Reading means borrowing.

Georg Christoph Lichtenberg, Aphorisms

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: zzz links
Số chương: 9
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2729 / 51
Cập nhật: 2015-09-04 11:05:39 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
e nhà, Nho đã lấy đi việc riêng. Hai cô cháu đón tắc-xi ra Chợ-mới.
Nãy giờ Hảo đã quên tức giận người khách đến không phải lúc ấy. Nàng vui-vẻ thật tình, y như mọi lần khác mà Liên lên chơi. Đây là đôi bạn tâm đầu ý hiệp thuở nhỏ, bây giờ xa nhau, họ vẫn còn mến thích nhau lắm. Nàng nói lớn với Liên:
- Em bỏ chiếc khăn đội đầu nên xem nó bớt cái vẻ ruộng rồi đó. Mà chị muốn em uốn tóc nữa kia.
Liên lấy cùi chỏ thúc vào Hảo như hồi còn bé, láy mắt rồi chỉ người tài-xế, ý trách bạn sao nói to quá cho người lạ nghe. Hảo cười dòn lên và lại càng hét to hơn nũa:
- Cần gì sợ ai kia.
Liên tức mình ứa nước mắt. Nàng bỗng nhớ lại là con người nầy đã ăn hiếp gió nàng thuở nhỏ không biết bao nhiêu lần, vì nàng thật thà lại là vai cháu nên luôn luôn phải chịu lép vế.
Bây giờ xe đậu lại trước hiệu kem "Băng Giá" sau Bồn binh. Hai cô cháu xuống xe rồi, Hảo dắt tay Liên vào tiệm. Gái tỉnh, lại là gái nhút-nhát, nên Liên ngại bước, càng ngại bước thêm khi thấy hiệu đông nứt khách, phần lớn là khách đờn-ông.
Hảo như bất kể thiên-hạ, đưa mắt tìm bàn trống, trong khi Liên đứng bơ-vơ nhìn gạch, nhột-nhạt vô cùng vì đoán biết thiên-hạ đang ngó mình.
Hảo kéo cháu vào góc hiệu bên trái, kéo ghế trong cho Liên ngồi trước, còn mình thì đưa lưng ra ngoài để trốn ánh chiều.
Hảo đi ăn kem một mình mới mấy tháng nay thôi. Đó là một hình thức dọ-thám. Nàng mong bắt gặp chồng đang ngồi sẵn trong ấy với cô nào, hoặc ở ngoài vào với một thiếu-nữ. Nhưng chưa bao giờ nàng gặp gì cả.
Lạ sao, hôm nay vừa an-vị, là Nho ở đâu đã bước vô với một người bạn... trai. Nho thấy Liên trước, ngạc-nhiên trong một giây đồng-hồ, đến chừng thấy lưng vợ là chàng hiểu cả. Nho đưa bạn lại bàn của vợ, giới-thiệu con cháu vợ với bạn, rồi cả hai cùng vầy bàn với hai phụ-nữ đã ngồi sẵn đó.
- Ông chủ bao nghen ông chủ, Hảo đòi-hỏi như vậy.
Nho cười hì-hì:
- Ai ngồi trước thì phải trả tiền, tục-lệ là như vậy.
- Em mong đợi gặp ông chủ đi với cô nào. May phước cho ông chủ là hôm nay ông đi với bạn đờn-ông của ông. Vậy để ăn mừng cái may đó, ông chủ trả tiền là phải.
- Thôi thì oẳn-lù-ti, đứa nào thua phải trả.
Liên cười thẳng-thắn khi thấy cô và dượng rể trẻ con như vậy. Ở dưới tỉnh, vợ chồng già, người ta đứng-đắn ghê, chớ có đâu mà cà-rỡn giữa tiệm ăn như vậy.
Hảo kêu bốn cốc kem Chantilly. Nho nhìn cháu vợ rồi hỏi:
- Cháu lên bao giờ đó?
- Dạ cháu mới đến rồi hai giờ rưỡi trưa nay, lúc dượng vừa ra khỏi nhà.
- Ba, má vẫn mạnh chớ, cháu?
- Dạ, cám ơn dượng, vẫn mạnh.
Nho cũng không cao niên hơn cháu vợ bao nhiêu. Nhưng ông ra vẻ kẻ cả lắm để cho khỏi ngượng vì con cháu lớn tuổi muốn gần bằng vợ ông.
Hỏi xong mấy câu thường lệ ấy, Nho day qua người bạn mà rằng:
- Nếu tôi không nhận điều kiện ấy thì sao?
- Thì họ sẽ tiếp-xúc với Vĩnh-hưng-long. Anh nên biết người Tàu họ giỏi lắm. Vĩnh-hưng-long nghe đâu định phá giá để giết anh đó.
Hảo phản đối:
- Chúng tôi đi ăn kem, không phải để nghe những con số của các anh đâu!
Nho cười hiền-lành:
- Tại rủi-ro gặp em, hay em rủi-ro gặp anh, chớ nào anh có muốn thế. À, tối nay đưa Liên đi coi cải-lương đi em.
- Anh biết điều lắm. Ít ra phải đưa câu chuyện qua ngả đó chớ.
Người bạn cũng biết điều nên đứng lên xin phép ra:
- Thôi, để khi khác ta sẽ nói chuyện nhiều hơn. Xin phép chị, chào cô.
Bấy giờ, tay ba bắt đầu trò chuyện thân-mật:
- Anh có biết Liên nó lên đây làm gì không? Hảo hỏi chồng.
- Ơ… hơ… thì cháu nó lên chơi như mọi lần chớ lên làm gì, khéo hỏi.
- Đành là như vậy. Nhưng không phải chơi ở Sàigòn. Nó lên để đi Cấp với chúng mình đó.
Hảo nói đùa, cốt để cho đứa cháu biết rằng nhà sửa-soạn đi nghỉ mát và nó không nên ở lại lâu. Bà day qua Liên mà nói tiếp:
- Ba hôm nữa là cô dượng đi rồi. Cháu lên hôm nay là phải lúc.
Liên thàt-thà, và chậm lụt quá nên không kịp cãi lại, khiến Nho ngỡ thiệt và chính vợ ông đã mời đứa cháu ấy lên. Ông bực mình, thấy cuộc đi nghỉ mát hết vui. Trong cảnh thân-mật của hai vợ chồng, sẽ có kẻ lạ mặt xía vào. Kẻ đó tuy là bà con, nhưng không đủ thân, mà cho dẫu thân đến đâu cũng không đem êm-ấm vào cuộc nghỉ-ngơi được.
Nhưng cháu vợ là một người khách phải nể, nên Nho cắn răng nhẫn-nại chịu số phân.
- Thôi, ta đi nè!
Hảo nói xong, xách bóp đứng lên trước, con cháu bắt-chưóc theo cô nó và Nho kêu bồi trả tiền.
Ra tới vỉa hè, Hảo gặp bà Nhâm. Bà ta kéo Hảo đứng riêng để nói câu chuyện về hột xoàn. Bà Nhâm cà-kê rất lâu khiến Hảo sốt ruột. Nàng miệng ừ-hữ cho có chừng mà bụng lo ra, vì muốn đưa con cháu nó đi dạo phố, nàng liếc mắt tìm Liên thì thấy Nho đã ra vỉa hè rồi và sợ Liên buồn nên cũng đứng riêng với Liên mà nói chuyện.
Trong giây phút, Hảo đờ người ra. Chồng nàng với Liên sao mà xứng đôi không thể tưởng-tượng được. Người ta hay nói: „Trai ba mươi tuổi còn xinh, gái ba mươi tuổi như chình mắm nêm" là phải lắm. Nho lớn hơn Liên đến tám tuổi, mà vẫn trẻ như cùng một lứa với cô gái ấy.
Dượng, cháu lại thẳng-thắn nói cười như là hai anh em ruột, hoặc là hai vợ chồng.
- Gì vậy? Bà Nhâm hỏi thế vì thấy Hảo bỗng nhiên tái mặt đi rồi ngó mông ra đường.
Hảo ú ớ đáp:
- Ơ… không …ơ... hơ... không có gì cả.
Sau phút đờ người ra vì ngạc-nhiên, Hảo hoảng-sợ vô cùng. Chồng nàng đang ở vào một tâm-trạng khó-khăn, nay gặp một người khách vào nhà, trẻ đẹp duyên-dáng như vậy biết có hề gì hay không?
Hảo bối-rối lên nhưng cố giấu tình-cảm mình, cười nói với bà Nhâm như là bằng lòng những đề-nghị của bà ta lắm. Bỗng một ý-nghĩ khác vụt hiện đến làm cho Hảo ngột thở như bị một mớ khói bay tạt vào mặt nàng.
- Trời ơi, Hảo kêu thầm lên, sao mình lại nghĩ điên-rồ như vậy? Mình quả là một con quái-vật!
- Quyền-lợi mà! Nó nghĩ đến quyền-lợi là phải lắm, không trách gì nó được.
Câu vừa rồi của bà Nhâm, không hiểu sao mà lại lọt vào tai của Hảo. Nàng bối-rối lặp lại lời bạn như một tiếng vang, mặc dầu nàng không biết bà Nhâm nói đến ai:
- Phải, nó nghĩ đến quyền-lợi là phải lắm!
„Ừ, phải lắm!" Câu sau nầy là câu mà Hảo tự nói thầm với mình. Nàng nói câu ấy với tất cả ỷ-thức của nàng. Câu trước mà nàng lặp lại như cái máy, dường như đột-nhiên cho nàng thấy một sự thật, một lẽ phải, nên mới bảo thầm mình bằng câu sau.
Lẽ phải vừa tìm ra, là Hảo nghe bình-tỉnh hẳn lại. Bao nhiêu tình cảm rối beng nãy giờ vụt biến mất cả, và bây giờ trí nàng lại bận-rộn sắp đặt chương-trình hành-động cho mưu-kế vừa tìm được.
Bà Nhâm lại phải nói một mình không, không được kẻ đối-thoại cho vào tai lời nào cả. Bà ta cũng khá tinh mắt nên nhận thấy là Hảo lo ra. Không biết bạn có chuyện gì rối trí, bà ngó ra sau là hướng mà Hảo thường dòm, thì thấy ông Nho đang đứng trò chuyện với một cô gái đẹp.
„À, ra nó ghen!" Bà Nhâm nghĩ thầm như vậy rồi cười lớn lên.
Nhưng lạ quá! Hảo lại gọi chồng mà rằng:
- Anh Nho à, em còn nói chuyện lâu với bà Nhâm, anh lấy xe đưa em nó đi dạo mát đi, để em về bằng tắc-xi.
Bà Nhâm thật là điên đầu: "thì ra không phải nó ghen. Ghen sao dám biểu chồng đưa cô ấy đi dạo mát?".
Khi Nho và Liên lên xe, xe chạy khuất dạng, Hảo lật-đật giã-từ bà Nhâm khiến bà nầy lại lập ra một giả thuyết mới: "À, ra nó hẹn ai! Chà con mẹ nầy khả-nghi lắm đấy!"
Hảo không về nhà mà kêu xích-lô đạp đi tuốt ra sau chợ Bến-thành, tìm lụa mà mua. Nàng mua lu-bù như sắm đồ về nhà chồng, rồi bươn-bả lại một hiệu ở phố Lê-Lợi để mua nước hoa, son phấn, và một bộ đồ tắm một mảnh cho phụ-nữ.
Xong đâu đó, nàng mới chịu lên tắc-xi mà về nhà như đã nói với chồng.
Đến sáu giờ chiều thì xe của Nho đút đầu vào cửa ngõ. Anh người nhà chạy ra mở cổng. Hảo đứng nơi cửa sổ trên lầu dòm xuống thấy Liên ngồi nơi hàng trước với chồng, xem ra xứng đôi vừa lứa lắm.
Nho phóng xe tuốt vào gara, cửa gara nhỏ xíu mà ông không cạ quẹt nơi đâu cả, xem rất thể-thao, khiến Hảo nghe chồng mình còn trẻ lắm. Nàng thở đài:
- Anh ấy như còn xuân, không trời nào ngăn được cả.
Khi cặp Nho-Liên trong gara bước ra sân, Hảo kêu vói xuống:
- Liên đi chơi có vui không?
Liên ngước lên vẫy tay với cô rồi la lớn:
- Vui lắm, mà khòng có cô nên kém vui!
- Đánh bể mồm, sao lại kêu Hảo bằng cô?
Nho hơi ngạc nhiên, không hiểu vì lẽ gì vợ ông lại nói thế. Nhưng đã quen với những trận dở chứng của vợ, ông bỏ qua không băn-khoăn lâu.
Hảo hối người nhà đem nước đá chanh ra bàn ngoài sân, rồi hối chồng vá cháu đi thay đồ mát để ra đó. Khi hai người kia đến nơi, nàng hỏi ông Nho ngay:
- Anh biết sao em cấm Liên kêu em bàng cô hay không?
- À, anh đã ngạc-nhiên về sự cấm-đoán ấy hồi nãy.
- Anh không thấy à? Nó kêu mình bằng cô, nghe sao như là mình già lắm. Em thì em muốn trẻ mãi, không phải vì em, mà vì anh. Trẻ kẻo anh mê trẻ khác.
Cả ba đều cười xòa. Hảo lại day qua Liên mà liếp:
- Ảnh đào-hoa lắm, em đừng tưởng là ảnh đứng đắn.
Nho phản-đối:
- Sao em nói xấu anh với cháu vậy? Còn cách xưng hô của em cũng lộn ngôn lắm, anh không bằng lòng đâu.
- Xí, lộn ngôn! Nói lộn ngôn đã sao, làm lộn ngôn mới đáng ghét.
Hảo mặt giận thật tình, nói bằng giọng khinh-bỉ như trước mặt bà đang có một người đã làm quấy rồi. Nhưng bà thấy ngay là mình vô-lý nên đánh trống lấp, cười xòa một cách ngượng-ngập rồi nói:
- Thuở bé, nó kêu em bằng Hảo, em kêu nó bằng Liên. Nhờ vậy mà hai đứa thương-mến nhau lắm. Ai xui-khiến bất-nhơn mà hai đứa lại theo đòi tôn-ti cho mất sự thân-mật. Bây giờ em quyết trở lại như hồi mấy năm về trước hè.
Bà Nho cũng đi gần tới tuổi quá-thì như chồng, nên hay sanh chứng, mà một trong những chứng ấy là muốn trẻ lại. Lối xưng-hô mà bà đề-nghị một phần lớn do lẽ kia xui ra.
- Đâu em kêu anh bằng anh Nho thử coi, Liên.
Liên thấy cô mình bảo kỳ quá, nên nàng mắc cỡ, hứ cô một tiếng nhỏ rồi ngồi đó làm thinh. Nho đưa điếu thuốc lên miệng hút và cười hì-hì:
- Ai mà kêu lạ vậy cho được, em sao khéo bày chuyện hoài.
- Thôi, ai không được thì tôi được. Mà Liên, Liên cũng phải được với chị nghe không!
Liên cười ugỏn-ngoẻn mà không đáp.
- Anh Nho nè, Hảo kêu chồng mà nói, em định dời ngày đi biển lại một tuần, để đưa Liên hưởng thú Sàigòn rồi hãy lên đường.
- Tùy em. Anh cũng thấy như vậy là hay.
Liên thừa lúc cô dượng, nhứt là người cô lắm lời kia, ngưng nói để xía vào một câu:
- Cháu không có xin phép ba má cháu, chắc cháu đi không được.
- Em không có xin thì chị xin. Ngỡ gì chớ việc đó dễ lắm. Em bỏ bức thư trả lời về máy cà-rem cây vào thư xin phép của chị, thế là xong.
Liên chậm chạp từ cử-chỉ đến suy-luận, nên không tìm ra lý-lẽ để cãi lại cô. Đi biển nàng không thấy gì hại cả, đi với cô lại càng có bảo-đảm. Nhưng từ thuở giờ ít hay đi chơi bẩt thình-linh, nàng khó chịu về sự không định trước ấy.
Cơm đã dọn xong. Ông Nho đứng lên trước, Hảo kéo Liên dậy và chợt thấy nàng mặc bà-ba rộng xem rất quê.
- Mai nầy chị đưa em đi may đồ. Đã mua vải, lụa rồi.
Liên ngạc-nhiên, nhưng vẫn không kịp hỏi-han gì. Người cô thì mau miệng quá, còn con cháu thì chậm như rùa. Người cô tiếp nho-nhỏ:
- Em ăn-mặc lôi-thôi lếch-thếch, chị thấy chị chịu không được.
Ngồi vào bàn ăn, Hảo lại nói, không cho miệng kéo da non:
- Em mua cho con Liên một áo tắm một mảnh. Nó còn con gái mặc hai mảnh như em bạo quá, chắc nó không dám. Em hồi lấy chồng rồi kia mà còn chưa dám nữa là.
- Hồi đó khác, bây giờ khác. Hồi đó em không dám, không phải vì em chưa là đờn bà lớn tuổi, mà vì chung quanh em không ai mặc thứ đó cả.
Liên không hiểu thế nào là hai mảnh, là một mảnh nhưng vẫn không dám hỏi, (mà dầu có dám cũng không kịp hỏi). Ít ra ngoài, ít giao-thiệp, Liên không có dịp nghe những điều bạo-tợn, nên nàng rất xấu-hổ mà nói đển những vật-dụng thân-mật của nàng trước mặt người nào khác.
- À, Liên còn lội giỏi hay không?
Liên chỉ đủ thì-giờ mỉm cười thì cô nàng đã tía-lia:
- Trời, hồi đó nó lội như rái, anh Nho à. Nó lặn lòn dưới lườn ghe của người ta, nó nhận nước em muốn chết.
Bà Nho nói đúng. Con cháu Liên thật-thà ấy luôn luôn bị cô nó ăn hiếp gió, và chỉ trả thù được dưới nước thôi, vì xuống nước là nó nghe tự-tôn mặc-cảm, làm như nước là địa-hạt riêng của nó vậy.
Nãy giờ ông Nho chỉ làm thinh, bây giờ mới bắt đầu nói:
- Em định cho Liên giải-trí làm sao?
- Mai, ăn cơm Tàu, mốt ăn nai, ăn ếch, bữa kia ăn cơm Ấn-độ...
- Chỉ ăn không mà thôi à?
- Nghĩa là ăn cơm Tàu xong đi xem chiếu bóng, ăn nai ăn ếch xong đi coi cải-lương v.v...
- Thì phải nói rõ chớ nói tắt, ai mà hiểu.
- Lại dẫn Liên đi giao-thiệp. Nó nhà quê lắm. Cho nó tiếp-xúc các giới mông-đen ở đây cho nó dạn ra.
Liên nghe cô nói thế, sợ-hãi lắm. Nàng nhà quê thật và rất nhút-nhát. Nhưng bà rùa nầy vẫn không cãi đưôc lấy nửa lời.
- Riêng đêm nay, Hảo tiếp, anh phải dẫn nó đi xem vũ Nhựt-bổn.
- Mình đã xem rồi...
- Nhưng nó chưa xem. Vì thế em mới giao cho anh. Xem lần thứ nhì là cái khổ-dịch. Khổ-địch ấy là công-việc đờn-ông. Trời, Liên nè, họ múa cây tùng xem mê đi. Họ cầm hai cây quạt xòe, uốn cái mình ẹo-ẹo như cây tùng kiểng của ông cố, hai cây quạt mọc ra hai bên hông họ như hai chùm nhánh. Hay lạ kỳ!
Liên ở tỉnh lên, cũng thích xem trò nầy trò nọ. Nhưng nàng bỗng thấy rằng bất-tiện. Người dượng rễ lớn hơn nàng không bao nhiêu. Tuy cả ba đều thẳng-thắn với nhau và người dượng ấy vẫn đứng-đắn như từ thuở giờ, sự dè-đặt của con gái cũng xui nàng ngại-ngùng.
Lần nầy ràng nói kịp:
- Thôi, cho cháu xin miễn xem vũ Nhựt.
- Cháu hả?
Hảo hỏi gằn rồi véo Liên một cái, đoạn tiếp:
- Phải nói: "cho em xin...". Nhưng không ai cho đâu. Họ chỉ còn biểu diễn có một đêm nữa thôi, nếu không xem sẽ chết thành con ma nhà quê.
Nho thật tình mời mọc:
- Liên nên đi xem, hay lắm, không mấy thuở Sàigòn được xem một trò lạ mắt như vậy.
Liên không có ngày giờ chống trả với cả hai cuộc tấn công một lượt. Ăn cơm xong thì đã bảy giờ rưỡi rồi.
Hảo bước qua buồng bên, lấy ra một gói to rồi mở gói trên đi-văng ở buồng ăn. Nàng vừa gọi Liên vừa lấy từ trong gói ra một mảnh vải gì màu đỏ.
- Xây lưng lại em.
Liên vâng lời cô như đứa con nhỏ vâng lời mẹ. Hảo xổ chiếc áo tắm ra đo trên lưng Liên, rồi reo lên:
- Tài không, anh Nho? Em có biết nó bao lớn đâu, thế mà mua vừa khít nút.
Liên day lại thấy chiếc áo tắm thì mắc-cỡ quá và hoảng hồn, nói lên được:
- Hông, em hổng mặc đâu!
- Sao lại không? Chị mặc thì em phải mặc. Ra đó mà không tắm, họ cười chết. Còn tắm mà mặc cả quần áo đi chợ thì là họ chụp hình ngay.
- Sao lại chụp hình? Liên hỏi.
- Vì em là cái quái-thai, là con quái-vật, chụp hình đăng nhựt-trình cho bà con xem chơi đó mà.
- Ai mà ăn mặc ký-cục như vậy được.
- Chị chớ ai, với lại trăm ngàn đờn-bà con gái khác. Đứa nào làm không được họ bắt họ nhận nước chết.
Đoạn bà Nho lại xổ mấy xấp lụa khác ra, đặt mỗi tấm lên mình cháu, rồi trầm-trồ:
- Nổi ghê không? Em đẹp như tiên mà chị chọn màu cũng tài như thần. Mai nầy đi may, may tốc-hành ở tiệm quen của chị, hăm bốn giờ lấy cả bốn chiếc áo dài và bốn bộ đồ mát.
- May làm chi dữ vậy cô?
Hảo tát vào má Liên mà dạy:
- Nè, roi nầy là roi chừa chừa nghe không? Phải xưng em, kêu chị; hễ còn kêu... lộn ngôn nữa thì phải đòn. Ừ, may nhiều cho em mặc cho đẹp, chớ may làm chi. Chị thấy em tuyệt-sắc, mà mặc xấu thì chị tiếc của đời lắm, chịu không được. Đây, em vào đây, chị dạy cái nầy.
Hảo kéo Liên vào buồng bên, nhận vai bắt nàng ngồi xuống trước bàn phấn.
- Để chị dạy em kẻ môi. Vẻ đẹp tự nhiên của em quí lắm. Nhưng nó không quyến-rủ được ai hết.
- Em có định quyến-rủ ai đâu.
- Đồ ngốc. Phải hiểu danh-từ „quyến-rủ" theo nghĩa nhẹ của nó. Quyến-rủ là lôi kéo chú-ý của họ. Ấy, em không thèm quyến-rủ họ nên họ không đến, em thấy tai hại chưa.
- Em ở vầy cũng được.
- Thì cũng được chớ sao, nhưng em sẽ chết thành con ma nhà quê.
- Chị thì cái gì cũng nhà quê tuốt, không xem vũ Nhựt là nhà quê, không lấy chồng cũng là nhà quê.
- Chớ sao. Nè, em phải đi uốn tóc nghe chưa?
Liên giẫy-nẩy lên:
- Thôi cái đó thì xin tha.
- Nhà quê!
- Mặc kệ em.
Hảo lấy bông chấm phấn rôi vỗ bông lên mặt Liên, vừa làm vừa nói:
- Thấy em còn nhút-nhát, chị chỉ thoa phấn sương-sương thôi. Đúng ra, em phải cạo lông mặt, để thoa kem thì đánh phấn mới khéo được. Đánh như vầy, đổ mồ-hôi một lát là nó trôi hết.
Đây, dòm vào kiếng mà xem chị vẽ trái tim trên môi em đây!
Hảo trang-điểm cho Liên một lát là xong. Nàng gọi lớn chồng đang nằm hút thuốc ngoài buồng ăn:
- Anh Nho ơi, sửa-soạn đi rồi đưa em xem vũ Nhựt.
- Ừ.
Liên nãy giờ ngó Hảo dạy nàng hóa-trang, và quên mất vụ đi xen vũ Nhựt. Bây giờ nghe thế, nàng vội nói:
- Cô … ủa chị đi, thì em mới đi.
- Tao đã nói tao xem rồi. Làm khổ tao chi.
- Vậy em không đi.
- Đánh đòn bây giờ.
Hảo chọn áo để mặc bừa cho Liên. Xem qua xem lại thì cũng chỉ có màu trắng trung-lập là được. Liên đem theo bốn chiếc áo dài đen, trắng, mình lam bông đỏ, và ve chai, chiếc áo nào cũng cũ, màu thiếu thẩm-mỹ, và lối cắt may rất là tiền chiến.
Hảo nắm chặt tay Liên rồi nói:
- Nè, binh-sĩ ép Triệu-Khuôn-Dẫn mặc áo long-bào để làm vua nè!
Nói rồi nàng cầm tay Liên mà xỏ vào tay áo. Liên thụ-động từ đầu đến cuối.
Khi xong đâu đó, Hảo dang ra xa, đứng ngắm-nghía đứa cháu:
- Em đẹp lắm, chỉ tiếc hóa-trang sơ-sài, và áo xấu thôi.
Giữa lúc ấy thì Nho bước vào. Hảo cười mà hỏi chồng:
- Anh xem em nó đẹp không?
Nho cố ý không nhìn cháu vợ, chỉ hỏi Hảo:
- Em thật không đi sao?
- Đã nói là khổ-dịch mà em đi sao được.
Nàng vói tay lấy lọ nước hoa định xịt lên áo Liên. Nhưng suy nghĩ lại, nàng thôi và cắt nghĩa:
- Em ăn diện đơn sơ quá, xức thứ nước hoa dữ-dội nầy vào nó không hạp. Thôi, để tự nhiên như vậy cho mùi trinh bạch của em hòa-hợp với y-phục đơn-sơ thì hơn.
Liên gần như bị đẩy ra khỏi cửa. Hảo nắm tay cháu kéo tuốt lên xe mà Nho đã đem ra ngoài sân. Cửa xe đóng lại cái rầm. Hảo căn dặn:
- Em gởi nó cho anh đó. Rủi nó đi lạc hoặc bị Chà-và bắt nấu cà-ri thì anh ở tù rục xương đa.
Cả ba đều cười xòa.
° ° °
Vì đêm nay là đêm biểu diễn cuối cùng của đoàn vũ, nên những ai bận việc, xem trễ, đều dồn mà đi đêm nay, khán giả đông nghẹt như vào những đêm đầu.
Giới của Nho tuy nhiều tiền nhưng lại ít thì giờ. Nho ngỡ chỉ có một mình ông, không dè gặp bạn-hữu rất đông.
Thật là khó giới-thiệu đứa cháu vợ lớn sầm sầm ấy với họ. Ông Nho không muốn nói Liên là cháu vợ của ông, sợ cái bọn mắc dịch ấy nghĩ quấy. Ai lại dắt cháu vợ gái đi đêm như thế bao giờ trong xã-hội ta.
Vì vậy, ông chỉ nói: „Liên" trống không khi phải trình-điện đứa cháu với ai, để họ muốn hiểu sao thì hiểu. Thà là họ nghi ông đưa nhơn-tình đi xem vũ, còn dễ coi hơn là họ ngạc-nhiên trước cảnh dượng cháu nầy.
Họ muốn hiểu sao thì hiểu, nhưng họ chỉ toàn-thể hiểu có một cách thôi: là người đờn bà kia (không ai ngờ Liên là con gái) là ngoại-ấp-phe của Nho. Trong giới hay dùng danh-từ ngoại-ấp-phe để chỉ những mối lợi nho-nhỏ mà các ông giấu vợ con để tiêu riêng.
Vì hiểu thế nên ai cũng có những cái cười xiên-xẹo, những lời bóng gió khiến Nho khó chịu vô-cùng. Liên thì thật thà không hiểu gì hết nên vẫn tự-nhiên được.
Những điệu vũ đêm nay không khác những điệu vũ đã diễn rồi. Nho không bị trò hay kéo chú-ý nên lơ-đãng nhìn quanh và nghĩ vẩn vơ điều nầy điều nọ.
Nhà kỹ-nghệ ấy là một người lương-thiện và đứng-đắn. Tự bé đến giờ ông chưa làm điều gì xấu-xa cả. Trong đạo vợ chồng, quả ông đã phản-bội vợ một đôi lần, nhưng thật là kín-đáo, lịch-sự, và với những người đờn-bà xa lạ, không vướng chút xíu mâu-thuẩn tình cảm nào cả.
Trừ những xã hội đạo-đức triệt-để ra (hay tự xưng là thế) thì trong xã-hội ta, một người như vậy cỏ thể xem là một người đàng-hoàng.
Thế mà lạ quá, nãy giờ ông ấy lại thẫn-thờ ra. Ý quấy lắm khi không do chính mình đẻ nó ra, là lại do bên ngoài gợi lên. Từ cái lúc mà bạn-hữu láy mắt với nhau và cười mỉa-mai thì ông Nho đã là kẻ bắt đầu phạm tội trong tinh-thần rồi.
"Tại sao họ lại hiểu như vậy?" Ông tự hỏi khi nãy. Và ra tự đáp: „Họ thấy Liên đẹp và và... mình với Liên cũng xứng đôi!".
Xứng đôi? Ông đã nhìn lại Liên và lần đầu-tiên, để ý đến nhan-sắc của nàng.
Họ bên vợ của ông quả là một họ đẹp người. Từ chi trưởng đến các chi thứ, chi nào cũng toàn người đẹp, nhứt là đờn-bà.
Liên có gương mặt đẹp theo lối Á-đông: mũi không cao lắm, môi không khiêu-khích lắm, mắt thì hiền từ mặc dầu cũng sáng và linh động.
Thân mình của Liên thì trái lại, khéo như tranh lý-tưởng của Âu-châu. Sự phối-hợp Âu-Á ấy đã ban cho người con gái tỉnh nầy một nhan-sắc rất hạp với mơ ước của thế hệ người Việt sống trong buổi giao-thời.
Ý quấy bỗng đột ngột xẹt qua trí Nho, khiến ông hoảng-hốt. Ông nghĩ nếu có một cái máy gì để đo lòng người thì nó sẽ ghi ra biết bao điều nhơ-nhớp. Như trường-hợp của ông đây. Khi không đang là một người hẳn-hòi bỗng trong giây phút ngắn lại đục lòng đục dạ như một kẻ vô-liêm.
„Bậy, bậy lắm" ông đã tự trách như vậy hồi nãy, rồi đâm ra ghét bạn hữu nghĩ xằng, gợi cho ông điều không hay. Ông đã lập nghiêm, chào họ để dắt Liên vào rạp. Nhưng ngồi từ nãy giờ, những ý nghĩ bất-chánh lại lởn-vởn trở về sau một lúc lâu bị xua đuổi. Chúng nó trở về, ban đầu rụt-rè lấp-ló nhưng sau, chúng đâm bạo, nhào càng tới và cố lì không chịu đi nữa.
„Không sao!" Nho tự an-ủi ông, rồi nói với lũ khốn-nạn kia.: "À, quân bây không chịu đi à? Được thì cứ mà ở đó. Nhưng ta đây quyết không nghe lời quân bây thì quân bây làm gì ta được. Ừ, làm gì được. Có giỏi thì thử xem!".
Ngồi buồn mỏi quá, nên Nho xoay-trở đủ chiều. Một khi kia ông vừa gác cùi chỏ lên tay ghế thì bỗng giựt nẩy mình, vội rút lại lẹ-làng: Liên đã gác tay nàng lên đó rồi.
Tim Nho đập lia-lịa như thuở mười bảy tuổi đụng chạm đờn-bà lần đầu trên xe ô-tô-buýt. Lạ quá! Thì ra trái tim già vẫn còn máy động được à?
Nho nhớ đến một quyển sách mà ông đã đọc được, rồi càng hoảng-sợ hơn. Sách nghiên-cứu về tuổi quá thì của nam nữ riêng về đờn ông, thì sách cho rằng vào tuổi quá thì, cơ-thể con người bỗng thức tỉnh dậy. Các nội-hạch làm việc hăng-hái như trong một bộ máy mới. Tâm-tính con người cũng chịu ảnh-hưởng của xác-thịt nên thay đổi toàn diện. Người quá-thì, trong lòng thì nghe yêu-đương thơ-mộng như hồi còn thiếu-niên, ngoài xác-thịt lại thấy rung-động mãnh-liệt trước bất cứ sự đụng chạm nào.
"Thì ra mình đã vào tuổi quá-thì mà không hay đây?" Nho lẫm bẫm như vậy rồi thừ người ra như ngẩn-ngơ thương tiếc một quãng đời đã qua.
Cảc quãng tuổi của con người không có biên-giới phân ranh với nhau, người ta bước từ tuổi nầy qua tuổi khác như từ sân trước nhà bước ra sân sau. Nhưng nếu có một chút xíu gì gợi ý thức về ranh-giới ấy thì người ta ngậm-ngùi biết bao khi chợt nhận ra là mình vừa mất con người khi trước của mình, không thể nào tìm lại được cả.
Sáng sớm, bạn đứng cạo râu trước tấm gương. Vô-tình bạn liếc mắt lên tấm lịch thấy đề ngày 18 tháng tư. Bạn bỗng nhớ rằng hôm qua 17 tháng tư là ngay sanh nhựt của bạn. Ngày ấy bạn đúng bốn mươi và hôm nay là bốn mươi mốt.
Bốn mươi mốt! Trời ơi, thì ra mình đã già rồi à? Bạn kêu lên như thế bằng một giọng chua-xót, rồi bùi-ngùi đứng lặng giờ lâu, trí lội ngược dòng thời-gian để rượt bắt lại cái tuổi đứng người. Tuổi thanh-xuân, đã rượt bắt hụt một lần lúc bạn ba mươi. Giờ đây bốn mươi đã đánh lên tiếng chuông buồn thảm của nó, khiến bạn càng hốt hoảng hơn, cố chụp lại tuổi đứng người là tuổi trên ba mươi, tuy không thơ-mộng bằng tuổi thanh-xuân nhưng lại cần-thiết quá lắm, vì tuổi trên ba mươi, dầu sao cũng là còn trẻ, chớ bây giờ bốn mươi là bắt đầu xế bóng rồi đó.
"Trời ơi, mình đã quá-thì rồi đây!" Nho kêu than lần nữa rồi thở dài.
Trời ơi, ta đã dùng đời ta làm những việc gì? Kiếm tiền và kiếm được thật nhiều. Chỉ có thế thôi. Còn ích quốc lợi dân, ta không hề nghĩ đến. Trời ơi, mà cả đến hạnh phúc riêng của ta, ta cũng chẳng màng.
Những bực siêu-nhân, khi có hối tiếc, chỉ hối tiếc đậm-đà về cái cao cả không làm được. Ông Nho là người thường, thanh-cao chỉ tới thoáng qua rồi đi mất. Ông chỉ tiếc hạnh phúc riêng của ông thôi.
Hạnh phúc riêng của ta? Ừ. Ta đã hưởng gì trên đời. Ta đã cưới vợ, đã yêu vợ? Nhưng thứ hạnh phúc ấy, một anh phu nghèo xác-xơ cũng hưởng được.
Ta chạy xe hơi, ở nhà lầu, ăn thức ăn ủ trong tủ lạnh? Ừ, nhưng có gì khác hơn đi tạp-xế, ở nhà lá, ăn thức ăn mua ngoàì quán đâu?
Hãy hái lấy ngày đang qua!
Câu thơ La-tinh xui dại nầy bỗng đâu văng-vẳng vang lên, và ông Nho nghe là nó xui phải lắm.
Ừ, hối tiếc vô-ich lắm. Phải tận hưởng cáì gì đang có hôm nay là thượng-sách.
Mà cái gì đang có hôm nay? Một bước trở về của tuổi thanh-xuân với tất cả rung-động, say-ngây của nó. Nó sẽ ở lại không bao lâu, như là ngọn đèn sắp tắt, chỉ bùng cháy lên vài phút thôi. Như thế không thể không mừng rỡ đón chào người bạn cũ đó, không đãi đằng nó bằng những bữa tiệc đời xứng đáng với địa vị của nó.
Mà gì là xứng-đáng với nó? Phải chăng tuổi ấy là tuổi yêu-đương, thì có gì hơn là cứ để cho người bạn cũ yêu-đương
Yêu-đương? Nhưng yêu ai? ông Nho không dám đáp câu hỏi ấy, cho đẫu là chỉ đáp thầm với ông thôi. Từ thuở giờ, ông hằng ước ao xằng-bậy với vợ, nhưng thật ra ông chưa nghe cần yêu ai cả. Từ nãy giờ thì đã khác hẳn rồi.
Nho liếc nhìn Liên thì thấy nàng xem mê những điệu vũ trên sân khấu, không để tâm đến ngoại cảnh. Cảm-động lắm, sự vui thích quá dễ-dàng của một cô gái tỉnh mà trò gì cũng là mới lạ hay-ho cả.
Đây là một cô gáí còn trong-trắng cả thân-thể lẫn tâm-hồn. Thuở giờ ông Nho chưa yêu vì ông chưa trở lại tuổi yêu, nhưng cũng vì những người đờn-bà mà ông biết, không đáng yêu: lòng họ có thể trắng ngần như lòng cô gái đang trố mắt nhìn vũ đây đâu.
Suốt buổi diễn, Nho không nói qua lời nào với người bạn xem trò ngồi bên cạnh. Nhưng trí ông ta không lúc nào là không nghĩ về người ấy.
Khi khán giả tuôn nhau ra khỏi rạp, Nho đi cản hậu cho Liên theo dòng người. Bây giờ Liên mới nhớ đến người dắt mình đi, nên day lại mỉm cười với Nho, như để ngầm xin lỗi và cám ơn công khó của người đó. Nho cũng chỉ lặng-lẽ mỉm cười lại thôi.
Ra tới đường, Nho hỏi Liên mà hỏi trổng:
- Hay hay không?
- Dạ hay lắm.
Con ngưòi đứng-đắn ấy trước đây là một công-dân tầm thường, nhưng làm đầy-đủ bổn-phận công-dân, không đạo-đức lắm nhưng vẫn chưa phạm luân-lý lần nào. Nhưng từ đầu hôm tới giờ, trước sau có hai tiếng đồng hồ thôi, mà ông ta đã bước lần mà không hay trên bực thang đức-hạnh, bước từ nấc trên xuống đến nấc cuối-cùng.
Ông kêu Liên trống không như vậy là ông đã bắt đầu thi hành mạng-lịnh của vợ mà hồi chiều nầy ông còn phản-đối. Đó là cố ý mà thi-hành chớ không bị cưỡng-bách nữa.
Sự kêu trỏng ấy là một cái cầu giúp ông chuyển dễ-dàng qua lối xưng-hô do vợ ông đề-nghị mà khỏi ngượng mồm.
Khi bước lên xe, Nho lại hỏi Liên:
- Có đói bụng không?
- Dạ không.
- Đói thì đi ăn cái gì.
- Dạ thôi.
Không tìm được gì để nói nữa, Nho làm thinh mà lái xe cho đến nhà. Hảo đã ngủ rồi hay sao nên đèn nhà tắt cả. Người nhà mở cửa cho hai người vào. Liên vô phòng dành cho khách ở dưới, còn ông Nho đi lên gác.
Ông ta đi nhón gót sợ vợ giựt mình, mở cửa nhè-nhẹ rồi lại ghế cổi giày. Dưới ánh sáng xanh-xanh của ngọn đèn chong nhỏ, Nho thấy vợ nằm nghiêng, mặt day vào vách.
Thay đồ mát xong, ông rón-rén đi lại giường. Ông cẩn-thận ngồi xuống, quyết thế nào cho nhẹ như con mèo, nhưng vì quá cẩn-thận, ông mất thăng-bằng rồi té nhào trên giường, khiến nệm bị đè thình-lình, rồi dội ngược trở lên rất mạnh.
Nho sợ điếng người, chắc-chắn vợ thế cũng giựt mình, sợ-hãi rồi bố ông một trận ghê hồn. Nhưng lạ quá, Hảo day lại cười hiền-lành hơn bao giờ cả. Mặt nàng tươi-tỉnh như không không.
- Em chưa ngủ à? Nho ngạc-nhiên nói.
- Chưa. Thế nào, con Liên nó thích hay không?
- Thích mê đi.
- Còn anh?
- Khỏi hỏi. Đã bắt người ta làm khổ dịch mà còn hỏi lôi-thôi.
- Xí, thích mê đi mà còn làm bộ hoài.
Nho giựt mình hoảng-sợ hết sức. "Hảo nó xuyên-tạc gì đây?" Ông tự hỏi nhưng ông ta không dám tra gạn vợ để biết đích-xác nên cứ phải ôm cái lo-sợ ấy mãi. Nho có tịch, rồi ngỡ ai cũng nghe được những ý-nghĩ thầm-kín của ông. Lắm lúc ông cảm-giác rằng những ỷ-nghĩ ấy như kêu vang dội lên, và bỗng dưng xấu-hổ với bất-kỳ ai đang ngó ông.
Nho nằm xuống bên cạnh vợ, vuốt-ve bà ấy như là yêu-đương lắm. Tà-tâm bí-ẩn của ông như thấy cần phải chối lớn lên bằng cử-chỉ ấy.
Hảo hất tay chồng rất mạnh rồi lăn tuốt vô phía trong vách. Đây là lần thứ nhì mà bà ấy nổi lên ghen tức thình-lình, mặc dầu mưu sâu của bà là xô chồng vào tròng.
Nho hoảng-hốt nhưng nghĩ rằng không thế nào vợ ông biết được những ý-nghĩ xằng-bậy của ông, ông an lòng lại được và tưởng đó là một trò trẻ con của vợ thôi, nên chi ông cố dỗ vợ ông như dỗ em nhỏ, biết nó nhỏng-nhẻo, mà cứ chiều cho nó vui.
Quả Hảo vui lại đuợc, nhưng không phải vì được dỗ, mà vì nàng thấy mình vô-lý và quá hớ-hênh trong tình-cảm, cần phải làm lành ngay cho Nho khỏi nghi-ngờ.
Gieo Gió Gặt Bão Gieo Gió Gặt Bão - Bình Nguyên Lộc Gieo Gió Gặt Bão