Giá trị thật của một người không phải ở chỗ cách anh ta xử sự lúc đang thoải mái và hưởng thụ, mà là ở chỗ lúc anh ta đối mặt với những khó khăn và thử thách.

Martin Luther King Jr.

 
 
 
 
 
Tác giả: Trần Đan Yến
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Thượng Hải Đích Hồng Nhan Di Sự
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 3
Cập nhật: 2020-10-20 22:08:21 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
Ký túc xá nữ sinh Học viện Âm nhạc Thượng Hải là tòa nhà kiểu Âu bên đường Hoài Hải Trung Lộ, ngói đỏ, tường hồng, khung cửa gỗ. Đây là một trong những dãy phố phồn hoa của Thượng Hải, lúc Diêu Diêu chưa sinh, nó có tên gọi Hà Phi, sau đổi thành Lâm Sâm và đến năm 1949, để kỉ niệm một chiến dịch lớn giải phóng Hoa lục đuổi Tưởng Giới Thạch cùng phe của ông ra đảo Đài Loan, con đường được mệnh danh Hoài Hải. Còn tòa nhà nói trên là dinh cơ, công quán của Đỗ Nguyệt Sênh, một tay đại lưu manh ở Thượng Hải, nghe nói ngày xưa xung quanh khuôn viên được bao bọc bởi hàng rào thép đúc màu đen, người qua đường có thể nhìn thấy cây cỏ, hoa lá, công trình kiến trúc bên trong khu vườn, nhưng năm 1958, hưởng ứng phong trào “toàn dân luyện gang thép” do Mao Trạch Đông phát động, dân Thượng Hải đã triệt phá hàng rào đẹp đẽ đó và xây gạch thay thế.
- Năm 1963, Diêu Diêu không thi đậu khoa dương cầm, nhưng vẫn có thể theo học bộ môn ca hát thuộc khoa thanh nhạc Học viện Âm nhạc Thượng Hải là nhờ phúc đức của bà Thượng Quan Vân Châu. - Ước Bá kể rằng. - Như chúng tôi, thành phần gia đình không “đỏ”. Ừ thì chỉ còn mỗi năm 1962, lúc chính sách chưa thắt lại, nhờ thành tích học tập mà lên được đại học, nếu lỡ cơ hội là chết luôn, vì nhà nước chủ trương không đào tạo những con em phi công nông như chúng tôi. Năm 1962, tôi thi đậu vào khoa đạo diễn và may quá, thoát chết. - Ước Bá xuýt xoa.
Tôi tìm gặp cụ già Ngụy Thiệu Xương và đặt câu hỏi “Thượng Hải năm 1963 là một thành phố như thế nào thưa cụ?”. Tôi thích hỏi Ngụy lão, vì cụ có ký ức và cách biểu đạt đặc biệt, những nếp nhăn trên vầng trán của ông già Thượng Hải này hệt như một pho sử, Ngụy Thiệu Xương chậm rãi:
- Cường điệu sự chất phác và đơn nguyên, độc tuyến, mọi người chỉ vận một loại trang phục màu xanh, gọi là “nhân dân trang” hoặc “Lê-nin trang”, nam hay nữ đều giống nhau. Kỳ thực thì lúc mới giải phóng người Thượng Hải đã mặc trang phục “nhân dân”, khi ấy còn là mốt thời thượng, nhưng đến năm 1963 mới trở thành chính thức, không thấy ai vận áo trường bào hở đùi hở chân nữa. Tôi ra hiệu sách và rất khó tìm người, vì tất cả toàn một màu xanh, kiểu dáng y như nhau, không có đặc trưng gì khác biệt, chỉ còn cách dựa vào cao thấp, gầy béo mà thôi. Năm đó xã hội đề xướng học tập Lôi Phong, một chiến sĩ quân đội có sự tích anh hùng, chủ yếu vẫn là đề tài sống chất phác và chịu đựng gian khổ.
Đúng như cụ Ngụy vừa kể, tôi xem lại “nhân dân nhật báo” năm 1963 và đâu đâu cũng thấy lời hiệu triệu “hãy học tập đồng chí Lôi Phong”.
- Tuy thế nhưng má tôi vẫn ăn vận rất chải chuốt. - Đăng Đăng thuật lại - Nhất là những phối kiện với áo quần như khăn quàng, giày dép, đồ trang sức. Lần đó má tôi đi ngâm thơ cho một cuộc mít tinh ở Quảng trường Nhân dân, bà dẫn tôi theo cùng. Tới nơi biểu diễn má tôi thấy màu áo trường bào bà vận không hòa sắc với sân khấu, liền điện thoại chị Diêu Diêu chuẩn bị chiếc áo khác và quay xe về nhà thay ngay. Đêm ấy bà trình diễn bài “Mao Chủ Tịch ở giữa chúng ta”, là tiết mục “tủ” của má tôi, nhất là câu kết “Người đang ở giữa chúng ta” mới thật cảm động, sâu lắng, khiến khán giả bỗng nhiên lặng sóng, ai cũng bảo bà ngâm thơ có hồn và rất tình cảm”.
- Đó cũng là năm bắt đầu bỏ cách xưng hô vợ chồng, trượng phu, thê tử, thay vì “người yêu” - cụ Ngụy Thiệu Xương kể tiếp - ai cũng là “ái nhân” tất, bất phân nam hay nữ, thoạt tiên lớp già không quen gọi như thế, về sau đành phải chấp nhận, chẳng dám mở mồm “ông nhà tôi”, “bà nhà tôi”, mà cứ đơn nguyên, độc tuyến “người yêu của tôi”, nghĩa là ăn mặc, ăn nói trong xã hội đều nhất loạt như nhau.
- Má tôi năm ấy nóng lòng được biểu diễn dẫu là một vai phụ, hình như bà đã mất cơ hội thủ các vai chính. Bộ phim “Bia máu” kể chuyện trung nông mà má tôi tham gia đã bị đình bản, tiếp đến “Chị em gái trên sân khấu” và “Tháng hai mùa xuân đến sớm” sau khi trình chiếu ngay lập tức liền nhận lãnh phê bình, người ta nói Thượng Quan Vân Châu đóng chẳng giống người lao động, bà tiếp thu, rồi lên đường về nông thôn vào nhà máy “vô sản” hóa, nhưng dù có mưu cầu tiến bộ đến mức nào đi nữa má tôi vẫn là “minh tinh của giai cấp tư sản”. Năm 1963, Trương Xuân Kiều đã trở thành quan chức cộng sản nắm giữ lĩnh vực quản lý công tác văn nghệ, tuyên truyền ở Thượng Hải. Họa sĩ Trương Lạc Bình vẫn đóng cửa vẽ Tam Mao, nhân vật này của ông giờ đã quàng khăn đỏ, vẻ mặt phấn khởi vì được sống trong xã hội mới. Còn Trình Thuật Nghiêu vận “nhân dân trang” màu xanh, yên tâm làm một chân soát vé ở rạp chiếu phim. Đại nho gia Hùng Thập Lực không gào khóc như xưa, rằng “chẳng biết truyền bá học vấn cho ai”, ông thật sự đã tuyệt vọng, ông bị lãng quên trong một ngôi nhà, quần áo xuềnh xoàng, lôi thôi lếch thếch, ngang lưng thắt sợi dây đay như kiểu bần tăng.
- Năm 1963 giải khát bằng kem cây là chủ yếu, tôi nhớ không rõ là lúc ấy có kem cốc hay không, bởi vì đã 41 tuổi rồi, không ham ngọt như xưa nữa, song một điều rất quan trọng là... - Cụ già Ngụy Thiệu Xương hơi ngập ngừng nhưng cuối cùng vẫn nói - nhân tâm kinh hoàng, ai cũng sợ bị cuốn hút vào các phong trào. Vừa “chống hữu phái” xong thì đã có ngay “tân tam phản” phản quan liêu, lãng phí, tham ô, dần dần phát triển thành “tứ thanh”. Cứ mỗi lần phong trào phát động lên là y như bỏ học, bỏ làm đua nhau khai hội, phát giác, vạch mặt, nêu tên và đấu tố.
- Chỉ ngần ấy thôi ư? - Tôi hỏi.
- Nếu thế đã may, dễ sợ nhất là tự sát đi với phong trào, Liễu Hòa Thương người của công ty điện ảnh Quốc Hoa chịu không thấu “tân tam phản” nên nhảy lầu quyên sinh, người ta đồn đại với nhau, phong trào nào cũng đều thí mạng, ngay như phong trào vệ sinh, lau cửa kính không cẩn thận vẫn có kẻ lao đầu chầu Diêm vương...
- Không khí xã hội chắc căng thẳng lắm?
- Rất căng thẳng, trên đường Nam Kinh từng có một hiệu ảnh đã phóng to câu khẩu hiệu “khoan hồng với người thành khẩn, nghiêm trị với kẻ chống cự” đặt chung vào tủ kính bên cạnh những chân dung nam thanh nữ tú, khiến thiên hạ tưởng nhầm họ được tuyên dương là thành khẩn - Ngụy Thiệu Xương cười châm biếm - nhà văn có thể tưởng tượng nổi một thời mà tủ quảng cáo hiệu ảnh biến thành bảng thông tin chính trị, khách đi qua ngắm mỹ nhân và nhân thể đọc luôn khẩu hiệu.
Ảnh của Diêu Diêu có trong cái tủ kính kỳ quái đó, hay tin này, cô và bà Thượng Quan Vân Châu liền hộc tốc lấy ảnh trở về, nghe nói câu khẩu hiệu kia đã được in dưới chân dung cô gái, Diêu Diêu bực tức vô cùng, nhưng ông chủ hiệu thanh minh, cách mạng chỉ thị như thế. Và ngày 6 tháng 6 năm 1963, cách mạng đã nã phát súng đầu tiên vào Học viện Âm nhạc Thượng Hải, tất cả các giáo sư dương cầm, vĩ cầm, thanh nhạc trong đó có hiệu trưởng Hạ Lục Thinh bị triệu tập khai hội để nghe đảng ủy nhà trường giảng bài “Muôn ngàn lần không được quên đấu tranh giai cấp”, hôm đó Hạ hiệu trưởng sa sầm mặt xuống, ông không đồng tình với chủ trương bãi khóa, kéo nhau đi nông thôn, lãng phí thời gian học tập và các phong trào chính trị bất tận, chưa hết đợt này liền tiếp đợt khác, và kết quả là Hạ tiên sinh đã bị phê phán, đã trở thành mục tiêu đấu tố mãi tới sau này khi “văn cách” đạt đến cao trào.
Trong khi đó cô sinh viên Diêu Diêu chẳng hay biết gì về thời cuộc, từ ngày vào ký túc xá sinh sống tập thể với bạn bè cô tỏ ra vui tươi hoạt bát và rất tích cực mưu cầu tiến bộ, Diêu Diêu tham gia đội kịch nói nhà trường, dám thủ vai chiến sĩ cách mạng, cố gắng mấy mà cứ diễn không giống, trong phòng ngủ giường của Diêu Diêu trật tự ngăn nắp nhất, nhưng quan trọng hơn cả là cô thiết tha được gia nhập đoàn thanh niên cộng sản. Có lẽ Diêu Diêu chưa cảm nhận nổi không khí căng thẳng trong xã hội năm 1963 mà cụ Ngụy Thiệu Xương vừa kể, giống như mẹ mình cô muốn trở thành người có danh tiếng, có tiền đồ chính trị, được Đảng tín nhiệm. Trong những buổi học tập tinh thần Lôi Phong, liên hệ với tấm gương sống chất phác, chịu đựng gian khổ của người chiến sĩ quân đội, Diêu Diêu đã mạnh dạn tự khai báo cô có những 13 chiếc áo len, quả là xa xỉ. Diêu Diêu chẳng nói ra thì chắc chắn không có ai biết được điều này, nay biết rồi mọi người mới nhảy thót lên, sao nhiều thế, chỉ cần hai ba áo là đủ thôi.
Năm thứ nhất ở Học viện, Diêu Diêu được bình chọn là sinh viên tích cực học tập Lôi Phong, và cuối cùng cấp trên phê duyệt cô vào đoàn, lúc bấy giờ Trọng Uyển là bí thư chi đoàn và đồng thời cũng là người giới thiệu Diêu Diêu. Bà nói:
- Diêu Diêu được kết nạp vào đoàn, một sự kiện lớn lao, không dễ dàng gì và đến nay tôi vẫn chưa tưởng tượng nổi, rất có thể là Diêu Diêu đã nỗ lực phi thường.
- Nỗ lực bằng cách nào? - Tôi hỏi.
- Trong đơn xin vào đoàn Diêu Diêu đã viết:
“Tôi khát khao được tổ chức giáo dục để trưởng thành nhanh chóng, tôi nhất định sẽ nỗ lực học tập trước tác của Mao Chủ tịch, dấn thân vào ba phong trào đại cách mạng, thông qua thách thức, rèn luyện mà tự giác cải tạo tư tưởng, kiên quyết đấu tranh với những suy nghĩ tư sản đang lởn vởn trong đầu. Tôi lập chí phấn đấu suốt đời vì cách mạng thế giới, vì sự nghiệp tiêu diệt giai cấp tư sản và đập tan chủ nghĩa tư bản ở đất nước Trung Hoa!”
Đọc những dòng này chúng tôi rợn gáy, chẳng hay ai đã dạy Diêu Diêu mà “kêu to” đến thế, chi đoàn nhận xét cô chưa thật chân thành, giữa cô và bạn bè vẫn giữ một khoảng cách, điều quan trọng nữa là Diêu Diêu không chịu khai báo hết về mình, về gia đình mình...
- Sau đó Diêu Diêu làm thế nào mà được vào đoàn?
- Cô chủ động tìm đến các đoàn viên để trao đổi tâm tình, vừa khai báo, vừa nghe ngóng nhận xét và quyết tâm đấu tranh với tư tưởng danh lợi nơi người mẹ tư sản - bà Thượng Quan Vân Châu.
- Đấu tranh bằng cách nào?
- Thoạt đầu là không nhận quần áo, giày dép mà mẹ mua sắm cho mình, sau đó nâng cao hơn là phê phán, thậm chí chửi bới bản thân và cả mẹ nữa. Nhà văn thông cảm, thời ấy nó như vậy, chửi càng dữ, càng chứng tỏ mình cách mạng, sạch sẽ và giác ngộ, Diêu Diêu không thể ngoại lệ, nếu muốn trở thành đoàn viên. Anh hay chị không làm như thế là lạc hậu, là không thành khẩn, là còn ẩn giấu những điều bí mật nguy hiểm, vì vậy tất cả chúng tôi liều thân khai báo, sạch sành sanh như người lõa thể, không còn chút riêng tư, mọi người đều đơn nguyên, độc tuyến. Trường hợp không còn gì để mà nói thì phải bịa ra, phải cường điệu, phải phóng đại, ví như ra phố thấy người bày bán quần áo đẹp, mình muốn mua, muốn mặc, khi trở về sinh hoạt chi đoàn đã nâng lên thành tư tưởng hưởng lạc của giai cấp tư sản, cứ thế hết tư tưởng này đến tư tưởng khác mà vận vào thân.
Thật xót thay cho Diêu Diêu, vì để được vào đoàn mà đã phê phán gia đình, chửi bới mẹ, vạch ranh giới với mẹ và dùng những phương thức đó nhằm mục đích vỗ ngực mình là cách mạng.
- Tự chửi mình, rồi chửi mẹ, làm như vậy nhẽ nào không đau lòng? - Tôi hỏi bà Trọng Uyển.
- Tất nhiên là xót xa như dao cắt, nhưng còn cách nào nữa?
- Diêu Diêu có thật muốn vào đoàn, muốn tiến bộ hay không?
- Muốn thật mà, vì lạc hậu, vì đứng ngoài đoàn là nguy hiểm, rất dễ bị đẩy ra rìa, rất dễ bị xã hội loại bỏ, với một thiếu nữ mới mười mấy tuổi, điều đó đáng sợ vô cùng.
Nghe nói bà Thượng Quan Vân Châu rất phấn khởi vì sự tiến bộ của con gái, bà theo đoàn làm phim đi khắp nơi quay ngoại cảnh và không quên biên thư cho Diêu Diêu động viên, căn dặn “hãy cẩn thận làm người”. Những lúc Diêu Diêu lấy danh nghĩa cách mạng công khai “nhọn mồm” với bà, Thượng Quan đều “câm miệng”, không ra uy mắng nạt hay tát tai như ngày xưa nữa, có lẽ Vân Châu quá sợ cách mạng mà hành xử như vậy chăng. Theo truyện ký viết về Thượng Quan, đây là thời bà rất mực mưu cầu tiến bộ, bà tham gia đội công tác giáo dục đường lối xã hội chủ nghĩa đi nông thông hoạt động “tứ thanh” (bốn thanh toán) cùng ăn, cùng ở, cùng lao động với nông dân, ban ngày ra đồng làm việc, ban đêm họp hành tới khuya. Lao lực, lao tâm đã khiến Thượng Quan thổ huyết, bà chẳng nói, chẳng rằng, súc miệng sạch sẽ cho hết máu rồi trở lại họp hành như thường.
Tôi nghĩ bà liều thân như vậy là muốn kéo dài cuộc đời sân khấu, trường quay, bà hiểu rất rõ, một khi Đảng không xem anh hay chị là người của mình thì anh hay chị đừng hòng mà đóng phim, diễn kịch. Bà khác hẳn với Hùng Thập Lực, ông ta chỉ cần cây bút và tờ giấy là có thể sáng tác, viết ra những điều muốn viết, chẳng cần biết ai xem, ai đọc, còn Thượng Quan, nếu không được ra sân khấu, không được lên màn bạc là xem như kết thúc. Từ năm 1940, phấn đấu trở thành một ngôi sao điện ảnh là mộng ước, là khát vọng đeo đuổi, là ý nghĩa sinh tồn của bà, và bà đã hy sinh tất cả bản thân mình cho lý tưởng đó. Năm ấy Thượng Quan Vân Châu đâu đã 45, cái tuổi hoàng kim của một diễn viên, tâm trí, tài năng, kỹ xảo đều thành thục, chín muồi, sức sáng tạo rất dễ dàng bột phát, nhưng cũng là cái tuổi đáng sợ nhất đối với người phụ nữ, đứng trước gương soi và cảm thấy ngày một tàn phai, vì vậy nếu chẳng may không được biểu diễn đi nữa thì phải gấp gáp ghi hình, chụp ảnh, kẻo tốc độ già nua nhanh như nước chảy.
Bà Thượng Quan Vân Châu âu lo, suy tư đến mức ấy nhưng chẳng hề tâm sự với Diêu Diêu, bà không muốn con gái phải vì mình mà bị ảnh hưởng, đó là cái thời trong gia đình chẳng muốn giữ gia phong, mọi thành viên mặc sức tìm cách thích nghi chính trị. Tuy vậy Ước Bá lại có kiến giải khác, theo ông:
- Diêu Diêu sở dĩ tích cực mưu cầu tiến bộ là do sức ép gia đình, tác dụng của gia đình mạnh hơn xã hội, ở nhà trường chúng tôi chịu ảnh hưởng như nhau, nhưng phản ứng là không ai giống ai, nguyên nhân vì mỗi người có một gia đình. - Ông kể tiếp - năm đó chị tôi đã hưởng ứng lời kêu gọi của đảng ủy nhà trường hăng hái viết đại tự báo (báo chữ lớn) phê phán lung tung, kết quả không trở thành cách mạng, ngược lại bị quy oan hữu phái và tống lên Thanh Hải lao động cải tạo. Đêm chia tay chị tôi gục đầu lên vai cha mà khóc nức nở, từ đấy cả nhà tôi không mưu cầu tiến bộ nữa, tôi cũng chẳng cần phấn đấu vào đoàn để mà làm gì, cha tôi khuyên, với chính trị càng xa càng tốt. Thời kỳ hầu như tôi không hề nói chuyện với Trọng Uyển và Diêu Diêu, bởi cả hai lúc đó đều là đoàn viên thanh niên cộng sản, “càng xa càng tốt”.
Mùa đông năm thứ nhất ở học viện Diêu Diêu cùng các đoàn viên đi nông thôn tham gia phong trào cách mạng giáo dục chủ nghĩa xã hội, giống như bà Thượng Quan Vân Châu, Diêu Diêu đã có hơn hai tháng “ba cùng” với nông dân, ban ngày lao động, ban đêm họp hành. Tóm lại, “tiến bộ” là câu nói cửa miệng của gia đình Thượng Quan Vân Châu những năm 60.
(“Ba cùng”: cùng ăn, cùng ở, cùng làm)
- Bà còn nhớ hồi ấy Diêu Diêu có một người bạn trai.
- Cùng là sinh viên Học Viện Âm Nhạc Thượng Hải?
- Dạ không phải, kỹ sư nghiên cứu tàu chiến, hình như bà Thượng Quan Vân Châu cũng biết người này.
Trọng Uyển cười thất vọng, bà nói:
- Sau đó đơn vị anh kỹ sư biên chế thành quân đội, và theo kỷ luật nhà binh, nếu cứ yêu đương đi lại cùng Diêu Diêu, anh ta phải rời quân ngũ, vì lý lịch bên gia đình Thượng Quan quá ư phức tạp. Hay tin này, Diêu Diêu chủ động cắt đứt quan hệ với viên kỹ sư và cũng không nói cho ai biết chuyện tình bi đát nêu trên. Thời kỳ đó những việc như thế thường xuất hiện, người có thành phần gia đình bất hảo đi đến đâu cũng bị húc vào tường, và tôi không ngờ Diêu Diêu lại hẩm hiu đau đớn nhường kia.
Thế là lần thứ hai trên tình trường Diêu Diêu gặp trắc trở, người thanh niên đầu tiên của cô vì sợ liên lụy thành phần lý lịch đã nhát gan đem lá thư quý báu Diêu Diêu hiến dâng nộp lên tổ chức mong được thoát thân, còn giờ đây Diêu Diêu tự nguyện cứu nguy cho bạn mình, “giải phóng” anh ra khỏi một gia đình “đen ngòm” bởi thành phần lý lịch, để anh tiến thân, để anh công thành danh toại. Thật trớ trêu thay cho nhân vật “hạt bụi” của chúng ta, cô không giống như Ước Bá hoàn toàn đoạn tuyệt với chính trị, cam chịu đứng ngoài rìa, bị xã hội bỏ rơi, khác hẳn Diệp Dữ Nhân lý thẳng tình ngay, dám đương đầu cùng thế sự, không thể xởi lởi vô tư kiểu Trọng Uyển và càng đối lập, tương phản Trình Thuật Nghiêu bị tát má bên này lại chìa thêm má bên kia cho người ta đánh nốt, Diêu Diêu luôn đứng cạnh bờ vực những trường hợp cực đoan, không hiểu lắm, không cam tâm lắm và không nhất quán lắm. So với gia đình Ước Bá, mẹ con Thượng Quan Vân Châu và Diêu Diêu có vẻ hơi ngây thơ, họ lầm tưởng rằng có thể phấn đấu để vượt lên số phận, chính trị đẩy họ tới một giới hạn nào đó, có thể là cực đại, có thể là chót vót, và từ tuyệt đỉnh ấy mà lật nhào thảm khốc.
Tôi cảm thấy mẹ con họ không thật thân với nhau, nhưng lại tương đồng như hai giọt nước.
Hồng Nhan Thượng Hải Hồng Nhan Thượng Hải - Trần Đan Yến Hồng Nhan Thượng Hải