Số lần đọc/download: 256 / 22
Cập nhật: 2020-06-05 12:47:51 +0700
Chương 2
N
gọc gấp sách nhìn bọn trẻ thu vở, len lén đi theo mép bàn, đến trước mặt anh, cúi đầu, lễ phép: “Em chào thày ạ” và sau đó chen lấn nhau, chui ra khỏi căn nhà lá ụp xụp.
Rời bỏ các ô-ten, đăng xinh, Ngọc đã thành ông giáo. Ông giáo của mươi đứa trẻ nhếch nhác, rách rưới, rải ra suốt từ lớp một đến lớp ba. Ngọc trở thành ông giáo của các lớp học “lậu” mở trường không có giấy phép, tránh sự nhìn ngó của bọn chỉ điểm, lúc học giữa trưa, khi dạy ban tối. Ngọc trở thành người thân quen của các gia đình thợ, những người thợ sửa chữa đầu máy, người xúc than, người lái tàu. Cha mẹ học trò đều nghèo túng. Học phí đóng cho con tùy theo hảo tâm và hoàn cảnh, chẳng được bao lăm. Nhưng bù vào đó Ngọc được sự yêu thương của nhiều người.
Đời Ngọc thế là được một sự an bài mới. Anh hài lòng về sự an bài này, ít ra là trong hoàn cảnh hiện nay, khi anh chưa trở về được với người mẹ nghèo ở ngoại ô Hà Nội. Ở đây, gia đình bà cụ Dung là cái tổ ấm của những con chim lưu lạc. Mấy tháng trước, lên đây, Ngọc tìm nơi ở trọ thì được người ta giới thiệu đến nhà bà cụ. Khổ! Bà cụ có phải là chủ trọ đâu! Bà cụ chỉ vì thương mến mà nấu hộ cơm cho mấy người thợ không vợ không con ở đề-pô thôi. “Ờ, nếu anh không quản ngại, thì cứ về đây, cơm nước tôi lo cho. Chả nói giấu gì anh, nhà chỉ có hai mẹ con, đàn bà con gái, đang lúc tao loạn này...”.
Bà cụ Dung người Sơn Tây, mất đất vì địa chủ, lên đây từ thuở đất này còn là vùng rừng hoang rậm. Đánh gốc bốc trà, phát hoang đến tòe cả mười đầu ngón tay, nay mảnh vườn đã bén chân bén tay. Đất chẳng phụ người có công. Chim cò tìm đất lành. Theo sau bà cụ, mấy chục hộ nông dân vùng đất bãi Sơn Tây cũng kéo nhau lên đây. Giờ thì cả vệt đất dài âm ẩm phù sa bên sông Hồng này đã xanh um bóng cam, bóng nhãn, bóng mít và rực rỡ các sắc hoa.
Sung sướng thay những giây phút êm đềm ở gia đình bà cụ. Ở đó, Dung, mười chín tuổi, con gái bà cụ, thùy mị xinh tươi, lúc nào cũng cặm cụi, vui vẻ, hòa hợp với mảnh vườn hoa xinh xắn, tươi đẹp phía trước nhà.
Chẳng ở đâu hoa đẹp tự nhiên như thế. Rải rác bên bờ rào là hồng đơn, hồng kép, hồng thắm, trắng bạc hay vàng ngà. Những luống lay ơn trắng tuyết, xanh lơ, tím biếc, đỏ rượu vang và đen nhung mượt mà chạy song song nhau ở giữa vườn, vây quanh là thược dược đỏ thắm tươi mởn và cúc đại đóa đằm thắm tươi vàng.
Dung bỏ công chăm sóc nhiều nhất cho khu đất trồng mấy giống hoa lạ mới lấy từ Sapa về. Hoa kim châm như cánh trâm bằng vàng, đẹp như tia nắng mặt trời. Mai anh đào màu hồng cánh thiếp xuân, đỏ tươi khi chín. Những dây leo quấn quýt trổ hoa man mác hình tròn, sắc tím, thơm mùi hoa sứ lẫn hoa nhài. Mi-nô-da sắc vàng hoa cau, thơm nồng nàn và dịu ngát. Cẩm tú cầu thoảng thơm mùi mật và sắc hoa tùy ý người chăm sóc, khi hồng nhạt, lúc trắng xanh.
— Thày ơi!
Nghe tiếng gọi thì thào Ngọc sững lại. Sau một bụi dong riềng, ba bốn đứa trẻ vừa ló đầu ra.
— Thày ơi! Thày chạy đi!
— Thày ơi! Thày chạy đi! Họ vào bắt thày em đấy!
Một em gái chạy ra, kéo tay Ngọc, nép vào bụi chuối. Ba tên hiến binh Quốc dân Đảng đã đứng ở trước một túp nhà lá.
— Thày chạy đi!
Ngọc chưa hiểu nên thế nào thì em gái nọ đã giật tay anh. Anh chạy theo nó. Trong xóm rậm rịch tiếng chân người. Có tiếng gọi. Chợt, một tiếng súng nổ. Một người từ phía nhà ga chạy về, hớt hải, đứng lại ở gốc gạo kêu to:
— Bà con ơi, họ bắt anh Tâm rồi ồi...
Cái xóm rùng rùng chuyển động. Người đang ùa ra đường tàu. Ngọc chạy qua một rặng tre rậm. Phía đề-pô, một cái đầu tàu hú một hồi còi khàn khàn hoảng hốt.
Ngọc chạy tới sân ga Phố Mới thì trời vừa sâm sẩm. Khu ga có mười một đường tàu rộng thênh, vàng khè sắc áo bọn hiến binh. Bọn chúng đứng dàn đều, thế bao vây như cọc rào. “Đứng lại!”. Tiếng tên chỉ huy hét. Những người thợ từ căn nhà để đầu tàu ồ ra, bị lưỡi lê cản lại. Xô đẩy. Gào thét. Chửi rủa. Mấy bóng lính nhảy lên một cái đầu tàu đang phì phịt thở khói. Một tên đứng trên cái tăng-de đầy than, vung khẩu súng lục:
— Giải tán ngay! Giải tán ngay! Bắt được quả tang trùm Việt Minh trốn ở đây, còn phản đối cái gì!
Ở cầu quay đầu tàu, một chiếc đầu máy đang ở thế nằm ngang dở dang. Đoàng! Một tiếng súng nổ inh tai. Viên đạn trúng vào đường ray. Bóng mấy người thợ chạy trên các nóc toa chập chờn. Một viên đạn nữa nổ, bay theo dọc đường ray. Ngọc chúi đầu xuống đất.
Tối mịt, Ngọc mới dò dẫm trở về thôn Vạn Hoa. Đường thôn mát lịm, gió sông rì rầm trong các chùm lá cam đang kết trái quen thuộc, yên bình như chưa hề xảy ra chuyện bất trắc gì! Và khi rẽ vào cái ngõ nhà bà cụ Dung thì Ngọc đã rưng rưng nước mắt. Đây là tổ ấm yên tĩnh, vỗ về, ấp ủ anh. Đây là nơi anh có thể tách mình ra khỏi cuộc sống bấp bênh vì đói khát, và hiểm nguy.
Trong đêm, khu vườn đang tỏa thơm. Mùi hoa lẫn hơi sương càng ngan ngát, tươi lành.
Nhưng đang tan hòa vào cảnh vật trong trạng thái yên lành thốt nhiên, trong một phản ứng gần như vô ý thức, Ngọc nhao tới một gốc nhãn, nép mình, nín lặng. Phía trước mặt anh, vừa văng ra một vệt đèn pin và một tiếng quát khẽ:
— Cô Dung! Cô có nghe lời tôi không thì bảo?
Ngẩng lên, anh nhìn thấy Dung, trong quầng sáng phản quang của ánh đèn, đang rũ rượi sau một gốc cam lớn, cái gốc cam bà cụ mới xới nhẹ một vòng rộng theo tán lá, để bón thúc, Dung mặc áo cánh gụ. Tóc búi gọn phía sau. Vầng trán nhỏ lòa xòa mấy sợi tóc ngắn. Cặp mắt đen láy thường khi lúc nào cũng như đang cười mọng lên như sắp bật khóc vì kinh hoàng.
— Hừ, bà cụ cô đã nuôi giấu bọn Việt Minh. Nấu cơm tháng cho bọn thợ ở đề-pô ăn! Hừ, đừng có hòng che mắt tôi.
Phát ra tiếng nói hùng hổ hăm dọa ấy là một bóng đen thâm thấp đứng chắn phía trước mặt Ngọc. Rồi từ từ tiến lại gần gốc cam, nơi Dung đứng, bóng nọ hạ giọng, tiếp:
— Em Dung, em đừng để anh phải dài dòng nữa. Anh có thể dùng vũ lực để cướp đoạt em, bó buộc em. Nhưng anh không phải hạng người ấy. Vả lại, đó chẳng phải là tình yêu cao cả và mê đắm của anh. Em thấu cho lòng anh. Em Dung, anh đây, một tỉnh đảng trưởng, chẳng lẽ lại không xứng đáng với em hay sao!
— Ông Lộc, tôi đã nói rồi...
— Anh sẽ quỳ xuống chân em.
— Ông Lộc, ông không được bắt mẹ tôi...
— Em Dung. Chiều nay anh đã ra lệnh cho hiến binh làm cỏ tốp Việt Minh ở phố đề-pô Phố Mới và ở thôn này. Riêng nhà em, anh bắt chúng không được động tới. Dung ơi, chỉ cần một cái gật đầu ưng thuận của em là anh mãi mãi trở thành kẻ nô lệ của em. Em sẽ từ biệt nơi thôn ổ buồn tẻ này để chung hưởng hạnh phúc với anh nơi lầu son gác tía. Em sẽ cởi bỏ bộ quần áo nâu sồng thôn nữ để khoác lên tấm thân ngọc ngà kiều diễm của em lụa là, gấm vóc. Em sẽ thành một phu nhân giàu có, quyền thế. Đừng đẩy anh ra khỏi cái tổ ấm của em. Nào em, hãy lại đây với anh...
Ngọc nghe thấy tiếng chân xê dịch nôn nóng. Rồi đột ngột, tiếng Dung hốt hoảng, trống hơi:
— Ông Lộc! Tôi đã có chồng rồi!
— Chồng! Sao em lại dám nói dối anh nhỉ?
— Ông đi đi, không tôi kêu hàng xóm.
— A! To gan nhỉ! Dung, cô chối từ tôi, hậu họa thế nào đừng có trách. Dung, nghe anh!
— Ôi giời ôi!
Tiếng Dung gào lạc giọng. Ngực Ngọc sắp nổ tung. Bật lên với sức mạnh phản kháng, quyết liệt, Ngọc chạy vụt ra, thét vỡ họng:
— Ai làm gì thế?
Bị bất ngờ, gã đàn ông giật mình, buông cô gái, quay phắt lại. Một ánh đèn pin và hai con mắt lửa sói thẳng vào Ngọc. Hàm răng thô của gã bật ra ngoài vành lợi như sắp xỉa vào họng Ngọc. Phía sau gốc cam, Dung búi lại mớ tóc xổ, kéo vạt áo cho ngay ngắn và bàng hoàng nhìn Ngọc.
— Mày là thằng nào? — Gã đàn ông rít, bước sát lại Ngọc.
— Ông Lộc! — Dung kêu kinh hãi.
— Im! — Lộc rút khẩu côn-bát, đưa nòng súng đẩy vành mũ kê pi, lầm lầm nhìn Ngọc — Thế nào, không nói hả? Hay mày cũng là một thằng đầu sỏ Việt Minh như thằng Tâm mới ở dưới xuôi lên mà tao vừa tóm được?
Ngọc nghe thấy một tiếng còi gắt. Những tiếng giày da chạy rình rịch. “Trời ơi! Đời Dung sẽ ra sao? Khốn nạn! Mình là một thằng hèn. Mình chạy trốn khỏi khu ga. Mình trốn trách nhiệm trước cuộc đời. Giờ mình, bất lực...”. Ngọc đau đớn, gục đầu xuống khi hai tay bị bẻ quặt ra sau, chạm vào hơi thép lạnh.