Số lần đọc/download: 5824 / 104
Cập nhật: 2014-11-19 09:40:34 +0700
Chương 3
N
hững lò vật tài giỏi bậc nhất vào giật giải. Từ mấy hôm mới bắt đầu hội, đội vật các cõi lên kinh đã có đấu rờn, đấu bỏ. Người ta náo nức đồn năm nay có lò vật Bãi Lở mới về hội mà đã nổi lắm. Vì là lò mới, phải vật thử sức từ đầu, Bãi Lở đi khắp các sới, chạm trán với đủ các lò, cho nên, lời đồn ấy, ngay lập tức, được chứng nhận. Lò vật Bãi Lở có hai mươi đô, hôm nào cũng đấu liền liền, thế mà tới hôm nay, cả hai mươi người cứ trơ như cột đá. Đô tài giỏi các lò, chỉ mới đụng đến đô Bãi Lở, cùng lắm cũng chỉ chịu được hai lần tỳ cổ tỳ vai và một miếng quét đã phải lăn ra, không ai đứng được trước mặt họ. Tiếng tăm Bãi Lở càng dội lên. Từ gà gáy, sới vật đã ồn người như mở chợ. Sới vật trên đài cao, có đến hàng vạn người chen lấn như những đợt sóng bao quanh. Lầu xem vật của nhà vua choán một góc bãi. Tất cả các tay đô bện khố lục đứng dàn trên đài. Mặt vuông, cằm bạnh, vai nổi, ngực bè, lưng và lườn, chân tay chàm vằn vèo hình thủy quái, cả trên những bắp vế quặn chão. An Tiêm đóng khố bao điều. Điểm mặt cả mười đô vật các lò lên sới đấu với lò Bãi Lở không thấy còn lại một ông quan võ nào. Chỉ có một mình đô An Tiêm làm quan trấn cõi ngoài. An Tiêm đã đấu tám trận. Tiến đến trận này, An Tiêm đã bốc bổng đối thủ lên rồi vỗ đôm đốp vào rốn cả tám người thua ngã ngửa chỏng cẳng. Các ông quan võ thay nhau ra cầm chịch. Các ông quan võ đứng trên lầu xem vật. Không phải các quan võ không lên tranh tài. Xướng danh thật nghiêm ra thì có quan cũng là đô vật, nhưng đã thua ngay từ những keo đầu. Chỉ còn lại những tay đô là lính, là thủ túc hoặc con cháu, quanh năm ăn lộc vua để luyện vật, chứ không phải những tay đô được kén từ các lò trong làng như Bãi Lở. Lý thú nhất, khi đứng dàn trên đài, bên cạnh đô An Tiêm, lại có cả thằng đô cu Mon. Mon ta cũng cởi trần, cũng đóng khố điều, nòi như bố.
Chỉ khác: tóc Mon còn cun cún và Mon mới chỉ đứng cao ngang sườn bố. Tuy vậy, nét mặt nghiêm nghị cũng oai chắm chắm như tay đô chính cống. Bùng... bùng... bi... Tiếng trống nổi liên tiếp. Cả vạn người xem đầy tinh thần thượng võ, cứ nhảy lên, hí vang, rầm rầm múa sức khỏe, như trên đài vật. Cả nước Văn Lang đua tài. Tiếng trống thúc rền. Người xem từng lúc lại hí, lại reo như sấm, mỗi khi có tay đô chèn được miếng hay hoặc một đô nào đuối tay quai, ngã ngửa chềnh ềnh giữa đài. Năm cuộc liền, chưa đô nào vật ngã được đô lò Bãi Lở. Trận cuối cùng, An Tiêm ra với đô lò cõi Bính năm ngoái giữ giải. Chàng đô trẻ tuổi cõi Bính là con trai quan lạc tướng bộ Vũ Ninh. Trống đồng nhịp đôi trầm hùng lên. Lò Bãi Lở bước vào trận ăn thua này, cái thắng đã cầm trong tay, nhưng người xem lại càng hồi hộp đợi keo vật cuối cùng, chắc phải ác liệt. Thế mà chớp nhoáng quá. Có người còn đương ngơ ngác, chưa kịp trông, hoặc tưởng mình trông nhầm hay sao ấy. Lạ không, rõ ràng hai đô vừa vào sới, vươn cái lưng to bè như cánh phản, đương vờn lượn mình, cùng móc tay rồi múa lên đình. Bài múa lên đình trang trọng, ngón tay vui mừng xoắn vào nhau như hái hoa. Vừa xong, đôi bên lùi lại quờ rộng thành vai ra bái nhau, thế mà chỉ một chớp mắt vừa chớm vào vật, còn đương lừa tay vít vai, chưa tỳ, chưa chèn, bỗng vụt một cái, đô lò cõi Bính đã ngã quay.
Thảm hại, người bị đột ngột ngã mất đà băng đi, lẫy mãi không dậy được, như con cá rô rạch cạn, trong khi ấy cánh tay quai của An Tiêm còn giơ lên chưa hết tầm. An Tiêm đứng thẳng lên, cũng quên không đập vào rốn địch thủ để giao hẹn được cuộc nữa. Các quan cầm chịch, các quan xem vật còn đương giật mình, đã nghe tiếng hô xướng danh chõ ra bốn phía bãi báo tin lò vật Bãi Lở giật giải năm nay. Đến lúc ấy, chàng đô trẻ tuổi cõi Bính vẫn còn nằm giãy giữa đài. Đến lúc ấy, An Tiêm mới chợt nhớ và cúi xuống lật ngửa chàng ta lên, vỗ tay đét một cái vào giữa rốn anh chàng, đánh cái dấu thắng trận chắc chắn vào đấy cho thiên hạ bốn phương trông tỏ tường. Không hiểu An Tiêm hạ miếng hiểm đến thế nào mà khủng khiếp thế! Quan lạc tướng Vũ Ninh, vừa ngượng, vừa lo, xám hẳn mặt. ạng nhảy từ trên lầu xuống, hét to:
- Không phải mày đấu vật. Mày cầm dao đâm trộm con tao, mày giết con tao rồi! Lúc bấy giờ An Tiêm đã lùi xuống chân đài. Quan lạc tướng bộ Vũ Ninh chồm thẳng ngay vào đầu bố con An Tiêm. An Tiêm tránh một bên, Mon bắt chước bố cũng né người, nhưng rồi Mon lại nhảy thoắt lên đài. Xem vẻ thằng bé thật táo tợn. Dưới kia, quan lạc tướng Vũ Ninh mất đà, ngã chúi xuống. Trên đài, con quan lạc tướng đã ngóc lên được, nhưng đau xương sườn, còn ngồi nghẹo ngọ. Khắp bãi xôn xao, tiếng cười như sấm động cờn ra xa. An Tiêm vẫy con xuống. Hai bố con trở về chỗ địa phận lò vật Bãi Lở. Người xem ùa tới, như một làn sóng kéo theo. Những đêm hội, kinh đô tưng bừng sáng như trải lụa. Đuốc và đình liệu trong ngoài nội đỏ ngọn suốt đêm. Ngờ chừng cả tháng nay, kinh thành hóa ra cả tháng những đêm trăng. Tin cõi Bãi Lở đã giật giải cơm thi lại giật giải vật, làm cho khắp nơi càng rộn rịch hơn. Người ta hể hả thấy cõi ất và cõi Bính xấu hổ không dám thò mặt nghênh ngang đi đâu. Bấy lâu, những cõi này cậy thế, lại nhiều khéo gian để giữ giải. Ai cũng biết, nhưng không dám nói. Người kinh đô lại vui sướng và lạ lùng nữa. Chưa bao giờ một cõi mà lĩnh được cả giải vật và giải cơm thi, như vinh quang của người Bãi Lở được lần này. Đất nước ta nhiều người tài giỏi. Ai cũng mừng đất nước bây giờ ở tận cõi Bãi Lở xa xôi mà dân có sức, có gan to, đàn ông và đàn bà đều xốc vác, mưu lược, đánh vật thì địch thủ chỉ còn biết ngã như chuối đổ, thổi cơm thi thì vừa đi vừa nhóm bếp đuổi theo quân trẩy mà cơm vẫn dẻo. Có những người ấy thì chẳng còn lo phên giậu cõi xa bị giặc giã quấy nhiễu nữa.
Khắp kinh thành, nhà nào, ngõ nào cũng truyền tai nhau dăng dăng những chuyện Bãi Lở. Danh tiếng An Tiêm lừng lẫy, thổi nhanh như gió đưa. Đèn đuốc kinh đô đương vào những ngày hội sau cùng. Còn thi cỗ nén nữa thì giã đám. Đây là cuộc thi khoe của và khéo tay của các bộ. Nguyên vì ngày trước có một lần vua cha cầm quân đi đánh giặc, nửa đêm, người các cõi ở Chu Diên đem thức ăn đến dâng tiễn. Toàn thức ăn nguội mà thật ngon. Người cõi Chu Diên tâu rằng: quân trẩy từ đây lên Lục Hải hay lên Vũ Định đều phải trèo đèo lội suối, mấy ngày đường không kiếm được cái ăn là thường, của ngọc thực này chúng tôi đã nấu nướng theo lề lối từ đời xưa, để dành ăn dần hàng tháng được. Quan quân nghe lời các bô lão, ăn rồi còn mang theo làm lương khô. Quả nhiên, hàng tháng mở gói ra ăn vẫn ngon lành như nguyên. Từ đấy, nhà vua đặt lệ thi cơm nén vào hội đầu năm. Nhớ ghi lần ra quân cõi xa ấy, lại học được cách của người bộ Chu Diên luyện tích trữ binh lương được phong phú, phòng khi trận mạc. Đấu vật để luyện quân và thổi cơm thi cũng là việc phòng vệ sắp sẵn như thế, lâu dần thành phong tục. Nhưng rồi trong lúc thái bình, hội thi cơm nén, thường các cõi nhiều của đông người ở cánh đồng hay ven sông, lắm thóc, lắm trâu, lắm cá, lắm mía, nấu nướng khéo, dễ được giải. Dần dần, chẳng cõi nào ăn đứt được các phường chuyên nấu cỗ. Mấy đời rồi, chỉ phường nọ thay chân phường kia nơi kinh đô và các bộ gần được giải. Chưa hề các cõi ven nội chịu mất giải cho cõi ngoài, vốn chỉ được coi là dân nơi hoang dã, thức ăn cái uống thô lậu. Bao giờ cũng vậy, cả đến trong một đám hội làng thì cứ đến trước ngày giã đám, những đám hội thường nhộn nhịp hơn. Người người muốn chơi cho đã. Cả kinh đô mở cửa, nhà nào cũng bày biện, mời mọc và rủ nhau ăn uống linh đình thâu đêm. Tiếng sáo, tiếng khèn réo rắt tứ phía. Chiêng, cồng với trống giọt không ngớt. Đấy cũng là hiệu lệnh cho khắp nơi, khắp nhà làm cỗ ăn mừng, chất thêm củi ngoài đường, dựng nốt những cây đình liệu lên đốt phóng suốt sáng. Hôm nay, ngày nhà vua ra chấm cỗ cho các cõi vào hội. Mỗi cõi đóng một phía quanh tám góc vườn ngự. Vua và cả nhà cùng các quan văn quan võ lần lượt đi ngắm cỗ, nếm cỗ từng bọn. Như hội đêm năm mới ở kinh đô mỗi năm, đây lại là dịp cho các cõi tha hồ khoe mọi thứ quý trên rừng, dưới bể của đất mình. Nhưng nhiều năm về gần đây, và càng gần đây, những cuộc thi cơm nén không giữ được ý nghĩa như xưa.
Chỉ vì các cõi đua đòi ganh nhau tìm của lạ. Có khi cướp đoạt của nhau, giết nhau cũng vì thế. Rồi các đời vua cũng cứ theo cái cầu kỳ ấy mà đặt giải. Thói quen đã lấp mất cái nền nếp tốt đẹp ban đầu của cuộc thi cỗ nén từ lúc nào, không ai biết. Các cõi đuổi nhau tìm chuốc cái mới, cái lạ không phải của đất mình. Thức ăn đem vào giải thì bây giờ không còn là của mình đem nấu nướng ra mà nhiều thứ phải đi tìm mãi tận cõi ngoài về để khoe hơn, khoe của. Lều các cõi rải rác quanh vườn ngự. Những đống gỗ trầm cuộn khói lên xanh cả ngàn cây, ngào ngạt, kín góc tây thành. Làn khói thơm đặc bốc lên rồi quyện xuống, khiến cho mặt sông Cái cũng ủ đầy hương. Người ở cuối sông có cảm tưởng nước mùa hoa bưởi chảy qua đám hội kinh đô cũng đượm mùi thơm đưa về tận đấy. Nhà vua và các quan lần lượt đi xem, nếm. Không có đâu khác mọi năm. Cái hợm khoe của đã khiến người ta lú lấp cả sự thật nhãn tiền là thức ăn uống lạ không bao giờ đem lại được cái thích ngon miệng, chỉ lạ miệng mà không ngon cơm. Miếng ăn ngon không phải chỉ vì no đói, mà còn vì nỗi cảm thương nghìn đời đối với đất quê chôn rau cắt rốn của mình. Mỗi năm mỗi cõi đua nhau làm món mới, nào tê giác khô, nào giao long sấy, thịt tê tê vảy đỏ, nào tỏi chim trĩ ướp, nào gan cá nhà táng, nào chả phượng đuôi trắng...
Mọi sơn hào hải vị đều được chuốc từ biển bắc hoặc đem về từ các rừng cõi ngoài, trông thì lạ, nhưng mùi vị cũng thật khác thường, không có cái ngon lành quen thuộc. Lúc ấy, góc nam vườn xôn xao tiếng dao thớt, tiếng chày giã, tiếng hát ví, tiếng sáo, tiếng cười. Như cả làng đương có cỗ to. ầm ĩ nô cười như đám người cấy, người gặt giữa buổi đem mo cơm ra ăn ngay ngoài ruộng bãi. Vua hỏi:
- Cái gì ồn ào vậy? Các quan thưa:
- Đấy là lều cỗ nén của các cõi ở Bãi Lở. Vua truyền đến thẳng đấy. Thì thấy quang cảnh lều Bãi Lở đương nhộn nhịp, khác hẳn vẻ sang trọng mà lại khép nép gượng gạo chỗ mấy lều nhà vua vừa đến. Như ở những quán rượu đương giữa buổi chợ đông! Như quang cảnh chợ bến đò sung túc ngoài thành đem vào đây. Những nhộn nhịp tấp nập chợ búa đò giang ai cũng quen mà bao giờ thấy lại cũng vui thích, như nơi làng quê đã biết từ thuở bé mà bao giờ cũng nhớ. Hàng trăm người Bãi Lở, trai gái vừa làm vừa hát- hát ví ăn giải đấy. Đằng kia, các cụ lão bà đương dỡ ra những nồi đại cơm gạo ré thơm phức. Lá chuối ngự đã hơ sẵn xếp lên những chiếc mo cau mỏng vàng căng như khăn lá mộc. Rồi từng nắm cơm mịn bọc lá chuối mở ra đặt lên mâm bồng chen cạnh một chồng bánh dày trắng mỡ, bên những chiếc bánh chưng vuông chăm chắm cao đều bốn thành góc buộc cặp lại một. Hàng chục cái cối gỗ mít lớn còn đương bì bạch giã thêm bột bánh. Bánh dày ăn với chè kho mật mía ráo như ngói, phảng phất mùi thảo quả.
Cái ngon riêng của bánh dày chè kho rắc vừng của Bãi Lở còn ở chỗ để dành đến hàng tháng sau, bánh vẫn dẻo, chè vẫn vàng óng, nổi cát, sờ không ướt tay. Chè kho quấy xong đổ ra để nguội trên những chiếc nia lớn bây giờ đương cắt khúc. Phía cuối lều, xế ngoài gốc cây chò lớn, những chiếc chày giã giò của các chàng đô vật lực lưỡng hôm trước, xem chừng đã bị bết quánh, sắp được. Cối giò hoa, giò lụa, giò mỡ, gói thành chiếc, kẹp hai thanh tre nẹp, treo như lợn con lủng liểng đều một chuỗi dài từng trăm chiếc. Chỉ trông màu lạt tươi lạt chín mới phân biệt được giò luộc rồi hay chưa. Còn chả ướp quế thì đặc biệt không rán. Miếng chả quế đắp vòng quanh cái ống bương to như cột. Bếp xếp từng thanh củi núi đá than hoa đượm cả buổi đương rực hồng. Cái ống đắp miếng chả quế cứ quay đều trên lửa cho đến khi màu vàng hoa sẫm rộp lên, tỏa thơm ngọt mùi quế ngậy sánh như mật ong. Không uống chè sấy như thói quen bắt chước, khách đến chơi Bãi Lở được mời uống chè tươi vò nấu nước giếng đất, như người đồng bãi cõi nam. Cái chè xanh nhấm đầu cành cũng ngọt đậm lưỡi, mới trồng ba năm trên bãi bồi mà đã bỡi vổng như cây chè lưu niên. Hàng thúng cam, loại cam đường trồng vườn ven sông Cái, đã được chiết hãm cho chín theo vụ và khi hái lại đem vùi trong cát, giữ tươi được đến mấy tháng. Nhấp múi cam ngọt lịm, người đi đường nhịn nước hằng ngày vẫn bước khỏe như không. Những chàng trai hôm trước tranh giải trên sới vật và thổi cơm thi khéo không nhường tài ai, bây giờ giã giò, quấy chè kho, thổi cơm, nướng chả quế. Các cụ gói bánh, nắm cơm, gói giò, xem nồi nước, đứng sai bảo cắt đặt cho con cháu mỗi đứa mỗi việc.
Những chiếc cảnh rượu gạo nếp cẩm mở sẵn nút lá chuối khô đứng lù lù trong bốn góc lều, cả dưới gốc cây chò, ai mỗi lúc qua lại cũng uống một bát. Mùi rượu thơm nồng ấm cả dãy lều Bãi Lở nhộn tiếng cười hát. Cũng bày biện như trước lều cõi khác, nhưng người Bãi Lở đem mâm kiệu cỗ nén án ngữ gọn gàng phía ngoài, như đem kho lương đặt ra giữa đường quân trẩy. Nhà vua tới, mọi việc bếp núc vừa xong đâu đấy. Mâm ngũ quả đỏ ối cam. Chè xanh đặc khói thơm ngọt. Rồi cơm nén, giò chả, thứ thì bày lên mâm để nếm ngay, có thứ đã xếp từng khăn gói một để biếu khách, như sắp sẵn cho người lên đường, cho quân kéo qua lấy lương ăn. An Tiêm và Nàng Hoa cùng các lão ông xúng xính áo điều, khăn lam đầu rìu, lão bà áo dài nhuộm vỏ só mới, ra đón vua. Vua, vợ vua- cả mẹ vua cũng vừa đến, con trai con gái vua, quan văn quan võ các cõi đều xô nhau ra nếm cơm nén và giò chả Bãi Lở. Vừa quen miệng lại vừa bùi miệng, cơm và thức ăn, thật ngon. Lại thêm, ai cũng cạn luôn mấy tuần rượu tăm nổi tiếng đất bãi, đều ngà ngà cả. Các bà, các cô thì nhấp rượu nếp cẩm. Thật hay. Thế mà chỉ là thức ăn thức uống hàng ngày được làm cho tinh, cho khéo hơn. Ai cũng sửng sốt thấy ra cái ăn bình thường mà quý và nhận thấy chỉ có thưởng thức cái ăn cái uống của đất nước mình mới thấm thía hết miếng ngon từ tấm bé được. Vua tấm tắc khen rồi ở lại luôn đấy cùng các quan nhắm rượu cho đến chiều. Mấy khi đã ngồi xem dân Bãi Lở giã bánh, nén cơm, đổ chè kho, thật nhanh thật thạo. Thế là các cõi, các phường chuyên cỗ bát cầu kỳ năm nay đâm ra ế, vua không vời đến. Cay nhất là bọn chuộng lạ, nem công chả phượng đến thế mà phải thua mọi thứ bánh trái bình thường ở đâu cũng có. Đến hôm tan hội, nhà vua mở đại tiệc thết các quan trong ngoài và các cõi về hội được giải. Hội đầu năm nay cũng khác mọi năm. Chưa bao giờ, kể cả mười lăm bộ trong nước, chưa cõi nào vào dự hội kinh đô mà giật cả ba giải nhất đám. Các cụ lão trong phường đông lân nói:
- Già này đã được xem hội kinh đô từ lúc còn trẻ, thật không bao giờ thấy người ngoài cõi tài đến như ông An Tiêm. Nghe các cụ kể lại thì cả đời trước cũng chưa cõi nào giật được ba giải một hội. Thế mà cõi Bãi Lở năm nay giật giải cả ba! Nhà vua hỏi An Tiêm:
- Người dạy dân thế nào mà giỏi vậy? An Tiêm nói:
- Lúc còn bé theo nhà vua về, tôi thường được nghe người già kể cho biết gốc tích từ khi có đất nước. Đấy là lúc mẹ đưa năm mươi con lên ở từ vùng chân Tam Đảo vắt qua sông Cái sang Tản Viên, anh cả làm vua đầu rồi về sau cha truyền con nối, cùng ở một nhà, đời nào cũng hòa thuận, thiên tử và thần dân tắm cùng sông, cày một ruộng, vua tôi chịu khó chịu khổ mới dựng nên được mười lăm bộ nước Văn Lang ta ngày nay. Kịp đến khi tôi vâng lời nhà vua ra trấn Bãi Lở, ngày đêm nghĩ đến công lao lập ra đất nước của các vua cha, lo sợ mà cố gắng noi theo, quyết làm cho đất Bãi Lở chìm rồi phải sống lại, có được thế mới khỏi phụ lòng tin của nhà vua. Vì vậy mà hơn mười năm nay, người Bãi Lở chúng tôi mải mê không biết thế nào là khó nhọc, ở núi cũng như ở nhà, đi đường đá gập ghềnh, cũng như đi chỗ phẳng. Đến nỗi bọn cõi ất định mưu ác để tranh giải, đào hố giữa bãi thổi cơm thi, nhưng dân tôi hằng ngày đã quen coi bước hũm cũng giống bước nơi bằng, không thể ngã được. Người Bãi Lở chúng tôi quanh năm vác đá đi đánh nhau với trâu nước, chặn cổ đuổi được trâu nước, cho nên không thể đô nào lay nổi những cánh tay đã khiêng đá, dù cho đô cõi Bính đã định xỉa đòn ngầm vào huyệt bắp thịt, rốt cuộc những kẻ thâm thiểm cũng đành chịu ngã ngửa bụng trước đô Bãi Lở chúng tôi mà không giở trò ác được. Người Bãi Lở chúng tôi từ đi mở đất đến nay chưa lúc nào biết đến cái thong thả, ăn không kịp ngồi mâm, đêm không biết có gà gáy tan canh, cho nên, ăn đứng thì phải biết thổi cơm nhanh, lam làm vất vả đêm ngày ròng rã trên đường thì phải biết nén cơm thạo. Ngày nay, Bãi Lở có hạt thóc, có cây mía, có con lợn, con trâu, lúc khổ cũng như lúc sướng, chúng tôi đều nhớ lời vua cha, khi ngài là công tử Lang Liêu, còn hàn vi, nghĩ ra cách làm bánh chưng, bánh dày, có nói:
“Vật trên trời đất và mọi của quý không gì bằng gạo", cho nên chúng tôi càng cố gắng khéo tay làm đấy thôi. Chỉ có một lòng tin và hai chữ kiên tâm mà Bãi Lở mở mang lên được, nay được cùng các cõi đem sức, đem của mình làm ra, mừng rỡ về hội... Nhà vua nghe An Tiêm nói chưa hết lời, đã đùng đùng nổi giận, sai đi bắt ả trùm toán cơm thi cõi ất và người trưởng lò vật cõi Bính. Nhà vua quát:
- Chém! Nhiều người trong hàng quan đứng dậy, ngăn rằng đương tiệc vui, không nên chém người. Nhà vua lại quát:
- Đem bỏ ngục! Lính dẫn ả cõi ất và bọn lò vật cõi Bính ra.