Nguyên tác: The Road To Serfdom
Số lần đọc/download: 3827 / 159
Cập nhật: 2016-06-18 07:57:00 +0700
Lời Giới Thiệu (Nhân Dịp Năm Mươi Năm Xuất Bản)
C
uốn sách này đã trở thành tác phẩm kinh điển thực sự: đây là tác phẩm dành cho tất cả những ai quan tâm đến chính trị một cách rộng rãi nhất và ít thiên lệch nhất của từ này, thông điệp chính của nó sẽ sống mãi với thời gian và có thể áp dụng cho vô vàn hoàn cảnh cụ thể khác nhau. Hiện nay, trong chừng mực nào đó nó còn liên quan đến Hoa Kỳ nhiều hơn cả khi được công bố lần đầu vào năm 1944 và đã gây chấn động dư luận vào lúc đó.
Gần một phần tư thế kỉ trước (năm 1971) tôi đã viết lời giới thiệu cho lần xuất bản cuốn Đường về nô lệ bằng tiếng Đức nhằm minh họa tính vĩnh cửu của thông điệp mà Hayek đã gửi tới cho chúng ta. Lời giới thiệu đó cũng có thể được áp dụng cho lần xuất bản kỉ niệm năm mươi năm ra đời của tác phẩm kinh điển này của Hayek. Để khỏi phải đạo văn của chính mình, tôi xin trích dẫn toàn bộ bài viết trước khi đưa thêm vào một vài lời bình luận[1].
“Suốt nhiều năm liền, tôi thường hỏi những người tin vào các nguyên tắc của chủ nghĩa cá nhân xem họ đã rời bỏ chủ nghĩa tập thể chính thống của thời đại chúng ta như thế nào. Trong nhiều năm, câu trả lời thường gặp nhất chính là cuốn sách mà tôi đang có vinh dự viết lời giới thiệu này. Tác phẩm xuất sắc và hùng hồn của giáo sư Hayek là ánh sáng soi đường cho các nam nữ thanh niên từng phục vụ trong các lực lượng vũ trang trong thời gian diễn ra Chiến tranh Thế giới II. Kinh nghiệm vừa trải qua đã giúp họ nâng cao nhận thức về giá trị và ý nghĩa của quyền tự do cá nhân. Ngoài ra, họ đã chứng kiến tổ chức tập thể hoạt động trên thực tế. Đối với họ thì những lời dự báo về hậu quả của chủ nghĩa tập thể đã không đơn thuần là khả năng có tính giả thuyết mà là thực tế nhãn tiền mà bản thân họ đã trải qua trong thời gian tại ngũ.
“Đọc lại trước khi viết lời giới thiệu, tôi lại một lần nữa cảm thấy kinh ngạc trước cuốn sách tuyệt vời này: tinh tế và lập luận chặt chẽ song lại dễ hiểu và sáng sủa, đầy triết lí và trừu tượng song cũng rất cụ thể và thực tế, sâu sắc và đầy lí tính song cũng rất sinh động bởi những lí tưởng cao cả và một ý thức mạnh mẽ về sứ mệnh. Không có gì ngạc nhiên khi nó gây được ảnh hưởng lớn như vậy. Cuốn sách còn gây ấn tượng mạnh đối với tôi vì hôm nay thông điệp của nó cũng cần thiết như khi nó xuất hiện lần đầu - chuyện đó nói sau. Nhưng đối với tuổi trẻ thời nay, thông điệp của nó không mang tính trực tiếp hay thuyết phục bằng các nam nữ thanh niên đọc nó khi nó xuất hiện lần đầu. Những vấn đề của chiến tranh và điều chỉnh thời hậu chiến được Hayek dùng minh họa cho chủ đề trung tâm bất diệt của ông cũng như những thuật ngữ của chủ nghĩa tập thể thời đó được ông dùng làm dẫn chứng cho lời khẳng định của ông về bầu không khí trí tuệ vốn là những điều quen thuộc đối với thế hệ thời hậu chiến và đã tạo được mối quan hệ gần gũi giữa tác giả và độc giả của cuốn sách. Ngày nay, những ảo tưởng của chủ nghĩa tập thể tương tự đang lưu truyền rộng rãi và được củng cố thêm, nhưng hậu quả trực tiếp thì có khác, thuật ngữ cũng đã khác nhiều. Hiện nay chúng ta ít nghe nói đến “kế hoạch hóa tập trung”, “sản xuất để đáp ứng nhu cầu sử dụng”, nhu cầu “quản lí một cách có ý thức” các nguồn lực xã hội. Thay vào đó là chuyện về khủng hoảng đô thị - người ta nói chỉ có thể giải quyết bằng các chương trình rộng lớn của chính phủ; là chuyện về khủng hoảng môi trường - người ta bảo là do những nhà doanh nghiệp tham lam, những người phải làm tròn trách nhiệm xã hội chứ không “chỉ” điều hành các doanh nghiệp của mình để kiếm tối đa lợi nhuận và cũng đòi hỏi, như người ta nói, những chương trình rộng lớn của chính phủ; là chuyện về khủng hoảng tiêu dùng - những giá trị giả được kích thích bởi các nhà doanh nghiệp tham lam nhằm kiếm lợi nhuận thay vì thực hiện trách nhiệm xã hội và dĩ nhiên cũng cần các chương trình rộng lớn của chính phủ nhằm bảo vệ người tiêu dùng, ít nhất là để anh ta không tự làm hại mình; là chuyện về khủng hoảng phúc lợi hoặc nghèo đói - ở đây thuật ngữ vẫn là “nghèo đói giữa cảnh giàu sang”, mặc dù tình trạng nghèo đói hiện nay phải được coi là sung túc khi khẩu hiệu này lần đầu tiên được sử dụng một cách rộng rãi.
“Bây giờ, cũng như lúc đó, việc khuếch trương chủ nghĩa tập thể bao giờ cũng đi kèm với những lời thề bồi trung thành với các giá trị của chủ nghĩa cá nhân. Nhưng kinh nghiệm với các chính phủ cồng kềnh đã củng cố thêm xu hướng trái ngược này. Đã diễn ra những cuộc phản đối rộng khắp chống lại “giới quyền uy”; sự tuân phục không thể tưởng tượng được trong việc chống lại sự tuân phục; những đòi hỏi vang lên khắp nơi về quyền tự do “làm những việc riêng”, quyền được có lối sống riêng, có nền dân chủ mà mọi người đều có thể tham gia. Nếu chỉ nghe chủ đề này, người ta có thể tin rằng ngọn triều của chủ nghĩa tập thể đang rút lui còn chủ nghĩa cá nhân thì đang dâng lên, Hayek đã chứng minh một cách đầy thuyết phục rằng các giá trị này chỉ có thể tồn tại trong xã hội dựa trên các nguyên tắc của chủ nghĩa cá nhân. Chúng chỉ có thể thành tựu trong chế độ tự do, nơi hoạt động của chính phủ được hạn chế trước hết cho việc tạo lập khuôn khổ, trong đó các cá nhân được tự do theo đuổi các mục tiêu của mình[2]. Muốn có nền dân chủ mà mọi người đều có thể tham gia thì cách duy nhất là phải tuân theo cơ chế thị trường tự do.
“Đáng tiếc là quan hệ giữa mục đích và phương tiện vẫn thường bị nhiều người hiểu sai. Nhiều người tuyên bố trung thành với các mục tiêu cá nhân chủ nghĩa nhưng lại ủng hộ các phương tiện của chủ nghĩa tập thể mà không nhận ra sự mâu thuẫn ở đây. Người ta thích tin rằng các tệ nạn xã hội là do những người xấu gây ra còn nếu những người tốt (giống như chúng ta, dĩ nhiên rồi) nắm được quyền lực thì mọi việc sẽ tốt. Quan điểm này chỉ đòi hỏi cảm tính và thói tự mãn, những thứ vừa dễ kiếm vừa dễ thỏa mãn. Để hiểu tại sao những người “tốt” khi có quyền lực lại làm những điều ác trong khi những người bình thường, không có quyền lực, nhưng có khả năng hợp tác một cách tự nguyện với những người xung quanh lại làm được nhiều việc thiện, đòi hỏi phải phân tích và tư duy, đặt cảm tính xuống dưới lí trí. Chắc chắn đấy sẽ là lời đáp cho câu hỏi huyền bí: vì sao chủ nghĩa tập thể, đi cùng với nó là nạn độc tài và sự nghèo đói, lại được nhiều người coi là ưu việt hơn so với chủ nghĩa cá nhân, đi cùng nó là tự do và sung túc vốn đã được minh chứng rõ ràng. Luận cứ ủng hộ chủ nghĩa tập thể thật đơn giản nhưng là những luận cứ sai lầm, đấy là luận cứ cảm tính trực tiếp. Còn luận cứ ủng hộ chủ nghĩa cá nhân thì tinh tế và phức tạp; đấy là luận cứ lí tính gián tiếp. Đa số người ta lại có khả năng tư duy cảm tính phát triển hơn khả năng tư duy lí tính, ngược đời là điều này lại xảy ra ngay cả với những người tự coi mình là trí thức.
“Ở phương Tây, cuộc chiến đấu giữa chủ nghĩa tập thể và chủ nghĩa cá nhân đã diễn ra như thế nào trong suốt một phần tư thế kỉ [bây giờ phải nói là nửa thế kỉ] qua, sau khi tác phẩm vĩ đại của Hayek được xuất bản? Thế giới thực tiễn và thế giới tư tưởng đưa ra những câu trả lời hoàn toàn khác nhau.
“Trong thế giới thực tiễn, năm 1945 những ai trong chúng ta từng bị phân tích của Hayek thuyết phục đều chẳng nhìn thấy gì khác hơn là sự phát triển một cách đều đặn vai trò của nhà nước lấn át vai trò của cá nhân, là việc thay thế dần sáng kiến và kế hoạch cá nhân bằng sáng kiến và kế hoạch của nhà nước. Nhưng trên thực tế phong trào này đã chẳng tiến được mấy, cả ở Anh, ở Pháp cũng như ở Mĩ. Còn ở Đức đã diễn ra những phản ứng quyết liệt nhằm thoát khỏi việc kiểm soát thời quốc xã và một bước tiến vượt bậc về phía chính sách tự do trong lĩnh vực kinh tế.
“Điều gì đã tạo ra sự ngăn chặn bất ngờ như thế đối với chủ nghĩa tập thể? Tôi tin rằng có hai lực lượng đóng vai trò chủ yếu. Thứ nhất, và đây là điều đặc biệt quan trọng ở Anh, cuộc xung đột giữa kế hoạch hóa tập trung và tự do cá nhân, đề tài chính của Hayek, đã trở thành hiển nhiên, đặc biệt là khi nhu cầu cấp bách của kế hoạch hóa đã dẫn đến cái gọi là chỉ thị về “kiểm soát tuyển dụng”, theo đó chính phủ có quyền phân cho người dân công ăn việc làm. Nhưng truyền thống tự do và các giá trị của tự do vẫn còn đủ mạnh ở Anh, cho nên khi xảy ra xung đột thì người ta sẵn sàng hi sinh kế hoạch hóa chứ không phải tự do cá nhân. Sự thiếu hiệu quả của chủ nghĩa tập thể chính là lực cản thứ hai. Chính phủ đã tỏ ra không có khả năng quản lí các doanh nghiệp, không có khả năng tổ chức các nguồn lực để có thể đạt được các mục tiêu đề ra với giá phải chăng. Nó bị sa lầy trong mớ bòng bong vì các thủ tục quan liêu và phi hiệu quả. Nhiều người tỏ ra thất vọng đối với tính hiệu quả của chính phủ trung ương trong việc quản lí các chương trình kinh tế xã hội.
“Đáng tiếc là việc ngăn chặn chủ nghĩa tập thể lại không ngăn chặn được sự phình lên của chính phủ; đúng hơn, nó đã hướng sự phình lên này vào một kênh khác. Chính phủ không còn chú tâm vào hoạt động sản xuất nữa mà chú tâm vào việc điều tiết một cách gián tiếp các doanh nghiệp được cho là của tư nhân và còn chú tâm hơn vào các chương trình tái phân phối thu nhập của chính phủ, bao gồm thu thuế của một số người nhằm bao cấp cho một số người khác - tất cả đều nhân danh công bằng và xóa đói giảm nghèo nhưng trên thực tế lại tạo ra sự hỗn độn đầy mâu thuẫn và thất thường của những khoản bao cấp cho những nhóm lợi ích đặc biệt. Kết quả là phần thu nhập quốc dân bị chính phủ sử dụng ngày càng gia tăng.
“Trong thế giới tư tưởng, đối với những người tin vào chủ nghĩa cá nhân, kết quả còn đáng thất vọng hơn. Ở một khía cạnh nào đó, đây là điều đáng ngạc nhiên nhất. Kinh nghiệm trong một phần tư thế kỉ qua đã khẳng định một cách mạnh mẽ sự sáng suốt của Hayek; điều phối hoạt động của con người thông qua quản lí tập trung và thông qua sự hợp tác tự nguyện là hai con đường dẫn tới những hướng hoàn toàn khác nhau: con đường thứ nhất đưa ta trở về thời kì nô lệ, còn con đường thứ hai dẫn tới tự do. Kinh nghiệm đó cũng một lần nữa khẳng định chủ đề thứ hai: quản lí tập trung là con đường dẫn người dân bình thường tới đói nghèo; còn hợp tác tự nguyện là con đường dẫn tới sung túc.
“Đông và Tây Đức gần như có thể cung cấp cho ta một thí nghiệm khoa học được kiểm soát. Đây là những người cùng một dòng máu, cùng một nền văn minh, có cùng trình độ kĩ nghệ và tri thức nhưng đã bị tai họa của chiến tranh tách thành hai mảnh; hai mảnh đó đã áp dụng những phương pháp tổ chức xã hội hoàn toàn khác nhau, một bên là quản lí tập trung, bên kia là kinh tế thị trường. Kết quả thật rõ ràng. Đông Đức chứ không phải Tây Đức phải xây bức tường để ngăn chặn người dân bỏ nước ra đi. Một bên bức tường là chuyên chế và nghèo đói, còn bên kia là tự do và phồn vinh.
“Ở Trung Đông, Israel và Ai Cập cho ta thấy một sự tương phản giống như Đông và Tây Đức. Ở Viễn Đông, Malaysia, Singapore, Thái Tan, Đài Loan, Hồng Kông và Nhật Bản - tất cả đều chủ yếu dựa vào thị trường tự do - là những nước thịnh vượng, dân chúng tràn trề hi vọng; khác hẳn với Ấn Độ, Indonesia và Trung Quốc cộng sản - những nước dựa chủ yếu vào kế hoạch hóa tập trung. Một lần nữa, chính Trung Quốc cộng sản chứ không phải Hồng Kông phải canh gác biên giới để người dân không thể đào thoát được.
“Mặc cho sự xác nhận rõ ràng và đầy kịch tính luận điểm của Hayek như thế, bầu không khí trí tuệ ở phương Tây, sau một giai đoạn hồi sinh ngắn ngủi của các giá trị tự do trước kia, lại bắt đầu chuyển động theo hướng ngược lại hoàn toàn với tự do kinh doanh, cạnh tranh, quyền sở hữu tư nhân và chính phủ hạn chế. Có một thời gian, điều Hayek mô tả về thái độ trí thức có vẻ như đã trở thành lỗi thời. Hôm nay lời cảnh báo của nó còn chính xác hơn là cách đây chừng một thập niên. Không thể hiểu được vì sao sự phát triển lại đi theo hướng đó. Chúng ta đang cần một cuốn sách mới của Hayek, một cuốn sách sẽ soi sáng sự phát triển của trí tuệ trong một phần tư thế kỉ qua, như cuốn Đường về nô lệ trước đây đã làm được. Tại sao các tầng lớp trí thức khắp mọi nơi đều tự động đứng về phía chủ nghĩa tập thể - ngay cả khi họ đang hô những khẩu hiệu của chủ nghĩa cá nhân - phỉ báng và bôi nhọ chủ nghĩa tư bản? Vì sao các phương tiện truyền thông đại chúng khắp mọi nơi đều bị quan điểm này chi phối?
“Dù có giải thích như thế nào đi nữa thì việc ủng hộ ngày càng gia tăng của giới trí thức đối với chủ nghĩa tập thể - tôi tin đấy là sự thực - làm cho cuốn sách của Hayek hôm nay cũng hợp thời như lúc nó xuất hiện lần đầu tiên vậy. Hi vọng rằng lần xuất bản mới ở Đức - nước dễ lĩnh hội nhất thông điệp của cuốn sách - cũng tạo được ảnh hưởng như đã từng tạo ảnh hưởng trong lần xuất bản đầu tiên ở Anh và Mĩ. Cuộc chiến đấu vì tự do phải giành được hết thắng lợi này tới thắng lợi khác. Những người xã hội chủ nghĩa thuộc mọi đảng phái, những người mà Hayek đề tặng cuốn sách sẽ phải bị thuyết phục hay bị đánh bại một lần nữa, nếu họ và chúng ta còn muốn làm người tự do”.
Đoạn áp chót trong bài giới thiệu của tôi cho lần xuất bản bằng tiếng Đức là đoạn duy nhất không còn hoàn toàn đúng nữa. Sự sụp đổ của bức tường Berlin, sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản sau bức màn sắt và sự thay đổi của nước Trung Quốc đã thu gọn những người bảo vệ chủ nghĩa tập thể theo chủ nghĩa Marx thành một nhóm nhỏ nhưng cố kết trong các trường đại học phương Tây. Hôm nay mọi người đều thừa nhận rằng chủ nghĩa xã hội đã thất bại, chủ nghĩa tư bản đã thành công. Song sự chuyển đổi rõ ràng của giới trí thức sang cái có thể gọi là quan điểm của Hayek lại dễ gây ngộ nhận. Trong khi người ta nói về thị trường tự do và quyền tư hữu - hiện nay chuyện này được tôn trọng hơn là việc bảo vệ nền kinh tế ở gần mức laissez-faire[3] cách đây vài thập niên - phần lớn giới trí thức vẫn gần như tự động ủng hộ sự mở rộng quyền lực của chính phủ nếu nó được quảng bá như là biện pháp bảo vệ các cá nhân khỏi bị ảnh hưởng của các công ty lớn xấu xa, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường hay thúc đẩy “bình đẳng”, cuộc thảo luận về chương trình chăm sóc sức khỏe quốc dân là một thí dụ điển hình. Các nhà trí thức có thể học thuộc lời nhưng vẫn không biết hát.
Ngay từ đầu tôi đã nói rằng hiện nay “trong chừng mực nào đó” thông điệp của cuốn sách “còn liên quan đến Hoa Kì nhiều hơn cả khi đã gây chấn động dư luận… hơn nửa thế kỉ trước”. Giới trí thức lúc đó có thái độ thù địch với chủ đề của cuốn sách hơn là hiện nay, nhưng thực tiễn lúc đó lại phù hợp với nó hơn là hiện nay. Chính phủ sau Chiến tranh Thế giới II nhỏ hơn và ít chỉ đạo hơn hiện nay. Chương trình Xã hội Mở rộng của chính quyền Tổng thống Johnson, bao gồm Chăm sóc Y tế và Hỗ trợ Y tế, và các đạo luật Không khí trong lành và chương trình Người Mĩ Tàn tật của chính quyền Tổng thống Bush vẫn còn ở phía trước, chưa nói đến biết bao vụ bành trướng khác của chính phủ mà Reagan, trong tám năm cầm quyền, chỉ có thể làm chậm lại chứ không thể đảo ngược được. Chi tiêu của chính phủ Mĩ, cả trung ương lẫn địa phương, đã tăng từ 25% tổng sản phẩm quốc dân năm vào 1950 lên thành 45% vào năm 1993.
Ở Anh tình hình cũng gần như vậy, theo một nghĩa nào đó thì còn kịch tính hơn. Công Đảng, trước đây công khai lập trường xã hội chủ nghĩa, hiện đứng về phía thị trường tự do tư nhân; còn Đảng Bảo thủ, đã từng chấp nhận cai trị theo chính sách xã hội chủ nghĩa của Công Đảng, đã thử làm ngược lại và ở mức độ nào đó, dưới thời Margaret Thatcher, đã thành công trong việc giảm thiểu quy mô sở hữu và điều hành chính phủ. Nhưng Thatcher đã không thể kêu gọi một sự ủng hộ rộng rãi của quần chúng cho các giá trị tự do như sự ủng hộ dần đến việc rút bỏ chỉ thị về “kiểm soát tuyển dụng” ngay sau Chiến tranh Thế giới II. Và trong khi diễn ra quá trình “tư nhân hóa” nhiều doanh nghiệp nhà nước thì phần thu nhập quốc dân bị chính phủ sử dụng đã tăng lên và chính phủ cũng đưa ra nhiều chỉ thị hơn so với hồi năm 1950.
Nói rằng ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương chúng ta đang rao giảng chủ nghĩa cá nhân và tư bản cạnh tranh nhưng lại đang thực hành chủ nghĩa xã hội thì cũng chỉ là phóng đại một chút mà thôi.
Milton Priedman
Chú thích:
[1] Der Weg Zur Knechtschaft: Den Sozialisten in allen Parteien, © 1971 (cho lần xuất bản mới) Verlag Modeme Industrie AG, 86895 Landsberg am Lech. Đây là lần xuất bản đầu tiên ở Đức, mặc dù bản dịch tiếng Đức Đường về nô lệ đã được xuất bản ở Thụy Sĩ vào năm 1948.
[2] (Chua thêm năm 1994) Tôi sử dụng thuật ngữ tự do (liberal) giống như Hayek đã dùng trong cuốn sách này cũng như trong Lời giới thiệu cho lần xuất bất bản bìa mềm vào năm 1956 (xem bên dưới), tức là theo nghĩa ban đầu của thế kỉ XIX là chính phủ hạn chế và thị trường tự do, chứ không phải theo nghĩa đã bị làm cho sai lạc đi, gần như ngược lại, ở Hoa Kì.
[3] Laissez-faire là lí thuyết hay hệ thống chính quyền ủng hộ tính tự chủ trong lĩnh vực kinh tế, tin rằng chính quyền càng ít can thiệp vào quản lí kinh tế thì càng tốt. Khái niệm này được cho là có xuất xứ từ quan điểm vô vi của Lão Tử - ND.