There is a wonder in reading Braille that the sighted will never know: to touch words and have them touch you back.

Jim Fiebig

 
 
 
 
 
Tác giả: Thế Uyên
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Khôi Khiếu Mai
Số chương: 15
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2305 / 19
Cập nhật: 2015-07-16 13:43:59 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3 Đi Tìm Một Niềm Tin Đã Mất
ấm ny lông đã trải ra phẳng phiu trên gạch, túi đeo lưng đã để gọn một góc, tôi mở bi đông uống một ngụm dài chấm dứt công việc chuẩn bị cho chỗ ngủ qua đêm. Không còn thiếu gì cả, khẩu carbine đã dựng trên vách tường với kẹp đạn lau chùi sạch sẽ theo đúng tiêu chuẩn quân trường. Nhưng ánh sáng xanh hắt từ phía bên kia sang không phải là ánh trăng dãi lạnh lùng của miền tiền tuyến mà là ánh đèn néon từ Phủ Thủ tướng, và thềm gạch cao tôi sẽ ngủ đêm nay không phải là đầu hè một căn nhà của miền xôi đậu mà là thềm hiên của trường Đại học Văn khoa… Guồng máy chiến tranh lần này đã quay theo chiều hướng khá an bình: tôi đã được tấn phong đầy đủ làm người lính thành phố lo việc huấn luyện quân sự nhập môn cho sinh viên của trường đại học xưa kia tôi đã có lần mài chưa kịp mòn hết đũng một chiếc quần mẹ may. Hàng rào kẽm gai có đó, súng đạn có đó, có nằm đất có trực có ứng chiến có mồ hôi đổ ra giữa trưa nắng, nhưng ánh đèn néon đều đặn từ Phủ Thủ tướng đồ sộ tiếp tục chiếu sáng như nhắc nhở êm ái chan hoà chữ Thọ viết khá đậm nét trên khuôn mặt những thầy trò tái ngũ trên thềm hiên.
Vào khuya, các tiếng cười nói đã im vắng dần, ánh hoả châu thả vùng ven biên đã đưa ánh sáng ốm yếu vào đầy cái doanh trại bất đắc dĩ của những người lính bất đắc dĩ này, tôi vẫn chưa ngủ được. Không ngủ được bởi vì sau vài tuần làm lính trở lại, đã quen thuộc với sinh hoạt mới, tôi bắt buộc phải trở lại đối diện với một băn khoăn day dứt lúc ẩn lúc hiện kể từ buổi sáng lạnh và sương mù, từ giã căn nhà người mẹ an bình và khiêm tốn sau vài cây thông già: vì căn cớ gì tôi trở lại với quân ngũ, vì lý tưởng vì niềm tin nào đây tôi chấp nhận chiến đấu…
Tôi đã thi hành nhiệm kỳ quân dịch thông thường của một công dân khá chu đáo để lương tâm thanh thản nhường chỗ cho những kẻ chưa đi, và gần đây tôi đã có cơ hội thuận lợi để làm vô hiệu hoá lệnh tái ngũ bằng cách nhận một “chức quan nhỏ” tại một cơ quan dân sự để được đương nhiên xếp vào thành phần chuyên viên hay trí thức “tối cần thiết cho sự tồn vong của quốc gia”. Nhưng tôi đã để mặc guồng máy chiến tranh đưa đi một lần nữa. Tại sao vậy trong khi tôi biết tôi chẳng hề là anh hùng hay ham được tuyên dương là anh hùng trước hàng quân hay trên báo Tiền Tuyến. Tại sao tôi lại đặt vấn đề, lại có một băn khoăn như vậy trong khi chính vào lúc này, tôi vẫn không tin tưởng một chút nào ở cái thiên-đàng-dưới-thế của những người cộng sản.
Mấy năm trước đây làm thầy đồ trẻ tha phương cầu thực ở thị trấn buồn-muôn-thuở vì buồn-muôn-thuở ấy, khi tiếp nhận giấy gọi đi lính, tôi đã thấy háo hức trong lòng. Và thấy có một niềm tin trong tâm hồn ngay cả khi nằm trên ván của trại nhập ngũ đầy rệp, ngay cả khi một đêm trong quân trường ngái ngủ theo anh em ra ngồi bệt ở vũ đình trường để nghe một thượng cấp giải thích về vụ đàn áp vây chùa bắt sư, mà lo lắng tự hỏi những thân nhân bạn bè của mình ai còn ai mất ai đã tù đầy.
Niềm tin tưởng cũ ấy của tôi đâu, nỗi háo hức được cầm súng chiến đấu xưa kia nay đã phiêu bạt phương nào?
Nếu người xưa đã nhận định chính xác rằng chuyện con giết cha bầy tôi giết vua không phải một sớm một chiều mà phát sinh, thì hẳn trong năm năm gần đây, trên nhiều đoạn đường chiến binh đã trải qua, tôi không những đã để lại những giọt mồ hôi thấm vào vải cái quần rơi trên cát khô trên cỏ úa, mà còn để lại rải rác mỗi quãng một vài mảnh vụn vỡ của một niềm tin tưởng cũ. Nói như thế không có nghĩa là tôi đã thay đổi tận căn bản lập trường chính trị đã có, tôi vẫn còn là người chống cộng. Nhưng bao lần khó nhọc leo qua một chướng ngại vật hay khổ đau bò dưới những lớp kẽm gai khống chế, tôi đã cảm thấy dần dần từng chút một, như từng giọt nước mắt của những người mẹ người vợ mất con mất chồng, cái lý tưởng thường được gọi là “chống cộng” dần dà không còn sinh lực tạo hăng hái phấn khởi cầm súng – ít nhất là cho cá nhân riêng tôi.
Bất quá thứ “chống cộng chủ nghĩa loại cổ điển” ấy chỉ còn đủ thoả mãn cho phần lý trí, còn tự tình tự, tự thâm tâm, đã xuất hiện một đòi hỏi gay gắt một lý do một lý tưởng không mang ảnh hưởng cộng sản cũng chẳng chịu khống chế bởi tư bản, một lý tưởng dân tộc có thể làm cho tôi sẵn lòng đổ máu, què một chân cụt một tay hay chôn vùi trong lòng đất quá sớm trước hạn kỳ thông thường của kiếp người. Tôi còn chống cộng như thứ chống-cộng-kiểu-cổ-điển đã có từ bao năm ấy không đủ làm tôi trao trả đơn vị sinh viên cho học đường để tình nguyện ra tiền tuyến một lần nữa. Tôi vẫn còn chống cộng, nhưng chống cộng kiểu như đã có không đủ làm tôi hy sinh tất cả thân thể cho chiến tranh này. Không có gì nhỏ bé hơn một kiếp người nhưng cũng chẳng có gì có thể thay thế nổi cho một kiếp người. Bởi thế, người ta chỉ có thể hy sinh thân mình cho cái gì người ta yêu tha thiết mà thôi. Và hẳn những người còn thiên lương và lương tri ở miền Nam này đều đã nhận thấy rằng xã hội như-trong-hiện-trạng khó lòng tạo ra nổi thứ tình yêu tha thiết ấy. Con người có thể yêu say mê một cô gái hư nhưng đẹp như ngàn hoa trong vườn ngự uyển, con người có thể yêu thâm trầm quyến luyến một cô gái không nhan sắc nhưng ngoan hiền phúc hậu như cánh đồng lúa chín. Nhưng ít ai có thể yêu, ngoài các đấng tối cao chăng, một cô gái điếm về già chua ngoa đanh đá mụn nhọt lở loét cùng mình – còn nói gì tới việc hy sinh tới tận mạng sống để bảo vệ nữa.
° ° °
Đêm đã vào trong khuya hơn nữa, gió thổi một cơn theo dọc hàng hiên dài, lay động tấm bảng xanh ghi thời khoá biểu của một giảng khoá rất an bình. Bên kia con lộ lớn sáng nhạt, người lính gác dinh Thủ tướng vừa bật diêm châm một điếu thuốc cho phiên canh sắp mãn. Tôi cũng lấy thuốc ra châm hút, tì cằm lên lan can sắt lạnh, tẩn mẩn tìm kiếm những lý do đã đưa tới sự hiện diện của mình nơi đây, trong bộ quân phục cũ kỹ này.
Trước hết có lẽ là vị tự ái làm đàn ông. Sinh ra làm con trai trong thời loạn lạc, chẳng làm vương làm tướng gì thì thôi, chứ không thể làm dân trốn lính, dân sợ cảnh sát và sợ còi, lui lủi như gián ngày giữa thành phố có ông đi qua có bà đi lại đông đảo. Lý do thứ hai là vì căn cứ vào lịch sử Việt, căn cứ vào kinh nghiệm thông thường của loài người, tôi nghĩ rằng muốn trở thành người hữu ích cho đất nước thời loạn, thì chẳng “kinh luân khởi tâm thượng binh giáp tàng hung trung” được như anh hùng hào kiệt đời xưa, ít nhất cũng phải đi lính một thời gian cho biết thêm ít võ cho bớt tính văn nhược… Lý do thứ ba là vì, lý do thứ tư là vì… càng vào khuya trong đêm, lưỡi càng cay thêm vì khói thuốc, tôi càng tìm thấy thêm nhiều lý do.
Nhưng lưỡi càng cay thêm vì khói thuốc, đêm càng khuya tôi lại càng thấy những lý do lả tả rơi rụng như những hạt bụi đang phủ đầy bàn ghế trong giảng đường phía sau. Để rồi vào một thời khắc nào đó, có thể vì bên kia con lộ lớn, người lính mới đổi phiên canh bật lửa châm thuốc hút, có thể vì một vùng trời phía xa hoả châu lơ lửng nhiều hơn, có thể vì tiếng bi đông khua động trong tay một đồng đội thức giấc uống nước trong đêm, tôi chợt hiểu hay tin rằng mình hiểu lý do thầm kín chưa dám thú nhận đã thúc đẩy tôi tới hoàn cảnh này. Có lẽ cũng là vậy. Có thể không phải chỉ là vậy. Tôi lẳng lặng mặc quân phục đã bạc cả mầu xanh không một trốn tránh nhưng cũng không một háo hức hăng hái tin tưởng, thực ra chỉ vì đã từ bao năm tôi ước ao làm được một cái gì cho đồng bào cho đất nước. Và tới giờ phút này, tôi chưa đóng góp được chi đáng kể. Bởi thế, chẳng biết làm gì khác hơn – trong hoàn cảnh cá nhân hiện tại – là tìm một chia sẻ với cái thân phận khốn khổ của những đồng bào khốn khổ bằng cách chịu nhận kiếp lính, một kiếp cùng đinh không thua kém bất cứ ai về phần khốn khó trên phần đất này.
Đoạn Đường Chiến Binh Đoạn Đường Chiến Binh - Thế Uyên Đoạn Đường Chiến Binh