Tính cách không thể được hình thành trong yên bình. Chỉ có trải nghiệm mới hun đúc tâm hồn, làm rõ tầm nhìn, sản sinh ra tham vọng, và giúp đạt được thành tựu.

Helen Keller

 
 
 
 
 
Thể loại: Giáo Dục
Biên tập: Bùi Thanh
Upload bìa: Ngô Quang Hoàng
Số chương: 11
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2517 / 61
Cập nhật: 2016-06-21 19:07:15 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Louis Pasteur
ấy bữa nay (1), nhật báo nào ở Sài gòn cũng đăng ngay ở trang đầy, bằng chữ rất lớn, tin “Cúm! Dịch cúm!”. Dịch cúm phát từ Đông Kinh, qua Đài loan, Phi luật tân, mã lai vô cao miên và hình như đương sống Sài gòn. Hơi thấy nóng, ho là người ta đã tin rằng bị cúm; những thuốc Asipirine, Aspro, Antigrippaux, Huile goménolée, Colllargol bán chạy không tưởng tượng nổi. Người ta nhắc lại dịch cúm ở Pháp năm 1953 làm cho 20.000.000 người mắc bệnh. Tin cuối cùng đăng một vị bác sỹ ở Úc tên là French đã tìm ra được vi khuẩn cúm ở Đông Á hiện nay, nhưng thuốc trị thì người ta vẫn chưa kiếm được thứ nào công hiệu hoàn toàn.
Tin đó làm tôi tới Louis Pasteur, nhà bác học đã tìm ra được thế giới vi trùng, ân nhân bậc nhất của nhân loại. Số danh nhân trong lịch sử đông tây thì rất nhiều, nhưng số người được cả nhân loại ghi ơn như Pasteur thì rất hiếm. Nước nào trên thế giới cũng có ít nhất một viện Pasteur để nghiên cứu về vi trùng học. Hàng trăm đường ở Saigon, Chợ Lớn hồi trước mang tên Pháp, thì những tên đó ngày nay bị hạ gần hết, cả những tên sang sảng như Foch, Joffer, De Gaul-le, De lattre de Tassigny, chỉ còn ít tên được giữ lại: Alexandre de Rhodes, Calmette, Yersin và Pasteur… Mà Calmette, Yersin đều là những môn đệ gần hay xa của Pasteur.
Pasteur đã làm một cách mạng lớn lao trong y học. Ta có thể nói khoa Tây y ngày nay mà khắp thế giới dùng, một phần lớn do Pasteur tạo nên.
Trước ông, người ta không biết chút gì về nguyên nhân các bệnh truyền nhiễm, không tìm được cách đề phòng mà cũng không tìm được cách chữa. Và khi nghe nói đến một bệnh dịch nào thì loài người kinh khủng, nhớ lại những lần chết hàng triệu, hàng chục triệu người!
Trước ông, tuy loài người đã biết giải phẫu, nhưng bệnh nhân nào bị giải phẫu thì mười phần chết đến chín rưỡi, nên khoa giải phẫu không phát triển được.
Trước ông, sản phụ sợ sệt bệnh sản hậu, con nít chưa được một tuổi, thì mười phần chỉ hai ba phần chắc nuôi được, và kẻ nào bị chó dại cắn thì chỉ còn cách đợi chết.
Không những vậy, ông còn làm cho nghề chăn nuôi, kỹ nghệ dấm, đồ hộp phát đạt mỗi ngày mỗi mạnh. Do công lao của ông mà đời sống loài người thay đổi rất mau.
Ông sinh ở Dole (Pháp) ngày 27/12/1822, trong một gia đình bình dân. Tổ tiên ông làm ruộng, thân phụ ông làm nghề thuộc da. Song thân ông tuy ít học nhưng đã có công lớn trong sự đào luyện tâm hồn ông.
Bạn nào đã theo chương trình Pháp hồi trước, thế nào cũng được đọc ít nhất hai bài về Pasteur, một bài kể ông trị bệnh chó dại cắn cho một đứa nhỏ ở Alsace; và một bài ông nhắc lại ký ức về song thân ông, bài sau này rất cảm động mở đầu bằng câu. “O mon père et ma mère! O mes cher disparus…”. Ông kể công của thân mẫu:
“Thưa mẹ, mẹ dũng cảm và lòng hăng hái của mẹ, mẹ đã truyền lại cho con. Nếu con đã luôn luôn hòa hợp cái vĩ đại của khoa học với cái vĩ đại của tổ quốc là nhờ con đã thấm nhuần những tình cảm mà mẹ đã gây cho con”.
Và của thân phụ
“Thưa cha, cha đã cho con thế hễ kiên nhẫn gắng sức làm thì làm được những gì. Nhờ cha mẹ con bền gan trong công việc hằng ngày. Không những cha có sức kiên nhẫn nó làm cho đời người thành hữu dụng, mà cha còn có đức khâm phục vĩ nhân, tán thưởng những cái gì lớn lao. Ngó cao, học rộng, luôn luôn tìm cách tiến đó là những điều cha dạy con ”
Những đoạn đó cho ta thấy ông là một người có hiếu và đa cảm. Ông đa cảm đến nỗi năm 1838, đã mười sáu tuổi, lên Paris học được mấy tháng rồi nhớ nhà quá, phải bỏ dở sự học mà về.
Nhưng ông biết tánh đó là nhược điểm phải diệt, nên quyết chí lại Besancon học để thi tú tài. Ông đậu tú tài khoa học, với một điểm tầm thường về hóa học.!
Rồi ông thi vào trường Sư phạm, đứng thứ 15 trong số 22 người đậu. Và đây, ta thấy tư cách của ông: đậu như vậy không phải là quá thấp, một sinh viên khác tất đã vui vẻ vào học rồi, ông thì không, nhất định phải được vào hạng giỏi mới mãn nguyện, nếu không vô học, về nhà luyện thêm một năm nữa, năm sau thi vô, đậu số bốn.
Lần này ông phải lên Paris, mà hồi đó thành Paris đã nổi tiếng là nơi xa hoa, trụy lạc. Thân phụ ông lo ngại cho ông. Ông thẳng thắn và cương quyết đáp:
“Thưa ba má, để con thưa ba má nghe con làm gì trong cái thành phố Paris rất đẹp đẽ mà cũng rất xấu xa về phương diện này. Ở đây, hơn hết thảy những chỗ khác, đức và tật, ngay thẳng và gian trá, giàu sang và nghèo khổ, tài năng và ngu đầu, lẫn lộn nhau, đụng chạm nhau. Nhưng khi người ta có nhiệt huyết thì ở đây cũng như ở nơi khác, người ta vẫn giữ được tấm lòng thành thực và chính trực.”
Thân phụ ông khuyên đừng quá ham học, ông đáp:
“Một lần nữa, con xin ba đừng ngại gì về việc học của con hết, ba cứ tin chắc rằng con không học để đến nỗi đau đâu.”.
Rõ ràng là lời một thanh niên có nghị lực, có lý tưởng và tin ở tài đức của mình.
* * *
Ở trường sư phạm ra, ông đã bắt đầu tìm tòi, nghiên cứu về hóa học và năm hai mươi sáu tuổi phát minh được điều về các tinh thể, làm cho nhiều nhà bác học để ý tới ông.
Do phát minh đó, năm sau ông được bổ làm giáo sư bổ khuyết về hóa học ở Strasbourg. Tới tỉnh này được ít lâu, ông mê cô Marie, ái nữ của ông Laurent, đại học khoa trưởng ở đó. Cách ông hỏi vợ cũng khác người và tỏ rõ tánh giản dị, ngay thẳng, tự tin của ông. Ông viết thư cho ông Laurent, tự giới thiệu mình và gia đình mình như sau:
“Thưa Ông, trong ít bữa nữa, tôi sẽ xin ông một điều rất quan trọng đối với tôi và đối với gia đình ông và tôi nghĩ rằng tôi có bổn phận trình ông hay những điểm dưới đây để giúp ông quyết định “ hoặc nhận lời hoặc từ chối”
“Thân phụ tôi làm nghề thuộc da ở Arbois, một tỉnh nhỏ trong miền Jura. Từ khi thân mẫu tôi quy tiên, hồi tháng năm vừa rồi, các chị tôi săn sóc việc buôn bán giúp thân phụ tôi.
" Gia đình tôi vào hạng khá giả chứ không giầu. Tôi tính ra thì tất cả tài sản của chúng tôi không trên năm chục ngàn quan; về phần tôi thì tôi đã quyết tâm từ lâu rằng sau này phần của tôi, tôi sẽ nhường lại cho các chị tôi. Vậy tôi hai tay trắng, chỉ có một sức mạnh dồi dào, một tấm lòng tốt và địa vị của tôi ở trường Đại học.
" Hai năm trước tôi ở trường sư phạm ra, đậu thạc sỹ về Vật lý hóa. Tôi đậu tiến sỹ được mười tám tháng nay và tôi đã trình Hàn lâm viện khoa học ít công trình kháo cứu, được viện rất hoan nghênh, nhất là công trình cuối cùng của tôi…
"Đó, thưa ông, địa vị tôi hiện nay như vậy. Còn về tương lai, thì trừ phi phải có một sự thay đổi hoàn toàn trong sở thích của tôi, tôi sẽ chuyên tâm vào việc nghiên cứu hóa học. Tôi có tham vọng trở về Paris, khi nào tôi có danh tiếng một chút nhờ những công trình khảo cứu của tôi. Ông Biot nhiều lần đã khuyên tôi nên ráng vào bác học viện. Nếu tôi siêng năng làm việc thì trong 10, 15 năm nữa có thể được. Cái mộng đó, coi như không có; tôi yêu khoa học vì khoa học, chứ không vì nó. ”
Ông Laurent còn đương suy nghĩ, thì Pasteur mê cô Marie quá, vội viết thêm một bức nữa cho bà Laurent:
“Tôi sợ rằng cô Marie chú trọng quá tới những cảm giác đầu tiên, nó không lợi cho tôi. Tôi không có gì để cho một thiếu nữ mến được. Nhưng nhớ lại những kỷ niệm cũ, tôi thấy rằng ai đã quen biết tôi lâu đều mến tôi hết.”
Rồi Pasteur lại năn nỉ cô Marie.
“Tôi chỉ cô một điều là đừng xét tôi vội quá, có thể lầm chăng. Sau này cô sẽ biết rằng bề ngoài của tôi lạnh lùng, e lệ làm cho cô không có cảm tình nhưng trong lòng thì tôi mến cô vô cùng”.
Rõ là giọng một thanh niên si tình nhưng vẫn tự trọng. Mà đức hạnh của cô Marie cũng xứng đáng với tấm lòng của ông. Đời của một nhà bác học cặm cụi suốt tháng, suốt năm trong phòng thí nghiệm không thể làm cho vợ vui được: thì giờ, tâm trí đâu để dắt vợ đi khiêu vũ, đi coi hát, và tiền đâu để sắm những y phục cùng đồ tế nhuyễn lộng lẫy. Vậy mà bà Pasteur đã chẳng lấy làm buồn, còn vui vẻ, tận tâm săn sóc chồng, khuyến khích chồng, an ủi chồng để chồng hy sinh cho nhân loại. Rồi đến khi chồng nổi danh khắp thế giới, thì bà nhũn nhặn, làm cho ai cũng cảm phụ, đến nỗi có người bảo rằng Trời đã định trước, cho bà giúp ông để ông thực hành những việc lớn lao giúp nhân loại.
Năm 1857, Pasteur được làm khoa trưởng bao cao đẳng Khoa học ở Lille, nghiên cứu về sự lên men và thấy rằng một chất sở dĩ lên men là do những vật rất nhỏ sống không nhờ không khí. Những vật này lấy ngay dưỡng khí của chất đó để sống và làm cho chất đó rã ra.
Phát minh đó đưa ông tới những thí nghiệm để chứng minh rằng trong không khí có rất nhiều vi trùng chỉ chờ cơ hội thuận tiện là sinh sôi nảy nở, và nước, sau khi nấu kỹ để giết hết các vi trùng, lại giữ được trong một nơi không tiếp xúc với vi trùng trong không khí, thì sẽ trong sạch hoài hoài, không khi nào hôi thối.
Những kết quả đó làm sôi nổi dư luận đương thời và mở đường cho phương pháp nấu để diệt trùng, ảnh hưởng lớn đến kỹ nghệ làm dấm, làm rượu, làm đồ hộp nhất là đến khoa giải phẫu: ngày nay, số người chết vì giải phẫu giảm đi rất nhiều là nhờ y học đã áp dụng và cải thiện phương pháp diệt trùng của Pasteur.
Năm 1859, ông nghiên cứu về hai thứ bệnh dịch của tằm, thấy những đó do vi trùng gây ra, nhưng vi trùng chỉ hoành hành trong cơ thể những con tằm yếu thôi.
Non hai chục năm sau ông tìm ra được vi trùng một thứ bệnh dịch mà loài cừu và bò thường mắc phải và vi trùng streptocoque, hình chuỗi hột trong máu của những đàn bà bị sản hậu. ông cho rằng sản phụ hồi đó chết nhiều vì bị lây bệnh của nhau và đề nghị trong một phòng bảo sanh, phải diệt trùng các vải băng trước khi dùng, còn trong một phòng giải phẫu, các y sỹ và điều dưỡng viên chỉ được dùng những khí cụ cực kỳ sạch, sau khi đã rửa tay kỹ lưỡng.
Ông tuyên bố rằng vi trùng là nguyên nhân những bệnh truyền nhiễm, nhưng phần đông các y sĩ không nhận thuyết ông, vẫn tin rằng bệnh tự nhiên phát ra. Ông phải tốn công đả phá óc cổ hủ đó. Tại hàn lâm viện y học và hàn lâm viện khoa học, không tuần nào ông không phải tranh biện với họ, làm lại những thí nghiệm trước mắt họ để họ thấy sự thực.
Tìm được vi trùng rồi, ông lại tìm cách để phòng cho loài người khỏi mắc bệnh. Một sự tình cờ đã giúp ông phát minh được một điều quan trọng, làm cho y học tiến một bước rất dài.
Lần đó ông nghiên cứu vi trùng bệnh dịch gà mái. Ông kiếm được vi trùng, nuôi nó, gây nó. Rồi ông đem chích vào những con gà mạnh, những con gà này lần lượt chết hết. một hôm, một con gà chỉ đau qua loa rồi sống; nó đã bị chích một thứ vi trùng nuôi từ mấy tuần trước. điều đó làm ông suy nghĩ. Ít lâu sau, ông lấy một thứ vi trùng rất mạnh chích vào nó một lần nữa, nó vẫn chịu được. vậy là nó đã quen với bệnh, nó đã được trồng bệnh, nhưng người được trồng đậu vậy; và con vi trùng nguy hiểm gây chết chóc kia đã thành một vật giữ gìn sự sống.
Sở dĩ vậy là vì lần đầu vi trùng đó khi tiếp xúc với dưỡng khí trong không khí thì yếu đi, không giết được gà nữa mà con gà đã thắng được nó một lần thì sức chống cự với bệnh dịch tăng lên, nó thành quen với bệnh.
Sự phát minh đó có những kết quả vô biên. Pasteur tìm cách áp dụng nó vào các bệnh truyền nhiễm khác. Ông nhìn thấy tương lai rực rỡ của y học và ông hăng hái lên bội phần.
Không bao lâu sau ông tìm được thuốc giống để phòng bệnh dịch cừu và bò. Ngay mồng 5 tháng 5 năm 1881, ông thí nghiệm thuốc giống đó trước công chúng. Ông lựa năm chục con cừu khỏe mạnh như nhau, chích thuốc giống đó vào hai mươi lăm con, còn hai mươi lăm con kia không chích. Mười hai bữa sau ông chích vi trùng bệnh dịch vào cả năm chục con, rồi ông đợi. Ông tin chắc kết quả của ông, còn bạn bè cùng người cộng tác thì lo lắng, nghi ngờ. Tới cuối tháng, có tin báo là kết quả hoàn toàn như ý. Hai mươi lăm con đã chích thuốc giống đều sống cả; trong số hai mươi lăm con kia, hai mươi bốn con chết, một con đau nặng. Quần chúng hoan hô ông nhiệt liệt, cho rằng ông đã làm được một phép màu.
Ông còn tiến lên một bước, chứng minh được rằng cơ thể làm cho một vi trùng yếu hóa mạnh lên. Ông lấy vi trùng dịch cừu mà ông đã làm cho yếu rồi chích vô một con chuột bạch vài tháng, con chuột bạch này chịu được. Ông lại lấy vi trùng đó chích vào một con chuột bạch mới đẻ, con này chết. rồi ông lấy máu con chuột bạch mới chết đó chích vào một con chuột bạch lớn hơn, rồi lại lấy máu con này chích vào một con lớn hơn nữa thì vi trùng mỗi lần mạnh lên, sau cùng có thể giết được một con chuột bạch lớn, một con cừu.
Những thí nghiệm về sức yếu và sức mạnh của vi trùng đó đưa ông tới kết quả này, là trong các bệnh truyền nhiễm phải chú ý tới sức khỏe của con vật mắc bệnh, con vật đó càng yếu bao nhiêu thì càng dễ mắc bệnh và bệnh càng nguy hiểm bấy nhiêu.
Muốn chứng minh điều đó một cách rõ ràng hơn, ông làm thí nghiệm dưới đây: từ trước người ta vẫn thấy rằng gà mái không bị bệnh dịch cừu, mà không hiểu tại sao. Pasteur ngờ rằng tại nhiệt độ trong cơ thể loài gà cao hơn nhiệt độ trong cơ thể loài cừu, làm cho vi trùng bệnh dịch cừu vào cơ thể gà, yếu sức đi mà không gây được bệnh. Nếu lời đoán đó đúng thì một khi hạ được nhiệt độ loài gà, loài này tất mắc bệnh dịch cừu. ông bèn lựa ba con gà mái mạnh như nhau, con thứ nhất ông chích vi trùng dịch cừu vào máu rồi nhúng nửa mình nó vào nước lạnh, con thứ nhì cũng bị chích vi trùng vào máu nhưng không bị nhúng nước lạnh, con thứ ba bị nhúng vào nước lạnh, nhưng không bị chích vi trùng. Ít bữa sau con thứ nhì chết vì bệnh, hai con sau đều sống.
Thực là gần như một truyện hoang đường, do óc thi nhân tưởng tượng.
Nhưng ông nổi danh nhất nhờ kiếm ra được thuốc giống trừ bệnh chó dại cắn.
Mới đầu ông kiếm vi trùng bệnh đó mà không thấy. Phương pháp của ông thất bại chăng? Thuyết của ông có chỗ sai chăng?
Ông suy nghĩ lung, tự nhủ: bệnh đó là một chứng bệnh về thần kinh thì nọc độc không ở máu mà phải ở óc và trong xương sống. Ông bèn lấy chất óc một con chó dại chích vô nhiều con chó mạnh. Những con này đều mắc bệnh hết.
Nhưng kiếm vi trùng vẫn không ra thì làm sao nuôi nó để chế thuốc giống được? Ông nảy ra một ý: dùng ngay óc một con chó dại, coi nó như một chất và chứa vi trùng. Ông để óc đó tiếp xúc với không khí một thời gian, và chất độc của nó giảm đi.
Khi bị chó dại cắn, phải vài tuần sau, nọc độc mới vô tới óc và bệnh mới phát. Ông bắt nhiều con chó mới bị con chó dại cắn, chích ngay vào óc nó một chất óc có nọc độc nhẹ lấy ở óc thỏ và thấy bệnh không phát ra. Vậy phương pháp của ông lại công hiệu một lần nữa: óc của những con chó đó quen với nọc độc nhẹ, sức chống cự với bệnh mỗi ngày tăng lên, tới khi nọc độc mạnh ở vết thương lên tới óc thì óc đã quen với bệnh rồi, mà bệnh không phát nổi.
Ông đã trị được năm chục con chó dại, tuổi khác nhau, giống khác nhau, rất tin ở thuốc của mình, nhưng đến khi thử vào người thì ông lo sợ, tay ông run lên. Ông không dám coi thường sinh mạng của loài người.
Hôm đó là ngày 6/7/1885, người ta dắt lại ông một em nhỏ chín tuổi tên là Joseph Meisser, mới bị chó dại cắn hai hôm trước. Vết thương nhiều và sâu. Mổ bụng con chó ra, người ta thấy có cỏ, rơm và những miếng gỗ. Quả là chó dại.
Ở hàn lâm viện khoa học ra, ông nhờ hai bác sĩ Vulpian và Grancher lại coi bệnh tình đứa nhỏ. Hai ông nhận rằng nó không sao thoát chết. Tới lúc đó Pasteur mới quyết định thử thuốc giống của ông, chính cho nó luôn mười ngày, từ ngày mùng 7 đến 16 tháng bảy.
Đêm mùng bảy ông thao thức, không ngủ được, chi lo bệnh đứa nhỏ tăng lên. Duy có bà vẫn bình tĩnh và tin chắc ở thuốc.
Vì thấy ông lo lắng quá, mà hóa suy nhược, người thân phải bắt ông về miền Morvan nghỉ ngơi ít bữa với con gái và con rể. Ông đi, nhưng sáng nào cũng ngong ngóng thư hoặc điện tín cho biết về bệnh tình của em Meisser. Rút cuộc là em đó mạnh.
Sự thành công đó có một tiếng vang lớn: quần chúng hoan hô ông, những kẻ nghi ngờ nhất cũng phải tin tưởng, các nhà bác học hăng hái tìm tòi thêm vì thấy phương pháp thí nghiệm mà ông vạch ra, giúp họ có một khí giới mạnh mẽ để tìm cách trừ bệnh.
Và từ mọi nơi, những người bị chó dại cắn ùn ùn tới phòng thí nghiệm của ông. Ông săn sóc cho hết, tìm chỗ ăn chỗ ngủ nữa.
Nhưng một hôm ông rất khó nghĩ vì bệnh tình một em gái mười tuổi. Em đó bị chó dại cắn ở đầu, ba mươi bảy ngày trước. Vết thương làm mủ, coi thấy ghê. Tình thế tuyệt vọng. Chỉ chiều hôm sớm mai là bệnh dại sẽ phát. Trễ quá rồi, chích thuốc giống sẽ vô hiệu, em nhỏ đó sẽ chết, mà các bệnh nhân khác thấy vậy, sẽ nghi ngờ thuốc, những người sau này bị chó dại cắn sẽ không dám lại ông chữa nữa. Vì vậy ông từ chối không muốn chữa, nhưng cha mẹ em nhỏ năn nỉ ông quá, ông động lòng, đành phải chích.
Chích xong, em nhỏ vẫn nhỏ vui vẻ học như thường thì đột nhiên bệnh phát lên, em bị đông kinh, không nuốt gì được nữa. Ông lại thăm em, lại chích thêm thuốc nữa. Non một tháng sau, bệnh giảm được trong vài giờ, rồi trở nên nguy kịch. Trong lúc em hấp hối, ông luôn luôn ở bênh cạnh em, an ủi em. Và khi em mất, ông òa lên khóc.
Mười lăm năm sau, chính thân phụ em nhỏ đó, nhớ lòng nhân đạo của ông, viết:
“Trong số danh nhân mà tôi được biết đời sống tôi chưa thấy ai cao cả như ông Pasteur. Tôi chưa thấy một người nào gặp trường hợp đứa con gái tôi mà chỉ vì lòng nhân đạo lại chịu hy sinh hàng chục năm nghiên cứu của mình, làm nguy hại tới danh vọng bác học của mình để tiến tới một sự thất bại đau đớn đã biết từ trước”.
Đúng vậy, ông đã hy sinh danh vọng của ông, vì nhiều kẻ dựa vào sự chết của em nhỏ đó để chỉ trích phương phátp trị bệnh chó dại cắn của ông, thậm chí có kẻ buộc tội ông là gây bệnh chó dại cho người lành mạnh nữa.
Trong khi ông đương bị công kích thì viện Pasteur được thành lập (1888). Ông chua xót nói: “Tôi buồn bã bước vô viện như một kẻ chiến bại.”
Trong bài diễn văn khai mạc, ông khuyên các người cộng sự với ông:
“Hỡi các bạn thân, trong khi tìm tòi, xin các bạn giữ lấy lòng hăng hái lúc đầu, nhưng phải luôn luôn nghiêm ngặt kiểm soát tư tưởng của mình. Xin các bạn đừng tuyên bố một điều gì mà không thể chứng thực một cách giản dị và quyết định. Xin các bạn tôn sùng tinh thần phê bình. Tinh thần đó, một mình nó, không gợi được ý mà cũng không kích thích những việc lớn lao đâu. Nhưng thiếu nó thì không có kết quả. Ý kiển của nó bao giờ cũng phải được tôn trọng. Điều tôi xin các bạn đó, và yêu cầu các bạn truyền lại cho môn đệ, là điều khó khăn nhất đối với nhà phát minh.”
Ông đã tóm tắt trong đoạn đó điều kiện căn bản của tinh thần khoa học.
Tháng chạp năm 1892, ngày lễ thất tuần của ông, ông được cái vinh dự lớn lao là nhiều đại diện ở khắp thế giới lại trường đại học Sorbonne ở Paris để mừng ông, ông nói với họ:
“… tôi quyết tin rằng khoa học và thái bình sẽ thắng ngu muội và chiến tranh, rằng các dân tộc sẽ hòa hợp với nhau, không phải để tàn phá mà để xây dựng, và tương lai thuộc về những người nào giúp cho nhân loại đau khổ được nhiều việc nhất.
Các bạn trẻ, các bạn trẻ, xin các bạn cứ tin ở những phương pháp chắc chắn, mạnh mẽ đó mà chúng ta chỉ mới biết được những bí quyết sơ đẳng. Và xin hết thảy các bạn mặc dầu làm gì, đừng bao giờ thất vọng vì những buồn thảm có lúc xảy tới cho một quốc gia. Các bạn cứ vui sống trong sự bình tĩnh của phòng thí nghiệm và các thư viện. Trước hết, xin các bạn tự hỏi “Tôi đã làm gì để học hỏi?” rồi một khi đã tiến rồi, thì tự hỏi “Tôi đã làm gì cho nước tôi?”, cho tới lúc bạn thấy được nỗi vui mênh mông mà nghĩ rằng mình đã dự một phần nào vào sự tiến hóa và lợi ích của nhân loại.”
Ba năm sau, ngày 28/9/1895, ông mất ở Villeneuve – L’Etang để lại cho hậu thế một gương nhiệt tâm giúp ích quốc gia và nhân loại, tin tưởng ở công việc và nhiệm vụ của mình, cần cù tìm tòi và kiểm soát chặt chẽ mọi phát minh của mình.
Sau khi ông mất, lần lần khắp thế giới, nước nào cũng lập một viện mang tên ông để khảo cứu về vi trùng học. Trong mỗi viện đều treo chân dung của ông để mọi người được trông nét mặt trầm tư, vừng trán cao và rộng của một người đã làm thay đổi cơ sở của tây y và đời sống loài người.
Dưới đây tôi ghi thêm ít tư tưởng của ông mà mọi người đều có thể chép vào cuốn sổ tay để thỉnh thoảng mở ra coi lại:
Không có một sự gắng sức nào vô ích.
Những công việc của tôi, gia đình tôi, các thầy học tôi, tổ quốc tôi, đó lòng yêu của tôi luôn luôn hướng về đó.
Sung sướng thay kẻ nào có một lý tưởng và tuân theo lý tưởng đó.
Lòng yêu sự làm việc, và để kích thích lòng yêu đó, là lòng yêu tổ quốc: hai lòng yêu đó phải luôn luôn chi phối công trình của bạn.
Trong cái việc rải rắc điều ích, chỉ khi nào hết năng lực mới là hết bổn phận.
Con đường gắng sức lớn lao thường trùng với con đường hy sinh lớn lao.
Chúng ta hãy gắng sức để quay mặt đi, đừng ngó đừng nghĩ đến những cái xấu xa của loài người, mà đi tìm chân lý một cách không vụ lợi.
Ngày nào tôi không làm việc thì tôi chừng như mắc tội ăn cắp vậy.
Chú thích:
(1) Chương này bắt đầu viết ngày 27/5/57
Gương Hy Sinh Gương Hy Sinh - Nguyễn Hiến Lê Gương Hy Sinh