He who lends a book is an idiot. He who returns the book is more of an idiot.

Arabic Proverb

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: tuan anh Nguyen
Số chương: 37
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 8035 / 192
Cập nhật: 2015-01-22 11:19:34 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3 - Phước Lộc Chi
hời ấu thơ như đã nói rồi trong bài tựa, tôi sanh năm Nhâm Dần (1902), ngày 27 tháng 9 ta, nhưng trong khai sanh chánh thức cũng như trên giấy tờ nạp quan lại đề sanh ngày 4-1-1904, tức năm Giáp Thìn (1904). Nay đã về hưu, giã biệt kiếp trâu cày công chức, xin trở lại tuổi thiệt năm Dần, để dễ dò thăm lá số Tử vi, và giỗ quải theo ngày nầy mới phải.
Nguyên nhà của Ba tôi vốn ở tại Châu Thành Sốc Trăng, nhưng khi sanh, mẹ tôi lại về quê sanh tôi tại làng Xoài Cả Nả.
Cái tên Sốc Trăng vốn là do tiếng Giêng hai chữ “Srock-Khléang” nói trại. Srock là xứ, cõi. Khléang là kho vua Thổ, chỗ chứa bạc vàng. Srock-Khléang là xứ có kho chứa bạc nhà vua.
Về sau, âm ra Tiếng Việt, trước kia viết Sốc-kha-lăng, sau nữa viết Sốc Trăng. Qua triều vua Minh Mạng, đổi lại tên chữ là “Nguyệt Giang tỉnh”, “Nhiêu Khánh tổng, Khánh Hưng xã”, từ “sốc” biến thành “sông” (Sông trăng: Nguyệt Giang) đến đời ông Diệm, lại gọi tỉnh Ba Xuyên và châu thành Khánh Hưng.
Xin hãy trở lại cái làng con con, quê bên mẹ. Làng nầy nôm na là làng Xoài Cả Nả. Nay muốn hỏi thăm, xin hỏi làng Đại Tâm mới được. Tên cũ đã mai một lui vào dĩ vãng hoặc theo bọn tôi chạy lên Sài Gòn hay đi xa hơn nữa mất hết rồi. Đừng hỏi người mới theo lên cũ, họ không biết đâu. Lớn lên tôi truy tầm lâu lắm mới biết. Chính mắt tôi thấy lối năm 1908, trong làng hai bên lộ quan, còn nhiều gỗ xoài cổ thụ, mỗi mùa trái rất sai. Lớp mẹ tôi người nào ở chợ ở thành vô đây, thế nào bận về cũng mang xoài về nhà cho con cháu. Mà thuở ấy, người trong xứ phần đông là con cháu khách, vợ chức, ý bang (vợ bang trưởng), nên họ không biết cầm bóp đầm như các cô tân thời, đi đến đâu họ chỉ dùng cái ná, cái nả, tức là cái giỏ xách tay, dáng tròn đương đát bằng vỏ tre già, trên có nắp đậy, ngoài nả có phết một lớp sơn bằng dầu trong cho mưa đừng thấm và có vẽ hoa hòe bông mẫu đơn xanh đỏ đẹp mắt, nả ấy đựng xoài đầy óc nhóc, nên gọi xứ “xoài cả nả” gọi thét, nói líu lại là “Xoại nả” rồi “Xại ná” là cũng do tiếng Miên biến thể nữa. âm ra tiếng Việt là “Tài Sum”, Miên gọi “Xoai chrum”, biến ra Xoài Chum, rồi Tài Sum? Gần đây vì chỉnh trang hương thôn, làng Tài Sum sáp nhập với làng Trà Tâm (do Xà Tim, Trà Tim biến ra) và hoàn toàn Việt hoá với tên mới là làng Đại Tâm.
Trong làng Tài Sum cũ, cách bốn năm mươi năm về trước, con gái trong làng cùng một trang lứa đâu có nhan sắc dễ coi. Theo lởi Ba tôi thuật lại, hồi đó ai ai cũng tin trong làng nầy có phong thuỷ.
Thuở ấy trước chợ làng có một rãnh nước con chảy ngang, lúc ấy có một lão xinh xe (tiên sanh) Tàu, quả quyết cuộc đất đó địa thế con cua, tức là đất linh có mỹ nhân, quý nhân xuất hiện. Ngày nay vì mở rộng đường phố, trải đá cao ráo, nên rãnh con cua đã tắc nghẹt, gái làng đua đòi theo gái chợ, mải lo làm dáng bất chước phấn son mà mất vẻ thiện nghiêng “đoá hoa sứ cài áo tầm vông” đã bớt thấy.
Mẹ tôi sanh tôi tại nhà bà ngoại. Ít ngày sau cô bác hội lại lựa tên đặt giùm. Ban đầu, dượng tôi là ông Trầm Chức, bang trưởng Phước Kiến ở Nhu Gia đề nghị: Wòng Xí Dện (Vương Tứ Thành) ngụ ý đứa trẻ về sau sẽ giàu sang, có bốn thành trì che chở. Nhưng Dì út tôi nghe đến chữ “xí” thấy đồng âm với chữ “tứ” là chữ cũng đọc “xí”, nên vội xin lựa chữ khác. Dượng tôi vốn thâm Nho nhưng không nói được tiếng Việt, bèn đổi tên tôi thành “Thạnh” (Sển) và cho chữ lót là “Hồng” để đối chiếu với chữ lót của Ba tôi là “Kim” (Vương Kim Hưng) (Hưng đối với Thạnh). Dượng tôi nói phải dùng chữ Hồng (viết bộ thuỷ) vì bấm số, mạng tôi thiếu nước, nên phải tiếp tế bằng cách nầy. Lựa chọn xong rồi, dượng tôi viết ba chữ Hán vào giáy hồng đơn, gấp lại, giao cho Ba tôi đi làm khai sanh. Ba tôi đến làng Tài Sum, thì làng chỉ qua nhà lục bộ. Qua nhà nầy thì ông chủ nhà, tức ông lục bộ, đang mắc kẹt. Ông bị bốn ông tướng hành tội và vây ông trong một sòng “xí xệt” (tứ sắc) một đồng xu một lện, tức bằng năm chục hay một trăm đồng bạc một lện ngày nay, chứ không phải nhỏ. Nước hài ông đang xui, ông thấy Ba tôi đến nhờ việc, định bắt Ba tôi gỡ nên đòi cho có sáu cắc bạc (0$60) lì xì. Ba tôi đã ghét sẵn hội tề làng Khánh Hưng ngoài chợ, nay vô làng quê nầy lại gặp lục bộ Thổ đòi tiền trà nước. Ba tôi không trả lời, trao tấm giấy đỏ có biện danh tánh và ngày tháng sanh bằng chữ Nho, bước qua bàn giấy ký lẹ vào ba cuốn sổ bộ đời, rồi bỏ ra về, còn tờ danh tánh đã được ông lục bộ nhét gọn vào túi sợi dây nịt da đựng cả xấp tài liệu thứ nầy, vì ông lục bộ có lệ một tuần lễ chẵn ông mới trút dây nịt chép vào sổ cái một lần, chánh tả không màng trúng trật (sự thật ông ghi sai họ Vương ra họ Dương), và sẵn cái thù xin sáu cắc không cho, ông để luôn tên tôi theo giọng Tàu, mới sướng tai sướng nhĩ cho đến nay.
Mà tôi không trách ông chút nào vì việc đã qua. Trình độ học thức ông thấp kém, ông viết sai họ Vương ra Dương, là việc khác.
Đáng trách là tôi đây. Năm 1915, Ba tôi định làm khai sanh lại trước toà, tại sao tôi không thừa dịp ấy mà đổi ra tên Việt? Không, Ba tôi hỏi ý kiến tôi lúc ấy, tôi nhứt định không đổi. Tên cha mẹ đặt làm sao, tôi xin để y làm vậy. Mẹ tôi biết tôi với tên nầy, thì xin để vậy để dễ nhìn dưới Huỳnh tuyền.
Người ta tốt phước có cái tên rồng tên phượng, mình gặp tên như vầy lại mấy có sao? Bây giờ về già tôi lại càng thích nó một phần nào, vì tên đặc biệt không trùng với ai, và bưu phiếu, ngân phiếu lãnh trót lọt. Không ai mạo tên mà lãnh của tôi được (Duy mới đây, lần đầu tôi gặp trở ngại là thấy tên tôi có vẻ Ba Tàu, có một người chận một ngân phiếu do bộ Giáo Dục trả tiền cho tôi, nhưng nay tôi đã lãnh rồi, tuy có trễ).
Theo tôi, tên xấu hay tốt, thanh hay không thanh, nó cũng là của cha mẹ cô bác lựa chọn đặt cho, vốn là một kỷ niệm không phải mình có quyền chối từ hay chỉ trích, chê bai.
Nơi nhà tôi có một cuốn sách nhan là “Thành ngữ biên lục do ông Trương Minh Biện, giáo sư dạy chữ Nho tại trường Nguyễn Xích Hồng (bản in năm 1918 tại nhà in Joseph Viết, Sài Gòn), nơi chương 69 có ghi rằng: “Danh tử giả: bất dĩ Quân Quốc, bất dĩ Nhứt Nguyệt, bất dĩ Sơn xuyên, bất dĩ Ẩn Tật” Nghĩa là: Đặt tên con chẳng nên dùng chữ Quân chữ Quốc; chẳng nên dùng chữ Nhứt chữ Nguyệt; chẳng nên dùng chữ Sơn chữ Xuyên; chẳng nên dùng chữ Ẩn Tật.
Quân Quốc là vua, Nước; Như Nguyệt là mặt trời, mặt trăng; Sơn, Xuyên là Núi, Sông. Còn Ẩn Tật là mấy chỗ kín trong thân mình (tục tĩu). Người xưa giữ theo lễ cấm, không đặt lên con như mây chữ đã nói.
Thật là chí lý, vì e rủi sau nầy con mình không xứng đáng thì có tội với đất trời. Nhưng ngày nay những tên ấy thấy tràn đồng. Xét ra lớp trước không phải không biết chọn tên tốt mà đặt cho con, nhưng vì kỵ huý rất nhiều, thêm nữa vì dị đoan kiêng những danh từ xinh đẹp, sợ quỷ thần ganh ghét theo bắt hồn đứa trẻ.
Phong tục ngày trước trong Nam do người Tàu truyền sang, những nhà có máu mặt chờ bói Tử vi tính toán theo ngày giờ sanh đẻ, thiếu thuỷ thiếu hoả mà gia giảm thêm thắt: Vương Kim, Vương Hồng, Huỳnh Thuỷ Lê, Khúc Kim Thổ, v.v...
Một lớp khác không quan trọng hoá sự đặt tên, và vướng ít nhiều mê tín, cho rằng tên xấu sống dai, nên đặt nhiều tên quái ác: Khu, Cu và còn tục hơn nữa cà. Có một nhà con cả bầy, từ lớn đến nhỏ: Thằng Xá Xíu, thằng Xíu Mại, thằng Lạp Xường, đứa chót hết vốn là gái: con Bánh Mì. Thật là đủ bộ.
Còn thiếu gì tên lễ nghĩa nhưng vẫn thô: Nguyễn Địch Choái, Đái Văn Đường.
Cái tên Lê Bình Tích, làm sao chọc gái? (Bình Tích viết số nhiều, phải thêm chữ “s” nơi sau hay không? Les Binh Tichs?
Một tên Huỳnh Kim Long thấy trong bộ điền tỉnh Sốc Trăng, nghe rất thanh, thấy lạ đòi cho giáp mặt thì té ra là một đồng bào người Miên, đen như cục than hầm mà vẫn xưng Rồng Vàng chói. Anh Tống Nhạc Phi học lớp chót, thầy kêu lên đánh ba roi, sửa lại Tống Cao Phi, chẳng là nghe hay và ít hỗn hơn nhiều.
Bởi kiêng huý lắm, nên không viết trúng chữ và nói trại ra:
Thiềng Đước thay vì Thành Đức, vì cữ tên ông Nguyễn Văn Thành và ông Nguyễn Huỳnh Đức!
Vãng Luông thay vì Vĩnh Long vì huý hiệu vua Gia Long và tước ông Vĩnh lại quốc công.
Chữ Nghĩa trong Nam ít nói, vì khi ngâm nga kéo dài, nghe tục. Đổi lại Ngãi (như Đại Ngãi), Ngời (như thầy thuốc Ngỡi) nghe thanh hơn. Chữ Nghĩa hát lớn lên như điệu hát bội trở nên “nghi..ĩ...a”, kéo dài nữa thì biết!
Duy từ ngày Bắc Nam thông thương, tiểu thuyết bán chạy cùng khắp, thì tên họ cũng văn minh theo, nhứt là phái đẹp, thích có tên như nhân vật trong truyện kiếm hiệp: Tố Tâm, Lệ Thuỷ, Ngọc Ánh, Ngọc Sương. Đen như lọ xưa là “Bạch Tuyết”, trong dễ coi mà gọi “Huyền Trân”.
Anh bạn quá cố Chiêm Hải Yến, tác giả bài “Theo Vân Tiên tìm Đồ Chiểu” trong tập kỷ yếu hội Khuyến Học, cũng có tên tự là Hải Đường.
Anh Trần Hà Thanh, bạn cũ trường Sốc Trăng có tên trùng với tên thầy, là ông Nguyễn Trung Thanh, nên ông đổi là Trần Hà Thành, nhưng lên Sài Gòn anh lấy lại tên cũ và chọn thêm biệt tự “Hải Yến” (Cố chủ nhân sáng lập hãng dầu Cao Thiên).
Một nhà thợ bạc ở tỉnh Sốc Trăng năm xưa, lừng nếm cay đắng mùi đời, khi làm ăn tấn phát, sanh con đặt: Phú, Quý, Đa, Nhơn, Hội. Nhưng đến chị Hội vẫn chưa thôi và còn sanh nữa. Không lý tiếp câu sau: Bần cùng thân thích ly. Vì vậy chị Hội trở nên chị Hợi. Và cả gia đình ngày nay vừa trai vừa gái là: Phú, Quý, Đa, Nhơn, Hợi, Tý, Sửu, Dần.
Không được như nhà kia có lẽ biết máy hạn chế sanh đẻ, nên ngừng kịp lúc. Người cha tên Công, sanh con đặt: Thành, Danh, Toại, Phỉ, Chí, Nam, Nhi, Bìa, Truyền, Tạc, Đề. Thiệt là một nhà hạnh phúc, biết được máy trời.
Một nhà khác đông con không kém nhưng không biết tự lượng.
Đến cô gái thứ mười, hai ông bà thấm mệt, muốn chấm dứt nên khai vào bộ đời: Nguyễn Thị Út. Dè đâu lòng người muốn vậy mà trời nào cho. Cái máy sanh vân còn tốt và đến năm đảo chánh 1945, Phụ nữ tiền phong tỉnh nhà vẫn có bốn chị em cùng một cha một mẹ gia nhập kháng chiến chống giặc Pháp: Út On, Út Đơ, Út Toa; Út Cát.
Thuở gần đây, chữ quốc ngữ chưa thống nhứt, mạnh ai nấy viết theo ý riêng của mình, nên có nhiều tên xốn mắt:
Nguyễn Thị Lon (thay vì Loan).
Hình Thái Thông thay vì Huỳnh tức họ Hoàng ngoài Bắc.
Một nhà nọ, người cha vốn là nhà giáo, nên viết theo lối chánh tả riêng: Siêu viết Sheou; Dần viết Yann.
Hương chủ làng Tài Sum là người Việt gốc Miên. Ông họ La, vì tổ tiên là người Tàu. Thay vì đặt tên cho con là Cao Thăng, ông ghi vào bộ là La Mông Tê (la monter) ngụ ý chúc con đăng cao mãi mãi, và ông nói: đặt tên theo Tàu được, tại sao không cho đặt theo Tây, vì mông-tê là monter là lên cỡi, trèo leo, tức đồng nghĩa với Cao Thăng chớ gì? Đã rành tiếng Pháp thêm được cao vọng tân thời. Thăng lên mãi mãi, còn muốn gì hơn?
Để kết luận tên tôi vẫn hoàn như cũ “Vương Hồng Sển” không đổi. Còn Phước Lộc Nhi là gì? Xin thưa đó là tên tặng cho tôi của thím đồng hồ lối xóm. Lúc tôi được hai ba tuổỉ, thím thường qua nhà ẵm chơi. Thím không con, vốn là người Quảng Đông, không nói được tiếng Việt, thấy tôi tròn trịa, gọi chơi là thằng “Fóc lóc Chảy” thét rồi trong nhà cũng gọi Fóc Lóc Chảy theo. Lâu lắm tôi mới biết ba chữ Quảng ấy có nghĩa là Phước Lộc Nhi. Thuở đó trong giới người Tàu thường đặt tên con Thằng Heo (à Tư Kìa) thằng Chó (à Cảo Kìa). Đây là giọng Tiều (Triều Châu). Thím đồng hồ, chồng là ông Lục Đăng, nói theo giọng Quảng là Lậu Tửng.
Hơn Nửa Đời Hư Hơn Nửa Đời Hư - Vương Hồng Sển Hơn Nửa Đời Hư