Nguyên tác: Dos Novelas De Macondo
Số lần đọc/download: 1130 / 17
Cập nhật: 2016-06-27 09:56:48 +0700
Chương 2
P
háp quan Accađiô đang tra danh bạ điện tín và số điện thoại của ngài thiếu mất mấy số. Không tìm thấy điều gì sáng tỏ ngoại trừ hàng chữ: Tên một người thợ giày ở Rôma nổi tiếng nhờ những bài thơ châm biếm ông ta chế giễu cả thiên hạ và một vài lời bình luận không quan trọng. Ông nghĩ rằng với chính sự công bằng của lịch sử, một lời bịa đặt nặc danh được viết ở cửa một ngôi nhà có thể gọi là maribriô. Ông vẫn chưa tỉnh mộng. Trong khoảng hai mươi phút đồng hồ được dùng vào việc tra cứu danh bạ điện tín, lần đầu tiên trong rất nhiều năm nay, ông cảm thấy dễ chịu vì mình đã thực hiện được một việc.
Nhân viên điện báo nhìn thấy pháp quan đặt cuốn danh bạ điện báo vào giá sách liền ngừng việc truyền đi một bức điện. Ngay sau đó, nhân viên điện báo đến bàn chơi bài tây, sẵn sàng lặp lại trò chơi đang thịnh hành: đoán ba con bài. Nhưng pháp quan Accađiô không để ý đến y. “Bây giờ tôi đang rất bận”, ông nói để xin cáo từ và ông bước ra đường nóng như than lửa mang trong lòng ý nghĩ dai dẳng mà hồ đồ rằng hầu như lúc này mới chỉ mười một giờ và ông lại thấy như là mình làm được rất nhiều việc trong ngày thứ tư ấy.
Tại phòng làm việc của mình, xã trưởng đang đợi ông để xem xét một vấn đề có tính đạo đức. Ngay sau những cuộc tuyển cử cuối cùng cảnh sát đã tuyên bố sung công và phá hủy các bàn tuyển cử của đảng đối lập. Bây giờ phần lớn dân cư của làng không có phương tiện để khẳng định mình.
- Đám dân đang di chuyển nhà ở kia – xã trưởng dang rộng hai cánh tay, kết luận – không biết gọi như thế nào cả.
Pháp quan Accađiô hiểu rằng đằng sau hai cánh tay dang rộng kia có một nỗi phiền lòng rõ ràng. Nhưng vấn đề của xã trưởng thật là đơn giản: chỉ cần xin được bổ nhiệm một cảnh sát hộ tịch.
Viên thư kí nói rõ giải pháp này và thấy nó chẳng phức tạp gì.
- Chỉ việc ra lệnh gọi thôi – ông ta nói. – Gần một năm nay đã bổ nhiệm rồi.
Xã trưởng nhớ ra. Mấy tháng trước đây, khi người ta thông báo cho ngài biết về việc bổ nhiệm một cảnh sát hộ khẩu, ngài đã gọi điện đường dài hỏi phải tiếp đón viên cảnh sát ấy như thế nào và người ta đã trả lời ông rằng: “Hãy đón bằng những phát đạn”. Bây giờ những mệnh lệnh khác lại đến với ngài. Hai tay đút túi áo, xã trưởng quay về phía viên thư kí và bảo ông ta:
- Hãy viết một bức thư.
Trong văn phòng vang lên tiếng máy chữ nổ lách tách khiến pháp quan Accađiô cảm thấy nhức nhối trong lương tâm mình, ông ta cảm thấy mình trống rỗng. Rút trong túi áo sơ mi ra một điếu thuốc đã nhàu, ông ta vuốt cho điếu thuốc thẳng ra rồi châm lửa. Sau đó ông ta đặt chiếc ghế về phía sau và ngồi xuống, và chỉ trong khoảnh khắc ấy ông ta chợt nhận ra rằng mình đang sống một phút đích thực của đời mình. Ông ta sắp sẵn một câu trước khi nói.
- Trong địa vị ngài tôi cũng sẽ bổ nhiệm một viên biện lý.
Ngược lại với điều ông ta mong đợi, xã trưởng không đáp lời ngay. Ngài nhìn đồng hồ nhưng không thấy mặt chữ số. Ngài tự bằng lòng rằng chưa đến giờ cơm trưa. Khi nói, ngài không được nhiệt tình lắm rằng ngài không nắm được thủ tục bổ nhiệm viên biện lý.
- Hội đồng quản hạt bổ nhiệm – pháp quan Accađiô giải thích. Nhưng vì hiện nay không có hội đồng, chế độ thiết quân luật hiện hành ủy nhiệm cho ngài bổ nhiệm.
Xã trưởng nghe trong lúc ký bức thư mà không đọc lại nó. Sau đó ngài bình luận rất sôi nổi nhưng viên thư kí có nhận xét về đặc điểm đạo đức của thủ tục bổ nhiệm do cấp trên của mình đưa ra. Pháp quan Accađiô không tán thành và ông cho rằng đó là một thủ tục đặc biệt trong một chế độ đặc biệt.
- Nghe được đấy – xã trưởng nói.
Ngài lấy mũ quạt và pháp quan Accađiô quan sát vết hằn của chiếc mũ trên trán của xã trưởng. Cứ theo cái cách quạt ấy, pháp quan Accađiô hiểu rằng xã trưởng còn đang suy nghĩ. Pháp quan lấy móng tay út vừa dài vừa cong gạt tàn điếu thuốc đang hút và chờ đợi.
- Ông đã tìm ra người chưa? – Xã trưởng hỏi.
Rõ ràng là ngài hỏi viên thư kí.
- Một người để bổ nhiệm – pháp quan nhắm mắt nói.
- Nếu ở địa vị ngài tôi sẽ bổ nhiệm một người có danh dự – viên thư kí nói.
Pháp quan tỏ ra lung túng. “Điều đó còn tùy thuộc vào sức nặng của ngài”, ông ta nói và nhìn hai người kia.
- Ví dụ – xã trưởng nói.
- Hiện giờ tôi chưa tìm ra – pháp quan nói vẻ suy nghĩ.
Xã trưởng đi ra cửa. “Ông hãy suy nghĩ đi” ngài nói: “Khi nào xong chuyện lụt lội chúng ta sẽ giải quyết vấn đề nhân sự nhé”. Viên thư kí cúi người trên chiếc máy chữ cho đến khi không nghe thấy tiếng gót giày của xã trưởng nữa.
- Ông ta điên rồi – viên thư kí nói. – Cách đây nửa năm chính ông ta dùng báng súng đập vỡ đầu viên biện lý, còn bây giờ lại lo đi tìm người để bổ nhiệm chức biện lý.
Pháp quan Accađiô bật đứng dậy.
- Tôi về đây – ông ta nói. – Tôi không thích để ôi bữa cơm trưa vì nghe những câu chuyện rùng rợn của cậu đâu.
Pháp quan ra khỏi văn phòng. Trong bản nhạc có một nhân tố bất hạnh. Viên thư kí với cảm nhận tinh tế của mình đã nhớ lấy yếu tố bất hạnh để dùng cho các câu chuyện ma quái của mình. Khi chèn thanh chắn cửa, ông ta cảm thấy như mình đang làm một hành động bị cấm. Ông ta bỏ chạy. Tại cửa phòng điện báo, ông ta đuổi kịp pháp quan Accađiô, người đang hào hứng xác định xem thủ thuật của trò đoán ba lá bài có thể áp dụng để chơi poker không. Điện báo viên không chịu tiết lộ điều bí mật. Thủ đoạn chơi này được lặp đi lặp lại nhiều lần đã tới mức tạo điều kiện cho pháp quan Accađiô phát hiện ra chìa khóa của nó. Viên thư kí cũng quan sát thủ đoạn chơi và cũng đã đi đến một kết luận. Ngược lại, pháp quan Accađiô không thèm nhìn các quân bài. Ông ta biết rằng đó là những quân bài đã được con tạo lựa chọn rồi và rằng điện báo viên đã trả lại những quân bài này cũng không thèm nhìn chúng.
- Đó là vấn đề của phép huyền bí – điện báo viên nói.
Lúc này pháp quan Accađiô chỉ nghĩ đến cửa hàng ở chỗ vượt qua đường về nhà. Khi tiếp tục cuộc hành trình, ông nắm lấy cánh tay viên thư kí và buộc ông này phải cùng với mình chịu đựng cơn nóng của thủy tinh nung ngoài đường phố. Hai người cùng đi đến chỗ có bóng râm. Lúc này viên thư kí tiết lộ cho pháp quan biết chìa khóa của trò chơi đoán ba lá bài. Nó quá giản đơn đến mức pháp quan cảm thấy mình bị chọc tức.
Hai người lặng lẽ đi thêm một đoạn đường nữa.
- Dĩ nhiên rồi – pháp quan nói – ông chưa tìm hiểu các tư liệu.
Viên thư kí dừng lời một lúc để hiểu ý nghĩa của câu nói ấy.
- Rất khó – cuối cùng viên thư kí lên tiếng. – Phần lớn các tờ rơi bị người ta bóc đi trước khi trời sáng khá lâu.
- Đấy là một thủ đoạn khác mà tôi không thể hiểu nổi – pháp quan Accađiô nói – Đối với tôi, một tờ rơi không ai đọc sẽ không làm cho tôi mất ngủ.
- Đó chính là vấn đề – viên thư kí nói trong lúc dừng lại vì đã về đến nhà – Điều khiến người ta mất ngủ không phải là những tờ rơi mà là nỗi sợ những tờ rơi.
Cho dù chưa đầy đủ, pháp quan Accađiô muốn biết những tư liệu do viên thư kí thu thập được. Ông ghi lại các trường hợp, với tên tuổi và ngày tháng: mười một vụ trong bảy ngày. Giữa những tên này không hề có một mối liên quan nào. Những ai nhìn thấy tờ rơi đều thống nhất cho biết rằng chúng được viết bằng bút lông, bằng mực xanh đen và kiểu chữ in, viết lẫn chữ hoa với chữ thường y như được một đứa trẻ con viết ra. Chính tả hết sức quấy đến mức những sai sót là chuyện không đáng kể. Chúng không tiết lộ một bí mật nào, những gì chúng đề cập tới đều đã được dân chúng bàn tán từ khá lâu. Giữa lúc pháp quan đang cố gắng ghi chép thì cụ Moixêt, từ cửa hiệu của mình, gọi ông ta:
- Ông có một đồng pêxô đấy không?
Pháp quan Accađiô không hiểu. Tuy vậy ông vẫn lục tìm trong túi, thấy có hai mươi nhăm xu và một đồng tiền Mỹ mà ông sử dụng như một chiếc bùa hộ mệnh từ hồi còn ở trường đại học. Cụ Moixêt cầm lấy hai mươi nhăm xu.
- Hãy mang theo thứ ông cần và trả khi nào thích trả. – Cụ nói và tung những đồng xu vào ngăn kéo khiến chúng kêu leng keng. Tôi không muốn khi chuông mười hai giờ vang lên mà không ai nhân danh Thượng đế để ban phát niềm vui.
Vậy là khi chuông mười hai giờ vừa đổ, pháp quan Accađiô bước vào nhà khệ nệ mang đủ thứ quà cho vợ. Ông ngồi trên giường để tháo đôi giày thì cô vợ đã mặc thử chiếc váy liền áo ngắn bằng lụa mỏng in hoa. Cô mường tượng về mình sẽ ra sao sau khi để mặc bộ đồ mới này. Cô vợ hôn ông lên sống mũi. Ông định tránh cú hôn nhưng cô ngã đè lên ông ở trên giường. Cả hai người đều im lặng. Pháp quan Accađiô luồn tay mình ra phía sau lưng vợ cảm nhận hơi nóng của cái bụng trống của vợ mình. Cô vợ ngẩng đầu. Nghiến hai hàm răng lại, cô thì thào:
- Hãy đợi em nhé. Em đi đóng cửa lại đã.
Xã trưởng đợi cho đến khi căn nhà cuối cùng được dựng xong. Trong hai mươi tư giờ người ta đã xây dựng xong một đường phố đã rộng rãi lại quang đãng và đột ngột kết thúc ở bức tường của nghĩa trang. Sau khi cùng sát cánh làm việc với chủ nhà, bầy biện đồ thô và kê giường tủ xong, xã trưởng mệt mỏi bước vào bếp nấu gần nhất. Nồi súp đang sôi trên chiếc bếp kê bằng những hòn đá ở sàn đất. Ngài mở vung một chiếc nồi đất, hơi nghi ngút bốc lên khiến ngài mờ mắt một lúc. Ở đầu bếp bên kia, một phụ nữ có đôi mắt to đang lặng lẽ quan sát ngài.
- Sắp ăn trưa chứ? – Ngài hỏi.
Người phụ nữ không trả lời. Dù không được mời, xã trưởng cũng tự múc cho mình một bát súp. Thế là người phụ nữ vào phòng mang ghế ra kê bên bàn cho xã trưởng ngồi. Trong lúc ăn súp, ngài quan sát sân nhà với nỗi sợ lộ liễu. Hôm qua, chỗ này còn là bãi hoang. Hôm nay, tại đây đã có quần áo mắc trên dây để phơi khô và hai con lợn đang dầm trong một vũng bùn.
- Các người còn có thể gieo trồng trên đất đai này – ngài nói.
Không hề ngẩng đầu lên, người phụ nữ trả lời: “Vô ích. Lợn sẽ phá hết”. Sau đó, bà ta xơi hai khúc sắn, chuối xanh rán dòn, một miếng thịt kho nhạt to, rồi mang đĩa thức ăn đến bàn cho ngài. Bằng một hình thức trang trọng, trong thái độ hào hiệp ấy, bà ta đã bộc lộ đầy đủ sự khác biệt giữa mình và ngài xã trưởng. Xã trưởng mỉm cười, cố nhìn vào mắt bà.
- Có đủ đất cho tất cả – ngài nói.
- Thượng đế muốn rằng không dễ dàng – người phụ nữ nói không nhìn xã trưởng. Ngài cho qua thái độ khó chịu của người phụ nữ. Ngài dốc toàn tâm vào bữa ăn không quan tâm đến mồ hôi chảy ròng ròng trên cổ mình. Khi ngài ăn xong, người phụ nữ thu dọn bát đĩa, vẫn không nhìn ngài.
- Các người cứ giữ mãi thái độ này cho đến tận bao giờ?
Vẫn với thái độ lạnh nhạt, người đàn bà nói:
- Cho đến khi những người chết mà ngài đã giết của chúng tôi sống lại.
- Bây giờ khác rồi – xã trưởng giải thích. – Chính phủ mới chăm lo cho tất cả công dân được no ấm. Ngược lại, các người…
Người phụ nữ chen ngang lời ngài:
- Vẫn chính những con người ấy với những thủ đoạn ấy…
- Một phố như phố này, được xây dựng chỉ trong hai mươi tư giờ, là chuyện chưa hề có trước đây – xã trưởng nói tiếp. – Chúng tôi đang cố gắng làm cho làng trở nên văn minh hơn.
Người phụ nữ thu quần áo, phơi khô trên dây phơi rồi mang chúng vào trong nhà. Xã trưởng dõi mắt theo bà ta cho đến khi nghe rõ lời đáp từ trong phòng vọng ra:
- Làng này vốn đã văn minh từ trước khi các ngài đến.
Xã trưởng không đợi uống cà phê. “Quân vô ơn”, ngài nói. “Chúng ta cho không đất mà họ vẫn nỏ mồm ca thán”. Người phụ nữ không cãi lại. Nhưng khi xã trưởng đi qua nhà bếp trên đường ra phố, bà vẫn cúi khom lưng trên bếp nấu, lẩm bẩm nói:
- Ở đây sẽ còn tệ bạc hơn. Chúng tôi còn nhớ các ngài mỗi khi nhớ đến những người bị giết hại ngay trong sân nhà mình.
Xã trưởng cố ngủ trưa trong lúc ca nô sắp cập bến. Nhưng ngài không chịu nổi cái nóng. Cái má sưng đã xẹp dần, tuy nhiên ngài vẫn chưa được khỏe hẳn. Trong hai giờ ngài vẫn theo dõi tiếng nước chảy đều đều của dòng sông và tiếng còi rúc ngay trong phòng. Ngài chẳng nghĩ gì cả.
Khi nghe thấy tiếng còi ca nô, xã trưởng cởi quần áo ngủ, lấy khăn tắm lau mồ hôi, mặc đồng phục. Sau đó ngài tìm con ve sầu. Bằng ngón cái và ngón trỏ ngài nhúp lấy nó rồi ra đường. Từ trong đám đông đang đứng đợi ca nô đến, một em bé sạch sẽ, ăn mặc đẹp bước ra chặn bước ngài, buộc ngài đứng lại trước họng khẩu súng liên thanh làm bằng nhựa. Xã trưởng cho nó con ve sầu.
Một lát sau, ngồi trong cửa hiệu của cụ Moixêt, ngài ngắm nhìn ca nô đang thao tác để cập bến cảng. Cảng sông sôi sùng sục trong khoảng mười phút đồng hồ. Xã trưởng cảm thấy bụng mình quặn đau, đầu nhức nhối và nhớ thái độ khó chịu của người phụ nữ ấy. Sau đó ngài cảm thấy trong người yên ổn. Ngài ngồi ngắm nhìn các hành khách đi trên chiếc cầu gỗ nối ca nô với đất liền. Họ vừa đi vừa duỗi chân, thư dãn cơ bắp sau tám giờ ngồi bó gối trên ca nô.
- Vẫn thế thôi – ngài nói.
Cụ Moixêt cho ngài biết rằng gánh xiếc đến làng. Đó là một sự kiện mới. Xã trưởng thừa nhận rằng đúng thế, dẫu rằng ngài không nói vì sao. Có lẽ trên nóc ca nô chất đống những gậy gộc và cả những tấm vải sặc sỡ đủ màu và có lẽ còn hai phụ nữ ăn mặc giống hệt nhau như chính một người được lặp lại cùng có mặt trong đám hành khách.
- Ít ra cũng phải có gánh xiếc đến bằng chiếc ca nô này – xã trưởng nhận xét.
Cụ Moixêt nói về các con thú làm xiếc và những người nhào lộn. Nhưng xã trưởng lại có cách nghĩ riêng của mình về xiếc. Ngài ngồi duỗi thẳng hai chân mắt nhìn mũi giày của mình.
- Làng ta đang khá lên đấy cụ ạ – ngài nói. Cụ Moixêt ngừng quạt. “Ngài có biết hôm nay tôi bán được bao nhiêu tiền không?”, cụ hỏi. Xã trưởng không tính toán gì cả nhưng ngài đợi câu trả lời của người hỏi.
- Hai mươi nhăm xu – cụ nói.
Trong lúc ấy, xã trưởng nhìn thấy điện báo viên mở túi bưu điện lấy thư trao cho bác sĩ Hiranđô. Ngài gọi y. Công văn đến trong phong bì khác hẳn. Ngài xé bì thư và nhận ra toàn là những thông báo như thường lệ và các tờ thông tin của chính phủ. Khi ngài vừa đọc xong, bến cảng đã thay đổi hẳn: những đống hàng hóa, những bu gà và đạo cụ của gánh xiếc. Ngài thở dài đứng dậy, nói:
- Hai mươi nhăm xu.
- Hai mươi nhăm xu – với ngữ điệu đanh lạnh, hầu như không có trọng âm, cụ Moixêt nói.
Bác sĩ Hiranđô theo dõi đến phút cuối cùng của việc ca nô bốc hàng lên bờ. Người khiến xã trưởng phải chú ý đến là một người đàn bà béo mập, có dáng dấp đạo mạo, trên hai cánh tay đeo nhiều vòng hạt. Hình như bà ta đang đứng dưới chiếc ô vải hoa đợi ông Mêxiat. Xã trưởng vẫn chưa thôi nghĩ về người đàn bà vừa mới đến làng. – Có lẽ là người dạy thú, ngài nói.
- Về một khía cạnh nào đó thì ngài nói đúng – bác sĩ Hiranđô nói. – Nhưng trên thực tế bà ta là mẹ vợ của Xêxa Môngtêrô. Xã trưởng bỏ đi. Ngài nhìn đồng hồ: bốn giờ kém mười lăm. Tại cửa đồn cảnh sát, lính gác báo cáo với ngài rằng cha Anghen đã đợi ngài ba mươi phút và nói rằng cha sẽ trở lại lúc bốn giờ.
Xã trưởng lại đi ra đường mà không biết làm gì. Ngài nhìn thấy người trồng răng bên trong cửa sổ phòng nhổ răng. Ngài đến gần xin lửa châm thuốc lá. Người trồng răng cho ngài lửa và nhìn bên má vẫn còn sưng.
- Tôi đã khỏi rồi – xã trưởng nói.
Ngài há miệng. Người trồng răng kiểm tra lợi đau.
- Có vài chiếc răng phải hàn đấy.
Xã trưởng buộc chặt khẩu súng lục vào thắt lưng. “Vâng, tôi sẽ đến đây”, ngài quyết định thế. Người trồng răng vẫn giữ nguyên thái độ của mình.
- Cứ việc đến khi nào thích, để xem tôi có thực hiện được mong muốn của mình không. Đó là việc tôi muốn chết ngay trong nhà mình.
Xã trưởng vỗ vai người trồng răng. “Cái gì chứ cái ý muốn ấy của ông sẽ không được thực hiện đâu”, ngài nói vẻ bông lơn. Với hai cánh tay dang rộng, ngài kết thúc:
- Những chiếc răng của tôi đứng trên các đảng phái.
- Vậy là con không làm lễ thành hôn à? – Cha Anghen hỏi.
Cô vợ pháp quan Accađiô dạng háng ra. “Không có hy vọng, cha ạ”, cô trả lời. “Ngay cả bây giờ con sẽ sinh cho ông ta một đứa con trai, cũng chẳng hy vọng gì”. Cha Anghen đưa mắt nhìn ra sông. Một con bò chết đuối, trương phình, đang trôi theo dòng nước. Trên nó có mấy chú quạ đậu.
- Nhưng sẽ là một đứa con bất hợp pháp – cha nói.
- Không sao – cô ta nói – Hiện thời Accađiô đối xử với con rất tốt. Nếu con buộc ông ta phải cưới con thì sau đó ông ta cảm thấy mình bị ràng buộc do đó sẽ đối xử tệ với con.
Cô ta đã cởi giày. Với hai đầu gối chăng ra khi cô nói chuyện với cha. Chiếc quạt để trong lòng, hai cánh tay khoanh lại để trên chốc cái bụng trống, “Thưa cha, chẳng có hy vọng gì cả”, cô nhắc lại vì cha Anghen vẫn im lặng. “Đôn Xabat mua con với giá hai trăm pêxô. Sau ba tháng xài hết duyên của con, ông ta ném con ra đường và không cho một xu nhỏ. Nếu Accađiô không thương con, không mang con về thì con đã chết đói rồi”. Lần đầu tiên cô nhìn thẳng vào mắt cha, nói tiếp:
- Hoặc con đã đi làm điếm rồi.
Đã sáu tháng nay cha Anghen phản đối lối sống ấy của cô.
- Con phải buộc ông ta cưới và phải thành lập gia đình hẳn hoi – cha nói. – Nếu cứ sống như bây giờ, không những con không có cuộc sống đảm bảo mà còn làm một tấm gương xấu cho làng.
- Thưa cha, tốt hơn hết là hãy cứ hành động một cách chân thành. Mọi người đã sống như vậy rồi nhưng sống với những ngọn đèn đã tắt. Cha vẫn chưa đọc những tờ rơi à?
- Toàn là những lời bịa đặt. Con cần bình thường hóa hoàn cảnh sống của mình và do đó không bị dân làng chê bai.
- Con á? Con sợ gì những lời chê bai ấy bởi vì con hành động giữa thanh thiên bạch nhật. Thực tế cho thấy rằng chẳng ai hoài hơi bịa đặt rồi viết thành tờ rơi nhưng ngược lại, những người danh giá sống ngay giữa làng đều bị tố cáo trên những tờ rơi. – Con bướng bỉnh quá đấy. Nhưng dù sao chăng nữa Thượng đế cũng đã phú cho con vận may tìm được người đàn ông yêu con. Vì lẽ đó con cần phải làm lễ cưới và xây dựng tổ ấm của mình.
- Con không hiểu những chuyện ấy, nhưng dù sao chăng nữa con đã có chốn để ngủ và không thiếu cái ăn hàng ngày.
- Nếu pháp quan bỏ rơi con thì sao nào?
Cô cắn môi. Khi trả lời cô mỉm cười:
- Đời nào ông ấy bỏ con hả cha? Con biết vì sao con nói vậy.
Lần này cha Anghen cũng không chịu đầu hàng. Cha khuyên cô rằng ít ra thì cũng chăm đi nhà thờ làm lễ misa. Cô trả lời rằng một trong những ngày này cô sẽ thực hiện. Cha vẫn tiếp tục đi dạo để chờ đến giờ đi gặp xã trưởng. Một trong những thương nhân người Xiri ra hiệu cho cha ngắm nhìn thời tiết đẹp nhưng cha không quan tâm đến ông ta. Cha thích thú theo dõi những chi tiết của việc gánh xiếc thận trong cho đàn thú lên bờ trong buổi chiều rực rỡ. Cha ở đấy cho đến bốn giờ chiều.
Xã trưởng tạm biệt người trồng răng khi nhìn thấy cha Anghen đang đi đến. “Đúng giờ quá đấy, thưa cha”, ngài nói và chìa tay ra bắt chặt tay cha. “Dù cho không mưa, cha vẫn đúng giờ”. Ngài quả quyết và dứt khoát bước lên cầu thang của đồn cảnh sát. Cha Anghen cũng tìm cách trả miếng ngài, nói:
- Và cho dù cả thế giới không bị tận diệt.
Hai phút sau cha được dẫn vào phòng giam Xêxa Môngtêrô.
Trong lúc cuộc xưng tội diễn ra ở bên trong, xã trưởng ngồi ở ngoài hành lang: Ngài nhớ đến gánh xiếc, nhớ người đàn bà bị móc vào lưỡi sắt cao năm mét, nhớ người đàn ông vận đồ xanh xung quanh viền vàng, đang gõ trống. Nửa giờ sau, cha Anghen từ trong phòng giam Xêxa Môngtêrô bước ra.
- Xong rồi chứ cha? – Xã trưởng hỏi.
Vẻ không hài lòng, cha Anghen nhìn ngài. – Các ông đã phạm một tội ác – cha nói. Ông ta đã năm ngày hôm nay không cơm cháo gì. Chỉ nhờ có sức khỏe tốt mà ông ta sống được cho đến hôm nay.
- Đó là ý thích của chính ông ta, thưa cha – vẻ điềm tĩnh xã trưởng trả lời cha.
- Không đúng thế. Chính ngài đã ra lệnh không cho ông ta ăn.
Xã trưởng chỉ thẳng ngón trỏ vào mặt cha Anghen nói:
- Hãy liệu hồn đấy, cha ạ. Cha đã vi phạm luật lệ xưng tội.
- Điều đó không hề vi phạm luật lệ xưng tội – cha nói.
Xã trưởng bỗng đứng bật dậy. “Xin cha chớ nổi cáu vội”, ngài nói và ngay lập tức nở một nụ cười. “Nếu cha quá lo lắng cho sức khỏe của ông ta thì bây giờ con sẽ cho ông ta ăn ngay”. Ngài gọi một lính cảnh sát đến và ra lệnh mang cơm của khách sạn cho Xêxa Môngtêrô. “Hãy mang cho ông ta nguyên một con gà, thật béo vào, với một đĩa khoai tây rán, cả dưa góp nữa”, ngài nói. Sau đó quay về phía cha Anghen, ngài nói:
- Do hội đồng quản hạt sẽ trả tất, thưa cha. Để cha thấy rằng mọi chuyện đã thay đổi rồi.
Cha Anghen cúi đầu.
- Khi nào giải ông ta đi?
- Ngày mai ca nô rời bến, – xã trưởng nói. – Nếu đêm nay ông ta nhận ra lẽ phải, ngày mai sẽ cho giải ông ta đi. Chỉ cần ông ta hiểu cho rằng con đang cố gắng giúp ông ta một ân huệ.
- Một ân huệ không lấy gì làm đắt lắm – cha nói.
- Không có thứ ân huệ nào mà không có tiền cho người giúp – xã trưởng nói. Ngài nhìn thẳng vào đôi mắt xanh của cha, nói. Cha Anghen không trả lời. Cha xuống cầu thang gác và từ chỗ nghỉ chân, cha tạm biệt bằng một tiếng “hừm” khô khốc. Lúc ấy, xã trưởng vượt qua hành lang dài, bước vào phòng giam Xêxa Môngtêrô mà không hề gõ cửa báo trước.
Đó là một phòng giam người đơn giản: một vòi nước và một chiếc giường sắt. Xêxa Môngtêrô, râu không cạo, vẫn mặc bộ quần áo hôm thứ tư tuần trước khi ra khỏi nhà, đang nằm trên giường. Ông vẫn nằm im kể cả không hề chớp mắt khi nghe thấy xã trưởng bước vào phòng. “Vậy là ông đã xưng tội với Thượng đế – ngài nói. – Không có gì đúng đắn hơn là ông nên xưng tội với tôi”. Kéo một chiếc ghế đến gần giường, rồi ngực úp vào thành ghế ngài ngồi xuống. Xêxa Môngtêrô vẫn tập trung tư tưởng nhìn vào xà nhà. Hình như ông ta không lo lắng gì hết mặc dù khóe môi nổi rõ những nếp hằn chứng tỏ ông ta đã trải qua một cuộc đối thoại rất lâu. “Ông và tôi chẳng có gì phải giấu giếm nhau”, Xêxa Môngtêrô nghe thấy ngài nói. “Ngày mai ông đi. Nếu gặp may, trong vòng hai hoặc ba tháng một người điều tra đặc nhiệm sẽ về đây. Chúng tôi phải cung cấp tài liệu cho ông ta. Rồi sau đó ông ta trở về được chúng tôi thuyết phục mà tin rằng ông phạm tội giết người là vì dại dột mà thôi”.
Ngài ngừng một lát; nhưng Xêxa Môngtêrô vẫn phớt lờ.
- Sau đó, trước quan tòa và luật sư, ông chỉ bị người ta phạt ít nhất hai mươi ngàn pêxô. Hoặc có thể nặng hơn nếu người điều tra đặc nhiệm nói với họ rằng ông là nhà triệu phú.
Xêxa Môngtêrô quay mặt về phía ngài. Đó là một cử động gần như nhẹ nhàng nhưng tuy nhiên nó đã khiến cho lò xo giường kêu cọt kẹt.
- Tóm lại, nếu ông khéo lo lót thì cũng chỉ bị phạt hai năm tù giam.
Trong lúc nói, ngài vẫn ngắm nhìn hai mũi giày của mình. Khi ánh mắt của Xêxa Môngtêrô chạm phải mắt ngài, ngài vẫn chưa nói xong. Nhưng ngài đã thay đổi giọng nói.
- Tất cả những gì ông có được đều phải hàm ơn tôi. Đã có lệnh phải khử ông. Đã có lệnh giết ông bằng một trận phục kích và sau đó tuyên bố sung công toàn bộ đàn gia súc của ông để chính phủ có vốn trang trải mọi tốn kém khổng lồ trong các cuộc tuyển cử của toàn tỉnh. Ông biết rõ rằng các xã trưởng và thị trưởng khác đã thực thi mệnh lệnh đó. Ở đây thì khác hẳn, chúng tôi không thi hành mệnh lệnh của cấp trên.
Chính trong khoảnh khắc ấy, xã trưởng nhận thấy những biểu hiện đầu tiên tỏ rõ rằng Xêxa Môngtêrô bắt đầu suy nghĩ. Ngài dang hai chân ra. Hai cùi tay dựa trên tay ghế, ngài nói tiếp:
- Tôi sẽ không chấm mút một đồng xu nào của ông bỏ ra để mua lấy cuộc sống của mình. Toàn bộ số tiền ông bỏ ra sẽ được chi tiêu vào việc tổ chức các cuộc bầu cử. Bây giờ chính phủ mới đã quyết định hành động nhằm duy trì hòa bình và ổn định, và đảm bảo cuộc sống yên vui cho tất cả công dân. Trong khi tôi với đồng lương của mình vất vả làm việc vì những mục đích cao cả thì ông cứ mục ra trong tiền bạc. Vậy ông cứ mở một cuộc thương lượng đi.
Xêxa Môngtêrô từ từ đứng dậy. Khi ông ta đứng vững hai chân trên nền đất rồi, xã trưởng, nhìn thấy chính con người mình: nhỏ con và buồn thảm trước một con người lực lưỡng to cao. Trong mắt ngài lóe ra tia sáng thèm khát và với tia sáng ấy ngài nhìn theo ông ta đi đến tận cửa sổ.
- Cuộc thương lượng tốt nhất để bảo đảm cuộc sống của ông.
Từ cửa sổ nhìn ra sông, Xêxa Môngtêrô không nhận ra nó, ông thấy mình đang ở một làng khác hẳn, trước một con sông đang trôi chảy. “Tôi đang cố sức giúp đỡ ông”, Xêxa Môngtêrô nghe thấy ngài nói thế. “Tất cả chúng tôi đều biết rằng đó là vấn đề danh dự nhưng phải vất vả lắm, phải tốn công tốn của nhiều mới chứng minh được điều đó. Ông đã ngu ngốc mà xé mất tờ rơi”. Trong chính lúc ấy, một làn hơi khẳn lặn ùa vào phòng.
- Tại cái con bò cái chết tiệt – xã trưởng nói – Chắc có lẽ nó bị mắc ở chỗ nào đây. Xêxa Môngtêrô đứng yên bên cửa sổ, làm thinh trước mùi khẳn lặn của con bò chết trương. Ngoài đường không một bóng người. Trên bến cảng, ba chiếc ca nô vẫn neo đậu im ắng. Toàn bộ thủy thủ của chúng đều mắc võng ngủ. Vào lúc bảy giờ sáng ngày hôm sau, quang cảnh trên bến cảng sẽ khác hẳn: trong khoảng nửa giờ, bến cảng sẽ sôi động hẳn lên chờ bốc hàng và áp giải người bị bắt lên ca nô. Xêxa Môngtêrô thở dài não nuột. Ông xỏ tay vào túi quần. Với tinh thần dứt khoát, nhưng không vồ vập, ông tóm gọn toàn bộ suy nghĩ của mình trong hai từ:
- Bao nhiêu?
Ngay lập tức ông được xã trưởng trả lời:
- Năm ngàn đồng pêxô trả bằng bê một tuổi.
- Thêm năm con bê nữa đấy – Xêxa Môngtêrô nói – để các ngài giải tôi đi ngay trong đêm nay, sau khi chiếu phim xong, bằng một ca nô đặc biệt.