To acquire the habit of reading is to construct for yourself a refuge from almost all the miseries of life.

W. Somerset Maugham

 
 
 
 
 
Tác giả: Xuân Vũ
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 12
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1703 / 26
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3 -
ột hôm bà Phước Lộc Thọ bảo thằng Nam:
- Bây giờ mày kêu tao bằng má, chịu không?
- Sao vậy cô?
- Hồi nhỏ tới lớn mày có đóng kịch chưa?
- Dạ có. Con có đóng nhiều vai kịch trong trường vào lúc mãn khoá.
Bà Phước Lộc Thọ xua tay:
- Ối cái thứ kịch trong trường học đó vứt đi. Kịch ở trường đời mới đáng kể.
Thằng Nam ngơ ngác. Nó không hiểu bà muốn nói gì. Bà tiếp:
- Thì từ hôm đó tới nay mày không đóng kịch với tao là gì? Cô cô cháu cháu ngọt xớt. Mấy ông gác cổng, mấy ông quản giáo cứ tưởng mày là cháu ruột của tao, nên họ mói để cho mày ra vô tự do vậy chớ!
- Dạ, cô cũng đáng tuổi cô của cháu.
- Đáng tuổi thì thiếu gì người. Sao mày không gọi mấy người đó bằng cô mà chỉ gọi tao thôi? Đời này là một vở kịch không có màn cuối mà cũng không ai biết màn đầu ở đâu và bắt đầu từ lúc nào? Cái sân khấu diễn vở kịch này là khắp nước Việt Nam, có thể nói rộng ra là cả quả đất. Còn đào kép thì ôi thôi, vô số kể, da trắng, da vàng, da đen, da đỏ, mắt xanh, mắt đen, tóc quăn, tóc bới đủ thứ hằm bà lằn, không có thầy tuồng nhưng họ diễn rất là xuất sắc. Họ vừa là đào kép vừa là khán giả, mày hiểu không, diễn đó rồi coi cũng đó. Khóc xong lại cười, cưòoi xong lại khóc.
Bà Phước Lộc Thọ ngưng một chút rồi tiếp:
- Mày phải tập đóng kịch ngoài đời, nếu mày muốn thành công trên trường đời. Đây này tao bảo cho mày nhìn rõ. Thằng Mỹ vừa đóng một vở kịch và hạ màn giữa lúc không ai ngờ..Thằng Hà Nội cũng vừa diễn xong một trò múa "rối nước" thiệt hay!
Thấy Nam trố mắt, bà Phước Lộc Thọ tiếp:
- Thằng Mỹ long trọng hứa với ông Thiệu là sẽ phản ứng mạnh nếu Hà Nội tấn công nhưng họ lì không động binh, để cho CS mặc sức tung hoàng một mình một chợ. Hơn thế nữa họ còn trói tay quân đội...cho CS làm thịt, giữ tuớng ta không cho ở vị trí chỉ huy, cắt quân viện kinh viện, không tiếp tế xăng nhớt. Một màn bi hài kịch mà chính lính và tướng tá Mỹ cũng bất ngờ. Họ vừa rút quân vừa khóc ấm ức. Không hiểu tại sao đang chiến thắng lại rút lui bỏ đồng minh của mình đơn độc trên chiến trường như thế?
Thằng Nam trố mắt nhìn bà thầy giảng chính trị. Nó chỉ hiểu lơ mơ. Ra thế, cho nên quân đội ta không đánh được. Một người như bố Nam có hai mươi mấy năm quân vụ mà đành phải thúc thủ.
Bà thầy giảng tiếp:
- Còn bọn CS Hà Nội cũng diễn trò rối dưới mấy ngón tay của Nga Xô. Nó chỉ hành động theo sự co giật của mấy ngón tay ngoại quốc. Đó mày có thấy không, mấy thằng tướng VC và mấy tên Trung Ương vô Sài gòn tha hồ chở máy lạnh, TV về Hà Nội. Có thằng chở cả 10 xe mô-lô-tô-va đầy nhóc.
Thằng Nam hỏi:
- Sao cô biết rõ vậy?
- Trời ơi! Tao làm bộ khặc khừ giả đui giả điếc chớ chuyện gì tao không biết mày nhỏ! Giải phóng đất nước khỏi tay Mỹ Ngụy để vô đây ăn cướp như vậy đó hả? Những ai mơ giải phóng trước đây bây giờ tàn cơn mơ hết rồi. Cho nên thậm thút dắt đường Việt Cộng, trước nhà treo bảng "NHÀ TÔI KHÔNG CHỨA VC" nhưng bên trong vợ chồng nhường phòng cho anh Ba anh Tám ở. Còn mấy ông có quyền thì bán thẻ bọc nhựa cho VC. Một tên giắt mấy thẻ trong lưng, cảnh sát làm sao mà bắt được? Như thế bảo sao không mất nước?
Thằng Nam lùng bùng lỗ tai. Nó ngồi lặng thinh nhìn bà Phước Lộc Thọ, tưởng như ai khác chớ không phải bà thầu thăm nuôi.
Bà Phước Lộc Thọ lại tiếp:
- Ba mày nằm trong trại hận tràn lòng ông bạn đồng minh nhưng còn làm gì được. Ổng đã cuốn gói rút lui trong danh dự về tuốt ở bển rồi. Hừ, cái tên khổng lồ, chân đất sét, chọc cứt không nên lỗ, báo hại mấy thằng VC mất công vô đây canh gác cả triệu lính đi ỉa đi đái thối cả rừng núi. Nè, tao nói thiệt nghe nhỏ. Mới đầu tao sợ họ lắm. Tao tưởng họ cần kiệm liêm chính như mấy cái khẩu hiệu to bằng người kẻ trên tường, nhưng dần dần tao thấy họ cũng dễ thương và ăn tạp còn tổ cha mấy ông cũ. Giấy xanh cũng nhai, giấy đỏ cũng nuốt, nhà lá cũng xơi, nhà lầu cũng dộng, vườn trà rẫy nương cũng không tha. Cọp 30 beo gấm 54, hay sư tử 75 đều khờ ịt. Khi nghe mùi tanh phất qua lỗ mũi đều mất hồn cả mày ạ. Nhờ vậy tao mới đứng ra thầu thăm nuôi chớ. Cái nghề này ơn cũng nhiều mà oán cũng hung. Làm kết quả thì họ tung hô. Thất bại thì mắng như tát nước vô mặt. Nhưng mặc dù may rủi tại Trời, tao cũng cố nhắm mắt nhắm mũi mà làm. Trước là đỡ khổ cho anh em mình, sau là tao cũng có cái bỏ vào cái lỗ...miệng. Trời ơi! nhiều lúc đứng gần tụi nó tao muốn phát điên lên, tao muốn chẻ đầu tụi nó ra rồi đi cải tạo luôn. Nhưng nhìn lại cái thây tao như vầy, vô đó ăn khẩu phần tù, chắc tao chết sớm nên tao giằn bớt đó mầy. Mầy mới lớn lên chưa ra đời dẫm gai dẫm gốc, chưa biết cái vinh cái nhục trên đời. Mày có học sử, mày có nghe thầy mày giảng về bài học ăn cứt kẻ thù mà vẫn khen ngon không? Lắm lúc phải đóng kịch như vậy đó. Nó đắng cay chua chát lắm!
Bà Phước Lộc Thọ ngưng một lúc, bà ngó ra ngoài ngó quanh nhà rồi nhỏ giọng lại:
- Bữa nay tao hỏi thiệt mày. Mày biết ông dượng của mầy là ai không?
- Dạ thì là ông Dượng chớ còn ai.
- Nhưng mà gốc gì?
- Dạ cái đó con không rõ.
Bà Phước Lộc Thọ cười, bảo:
- Con rõ làm sao được! - Rồi bà đi vào buồng lục lạo một chốc trở ra, bà giơ tay "chào đồng chí đại tá con!"
Thằng Nam giật mình khi thấy cái nón cối úp trên đầu người đàn bà với ngôi sao vàng lồ lộ. Bà Phước Lộc Thọ nói:"- Ông Dượng của mày như thế đó đó. Đỏ hoéc chớ không phải xanh lè đâu, nhưng xáp với tao là vì....cái mùi tanh tao mới vừa nói đó"
Thẳng Nam ngẩn ngơ. Bên trong cánh gà sân khấu có quá nghiều bí ẩn, nó không hiểu nổi. Cái tuổi non nớt của nó làm sao hiểu nổi vở kịch Đồng Minh, trò múa rối của Nga Xô và cái lớp sơn xanh đỏ chung sống hoà bình này cho nổi.
Bà Phước Lộc Thọ nói:
- Gia đình tao cũng không khác gia đình mày bao nhiêu. Chồng tao là đại tá tỉnh trưởng này. Ông ta không đầu hàng nên chúng nó bắt đi biệt tích tao mới vừa tìm ra. Gia đình tao cũng phải đi kính tế mới. Được ít lâu ông "Dượng" mày lên lãnh về. Ở đời này có ai cho không caí gì! Người ta vớt tao ra khỏi kinh tế mới không phải là một việc phước thiện...Các con tao không đồng ý nên không sống chung trong một nhà với tao như trước nữa. Nhưng chúng nó biết đâu sanh mạng của bố chúng đang nằm trong tay người ta. Tao không thể để cho bố chúng nó chết.
Hôm vô trại Võ thị Sáu tao hơi gặp trục trặc vì mấy ông lớn mới đổi lại chưa giao tiếp với ông "Dượng" mày. Ông ta là chúa tể vùng này, với bí danh là Năm Ẹo. Ông ta cho phóng viên đăng bài nói rằng sở dĩ ông đi ẹo ẹo là trước đây ông bị B52 vùi làm hỏng xương sống. Trong vùng này ai muốn gì phải được Năm Ẹo gật đầu. Tao nói vậy cũng chưa hết đâu. Nhưng đại khái để cho mày hiểu rằng, như tao nói lúc nãy, cuộc đời này là một tấn tuồng kinh hoàng cùng diễn một lúc trên sân khấu, nhưng ở góc này thì bi, góc kia lại hài. Như trong căn nhà bé nhỏ này cũng có một vở kịch, trước đây chỉ có hai vai chánh, bây gìờ thêm một vai phụ là mày đó. Tuy là vai phụ nhưng phải đóng cho khéo nghe con. Rồi đây sẽ còn một màn kịch mà mày phải đóng với tao. Trước khi ra sân khấu mày phải tập cho thuộc làu. Vì thế tao mới bảo mày kêu tao bằng má là thế đó. Và từ rày mày kêu như thế luôn, không thay đổi nữa.
Thấy thằng bé ngồi tần ngần, bà Phước Lộc Thọ tiếp:
- Mày ra đường gặp cọp 30 hoặc beo 54 hạch hỏi mày cứ bảo mày là con Năm Ẹo thế là đi xuông hết. Cũng như thiên hạ chế diễu tao:"Người ngay mà lấy tên Ẹo." Tao chỉ cười! Có sao đâu! Đời là một tấn kịch mà! Thì tao là con đào hạng bét hay đào thương còn hắn là kép nhứt hay kép nhì thì cũng thế thôi!
Bỗng có tiếng chân ngoài trước, bà Phước Lộc Thọ bảo:
- Ổng về đó!- rồi bà tất tả chạy ra mở cửa.
Một người đàn bà ẳm con vào mắt sưng húp. Bà mếu máo:
- Xin bà giúp cho cháu xin xác chồng cháu về.
- Ông ở trại nào thế?
- Dạ trại Bà Rá!
- Trại đó thuộc phạm vi này tôi có thể xin được. Bà ngồi kể cho tôi nghe xem trường hợp thế nào?
- Dạ tôi lên đó thăm nuôi chồng tôi. Nhưng chồng tôi không được ra gặp tôi, họ đòi tôi phải...dạ khó nói quá hà!
- Rồi thế nào?
- Rồi anh ấy tự vận! Quản giáo bảo đó là hành động chống đối chế độ nên không cho tôi xin xác về quê. Quản giáo đã cho chôn nhưng không đắm nấm.
- Luật đâu có cái luật kỳ lạ vậy?
Xảy đâu ông đi về. Bà kể lại câu chuyện. Ông bảo:
- Tụi này làm hỏng chính sách của đảng hết. Đồng chí Phạm văn Đồng khi bái tổ vinh qui ở Quãng Ngãi có bảo là chỉ cho tù nhân ăn ít làm nhiều để giảm sức đề kháng của chúng nói thôi chớ đâu có bảo không cho gặp vợ đến thăm, cũng đâu có bắt chết chôn không đắp nấm? Làm như thế này bọn Ngụy sẽ không tự nguyện đi cải tạo mà sẽ tùng tam tụ ngũ chống chế độ cho xem. Chúng ta phải luôn luôn thi hành chính sách khoan hồng của đảng là cho ăn ít mà bắt khổ sai nhiều thôi.
Bà Phước Lộc Thọ hỏi người đàn bà:
- Chồng cô cấp gì?
- Dạ đại úy!
- Đại úy binh chủng nào?
- Dạ pháo binh!
- Chậc! Chậc!...Bà Phuớc Lộc Thọ chắc lưỡi to còn hơn thằn lằng- Pháo binh nên họ oán thù thế đó. Thứ nhất tình báo, thứ nhì pháo binh, thứ ba thủy quân lục chiến.
Ông Phước Lộc Thọ hỏi gặn:
- Cô kể có đúng sự thực hay bịa ra đó?
- Dạ đúng sự thực.
- Quản giáo tên gì cô biết không?
- Dạ không ạ!
- Thôi được rồi, cô về lập bàn thờ phượng đi, còn cái xác đã chôn rồi bốc lên phiền phức.
- Dạ để ở đó heo ủi, chó cào người chết không nằm yên được. Cháu đem về quê làm mộ tử tế hằng năm mới tảo mộ nhang khói được ạ!
Ông Phước Lộc Thọ nói giọng nghiêm trang:
- Hàng ngàn người như thế chứ phải một mình chồng cô thôi sao! Có người bị suối cuốn mất xác, có người đi lao động rồi biệt tích luôn. Đội bảo vệ đi tìm hàng tháng trời mà không ra. Thì cũng chịu thôi chớ làm gì được!
Người đàn bà buông đứa bé trên ghế rồi sụp lạy:
- Ông bà giúp cho cháu làm phước. Tổn phí cháu lo hết. Miễn cháu đem xác chồng cháu về được quê thì thôi.
Ông Phước Lộc Thọ cười ngất:
- Lính Sài Gòn rắc rối thật! Đi chiến trường, tử đâu táng đấy chớ đem về sao được? Như lính bác Hồ chết trên Trường Sơn mất tích mấy trăm ngàn, làm sao tìm cho hết? Đến như giấy báo tử đến nay cũng chưa gởi về gia đình cho họ được nữa là mồ mả!
Bà Phước Lộc Thọ sợ ông lòi đưôi bèn trừng mắt, nhưng ông cứ nói lướt tới:
- Đó là sự thật mà! Bây giờ gia đình của họ làm đon khiếu nại tùm lum thì làm sao mà bưng bít? Khổ một nỗi là xương cộng hoà với xương cộng sản cũng giống nhau thôi, làm sao mà phân biệt được?
Bà Phước Lộc Thọ gạt ngang:
- Người ta đang cần, ông ở đó mà đùa! Thôi, tiện việc lên đó ngày mai, tôi sẽ nói giúp cho cô, không phải tiền công đức gì cả.
Người đến nhờ xin được đi thăm nuôi bữa nay đến chật nhà. Bà Phước Lộc Thọ tiếp chuyện không xuể phải nhờ thằng Nam giúp ghi tên tuổi, địa chỉ, yêu cầu đáp ứng những gì v.v.
Một bà cụ nói:
- Con tôi lỡ dại, nó đánh lính gác lao động. Có gì đâu nó giỡ củ mì ngoài rẫy. Nó đói quá lén ăn sống một củ. Lính gác bắt được nện báng súng vào mặt nó. Nó đánh trả lại nên về trại bị phạt cấm cố. Tôi đến thăm nuôi, nó không được ra cho tôi nhìn nó một chút. Đồ ăn đem cho nó hư thối tôi phải cho chó mèo ăn hết. Còn đường thuốc kí nhinh và mấy sợi cao su để làm quai dép, quần tiều thì mang về. Mấy chuyện đó không đáng kể, tôi nghe mấy người lính nói nó có thể bị tử hình. Tôi lạy bà chạy dùm cho nó khỏi cái án đó.
Một người đàn bà vừa khóc lóc vừa báo cáo:
- Chồng tôi vượt ngục bị bắt không biết bị đưa đi đâu? Nghe nói có mấy người trong toán bị bắn chết, nhưng tôi hỏi tên gì thì mấy người lính nói không biết. Nếu quả thật chồng tôi chết thì cho tôi xin xác về chớ để lộ thiên ngoài rừng như vậy cọp tha beo gậm tủi vong linh người chết, đau lòng người sống tội nghiệp.
Những trường hợp bà Phước Lộc Thọ được nghe đều rắc rối cả chớ không đơn thuần thăm nuôi, nhưng bà đều hứa chắc như bắp.
Các gói đường đậu nếp chất đầy một góc nhà lớp mới đem đến lớp cũ tồn đọng lại không có cách nào giải quyết, bà Phước Lộc Thọ đem gởi mấy tiệm hàng xén bán đổ bán tháo. Nhưng họ đâu có bán như bà Phước Lộc Thọ tưởng. Họ bán theo giá chợ đen và cho bà chủ giá đặc biệt. Tội nghiệp thân nhân của những người tù dành dụm tiền bạc mồ hôi nước mắt để tiếp tế cho chồng con rốt cuộc cần một thìa đường trong cơn hấp hối mà không tìm đâu ra, trong lúc bọn con buôn thì cứ béo núc lên vì các của hời đó.
Những thân chủ của bà Phước Lộc Thọ ngủ lăn khan trong nhà tràn ra cả ngoài thềm. Có người ăn ở trong nhà bà hằng tháng để chờ bà bắt được một cái mối. Nhiều người sạch cả túi phải bán cả nữ trang. Thì cũng chính bà Phước Lộc Thọ mua chớ ai thò tay mặt đặt tay trái vô đây?
Một hôm đợi khách về hết, ông bèn sai thằng Nam đi mua đồ. Ở nhà ông bàn với bà:
- Cái nghề thầu thăm nuôi này làm ăn cò con lắm. Mình nên giao lại cho người khác và chỉ lấy hoa hồng, 5,7 phần trăm gì đó thôi. Hiện giờ trong Sài Gòn có mối mần ăn lớn. "Cây" vô rần rần. Họ đang cần người để chạy lo công việc. Nhưng phải là người thâm niên đảng và tham gia cách mạng càng lâu càng tốt. Tôi đã chịu miệng với anh em rồi.
Bà Phước Lộc Thọ bảo:
- Chuyện làm ăn gì, ông nói tô nghe coi có được không? Món thầu này tuy không phát to nhưng sống cũng khoẻ. Liệu cái việc của ông có bền không?
Ông nghiêng đầu rù rì với bà:
- Hiện nay dân rùn rùn vượt biên. Đảng biết rõ cái tâm lý đó nên cho ra đời một tổ chức bí mật hoạt động dưới sự lãnh đạo của một ủy viên bộ chính trị có thế lực nhất trong Nam, có hàng trăm bến bãi nằm trong tay cách mạng, mình tha hồ bán buôn.
- Việc gì cứ nói ra, cứ đi vòng che đảng với chả điếc, ai biết là công tác gì.
- Đó là bán thủ cấp vượt biên.
Bà Phước Lộc Thọ dãy nảy và kêu lên:
- Ôi thôi thôi, tôi không dám nhúng tay vô máu đâu!
Ông đính chánh:
- Đó là danh từ trong nghề chớ không phải chặt đầu rẳn cổ ai hết. Cách mạng đâu có giết người bậy bạ vậy! Bà phải biết trong cải cách ruộng đất đảng vừa giết vừa truy bức bỏ tù chưa đến 1 triệu người mà Hồ chủ tịch còn khóc sướt mướt xin lỗi toàn dân, huống chi là chặt đầu dân miền Nam luôn luôn ở trong tim Bác? Bán thủ cấp vượt biên có nghĩa là mỗi đầu người trước khi xuống ghe đi bất kể có thoát hay không thoát mũi súng của Hải quân cũng phải đóng 6 cây.
Trung ương qui định 3 cây, nhưng mình tự động tăng gấp đôi. Mỗi thủ cấp mình lời được 3 cây. Nếu thấy dân đi đông thì mình tăng lên 7 cây, rồi 8-9 cây. Cái mở-nu Tự Do quí lắm nên họ mua bất cứ giá nào. Tôi biết bà miệng bằng tay, tay bằng miệng, công tác mới hợp với ba cái việc thăm nuôi cò con này! Bà ôkê thì tôi nhận công tác ngay!
Bà Phước Lộc Thọ ngồi êm ru một chút mới nói:
- Ông muốn tính sao thì tính!
Thằng Nam từ ngày dẫm chân vào trường đời đã học khôn được nhiều. Nhất là mấy lúc gần được đóng kịch chung với bà cô yêu qúi, nó càng học được nhiều tiết mục.
Cho nên lúc nãy khi ông Phước Lộc Thọ sai nó đi mua đồ nó sanh nghi hai ông bà bàn chuyện quan trọng. Sau khi cánh cửa đóng ập lại, nó đứng nép mình bên chậu kiểng và ghé tai vào lỗ khóa mà nghe lén. Chớ không phải để cho câu chuyện dễ dàng lọt qua kẽ vách rồi chui vào tai mình một cách tự nhiên.
Nghe vừa dứt câu chuyện nó đập cửa rầm rầm. Ông Phước Lộc Thọ bước ra mở cửa. Nó giơ hai tay không và ngoẹo cổ một cách thất vọng bảo là không có món nào hết. Ông Phước Lộc Thjọ lấy làm hài lòng nhưng ông lại sai nó đi mua tiếp. Nó có biết đâu ông hồ nghi nó nghe lén. Nó cũng đoán thế nên lần này nó không kề tai vào lỗ khóa nữa mà nó ngoan ngoãn chạy đi! Còn ông Phước Lộc Thọ thì hé hé màn cửa sổ thấy thằng bé chạy xa rồi mới trở vào bàn tiếp với bà:
- Một mối đẻ ra mấy mối. Mình sẽ đem số nữ trang mình mua rẻ lâu nay ra bán với giá đặc biệt. Đám vượt biên bán nhà bán cửa để đi, mình mua luôn cũng với giá đặc biệt. Riêng tuị Ba Tàu lâu nay làm giàu trên xương máu của dân mình, bây giờ mình lột lại trừ. Lừa thằng bịp, và gỡ tay thằng ăn cướp, đều không có tội. Bà biết không? Bộ chính trị đang dự trữ vàng để hoạt động công tác đảng ở nước ngoài lẫn trong nước. Ông Phước Lộc Thọ rỉ tai bà một hồi lâu rồi phá lên cười và dặn:
- Tôi chỉ noí với bà chuyện đó chớ không nói với ai khác. Bà đừng có bép xép cái miệng, họ không cho mình vô công tác đó nghe chưa?
Ít hôm sau trong lúc ông đi vắng nhà, bà gọi thằng Nam đến bảo:
- Mày ngồi đó, tao có câu chuyện muốn nói với mày! Tao nói thiệt với mày bữa hổm rồi! Bữa nay tao nói thêm chút nữa. Mày còn ít tuổi hơn con trai út của tao. Tao theo đạo Phật có tánh thương người nên hay cứu giúp người trầm luân. Thấy hoàn cảnh của mày tao thương hại. Nhưng đã đến mấy trại rồi không tìm thấy ba mầy. Cấp của ổng chắc chắn không có ở trong này. Bây giờ tao lại phải dời vô ở trong Sài Gòn làm công việc khác. Cái vụ đóng kịch thôi, xếp lại đó. Tao mách cho mày một ít kế để tùy thân. Mày nên nhớ rằng cuộc đời này là một vở tuồng không có màn cuối. Mày ra đi rồi hãy nhớ thêm điều nữa: tao sẽ tự vận khi cứu được chồng tao ra. Thôi mày đi, mạnh khoẻ và cố tìm cho được ông già!
Thằng Nam không đòi hỏi gì hơn. Dù sao bà Phước Lộc Thọ cũng đã giúp nó đến được mấy trại. Trời chưa cho cha con trùng phùng bây giờ. Thì đành chờ lúc khác vậy. Bà Chúa núi Sam đã bảo: từ thanh xuân tới bạch phát là gì?
Rồi nó từ giã ông bà Phước Lộc Thọ. Ông bà có vẻ ngậm ngùi. Bà cho nó đi nhờ xe ra tới quốc lộ và thả nó xuống bên lề.
Trên đường xe cộ dập dìu. Buị bốc mịt mù. Chắc là những người ngang cấp với ba nó được lọc ra từ các trại để đưa ra Bắc! Nó lầm lũi bước không có ý định xin quá giang xe nữa. Biết đâu trời thương nhỏ phước xuống cho nó. Nó thầm van vái bà chúa núi Sam.
Nó không biết đi đâu nữa, cứ men theo ven quốc lộ mà đi. Nó vừa bước vừa nhớ lại câu chuyện của ông bà Phước Lộc Thọ: bán thủ cấp dân vượt biên. Trời ơi! Công việc làm ăn gì lạ vậy? Người ta ai chẳng ham vàng. Thế cho nên bà Phước Lộc Thọ không thầu thăm nuôi nữa. 6 lạng vàng một chỗ ngồi dưới ghe. Sống chết không cần biết. Nó nhớ tới ahì chị của nó Loan và Phượng. Tay yếu chân mềm, cào cấu ở đâu ra cây để đi? Sóng gió trùng dương? Má bây giờ ở đâu? Về được quê ngoại hay bơ vơ phương nào? Tuổi già không có con cái bên mình, khổ biết bao.
Nam tự trách mình sao đã ra đi trong lúc gia đình lâm vào hoàn cảnh như vậy? Nhưng nếu không đi thì chắc Nam sẽ tự trách mình tại sao không đi tìm ba?
Một con trâu bên đồng chen qua bụi cây nhảy chồm lên đường nện móng cộp cộp trên mặt đá. Một thằng bé xách con roi đuổi theo miệng la ỏm tỏi:
- Mày chết! Mày chết! Mày lên đường, xe cộng sản nó cán mày bây giờ!
Nam sẽ sung sướng biết bao nếu được làm thằng chăn trâu lúc này!
Đứa Bé Đi Tìm Cha Đứa Bé Đi Tìm Cha - Xuân Vũ