một túm ba quả chuối, da mới chỉ vàng vàng.
Tôi hơi ngạc nhiên về sự rộng rãi ấy. Thường ngày bà hay mắng tôi vì tội “béo nghịch”. Tôi nhớ đã có lần chỉ vì vài quả ổi mà bà đã sang tận nhà mách để mẹ đánh tôi nữa. Lần này… Tôi nói: “Cháu xin bà!” và định về luôn. Bà níu lấy tay áo tôi:
_ Này cháu. – Bà thì thầm và đảo mắt nhìn quanh – chiều qua cháu ra sông chơi hả?
Tôi giật mình. nhớ đến lời mẹ doạ, tôi định lắc đầu, nhưng rồi chỉ đứng im. Mắt bà không có vẻ ác.
_ Đừng sợ, bà không mách ai đâu. Ông … ông ấy có nói gì với cháu không?
A. Tôi biết tại sao bà cho tôi chuối rồi.
_Ông ấy chẳng nói gì cả. – Tôi lạnh nhạt.
_ Cháu cứ nói vậy. Chắc ông ấy hỏi nhiều ấy chứ. Oâng… Oâng ấy có hỏi gì đến bà không? – Giọng bà nài nỉ, tay vẫn giữ chặt áo tôi như sợ tôi chạy.
Tôi vẫn lắc đầu.
Bà có vẻ hoảng:
_ Cháu nói đi, một tí thôi mà. Mai rồi thằng Túc nó bắt tổ sáo, bà bảo nó cho cháu một con, thật đấy.
Lần này thì tôi bị quyến rũ. Tôi bắt bà hứa sẽ không kể với ai, không mách bác Tộ và phải giữ lời cho tôi con sáo. Bà gật lấy gật để. Tôi bảo bà rằng ông ấy kể cho tôi nghe nhiều chuyện: chuyện săn gấu, chuyện bắt rắn, cả chuyện vượt thác bằng bè nữa.
_ Ừ,thì đã đành vậy. Nhưng cuối cùng thì… chả lẽ ông ấy lại không nhắc gì đến bà à? – Bà hỏi.
Tôi thật thà lắc đầu. Bởi quả có thế. Tôi ra chơi với lão, nghe lão kể chuyện nhiều. Còn tôi, tôi cũng kể cho lão nghe những gì tôi biết. Lão hỏi tôi tất cả chuyện làng xóm. Và, lão đã nghe tôi y hệt như khi tôi nghe chuyện ma của lão: Mồm há ra, mắt trợn tròn nhìn tôi chằm chặp và bộ ngực gầy run run. Tất cả những biểu hiện ấy, kết hợp với câu lão hát, với cái kiểu bó gối nhìn về làng khiến tôi hiểu ra rằng lão thèm nghe chuyện làng xóm đến chừng nào.
Sau này, khi đã trải qua nhiều chuyện đời, tôi nghiệm ra rằng hồi trẻ, nhất là khi còn bé, có khi người ta ác mà không biết rằng mình ác. Có lần tôi bắt được một con chim và cứ để nó sống vậy mà vặt lông đem nướng. Con chim kêu choen choét trong tay tôi đến hàng giờ. Còn khi biết lão Tác thèm nghe chuyện tôi liền làm ra vẻ hờ hững, kiêu kỳ, bắt lão phải nài nỉ.
_ Cậu kể đi cậu Cao, kể cho tôi nghe đi. Rồi tôi sẽ bày cho cậu cách bắt rắn mà không cần có thuốc bôi tay. Tôi THỀ đấy. Ừ, cả chuyện tôi đã chử bọn “ma trơi” như thế nào nữa. Cậu thông minh lắm, nghe rồi nhất định cậu sẽ làm được. Còn bây giờ thì cậu kể nhé. Gì nhỉ… À, cái thằng Tộ nhà tôi mà cũng được làm lãnh đạo ở xã cơ à? Cậu nói thế nào ấy chứ, ngữ nó thì “chỉ huy” được ai?
Tôi bị mắc mưu lão. Tôi hăng hái cãi lại. Tôi nói cho lão biết bác Tộ bây giờ đã là phó chủ tịch xã, oai lắm. Nhiều người phải nể bác bởi cái chức ấy…
_ Nể quá đi chứ. Cái chức ấy cậu không biết chứ ngày xưa là tương đương với chánh hội, lý trưởng đấy. – Lão Tác tỏ vẻ hể hả lắm, mặt lão rạng lên: - Cái gia phả nhà tôi, tính cho đến đời tôi là vẫn coi như vứt đi cậu ạ. Chẳng ai làm nên được trò trống gì ra hồn cả. Bây giờ… thế là ĐƯỢC NÓ!
Lão toét mồm cười,chòm râu bạc và thưa rung tít. Rất ít khi lão Tác hỏi đến bà lão. Nhưng lần nào trong câu chuyện, nếu tôi có nhắc đến bà thì lão cũng gục mặt xuống. Lão muốn giấu gì trong đôi mắt ấy? Bây giờ khi nghe bà Tác hỏi, tôi không biết nên trả lời thế nào nên lắc đầu. Mãi sau này khi khôn lớn, tôi mới biết mình đã ÁC khi làm như vậy. Có khi chỉ vì sự thật thà của mình mà mình làm người khác khổ? Tôi thấy sau cái lắc đầu của tôi, mặt bà lão rúm lại và mắt bà bỗng mờ hẳn đi. “Chắc lúc nào ông ấy cũng say!” Bà nói với một vẻ thẫn thờ. Bà nói với tôi vậy hay tự an ủi mình?
_ Chỉ thỉnh thoảng mới say thôi, ông có ít rượu lắm! – Tôi bảo bà vậy.
Chiều qua lúc chạy quanh lòng tàu để nghịch tôi đã lắc thử cái vỏ bầu của lão Tác: nó rỗng không và nhẹ tếch!
_A. cháu nhắc đến rượu bà mới nhớ. Ban nãy tao ra ngoài ngõ sớm, thế quái nào lại nhặt ngay đựơc một chai rượu trắng của ai đánh rơi. Để bà cho mày…
Bà Tác cập rập chạy vào nhà và lúc sau mang ra cho tôi một chai rượu thật. – Cháu không biết uống rượu! – Tôi từ chối.
_ Thì cháu cứ cầm lấy. Bà cũng không biết uống. Hay… hay là cháu đem cho ai làm phúc thì cho. – Bà nói và chép miệng: _ Rõ khổ, mình có rượu thì không biết uống. Người nghiện… không có rượu chắc là họ khổ lắm đấy. Bà có vẻ như đang nhìn đâu đâu. Tôi không hiểu ánh mắt ấy. Nhưng câu nói vừa rồi của bà nhắc tôi nhớ đến cái vỏ bầu rỗng nhẹ không của lão Tác.
_ Thế thì để cháu đem ra ngoài sông cho ông vậy! – Tôi nói sau một cái tặc lưỡi.
Mắt bà sáng lên:
_ Cháu tốt quá. Ừ thì tuỳ cháu. Nhưng phải khéo, đừng để bố mẹ mày hay ông Tộ ông ấy biết được rồi lại…
Tôi hứa với bà rằng tôi sẽ giấu thật kín!
… Sẽ không bao giờ tôi quên được buổi chiều ấy, cái chiều mà tôi ra với lão Tác cùng chai rượu bà Tác NHẶT ĐƯỢC kia. Tôi đã thấy dòng nước mắt của một người già cả, cô đơn, nhỏ xuống như thế nào. Và chiều ấy, ông cháu tôi ít nói hẳn đi. Tôi ngồi ngắm lão, cố gắng hiểu xem vì sao lão lại xúc động đến như vậy. Còn lão, lão cầm chai rượu trong tay, không uống mà mặt lại như say: Đỏ và đờ đẫn. Ánh chiều cứ chợt tắt, chợt sáng lên trong mắt lão. Môi lão run run. Có lúc lão nói một câu gì đó nhưng tiếng lão khàn quá, nhỏ quá và như không phải nói với tôi mà với dãy núi tím xa thẳm kia vậy.
_ Sao ông không về với bà và bác Tộ mà cứ ở đây mãi cho khổ? – Tôi buột hỏi lão vậy.
Lão im lặng nhìn tôi hồi lâu rồi buồn buồn:
_ Cậu còn trẻ quá, còn trong sạch quá cậu Cao ạ. Ở cái tuổi như cậu, người ta có thể thanh thản đến với mọi người mà chả sợ bị ai xua đuổi, lảng tránh. Còn lão… lão đã bị… ấy mất rồi! – Lão nói vất vả, mặt nhăn lại và mắt lão lại có những giọt nước đục sữa rỉ ra.
Tôi không hiểu cái tiếng “ấy” kia trong câu nói của lão nghĩa là gì. Nhưng tôi đoán rằng lão đã bị một cái gì đó thật ghê gớm ám ảnh. Tôi ân hận vì đã làm lão buồn.
12. Lão Tác về làng được hơn một tuần. Hơn một tuần thôi mà trông lão thay đổi nhanh quá: điệu bộ lão cứ chậm chạp, ủ rũ dần. Lão không hay kể chuyện cho tôi nghe nữa mà cứ thường là im lặng bó gối ngồi, mắt hướng về phía làng căng thẳng như đang ngóng đợi một điều gì.
Mẹ tôi và thím Quyết lại gặp nhau để thì thầm:
_ Bác Tộ gái có bắn tin, ý rằng bác Tộ giai bác ấy không cấm. Nhưng ông lão đã có chân đi thì phải có chân về, chứ còn đợi bác ấy ra mời về là bác ấy không có ra! Cứ như cách nói của bác gái thì nghe đâu hai bác ấy còn bắt ông lão về xin lỗi bà lão nữa cơ. Khổ, tôi nghĩ… Chẳng qua người ta không muốn thì bày đặt ra vậy, chứ vợ chồng, bố con… Bát nước đổ xuống chứ có đâu nước hắt ngược lên. Ông cụ có trót lầm lỡ gì đi nữa, thì bác Tộ vẫn là giọt máu của ông ấy kia mà. Với cứ như tôi nghĩ thì bây giờ chỉ nội cái việc ông cụ quay về là đã chứng tỏ rằng ông cụ cũng biết hối rồi, mình phận con lại tỏ thế bắt chẹt nữa thì cũng khó. Tôi cho rằng ông lão chẳng chịu nào.
_ Vậy thím bảo không chịu về thì cứ ở ngoài bờ ngoài bãi ấy mà chết à? – Mẹ tôi hỏi lại.
Thím Quyết vẫn dẽ dàng:
_ Mình tính là tính cái tình thế nào cho nó phải thôi. Chứ, nếu mà nói đến cái chết thì bác tính chết ở đâu mà chả được! Cái người đã có gan cả đời đem đi phiêu bạt thì người ta cũng chả thiếu cái gan gửi xương nơi đất khách quê người. Người ta có về lại quê xưa chốn cũ, cũng chả phải vì người ta thiếu tiền hay thiếu miếng ăn. Thiếu chăng tôi nghĩ là cái tình nghĩa ấy.
_ Ừ, thì đã đành thế. Nhưng cung cách này nếu cả hai bên cùng căng thì… chả lẽ cứ để mãi ông lão ngoài sông ấy à? – Mẹ tôi cau có.
Thím Quyết hạ giọng:
_ Mãi là thế nào. Bên bác Tộ đã vậy, còn bà con làng xóm nữa chứ. Tôi nghe phong thanh đâu bên “xã hội” ấy, người ta đang bảo nếu nhà bác Tộ không chịu cho người ra đón ông lão về, thì họ sẽ đón đưa ông lão về nhà an dưỡng của xã đấy.
_ Gớm, cũng mới chỉ là rung cây doạ khỉ vậy thôi. Chứ từ đó đến quyết, rồi cho người ra vời ông lão thật thì cũng còn chán. Có khi chờ được vạ thì má đã sưng. Với lại… cũng chẳng dễ. Bác Tộ giờ đã là phó chủ tịch xã, lại phụ trách cả cái món hộ tịch, hộ khẩu, công an nữa, mà chẳng thế thì nói cùng kỳ lý vẫn là việc riêng của gia đình người ta, muốn đánh chó còn phải ngó mặt chủ nữa cơ mà…
Thím Quyết nghe mẹ tôi nói lại thở dài.
_ Thì tôi cũng nghe vậy, nói vậy. chỉ cầu giời sao cho có ai định làm gì cho ông lão thì nhanh lên. Chả biết ông lão thế nào, chứ cứ nhìn bà lão đấy. Từ hôm ông lão về đến nay, bà cứ như người mất hồn. Chiều qua gặp tôi, chả nói được gì cứ nước mắt ngắn nước mắt dài, đến tội!
_ Sáng nay đấy, ai lại tay đang cầm con dao rành rành mà bà lão cứ loay hoay kêu con gọi cháu đi tìm, phải đến khi bác Tộ bác ấy quát cho mới lại như tỉnh, cập rập chạy đi…
Thím Quyết kéo vạt áo lau nước mắt. Mẹ tôi quay mặt vào tường hỉ mũi sìn sịt.
_ Con như bà bên nhà là con cứ ra đón ông về… - Không chịu nổi tôi thò đầu khỏi màn góp chuyện.
Mẹ tôi lừ mắt:
_ Chuyện người lớn, mày biết gì mà bép xép. Chờ đấy rồi tao bảo hồn cho. Mẹ nói bao nhiêu lần mà rồi cấm có nghe, cứ thậm thà thậm thụt. Chiều qua tao thấy người ta bảo mày mang cái gói gì ra cho ông lão phải không? Chết thật thôi. Nhà người ta con cháu đầy đàn, ai mượn đến cái mặt mày mà mày làm thế. Con dại cái mang, rồi người ta nào có nói mày, lại cho là tao “thọc gậy bánh xe, lấy que cời bếp” nhà người.
Tôi im thít. Đúng là chiều qua tôi có mang ra cho ông lão một cái gói thật. Đó là gói bánh rán bà Tác cũng “nhặt được” ở đâu đó ngoài cổng chợ đưa về cho tôi. Tôi ăn một cái, còn lại thì đem ra đây cho ông lão. “Con biết thương người vậy rồi trời Phật phù hộ cho con!” – Bà Tác bảo tôi thế. Tôi đã giấu kín vậy mà làm sao mẹ tôi vẫn biết?
_ Chuẩn bị đi. Chủ nhật này chú mày về thì tao gửi chú mày đem đi. Phải ôn bài, học bài đi chứ. Đã dốt như vịt mà còn cứ như con cung quăng, tí tởn hết chỗ này đến chỗ khác. Rồi hết khôn dồn dại, mang vạ vào thân lúc nào không biết đấy con ạ! – Mẹ tôi mắng thêm vậy.
13. Cũng tưởng mẹ bực thì nói doạ, không ngờ cuối tuần khi chú tôi về, mẹ gửi tôi đi theo chú thật. Tôi oà khóc. Nhưng nước mắt không làm mẹ tôi thay đổi quyết định: “Chỉ còn hơn tháng nữa là đến năm học mới rồi, mày còn không định ôn bài đi lấy sức mà theo tiếp, cứ ỳ ra đến bao giờ?”
Không, tôi không muốn ỳ ra. Tôi chỉ buồn. Tôi buồn vì phải xa lão Tác. Hơn một tuần nay lão là niềm vui của tôi. Bây giờ phải xa lão, xa những câu chuyện kỳ bí còn dang dở, xa cái boong tàu gỉ hâm hấp nóng, tôi thấy mình khổ lắm. Nhưng lão Tác lại như còn khổ hơn tôi. Buổi tối tôi ra tạm biệt lão, lão cứ nắm lấy tay tôi mà lắc.
- Cậu tốt lắm cậu Cao ạ. Lão biết ơn cậu nhiều lắm. Chao ôi, con vích nhỏ của lão. Giá mà lão còn sức, lão sẽ đi theo cậu để bảo vệ cho cậu, hầu hạ cậu, để cậu học hành giỏi giang. Thật đấy. Vậy mà…
Lòng tôi bùi ngùi. Tôi an ủi lão rằng chỉ nay mai thôi lão sẽ hết cô đơn. Người ta sẽ ra đón lão về. Sẽ có người thổi cơm cho lão ăn, mua rượu cho lão uống. Còn tôi, tôi chỉ đi có một tháng. Bao giờ năm học mới bắt đầu tôi sẽ về với lão. Mà lão phải để dành chuyện để ngày ấy kể cho tôi nghe nữa đấy. Tôi dặn lão vậy. lão gật gật đầu. Và tôi giật mình khi thấy hai giọt nước mắt của lão rơi xuống tay tôi đang nằm trong bàn tay già nua, run rẩy của lão. Lão cười với tôi mà miệng thì méo xệch.
Chúng tôi chia tay nhau. Ba chúng tôi, một lão già cũ kỹ, một con tàu cũ kỹ và một thằng bé con ngờ nghệch chia tay nhau…
Và tôi không ngờ đó là cuộc chia tay cuối cùng của ông cháu tôi. Hết kỳ đi theo để chú tôi kèm cặp học thêm, khi tôi về nhà thì lão Tác đã không còn nữa.
_ Ông lão mất ở ngay ngoài con tàu cũ ấy. Người đâu mà gan. Năm lần bảy lượt xã cho người ra đón về nhà an dưỡng, nhất định không chịu về. Hợp tác đem gạo thịt ra cho cũng nằng nặc từ chối. Đến khi bị làng xóm người ta nói cho nhiều quá, nhà Tộ mới ra thì đến nơi… không kịp nữa. – Mẹ tôi kể.
_ Bà lão cũng “đổ” ngay sau khi ông lão “đi” được mấy ngày… - Thím Quyết bùi ngùi báo cho tôi biết vậy. Thím còn nói rằng khi làm ma chay cho ông lão, người ta đã tìm thấy mấy cây vàng lận trong vạt áo của ông! Và thím lại cười, cái cười gượng gạo và héo hắt. Rồi thím nói với tôi như nói với tôi như nói với một người bạn:
_ Tôi bảo mà, ông lão về đâu có phải để kiếm miếng cơm… Thôi, dẫu sao thì hai ông bà cũng đã xong nợ, chả còn khổ nữa. Mát mày mát mặt rồi. Cả làng này từ xưa đến giờ, chưa bao giờ có một cái đám ma nào to đến thế.
Tôi đứng chết trân giữa nhà. Đâu đây có tiếng con thạch sùng tắc lưỡi.Ừ, ở làng này chưa bao giờ có một đám ma nào to đến thế…
14. Buổi chiều. Tôi ra trường chơi với thằng Dề rồi quay về rủ thêm thằng Quyết cùng ra sông. Cái Tâm thấy chúng tôi đi với nhau liền chạy theo. Nhưng khi biết chúng tôi ra sông thì nó dừng lại, rụt cổ vào: “Eo ơi, em ứ đi nữa. Ngoài sông có MA ÔNG TÁC đấy, sợ lắm!” Tôi bực mình định thụi cho nó một cái, nhưng rồi lại thôi. Khi qua ngõ nhà tôi một đoạn, tôi gặp thằng Túc. Có lẽ nhìn thằng Dề cởi trần, áo quấn quanh cổ, nó biết chúng tôi đi đâu:
_ Chúng mày định ra sông à? Tàu của chúng mày bị phá rồi!
Chúng tôi dừng lại. Thằng Túc bỏ tay ra khỏi túi quần vẻ đề phòng:
_ Tao nói thật đấy. Bố tao đã ra lệnh cho các chú thợ ra phá nó lấy sắt đem về làm cánh cống!
Chúng tôi nhìn nhau và không đứa nào bảo đứa nào cùng nắm tay nhau chạy một mạch ra đê. Thằng Túc nói đúng. Ngoài sông, chỗ con tàu hỏng đang có nhiều người ở đó. Có tiếng búa nện mạnh và cả ánh lửa hàn loé lên liên tục. Cái ca bin tàu đã biến mất và có lẽ người ta đang phá tiếp những chỗ còn lại. Tôi cảm thấy rất rõ bàn tay thằng Dề cứ bóp mỗi lúc một chặt thêm tay tôi:
_ Thôi, về! – Thằng Quyết ra lệnh cụt lủn
Chúng tôi im lặng quay lưng. Tới ngã ba đường rẽ ra chợ, chúng tôi như kiệt sức ngồi thụp cả xuống vệ cỏ. Chả đứa nào nói câu gì. Mặt trời đã lặn và rồi tối hẳn. Chúng tôi vẫn ngồi, mỗi đứa quay nhìn một hướng.
_ Thôi, giờ thằng Cao về nhà đi. Thằng Quyết đi với tao, có việc! – Thằng Dề phủi quần đứng dậy.
Tôi hơi tự ái. Chúng nó có việc gì mà đẩy tôi ra? Nhưng tôi chưa kịp hỏi, thằng Dề đã kéo thằng Quyết chạy mất. Tôi đành về nhà. May quá, nhà đang có mấy bác trong xóm sang chơi và mẹ đang muốn có tôi ở nhà để các bác hỏi thăm về “ chuyến đi học xa” vừa rồi. Mọi người tíu tít. Còn tôi, đầu óc tôi còn để cả vào thằng Dề và thằng Quyết nên trả lời chẳng đâu vào đâu. Vâng, thì tôi đã đi học, đã được ra thành phố, được thấy có con chó được người ta cho ăn hàng cân thịt bò một lúc. Tôi đã thấy ở phố có những thằng bé cũng chỉ bằng tôi mà được đeo những cái đồng hồ thật chứ không phải bằng lá dứa guộn như bọn tôi ở quê. Vâng, còn nhiều thứ lạ lắm… nhưng những chuyện ấy phải kể cho bọn thằng Dề, thằng Quyết nghe thì mới thích.
_ Cháu nó mới đi về còn mệt!
Mẹ tôi giải thích việc chểnh mảng của tôi như vậy. Mọi người đồng ý. Và đúng lúc các bác đứng dậy chào mẹ tôi để ra về thì bỗng nghe tiếng chó bên nhà bác Tộ sủa rống lên. Có vật gì đó ném vào sân và sau đó là tiếng bác Tộ gái chửi đứa nào động mồ động mả đem vứt bẩn vào sân nhà bác. Linh tính mách cho tôi rằng hình như “ CÓ CHUYỆN”. Tôi chạy ra hè.
_ Cao, vào trong này! – Mẹ tôi quát.
Tôi đang định quay vào thì nghe ngoài ngõ bỗng đồng loạt cất lên lời cuối bài hát đồng dao “Thả đỉa ba ba”
Đổ mắm đổ muối, đổ chuối hạt tiêu, đổ niêu cứt gà, đổ phải nhà nào, nhà ấy phải chịu!
_ Cha tiên sư chúng mày. Đem cứt gà về đổ vào nhà chúng mày ấy. Quân mất dạy!
Bác Tộ gái tay cầm đèn, tay cầm chổi, chạy ra chửi. Con chó nhà bác cũng xông ra sủa theo. Có tiếng cười của nhiều đứa, toàn giọng trẻ con. Tiếng chân chạy toé về hai ngả.
Chà, tiếc thật. Tại sao tôi lại gạt ra khỏi trận này?
15. Để chuẩn bị cho năm học mới, tôi phải ngồi lục xé trong mớ vở cũ những tờ giấy trắng còn sót lại để bố tôi đóng lại cho thành quyển vở mới. Một buổi sớm trong khi bố con tôi đang chúi vào với công việc chán ngắt ấy thì có người chạy vào gọi bố tôi bảo phải ra uỷ ban xã ngay. Bố tôi vội thay quần áo rồi chạy đi.
_ Chốc nữa có ra xem ô tô thì ra! – Bố bảo tôi vậy. Tôi khẽ “vâng” một tiếng, tỏ vẻ không hào hứng lắm, nhưng chẳng thể chờ đến “ chốc nữa” mà ngay khi bố tôi vừa ra đến ngõ tôi đã tung hê mọi thứ sách vở vội vã phóng theo. Tôi không chạy theo đường chính mà cắt qua ruộng ngô, băng qua bãi tha ma và chui qua rào vườn rau phía sau nhà bếp uỷ ban. Tim tôi đập thình thịch. Ô tô! Chà, sao mà tôi khoái được xem đó là loại ô tô gì. Xã đang làm cống, chắc là ô tô chở gạch. Vậy thì nó phải to, có thể có tới tám bánh như chiếc xe của anh Long người xóm trên thỉnh thoảng vẫn đánh về nhà?
Nhưng tôi đã sững lại!
Vâng, tôi đã sững lại và đứng ngây người ra. Khi tôi vừa chui qua được đám rào gai, nhảy vào được trong sân uỷ ban thì cũng là lúc những chiếc ô tô đã tới. Đó là những chiếc xe tuyệt vời, nhỏ thôi, nhưng tuyệt vời.
_ Xe du lịch đấy! – Có đứa nào hét vào tai tôi.
Tôi giật mạnh đầu và run lên. Những chiếc xe con bóng láng. Ba chiếc cả thảy, cái đi đầu màu mận chín, cái giữa màu đen, cái cuối cùng màu sữa. Những chiếc xe từ từ lăn vào sân. Tiếng máy êm ru. Chiếc đèn nhỏ ở một bên mũi xe nhấp nháy, nhấp nháy, đột ngột chuyển từ màu đỏ sang màu vàng rồi tắt khi xe dừng lại. Bữa theo dì tôi lên Thái Nguyên tôi cũng đã trông thấy những chiếc xe kiểu này nhưng chúng phóng nhanh qua. Còn bây giờ thì chúng ở ngay trước mắt tôi. Không thể kìm được nữa, tôi sấn tới.Lũ trẻ con trạc tuổi tôi, có đứa cõng em, cũng sấn tới. Chúng tôi chen nhau để có thể quệt tay vào chiếc xe một cái. Có đứa nào huých cùi tay vào mang tai tôi. Tôi cáu tiết quay lại. A. Thằng Quyết!
_ Này, chính tao nhìn thấy những chiếc xe này trước tiên đấy! – Nó hét lên với tôi, mặt đỏ bừng và nhễ nhại mồ hôi: - Tao đón được nó ở cổng chợ. Nó chạy chậm lắm. Tao đã bám được vào đằng sau nhưng trơn quá đếch nhảy lên được!
Thằng Quyết hăng hái khoe. Tôi hơi tủi. Thì ra bao giờ nó cũng may mắn hơn tôi.
Pin, pin! Tiếng còi xe đột ngột. Chúng tôi giật mình dạt ra. Cửa xe mở, từ trong xe một người chui ra. Đó là một anh rất béo, mặt bóng nhẫy và có cái cằm màu xanh.
_ Lui hết ra, các tướng! – Anh ta quát lên, giọng the thé như đàn bà.
_ Bọn ôn con này, lui hết ra kia! Chào các đồng chí.
Một tiếng quát. Có người đẩy mạnh lưng tôi. Đoạn đầu chắc là dành cho bọn tôi, đoạn sau phần những người sang trọng đang từ trong xe bước ra. Tai tôi bị kéo mạnh một cái. Tôi nhìn lên. Bác Tộ! Bác trừng mắt với tôi rồi hướng vội về phía các ông sang trọng giơ cả hai tay ra, lưng khom xuống. – Vâng, kính chào, kính chào. Rất hân hạnh!
Bác Tộ lần lượt bắt tay tất cả số khách và luôn mồm nói vậy.
_ Lui, lui ra kia. Nhưng không chết giờ!
Tai tôi lại bị kéo. Tôi giật mình. Bố tôi!nhưng ông như không nhận ra tôi. Trong tay ông là một cái xe điếu dài!
_ Bố, con đây mà! Cho con ở đây xem ô tô! – Tôi níu tay áo bố.
Bố tôi giật ra, tay dứ dứ chiếc xe điếu:
_ Cút! – Bố tôi gắt khẽ nhưng mặt thì lại chẳng có vẻ gì là sẽ nhân nhượng cả.
Lòng đầy thất vọng, tôi đành theo lũ trẻ lùi dạt dần ra cổng cho đến khi cánh cổng sắt sập lại trước mũi. Tôi cố bám lấy song cửa nhìn vào. Chợt tim tôi nhói lên. Trong sân vẫn còn một đứa không bị đuổi ra. Đó là thằng Túc. Thằng Túc đứng bên cạnh bố nó. Khách – những ông sang trọng, bắt tay bác Tộ xong lại cúi xuống xoa đầu thằng Túc và cười với nó. Cuối cùng bác Tộ và khách vào hội trường. Ngoài sân chỉ còn thằng Túc với ba anh tài xế. Anh tài béo có giọng đàn bà chọc tay vào túi lôi ra bao thuốc và chìa cho thằng Túc. Thằng Túc thản nhiên rút lấy một điếu ngậm vào môi. Anh tài bật lửa cho thằng Túc châm và dắt tay nó đến bên chiếc xe màu mận chín mở cửa. Thằng Túc chui vào.
Pin, pin, pin! Tiếng còi xe reo lên đầy khoái chá. Tôi bám chặt song sắt, tay run lên. Tôi thoáng thấy bố tôi xách phích nước từ bếp sau cập rập chạy lên nhà khách. Không có ai bắt tay hoặc chào hỏi gì bố tôi cả, những ông sang trọng ấy! Nước mắt tôi muốn trào ra.
- Thôi đi đi! – Thằng Quyết nói rất khẽ bên tai tôi. Bàn tay nó nắm lấy tay tôi, gỡ ra khỏi chấn song sắt.
… Suốt mấy ngày liền tôi sống trong một tâm trạng tủi hổ. Có một cái gì đó thật ác độc đã làm tổn thương trái tim bé bỏng của tôi. Có một thứ ánh sáng độc địa và tàn nhẫn đã rọi vào nơi u tối nhất trong lòng tôi. Chỉ ra cho tôi thấy, dù còn rất mơ hồ về thân thế và hoàn cảnh của mình.
“Bố mày làm mõ!” – Thằng Túc đã có lần nói thẳng vào mặt tôi như thế. Tôi giận run lên. Tôi sẽ GIẾT CHẾT nó! Nhưng nó đã bỏ chạy! Tôi muốn đuổi theo nhưng chân tôi nặng như chì. “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh!” Thằng Túc giống bố nó: sang trọng, lúc nào cũng mới tinh, oách! Còn tôi thì giống bố tôi: lem nhem. Đi qua ai cũng phải hơi cúi xuống. Bố tôi bảo thế là lịch sự! Nhưng tôi thì biết không hẳn là như vậy. tôi đã thấy những ông rất sang trọng đi qua mặt bố tôi mà không hề khom người. Các ông ấy là người mất lịch sự ư?
_ Con ông mõ lấy con bà quét chợ! – Thằng Túc cùng đám bạn của nó vẫn hét lên mỗi lần thấy tôi với cái Tâm đi với nhau. Tôi không làm gì được ngoài việc nắm chặt tay thành nắm đấm và lao vào chúng với trái tim bầm tím. Nhưng nắm đấm chả giải quyết được gì. Bố thằng Túc vẫn làm phó chủ tịch xã, còn bố tôi thì vẫn vậy: bê nước, chuẩn bị điếu đóm cho ông ấy tiếp khách.
_ Bố ơi, bố đừng ra làm ngoài uỷ ban nữa!
Không chịu nổi, một chiều tôi nói với bố. Bố nhìn tôi, có lẽ vẻ mặt tôi, ánh mắt tôi đã nói được nhiều hơn với bố. Bố nhìn vào mắt tôi rất lâu và bỗng thầm thì: “ Sao vậy con? Con làm sao thế?”
Tôi oà khóc. Tôi gục mặt vào khoảng ngực đầy mùi mồ hôi của bố tôi và nức nở kể cho bố nghe tất cả những gì đang làm tôi đau đớn. Bố ngồi im lặng, tay xoa lên tóc tôi. Bố cứ ngồi như vậy, rất lâu, im lặng xoa tóc và vuốt bàn tay thô ráp của người lên lưng tôi. Sẽ không bao giờ tôi quên được vẻ mặt của bố tôi lúc ấy, khi tôi đã nguôi ngoai, ngửng lên nhìn bố: Bố tôi như đang dần hoá đá. Tôi chợt ân hận.
Khúc Đồng Dao Lấm Láp Khúc Đồng Dao Lấm Láp - Trần Thị Bảo Châu Khúc Đồng Dao Lấm Láp