Every breath we take, every step we make, can be filled with peace, joy and serenity.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Thuỳ An
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: ngoc mai nguyen
Số chương: 13
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1321 / 10
Cập nhật: 2016-04-09 07:25:55 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3
hương nghĩ vậy nhưng không phải vậy. Buổi họp tại nhà Phương thất bại hoàn toàn. Trong danh sách 23 bạn ghi tên, Phương hy vọng có được một vài tiết mục, nào ngờ, chúng nó đăng ký toàn hợp ca. Nhưng hợp ca hay thì cũng được đi, đằng này, toàn là bắt chước những nhóm nhạc trên Ti vi, nhảy nhót như giật kinh phong, giọng hát thì phô inh phô ỏi, làm sao chọn được chứ. Phác phán một câu làm mọi người giật mình:
- Phương, tui đăng ký đơn ca bài Em Về Tinh Khôi.
Trang suýt đánh rơi cây viết:
- Bạn suy nghĩ lại đi, bài này khó lắm, hát sao nổi.
- Bài ruột của tui mà.
Hà đề nghị:
- Vậy bạn hát thử xem.
- Có đàn tui mới hát được.
Phương nhìn Phác:
- Bạn hát đi, đừng làm khó tui chứ. Nếu đạt yêu cầu, tui sẽ đăng ký cho bạn tập cùng ban nhạc của trường.
- Cũng được.
Phác gật gù rồi đứng thẳng người, vươn vai… Bờ vai ơi đừng quá nghiêng nghiêng đánh rơi buổi chiều thơm ngát… (bài Em Về Tinh Khôi của NS Quốc Bảo)
Không biết Phác đang nói hay là đang hát, chỉ nghe giọng nó ngang phè chẳng có giai điệu gì cả …Vì biết đâu có đôi lúc em xa vời vợi, biết đâu…. Phương đưa tay ra:
- Thôi được rồi.
Mắt Phác sáng lên, rất tự tin:
- Bao giờ tập với ban nhạc, Phương nhớ cho tui biết sớm nghe. Bây giờ tui phải về đi công chuyện cho mẹ tui.
Phương nghe lạnh cả người nhưng phải gật đầu cho Phác yên tâm. Trang và Hà day vai Phương tới tấp:
- Sao? Mày có điên không? Sao lại đồng ý với nó?
- Chúng mày im đi. Bây giờ, đến phần ngâm thơ của bạn Sa.
Bài Đây Thôn Vỹ Dạ của Hàn Mặc Tử trữ tình là thế, nên thơ là thế, vậy mà qua giọng ngân nga của Sa, Phương gần như bị sốc. Hà rùng mình. Trang thì không dằn được sự thất vọng, la lên:
- Sa, stop, stop…
Sa vẫn chìm đắm vào dòng thơ lãng mạn… Mơ khách đường xa khách đường xa…
Phương chấp hai tay lên ngực:
- Thôi Sa ơi, làm ơn làm phước, tui muốn nóng lạnh đây nè.
Sa tỉnh bơ, mắt tiếp tục lim dim, ngâm nốt câu thơ cuối… Ở đây sương khói mờ nhân ảnh, ai biết tình ai có đậm đà… rồi thở một hơi dài khoan khoái, nhìn Phương:
- Tui đã hoàn thành nhiệm vụ. Tui không đòi hỏi có nhạc đệm như bạn Phác đâu, nhưng điểm 10 hạnh kiểm thì phải có đấy nhé. Thôi bai tất cả.
Sa nhảy phóc lên xe đạp, để lại sau lưng ba đôi mắt hãi hùng nhìn theo. Hà đập vào vai Phương:
- Thì ra, nó chỉ ham điểm 10. Đồ phi nghệ thuật, đồ…
Hoa lên tiếng:
- Bạn Hà vô duyên quá, điểm 10 ai mà chả ham. Có vậy tui mới đến đây chứ.
Phương nhìn thẳng vào mắt Hoa:
- Thôi đừng lý sự nữa. Bạn có tiết mục múa dân tộc chớ gì. Nào, nhanh lên.
Hoa mở giỏ xách, lấy ra một cái cassette nhỏ bằng cuốn vở đặt lên bàn, một cái dĩa lớn bằng giấy màu vàng, trên mặt gắn những đóa hoa sặc sỡ, dưới đáy dĩa có lớp keo dính chặt vào bàn tay Hoa. Hoa khởi động, uốn éo thân hình chim chích, trông cũng khá mềm mại, khiến Phương và Hà, Trang háo hức theo dõi từng động tác của Hoa.
- Bạn giới thiệu đi chứ.
- Đây là điệu múa “Mâm Vàng” chị tui dạy cho tui. Nói cho mấy bạn biết, chị tui học ở Nhạc Viện Thành Phố đó.
Hoa vênh mặt, bước đến bên cassette, bấm vào chỗ “play”. Máy phát ra một điệu nhạc réo rắt nhưng hơi bị rè. Hoa gật gù tỏ vẻ hài lòng và bắt đầu múa. Tiến lên, lùi xuống, ghé qua trái, nghiêng sang phải… chiếc mâm hoa trên tay cô bé quay cuồng lấp lánh trông rất vui mắt. Bài múa “Mâm Vàng” chấm dứt, Hoa nhìn Phương đầy tự tin:
- Bạn thấy được không?
- Để… tui suy nghĩ đã. Bạn về trước đi.
Hoa thu dọn đồ nghề vào giỏ xách, bĩu dài môi:
- Suy nghĩ cái gì chớ. Bày đặt.
Ban Văn nghệ trải chiếu họp dưới giàn hoa giấy nhà Phương, cùng với rổ mận hồng tươi và chén muối ớt. Hà cắn một miếng mận, mặt nhăn nhó vì chua:
- Trang ơi, mận này thua xa mận vườn nhà nội của nhỏ Phương. Đúng không?
Phương gắt:
- Đúng với chả sai gì chớ. Thôi, chúng ta vào đề đi.
Trang nằm dài, vừa nhai chóp chép, vừa nói:
- Tao thấy tiết mục của nhỏ Hoa là được nhất.
Phương lắc đầu:
- Bài múa Mâm Vàng không đến nỗi tệ, nhưng đem đi dự thi thì…
Hà tiếp lời:
- …thì tốn tiền mua mo cau che mặt lại. Tao đề nghị, cho biến tất cả.
Trang nhổm dậy:
- Đồng ý. Nhưng mà… còn điểm 10 của chúng nó…
- Tài năng không có, không được chọn mà điểm 10 gì.
- Coi chừng chúng nó phản ứng. Phương, tính sao đây?
- Sợ gì. Để cô Nhung quyết định, khỏi lo.
° ° °
Phương nói cứng vậy, chứ không lo làm sao được. Các bạn về rồi, suốt buổi tối, Phương thẫn thờ như kẻ mất hồn. Tình hình căng quá. Nhìn vào danh mục dự thi lớp Phương, quả là đầy đủ thể loại, đơn ca, hợp ca, ngâm thơ, múa… nhưng “lượng” thì nhiều, mà “chất” lại hiện hình một con zéro to tướng! Nhỏ Hà nói cũng đúng, để khỏi mắc cỡ, phải tìm cách khác thôi.
Phương ăn cơm uể oải. Dì Mai ngạc nhiên:
- Cháu làm sao vậy? Bệnh hả?
Dì đứng dậy, để tay lên trán Phương:
- Vẫn bình thường, đâu có sao – Dì nhìn thẳng vào mắt Phương – Cháu có điều gì lo nghĩ phải không? Nói đi, dì giúp cho.
- Dì ơi…
Phương kể hết cho dì nghe, từ chuyện đầu niên khóa, cô Nhung cho Phương làm Trưởng ban Văn nghệ, đến trách nhiệm thật nặng nề trước cuộc tranh tài giữa các lớp, cả chuyện lớp trưởng Nam làm khó dễ Phương, coi thường Phương, sau cùng là những tiết mục trời ơi đất hỡi của các bạn Phương.
- Dì Mai, cháu phải làm sao đây?
Dì Mai cười lớn:
- Cháu quên cháu rồi sao? Một ca sĩ nhí của nhà Thiếu Nhi Thành Phố năm xưa! Sao không trổ tài đi.
- Đó là chuyện xa xưa. Lâu rồi, cháu đâu có hát hò gì.
- Nhưng cô Nhung đã giao chức Trưởng ban Văn nghệ cho cháu, có nghĩa là cô đặt hy vọng vào cháu đấy.
Cô Nhung và dì Mai là bạn thân từ hồi còn là sinh viên Sư Phạm. Cô Nhung thường ghé chơi nhà và rất thích nhìn cháu bé Thanh Phương múa hát. Có lẽ vì vậy, mà khi tình cờ thấy Phương trong lớp chủ nhiệm của mình, cô Nhung nhất định giao cho Phương chức Trưởng ban Văn nghệ. Phương không muốn tí nào nhưng vì sợ cô Nhung buồn và cũng vì nghĩ đến dì Mai, Phương đành nhận lời. Từ khi tốt nghiệp, dì Mai và cô Nhung công tác tại hai trường khác nhau. Cô Nhung ít lại nhà nên không biết. Hồi đó, Phương có tham gia vào đội ca múa của nhà Thiếu Nhi Thành Phố thật, nhưng qua năm lớp 8, chương trình học bắt đầu nặng, Phương nghỉ sinh hoạt văn nghệ, tập trung vào việc học cho đến khi bước vào cấp 3. Dì Mai động viên:
- Bắt đầu từ bây giờ, cháu hãy chứng tỏ cho bạn bè biết tài năng của mình, nhất là anh chàng lớp trưởng… tên là gì nhỉ?
- Nam.
- Ừ, Nam, hãy đợi đấy.
Phương phì cười:
- Dì cũng tức giận giùm cháu sao?
- Không giận sao được. Anh ta xem thường cháu cưng của dì quá mà. Dì nghĩ là cháu sẽ làm cho anh ta sáng mắt ra.
Phương nghe lòng vui vui. Được rồi. Phương sẽ hát, Nam sẽ nghe và… mắt Nam sẽ trợn tròn lên vì kinh ngạc, không ngờ con nhỏ “vô tích sự” lại được việc đến thế. Phương đơm thêm một chén cơm, vừa ăn vừa mơ tiếp. Rồi tiết mục đơn ca của Phương được lọt vào chung khảo, được trình diễn trên sân khấu trước ánh mắt ngưỡng mộ của hàng ngàn học sinh đứng chật cả sân trường, sau đó, các thầy cô sẽ chọn Phương đại diện trường tham dự cuộc thi Văn Nghệ của Sở…
- Phương.
Phương giật mình. Dì Mai nhìn Phương chăm chú:
- Cháu ăn đi chứ, suy nghĩ vẩn vơ gì vậy?
- Cháu… không biết nên hát bài gì?
- Để dì lựa cho. Yên tâm.
Phương lên giường sớm nhưng không ngủ được. Lăn qua trở về một lúc, Phương ngồi bật dậy, đến bên tủ sách, lôi ra những tập nhạc cũ, lục tìm một số bài hát “tủ” ngày xưa. Đến bây giờ, Phương vẫn thích nhạc Trịnh Công Sơn nhất. Giai điệu đẹp và ca từ thì không có chỗ nào chê. Phương phân vân giữa hai bài Em Là Hoa Hồng Nhỏ và Tuổi Đời Mênh Mông, nên chọn bài nào? Cảm giác hào hứng ngày xưa khi còn sinh hoạt trong đội ca múa Nhà Thiếu Nhi Thành Phố chợt trở về, Phương ngả người ra giường, nghêu ngao… Mây và tóc em bay trong chiều gió lộng, trời làm cơn mưa xanh dưới những hàng me… (bài Tuổi Đời Mênh Mông của NS Trịnh Công Sơn), rồi… Em sẽ là mùa xuân của mẹ, em sẽ là màu nắng của cha… (bài Em Là Hoa Hồng Nhỏ của NS Trịnh Công Sơn). Dì Mai ghé nằm cạnh Phương:
- Giọng cháu tốt lắm. Cố gắng lên nhé.
Phương áp đầu vào ngực dì Mai, cảm nhận một làn hơi ấm phả nhè nhẹ lên tóc, lên vai. Hương thơm của mẹ. Phương chợt nhớ mẹ quay quắt. Mẹ về quê thăm bà nội đã hơn một tuần, gọi điện lên nhờ dì Mai qua nhà chăm sóc Phương, vì nội còn mệt nên mẹ không thể về sớm được. Không biết nội bệnh gì mà dai dẳng như vậy? Hôm cuối hè, Phương về thăm thấy nội còn khỏe, còn nấu được cơm kia mà. Cô Út nói, nội bị bệnh già. Ai chẳng biết người già thường hay mắc bệnh, nhưng bệnh gì mới được chứ. Nói chung chung như vậy, Phương thấy khó chịu lắm. Nếu không bận học, Phương đã theo mẹ về thăm nội rồi.
Ba mất từ năm Phương vừa đủ tuổi vào mẫu giáo. Trong ký ức tuổi thơ, hình ảnh ba rất mờ nhạt. Phương không có dù chỉ một kỷ niệm bình thường bên ba. Sau này, trong những lần giỗ ba, bà con, xóm giềng quây quần bên mâm cơm thanh đạm, nhắc đến ba với tất cả lòng thân thương trìu mến, trái tim Phương dần khắc sâu hình ảnh người đàn ông nhân hậu, thương yêu vợ con, đối xử tốt và sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Đó là ba. Trong câu chuyện thường ngày, mẹ hay nhắc đến ba. “Hôm nay mẹ nấu canh chua thơm, món này ba rất thích”, “Con phải chăm học, ba mới vui.”, “Lâu nay không rảnh về thăm nội, chắc ba buồn mẹ lắm”… Phương có cảm giác nơi cõi vĩnh hằng kia, ánh mắt ba vẫn dõi theo từng bước mẹ con Phương trên đường đời đầy bão tố chông gai.
Ba mất đi, lương giáo viên cấp một của mẹ không đủ nuôi Phương và bảo bọc bà nội. Mẹ đành nghỉ dạy, theo bạn bè đi buôn hàng chuyến, dành dụm tiền sang một sạp hàng bán đồ khô trong chợ Gò Vấp. Ai cũng khen mẹ Phương có giang buôn bán, nên sạp hàng càng ngày càng đông khách. Riêng Phương, Phương nghĩ khác. Chẳng qua là vì sạp của mẹ đầy đủ các loại hàng, giá đúng, khách khỏi mất công mặc cả, thêm vào đó là thái độ niềm nở của mẹ, đúng với phong cách “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. Chủ nhật hoặc những buổi không có tiết học, Phương thường ra chợ giúp mẹ trông coi sạp, bán hàng và rất được lòng khách. Từ một cô bé nhút nhát hiền lành, Phương trở nên khôn ngoan dạn dĩ, miệng bằng tay, tay bằng miệng, xử lý công việc nhanh chóng gọn gàng. Môi trường xô bồ kẻ bán người mua không đổi thay bản chất lương thiện của Phương, nhưng vô tình làm lệch lạc cách nhìn của bạn bè đối với Phương. “Con gái gì mà chằn quá”. Cũng vì Nam, Phương bị mang tiếng là dữ dằn. Nghĩ mà ghét tên trưởng lớp vô trách nhiệm. Đáng lý, với chức vụ chóp bu trong lớp, Nam phải góp ý cho Phương để ban Văn nghệ hoạt động có hiệu quả hơn, đằng này, chưa đánh đã thua, chẳng khác chi con rùa rút cổ. Thầy Tú la Nam như vậy còn nhẹ quá, nếu Phương là thầy, Phương sẽ phạt Nam quét lớp cả tuần cho bỏ cái tội hèn nhát, lại còn nói những lời xúc phạm đến bạn bè.
Đôi Bạn Đôi Bạn - Thuỳ An Đôi Bạn