Số lần đọc/download: 0 / 53
Cập nhật: 2021-05-22 19:07:47 +0700
Chương 2 - Giữa Sóng Dồi - Briant Và Doniphan - Quan Sát Bờ Biển - Chuẩn Bị Cứu Nạn - Tranh Cãi Về Chiếc Xuồng - Từ Đỉnh Cột Buồm Trước - Toan Tính Dũng Cảm Của Briant - Hiệu Quả Của Sóng Cồn
L
úc này sương mù đã tan. Tầm nhìn quanh du thuyền mở rộng. Mây vẫn bay cực nhanh, gió chưa bớt hung bạo. Có lẽ đây là đợt thị uy cuối cùng của cơn bão trên vùng biển xa lạ này. Hi vọng như vậy vì tình thế bây giờ cũng không kém nguy hiểm hơn hồi đêm khi con tàu phải vật lộn với cơn thịnh nộ của biển khơi. Các chú bé xúm lại với nhau, nghĩ rằng khó mà thoát nạn khi những con sóng vọt lên cao quá thành tàu để lại một lớp bọt. Lúc này những chấn động càng mạnh vì con tàu đành nằm chịu trận, không xoay xở né tránh được. Tuy nhiên, mặc dầu mỗi lần bị sóng đánh, toàn bộ con tàu đều rung chuyển, vỏ tàu vẫn không thủng chỗ nào, kể cả khi mắc cạn cũng như khi bị ghìm chặt giữa các mỏm đá. Sau khi xuống xem xét các khoang thấy nước không rò vào, Briant và Gordon cố trấn an mọi người, nhất là các em bé.
- Đừng sợ! - Briant nhắc lại - Tàu còn chắc! Bờ biển không xa! Hãy đợi rồi chúng ta sẽ tìm cách vào bãi cát.
- Tại sao phải đợi? - Doniphan hỏi.
- Đúng thế! Tại sao? - Một chú bé khoảng mười hai tuổi, tên là Wilcox phụ họa - Doniphan nói đúng… Tại sao phải đợi?
- Bởi vì biển còn quá dữ, ta sẽ bị xô vào các mỏm đá! - Briant trả lời.
- Nhưng tàu có thể vỡ! - Webb, cậu bé thứ ba, trạc tuổi Wilcox nói lớn.
- Không phải lo điều đó, ít nhất là trong lúc thủy triều xuống. Khi thủy triều xuống tới mức phù hợp, chúng ta sẽ tự giải cứu.
Briant có lí. Vẫn biết mực nước thủy triều ở Thái Bình Dương lên xuống không chênh nhau nhiều, nhưng dù sao cũng là đáng kể. Vậy thì đợi thêm vài tiếng đồng hồ, nhất là nếu gió cũng dịu đi thì có lợi hơn. Thủy triều xuống thì bãi đá ngầm sẽ lộ ra một phần. Lúc ấy vượt khoảng cách một phần tư dặm sẽ dễ dàng hơn.
Lời khuyên là đúng nhưng Doniphan và vài ba cậu nữa không muốn nghe. Họ tụm lại với nhau ở phía mũi tàu rì rầm trò chuyện. Rõ ràng là Doniphan, Webb, Wilcox và một cậu nữa tên là Cross không thích Briant. Trong hành trình dài trên tàu, họ phải nghe lời cậu vì như ta đã biết, Briant ít nhiều đã làm quen với nghề hàng hải. Nhưng họ luôn có ý nghĩ là một khi lên bộ, họ sẽ hành động tùy ý, nhất là Doniphan tự cho mình học giỏi và thông minh hơn Briant cũng như các bạn khác. Ngoài ra, Doniphan đã ghen ghét Briant từ lâu rồi. Nguyên nhân chính là cậu này là người Pháp mà nhiều bạn trẻ người Anh không muốn phục tùng. Đáng ngại là tâm trạng ấy làm cho tình thế vốn đã gay go càng thêm trầm trọng.
Bọn Doniphan nhìn xuống làn nước sủi bọt với những vũng xoáy, những luồng nước xiết, nếu định vượt qua thì rất nguy hiểm. Người bơi lội giỏi nhất cũng không thể chống lại sóng dồi của thủy triều đang rút lại có gió đánh tạt ngang. Lời khuyên chờ thêm vài giờ nữa rõ ràng là quá hợp lí. Chắc hẳn là nhận ra điều đó nên Doniphan và các bạn trở xuống đuôi tàu, nơi các chú bé nhất đang ngồi. Briant nói với Gordon và các chú bé xúm quanh:
- Bất cứ giá nào chúng ta cũng không rời bỏ nhau! Ta phải gắn bó với nhau nếu không là chết!
- Đừng hòng lên giọng chỉ huy! - Doniphan thốt lên khi nghe câu nói ấy.
- Tớ chẳng hòng gì cả mà chỉ mong ta cùng hợp sức để thoát nạn thôi! - Briant đáp.
- Briant nói đúng đấy! - Gordon nối lời. Đó là một cậu bé trầm tĩnh, nghiêm túc, không bao giờ nói năng thiếu suy nghĩ.
- Đúng thế! Đúng thế! - Vài ba chú bé cùng nói, bản năng thầm kín khiến các chú gắn bó với Briant.
Doniphan không đáp lại nhưng vẫn cùng nhóm của mình ngồi tách ra đợi giờ giải thoát.
Bây giờ cần tìm hiểu về dải đất kia: đó là một hòn đảo của Thái Bình Dương hay là thuộc lục địa nào? Chưa thể giải đáp vì chiếc Sloughi ở gần bờ, tầm quan sát không đủ rộng để nhìn bao quát được. Đây là một vũng biển rộng do biển ăn lõm vào bờ tạo thành; mỗi đầu vũng có một mũi đất. Mũi phía bắc khá cao, dựng đứng. Mũi kia nhọn dài về phía nam. Nhưng bên kia hai mũi đất liệu biển có ăn vòng lại như bao bọc một hòn đảo không? Briant đã dùng kính viễn vọng của tàu cố gắng quan sát mà không ăn thua.
Nếu là một hòn đảo thì rồi đây làm thế nào mà thoát đi được? Bởi lẽ con tàu mắc cạn sẽ bị thủy triều lên xô vào đá ngầm hư hỏng hết. Nếu là đảo hoang - ở Thái Bình Dương có những hòn đảo như vậy - thì lũ trẻ sẽ xoay xở ra sao để sống sau khi tiêu thụ hết thực phẩm mang theo trên tàu?
Ngược lại, nếu là lục địa thì chỉ có thể là Nam Mỹ và có nhiều hi vọng thoát nạn hơn. Tại đó, ở Chile hoặc Bolivia, nếu không được ngay thì cũng chỉ vài ngày sau khi đổ bộ là sẽ được giúp đỡ. Thật ra, nếu bờ biển giáp với vùng Pampas* thì cũng có thể có những cuộc chạm trán không mong muốn. Nhưng vấn đề trước mắt là làm sao đặt chân lên bờ đã.
Vùng đất ở trung Argentina; khi chuyện này xảy ra thì cuộc chiến giữa thổ dân da đỏ với di dân da trắng ở vùng này chưa chấm dứt.
Trời khá sáng sủa cho phép thấy rõ mọi chi tiết, phân biệt được bãi cát phía trước với vách đá phía sau, dưới chân vách đá có những lùm cây rậm rạp. Phía phải, Briant còn thấy một cửa lạch nhỏ.
Tóm lại, nếu bờ biển có vẻ không mấy hấp dẫn thì màn cây xanh phía sau chứng tỏ đất khá tốt, ngang với những vùng ở vĩ độ trung bình. Chắc chắn là sau vách đá cây cối phát triển mạnh vì tránh được gió bão và có điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi. Còn có người hay không thì ở phía này chắc là không có. Chẳng thấy nhà cửa, lều trại gì, kể cả ở cửa lạch. Nếu có thổ dân thì hẳn họ ở sâu phía trong để tránh tác hại của gió tây.
Briant hạ viễn kính xuống:
- Chẳng thấy một sợi khói nào!
- Thuyền cũng không! - Moko nhận xét.
- Có phải bến đâu mà có thuyền! - Briant bẻ lại.
- Cũng không nhất thiết phải có bến, - Gordon tiếp lời, - thuyền đánh cá có thể ở cửa lạch, cũng có thể vào sâu phía trong tránh bão.
Gordon nhận định đúng. Dù sao thì cũng chẳng thấy thuyền nào cả và rất có thể phía bờ biển này không có người ở. Vì thế điều làm bọn trẻ quan tâm là nếu cần thì liệu có thể lưu lại đây vài tuần lễ không?
Trong khi đó nước triều dần dần hạ xuống, rất chậm vì bị gió ngoài khơi cản trở, mặc dầu có vẻ gió đã dịu đi và chuyển sang hướng tây bắc. Điều quan trọng bây giờ là phải chuẩn bị để khi có lối vượt qua được dải đá ngầm thì tất cả đều đã sẵn sàng.
Đã gần 7 giờ. Cả lớn lẫn bé, bọn trẻ cùng nhau đưa những vật dụng thiết yếu nhất lên boong. Các thứ khác thì đành để sóng biển đánh dạt vào bờ rồi thu nhặt sau. Trên tàu có khá nhiều đồ hộp, bánh quy, thịt muối hoặc hun khói. Các thứ này được đóng vào ba lô và giao cho các chú lớn vận chuyển vào bờ. Nhưng liệu khi thủy triều xuống đến mức thấp nhất thì nước từ dải đá ngầm vào tới bãi cát có rút hết cho các chú hoàn thành nhiệm vụ ấy không?
Briant và Gordon chăm chú quan sát biển. Gió chuyển hướng, biển lặng dần và tiếng sóng dồi cũng dịu bớt. Vì vậy nhìn các mỏm đá nhô lên dễ theo dõi mực nước rút hơn. Chẳng những thế, nước xuống còn tác động rõ rệt tới du thuyền khiến nó càng ngả về mạn phải. Cứ đà này thì tàu có thể bị nghiêng hẳn, vì như mọi du thuyền tốc độ cao, dáng nó rất thon do rẻ đáy dốc và sống tàu cao. Trong trường hợp ấy, nếu nước ngập tới boong mà người chưa kịp rời tàu thì rất nguy.
Đáng tiếc biết bao những chiếc xuồng lại bị gió bão cuốn đi mất. Xuồng còn thì ngay bây giờ Briant và các bạn đã có thể rời tàu chèo vào bờ được rồi. Tiếp đó lại ra tàu chở những vật có ích đang phải để lại sẽ dễ dàng biết chừng nào. Và đêm nay, nếu chiếc Sloughi tan tành thì những mảnh tàu vỡ bị sóng đánh dạt vào bờ có còn giá trị gì không? Còn dùng được vào việc gì không? Lương thực còn lại có hư hỏng hết không? Phải chăng các nạn nhân bé bỏng này chỉ còn có thể trông cậy vào sản vật của đất này thôi? Hoàn cảnh thật đáng buồn khi không còn xuồng để thoát nạn!
Đột nhiên phía mũi tàu có tiếng reo. Baxter vừa có một phát hiện quan trọng. Chiếc xuồng cứ tưởng mất tiêu hóa ra lại mắc vào dây néo buồm mũi. Sau khi đưa lên boong kiểm tra, xuồng còn tốt nguyên và tuy chỉ chở được năm đến sáu người, vẫn có thể dùng được trong trường hợp không thể lội bộ qua bãi đá. Dù sao, vẫn nên đợi tới khi thủy triều xuống đến mức thấp nhất. Thế nhưng cái xuồng lại dẫn đến một cuộc tranh chấp, Briant và Doniphan ở hai phía đối địch. Sự tình là Doniphan, Wilcox, Webb và Cross định chiếm luôn xuồng và chuẩn bị hạ thủy thì Briant can thiệp.
- Các cậu làm gì vậy?
- Làm việc chúng tớ thích! - Wilcox trả lời.
- Các cậu định xuống xuồng à?
- Đúng, - Doniphan đáp - cậu đừng có mà ngăn chúng tớ…
- Tớ sẽ ngăn! - Briant nói - Tớ và những người cậu bỏ lại!
- Bỏ lại? Sao cậu nói thế? - Doniphan kiêu kì trả lời - Vào bờ rồi, một đứa bọn tớ sẽ quay xuồng ra…
- Thế nếu xuồng không ra được? - Briant cố tự kiềm chế nói to - Nếu xuồng bị đá đâm thủng thì sao…
- Xuống xuồng đi! Xuống xuồng đi! - Webb đẩy Briant ra, đáp lại. Rồi cùng với Wilcox và Cross, nâng xuồng lên để hạ thủy.
Briant giữ lấy một đầu xuồng:
- Các cậu không được xuống xuồng!
- Rồi sẽ hay! - Doniphan thách.
- Các cậu không được xuống xuồng! - Briant nhắc lại, quyết bảo vệ lợi ích chung - Trước hết phải dành xuồng cho các em bé nhất phòng khi thủy triều xuống hết mức mà từ đây vào bãi cát vẫn còn nhiều nước.
- Mặc chúng tao! - Không nén giận, Doniphan quát - Briant! Tao nhắc lại, mày không cấm được chúng tao muốn làm gì thì làm đâu!
- Doniphan! Tao cũng nhắc lại: chính tao cấm đấy!
Cả hai sẵn sàng đâm xổ vào nhau. Dĩ nhiên Wilcox, Webb và Cross đứng về phía Doniphan, còn Baxter, Service và Garnett về phe Briant. Hậu quả có thể sẽ rất tai hại. Lớn nhất và cũng tự chủ hơn cả, Gordon can thiệp ngay, và nghiêng về phía Briant:
- Thôi! Thôi! Bình tĩnh một chút đã, Doniphan! Cậu cũng thấy biển còn dữ thế này thì chúng mình có thể mất xuồng.
Doniphan đáp:
- Tớ không muốn Briant nó lên mặt chỉ huy như nó quen làm mấy hôm nay.
- Đúng! Đúng! - Cross và Webb đồng thanh phụ họa.
- Tớ chẳng lên mặt với ai, nhưng vì lợi ích cả bọn, tớ cũng không để cho ai muốn làm gì thì làm.
- Bọn tớ cũng lo lắng cho cả bọn ngang với cậu, - Doniphan cãi - vả lại bây giờ ta đã ở trên đất…
- Khốn nỗi, lại chưa được như thế! - Gordon cắt ngang. - Doniphan ạ, cố chấp làm gì nữa. Chúng ta hãy chịu khó đợi để dùng xuồng vào lúc thuận lợi.
Gordon đã hòa giải đúng lúc không phải chỉ có một lần này, và các bạn nghe lời cậu.
Thủy triều đã rút được chừng hai bộ. Liệu có đường nào để băng qua bãi đá vào bờ không? Biết được điều đó sẽ rất có ích. Nghĩ rằng quan sát từ trên cao sẽ rõ hơn, Briant đi về phía mũi tàu, bám dây néo leo lên, cưỡi trên xà ngang của cột buồm trước. Cậu thấy có một luồng nước xác định được căn cứ vào các mỏm đá nhô trên mặt nước ở hai bên. Muốn vào bờ, phải chèo xuồng theo lối đó. Nhưng phía trên các mỏm đá ngầm lúc này vẫn còn nhiều xoáy nước, chèo qua đó thế nào cũng va vào đá ngầm, vỡ tan xuồng trong chốc lát. Tốt hơn là cứ đợi thủy triều cạn nữa xem thế nào.
Từ trên xà ngang cột buồm nhìn vào bờ tỏ tường hơn, Briant soi ống kính dọc bãi cát tới chân vách đá. Cậu thấy bờ biển giữa hai mũi đất dài chừng tám đến chín dặm, có vẻ hoàn toàn không có người ở.
Sau nửa giờ cậu leo xuống, thuật lại những gì mình quan sát được. Doniphan, Wilcox, Webb và Cross làm ra vẻ nghe nhưng không nói gì, còn ngược lại, Gordon hỏi:
- Tàu mình mắc cạn có phải vào khoảng 6 giờ không?
- Phải đấy! - Briant đáp.
- Vậy bao lâu thì thủy triều xuống thấp nhất?
- Theo mình là khoảng năm tiếng sau, đúng không Moko?
- Đúng, cũng phải năm đến sáu giờ. - Chú thủy thủ tập sự đáp.
- Vậy thì 11 giờ trưa là lúc lên bờ thuận lợi nhất phải không?
- Mình cũng nghĩ thế! - Briant đáp.
- Thế thì để chuẩn bị sẵn sàng cho lúc đó, ta nên ăn một chút vì nếu buộc phải lội nước thì cũng nên thực hiện ít nhất là hai giờ sau khi ăn.
Lời bàn chí lí đó tất nhiên là của cậu Gordon khôn ngoan. Mọi người bắt đầu điểm tâm bằng bánh quy và đồ hộp. Briant đặc biệt để tâm săn sóc các em bé nhất. Jenkins, Iverson, Dole, Costar với sự hồn nhiên vô lo của tuổi thơ bắt đầu an tâm, có thể ăn uống thả cửa vì đã hai mươi bốn giờ nay chưa có gì vào bụng. Chỉ một loáng các thứ đã hết nhẵn. Các em uống nước pha thêm vài giọt rượu mạnh cho chóng lại sức.
Xong bữa, Briant lại đằng mũi, chống tay lên mạn tàu quan sát dải đá ngầm. Nước rút mới chậm làm sao! Tuy nhiên, rõ ràng là có rút vì tàu càng nghiêng hơn. Moko thả dây đo, phát hiện nước còn sâu tới tám bộ. Vậy thì có thể hi vọng rằng dải đá ngầm sẽ lộ hết ra không? Moko nghĩ là không thể và chỉ nói riêng với Briant thôi, để mọi người khỏi sợ hãi.
Briant trao đổi tình hình với Gordon. Cả hai đều biết rõ dù gió có hơi chuyển sang phía bắc, nhưng vẫn cản thủy triều không cho xuống thấp như khi êm gió. Gordon hỏi:
- Làm thế nào bây giờ?
- Tớ không biết… tớ không biết! Thật tai hại vì không biết và chỉ là đứa trẻ khi chúng ta đang cần người lớn.
- Cái khó ló cái khôn! - Gordon nói - Chúng mình đừng thất vọng Briant ạ! Ta phải hành động khôn ngoan.
- Đúng thế, phải hành động! Nếu không rời khỏi tàu trước khi thủy triều lên trở lại, nếu đêm nay còn ở trên tàu thì chúng mình nguy mất…
- Đương nhiên là thế vì du thuyền sẽ vỡ bung! Bất cứ giá nào ta cũng phải rời khỏi tàu!
- Đúng! Bằng bất cứ giá nào, Gordon ạ!
- Có nên làm một cái bè để chở vào chở ra không?
- Tớ đã nghĩ đến chuyện ấy, khốn nỗi hầu hết số thanh gỗ của ta đã bị sóng gió cuốn đi rồi, còn phá mạn tàu lấy ván làm bè thì chẳng kịp nữa. Chỉ còn chiếc xuồng nhưng cũng chưa dùng được vì biển còn động quá! Không! Còn một cách là kéo dây cáp qua dải đá ngầm, cột chặt đầu dây vào một mỏm đá. Làm thế được thì từng người có thể bám theo dây mà lần vào bãi cát.
- Ai mang cáp?
- Tớ! - Briant trả lời.
- Tớ sẽ giúp cậu. - Gordon nói.
- Không, một mình tớ thôi! - Briant cản lại.
- Cậu dùng xuồng chứ?
- Thế thì xuồng sẽ hỏng mất, Gordon ạ, tốt hơn là để dành xuồng cho phương sách cuối cùng.
Trước khi thực hiện dự định nguy hiểm chết người này, Briant thấy cần thận trọng đề phòng mọi chuyện bất trắc. Cậu buộc các em bé khoác ngay áo phao có sẵn trên tàu. Trường hợp phải rời du thuyền mà nước còn sâu, chân chưa chạm được đất thì các em không đến nỗi bị chìm, còn các bạn lớn thì bám vào cáp, đẩy các em vào bờ.
Đã 10 giờ 15 phút. Chưa đến bốn mươi lăm phút nữa là thủy triều sẽ hạ đến mức thấp nhất. Đo từ mạn tàu Sloughi thì nước còn sâu khoảng bốn đến năm bộ. Nhưng trông ra xa thì tưởng như nước chỉ rút được khoảng vài đốt ngón tay, còn từ khoảng sáu mươi yard* đổ lại thì đúng là nước hạ xuống rõ ràng - vì thấy màu nước trở thành đen đen và nhiều mỏm đá ngầm lộ ra. Khó khăn nhất là vượt qua vùng nước trước mũi tàu. Dẫu sao, nếu kéo được cáp về phía ấy và cột chặt vào một mỏm đá, dùng tời kéo căng ra thì từng người có thể bám vào cáp, lần tới chỗ nước nông để lội vào bờ. Chẳng những thế, còn có thể kéo các ba lô thực phẩm và các vật dụng cần thiết trượt theo cáp vào bờ mà không suy suyển gì.
Đơn vị đo độ dài, bằng 3 bộ, tức khoảng 0,914 mét.
Mặc dầu thực hiện toan tính này rất nguy hiểm, Briant không muốn để ai làm thay mình và cậu chuẩn bị mọi thứ cần thiết để tiến hành. Tàu có nhiều loại cáp dài khoảng một trăm bộ để làm chão buộc hoặc để kéo moóc. Briant chọn một cáp to vừa phải, buộc một đầu quanh thắt lưng sau khi đã cởi bỏ quần áo. Gordon kêu to:
- Nào mọi người! Hãy lên mũi tàu để thả cáp!
Doniphan, Wilcox, Cross và Webb không thể không tham gia vào công việc mà các cậu đều biết là quan trọng này. Vì vậy, mặc dầu không ưa Briant, các cậu cũng bắt tay thả từ từ dây cáp ra để Briant đỡ tốn sức.
Lúc Briant sắp tụt xuống biển, em cậu bước tới:
- Anh! Anh!
- Đừng sợ, Jacques, đừng sợ cho anh! - Briant trả lời.
Lát sau, cậu mạnh mẽ bơi trên mặt nước, kéo cáp theo sau. Lúc biển lặng, thao tác này cũng đã khó vì sóng dồi lại đập mạnh vào các mỏm đá nằm rải rác, tạo ra các luồng nước ngược chiều nhau khiến cậu bé dũng cảm không thể bơi thẳng hướng được, có lúc cậu bị chúng vây bọc, phải cực kì khó nhọc mới thoát ra được. Dầu sao, dần dần cậu cũng tiến gần bãi cát hơn. Nhưng rõ ràng cậu đã kiệt sức mà mới chỉ cách du thuyền được khoảng năm mươi bộ. Trước mặt cậu lúc này là một xoáy nước sâu do hai con sóng lừng ngược chiều xô vào nhau tạo thành. Nếu bơi vòng qua tránh được thì rất có thể cậu sẽ tới đích vì hết chỗ này biển lặng hơn. Cậu cố hết sức vòng sang trái, nhưng vô hiệu. Một vận động viên bơi lội mạnh khỏe, ở độ tuổi cường tráng nhất cũng chưa chắc đã thành công. Không sao chống lại được, Briant bị luồng nước cuốn vào tâm xoáy nước, chỉ đủ sức kêu: “Cứu mình! Kéo đi! Kéo đi!…” rồi chìm nghỉm.
Nỗi sợ hãi bao trùm cả mạn tàu. Gordon bình tĩnh ra lệnh:
- Kéo đi!
Và các bạn vội vàng cuộn dây cáp kéo Briant lên, nếu quá lâu, cậu sẽ chết đuối mất.
Chưa đến một phút, cậu đã được đưa lên boong - thật ra cậu đã bất tỉnh, nhưng rồi lại hồi tỉnh ngay trong vòng tay của em trai.
Phương án chăng dây cáp thế là thất bại, dẫu có ai thử làm lại cũng chẳng hi vọng thành công được. Lũ trẻ tội nghiệp này đành phải đợi… Đợi gì?… Sự giúp đỡ ư?… Từ nơi nào?… Do ai đây?
Quá trưa. Thủy triều đã lên rõ ràng, sóng dồi mạnh hơn, và đang đầu tuần trăng nên nước dâng mạnh hơn hôm trước. Vì thế chỉ cần gió thổi nhẹ từ ngoài khơi vào là du thuyền sẽ bị nâng lên… để rồi lại mắc cạn nữa và bục ra trên đá ngầm!… Sẽ không một ai sống sót!… Chịu, chẳng biết làm thế nào nữa!… Chịu!
Bọn trẻ tụ lại với nhau ở phía đuôi tàu, bé bên trong, lớn bên ngoài nhìn mặt biển đang dềnh lên còn các mỏm đá thì chìm dần. Khốn thay, gió lại trở về hướng tây ào ào thổi mạnh vào bờ biển. Nước càng lên, sóng càng cao, trùm bụi nước lên tàu Sloughi và chẳng mấy nữa sẽ xô vào dồn dập. Chỉ có Chúa mới cứu được đám nạn nhân bé bỏng này. Tiếng cầu kinh của chúng xen lẫn những tiếng kêu kinh hãi.
Gần 2 giờ chiều, du thuyền được thủy triều nâng lên, không nghiêng về mạn phải nữa, nhưng do bị lắc nên đáy tàu phía mũi chạm đất, còn sống đuôi tàu vẫn mắc vào đá. Chẳng bao lâu, sóng đánh liên tục làm tàu tròng trành, nghiêng ngả từ mạn nọ sang mạn kia. Lũ trẻ ôm chặt lấy nhau để không bị ném xuống biển. Đúng lúc đó, từ ngoài khơi một con sóng bạc đầu như trái núi ào vào, khi còn cách du thuyền khoảng hai sải cáp* thì dựng lên đến trên hai mươi bộ, chẳng khác một con sóng cồn hay sóng thần, xô tới dữ dội như thác đổ, trùm lấy gần trọn dải đá ngầm, nâng bổng con tàu lên, kéo lướt qua các mỏm đá mà không hề chạm vào. Chưa tới một phút, giữa đám bọt sùng sục như nước sôi, tàu Sloughi đã được đưa lên bãi, tấp vào một gò cát, cách những lùm cây gần nhất ở chân vách đá chừng hai trăm bộ và lần này thì dừng hẳn tại đó, trong khi con sóng rút ra, để lại bãi cát đã cạn nước.
Sải cáp: đơn vị đo chiều dài hàng hải, xấp xỉ 200 mét.