Số lần đọc/download: 4312 / 70
Cập nhật: 2017-06-11 10:57:53 +0700
Lụa
Tháng tám, tháng Chín, cho đến Tết Nguyên đán, tháng của làng xóm những đám sêu hỏi, cưới xin.
Bây giờ đương vào giữa tháng Chín. Cốm xanh ngăn ngắt, mềm mát lòng bàn tay. Còn hồng thì những quả hồng chín đỏ chon chót. Trong làng, đầu xóm này lạch tạch bánh pháo, cuối xóm kia một đám người áo the, thắt lưng lụa đỏ, đi từng dẫy, đội mâm cau, mâm hồng. Trẻ con, đàn bà, người lớn, ông già lũ lượt ồn ào rủ nhau đi ăn cỗ.
Cuối xóm Giếng có một đám chạm ngõ. Chạm ngõ, nghĩa cũng như là gật đầu. Đây là lễ chạm ngõ cô Lụa, con ông hương Rền lấy con trai ông phó An bên xóm Đình. Nhà ông phó An đã sang một cành cau ba chục quả thật tốt, với hai chai rượu. Chắc cũng chỉ xin vài ba hôm nữa thì đến đám hỏi. Bởi bên nhà ông phó An đã rậm rịch đi mua dưa cải và dạm mua lợn.
Nhưng cô Lụa không bằng lòng lấy con trai ông phó An. Cô nhất định rồi. Chẳng phải bướng, nhưng cô không thể lấy chồng một cách ép uổng như vậy, cũng không chê bai gì ai, mà cô không ưa thằng đó. Cô phụng phịu. Cô ậm ừ. Cô khóc lóc.
Song ông bà hương Rền coi thường, không để ý, cứ cho chạm ngõ. Và cứ cho người ta định ngày hỏi rõ ràng. Bà hương vừa nhai trầu vừa cười:
- Ồi, con gái mới nhớn, đi lấy chồng, cô nào chẳng khóc tỉ ti.
Cô Lụa càng nỉ non khóc lóc. Nhưng nước mắt không đủ cản được những lo liệu về việc vui mừng của cô. Chợt một hôm, người nhà ông phó An đến chạm ngõ. Cô ôm mặt nức nở:
- Tôi không lấy thằng ấy đâu! Tôi không lấy thằng ấy đâu!
Ông hương Rền phát xẵng một cách vui vẻ:
- Không lấy nó thì lấy chó à!
- Đừng có cho người ta chạm ngõ!
- Tao bằng lòng với người ta rồi. Hai mươi hai này.
Cô Lụa khóc nấc lên.
Ông hương trợn mắt, trợn râu, hè:
- Im!
Cô con gái thút thít im ngay.
Nhưng lúc đứng một mình với mẹ, cô lại làm già:
- Thày u mà ép con thì con cắn lưỡi mà chết, con đâm đầu xuống ao, xuống chuôm con chết.
Bà hương dịu dàng:
- Con ơi! Đừng có nghĩ xằng thế. Cha mẹ sinh ra con.
- Con đi đâu thì con đi.
- Xà, chớ có nói nhảm, làng nước người ta mỉa mai chê cười.
Cô Lụa quả quyết:
- U liệu thế nào thì u liệu. Con đã nhất định không lấy thằng ấy.
- Thế mày định lấy ai? Lấy Giời nhé? Con ơi! Con dại lắm. Nhà nó cũng là nhà có tai mắt trong làng, con biết đâu được...
- U đừng nói nữa. Giời đất ơi! Hu hu hu...
Cô Lụa nhất định không lấy con ông phó An. Nhưng ông bà hương Rền vẫn không để ý mấy tới sự nhất định của cô con gái bướng bỉnh. Bởi vậy hôm hai mươi hai, nhà người ta cứ dẫn cau dẫn rượu đến chạm ngõ tự nhiên.
Thấy việc “lấy con lão phó An” chắc như đinh đóng cột rồi, cô Lụa lo quá. Nhưng cô vẫn quả quyết không lấy thằng con lão phó An. Mà ác nỗi, cha mẹ cô khăng khăng một mực. Hay là cha mẹ cô biết. Cha mẹ cô cho là con gái quả quyết giả vờ, dọa suông đấy thôi. Ôi chao, khó nghĩ quá.
Đi chạm ngõ rồi, Lụa không khóc, không dỗi cơm, không giả vờ cách ốm nằm liệt trong buồng nữa. Chẳng phải cô đã bằng lòng. Chỉ bởi cô nghĩ rằng phản đối như thế mãi không thể ăn thua.
Cô đã nghĩ ra một mẹo, tuy thẹn nhưng phải trơ trẽn ghê lắm. Cô không dùng dằng, trơ mấy cũng đành.
Chiều hôm đó, trời đã sâm sẩm. Không mưa không nắng mà cô Lụa cũng đội nón sùm sụp, đi sang xóm Đình. Đã nhọ mặt người, đường cái vắng, không có ai. Ngõ nhà ông phó An nghe có tiếng gọi ơi ới. Đàn chó nhâu nhâu chạy ra sủa. Cô Lụa theo người nhà ra đánh chó. Đi thẳng vào trong sân. Phải, cô Lụa đó. Bà phó đi vắng, ông phó An vừa ăn cơm xong, đương ngồi đầu hè xỉa răng, cô Lụa chạy vào “lạy ông” rồi nói luôn một câu rất trơn tru:
- Lạy ông, cháu sang để thưa với ông rằng cái số cháu không được về hầu hạ cửa ông cửa bà thì xin ông bà đừng cho miếng giầu miếng cau làm gì...
Ông phó An gắt:
- À cô chê con tôi chắc?
- Dạ, cháu không dám, là cái số cháu thế, thì dám xin đưa gửi lại ông bà số tiền giầu rượu chạm ngõ hôm qua.
Lụa chìa ba đồng bạc ra.
Nhưng ông phó An xua tay:
- Này, tôi bảo thật. Cô về ngay đi. Tôi không nói câu chuyện này với trẻ con. Đã có ông hương bà hương bên ấy.
- Cháu xin ông là hết. Cháu gửi.
Lụa đặt ba đồng bạc xuống thềm hè. Lụa chào ông phó An. Rồi Lụa thoăn thoắt ra ngõ.
Câu chuyện bí mật không có hai cánh như ruồi, nhưng cũng bay từ chỗ nọ ra chỗ kia rất mau. Hôm sau, chuyện “cái Lụa đem trả tiền giầu cau chạm ngõ của nhà lão phó An” tràn khắp các ngõ xóm.
Đằng ông phó An đưa tin đến nhà Lụa một câu mát mẻ:
- Ông bà khéo dạy con cái quá. Cô ấy thực là ngoan.
Ông hương Rền trần tình với người mối:
- Sinh con ai nỡ lòng. Nó làm quái ra như vậy chứ chúng tôi chẳng đã nhận nhời đằng ấy là gì đấy.
Còn bên nhà ông phó An, tuy vậy, vẫn nằn nì nói lại định hỏi Lụa cho bằng được. Nhưng đằng ông hương Rền biết họ cố hỏi để lấy người về hành hạ cho đỡ tức, nên không dám nhận lời.
Cuộc nhân duyên ép uổng thế là tan.
Người trong lối xóm bàn tán:
- Cái Lụa bạo thực, dám lại tận nhà giả tiền giầu rượu.
- Ai có thừa đồ mà lấy thằng con lão phó An, nó cám hấp bỏ mẹ.
- Mấy lị có người xui chứ. Tôi biết.
- Ai xui?
- Cái Lụa phải lòng thằng Nguyên, mê nhau như ăn phải bùa. Nó xui gì mà chẳng nghe.
- Có nhẽ, nom thằng Nguyên có mã người hơn thằng này. Nhưng con gái thế thì đoảng rồi.
II.
Buổi trưa, đường xóm vắng, í ới mấy đứa trẻ vừa nhảy vô, vừa la.
Ngoài đồng vắng, lúa cao ngập đầu người, đương giỗ chín. Những bông lúa vàng hoe đeo nặng bông trĩu cong. Mấy con ri đá kêu kéc kéc trong ngàn lúa, chuyền loi choi. Nhưng khi đàn chim ri chuyền đến một góc ruộng kế bên bờ tre, thì thấy hai cái đầu người nhấp nhô. Hốt hoảng, cả đàn chim ri nhớn nhác vù lên ngọn tre.
Đó là Lụa và Nguyên. Hai người ngồi chéo khoeo, luồn hai tay dưới đầu gối, mắt đờ đẫn, nhìn bâng quơ. Lại bứt mấy ngọn cỏ. Chừng như đã lâu, đôi bên chưa nói với nhau một câu nào. Sự im lặng ngẩn ngơ trên những nét mặt băn khoăn. Lại có tiếng lạt sạt nho nhỏ của con chim ri đá ró ráy trong tụm lúa sau lưng.
Mãi sau, như không thể để mẩu câu chuyện dở dang, Lụa nói:
- Em đã hết lòng với anh. Nếu không, sao em đến tận nhà người ta mà giả giầu cau người ta.
Nguyên ngắt lời:
- Không, tôi có dám trách em lấy chồng đâu. Chúng mình chết thì cùng chết chứ gì. Chết với nhau cũng sướng. Thiên hạ chán vạn ra đấy.
Lụa buồn bã:
- Tính chuyện liều làm sao được!
Nguyên hỏi dồn:
- Thế chúng mình không thể lấy nhau được ư?
Lụa lấy dải yếm lên lau mắt:
- Em biết làm thế nào?
Lại im. Không ai nói với ai một lời. Gió dạt dào trong ngàn tre. Con chim sáo sậu đậu trên ngọn cây hót véo von.
Lụa giật mình:
- Ồ, sáo sậu đã ra hót bóng, đến bữa em phải về thổi cơm rồi. Em xin anh...
- Về hả?
- Vâng.
Lụa đứng dậy, nhìn người yêu rồi rón rén đi ra ngoài bờ ruộng. Nguyên gục mặt xuống đầu gối, bỗng anh gọi:
- Lụa!
- Dạ.
Lụa quay lại, Nguyên cũng đứng lên, nói:
- Tôi đã nghĩ kỹ rồi, Lụa ạ.
- Anh nghĩ sao?
- Chuyện chúng ta mà không xong, thì tôi phải đi.
- Anh đi đâu?
- Tôi đi vào Sài Goòng.
Lụa chép miệng:
- Đi làm gì cho nó khổ thân, ở làng ở nước, vẫn là phần hơn, mấy lị em đã nói, nếu như em mà vì cái số không lấy được anh, em chỉ còn có đi chùa mà thôi.
Nguyên bùi ngùi:
- Nhất định tôi đi. Tôi không thể ở lại làng này làm gì nữa. Chứ Lụa đi tu làm gì cho phí đời, Lụa ạ.
o O o
Tháng Chạp năm ấy, cô Lụa lấy chồng người bên làng Phú Gia. Sang tháng Hai, Nguyên cũng lấy vợ, người xóm dưới, cùng làng.
Không ai nghĩ đến chuyện đi đâu. Vào Sài Goòng đường xa lăng lắc. Đi tu phải cạo trọc mà cũng khổ lắm. Những lời quả quyết kia cả hai người vu vơ cũng đã quên.
Dầu Tiếng, tháng Mười hai 1942