Nguyên tác: Nguyên Tác Tiếng Pháp: Ebène (Aventures Africaines)
Số lần đọc/download: 2271 / 103
Cập nhật: 2017-05-09 22:24:00 +0700
Khởi Đầu (Tt)
N
gay ở cầu thang máy bay ta đã gặp một điều mới mẻ khác: mùi nhiệt đới. Điều mới mẻ? Nhưng đó chính là mùi hương ngập tràn trong cửa tiệm nhỏ của ông Kanzman “Hàng hóa từ thuộc địa và các loại khác” trên phố Pereca ở Pinks (1) đấy mà! Quả hạnh, đinh hương, chà là, ca cao. Vani, lá nguyệt quế; cam và chuối bán quả, bạch đậu khấu và nghệ bán cân. Còn Drohobych thì sao? Những cửa hàng quế của Schulz (2) thì sao? Chính là “những đồ vật sẫm màu và trang trọng được chiếu sáng lờ mờ, thơm mồng mùi của màu, sơn, nhang, đẫm hương của các xứ sở xa xôi và những chất liệu quý hiếm”! Tuy vậy, mùi nhiệt đới có khác một chút. Ta nhanh chóng nhận ra sức nặng của nó, sự nhớp nháp của nó. Thứ mùi này cho ta biết ngay rằng ta đang ở một điểm trên trái đất nơi giới thực vật rậm rạp và không mệt mỏi luôn lien tục hoạt động, sinh sôi, lan tràn và nở hoa, song đồng thời cũng đang bệnh tật, bị đốn ngã, sâu ruỗng và héo rụi.
Đó là mùi của những tấm thân được sưởi nóng và cá khô, của thịt ôi và sắn nướng, của hoa tươi và tảo rữa, tóm lại là mùi của tất cả các thứ đồng thời vừa dễ chịu vừa khó chịu, vừa lôi cuốn vừa đáng ghét, những thứ cám dỗ hoặc làm người ta ghê tởm. Thứ mùi này bay đến với chúng ta từ rừng cọ không xa, thoát ra từ mặt đất nóng ran, bốc lên trên những rãnh nước mốc meo của thành phố. Nó không rời chúng ta, nó là một phần của miền nhiệt đới.
Và cuối cùng là khám phá quan trọng nhất – con người. Những người ở đây, dân bản xứ. Họ mới hợp với phong cảnh, ánh sáng và thứ mùi này làm sao! Dường như họ tạo thành một tổng thể. Dường như cảnh vật và con người không tách rời nhau, bổ sung cho nhau, là một bản sắc, một cộng đồng hài hòa. Dường như mỗi sắc dân được đặt vào phong cảnh của riêng mình, khí hậu của mình! Chúng ta tạo ra phong cảnh của mình, còn phong cảnh nặn thành hình các đường nét trên gương mặt chúng ta. Người da trắng ở giữa những cây cọ và đám dây leo này, trong các bụi cây và rừng rậm này là một điều gì đó lạc lõng, thừa thãi. Nhợt nhat, yếu ớt, áo đẫm mồ hôi, tóc dính bết, anh ta luôn bị cái khát, cảm giác bất lực và chán nản hành hạ. Anh ta luôn luôn sợ hãi, sợ muỗi, a míp, bọ cạp, rắn – tất cả những gì cử động đều làm anh ta tràn ngập lo sợ, khiếp hãi, hoảng loạn.
Người bản xứ thì ngược lại: với sức mạnh, vẻ duyên dáng và sự dẻo dai của mình, họ chuyển động một cách tự nhiên, thoải mái, trong nhịp điệu được khí hậu và truyền thống ấn định, trong nhịp điệu có phần chậm rãi, không gấp gáp, vì đằng nào cũng chẳng thể đạt được tất cả mọi thứ trong đời, bới nếu thế thì còn lại gì cho người khác?
Tôi ở đây đã được một tuần. Tôi cố gắng tìm hiểu Accra(3). Nó như một thị trấn nhỏ được nhân lên nhiều lần trồi ra từ rừng, từ rú và kéo dài đến bờ Vịnh Guinea. Accra bằng phẳng, nghèo nàn, toàn nhà một tầng, nhưng cũng có những ngôi nhà hai tầng hoặc cao hơn. Không có tòa kiến trúc mang tính sáng tạo nào, chẳng có gì xa hoa hay lộng lẫy. Vôi vữa loại thường, các bức tường màu phấn, vàng nhạt, nõn chuối. Trên các bức tường ấy đầy vết nước ngấm. Chúng còn mới nguyên sau mùa mưa, tạo thành các chum, các bức tranh loang lổ với những vết ố, những tranh ghép mảnh, những tấm bản đồ kỳ quái, những nét trang trí hoa mỹ. Khu trung tâm xây dựng chen chúc. Nhộn nhịp, đông đúc, ồn ào – cuộc sống diễn ra ngoài đường phố. Phố là con đường được ngăn cách với lề đường bằng rãnh nước thoát lộ thiên. Không có vỉa hè. Trên lòng đường ô tô xen lẫn với đám đông. Tất cả cùng nhau tiến lên – người đi đường, ô tô, xe đạp, xe thồ, rồi bò và dê. Trên lề đường, bên kia rãnh nước, suốt dọc cả phố là đời sống kinh tế và đời sống gia đình. Phụ nữ đập sắn, nướng khoai sọ trên than, nấu món gì đó, bán kẹo cao su, bánh quy và thuốc aspirin, giặt và phơi đồ lót. Cảnh tượng giống như có lệnh ban hành buộc tất cả phải rời nhà và ra phố lúc tám giờ sáng. Thực tế là có nguyên nhân khác: vì nhà nhỏ, chật chội, tồi tàn. Ngột ngạt, không có thông gió, không khí nặng nề, các thứ mùi buồn nôn, không thể thở được. Hơn nữa người ta có thể tham gia đời sống xã hội khi qua ngày ngoài đường phố. Phụ nữ lien hồi nói chuyện với nhau, hò hét, khoa tay múa chân, rồi lại cười. Đứng trên cái nồi hay chậu, họ có một điểm quan sát tuyệt vời. Họ có thể nhìn thấy hàng xóm, người qua đường, khu phố, hóng nghe chuyện cãi cọ hay những lời đồn đại, theo dõi các vụ tai nạn. Suốt cả ngày họ ở giữa mọi người, hoạt động và hít thở không khí trong lành.
Một chiếc xe Ford màu đỏ có gắn loa trên nóc đi quanh các phố. Tiếng loa the thé chói tai mời mọi người đến dự mít tinh. Điều hấp dẫn của cuộc mít tinh là sẽ có Kwame Nkrumah – Osagyefo, thủ tướng, lãnh tụ Ghana, lãnh tụ của châu Phi, của mọi dân tộc bi áp bức. Đâu đâu cũng có ảnh Nkrumah – trên báo (hàng ngày), trên áp phích, trên các lá cờ, trên những chiếc váy in sặc sỡ dài chấm mắt cá chân. Gương mặt người đàn ông trung niên mạnh mẽ, tươi cười hoặc nghiêm nghị, trong tư thế mang hàm ý rằng lãnh tụ đang nhìn về tương lai.
- Nkrumah là vị cứu tinh! – thầy giáo trẻ Joe Yambo nói với tôi bằng giọng say sưa. Anh đã nghe ông ta thuyết trình chưa? Như một nhà tiên tri!
Phải, tôi đã nghe. Ông đã đến một cuộc mit tinh diễn ra tại sân vận động ở đây. Đi cùng với ông là các bộ trưởng, trẻ trung, năng động, họ tạo ấn tượng là những người vui nhộn, những người đang vui sướng. Buỗi lễ bắt đầu bằng việc các thầy tu cầm những chai gin và tưới các thứ rượu này lên sân khấu: đó là để tế cho các linh hồn, tạo mối liên hệ với họ, cầu xin sự phù hộ và lòng tốt của họ. Trong cuộc mít tinh như thế này người lớn có mặt, tất nhiên, nhưng cũng có cả rất nhiều trẻ con: từ những em bé sơ sinh được mẹ địu trên lưng, rồi các bé mới chập chững biết bò, đến trẻ nít và đám học sinh. Trẻ lớn trông trẻ nhỏ, trẻ lớn hơn nữa trông trẻ lớn. Các thứ bậc theo tuổi tác này rất được tuân thủ, sự phục tùng là tuyệt đối. Đứa bé bốn tuổi có đầy đủ quyền hành đối với đứa hai tuổi, đứa sáu tuổi – với đứa bốn tuổi. Trẻ con trông trẻ con, những đứa lớn chịu trách nhiệm về những đứa nhỏ, để người lớn có thể toàn tâm toàn ý với việc của mình, ví dụ như chăm chú nghe Nkrumah.
Osagyefo phát biểu ngắn. Ông nói rằng quan trọng nhất là giành được độc lập, những thứ còn lại sẽ tự nó đến, mọi phúc lợi sẽ nảy sinh chính từ nền độc lập này.
Ông to cao, cử chỉ mạnh mẽ, có các đường nét sắc sảo và cân đối trên gương mặt, đôi mắt to linh hoạt lướt qua biển đầu đen với chăm chú cao độ, như thể ông muốn đếm hết chúng một cách chính xác.
Sau buổi mít tinh, những người trên khán đài hòa lẫn vào đám đông, bắt đầu nhộn nhạo, chen chúc, gần như không thấy nhân viên bảo vệ, công an hay cảnh vệ nào. Joe dẫn tôi len lỏi đến chỗ một người đàn ông trẻ tuổi (vừa đi anh vừa nói rằng đó là một bộ trưởng) và hỏi anh ta xem tôi có thể đến vào ngày hôm sau được không. Người kia, trong tiếng ồn ào hỗn loạn xung quanh không nghe rõ anh hỏi gì lắm, trả lời có phần có chuyện: Được! Được!
Ngày hôm sau tôi tìm được tòa nhà mới xây nằm giữa lùm cọ hoàng gia của Bộ Giáo Dục và Thông Tin. Hôm đó là thứ Sáu. Thứ Bảy, trong nhà trọ của mình, tôi miêu tả ngày hôm trước ấy như sau:
Đường thông: chẳng có cảnh sát, chẳng có thư ký, chẳng có cánh cửa nào.
Tôi vén tấm rèm in hình sặc sỡ và bước vào. Văn phòng của bộ trưởng sáng lờ mờ ấm áp. Anh đang đứng trên bàn làm việc sắp xếp giấy tờ. Đám này vò đi và cho vào sọt rác. Đám kia vuốt phẳng và cho vào cặp. Thân hình gầy nhỏ, áo phông, quần sooc, dép xăng đan, khăn kente hoa văn vắt qua vai trái, những cử chỉ bồn chồn.
Đó là Kofi Baako, bộ trưởng giáo dục và thông tin.
Anh là bộ trưởng trẻ nhất ở Ghana và trong toàn Khối Thịnh Vượng Chung. Anh ba mươi hai tuổi và đã giữ chức được ba năm. Văn phòng của anh nằm trên tầng hai tòa nhà của Bộ. Ở đây thứ hạng, chức vụ tương ứng với độ cao của các tầng. Chức càng cao thì tầng càng cao. Vì ở trên thoáng gió; ở dưới không khí nặng như đá, bất động. Các viên chức nhỏ ngạt thở dưới tầng trệt, bên trên họ là các vụ trưởng đã có được chút gió lùa, còn ở trên cao nhất, làn gió mơ ước thổi mát cho các bộ trưởng.
Ai muốn đến gặp bộ trưởng cũng được. Lúc nào cũng được. Nếu ai đó có việc, anh ta đến Accra, hỏi thăm xem, ví dụ, bộ trưởng nông nghiệp ở đâu, anh ta đến đó, vén rèm ra, ngồi xuống trước mặt viên chức và trình bày điều làm anh rối trí. Nếu khôn gặp được ở nhiệm sở, anh ta sẽ tìm thấy người đó ở nhà. Thậm chí như vậy còn tốt hơn, vì ở đấy anh ta sẽ được cho an bữa trưa và uống chút gì đó. Người dân cảm thấy xa cách với các quan chức da trắng. Nhưng bây giờ là người mình, có thể không cần ngại ngùng. Chính phủ của tôi nên nó phải giúp đỡ tôi. Để có thể giúp, nó phải biết có chuyện gì. Để nó biết tôi phải đến và giải thích. Tốt nhất là tự đi một mình và nói trực tiếp. Những người có công chuyện như vậy nhiều vô kể.
- Chào anh! – Kofi Baako nói. Từ đâu đến thế?
- À, từ Vác – sa – va.
- Anh biết không, suýt nữa thì tôi đã đến đó đấy. Vì tôi đã đi khắp châu Âu: Pháp, Bỉ, Anh, Nam Tư. Ở Tiệp Khắc tôi đã đợi để sang Ba Lan, nhưng Kwame đánh điện bắt tôi về dự đại hội đảng, đảng cầm quyền Convention People’s Party (Đảng Hiệp ước Nhân dân) (3) của chúng tôi.
Chúng tôi ngồi bên bàn, trong phòng làm việc không có cửa của anh. Thay cho cửa sổ là những cánh cửa chớp có chút gió hiu hiu thổi qua. Căn phòng không lớn lắm ngập trong giấy tờ, hồ sơ, các tập quảng cáo. Trong góc có cái tủ sắt, trên tường treo vài bức chân dung Nkrumah, trên giá đặt chiếc loa mà ở ta gọi là “loa tập thể”(4). Những tiếng trống cơm thùng thùng phát ra, cho đến khi rốt cuộc, Baako tắt loa đi.
Tôi muốn anh kể cho tôi nghe về bản thân, về cuộc sống của mình. Baako được giới trẻ vô cùng nể. Họ yêu quý anh vì anh là một nhà thể thao cừ. Anh chơi bóng đá, crike, là nhà vô địch bóng bàn của Ghana.
- Đợi chút – anh ngắt lời – để tôi gọi đến Kumasi đã nhé, vì mai tôi đến đó xem bóng.
Anh gọi đến bưu điện để họ nối máy. Họ không nối, bắt đợi.
- Hôm qua tôi đi xem hai bộ phim – anh bảo tôi, ống nghe vẫn bên tai – tôi muốn xem họ chiếu gì. Họ chiếu những bộ phim học sinh không nên xem. Tôi phải ra chỉ thị cấm thanh niên xem các thứ này. Còn hôm nay thì từ sáng tôi đi thăm các quầy bán sách trong thành phố. Chính phủ ấn định giá thấp cho sách giáo khoa. Vậy mà họ nói những người bán hàng nâng giá lên. Tôi đi kiểm tra. Đúng thật, họ bán đắt hơn quy định.
Anh lại gọi đến bưu điện.
- Này, các anh làm gì ở đó thế? Tôi phải chờ bao lâu? Chắc các anh không biết ai đang gọi điện?
Giọng phụ nữ trong ống nghe trả lời: Không.
- Thế cô là ai? – Baako hỏi
- Nhân viên trực điện thoại.
- Vậy thì tôi là bộ trưởng giáo dục và thông tin, Kofi Baako.
- Xin chào, Kofi! Tôi nối máy ngay cho anh đây.
Và anh đã nói chuyện ngay với Kumasi.
Tôi nhìn những quyển sách trên cái tủ nhỏ: Hemingway, Lincoln, Koestler, Orwell. Lịch sử âm nhạc phổ thông, từ điển tiếng Mỹ, nhiều ấn bản bỏ túi, tiểu thuyết trinh thám.
- Đọc là niềm đam mê của tôi. Ở Anh tôi mua Encyclopaedia Britannica và bây giờ tôi đọc từng đoạn một. Tôi không thể ăn mà không đọc, phải có quyển sách mở nằm trước mặt tôi.
Một lát sau:
- Thú vui còn lớn hơn nữa của tôi là nhiếp ảnh. Tôi chụp ảnh mọi lúc mọi nơi. Tôi có hơn mười cái máy ảnh. Khi nào đến cửa hàng và nhìn thấy cái máy ảnh mới, tôi phải mua ngay. Tôi làm một cái máy chiếu cho lũ trẻ và buổi tối chiếu phim cho chúng xem.
Anh có bốn đứa con, từ ba đến chin tuổi. Tất cả đều đi học, đứa bé nhất cũng thế. Đây không phải là chuyện cá biệt, một đứa trẻ ba tuổi lẫm chẫm trở thành học sinh. Nhất là khi nó quậy phá, mẹ sẽ cho nó đi học để được yên thân.
Chính Kofi Baako cũng đi học năm lên ba tuổi. Bố anh là giáo viên và muốn canh chừng cậu con trai. Khi anh học hết cấp một, ông gửi anh đến trường cấp hai ở Cape Coast. Anh trở thành giáo viên, sau đó làm viên chức. Cuối năm 1947, Nkrumah tốt nghiệp đại học từ Mỹ và Anh trở vè Ghana. Baako lắng nghe những điều con người này nói. Anh ta nói về độc lập. Khi đó Baako viết bài báo “Lòng căm thù của tôi đối với chủ nghĩ thực dân”. Anh bị đuổi việc. Anh có vết, không nơi nào muốn nhận, lang thang vô công rồi nghề khắp thành phố. Một cuộc gặp nữa với Nkrumah. Kwame giao cho anh chức tổng biên tập tờ Cape Coast Daily Mail.
Kofi hai mươi tuổi thì viết bài báo “Chúng tôi kêu gọi tự do” và đi tù. Ngoài anh, người ta bắt cả Nkrumah và các nhà hoạt động khác. Họ ngồi tù mười ba tháng, cuối cùng được thả ra. Ngày nay nhóm người này là chính phủ Ghana.
Bây giờ anh nói về các vấn đề chung:
- Chỉ có 30% người Ghana biết đọc biết viết. Chúng tôi muốn xóa nạn mù chữ trong vòng mười lăm năm. Có nhiều khó khăn: thiếu giáo viên, sách, trường học. Trường học có hai loại: trường dòng và trường thuộc nhà nước. Nhưng tất cả đều nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ và chỉ có một chính sách giáo dục. Ngoài ra: có năm nghìn sinh viên đang học ở nước ngoài. Với họ thì thế này: thường là khi trở về họ đã không chung tiếng nói với nhân dân. Lãnh tụ phe đối lập là những người đã học ở Oxford và Cambridge.
- Phe đối lập muốn gì?
- Tôi làm sao biết được? Chúng tôi cho rằng phe đối lập là cần thiết. Lãnh tụ phe đối lập trong quốc hội hưởng lương chính phủ. Chúng tôi cho phép tất cả các đảng, nhóm đối lập liên kết lại thành một đảng để họ mạnh hơn. Quan điểm của chúng tôi là mỗi người, ai muốn đều có thể lập đảng chính trị, miễn là không dựa trên các tiêu chí về chủng tộc, tôn giáo hay bộ tộc. Mọi đảng đều có thể sử dụng tất cả các phương tiện mà hiến pháp cho phép để giành quyền lực chính trị. Nhưng trong tất cả mọi chuyện này, không rõ phe đối lập muốn gì, anh hiểu chứ. Họ họp mit tinh và gào lên: “Chúng tôi tốt nghiệp Oxford ra, còn Kofi Baako kia thậm chí chưa học xong cấp hai. Anh ta bây giờ là bộ trưởng, còn tôi thì chẳng là gì. Nhưng nếu tôi trở thành bộ trưởng thì Baako sẽ là quá ngu dốt chẳng đủ để tôi cho anh ta làm dù chỉ một chân long toong”. Dân chúng không nghe những lời lải nhai ấy đâu, vì ở đây có nhiều Kofi Baako như thế này hơn tất cả các nhà đối lập gộp lại.
Tôi nói mình phải đi, vì đã đến giờ ăn trưa. Anh hỏi tôi buổi tối sẽ làm gì. Tôi phải đi Togo.
- Ôi dào – anh phẩy tay – đi chơi đi. Hôm nay Đài phát thanh tổ chức cuộc vui.
Tôi không có giấy mời. Anh tìm một mẩu giấy và viết “Tiếp đón Ryszard Kapuscinski, nhà báo Ba Lan, đến dự cuộc vui của quý vị - Kofi Baako, bộ trưởng Giáo dục và Thông tin”
- Anh cầm lấy, tôi sẽ tới đó, ta sẽ chụp một ít ảnh.
Buổi tối, những người gác cổng Đài phát thanh đặc cách dành cho tôi sự khoản đãi trọng thể và cho tôi ngồi một bàn riêng. Cuộc vui đang đến cao trào thì một chiếc xe Peugeot màu xám lượn sát vào bàn nhảy, Kofi Baako từ đó bước ra. Anh ăn mặc giống như lúc ở Bộ, nhưng kẹp thêm dưới nách bộ thể thao màu đỏ, vì đêm đó anh sẽ đến Kumasi, có thể bị lạnh. Ở đây mọi người đều biết rõ anh. Baako là bộ trưởng của các trường phổ thông, đại học, của báo chí, đài phát thanh, các nhà xuất bản, các viện bảo tàng, của tất cả những gì là khoa học, văn hóa, nghệ thuật và tuyên truyền trên đất nước này.
Trong đám đông, chúng tôi tìm thấy nhau ngay. Anh ngồi xuống để uống Coca-cola. Anh nhanh chóng đứng lên.
- Đi nào, tôi cho anh xem cái máy ảnh của tôi.
Anh mở cốp xe, lôi ra cái vali. Anh đặt nó ra đất, quỳ xuống và mở ra. Chúng tôi bắt đầu lấy những cái máy ảnh ra và đặt chúng xuống cỏ. Có mười lăm cái.
Bấy giờ, có hai chàng trai tiến lại gần, hơi ngà ngà say.
- Kofi – một cậu lên tiếng than phiền – chúng tôi đã mua vé rồi, nhưng ở đây họ không cho chúng tôi ở lại, vì chúng tôi không có áo vest. Thế thì họ bán vé cho chúng tôi làm gì?
Baako đứng lên để trả lời.
- Này các anh, tôi là người quá lớn cho các sự vụ này. Ở đây có nhiều gã nho nhỏ, để họ giải quyết mấy việc cỏn con ấy. Tôi đang phải lo lắng chuyện quốc gia đại sự.
Hai anh chàng chân đăm đá chân chiêu bỏ đi, còn chúng tôi thì chụp ảnh. Chỉ cần xuất hiện với những chiếc máy ảnh đeo đầy người là anh bị mọi người gọi đến các bàn nhờ chụp ảnh.
- Kofi, chụp cho chúng tôi đi.
- Cho chúng tôi!
- Cho chúng tôi nữa!
Anh chạy quanh, chọn chỗ có những cô gái đẹp nhất bảo họ đứng vào, bắt họ cười và chớp đèn. Anh biết tên họ, Abena, Ekua, Esi. Họ chào đón anh, chìa tay ra mà không đứng dậy, rung rung bờ vai, ở đây là biểu hiện làm duyên tán tỉnh. Baako đi tiếp, khi ấy chúng tôi đã chụp được nhiều ảnh. Anh nhìn đồng hồ.
- Tôi phải đi đây.
Anh muốn đến kịp trận đấu bóng.
- Mai anh đến nhé, chúng ta sẽ rửa ảnh.
Chiếc Peugeot lóe đèn và biến mất vào bóng tối, còn cuộc vui thì quay cuồng, hay đúng hơn là chao đảo và cuộn sóng đến tận bình minh.
Chú thích:
1. Thành phố quê hương của Ryszard Kapuscinski, nay thuộc Bạch Nga.
2. Bruno Schulz (1892-1942): nhà văn, nhà phê bình văn học, họa sĩ người Ba Lan gốc Do Thái, sinh ra ở Drohobych, Ukraine. Gia đình ông sống trên tầng hai trong một ngôi nhà, dưới tầng trệt là cửa hàng. Căn nhà này được miêu tả trong loạt truyện ngắn “Những cửa hàng quế” của ông.
3. Thủ đô, đồng thời là thành phố lớn nhất và hải cảng của Ghana.
4. Đảng chính trị xã hội ở Ghana, do tổng thống Kwame Nkrumah sáng lập.
5. Nguyên văn “kolchoznik” là loại loa đài thường dùng ở các nơi công cộng, trong các công sở và trường học ở Ba Lan những năm 50, chỉ có thể bắt được một song và thường không điều chỉnh được độ lớn nhỏ của âm thanh.