We read to know we are not alone.

C.S. Lewis

 
 
 
 
 
Tác giả: Frank Snepp
Thể loại: Lịch Sử
Nguyên tác: Decent Interval
Dịch giả: Ngô Dư
Biên tập: NGUY MIN GIA
Upload bìa: NGUY MIN GIA
Số chương: 5
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 23
Cập nhật: 2023-03-26 21:48:56 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3
hần II: Tan rã
TIẾN CÔNG
Về mặt quân sự, từ lâu, Việt Nam Cộng hòa là một cộng đồng nhiều địa phương mâu thuẫn nhau. Ở Sài Gòn, bộ tổng tham mưu có vẻ nắm được quyền tối cao. Nhưng Thiệu đã tạo những chỉ huy các quân khu thật sự thành những tên vua, chúa. Những quân khu ấy không giống nhau về mặt khí hậu và địa lý. Cái duy nhất gắn chúng với nhau là quốc lộ số 1, chạy dọc bờ biển, qua nhiều đoạn, nối Sài Gòn với Huế. Năm tỉnh của Quân khu I nằm ở phía Bắc đất nước, có nhiều đồi núi và khó ở. Phần lớn nhân dân ở đây sống tập trung chung quanh những thành phố chính là Huế và Đà Nẵng. “Uy quyền” của chính phủ không ở bên ngoài những vùng đồng bằng thấp ven biển. Cho đến mùa Thu 1974, cộng sản tôn trọng con đường ngừng bắn thực sự, dọc sông Thạch Hãn, phía Bắc Huế. Nhưng hiệp định đã bị vi phạm vì sự cướp bóc của quân Nam Việt Nam.
So với Quân khu I, Quân khu II ở giữa Nam Việt Nam là một vùng đất có nhiều miền rất khác nhau. Quân khu này bắt đầu từ những đồi rồi lên đến cao nguyên ở phía Tây, giáp giới Campuchia. Thành phố Qui Nhơn đất đai chẳng khác phía Bắc miền duyên hải Nha Trang. Trung tâm chỉ huy Phan Thiết ở phía Nam. Trên cao nguyên, các thành phố Pleiku và Kontum ở phía Bắc, và Buôn Mê Thuột ở phía Nam. Trên núi có những làng nhỏ ở thưa thớt, dân là người thượng, da đen.
Trong Quân khu II, chiến tranh phụ thuộc vào những cuộc hành quân. Chung quanh Qui Nhơn, quân cộng sản vừa giữ đất, vừa đánh du kích, họ kiểm soát nhiều khu vực rộng ở tỉnh lân cận. Nhưng ở phía Nam, chung quanh Nha Trang và Phan Thiết, do đường tiếp tế của Bắc Việt Nam không có nên quân du kích thường đánh lẻ tẻ và ít hiệu quả. Ở phía Tây, trên Tây Nguyên, những đơn vị Bắc Việt Nam được tiếp tế dễ dàng thường qua lại rừng núi tới chung quanh các thành phố chính, sẵn sàng nã pháo hoặc xung phong mỗi khi quân chính phủ phân tán, lơ là canh gác.
Quân khu III, vùng quanh Sài Gòn, nằm giữa cao nguyên và đồng bằng, có nhiều đồi, rừng, và đồng bằng. Ở phía Bắc thủ đô, từ nhiều năm nay, phần lớn quân Bắc Việt Nam đã đóng ở trong rừng. Ở đây, từng thời kỳ một, họ đánh phá và tích trữ lương thực, đạn dược để chuẩn bị tiến công vào Sài Gòn. Ở phía Nam và phía Đông thủ đô, từ cuối những năm 60 và đầu những năm 70, quân Mỹ và quân Nam Việt Nam đã tảo thanh, đánh đuổi quân du kích cộng sản về những vùng đầm lầy.
Thị xã chiến lược quan trọng nhất của quân khu III là thị xã Tây Ninh, gần biên giới Campuchia. Từ lâu, Tây Ninh là mục tiêu tiêu hao và đánh phá của quân đội Bắc Việt Nam. Thị xã tiểu công nghiệp này gồm 40000 dân, là chìa khoá mở những con đường tiếp viện chính của cộng sản vào Sài Gòn. Ai giữ được thị xã này, đồng thời giữ những đồng bằng phì nhiêu chung quanh, thì kiểm soát được cả những con đường đi Campuchia. Cách thị xã 30 kilômét về phía Tây Bắc, quân cộng sản đã đặt trụ sở Bộ Tư lệnh của miền Nam Việt Nam.
Phía Nam Sài Gòn, quân khu IV gồm một vùng đất đai màu mỡ nhất và đông dân nhất, vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hơn một phần ba nhân dân miền Nam Việt Nam, sống ở đây thu hoạch 80% lúa gạo. Đồng bằng là nơi thêm muốn của cả đôi bên đối thủ. Nhưng do khí hậu ẩm thấp, đất đai sình lầy nên những đơn vị quân đội có thể định đoạt được tương lai của chiến tranh, không thể đóng được. Từ lâu, quân cộng sản đã ở đây, gồm nhưng đơn vị nhỏ - tiểu đoàn hoặc đại đội - không có pháo binh, xe bọc thép, thường chỉ đánh kỳ tập để giành mục tiêu. Hệ thống bảo vệ của quân chính phủ dựa vào mấy thành phố lớn và những vị trí tiền tiêu xa nhau, rất khó giữ được nếu không có sự yểm trợ của máy bay lên thẳng, không quân và pháo binh của người Mỹ. Sở chỉ huy phía Nam đóng ở Cần Thơ, sở chỉ huy phía Bắc đóng ở Mỹ Tho. Trong những tháng gần đây, quân cộng sản uy hiếp ngay ở cửa ngõ hai thành phố này và từ một năm nay, đường số 4, con đường chạy từ Bắc xuống Nam vùng này, bị cắt đứt trong một thời gian dài.
Đó là tình hình Việt Nam khi những nhà chiến lược Hà Nội đề ra “mục tiêu năm 1975”. Công việc chuẩn bị của họ thật ra không hẳn là một chiến dịch mà là một loạt cuộc hành quân riêng rẽ tuỳ theo địa thế và khí hậu từng vùng.
Cuộc tiến công chưa được chuẩn bị tốt. Mười lăm ngày trước khi mở màn, vào giữa tháng 11 năm 1974, có rất ít quân tiếp viện Bắc Việt Nam trên đường mòn phía Nam Lào. Cuộc tuyển quân và lớp huấn luyện kéo dài tới cuối tháng. Đó là điều không bình thường đối với người Bắc Việt Nam. Họ thường chuẩn bị rất kỹ bỏ ra hàng tháng - trước khi mở cuộc tiến công. Lần này, họ gây cảm tưởng nửa muốn đánh nửa không.
Thật ra, họ không thể làm khác được. Thời tiết lại xấu. Mưa, gió mùa rất quan trọng đối với những căn cứ lõm Bắc Việt Nam ở phía Nam Lào. Việc đưa quân và vũ khí vào miền Nam rất vất vả. Đi bộ tám trăm kilômét trong bùn lầy ngập tới đầu gối.
Giữa tháng 12, đúng như ngày đã định, quân Bắc Việt Nam mở giai đoạn đầu chiến dịch Đông-Xuân. Họ đánh chiếm hai thị xã phía Đông-Bắc Sài Gòn. Ở phía Nam, trong vùng đồng bằng sông Cửu Long họ chiếm nhiều vị trí tiền tiêu ven đường số 4. Mục đích những cuộc chiến đấu ấy đã rõ. Quân cộng sản định cô lập Sài Gòn bằng cách cắt mọi đường quan trọng đi vào thủ đô ở phía Bắc và phía Nam, việc mà trước kia họ thường định làm. Ở sứ quán, mọi người dễ thống nhất về mục tiêu chung của kẻ địch nhưng không đồng ý với nhau về mục tiêu phụ. Martin cho là quân cộng sản sẽ đánh Tây Ninh, Polgar và tôi ngã về phía Phước Long, phía Tây Bắc Sài Gòn.
Quân Bắc Việt Nam cũng đang đắn đo giữa hai nơi, việc này chúng tôi không biết. Chính Đại tướng Văn Tiến Dũng, người đưa quân đội Bắc Việt Nam đến thắng lợi đã kể lại chuyện này trong tập hồi ký ông viết sau chiến tranh. Đầu tháng 12, lúc giai đoạn đầu cuộc tiến công đang diễn ra, Hà Nội quyết định thay đổi chủ trương. Từ nhiều ngày, Dũng và bộ tham mưu đã nghiền ngẫm kế hoạch, đến ngày thứ tư, một sự kiện xảy ra, làm họ chú ý.
Một nhân viên tình báo của họ nằm ngay trong giới lân cận gần nhất của Thiệu gửi cho họ một báo cáo tuyệt mật về nhận định của chế độ Sài Gòn. Đó là biên bản một hội nghị quan trọng diễn ra trong hai ngày 9 và 10 tháng 12 ở Sài Gòn nhằm tìm hiểu ý đồ của Hà Nội. Sau hội nghị, Thiệu và các sĩ quan của ông ta thống nhất nhận định rằng, trong những tháng sắp tới, quân cộng sản sẽ mở cuộc tiến công quan trọng hơn vào năm 1974 nhưng chưa lớn bằng cuộc tiến công năm 1968 (đúng như tin do Polgar và tôi báo cho quân Nam Việt Nam 15 ngày trước). Nhân viên tình báo ấy cũng báo tin là Thiệu đã đi đến kết luận rằng quân đội Bắc Việt Nam không thể đánh chiếm và giữ những thành phố quan trọng được, họ nhằm hướng chính là Quân khu III, chủ yếu là Tây Ninh (dự đoán của đại sứ Martin) và họ chỉ tiếp tục tiến công cho đến tháng 6, hết mùa khô. Sau đó, họ ngừng để lấy lại sức và củng cố; vẫn theo nhân viên tình báo này, Thiệu cũng căn cứ vào sự phân tích của bản thân, ông quyết định không gửi quân tiếp viện cho quân đoàn 2 ở Tây Nguyên, mà trái lại, tập trung lực lượng dự trữ ở phía Nam đất nước.
Không khó khăn gì để nhận ra sự mừng rỡ của Hà Nội khi được đọc biên bản nói trên. Mục tiêu 1975 của họ gồm đủ mọi vấn đề, mỗi thứ một ít và không có vấn đề gì đáng kể. Nhưng nay họ đã rõ Thiệu nhận định như thế nào, họ có thể thảo được kế hoạch. Vì Thiệu cho là muốn đánh Tây Ninh thì phải đánh Phước Long, Thiệu không tin là muốn tiến công được ở Tây Nguyên thì phải đánh mạnh ở đây, Thiệu cho là không thể đánh chiếm và giữ được những thành phố quan trọng thì cứ hướng ấy mà tiến. Tỉnh Phước Long là mục tiêu đầu tiên của họ, tiếp đến là Buôn Mê Thuột, trên Tây Nguyên thuộc quân đoàn 2...
...Về mặt tâm lý, mất Phước Bình (Thị xã Phước Long) là một đòn đau đối với chính quyền Thiệu. Chưa có một thị xã nào bị đánh chiếm kể từ ngày thị xã Quảng Trị phải đầu hàng năm 1972. Nhưng sau đó, thị xã Quảng Trị được chiếm lại. Nhưng đau nhất là chưa bao giờ Hoa Kỳ tỏ ra thờ ơ như lúc này. Đối với Thiệu cũng như đối với Bắc Việt Nam, trận Phước Long là trận thăm dò chính sách của Mỹ...
Trong khi nhiều tin xấu được loan truyền ở thủ đô thì lực lượng chính phủ lại bị thất bại nữa, lần nầy ở Tây Ninh. Sau năm ngày bị bao vây, không cái ăn, không nước uống, đội quân giữ vị trí núi Bà đen ở phía Bắc tỉnh phải bỏ chạy. Thế là mất một vị trí quan sát tiền tiêu! Nhân dân Tây Ninh kéo nhau chạy về Sài Gòn...Chiến thắng liên tiếp ở Quân khu III của cộng sản khuyến khích Hà Nội leo thang. Họ lại được tin chắc chắn là Hoa Kỳ không can thiệp để cứu vãn đồng minh. Hội nghị Bộ Chính trị phân tích sự suy yếu của địch báo hiệu một thời cơ mới đang đến. Ngày 8 tháng 1 năm 1975, hai ngày sau chiến thắng Phước Long, ông Lê Duẩn đề nghị với hội nghị một chiến lược quân sự táo bạo đưa đến việc thảo ra một kế hoạch chính thức và quyết tâm dành thắng lợi trong hai năm 1975-1976: “năm 1975, tranh thủ bất giờ, tiến công lớn và rộng khắp, tạo điều kiện để năm 1976 tiến hành tổng công kích - tổng khởi nghĩa, giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam” Ông Lê Duẫn còn đề nghị một phương án khác và một phương hướng hành động cực kỳ quan trọng là: “nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975, thì lập tức giải phóng miền Nam trong 1975”. Ông cũng để cửa mở cho những cuộc thương lượng, ít nhất với Hoa Kỳ. Việc người Mỹ không cạn thiệp để cứu Phước Long có thể có nghĩa là họ sẵn sàng mặc cả cho việc ra đi của Thiệu.
Ông Lê Duẩn cho viết một bài xã luận đặc biệt, in trong số tháng giêng trên báo của Đảng (Tạp chí Cộng sản). Bài xã luận trình bày tóm tắt và rõ ràng quan điểm của ông và kế hoạch của Hà Nội. Nếu ở Sài Gòn, chúng tôi có sẵn bài báo ấy, chúng tôi có thể dễ hiểu hơn cái gì đang được chuẩn bị. Nhưng có nhiều sự chậm trễ trong việc nhận thư từ, báo chí theo đường dây quốc tế nên mãi đến tháng 3, sứ quán mới nhận được tờ báo đăng bài xã luận. Như thế là quá muộn mất rồi!
Bộ chính trị còn một vũ khí mới nữa, sự ủng hộ của đồng minh duy nhất, quyết định thắng lợi hay thất bại. Lần đầu tiên kể từ ngày ngừng bắn, Liên Xô, đồng minh lớn của Hà Nội, sẵn sàng ủng hộ một chính sách tiến công giải phóng miền Nam.
Cuối tháng 12, trước khi tiến công Phước Long, người đứng đầu lực lượng vũ trang Liên Xô, đại tướng Viktor Kulikov, bay đến Hà Nội. Polgar và tôi báo ngay cho Ban giám đốc CIA biết. Chúng tôi không làm thế nào mà nắm được những vấn đề Kulikov thảo luận với chủ nhà. Điều quan trọng đối với chúng tôi (tôi nhấn mạnh điểm này trong một bức điện) là cuộc viếng thăm Bắc Việt Nam tương tự như trước đây của một vị tướng Liên Xô hồi năm 1971, diễn ra đúng trước cuộc tiến công lớn của Hà Nội. Thật vô ích nếu nói rằng Polgar bắt buộc phải nhắc lại cho Hoa Thịnh Đốn biết tình hình hiện nay có thể giống như trường hợp trước.
Nhưng những người phân tích tin của CIA và Bộ Ngoại giao quá bảo thủ, không đồng ý với nhận định trên. Họ cho là cuộc viếng thăm của Kulikov chỉ là một cuộc viếng thăm thường lệ. Sau này họ thấy rõ chúng tôi lập luận đúng. Những tuần sau khi Kulikov thăm Việt Nam, khối lượng thiết bị quân sự Liên Xô chở bằng đường biển tới Bắc Việt Nam tăng gấp bốn lần, Matxcơva đã ủng hộ hết mức cuộc tiến công cuối cùng của Hà Nội...Giữa tháng 1 năm 1975, Bộ Chính trị họp ở Hà Nội để xây dựng kế hoạch đánh chiếm Buôn Mê Thuột, trong vùng núi phía Tây. Chiến dịch này đặc biệt khó khăn. Các ông Lê Duẩn và Lê Đức Thọ quyết định phải có một uỷ viên Bộ Chính trị chịu trách nhiệm hoàn toàn. Người được chọn là Đại tướng Văn Tiến Dũng.
Nguyên Soái Đại Tướng Văn TiếnThống Lãnh Đại Quân
Chiến Dịch Hồ Chí Minh - Đại Thắng Mùa Xuân 30/4/1975
Đại tướng Dũng khoảng 58 tuổi, người trẻ nhất trong Bộ Chính trị, người duy nhất có thể giành danh hiệu quí giá: “người lao động”. Thật vậy, là nông dân nghèo ở tỉnh Hà Tây, ông trở thành thợ cả trong một xưởng dệt ở Hà Nội giữa những năm 30. Ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương trong vùng giữa Hà Nội và Hà Tây, và cũng như nhiều đảng viên quan trọng khác, ông bị người Pháp bắt bỏ tù trong cuộc khủng bố chống cộng năm 1939. Ông vượt qua một cách can đảm và bốn năm sau, ông vừa tham gia chiến đấu ngoài mặt trận, vừa rèn luuyện học tập quân sự. Kinh nghiệm quân sự thực tế của ông bảo đảm cho ông làm tròn nhiệm vụ chính ủy cao cấp trong quân đội của Việt Minh.
Thoạt đầu, Dũng làm việc dưới bóng của người thủ trưởng tài ba, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng Giáp là người chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng Đại tướng Dũng, Tổng tham mưu trưởng, cũng là người tổ chức việc đưa vũ khí đạn dược đến bao vây tập đoàn cứ điểm ấy cho đến khi quân Pháp đầu hàng.
Trong khi các ông Giáp và Trường Chinh, một ủy viên Bộ Chính trị khác, dành thì giờ để nghiên cứu, viết ra những bài lý luận về chiến tranh du kích và chiến tranh nhân dân thì Dũng, trở thành thành viên của đoàn đại biểu Bắc Việt Nam bệnh cạnh Ủy ban quốc tế kiểm soát, tập trung vào việc nghiên cứu trực tiếp kẻ thù để tìm cách đánh thắng chúng. Khi ông trở ra Hà Nội, cuối những năm 50, ông đã có trong đầu phương án tốt: một cuộc chiến tranh du kích phải có lực lượng chính qui dẫn dắt. Chính từ phương án ấy và từ phương án của các ông Giáp, Lê Duẩn, Trường Chinh mà Bộ Chính trị định ra chiến lược đưa họ đến thắng lợi.
Ông Dũng được bầu làm ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị năm 1960. Cụ Hồ Chí Minh rất thích ông. Sau cuộc tiến công năm 1972, ông trở thành ủy viên chính thức cùng với ông Trần Quốc Hoàn, người đứng đầu Bộ Nội vụ của Hà Nội, trùm công an mật... Ông Dũng là một vị tướng chiến đấu, một loại Ulysse hay Grant của Bắc Việt Nam. Một đầu óc thực tế, không phụ thuộc vào một lý thuyết nào. Nếu công việc có thể tiến hành, ông làm ngay, cố hết sức nhanh và cố hết sức đạt hiệu quả. Nhưng bao giờ cũng chấp hành theo ý kiến của Bộ Chính trị.
Trong hồi ký của mình, Dũng viết “được ra trận chiến đấu là một niềm vui lớn”, “được đi thực hiện một nghị quyết quan trọng của Đảng là một hạnh phúc”. Và ông thổ lộ với người bạn già, tướng Trần Văn Trà, nhà chỉ huy quân sự vùng Sài gòn và đồng bằng như sau: “Kỳ này vào đánh Tây Nguyên cho đến mùa mưa, đánh xong tôi sẽ vào Nam Bộ cùng với các đồng chí nghiên cứu chiến trường và chuẩn bị để đánh lớn trong mùa khô 1975-1976” Dũng tỏ ra hết sức lạc quan. Thực tế, chỉ ba tháng sau, ông đi tìm Trà, ở Nam Bộ.
MỘT ANH BẠN HẨU
Trong khi quân đội Bắc Việt Nam mở chiến dịch mùa khô thì quân Khmer đỏ tiến công Campuchia. Chẳng mấy chốc, họ chiếm mọi con đường đi đến Phnôm Pênh. Rồi họ nhanh chóng cắt con đường thuỷ độc nhất sông Cửu Long, nối thành phố với thế giới bên ngoài, bằng thuỷ lôi mới nhận được. Cùng lúc ấy, ở phía Bắc Phnôm Pênh, họ đặt súng cối và pháo binh gần sân bay Pochenton, để chặn cầu hàng không Mỹ.
Ngày 7 tháng 1, Kissinger cấp tốc họp với các nhân viên ê kíp nhỏ đặc biệt, nhóm “đặc biệt hành động Hoa Thịnh Đốn” để tìm cách dập tắt đám cháy ở Đông Dương. Giải pháp đầu tiên để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Campuchia bị bác bỏ ngay: người Pháp đề nghị đưa Sihanouk trở về và mở cuộc thương lượng giữa Sihanouk với Hoa Kỳ. Kissinger phản đối để bảo vệ uy tín của Mỹ, bạn đồng minh không thay đổi của Lon Nol.
Hôm sau, chính phủ Mỹ báo tin sẽ xin quốc hội viện trợ quân sự bổ sung để cho các khách hàng Đông Dương có thể vượt khó khăn cho đến tháng 6, ngày chấm dứt năm tài chính.
Đề nghị ấy chắc chắn không được đáp ứng. Lạm phát và thất nghiệp lan tràn ở Hoa Kỳ. Ý định dùng tiền đóng thuế của nhân dân để duy trì một cuộc chiến tranh ở xa, đáng lẽ đã được chấm dứt, làm cho hầu hết đại biểu quốc hội và nhà báo tức cười.
Tình hình càng rối ren và chính phủ Mỹ phải chịu nhiều hậu quả của vụ bê bối Watergate. Sau khi đánh đổ một tổng thống, quốc hội quyết định chú trọng chính sách đối ngoại. Việc thượng nghị sĩ Jackson phản đối dự thảo hiệp định thương mại Mỹ - Xô là một thí dụ điển hình của chiều hướng ấy. Cuộc khủng hoảng mới nhất ở Chypre cũng cùng chung một số phận. Mùa hè trước, sau khi quân Thổ Nhĩ Kỳ xâm chiếm đảo, quốc hội đã cắt viện trợ quân sự cho Ankara. Quyết định ấy, mặc dù đúng, nhưng có những hậu quả tai hại đối với chính sách chung của chính phủ, nhất là đối với sự hoạt động của Kissinger ở Đông Dương. Làm sao mà quốc hội có thể phạt một hội viên của Otan khá quan trọng như nước Thổ trong khi đó lại tiếp tục ủng hộ Campuchia và Nam Việt Nam.
Nếu tính tất cả những dữ kiện đó thì chính phủ phải dũng cảm xin tiền bổ sung. Đối với Kissinger, không có chọn lựa nào khác. Theo ông, cuộc tranh luận về tiền sẽ gây ra tiếng vang, dội cả ra ngoài bản thân cuộc xung đột Đông Dương. Cũng giống như hiệp định thương mại Mỹ - Xô và vấn đề Chypre, vấn đề Đông Dương sẽ trở thành nguyên cớ một cuộc đấu tranh triết lý và chính trị giữa Nhà Trắng và cơ quan lập pháp. Một cuộc thử thách sức mạnh về chức năng của hai cơ quan này trong chính sách đối ngoại.
Đối với Kissinger, những cuộc tranh luận này sẽ làm phai mờ hình ảnh nước Mỹ thường tỏ rõ là một nước bảo vệ bạn bè gặp khó khăn. Người ta sẽ nghi ngờ điều đó. Không nên để như vậy, nhất là lúc này, Kissinger đã cam đoan rằng Hoa Kỳ sẽ cố đem sức nặng ra để tìm giải pháp cho cuộc xung đột Ixraen - A rập. Những bên tham chiến ở Trung Đông đã tin tưởng Kissinger. Có nên để lòng tin đó bị lung lay khi quốc hội Mỹ quay lưng lại các bạn Đông Dương không?
Ngoài những điều phân tích về địa lý, chính trị ấy, đại sứ Martin có những lý lẽ riêng của ông để đòi tiền bổ sung. Theo ông, điều có lợi cho Sài Gòn lúc này, chưa quan trọng bằng cuộc đấu tranh của ông chống bọn “nổi loạn” Mỹ, bọn vô chính phủ “trí thức điên rồ” đang nhận làm những kẻ tuyên truyền cho Hà Nội trong hạ tầng của giới chính trị như Tom Hayden, Fred Branfman và Don Luce, cổ động viên của Ủy ban giúp đỡ Đông Dương. Martin quyết định đánh bại những người này...đồng thời dành được tiền bổ sung cho Sài Gòn.
Hoàn cảnh lúc bấy giờ cũng buộc ông phải có một thái độ như thế. Giữa tháng 12, lúc quân Bắc Việt Nam đang chuẩn bị mở chiến dịch mùa khô, một nhóm những nhà tu hành Mỹ cho lưu hành một bức thư về Việt Nam. Dựa vào những tin tức do Ủy ban giúp đỡ Đông Dương cung cấp, họ tố cáo người Mỹ phải chịu trách nhiệm chính trong cuộc đổ máu ở Việt Nam.
Giọng viết và nội dung bức thư làm cho Martin tức giận đến mức ông phải trả lời. Nhất là bộ ngoại giao lại không muốn làm. Trong một bức điện gửi cho Hoa Thịnh Đốn ngày lễ Thiên Chúa giáng sinh, ông giơ gươm nổi giận lên: “Chúng tôi hoàn toàn chia sẻ với bộ ngoại giao nỗi sợ hãi hiển nhiên về những điều công kích địch bôi tro trát trấu vào người. Những điều công kích này chĩa vào bất cứ ai, phải nói rằng nội dung bức thư của các nhà tu hành chỉ là những điều nói dối, từ đầu đến cuối...Tuy chúng tôi chia sẻ với nỗi sợ hãi ấy nhưng chúng tôi không đồng ý với những lý lẽ cho phép bộ ngoại giao thôi, không nói rõ sự thật với nhân dân Mỹ. Hình ảnh Ponce Pilate còn trong trí nhớ mọi người, nhất là gần đến ngày lễ Noel”. Cuộc tranh luận về viện trợ bổ sung, đối với Martin, là một dịp để kéo những bạn đồng nghiệp của ông ở bộ ngoại giao vào cuộc đấu tranh chống những người “nổi loạn”. Nhưng bộ ngoại giao còn nhiều điều mắc mớ. Một năm sau. Martin nói với tôi: “Tôi biết rõ là Việt Nam đi đời rồi nhưng tôi không thể làm gì hơn là cố kéo chậm lại”. Nhưng ông cũng không gánh nổi gánh nặng ấy.
Cuối cùng, sau nhiều lần bộ ngoại giao can thiệp, quốc hội bỏ phiếu chuẩn y một món tiền bổ sung là ba trăm triệu đôla.
Trong lúc đó, quân đội Bắc Việt Nam tăng sức ép. Cuối tháng 1, ở Quân khu I, ba sư đoàn đóng ở phía Tây Huế và Đà Nẵng và nhiều trung đoàn từ miền Bắc vào luồn qua khu phi quân sự, đến yểm trợ. Ở Tây nguyên thuộc Quân khu II cũng có quân tiếp viện. Ở phía Nam, trong vùng Sài Gòn, một trong những sự đoàn đã đánh chiếm Phước Long, hành quân về phía tỉnh Tây Ninh, để phối hợp cùng với nhiều đơn vị khác đã sẵn sàng tiến công. Chẳng mấy lúc, lực lượng cộng sản như một vòng cung cắt biên giới phía Bắc của Quân khu III.
Bề rộng của đất đai cần bảo vệ lớn đến mức làm cho các đơn vị của Sài gòn phân tán rải rác, nhiều đơn vị xa hẳn căn cứ. Họ không có cách nào hơn là rút về vị trí, cố thủ và chờ cuộc tiến công mới nếu họ không muốn giữ đất.
Về phía ông, Đại tướng Văn Tiến Dũng chuẩn bị đi Nam. Tuần cuối tháng 1 năm 1975, ông đến chào ông Lê Duẩn. Họ chúc nhau gặp may nắm và ông Lê Duẩn nhắc lại cho vị tướng câu nói ngắn về kế hoạch chiến lược của ông: “Nên suy nghĩ nhiều và có cách đánh đúng. Chiến trường Tây Nguyên có thể làm ăn to được, đánh thắng có thể dẫn đến khả năng ta dự kiến là trong năm nay giải phóng miền Nam”.
Ngày 5 tháng 2, Tướng Dũng tới Hà Nội, đáp máy bay đi Đồng Hới. Tại đây, ông lấy xe hơi đi Quảng Trị, ở phía Bắc quân đoàn I. Chuyến đi về phía Nam bắt đầu. Từ đó, ông đi xuồng máy, xe hơi, theo đường đi của quân đội Bắc Việt Nam, chạy từ phía Tây Nam Việt Nam đến phía Nam Lào.
Chuyến đi của ông được giữ hết sức bí mật. Ông Dũng kể lại: “Mọi việc đều được chuẩn bị để đánh lạc sự theo dõi của địch. Sau khi tôi đi, báo chí tiếp tục phản ảnh những hoạt động của tôi, coi như tôi vẫn ở nhà”.
Việc đánh lừa ấy đạt kết quả. Một năm sau khi Việt Nam sụp đổ, lúc ông Dũng cho phát hành tập hồi ký của ông, chúng tôi mới biết ông chỉ huy cuộc tiến công cuối cùng, đánh tổng hành dinh, ngay sau phòng tuyến của chúng tôi.
Bao nhiêu điều phụ thuộc vào nhiệm vụ của Tướng Dũng...Ngày 3 tháng 2, trong một bài diễn văn nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng, ông Lê Duẩn hứa cố gắng thực hiện các nghị quyết của Đảng. Ông nhấn mạnh những mục tiêu chính trị được đề lên trên mục tiêu quân sự, gây chút hy vọng cho việc thương lượng. Nói về những điều kiện chủ yếu cho cuộc đàm phán, ông cẩn thận không nhắc đến việc Thiệu phải ra đi, đòi hỏi thường lệ trước đây của Bắc Việt Nam.
Đọc xong một lần nữa bản dịch bài diễn văn, tôi càng chắc chắn rằng mục tiêu trước mắt của cộng sản là nối lại cuộc đàm phán chứ không phải là chiến thắng quân sự. Mấy ngày sau, một nhân viên CIA gửi cho tôi một bản báo cáo gần đúng như nhận định của tôi. Anh ta dự kiến sẽ có những cuộc tiến công mới và mạnh ở phía Bắc Sài Gòn (Buôn Mê Thuột không được ghi cụ thể) nhưng anh lại nói rằng khi trận đánh xong thì Chính phủ Cách mạng lâm thời sẽ đề nghị họp lại tay đôi. Anh ta cũng nói không họp ở Paris mà họp trong một thành phố ở miền Nam Việt Nam.
Bài diễn văn của ông Duẩn có hai ý nghĩa. Tôi làm một bản phân tích cho Polgar, trong đó tôi trình bày những điều tôi rút ra từ những cam kết chính trị và quân sự của ông. Bực mình, Polgar quyết định kiểm tra lại những nhận định của tôi qua phái đoàn Hunggari trong Ủy ban quốc tế kiểm soát. Ông đưa bản phân tích của tôi cho họ, đề nghị họ góp ý kiến. Mấy ngày sau, họ trả lời rằng những kết luận của tôi gần đúng. Nói một cách khác, chúng tôi vẫn còn hy vọng đi đến một cuộc thương lượng, mặc dù, chắc chắn, hoạt động quân sự sẽ phát triển trong mấy tuần tới.
Polgar điện ngay cho Hoa Thịnh Đốn một bản tóm tắt nhận định của người Hunggari. Những người này cũng báo cho Hà Nội những tin tức cần thiết. Biết rõ sự đánh giá của chúng tôi, Bộ Chính trị có thể sửa cho đúng kế hoạch và chiến lược của họ. Với những ý định tốt nhất thế giới, Polgar đã gửi đi một bản tin vô giá đối với người Bắc Việt Nam.
Nhưng hướng mới về một giải pháp chính trị không làm mất sự băn khoăn của Polgar về việc uy hiếp quân sự. Ông vẫn đề nghị quốc hội cấp thêm tiền viện trợ và tự mình làm việc này. Suốt mùa Đông, ông yêu cầu tôi phải tỏ ra bi quan trước những vị khách đến thăm, trước nhân viên sứ quán và không được nêu vấn đề về ý đồ chính trị của Hà Nội, một vấn đề vừa khó khăn vừa rối tinh.
Sau một buổi trình bày hết sức rõ ràng của tôi, một đồng nghiệp CIA giơ tay lên trời, kêu lên với vẻ sợ sệt: “Trời ơi, mấy tuần trước, anh nói là không có gì nguy cơ cả. Nay, hình như chúng ta đang đứng trước buổi xử án cuối cùng!”
Cảm tưởng ấy lan rộng nhanh chóng khắp sứ quán và nhiều đồng nghiệp tôi bắt đầu bi quan và giấu vũ khí, đạn dược đề phòng khi phải tự vệ. Cùng lúc ấy, phái đoàn quân sự và các cơ quan hành chính trong sứ quán, tự do, cho biết kế hoạch di tản, một bản tài liệu gồm 400 trang (mỗi sứ quán Mỹ trên thế giới đều có một bản, thật là một kiểu làm việc cổ lỗ). Đại tá Garvin Mc Curdy, tuỳ viên không quân, đại tá Cornelius Carmody, tuỳ viên hải quân được giao phụ trách việc này. Được một ê kíp nhỏ giúp việc, họ thảo ra một kế hoạch cụ thể di tản những người Mỹ ở các quân khu và cuối cùng là ở Sài gòn. Phần lớn sự thay đổi của họ thuộc mặt hình thức chứ không phải nội dung. Từ tài liệu gốc, họ chỉ còn giữ lại con số người di tản là không quá 6.800 người, phần lớn là người Mỹ.
Polgar cũng được giao nhiệm vụ thảo một kế hoạch di tản những nhân viên tình báo và những nhân viên quan trọng nhất của Chính phủ Sài Gòn. Nhưng ông từ chối. Mặc dù tình hình quân sự quá xấu, ông vẫn không tin rằng một ngày kia ông phải bỏ nước này.
Còn đại sứ Martin, ông lại trở về Hoa Thịnh Đốn đầu tháng 2, để bảo vệ chủ trương của chính phủ trong cuộc thảo luận về việc trợ bổ sung. Vừa đến bộ ngoại giao, ông đã đưa ra một dự án mà ông rất thiết tha, đó là một chương trình giúp đỡ khổng lồ làm cho chế độ Sài Gòn có thể độc lập về kinh tế trong ba năm. Đề nghị của Martin bị bộ ngoại giao cũng như quốc hội bác bỏ. Người ta kết tội ông là cố làm cho vấn đề Việt Nam bị lãng quên trong cuộc bầu cử sắp tới. Nhưng Martin phản đối và ông đấu tranh cho việc thành lập một ủy ban gồm nhiều thượng và hạ nghị sĩ sẽ đi Nam Việt Nam để nghiên cứu tại chỗ dự án của ông. Được chính phủ đồng ý nhưng dự án của Martin không được chấp nhận vì những cuộc xung đột cá nhân và giá dầu lửa. Cay đắng thật vọng. Martin trở lại Sài Gòn.
Giữa lúc ấy, nhiều quan chức chính phủ Mỹ cũng định cứu vãn tình hình. Họ dùng mánh khoé cũ và kêu cứu lần này ở Campuchia. Họ trình bày với quốc hội: mấy tuần nữa, Chính phủ Lon Nol sẽ đổ nếu quốc hội không chuẩn ngay viện trợ bổ sung cho Campuchia. Nhưng không có lý lẽ gì thuyết phục được quốc hội, CIA vừa hoàn thành bản báo cáo vạch rõ chính phủ Phnôm Pênh bất lực, không thể chủ động, về mặt quân sự trong thời gian gần nhất, dù được viện trợ bổ sung. Colby, giám đốc CIA, trình bày thành thật và chi tiết kết luận ấy với một ủy ban của quốc hội, và không còn vấn đề viện trợ cho Campuchia nữa.
Ở Sài Gòn, Nguyễn Văn Thiệu theo dõi việc ấy cẩn thận và rất ngạc nhiên. Những lời đường mật của Hoa Kỳ về viện trợ cần thiết cho sự sống còn của ông ta đã làm ông mất lòng tin và kẻ thù của ông ở Hà Nội, chắc chắn cũng được khuyến khích ít nhiều.
Hơn thế, kẻ thù của Thiệu ngay trong nội địa cũng ngóc đầu dậy. Họ kết tội Thiệu là chỉ chăm lo tài sản riêng chứ không nghĩ đến quyền lợi quốc gia...Thiệu phản ứng lại. Năm tờ báo phải đóng cửa, 18 nhà báo viết những điều không có lợi cho chính phủ bị bắt vì hoạt động thân cộng sản.
Giữa cơn bão táp chính trị ấy, Thiệu tiếp tục trị phái quân sự. Sau khi mất Phước Long, ông ra lệnh chỉnh đốn lại Quân khu III và chỉ định tướng Nguyễn Văn Toàn làm tư lệnh. Thiệu cũng quyết định “trẻ hoá” một ít chiến lược. Tướng Cao Văn Viên, người tổng tham mưu trưởng tươi cười, từ nhiều tháng nay, đã cố vận động Thiệu chấp nhận ý kiến: một Việt Nam thu hẹp. Ý kiến này từ một năm nay cũng được thủ tướng Khiêm và thỉnh thoảng được người Mỹ nghĩ đến. Những quyết định của chính phủ ngày 9 và 10 tháng 12, đánh dấu bước mở đầu rụt rè theo hướng đó: tập trung tất cả lực lượng dự trữ, nếu có thể nói như thế, về Quân khu III, không cử quân tiếp viện lên Tây Nguyên hay ra Quân khu I. Sau thảm bại Phước Long, Khiêm và Viên đẩy Thiệu lùi một bước nữa: bỏ phía Bắc đất nước, như thế có thể tiết kiệm được súng ống đạn dược, quân trang v.v...
Mới đầu, Thiệu bác ý kiến này, nhưng những tin tức từ Hoa Thịnh Đốn gửi về ngày càng bi đát, cần phải xét lại. Đầu tháng 2, Thiệu thành lập một nhóm nghiên cứu tình hình đứng đầu là Viên và Khiêm, có nhiệm vụ nêu rõ thực trạng lực lượng chiến lược. Ông cũng ra lệnh cho Quân khu I gọi những lực lượng ưu tú trong sư đoàn dù đóng ở phía Bắc Huế rút về và chuẩn bị cho lực lượng này chuyển vào Sài Gòn.
Viên và Khiêm không bằng lòng. Họ cho là việc rút đoàn này đi không đúng với sự cần thiết. Nhiều người khác trong giới lân cận Thiệu cũng không tán thành vì những lý do ngược lại: quyết định này đối với họ, triệt để quá. Một người kịch liệt chống lại chủ trương rút quân là tư lệnh Quân khu I, tướng Ngô Quang Trưởng. Năm sư đoàn dưới quyền ông đã khá phân tán, nếu không có sư đoàn dù thì ông cho là không khi nào ông có thể tự vệ nổi để chống lại bốn sư đoàn Bắc Việt Nam và nhiều đơn vị khác đang đóng trước mặt ông ta.
Giữa tháng 2, tướng Charles Timmes, sĩ quan liên lạc chính của CIA cùng với bộ chỉ huy Nam Việt Nam đến thăm sở chỉ huy của Trưởng ở Đà Nẵng, để bàn tình hình như thường lệ. Trong cuộc tranh luận, Timmes rất ngạc nhiên được biết một kế hoạch chiến lược mới đang được thực hiện nhưng Trưởng từ chối không giải thích cho ông biết rõ vì sao cần phải có kế hoạch này. Ông dự kiến việc bảo vệ bốn điểm quan trọng: các thành phố Huế và Đà Nẵng, Tam Kỳ, tỉnh lỵ tỉnh Quảng Tín và mỏm Chu Lai ngay ở phía Nam, ở đây có một sân bay lớn và sở chỉ huy của sư đoàn 2 quân đội Nam Việt Nam. Nếu cộng sản cho quân tiếp viện đi qua khu phi quân sự. Trưởng giải thích, thì ông sẽ rút về những điểm trên. Timmes, như lời ông nói với tôi sau này, ngả theo ý kiến ấy. Ông cho là Trưởng có thể điều khiển tốt năm sư đoàn của ông ta. Chắc chắc Timmes sẽ bớt lạc quan hơn nếu ông biết người chỉ huy Quân khu I chỉ còn có bốn sư đoàn.
Mấy ngày sau. Trưởng đi Sài Gòn để bộ tổng tư lệnh thông qua kế hoạch của ông ta. Trưởng rất lạ là Thiệu không sốt sắng lắm, cố quyết định chậm lại bằng cách ngẫm nghĩ từng chi tiết một. Thực tế, Thiệu không muốn có một sự thay đổi nào trong việc bố trí lực lượng. Tuy nhiên, Thiệu phải công nhận rằng việc rút sư đoàn dù đi, làm cho lực lượng của Trưởng vô cùng yếu so với lực lượng địch. Thiệu sợ sẽ gây cảm tưởng xấu với người Mỹ nếu cứ bỏ đất đai.
Quyết định của Thiệu rút sư đoàn dù khỏi Quân khu I là hậu quả chiến lược bỏ vị trí Tống Lê Chân vào tháng 4 năm 1974 và thị xã Phước Bình một tháng trước đây. Cho là có quyết định này thì có thể làm nhẹ được hậu cần, gây ảnh hưởng với quốc hội và củng cố việc bảo vệ chung quanh Sài Gòn, nên tướng Murray đồng ý. Đó là dấu hiệu chứng tỏ rằng ông thôi, không thảo luận những điều dự kiến vào mùa hè trước. Trong khi Thiệu bất đắc dĩ phải để cho mình trôi xuống cái dốc nguy hiểm này, theo cách nói của ông ta, thì phần lớn những cộng tác viên của Martin chỉ chú ý đến viện trợ bổ sung.
Tuần thứ ba tháng 2, những buổi tiếp khách diễn ra mất 24 giờ vì làn sóng những người đến thăm: đại biểu quốc hội, quan chức ở Hoa Thịnh Đốn. Mặt khác, tôi phải chúi mũi vào việc viết những bài tuyên truyền. Tôi không còn thì giờ để nghiên cứu những khía cạnh tế nhị trong chiến lược của Sài gòn hoặc của cộng sản.
Điều không may tột độ nữa là một chị nhân viên giỏi của tôi vắng mặt hàng tuần nay. Đầu tháng, Pat Johnson, vì ăn sandwich ôi với rau xà lát và tôm ở bể bơi khách sạn Duc nên phải nằm liệt gường. Lúc chị dậy được, thì tôi đã mệt lả người và mong có những điều kiện làm việc thoải mái hơn một ít. Nhưng không thể được. Nhân viên thứ ba trong phòng tôi quyết định nghỉ hè vì đã làm việc lâu. Mấy ngày sau, anh bay về Hoa Kỳ và ở đó bốn tuần xem vô tuyến truyền hình về sự tan rã của miền Nam Việt Nam với lời bình luận của Walter Cronkite.
May thay, Polgar tìm được người thay anh này. Đó là Joe Kingsley. Là một nhân viên CIA không có một chút kinh nghiệm phân tích tin, anh chàng được Polgar tuyển là vì biết rõ Quân khu I như biết rõ túi anh. Anh là một sĩ quan trong lực lượng đặc biệt chiến đấu ở đấy đầu những năm 60, và đã được một mảnh đạn khen thưởng. Anh tiếp tục đi cà nhắc và đi như khiêu vũ sau khi uống chén rượu Martini đầu tiên: Lần đầu gặp nhau, Joe không gây cảm tưởng gì cho tôi cả. Tóc đen, lông mày cong, cái cười hóm hỉnh tạo cho anh một vẻ ngây thơ lành mạnh giấu khéo cái tuổi 38 và sự hiểu đời của anh. Điều quái ác là anh quan tâm quá nhiều đến những phương tiện tình báo - đài thu thanh, vũ khí, cốt mật - chứ không phải thực chất tin tức. Nói cho gọn, anh là người cuối cùng tôi chọn để cùng tôi lặn ngụp trong những niềm vui phân tích, đánh giá tình hình lúc Sài Gòn chờ cuộc xung phong cuối cùng của cộng sản.
Nhưng tôi thấy rất nhanh nhận xét đầu tiên của tôi về Joe là sai. Anh tỏ ra là một trong những người phân tích tin cừ khôi (và vui) mà tôi được biết. Và là người bạn hẩu đến với tôi rất tự nhiên, quả là của trời cho. Trong những tuần cuối cùng của cuộc chiến tranh, vừa cười, vừa đùa, anh đã vượt qua biết bao hàng rào kiểm soát ở căn cứ không quân Tân Sơn Nhất và đưa được nhiều bạn Việt Nam của anh và của tôi đi di tản.
“HOA SEN NỞ”
Sau cùng, cuối tháng 2, quốc hội cử một đoàn điều tra sang Đông Dương, việc mà Martin hằng mong muốn. Đoàn gồm sáu người trong đó có hai người “tự do” Donald Fraser ở Minnesota và Bella Abzug ở Manhattan.
Martin định làm cho họ thay đổi ý kiến và ông không trù trừ gì, dựng lên một cảnh xiếc để làm cho họ xúc động. Mỗi cơ quan của sứ quán được giao đóng một vai trò - họp báo, diễn thuyết, ghi tin - và cơ quan tôi đã góp phần đắc lực vào chuyện ấy. Nhiều bản báo cáo của tôi được lấy từ những hồ sơ mật ra để sao làm nhiều bản và phân phát đi như những chương trình một buổi dạ hội mặc dù việc ấy có thể gây nguy hiểm cho một số nhân viên tình báo của tôi.
Nhưng điều đã được đoán trước, tất cả những mánh khoé ấy không đi đến đâu cả. Martin và Polgar vì không thật thà nên đã tạo ra sự phản đối của cả những nghị sĩ trước đứng về phía ông. Trong một buổi họp sóng gió, Abzug chất vấn sứ quán tại sao có thể tiếp tục cho rằng tình hình chính trị ở Sài Gòn ổn định, trong khi đó thực tế lại căng thẳng? Polgar chối cho rằng không hề có một rối loạn nào. Khi Martin buộc phải trả lời câu hỏi về sự mất an ninh ngày càng tăng ở nông thôn như những bản báo cáo đã phản ánh, ông trả lời là cái đó chính phủ không đặt thành một vấn đề quan trọng. Ông trình bày các sự kiện làm như 11 thành phố, thị trấn, thị xã vùng Sài gòn và cùng đồng bằng mất trong hai tháng vừa qua không ảnh hưởng gì đến đời sống kinh tế của nước này.
Sau đó, trả lời câu hỏi về ý đồ của quân đội Bắc Việt Nam, ông nêu ra một tràng nhận định, lý lẽ mà tôi đã được nghe trong rất nhiều cuộc nói chuyện. Tôi đã thuộc lòng những câu ấy, ông nói: “Tất cả những gì tôi có thể nói với các ông được là tôi mong quân đội Bắc Việt Nam mở cuộc tiến công rộng lớn trong một hay hai tháng nữa. Chắc chắn là thoạt đầu. Quân đội Nam Việt Nam phải rút lui. Họ thường làm thế. Nhưng cuối cùng, họ sẽ đánh cho quân đội Bắc Việt Nam một trận thắng quyết định, như năm 1972”.
Đoàn đại biểu quốc hội Mỹ càng tỏ ra không hài lòng sau cuộc gặp mặt với tổng thống Thiệu. Thiệu từ chối không trả lời về những cuộc tra tấn trong các nhà tù, và ông ta khẳng định rằng 18 nhà báo ông vừa cho bắt đều là những người cộng sản đã được công nhận. Nhờ những nguồn tin của mình, sứ quán biết rõ điều đó không đúng. Những nhà báo ấy chỉ phạm tội phê phán chính phủ Thiệu, nhưng chúng tôi không nói gì với những vị khách.
Có lúc, Fraser và nhiều đồng nghiệp của ông đề nghị gặp riêng tôi, cùng một viên chức nữa của CIA, để có nhận định khách quan hơn về những việc Polgar và Martin đã trình bày với họ. Trong cuộc nói chuyện này, tôi cố gắng đứng trung gian giữa nhận định chính thức của sứ quán và sự thật mà tôi nắm được. Tôi giải thích rằng quân đội Bắc Việt Nam gặp khó khăn triền miên và nhất là có sự hoà dịu không chắc chắn giữa Matxcơva và Hoa Thịnh Đốn.
Tôi sắp sửa kết thúc bản trình bày thì cửa mở bất thình lình và bà Abzug, đại diện bang Manhattan, đi vào, cái mũ panama rộng vành lắc lư trên tai bà như một cái lầu dựng trước gió mùa. Bà kêu lên: “Làm cái gì ở đây?” Tôi không cần người ta phải nhắc tôi, tôi nghĩ gì về CIA và “ảnh hưởng” của nó trên thế giới: Tôi quyết định tự giới thiệu và đương đầu với điều xấu nhất. Tôi đứng dậy nói với bà: “Tôi là một viên chức của CIA” và thánh thức, với một giọng châm biếm, tôi tiếp: “Bà hãy coi chừng về những điều bà sắp nói!” Bà quay phắt lại tôi như thể tôi đã ném một chiếc găng vào mặt, nhìn chằm chằm vào tôi và thét lên (không có một vẻ châm biếm nào): “Anh hãy coi chừng những điều anh nói, cút đi!” Buổi trao đổi thật thà, duy nhất giữa tôi với những vị khách chấm dứt một cách thiếu lịch sự như thế.
Nếu không có sự can thiệp của cộng sản thì cuộc viếng thăm của đoàn đại biểu quốc hội thất bại hoàn toàn. Nhưng mấy giờ sau khi họ rời sứ quán, họ đi xe hơi đến trại David ở Tân Sơn Nhất để gặp các đại biểu Bắc Việt Nam và chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong ủy ban quân sự. Các nghị sĩ đã báo cho những người này biết họ muốn có một cuộc thảo luận cởi mở, không tuyên truyền, không lên án, về 1300 lính Mỹ vẫn mất tích. Nhưng khi họ đến trại David thì ở đó đã có khoảng 76 nhà báo do người Bắc Việt Nam mời. Phòng họp được trang trí nhiều cờ Việt cộng và một tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó không hẳn là trang trí cho một buổi họp không có dụng ý. Hơn thế, hai đoàn đại biểu cộng sản đều tỏ ra không khoan nhượng, tránh né đến mức nhiều nghị sĩ phải ra về, quyết định sẽ bỏ phiếu cho viện trợ bổ sung cho Sài Gòn, đơn giản là để tỏ thái độ phản đối.
Sự quay ngoắt này chỉ là thắng lợi ngắn ngủi của chính phủ. Mấy tuần sau, sự tan rã của quân đội Việt Nam, làm cho đề nghị cấp thêm viện trợ trở thành vô lý. Sứ quán cũng phải trả giá cho sự giả dối của mình trong cuộc đón tiếp đoàn đại biểu quốc hội. Quá chú ý bảo vệ quyền lợi của chế độ Sài gòn, chúng tôi chỉ làm cho các vị khách hiểu rõ sự bất lực của chúng tôi trong việc nhận định khách quan bất cứ việc gì. Tình hình ấy làm cho công việc của chúng tôi càng thêm khó khăn, phức tạp trong những tuần sau, khi chúng tôi cần phải làm cho những người bạn ở quốc hội thấy rõ sự trầm trọng về mặt quân sự.
Mọi sự nghi nhờ, mọi lời phê phán đều đổ lên đầu bản thân Martin. Ở Sài gòn, một thượng nghị sĩ tuyên bố với phóng viên báo chí rằng Martin là “sự phá hoại”. Còn Abzug và Fraser thì quyết định mọi việc để Martin phải thuyên chuyển đi.
Tất cả những việc ấy có làm Martin nản lòng không? Dù sao, ông cũng không tỏ ra như thế. Ông vẫn tin vào địa vị của mình, vào quan hệ giữa ông với Kissinger. Buổi chiều ngày 2 tháng 3, trong khi các đại biểu quốc hội ra sân bay Tân Sơn Nhất về Hoa Kỳ, Martin lại làm một việc không có lợi nữa. Ông cho đỗ chiếc xe đen của mình trước phòng khách dành cho các đại biểu, đúng lúc các vị sắp lên máy bay. Ông bước những bước dài vào trong phòng và nói với một nhóm rằng ông muốn được cùng đi về Hoa Thịnh Đốn. Ông còn nhiều điều muốn nói với họ về dư luật viện trợ cho Nam Việt Nam và ông rất biết ơn họ nếu họ dành cho ông một chỗ trong máy bay. Các vị nghị sĩ tỏ ra không thích lắm. Họ cho là đã làm việc quá nhiều với Martin, một chuyến đi dài với Martin sau một tuần làm việc mệt nhọc ở Đông Dương quả là không thú vị tí nào. Nhưng Martin cố nằn nì đến mức mà ông trưởng đoàn phải bằng lòng, hoàn toàn vì xã giao.
Trong chuyến đi này, Martin dành phần lớn thì giờ để xem lại những tài liệu và điều ghi chép mật. Thỉnh thoảng để cho thoải mái, ông cầm ve áo viên chức bộ ngoại giao đi theo đoàn đại biểu quốc hội, trách anh ta đã để một số nghị sĩ tiếp xúc với nhân viên cấp thấp ở sứ quán như tôi chẳng hạn.
Giữa cuộc viếng thăm túi bụi của các đại biểu quốc hội, ở ngoài mặt trận, có một sự yên tĩnh bất ngờ, điều mà Polgar cho là một sự đánh lừa chính trị. Ông nói rằng, cộng sản làm như vậy là muốn thuyết phục những vị khách quan trọng của chúng tôi là chiến tranh đã chấm dứt, không cần phải cấp viện trợ mới cho Sài Gòn nữa.
Có lẽ ông ta nói đúng nhưng chỉ một phần thôi. Vì nếu sự yên tĩnh là một sự đánh lừa thì đồng thời nó cũng là một sự cần thiết. Bắc Việt Nam, sau khi đánh chiếm được Phước Long, đã đổi hướng tiến công. Quân lính của họ phải có thì giờ thở rồi mới có thể tiến về phía thị xã Buôn Mê Thuột trên Tây Nguyên được.
Bộ Tổng tư lệnh Nam Việt Nam không phải là không biết những cuộc hành quân của đối phương. Mấy ngày gần đây, sĩ quan tình báo của quân đội Nam Việt Nam ở Quân khu II đã khám phá được nhiều dấu hiệu chứng tỏ có những hoạt động ấy. Và, cũng lúc ấy, nhân viên tình báo của chính phủ ở Quảng Đức, phía Nam thị xã Buôn Mê Thuột báo cho chúng tôi biết sự có mặt của nhiều đơn vị quan trọng quân đội Bắc Việt Nam ở Campuchia bên kia biên giới.
Tướng Phạm Văn phú, tư lệnh Quân khu II tỏ ra bối rối trước những phát hiện ấy. vì ông ta chẳng có đủ lực lượng ở Tây Nguyên để có thể bảo vệ cùng một lúc tất cả mục tiêu. Sư đoàn 23, sư đoàn thiện chiến nhất của Nam Việt Nam bị phân tán quá mỏng. Hai trung đoàn đóng rải rác ở Kontum và Pleiku, trung đoàn thứ ba bị chia cắt trên mặt trận Buôn Mê Thuột - Quảng Đức. Để đối phó với cuộc tiến công vào Buôn Mê Thuột, tướng Phú cũng biết rằng phải gọi 2 trung đoàn về, có khi hơn thế, tuỳ theo lực lượng của địch. Nhưng vấn đề đối với ông ta là chỉ có thể giải phóng những đơn vị bổ sung khi ông ta bỏ việc bảo vệ Kontum và Pleiku, việc đó ông ta không dám làm. Hai tỉnh này rất quan trọng về mặt chiến lược. Không những nằm trên những đường chính theo đó, quân Bắc Việt Nam thâm nhập từ Lào và Campuchia về mà hai tỉnh đó còn là điểm tựa nhảy ra bờ biển. Con đường chính Đông-Tây của Quân khu II, là con đường số 19, nối Pleiku với Qui Nhơn. Nếu cộng sản định cắt nước này ra làm đôi như trước đây họ thường định làm nhưng thất bại, thì con đường số 19 là mục tiêu lựa chọn. Do đó, chính phủ Nam Việt Nam ra lệnh phải giữ với bất cứ giá nào, con đường này - là đường nhánh đi về phía Tây đến Pleiku.
Trước những sự kiện tối cần thiết đó, những tin tức nghèo nàn của tỉnh Quảng Đức không thể giải thích cho một sự sắp xếp lại lực lượng quan trọng. Nếu sư đoàn 320 của quân đội Bắc Việt Nam thật sự đã từ Pleiku kéo đi Buôn Mê Thuột thì quân của Phú cũng phải hướng theo đó.
Nếu như nguồn tin không chính xác và Phú lại chuyển lực lượng đi thì coi như Pleiku và Kontum sẽ mất.
Phú giải thích: không, tôi không thể liều như thế được. Phải để quân đóng yên tại chỗ, giữ đại bộ phận trong đó có hầu hết sư đoàn 23, tập trung trên cao nguyên phía Bắc. Để bảo vệ quyết định của mình, Phú nêu ra những tin tức thu được qua đài phát thanh của cộng sản. Những tin ấy có vẻ chỉ rằng sở chỉ huy của đoàn 320 vẫn đóng ở căn cứ cũ của họ, ở Đức Cơ, phía Tây Pleiku. Nếu đúng như thế thì những tin tức tình báo làm cho người ta lầm lẫn và Buôn Mê Thuột không phải là mục tiêu của sư đoàn 320.
Tình hình sau đó chứng tỏ Phú tin không đúng và nghi cũng không đúng. Để che giấu mục tiêu tiến công của họ trên Tây Nguyên, quân đội Bắc Việt Nam tổ chức một sở chỉ huy giả ở Đức Cơ và từ đó đánh điện đi các nơi để làm cho quân đội Nam Việt Nam tưởng lầm rằng sư đoàn 320 vẫn ở đấy. Mánh khoé này đã đánh lừa được cả chúng tôi. Nó gây ra hậu quả tai hại cho cho đế chế Sài Gòn.
Trong khi Phú đang tìm hiểu những mục tiêu của Bắc Việt Nam thì họ tiếp tục chuẩn bị tiến công. Cuối tháng 2, Đại tướng Dũng đã hoàn thành công việc này và đặt sở chỉ huy ở phía Tây Buôn Mê Thuột.
Để giữ bí mật có mặt của mình, ông không giao thiệp bằng radio, chỉ nói chuyện với Hà Nội bằng dây nói. Việc đó giảm nguy cơ bị khám phá nhưng có sự nguy hiểm riêng. Thiết bị cũ kỹ và điện chập, dây nói có thể gây ra cháy trong một vùng đất hanh khô. Ông viết trong hồi ký: “Sĩ quan thông tin liên lạc nhận một nhiệm vụ rất nặng. Mỗi khi có một đám cháy nhỏ đốt dây nói, binh sĩ của chúng ta phải chiến đấu dập tắt lửa, đến khi dập tắt được thì người họ đen như những người khai thác than”.
Đến được ít lâu thì tướng Dũng và phó của ông, Trung tướng Hoàng Minh Thảo triệu tập các chỉ huy đơn vị để so sánh lực lượng. Họ kết luận rằng lực lượng đôi bên trên Tây Nguyên gần như ngang nhau, nhưng quân đội Bắc Việt Nam không có vùng đất cụ thể phải bảo vệ, có thể di chuyển và tiến công vào bất cứ hướng nào để làm chủ tình hình. Đó là chìa khoá để tiến công Buôn Mê Thuột, chưa kể đến mưu lược và thời cơ bất ngờ. Họ vẫn tiếp tục làm cho Phú tưởng lầm rằng cuộc tiến công chủ yếu nhằm vào phía Bắc Tây Nguyên nên đã ngăn cản được Phú cho quân về giữ Buôn Mê Thuột. Tướng Dũng nói với bộ tham mưu rằng chiến dịch này được chia làm nhiều giai đoạn. Mới đầu, chặn tất cả các đường đi lên Tây Nguyên, tiếp sau là tiến công Buôn Mê Thuột. Có thể ồ ạt đánh chiếm thị xã nhưng ông đã đưa ra một kế hoạch gọi là “hoa sen nở”: quân đội bí mật triển khai trước đánh thẳng ngay vào trung tâm thị xã, nhanh chóng diệt đầu não chỉ huy của địch rồi mới phát triển trở ra tiêu diệt địch bên ngoài thị xã.
Nhờ có nhiều nhân viên tình báo và bắt được thông điệp gửi radio của Phú, tướng Dũng hiểu ngay rằng Phú gặp nhiều khó khăn trong việc chống đỡ với quân của ông. Không những bộ chỉ huy Nam Việt Nam mất dấu vết sư đoàn 320 Bắc Việt Nam mà còn chưa tìm thấy sư đoàn 10 đúng ra phải tiến về phía Kontum và Pleiku. Trên thực tế, sư đoàn này hành quân xuống phía Nam, hỗ trợ cho sư đoàn 320 ở Buôn Mê Thuột. Nhưng Phú không hề biết. Tướng Dũng quyết định làm tăng thêm mối do dự của ông ta. Ông ra lệnh cho những đơn vị còn lại ở Pleiku và Kontum mở những cuộc tiến công trong những vùng mà thường sư đoàn 10 vẫn hành quân để Phú tiếp tục đinh ninh rằng sư đoàn này vẫn còn ở đó.
Trong khi đó, sư đoàn 316 của Bắc Việt Nam đến phía Tây Buôn Mê Thuột, hỗ trợ cho trận đánh. Cũng như Tướng Dũng, sư đoàn này hành quân liền trong ba tuần, không dùng radio từ Bắc vào. Cuối tháng 2, ba sư đoàn Bắc Việt Nam sẵn sàng tiến công thị xã. Như thế tướng Dũng có lợi thế: năm chọi một. Cùng lúc ấy, sư đoàn khác, sư đoàn 968 từ Nam Lào tới, quấy rối vùng giữa Kontum và Pleiku.
Ở sứ quán Mỹ tại Sài Gòn, chúng tôi không hề biết Đại tướng Văn Tiến Dũng đang ở miền Nam Việt Nam. Lại cũng không biết việc ông đặt sở chỉ huy ở phía Tây Nam Buôn Mê Thuột, đang chuẩn bị tiến công thị xã. Quân tiếp viện Bắc Việt Nam kéo vào vừng này không hề ai biết và không có người nào trả tiền cho một vài người cung cấp tin nói về việc trên. Nếu đúng là cộng sản chuẩn bị mở một chiến dịch mùa khô mới thì không một ai trong chúng tôi biết rõ mục tiêu chính của họ.
Chúng tôi cũng không biết gì hơn về dự án của Sài Gòn. Thiệu vẫn cho là không có lợi gì khi chúng tôi biết chủ trương rút sư đoàn dù khỏi Quân khu I - một chủ trương vừa tai hại đối với diễn biến cuộc chiến tranh hai tháng sau đó, vừa tai hại cho việc giữ Buôn Mê Thuột. Joe Kingsley, đồng nghiệp văn phòng mới của tôi, chăm chú theo dõi tình hình Quân khu I. Trên tầng sáu của sứ quán, người ta chỉ dự kiến những thay đổi nhỏ trên phòng tuyến quân đội Nam Việt Nam, trong những tuần sau.
Trong khi Joe và tôi trao đổi nhận định với nhau thì bà Pat Johnson, nhân viên thứ ba trong ê líp phân tích tin nhỏ bé của chúng tôi, ngày càng phải chăm chú theo dõi tình hình ở Campuchia. Ở đây, cuộc khủng hoảng phát triển từng giờ.
Mọi con đường tiếp tế đều bị cắt đứt, Phnôm Pênh hoàn toàn tiếp tục phụ thuộc vào cầu hàng không Mỹ chở lương thực, thực phẩm và thiết bị quân sự đến. Quân Khmer đỏ đã nã rốc kết và đạn súng cối vào sân bay. Họ sử dụng cả một thứ vũ khí nặng và lợi hại: đại bác 105 milimét, loại vũ khí thu được của Mỹ, chắc chắn đây là quà của Bắc Việt Nam.
Ở Hoa Thịnh Đốn, bộ Ngoại giao tỏ ra hết sức lo lắng và báo tin rằng tàu sân bay Okinawa, chở hải quân và máy bay lên thẳng đang chạy về phía vịnh Thái Lan, để đón bốn trăm người Mỹ dân sự ở Campuchia di tản. Ít lâu sau, bộ trưởng quốc phòng Schlesinger, trước mặt các nhà báo, công nhận rằng có thể gửi hải quân đến Phnôm Pênh để cứu những người Mỹ nếu không còn cách nào khác để bảo vệ sự an ninh của họ. Nhiều người phát ngôn của chính phủ lập tức phải đính chính rằng: hải quân chỉ đến thay nhau bảo vệ sân bay Phnôm Pênh. Việc đó rất cần. Mặc dù hiến pháp cho phép tổng thống Ford dùng nhiều biện pháp để bảo vệ người Mỹ ở nước ngoài, nhưng người ta đặt câu hỏi tổng thống có thể đi đến dùng biện pháp gì ở Campuchia và Việt Nam. Luật được thông qua năm 1973 về quyền hạn lúc cấp thiết và việc chấm dứt ném bom ở Campuchia đã cấm tổng thống nhất thiết không được đưa quân đội đến Đông Dương nếu không có sự chuẩn y trước của quốc hội.
Trong khi quân Khmer đỏ khép chặt vòng vây chung quanh Phnôm Pênh thì một số cố gắng không đâu được diễn ra, gây thành một cuộc xung đột trên sân khấu chính trị. Ngày 3 tháng 3, Lon Nol đề nghị một cuộc xuống thang để đảm bảo hòa bình như ông ta đã nói hồi tháng 7 và tháng 11 năm trước. Nhưng cũng như năm trước, việc đó không có kết quả. Quân Khmer đỏ đã gần thắng lợi hoàn toàn để có thể chấp nhận bất cứ việc gì.
Ở Hoa Thịnh Đốn, một số người ngày càng đông, nhất là trong quốc hội, tưởng mình là chuyên gia về Đông Dương, cho rằng chính phủ Hoa Kỳ tìm giải pháp chưa đúng chỗ. Đáng lẽ phải nói chuyện với những người đang tiến công, họ lại muốn Kissinger nói với Liên Xô và Trung Quốc giúp Mỹ chấm dứt chiến tranh ở Campuchia và Việt Nam. Quan chức Bộ Ngoại giao cho biết họ không tin vào giải pháp ấy, nhất là ở Campuchia, Lon Nol không còn gì trong tay để thương lượng. Nhân viên sứ quán Phnôm Pênh còn tỏ ra thật thà hơn! Đại sứ John Gunther Dean bình tĩnh nói với các nhà báo rằng, điều mong muốn tốt nhất là một cuộc đầu hàng có điều kiện.
Kissinger, về phía ông, lại muốn kiếm càng nhiều lời càng tốt trong một tình hình xấu. Không phải ông bất đồng với Dean. Nhưng đã nhìn thấy sự thất bại hoàn toàn, ông muốn hạn chế những hậu quả tai hại có thể có, đối với quyền lợi của Hoa Kỳ ở các nơi khác trên thế giới. Việc này đòi hỏi, theo ý ông, một sự độ lượng giả tạo của chính phủ Mỹ.
Trong những buổi họp mặt của Ủy ban đối ngoại thượng nghị viện, trong tuần đầu tháng ba, ông trình bày chủ trương của ông. Nếu việc đó đúng thì chính phủ Lon Nol sắp sụp đổ, nhưng nhất thiết Hoa Kỳ cứ tiếp tục viện trợ, để mọi người sau này, không có thể đổ cho Hoa Kỳ phải chịu trách nhiệm về thảm hoạ ấy. Tổng thống Ford công khai tuyên bố theo hướng đó và giải thích với các nhà báo rằng: hoãn viện trợ cho Campuchia hay cho Việt Nam trong lúc nghiêm trọng như thế này sẽ làm cho người ta nghi ngờ sự ngay thẳng của Hoa Kỳ và khuyến khích sự xâm lược.
Một số đại biểu quốc hội cũng như các nhà báo nhận thấy trong những lời tuyên bố trên, có việc quay trở về thuyết đomino của Johnson, nhưng che giấu tồi. Nhưng trên thực tế Kissinger và tổng thống Ford có trong đầu một việc gì đó khẩn cấp hơn. Mấy ngày trước đó, tổng thống Ai Cập Anouar el Sadat đã bí mật báo cho các ông: ông ta nhận tìm những biện pháp thoả hiệp mới ở Trung Đông. Vì vậy, sự bảo đảm và cam kết của Hoa Kỳ cần cho công việc ấy.
Trước khi đi Trung Đông ngày 7 tháng 3, để nối lại cuộc đàm phán ngoại giao, Kissinger chỉ thị cho các công tác viên: các ông hãy làm hết mức có thể có để quốc hội đồng ý viện trợ cho Campuchia và Việt Nam - làm việc ấy không phải vì có thể cứu vãn được hai nước ấy mà là vì không thể cứu vãn được!
Trong khi Kissinger chú trọng đến nơi khác thì mây mù nhanh chóng bao phủ lên Việt Nam. Cuối tuần đầu tháng 3, quân đội Bắc Việt Nam mở rộng việc tuyển và rèn luyện quân sự. Trong sáu tháng gần đây, số quân thâm nhập miền Nam lên tới hơn 63.000 người. Tăng gấp hai lần so với thời kỳ 1973-1974. Thâm nhập nhiều nhất là trong bốn tuần qua, kể cả việc tăng cường tiếp tế vào miền Nam.
Theo tin chúng tôi nhận được thì hơn một nửa quân tiếp viện chúng tôi theo dõi được, đóng trong vùng Sài Gòn và cùng đồng bằng. Số còn lại đi Tây Nguyên và ra bờ biển. Đối với Joe Kingsley, bản thân tôi và các đồng nghiệp ở phái bộ quân sự thì đó là chứng cớ chỉ rõ cuộc tiến công chính trong mấy tuần tới sẽ diễn ra ở nữa phía Nam nước này. Cái mà chúng tôi chắc không biết, là ngoài 63.000 quân, còn đầy đủ một sư đoàn, sư đoàn 316 đã vào miền Nam để tham gia cuộc tiến công thị xã Buôn Mê Thuột.
Các cơ quan tình báo của chúng tôi còn gửi nhiền tin khác lo ngại. Trong bốn tuần qua, lực lượng không quân Bắc Việt Nam bắt đầu chuẩn bị cho máy bay đi đánh những mục tiêu ở Quân khu I, nhiều máy bay Mig được gửi tới. Ngoài ra, một thứ trưởng ngoại giao Liên Xô cũng mới đến Hà Nội. Ở Sài Gòn, chúng tôi không thể nhận định được cái gì họ sẽ thảo luận với nhau, nhưng thấy viện trợ quân sự của Liên Xô cho Hà Nội ngày càng tăng, trong khi chúng tôi lại cho là có thể vị thứ trưởng này chỉ đến thăm xã giao Bộ Chính trị!
Quân đội Bắc Việt Nam mở đầu cuộc tiến công Buôn Mê Thuột trên Tây Nguyên ngày 1 tháng 3, bằng việc đánh chiếm làng nhỏ Đức Lập, một đồn duy nhất của Nam Việt Nam đóng xa, giữa biên giới Campuchia và thị xã. Nhiều đơn vị quân đội Bắc Việt Nam đánh nhiều vị trí tiền tiêu dọc đường 19 giữa Pleiku và bờ biển, cắt hẳn con đường này. Ngày 4 tháng 3, việc duy nhất còn lại để hoàn thành giai đoạn đầu cuộc tiến công của ông Dũng, đó là việc đánh cắt đường số 14 giữa Pleiku và Buôn Mê Thuột. Nhưng ông Dũng muốn hoãn lại càng lâu càng tốt để không làm lộ lực lượng và nơi đóng quân. Một số phần tử quá sốt ruột của sư đoàn 320 quân đội Bắc Việt Nam chặn đánh một đoàn xe nhỏ trên đường ấy, thế là làm lộ nơi đóng quân.
Ở sở chỉ huy tướng Phú, tại Pleiku, trưởng ban tình báo nhanh chóng nói với Phú và nhận định rằng Buôn Mê Thuột sắp bị tiến công, Phú vẫn nghi ngờ, nhưng sau ông cũng quyết định gửi một trung đoàn đến làng Buôn Hồ, cách thị xã 40 kilômét về phía Bắc, để chặn một trung đoàn quân Bắc Việt Nam đã đóng ở đó.
Tình hình này làm cho Dũng xét lại kế hoạch. Nếu để đơn vị Nam Việt Nam mới đến mở rộng cuộc đánh thăm dò thì ông mất yếu tố bất ngờ. Như thế việc phải tiến công Buôn Mê Thuột chỉ còn là công việc trong 24 giờ.
Trong khi đó ở Sài Gòn, tôi làm xong một bản nhận định về chiến lược của quân đội Bắc Việt Nam cho Hoa Thịnh Đốn, trong đó tôi nêu rõ tất cả những gì chúng tôi biết về ý định của Bắc Việt Nam. Sau khi điểm lại cuộc leo thang vừa rồi về người và tiếp tế (trước chưa hề nhiều như thế) và giai đoạn đầu cuộc tiến công của cộng sản hồi tháng 12 năm 1974 và tháng 1 năm 1975 (mà phạm vi và mức độ vượt quá những trận đánh từ ngày ngừng bắn đến nay), tôi nhận định cho một thời kỳ ngắn. Tôi dự kiến, ít nhất sẽ có bốn sư đoàn Bắc Việt Nam định cô lập Huế và Đà Nẵng trong những tuần tới, còn những đơn vị khác sẽ đánh lấn những vùng ở bờ biển phía Nam Quân khu I. Có thể đồng thời họ sẽ tiến công Quân khu II vào hệ thống đường sá ở phía Nam, phía Đông các thị xã Kontum Pleiku và chung quanh Buôn Mê Thuột.
Mặc dù rất thiếu tin về một số vấn đề quan trọng tôi cũng đã dự đoán được, trên nét lớn, những việc Bắc Việt Nam sẽ làm trong những tuần tới. Có một điểm quan trọng nhưng tôi không mò ra: tôi không dự kiến được cộng sản sẽ đánh vào nơi nào đầu tiên.
Tuy có chú ý đến những cuộc chuyển quân không bình thường ở phía Tây và phía Bắc Buôn Mê Thuột nhưng tôi nghĩ không nên vột kết luận một cách bi quan. Đáng lẽ nói là sẽ có cuộc tiến công vào thị xã, tôi dự đoán rằng cộng sản có ý định bao vây nó bằng cách cắt mọi đường giao thông trong vùng. Đó là một sai lầm lớn do sự dốt nát của tôi.
Khi định làm bản báo cáo, tôi nhận thấy có ít tin tức về ý định của Bắc Việt Nam ở Tây Nguyên so với những nơi khác. Một trong những nguyên nhân chính đẻ ra tình trạng này là do tham nhũng ngay trong hàng ngũ CIA. Mười tám tháng trước, chuyên gia kế toán chi nhánh Sài Gòn đã khám phá thấy một trong những viên chức chính ở chi nhánh Nha Trang đã “quản lý tồi” dùng để xây dựng mạng lưới trên cao nguyên và những vùng khác ở Quân khu II. Viên chức này chỉ bị phê bình và đuổi về Mỹ, nhưng việc “quản lý tồi” của ông ta không thể sữa chữa được và những người thay ông ta không bao giờ có một mạng lưới điệp viên làm được việc.
Mùa Hè 1974, trùm CIA ở Quân khu II quyết định một cách dễ dãi, đóng cửa chi nhánh Buôn Mê Thuột nói là để tiết kiệm. Điều đó giải thích vì sao, lúc tôi bắt đầu nghiên cứu tỉ mỉ tin tức trong những tuần đầu tháng 3, tôi thấy tập hồ sơ về Tây Nguyên mỏng kinh khủng. Tôi chỉ còn biết làm một việc mà một người phân tích tin phải chịu trách nhiệm một mình: dự đoán những ý định của kẻ thù. Và tôi đã hoàn toàn lầm lẫn.
Ngày 7 tháng 3, mấy giờ sau khi báo cáo của tôi được điện đi Hoa Thịnh Đốn, tôi bay đi Bangkok để gặp một số đồng nghiệp là chuyên gia về Bắc Việt Nam. Buổi chiều ấy, chúng tôi tìm hiểu ý đồ của Thiệu trước tình hình mỗi ngày một nguy ngập. Một đồng nghiệp muốn biết vì sao Thiệu không tính đến việc bỏ đất đai, nhờ đó ông ta sẽ tranh thủ được thời gian và củng cố lực lượng. Tôi trả lời một cách tự nhiên: “quân đội của ông không chịu nổi sự khó chịu về một cuộc rút lui chiếc lược. Chúng rất vô kỷ luật và tan rã trong quá trình rút lui”. Tôi còn ở xa sự thật quá nhiều.
Trong hai ngày nghỉ cuối tuần, tướng Dũng khoá chặt vòng vây. Chiều 8 tháng 3, quân đội Nam Việt Nam hành quân chung quanh Buôn Hồ, phía Bắc Buôn Mê Thuột, để tiếp tục trinh sát. Tướng Dũng quyết định hành động không để cho địch phát hiện. Ông ra lệnh cho sư đoàn 320 triển khai cấp tốc đánh vào khu vực đường số 14 giữa Buôn Hồ và Pleiku. Vài giờ sau, đường bị cắt, quân đội Nam Việt Nam ở phía Nam Tây Nguyên bị tách rời khỏi lực lượng của Phú ở phía Bắc.
Lúc bấy giờ Phú mới hiểu ông phải làm gì. Ông ra lệnh đưa ngay cho một trung đoàn từ Pleiku xuống vùng Buôn Hồ - Buôn Mê Thuột. Nhưng chỉ còn một trong bốn máy bay lên thẳng khổng lồ CH-47 bay được. Ông ta xin Sài Gòn giúp đỡ. Không còn máy bay lên thẳng nào nữa. Sứ quán có lúc định huy động máy bay lên thẳng của hải quân Mỹ, nhưng hải quân không đồng ý, viện cớ như thế là vi phạm hiệp định Paris, hiệp định đã cấm mọi sự can thiệp mới của Hoa Kỳ vào cuộc chiến tranh. Sáng ngày 9 tháng 3, tướng Dũng gửi một điện cho các đồng chí của ông ở Hà Nội, báo cáo kết quả chiến đấu giai đoạn một của chiến dịch đánh Buôn Mê Thuột. Phần cuối bưu điện viết: “Ngày 10 tháng 3, ta sẽ đánh Buôn Mê Thuột. Mọi điều kiện đều đầy đủ”.
Buổi trưa cùng ngày, lãnh sự quán Nha Trang gọi Walt Martindale, đại diện tỉnh Quảng Đức, phía Nam Buôn Mê Thuột, ra lệnh cho ông này chuẩn bị rút lui. Vì chiến tranh diễn ra ác liệt giữa Quảng Đức và Buôn Mê Thuột nên lãnh sự quán sợ Martindale sẽ bị bắt. Nhưng viên sĩ quan trẻ này từ chối vì anh ta nói nếu anh rút thì sẽ lôi cuốn theo cuộc rút chạy của quân Nam Việt Nam ở Quảng Đức.
Trên phía Bắc, ngay trong thị xã Buôn Mê Thuột, Paul Struharick, đại diện lãnh sự quán ở đấy, vừa nghỉ hè về, anh cố gắng tìm hiểu tình hình quân sự. Chiều 9 tháng 3, anh gọi lãnh sự quán Nha Trang và báo tin đi gặp tỉnh trưởng, cách chỗ anh mấy nhà, để kiểm tra lại những báo cáo mới nhất nói về cuộc chuyển quân của Bắc Việt Nam. Đó là cuộc nói chuyện cuối cùng của Struharick với lãnh sự quán trước khi Bắc Việt Nam tiến công.
Buôn Mê Thuột và những đồi chung quanh trông như bức tranh của Donanier Rousseau. Bố cục và màu sắc y như bố cục và màu sắc của những bức tranh hồi thế kỷ thứ 19, từ màu đỏ đất sét cao nguyên đến màu xanh rực rỡ của cây cà phê và rừng rậm.
Vùng này từ lâu nổi tiếng yên tĩnh ở Việt Nam, sự yên tĩnh làm cho tôi ngạc nhiên. Chiến tranh không lan tới Buôn Mê Thuột từ năm 1968. Từ ngày ấy, hầu hết 150.000 dân trong tỉnh - nhưng người trồng trọt Việt Nam, Trung Hoa, Pháp, Italia - đều thỏa hiệp được với cộng sản địa phương, để giữ gìn hoà bình.
Một thú vui ở thị xã là đi thăm nhà sàn của Bảo Đại, vị vua cuối cùng của Việt Nam. Đó là một cơ ngơi lớn bằng gỗ mái nhọn, trồng nhiều thông, giống như một quán rượu cổ xưa. Một nơi khác được nhiều khách đến là một bar lâu đời, cũ kỹ, ở giữa thị xã gọi là Bạch Thử. Chiều thứ bảy và sáng chủ nhật, những người trồng trọt đến đây uống một cốc bia trong khi đó vợ họ đi chợ ở trung tâm thị xã. Nếu bạn ở bar này ngày 9 tháng 3, thì bạn sẽ nghe nói ngay đến việc chuyển quân của lực lượng công sản chung quanh thị xã. Nhưng những người trồng trọt chỉ nói chuyện với nhau, không nói với nhà chức trách Việt Nam ở địa phương. Họ sợ Việt cộng biết. Những điều họ biết không vượt ra ngoài đám người chung quanh “bar”.
Trước rạng đông 10 tháng 3, cộng sản tiến công thị xã, từ phía Bắc và phía Tây, tập trung đánh vào sân bay và kho để vũ khí. Lúc đó, quân đội Nam Việt Nam chỉ có hai tiểu đoàn, không đến 1.200 binh lính ở trung tâm thị xã và hai tiểu đoàn ở phía Bắc, cùng với gần một trung đoàn và một số đơn vị dân binh để tiếp viện. Trước đó, tướng Dũng huy động ba sư đoàn thiện chiến, 25.000 binh lính, trang bị đầy đủ, cả pháo binh. Trong những giờ đầu cuộc tiến công, máy bay Nam Việt Nam có đến yểm trợ cho những người bảo vệ thị xã. Nhưng, cũng như ở trận Phước Long, mấy tuần trước, những cuộc bắn phá của máy bay nguy hiểm đối với quân Nam Việt Nam hơn là đối với quân thù. Như thường lệ, bay cao 3.000 mét để tránh pháo phòng không cộng sản, phi công ném bom vu vơ, trúng cả vào vị trí chỉ huy quân Nam Việt Nam ở trong thị xã. Sau đó, quân Nam Việt Nam tan rã. Lực lượng chính qui cũng như quân địa phương lần lượt bỏ vị trí.
Tướng Dũng viết trong hồi ký: “Năm giờ chiều ngày 10 tháng 3, chúng ta đã chiếm và khống chế được phần lớn thị xã và chuẩn bị tiến công sư đoàn bộ sư đoàn 23. Ngay từ đầu, pháo binh địch đã bị tê liệt, không quân không có hiệu lực.
Sau khi chiếm sở chỉ huy sư đoàn 23, ta tràn qua hậu cứ của trung đoàn 45. Tiếp đó, giải quyết xong các khu quân cảnh, cảnh sát, truyền tin, trường huấn luyện địa phương quân. Về cơ bản, ta đã giải quyết xong Buôn Mê Thuột lúc 10 giờ 30 phút ngày 11 tháng 3 năm 1975. Chúng tôi mừng rỡ không sao kể xiết. Bộ đội hết sức phấn chấn. Một thị xã to như vậy mà đánh trong hơn 32 giờ đã xong. Đúng là sức mạnh của ta bây giờ quân địch không tài nào chống cự nổi...”
Trong khi trận đánh kết thúc thì chính phủ Sài Gòn chưa có một ý niệm rõ ràng về những sự kiện đang xảy ra. Không phải là trước ngày 14 tháng 3, họ biết được tin thị xã Buôn Mê Thuột đã mất. Nguồn tin tức duy nhất họ biết là từ những bức ảnh do không quân Mỹ và do người Nam Việt Nam chụp. Những bức ảnh ấy gần như không nói với chúng tôi cái gì cả. Tôi nhớ có xem một vài tập ảnh một, hai ngày sau khi Bắc Việt Nam mở cuộc tiến công: thấy khói và đổ vỡ ở sân bay, phần còn lại trong thị xã có vẻ yên tĩnh, một vài xe tăng đổ ở chợ chính, gần “bar” Bạch Thử, một vài người từ từ đi xe đạp chung quanh. Từ những chứng cớ nghèo nàn ấy, chúng tôi cho rằng lực lượng chính phủ đã đẩy lùi được cuộc tiến công. Nhưng điều ngược lại mới là sự thật. Thị xã đã ở trong tay quân Bắc Việt Nam.
Do sự bất lực của chúng tôi trong việc theo dõi diễn biến của trận đánh nên chúng tôi đã không cứu được những người phương Tây bị vây hãm trong thị xã: tâm mục sư Mỹ, một người Úc và Paul Struharick, đại diện lãnh sự quán.
Khi tướng Dũng cho đoàn xe tăng đầu tiên vào Buôn Mê Thuột, những người phương Tây đều trú ẩn ở trụ sở của USAID và sở chỉ huy tỉnh, ở đây có nhiều lương thực dự trữ. Vào khoảng tám giờ sáng hôm ấy, Struharick gửi một điện bằng radio cho lãnh sự quán Nha Trang báo tin anh và các bạn anh bị xe tăng Bắc Việt Nam vây hãm. Lãnh sự quán đã cho một máy bay lên thẳng đến cứu nhưng pháo phòng không cộng sản không cho phép máy bay đỗ xuống. Khi quân của tướng Dũng chiếm được chiến luỹ cuối cùng thì Struharick và những người trên bị bắt.
Bắc Việt Nam coi họ là những tư lệnh chiến tranh, giữ họ tám tháng, người ở Buôn Mê Thuột, người ở Pleiku trên phía Bắc. Struharick bị nghi là nhân viên tình báo CIA được giam riêng cẩn thận nhưng được đối đãi tử tế. Thức ăn còn hơn thức ăn của lính Bắc Việt Nam. Cuối cùng, đầu mùa Thu 1975, Bắc Việt Nam kết luận rằng mười tù binh của họ chỉ là những người khán giả vô thưởng vô phạt và thả họ ra cả.
Tiến Công Bộ đội Việt Nam và Tháo Chạy Tán Loạn Tây Nguyên
Khi tin Buôn Mê Thuột mất được chính thức công nhận thì Kissinger đang bay từ Le Caire đến Tel Aviv. Ông vừa ngạc nhiên và bực mình. Theo những cộng tác viên của ông, thì ông không có vẻ gì cho đó là bước ngoặt không may của những sự kiện đưa đến một cuộc khủng hoảng trầm trọng của Nam Việt Nam. Theo ông, Buôn Mê Thuột không phải là quan trọng nhất đối với nền an ninh của nước này. Thị xã được rút bỏ có ý thức, theo một kế hoạch của chính phủ để chấn chỉnh lại mọi hoạt động sau này!
Trong khi những hậu quả chính trị của thất bại này làm rung chuyển Sài Gòn thì Pat, Joe và tôi bắt đầu coi mình như những người chạy trốn dưới làn đạn liên thanh. Một làn sóng tin tức tràn đến. Sau giờ làm việc, chúng tôi phải ở lại bàn giấy để chính đốn lại những bản đồ quân sự cho kịp thời và nhận định tình hình. Thật vậy, lúc tướng Dũng và quân của ông nhanh chóng đánh chiếm mục tiêu quan trọng nói trên thì khắp nước này, bất thình lình, chiến tranh lan rộng nhanh chóng. Ngày 8 tháng 3, quân du kích Việt cộng, đánh 15 ấp rải rác giữa Quảng Trị và Huế, ở Quân khu I. Ở phía Nam quân khu này, quân Bắc Việt Nam bao vây hai thị xã trong tỉnh Quảng Tín. Và trận tiến công dự kiến vào tỉnh Tây Ninh, phía Tây Bắc Sài Gòn, bất thình lình nổ ra, trong khi đó những đơn vị cộng sản khác lại đánh chiếm một thị xã thứ ba, ở phía Đông thị xã Tây Ninh.
Như vậy, một, hai ngày sau cuộc tiến công Buôn Mê Thuột, quân chính phủ mất hết quyền chủ động trong cả nước và bộ tổng tư lệnh Sài Gòn rất bối rối trong việc tìm cách thoát ra khỏi tình hình. Sĩ quan duy nhất có ý kiến tốt tiếc thay lại đi vắng. Ngày 11 tháng 3, Tướng Đồng Văn Khuyên, tổng tham mưu trưởng quân đội - một người đặc biệt thân Mỹ - đi Nhật Bản thăm bố vừa phải mổ vì ung thư. Khuyên đi vắng một tuần. Thế là không sử dụng được kinh nghiệm chiến đấu của ông và mối quan hệ tốt giữa ông ta với người Mỹ.
Sự vắng mặt của Khuyên không phải là việc duy nhất chính phủ phải giải quyết. Thiệu tự đặt cho mình nhiều vấn đề. Bực mình về cuộc tiến công bất giờ vào Buôn Mê Thuột, ông bắt đầu chửi rủa các sĩ quan tình báo, cho là họ đã đánh lừa ông ta, nhất là đối với Đại tá Lê Văn Lương, trưởng ban tình báo của bộ tổng tham mưu. Lương không có tội như phần lớn chúng tôi. Nhưng Thiệu cho là Lương bất lực. Thiệu mắng hẳn vào mặt Lương rồi không thèm nói gì với Lương nữa. Những người giúp việc Thiệu từ đấy mất lòng tự tin và cơ quan tình báo của quân đội bị coi như không có trong những tuần cuối cùng cuộc chiến tranh.
CHIẾN LƯỢC "CỐ THỦ"
Mặc dù có những sai lầm về chiến thuật, Thiệu chưa hẳn là một gã giở người. Ông đã đọc chiến tranh nhân dân, đã chỉ huy quân đội đang đánh nhau. Với nhận thức của một cựu chiến binh, Thiệu biết rằng mục tiêu cuối cùng của những cuộc tiến công của cộng sản là cô lập Sài Gòn và phân tán quân đội Nam Việt Nam.
Bảo vệ Sài gòn chỉ có ba sư đoàn trên phòng tuyến thứ nhất, với hai lữ đoàn mới thành lập (một lữ đoàn lính thủy đánh bộ, một lữ dù) yểm hộ và một nhóm quân tuần tiễu. Rất ít, trước sáu sư đoàn hiện có của quân đội Bắc Việt Nam. Ngày 12 tháng 3, Thiệu đánh điện ra lệnh cho tướng Trưởng ở Đà Nẵng thay đổi kế hoạch và cho ngay một sư đoàn lính dù về Sài Gòn.
Sáng hôm sau, Thiệu họp hội đồng an ninh, phổ biến một quyết định còn quan trọng hơn. Sau mấy tháng thảo luận và từ chối, ông ta quyết định làm theo lời khuyên của nhiều cộng tác viên: bỏ những vùng cằn cỗi của đất nước, một phần Quân khu I và Quân khu II để tập trung lực lượng vào những vùng quan trọng nhất: chung quanh Sài Gòn. Thiệu gọi chiến lược này là chiến lược cố thủ, quyết tâm giữ phần đất còn lại.
Thủ tướng Khiêm và chuyên gia của ông ta nghiên cứu chiến lược này hai tuần nay. Thoạt tiên, chỉ là một cuột tập dượt để tìm giải pháp lâu dài và xem có những khó khăn rắc rối gì trong việc rút quân từ từ như tướng Trưởng đã làm ở Quân khu I.
Mấy ngày trước khi Buôn Mê Thuột thất thủ, bộ trưởng tài chính của Thiệu đã gặp Dan Ellerman, phụ trách tài chính ở sứ quán Mỹ. Ông đặt một số câu hỏi mà giới lân cận ông ta đang trao đổi: Martin có đồng ý rút bỏ một số đất đai không? Ở Hoa Thịnh Đốn đã thảo luận vấn đề này chưa? Ngày 11 tháng 3, trong khi Buôn Mê Thuột đang sống những giờ cuối cùng, Ellerman trả lời: Việc bỏ hay không một phần lãnh thổ là việc của người Việt Nam tự giải quyết. Dù các ông làm việc gì, thế giới cũng phải tôn trọng cách giải quyết tốt của các ông.
Bức thư không chỉnh ấy, không cam kết một điều gì. Nhưng nó cho phép Thiệu quyết định dứt khoát. Nếu người Mỹ có thể hờ hững với một vấn đề quan trọng như vậy thì việc ông làm sẽ không động chạm đến họ. Việc gì phải bám lấy mấy mảnh đất chỉ vì một lý do đơn giản là để khỏi làm mất lòng người Mỹ.
Do đó, Thiệu quyết định thay đổi chiến lược. Không cần phải giúp đỡ gì, đó là chiến lược “cố thủ”.
Vì thay đổi chủ trương quá nhanh, Thiệu không còn kịp nghĩ đến những hậu quả thực tế. Sáng 13 tháng 3, Thiệu phổ biến quyết định của ông ta làm cho ai cũng ngạc nhiên.
Khiêm và Viên thật ra muốn đặt một số câu hỏi thiết thực nhưng tiếc thay họ lại nghĩ rằng Thiệu đã chú ý đến quan điểm của họ và lúc này đây, không phải là lúc tranh luận.
Thiệu nói: Không có ai hỏi gì à? Thế thì sang điểm khác của chương trình họp: phản kích ngay ở Buôn Mê Thuột. Có vẻ, ông ta đã có dự kiến về vấn đề này. Trước hết phải xem có thật thị xã đã mất không (không một sĩ quan tình báo nào của ông có thể khẳng định việc này). Nếu thất thủ thật sự thì làm mọi cách để giành lại. Ai giữ được Buôn Mê Thuột thì đồng thời kiểm soát được đường vào phía Tây Sài Gòn.
Viên, khó chịu, ngồi không yên. Ông ta nói chắc chắn rằng là Buôn Mê Thuột có một tầm quan trọng lớn. Nhưng tướng Phú còn làm gì được nữa? Sư đoàn duy nhất không bị thương vong ở Tây Nguyên của Phú đã rải ra khắp nơi. Ở Buôn Mê Thuột, nhiều trung đoàn bị đánh tan tác coi như bị tiêu diệt. Có thể thả dù xuống hai trung đoàn để tiếp viện nhưng như thế thì bỏ trống Pleiku và Kontum. Không còn quân trù bị để lấp lỗ trống.
Thiệu ngồi một lúc, hai tay chắp vào nhau, để dưới cằm. Viêm nói đúng: không còn quân trù bị. Những đơn vị của Phú bị căng ra như mặt trống.
Ông ta đảo mắt nhìn chung quanh bàn họp, xem có ai phản ứng gì không. Không có. Tất cả, rất xu nịnh, đều đồng ý với ông ta. Ở bước ngoặt lịch sử của cuộc chiến tranh, ông ta cho tay vào túi, xoa cuống họng, và trong tiếng thở dài, tuyên bố quyết định. Ông ta nói: Phải bỏ Pleiku và Kontum thôi. Cuộc rút lui chiến lược bắt đầu từ hai tỉnh ấy.
Gian phòng yên lặng. Thiện nói tiếp: một cuộc rút lui như thế rất hợp lý và cần thiết, sẽ giải phóng được lực lượng để cứu Buôn Mê Thuột. Chìa khoá mọi cái nằm ở Buôn Mê Thuột.
Ngạc nhiên và lo sợ nhưng cộng tác viên của Thiệu không hề phản đối. Không có cả thảo luận. Cuối cùng Thiệu còn ra lệnh cho mọi người phải kín, không được nói cho ai biết kế hoạch mật này, nhất là không được nói với người Mỹ, họ có cơ hội để giúp ta, họ không làm, họ đã phản bội ta!
Xế chiều, Thiệu gặp Trưởng đi máy bay từ Đà Nẵng về. Ông ta tiếp Trưởng một cách lạnh nhạt vì biết trước rằng viên tư lệnh Quân khu I chỉ về với mỗi một lý do: xin bỏ quyết định điều sư đoàn dù về Sài Gòn. Không thể được. Chiến lược mới “cố thủ” không cho phép làm việc ấy. Sư đoàn dù nhất thiết phải về ngay Sài gòn.
Nhưng Trưởng rất lỳ. Hàng trăm lần, ông ta giải thích rằng quân của ông ta đang bị huy hiếp nặng. Vội vàng rút sư đoàn dù sẽ tạo nhiều lỗ hổng trong phòng tuyến bảo vệ của ông ta. Ông phải thay đổi, nói rõ hơn, sẽ phải bỏ thị xã Quảng Trị, chiến trường đẫm máu năm 1968, mất đi rồi giành lại năm 1972. Không thể điều sư đoàn lính thuỷ đánh bộ ra bảo vệ được, họ phải kéo về Huế và Đà Nẵng để thay sư đoàn dù.
Thiệu cúi đầu, có vẻ hiểu nhưng ông ta chỉ có một nhượng bộ. Ông ta nói: Việc rút sư đoàn dù có thể chậm lại nhưng chỉ đến lúc Trưởng bố trí lại phòng tuyến bảo vệ.
Trên cao nguyên ở phía Tây, trong sở chỉ huy của tướng Dũng, các sĩ quan và mọi người làm việc 24 giờ trên 24 giờ để báo cáo kịp thời mọi việc xảy ra trên khắp đất nước. Sau này, tướng Dũng viết: “Vẽ bản đồ không kịp bước quân đi. Bản đồ đầy những vòng tròn và dấu chữ thập đỏ đánh dấu những nơi đã tiêu diệt địch và những mục tiêu chiếm được. Chuông dây nối không ngừng kêu...các đồng chí công tác tại sở chỉ huy yên lặng làm việc và đi lại. Các đồng chí ấy phân phối thuốc lá hậu phương vừa gửi vào”.
Chỉ hai tuần trước đây, tướng Dũng được cử vào miền Nam với mục đích duy nhất: chỉ đạo trận tiến công Buôn Mê Thuột. Nhưng nay, các phòng tuyến của Nam Việt Nam đều vỡ. Tướng Dũng quyết định mở rộng các mục tiêu. Trong những tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh, thường những quyết định của vị tư lệnh này chỉ do một tin tốt của tình báo tạo nên. Trong những giờ cuối của trận tiến công Buôn Mê Thuột, quân của ông bắt sống được viên phó tư lệnh sư đoàn 23 Nam Việt Nam, một viên sĩ quan vừa nắm được tình hình vừa nói quá nhiều. Ông ta không trực tiếp biết chiến lược cố thủ, nhưng ông biết lôgic của vấn đề. Trong cuộc hỏi cung, ông đã nói rằng chắc chắn Thiệu phải bỏ Pleiku và Kontum đồng thời bỏ Qui Nhơn, thành phố ven biển. Lực lượng không quân đã tan rã và mất tình thần, nếu sư đoàn dù và sư đoàn lính thuỷ đánh bộ thuộc Quân khu I bị đánh tan thì đó là cả quân đội Nam Việt Nam đổ sụp.
Tướng Dũng rất mừng nên ngày 11 và 12 tháng 3 ông điện ra Hà Nội cho các đồng chí của ông những đề nghị táo bạo: không những giữ Buôn Mê Thuột với bất cứ giá nào mà còn mở rộng cuộc hành quân sang phía Đông Bắc Pleiku để cô lập Pleiku với Kuntom và chiếm lấy Tây Nguyên. Ông đề nghị đánh chiếm phía Bắc Huế, ở Quân khu I để Thiệu không thể điều sư đoàn dù và sư đoàn lính thuỷ đánh bộ lên mặt trận Tây Nguyên.
Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp bàn về những đề nghị của tướng Dũng. Như ông viết trong hồi ký, chỉ hai ngày sau có quyết định tập thể cuối cùng...
Theo kế hoạch mới, tướng Dũng phải hoàn thành việc tảo thanh chung quanh Buôn Mê Thuột, rồi đánh phía Bắc, cắt các đường giao thông quan trọng đồng thời đánh chiếm những thị xã có vị trí chiến lược. Theo dự kiến của Bộ Chính trị, Sài Gòn phải chọn giữa việc tập trung lực lượng ở Pleiku hay rút lui chiến lược và bỏ hoàn toàn Tây Nguyên, chắc là bỏ Tây Nguyên. Những đề nghị của tướng Dũng về việc phối hợp chiến trường cũng được Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chuyển thành chỉ thị gửi đến các quân khu chấp hành.
Ít lâu sau thất bại Buôn Mê Thuột, một nhân viên tình báo của chúng tôi nghe lỏm được cuộc nói chuyện giữa hai sĩ quan quân đội Bắc Việt Nam. Một người hỏi: “Chúng ta tiếp tục tiến ra bờ biển hay dừng lại vì mùa mưa? Người kia trả lời: Tiếp tục tiến ra bờ biển. Không thể dừng lại”. Đó là dấu hiệu báo tin quân đội Bắc Việt Nam sắp mở một cuộc tiến công rộng lớn.
Trong khi sứ quán phân tích tin mới này thì người Mỹ sống và làm việc ở Tây Nguyên, gần chiến tuyến tìm nơi trú ẩn. Ngày 12 tháng 3, hai ngày sau cuộc tiến công Buôn Mê Thuột, Walt Martindale, đại diện lãnh sự quán ở phía Nam tỉnh Quảng Đức, nhận được lệnh bỏ hết để rút nhanh. Viên chức lãnh sự quán Pleiku cũng chuẩn bị ra đi. Lúc biết tin cuộc tiến công ồ ạt vào Buôn Mê Thuột, Earl Thieme, một viên chức 50 tuổi phụ trách cơ quan USAID ở địa phương, vội vàng nghiên cứu lại kế hoạch tản cư mà ông thấy chưa ổn. Ông không dự kiến được nhân dân địa phương có thể không tuân lệnh mà ở Pleiku có tới 60.000 dân, một nửa là người Kinh, một nửa là người Thượng, thị xã này giống như một thùng thuốc súng. Trong khi đó sĩ quan quân đội và không quân Nam Việt Nam đã vội vàng cho vợ con chạy ra khỏi thị xã, càng nhanh càng tốt.
Ngày 12 tháng 3, Thieme và một số nhân viên họp bàn để hoàn thành kế hoạch tản cư mới cho phù hợp với tình hình nóng bỏng lúc bấy giờ. Xế chiều, một nhân viên bay về Nha Trang đưa kế hoạch cho lãnh sự quán.
Sáng hôm sau, một viên chức CIA gọi dây nói cho thủ trưởng là Howard Archer, trùm CIA ở Quân khu II. Ông này cho biết: Pleiku đã nhanh chóng biến thành một thị xã ma, cần cấp tốc tản cư người Mỹ. Archer đề nghị báo ngay cho tổng lãnh sự.
Tổng lãnh sự là Moncrieff Spear, một người mảnh, cao, kiêu ngạo, vẻ mơ màng, không thuộc loại viên chức cần được quân sự hoá mà tình hình nghiêm trọng ở Quân khu II lúc ấy đòi hỏi. Ông không thích Việt Nam mà cũng chẳng ưa cuộc chiến tranh kéo dài này. Thực tế, ông không muốn đến đây. Trong 18 tháng ở Nha Trang ông không tỏ ra có một năng lực gì để điều khiển công việc. Đại sứ không dành cho ông khả năng phát huy sáng kiến. Ít lâu sau khi đến đây, Spear đã phạm sai lầm là lưu ý sứ quán đến tình hình mất an ninh ở Tây Nguyên. Martin đã nhắc nhở ông và cho rằng ông quá bi quan. Từ đó, Spear chấp hành nghiêm chỉnh mọi ý kiến của đại sứ.
Tuy vậy, cuộc tiến công Buôn Mê Thuột cũng bất ngờ đối với ông. Khi biết rõ tin Struharick và những người Mỹ khác đã đi khỏi rồi, Spear mới tự đặt cho mình nhiều câu hỏi hắc búa. Tiếp tục xem tình hình một cách bình tĩnh và khôn ngoan như ý ông Martin hay đã đến lúc phải có sáng kiến riêng? Ngày 13 tháng 3, sau khi nghe Archer và nhân viên CIA ở Pleiku nói, Spear mới thấy rằng khôn ngoan thì đi theo câu thứ hai. Vừa nói chuyện xong, ông quyết định cho tản cư ngay những nhân viên không cần thiết.
Sáng hôm sau, Spear và cộng tác viên của ông được nguồn tin Nam Việt Nam báo cho biết con đường chính ra khỏi Tây Nguyên về phía Nam đã bị cắt và hàng nghìn người tỵ nạn đang chen chúc trên những con đường phụ đi ra bờ biển. Mấy giờ sau Archer báo cho sứ quán ở Sài Gòn, ông cho một máy bay lên thẳng và một đoàn phi hành đến Phước An, phía Đông Buôn Mê Thuột, để xem tình hình cuộc rút chạy. Những kẻ quá hăng trong chi nhánh CIA Sài Gòn khen ngợi hành vi dũng cảm ấy, đúng là truyền thống của ngành mình. Khi John Pittman, phó của Polgar hỏi ý kiến tôi, tôi không giấu được vẻ ngạc nhiên. Tôi trả lời lực lượng Bắc Việt Nam tiến rất nhanh mà tin tức của chúng ta thì thường không kịp thời, không hiểu lúc này Phước An có còn ở trong tay quân Nam Việt Nam không? Cuối cùng Pittman đồng ý với tôi và cấm Archer cho máy bay lên thẳng đi. Thật đúng lúc, vì mấy giờ sau, Phước An bị bắn phá dữ dội và bị bao vây chặt.
Sáng 14, trời nóng và hanh, rõ là mùa khô. Từ Sài Gòn, nếu bay đi vịnh Cam Ranh, trên bờ biển miền Trung, mất gần một giờ. Qua cửa máy bay có thể nhìn rõ mặt trời chiếu xuống biển Đông như tấm mi ca đặt trên đá xám.
Tổng thống Thiệu, một mình đọc những bản báo cáo từ mặt trận mới gửi về trong suốt cuộc hành trình. Thủ tướng Khiêm, tướng Quang và tướng Viên bình tĩnh nói chuyện với nhau ở bên kia hành lang. Thiệu quyết định đi Cam Ranh để báo cho Phú, tư lệnh Quân khu II, chiến lược mới “cố thủ”.
Thiếu tướng Phạm Văn Phú từ lâu là một viên tướng được Thiệu ưa thích. Binh nhì trong quân đội Pháp, ông ta đã chiến đấu trong cuộc chiến tranh lần thứ nhất ở Đông Dương. Bị bắt ở Điện Biên Phủ với quân Pháp, ông ta bị giam trong trại tù binh của Việt Minh. Ở đây, theo nhận xét của cộng tác viên của ông ta, ông ta bị yếu đi và mất vẻ bình tĩnh (bị ho lao). Những năm sau, ông ta làm việc bên cạnh Thiệu, cùng với Thiệu tiến lên trong quân đội Sài Gòn do người Pháp huấn luyện và được người Mỹ bảo trợ. Trở thành tổng thống, Thiệu giao cho người bạn cũ, những nhiệm vụ quan trọng trước khi bổ nhiệm ông ta làm tư lệnh Quân khu II, thay Nguyễn Văn Toàn vào mùa Thu 1974.
Phú tự nhận thấy mình chưa xứng đáng để nhận chức vụ ấy. Ông ta không phải là cán bộ tham mưu. Được đi huấn luyện hay được đi tập trận ngắn ngày thì thấy dễ chịu hơn là phải ngồi nghiên cứu tính toán kế hoạch chiến lược. Những người biết ông ta từ lâu nói rằng ông ta có một nhược điểm lớn là rất sợ phải chiến đấu tại chỗ và bị địch bắt...
Tướng Toàn, cựu tư lệnh Quân khu II là một tên quân phiệt phong kiến, chiếm đất làm ấp, ăn của đút lót, yêu thích ai thì cho người ấy chỗ làm việc tốt. Nay ông ta là tư lệnh Quân khu III. Phú do đó, có dưới quyền những sĩ quan bất lực, không chăm sóc binh lính, không dấu được vẻ khinh bỉ đối với người Thượng chiếm số đông trong quân đội Sài Gòn ở Tây Nguyên. Những thiếu sót về cán bộ, cộng với những nhược điểm của Phú, đương nhiên, chỉ đưa đến thảm hoạ.
Ở Cam Ranh, Phú cố tình trình bày tình hình với chiến hữu cũ. Ông ta nói với Thiệu: lực lượng địch gồm bốn sư đoàn nay đang tỏa khắp vùng từ Pleiku đến Buôn Mê Thuột. Mọi đường đi ra bờ biển đều bị cắt. Với lực lượng ông ta có trong tay, ông chỉ giữ được Tây Nguyên trong một, hai tháng với điều kiện được không quân yểm trợ tối đa, tiếp tế bằng không vận đầy đủ nhu cầu về vật liệu, vũ khí, đạn dược, bổ sung quân số đủ bù số thiệt hại nặng vừa qua.
Nghe những ý kiến ấy Thiệu tối mắt, như nằm trong mộng. Sau đó, ông ta nhìn Phú và lắc đầu: Không có gì hết, không có người, không có thiết bị để cung cấp cho anh. Quân đội đang bị phân tán một cách nguy hiểm ra khắp đất nước, lực lượng dự trữ cần được đưa về giữ những vùng cần bảo vệ. Không có phương tiện gì để tiếp viện cho việc bảo vệ Kontum và Pleiku cho nên phải rút khỏi hai tỉnh ấy, để bảo toàn lực lượng, lấy quân đưa về giữ đồng bằng ven biển, tiếp tế thuận lợi hơn và từ đó phản công lấy lại Buôn Mê Thuột.
Phú không tỏ ra phản ứng gì. Có lẽ hơi gật đầu, thế thôi. Cũng như trước, ông ta là chiến hữu của Thiệu, tận tuỵ và vâng lời.
Thấy Phú đã hiểu, Thiệu hỏi tiếp một vấn đề quan trọng: rút bằng đường nào? Đường 19 chạy giữa Tây Nguyên và đường 14 đi xuống Quân khu II đều bị chặn nhưng có thể phá được. Giữa hai đường, Phú chọn đường nào? Đến đây, Viên nói xen vào: Không đường nào quân đội của Phú có thể giải toả được. Chỉ còn đường 7B, một con đường cũ của sơn tràng đi về phía Đông, qua cái rốn của vùng này là tỉnh Phú Bổn. Viên hỏi Phú về khả năng rút theo đường đó. Tư lệnh Quân khu II, một lần nữa, lại sẽ gật đầu.
Hội nghị sắp bế mạc, Phú hỏi bao giờ phải rút. Thiệu tránh không trả lời. Ông chỉ nói: Việc đó do Phú quyết định. Thiệu chỉ yêu cầu tuyệt đối giữ bí mật quyết định cuối cùng. Không lực lượng địa phương nào, không người Thượng nào ở Kontum và Pleiku được biết. Sẽ có nhiều nguy hiểm. Họ sẽ phản bội.
Diễn biến của buổi họp, những vấn đề đưa ra thảo luận hết sức nông cạn và qua loa, và được giải quyết, đánh dấu bước ngoặt của lịch sử chiến tranh. Bản thân Thiệu đã nêu ra ý kiến này và ông dễ dàng bỏ qua một việc quan trọng là định ngày rút lui và quên hẳn số phận người Thượng là xương sống của quân đội Phú. Còn tướng Viên, vì sao không nêu ra những thiếu sót trong lập luận sai lầm của Thiệu?
Dù sao, Viên cũng đánh một đòn hiểm vào kế hoạch rút chạy khi ông ta chọn con đường 7B mà chưa hiểu rõ đường ấy có còn đi được hay không. Đường ấy chắc chắn đã đưa quân của Phú đến chỗ bị tiêu diệt.
Hội nghị Cam Ranh vừa họp xong thì sĩ quan tham mưu của Phú lại họp để làm kế hoạch rút lui. Họ quyết định để lại một phần sở chỉ huy ở Pleiku. Trong khi đó lãnh sự quán Mỹ vội vàng chuẩn bị cho tản cư nhân viên người Mỹ và nhiều nhà kinh doanh Pháp, một nhóm thầy thuốc Niu-Dilơn và khoảng năm trăm người Việt Nam làm việc trực tiếp với người Mỹ. Tổng lãnh sự Spear đồng ý lấy máy bay chở thư hàng ngày để chở người tản cư.
Ở Sài Gòn, tướng Homer Smith, tuỳ viên quân sự, như thường lệ, chiều thứ sáu đến thăm tướng Viên vừa từ Cam Ranh về. Viên, tươi cười và lạc quan, không hề nói gì về quyết định mới này.
Buổi tối, tướng Phú trở lại Pleiku, họp ngay với các chỉ huy đơn vị, phổ biến nhiệm vụ mới. Ông rất xúc động và chỉ nói những nét lớn. Việc duy nhất ông ta quyết định là giao cho thiếu tướng Phạm Duy Tất điều khiển cuộc rút lui. Ông ta bảo Tất ra lệnh cho tất cả các đơn vị chính qui (chứ không phải là lực lượng không chính qui và dân vệ) chuẩn bị rút ngay lập tức. Nhưng ông ta cho hoãn về sau việc đốt những kho nhiên liệu sợ gây hoang mang trong nhân dân địa phương. Ông nói rõ rằng: “Ngay người Mỹ cũng không được biết tin này”. Sau đó, ông về nhà, chuẩn bị hành lý.
Hôm sau, sáng thứ bảy, một buổi sáng như thường lệ ở sứ quán, chúng tôi đến làm việc sớm chỉ vì làm nửa ngày, chúng tôi mong trời đủ nắng để có thể ở bên bể bơi cả buổi chiều. Đại diện lâm thời Lehmann, thay Martin đi gặp Thiệu ở dinh tổng thống một buổi sáng. Họ trao đổi với nhau những chuyện không đáng kể.
Trong lúc ấy, Polgar gặp tướng Quang một lúc ở phủ đầu rồng. Một buổi gặp bình thường. Quang nói về sự lo lắng của mình đối với trận Buôn Mê Thuột, nhưng không hề nhắc đến những kế hoạch của chính phủ về lãnh thổ còn lại ở Tây Nguyên. Polgar không có cớ gì để nghĩ rằng viên tướng này giấu ông một điểm gì đó. Ông trở về sứ quán vào khoảng chín giờ rưỡi, chắc chắn rằng đã hoàn thành nhiệm vụ trong ngày.
Tại sở chỉ huy của Phú ở Pleiku, cuộc trao đổi buổi sáng diễn ra như thường lệ. Cũng như mọi khi, một nhân viên tình báo CIA dự buổi trao đổi. Anh ghi những lời phát biểu ý kiến. Không có lúc nào, người phát ngôn Việt Nam nêu một điểm gì để làm cho người nghe có thể nghĩ đến cuộc rút lui hoàn toàn quân đội sẽ diễn ra trong mấy giờ tới.
Một lúc sau, Thieme đến sở chỉ huy Phú, báo cho ông ta biết những người Mỹ mà sự có mặt ở đây không có ích gì, sắp ra đi. Bực mình, tức giận, Phú không phản đối và cũng không nói gì về kế hoạch rút lui của ông ta.
Gần một giờ sau, Tư lệnh Quân khu II dừng chân trước trụ sở chỉ huy nằm giữa thị xã Pleiku, để lấy vali. Rồi cùng với một số cộng tác viên lân cận, ông ta bay đi Nha Trang, không nói rõ cho ai biết. Ông chỉ bảo một người ra tiễn rằng ông ta ra bờ biển để chuẩn bị tốt cho việc tản cư. Những người dưới quyền ông ta, còn ở lại, khi biết ông đã đi rồi, đều quyết định không tuân lệnh ông ta nữa, ai cũng chỉ lo lấy thân mình.
Trong lúc đó, sự thật đáng buồn là những quyết định ở Cam Ranh hôm trước bắt đầu lộ ra ngoài. Sau cuộc họp buổi sáng, một nhân viên của chúng tôi nằm ở bộ phận tham mưu của Phú báo cho sĩ quan chúng tôi ở địa phương biết cuộc rút bỏ hoàn toàn Tây Nguyên. Anh này ngạc nhiên quá, đến mức quên cả báo cáo lại với Thieme hay một đồng nghiệp khác của ông. Đáng lẽ làm như thế, anh lại báo cho Archer ở Nha Trang. Trong điện, anh kể rõ mọi chi tiết và đệ nghị giải thích.
Đến mười giờ sáng, tôi đến gặp Polgar ở phòng làm việc. Ông đang nói chuyện với một quan chức bộ ngoại giao mới đến Sài Gòn. Tôi ở đây được mười phút thì một nữ thư ký của chúng tôi bước vào phòng, để một bản tin trước mặt Polgar. Đó là bản sao bức điện của nhân viên CIA ở Pleiku. Chỉ mới đọc qua đoạn đầu, mặt Polgar vốn nâu hồng đã tái lại. Tất cả lực lượng Nam Việt Nam trên phía Bắc Tây Nguyên, có khoảng hai sư đoàn, chuẩn bị rút lui hoàn toàn.
Polgar nhảy lên. Ông vội chạy lên phòng đại sứ, ở gác ba, để báo cho Lehmann. Nhưng đại biểu đi đến phủ tổng thống chưa về. Polgar gọi Nha Trang hỏi lại. Archer không có gì để nói thêm. Polgar đòi nói chuyện với Tổng lãnh sự.
Khi Spear đến nghe dây nói, Polgar bảo đảm với ông rằng nhân viên tình báo ở Pleiku rất đáng tin cậy, ông nên cho tản cư ngay những người Mỹ. Spear khôn khéo hỏi lại: Đây có phải là mệnh lệnh không? Spear biết rằng chỉ có Lehmann có quyền cho phép tản cư tất cả nhân viên ở một tỉnh. Polgar vội vàng dịu giọng trả lời: “Không, chắc chắn không phải là mệnh lệnh, tôi chỉ muốn làm cho anh hiểu là nếu không sớm đưa nhân viên tản cư thì sẽ mất họ. Trong trường hợp gay go thì chỉ mấy giờ nữa, đường bay không còn dùng được”.
Một lúc sau, Lehmann trở về sứ quán. Nhưng cũng như Spear, ông không muốn ra lệnh rút hoàn toàn. Ông còn nghi ngờ tin mới nhận được nhất là Thiệu mà ông vừa từ biệt không nói gì với ông.
Cuối cùng, đến trưa, Polgar mất hết kiên nhẫn. Ông lấy một máy bay của hãng Hàng không Mỹ và ra lệnh cho Archer cho rút tất cả nhân viên CIA ở Pleiku, và một lần nữa ông đề nghị Lehmann cho tản cư tất cả người Mỹ. Viên đại diện còn trù trừ nhưng cuối cùng chấp nhận ý kiến của Polgar. Ông gọi người thư ký, đọc cho anh này một bức điện gửi Spear, trong đó, ông đòi chấm dứt ngay hoạt động trên Tây Nguyên.
Lúc tin rút chạy của Phú tới Hoa Thịnh Đốn, những người chịu trách nhiệm ở Lầu Năm Góc và bộ ngoại giao gọi dây nói khắp thủ đô để tìm đại sứ Martin. Họ hy vọng ông sẽ cho họ biết cụ thể về sự kiện quan trọng này. Nhưng Martin không có ở máy nói nào cả. Ông vừa chữa răng và về nghỉ tại nhà ở thành phố Carolina Bắc. Sau cùng, bộ trưởng bộ quốc phòng Schlesinger, gọi dây nói được cho Martin. Sau khi Schlesinger cho Martin biết mọi chi tíêt, đại sứ trả lời: “chắc chắn, tôi biết rõ những việc ấy. Từ lâu rồi, Phú định rút một phần bộ phận tham mưu khỏi Tây Nguyên. Ngoài ra, không có gì khác”. Mặc dù đã hết sức cố gắng, Schlesinger cũng không thuyết phục được Martin để đại sứ tin rằng tình hình nghiêm trọng hơn nhiều. Bộ trưởng quốc phòng cũng không buộc được Martin về ngay Hoa Thịnh Đốn để theo dõi “một vấn đề không nghĩa lý gì” ấy.
Quá trưa ngày 15 tháng 3, tình hình Pleiku nguy ngập Quân trinh sát Bắc Việt Nam đã chắn đường đi lại ở các ngã tư phía Bắc và phía Tây thị xã. Đạn rốc kết rơi gần sân bay. Quân của Phú chuẩn bị rút. Nhân dân địa phương cũng làm như vậy.
Buổi trưa, Thieme từ sở chỉ huy của Phú, quay về phòng làm việc. Ông cho gọi ba đại diện của phái bộ quân sự công tác dưới quyền ông - Mike Chilton, John Good và Nelson Kief - vào phòng. Vì ba người đã từng chiến đấu, chắc chắn họ có thể giữ bình tĩnh và sáng suốt trong những giờ khó khăn đang đợi họ. Ông đặt một trạm chỉ huy tạm thời trong phòng tiếp khách gồm có máy radiô và dây nói đặc biệt và bắt đầu gọi các nhân viên người Việt Nam, bảo họ chuẩn bị rút đi ngay. Ông đọc đến tên người thứ ba, thứ tư gì đó thì ba đại diện nói trên đến. Họ tổ chức nhiều đoàn xe gíp và xe tải, cho đi khắp thị xã để nhặt người tản cư.
Đã có lệnh cấm dân Việt Nam không được vào sân bay. Thieme hoặc ba đại diện phái bộ quân sự phải đi kèm đưa từng xe một đến cổng vào và cho tiền người lính gác, xe mới được đi qua.
Cũng như tất cả các viên chức Mỹ ở Pleiku, ba nhân viên trẻ của chi nhánh CIA địa phương (người thứ tư ở Nha Trang với Archer) phụ thuộc vào Thieme, đại diện cao nhất của người Mỹ ở đây. Nhưng, lúc bắt đầu cuộc tản cư. Archer ra lệnh cho họ bằng radiô phải đi ngay Sài Gòn theo chỉ thị cấp bách của Polgar. Archer nói: Họ là những nhân viên tình báo chứ không phải là viên chức lãnh sự. Họ không phải giúp đỡ Thieme cho tản cư người Việt Nam làm việc với USAID hay giúp bất cứ ai.
Mấy phút sau, nhân viên CIA tìm Thieme và nói cho ông biết cụ thể. Họ rất bực mình và hết sức mệt nên quên không báo cáo với Thieme về tin mới nhận được của một nhân viên tình báo cho hay quân của Phú đã rút chạy rồi. Thieme chỉ biết tin này khi đến Nha Trang vào buổi xế chiều.
Ở phòng làm việc của Thieme ra, mấy nhân viên CIA đi xe hơi về bàn giấy của mình. Họ báo cho cộng tác viên người Việt Nam biết họ rút đi và giục họ cũng rời ngay thị xã đi ra bờ biển bằng bất cứ phương tiện nào họ có, bằng bất cứ đường nào có thể đi được. Rồi họ vội vàng ra sân bay, xách theo thiết bị radiô cực kỳ mật. Họ đi được chuyến bay đầu tiên của hãng Hàng không Mỹ.
Khổ sở thay, trong lúc vội vàng để tự cứu, ba người đã mắc một sai lầm có thể làm hại bất cứ nhân viên tình báo nào. Không những họ bỏ rơi các bạn đồng nghiệp Mỹ, nhiều nhân viên người Việt Nam, mà họ còn quên cả việc bảo vệ tính mạng cho nhân viên CIA kỳ cựu nằm trong những người thân cận của Phú. Hơn nữa, họ quên huỷ hồ sơ. Đến phút cuối, thật ra, họ có nhờ một cộng tác viên địa phương kiểm tra lại bàn giấy nhưng không chắc nhân viên này tìm thấy hồ sơ và huỷ bỏ đi. Suốt buổi chiều, làn sóng máy bay vận tải hai động cơ C-46 và C.47 của hãng Hàng không Mỹ liên tiếp đỗ xuống sân bay Pleiku, bốc đi mỗi chuyến tới sáu, bảy mươi người. Đạt được kết quả này là nhờ công sức không mệt mỏi của Thieme và ba viên chức phái bộ quân sự. Trong khi đó, một máy bay lên thẳng của hãng Hàng không Mỹ bay đi Kontum để đón một nhóm người Mỹ và mấy người nước ngoài.
Bốn giờ rưỡi chiều, Spear hết sức bực mình, từ Nha Trang gởi một thông điệp radiô cho Thieme, ra lệnh ngừng ngay cầu hàng không. Ông nói: Đây là chuyến bay cuối cùng mà trong chuyến này phải có cả Thieme. Ông này nhìn lại danh sách người Việt Nam đang chờ tản cư. Một máy bay không đủ khả năng chở. Ông trả lời Spear: Ông không thể đi trước khi có ít nhất là hai máy bay. Spear, tuy bực mình về điều kiện ấy, cũng phải cố gắng thu xếp.
Một giờ sau, khi Thieme lên máy bay, cổng sắt của sân bay bị gãy vì đám đông ở ngoài trèo qua. Bên đường bay, lính đánh nhau. Nhưng trong lúc máy bay cất cánh, và lượn trên đầu đám lộn xộn ấy, Thieme và các bạn đồng nghiệp trong phái bộ quân sự có đủ lý do để bằng lòng với mình. Trong bốn giờ rưỡi, họ đã cứu được hơn 450 người, trong đó có nhiều nhân viên người Việt Nam làm việc cho USAID và đưa họ đi Nha Trang.
Suốt buổi chiều dài vô tận, quân của Phú rút chạy khỏi Pleiku và Kontum hết sức lộn xộn. Bản thân cuộc rút chạy như một trò trẻ con. Các đơn vị phải đi theo quốc lộ số 14, phía Nam Thành An, ở đấy, rẽ về phía Đông, đi theo đường về 7B đến Phú Bổn và ra bờ biển. Nhưng tướng Tất, người điều khiển cuộc rút chạy, gây rối ren thêm cho một việc đơn giản. Ông quên cả việc chuẩn bị sơ đẳng nhất. Không có ai đi điều tra tình hình đường 7B. Không có phương tiện gì để chuyên chở hàng nghìn người dân chắc chắn sẽ kéo theo quân đội. Do đó, lính và dân chen chúc, trộn lẫn với nhau còn xe tăng và xe bọc thép chở nặng thì lại dẫn đầu. Không chịu nổi sức nặng, đường bộ lún, bị phá. Một đoàn gồm hai nghìn xe hơi, xe gíp, xe vận tải nhanh chóng ngập trong một con sông bùn. Về phía không quân thì chỉ nghĩ đến vị trí độc lập của mình, từ chối không đáp ứng những lời kêu gọi khẩn cấp của y tế hay không trả lời những tiếng kêu xin yểm trợ của các đại úy hay trung úy lục quân.
Về phần chúng tôi, suốt buổi chiều, chúng tôi ở trong phòng Polgar theo dõi cuộc rút quân. Chúng tôi được chứng kiến cuộc chạy trốn lộn xộn qua những tin tức radiô và báo cáo của máy bay trinh sát. Polgar kêu lên: “Đây là cuộc diễn hành của một đám xiếc phát điên! Voi đi trước, những người khác mặc sức lội trong bùn”. Hình ảnh rất đúng.
Tối đến, Thiệu mệt mỏi và chán nản, nghĩ đến việc tìm những con vật hy sinh. Phú không hiểu ông ta. Những người Thượng ở Buôn Mê Thuột phản lại ông ta. Thiệu làm bản cáo trạng dựa vào một bản báo cáo vừa nhận được nói rằng quân địa phương (người Thượng) đã bỏ vị trí ngay ngày đầu cuộc tiến công Buôn Mê Thuột để bảo vệ nhà riêng chống lại lính Nam Việt Nam đào ngũ đi cướp bóc. Thiệu khẳng định đó là nguyên nhân chính gây ra tình hình bi đát ở Tây Nguyên. Tối đến, khi rời dinh độc lập, Thiệu ra lệnh cho thuộc hạ tìm mọi cách làm rõ chuyện phản bội của người Thượng.
Một lúc sau, cảnh sát bắt một nhà báo Pháp tên là Paul Leandri vì anh đã viết trong một bài rằng: thực tế, người Thượng đã tham gia tiến công Buôn Mê Thuột. Leandri, một người Coóc lùn, từ chối không trả lời các câu hỏi, ngay cả khi anh được dẫn tới sở chỉ huy cảnh sát quốc gia, ở giữa thành phố. Trái lại, anh còn chửi mắng cảnh sát. Tiếp đó, anh phạm một sai lầm nghiêm trọng là chạy ra cửa ngôi nhà. Khi anh sắp mở cửa xe thì một cảnh sát đã hạ anh bằng một phát đạn vào đầu.
Đại sứ Pháp nổi giận lôi đình khi được tin sự việc này và chính Polgar nửa đêm về sáng, được gọi đến sứ quán để hoà giải giữa người Pháp và cảnh sát.
Sáng hôm sau, Thiệu còn nhiều việc để làm hơn là nghĩ đến cái chết của Leandri hay sự phản đối của sứ quán Pháp. Dòng người tản cư ở Pleiku và Kontum bị chặn lại phía Tây Phú Bổn. Tình hình cũng tồi tệ ở những vùng khác. Phía Tây tỉnh Bình Định, ở giữa ven biển, quân địch liên tiếp đánh thắng quân chính phủ. Trong đêm, chiến tranh lan tới tỉnh Tây Ninh, phía Tây Bắc Sài Gòn, và nhiều đơn vị khác của quân đội Bắc Việt Nam uy hiếp mạnh con đường nối Sài Gòn với Đà Lạt, phía Nam Quân khu II.
Để bảo vệ miền phụ cận Sài gòn, Thiệu ra lệnh cho không quân ném bom những nơi tập trung quân và thiết bị của Bắc Việt Nam ở biên giới Campuchia, phía Bắc Sài Gòn. Ông cũng điện cho tướng Trưởng, tư lệnh Quân khu I, bắt đầu chuyển sư đoàn dù về, đưa ngay cả sư đoàn tới Sài Gòn.
Sớm ngày 16 tháng 3, Earl Thieme uống tách cà phê thứ hai và xin một máy bay lên thẳng đi Pleiku, ông ngủ đêm tại sân bay của hãng Hàng không Mỹ ở Nha Trang, để gọi dây nói cho những người còn ở lại Pleiku.
Ở Pleiku, cảnh tượng không ngờ diễn ra trước mắt Thieme và phi công. Đường phố chính là một dòng sông đầy người sợ hãi và khi bay trên thị xã, họ có cảm giác là hàng nghìn con mắt chăm chú theo dõi chiếc máy bay nhỏ bé UH-I của hãng Hàng không Mỹ.
Hơn hai trăm người Việt Nam đứng chung quanh bàn giấy của Thieme sau khi máy bay lên thẳng hạ xuống sân. Thieme nhanh chóng lọc những nhân viên của mình ra, giơ súng tự động lên để đuổi những người còn lại. Ông gọi radio về Nha Trang xin máy bay, cho nhân viên lên xe vận tải và cố mở một đường qua thị xã đầy người chạy trốn đi về phía sân bay. Một máy bay vận tải C-46 của hãng Hàng không Mỹ vừa hạ cánh một cách nặng nề. Nó đang lướt trên đường băng đầy lính và dân. Cho rằng đây là chiếc máy bay ông vừa xin, Thieme vội nhảy ra và nắm lấy đấm cửa máy bay. Người phi công giảm tốc độ, lợi dụng đường băng, đỗ xuống sân bay quân sự. Thieme tức giận gọi radiô cho Nha Trang đòi giải thích. Họ trả lời ông: chiếc máy bay C-46 này đặc biệt dành riêng để chở một sĩ quan cao cấp Nam Việt Nam. Đó là nhân viên tình báo CIA nằm ở bộ tham mưu của Phú mà hôm trước đã bỏ quên lại.
Một lúc lâu sau, một máy bay vận tải khác của hãng Hàng không Mỹ tới để chở Thieme và những người giúp việc ông. Ông vừa chạy đến thì lính Việt Nam vũ trang đã bao vây ông. Viên phi công gọi về Nha Trang, báo tin phải chở nhiều người vì lính giơ súng ra dọa. Thieme hiểu ngay rằng không thể lên máy bay này được. Liền vội chạy đến một máy bay lên thẳng của hãng Hàng không Mỹ đậu ở xa. Được viên phi công giúp, ông kéo được mấy nhân viên thân cận lên máy bay trước khi đám người đến uy hiếp.
Bình thường, chủ nhật là một ngày nghỉ, kể cả ở sứ quán. Nhưng vì tình hình phát triển nghiêm trọng cả nước nên Polgar ra lệnh tất cả nhân viên đều phải đến làm việc, ít nhất là buổi sáng.
Khi soạn những tin nhận ban đêm, ông đọc được một bản làm ông buồn cười hết sức. Báo chí Hoa Thịnh Đốn viết rằng bộ trưởng quốc phòng Schlesinger công khai tuyên bố không có khủng hoảng ở Việt Nam. Polgar chế giễu cái mà bộ trưởng quốc phòng gọi là khủng hoảng bằng những lời không thể viết ra được.
Những tin tức đáng chú ý nhất không phải từ Hoa Thịnh Đốn hay Nam Việt Nam mà từ Campuchia, bên kia biên giới theo một tin tức của sứ quán Phnôm Pênh tên đại sứ Dean vừa quyết định tản cư nhân viên không cần thiết. Tin này nói rõ hơn bất cứ tin nào khác, sự yếu kém của chúng ta và của chính sách đối ngoại Mỹ.
Buổi chiều, tôi dự thảo cho Polgar một bản tường trình về hậu quả của việc rút bỏ Tây Nguyên. Về mặt lịch sử, cuộc rút chạy này không để lại một điều gì tốt. Nó làm nhớ lại cuộc rút lui của quân Pháp khỏi Kontum năm 1954 đánh dấu bước đầu việc chấm dứt chế độ thực dân Pháp ở phần phía Nam nước Việt Nam, cũng như chiến thắng của cộng sản ở Điện Biên Phủ, mấy tháng sau, mở đầu cho sự cáo chung này ở phía Bắc. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà chiến lược bậc thầy của Việt Minh, trước đây đã viết rằng: người nào kiểm soát được Tây Nguyên thì nắm được chìa khoá của Đông Dương. Ý kiến này được thực hiện. Thật vậy, hệ thống đường sá ở vùng này là những con đường lý tưởng cho việc đi lại giữa miền Bắc và miền Nam Việt Nam, đồng thời vùng này cũng là một bậc nhảy hoàn hảo cho một cuộc chiến tranh chớp nhoáng tiến ra bờ biển.
Tuy nhiên, như mọi người ở sứ quán, tôi muốn tỏ ra là vẫn còn một hy vọng. Trong bản tường trình tôi viết rằng nếu một trong sáu sư đoàn chạy từ Kontum và Pleiku tới được bờ biển mà không gặp tai nạn nào thì Sài Gòn có thể biến cuộc rút lui này thành một chiến thắng có thể so sánh với chiến thắng Dunkerque.
Polgar lắc đầu khi đọc đến đoạn này: “Anh cố pha li-mô-nát với chanh. Để chờ xem những đội quân ấy ra sao đã trước khi đi đến chỗ lạc quan”. Sự khôn ngoan của ông đúng.
HỘP ĐEN
Al Francis, người con đỡ đầu của Martin được bổ nhiệm làm Tổng lãnh sự ở Đà Nẵng từ mùa Thu năm 1974. Đầu tiên ông ra lệnh xem kế hoạch tản cư của lãnh sự quán. Viên chức chịu trách nhiệm việc này đưa ra một bản thuyết trình 30 trang. Trong những giải pháp dự kiến, giải pháp cao nhất là xin một cầu hàng không bằng máy bay lên thẳng, xuất phát từ sân bay, có lính Mỹ bảo vệ. Giải pháp này Al Francis không thể thực hiện được. Ông nói với tôi sau khi Sài gòn thất thủ: Ông tưởng rằng người Mỹ có thể nhờ các nhà chức trách địa phương giúp đỡ, ngay cả khi phải tản cư triệt để!
Kế hoạch như thế phải xét lại hai lần trong những tháng sau. Francis vẫn chưa bằng lòng - không thể dự kiến mọi điều được - nhưng ông cho là xét đi, xét lại sẽ làm cho nhân viên quan tâm đến vấn đề tản cư hơn. Tháng 1, lúc ông về nghỉ ở Hoa Thịnh Đốn, ông không hề nghĩ rằng phải sớm duyệt lại một lần nữa. Như ông tuyên bố với người nào muốn nghe ông, ông chắc là chính phủ Sài Gòn vẫn còn có thể sống sót được mặc dù viện trợ của Hoa Kỳ đã giảm đi.
Trong thời gian nghỉ, mỗi tuần, ông đến bộ ngoại giao hai, ba lần, đọc tin điện gửi về để nắm tình hình. Đầu tháng 2, lúc ông trở lại Sài Gòn, ông có vẻ biết rõ vấn đề và tỏ ra sốt ruột trước không khí làm việc uể oải. Nhưng hôm sau, ông mắc bệnh nặng phải đưa ngay về Hoa Thịnh Đốn bằng máy bay y tế. Một tháng sau, ông bình phục thì Tây Nguyên đã mất, những đơn vị dù rút khỏi Quân khu I, và quân bảo vệ Huế bị đánh tan tác.
Giữa lúc ấy, bà Terry Tull, người phó của Francis ở Đà Nẵng, nữ viên chức cao cấp duy nhất của bộ ngoại giao ở nước này, đã bắt đầu cho rút nhiều nhân viên lãnh sự quán ở Quân khu I. Quân đội Bắc Việt Nam tiến từng bước một đến các thị xã, bà chú ý tìm mọi cách để bảo vệ tính mạng, cho người Mỹ hay người Việt Nam do bà phụ trách.
Nhưng phải đối phó với một vấn đề chính trị quan trọng: Lehmann tiếp tục thay Martin ở Sài Gòn, chỉ thị cho bà không được làm gì có thể gây cảm tưởng rằng sự cam kết của người Mỹ đối với người Nam Việt Nam đã yếu đi. Nhận thấy một cuộc tản cư triệt để ở các tỉnh này sẽ gây cảm tưởng đó, bà đưa ra một quyết định nửa vời. Đáng lẽ đóng cửa hoàn toàn những lãnh sự quán ở sát mặt trận thì bà ra lệnh chỉ rút phần lớn nhân viên ở những nơi này; khi xảy ra cuộc tiến công, một, hai máy bay lên thẳng là có thể hoàn thành cuộc tản cư. Giữa tháng 3, bà khuyên các nhân viên CIA và bộ ngoại giao còn lại tại Huế đêm về ngủ ở Đà Nẵng, cách Huế 80 kilômét về phía Nam.
Nhiều đồng nghiệp của bà cũng vịn vào đó mà phê phán. Nhân viên CIA ở địa phương, một Hoa kiều đứng tuổi, tôi tạm gọi là Philip Custer, lên án bà là đi quá trớn!
Mùa hè trước, khi ông đến đây, Custer tỏ ra là một người hăng hái bảo vệ quân đội Nam Việt Nam - hăng đến mức ông ta tưởng bây giờ là người của quân đội. Khi Tull nêu ra việc giảm bớt nhân viên lãnh sự quán, Custer tỏ ra không đồng ý. Ông nói với các người giúp việc: Tướng Trưởng sẽ giữ được vùng này rất vững.
Công bằng với Custer thì phải nói rằng, những tin tức ông ta dựa vào để nhận định còn xa mới hoàn chỉnh. Không một ai trong chúng tôi biết rõ những lệnh khác nhau và mâu thuẫn nhau do tướng Trưởng nhận được từ Sài Gòn và ngay kẻ bi quan nhất cũng gặp khó khăn để dự đoán rằng lực lượng của Quân khu I sẽ tan tác trong hai tuần tới. Đối với người lạc quan như Custer, việc đó chỉ đơn giản là không thể tưởng tượng được.
Tuần thứ ba tháng ba, khi Francis trở lại Đà Nẵng, ông triệu tập sáu viên chức, ra lệnh cho họ, một lần nữa xem lại kế hoạch tản cư lãnh sự quán. Ông gọi nhóm sáu người này là cái “hộp đen” nhỏ của ông (đen thay cho mật) và giao cho một nhân viên mới của CIA chịu trách nhiệm điều chỉnh lại kế hoạch cho hợp lý.
Nhân viên CIA này đủ sức làm việc đó. Ngoài 50 người Mỹ làm việc ở lãnh sự quán - một nửa là của CIA - còn hàng trăm người Mỹ ở Đà Nẵng, từ những người làm việc có hợp đồng đến những lính Mỹ đào ngũ, phải đưa đi tản cư. Hơn một nghìn nhân viên người địa phương cũng được ghi vào danh sách nhân viên lãnh sự quán, cộng với gia đình, bạn bè thân thiết và bố mẹ họ, như thế là đưa tổng số người phải tản cư lên đến ít nhất mười nghìn người.
Mặc dù vấn đề lớn như vậy, chỉ một buổi chiều nhân viên CIA đã làm được một kế hoạch tản cư dài có hai trang rưỡi. Ông dự kiến tản cư làm nhiều giai đoạn, vừa bằng đường không, vừa bằng đường thuỷ. Thuyền máy và tàu nhỏ ngược sông Hàn đón những người tản cư ở những nơi đã qui định còn tàu lớn đón ở ven đê, ngoài thành phố, một số người khác sẽ đi bằng máy bay của hãng Hàng không Mỹ hoặc máy bay thuê, đổ xuống những bãi ở phía Tây thành phố hay sân bay quân sự gần núi Ngũ Hành. Cuộc tản cư phải tiến hành từ từ và yên lặng trong khoảng ít nhất một tuần để người Việt Nam khỏi hoảng sợ.
Ý nghĩ thành lập “hộp đen”, cử những chuyên gia rỗi rãi nghiên cứu một vấn đề cực kỳ phức tạp, có vẻ là một sáng kiến bậc thầy! Nhưng, giữa thời chiến, việc tản cư cả một lãnh sự quán gặp nhiều khó khăn, không thể thực hiện được theo một giải pháp bàn giấy quan liêu, dù giải pháp ấy tốt đến mấy. Do đó dù Francis có cẩn thận đến đâu thì những biện pháp ông đưa ra đều nhanh chóng thất bại.
Đầu tiên là người lính già nào trong số nhân viên của ông cũng muốn tham gia nhóm “hộp đen”. Chỉ một đêm, nhóm “hộp đen” chỉ có mấy người, trở thành một trung đội cồng kềnh gồm 25 người. Bản thân việc phân tích tình hình của Francis cũng là một trở ngại. Từ ngày ốm, ông biết rất ít tin tức, ông định hỏi ý kiến đại sứ về những vấn đề quan trọng. Dù Martin có khẳng định là người Nam Việt Nam vẫn có hy vọng thì Francis cũng chỉ sẽ là người cuối cùng nói ngược lại.
Ngoài ra, cũng còn vấn đề chiến thuật nữa. Mấy ngày trước, Lehmann khuyên ông: “Đừng làm gì để người Việt Nam phải tức giận: Sự bền bỉ của người Mỹ phải là tấm gương cho họ”. Francis lấy đó làm châm ngôn và ông quyết định hành động theo yêu cầu của cấp trên.
Sau khi thành lập nhóm “hộp đen”, ông ngả theo chiều hướng để cho sự việc xảy ra. Ông không phải là người duy nhất như thế. Custer không bao giờ hoàn thành được việc làm kế hoạch tản cư nhân viên Việt Nam dưới quyền ông và cũng tỏ ra chậm chạp trong việc chuẩn bị cho nhân viên người Mỹ ra đi. Chỉ đến lúc kẻ thù đã ở bên hàng rào lãnh sự quán rồi, người ta mới đốt hồ sơ mật!
Ngoài tinh thần thiếu trách nhiệm của những người phụ trách coi ý kiến của mình là thực tế, còn một trở ngại nữa: sự tin cậy quá đáng vào quân đội Hoa Kỳ. Trước đó, một ê-kíp của hạm đội 7 đã đến Đà Nẵng để nghiên cứu kế hoạch tản cư. Hải quân Mỹ hứa sẽ cho một đoàn máy bay lên thẳng đến khi cần thiết. Nhưng mấy ngày sau, sau khi trao đổi điện với hải quân, Francis mới biết là không có chuyện ấy nữa. Ông phải giải quyết một mình.
Người Bắc Việt Nam cũng có sự chậm chạp như người Mỹ, nhưng họ giải quyết nhanh. Mấy ngày trước khi nhân viên tình báo nằm trong giới thân cận trực tiếp với Thiệu gửi cho họ bản tin mới giật gân: toàn văn biên bản hội nghị bàn về chiếc lược mới “cố thủ” của chính phủ Nam Việt Nam. Họ phải thảo luận ngay những việc cần phải làm.
Ngày 20 tháng 3, Bộ chính trị gửi cho tướng Dũng bản nhận định tình hình như ông viết trong hồi ký: thắng lợi to lớn của ta vừa qua có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu một bước ngoặt mới trong cuộc chiến tranh ở miền Nam, đánh dấu sự phát triển rất mới trong cực diện chung, một bước suy sụp mới của Mỹ - Nguỵ. Địch đang có ý đồ thực hiện chiến lược co cụm qui mô lớn nhằm tập trung lực lượng ở vùng Sài Gòn và một phần đồng bằng sông Cửu Long, có thể ở Đà Nẵng và Cam Ranh nữa, hòng tạo một thế tương đối vững để đi đến một giải pháp chính trị hoặc liên hiệp, hoặc chia cắt miền Nam. Vì vậy ta cần tranh thủ thời gian cao độ, hành động khẩn trương, hết sức bất ngờ về thời gian, phương hướng, lực lượng và táo bạo, đồng thời bảo đảm chắc thắng. Theo tinh thần đó, Bộ chính trị cân nhắc mọi mặt và thực hiện phương án giải phóng Sài Gòn sớm hơn dự kiến.
Polgar thấy sự lộn xộn ở Quân khu I, quyết định tự mình đề ra những giải pháp để bảo đảm an ninh. Sáng ngày 22 tháng 3, ông cho một máy bay đặc biệt của hãng Hàng không Mỹ ra Đà Nẵng, chở nhiều hòm và vật liệu đóng gói để Custer cho chuyển một phần hồ sơ của các nhân viên đi.
Francis, tiếp tục trấn an người Việt Nam, nói với những nhân vật chính trị địa phương và binh lính rằng quân đội có thể cầm cự được. Ông cũng cố làm cho giới báo chí hiểu như thế. Chiều 22, ông thân hành dẫn một đoàn gồm 12 nhà báo họp ở Đà Nẵng ra Huế. Ông nói: Huế vẫn là một nơi chắc chắn và cố thủ được, mặc dù có nhiều tin đồn ngược lại.
Sáng hôm sau, quân Bắc Việt Nam đánh ngay, cắt quốc lộ 1, ở phía Nam Huế, gần Phú Lộc. Chỉ một trận, họ đạt được mục tiêu: chặn sư đoàn 1 quân Nam Việt Nam không còn đường về Đà Nẵng. Trận đánh càng lớn, càng gieo rắc thêm sự sợ hãi trong những làn sóng người tị nạn rải khắp dọc đường. Trong vài giờ, hàng nghìn người đổ ra bến nhỏ Tân Mỹ, nơi Trưởng định dùng để tản cư sư đoàn 1. Mọi con đường đi ra bến này đều đầy người đi lại. Tàu Việt Nam chờ dưới biển để chờ quân đội và súng ống, bắt đầu chở dân đang hoảng sợ, thay cho thiết bị quân sự. Đường chính bị cắt, bến không ra được. Máy bay lên thẳng Nam Việt Nam định hạ xuống cứu lính nhưng pháo binh Bắc Việt Nam rót xuống sân bay.
Gần một giờ sau, nổ ra sự rối loạn ở chợ Đông Ba giữa thành phố. Nhân dân quá sợ hãi tranh nhau giành xe tắc xi và xe lam để chạy ra bờ biển.
Quân Bắc Việt Nam cũng tiến công phía Nam Đà Nẵng, tiến gần đến Quảng Ngãi và căn cứ không quân Chu Lai. Họ bắn hàng loạt đạn rốc kết và đại bác. Nhân dân ở các nơi này cũng chạy như nhân dân thành phố Huế ra cảng Tân Mỹ, tranh nhau tiến ra bờ biển. Trong vài giờ, cả sư đoàn 2 quân Nam Việt Nam biến thành một dòng lộn xộn, vô kỷ luật gồm mười nghìn người, sĩ quan cũng như binh lính chỉ có một ý nghĩa trong đầu: cùng gia đình chạy trốn.
Suốt buổi sáng, tướng Trưởng nói chuyện bằng radio với Thiệu báo tin thảm hại: Huế bị bao vây, sự đoàn 1 đang nguy khốn cực kỳ. Ông không còn lực lượng để mở đường trên quốc lộ số 1, phía Nam Huế, ở đây quân Bắc Việt Nam chắc chắn có hai sư đoàn. Ông phải bắt đầu cho tản cư ra bờ biển những người còn lại của sự đoàn 1. Còn có thể giữ Huế một lúc nữa, nhưng với giá thật đắt. Phải hy sinh một phần sư đoàn 1, chỉ là để tranh thủ thời gian.
Thiệu không phản đối gì. Ông chỉ còn một biện pháp: cho sư đoàn dù ra tiếp viện nhưng còn an ninh của Sài Gòn nên ông ta để mặc Trưởng hành động.
Giữa lúc Trưởng nói với Thiệu thì lực lượng của ông ta dùng để thực hiện kế hoạch đang tan rã. Giữa chiều, chỉ còn một đơn vị duy nhất, lữ 147 lính thuỷ đánh bộ, đóng tại một vị trí ở phía Bắc Huế. Trưởng không muốn hy sinh đơn vị này vì đó là một đơn vị thiện chiến! Ông ta ra lệnh cho rút tất cả các đơn vị còn ở chung quanh Huế, lính thuỷ cũng như lính của sư đoàn 1 đang chạy rải rác.
Vì bến Tân Mỹ đã đầy ứ người, Trưởng quyết định cho lính thuỷ và những lính chậm chạp khác chạy về phía Nam, dọc bán đảo Vĩnh Lộc, một dải cát song song với đất liền. Chạy lối này có thể vượt qua nơi quân Bắc Việt Nam đang chốt và tiến ra quốc lộ 1 bên trong đèo Hải Vân, rồi từ đó chạy thẳng về Đà Nẵng. Cản trở thiên nhiên duy nhất là một khoảng sông rộng, từ đầu bán đảo vào đất liền. Công binh hải quân đang làm cầu bắc qua.
Nhưng ở Đà Nẵng, tình hình căng thẳng mỗi lúc một tăng, đã có hàng nghìn người tị nạn khắp thành phố. Hãng Hàng không Việt Nam của chính phủ cho bay thêm nhiều chuyến để chở những người mới đến ra khỏi thành phố, trong khi đó, sứ quán Mỹ thuê máy bay tư của hãng Hàng không thế giới để làm việc này.
Đúng trưa ngày 23 tháng 3, Francis tuyên bố lãnh sự quán phải sẵn sàng trở thành một vị trí chiến đấu: ông muốn đề phòng cẩn thận trong trường hợp Đà Nẵng bị bao vây. Viên chức được ông giao cho sắp xếp kế hoạch là một thanh niên khoẻ mạnh của CIA, tôi đặt tên là “Ron Howard”. Anh là nhân viên chuyên môn về nhận định tin đầu tiên công tác ở nước ngoài. Anh muốn được lòng cấp trên nên vui vẻ nhận nhiệm vụ này, chạy khắp lãnh sự quán, cất giấu những khẩu phần thức ăn loại C vào những xó xỉnh không thể ngờ tới. Thí dụ trong đống lốp xe chất ngoài hành lang. Anh tìm thấy một lô đồ hộp cũ, đã gỉ, liền phân phát cho các nhân viên người Việt Nam trong lãnh sự quán. Anh nghĩ rằng có thêm thức ăn họ sẽ bớt tức giận hơn khi biết tin thành phố bị bao vây. Các phòng làm việc trở thành chỗ tạm trú của nhân viên người Việt Nam mới từ Huế và những vùng lân cận chạy đến, anh cố thu xếp cho họ có thêm tiện nghi. Anh biết rằng sự an toàn của bản thân anh phụ thuộc vào họ.
Sớm hôm sau, tướng Viên đến gặp Thiệu ở dinh tổng thống, báo cho Thiệu biết những tin cuối cùng về Huế. Sư đoàn 1 đã hoàn toàn tan rã, hàng nghìn binh lính vứt vũ khí đi để chạy thoát thân ra bờ biển cùng với gia đình. Một giờ sau. Trưởng công nhận sự thật ấy bằng radio. Ông nói thêm Huế không thể chống đỡ được quá một ngày. Để giảm bớt sự đổ máu, ông ta xin phép bỏ ngay thành phố.
Khi Thiệu nghe tin ấy, ông ta nổi giận lôi đình hơn bao giờ hết. Đi lại trong phòng làm việc, giữa các cố vấn, ông lên án tư lệnh Quân khu I là mang tư tưởng thất bại chủ nghĩa, phải chịu trách nhiệm về sự tan rã của sư đoàn 1, sẽ bị nghiêm phạt. Nhưng tất cả chuyện đó chỉ là đóng kịch. Thiệu biết rõ rằng, mặc dù ông ta hy vọng không xảy ra, phải bỏ Huế ngay tức khắc.
Sáng 24, pháo binh Bắc Việt Nam không ngừng tiến công vào ngoại ô Huế. Thoạt đầu, lữ đoàn lính thuỷ đánh bộ số 147 và những lính sống sót của sư đoàn 1 chạy ra bán đảo Vĩnh Lộc. Đi từ sớm nên họ tránh được hàng nghìn người tị nạn ở phía Đông Huế. Một số lính bỏ giầy, lội xuống nước, ven bờ biển như người đi tắm chiều thứ bảy. Nhưng gần một giờ sau, tin họ chạy trốn lan truyền khắp thành phố. Nhiều người dân đánh họ. Trong khi đó, lực lượng Bắc Việt nam kéo đến chặn đường. Khi quân thuỷ đánh bộ và một số binh lính sống sót của sư đoàn 1 tới cảng Tân An, gầm mỏm bán đảo thì pháo binh Bắc Việt Nam bắn trúng chiếc cầu đang làm dở. Cầu tan tành thành từng mảnh. Bị bao vây, tiến thoái lưỡng nan, quân của Trưởng trở thành mục tiêu của pháo binh Bắc Việt Nam.
Nhận được lời kêu cứu đầu tiên, tướng Tưởng vội lệnh cho các tàu còn rỗi chạy tới bãi biển đón binh lính thất trận. Trong khi những tàu nhỏ chở bọn này qua sông nước thì những người còn lại trên bãi, mặt cắt không còn giọt máu. Binh lính đánh lẫn nhau, binh lính vật lộn với dân thường để tranh xuống tàu trước. Mạnh ai nấy chạy.
Ở phía Nam, tình hình trên bãi biển Quảng Ngãi và Chu Lai cũng thế. Binh lính sư đoàn 2 vật lộn với dân thường để tranh một chỗ hiếm hoi trên một vài tàu đánh cá chưa ra khơi. Quá trưa, thị xã Quảng Ngãi và căn cứ không quân Chu Lai không còn gì để bảo vệ.
Tin thảm hoạ trên càng lan rộng ra Đà Nẵng thì lòng tự tin của Francis càng xẹp. Tinh thần dân chúng căn thẳng một cách đáng sợ. Phải làm gì đây để trấn an. Đừng để cho sự căng thẳng này lan sang đám binh lính của Trưởng. Giữa buổi sáng, Francis gửi một điện về Sài Gòn đề nghị mở một cầu hàng không có thể chuyên chở 40000 người tị nạn.
Gần một giờ sau, chuyến máy bay đầu tiên của hãng Hàng không thế giới hạ cánh xuống sân bay chính. Hơn một trăm người tị nạn được chất lên và chở đi Cam Ranh, nơi được chọn làm nơi tập kết của họ.
Cùng lúc ấy, ở Sài Gòn, tướng Smith và các sĩ quan của ông cho tập trung những tàu kéo, ca nô để chở quân lính Nam Việt Nam và thiết bị quân sự ở Quân khu I. Ở sứ quán và ở Hoa Thịnh Đốn lúc bấy giờ còn cãi nhau xem phái bộ quân sự có quyền hợp pháp tham gia việc cứu nguy cho quân đội Huế không. Sợ rằng hành động như thế sẽ vi phạm luật của quốc hội cấm quân đội Mỹ không được dính líu một lần nữa vào cuộc chiến tranh ở Đông Dương. Để tránh khó khăn, họ quyết định chỉ sử dụng tàu nhỏ và máy bay dân sự.
Người Bắc Việt Nam cùng thảo luận nhưng họ nhất trí nhanh và đi đúng hướng. Như tướng Dũng viết trong hồi ký:
Ngày 25 tháng 3, Bộ chính trị lại họp. Phiên họp lịch sử ấy khẳng định: “Cuộc tổng tiến công chiến lược của ta đã bắt đầu với chiến dịch Tây Nguyên. Thời cơ chiến lược mới đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng miền Nam, Bộ Chính trị chủ trương: tập trung nhanh nhất lực lượng, binh khí kỹ thuật và vật chất giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa. Nắm thời cơ địch đang rút lui chiến lược, tiêu diệt và làm tan rã quân đoàn 1 nguỵ và đại bộ phận quân đoàn 2, không cho chúng rút về cụm lại chung quanh Sài gòn”.
Nghị quyết tuyệt mật này đã được điện cho tướng Dũng, lúc bấy giờ sở chỉ huy vẫn còn ở gần Buôn Mê Thuột. Ban lãnh đạo Hà Nội vừa thông qua nghị quyết quan trọng nhất trong thời kỳ chiến tranh. Nghị quyết này - chiến thắng hoàn toàn ngay năm 1975 - chưa hề được thảo luận trong các buổi họp tháng 12 năm 1974 và tháng 1 năm 1975 của Bộ Chính trị, nay có một mục tiêu cụ thể.
Nghị quyết này cũng gây ra nhiều chuyện phức tạp và quan trọng. Phải tiêu diệt quân đoàn 1 ngụy, lại phải giải phóng ngay Đà Nẵng và Huế.
Ngày 24 tháng 3, khi Kissinger trở lại Hoa Thịnh Đốn, ông tỏ ra hết sức lạnh lùng. Chính sách của ông ở Trung Đông sa lầy, cuộc khủng hoảng ở Đông Dương ngày càng nghiêm trọng và Graham Martin, người được ông chọn để theo dõi sát tình hình, lại không có ở nơi cần có mặt, mà lại đang ở Mỹ để chữa răng! Nguy hơn nữa là Martin có vẻ không hiểu rõ những vấn đề xảy ra ở Việt Nam trong lúc ông vắng mặt. Ông chỉ đồng ý rời nhà ở Carolina Bắc, đến Hoa Thịnh Đốn sớm trước mấy ngày, mà ông đến đây chỉ là để bác bỏ những tin tức bi đát ở mặt trận. Ông tỏ vẻ không còn tin tưởng gì Francis, người con đỡ đầu nữa.
Sau khi đọc một bức điện đặc biệt buồn thảm từ Đà Nẵng gửi về, Martin nói không thương tiếc: “Bệnh của Francis lại tái phát và gây cho nó nhiều mắc mớ đấy!”
Lòng tin của Martin đối với sự nghiệp của Mỹ ở Việt Nam chỉ do sự không hiểu của ông về những sự kiện đang xảy ra. Như ông vẫn nhắc lại với những người bi quan ở Hoa Thịnh Đốn, việc mất phần phía Bắc của Nam Việt Nam là một ơn của các đáng thiên thần. Về mặt kinh tế, phần đất ấy chưa bao giờ phát triển, trái lại đã giấu bao nhiêu của cải của chính phủ. Phần đất còn lại giàu có hơn rất nhiều, về mặt chính trị sống động hơn và cũng vững chắc hơn. Bảo vệ phần đất này sẽ dễ dàng hơn. Một số người thấy luận điểm của Martin rất chướng tai nhưng ông này cũng có nhiều đồng minh. Những người nhận định tình hình của CIA và Lầu Năm Góc vừa hoàn thành một bản báo cáo về tình hình Việt Nam mà ông có thể trở thành tác giả. Tuy chấp nhận việc mất vĩnh viễn những vùng quan trọng ở Quân khu I và Quân khu II, nhưng họ lại viết rằng: quân đội chính phủ ở những vùng khác của nước này đủ mạnh để lập một phòng tuyến bảo vệ phía Bắc Sài Gòn cho đến tháng 5, bắt đầu mùa mưa, một việc mà bộ tổng tư lệnh Nam Việt Nam đã tính đến. Cuộc tiến công của quân Bắc Việt Nam chắc sẽ bị ngừng lại vì thời tiết xấu và lúc bấy giờ chính phủ có thể có đủ thời gian để trang bị lại, tập trung quân đội, thậm chí nối lại cuộc đàm phán với tương quan lực lượng ngang nhau.
Trong số những người nhận định trẻ của CIA, có nhiều người muốn nhấn mạnh phía bi quan của bản báo cáo nhưng Polgar bác bỏ, gạch đít bằng bút chì, những đoạn cuối.
Về phần bộ trưởng quốc phòng Schlesinger, ông đi đến kết luận rằng: một sự lạc quan như thế, dù có chừng mực đến mấy, cũng là một sự lố bịch. Đó là điều ông nói không úp mở với các đồng nghiệp. Việc ông muốn làm là chuẩn bị ngay để cho tản cư tập thể người Mỹ ở Việt Nam cũng như đang làm ở Campuchia. Nhưng trước đây, vì ông thường phản đối Kissinger nên nay ít có hy vọng gây ảnh hưởng với Nhà Trắng để có quyết định trên.
Trong giới quân sự, một số người tỏ ra ít bi quan hơn. Phần đông quan chức cao cấp cơ quan tình báo quân đội đồng ý với Martin về sự sống động của phần Việt Nam còn lại. Trong khi đó, bên kia bờ sông Potomac, tệ quan liêu bàn giấy của bộ ngoại giao đã chơi cho Martin một vố. Vì không có ai được phép hành động thay Kissinger trong thời gian ông đi Trung Đông, nên những cơ quan phụ trách vấn đề Việt Nam đều không làm gì được.
Từ Phnôm Pênh, đại sứ Dean tiếp tục gửi về Hoa Thịnh Đốn cơ man nào tin tức khủng khiếp, so với những tin này thì những bản báo cáo về Việt Nam quá tẻ nhạt. Trên chương trình nói chuyện hàng ngày của bộ phận Viễn Đông, tin tức của Sài Gòn thường xếp ở hàng thứ hai hoặc thứ ba. Có một số chuyên gia ở bộ ngoại giao cho là người ta đã cố thu nhỏ vấn đề Việt Nam lại một cách nguy hiểm, nhưng họ chỉ là cán bộ cấp thấp trong bậc thang hành chính nên không ai nghe họ. Hoặc là họ giải thích, trình bày chưa rõ ràng nên chưa thuyết phục được người nghe thấy nguy cơ đến nơi.
Một nhiệm vụ nặng nề chờ Kissinger ở Hoa Thịnh Đốn. Mấy giờ sau khi ông về, ông tỏ rõ ngay thế lực của mình. Lầu Năm Góc báo tin, một tàu bay nữa sẽ đi theo chiếc Okinawa đang ở ngoài khơi biển Đông để tản cư người Mỹ đang làm việc ở những vùng cơ chiến sự.
Sáng ngày 25, chính phủ Nam Việt Nam báo tin Huế thất thủ. Quân cộng sản kéo cờ Chính phủ Cách mạng lâm thời lên đỉnh Ngọ Môn hoàng thành cũ.
Mấy giờ trước khi thành phố thuộc về quân Bắc Việt Nam, hàng nghìn người dân chạy ra bờ biển cách đó 16 kilômét. Một số đông bơi ra biển định lên tàu đang đón người tị nạn. Nhiều người bị sóng đánh chìm hoặc sóng ngầm cuối đi. Sư đoàn 1 không còn nữa.
Dưới phía Nam, Chu Lai và Quảng Ngãi cũng thất thủ ngay buổi sáng. Sáu nghìn lính sư đoàn 2 đào ngũ. Không còn kỷ luật, tinh thần gì nữa. Sư đoàn không còn có thể coi là một đơn vị chiến đấu.
Khi tướng Dũng được tin ấy, ông không nén được xúc động, ông viết trong hồi ký: “Tôi châm lửa vào điếu thuốc. Tôi đã “cai” thuốc từ lâu, nhưng mỗi lần giải quyết được một vấn đề gì gai góc, giành được một thắng lợi gì lớn, được tin một chiến thắng xuất sắc thì hút một điếu cho vui”.
Sự vui mừng của ông không ngăn cản ông chuẩn bị cho cuộc tiến công mới: trận đánh Đà Nẵng. Ông ở quá xa mặt trận Quân khu I để có thể trực tiếp chỉ huy, nhưng ông có những ý kiến rõ ràng về cách điều khiển chiến dịch. Ông thiết tha đề nghị với Hà Nội để tướng Lê Trọng Tấn, tổng tham mưu phó quân đội Bắc Việt Nam làm tư lệnh mặt trận Đà Nẵng. Bộ Chính trị chấp nhận và trong vài ngày đã thành lập xong một bộ chỉ huy mới cho Quân khu I. Tướng Tấn rời Hà Nội bằng máy bay lên thẳng, đặt sở chỉ huy ở phía Tây Đà Nẵng.
Quân bảo vệ của chính phủ Thiệu tiếp tục tan rã. Chỉ mấy giờ sau khi Huế thất thủ, bạn tôi Joe Kingsley thảo một bức điện nói về việc tiến quân của lực lượng Bắc Việt Nam ở phía Tây Nha Trang, trong Quân khu II. Anh khẳng định rằng nơi đây đã bị uy hiếp nặng. Cách Sài Gòn 56 kilômét về phía Tây Bắc, quân Nam Việt Nam đã bỏ một huyện trong khi đó thì ở tỉnh Bình Long, xe tăng Bắc Việt Nam đã tiến đến Chơn Thành, vị trí của chính phủ ở phía Bắc Quân khu III.
Mấy giờ sau, Thiệu báo tin thay đổi nội các để - như ông ta nói - có thể nắm toàn quyền cai trị. Thực ra, không có gì thay đổi. Phần lớn những cánh hẩu của Thiệu, kể cả thủ tướng Khiêm, tướng Viên đều giữ chức vụ cũ, giữ nguyên quyền hạn.
Trong lúc đó, ở sân bay Tân Sơn Nhất, người Bắc Việt Nam, đại diện Chính phủ Cách mạng lâm thời trong Uỷ ban hỗn hợp quân sự phải trả giá đắt về chiến thắng của họ: Buổi tối, đi tắm không có nước chảy. Thiệu đã ra lệnh cắt nước của họ để báo thù!
CHỈ NHỮNG NGƯỜI MỸ THÔI
Đà Nẵng, thành phố thứ hai của Nam Việt Nam, cách Sài gòn sáu trăm kilômét về phía Đông Bắc, đang bị bao vây và bị bắn phá. Cuộc pháo kích bắt đầu sáng ngày 25 tháng 3. Mười bốn quả đạn rốc két 122 milimét, rơi đúng trung tâm thành phố. Dòng người tị nạn dài từ Huế, Quảng Ngãi kéo đến càng thêm hoảng sợ.
Sư đoàn 1 bị tiêu diệt, Trưởng không còn quân dự bị, chỉ còn 25000 binh lính để bảo vệ Đà Nẵng. Làm sao mà ông ta có thể chống cự lại được quân Bắc Việt Nam gồm hai sư đoàn, nhiều trung đoàn độc lập sẵn sàng tiến công. Lại còn hai sư đoàn nữa sắp rời Huế tiến vào trận đánh.
Ở phía Nam Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Chu Lai thất thủ làm cho nhiều đơn vị Bắc Việt Nam rảnh tay, Trưởng chỉ còn một sư đoàn tồi nhất là sư đoàn thứ ba để ngăn chặn họ.
Trong 12 ngày qua, hơn 500.000 lính đào ngũ và người chạy trốn theo mọi con đường, tràn vào Đà Nẵng. Thành phố hiện có tới hai triệu dân. Lúc nào kỷ luật bị phá vỡ? Gánh nặng gia đình đối với sĩ quan và binh lính ra sao? Trưởng không có cách gì biết được. Nhưng lần này, hắn hy vọng có thể tránh được thảm hoạ. Dù sao, Đà Nẵng không phải là Huế: Bến Cảng rất gần, hải quân có thể tản cư một phần nhân dân trước khi cuộc tiến công bắt đầu. Đó chỉ còn là vấn đề thời gian. Quân Bắc Việt Nam chắc không để cho Trưởng có thì giờ. Lúc này, thuyền tàu trên sông Hàn đầy người qua sông. Nhiều người phải trả một số tiền bằng 1.200 đôla cho những kẻ đục nước béo cò để được đi về phía Nam. Nếu quân Bắc Việt Nam bắt đầu tiến công từ ngoài biển vào thì lối ra sẽ bị chặn và thành phố chắc chắn hoàn toàn bị bao vậy.
Thời gian là yếu tố quan trọng nhất. Ở Sài Gòn, một số người trong chúng tôi thấy rõ điều đó. Sáng 25, tướng Smith cho 5 tàu kéo rơ-moóc, sáu tàu chở khách và ba tàu chở hàng ra Đà Nẵng để giúp vào việc tản cư người tị nạn và vận chuyển thiết bị.
Trong cuộc họp buổi sáng, Al Francis ra lệnh cho mọi người chờ đợi: gia đình các nhân viên lãnh sự quán được tản cư ngay về Sài Gòn bằng máy bay, tiếp theo là người Mỹ làm theo hợp đồng. Còn những người Mỹ ở rải rác trong thành phố, phải khuyên họ đi ngay lập tức.
Ai hỏi về kế hoạch tản cư, Francis đều trả lời bằng một từ: xong kế hoạch do nhân viên CIA thảo ra không thể thực hiện được, vì thiếu máy bay. Chỉ trông chờ được vào hãng Hàng không Mỹ, hãng Hàng không thế giới và một phần vào hãng Hàng không Việt Nam và không quân Việt Nam có thể có.
Sau này, Francis thổ lộ: Tôi dùng hết cách để cho tản cư bằng máy bay càng được nhiều người càng tốt. Nếu có thể, tôi cho tản cư cả thành phố, nhưng việc đó không thể thực hiện được. Tôi quyết định khi thấy hàng nghìn người tị nạn kéo tới làm mất tinh thần quân đội.
Francis nói: tôi biết từ ngày 25 rằng: sắp hết rồi: Thấy sự lộn xộn trong thành phố, tôi hiểu là nguy cơ xấu đây - và đó là ngày 29 tháng 3.
Các đồng nghiệp của ông không tán thành ý kiến của ông. Đại diện lâm thời Lehmann từ Sài Gòn, gọi ra trách ông đã gieo rắc hoang mang trong những bức điện radiô gửi cho tàu sân bay Okinawa và những căn cứ quân sự Mỹ khác. Nhưng Francis tiếp tục giữ sự bi quan của mình và trả lời: tôi ở tại chỗ, tôi biết không còn thời gian nữa. Ông lấy tin ở đâu? Lần đầu tiên Lehmann không đáp lại.
Sau buổi họp. Custer gọi chi nhánh CIA ở Sài Gòn xin thêm máy bay của hãng Hàng không Mỹ để chở người Mỹ và gia đình họ. Nhiều viên chức CIA khác, ngay buổi chiều, đã chuẩn bị vé máy bay thường lệ của hãng Hàng không Mỹ cho bạn bè người Việt Nam và những người giúp việc. Họ gọi chuyến bay ấy là chuyến tàu tự do.
Phần lớn những người Việt Nam chờ ở sân bay chính Đà Nẵng đều kiên trì giữ kỷ luật, họ hiểu rằng đời họ phụ thuộc vào những đức tính này. Nhưng cảnh đó làm thất vọng một số nhà báo nước ngoài đến Đà Nẵng với mục đích tìm những cảnh thương tâm hoặc những trận đánh đẫm máu. Một nhóm phóng viên vô tuyến truyền hình Anh cố ý gây ra những cảnh mà thời sự không có. Trước hàng rào sân bay, một nhân viên CIA đầm đìa mồ hôi, cố ngăn cản mươi, mười hai người Việt Nam. Những nhà báo nói trên liền đẩy họ, chen lấn họ để họ tức giận, xô tới người Mỹ. Thật là những cảnh đẹp của vô tuyến truyền hình Anh quốc: Người xem sẽ thấy người Mỹ đang đánh những người Việt Nam khốn khổ muốn lên máy bay tản cư.
Xế chiều, gia đình trưởng ban tác chiến của tướng Trưởng được tản cư bằng máy bay đặc biệt của phái bộ quân sự cùng với vợ Custer và bà Terry Tull, phó lãnh sự mà mới hôm qua đây còn bị coi là người quá bi quan. Brinson Mc Kinley, nhân viên mới đến của lãnh sự quán, ở lại làm phó Francis. Tối hôm đó, bà Custer, nóng giận và bơ phờ, đến sứ quán gặp Polgar. Bà bảo Polgar: “Để đồ đạc lại, chở người từ Đà Nẵng về ngay”.
Polgar gật đầu và hứa sẽ làm. Nhưng thực tế, ông không có ý định gì cả. Sau này ông giải thích: “Tôi không muốn thay những người có trách nhiệm tại chỗ. Những viên chức ở Đà Nẵng có quyền quyết định những việc cần làm vì họ là những người duy nhất đứng trước tình hình đang diễn biến”.
Ngày 25 tháng 3 tôi làm cho Polgar một bản báo cáo, trong đó tôi gắng tả cuộc rút lui chiến lược hỗn loạn bằng những từ dễ hiểu. Tôi viết: Tám tỉnh đã mất trong ba tuần qua bốn tỉnh khác đang bị uy hiếp. Hơn một triệu người không có nhà ở. Họ trở thành một gánh nặng không tính nổi cho nền kinh tế.
Những cuộc rút chạy chiến lược ở phía Tây Nguyên và phía Bắc Quân khu I quá hấp tấp và lộn xộn không hy vọng còn lại gì. Bỏ lại cơ man nào kho vũ khí, đạn dược nặng. Những người ở Kontum và Pleiku sống sót còn lại bị mắc nghẽn bên bờ một con sông cách bờ biển 32 kilômét. Họ ít hy vọng tới được đây. Sư đoàn dù được đưa từ Quân khu I về để bảo vệ Sài Gòn, bị xé lẻ giữa Quân khu II và Quân khu III, một lữ đoàn phải đi phòng thủ Nha Trang.
Ở phía Bắc, lõm cuối cùng của chính phủ là Đà Nẵng. Ở Quân khu II, bốn hay năm sư đoàn quân Bắc Việt Nam hành quân cấp tốc ra bờ biển chiếm vị trí then chốt ở Qui Nhơn. Tuy Hoà và Nha Trang. Chỉ có một lữ đoàn dù và hai trung đoàn thuộc sư đoàn số 22 Nam Việt Nam trên đường họ hành quân.
Ở Quân khu III, ba hay bốn sư đoàn Bắc Việt Nam nhanh chóng bao vây Tây Ninh và vùng phụ cận. Hai sư đoàn khác định kéo xuống khu tam giáp sắt ở phía Bắc và phía Đông Sài Gòn. Hai sư đoàn khác, sau khi tiêu diệt tất cả các vị trí của quân chính phủ - trừ Xuân Lộc - hành quân qua tỉnh Long Khánh. Từ nay, Xuân Lộc là nơi trở ngại duy nhất đối với cộng sản trên con đường quen thuộc họ tiến về Biên Hoà, trung tâm quân sự của Sài Gòn. Ở vùng đồng bằng, quân cộng sản buộc ba sư đoàn quân chính phủ ở vào thế phòng thủ và họ uy hiếp nặng Cần Thơ và Mỹ Tho.
Vì quân chính phủ gần như bị dụp đổ hoàn toàn ở nửa phía Bắc nước này nên quân Bắc Việt Nam mạnh hơn bao giờ hết. Họ kiểm soát hầu hết những con đường chính ở Quân khu I và Quân khu II, nay có thể gửi thêm quân tiếp viện cho vùng Sài Gòn và vùng đồng bằng rất nhanh chóng và có hiệu lực chưa lúc nào bằng.
“Căn cứ vào sự thiệt hại mới đây về thiết bị và sự uy hiếp thường xuyên của quân Bắc Việt Nam trên khắp các mặt trận thì quân chính phủ trong thời gian trước mắt, không thể nào phục hồi lại được. Thật vậy, những gì gây ra cuộc khủng hoảng này không hề thay đổi dù ở Sài Gòn, Hà Nội hay Hoa Thịnh Đốn. Chiến tranh Việt Nam đã hoàn toàn đảo ngược trong mấy tuần lễ. Một thảm hại quân sự là chắc chắn”. Đó là những nhận định của chi nhánh CIA ở Sài Gòn gửi về cho Hoa Thịnh Đốn cuối tháng 3.
Ở Hoa Thịnh Đốn người ta đau lòng chấp nhận sự nghiêm trọng của tình hình. Nhưng làm gì đây? Các giới chính trị tự do, mỗi giới thận trọng đưa ra một giải pháp. Trong một cuộc họp báo, Kissinger nói những lời hoa mỹ: “Hoà bình không thể chia cắt. Hoa kỳ không thể có một chính sách không nhất quán. Chúng ta không thể bỏ những người bạn của chúng ta ở vùng này của thế giới mà không làm cho nền an ninh của những người bạn ở vùng khác bị uy hiếp”. Có nghĩa là không có vấn đề bỏ rơi Sài Gòn nếu chúng ta muốn tiếp tục chơi trò cân bằng giữa Ixraen và các nước A rập. Kissinger ra sức đòi không được giảm viện trợ tài chính cho Nam Việt Nam. Trái lại phải chi thêm ba trăm triệu đôla nữa. Nhưng người đối thủ cứng đầu của ông trong chính phủ là bộ trưởng quốc phòng Schlesinger, đã bí mật cho giới báo chí biết số tiền Mỹ mới cấp cho Sài Gòn - bảy trăm triệu đôla - hoặc chưa dùng đến hoặc đã tiêu phí hết rồi. Trong khi đó, ở Đà Nẵng, trên bờ biển phía Đông Việt Nam, quân đội Nam Việt Nam đi chân đất, không vũ khí, gào khóc hò hét giữa phố, bất chấp người đi lại. Chúng tập họp thành từng nhóm trên vỉa hè, cầm tay nhau. Nhân dân Đà Nẵng rất lo sợ nhìn những kẻ thất trận mất tinh thần ấy. Chúng sẽ làm gì đây? Hãm hiếp, đốt, cướp, phá phách!
Ngày 26, hàng trăm sĩ quan Việt Nam xông vào những sứ quán, đòi giúp đỡ gia đình họ tản cư. Nhiều người Mỹ buộc phải đẩy vợ con họ trà trộn với những người giúp việc sắp đi Cam Ranh hay Sài Gòn. Francis cũng phải nhận cho tản cư gia đình nhiều sĩ quan cao cấp của không quân với điều kiện những sĩ quan này bảo đảm sự an toàn của hai sân bay ở Đà Nẵng.
Thoạt đầu, cầu hàng không hoạt động bình thường. Máy bay 727 của hãng Hàng không thế giới, máy bay lên thẳng và máy bay vận tải C-47 của hãng Hàng không Mỹ bay đi, bay về cả ngày. Mỗi lần cầu thang hạ xuống, hàng trăm người Việt Nam xô tới, một tay cầm tấm vé quí giá, tay kia dắt con, bế lợn, ôm gà.
Giữa trưa, đại tá Garwin Mc Curdy từ Sài Gòn đáp máy bay tới giúp Francis tổ chức cầu hàng không. Vừa bước xuống đất, theo yêu cầu của Francis, ông phải trở lại Sài Gòn để xin thêm máy bay lên thẳng của không quân Mỹ.
Xế chiều, Mc Curdy về tới sứ quán. Khi ông gọi tới bộ tổng tư lệnh nhóm cố vấn Mỹ đặc biệt ở phía Bắc Thái Lan, hỏi xin hai máy bay lên thẳng để tản cư những người ở Đà Nẵng thì được người chỉ huy trả lời là không thể được. Toàn bộ máy bay lên thẳng ở đây đang chờ bay đi Phnôm Pênh để tản cư những người Mỹ ở đấy. Không có Hoa Thịnh Đốn duyệt thì không thể cho máy bay đi đâu cả. Xin duyệt lại mất rất nhiều thì giờ.
Trong lúc cuộc tản cư ở Đà Nẵng tiếp diễn thì các vị trí của quân chính phủ ở Quân khi II bị tiêu diệt trong chớp mắt. Sáng 26, một thị trấn nhỏ ở tỉnh Bình Định, bên bờ biển, rơi vào tay địch. Sư đoàn 3 quân Bắc Việt Nam tiến thẳng về Qui Nhơn, thành phố quan trọng thứ ba của Nam Việt Nam. Nhiều đơn vị quân đội cộng sản khác chặn đánh tàu chở quân của sư đoàn 22 quân Nam Việt Nam chạy tan tác ở phía Tây thành phố. Cùng lúc đó, hàng nghìn người dân ở Qui Nhơn và Tuy Hoà bỏ nhà cửa chạy trốn dọc bờ biển về Nha Trang. Nhiều người đi chân đất theo đường số 1, nhiều người đi bằng thuyền đánh cá, chạy qua nhiều vùng nguy hiểm.
Khoảng 12 viên chức bộ ngoại giao, cơ quan thông tin và Chi nhánh CIA làm việc trong lãnh sự quán Mỹ ở Tuy Hoà cũng đi ngay.
Sáng 26, họ được CIA báo cho biết quân đặc công cộng sản chuẩn bị đánh phá trụ sở của họ. Họ thu xếp hành lý trong vài giờ và bay đi Nha Trang. Trong Quân khu II, người Mỹ chỉ còn có tổng lãnh sự và mấy lãnh sự quán nhỏ ở Phan Thiết và Đà Lạt.
Tất cả phần phía Bắc nước này nhanh chóng rơi vào tay kẻ địch. Nhưng tai hoạ của Thiệu không dừng ở đấy. Ngày 26, đối thủ lớn của Thiệu, cựu phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ mời nhiều bạn thân cũ có cảm tình đến ăn cơm ở Tân Sơn Nhất.
Sau một bài nói chuyện dài và uống cạn nhiều chai sâm banh. Kỳ thuyết phục bạn bè cùng ông ta đòi lập một chế độ giao thời có thể tập hợp được quân đội và đàm phán trên thế mạnh.
Đúng lúc ấy, làn sóng nhân viên lãnh sự quán Mỹ ở Quân khu I về tới Sài Gòn, làm tăng thêm số dân Mỹ và sự lo sợ của họ. Đáng lẽ nghỉ ngơi thì họ lại tới các ba, các tiệm ăn ưa thích, hết đêm này sang đêm khác, kể những chuyện kinh khủng ngoài chiến trường và đoán chắc rằng thảm hoạ đến nơi rồi.
Lo rằng sự hoang mang lây sang người khác, các quan chức cao cấp sứ quán nhanh chóng đề ra biện pháp đối phó. Họ buộc thủ trưởng và phó thủ trưởng các cơ quan phải giữ bí mật, không nói rõ sự thật cho giới thân cận, vợ con, thư ký hay cộng tác viên. Ngoài ra, Lehmann vẫn đứng đầu sư quán vì Martin còn vắng mặt, chặn tất cả những nguồn “tin xấu”, nhất là của đài tiếng nói Hoa Kỳ, đài phát thanh nói tiếng Anh do phái bộ quân sự đài thọ. Một cộng tác viên của ông, hàng giờ, kiểm duyệt những điện từ Mỹ đánh sang và xoá bỏ tất cả những gì có thể làm rối ruột các vị “phu nhân” nằm dài bên bờ bể tắm, nghe đài bán dẫn. Báo Bưu điện Sài Gòn, tờ báo hàng ngày duy nhất của thủ đô, bằng tiếng Anh, do CIA kiểm soát, cũng bắt đầu thu nhỏ những thất bại gần đây của chính phủ.
Ở Đà Nẵng, sự mất ổn định và căng thẳng này diễn ra suốt ngày nên một phần nhân dân quên đi, đâm ra coi thường. Trưa 27, nhiều chợ và cửa hàng thực phẩm lại mở, giá cả không thay đổi.
Trong các phòng làm việc của CIA, gần lãnh sự quán, dòng người Việt Nam chờ tản cư tăng lên hoặc giảm đi theo từng giờ, giống như một máy tăng điện tự động. Mỗi máy bay có thể chở ba trăm người nhưng cùng lúc ấy thì ba trăm người khác đã vượt rào vào, chờ đến lượt mình. Họ cố đem theo số của cải ít ỏi, mong mỏi kỳ tài của người Mỹ cứu họ. Ron Howard, phụ trách hậu cần của CIA, từ cửa sổ phòng làm việc, nhìn xuống triều người dâng lên, rút đi rồi lại dâng lên: Có đến ba nghìn người Việt Nam giúp việc cho lãnh sứ quán và người Mỹ, lại còn những người quen của họ. Họ đến ngày càng đông, giận dữ như anh.
Khi thấy một đoàn xe gíp và xe tải chạy vào cửa chính, Howard len lỏi ra sân, xem xem có thể giúp một tay vào việc bốc hàng lên không. Anh không bằng lòng về cách chọn lựa người đi đang được thực hiện. Nhân viên CIA phụ trách việc này cũng là một người tị nạn. Ông ta có xu hướng dành ưu tiên cho những người bạn Việt Nam và đồng nghiệp cùng ông ta vừa chạy tới Đà Nẵng. Ông ta bỏ rơi những nhân viên của Howard. Trong buổi sáng, hai lần, Howard phải gọi radiô cho nhân viên thường trực của CIA ở lãnh sự quán, đề nghị lựa chọn người tản cư một cách công bằng, nhưng viên chức này chỉ trả lời rất đơn giản: “Chúng tôi cố gắng làm hết sức mình”.
Đoàn xe đi. Howard ngồi một mình trong phòng. Không xa lắm, dưới mắt anh, người Việt Nam phá cửa một nhà kho, đạp nát hàng hoá, đồ đạc trong đó. Họ uất ức quá như anh!
Quá trưa, nhiều tin mới loan truyền trong thành phố: quân Bắc Việt Nam tiến công đến nơi rồi. Nhân dân lại hoảng sợ. Hàng trăm người mặt tái mét, vội vàng chạy vào sân bay. Họ chen chúc, xô đẩy nhau mỗi khi có một máy bay tới.
Khoảng hơn 2 giờ chiều, Francis đi xe gíp tới sân bay. Ông vừa mệt, vừa nhức đầu vì thiếu ngủ trong những đêm vừa qua ông không thể chịu nổi cái cảnh hai nhân viên CIA điều khiển người Việt Nam tản cư. Ông vội vàng đảm nhiệm việc ấy. Nhưng mấy phút sau, một máy bay hạ cánh, dòng người xô ra đường băng, đẩy ngã Francis, dẫm cả lên người ông. Ông vội đứng dậy, lấy dùi cui đánh người Việt Nam và kêu lên. “Gọi thị trưởng cho tôi! Gọi thị trưởng cho tôi!”.
Thị trưởng Đà Nẵng ở cuối dòng người. Ông ta có vẻ không muốn ra mặt. Một nhân viên CIA nắm lấy ông ta, kéo đến chỗ Francis, Francis cố gắng mang hết sức lực yếu ớt còn lại thét lên: “Trời ơi, giúp chúng tôi một tay chứ. Những người này là những người của các ông!”. Vừa thét xong, tổng lãnh sự Hoa Kỳ ngã vật xuống đất, không còn biết gì nữa.
Mỗi giờ qua đi thì sự hoảng loạn càng tăng, tăng nhanh hơn là dự kiến. Trong khi những tị nạn chạy đi, chạy lại trên sân bay thì những máy bay lên thẳng của hãng Hàng không Mỹ bắt đầu đỗ xuống một bãi nhỏ hơn, gần núi Ngũ Hành ở phía Đông thành phố, để đón những người chạy trốn khác. Những máy bay tham gia cầu hàng không cũng đỗ xuống sân này. Tám giờ tối, Francis đã tỉnh, ra lệnh tạm thời ngừng những chuyến bay của hãng Hàng không Mỹ ở sân bay chính vì quá lộn xộn và ồn ào. Trong số người Mỹ còn lại, mấy người được chở bằng máy bay lên thẳng đến sân bay ở gần núi Ngũ Hành, còn số đông trở lại thành phố, tạm trú rất kịp thời ở một ngôi nhà gọi là “Alamô”.
Đêm xuống. Hơn ba mươi viên chức lãnh sự quán còn kẹt lại trong thành phố, cũng như mấy nghìn người Việt Nam giúp việc. Nhiều người tụ tập chung quanh trụ sở của CIA.
Tin tức radiô từ Sài Gòn đánh ra, được nhận ở phòng radiô cấp cứu đặt ngoài hành lang, gần phòng làm việc của Custer, John Pittman, phó của Polgar, luôn luôn đòi hỏi Custer và nhân viên của anh rời Đà Nẵng ngay. Polgar không muốn một ai hy sinh vô ích tính mạng mình.
Custer cố làm ông yên lòng, nói rằng anh cũng thấy rõ sự nguy hiểm và đã có đủ sự đề phòng cần thiết. Khi bức điện được đánh đi, anh yên trí Pittman và Sài Gòn sẽ để anh yên.
Khoảng 10 giờ đêm, một phó của Francis đến gặp những người Mỹ tạm trú ở Alamo. Anh bình tĩnh bảo họ thu xếp hành lý đi ngay đến nhà Francis ở gần đấy. Anh nhấn mạnh: “Chỉ những người Mỹ thôi! Không nói gì với nhân viên người Việt Nam”.
Ron Howard lại cầu cứu Custer bằng radiô: Người Việt Nam tụ tập ở ngoài sân bắt đầu chửi anh kết tội người Mỹ đã phản bội họ. “Phải giúp ngay tôi, giúp ngay, giúp nhiều nếu không họ sẽ đánh tôi và đập phá hết” điều mà suốt ngày đó, anh từng lo sợ. Nhưng, radio câm như hến. Cũng buổi tối hôm đó, tổng thống Thiệu xuất hiện trên máy vô tuyến truyền hình. Ông đọc một bài diễn văn trong năm phút. Ông hô hào “đồng bào chặn đứng cuộc tiến công của quân thù”. Việc Thiệu lại ra mắt trước công chúng có ý nghĩa như lời kêu gọi của ông, vì hai tuần này, ông biệt tăm. Sau bài nói chuyện một lúc, Thiệu rời dinh độc lập, đi xe hòm bọc thép đến một nơi ở bí mật, gần khách sạn Majestic, trông ra bờ sông. Thiệu hội đàm tới khuya với “cận thần”. Thiệu ít lo ngại về những tin xấu từ mặt trận gửi về mà sợ những tin đồn loan truyền rằng cuộc đảo chính của Kỳ sắp sửa nổ ra. Buổi sáng hôm ấy, Kỳ lại ra một lời kêu gọi nữa, đòi Thiệu phải từ chức. Nhưng Thiệu đã chuẩn bị đối phó. Ngay giờ sau, cảnh sát an ninh quốc gia, vũ trang đầy đủ đến bắt nhiều người đáng nghi, ba nhà báo và bốn “chính trị gia” hạng nhì, vì tội định làm đảo chính lật đổ chính phủ. Không có một nhân vật tai to mặt lớn nào trong giới thân cận Kỳ bị động đến. Ít nhất, lúc này.
Gần nửa đêm, George Jacobson, cố vấn đặc biệt của đại sứ, gọi đại tá Mc Curdy ở tổng hành dinh yêu cầu xin ngay một số máy bay lên thẳng của lực lượng đặc biệt đóng ở Thái Lan. Khi đại tá nói chuyện được với tư lệnh không quân thứ bảy, bằng dây nói an ninh thì cũng được trả lời như lần trước: “Không còn máy bay rồi, cần cấp trên chuẩn y, tất cả dành cho chiến dịch “Phượng hoàng ra đi” ở Campuchia”.
Màn đêm trùm lên Đà Nẵng, tiếng vang của trận đánh bất ngờ im ắng. Chỉ còn lời nhắc nhở khó nghe, qua loa phóng thanh của chính quyền: chiến tranh đang tiếp diễn ngoài kia trong bóng tối đêm cuối cùng này! Nhưng sự yên tĩnh chỉ là ảo tưởng. Ba mươi lăm nghìn binh lính Bắc Việt Nam đã ở ngoại ô Đà Nẵng, vừa quyết định tạm dừng lại, để gây hoang mang. Sau này, chung quanh Sài Gòn, họ cũng dùng chiến thuật ấy, để tiến đánh trận cuối cùng.
Khoảng một giờ rưỡi sáng ngày 28 tháng 3, Ron Howard cuối cùng đã nói chuyện được bằng radiô với Custer. Howard cố giữ bình tĩnh để trình bày rõ tình hình: Người Việt Nam phá xe, cướp của cải, đốt kho v.v...Anh nghe thấy tiếng nói của Custer giật giọng như tiếng gươm: “Nên bình tĩnh. Rời trụ sở, ra bờ biển, cho canô xuống nước. Chúng ta đi tất cả”. Howard vừa khóc vừa cố làm cho Custer hiểu: anh không ra được, đang bị bao vây. Custer nhắc lại lệnh và cắt đứt cuộc nói chuyện.
Howard ngồi trong phòng làm việc, đầu rối tinh. Lãnh sự quán có năm chiếc xuồng máy. Đó là những phương tiện duy nhất có thể cứu anh. Nhưng giữa lúc xuồng máy và anh, còn có ba nghìn nhân viên người Việt Nam và cơ man nào nhân dân thành phố đang coi anh như một “con tin” để được tản cư theo. Họ không để cho anh ra, nếu anh không thu xếp hoặc không giả vờ thu xếp một cái gì đó cho họ đi. Anh phải nghĩ một mẹo mới được. Ở sở chỉ huy, trên đường ra biển, tướng Trưởng lần cuối cùng, tập họp được bộ tham mưu. Với giọng buồn thiu, ông ta giải thích: ít nhất phải mất 45 ngày mới thu thập được binh lính, ổn định tình hình nhân dân và đưa họ đi tản cư. Nhưng, ông ta kết luận, may ra, chúng ta chỉ còn một hay hai ngày thôi!”
THOÁT KHỎI ĐỊA NGỤC
Ngày 28 tháng 3, mới trước bình minh nhưng ở Đà Nẵng, ngoài bến tàu, dòng người sợ hãi đã đông nghịt. Nhưng tấm gỗ xám, lâu đời kêu răng rắc dưới sức nặng của hàng nghìn người Việt Nam. Họ chen lấn, xô đẩy nhau. Đây là chuyến đi cuối cùng. Chung quanh mỗi cột cầu tàu, thuyền và tàu kéo đậu thành ba hàng, chở người tị nạn đứng ngồi như nhét khoai tây.
Trong lúc đó, ở phía Tây thành phố, dưới tầm súng của lính bắn tỉa Bắc Việt Nam, nhiều người tị nạn thất vọng, chiếm vọng kiểm soát của sân bay chính, ngăn cản mọi chuyến bay. Một lúc sau, khoảng 4 giờ sáng, Francis, sau khi đi thăm thành phố trở về nhà, người mệt lử. Ông báo cho nhóm 30 người Mỹ, những người Việt Nam và người nước ngoài khác đang chờ ông biết rằng tình hình rất xấu, buộc ông phải ra lệnh cho tản cư ngay lập tức toàn bộ những người ông chịu trách nhiệm.
Một số người trong nhóm đi lẫn lộn vào đám đông, tới sân bay nhỏ ở bên kia đường dành cho máy bay lên thẳng của Ủy ban quốc tế kiểm soát. Lúc đó những máy bay đầu tiên của hãng Hàng không Mỹ bay tới. Những người còn lại của nhóm tiến ra bến ở bên kia lãnh sự quán, ở đấy có một xuồng máy vừa từ cảng chạy tới. Họ vừa mới xuống xuồng thì hàng trăm người Việt Nam đã xô ra cầu tàu. Trong không đầy 20 phút, hơn bốn nghìn người đứng trên đó, nặng gấp hai lần sức chở bình thường. Custer, từ kho nhìn ra, thấy mình bất lực, không thể nào cho tản cư được nhân viên của anh.
Giữa lúc rối ren ấy, Francis gọi một sĩ quan của phái bộ quân sự và hai nhân viên CIA theo ông. Ông vất cho một người khẩu súng M-16 và nói: “Có khi phải sử dụng đến. Đừng chần chừ gì mà không sử dụng”. Ông vội đi đến lãnh sự quán, ở bên kia đường. Một nhóm người đi xe Honda bắt đầu bao vây ông.
Sau khi nhanh chóng vào trụ sở, lấy máy radiô cực mật của CIA, ông lên một xe vận tải nhỏ, đi ra bến. Giữa sự chen lấn của những người tị nạn, ông đưa được máy radiô xuống một xuồng máy.
Trong khi đó, lính Nùng của Thiệu, xông vào trụ sở, tìm kiếm vơ vét những gì CIA để lại. Khi họ hiểu rằng người chủ Mỹ đã bỏ rơi họ, họ lập tức đập phá và đốt những ngôi nhà. Hai nhân viên CIA xuất hiện, họ lia súng buộc hai người phải chạy trốn qua cửa ra vào.
Còn Ron Howard, anh không tự hào chút nào về mưu mẹo của mình. Anh gọi riêng mấy nhân viên người Việt Nam, nhanh chóng cho họ ý kiến, đánh xe vận tải lại, cho ba nghìn người tị nạn nhanh chóng lên xe, chở ra trung tâm thành phố, ở đấy sẽ có máy bay lên thẳng đến đón!
Lệnh của anh được chấp hành ngay. Howard cũng giúp phụ nữ và trẻ em trèo lên xe. Rồi từng chiếc một, những xe vận tải chở 2,5 tấn nặng nề chạy qua cửa sắt, đi về phía địa điểm tập kết ma. Rõ ràng mưu mẹo này không cao. Việc ngần ấy người lên xe phải mất hơn một giờ đồng hồ. Khi chiếc xe cuối cùng đi được thì những chiếc xe đầu tiên đã quay về, người trên xe giận dữ tưởng phát điên. Họ sẵn sàng giết người. Họ đã chờ đợi và nhìn về phía chân trời hết sức thất vọng. Đúng thế, chưa có một máy bay lên thẳng nào đến cả mặc dù người ta đã hứa hẹn!
Howard đóng và khoá được cửa sắt, nhưng hàng trăm người tị nạn nổi giận đã tập họp ngoài đường phố và xô tới cửa. Chợt Howard nghe thấy tiếng nói của Custer ở radiô để trong túi phát ra, giục anh mau mau ra cảng: mọi người đều đi! Run vì sợ, Howard nghe lõm bõm lời giục giã. Trong bóng tối, anh nhìn đồng hồ: năm giờ rưỡi rồi. Lần này tính mạng anh có thể nguy hiểm.
Anh không thể đi bằng bốn con đường được. Anh không có quyền lựa chọn. Anh bám lấy cổ áo một người Việt Nam, một người thợ có khi rất quen. Anh thề với người này sẽ bảo đảm mọi thứ quý giá cho anh ta và gia đình, chỗ trên máy bay hoặc trên tàu nếu anh này nhận giúp anh trốn thoát. Người Việt Nam có vẻ không tin nhưng anh cũng chẳng còn cách nào khác. Anh nhận lời. Trong khi hơn một chục người tị nạn đột nhập được trụ sở, đốt vòi bơm dầu xăng, cướp phá tự do thì Howard và người thợ, cùng gia đình lặng lẽ vòng ra đằng sau nhà, lên một xe vận tải bỏ không. Người Việt Nam cầm lái (Howard ngồi xổm bên cạnh) cho xe đâm vào đám người tụ tập, những người này tản ra; mấy phút sau, xe đi được tới cảng.
Cầu hàng không lại có, đúng lúc bình minh ở sân bay chính. Lúc những máy bay 727 đầu tiên của hãng Hàng không thế giới hạ cánh, một đoàn xe quân sự chở gia đình binh lính Việt Nam đến đỗ ở đường băng và bắt đầu cho người xuống. Tức thì, năm nghìn người Việt Nam khác, kiên nhẫn chờ ngoài cửa, chạy ập tới máy bay, dẫm cả lên đàn bà, trẻ con. Lính gác Mỹ ra oai. Nhưng không có kết quả. Người lái máy bay khởi động, bắt đầu cho máy bay lăn bánh. Rất nhiều tay người còn bám lấy cửa máy bay chưa đóng. Hàng chục người còn bị treo lơ lửng khi máy bay rời đường băng:
Ron Howard lái mò trong sương mù dày đặc. Trong ánh sáng mờ, tiếng kêu cầu cứu của người Việt Nam át cả tiếng sóng vỗ.
Howard tìm thấy Custer và 16 người Mỹ khác đang chờ anh bên bờ biển. Máy canô đã khởi động, không ngoái cổ lại một lần, họ ra khơi. Howard ngồi đằng trước, lái ca-nô. Bên anh là Custer, Brunson Mc Kinley và ba người Mỹ khác. Người thợ cơ khí Việt Nam và gia đình bị nhét ở phía sau. Bên phải, hai chiếc xuồng máy khác của lãnh sự quán vừa kêu vừa chạy qua những con sông lớn.
Howard chưa hiểu sẽ đi đâu. Anh cũng không quan tâm đến việc ấy nữa. Cái chính là thoát khỏi Đà Nẵng, được sống bình yên sau nhiều ngày khốn khổ. Lấy cái compa bỏ túi, anh lái canô đi về phía Đông Nam, tới một đảo nhỏ của những người đánh cá.
Custer, mệt mỏi, ngồi khuỵu bên anh. Sau cùng, mới ấp úng: “Một tàu LZ đón chúng ta”. Thật vậy chẳng mấy chốc, một ống khói đỏ, trắng xanh lơ và bóng xám một tàu chở hàng Mỹ xuất hiện giữa sương mù. Đó là tàu Pioneer Contender.
Ở Đà Nẵng, lúc Francis nghe nói có biểu tình ở sân bay chính, ông quyết định tất cả các máy bay của hãng Hàng không Mỹ đều đỗ xuống sân bay Ngũ Hành Sơn, để lại hơn mười nghìn người Việt Nam ở sân bay chính. Trong những người này có nhân viên lãnh sự quán với gia đình họ. Francis đề nghị cho hai máy bay Huey đến chở “hành khách hợp pháp” này về sân bay “Ngũ Hành Sơn”. Nhưng hai máy bay vừa đỗ xuống thì đám đông đã xô tới, một lần nữa, lại đánh nhau để lên.
Trên biển, những xuồng máy nhỏ đỗ dọc chiếc tàu Pioneer Contender, dưới tiếng kêu thét vui vẻ của Ron Howard và các bạn đồng nghiệp. Một người Việt Nam níu chặt lấy các thập tự nhỏ. Howard đứng dậy, lấy một thang dây trên tàu, quăng xuống cho anh ta và gọi Custer để cùng giúp người tị nạn leo lên tàu. Nhưng Custer vừa lắc đầu vừa xua tay và nói: Tôi không muốn ở trên tàu, tôi còn phải lo nhiều việc ở Đà Nẵng. Tìm nhân viên quan trọng người Việt Nam bị bỏ sót lại. Có ai giúp tôi không?
Howard không tin ở tai mình nữa. Anh nhìn những người khác ngồi trong tàu, không ai động đậy. Brunson Mc Kinley cuối cùng gật đầu và nói: Tôi đi. Anh là người duy nhất xung phong.
Custer chào vĩnh biệt những người trèo lên thang sau cùng. Gặp may mắn, giữ gìn sức khoẻ. Chiếc xuồng máy quay lại, biến trong sương mù. Howard trông thấy anh lần cuối cùng trong lúc leo lên cầu giữa. Anh nói với người bạn Việt Nam leo trước anh: “Trời chứng giám, tôi không có tính can đảm!”
Howard tự an ủi mình quá sớm. Tình hình trên tàu Contender cũng như giấc mộng khủng khiếp anh đã thấy ở Đà Nẵng: 15.000 lính Nam Việt Nam chen chúc trên boong, một số đánh nhau, một số bắn những người dân đứng lẫn với họ. Cách đó mười mét, một tên hiếp một phụ nữ trong khi đó một tên khác gì súng vào người chồng chị ta. 35 người tị nạn Mỹ thì họp thành một nhóm rất nhỏ gần buồng lái.
Một người Mỹ nói to với Howard, tay chỉ một binh lính Nam Việt Nam cầm súng, đứng trên boong ở tầng trên: chúng muốn đi Philippin, và đã nhốt thuyền trưởng rồi.
Howard không cần phải suy nghĩ lâu mới biết nên làm gì. Anh ra hiệu cho mấy lính Mỹ cùng đi Đà Nẵng, trình bày nhanh với họ kế hoạch của anh. Sau khi xem lại vũ khí, lính Mỹ đi lên boong trên. Bốn lính Nam Việt Nam đứng dựa vào thành tàu mải nói chuyện với nhau không hề biết gì. Howard và lính Mỹ đánh ngã ngay, chúng không kịp kêu. Họ phá khoá. Người thuyền trưởng, choáng váng, đi từ cabin ra, theo sau là mấy thuỷ thủ. Khi đã hoàn hồn, ông mới ồm ồm nói: “Các bạn biết không, chúng bảo với tôi từ Sài Gòn, chúng đến đây để lấy xe của Mỹ còn để lại. Tôi không ngờ lại xảy ra chuyện này”.
Ở Sài Gòn, không một ai trong chúng tôi có ý niệm gì về sự khổ cực của các đồng nghiệp ở Quân khu I. Tin tức sơ sài chúng tôi nhận được buổi sáng là một mớ phóng sự của các nhà báo và báo cáo của lái máy bay kèm theo ảnh chụp từ trên không. Kèm theo nữa là việc Custer tỏ ý với Polgar chưa vội về Sài Gòn, làm cho chúng tôi yên tâm. Chúng tôi lại nói với nhau để tự an ủi: người chịu trách nhiệm ở ngoài đấy nắm vững tình hình. Thế rồi chúng tôi bình tĩnh đi làm việc.
“Việc” này không chán như trước vì ngày 28 Martin và người thân cận của Weyang đến Sài Gòn. Ngay lúc Ron Howard và các bạn anh ở lãnh sự quán ngoài Quân khu I vật lộn để sống, thì Pat, Joe và cả tôi nữa đang hối hả chuẩn bị những bản báo cáo để trình bày với những nhân vật quan trọng về những sự kiện mà ngay bản thân chúng tôi cũng khó hiểu.
Mc Kinley ngồi bên cạnh Custer, trên guồng máy vượt sóng chạy vào bờ, kính đầy nước. Giữa đường, họ trông thấy một tàu kéo, chiếc Osela (Mc Kinley nghĩ: đúng là một từ Mỹ), họ cho xuồng chạy đến. Custer nói: có thể tàu có nhiều sàlan. Họ đang cần để chở người tị nạn.
Thực tế, không còn sàlan nào trống cả, chỉ có thể đứng được thôi. Hai người quyết định lấy hẳn chiếc Osela làm căn cứ.
Họ trông thấy AL Francis trên bến, mắt trũng, vẻ mệt mỏi. Nhưng Francis từ chối không chịu tản cư. Ông nói: tôi còn phải ở lại một lúc nữa để giữ tình thần người Việt Nam. Mc Kinley nói đùa một cách buồn bã: “Thế thì ở lại nhé”, rồi đi với Custer. Đấy là lần cuối cùng họ trông thấy Francis ở Đà Nẵng. Mc Kinley từ biệt Custer ở bến bên kia lãnh sự quán. Anh đi ngược phố đến biệt thự của Francis, liếc nhìn đám đông xem có mặt nào quen không. Bọn kẻ cướp đã phá cửa nhiều nhà, nhiều cửa hàng vắng chủ. Chúng gói của cải vào vải bạt, vác lên vai chạy vượt qua Kinley. Lửa cháy ở những phố gần đấy.
Trên tàu Pioneer Contender, Howard và các bạn Mỹ quan sát một cách bực mình hàng nghìn lính Việt Nam cùng đứng trên boong. Họ đã lên tàu gần một giờ, đã giải phóng thuyền trưởng và ổn định tư tưởng của thuỷ thủ bất bình nhưng chung quanh họ vẫn là hỗn độn và bạo lực. Lính Nam Việt Nam giết những người nghi là Việt cộng! Thực tế đó là lính và dân đánh nhau đến chết để tranh một chỗ ở boong dưới. Thế rồi có tin loan truyền người nhái cộng sản sắp đánh đắm tàu. Một lính Mỹ nêu ý kiến đuổi những người Việt Nam ở boong trên xuống, lấy dây bao quanh họ, phòng khi họ quay lại tiến công người Mỹ thì dễ bảo vệ hơn. Đuổi họ khỏi boong trên không phải là chuyện dễ: có đến gần một nghìn lính Nam Việt Nam phần lớn có vũ khí. Đuổi họ đi sẽ gây chuyện đánh nhau ngay. Nhưng nên chọn cách nào? Howard và mấy người nữa hỏi thuyền trưởng. Ông chấp nhận. Công việc được tiến hành ngay. Howard cầm súng, tiến đến nhóm lính gần nhất, yêu cầu gọi sĩ quan đến nói chuyện. Anh chững chạc bảo họ: tàu không thể chạy được nếu trên boong này còn cảnh hỗn loạn. Suốt buổi sáng và cả trưa nữa. Howard và bạn anh lần lượt đi nói với các nhóm lính như thế. Đồng thời họ tước vũ khí của lính và đẩy họ dần dần về phía sau, nhất là đối với những tên cứng cổ.
Ở trên bờ, Mc Kinley phải len lỏi mới ra được bến cùng với mấy người cộng sự Việt Nam. Được Custer giúp đỡ, anh đẩy những người bạn này lên một xuồng máy. Mất 45 phút mới ra tới tàu Oseola và 5 phút mới lên được tàu. Custer quay mũi xuồng vào bờ.
Trong khi đó, tàu Oseola kéo theo nhiều Sàlan tiến về nơi hẹn trước bằng radiô với tàu Pioneer Contender sẵn sàng chở người tị nạn.
Suốt buổi sáng, hai máy bay lên thẳng của hãng Hàng không Mỹ bay đi bay lại giữa sân bay nhỏ của Ủy ban quốc tế kiểm soát ở gần nhà Francis và đường băng ở núi Ngũ Hành. Đến trưa, cả hai máy bay đều sắp cạn dầu. Phi công báo cho Francis, họ phải đến một đảo nhỏ cách bờ khoảng một trăm kilômét để lấy nhiên liệu. Không để mất một phút, Francis gọi đến sở chỉ huy của Trưởng yêu cầu cho một máy bay lên thẳng đến chở người tị nạn từ sân bay nọ đến sân bay kia. Trưởng nhận lời, cho hẳn máy bay lên thẳng và phi công riêng của ông đến.
Có thêm máy bay, Francis cho chở được hết khách ở sân bay của Ủy ban quốc tế kiểm soát trước ba giờ chiều. Khi người tị nạn cuối cùng lên máy bay, Francis ra lệnh cho người lái bay đi, không chờ ông, Francis muốn quay lại lãnh sự quán xem còn ai không.
Mười phút sau, người lái máy bay của Trưởng đỗ xuống phía Đông sân bay núi Ngũ Hành và cho người xuống. Nhưng anh ta không biết rằng những người kiểm soát của hãng Hàng không Mỹ vừa chọn một nơi khác để máy bay đỗ nên nhóm người tị nạn này bị bỏ lại.
Xế chiều, Francis đến núi Ngũ hành kiểm tra lần cuối, ông thấy những người tị nạn rét run, ôm lấy nhau như đám gà con sợ hãi, ông gọi radiô cho hãng Hàng không Mỹ xin một chuyến bay nữa nhưng binh lính Nam Việt Nam đã đặt pháo binh sẵn sàng nhả đạn vào đường băng. Francis đến thảo luận với họ, họ đồng ý hoãn việc phá đường băng để máy bay đỗ với điều kiện chở một số sĩ quan và binh lính đi tản cư. Do đó trong số 93 người đi trên chiếc C-47 cuối cùng, một nửa là binh lính Nam việt Nam.
Nhưng cả sự nhượng bộ ấy cũng không ích gì. Máy bay vừa lăn bánh trên đường băng, hàng trăm binh lính khác đổ xô đến, bám lấy cánh, lấy càng như họ muốn giữ máy bay lại để báo thù. Francis chạy đến, thét mắng, chửi bới, thậm chí đánh những người lính. Sự khiêu khích có hiệu quả ngay: Lính quay lại đánh ông, máy bay cất cánh ngay, Francis có thể bị giết nhưng ông nhanh trí, giả vờ chết. Bọn lính sợ hãi lùi lại, rồi trở về với đại bác của họ. Một người Đức, hai người Anh giúp việc cho một tổ chức từ thiện, đứng xa chứng kiến cảnh này. Họ vội vàng chạy đến nâng ông tổng lãnh sự dậy. Tuy bị đánh và ngất đi nhưng ông không đau lắm. Chỉ bị thương ở cổ. Tuy vậy, Sài Gòn thất thủ hai năm rồi, ông vẫn còn khó chịu.
Quá trưa ngày 28 tháng 3, sư đoàn 3 Nam Việt Nam đóng ở phía Tây Nam Đà Nẵng không còn nữa: Vừa bị pháo binh cộng sản bắn, vừa bị gánh nặng gia đình thôi thúc sư đoàn tan rã nhanh. Một số lính thuỷ ở phía Bắc thành phố lùi ra bờ biển vì trước chúng, lực lượng Bắc Việt Nam rất đông sắp đè bẹp chúng. Tin thất trận bay về bộ tư lệnh tướng Trưởng. Trưởng gọi cho Thiệu ở Sài Gòn đề nghị dành cho ông ta một sự “linh động” nào đó. Thiệu không thèm hỏi gì vì biết rằng linh động có nghĩa là tản cư ngay và triệt để bằng đường biển!
Còn Francis và trưởng chi nhánh CIA ở Đà Nẵng có vẻ tranh nhau tỏ rõ cho đồng nghiệp đã xuống tàu, mình có vinh dự là người Mỹ cuối cùng rời thành phố! Tổng lãnh sự vừa thoát chết ở sân bay Ngũ Hành Sơn. Cùng với mấy người Anh, đi máy bay lên thẳng đến sở chỉ huy của Trưởng nói là để giúp ông ta. Custer dành cả buổi chiều để đi đi lại lại giữa tàu Oseola và bến sông Hàn. Trước tối, xuồng máy anh ta hết dầu, cách lãnh sự quán không xa lắm. Anh cùng với người lái dùng một xuồng khác đi ra tàu kéo.
Chiều xuống, sương mù toả ra. Nhìn xa được đến đâu thì thấy mặt nước biển ở đấy đầy những thứ thành phố vứt đi. Tàu, thuyền bè đánh cá, phà nhấp nhô trên sóng. Trên tàu Pioncer Contender, Ron Howard và các bạn đã đuổi được phần lớn binh lính Việt Nam xuống dưới. Nhưng ở giữa tàu chật như nêm cối. Những người Mỹ thấy rằng họ không thể giữ riêng cho họ bong trên.
Suốt buổi chiều, tàu Contender vẫn tiếp nhận người tản cư. Những thuyền, xuồng áp mạn tàu đến đâu thì trên tàu lại thả thang và cho cầu xuống đến đấy. Những người tị nạn mạo hiểm trèo lên boong. Nhiều người, nhất là người già và trẻ em, trượt chân, ngã xuống biển, bị thuyền buồm nhận chìm hoặc sóng cuốn đi. Thuyền, xuồng cũng bị sóng vỗ va vào tàu. Đến tối, Ron Howard thôi không đếm số người chết nữa. Anh đã trông thấy hơn một nghìn người rơi xuống nước rồi.
Ở sở chỉ huy của Trưởng, Francis và hai người Anh thấy ông ta đang hủy hồ sơ và bản đồ. Phần lớn bộ tham mưu của Trưởng đã đào ngũ. Ba người phương Tây giúp ông ta đốt tài liệu rồi cùng lên máy bay lên thẳng của Trưởng bay về bộ tư lệnh hải quân Việt Nam, đặt trên một bán đảo nhỏ gần bến lớn cảng Đà Nẵng. Đêm xuống, khi họ hạ cánh trước trụ sở có ánh đèn mờ. Dọc bến có nhiều xuồng chở đầy binh lính. Những người lính khác ngồi trên bến, chân thò xuống nước, Francis hỏi một sĩ quan mượn một chiếc xuồng để ngược sông đến lãnh sự quán, anh này nhún vai.
Trong đêm, Ron Howard xem đồng hồ bỏ túi. Sắp mười giờ. Trong tám giờ trước đó, tàu Pioneer Contender chở được bảy nghìn người tị nạn. Tiếp tục nghe thấy tiếng súng nổ ở boong dưới. Bọn lính Nam Việt Nam vẫn giết dân để chiếm chỗ, mỗi lúc một nhiều hơn. Mấy người Mỹ định can thiệp nhưng nhiều người khác không muốn có một cuộc đụng độ với lính. Cuối cùng, quyết định không chở thêm người nào nữa.
Giữa lúc đó, ba sà lan lớn đến gần tàu Contender, chở khoảng ba nghìn người. Một trọng lượng quá sức chứa của tàu. Sà lan thứ nhất cho người lên. Những người Mỹ đứng trên boong trên bắn một tràng đạn trước mũi sà lan thứ hai để cảnh cáo. Một tàu kéo chạy sau sà lan lập tức quay mũi. Trên tàu lấp lánh dưới ánh sáng một đèn chiếu: Oseola, chiếc tàu Mỹ khác!
Khuya rồi mà máy bay từ Đà Nẵng vẫn tiếp tục hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất ở Sài Gòn. Người Việt Nam và người Mỹ bước xuống đường băng, đầy nước mắt. Nhiều viên chức của chi nhanh quốc tế “cho sự phát triển” và của cơ quan hành chính sứ quán tổ chức một cuộc phân loại. Người Mỹ được phân loại nhanh chóng đi các khách sạn hay những biệt thự công của sứ quán. Nhưng không ai sắp xếp chỗ ăn, ở cho người Việt Nam, phần đông chưa ra khỏi Đà Nẵng, bao giờ. Những cơ sở tiếp nhận họ ở Cam Ranh và vùng đồng bằng chưa chuẩn bị xong.
Đêm ấy, tôi đi lang thang giữa những người Việt Nam. Họ im tiếng, ngồi yên trên nền xi măng, khuỷu tay đặt trên va ly, nhìn đăm đăm, khó chịu. Nhân viên sứ quán và bộ ngoại giao phân phát cho họ nước chè và bánh săng-uých.
Một số nhân viên CIA vừa đi máy bay từ Đà Nẵng đến, cố lấy lại tinh thần bằng cách đến “bar” ở khách sạn Duc. Nhưng chỉ được một lúc, phần đông đi nằm.Một viên chức già khuỵu xuống, khóc trước mặt vợ. Mặc dù không muốn, ông thuật lại quá trình ông đưa bạn bè và cộng tác viên người Việt Nam vượt qua bao nhiêu chuồng sắt đặt ở núi Ngũ Hành để bao vây họ. Đó là kỷ niệm đau buồn nhất của ông trong những ngày cuối cùng ở Việt Nam: sau những chuồng ấy là những khuôn mặt điên dại, những cặp mắt hoảng sợ và những trẻ con khóc hết hơi.
Đến 12 giờ, Custer ở trên tàu Oseola, bình yên, cùng với nhiều đồng nghiệp CIA. Anh đã từ bỏ ý định một mình cứu Đà Nẵng. Anh nằm dài trên boong, nghỉ ngơi. Trong đêm, tiếng đại bác nổ, những tiếng kêu của người hấp hối làm anh không thể nào ngủ được. Từ buồng lái, thuyền trưởng có thể trông rõ ở xa xa, ánh sáng tàu Pioneer Contender. Nhưng nay, ông quyết định không cho tàu mình tới gần nó, nhất là vừa rồi lại có những viên đạn nhằm vào tàu Oseola. Chắc là tàu Contender không muốn cho thêm người lên nữa, nay ông phải tìm cách xa lìa hàng nghìn người tị nạn chất trên sà lan do tàu ông kéo. Một nhân viên CIA, đánh radiô cầu cứu (SOS) tất cả các tàu ở phía Nam biển Đông.
Quá nửa đêm, một quả đạn đại bác nổ sau sở chỉ huy. Quả thứ hai nổ đằng trước mặt. Quả thứ ba, trúng giữa, quả thứ tư, trúng một sà lan giết khoảng trăm người. Những cơ sở của hải quân đặt trên một bán đảo nhỏ, bên ngoài Đà Nẵng, căn cứ cuối cùng của tướng Trưởng, đang bị pháo binh cộng sản bắn phá dữ dội.
Lúc trận pháo kích bắt đầu, Francis đang đi dọc bến, tìm một sà lan máy để ngược dòng sông. Trong lúc hoảng sợ, ông tưởng những tiếng nổ đầu tiên do đạn rốc kết 122 milimét, và ông rất yên trí vì súng rốc kết này bắn thiếu chính xác, chắc cộng sản gặp may nếu họ trúng mục tiêu! Nhưng họ bắn mỗi lúc thêm chính xác, ông hiểu rằng có người chỉ mục tiêu ở gần đâu đây và không phải đạn rốc kết mà là đạn đại bác 105 milimét họ chiếm được của quân Nam Việt Nam. Cùng với hai người bạn người Anh, Francis vắt chân lên cổ chạy xuống bãi biển và nhào xuống nước. Bơi khỏi tầm súng, họ nghe thấy tiếng máy nổ của một tàu tuần tra ven sông đang từ từ quay lại. Họ bơi đến và lên tàu. Ba người ở cách bờ biển khoảng hơn một nghìn mét.
Họ được chuyển sang một tàu HQ5, tàu tuần tra ven biển. Francis rất bằng lòng thấy binh lính trên tàu có kỷ luật vì có sĩ quan chỉ huy cùng đi với họ. Thuyền trưởng báo cho Francis biết ông phải ở trên tàu cho đến khi xong việc tản cư. Nhờ vậy, thuyền trưởng chắc chắn được người Mỹ giúp đỡ.
Đài radiô tàu HQ5 không thể liên lạc trên sông với các tàu dân sự chạy quanh khu vực ấy. Francis buộc phải đánh một điện về bộ tư lệnh Hải quân Việt Nam ở Sài Gòn đề nghị chuyển cho những tàu đang tuần tra gần tàu HQ5 biết tin ông. Nhờ đó Custer và các bạn anh mới rõ Francis đã thoát được.
Suốt đêm ấy, những người Mỹ trên tàu Oseola thay nhau gác. Thỉnh thoảng họ phải bắn chỉ thiên để đuổi những tàu đánh cá và xuồng chở đầy người chạy đến gần. Radiô của sứ quán Sài Gòn đều đều ra chỉ thị và động viên họ.
Quá nửa đêm, người trên tàu Oseola thấy ánh đèn tàu Pioneer Contender xa dần. Tàu này chạy đi Cam Ranh. Phải mất 15 giờ mới tới. Có đủ thức ăn trong bếp cho thuỷ thủ, 40 người Mỹ và khoảng một trăm người phương Tây khác nhưng không có gì cho đám đông người Việt Nam đang ở trên boong chính. Ron Howard và các bạn anh dùng một vòi chữa cháy cố phân phối nước cho họ. Nhưng mỗi lần anh cầm lấy vòi thì đằng sau, binh lính Việt Nam lại cắt vòi. Người thầy thuốc duy nhất trên tàu là một ông già di cư, ông đặt trạm xá trong bếp trên tàu, Howard giúp ông đỡ đẻ cho một phụ nữ Việt Nam sinh con trai.
Sáng 29, trời mưa và rất lạnh. Biển động hơn hôm trước. Lúc trời rạng đông, một nhân viên CIA ở tàu Oseola trèo lên đài quan sát. Anh nhìn rõ nhiều sà lan đang rập rình chung quanh, chở hàng nghìn người, trong đó có nhiều người chết. Xác để lẫn giữa người sống, không thể vất được xuống biển.
Mấy sà lan bị bỏ lại, đang trôi, người đi trên những sà lan này, đã được chuyển lên tàu Pioneer Contender đêm trước. Trên sà lan, đầy rác rưởi. Khi sương tan, nhân viên CIA nhận ra giữa những đống quần áo, hành lý, đồ đạc, không phải là những mẩu gỗ mà là chân, tay con người.
Sáng 30 tháng 3, không rõ giờ nào, tướng Ngô Quang Trưởng, từng được coi là sĩ quan ưu tú nhất của quân đội Nam Việt Nam đang bơi và trôi giữa những con sóng nguy hiểm ở ngoài khơi Đà Nẵng. Ông không phải là người bơi giỏi, người ta phải vớt ông ta đưa lên tàu tuần tra Việt Nam đang đón.
Trưởng ở trên tàu trong những ngày sau đó. Đằng xa, lính còn lại của những sư đoàn mà ông từng tự hào, đang cướp phá, đốt thành phố thứ hai của Nam Việt Nam.
Trong số hai triệu người còn lại ở Đà Nẵng, một trăm nghìn người là binh lính đào ngũ thuộc các sư đoàn thứ nhất, thứ nhì và thứ ba và sư đoàn lính thuỷ đánh bộ, tất cả đều bị bao vây như đàn chuột. Chúng sẵn sàng phản bội, ăn cướp, giết người để khỏi sa vào vực thẳm và cứu gia đình.
Ở Sài Gòn, Polgar đọc những bản báo cáo “hoạt động ở Quân khu I, với sự lo lắng mỗi lúc một tăng. Đúng ngày lãnh sự quán Đà Nẵng đóng cửa, ngày hôm trước, ông đã ra lệnh một lần cho Custer rời ngay Đà Nẵng về Sài Gòn. Nhưng trưởng chi nhánh Đà Nẵng, quyết chơi trò anh hùng cho đến chót, đã làm như không biết có lệnh ấy. Do đó, lúc này, anh đang ngồi ở cảng Đà Nẵng, từ chối không chịu kéo neo. Sau này, anh nói rằng anh ở lại để góp sức vào việc tản cư những người khác, nhận thêm tin mới và bảo vệ an ninh cho Francis. Nhưng Polgar cho là Custer quá mạo hiểm vô ích và khi ông gọi radiô được cho Custer đang ở trên tàu Oseola, ông báo thẳng anh như thế.
Ngày 29 tháng 3, tổng thống Ford chuẩn bị rời Hoa Thịnh Đốn đi nghỉ lễ Phục sinh ở Palm Springs, California. Ông báo cho Quốc hội biết bốn tàu vận tải của hải quân Mỹ và nhiều tàu đi thuê khác đang tiến về vùng biển Nam Việt Nam để tham gia vào việc tản cư nhân dân những cảng bị bao vây. Daniel Parker, giam đốc chi nhánh quốc tế phát triển chịu trách nhiệm điều hoà công việc đón nhận những người tị nạn, do chi nhánh của ông đài thọ. Bộ Hải quan cũng chi tiền cho việc tản cư.
Ford coi công việc này hoàn toàn có “tính nhân đạo”. Tàu đậu bên ngoài khu vực có những trận đánh. Ở Sài Gòn, sứ quán cũng đồng thời báo tin tổ chức một cầu hàng không cấp tốc, bằng những máy bay mới chở dụng cụ y tế và thiết bị quân sự từ Mỹ sang.
Không để phí thì giờ, Bắc Việt Nam công khai tố cáo ngay những biện pháp do tổng thống Ford đưa ra, coi đó là một sự vi phạm nghiêm trọng hiệp định Paris. Và họ tăng thêm cường độ bắn phá Đà Nẵng.
Suốt buổi sáng 29, radiô Sài Gòn cố gắng làm yên lòng những người trên tàu Oseola. Tàu của hải quân Nam Việt Nam đến cứu họ. Qua màn mưa, chỉ thấy người tị nạn ở Đà Nẵng xỉu đi.
Nóng ruột, Mel Chatman nói: Tôi phải trở lại để tìm một vài người của tôi. Bạn anh cố khuyên anh đừng đi nhưng Chatman, một nhân viên người da đen của chi nhánh quốc tế phát triển không nghe. Anh bước xuống một xuồng máy đi vào bờ. Mấy giờ sau anh trở ra thất vọng, không đón được ai. Anh nói: “Thành phố rất lộn rộn, tôi không dám bước lên bờ”.
Mel Chatman không phải là người Mỹ duy nhất định trở lại Đà Nẵng buổi sáng ấy. Edward Daly, giám đốc kiên quyết của hãng Hàng không thế giới cũng đến xem tại chỗ. Sứ quán Mỹ suốt đêm trước, đã cố khuyên ông không nên đi, nhưng ông không nghe, nhắc lại rằng: những máy bay của ông là hy vọng cuối cùng của hàng nghìn người tị nạn bị nghẽn lại trong thành phố. Ông bay từ Tân Sơn Nhất lúc bình minh với hai phi cơ 727, ông ngồi trong phi cơ đi trước. Lúc chiếc máy bay này hạ cánh, trên đường băng này đã có hàng nghìn lính vũ trang và dân thường. Khi thang mấy bay hạ xuống. Daly bắn chỉ thiên mấy phát súng để mong chúng ngừng lại nhưng vô ích. Một nhóm vô tuyến truyền hình người Anh, vừa đến quay phim, bị chúng xô ngã, dẫm lên. Phải cho một máy bay lên thẳng của hãng Hàng không Mỹ đến cứu họ.
Không đầy mười phút, hơn 270 người, hầu hết là lính (vì chỉ có hai phụ nữ và một trẻ em) đã ngồi đứng chật cả máy bay của Daly. Lúc chiếc máy bay phản lực lớn lăn bánh, một binh sĩ vì không được đi, chạy theo máy bay, ném một quả lựu đạn, làm hỏng sân bay. Quân Bắc Việt Nam nã đạn rốc kết vào đầu đường băng. Chiếc máy bay 727 thứ hai không dám đỗ xuống nữa.
Một nhà báo Mỹ ngồi trên chiếc 727 thứ nhất gọi chuyến bay này là “Thoát khỏi địa ngục”. Hàng chục người còn bám vào cánh máy bay hoặc ở trên đường băng lúc máy bay lăn bánh, do đó nhiều người bị chết hoặc rơi xuống đất khi máy bay cất cánh. Người ta còn tìm thấy nhiều xác chết trong hộp cánh máy bay. Lối đi giữa cabin đầy máu. Chiếc máy bay Mỹ cuối cùng rời Đà Nẵng trong tình thế đó.
Gần trưa, mười máy bay lên thẳng nhỏ Nam Việt Nam bay từ sân bay chính. Trên mỗi chiếc có 20 người lính, tăng gấp đôi sức chở bình thường. Vì sân ở núi Ngũ Hành bị uy hiếp nặng, những máy bay này không thể đỗ xuống được. Một người lái không biết Chu Lai đã thất thủ, cho máy bay hạ cánh xuống đấy, anh bị bắt ngay làm tù binh. Trong số chín máy bay còn lại, bốn chiếc bị bắn rơi, một chiếc bay ra một đảo ở phía Đông Nam Đà Nẵng, những chiếc kia mất tích, không còn một dấu vết.
Trên cầu tàu Oseola, Brunson Mc Kinley quan sát những sà lan và tàu đánh cá đậu chung quanh. Anh ước tính số người đi, lên tới mười nghìn, mười nghìn người Việt Nam đủ lứa tuổi, thuộc mọi tầng lớp. Những người khoẻ và những người ốm. Thì giờ trôi qua, số lượng giảm dần; người già và người tàn tật gục xuống vì phải nhịn ăn, vì mưa lạnh trút xuống không thương tiếc. Suốt buổi sáng, những người Mỹ gọi Sài Gòn thả dù nước uống xuống. Họ đã phân phát một lần nước uống cho những người trên sà lan đậu gần bằng vòi chữa cháy nhưng họ vẫn còn cần nước uống nữa.
Sứ quán Sài Gòn ở trong tình trạng rất bối rối. Martin đã ngồi ở phòng làm việc, bảo những nhân viên của chi nhánh quốc tế phát triển (USAID) tìm thực phẩm, nhất là nước uống, đem cho người tị nạn trên tàu. Người phụ trách USAID ở địa phương trả lời ông: mọi việc sẽ làm xong trong bốn hay năm ngày. Martin phản ứng: không phải như thế. Rồi ông quay lại nói với Polgar. Mấy giờ sau, máy bay của hãng Hàng không Mỹ do CIA thuê từ Nha Trang, bay lên phía Bắc, chở đầy thực phẩm và nước uống. Tất nhiên, thực phẩm ấy chỉ dành cho binh lính Nam Việt Nam và những người cộng sự của sứ quán hoặc của CIA.
Buổi tối ngớt mưa. Mc Kinley lên cầu tàu Oseola nhìn về Đà Nẵng lần cuối cùng. Nghe thấy tiếng đạn rốc kết và đạn đại bác nổ. Những ánh lửa đạn xé những đám mây dày đang từ núi bay xuống thành phố. Bỗng chốc, anh chú ý đến một tiếng nổ giống như tiếng súng. Hai tàu nhỏ vừa đâm vào nhau. Một tàu đang bị nguy. Lính trên tàu này định cướp tàu kia nhưng ở đấy cũng có lính. Thế là hai bên bắn nhau. Mc Kinley chứng kiến đầy đủ. Anh có cảm tưởng đứng trước một cuộc chiến đấu giữa những người săn bò tót nhưng anh không thể can thiệp được. Người trên tàu Oseola, không dám xem, ngồi nấp sau be tàu. Tàu nhỏ thứ nhất đắm, một người ở trên đó ném một quả lựu đạn sang tàu nhỏ thứ hai.
Không đầy năm phút, người trên hai tàu nhỏ đều rơi xuống nước. Nhiều người đã chết, nhiều người vật lộn lâu với sóng. Trên cầu tàu kéo, những người Mỹ đang nhìn, sợ hãi và bất lực.
Những sư đoàn quân Bắc Việt Nam của tướng Lê Trọng Tấn lúc này ở cách Đà Nẵng 3 kilômét. Thành phố đã bị bắn phá dữ dội. Mấy giờ trước họ đã chiếm Hội An, cách bờ biển 24 kilômét. Đó là thị xã thứ 13 quân cộng sản chiếm được từ ngày họ mở chiến dịch Đông-Xuân.
Buổi tối hôm ấy, tàu Pioneer Contender, bỏ neo ở Cam Ranh. Một máy bay của hãng Hàng không Mỹ đến đón Ron Howard và những nhân viên CIA khác trở về Sài Gòn. Một giờ sau, lúc họ tới Tân Sơn Nhất, những người lính gác CIA bắt họ đeo súng. Howard tỏ vẻ sung sướng về sự cẩn thận này. Anh nói: Tôi sẽ có cái để trị những viên chức tồi tàn của sứ quán.
Một máy bay của hãng Hàng không Mỹ bay thấp trong bóng tối. Một nhân viên radiô của CIA trên tàu Oseola, hướng dẫn người lái thả hàng xuống. Thùng nước đầu tiên nặng 25 kilôgam vỡ tung đầy mũi tàu. Nhân viên radiô điều chỉnh lại điểm thả. Thùng thứ hai rơi như một hòn đá xuống vọng kiểm soát. Những mảnh plastique vỡ tung, làm bị thương một người Việt Nam và làm gãy cần ăng ten radiô. Người Việt Nam bị thủng hai mắt còn nhân viên radiô của CIA phải mất ba giờ mới làm được ăng ten mới. Trong lúc ấy, Custer và những người khác đẩy những thùng nước xuống biển cho những sà lan và tàu nhỏ đậu đằng sau. Tối muộn hôm ấy, điện radiô của Francis gửi cho họ do Sài Gòn chuyển, báo tin ông đã thoát nạn.
Hôm sau, ngày 30 tháng 3 là ngày chủ nhật, lễ phục sinh. Ở Sài Gòn, Phan Quang Đán, phó thủ tướng chính thức báo tin: quân cộng sản đã chiếm Đà Nẵng. Ở Palm Springs, California, tổng thống Ford tuyên bố: “việc mất thành phố này là một thảm kịch lớn của loài người”.
Trưa ngày 30 tháng 3, nhiều tàu lớn chạy ra vùng biển Quân khu I: tàu Nhật Bản, tàu Việt Nam, tàu Mỹ và nhiều tàu kéo khác, tất cả 20 chiếc. Trong mấy giờ, những tàu này chở hết những thuyền, sà lan, xuồng đậu gần đấy. Một buổi chiều, những tàu tuần tra nhỏ của Nam Việt Nam chạy dưới làn đạn pháo binh cộng sản để cứu những người tị nạn còn chờ trên bãi biển. Quân Bắc Việt Nam tiếp tục nã pháo vào thành phố nhưng không bắn vào những người tị nạn và những tàu tuần tra này. Nhờ đó, khi họ nắm chính quyền, họ dễ được lòng tin.
Trong khi đó, những người ở trên tàu Oseola được chuyển sang những tàu Mỹ và buổi chiều thì rời cảng Đà Nẵng. Đến đêm, nhiều tàu, sà lan, tàu kéo hợp thành một đội tàu chở tới 50 nghìn người tị nạn, vượt quá sức chở rất nhiều. Do đó, ngừng việc cho người lên tàu.
Mười hai giờ sau, những tàu chưa chạy đi Cam Ranh chỉ còn có tàu của hải quân Nam Việt Nam. Giữa sự lộn xộn ấy, đô đốc Cang đang ở Sài Gòn, quên không ra lệnh cho họ rút đi. Cuối cùng là Francis lúc ấy ở trên tàu HQ-5 phải đề nghị bằng radiô với tướng Smith ở Sài Gòn nhắc Cang đã đến lúc phải cho hạm đội nhổ neo.
Có rất ít nước và thực phẩm cho các tàu chở người tị nạn. Càng không có trạm cứu thương trong trạm xá. Tất cả những khách trên tàu, dù Mỹ hay Việt Nam đều phải tự xoay sở trong chuyến đi về phía Nam. Một thầy thuốc Việt Nam đỡ bốn em bé vừa ra đời dưới một lều vải trên boong tàu USS Miller. Bốn công dân Mỹ mới. Vì các em sinh trên một tàu Mỹ chạy ở hải phận quốc tế.
Chiều ngày 31, sáu tàu Việt Nam và Mỹ lại quay lại Đà Nẵng để đón người tị nạn. Hôm sau, nhà chức trách Sài Gòn đề nghị Liên hiệp quốc can thiệp với Bắc Việt Nam cho những người tị nạn còn ở lại trong vùng họ kiểm soát, nhận thực phẩm và viện trợ. Nhưng tại Hà Nội, ngày 24 đã báo tin, chính quyền liên hợp đã được thành lập ở Đà Nẵng. Thật ra, tướng Tấn làm chủ tịch và chịu trách nhiệm ổn định lại trật tự. Nhiều viên chức cao cấp của các ngành cảnh sát và hành chính bị bắt. Thông điệp cuối cùng thật ngộ nghĩnh của tổng thống Thiệu trong thảm kịch này là: ông ra lệnh cho tướng Trưởng chiếm một đầu cầu trên một đảo gần bờ biển Quân khu I, để chuẩn bị phản công lấy lại cả quân khu! Trưởng được bữa cười mũi vỡ bụng.
Thất bại ở Quân khu I làm chính phủ thiệt hại rất nặng. Trong số ba triệu dân, không đầy 60 nghìn người chạy thoát phần lớn bằng đường biển. 16 nghìn lính trốn được nhưng bốn sư đoàn trong đó có sư đoàn lính thuỷ đánh bộ, sư đoàn thiện chiến nhất của Trưởng, không còn là đơn vị chiến đấu nữa.
Lãnh sự quán không có thể làm gì hơn. Mấy tháng sau, Francis phải nhận là trong số năm trăm người Việt Nam giúp việc, không biết có bao nhiêu người tản cư được. Còn Custer công nhận là chỉ có một nửa số năm trăm nhân viên tình báo có tên trong danh sách CIA là chạy thoát với người phụ hoặc không có người phụ việc.
Chính quyền Ford đổ trách nhiệm về thảm hại này là do thiếu ngân sách tài chính cho Việt Nam. Nhưng những kẻ lỗi lầm chính là những viên tướng bất lực, nhất là những tướng của Sài Gòn. Sau khi hứa với Trưởng là không rút nhanh sư đoàn dù, Thiệu đã thay đổi như chong chóng trong một đêm. Không dành cho tên tướng của ông ta thì giờ để tổ chức lại việc phòng thủ; ít nhất hai lần. Thiệu đã thay đổi ý kiến về việc bảo vệ Huế. Ngoài ra, ông còn từ chối không cho nhiều tư lệnh và bạn đồng minh biết dự định của mình, tình hình này không cho phép giải quyết tốt những sự kiện xảy ra.
Thiệu không phải là người duy nhất tỏ ra bất lực trước cuộc khủng hoảng. Ngay sau khi Huế thất thủ, sứ quán Mỹ cũng bất lực trong việc điều khiển các nhân viên ở vùng có chiến sự. Francis tỏ ra hết sức chậm chạp, cứ đinh ninh như đã hứa rằng: quân đội Mỹ sẽ cho máy bay lên thẳng để cứu người tị nạn. Nhất là ông ta quá tin vào sức mạnh hão huyền của quân đội Nam Việt Nam và uy tín mơ hồ của chính quyền Thiệu, những đức tính mà Martin cẩn thận giữ gìn nhằm mục đích ủng hộ chính sách Nam Việt Nam của Kissinger và bảo vệ danh dự nước Mỹ trên phần còn lại của thế giới.
Việc thất thủ Đà Nẵng khẳng định Bắc Việt Nam đã có ý chí giành thắng lợi cuối cùng trước tháng tư. Tướng Dũng nhận được lệnh mở ngay cuộc tiến công vào Sài Gòn. Một Ủy viên quan trọng của Bộ Chính trị vào chiến trường để duyệt kế hoạch quân sự. Đó là ông Lê Đức Thọ, người đã ký năm 1973 với Kissinger hiệp định Paris. Lúc chúng tôi viết những trang phóng sự, những chuyện chi tiết về cuộc tản cư ở Đà Nẵng thì quân Bắc Việt Nam tiến trên khắp các mặt trận, vượt qua những vùng đang tập trung người tị nạn. Các nhà chức trách Mỹ đắn đo, tránh né, cuối cùng bỏ rơi một số quan trọng những người Việt Nam giúp việc, mặc cho số phận.
Quân đội Nam Việt Nam tan rã. Số quân bị tiêu diệt trong giai đoạn này của cuộc chiến tranh lên tới 150.000 người. Phương tiện chiến tranh bị phá huỷ hay bị quân địch thu đáng giá một tỷ đôla.
Đầu tháng 4, lúc trận cuối cùng sắp diễn ra, trong một báo cáo gửi Hoa Thịnh Đốn, tôi ước tính quân Nam Việt Nam phải đánh một chọi ba hoặc bốn. Ngày 2 tháng 4, Colby, tổng giám đốc CIA, phải tự viết trong một báo cáo dành cho giới cao cấp nhất ở Hoa Thịnh Đốn: “Cán cân lực lượng ở Nam Việt Nam nghiêng rõ về phía cộng sản. Bạc nhược, thất bại chủ nghĩa đã hoành hành trong quân đội của Thiệu”. Ngày 3 tháng 4 trong một báo cáo mới: “Chúng tôi nghĩ rằng trong mấy tháng nữa, nếu không là mấy tuần nữa, Sài Gòn sẽ sụp đổ về mặt quân sự hay là một chính phủ mới sẽ được thành lập, chính phủ này sẽ chấp nhận giải pháp theo điều kiện của cộng sản”.
Cuộc Tháo Chạy Tán Loạn Cuộc Tháo Chạy Tán Loạn - Frank Snepp Cuộc Tháo Chạy Tán Loạn