It often requires more courage to read some books than it does to fight a battle.

Sutton Elbert Griggs

 
 
 
 
 
Tác giả: Charlotte Bronte
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Phạm Thu Hông
Upload bìa: Ngô Thúy Ngọc
Số chương: 15
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2551 / 74
Cập nhật: 2015-10-19 19:57:34 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3: Tôi Từ Giã Gateshead
au buổi nói chuyện với ông Llyod, tôi vững tâm trở lại và tình trạng sức khỏe của tôi dần dà phục hồi. Một sự đổi thay đang đến gần, tôi háo hức đợi chờ trong yên lặng. Nhưng chuyện có vẻ chậm chạp; hàng ngày hàng tuần trôi qua, bà Reed làm cho tôi cảm thấy cô độc hơn bao giờ hết.
Bà ta tách tôi khỏi mấy đứa con của bà, cho tôi ăn riêng, ngủ riêng, và tôi phải ở trong phòng giữ trẻ khi mấy đứa anh chị em họ của tôi ở trong phòng khách. Eliza và Georgiana nói chuyện với tôi rất ít, còn John thì mỗi lần gặp tôi, hắn lại thè lưỡi ra với tôi. Có một lần hắn định đánh tôi, nhưng tôi đã nhanh nhẹn đấm mạnh vào mũi hắn, khiến hắn phải chạy đi tìm mẹ, mách: “Cái con Jane Eyre bẩn thỉu đã đánh con như một con mèo điên”.
Mẹ hắn bảo:
– Con đừng tới gần nó, John à. Nó không đáng cho mình quan tâm tới. Mẹ không muốn các con tiếp xúc với nó.
Đứng tựa trên đầu thang lầu, thình lình tôi nói to lên:
– Bọn chúng không xứng đáng để tôi tiếp xúc đâu
Bà Reed người mập lùn, khi nghe tôi nói như vậy, đã chạy vụt lên cầu thang, đẩy tôi vào phòng giữ trẻ, xô tôi xuống mép giường rồi doạ dẫm:
– Mày không được rời khỏi cái giường này và nói một tiếng nào cho đến hết ngày hôm nay.
Không tự kiềm chế được mình, tôi hỏi bà:
– Nếu cậu Reed còn sống, cậu nghĩ sao về mợ đây?
Bà Reed ngẹn ngào hỏi tôi:
– Mày nói sao?
Hai mắt bà ánh lên vẻ sợ sệt, bà nhìn chằm chằm vào tôi như tôi là đồ qủy sứ. Tôi nói tiếp:
– Cậu Reed của cháu đang ở trên trời; cậu thấy hết việc mợ làm và biết mợ nghĩ gì, và ba mẹ cháu cũng vậy. Tất cả đều biết mợ nhốt cháu suốt ngày và muốn cho cháu chết đi.
Nhưng bà Reed đã tỉnh táo lại. Bà day tôi thật mạnh, bạt tai tôi rồi không nói một lời, bà bỏ đi.
Tháng mười một, tháng mười hai rồi nửa tháng giêng trôi qua. Dĩ nhiên là tôi bị đuổi khỏi các cuộc vui giáng sinh và năm mới. Niềm vui của tôi là đứng nhìn chị em Eliza xuống tham dự ở phòng khách, nhìn chúng mặc áo quần đẹp, choàng khăn cổ màu tím, cuộn tóc cao. Tôi chỉ còn lắng nghe tiếng nhạc, tiếng ly tách va chạm nhau, tiếng người rì rầm mỗi khi cửa mở ra đóng lại.
Tôi đành rút vào phòng giữ trẻ yên lặng và đơn độc, chơi với con búp bê trên chân. Khi lửa trong lò sưởi tắt hết, tôi vội cởi áo quần rồi chui vào giường để khỏi lạnh và khỏi thấy bóng tối.
Tôi luôn ôm con búp bê vào giường. Người ta sống ở đời phải thương yêu một cái gì, tôi thì tìm thấy niềm vui bằng cách nâng niu cái khuôn mặt nhỏ nhắn bạc màu này, cho dù nó xấu xí. Tôi bỗng ngạc nhiên khi nhớ ra rằng tôi đã thương yêu cái đồ chơi nhỏ xíu này một cách chân thành đến độ phi lý, lại tưởng tượng rằng nó sống thật. Tôi chỉ ngủ được khi ôm chặt nó vào lòng, và khi nó nằm đấy yên ổn, ấm áp, tôi mới được hạnh phúc và tưởng rằng nó cũng được hạnh phúc.
Thỉnh thoảng Bessie có đem đến cho tôi một miếng bánh vào bữa ăn, chị ngồi trên giường trong lúc tôi ăn. Lần thứ hai chị hôn tôi rồi nói:” Chúc cô ngủ ngon”. Những lần chị ấy dịu dàng với tôi như thế, chị tỏ cho tôi thấy chị là người tốt nhất, đẹp nhất trần gian.Tôi cứ ước mơ chị mãi mãi tốt với tôi như thế, chứ đừng xô đẩy tôi, la mắng tôi! Chị còn trẻ, mảnh mai, tóc và mắt đen, nét người rất xinh xắn. Mặc dù tính khí chị ta có phần nóng nảy, tôi vẫn thích chị hơn bất cứ ai ở Gateshead Hall.
Hôm ấy là ngày mười lăm tháng giêng, vào quãng chín giờ sáng, Bessie đến bảo tôi tới phòng ăn điểm tâm có việc. Đã gần ba tháng nay chưa bao giờ bà Reed cho gọi tôi đến. Tôi tần ngần đứng lại một hồi lâu trong phòng khách vắng người, rồi quyết định đưa cả hai bàn tay quay nắm cửa, bước vào.
Khi đã vào trong phòng, tôi ngước nhìn một người cao lớn có khuôn mặt đen đủi đang đứng trước lò sưởi.Bà Reed đang ngồi bên lò sưởi ra dấu cho tôi đến gần hơn. Bà giới thiệu tôi với người cao lớn ấy.
– Đây là con bé mà tôi đã nói cho ông biết.
Người đàn ông cúi người xem xét tôi.
– Nó còn nhỏ qúa nhỉ. Nó mấy tuổi rồi?
– Mười rồi đấy.
Ông ta nghi ngại đáp:
– Nhiều thế à? Này, cháu tên gì?
– Thưa ngài, cháu tên là Jane Eyre.
– Tốt, này Jane Eyre, cháu có ngoan không?
Thật khó trả lời dứt khoát, vì mọi người trong nhà đều chống đối tôi. Tôi đành im lặng.
Bà Reed trả lời thay cho tôi:
– Có lẽ đề cập đến vấn đề này càng ít càng tốt, ông Brocklehurst ạ!
– Tôi rất buồn khi nghe bà nói vậy. Cô ấy và tôi phải trao đổi một ít.
Ông ta ngồi xuống và nói với tôi:
– Cháu hãy đến đây.
Tôi đi ngang qua tấm thảm. Ông biểu tôi ngồi ngay trước mặt ông. Cái mặt ông rộng làm sao! Lại cái mũi bự nữa! Cái miệng nữa nè! Răng thì to và hô! Ông ta lại bắt đầu nói:
– Không có cảnh nào xấu bằng một đứa bé ngỗ ngược, cháu à! Cháu có biết những người ác độc sau khi chết đi đâu không?
Tôi trả lời theo kinh điển:
– Dạ, họ phải xuống địa ngục.
– Địa ngục là gì? Cháu nói cho ta biết, được không?
– Một hầm đầy lửa.
– Và cháu có muốn rơi vào hầm ấy rồi bị cháy mất tiêu không?
– Dạ thưa ngài không.
– Vậy cháu có biết phải làm gì để tránh điều ấy không?
Tôi nghĩ một lát rồi đáp:
– Cháu phải giữ gìn sức khỏe để khỏi chết.
Đó không phải là một câu trả lời đúng. Ông Brocklehurst bảo rằng ông sợ nếu tôi chết đi, linh hồn tôi sẽ không được lên thiên đàng.
Tôi đưa mắt nhìn hai bàn chân to tướng của ông trên thảm, tôi thở dài, muốn bỏ đi chỗ khác.
Ông Brocklehurst nói:
– Tôi mong tiếng thở dài ấy là do lòng ân hận của cháu mà ra.
Bây giờ thì bà Reed tham gia câu chuyện. Bà bảo rằng, nếu tôi được nhận vào trường Lowood, bà mong tất cả các giáo viên phải nghiêm khắc với tôi. Nhất là họ phải coi chừng tật xấu nhất của tôi, là tính nói láo. Lời tố cáo này với một người xa lạ, qủa là một cái tát độc địa cho tôi. Trước mắt ông Brocklehurst, tôi là một con bé nói láo ghê tởm, tôi có thể làm gì được để thanh minh cho mình? Qủa thật không có cách nào cả, tôi chỉ biết cố giữ cho nước mắt khỏi trào ra mà thôi. Tương lai của tôi ở Lowood thật mờ mịt.
Ông Brocklehurst bảo:
– Nói láo là một tật xấu đáng buồn, nó giống như sự xảo trá. Tất cả những kẻ nói láo đều phải bị đầy xuống hầm lửa và lưu huỳnh. Thưa bà Reed, cô ta sẽ được canh chừng. Tôi sẽ báo trước cho cô Temple và các giáo viên khác biết trước.
Bà Reed nói:
– Tôi muốn nó được dạy dỗ thích hợp với hoàn cảnh của nó, để nó được hữu ích, biết khiêm tốn. Tôi cũng muốn nó ở lại Lowood trong những dịp nghỉ.
Ông Brocklehurst đáp:
– Thưa bà, quyết định của bà hoàn toàn hợp lý. Sự khiêm tốn được đặc biệt dạy dỗ cho các học sinh ở Lowood, bởi vì tôi đã nghiên cứu phương pháp để giáo dục các em có thình cảm tự hào.
Ông ta và bà Reed tiếp tục thu xếp để tôi vào Lowood, rồi ông Brocklehurst kiếu từ ra về.
Khi đi, ông còn quay lại nói với tôi:
– Này cháu, đây là cuốn The Child’s Guide (hướng dẫn thiếu nhi). Đọc đi và cầu nguyện, nhất là về cái chết của Martha, một đứa bé hư hỏng vì gian xảo và láo khoét.
Ông ta đặt cuốn sách vào tay tôi.
Bà Reed và tôi ngồi yên lặng trong mấy phút. Tôi nhìn bà may vá. Những điều bà nói với ông Brocklehurst cứ ám ảnh mãi trong đầu óc tôi. Mỗi lời bà nói đều làm cho tôi đau đớn vô cùng, và một cảm giác căm ghét trỗi dậy trong đầu tôi. Bà Reed nghỉ tay và nhìn tôi. Tôi nhìn bà khiến bà nhột nhạt, bà nói một cách giận dữ:
– Bước ra khỏi phòng đi. Về lại phòng giữ trẻ.
Tôi đứng dậy bước ra cửa. Rồi tôi trở vào và đến sát bên bà. Tôi phải nói, phải làm sáng tỏ vấn đề. Tôi thu hết can đảm và nói:
– Cháu không nói láo. Nếu phải nói láo, thì chắc cháu đã nói cháu yêu mợ. Nhưng cháu ghét mợ hơn bất cứ ai trên đời này kể cả John Reed. Cuốn sách này nói về một kẻ nói láo, mợ hãy tặng cho Georgiana, con gái của mợ, vì chính cô ấy mới nói láo, chú không phải là cháu.
Hai bàn tay bà Reed vẫn còn để trên đồ may. Hai mắt lạnh lùng của bà nhìn tôi chằm chằm:
– Mày còn nói gì nữa không?
Giọng nói của bà, đôi mắt lạnh lùng thù hận của bà đã khơi dậy mối ác cảm trong tôi. Tôi run rẩy toàn thân, và thấy mình bạo dạn ra, tôi nói tiếp:
– Tôi lấy làm hài lòng vì bà không phải bà con gì với tôi cả.Tôi sẽ không bao giờ đến thăm bà khi tôi đã khôn lớn. Nếu có ai hỏi tôi bà đã đối xử với tôi ra sao, thì tôi sẽ nói cho họ biết bà đã đối xử với tôi qúa tàn bạo, khốn nạn ngày này qua ngày khác.
– Jane Eyre, mày dám nói với tao như vậy sao?
– Thua bà Reed, tôi dám à? Nó thực sự mà! Bà cho là tôi sống được với không một tí yêu thương nào cả. Bà không có tình thương.Trong chuỗi ngày tê tái của tôi, tôi cứ nhớ mãi bà đã đẩy tôi vào trong cái phòng đỏ gớm ghiếc ấy, nhốt tôi một mình trong ấy. Mặc cho tôi kêu gào van xin, bà đã khóa cửa nhốt tôi vào đấy, bất kể tôi đã khiếp sợ đến dương nào! Rồi bà còn hành hạ tôi đủ điều vì thằng con độc ác của bà đã vô cớ đánh tôi nhào đầu.Tôi sẽ nói cho mọi người biết khi họ hỏi tôi về sự thực chuyện này. Bà độc ác. Người ta có thể tưởng bà tốt, nhưng thực ra bà xấu, ác tâm. Chính bà mới là kẻ nói láo.
Trước khi tôi nói xong, tôi cảm thấy mình tự do và chiến thắng một cách lạ kỳ. Tuồng như có một bước nhảy vô hình khiến tôi thấy mình tự do.
Bà Reed trông có vẻ kinh ngạc vô cùng. Đồ may của bà tuột khỏi đầu gối, bà giơ hai tay lên và đung đưa người, bà nói:
– Jane, cháu sai lầm rồi đấy. Cháu có vấn đề gì đấy? Tại sao cháu run rẩy như vậy? Cháu muốn uống nước không? Này Jane, mợ cam đoan với cháu, mợ muốn làm bạn của cháu đấy.
– Không đâu bà ạ! Bà đã nói với ông Brocklehurst là tôi không có tư cách và nói láo. Tôi sẽ nói cho mọi người ở Lowood biết, bà như thế nào và bà đã làm gì.
Bà ta bảo:
– Này Jane, cháu không hiểu hết vấn đề. Trẻ con phải sửa chữa những lỗi lầm của mình.
Tôi la lên:
– Nhưng tội nói láo không phải là tội của tôi.
– Nhưng cháu nóng nảy qúa đấy Jane à.Thôi, hãy về phòng giữ trẻ và nghỉ một chút đi.
– Tôi không nằm nghỉ. Bà Reed à, bà hãy cho tôi đến trường ngay đi. Tôi ghét sống thêm ở đây lắm rồi.
Giọng của tôi oang oang rõ ràng.
Bà Reed vừa lượm đồ may lên, vừa rời khỏi phòng vừa lẩm bẩm một mình: “Rồi tao sẽ cho maỳ đến trường ngay”.
Tôi ở lại một mình – như kẻ chiến thắng. Đấy là cuộc chiến đấu gian khổ nhất và là chiến thắng đầu tiên của tôi. Tôi đứng một lát trên tấm thảm, chỗ ông Brocklehurst đã đứng, vui sướng vì một mình chiến thắng.
Jane Eyre Jane Eyre - Charlotte Bronte Jane Eyre