Số lần đọc/download: 0 / 26
Cập nhật: 2020-10-08 20:38:56 +0700
Chương 3
Sau buổi nghị bàn với các tướng lĩnh ở Thăng Long, Hưng Đạo lại xuôi thuyền về Vạn Kiếp. Ông bắt tay ngay vào việc đốc thúc các tướng luyện quân, tự mình đi xem xét các nơi rèn đúc, tạo tác khí giới. Quốc công để tâm nhiều vào các chủng quân như thủy binh, tượng binh và các đội thần vũ (tức là quân tinh nhuệ, xa thì dùng nỏ liên châu, gần thì đánh bằng giáo, mác hoặc đoản đao).
Quốc công cũng răn các tướng nên chia quân ra mà diễn tập, phải đặt ra nhiều trạng huống khác nhau kể cả bất ngờ gặp quân kỵ của giặc giữa đồng không mông quạnh, tức là gặp giặc đang ở cái thế mà nó mạnh nhất, nó phát tác được hết sở trường của nó, còn ta lại rơi vào tình thế cực kỳ khó khăn phải bộc lộ sở đoản của quân mình. Rơi vào tình thế đó thì chống đỡ ra sao?…
Sắp đặt công việc cho các gia tướng, gia thần ở ấp Vạn Kiếp xong, Hưng Đạo sai chuẩn bị thuyền cho ông đi khảo xét và ông chỉ đem theo một đô quân hộ vệ; tháp tùng có Yết Kiêu, Dã Tượng, Trương Hán Siêu, Phạm Ngũ Lão và một số gia tướng gia thần khác.
Khi mặt trời khuất sau dãy núi Nham Biền, ở phía trời tây chỉ còn rơi rớt chút ánh vàng trên mặt nước Lục Đầu giang thì ông xuống thuyền ở bến Đại Than xuôi dọc theo sông Bình Than.
Đêm yên tĩnh, xuôi nước xuôi gió thuyền đi nhẹ như lướt. Trăng giữa tháng tỏa ánh sáng xanh lạnh xuống trần gian. Thuyền đi giữa hai bờ lau lách um tùm như đi vào một chiếc hang dài vô tận. Có đoạn rừng cây ăn sát mép nước, có đoạn thuyền men bên vách núi điệp trùng. Cảnh trí thật là hùng vĩ. Trong thuyền leo lét mấy quạng đèn dầu lạc, mỗi quạng tới năm, sáu đĩa đèn, mỗi đĩa lại châm tới hai, ba ngọn bấc.
Hưng Đạo cùng mấy vị gia tướng, gia thần ngồi quây quần giữa sạp thuyền bên khay trà đang bốc khói. Trương Hán Siêu từ khi xuống thuyền vẫn hí hoáy vẽ, ông vừa quan sát hai bên tả hữu ngạn dòng sông vừa vẽ, vừa viết lời chú dẫn ở những điểm có dấu khuyên son.
Hưng Đạo liếc nhìn những tờ giấy can rộng cùng những nét vẽ chắp nối, ông khẽ nhắc Trương Hán Siêu:
- Ông đã đi cùng ta nhiều lần, đã họa các bản đồ của dòng sông này nhiều kích thước khác nhau, lần này ta muốn có một bản đồ họa vào đêm trăng theo tầm nhìn các địa hình bằng mắt thường, lượt về ông sẽ họa cho ta một bản đồ khác vào đêm tối trời, để thủy quân của ta phải thuộc nằm lòng hình thể núi sông con đường thủy độc đạo mà quan trọng vào bậc nhất này của Đại Việt. Các tướng phải hình dung đầy đủ luồng lạch, đá ngầm cùng những vật cản trong lòng sông khi nước cường, khi nước rặc và cả những gì hiện có ở hai bên tả hữu ngạn. Phải thuộc nó như các đường chỉ lòng bàn tay mình, dù ban ngày hay ban đêm cũng không thể nhầm lẫn, nhất là những khe, lạch, những ngả rẽ, những chi lưu.
Căn dặn xong Trương Hán Siêu, Hưng Đạo ngửng lên nói với các tướng:
- Trời ban cho Đại Việt ta dòng sông này để thủ hiểm và cũng là để ta kình chống với giặc Bắc.
Trăng sáng vằng vặc tãi xuống mặt nước sông khiến sóng lao xao màu ánh bạc. Hai bên bờ rừng cây ken dày như những thành lũy chạy dài hun hút mà dòng sông nom nhỏ như một con rồng cứ thung thăng uốn lượn theo hình thế của đôi bờ. Cuối thu, gió heo may đã chớm lạnh vừa ào qua các cửa sổ khoang thuyền thổi tắt mấy đĩa đèn kê bên cửa sổ. Hưng Đạo so vai xốc chiếc áo khoác ngoài và ông đưa tay gài khuy cổ chiếc áo cộc lụa nâu đang mặc.
Hai gã gia đồng theo hầu bê ra một bình rượu hình lục lăng màu ngà men rạn từng mặt có trổ hình dũng sĩ ném lao màu nâu sẫm, bình có quai xách và có cả chiếc vòi rót ngắn ngủi nằm ở gần phía vai bình, gã kia đặt chiếc khay sơn màu cánh gián với mười chiếc bát nhỏ cao thành, chân đế cũng cao hơn các loại chén, bát cùng cỡ và trên thành bát cũng có hình trang trí như thành bình.
Hai gã gia đồng vừa đặt bình và khay xuống toan rót rượu, Hưng Đạo phảy tay cho lui.
Các tướng vẫn ngồi quây quần bên vị chủ tướng trên sạp thuyền, Hưng Đạo tươi cười giục:
- Nào, rót rượu ra thưởng trăng rồi ta bàn việc quân nhân thể.
Yết Kiêu với tay lấy bình rượu rót ra chén, ông đưa mời Quốc công. Hưng Đạo đỡ lấy bát rượu rồi giục các tướng:
- Nào các ông, ta cùng uống!
Từ sau trận thắng giặc Nguyên năm Ất Dậu, tính nết Quốc công trầm hẳn xuống, và cách xưng hô với các gia tướng, gia thần, gia nô cũng bình dị và thân mật gần gũi hơn. Ngay với Trương Hán Siêu là người trẻ tuổi nhất trong đám gia thần, trước Quốc công vẫn gọi bằng “ngươi”, nay ngài đều gọi bằng “ông” hoặc gọi chung họ là “các ông”.
Mỗi người bê một bát rồi uống theo vị chủ tướng. Mùi rượu thơm làm ấm cả khoang thuyền. Các tướng đặt bát rượu xuống khay rồi cùng hô:
- Tạ ơn Quốc công cho uống rượu ngon.
Vẻ thân tình, Hưng Đạo nói:
- Một bát rượu bõ bèn gì, nếu nói rằng ơn thì ta phải ơn các ông nhiều lắm.
Các tướng ngước nhìn Hưng Đạo với vẻ ngạc nhiên. Quốc công chậm rãi:
- Ta nhớ trận kháng giặc ở Nội Bàng năm trước, thấy thế giặc lớn khó bề cản nổi, ta cho lui quân theo hai đường thủy bộ, lấy hậu quân làm tiền quân. Ta vừa cản giặc vừa lùi dần từng bước cho hậu quân rút được nhanh hơn, an toàn hơn. Bữa ấy ta có dặn Yết Kiêu giữ một lá thuyền với vài chục tay chèo khỏe chờ ta ở Bãi Tân. Khi thấy quân lui đã xa mà trời cũng đã về chiều, ta bèn lên ngựa cùng Dã Tượng phi nước đại ra phía bờ sông. Ta biết đằng sau giặc đang truy đuổi. Đến bờ sông, nhìn thượng lưu, hạ lưu không thấy một bóng thuyền. Ta đã toan cùng Dã Tượng lội sông. Dã Tượng liền can: “Nếu Yết Kiêu chưa đón được chủ tướng tất không chịu dời thuyền”. Ta đi thêm mấy dặm nữa đến Bãi Tân là nơi hẹn đón, ngựa vừa dừng thì quả nhiên một lá thuyền từ trong lau lách băng ra áp bến. Ta xuống thuyền mà lòng xiết bao cảm động. Nhìn Yết Kiêu tự nhiên ta bật ra lời nói mà đến bây giờ ta vẫn còn nhớ, chẳng biết Yết Kiêu, Dã Tượng, hai tướng có nhớ?
Yết Kiêu mặt đỏ lên vì ngượng. Dã Tượng vội đỡ lời:
- Bẩm vương, lũ thần xuất thân hèn mọn được vương nuôi dạy cho thành người, lại cho theo hầu dưới trướng, trong lúc thế giặc đang cường, gian nguy khôn xiết kể, lũ thần chỉ có một chút công mọn, vương đã vội khen khiến lũ thần cảm động đến ứa nước mắt. Lời nói của vương như lời sông núi đáng chép ghi vào sử xanh, lũ thần sao dám quên được.
- Lời ta nói bữa đó bật ra từ gan ruột bởi cảm kích trước tấm lòng trung dũng của các ngươi, chứ ta đâu có mong điều mình nói ra là để lưu sử sách. Giả dụ cuộc chống giặc dữ năm trước, ta vì nhu nhược không giữ được nước, thì lời nói kia dù có chân thực đời sau cũng chê, cũng cho đó là sự khoa trương, bẻm mép mà thôi.
Cuộc mạn đàm đang hồi sôi nổi thuyền lại sắp tới ngã ba sông - ngã ba Dương Nham, ở đoạn trên viên lái thuyền tự rõ vì biết Quốc công đi khảo xét miền Bạch Đằng và Vân Đồn, nhưng ngã ba này có hai ngả rẽ vào sông Bạch Đằng. Một nẻo qua sông Giá, nẻo kia qua sông Đá Bạc, không hiểu chủ tướng muốn đi đường nào nên người lái thuyền cúi thấp đầu nói vào trong khoang:
- Bẩm Quốc công, ngài đi nẻo sông Giá hay sông Đá Bạc ạ?
- Vào sông Giá! - Hưng Đạo đáp.
Đoạn ông quay ra nói với các tướng: Chuyến đi này ta muốn khảo sát thật kỹ đoạn sông Rừng[10] với các chi lưu của nó như sông Giá, sông Đá Bạc, sông Chanh, sông Rút, sông Đông Kênh và cả các ghềnh đá ngầm dưới lòng sông cùng dãy núi Tràng Kênh kế đó. Lại phải xem xét cả độ nông sâu của từng đoạn lúc nước thường cũng như khi nước cường, khi nước rặc. Ta cũng muốn khảo lại trận năm Mậu tuất (938) Ngô Vương đã đóng cọc lim vót nhọn đầu bịt sắt ở cửa sông để lừa giặc, đánh tan cả một đoàn chiến thuyền hùng hậu của quân Nam Hán, bắt sống thái tử Lưu Hoằng Tháo và chém đầu nó để khích lệ ba quân.
Lại nữa năm Tân tị (981) hoàng đế Lê Hoàn đánh tan chiến thuyền của quân xâm lược nhà đại Tống cũng bằng thuật đóng cọc lim lừa giặc.
Vậy phải xem xét hơn ba trăm năm trước hai bậc anh hùng đó lập trận địa cọc ở những quãng nào, còn bây giờ giả dụ có dùng lại mưu của các bậc tiền nhân thì dùng thế nào cho đắc cách khiến giặc đã vào là không có đường ra.
Nhìn các gia tướng, gia thần như có ý khích lệ họ, Hưng Đạo vuốt chòm râu dài trước ngực, ngài vuốt tới hai ba lần rồi nói:
- Nước ta nhỏ nằm bên cạnh nước lớn, nên trời ban cho địa thế hiểm trở để thủ hiểm mà giữ nước. Nếu khéo lợi dụng được địa thế, ta có thể nhân sức quân lên được nhiều lắm. Vậy theo ý các ông nên thế nào?
Phạm Ngũ Lão bèn lên tiếng:
- Bẩm Quốc công, cứ như việc hội bàn ở Thăng Long thì ý Quốc công và chư tướng đều thiên về sự nếu lần này giặc Nguyên có sang nữa, ắt chúng không bỏ qua đường biển. Và cuộc đi khảo sát này của Quốc công chắc không nằm ngoài kế sách chặn giặc. Tiểu tướng trộm nghĩ, lực lượng thủy binh của ta có quân số đông, thuyền bè nhiều, luôn được tập tành lại vừa lập công lớn trong công cuộc kháng Nguyên năm Ất Dậu, tuy vậy xin Quốc công cho quân thủy tập dượt thật quen thạo các hải trình, chí ít từ châu Vĩnh An tức từ Mũi Ngọc Sơn[11] vào Tháp Sơn[12] tới cửa Đại An, nhưng lấy vùng cửa Đối, sông Mang, Vân Đồn, cửa Lục, cửa Bạch Đằng làm trọng tâm tập luyện.
Trương Hán Siêu chợt thấy thuyền đi vào chỗ khuất, nhìn qua hai bên song cửa khoang thuyền chỉ thuần một màu đen kịt, ông vội bước ra khỏi khoang đi về phía mũi thuyền quan sát; hóa ra một bên thì vách núi một bên thì rừng cây che khuất, lúc này trăng đã xế về tây, phía đông ngôi sao Mai đang độc chiếm một vùng trời và giữa trời là ngôi sao Vượt, còn các sao khác đều lặn hết. Nhìn tinh tượng ông đoán lúc này vào khoảng cuối canh tư đầu canh năm[13].
Trong khoang thuyền các tướng vẫn bàn bạc sôi nổi, nhưng không ngoài cái ý mà Phạm Ngũ Lão đã xướng xuất.
Khi mọi người đã vãn ý, Hưng Đạo liền nói:
- Nước ta vừa nhỏ lại vừa ở vào thế yếu, nếu không ta đã học cách của Lý Thường Kiệt để giành thế thượng phong là hay nhất. Tuy nhiên, muốn được nước địch coi trọng, nước ta phải giàu, binh ta phải mạnh, giặc vào phải đánh cho chúng những đòn kinh hoàng khiến chúng phải mang nỗi nhục tới muôn sau, họa may mới làm cho chúng và con cháu chúng nỗi khiếp sợ truyền đời.
Hưng Đạo ngừng lời, ông ngồi bó gối nhìn ra ngoài trời mờ sương với vẻ suy tư đăm đắm.
Bỗng Ngô Sĩ Thường lên tiếng:
- Bẩm Quốc công, trận kháng Nguyên năm Ất Dậu mới đây, ta vừa giết vừa bắt sống hơn chục vạn quân giặc, chém đầu và bắt sống hàng trăm tướng giặc, thái tử nhà đại Nguyên được vua cha phong làm Trấn Nam vương sai lĩnh chức tổng binh, đã phải tháo chạy chui lủi trong chiếc rọ tre bọc đồng lá bên ngoài để tránh tên đạn cho lính kéo lê trên mặt đất như thân một con chó. Đời làm tướng thua như thế, chạy như thế tưởng không còn nỗi nhục nào hơn thế, không còn nỗi sợ nào hơn thế. Đấy là nỗi đau và nỗi nhục không gì gột rửa được của thiên triều. Sử xanh thiên triều sẽ chép ghi việc này thế nào đây. Bẩm Quốc công, việc đã đến như thế, giặc Bắc chắc không còn mặt mũi nào mà dám vào đất ta nữa, sao Quốc công còn phải băn khoăn.
Nghe Ngô Sĩ Thường nói, Hưng Đạo ve vuốt chòm râu, đoạn ông mỉm cười đáp:
- Ngô Sĩ Thường nói điều đó là thuộc về đạo lý. Đạo lý chỉ có thể nói được với kẻ sĩ có nhân cách và những người có lương tri, người biết liêm sỉ, biết tri chỉ tri túc, tức là những người lương thiện. Ông có biết những cái đức ấy là rất xa lạ thậm chí là thứ rất xa xỉ đối với những kẻ cường quyền, những kẻ bá quyền cậy mình là vua của nước lớn. Lũ người này không bao giờ quan tâm đến đạo đức hoặc đạo lý, các ông nhớ giùm ta điều đó kẻo mất đầu hoặc mất nước với chúng lúc nào không biết. Còn sử xanh nước Tống, nước Nguyên ghi việc họ bại trận thế nào có nhẽ sử quan Lê Văn Hưu biết hơn ta. Tiếc rằng Lê Văn Hưu không có mặt ở đây. Vậy ai có thể nói giúp ta việc này?
Trương Hán Siêu vừa vào ngồi cạnh Phạm Lãm nghe được cả lời tâu của Ngô Sĩ Thường và lời hỏi của Hưng Đạo, nhưng mọi người vẫn im lặng. Chợt Phạm Lãm khẽ nói với Trương:
- Ông biết sao không bẩm để mọi người chờ ngóng.
Được khích lệ, Trương Hán Siêu bèn nói:
- Bẩm Quốc công, thưa chư liệt vị, trận quân Mông Cổ bị bại năm Đinh Tỵ (1257) và trận quân Nguyên đại bại năm Ất Dậu (1285) mới đây không biết Nguyên sử sẽ ghi như thế nào, chứ như cuộc xâm lăng của nhà Tống khởi từ tháng mười một năm Ất Mão (1075) đến tháng hai năm Đinh Tỵ (1077) kéo dài mười lăm tháng thì sách Tục tư tri thông giám trường biên của Lý Đào thuộc Tống sử ghi lời biểu mừng vua Tống Thần tông: “Đã dẹp yên An Nam và đã lấy được đất Quảng Nguyên”. Bẩm, cuộc chiến đó Lý Thường Kiệt đã hãm quân Tống ở bờ bắc sông Như Nguyệt tới cả năm trời, quân Tống mười phần đã bị diệt tới sáu, bảy phần, lương thảo cũng sắp cạn kiệt mà viện binh và tiếp lương đều không có. Tình thế ấy chỉ cần Lý Thường Kiệt ra tay một trận là quét sạch quân Tống, thế nhưng Ỷ Lan thái hậu và Lý Nhân tông vốn hiếu hòa nên cho quân Tống giảng hòa, cho rút quân để thiên triều đỡ bẽ mặt. Vậy mà Tống sử còn ghi như thế.
Tuy nhiên theo Nhị Trình di thư, tức là sách của hai ông họ Trình là Trình Di và Trình Hạo đời Tống chép về cuộc chiến ấy như sau: “Tám vạn phu vận lương và mười một vạn chiến binh chết vì lam chướng. Còn được hai vạn tám nghìn người sống sót trở về mà trong đó còn bị ốm nhiều. Nếu kể cả số trước bị địch giết thêm mấy vạn, cả thẩy không dưới ba mươi vạn”.
Trương Hán Siêu ngước nhìn Hưng Đạo rồi tiếp:
- Bẩm, cho dù Nhị Trình di thư có nói lên sự thật, nhưng vẫn giữ cái thói bưng bít và sĩ diện nước lớn. Quân Tống vào cõi ta mười lăm vạn, bị quân ta tiêu diệt mười một vạn là đúng sự thật, nhưng hai nhà Trình kia lại đổ cho sự chết ấy là vì lam chướng, thật nực cười. Đúng là… giấu đầu hở đuôi!
Nghe Trương Hán Siêu nói xong, Trần Hưng Đạo vuốt râu cười hà hà. Một lát ông nói:
- Cứ theo cái đà này, ta cam đoan với các ông, trận thua đau năm Ất Dậu mới đây Nguyên sử sẽ chép đại ý: “… Đại quân thiên triều đánh dẹp, người Giao Chỉ không chống đỡ nổi phải xin hàng. Trấn Nam vương yên ủi dân họ, thi ân đức của thiên tử khiến họ cảm ân nghĩa mà xin nội phụ. Vì vậy Trấn Nam vương bèn đem quân về nước”…
Nói xong Hưng Đạo lại vuốt râu cười. Các gia tướng, gia thần cùng cười vui vẻ. Nhìn ngoài trời đã hưng hửng sáng, Hưng Đạo hỏi các tướng:
- Thuyền ta đang ở quãng nào đây?
Yết Kiêu liền nói:
- Bẩm đức ông, ta đang ở địa đầu xã Trúc Động ạ.
- Ta nghe trời sắp sáng rồi, cho thuyền vào trú trong Trúc Động, sai lấy một số thuyền nhỏ giả làm thuyền câu, thuyền chài lưới rồi chia người đi khảo các nơi như ta đã nói. Mấy ngày lưu lại đây phải khảo thật kỹ các địa thế có thể dụng binh, kể cả thủy triều trong các mùa, lưu ý kỹ hai mùa đông và mùa xuân. Nhưng ta dặn các ông, mọi việc phải hết sức kín nhẹm, ngay trong quân ai không có trách phận cũng không được biết. Các ông nên nhớ, đây là việc quan yếu bậc nhất vì vậy đích thân ta phải đi khảo sát. Giặc Bắc quỷ quyệt, tai mắt chúng giăng mắc khắp nơi, đề phòng cẩn mật đến mấy cũng không thừa. Ta nhớ, sinh thời đức Trung vũ đại vương[14] thường căn dặn: “Nghiệp làm tướng dù trong thời bình vẫn phải xem như giặc sắp tới biên thùy, và phải luôn ngó dòm ngay trong quân doanh của mình liệu đã đủ ngăn được tai mắt giặc chưa”.
Suốt năm, sáu ngày Hưng Đạo cùng các gia tướng đi khảo sát rồi ghi chép và họa đồ không thiếu một chỗ nào từ bến bãi, rừng cây, núi đá, đồi gò, hang hốc, đá ngầm, vật cản xung quanh mấy con sông tiếp giáp với sông Rừng kể cả dãy núi Tràng Kênh và cửa sông Rừng. Hưng Đạo lại cho người đi hỏi các người cao tuổi trong vùng nhất là dân chài thông thạo về con nước và mớn nước của sông Rừng qua các tháng trong năm, kể cả những năm thời tiết thất thường. Nửa đêm thuyền lại xuôi về Cửa Lục, Hưng Đạo ở đó xem xét cả trên bờ, dưới biển thêm hai ngày nữa rồi cho thuyền xuôi Vân Đồn.
Một dải từ Bạch Đằng, Cửa Lục đến Cửa Suốt[15] trong đó có vịnh Hạ Long, Bái Tử Long mênh mông núi và nước. Nhấp nhô tới cả vạn trái núi đá, trên đó cây cối mọc rậm rạp như rừng thật là một bức tranh vĩ đại và kỳ thú được tạo hóa ban cho người mình. Sự xen kẽ giữa núi và nước tạo thành thế hiểm trở khôn lường. Ngoại bang vào vịnh này như lạc vào một trận đồ bát quái khó tìm được lối ra, ấy là chưa nói những dải đá ngầm và những trái núi đột ngột hiện ra chắn mất đường thuyền đi hoặc những dãy núi đá chạy dài nom như một bức trường thành hùng vĩ. Cả một khu vực phòng thủ trọng yếu này Quốc công tiết chế trao cho con trai mình là Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng quản nhiệm và có sự hỗ tương của Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư. Còn từ Vân Đồn ra mũi Sa Vĩ tới mũi Ngọc Sơn thuộc châu Vạn Ninh giáp với nước Nguyên (nước Trung Hoa bị người Mông Cổ đô hộ cải tên nước là Đại Nguyên) hoặc xuôi về phía nam qua Cửa Đại Bàng[16] tới vùng Tháp Sơn kéo tới cửa Đại An[17] thuộc quyền phó tướng Trần Khánh Dư cai quản.
Đêm yên tĩnh, thuyền đi trên mặt nước lao xao sóng làm ánh trăng vỡ vụn như vãi ra muôn ngàn vẩy bạc trắng lóa. Thỉnh thoảng chạm phải một đàn cá bướm, chúng bốc bay là là trên mặt sóng nom như một chiếc phên bạc kéo một vệt dài tới cả chục sải tay.
Chừng quá nửa đêm, thuyền vào tới vùng thương cảng. Bến bãi vắng hoe, không một bóng cờ ngoại quốc, trên bờ phố xá im lìm, bốn bề chỉ nghe tiếng biển thì thầm, Quốc công khẽ nói với mọi người:
- Đúng như Nhân Huệ vương đã tâu báo về triều rằng quân Nguyên đánh phá khắp nơi, tàu buôn các nước không qua lại vùng biển này nữa. Về phần nước ta vì đề phòng giặc trà trộn hoặc cắm cài gián điệp, nên cũng dồn hết người nước ngoài vào buôn bán trong đất liền. Người các nước xin hồi hương hết, duy có người Tống xin ở lại. Bởi họ ở lại đất ta còn được coi là dân di trú, chứ về nước sẽ là dân nô lệ cho người Mông Cổ. Quốc công chép miệng thở dài - Đúng là thời thế đổi thay đến chóng mặt. Mới đó còn là nhà đại Tống, còn là thiên tử với thiên triều Trung Hoa, thoắt đã trở thành nước đại Nguyên do người Mông Cổ cai trị.
Qua thương cảng, thuyền đi sâu vào trong vạn đảo chừng mười dặm nữa thì tới khu vực địa đầu quân cảng. Từ đây cứ hai dặm rồi một dặm lại có một vọng gác, kiểm soát rất nghiêm ngặt.
Dù luôn bị kiểm soát ngặt nghèo, nhưng Quốc công không lấy đó làm phiền và cũng không cho phép hạ cấp tiết lộ danh tính để được quyền miễn trừ kiểm soát.
Quan sát các trạm kiểm soát và các quân canh làm việc tại các trạm đều giống hệt nhau không một mảy may lơ là sai sót, Hưng Đạo thầm khen: “Nhân Huệ vương quả là một tướng giỏi, dạy quân đúng phép tắc”.
Cách đại bản doanh của thượng tướng Trần Khánh Dư chừng một dặm, quân canh ngăn thuyền Quốc công lại rồi cho người đem giấy vào bẩm trình.
Vừa liếc qua mật danh của Hưng Đạo, Nhân Huệ vương không kịp thắt đai áo và đội mũ, ông chạy một mạch tới nơi chiếc thuyền áp bến trước trạm quân. Vừa nhảy lên sạp thuyền, ông vừa chắp hai tay vái, miệng nói:
- Tiểu tướng thất lễ, xin Quốc công tha tội.
Hưng Đạo từ trong khoang thuyền bước ra vái đáp lễ thượng tướng và nói:
- Ta có nhời khen thượng tướng cắt đặt các trạm quân canh vừa hợp lý vừa nghiêm cẩn, nhưng cái đáng nói là ông dạy quân có kỷ luật cao đấy.
- Tạ ơn Quốc công rộng lượng.
Đoạn ông quay nói với viên lái thuyền:
- Ngươi cho thuyền đi thẳng vào đại bản doanh.
Vẻ hơi lúng túng, Trần Khánh Dư tiếp:
- Bẩm, Quốc công đi kinh dinh miền biển đảo, sao không cho hạ cấp biết để còn kịp cung nghinh.
- Ta đi bất chợt. Vả lại hiện nay làm việc gì cũng phải khẩn cấp và kín nhẹm như giặc sắp vào cõi. Vì đi bất chợt ta mới được biết về tính cương kỷ mà ông đã truyền dạy cho cấp dưới, cho binh sĩ như ta đã thấy, từ đó ta mới an tâm. Thôi được, thời gian không có nhiều đâu, lát nữa ta sẽ bàn kỹ với ông.
- Bẩm vâng.
Vào tới đại bản doanh cũng vừa lúc trời sáng bạch. Núi non, biển đảo cứ hiện dần lên tưởng như những ngọn núi kia vừa đội nước vừa rẽ sương mà mọc lên chứ không phải tạo hóa đã bày xếp từ thuở hồng hoang. Nhìn cảnh vật vừa quen vừa lạ, Hưng Đạo thấy lòng thơ thới liền hỏi:
- Thượng tướng ở đây thật chẳng khác cảnh bồng lai. Vậy chớ ông có làm thơ?
Trần Khánh Dư mỉm cười đáp:
- Bẩm, ở nước ta người không biết chữ còn làm thơ huống chi là hạ cấp. Nhưng thơ làm để người đời nay đọc được đã khó, lại người đời sau vẫn còn muốn đọc thời muôn khó. Việc đó kẻ làm tướng đâu dám mơ tưởng. Tuy vậy đôi khi trước cảnh đẹp không làm thơ thấy cũng tủi cho kẻ có học hành chữ nghĩa, nên cầm bút viết loáng thoáng đôi ba vần. Đọc lại, thấy tủi cho cảnh đẹp dường kia mà bị vùi chôn trong thứ ngôn ngữ quê mùa nên hạ cấp phải vội đốt nó đi chứ không có gan lưu giữ để làm khổ thiên hạ.
Trần Hưng Đạo bật ra tiếng cười thật là sảng khoái, đoạn nhìn thẳng vào Trần Khánh Dư, ông nói:
- Với cái giọng vừa khôi hài vừa hóm hỉnh, ta chắc ông có thơ hay. Nào ông cho khai vị vài bài cùng với cuộc thưởng trà sớm nay chứ?
Vừa lúc đó quân hầu đã khép nép mời các đại nhân vào nhà tân khách dùng trà.
Chưa xong tuần trà, Nhân Huệ vương đã nói:
- Bẩm Quốc công, hạ cấp cho quân thám trà trộn vào đất Nguyên… đang định nói tiếp thì Khánh Dư chợt dừng lại. Dường như ông cảm thấy tâu báo việc cơ mật mà ở chỗ đông người thế này e không tiện.
Biết ý, Hưng Đạo liền nói:
- Thượng tướng cứ cho nghe, đây thuần tướng lĩnh và mưu sĩ tâm phúc của ta cả, họ cần được biết những gì thâu thập được từ phía giặc thì mới bày cho ta mưu chước phá giặc được.
Cảnh thần tiên gợi nguồn thi hứng, tưởng như chủ khách sẽ có cuộc xướng họa. Vậy mà nàng thơ không có chỗ chen chân trước cảnh giặc ngoài đang hung hăng đe dọa.
Được nhời, Trần Khánh Dư liền nói:
- Bẩm, “quân đánh cá” của ta được những người bạn chài bên kia cho biết, Hồ Quảng[18] được lệnh đóng ba trăm chiến thuyền, công trường đang làm việc thâu ngày đêm. Dạ bẩm quân mới đưa tin về hôm qua, hạ cấp định ngày mai sẽ về Vạn Kiếp tâu báo để quốc công biết giặc đang trù liệu đánh ta. Vậy là không nằm ngoài dự liệu của quốc công rằng: “Lần này đánh ta ắt giặc sẽ dùng quân thủy phối cùng quân bộ, quân kỵ…”.
Trần Hưng Đạo trầm ngâm một lát, lại hỏi:
- Vậy chớ còn nguồn tin nào khả dĩ nữa tướng quân cho nghe. Sự thực từ đầu năm, ông đã được tin Hốt-tất-liệt dụ cho hành tỉnh “Hồ Quảng phải gấp rút đóng ba trăm chiến thuyền đi biển để sắp tới đánh Giao Chỉ”. Hưng Đạo đang cho ngoại gián phải gấp rút gửi mọi loại tin tức thuộc ý đồ xâm lăng nước ta của Hốt-tất-liệt để còn trù liệu việc kình chống.
Nghe Quốc công hỏi, Trần Khánh Dư với tính bén nhạy của nghề làm tướng, ông tự biết cái tin quan trọng ông vừa bẩm với Hưng Đạo chắc không phải là tin quan trọng nữa. Vì vậy Khánh Dư liền đáp:
- Bẩm Quốc công, hạ cấp không được phép đặt ngoại gián trên đất Nguyên, nhưng vẫn phải biết họ chuẩn bị quân thủy ra sao, nhất là các tỉnh ven biển như Quảng Đông, Phúc Kiến. Vì vậy người của mình làm nghề chài lưới, hằng ngày đem cá vào sâu trong nội địa họ bán rồi thu lượm và mua tin tức từ dân họ, lọc ra đôi khi cũng được nhiều tin có ích.
- Phải! Tướng quân làm như thế là phải. Phép làm tướng đánh giặc phải biết mưu giặc từ khi nó chưa xuất quân, phải biết sức mạnh của quân nó như thế nào, cái gì là sở trường, sở đoản của nó. Lại nữa, cũng cần biết mình phải đối đầu với những viên tướng nào của giặc. Hơn hết là phải biết tinh thần chiến đấu của binh lính giặc, chúng cương dũng hay nhát hèn để ta còn tìm cách khoét vào chỗ yếu của nó.
- Bẩm vâng! Trần Khánh Dư biết Hưng Đạo nói về trách phận người làm tướng, kỳ thực Quốc công còn có ý răn ta. Đoạn ông nhìn Hưng Đạo với hàm ý biết ơn rồi thong thả nói: - Bẩm, hạ cấp cũng nghe nói trong quân Nguyên bây giờ pha trộn giữa người Mông Cổ và người Hán. Bảy tám phần người Hán mới có hai ba phần người Mông Cổ. Quân ở phía bắc họ gọi là quân người Hán, quân phía nam họ gọi là quân tân phụ. Lính Mông Cổ kiêu ngạo khinh miệt người bản xứ, nếu chúng khinh binh lính người Hán bảy phần thì khinh quân tân phụ mười phần. Và rồi lính đánh thuê người bản xứ cũng lục đục, quân phương bắc khinh quân phương nam ẩu đả nhau loạn xạ. Dạ bẩm nếu Hốt-tất-liệt lại xua quân tái xâm ta lần nữa, xin hoàng thượng và Quốc công cho phát lời hịch nói rõ để đám quân người Trung Hoa biết họ chỉ là kẻ nô lệ, là quân tốt thí của người Mông Cổ, hãy quay giáo lại hợp lực với quân Đại Việt đánh đuổi kẻ thù chung của hai dân tộc.
- Hay! Hay lắm! Quả ông là bậc trí tướng. Hưng Đạo khen. Nếu lần này giặc Bắc lại sang, tất phải dùng kế của ông để đánh vào lòng tự tôn dân tộc của người Trung Hoa.
Liếc nhìn sang gian bên thấy quân hầu đã dọn sẵn đồ ăn, Nhân Huệ vương bèn mời Hưng Đạo qua dùng bữa sáng.
Một chiếc mâm đồng sáng loáng trên bày các thức ăn trân quý của biển, cạnh đó chỉ có một chiếc bát, một đôi đũa, một chiếc chén và một nậm rượu. Thượng tướng Trần Khánh Dư cung kính mời Hưng Đạo vào mâm.
Các mâm khác mâm nào cũng bày bốn chiếc bát, bốn đôi đũa.
Chỉ vào mâm cơm, Hưng Đạo cười và nói vui:
- Chủ nhân cho ta là người ăn khỏe như Lê Phụng Hiểu[19] sao mà dành riêng cho ta một mâm. Nói xong ông kéo Trần Khánh Dư, Yết Kiêu, Trương Hán Siêu cùng ngồi. Lại giơ nậm rượu lên ông nói: - Ăn xong còn bàn nhiều việc, rượu dành cho bữa tối.
Mọi người vui vẻ vừa ăn vừa nói chuyện râm ran. Cơm nước vừa xong, Hưng Đạo liền bảo:
- Ta muốn xem việc ông bố phòng quân thủy trong vùng biển đảo Vân Đồn suốt từ đây ra tới sông Mang, Cửa Đối. Sau đó ông sẽ đi cùng ta ra ngoài Vạn Ninh. Đúng rồi, ra miền địa đầu của đất nước chính là bãi Sa Vĩ và mũi Ngọc Sơn đó, khi quay về đi thẳng ra vùng Tháp Sơn.
Các tướng đưa mắt nhìn nhau lại nhìn về phía Trần Khánh Dư.
Biết ý mọi người, Khánh Dư lên tiếng:
- Bẩm, Quốc công đi kiểm xét các vùng trong nội địa, lũ hạ cấp chẳng dám tham bàn, nhưng ra vùng địa đầu biên hải thì thật không nên. Giặc Bắc có thể đánh sang ta bất cứ lúc nào. Hốt-tất-liệt là kẻ tàn bạo, còn lũ tay sai người Hán lại quỷ quyệt khôn lường, tai mắt chúng giăng mắc mọi nơi, Quốc công cần phải bảo trọng. Hạ cấp có thể bẩm báo bất cứ điều gì Quốc công muốn biết trong địa bàn từ Vân Đồn đến Vạn Ninh. Dạ, cả bờ biển phía bên kia do quân Nguyên kiểm soát, hạ cấp cũng thuộc nằm lòng. Bẩm, chẳng là từ năm Mậu Dần (1278) về trước, nhà Tống chưa bị người Mông Cổ tiêu diệt, phía nam thùy của họ dường như bỏ ngỏ, vì vậy hạ cấp có qua lại xem xét nhiều lần, lại cho họa bản đồ phòng khi dùng đến.
Gương mặt Trần Hưng Đạo tươi tỉnh hẳn lên, với vẻ hài lòng, ông vừa vuốt vuốt chòm râu dài vừa nói:
- Thượng tướng quả là người biết lo xa, phòng bão lụt ngay từ lúc trời còn hanh heo. Thôi được, ta nghe lời can của các ông. Bữa nay ta muốn tướng quân dẫn ta đi xem các nơi mà ông định bố phòng để chặn đánh giặc Bắc nếu như chúng tiến vào cõi ta bằng đường thủy.
Trước khi xuống thuyền, Hưng Đạo đảo mắt nhìn bao quát quanh khu vực đại bản doanh của Trần Khánh Dư. Có tới cả trăm chiến thuyền lớn nhỏ neo đậu quanh khu vực bến bãi, nhưng ở ngoài nhìn vào hẳn không thấy gì hết, vì phía trước có dãy núi nằm ngang như một con hổ khổng lồ phủ phục làm bình phong án ngữ. Luồng lạch vào ra rộng rãi tới mức vài chục con thuyền dàn hàng ngang xem ra còn lọt thỏm. Màu nước xanh sẫm. Chỉ nhìn màu nước, vị tướng già có thể đoán được mực nước sâu nông. Vả lại thủy chế vùng này ông thuộc nằm lòng. Luồng lạch của cảng này ông mới cho đo trước năm Ất Dậu, tức là trước khi giặc Nguyên xâm phạm nước ta. Nếu ông nhớ không nhầm thì khi nước xuống kiệt, lạch vẫn còn sâu tới mười lăm mười bảy sải tay[20] và khi triều cường vào các tháng bảy, tám sâu tới ba mươi lăm ba mươi bảy sải nước, thuyền chiến thuyền lương không loại nào không vào ra được, quanh năm không bao giờ mớn nước xuống dưới mười lăm sải tay. Lạch vào, lạch ra đều được che chắn một bên là bờ, là những dãy núi chạy song hành với biển phủ kín rừng già, còn một bên là những dãy núi đứt nối cắm sâu vào lòng biển tạo cho lạch một cái thế như một dòng sông chạy giữa hai bức trường thành; phía trong dùng làm cảng lại phình to ra và sâu hẳn xuống vừa tiện cho việc tập trung tới mấy chục hải đoàn để luyện tập, lại vừa là nơi trú bão an toàn, kín đáo. Nhìn biển, tựa núi quả đây có cái thế chiến lược vô cùng lợi hại, nếu biết tận dụng, nơi đây có thể nhân sức quân lên tới mười lần. Hưng Đạo thầm phục các vua nhà Lý từ Lý Thái tông, Lý Thánh tông đều là những bậc vua sáng vừa có tài trị nước vừa có tài cầm quân nên đã sớm nhận ra sự lợi hại của địa thế mà đặt quân đồn trú tại đây. Lại như Lý Thường Kiệt quả là một danh tướng bất hủ. Chính ông đã nhìn ra cái thế đất nhất nhân địch vạn này mà sai tướng giỏi trấn giữ ở đây và hãm tướng Tống là Dương Tùng Tiên với cả hải đoàn hùng hậu của y phải nằm chết cứng ở cửa Tiên Yên chỉ cách đây vài chục dặm. Dương Tùng Tiên đã dốc sức quyết chiến tới hơn chục trận trước cửa ải này không trận nào không bị thua, trận sau thua đau hơn trận trước. Sau đó y phải cố thủ ở Tiên Yên chứ không dám xuất quân đi nửa bước. Trong khi đó hai tướng Quách Quỳ, Triệu Tiết đỏ mắt ngóng trông quân thủy vào tiếp ứng để có phương tiện vượt qua bờ nam sông Như Nguyệt.
Lý Thường Kiệt không cho quân Tống đặt chân lên bờ nam và đánh tiêu hao, tiêu diệt chúng chết tới sáu, bảy phần khiến tướng giặc phải nhận bàn hòa và xin rút quân về nước. Điều nực cười là Dương Tùng Tiên không biết chiến tranh đã kết thúc, sau triều Tống phải cho người đi gọi y mới biết mà lủi về.
Liếc nhìn vọng hải đài đặt trên đỉnh núi cao chếch về phía bắc kia ngày đêm đang dõi nhìn động tĩnh từ ngoài biển, lại cũng đặt trên nền cũ đã có từ thời Lý, mới hay các đời về sau không đời nào dám lơ là việc canh chừng phương Bắc. Trần Hưng Đạo cảm thấy hài lòng, ông quay hỏi Trần Khánh Dư:
- Ông vẫn sai quân đo thủy chế hằng ngày chứ?
- Bẩm đức ông, hạ cấp sao dám lơ là việc ấy. Đôi khi quân vừa cập nhật sổ sách xong, hạ cấp lại sai đo lại để kiểm tra ngay. Bởi vậy, quân chúng chấp hành rất nghiêm cẩn, đại vương muốn coi sổ sách lúc nào cũng được.
Với vẻ hài lòng, Trần Hưng Đạo gật đầu rồi bước xuống thuyền. Mọi người xuống theo. Trần Khánh Dư cùng đi với Quốc công tiết chế Hưng Đạo vương nhưng ông cho thêm hai thuyền đi hộ tống.
Khi thuyền đi tới gần cuối đảo, nơi có cánh bãi trải dài, Hưng Đạo nhìn thấy lác đác tới vài chục người dân cắm cúi đào xới trên bãi cát, trên đầu mỗi người đều đội một chiếc nón lá cúp đến ngang vai, khác với nón của đám sơn tràng hoặc nông phu người Tàu thường đội. Ông quay hỏi Trần Khánh Dư:
- Những người đang cắm cúi đào xới kia họ tìm kiếm cái gì vậy?
- Bẩm họ xắn cát để bắt giun biển đấy ạ.
- Loại này có dễ bắt và có làm thức ăn được không?
- Dạ, loại này bắt dễ lắm ạ. Chỉ cần trông thấy cái “mà” nó đùn lên, người ta dùng chiếc mai gỗ nhỏ bằng ba đầu ngón tay xắn xuống cát rồi bẩy lên là bắt được. Bẩm đây là loại thức ăn rất bổ, chắc Quốc công biết ở Thăng Long gọi con này là bông thùa.
- Bông thùa thì ta biết, nó to và dài gần bằng chiếc đũa ăn cơm, màu trắng như thịt cá mực.
- Bẩm, chính là bông thùa đấy ạ. Vùng này trước còn có ngư dân người Tống, họ gọi con đó là con sái sùng.
- Tiếng Quảng Tây?
- Bẩm, đúng thế.
Hưng Đạo lại chỉ tay về phía những người dân đang cắm cúi đào bông thùa và hỏi:
- Có phải những chiếc nón họ đang đội kia là nón “Ma Lôi” do ông nghĩ ra và bắt dân trong vùng phải đội không. Vì sao vậy?
- Bẩm, chắc Quốc công nghe nhiều chuyện đồn và phiền lòng về hạ cấp lắm phải không ạ?
Chẳng là trước cuộc xâm lăng năm Ất Dậu của người Nguyên thì vùng này người Tàu làm ruộng, đánh cá với người Tàu buôn bán chiếm hơn phân nửa dân số. Mà người Tàu với người mình nom đã hao hao nhau rồi, nay lại đến quần áo, nón mũ giống nhau nữa thì khó phân biệt quá. Vì vậy hạ cấp mới bắt mọi người trong trang Vân Đồn hễ là người Việt phải mặc y phục Việt, còn người Tàu mặc theo y phục Tàu. Sợ trong lúc vội vàng khó phân biệt, nên hạ cấp bắt hễ là người Việt, phải đội nón Ma Lôi. Bởi chiếc nón Ma Lôi gọn nhẹ, sâu lòng thoáng nhìn đã biết đó là người mình. Vả lại trong chiến tranh chỉ những người cùng nòi giống mới thương nhau, mới tin cậy mà sai bảo hoặc nhờ vả. Hạ cấp qua trải nghiệm đã biết vì sao họ ở đất ta tới cả trăm cả ngàn năm rồi mà dân ta vẫn cứ gọi họ là “khách trú”, tức như người ở trọ thôi. Bởi mỗi khi giặc vào cõi ta, họ không bỏ nhà bỏ cửa ra đi như người mình, không “thanh dã” như người mình, mà họ ở lại. Họ ở lại và nếu họ không chỉ điểm cho giặc nơi ta cất giấu lương thực hoặc dẫn đường cho giặc truy đuổi quân ta, chỉ vậy thôi, họ cũng là người cực tốt rồi. Tiếc thay, điều đó lại chưa hề xảy ra. Chắc Quốc công đã chứng kiến năm Ất Dậu, khi Thoát-hoan kéo đại binh vào chiếm Thăng Long thì tất cả các cửa hàng cửa hiệu của đám khách trú phường Hà Khẩu đều mở cửa đón quân Nguyên. Và hằng ngày họ đi mua gom lương thực, thực phẩm về cung cấp cho quân của Thoát-hoan. Quân của Thoát-hoan thì tới già hai phần ba là người đồng hương của họ. Qua các việc sờ sờ trước mắt diễn đi diễn lại từ đời này sang đời khác, khiến người mình không tin dân khách trú là vậy. Vì thế mấy năm trước hạ cấp cho người mình đội nón Ma Lôi để dễ phân biệt. Còn bây giờ lĩnh ý của Quốc công phải sửa soạn thuyền bè, luyện tập binh sĩ, phong tỏa bốn mặt để giữ việc binh cho kín nhẹm. Do đó, hạ cấp đã cho người Tàu từ buôn bán đến làm nghề chài lưới hoặc cày ruộng, hết thẩy đều cho họ vào sâu trong đất liền. Người buôn bán thì cho ở nơi chợ búa, phố phường, người cày cấy thì cho ruộng, còn dân chài lưới thì cho sinh sống ven sông nước.
Trần Hưng Đạo gật gật mái đầu bạc trắng và đưa tay ve vuốt chòm râu, đoạn ông nói mà như là ông hỏi vậy:
- Kể cũng lạ, từ đời Tần, Hán đến giờ, cứ hễ nước Tàu có loạn là người của họ chạy sang ta tá túc, quan cũng có mà dân cũng có. Người mình cưu mang khiến họ được an cư lạc nghiệp, nhiều kẻ giàu có gấp bội người mình, thế mà họ vẫn cứ dửng dưng với đất nước mình thực chẳng khác gì một thứ tầm gửi cứ ra sức hút nhựa mặc cho cây chủ cỗi cằn, khô héo.
Trần Thì Kiến là người tính tình bộc trực, bấy lâu ông vẫn nghe đồn quan Đông hải đô tổng quản là người không được liêm khiết lắm. Ngay nón Ma Lôi do ông nghĩ ra để phân biệt người Việt với người Tàu, kỳ thực cũng là chuyện trục lợi cả thôi. Vì vậy dân oán làm thành ca vè. Việc này không biết có mấy phần sự thực. Nghĩ vậy Trần Thì Kiến liền hỏi:
- Bẩm thượng tướng, tôi hỏi có điều gì thất lễ xin thượng tướng bỏ qua, bởi tôi nghe có ai đó tặng ông một bài thơ trong đó có câu: “Vân Đồn kê khuyển diệc giai kinh” (Ở Vân Đồn (này) đến gà chó cũng phải sợ (ông)) là ý như thế nào ạ?
Lạ thay, Trần Khánh Dư không những không giận mà còn cười ha hả. Ông đáp:
- Chẳng qua là tôi coi quân, trị dân rất nghiêm. Người có tội thì dù thân thích tôi cũng không tha. Câu thơ vừa qua họ nói cái ý dân Vân Đồn này đều kính sợ tôi thôi chứ có gì đâu. Thế nhưng những người ghét tôi lại bịa đặt vu cho tôi là tham lam vơ vét đến cả gà chó cũng phải kinh hoàng.
Mọi người cười phá lên vẻ bán tín bán nghi và đều nhìn về phía chủ tướng Trần Hưng Đạo như muốn người cho một lời xác quyết.
Trần Hưng Đạo vừa mỉm cười vừa ve vuốt chòm râu dài sợi nào sợi ấy đều sóng như cước, đoạn ông nói:
- Phiêu kỵ thượng tướng quân là một người có học thức, có tài thao lược, xuất thân từ chốn quyền môn nhưng cũng trải gập ghềnh sóng gió, cả lam lũ nữa, ta chắc vì thế mà tướng quân hiểu mình, hiểu đời, mỗi việc làm đều có cân nhắc. Hoàng thượng sai ông trấn trị vùng này có hai việc tối quan trọng, ấy là chăm dân và giữ nước. Mà chăm dân tức là giữ nước đấy. Có chăm được dân mới giữ được nước. Nếu chẳng may nhất thời bị mất nước vẫn còn có thời cơ đòi lại nước, vì còn dân ắt còn nước. Nhược bằng để mất dân là mất tất cả. Cả nước và cả thân đều nhất đán tiêu vong.
Quốc công tiết chế ngừng lời, ông đưa tầm mắt nhìn ra bao la trời biển, dường như những điều ông vừa nói đã bứt khỏi đầu óc. Chợt vương quay lại nhìn mọi người với ánh mắt trìu mến và nói tiếp: - Nước ta giàu và đẹp lắm, núi non biển cả hùng vĩ lắm không phải nước nào cũng có được đâu. Người phương Bắc thèm nhỏ rãi tựa như con vật bị xích chỉ cách miếng mồi trong gang tấc mà không sao đớp được. Từ Tần, Hán, Lương, Đường, Tống tới nay cái dã tâm của người phương Bắc đối với nước ta không những không có gì thay đổi mà sự thèm khát còn khốc liệt hơn, ngay cả người Mông Cổ mới thống trị Trung Hoa như Hốt-tất-liệt cũng lập tức bị lây nhiễm nỗi khát thèm đối với non sông bờ cõi ta. Bởi vậy từ người trí đến kẻ ngu lúc này đều phải coi việc giữ nước làm trọng, mọi cái tư riêng bé mọn đều có thể thu xếp được, chớ để cho việc nhỏ cản đường của việc lớn. - Chắc các ông hiểu ý ta? - Hưng Đạo lại nhìn các tướng và gặng hỏi.
- Bẩm vương, hiểu ạ! - Mọi người đồng thanh đáp.
Suốt ba ngày quần thảo quanh núi non, biển đảo trong vùng vịnh Vân Đồn, vị Quốc công tiết chế thống lĩnh chư quân sự đã bàn bạc rất kỹ lưỡng với phiêu kỵ thượng tướng Trần Khánh Dư về các giả định mà trận chiến sẽ diễn ra trên vùng biển trọng yếu phía đông này. Có bữa, ban ngày đi xem địa thế, ban đêm Hưng Đạo sai các tướng vẽ sơ đồ dựng lại thế trận mà quân Lý hãm quân Tống trên cái họng biển này khiến đại cuộc của quân Tống sụp đổ, mưu đồ của Vương An Thạch, Tống Thần tông bị Lý Thường Kiệt đập vỡ tan tành.
Kết thúc công việc ở Vân Đồn, Hưng Đạo sai giong buồm thẳng ra vùng Tháp Sơn.
Tháp Sơn cũng là vùng núi non biển đảo quan trọng, nhưng không hiểm yếu và mang tính huyết mạch như tuyến Vân Đồn - Bạch Đằng - Lục Đầu giang.
Thăm thú các nơi xong, Quốc công chỉ tay về phía trái núi cao nơi tọa lạc một ngôi chùa và một ngọn tháp chọc trời, ấy là tháp Tường Long, rồi ngài dạy: - Ta lên đó! Lên đó có thể nhìn thế trận rõ hơn. Nói xong ngài xăm xăm đi trước.
Núi cao, đường dốc các tướng đều có vẻ lo ngại vì Quốc công tuổi đã cao, người nọ nhìn người kia ngầm nhắc bảo nhau phải thận trọng.
Biết ý các tướng, Hưng Đạo liền an ủi:
- Ta vẫn còn đủ sức. Các ông cứ yên tâm. Vả lại nghiệp làm tướng địa hình có quan hệ trọng yếu trong việc hành binh và bày trận, phá trận không thể đại khái, nhìn bằng mắt của người khác được đâu.
Vừa leo dốc vừa ngắm cảnh vừa nói chuyện chẳng mấy chốc cả đoàn đã tới sân chùa.
Thấy tiếng người huyên náo, tiểu tăng liền vào bẩm với đại sư:
- Bạch thầy, con thấy có nhiều khách đang lên chùa.
Hòa thượng đặt cuốn sách đang đọc xuống kỷ quay ra dặn tiểu:
- Con lo trầu, nước nếu khách ghé thăm am bảo thời mời vào nhà phương trượng, còn như khách chỉ du lãm phía ngoài thời chớ có làm phiền người ta bằng sự mời mọc.
Quốc công đã nhiều lần lên tháp, vật đầu tiên mà ông nhìn thấy nơi chân tháp vẫn là tấm bia đá ghi dòng chữ “Tường Long tháp, Long Thụy thái bình tục niên Lý gia đệ tam đế”. Tên tháp này là do Lý Thánh tông ban tặng khi tháp vừa hoàn tất vào năm Long Thụy thái bình thứ sáu đời vua thứ ba nhà Lý.
Hưng Đạo nhìn tòa tháp mười hai tầng cao sừng sững đã tồn tại hơn hai trăm năm mà vẫn chưa có gì suy chuyển. Chân tháp xây bằng đá đen chạm hoa văn lá đề đường nét vẫn còn sắc gọn tinh tế, thân tháp xây bằng gạch nung, màu đỏ dịu, tháp hình bát giác mỗi mặt có một cửa cuốn tò vò trong bày một tượng Phật, vị chi mười hai tầng có chín mươi sáu tượng Phật cả thảy.
Mọi người lần lượt leo lên đỉnh tháp, từ đây tầm mắt nhìn về mọi hướng đều thông suốt, nhất là trên mặt biển tàu thuyền qua lại thấp thoáng từ rất xa đã nhìn thấy khi nó còn là một chấm nhỏ. Hưng Đạo thầm nghĩ, một sa môn đắc đạo, người cho dựng tháp này phải là một bậc trí tướng siêu phàm bởi tòa tháp này ngoài việc tôn vinh đức Phật tổ chẳng là một vọng hải đài cảnh giới kẻ thù từ xa sao. Cả hai con người đó đều hội đủ ở một Lý Thánh tông, mới hay nhà Lý đã để lại cho đất nước, cho cháu con một cơ ngơi đồ sộ mà nhiều đời sau vẫn còn được thụ hưởng nhưng chưa chắc đã hiểu hết các giá trị.
Quốc công dẫn các gia tướng, gia thần và Khánh Dư vào chùa lễ Phật rồi qua nhà phương trượng vấn an hòa thượng.
Hòa thượng vừa nhác thấy Quốc công đã vội đứng dậy chắp tay chào:
- A di đà Phật! Đại hạnh! Đại hạnh! Phước báu duyên lành bản tự được nghênh đón bậc tôn trưởng.
Hưng Đạo vương mặt hơi ửng đỏ, chắc là ngài có phần ngượng với lời tán thán của đại lão hòa thượng. Vương ân cần thăm hỏi sức khỏe thiền chủ và cả sự tiến tu của nhà thiền. Lại hỏi dân trong vùng có hiếu Phật không, bản tự có gì cản ngại khi ở trên núi cao, kể cả thời tiết khắc nghiệt, núi rừng lam chướng, hết nắng nóng, bão gió lại lạnh giá.
Hòa thượng hết sức xúc động trước lời thăm hỏi ân cần của bậc tôn trưởng, dù không biết khách là ai, nhưng nom tướng mạo hòa thượng cứ đinh ninh người này có chân mệnh đế vương.
Hưng Đạo sai Yết Kiêu lấy ba chục nén bạc cúng dường Tam bảo, cảm tạ nhà chùa rồi xuống núi.
Dặn dò thượng tướng Trần Khánh Dư và nhắc ông phải về ngay Vân Đồn cho quân luyện tập như các kế sách đã dự liệu, Quốc công cùng các gia tướng, gia thần lại quay về Vạn Kiếp bằng đường khác.