Số lần đọc/download: 162 / 6
Cập nhật: 2020-05-22 19:44:09 +0700
Chương 3: Năm 1981 Pittsburgh, Pennsylvania
N
hiều năm trước khi gặp cha, mẹ tôi yêu một người đàn ông theo chủ
nghĩa vô thần.
Mẹ lớn lên dưới sự nuôi dưỡng của bà ngoại, một tín đồ Cơ đốc
giáo, cuồng đạo và cuồng thuốc lá thậm chí còn hơn. Bà ngoại gửi mẹ
tôi đến trường học Thiên chúa và làm việc cho Bell Atlantic hàng chục
năm để nuôi sống gia đình. Mẹ tôi không bao giờ biết ông ngoại là ai
bởi ông đã rời bỏ vợ con từ khi bà còn nhỏ.
Mẹ tôi là người cực kỳ sùng đạo, nhưng bà lại vô cùng yêu và
ngưỡng mộ người đàn ông đó, đến mức bất chấp tất cả để kết hôn với
ông ta. Cuộc hôn nhân kéo dài đủ lâu để hai người sinh một đứa con
gái, đó là chị tôi. Dẫu vậy, cuối cùng mẹ cũng nhận ra rằng bà không
thể nuôi dạy chị gái tôi cùng với một người đàn ông bài xích tôn giáo
như vậy.
Cuộc hôn nhân tan vỡ. Thật không ngờ, niềm tin Chúa của mẹ
cũng sụp đổ. Bà đến gặp một vị mục sư quen biết từ hồi còn đi học để
xin lời khuyên về một vấn đề nào đó đang diễn ra và cuộc nói chuyện
của hai người lan sang thần học. Mẹ tôi tin vào Thiên Chúa Ba ngôi,
song bà cũng thừa nhận với mục sư rằng bà không thực sự hiểu về nó.
Mục sư kiên nhẫn giảng giải cho mẹ tôi. Tuy nhiên, càng hỏi, yêu cầu
về sự rõ ràng của mẹ tôi càng cao, song những câu trả lời của mục sư
trở nên rối rắm và không khiến mẹ tôi hài lòng. Mục sư bắt đầu trở
nên chán nản và giận dữ. Mẹ tôi không có ý làm khó mục sư. Bà cố
gắng xoa dịu tình hình. Nhưng mục sư không cho bà cơ hội, ông ta
quát mắng đầy giận dữ: “Nếu cô phải hỏi tất cả những câu hỏi đó thì
cô chẳng có chút niềm tin nào cả!”
Mẹ tôi điếng người vì sợ, mãi sau này bà nói với tôi rằng: “Mẹ
cảm thấy như thể bị ông ta đâm một nhát dao vào tim vậy.” Lòng tin
vào Chúa của mẹ tôi chưa lúc nào suy suyển, nhưng bà biết, ngay sau
cuộc gặp gỡ vị mục sư đó, bà đã không còn là một tín đồ Cơ đốc nữa.
Mẹ tôi lúc ấy vẫn đang trong độ tuổi hai mươi, đã trở thành một bà
mẹ đơn thân và đang theo học để làm giáo viên. Bà mang theo cô con
gái hai tuổi trên hành trình tìm kiếm một tôn giáo mới và một người
chồng mới.
Ngay từ buổi đầu của chặng đường tìm kiếm ấy, mẹ tôi tìm được
một cuốn sách về đạo Hồi trong thư viện ở Pittsburgh. Bà chăm chỉ
đến tòa thánh đường địa phương, hoặc masjid (nơi thờ cúng của tín
đồ đạo Hồi) để đặt ra những câu hỏi, gặp gỡ những sinh viên đạo Hồi
đến từ Afghanistan, Ai Cập, Libya và Ả Rập hay từ bất cứ đâu. Bà
không có bất cứ ý niệm gì về mức độ ấm áp và tính chất gia đình của
cộng đồng này. Đặc biệt, những người đàn ông đạo Hồi mà bà gặp ở
đó chẳng khác nào những sinh vật giống đực lạnh lùng, không thân
thiện. Họ vui vẻ vẫy chào chị gái tôi đang chập chững xung quanh.
Vào một ngày gần cuối tháng Năm năm 1982, mẹ tôi ngồi trong
một phòng học trên lầu tại thánh đường. Bà đang trong quá trình cải
đạo sang đạo Hồi và đang luyện tập lời tuyên tín Shahada: Không có
thượng đế nào ngoài Allah và Muhammad là sứ giả của Ngài. Lời
tuyên tín phải được nói với thái độ đứng đắn, rũ bỏ hoàn toàn sự nghi
ngờ, và chỉ thể hiện tình yêu và sự phục tùng. Sâu trong tâm trí, mẹ
tôi dường như nghe được sự phản đối của bà ngoại, người cho rằng
mẹ tôi đã bị mê hoặc bởi Hồi giáo và thẳng thừng nói rằng bà sẽ
không bao giờ cho phép mẹ tôi bước vào nhà mà quấn một chiếc khăn
chết tiệt trên đầu. Bà đã nói nguyên văn như thế này: “Láng giềng sẽ
nghĩ gì đây?”
Mẹ tôi nhanh chóng rũ bỏ những tạp niệm ấy ra khỏi đầu. Niềm
tin của bà vào đạo Hồi, nhu cầu của bà về đạo Hồi, đang trở nên sâu
sắc hơn và mạnh mẽ hơn. Bà liên tục nhắc lại lời tuyên tín cho đến
khi thực sự cảm nhận được điều gì đó trong tim: Không có thượng đế
nào ngoài Allah và Muhammad là sứ giả của Ngài. Không có
thượng đế nào ngoài Allah...
Lúc đó Hani, một người bạn mới quen tại masjid, đến gặp bà.
Hani là người giúp đỡ mẹ tôi trong hành trình đến với đạo Hồi. Ông
ta nói với mẹ tôi rằng có những người đàn ông khác đang cầu nguyện
tại thánh đường và họ lấy làm vinh hạnh được nghe lời tuyên tín của
mẹ tôi và chứng kiến bà trở thành tín đồ Hồi giáo.
Mẹ tôi trở nên căng thẳng tột độ và chỉ với suy nghĩ ấy thôi cũng
làm hai má bà đỏ bừng.
Hani vội vã giải thích: “Không có gì phải sợ hãi đâu, tôi có lẽ
không nên đề nghị đột ngột như vậy. Nhưng họ quả thật rất muốn
chứng kiến quá trình cải đạo của mọi người.” Hani khéo léo dùng từ
“mọi người”, tránh việc đề cập trực tiếp đến mẹ tôi.
“Sarah hứa sẽ ngồi cạnh cô,” Hani nói thêm. “Liệu rằng điều đó
làm cô thấy thoải mái hơn?”
Mẹ tôi đã bị Hani thuyết phục. Ông ta khẳng định rằng việc cải
đạo của mẹ tôi sẽ trở thành một đề tài nóng hổi, và mẹ tôi đáp lại
bằng những cụm từ tiếng Ả Rập mới học được: “Inshallah.” Chúa phù
hộ. Hani cực kỳ thích thú. Ông ta cười rạng rỡ khi đóng cánh cửa lại.
Ở dưới lầu, mẹ tôi nắm chặt tay Sarah và hít một hơi sâu như thể
đang lặn xuống biển vậy, sau đó bước vào nhà thờ. Thật trùng hợp là
tấm thảm mang màu xanh của những con sóng dưới ánh mặt trời.
Những bức tường được trang trí bởi những hoa văn hình sao màu đỏ
vàng dày đặc. Những người đàn ông trong dàn cầu nguyện nắm tay
nhau và ngồi thành vòng tròn trên một tấm thảm dày. Một số người
mặc những bộ đồ mang phong cách phương Tây truyền thống: những
chiếc quần thông dụng, thậm chí cả quần jeans, và những chiếc áo sơ
mi có phần cổ gập cài nút. Những người khác vận những chiếc áo
thùng thình đến quá đầu gối và đội những chiếc mũ tròn chỏm màu
trắng có thêu những họa tiết màu vàng và xanh. Mẹ tôi nhận ra rằng
bà biết chính xác tên gọi của những chiếc mũ đó trong tiếng Ả Rập –
taqiyah – và bà liên tục lẩm nhẩm từ đó trong đầu để giữ bình tĩnh.
Dàn cầu nguyện chợt trở nên im lặng. Những người đàn ông đó đều
hướng ánh mắt về phía người phụ nữ vừa bước vào. Ước chừng một
lúc lâu, âm thanh duy nhất bên trong nhà thờ là tiếng thì thầm của mẹ
tôi và tiếng bước chân đi tất của Sarah trên tấm thảm. Taqiyah,
taqiyah, taqiyah, taqiyah, mẹ tôi không ngừng lặp lại từ đó trong
đầu.
Mẹ đọc lời tuyên tín trơn tru hoàn hảo, có chăng chỉ là giọng bà
hơi run run. Chỉ lúc đó, bà mới hoàn toàn thả lỏng cơ thể và tinh thần
mình. Hơi thở của bà cũng dần chậm lại và ổn định. Bà vội vàng liếc
nhìn những người đàn ông trong phòng mà không hề quan tâm liệu
đó có là hành vi đúng mực hay không. Hành động nhỏ đầu tiên sau
khi trở thành tín đồ đạo Hồi! Mẹ tôi có chút xấu hổ. Nhưng chưa hết,
bà còn kịp để ý đến một người đàn ông trông khá đẹp trai trong dàn
cầu nguyện: ông ta trông giống như một vị thần Ai Cập cổ đại trong
những bức tranh vậy. Ánh mắt bà vô tình nấn ná khá lâu khi nhìn
vào đôi mắt xanh quyến rũ của người đàn ông đó.
Hai ngày sau, Hani tiết lộ với mẹ tôi rằng có một người đàn ông
trong dàn cầu nguyện hôm đó rất có cảm tình với bà và muốn gặp bà.
Trong đạo Hồi, không tồn tại khái niệm hẹn hò – Nhà Tiên Tri đã
cảnh báo rằng, khi một người đàn ông và một người phụ nữ độc
thân ở cùng nhau, giữa họ sẽ có một kẻ thứ ba, đó là Quỷ Satan - cho
nên việc người đàn ông đó muốn gặp mẹ tôi được ngầm hiểu rằng
ông ta muốn kết hôn với bà. Kết hôn với mẹ tôi! Điều này có ý nghĩa
hơn hàng tá lời tỏ tình! Hani nói rằng đó là một người bạn của ông ta,
tên là Sayyid Nosair, người Ai Cập. Mẹ cố gắng xua đi cái suy nghĩ liệu
đó có phải là người đàn ông với đôi mắt quyến rũ đó không.
Trong vòng một tuần sau đó, mẹ tôi gặp Sayyid lần đầu tiên tại
nhà một cặp vợ chồng người Libya, Omar và Rihan. Omar đóng vai
trò như người giám hộ cho mẹ tôi bởi bà không còn bất cứ mối quan
hệ nào với ông bà ngoại của tôi nữa. Trước đó, ông đã bắt đầu thực
hiện các thủ tục hôn nhân theo trình tự: Ông đã gặp gỡ với Sayyid,
hỏi han đôi điều về mối quan hệ của Sayyid với cộng đồng, và tự thấy
hài lòng khi biết Sayyid là một tín đồ Hồi giáo năng nổ trong các hoạt
động ở masjid và tham dự hầu hết các buổi cầu nguyện bất cứ khi nào
có thể. Giờ thì, Sayyid gõ cửa nhà khi Rihan đang chuẩn bị bày biện
một khay đồ ăn gồm nước ép dâm bụt, bánh Baklava và những miếng
bánh quy bơ giòn tẩm đường nhân chà là.
Omar bước ra mở cửa và Rihan thì vội vã liếc nhìn vị khách vừa
đến. Mẹ tôi ngồi trên chiếc đi văng trong phòng khách, trông khá căng
thẳng. Bà nghe hai người đàn ông chào nhau và chúc nhau an lành:
người giám hộ của bà nói, “Asalaam alaykum,” (Xin cho bình an đến
với anh), vị hôn phu của bà đáp lại một cách nhiệt tình đáng ngạc
nhiên, “Wa alaykum assalam wa rahmatu Allah.” (Allah mang bình
an và may mắn đến cho ông). Việc này khiến mẹ tôi không khỏi nghĩ
rằng ông ta đang cố gắng tạo ấn tượng tốt với bà. Bà bỗng mỉm cười
và nghĩ đến một đoạn trong kinh Qur’an: Khi ai đó mở lời chào bạn,
bạn nên đáp lại với một lời chào nồng nhiệt hơn, nếu không (ít nhất)
hãy nhắc lại lời chào đó. Allah dõi theo tất cả mọi điều.
Rihan vội vã trở lại phòng khách mang theo những chiếc bánh
quy, trông bà còn căng thẳng hơn cả mẹ tôi. “Đẹp trai quá,” bà thì
thầm. “Và hãy nhìn đôi mắt xanh biếc của anh ta xem!”
Trong vòng hai phút sau đó, khi ngồi xuống cạnh mẹ tôi, cha tôi
mới khẽ khàng nói, “Anh đoán là em biết rằng anh đến đây để bàn
việc kết hôn.”
Ở Ai Cập, cha tôi theo học chuyên ngành thiết kế kỹ sư và công
nghiệp, đặc biệt chuyên về kim loại. Ông là người vô cùng sáng tạo.
Ông có thể thiết kế một con tàu dễ dàng như thiết kế một chiếc vòng
cổ vậy. Mặc dù chỉ mới đến Mỹ chưa đến một năm, cha tôi đã có thể
kiếm được một công việc tại một tiệm trang sức, nơi mà ít ngày sau
khi gặp gỡ mẹ tôi, ông đã phác thảo và làm ra chiếc nhẫn đính hôn
của hai người. Ông dành hết tiền cho chiếc nhẫn. Đó là một chiếc
nhẫn khá nặng nhưng rất đẹp. Khi mẹ tôi lần đầu tiên thấy nó, bà đã
vô cùng kinh ngạc.
***
Cha mẹ tôi kết hôn vào ngày 5 tháng Sáu năm 1982, mười ngày
sau cuộc gặp gỡ đầu tiên. Quãng thời gian tìm hiểu ngắn ngủi ấy nghe
thì có vẻ như dự báo một điềm xấu, tựa như màn dạo đầu của một tấn
bi kịch vậy. Nhưng cái vòng quen thuộc trong văn hóa phương Tây
với tình yêu và hôn nhân – một trình tự phổ biến để tiến đến hôn
nhân – đã đầy rẫy những đau đớn và tan vỡ. Liệu có bất cứ kiểu nghi
lễ và kỳ vọng nào khác, bất cứ hình thức nào, có thể mang lại hạnh
phúc thực sự không? Trên thực tế, cha mẹ tôi cũng từng trải qua
những giây phút hạnh phúc thực sự. Mẹ tôi đã tìm thấy một người
đàn ông có thể dạy bà tiếng Ả Rập và trau dồi thêm những kiến thức
của bà về Hồi giáo.
Một người đàn ông sùng đạo. Một người đàn ông phóng khoáng
và giàu lòng yêu thương. Một người đàn ông quý mến chị tôi từ cái
nhìn đầu tiên, người sẵn sàng quỳ xuống sàn để chơi cùng chị ngay
lần đầu gặp mặt. Cha tôi là một người đàn ông nổi bật, song gầy đến
thảm thương bởi cha sống trong một nhà nội trú không được phép
nấu ăn. Tiếng Anh của ông gần như hoàn hảo, có đôi chút trang
nghiêm thái quá. Ông có giọng nói đậm chất Ả Rập. Đôi khi ông hay
nói nhầm, song việc ông nói sai luôn khiến mọi người cười vui vẻ.
Chẳng hạn như ông rất yêu thích món mì ống và món thịt viên, nhưng
luôn gọi chúng là “mì ống và những viên thịt.” Những lúc ấy, mẹ tôi
đều không thể nhịn cười. Cha tôi thấy vậy cũng không phản đối. “Em
là trái tim của anh,” ông thường dịu dàng bảo bà như vậy. “Cho nên
việc em sửa cách ăn nói giúp anh là điều đúng đắn.”
Vào tháng Bảy, cha tôi đã tìm được một căn hộ ở Oakland,
Pittsburgh. Lần đầu tiên sau suốt nhiều năm, mẹ tôi cảm thấy hào
hứng đến thế. Khu láng giềng rất đậm chất văn hóa và có rất nhiều
sinh viên, giống mẹ tôi. Vợ chồng Rihan và Omar cũng sống gần kề.
Masjid chỉ cách đó mấy tòa nhà. Cha mẹ tôi tay trong tay đi mua đồ
ăn và một số đồ trang trí cho căn nhà mới. Mẹ hỏi cha thích gì. Ông
ngọt ngào nói với bà: “Anh thích tất cả những gì em thích. Em là nữ
hoàng của ngôi nhà, và anh muốn em là người sắp xếp mọi thứ theo ý
thích của em. Chỉ cần em hạnh phúc với bất cứ thứ gì em chọn, anh
cũng sẽ yêu chúng.”
Tôi được sinh ra vào tháng Ba năm 1983, và em trai tôi ra đời một
năm sau đó. Năm tôi ba tuổi, cha tôi đưa tôi đến công viên giải trí
Kennywood. Chúng tôi cùng ngồi trong những chiếc ly khổng lồ và
xoay vòng quanh trong trò Dizzy Dynamo, sau đó với trò Grand
Carousel, chúng tôi được cưỡi những chú ngựa sơn màu sặc sỡ: cha
tôi chọn một con ngựa đực màu vàng lướt lên lướt xuống, trong khi
tôi bám chặt vào cổ một chú ngựa nâu nhỏ lúc nào cũng đứng yên.
Cuối ngày, trên một chiếc tàu lượn nhỏ gọi là Lil’ Phantom, cha tôi giả
vờ sợ hãi đến mức hét lớn: “Ồ Allah, làm ơn hãy bảo vệ con và đưa
con bình an đến điểm đến cuối cùng!” Tôi biết ông làm vậy để khiến
tôi phân tâm mà quên rằng tôi mới là người đang sợ hãi. Tôi sẽ không
bao giờ quên ngày hôm đó. Đó là phần ký ức đầu tiên tuyệt đẹp trong
tôi. Thậm chí ngay cả những tháng ngày kinh hoàng sau này cũng
không thể vấy bẩn nó.
Sự bài xích của cha tôi đối với nước Mỹ không phải hình thành
ngày một ngày hai. Nỗi cay đắng của ông tích tụ dần dần, được bồi
đắp bởi những cuộc chạm trán ngẫu nhiên với sự thù địch và nỗi bất
hạnh. Tại thánh đường, mẹ tôi bắt đầu phụ giúp Rihan tổ chức những
buổi lễ da’wa – chiến dịch chiêu mộ những tín đồ muốn cải đạo. Họ
không đến từng nhà hay công khai chiêu mộ các tín đồ trên phố; họ
gặp gỡ những người có ý muốn cải đạo ở masjid, truyền đạt về đạo
Hồi, và giải đáp những câu hỏi tương tự mẹ tôi hỏi ngày trước. Rất
nhiều người trong số họ là những phụ nữ Mỹ trẻ trung. Phụ nữ quả
đúng là phụ nữ. Một vài người trong số họ đến nhà thờ không phải
bởi họ đang trong hành trình tinh thần tìm đến miền đất tu đạo, mà
bởi họ đã rơi vào lưới tình với một người đàn ông theo đạo Hồi nào
đó. Tuy nhiên, cũng có những người thực sự muốn tìm hiểu về Hồi
giáo tìm đến và cải đạo thành công dưới sự giúp đỡ của mẹ tôi và
Rihan. Đôi khi, nếu những người phụ nữ đến nhà thờ không có chỗ
nào để ở, gia đình tôi lại cho họ ở nhờ.
Lòng tốt của gia đình tôi cuối cùng lại trở thành một sai lầm. Vào
mùa thu năm 1985, gia đình tôi chào đón một người phụ nữ trẻ tên
Barbara. (Tôi đã đổi tên cô ta, bởi cô ta không thể có mặt ở đây để tự
mình kể câu chuyện này.) Barbara là một người phụ nữ tính khí thất
thường, khuôn mặt luôn ảm đạm và không bao giờ nhìn thẳng vào
mắt ai. Cô ta ở lại nhà chúng tôi vài tháng. Barbara có vẻ không thực
sự hứng thú với đạo Hồi. Chị gái cô ta muốn tìm hiểu về tôn giáo chỉ
để làm vui lòng bạn trai mình, và Barbara chỉ theo đuôi họ. Có một
nguồn năng lượng khó chịu tỏa ra từ cô ta đến mức sẽ vô cùng ngột
ngạt khi ở trong phòng với cô ta.
Chẳng mấy chốc, cô ta đã dan díu với những kẻ mà cha mẹ tôi đã
cảnh báo là “một đám những tín đồ Hồi giáo tồi tệ” ở một khu dân
sinh khác. Mẹ tôi đã cố gắng mai mối cho Barbara hai lần, và cả hai
lần cô ta đều bị từ chối sau cuộc gặp mặt đầu tiên. Lòng tự trọng của
cô ta bị tổn thương nghiêm trọng. Cô ta bắt đầu im lặng ngồi trong
bồn tắm, mặc nguyên quần áo và khóc lóc lúc nửa đêm. Cô ta đổ lỗi
cho chúng tôi, cho cả nhà tôi, rằng chúng tôi đã lấy cắp quần áo trong
phòng của cô ta, nực cười thay, đó là những bộ đồ mà không tín đồ
đạo Hồi nào có thể mặc, huống chi là một đứa trẻ. Cha tôi khăng
khăng đuổi cô ta ra khỏi nhà. Cuối cùng cô ta cũng rời đi. Chưa đến
một tuần sau đó, cô ta cáo buộc cha tôi cưỡng bức cô ta. Rõ ràng đây
là một hành động có chủ đích nhằm bòn rút tiền gia đình tôi, do
những kẻ theo đạo Hồi mà cô ta mới quen xui khiến.
Tại Pittsburgh lúc bấy giờ, cũng có kẻ bị tình nghi là tội phạm
cưỡng bức. Một vài nạn nhân của hắn ta miêu tả hắn là một người
đàn ông “Trung Đông hoặc Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha.” Cảnh sát
lấy lời khai của Barbara với thái độ hết sức nghiêm túc. Trong lúc luật
sư, cũng là một người bạn của gia đình tôi, đang cố gắng thuyết phục
cảnh sát rằng người phụ nữ đó bịa chuyện, cha tôi dường như bị nỗi
sợ hãi và tủi nhục đè bẹp. Ông thậm chí không còn ngủ chung với mẹ
tôi vào ban đêm. Cha tôi trải tấm thảm cầu nguyện cạnh lò sưởi trong
phòng khách, và nằm cuộn tròn như quả bóng trên thảm. Ông cũng
không ăn uống gì suốt thời gian đó. Tất cả những gì ông làm là ngủ và
cầu nguyện cho mình bình an. Thậm chí những thành viên thánh
đường cũng không biết nên tin ai, mẹ tôi nhận thấy trong nội bộ
dường như tồn tại sự chia rẽ, điều này khiến cha tôi thêm đau lòng,
giống như có một khối u ác tính đang ngày ngày phát triển trong dạ
dày của ông vậy. Một buổi xét xử được tổ chức tại masjid. Những
thành viên chủ chốt của nhà thờ lo lắng về sự bất đồng nội bộ, và
muốn tự mình xử lý vấn đề này. Cho dù thế nào, họ cũng không tin
tưởng hệ thống pháp luật của Mỹ.
Nhiều năm sau, mẹ tôi mới kể cho tôi về buổi xét xử tại nhà thờ
hôm đó: Barbara, chị gái và bạn trai của chị gái cô ta có mặt cùng một
đám tạp nham những kẻ theo đạo Hồi được cô ta gọi là bạn. Không
khí căng thẳng đến mức một cuộc tranh cãi bùng nổ ngay sau đó. Cha
tôi chỉ lặng lẽ ngồi, đầu cúi thấp, và hai tay ông giữ chặt lấy đầu gối.
Barbara lặp lại lời buộc tội của cô ta rằng cha tôi đã cưỡng bức cô ta,
rằng gia đình tôi lấy cắp quần áo của cô ta và yêu cầu bồi thường. Trái
tim mẹ tôi gần như tan vỡ. Nực cười thay, một người sùng đạo như
ông lại bị tra hỏi, nghi ngờ trong chính nhà thờ mà ngày ngày ông vẫn
cầu nguyện!
Những thành viên có thẩm quyền yêu cầu Barbara mô tả lại cơ thể
cha tôi.
Tất cả những gì cô ta có thể kể ra đó là: “Nhiều lông, một bộ ngực
đầy lông, một tấm lưng đầy lông.”
Mẹ tôi chợt bật cười.
Cha tôi gần như bật dậy. Ông đề nghị: “Liệu tôi có được phép cởi
áo ngay bây giờ để cho các anh thấy cô gái này đang nói dối?” Đương
nhiên chẳng có gì liên hệ giữa cơ thể cha tôi với những đặc tính tiêu
biểu của người Trung Đông hết.
Họ bảo với cha tôi rằng ông không cần thiết phải cởi áo để chứng
minh điều gì cả. Họ tin rằng cha tôi hoàn toàn vô tội. Vụ việc khép lại
với 150 đô la xem như là khoản bồi thường cho những bộ quần áo
Barbara khăng khăng đã bị lấy cắp. Cô ta có vẻ hài lòng và nhanh
chóng cùng đồng bọn rời khỏi thánh đường. Như thể sự thiếu tôn
trọng đạo Hồi của cô ta chưa đủ rõ ràng, cô ta còn mang giày trong
suốt buổi xét xử diễn ra trong thánh đường.
***
Sau biến cố này, cha mẹ tôi cố gắng xây dựng lại cuộc sống ở
Pittsburgh, song chúng tôi hiểu rằng cuộc sống yên bình sẽ không bao
giờ trở lại được nữa. Đối với cha tôi, nỗi tủi nhục này khủng khiếp
đến mức khiến cha tôi ảm đạm và kiệt quệ. Mẹ tôi sợ đến mức không
còn dám giao thiệp nhiều với bên ngoài. Cha tôi không còn mặt mũi
đối diện với những người bạn của ông ở masjid, cũng như đối diện
với tất cả mọi người. Ông vẫn cần mẫn làm việc. Ông ngày càng gày
mòn đi. Có điều gì đó dần dần hình thành bên trong con người cha
tôi. Ký ức của tôi về quãng thời gian đó chỉ là bóng hình cô độc của
cha quỳ trên tấm thảm cầu nguyện trong phòng khách, lặng lẽ cầu
nguyện hoặc gặm nhấm nỗi đau, hay có lẽ là cả hai.