Bí mật của thiên tài là có được tinh thần của trẻ con khi mình đã lớn, có nghĩa là không bao giờ mất nhiệt huyết.

Aldous Huxley

 
 
 
 
 
Thể loại: Kinh Dị
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 16
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1284 / 25
Cập nhật: 2018-08-18 10:47:52 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3
à gáy canh tư thì lão Bành buồn đái, lão mở mắt nhìn quanh. Ngôi nhà trống hênh bốn bề gió thổi. Lão cố ngóc đầu đảo mắt nhìn quanh, ở chỗ cái nong đã rách cạp, những đốm lân tinh xanh lè trong cái đèn chai còn nhờ nhờ sáng nhưng vẫn đủ để lão nhìn thấy mấy đứa trẻ nằm co quắp bo nhau ngủ. Gió từng cơn vẫn thổi rào rào trên mái lá. Bọn trẻ vẫn ngáy kho kho, trong tiếng ngáy của chúng làm lão Bành chạnh lòng nghĩ ngợi. Lão nhớ từ thuở lão xách cái bị rách đến đây, ngày ngày đi nhào đất đắp tường thuê, tối về nép cái bạnh đa ở chợ Thông ngủ. Bà cụ Đỡ ra sông gánh nước thấy lão khổ sở, bà cụ bảo về ở với bà. Thương cảnh ngộ lão, lại hiếm hoi con cái bà nhận lão làm con nuôi. Từ ấy lão thành dân làng Thông. Nhờ bóng bà lão lấy được cô Khăn con gái của bà Vuông. Làng ai cũng mừng và bảo bà cụ nhặt được của để nương tựa lúc tuổi già. Ai ngờ khi đã nên cơ, nên nghiệp lão lại sinh lòng sấp ngửa, lão hiềm khích với người em dì vì cái cơ nghiệp của bà cụ Vuông. Gặp buổi làng xã vùng lên đánh đổ địa chủ phong kiến cường hào, mượn gió bẻ măng lão vu khống, bịa đặt ra nhiều chuyện bất lương làm mất mặt bà cụ Đỡ, người từng cưu mang lão phải nghĩ ngợi mà chết. Còn gia đình bà cụ Vuông và cô Khăn vợ lão phải bỏ làng đi mất tăm. Chuyện này lão cũng không nhớ rõ đầu đuôi nữa nhưng khi cô Khăn bỏ đi, lão sinh ra rượu chè, nhà cửa lão bán sạch, ruộng vườn lão cho làm dẽ. Ngày thành lập hợp tác, lão là người tiên phong nhập ruộng đầu tiên. Lão trở thành người rảnh rang, ông đội trưởng cắt công đi làm việc gì lão làm việc ấy. Làm đầm đơ cốt để có công, có điểm. Đến mùa cứ tính công, tính điểm mang thúng ra nhà kho lấy lúa. Được bao nhiêu chén bấy nhiêu, nhờ có hợp tác mà lão lại bở, lại an nhàn có miếng ăn miếng để. Thế là lão lại tính đến việc có một đứa con. Một buổi tối lão nhòe rượu, lão lại lần mò đi tìm cô Khăn, nhưng tìm đâu ra, lão tần ngần rồi khoác cái áo lên người, hai tay xòa vào vại nước vuốt mái tóc sang hai bên, lão lững thững đi về phía nhà bà Cúc, mẹ thằng Hữu bây giờ. Bà Cúc đang bo con ngủ, thấy có tiếng lạch cạch ngoài cửa bà lừa con rón chân ra mở cửa. Lão lù lù cứ thế bước vào, Bà Cúc một phần nể, một phần sợ, bà cứ đi giật lùi, lão cứ sấn tới. Cuối cùng bà đành để im kệ lão muốn làm gì thì làm. Một bận, hai bận rồi lão quen. Lão cứ ở lì đấy, khỉ gió những lúc ấy lão lại rất siêng năng làm lụng. Lão thành lao động chính trong nhà. Bà Cúc động lòng, bà bấm bụng cho thế cũng tốt. Để lão ấy ở đây làm cái cột cho các con nó dựa cũng chả sao, trong nhà có người đàn ông vẫn cứ hơn. Ngày bà có mang lão sướng đến phát rồ, lão làm cái diễu to, chiều nào cũng ra đồng Cây Mơ thả, khi diều bay lên lão vừa reo, vừa khóc. Lão sướng vì lão sắp có con. Lão sẽ không phải là thằng cụt cuối như người làng Thông vẫn giễu lão nữa. Còn lão khóc vì lẽ gì lão cũng không biết được. Nhưng cái niềm vui ấy chỉ đến với lão trong chốc nhát rồi nó nguội tắt đi ngay, nó giống như ngọn lửa vừa nhòe lên đã gặp một cơn mưa rào to đổ xuống. Chuyện xảy ra lão còn nhớ in. Một buổi thằng Hữu đi chăn trâu trong đồng Bẩy Phần, nhọ mặt người rồi mà chả thấy nó về. Bà Cúc cứ gọi ngược gọi xuôi vẫn không thấy tiếng nó đáp lại. Thấy bọn thằng Tùng bảo nó thả trâu mãi trong núi Bẩy Phần, bà Cúc tái mặt, bà sợ trong núi còn beo, bà cắm đầu chạy, không may đến chỗ đập Ao Phai bà bị vấp ngã nhào xuống đập. Lúc ấy đám thằng Hữu cũng vừa lùa trâu về tới, thấy bầm đang giãy giụa dưới đập, chúng la ó lên. Làng xóm đổ đến, lôi được bà lên bờ. Bà bị băng huyết và đứa con của lão Bành đang còn nằm trong bụng bà cũng không được thành người. Sau đó bà lại lâm bệnh rồi qua đời. Từ ấy lão Bành chút tất cả căm phẫn trong lòng mình lên đầu chị em thằng Hữu. Ngày lão lột đôi mấm của chị Sơn đi đổi lấy rượu uống, cái kỷ vật thiêng liêng của mẹ để lại cho chị để làm vốn, chị giằng co cố giữ, lão đá chị ngã ngửa. Hai chị em bất lực cứ ôm nhau khóc suốt mấy ngày ròng. Ngày chị Sơn đi lấy chồng, thằng Hữu càng khổ hơn. Lão bỏ nó nhếch nhác bữa ăn, bữa nhịn lại đòn roi, nhất là cái việc lão đốt hết sách vở của nó. Thế mà thằng bé không hề hé răng cãi lại lão. Nó lầm lũi chịu đựng, lão không hề động lòng. Lão cho là tại nó nên lão mới mất đứa con. Nghĩ vậy nên lão trở thành người tàn ác. Bây giờ lão nằm liệt đây, thằng Hữu không hề có biểu hiện trả thù. Nó lại còn nhắn tin cho chi Sơn biết, thi thoảng chị Sơn cũng đáo về thăm lão và còn có cả đồng quà, tấm bánh, thang thuốc cho lão uống. Càng nghĩ lão càng thấy lão là người có tội, với ông bà Cúc lão là kẻ ăn cháo đá bát, với chị em thằng Hữu lão phải là kẻ tử thù của chúng nó. Thế mà lúc lão lâm nạn chúng nó lại tử tế với lão như con đẻ. Lòng lão tự nhiên như bị ai giày xé. Lão tính đến cái chết. Có lẽ lão phải chết đi để cái nhà này yên bình, để vong hồn bố bầm chị em thằng Hữu được thanh thản không phải thấp thỏm những lo lắng trên trần thế mà lão là con quái vật đầu vào tác oai, tác quái con cái của ông bà ấy nữa. Lão cố ngóc cổ dậy nhìn về phía cái nong một lần nữa rồi lão thè lưỡi ra khỏi hai hàm răng, lão nhắm mắt dùng hết sức bình sinh để cắn lưỡi chết. Nhưng hai hàm răng lão vừa chạm vào cái lưỡi thì tự nhiên nó lại cứng đờ ra không tài nào nghiến vào được. Lão nhắm nghiền mắt cố nghiến nhưng cái vòi ở trong đũng quần lại trào nước ra chảy lênh láng xuống cái chõng tre khai nực khắp nhà. Lão tỉnh lại như sáo, hét lên như con lợn bị người ta đè ra chọc tiết. Thằng Hữu giật mình tỉnh giấc, nó chạy lại nâng lão lên giọng ân cần:
- Bố lại phát bệnh à? Bố đái hết cả ra quần rồi mà chả biết
đây này!
Nó lủi thủi lấy nước rửa ráy thay quần áo cho lão. Công việc đâu vào đấy thì trời cũng tảng sáng. Bọn thằng Tùng, bọn cái Dần lồm cồm thức dậy. Chúng thấy thằng Hữu đang lục đục cời bếp nấu cháo cho lão Bành ăn. Cái Dần bĩu môi nhìn lão bảo:
- Ninh cho thật nhừ vào Hữu ạ! Ninh nhừ cho ông ấy dễ nuốt, để ông ấy mau khỏi còn có lực mà vung roi cật nứa, mà văng dùi đục. Mấy tháng nay cái túm roi cật nứa, cái dùi đục nằm lăn lóc không có việc nó đang tủi kia kìa.
Nói rồi mấy đứa cùng cười rộ lên và lặng lẽ cắp sách vở đứa nào về nhà đứa ấy. Lão Bành đảo mắt nhìn theo đám trẻ, lão không tức giận vì những câu nói của chúng nó nhưng trong đầu lão tự nhiên cứ bỏng lên như có ai ném vào trong cái bếp lò đỏ lửa. Lão ôm đầu đảo mắt nhìn thằng Hữu trằn trằn. Thằng Hữu múc đầy bát cháo lóm thóm bưng đến trước mặt lão, giọng nó lễ phép:
- Bố ăn cháo đi, ăn được rồi bệnh sẽ khỏi. Mấy đứa nó nói vậy nhưng lòng bụng chúng nó chả có gì đâu. Có chúng nó con cũng đỡ buồn, nhà mình cũng đỡ vắng quạnh lúc khuya khoắt bố nhề! Bố gắng mà ăn đi!
Thằng Hữu lặng lẽ đi xuống bếp nghiêng cái nồi đồng sứt quai cạo cháy nồi cháo ăn. Nhìn nó hai dòng nước từ trong hai khóe mắt lão Bành lại òi ra. Lão lặng lặng cầm cái muôi múc cháo ăn. Vừa ăn lão vừa tự nhủ: “Phải cố ăn, cố sống, sống để làm lấy một việc gì giúp thằng Hữu để nó học hành nên người, có như vậy mình mới trả nợ được ân oán với vợ chồng ông bà Cúc. Vả lúc chết mình cũng mới nhắm được mắt. "
Lão gượng gạo cố nuốt từng thìa cháo. Ăn xong lão đặt cái loa xuống gần góc cái chõng tre, vừa thở vừa bảo thằng Hữu:
- Con dọn đi giúp bố!
Lão khẽ đặt lưng xuống cái chõng nằm quay mặt vào vách, hai dòng nước từ trong hai hốc mắt lão lại òi ra. Thằng Hữu vẫn lúi cúi một mình thu dọn bát đũa, bếp núc cho thật gọn gàng. Làm xong nó xếp mấy quyển sách, quyển vở vào cái túi rếp bọn cái Dần mới khâu cho, bảo lão Bành:
- Con đi học đây, bố cứ nằm nghỉ đừng nghĩ ngợi nhiều bệnh nó không khỏi được đâu!
Nó khoác cái túi lên vai tung tăng đi ra cổng, ở ngoài đường đê đám trẻ làng cũng đang ríu rít gọi nhau đến trường. Những âm thanh hồn nhiên ấy tan vào ban mai dội vào tâm trí lão Bành. Dường như những âm thanh ấy nó giống như những liều thuốc kỳ lạ thức dậy những tế bào thuần thực về con người trong cái cơ thể đã bị rượu chè làm bệnh hoạn bấy nay. Lão thấy buồn, và cũng lâu lắm rồi lão mới lại biết buồn, nước mắt lão cứ đùn ra, lão ôm mặt khóc. Lão nhi hai bàn tay cho nước mắt nhòe khắp mặt, nước mắt khô đi, lão đảo mắt nhìn khắp ba gian nhà, ba gian nhà nắng rớt xuống khắp phía. Cái bàn thờ mốc meo đầy mạng nhện. Lão sực nhớ lời bầm thằng Hữu lúc hấp hối: " Giời không cho tôi ở chót với ông, tôi phải đi! Cho dù là rổ rá cạp lại nhưng tôi tin ông vẫn là cái cột để các con nó dựa. Tôi trông vào ông tất cả... " Thế mà không những lão đã quên lời trăng trối thiêng liêng ấy của bà mà lão còn phá hết nếp ăn nếp ở của ngôi nhà này. Lão đã bán ráo mọi thứ kể cả đôi mấm của hồi môn bà để lại cho cái Sơn lão cũng cho vào be cút vả lại còn những trận đòn roi đổ xuống đầu chị em thằng Hữu nữa! Lão thấy xót xa ân hận nhưng sự xót xa ân hận ấy đã quá muộn màng. Lão bất lực lại ôm mặt khóc. Chợt ở trên cái bàn thờ đầy mạng nhện xuất hiện một con bướm đen rất to. Con bướm chui từ đám mạng nhện ra và đậu xuống, đậu đúng vào cái chân lão bị liệt. Con bướm xòe cánh rồi lại bay vút lên chỗ bàn thờ lao vụt ra cái lỗ hổng trên nóc nhà biến vào bầu trời đầy nắng, đầy gió của buổi sáng mùa hạ. Lão Bành tròn mắt nhìn theo, tự nhiên hai bên tai lão cứ như có tiếng người thủ thỉ: “Ông đã đến nỗi này thì nghĩ ngợi làm gì nữa cho nó phiền lòng mà cũng chả giải quyết được gì nữa đâu! Chi bằng ông cứ cố mà sống, bệnh tật thì đành nhờ vào lòng hiếu thảo của các con mình vậy! Thằng Hữu dù không phải là giọt máu của ông, nhưng tôi tin nó sẽ là đứa có hiếu. Ông đừng phụ lòng nó. Ông gắng mà ăn uống cho khỏi bệnh. Làm đươc việc gì giúp con thì càng tốt, nếu không ngồi nom nhà cho nó cũng được. Mình tin yêu chúng nó, chúng làm sao dám bạc bội với mình. Tôi tin thằng Hữu nó sẽ tốt với ông cho dù nó không phải là giọt máu ông đẻ ra. Ông cứ tin lời tôi nói nhé!... "
Giọng nói cứ thủ thỉ, ân cần rồi lặng đi. Lão đảo mắt nhìn nhưng không có ai, căn nhà vẫn vắng ngắt. Lão lại hình dung ra những ngày lão lâm bệnh và ngay buổi sáng hôm nay, thằng Hữu múc đầy bát cháo cho lão ăn, nó chỉ khoét có cháy ở bẹn nồi. Tấm lòng của thằng Hữu ám ảnh lão hay là hồn ma của bầm nó từ ngoài vườn Hốn vọng về? Lão không tự giải thích được nhưng lão không hoảng sợ, lão tự nhủ: Giời chưa cho lão chết, lão còn phải sống để trả nợ đời, trả nợ chị em thằng Hữu! Lão nghiến răng cố ngồi dậy. Mới đầu lão co duỗi cái chân còn khỏe để ngồi dậy. Lão cứ làm thế nhưng sức còn quá yếu, lão bị ngã gập xuống đất. May quá lúc ấy thằng Hữu cũng vừa đi học về. Nó vội quẳng cái túi rếp vào cái nong nâng lão dậy. Lão tròn mắt nhìn thằng Hữu giọng bình tĩnh:
- Con đừng sợ, bố tập để ngồi dậy. Tập mãi thế nào cũng ngồi được. Bố sẽ cố để tự đi laị, tự ăn uống lấy để con khỏi vất vả. Con đừng oán bố nữa nhé! Bố hiểu ra tấm lòng của con rồi.
Nước mắt lão chảy ra ròng ròng. Thằng Hữu nhìn lão nó cũng không nói được nên lời, nước mắt nó cũng ứa ra. Có lẽ nó cũng rất xúc động vì từ bé đến bây giờ nó mới được nghe người khác xưng bố với nó. Nó ngậm ngùi bảo:
- Bố đừng lo, mọi khó khăn rồi cũng hết thôi mà. Bệnh của bố chắc là sẽ khỏi. Con sẽ nhờ bà Tứ lên vùng người Cao Lan ở Đồng Mụng lấy thuốc cho. Nghe bảo ở đấy có ông thầy lang cao tay lắm, ông ấy chuyên chữa trị bệnh này. Bố đừng lo bố nhé!
Lão Bành cảm động, lão tròn mắt rưng rưng nhìn thằng Hữu. Gió trưa hè ngoài đồng Cây Mơ từng cơn thầm thì thổi vào hòa cùng câu chuyện của lão Bành với thằng Hữu làm dịu mát dần gian nhà trống vắng!
***
Tuy còn là đứa trẻ nhưng thằng Hữu cũng linh cảm được đầy đủ những đổi thay, những mong muốn được phục thiện trong lòng lão Bành. Cứ nhìn hai dòng nước òi ra từ hai hốc mắt lão, càng thấy lão tội nghiệp! Thằng Hữu tự thấy bổn phận của nó không những chỉ là chăm nom mà còn phải lo thuốc thang chữa cho lão khỏi bệnh. Nhưng tìm đâu ra tiền? Chả nhẽ lại cứ trông nhờ vào lòng tốt của bà Tứ và đám cái Dần. Ngày bầm còn sống bầm vẫn bảo hai chị em: "Ở đời đừng để quá phụ thuộc vào người khác. Phụ thuộc quá vào người khác là mình phải mang ơn. Phàm cái gì phải mang ơn mà không giữ được thì dễ trở thành oán. Chi bằng phải biết tự lựa sức mình, hoàn cảnh mình mà sống, mình phải lo lấy mình trước đã các con ạ!... " Bầm đã sống và tự lập sống như vậy để nuôi hai chị em, khổ mấy vẫn bấm bụng chịu. Phải học cái tính nết này của bầm. Phải tự kiếm tiền sinh sống, học hành và chữa bệnh cho lão Bành. Bây giờ lên Đồng Mụng tìm ông lang lấy thuốc cũng phải có trong bọc dăm ba đồng bạc thì mới ổn. Dăm ba đồng với người có thì chả đáng gì nhưng với hoàn cảnh thực tại của thằng Hữu thì thật là oái oăm. Nó đăm chiêu chưa biết cách xoay sở kiểu gì, nhìn lão Bành nằm hết tập co duỗi lại phì phò thở, nó sốt ruột lắm, nhờ ai được. Chị Sơn thì ở xa vả còn phụ thuộc vào hoàn cảnh nhà chồng. Nhờ bà Tứ? Nhờ nhiều quá rồi, phiền lắm vả bà ấy cũng chỉ một thân, một mình. Nó vò đầu gãi tai. Chợt như có ai mách bảo. Nó nghĩ ra đồng bạc trắng của bầm, chị Sơn lúc đi lấy chồng chôn ở dưới gậm cái vại nước. Nó mừng ứa nước mắt và nó nhẹ nhàng lẫy cái vại nước ra, lấy cái cuốc bới đất, chỉ sâu xuống khoảng hơn một gang tay nó đã nhìn thấy cái gói nhỏ bọc gọn gàng trong tờ giấy bóng. Thằng Hữu ứa nước mắt. Nó nhẹ nhàng mở cái gói giấy bóng ra, đồng bạc còn sáng trắng, soi thấy hình nó ở trong ấy. Cầm đồng bạc trắng nó như thấy được tất cả những khó nhọc và sự nhịn nhằn của bầm nó những ngày còn lặn lội trên trần thế để dành dụm cho chị em nó. Nó ôm đồng bạc trong lòng bàn tay mà cảm nhận được vị mồ hôi của bầm. Nó không nói được nên lời nhưng sự giao cảm từ bàn tay nó, bầm nó dường như cũng nghe được những lời thủ thỉ của nó: “Bầm cứ yên lòng, đồng bạc thiêng liêng của bầm để lại cho hai chị em con vẫn còn nguyên vẹn đây. Con xin thưa với bầm, con sẽ sử dụng nó vào việc có ích nhất! Bần nghe con nói đây. Những ngày bố bầm đi xa, lão Bành đã làm rất nhiều điều độc ác với hai chị em con. Việc này có giời đất nhìn thấy. Chắc ở dưới suối vàng bầm cũng xót ruột lắm! Những mong muốn của bầm ngày còn ở trần thế khi bầm quyết định để cho lão ấy về ở nhà mình thay bố làm cái cột nhà cho chúng con dựa để khôn lớn là phù hợp, bầm không tính được những bất trắc xẩy ra, nên chị em con cũng phải chịu nhiều cực khổ. Nhưng bây giờ lão ấy bị nạn. Trong lúc giáp đất xa trời, được sự chăm nom của mọi người và chúng con, qua được giây phút hiểm nghèo, lão ấy hối hận và cứ khóc suốt cả ngày. Lão ấy đã tự xưng bố và coi con như ruột thịt. Con cảm nhận được điều ấy khi mỗi lần tắm giặt, bón cơm, bón cháo cho lão ấy ăn. Những giây phút ấy hai hố mắt lão đầy nước và lão cứ gọi tên bầm. Nom tội nghiệp lắm! Vì thế con quyết một lòng phải cứu lão ấy. Nhà mình nghèo, con đã tìm được đồng bạc của bầm để dành cho còn cất ở dưới đáy cái vại nước, con đã bới lên rồi. Chị em con định bụng sẽ lấy đồng bạc này để đi lấy thuốc chữa cho lão ấy. Con chắc khi khỏi bệnh lão ấy sẽ tử tế và sẽ làm được cái nghĩa vụ là cái cột nhà cho các con dựa để lớn lên làm một con người ở làng Thông như mong muốn của bầm. Bầm có bằng lòng không?... "
Tự nhiên trong lòng bàn tay thằng Hữu như có luồng gió thổi qua mát rượi! Và bên tai nó văng vẳng giọng của bầm nó. " Con cứ làm theo điều con nghĩ! Bầm tin con lắm!... "
Thằng Hữu thấy trong lòng mát mẻ lạ thường. Nó lẳng lặng cất đồng bạc vào cái túi rếp và khời bếp nấu cháo cho lão Bành. Cháo chín, thằng Hữu đánh nhuyễn, ân cần bón từng thìa cho lão Bành ăn. Việc xong, thằng Hữu lặng lẽ ủ nồi cháo vào bếp tro, ngoan ngoãn bảo lão Bành:
- Bố ở nhà cứ nằm nghỉ, đừng cố cử động quá sức mà nhỡ ngã lúc không có ai thì lại khổ. Chiều nếu con về muộn, cái Dần hoặc bà Tứ sẽ đến lấy cơm, cháo cho bố ăn.
Lão Bành tròn mắt nhìn thằng Hữu, giọng lão như có nước mắt:
- Thế con đi đâu?
- Con lên Đồng Mụng tìm nhà ông lang lấy thuốc cho bố mau khỏi!
- Tiền đâu mà con đi lấy thuốc? Vả đường lên Đồng Mụng xa xôi con biết đâu mà đến? Thôi cứ để bố tập luyện mãi rồi nó sẽ khỏi.
Lão Bành thở dài. Thằng Hữu vẫn ngoan ngoãn:
- Bố đừng lo!
Nói rồi nó đeo cái túi rếp lẳng lặng đi ra ngõ. Nắng trưa òa xuống con đường chói chang. Nhìn theo vóc dáng nó, nước từ hai khóe mắt lão Bành lại òi ra, lão sụt sịt khóc một mình.
Thằng Hữu lặn lội theo con đường rừng tìm đến bản Đồng Mụng. Qua chỗ Cầu Gãy thì con đường vắng ngắt luồn ngập dưới cây rừng, tịnh không một bóng người để hỏi thăm. Thằng Hữu lần tay vào cái túi rếp nhét đồng bạc trắng vào cạp quần rồi lại cắm đầu đi. Ngả chiều thì cánh đồng tròn như cái nong lọt dưới chân núi Lịch bày ra trước mặt nó. Nó phóng tầm mắt nhìn xa hút vào sâu trong chân núi, thấy những vệt khói vắt ngược bám vào những dải nắng vàng leo ngược đỉnh núi. Thằng Hữu đoán chắc đấy là bản Đồng Mụng nơi ấy có thầy lang rất tài như lời bà Tứ kể. Nó lại cắm đầu đi không biết mệt. Đến chân cánh rừng, một cái dốc sâu hút ngoằn nghèo chạy xuống tận lòng con suối, nước xanh ngắt thì có một cây cầu bằng tre bắc qua. Ở đấy có ba người đàn bà tuổi như bà Tứ đang bì bõm lội từ lòng suối lên chỗ cây cầu. Họ mặc quần áo dân tộc, chân quấn xà cạp bằng vải trắng. Thằng Hữu đứng sững lại, định nấp vào bụi cây để cho ba người đi khỏi rồi mới đi tiếp. Nó vừa nép vào bụi cây Mua ông thì đã nghe một giọng nói rất to từ lòng suối vang lên:
- A, thằng Kinh. Mày làm việc dối à mà phải náu chúng tao?
Cả ba người cùng vác rựa chạy ngược dốc. Thằng Hữu vội chui phộc từ trong bụi Mua ông ra nó chắp tay vừa van lạy vừa thanh minh:
- Dạ, dạ... cháu không biết làm việc dối đâu. Cháu là người ở ngoài ven sông Lô. Cháu tìm vào bản để kiếm ông lang chữa bệnh cho bố cháu thật mà!...
Cả ba người cùng giương mắt nhìn thằng Hữu như nhìn một vật lạ từ trên trời rơi xuống rừng rồi họ nói với nhau bằng một thứ tiếng mà thằng Hữu không hiểu được.
Đoạn một người giơ bàn tay làm hiệu cho thằng Hữu lại gần. Bà ta vẫn nhìn thằng Hữu từ đầu đến chân như thế một lúc bà cất giọng bằng tiếng Kinh nhẹ nhàng hơn:
- Tao nhìn kỹ mày đúng không phải là đứa đi làm việc dối thật. Nhưng đến nhà bà lang lấy thuốc thì đi đường này không đến được đâu, phải đi con đường ở trên đầu mày kia- Vừa nói bà vừa chìa tay chỉ lên con đường mòn bám ngang sườn núi chạy ngược lên mãi trên chỗ đỉnh núi đã có những làn sương hút ùn lên. Giọng bà vẫn cộc lốc - Đấy, nó ở mãi trên đó lố!
Thằng Hữu hoàn hồn vội khoanh tay chào cám ơn bà và cắm cổ leo núi đi về phía ngôi nhà ở mãi tít chỗ có làn sương mờ đang phủ xuống kia. Cứ nhằm con đường dốc nó leo ngược, đến chỗ cái gốc cây si đại thụ rễ buông chùm xuống lòa xòa dọc lối vào ngõ, thằng Hữu đứng lại nhìn. Trước mặt nó hiện ra như một tiên cảnh vừa lạ lùng, vừa quen thuộc. Nó căng mắt nhìn sâu vào trong ngõ. Sau những chùm rễ si tua tủa buông xuống là một căn nhà nhỏ nép gọn dưới tán cây si, tựa lưng vào vách núi nhìn xuống cánh đồng ở dưới chân núi Lịch. Tiếng gà gọi con hòa vào tiếng chim ríu rít trên cành tạo ra âm thanh vừa núi non huyền bí vừa dân dã quê mùa thân thuộc. Ngẩn ngơ một lúc thằng Hữu mạnh dạn bước vào. Một người đàn bà chạc tuổi bầm nó đang cặm cụi trước cái nong lớn đầy những bó cây rừng đã được phơi khô. Thấy có người bà ngó ra. Thằng Hữu vội khoanh tay ngoan ngoãn:
- Con chào bà ạ! Bà cho con hỏi đây có phải là bà lang ở bản Đồng Mụng?
- Phải rồi đấy, con tìm đến ta có việc gì?
- Dạ, con là người Kinh ở ngoài ven sông Lô. Con nghe người làng bảo bà chữa được cái bệnh co liệt, con tìm đến cầu được bà cho phúc lộc, gặp thầy, gặp thuốc để bố con qua được bệnh hiểm nghèo!
- Ờ, con nói rõ căn bệnh đi!
- Thưa bà! Bố con mắc bệnh đã mấy tháng nay rồi. Nguyên nhân là do ông ấy uống quá nhiều rượu. Tối hôm ông bị bệnh cũng do uống hết mấy cút rượu một lúc, uống xong ngủ trần ở ngoài hè thế là bị cảm lạnh không có ai biết, mãi khuya con đi đái mới phát hiện. Con kêu lên, hàng xóm chạy đến vã nước đái vào mặt, bố con tỉnh nhưng từ đó một nửa người cứ bị tê không biết gì, tập mãi bây giờ cũng mới chỉ động đậy được. Con đến đây nhờ bà nếu còn phương cứu chữa bà giúp, con đội ơn suốt đời ạ!...
- Ơn huệ gì, ta làm thuốc cứu người, chữa được thì ta giúp. Bệnh ấy còn có phương. Con chờ ta nhé!
Nói rồi bà đứng dậy đi vào trong chỗ có cái hòm bằng gỗ, một lúc bà mang ra ba gói nhỏ, giọng bà ân cần:
- Con mang về cho vào cái ấm đất, mỗi gói uống một ngày, mỗi lần đun cho ba loa nước, đun bằng củi than, nhớ đun nhỏ lửa, đun khi nào còn khoảng một bát thì cho người bệnh uống, hết lại đổ nước vào đun lần thứ hai, thứ ba trong ngày, cứ thế cho cả ba thang thuốc này. Khi uống hết thuốc thấy người bệnh kêu đau xương, đau bắp thì lên đây báo ta, ta sẽ làm cho khỏi hẳn.
- Con ơn bà thật nhiều - Vừa nói thằng Hữu vừa nâng ba thang thuốc cho vào cái túi rếp, xong việc nó vội lần trong cạp quần lấy ra đồng bạc trắng, giọng nó ấp úng - Con mới có ngần này của thay cho đồng tiền trả công bà.
Vừa nói thằng Hữu vừa nâng hai tay chìa đồng bạc trắng về phía bà lang. Nhìn đồng bạc trắng nằm gọn lỏn trong tờ giấy bóng đã phai hết màu, bà lang tròn mắt, bà nhìn thằng Hữu trân trân nhưng cổ bà cứ ứ nghẹn, mãi bà mới nói được ra nhời.
- Ta không bán thuốc lấy tiền, con cứ cất của báu này đi, khi nào người bệnh khỏi con làm cái lễ đến đây để ta cúng cây thuốc là được. Con về đi, về cứ làm theo lời ta dặn nhá!
Bà lẳng lặng quay mặt vào phía trong nhà, có lẽ bà phải kìm giữ lòng mình ghê lắm mới giữ được tiếng kêu giời trước mặt thằng Hữu. Có lẽ thằng Hữu cũng không nhận ra được những thảng thốt trong lòng bà lang. Nó cúi đầu ngoan ngoãn chào bà rồi đeo cái túi rếp vòng qua vai, cúi đầu đi xuôi dốc. Chiều cũng chỉ còn vài sợi nắng vàng ong hắt từ Đồng Mụng lên làm cho căn nhà trên núi thêm phần bí ẩn. Bà lang vẫn đứng lặng một mình tần ngần nhìn theo vóc dáng thằng Hữu đang cắm đầu đi xuống núi. Bà lẩm bẩm: Cũng phải tắt sao Hôm thằng bé mới về đến làng Thông! Làng Thông, cái làng dẫu còn mồ mả tổ tiên nhưng bà đó phải nhờ tán rừng bóng núi nơi đây che phủ đi bao năm nay rồi. Bà không muốn nhớ đến nữa. Thế mà hôm nay thằng Hữu lại lần mò đến đây. Mà lại đến để lấy thuốc chữa cho lão Bành, chữa cho cái người mà bà căm giận suốt đời. Cái người mà bà phải lạnh lùng hất tay hắn ra sau một trận quần thú đã đầy với hắn để lẫn vào đêm trốn lên đây! Bà tưởng là đã yên phận thế mà ông trời vẫn chưa tha tội. Nhìn thấy thằng Hữu là bà nhận ra hết sự. Nhưng nó có biết đâu. Nó tìm đến đây là để lấy thuốc. Nó không hề biết chuyện của người lớn vì lúc ấy nó còn bé. Nó đến lấy thuốc mà không giúp nó, không cho nó rõ nguyên do thì cũng tội. Tất nhiên khi nó lớn làng sẽ kể cho nó biết nguyên do, nhưng là thầy thuốc gặp người bệnh mà không cứu chữa thì còn gì nhân tâm, làm vậy ông trời sẽ trị tội. Bà thở dài và lặng lẽ ngồi vào bệ đá ở dưới tán cây si. Bà lại thiền, lại vệ sinh não để quên đi tất cả những gì ở làng Thông mà thằng Hữu nó như que diêm vừa bật lờn ngọn lửa trong tâm trí bà. Bà cứ ngồi lặng như thế dưới cánh rừng.
***
Thằng Hữu về đến nhà, ông sao Hôm đã chìm xuống sau chân núi Ái, trăng đêm mười bẩy to như cái mẹt đã bày ngang bên kia đỉnh núi Châm tỏa ánh sáng mênh mông xuống cánh đồng Cây mơ, Cây mận. Đom đóm từ các lùm cây nhập nhòa lẫn vào ánh trăng gợi ra cái tĩnh mịch muôn thuở của quê nhà. Thằng Hữu đeo cái túi định rẽ vào ngôi nhà của bà Tứ ở chân quả đồi Mom Thị nhưng sực nhớ nồi cháo còn ủ trong tro bếp chả biết đám cái Dần có nhớ đến cho lão Bành ăn chưa. Nó ngần ngừ một lúc rồi rẽ qua lối ao Chuôm đi một mạch về nhà. Về đến ngõ thì thằng Hữu nhìn thấy trong bếp có ánh lửa. Nó ngó nhìn, đúng là bà Tứ chứ không phải đám cái Dần. Nhưng tại sao bà lại đến chăm lão Bành, mình có nhờ bà ấy đâu. Hay là bầm hiện về? Thằng Hữu lại căng mắt nhìn lại cho kỹ. Nhưng nó không nhầm, đúng một trăm phần trăm phần trăm là bà Tứ. Nó rón rén đi vào. Bà Tứ giật mình ngẩng lên nhưng giọng bà rất bình thản:
- Con về muộn thế, có lấy được thuốc không?
- Dạ con lấy được ạ! Mà thầy lang là đàn bà chứ không phải đàn ông đâu, bà ấy cũng khoảng tuổi bầm cháu và tuổi bà thôi. Bà ấy ân cần dặn cháu: “Về cho thuốc vào ấm đất, mỗi lần đổ ba loa nước đầy đun cạn còn khoảng một bát thì cho người bệnh uống. Nhớ là không được đun ngọn lửa to. Ngày uống ba bát, uống trong ba ngày liền. Thấy người bệnh kêu đau xương đau bắp thì đến bà lấy tiếp và sẽ khỏi. Con trả tiền bà ấy lại không lấy mà bảo khi nào người bệnh khỏi hẳn thì làm cái lễ để sêu cây thuốc thôi. Sêu là thế nào bà nhể? " - Thằng Hữu ngây ngô hỏi - Mà bà Tứ ơi, có cái gì rất lạ ở bà lang nhá! Lúc cháu về bà ấy cứ đứng lặng nhìn theo cháu lâu lắm nhá! Hay là bà ấy nghi cháu ăn quịt nhể?
Thằng Hữu lại tròn mắt nhìn bà Tứ. Bà Tứ vẫn lẳng lặng múc đầy bát cháo vào cái loa, vừa làm bà vừa nói, giọng bà vừa gần gũi, vừa xa xăm:
- Thế là số ông Bành đây còn phúc đấy con ạ. Gặp thầy gặp thuốc là nạn sẽ qua, con cứ làm theo lời chỉ bảo của thầy thuốc đi. Còn việc người ta là đàn bà, hay đàn ông thì cũng chả can gì, nghe tiếng đồn xa bà cũng ngỡ là ông lang, bà nói với con thế. Con đến nơi lấy được thuốc là tốt lắm rồi. Nhà thuốc người ta không nghi con ăn quịt đâu, nếu nghi người ta cho con mang thuốc ra khỏi nhà sao được, con đừng nghĩ vậy mà phải tội!... Mọi việc rồi sẽ tốt đẹp thôi, lớn lên con sẽ biết. Thôi bây giờ con lấy cháo cho ông Bành ăn đi rồi còn thuốc men, con cứ làm như lời bà lang dặn nhá. Bà phải về đây.
Nói rồi bà Tứ vừa thở dài vừa đứng dậy. Bà lặng lẽ đi ra ngõ, bóng bà nhòa vào ánh trăng rồi lẫn vào tán những cây muồng trắng cứ rung rinh dưới trăng ngời.
Thằng Hữu bê loa cháo lại chỗ lão Bành đang nằm co ro ở cái chõng tre. Nó loay hoay đỡ lão ngồi dậy và múc cháo bón cho lão ăn. Từ hai hốc mắt của lão Bành nước lại òi ra chảy tràn xuống hai gồ má xương xẩu, hốc hác. Lão không nói đươc, khẽ há miệng cho thằng Hữu đổ thìa cháo vào. Chắc lão rất cố gắng nuốt để thằng Hữu khỏi vất vả, khỏi phiền lòng. Thấy lão ăn được, thằng Hữu cứ mừng mừng, giọng nó ngoan ngoãn:
- Bố phải ăn cố vào, ăn cho thật ngon miệng, cho sức nó khỏe lại, con sắc thuốc bố uống vào là cái bệnh nó sẽ phải thua ngay. Bố ăn đi!
Thằng Hữu lại giục. Tự nhiên lão Bành thấy có cái gì như hòn chì đè ngang cổ, lão phải rướn người thìa cháo mới trôi xuôi được. Lão thè lưỡi liếm mép giọng khò khè bảo thằng Hữu:
- Con có hận bố không?
Lão cứ tròn mắt trằng trằng nhìn thằng Hữu. Lão muốn nói cho thằng Hữu biết tất cả nhưng mà cái cổ lão cứ nghẹn lại. Thằng Hữu ngơ ngác nhìn lão rồi ỏn ẻn nói:
- Bố đừng cả nghĩ nữa, đang lúc ốm đau nghĩ nhiều làm gì, bệnh nó tăng lên có thuốc tiên cũng chẳng khỏi đâu. Ngôi nhà này bây giờ con chỉ còn có một mình bố. Chuyện cũ bố cứ coi như những vết sẹo trên mông đít con nhưng nó đã lành, nó chỉ còn là vết sẹo. Con và bố phải cùng nhau quên đi. Con chỉ mong bố khỏi bệnh, đi lại được thì chả có gì sướng hơn thế nữa. Khi ấy bố làm được việc gì thì làm giúp con. Miễn là ngôi nhà này êm ấm, con sẽ cố gắng học hành, làm lụng. Được thế chắc bố mẹ đẻ của con ở dưới âm ty chắc cũng sẽ vui lòng, mát mặt và biết ơn bố nhiều lắm đấy.
Nghe thằng Hữu nói, lão Bành càng ngơ ngác. Lão không ngờ thằng bé còn thơ mà đã nghĩ được những điều còn hơn cả người lớn. Nước mắt lão lại òi ra giàn giụa, lão mếu máo bảo Thằng Hữu:
- Bố biết ơn con thật nhiều. Nếu mai này khỏi bệnh bố sẽ bảo với ông Bếp Thìn đội trưởng đội sản xuất phân công bố đi làm để lấy công điểm, có lúa gạo cho con ăn học. Bố con mình sẽ chung sức cùng nhau sửa sang lại ngôi nhà này lành lặn như xưa.
- Vâng, con cũng chỉ mong như thế.
Thằng Hữu cười tít mắt. Thấy nó hồn nhiên, lão Bành cũng thấy trong người nhẹ nhõm lạ thường. Lão định gượng ngồi dậy thì thằng Hữu bảo:
- Bố cứ nằm nghỉ con đi sắc thuốc để bố uống.
Vừa nói thằng Hữu vừa lóm thóm đứng dậy. Nó vừa cầm cái đũa bếp để khời than thì ở ngoài cổng tiếng bọn cái Dần léo nhéo:
- Hữu ơi, mày về lúc nào thế?
Thằng Hữu nhìn ra thấy cái đèn đom đóm cứ vung lên, vung xuống. Thằng Hữu nói như reo:
- Tao về lúc ông trăng còn nằm ngang đỉnh núi Châm. Chúng mày đi bắt đom đóm làm đèn cho tao à! Vào đây, vào đây.
Thằng Hữu chạy ra kéo tay bọn cái Dần vào nhà. Cái Dần hỏi trộ:
- Hôm nay có gì mà mày rộn ràng thế, có cái gì vào bụng để thức giải bài toán hóc búa này cho tụi tao nghe chưa?
- Thì bọn mày cứ vào đây đã. Hôm nay tao vui vì đã lấy được thuốc cho bố Bành tao rồi, tao đang sắc cho bố tao uống đây. Bố tao khỏi sẽ có thời gian nhiều hơn để đi học với chúng mày.
Cái Dần bĩu môi:
- Mày đừng tưởng bở vội nhá, bây giờ còn chưa cựa được xác ông ấy giả bộ thế thôi, mai này khỏi e chứng nào vẫn tật ấy, không khéo cái mông của mày lại đầy lươn, đầy trạch chứ chả nói gì đến việc có thời gian để đi học cùng bọn tao!...
- Dần, mày đừng nói thế, ông ấy đang ốm!
Cái Tráng nói chen vào và chúng cùng ngồi quây quanh cái bếp đang nhon nhen cháy lên. Thằng Hữu vẫn giữ thái độ chan hòa, vui vẻ:
- Sắc thuốc cho bố tao uống xong, rồi cùng học. Đứa nào chậm hiểu thì phải gọi thằng Hữu này bằng thầy nhá!.
- Có mà thầy!
Cái Dần bĩu môi nhưng chúng lại cùng cười phá lên và cùng ngồi xúm quanh cái bềp đang bén lửa. Câu chuyện mục đồng của chúng mộc mạc, tự nhiên. Cái Dần bảo:
- Tao chỉ thích học giỏi như thằng Hữu. Học giỏi sau này đi làm bác sĩ tao còn tài hơn bà lang chứ chả đùa.
- Ừ, cái Dần chả thành bác sĩ thì còn ai vào đây được nữa. Phải cố học thành bác sĩ về còn chăm bệnh cho lão... để thằng Hữu khỏi phải lặn lội lên tận Đồng Mụng, nhọc nhằn lắm! - Vừa nói cái Tráng vừa toe toét cười. Cái Dần cau mặt cằn nhằn nhưng chưa thành câu nói thì thằng Hữu cười khì khì:
- Nhưng tao lại thích cái Tráng học giỏi để làm bác sĩ kia!
Cái Tráng cười toáng lên:
- Nhưng tao đếch vào thèm học giỏi, tao đếch cần làm bác sĩ, lớn lên tao lấy chồng làm cái quán bán bánh đúc dưới gốc đa chợ Thông còn sướng bằng mấy làm bác sĩ. Mà lúc ấy ông Bành còn quý tao bằng mấy ấy nhá vì khi đó ông còn bệnh đâu nữa mà cần bác sĩ, ông ấy cần bánh đúc nhiều hơn chứ, ông ấy cần bánh đúc mà cái Tráng này bán cho ông lại không lấy tiền thì thằng Hữu có mà chạy lên giời!...
- Thế là mày ngấm ngầm thích thằng Hữu rồi nhá!
Cái Dần bĩu môi. Thằng Hữu lại cười khì khì:
- Thế thì tao sướng nhất trên đời rồi còn gì. Nhưng nhà tao nghèo thế này lấy đâu tiền mà làm hai cái buồng!
Cái Dần cau trán:
- Đừng có láo toét nhá, mày mà nói thế tao đếch thèm đến đây nữa đâu. Chưa chi đã tưởng bở!...
Thằng Hữu vẫn cười khì khì, nó đang định phân bua điều gì thì cái ấm thuốc sôi lên o o, nước trong ấm rào ra rớt xuống bếp than xèo xèo. Cái Dần nhanh tay vội lôi mấy cái đầu củi đang rừng rực lửa dụi ra chỗ tro nguội. Cả đám ngồi lặng nhìn cái ấm thuốc đang sôi, những con đom đóm trong cái đèn chai bò lên, bò xuống tỏa ánh sáng xanh lè, nhấp nháy. Cái ánh sáng xanh lè nhấp nháy ấy như tự dắt chúng về với thực tại hoàn cảnh của nhà thằng Hữu. Cái Dần ngậm ngùi bảo:
- Thuốc được rồi đấy!
Nú nhắc cái ấm xuống rót ra đầy cái bát loa. Thằng Hữu lại lóm thóm bưng thuốc đến chỗ cái chõng tre cho lão Bành uống. Việc xong chúng xách cái đèn đom đóm ra chỗ cái nong rách tụm đầu vào sách vở. Cứ thế chúng loay hoay với nhau tới khuya rồi cùng lăn ra cái nong ngáy kho kho cho đến sáng. Nhiều lúc lão Bành ngóc cổ cứ nhìn chúng ngủ, trong lòng lão vừa hạnh phúc, vừa đau đớn. Những ngày tháng lão sống tàn nhẫn với thằng Hữu lại bày ra trước mặt, cái roi cật nứa, cái dùi đục còn kia. Lão ân hận, lão muốn nhào dậy cầm lấy cái dùi đục tự đập vào đầu mình để chết đi cho nhẹ nợ thằng Hữu, cho khỏi nhơ mắt dân làng Thông. Nhưng lão càng ngóc đầu lên thì một sức mạnh vô hình nào lại đè lão nằm bẹp dí xuống cái chõng tre. Lão thở phì phò như con trâu bị say lá sắn và nước mắt lão cứ òi ra. Lão lại nhìn thấy bố bầm thằng Hữu hiện về. Cả hai ông bà cùng nhìn lão như ra lệnh:
- Ông còn phải ở trên trần thế, ở để tự nhìn lại mình, trần thế sẽ giúp ông thành người, ông đừng sợ!
- Trần thế là ai? - Lão Bành tròn mắt lơ láo nhìn nhưng xung quanh lão vẫn im phắc, chỉ có tiếng gió trời phần phật thổi vào mái lá rào rào và tiếng ngáy khò khò của đám trẻ ở cái nong rách. Như nhận ra điều gì, lão biết lão còn nợ nằn với trần thế, lão quệt tay lau những dòng nước mắt đang òi ra ở hai hốc mắt và khẽ ngớn tay tự bưng bát thuốc thằng Hữu để ở cạnh cái chõng lên uống. Uống hết bát thuốc lão quay mặt vào vách thiu thiu ngủ.
Tảng sáng lão đã tỉnh giấc, khắp người lão ê ẩm, cái ê ẩm như bị ai dần, lão ngọ nguậy và thấy cả hai bàn chân, bàn tay đều co ra, duỗi vào được. Lão tựa tay vào thành cái chõng tre ngồi dậy. Lão đảo mắt nhìn ra cái nong ở xó hè, mấy đứa trẻ vẫn co quắp bo nhau ngáy khò khò. Lão khẽ cất giọng:
- Hữu ơi! Sáng rồi đấy.
Nghe tiếng lão gọi, đám thằng Hữu vội bật choàng dậy, thấy lão ngồi thằng Hữu vừa mừng vừa lo, nó hấp tấp chạy lại đỡ nhẹ bàn tay ngang vai lão, giọng vẫn hồi hộp:
- Bố làm sao ạ? Bố buồn đi đái để con dìu đi!
- Không, thấy người đau ê ẩm, bố cố gượng dậy cho nó sảng khoái một tẹo thôi. Uống cái thuốc này khéo không ưa nên đau người lắm- Lão thở ra và tròn mắt nhìn thằng Hữu.
Thằng Hữu cười ran lên. Cái Dần bảo;
- Sao mày lại cười?
- Tao mừng quá mà. Bà lang bảo uống thuốc vào mà thấy cơ bắp khắp người đau là cái bệnh nó đang chuyển, như vậy là lão, à chết bố tao gặp thầy, gặp thuốc rồi đấy, chắc là uống hết ba thang thuốc này bố tao sẽ đi lại được thôi!
- Ông ấy mà đi lại được thì phải chuẩn bị sẵn lấy mấy cái mo cau khô dày dày bịt vào đít!...
Cái Dần bĩu môi lườm về phía cái chõng tre và chúng lẳng lặng thu sách vở cúi đầu đi. Thấy thái độ của mấy đứa hơi khó chịu, lão Bành nhìn theo bảo:
- Từ nay chúng mày cứ đến đây mà học, lúc nào khỏi bệnh tao sẽ đóng cho cái bàn dài.
Cái Dần lí nhí nhại lại lão:
- Lão có mà đóng cái nút ở cái cút!
Nói rồi cả đám cùng cười phá lên và chúng cắm cổ đi. Thằng Hữu đứng ngẩn nhìn theo rồi nói như réo:
- Đợi tao ở chỗ cây gạo nhà bà Thảng rồi cùng đến trường nhá.
Mấy đứa quay lại gật gật cái đầu rồi lại cắm cổ chạy. Lão Bành tròn mắt tần ngần nhìn thằng Hữu, giọng lão nghẹn nghẹn:
- Xem trong nồi còn cháo, con múc ăn mà đi học, bố chả ăn được đâu.
Thằng Hữu ngoan ngoãn bảo:
- Bố phải cố ăn, ăn xong còn uống thuốc nữa kia mà, chúng nó nói gì kệ chúng nó bố ạ!
Nói rồi thằng Hữu lại lóm thóm một mình cời bếp sắc thuốc và lấy cháo cho lão ăn. Việc đâu vào đấy nó mới khoác cái túi rếp ngang vai chào lão rồi tung tăng đi ra cổng. Vừa đi nó vừa hát:" Khăn quàng đỏ tươi... " Lão Bành nhìn theo thằng Hữu, thấy lòng dạ tự nhiên cứ rối bời, đau đớn. Nhớ lại những ngày qua, lão tự nghiệm ra rằng: Lão không bằng nó. Lão chỉ hơn nó cái tuổi tác và quyền hành. Lão đã dùng quyền hành tác quái lên đầu nó bao nhiêu trận đòn khủng khiếp và tiêu phá hết gia phong, tài sản mà bố bầm nó đã thắt lưng buộc bụng suốt đời để lại cho nó. Lão thấy lão đúng là một con súc vật chứ không phải là một con người! Lão ôm mặt khóc tu tu và nằm bẹp xuống cái chõng tre. Vừa lúc ấy bà Tứ cũng xách cái túi đầy gạo và trứng vịt từ ngoài cổng đi vào. Thấy bà, lão vội vàng ngồi nhổm dậy. Bà Tứ bảo:
- Ông cứ nằm mà nghỉ, uống cái thuốc vào có thấy trong người thay đổi gì không? Tôi có ít gạo, ít trứng mang biếu ông đây, nói là biếu cho nó vui, còn thực chất là công lao của thằng cháu Hữu nó đi lùa vịt cho tôi những buổi chiều đấy. Thằng bé ngoan và có chí hướng lắm, ông cứ tin vào nó cố thuốc thang cho mau khỏi làm cái trụ nhà cho nó dựa. Là con người với nhau, mình quý nó, yêu mến nó, nó sẽ có đức hiếu với mình cớ gì đâu cứ phải máu mủ ruột thịt. Tôi nghĩ giời đã đem vật báu cho ông mà ông không biết đấy.
Bà Tứ thở dài. Lão Bành nói như khóc:
- Bà nói tôi càng tỏ nhiều ra, nhưng khổ mọi việc cũng đã rồi. Tôi có hối cũng chả kịp. Thằng Hữu nó làm sao quên được những trận đòn đã thành sẹo hằn trên thân thể nó, vả cả bầm nó chắc gì ở nơi suối vàng bà ấy thứ tội cho tôi được vì gia sản bà ấy để lại cho hai chị em nó tôi đã đổ cả vào chai cút. Ngay cái bàn thờ gia tiên cũng đó phủ đầy mạng nhện. Tôi đã thành kẻ bất lương, bất nghĩa rồi, có hối cũng chả kịp. Có lẽ tôi cũng phải tính cách ra khỏi ngôi nhà này thôi. Chứ ở đây...
Lão Bành thở dài và cứ dương mắt nhìn bà Tứ trân trân. Thấy lão bế tác quẫn cùng, bà Tứ cười hiền lành:
- Ông đừng cả nghĩ quá mà lẩn đường. Ông cứ tin là giời đang mang cho ông vật báu, có điều trước ông chưa thấy, bây giờ thấy rồi, ông phải kiên tâm chữa bệnh và bảo thằng Hữu sửa sang lại cái bàn thờ đi. Trong một gia đình mà không có cái bàn thờ thì nó không phải là một gia đình đâu! Còn những vết sẹo trên người thằng Hữu rồi nó sẽ quên, con trẻ mà! Miễn là từ rày ông sống như bố nó thật. Mọi vết thương rồi cũng được kín lành lại, kể cả câu chuyện giữa ông, tôi, bà Khăn và bầm của thằng Hữu nữa. Có điều là mình phải biết cùng nhau tẩy xóa đi để có một ngày mai êm đềm, ấm cúng trở lại nếp vốn như bấy nay cái làng này vẫn có. Ông cứ tin điều tôi nói.
Bà Tứ nhìn lão Bành bằng đôi mắt nhân ái đầy sự vị tha. Giọng bà ân cần hơn:
- Ông phải bình tâm, cố ăn uống đều đặn, thuốc men đúng lời bà lang đã dặn, bây giờ tôi phải về đây.
Nói rồi bà Tứ lặng lẽ đứng dậy. Lão Bành nhỏn người nhìn theo bà, trong lòng lão như có ánh lửa nhòe sáng. Lão mơ hồ nhìn bà như thấy một cái gì tuy chưa rõ hình thù nhưng nó rất êm ấm. Lão tự nhủ phải nói hết những tối tăm của đời lão cho thằng Hữu biết, khi nó đã biết, nó sẽ vơi đi sự trách oán mình. Nghĩ vậy lão khẽ nhỏn người dậy bưng bát thuốc thằng Hữu sắc để trong cái loa uống.
Đồng Làng Đom Đóm Đồng Làng Đom Đóm - Trịnh Thanh Phong Đồng Làng Đom Đóm