Số lần đọc/download: 9718 / 24
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Chương 3 -
P
hú ngừng xe ở góc phố. Anh ngồi sau vô lăng đốt thuốc rồi chậm rãi bước xuống. Không phải tìm kiếm lâu lắc, Phú đã thấy bãi giữ xe nằm gần siêu thị.
Đứng dưới gốc cây dầu to, cao ngất, Phú vừa phà khói thuốc, vừa quan sát và suy nghĩ. Suốt thời gian qua, anh đã chờ đợi, nhưng không thấy bóng cô gái mà anh biết chắc, mang tên Hạnh Lâm xuất hiện.
Sau cái đêm đó, cô biến mất khỏi nhà hàng Sao Đêm trong khi Phú lại mong cô đến. Rờ túi áo, Phú yên tâm vì sợi dây chuyền nằm trong túi. Cái sợi dây chuyền có mặt là chữ L nằm lọt trong hốc giường của anh như một chứng tích hay một kỷ niệm đẹp nhắc nhở Phú về trách nhiệm vô hình nào đó với cô gái anh mới gặp lần đầu. Sáng hôm ấy, sau khi Hạnh Lâm hất tung toé xấp tiền vào mặt anh rồi chạy ra đường. Phú hết sức cáu kỉnh vì tự ái. Từ xưa đến giờ, duy nhất cô là người dám tát anh, dám tung tiền vào mặt anh.
Đến khi quay trở vào, tức tối nằm lăn ra giường, Phú mới bàng hoàng nhận thấy vết tích của đêm qua.
Thì ra anh là người đàn ông đầu tiên đi qua đời Hạnh Lâm. Sự trong trắng của cô gái in ràng ràng trên nền drap. Cái vết đỏ ấy chợt làm anh nhức nhối vì ân hận.
Thì ra Hạnh Lâm không phải gái chuyên môn làm tiền như anh tưởng. Chính sự đeo đuổi của ông Phát, sự bất cần đời của cô khi uống bia đã khiến anh lầm.
Phú ray rứt rít thuốc. Thảo nào Hạnh Lâm lại phản ứng mánh gần như cuồng dại khi thức tỉnh. Thảo nào cô bé đã nhiếc mắng anh thậm tệ. Với Hạnh Lâm, anh chính là hình ảnh của một con yêu râu xanh tội lỗi.
Cô bỏ nhà hàng Sao Đêm làm anh không thể gặp để bày tỏ điều ân hận của mình. Qua nhiều ngày hỏi thăm các cô tiếp thị chung nhóm, Phú mới biết chỗ ở của Hạnh Lâm.
Bước đến gần cô gái ngồi trên chiếc ghế nhựa đang cắm cúi vuốt những tờ bạc lẽ cho phẳng phiu, Phú chợt chạnh lòng khi nhận ra Hạnh Lâm.
Phú gọi tên cô bằng tất cả xúc động mà thường ngày anh chưa bao giờ có. Nghe gọi đích danh của mình, cô gái ngước lên nhìn với nụ cười thật tươi khi nhận ra Phú, nụ cười chợt tắt ngấm, thay vào đó là gương mặt tái xanh.
Lâm đứng bật dấy, làm tung tóe rổ tiền. Gió thổi thốc lên, khiến Phú phải vội vàng ngồi xuống nhặt trong lúc Hạnh Lâm cứ đứng chết trân một chỗ.
Mãi một lúc sau, cô mới lắp bắp:
− Ông... ông tới đây để làm gì?
Đặt rổ tiền lên bàn, cẩn thận dằn sâu thẻ xe lên trên, Phú nhỏ nhẹ:
− Tôi vào siêu thị và tình cờ thấy em, và ghé vào trò chuyện.
Hạnh Lâm cắn môi, cố giữ bình tỉnh:
− Xin lỗi. Tôi và ông không có chuyện gì cả. Nếu còn chút lương tâm, xin ông đừng quấy rầy tôi nữa.
− Nhưng ít ra em cũng nên để tôi nói vài lời chứ.
Có người lấy xe, Lâm bỏ mặc Phú, cô làm công việc của mình với tất cả cẩn trọng. Nhìn Hạnh Lâm, Phú bàng hoàng nhớ lại lời ông Phát từng nói: "Nó là con nhà đàng hoàng..." Vậy mà đêm đó, anh không hề nhận ra cái nề nếp ẩn trong con người Lâm. Vì ác cảm với ông Phát, anh coi thường những lời ông ta nói. Anh ngủ với Lâm cũng vì muốn ông ta phải phát điên lên vì ghen. Tóm lại, Phú đúng là tệ.
Hạnh Lâm quay trở lại, cô ngồi xuống ghế, tiếp tục xếp những tờ giấy bạc nhầu nát cho thẳng thớm, không cần biết đến sự hiện diện của Phú. Anh đứng lóng ngóng với điếu thuốc trên tay.
Phú ngập ngừng:
− Tôi gởi lại cho em sợi dây chuyền có mặt hình chữ L.
Hạnh Lâm ngạc nhiên:
− Nó rơi ở nhà ông à?
Phú gật đầu và đặt cái hộp đựng dây chuyền lên bàn:
− Phải. Trong cái hốc giường.
Lâm nhìn anh đầy căm hận và khinh bỉ:
− Cảm ơn ông đã không lấy của tôi. Bây giờ ông đi được rồi. Tôi không hề quen ông. Xin ông nhớ cho điều đó.
Phú thấy bị sỉ nhục vì những lời của Hạnh Lâm. Anh búng mạnh điếu thuốc đang hút và dằn gót giầy bước đi.
Ra tới gần xe hơi, anh nghe có tiếng người gọi mình. Phú ngạc nhiên khi thấy Lan Anh.
Cô đang uyển chuyển đến gần Phú:
− Trông anh như thi sĩ đang tìm nàng thơ ấy. Đừng nói với em người trong mộng của anh ở đâu đây nhen.
Phú cười gượng gạo:
− Thế em đang tìm anh chàng nào?
Lan Anh cong cớn:
− Em phải giải quyết vài chuyện vặt, chớ chẳng tìm ai. Không ngờ lại gặp anh.
Chớp đôi mi đánh thuốc cong vút, Lan Anh tủm tỉm:
− Làm vệ sĩ cho em được không?
Phú ngần ngừ:
− Được thôi.
Rồi Phú cũng tỏ ra lẳng lơ:
− Phải trả công đấy.
Lan Anh ngọt ngào:
− Em rất muốn được trả công cho anh.
Phú lững thững bước kế bên Lan Anh nhưng đầu óc cứ vướng víu mãi tới Hạnh Lâm. Anh là cây đinh để con gái bám theo vì họ ham tiền, ham danh, nhưng lại bị một con nhải giữ xe khinh miệt. Thật đáng tức. Cô ta tưởng mình là gì cơ chứ?
Chân Phú bỗng khựng lại khi Lan Anh bước tới bãi giữ xe. Đứng trước mặt Hạnh Lâm, cô ta cay cú:
− Bằng mọi giá, mày phải để Long về nhà, nếu không chị em nhà mầy chẳng còn chỗ dung thân đâu.
Hạnh Lâm bình thản:
− Điều đó nằm ngoài khả năng của tôi. Tôi không hề giữ Long nhưng tôi biết chắc nếu chị cứ tới đây làm phiền tôi, Long sẽ tỏ thái độ đấy.
Lan Anh bật cười:
− Ăn nói khá lắm. Mầy không giữ Long, vậy giờ nó ở đâu?
− Đã bảo không biết.
Lan Anh mím môi, đập mạnh vào chiếc Chaly dựng ngay chân mình, nhưng lần này Hạnh Lâm không để cảnh củ tái diễn, cô kéo Lan Anh ngược lại làm cô ta xiểng niểng.
Hất mái tóc xổ tung qua một bên, Lan Anh rít lên:
− Mày dám đánh tao hả?
Vừa hét, Lan Anh vừa nhào tới nhưng cô đã bị Phú giữ lại. Anh trầm giọng:
− Em điên rồi.
Cô thoát khỏi hai cánh tay cứng như hai gọng kềm của Phú, Lan Anh thở hổn hển:
− Anh... anh phá tan bãi xe này cho em.
Hạnh Lâm cười khẩy:
− Thì ra cá mè một lứa.
Phú xẵng giọng:
− Em im đi.
Lan Anh ngỡ ngàng:
− Anh quen nó à?
Giọng Phú giễu cợt:
− Tất cả phụ nữ trong thế giới nhà hàng anh đều quen. Nhưng chuyện đâu còn có đó, em làm gì côn đồ thế?
Hạnh Lâm thách thức:
− Chỉ cần chị làm ngã một cái xe thôi, tôi sẽ mời công an tới ngay. Tôi không nhịn chị như lần trước đây.
Lan Anh nhấn mạnh:
− Mầy dám à?
Hạnh Lâm khoanh tay làm thinh. Mắt cô ném về phía Lan Anh và Phú những tia vừa căm hận, vừa khinh bỉ. Ngay lúc đó, Lập xồng xộc chạy vào.
Không kịp hỏi trước sau, anh chàng nhào tới tống cho Phú một cú hết sức bình sanh, mồm rống to:
− Mày ăn hiếp chị tao à? Mẹ kiếp!
Phú né sang một bên và chột tay Lập, bẻ quặt ra sau. Hạnh Lâm vội lao tới:
− Buông em tôi ra.
Phú cười nhạt:
− Ngựa non háu đá. Cậu chưa đủ trình độ đâu. Đừng hăng máu kiểu võ biền như vậy.
Nắm tay Lan Anh thật chặt, Phú ra lệnh:
− Đi về.
Cô vùng vằng nhưng không thoát đành hậm hực theo Phú sau khi buông một lô câu hăm dọa rẻ tiền.
Kéo Lan Anh lên xe, Phú gằn giọng hỏi:
− Chuyện gì mà em hành động như người vô văn hóa vậy?
Lan Anh nhảy nhổm trên ghế:
− Anh mắng em đấy hả?
Phú lạnh tanh:
− Anh chỉ nói nhận xét của mình. Em trả lời đi. Chuyện gì?
Lan Anh hằn học:
− Nó là gái làm tiền đấy.
− Sao em quả quyết như vậy?
− Thằng Long bỏ nhà sau khi đã bán chiếc Max để lấy tiền bao nó.
− Em chắc như vậy à?
Lan Anh giận dỗi:
− Sao lại hỏi em như hỏi cung vậy? Hay anh cũng... dính bùa của Hạnh Lâm rồi?
Phú đập mạnh tay vào vô lăng:
− Vớ vẩn.
− Nhưng rõ ràng hai người từng biết nhau.
Giọng Phú bỗng miệt thị:
− Gái tiếp thị bia, ai lại không quen được.
Lan Anh cay độc:
− Thậm chí cũng lên giường cũng được nữa. Đúng không?
Phú nhíu mày:
− Em tự hạ giá mình khi hỏi như thế.
Lan Anh nổi cáu:
− Cho em xuống đi. Ngồi chung với anh thế nào cũng có chuyện để tranh cãi.
Làm như không nghe lời Lan Anh vừa nói, Phú hỏi:
− Sao em không nghĩ Long và cô gái đó yêu nhau thật tình?
Lan Anh cười phá lên:
− Làm gì có một tình yêu như thế. Anh vừa nói: "Gái tiếp thị bia ai lại không quen được" kia mà.
− Đúng là vậy. Nhưng trong tình yêu thì khác.
Lan Anh ra vẻ sành đời:
− Đã bảo không phải tình yêu. Đó chỉ là sự trao đổi sòng phẳng giữa một người có tiền và một người có thân xác trẻ đẹp. Thằng Long là trai mới lớn, nó đang mê say cái trò chơi xác thịt, rồi nó cũng bỏ thôi.
Phú cho xe rẽ sang ngã tư:
− Vậy việc gì em phải lo đến mức đi tới tận bãi xe làm giặc làm giã?
Lan Anh chép miệng:
− Mẹ em sợ rằng thằng Long sẽ bán tiếp cái Dream mới sắm. Bà còn bảo Long là cháu đích tôn, không thể bỏ nhà sống lang thang được.
Phú lơ lững:
− Thì cứ chìu ý, nó sẽ về ngay.
Lan Anh bĩu môi:
− Rước con nhỏ ấy về à? Chuyện không tưởng.
Xe ngừng trước một biệt thự bề thế, Lan Anh hỏi:
− Vào nhà nhé?
Phú lắc đầu:
− Anh không rảnh.
Lan Anh xịu mặt:
− Vậy mà đòi người ta đền ơn.
Vuốt nhẹ má cô, Phú nói:
− Còn thiếu gì cơ hội.
Lan Anh vòi vĩnh:
− Nhưng lâu rồi chúng ta không gần nhau. Em còn thua bọn tiếp viên trong các bar của anh nữa.
Phú cau mày:
− Sao lại so sánh như vậy.
− Chớ còn gì nữa? Bọn họ ngày nào cũng thấy anh, nghe anh nói, còn em ấy hả, nhắn tin, gọi di động cũng chẳng được anh trả lời. Lúc nào anh cũng bận. Sao em ghét cái bận của anh quá.
Phú nói:
− Tối thứ bảy anh ghé.
Lan Anh long lanh mắt:
− Em sẽ chờ. Không được sai hẹn đó.
Phú vòng xe về nhà. Anh ngã người xuống giường và nhìn căn phòng trống trải của mình. Ở tuổi anh, tất cả bè bạn hầu như đã có vợ con ấm êm hạnh phúc, riêng anh vẫn chưa.
Quanh Phú, đàn bà lượn lờ nhiều vô kể. Anh là một gã trăng hoa, nên chỉ thích cặp qua đường, vui một thời gian rồi mạnh ai nấy đi. Với các cô gái đó, Phú rất sòng phẳng, rộng rãi, nên khi chia tay, các cô không hề trách anh là Sở Khanh hay gì cả. Duy với Lan Anh, anh dừng lại hơi lâu. Cô giỏi trong kinh doanh, giúp anh được nhiều việc, nên đã có lúc anh nghĩ tới chuyện lâu dài thành chồng vợ, dù anh không yêu mà đang cần một người đàn bà biết quán xuyến việc làm ăn.
Dầu chưa bao giờ Phú nói ra dự định của mình, nhưng dường như Lan Anh hiểu điều đó, bởi vậy, cô hết sức chìu chuộng Phú. Với phụ nữ, anh chưa khi nào bị từ chối, với Lan Anh, anh càng được trọng vọng, nể nang. Cô đang hy vọng làm bà chủ một số quán bar nổi tiếng ở thành phố này, dù hiện tại cô đã là chủ một siêu thị khá lớn. Phú biết Lan Anh muốn lợi dụng sự quen biết rộng rãi của mình để tạo uy tín riêng trong làm ăn. Chính điều này, làm anh khó chịu khi nghĩ sẽ cưới một người vợ thực dụng như Lan Anh.
Nhưng suy cho cùng, anh định cưới cô cũng vì sự thực dụng của anh kia mà. "Nồi nào vung nấy", câu thành ngữ này áp dụng cho Phú và Lan Anh có thể đúng tới chín mươi phần trăm.
Với tay lấy gói thuốc ở đầu tủ, Phú chợt đụng phải cái kẹp tóc hình chiếc xe đạp bằng inox, cái kẹp gợi cho anh một món đồ chơi xinh xắn. Cái kẹp này cũng của Hạnh Lâm. Phú không muốn trả cô bé mà muốn giữ nó lại như giữ một kỷ niệm đẹp.
Tự dưng anh bật cười với chính mình. Một kẻ chỉ biết tiền như cậu Út Phú mà cũng giữ một vật không có tí giá trị nào để làm kỷ niệm sao? Thật khó tin. Mở hộc tủ ra, Phú vứt cây kẹp vào đó, rồi châm thuốc hút.
Dù không muốn, sự suy nghĩ của anh vẫn tập trung về Hạnh Lâm. Giờ anh đã biết nhân vật Long mà lúc nửa tỉnh nửa mê trong vòng tay anh, Hạnh Lâm đã gọi là ai rồi. Hóa ra đó là một cậu ấm lâu nay quen bám váy mẹ. Cậu ta chưa hề biết cô gái mình si mê đã bị kẻ khác phỗng tay trên.
Phú tin chắc Hạnh Lâm rất khe khắt với Long chớ không hề buông thả hay lấy thân xác mình ra trao đổi một cách sòng phẳng như Lan Anh nói. Nếu đúng vậy, Phú thật có lỗi đối với Lâm. Anh phải làm sao để lương tâm bớt nặng nề đây? Hạnh Lâm không như các cô gái từng qua đêm với Phú, anh không thể ném cho cô vài cọc tiền để mua sự thanh thản vì cô đâu hề bán thân. Hành động đêm đó của Phú khác nào cưỡng đoạt. Anh đã cướp đi sự trong trắng của Hạnh Lâm. Với Phú, đây là điều tối kỵ vì dù anh tự đánh giá mình không ra gì, Phú vẫn có nguyên tắc sống riêng. Anh thích thủ lợi, nhưng không ưa phương hại đến người khác, nhất là phụ nữ.
Vùi điếu thuốc vào gạt tàn, Phú lên xe lái đến quán Sao Dêm. Nhà hàng nầy do anh làm chủ, nhưng toàn bộ công việc ở đây, do Nhất quản lý. Anh ta tháo vát, trung thực và có lòng hào hiệp thương người. Có thể Nhất nghĩ ra cách tế nhị giúp Hạnh Lâm mà cô không từ chối.
Vừa bước vào trong, Phú đã gặp Long. Cậu ta đang nói chuyện với một cô tiếp thị bia, chẳng hiểu Long nói gì mà cô ta lắc đầu liên tục.
Đến bên Long, Phú vờ ngạc nhiên:
− Ủa, Long! Đi đâu mà có một mình vậy?
Nhìn Phú vẻ gượng gạo cười, Long nói:
− Em tìm bạn.
− Gặp chưa?
Long buồn bã lắc đầu. Phú vỗ vai Long bằng giọng thân mật:
− Mấy khi có dịp gặp. Vào uống với anh vài lon bia.
Long từ chối:
− Dịp khác đi. Em bận rồi.
Mắt Phú ánh lên tia tinh quái:
− Bận tìm Hạnh Lâm phải không?
Long kinh ngạc:
− Anh biết Lâm à?
Không trả lời, Phú kêu Long tới cái bàn trống giữa phòng.
− Ngồi xuống đã. Vừa nghe tên Hạnh Lâm đã quýnh cả lên rồi. Đàn ông gì yếu bóng vía thế?
Long hỏi tới với điệu bộ ghen tuông không dấu vào đâu được.
− Sao anh biết Hạnh Lâm vậy? Cô ấy từng mời anh uống bia phải không? Hai người có thân nhau lắm không?
Phú nhếch môi cười. Nụ cười kẻ cả, khiến Long khó chịu. Rồi như nhận ra sự bộp chộp của mình, Long ngồi im lặng.
Phú gọi một chai rượu, anh rót cho Long rồi nhẩn nha nói:
− Vừa rồi anh có gặp Lan Anh, cô ấy bảo em đã ra ở riêng. Sao chịu chơi thế?
Long nhếch môi:
− Lớn rồi, em không muốn suốt ngày chỉ biết vâng dạ. Em muốn được tự quyết định lấy những việc lớn của đời mình.
Phú tủm tỉm:
− Là việc gì vậy? Yêu phải không? Nghe Lan Anh nói, em đang sống chung với cô bé Hạnh Lâm nào đó mà.
Long gượng cười:
− Làm gì có. Em ở nhà trọ với mấy thằng bạn.
− Thế còn cô nàng?
Long uống một ngụm rượu rồi nhăn mặt vì cay:
− Vẫn ở nhà với gia đình chớ làm gì có chuyện sống chung với em.
Giọng Phú hạ thấp xuống:
− Chậc. Vậy mà Lan Anh bảo em bán chiếc Max mới cáu để nuôi gái. Nghe các cô dệt chuyện cứ y như thật.
Long ậm ừ:
− Chuyện bán xe thì có, nhưng chị Lan Anh đã quá lời khi bảo em dùng tiên bán xe nuôi gái.
− Vậy em dùng tiền ấy làm gì?
− Chị em Hạnh Lâm sống nhờ việc giữ xe, khổ nổi cách đây không lâu, bà chị của Lâm làm mất xe của khách, thế là phải đền.
Phú gật gù:
− Em đã hào hiệp bán chiếc Max để đưa tiền cho Hạnh Lâm chuộc xe người ta?
Long lại hớp một ngụm rượu nữa:
− Năn nĩ gãy lưỡi, Lâm mới chịu nhận tiền đấy.
Bưng ly rượu lên nhâm nhi, Phú nói:
− Cô nàng cũng treo giá gớm.
Mặt xụ xuống, Long ấm ức:
− Anh không biết đâu, tất cả cũng tại bà Lan Anh. Trước đây, em giới thiệu Hạnh Lâm vào làm cho siêu thị của bà. Được nửa tháng, bả đuổi Lâm kèm theo nhiều câu miệt thị nặng nề làm Lâm tuyệt giao với em. Khi em mang tiền đến, chị Hạnh San nhận chứ đâu phải Lâm. Gia đình cô ấy nề nếp lắm. Bà mẹ Lâm trước kia là cô giáo, mới mất vì bệnh năm rồi. Thấy Lâm vừa đi học, vừa lo kiếm tiền bằng đủ mọi cách, em xót xa lắm chứ. Nhưng Lâm là người kiêu hãnh, dễ gì chịu nhận sự giúp đỡ của ai.
Ngừng để uống thêm ngụm rượu, Long nói:
− Cũng vì muốn sớm có tiền trả em, Hạnh Lâm đã đi tiếp thị bia. Cô ấy không muón bị gia đình em, nhất là chị Lan Anh xúc phạm.
Giọng nghẹn lại, Long kể:
− Lẽ ra em không bỏ nhà đâu. Nhưng nhớ tới hành động ngang ngược của bà Anh, em chịu không được.
Phú hơi ngạc nhiên:
− Lan Anh đã làm gì em?
Long hậm hực:
− Hôm đó em đang ở bãi giữ xe phụ Hạnh Lâm, thì chị Lan Anh đến với hai ba gã đàn anh chị. Họ vừa khống chế áp giữ em về nhà như tội phạm, vừa hăm dọa Hạnh Lâm bằng những lời hết sức thô tục. Sau lần đó, em dứt khoát không về nhà nữa.
Môi nhếch lên chua chát, Long tiếp:
− Vậy mà Hạnh Lâm vẫn không hiểu lòng em. Cô ấy tìm đủ cách để tránh mặt, em tới nhà hay bãi gởi xe, thì bị người nhà cô ấy mời về.
Phú dò dẫm:
− Chắc Lâm rất đặc biệt nên cậu ấm mới si tình dữ vậy?
Long xoay cái ly không:
− Em yêu cá tính của Lâm.
− Thế về sắc? Cô ấy hẳn phải đẹp lắm.
Hơi ngả lưng ra ghế, Long nói:
− Với em, Hạnh Lâm là nhất đời.
Không đợi Phú tiếp thêm rượu cho mình, Long vừa rót đầy ly, vừa kể lể:
− Hạnh Lâm khó tính lắm, không phải dễ hôn được cô ấy đâu. Bởi vậy, càng nghĩ, em càng yêu, càng quý Hạnh Lâm. Khổ nỗi, gia đình không hiểu em, nhất là chị Lan Anh. Bà ấy muốn em cưới vợ giàu, đồng hội đồng thuyền cùng bà, để bả dễ làm ăn.
Nhìn Phú bằng đôi mắt đã lờ đờ, Long thắc mắc:
− Chị Lan Anh là mẫu người thực dụng, sao anh lại... kết chị ấy nhỉ?
Bật cười khô khốc, Long hỏi:
− Hay anh cũng giống chị? Hai ông bà kết với nhau vì quyền lợi. Nói thật nghe, sống trên đồng tiền sướng thật, nhưng không hạnh phúc đâu. Em sẵn sàng bỏ hết xe hơi, nhà lầu để được sống dưới hốc cầu thang với Hạnh Lâm.
Phú lắc đầu ái ngại:
− Em đã nói thế với Hạnh Lâm chưa?
Long thở hắt ra:
− Nói làm chi khi Lâm bảo chỉ coi em như là bạn.
Dằn mạnh cái ly xuống bàn, Long lên giọng:
− Nhưng nhất định em sẽ chiếm được trái tim của Hạnh Lâm vì em yêu cô ấy thật tình. Anh phải ủng hộ em đó.
Phú lơ đi bằng một câu hỏi:
− Cậu nhất định không về nhà à?
Giọng Long chắc nịch:
− Không.
− Rồi cậu sẽ sống ra sao?
− Thì bán chiếc Dream, tằn tiện cũng qua một vài tháng.
Phú nghiêm nghị:
− Còn sau đó?
− Em sẽ tìm việc làm thêm. Anh có thể giúp em tìm việc mà. Đúng không?
Phú nhún vai:
− Chuyện nhỏ. Chỉ sợ cậu không chịu cực nổi thôi.
Long vung tay:
− Vì Hạnh Lâm, cực khổ thế nào em cũng vượt qua.
Đốt một điếu thuốc, Phú nói:
− Vậy tới bar phụ anh. Nhưng anh nói trước, chỉ là chân chạy bàn, làm việc vặt thôi nha. Ở đó toàn khách nước ngoài, nên không dễ phục vụ họ đâu. Nếu đồng ý, ngày mai bắt đầu.
Long hăng hái:
− Đã bảo em không sợ cực mà.
Phú chép miệng:
− Chỉ ngại chị cậu trách anh thôi.
Long cười nhạt:
− Em và gia đình đã cắt đứt rồi, anh không phải ngại ngùng gì cả.
Ngất ngưỡng đứng dậy, Long nói:
− Thôi. Em phải đi tìm Hạnh Lâm đây.
− Biết cô nàng ở đâu mà tìm.
Long chủ quan:
− Phải biết chứ. Không nhà hàng này thì nhà hàng nọ. Em tìm mãi cũng ra.
Phú lắc đầu, nhìn điệu bộ đã thấm rượu của Long, ngoắc Nhất lại, Phú bảo:
− Kêu đứa nào đưa thằng nhóc này về nhà hộ tôi.
Nhất mau mắn:
− Em cô Lan Anh phải không cậu Út?
− Ờ. Đưa tới nhà và giao cho Lan Anh, nhưng đừng nói tôi dính tay vào vụ này.
Ngồi lại một mình, Phú nhớ tới những lời Long nói về Hạnh Lâm và thấy tim mình nặng như đeo đá.
oOo
Long hớn hở khoe:
− Anh có việc làm rồi. Không lớn lao gì, chỉ là chân chạy bàn trong quán, nhưng anh hài lòng vì tự mình kiếm ra tiền chớ không ngửa tay xin người khác.
Hạnh Lâm khách sáo:
− Xin chúc mừng anh. Nhưng tốt nhất Long nên về nhà. Nếu thật sự nghĩ tới tôi, xin Long đừng tìm tôi nữa.
Đang vui vẻ, Long xịu hẳn:
− Không gặp em, không nghe em nói, anh chịu không nổi. Tất cả những gì anh đang trải qua là vì em và cho em.
Giọng Lâm rưng rưng:
− Tôi không xứng đáng với Long đâu.
Long ngắt lời cô:
− Cứ nói như vậy hoài. Anh vẫn luôn yêu em.
Hạnh Lâm vội rụt tay lại. Cô nghẹn ngào lên:
− Không thể nào đâu Long. Hãy quên tôi đi.
Long phân bua:
− Anh đã tự lo và tự quyết định cuộc đời mình. Sao lại không thể chứ?
Hạnh Lâm gạt ngang:
− Nhưng tôi đã có người đàn ông khác rồi.
Long sững sỡ, rồi anh mỉm cười:
− Anh không tin. Ngoài anh ra, có ai lì hơn để bám trụ ngày đêm đâu.
− Tại anh chủ quan nên không biết đó thôi. Tôi đã tìm được chỗ dựa vững vàng, bản lĩnh chớ không phải một công tử non nớt như anh. Bên cạnh người ấy, tôi chẳng sợ gì cả.
Mặt Long xám ngắt, anh gầm gừ:
− Bao giờ nhìn thấy tận mắt anh mới tin.
Hạnh Lâm nhếch môi:
− Tin hay không tùy anh.
Mắt long lên, anh nói như hét:
− Em nói dối.
Hạnh Lâm gục đầu xuống mệt mỏi chán chường.
Sau cái đêm đáng nguyền rủa ấy, cô đâm ra sợ đàn ông. Trong mắt cô, không một người đàn ông nào tốt, kể cả Long. Càng ngày, anh càng làm cô mệt vì sự đeo bám bền bỉ của mình.
Món nợ chưa trả buộc Hạnh Lâm phải dịu dàng chịu đựng anh. Mỗi lần gặp Long cô lại sống trong tâm trạng nơm nớp. Cô sợ Lan Anh tới quậy. Chỉ cần cô ta làm ồn ào ở bãi xe vài lần nữa thôi, chị em cô sẽ thất nghiệp ngay. Vì vậy, dù rất đau lòng, Lâm vẫn cương quyết dập tắt mọi hy vọng nơi Long.
Long đanh giọng:
− Hắn là ai?
Lâm trả lời nhát gừng:
− Chủ nhà hàng Sao Đêm.
Long há hốc mồm:
− Út Phú à?
− Anh cũng biết Phú sao?
Đứng dậy, Long đá mạnh cái ghế:
− Em điên rồi. Anh ta là chồng sắp cưới của chị Lan Anh. Anh ta là tay anh chị, nổi tiếng trăng hoa, ăn chơi bạt mạng ở Sài Gòn. Dây vào Út Phú, em sẽ khổ suốt đời.
Hạnh Lâm hơi bất ngờ vì lời Long vừa nói. Thì ra gã đàn ông đó có liên quan tới Lan Anh, mụ đàn bà cô đang căm ghét. Vừa rồi, vì quá bức xúc, Lâm đã nói đại tới hắn ta. Không ngờ Long lại biết Út Phú, lẽ ra cô phải nhớ chuyện Út Phú quen với Lan Anh chứ.
Phóng lao phải theo lao, Lâm nói đại:
− Tôi đã yêu nên không sợ khổ vì Út Phú.
Long nghiến răng:
− Vậy em sẽ khổ vì chị Lan Anh. Bà ấy là sư tử cái đấy.
− Tôi tin Long không nói lại với chị mình.
Long cười khẩy:
− Trái tim tôi tầm thường lắm nên tôi không dám hứa sẽ giữ miệng.
Anh đau đớn:
− Khổ sao nó vẫn ngu dại hướng về em.
Giọng Hạnh Lâm thật dịu:
− Hãy quên đi. Quên đi Long à.
Long lẩm bẩm một cách giận dữ:
− Tôi sẽ quên để Hạnh Lâm không bị gia đình tôi quấy rầy. Nhưng em cũng nên chia tay với gã đàn ông đó đi. Nếu không chị Lan Anh sẽ giết em đấy.
Rồi không nói lời từ giã, anh thất thểu bước tới chỗ dựng chiếc Dream, rồ ga hết cỡ, Long phóng vút đi.
Tự dưng Hạnh Lâm muốn khóc, nhưng nước mắt cô khô cạn cả rồi. Cô biết vừa rồi mình làm tổn thương Long rất nặng nề, khổ sao Lâm không thể làm khác được. Thà để Long hận cô rồi anh sẽ quên, còn hơn cả hai cứ kéo dài dai dẳng mãi.
Vừa đứng dậy, Hạnh Lâm bỗng thấy choáng váng, đầu óc quay cuồng, cô ngồi phịch xuống, mắt nhắm nghiền. Dạo này Lâm hay bị chóng mặt, có lẽ vì làm việc nhiều mà ăn uống không bao nhiêu, đã vậy còn bị những cú sốc quá lớn. Trông Lâm ốm thấy rõ. Nhưng cô đâu dám nghỉ ngơi, khi cơm áo, gạo tiền vẫn ám ảnh cô hằng đêm.
Ngồi một chút, Lâm từ từ đứng dậy, cảm giác chông chênh vẫn còn, nhưng cô vẫn phải đi. Cô vừa tìm được chỗ kèm trẻ, hôm nay là ngày đầu tới nhận việc, chỉ vì bị chóng mặt mà ở nhà thì không được.
Lục tìm địa chỉ, Lâm uể oải dắt xe ra. Phải chi trước đây cô đừng vì ham tiền trả nợ đi tiếp thị bia, mà bằng lòng với việc dạy kèm, có lẽ cô đâu khốn đốn thế này.
Nghĩ tới Út Phú, Hạnh Lâm lại hận, hận không thôi.
Rẽ vào con đường nhỏ, nhưng toàn là biệt thự cao cấp, Lâm tái mặt khi nhận ra nhà Phú cũng nằm trên đường này. Cô càng bất ngờ hơn khi nơi cô dạy kèm ở sát bên nhà anh ta.
Lấm lét như ăn trộm, cô nép xe sát vào giàn hoa giấy đỏ đưa tay bấm chuông lòng nơm nớp sợ gặp lại Phú.
Ra mở cửa cho Lâm là một phụ nữ đứng tuổi. Bà ta nhìn cô soi mói rồi hỏi trỏng:
− Cô giáo phải không?
− Dạ, vâng ạ.
− Hôm nay khỏi dạy. Ông bà chủ và con cái đi Đà Lạt chơi hết rồi. Thứ hai cô trở lại.
Không đợi Lâm hỏi thêm tiếng nào, bà ta đóng mạnh cửa lại. Hạnh Lâm chán nản quay xe thật nhanh.
Mới đạp được hai vòng xe đã tuột sên. Lâm lật đật leo xuống sửa. Chưa sửa được gì, cô chợt thấy trời đất tối sầm. Hạnh Lâm cố gượng nhưng không được, cô buông xe ngồi bệt xuống lề đường, mặc cho xung quanh nghiêng ngả...
Khi nhận biết mọi thứ thì... vật cô nhìn thấy trước tiên chính là gương mặt Phú.
Anh ta có vẻ vui mừng:
− Tỉnh rồi. May quá. Sao lại té xỉu trước nhà tôi vậy?
Hạnh Lâm ôm đầu nhăn nhó, cơn chóng mặt khiến cô buồn nôn. Cô cố dằn lại, và thều thào:
− Làm ơn lấy hộ chai dầu trong túi xách. Tôi chóng mặt quá.
Phú lăng xăng:
− Chắc bị trúng gió rồi. Để tôi giúp cho.
Phú xoa dầu vào màng tang cho Lâm, giọng có chút gì xa xót.
− Em xanh xao quá. Chắc làm việc nhiều lại ít nghỉ ngơi phải không?
Hạnh Lâm im lặng. Cô muốn nói lời gì đó châm chọc Phú cho bỏ ghét, nhưng Lâm không còn sức nữa. Cô để mặc anh giật gió cho mình.
Hai người chợt rơi vào im lặng. Lúc Hạnh Lâm đang khó chịu vì chứng chóng mặt hành hạ thì Phú lại khó chịu vì ray rứt. Phú biết sau đêm đó, Hạnh Lâm đã bỏ tiếp thị bia để kiếm tiền bằng nhiều việc khác vất vả và nặng nhọc hơn. Cô đang phụ rửa chén bát cho một quán hủ tiếu ở gần nhà trong lúc chờ xin được việc phù hợp. Hôm nay cô té xỉu trước nhà anh, không biết vì lý do gì.
Giọng bồi hồi, Phú hỏi:
− Em tìm tôi à?
Hạnh Lâm nhếch môi:
− Ông nghĩ vậy thật sao?
Phú thản nhiên:
− Em té xỉu trước cổng nhà tôi, nên tôi phải nghĩ như thế. Nếu đúng vậy càng tốt. Tôi rất muốn gặp lại em.
Ngồi bật dậy, Hạnh Lâm loạng choạng nhưng vẫn cứng rắn:
− Còn tôi thì không bao giờ muốn trông thấy ông.
Cười nửa miệng, trông thật đểu, Phú nói:
− Tiếc rằng điều ước ấy không thể, vì em đang ở trong nhà tôi, với chỉ mỗi mình tôi.
Hạnh Lâm lo lắng nhìn quanh:
− Ông nói thế là sao?
Phú tủm tỉm:
− Tôi đọc được ý nghĩ của em đấy. Sẽ không có chuyện đó xảy ra nữa, nếu em không tự nguyện.
Mắt Hạnh Lâm đỏ ửng vì tái xanh vì giận, cô buột miệng:
− Thật là bỉ ổi.
Tay vịn vào vách, Hạnh Lâm cố bước ra ngoài nhưng trời đất cứ nghiêng ngã, khiến cô không tài nào đi được.
Như chỉ đợi có thế, Phú lại ôm choàng lấy Lâm. Cô vùng ra:
− Đừng đụng vào tôi.
− Em sẽ té đấy.
− Kệ tôi.
Hạnh Lâm ứa nước mắt, cô căm ghét bản thân hơn bao giờ hết. Đang cần sức khoẻ để làm việc, cô lại bệnh.
Đúng là khốn khổ.
Phú trầm ngâm:
− Tôi biết em rất căm ghét tôi. Tôi rất tiếc và thật lòng muốn bù đắp cho em.
Lâm nấc lên khi bị chạm vào nỗi đau.
− Tôi không cần vì không có sự bù đắp nào thỏa đáng hết.
Phú thở dài:
− Tôi hiểu. Chỉ mong em đừng oán hận tôi.
Hạnh Lâm mím môi:
− Đừng vờ đạo đức giả nữa. Tôi ghê tởm lắm.
Phú đanh giọng:
− Em nặng lời quá rồi đấy. Nếu đặt vấn đề đạo đức ra đây, chính em mới giả dối. Đêm đó tôi không hề ép buộc, em đã ngoan ngoản theo tôi về, ngoan ngoãn lên giường...
Hạnh Lâm mím môi, vung tay lên nhưng Phú đã giữ lại được. Anh ôm cô thật cứng giọng ỡm ờ:
− Tôi rất thích những cô gái có cá tính như em.
Sự đụng chạm của hai thân thể làm Hạnh Lâm bàng hoàng, cô cố vùng ra chừng nào, Phú càng giữ chặt chừng ấy.
Nắm tay Lâm đấm như gõ trống vào ngực anh, nhưng bởi cô cố giằng ra khỏi anh, nên hông cô lại áp sát vào Phú hơn, cơ thể Lâm như dính vào những cơ bắp cứng rắn của cơ thể đàn ông.
Trước khi kêu lên được một lời, môi cô đã áp sát vào răng đay nghiến bởi sức lực tàn bạo của miệng Phú. Cái điệu anh hôn Lâm khác hẳn Long, nó thật thô tục như người đàn ông đi tìm lạc thú ở những ả giang hồ. Lâm ù cả hai tai, tim cô đập hoảng loạn còn trái tim Phú vẫn đập đều đặn bình thường dưới bàn tay cô.
Đôi môi Hạnh Lâm bị chiếm đoạt nhanh bao nhiêu thì cô được thả buông nhanh bấy nhiêu. Nhưng tay Phú vẫn giữ chặt hông cô, áp sát cô vào tường.
Lâm ngẩng đầu nhìn Phú bằng tất cả căm thù. Cô áp chặt mu bàn tay vào miệng đang đau nhói như muốn xóa đi hết mọi dấu vết về cái hôn phỉ báng này.
Phú hỏi với nụ cười chế nhạo:
− Sao vậy? Em không thích sao, bé con?
− Không.
Hạnh Lâm rít lên đầy oán hận. Phú lại cười:
− Nếu tôi lập lại lần nữa bảo đảm em sẽ thích.
Mắt Lâm long lên:
− Ông là đồ đê tiện!
Phú đẩy cô ra, giọng cộc lốc:
− Em biến khỏi đây vừa rồi.
Anh quay gót bước lên lầu và biết mất sau khung cửa. Còn lại một mình giữa phòng khách rộng mênh mông. Hạnh Lâm cố nén nỗi uất hận xuống rồi loạng choạng bước ra sân.
Cái xe sút sên nằm kềnh bên gốc ngọc lan như một thách thức buộc cô phải đối diện với thực tại. Lâm ngồi xuống cố gắn sợi sên vào dĩa nhưng không nổi. Cô đành ngồi gục ngay gốc cây mặc cho nước mắt tràn đầy trên má.
Mãi một lúc sau, Hạnh Lâm mới nghe giọng Phú châm chọc:
− Vẫn còn ăn vạ ở đây sao? Thật ra em muốn gì?
Hạnh Lâm không trả lời, Phú mở toang cổng, ngoắc một chiếc xe xích lô, anh sỗ sàng kéo cô lên ngồi kèm với chiếc xe đạp càng tàng. Dúi tiền cho bác tài, Phú hất hàm ra hiệu đưa Lâm đi rồi đóng mạnh cửa sắt lại.
Đốt điếu thuốc, Phú đi loanh quanh trên khoảng sân rải sỏi, lòng thoáng chút ân hận vì thái độ vừa rồi đối với Hạnh Lâm. Thật ra, cô tìm anh để làm gì? Mà phải Lâm tìm anh không? Sao cô lại té xỉu trước nhà anh chứ?
Có lẽ Hạnh Lâm cần giúp đỡ nhưng cô ngại mở lời. Nếu cần ở Phú sự giúp đỡ thái độ của cô phải khác đi chớ. Chẳng lẽ cô tình cờ đi ngang đây rồi ngất xỉu?
Phú rít thuốc và thấy mình lẩm cẩm với những thắc mắc chẳng đâu vào đâu. Tại sao anh cứ tự trói buộc mình vào một trách nhiệm? Nếu sợ trách nhiệm tại sao anh không bỏ ra một món tiền để mua lại sự thanh thản cho lương tâm?
Dẫu sao chuyện cũng đã rồi, cứ để đồng tiền làm nhiệm vụ mua bán của nó. Anh nhờ Nhật, hắn biết cách ăn nói, nhất định sẽ dàn xếp được cho anh mà không làm Hạnh Lâm xấu hổ hay tự ái.