Có 04 bước để đạt thành tựu: lên kế hoạch một cách có mục đích, chuẩn bị kỹ lưỡng, tích cực thực hiện, và kiên trì theo đuổi.

William A. Ward

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 30
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2620 / 13
Cập nhật: 2017-09-21 20:02:31 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3
ẹ tôi là một người con gái ngoan nhưng bị cuộc đời xô đẩy.
Cuộc đời xô đẩy mẹ tôi bằng một buổi chiều như mọi buổi chiều bình thường trên thế gian này. Một buổi chiều hoàng hôn trải rộng. Một đám cưới của người anh họ. Chú rể là anh bộ đội thời chiến, tranh thủ mấy ngày nghỉ phép cưới cô giáo làng. Tiếng đàn ghi ta hòa lời ca của những anh bộ đội. Tiếng hát của mẹ tôi trong trẻo ngọt ngào. Vẻ đẹp của mẹ tôi nổi trội giữa bao người. Áo dài duyên dáng thướt tha. Xác pháo hồng xao xác dưới chân. Không gian thơm mùi thuốc pháo. Mẹ tôi hát, hát cùng anh bộ đội. Mẹ tôi đang yêu. Mẹ tôi yêu Hạnh. Mẹ hát như mơ. Mơ về tuổi thơ, ở đó có anh. Có những cánh đồng, ruộng mía nương dâu. Có con đê làng đẹp như dải lụa. Có anh có em, tình yêu chớm nở. Nụ hôn chưa kịp, đã vội chia xa…
Mẹ hát như say... Mẹ hát xong rồi, đám cưới chưa tan, bỗng dưng mẹ chạy. Mẹ chạy như mơ. Mẹ chạy chân trần, chạy như thôi miên, chạy như bị đuổi. Đường bãi hiện ra, nhãn rộ hoa vàng. Bãi ngô bạt ngàn, xanh như những đoàn quân trùng trùng điệp điệp. Gió ù vù vù vút vút. Sông Hồng ầng ậc ưỡn lồng ngực phập phồng đập tung trắng xóa. Gió. Gào. Dạt dào. Cây. Lào xào, thì thào. Mẹ chạy. Con đường cụt, hụt, tụt xuống lòng sông. Mẹ tôi quỳ gối bên bờ:
- Yêu anh. Hạnh ơi, em rất nhớ!
Tình yêu. Nỗi nhớ. Âm thanh từ mẹ, âm thầm, da diết. Đất trời mênh mang, cỏ cây sông nước và gió bỗng dưng như bừng dậy cùng mẹ, đồng cảnh đồng tình tấu lên bản giao hưởng trầm hùng, buồn, nhớ, thương, da diết yêu đương.
Mẹ ngửa mặt lên trời, giang rộng đôi tay như đôi cánh, duỗi nằm trên bờ bãi nâu mịn phù sa. Mầm cỏ ấu, non, mềm, nhọn lâm xâm làn da mỏng. Tỉnh ngộ và si mê. Si mê và hoang tưởng. Gương mặt mẹ rạng rỡ, thân thể mẹ căng đầy, mẹ ôm chặt lồng ngực, khe khẽ âm thầm mơ ước, đắm say...
Có tiếng sột soạt phía ruộng ngô làm mẹ giật mình. Thế là tỉnh cơn mơ. Cơn mơ hoang dại ban chiều. Mẹ tần ngần. Dòng sông vừa mới đây, hồng hào và lộng lẫy, sao giờ lại đen ngòm như mực, bất động vô hồn như một cái xác khổng lồ? Gió rười rượi dạt dào sao bỗng dưng trở nên cay nghiệt chích những mũi kim lạnh buốt sống lưng?
Mẹ kéo nghiêng tà áo che sườn, trườn mình vào bãi ngô trốn lạnh. Bãi ngô xanh rủ lá âu sầu chả khác gì một đoàn quân thất trận. Chớp lóe lên, rách trời, mẹ nhìn rõ mẹ không mặc áo quần. “Sao mình lại thế này nhỉ?!”. “Xẹt”, một tiếng sét inh tai đáp lại. Mẹ sợ hãi túm chặt những cây ngô. Hoảng sợ: “Trời ơi, ai đã đưa mình đến đây? Tại sao mình lại ở đây? Tại sao mình lại ở truồng?”
Mưa. Lưa thưa những hạt lạnh đậu trên lá ngô thô ráp. Những chiếc lá ngô ram ráp, lông tơ dày, trắng như những sợi tóc bạc.
Mưa tạnh. Mẹ đứng lên phủi đám bẩn trên chiếc áo trong tay. Những chiếc lá ngô như những bàn tay ram ráp quệt vào mặt mẹ. Mẹ quờ quạng đi. Mẹ gạt những chiếc lá ngô sắc cho khỏi cứa vào mặt mẹ. Mẹ bơi trong ruộng ngô để về nhà.
- Em...!
- Ma!
Mẹ kêu lên và cắm đầu cắm cổ chạy. Bãi ngô rậm như rừng. Những cây ngô ràn rạt gãy dưới chân mẹ. Lá ngô như lưỡi mác cứa vào mặt mẹ. Tối mày tối mặt, mẹ không còn xác định được đâu là đích là bờ. Mẹ chạy ngoằn ngoèo như trèo đèo lội suối. Mệt đứt hơi, mẹ dừng lại, vịn vào cây để thở. Trời, một bóng đen như con hổ chồm tới vồ mẹ. Mẹ há miệng hít một hơi thật sâu, chưa kịp hét, con hổ đã ôm trọn mẹ trong lòng, cái miệng nó ngậm trọn môi của mẹ. Mẹ ra sức vẫy vùng, đạp, đấm, đá trong kiệt sức và vô vọng.
Đêm. Buông lơi. Buông xuôi. Thú dữ điên cuồng ôm chặt mẹ, bọc kín mẹ, ranh mãnh hiên ngang xé toạc, xộc vào. Mẹ đau đớn. Mẹ tuyệt vọng:
- Hạnh ơi cứu em! Cứu em với Hạnh ơi!
Thú dữ cất lên lời. Giọng khan đặc, dữ dằn:
- Em quên cái thằng Hạnh đó đi!
Mẹ ri rỉ khóc. Tiếng khóc của mẹ yếu ớt, mảnh hơn cả tiếng mèo hen sắp chết.
- Hạnh ơi cứu em!
Từng tảng mây đen sừng sững che tối khoảng trời. Đàn chim lợn nhao nhao ẹc ẹc ẹc ẹc, khạc, khạc khạc khạc, như chực khạc những cục máu đen vướng trong cuống họng tọng thẳng vào mặt mẹ. Ôi, mẹ của tôi. Còn gì nữa đâu, thiếu nữ tuổi trăng tròn.
Tiếng hát đồng dao của trẻ trâu hôm nào trêu anh Hải cọm: “Hai vợ chồng, chông vợ hài, lấy cái gai cài lỗ đít,...” ù ù bên tai mẹ. Nước mắt tứa tuôn thũng đuôi mắt, sũng ướt thái dương, đầm đìa mái tóc. Nước mắt khô để lại vầng thái dương sạn cát, mái tóc bết như một tảng bánh đa kê. Mắt mẹ ráo hoảnh. Mẹ không dám nghĩ tới về nhà. Không dám nghĩ đến ngày mai. Mẹ chẳng nghĩ gì cả. Mẹ không còn sức. Mẹ nghĩ tới Hạnh người yêu của mẹ. Nước mắt lại tứa ra, bất lực, mẹ chửi thề, mẹ chửi câm trong trí não. Mẹ chửi cái thằng chó đểu đang nằm bên cạnh mẹ mà mẹ chưa nhìn rõ mặt. Mẹ chửi, đồ quái vật ăn cướp xác thịt tao. Mày ăn cướp xác thịt tao, đè ngửa hãm hại tao cũng chỉ như con chó con mèo mà thôi. Người ta có nhau cho nhau là ở cái tình cái dạ cái lòng, mày làm sao chiếm được cái dạ cái lòng của tao, mày chỉ là con chó động đực, con quái vật cướp giật ban đêm. Mày đâu phải là con người, mày đâu biết giá trị cái điều ấy với con người, người với người người yêu nhau cho nhau, trao nhau, hiến dâng tự nguyện. Mày tưởng tao mất ư? Không đâu! Chỉ là một tai nạn. Một tai nạn bất ngờ. Một vết thương dù đau rồi cũng sẽ lành. Mày không cướp được sự diệu kỳ của tình yêu trinh trắng thiêng liêng đáng giá ngàn vàng của tao đâu, đồ súc sinh ạ!
Ngôn ngữ câm trong đầu mẹ như dầu trút thêm vào ngọn lửa căm thù đang bốc trong chính lòng mẹ. Mẹ nhổm lên, ngó thật gần cái khối đen đang nằm vật dưới đám cây ngô gãy nát ngáy gừ gừ. Mẹ căng mắt nhìn. Mẹ trố mắt, mẹ nhận ra, con quái vật biết nói tiếng Việt có tên gọi là Mã. Thật không thể tin nổi. Mẹ bạo dạn dùng tay xoa lên mặt hắn xem có phải kẻ nào đeo mặt nạ giả danh là Mã để chiếm đoạt mẹ, giấu tung tích. Nhưng không, chẳng có mặt nạ nào đeo trên mặt hắn. Đó chính là cái bộ mặt thật của tên cán bộ. Ông ta trần trụi không áo quần viên mãn hả hê ngáy gừ gừ. Trong khi những chàng trai và bao cô gái như Hạnh, như các anh các chị đang ở chiến trường bom đạn chiến đấu hy sinh. Những người ra trận gửi chính quyền hậu phương những người mẹ, những người em gái... Vậy mà, bọn râu xanh dê cụ ở lại làng bắt nạt đàn bà, hãm hiếp con gái. Không lẽ cứ cam chịu để chúng ăn hiếp hết người này đến người khác hay sao? Tất thảy đàn bà vẫn cứ phải chịu cảnh chị Dậu của nhà văn Ngô Tất Tố hay sao? Không! Ngày mai, nhất định ngày mai mẹ sẽ tố cáo, vạch trần bộ mặt thật của hắn trước bàn dân thiên hạ. Mẹ sẽ làm đơn tố cáo gửi lên huyện!
Lòng an ủi lòng vậy thôi, chứ, dù chỉ là một cô gái mười sáu tuổi nhưng mẹ cũng đủ hiểu đủ biết chứ. Mẹ biết chân lý thuộc về kẻ mạnh. Tố cáo. Nhân chứng đâu, bằng chứng đâu, ai sẽ tin mẹ khi mà hệ tư tưởng phong kiến hà khắc với phụ nữ vẫn còn đậm trong mỗi người? Chỉ cần mẹ hé lộ, tâm sự với ai đó, việc vỡ lở ra thì chính mẹ sẽ là người bị dân làng tẩy chay, ruồng bỏ trước tiên. Thế hệ trước, các chị như chị Hải, chị Năm, chị Mỵ, các chị là nạn nhân của bọn dâm tà bỉ ổi này. Bọn chúng đã làm các chị phải sống khổ chết cực. Các chị, không ai dám nói lên sự thật. Và xã hội, không ai dám đứng về phía các chị bảo vệ các chị. Chị Mỵ, chị Hải, chị Năm ơi, đến bao giờ phụ nữ mới thực sự được bảo vệ? Đến bao giờ phụ nữ mới thực sự được quyền bình đẳng với đàn ông?
Năm ngón tay mẹ lững thững, hững hờ bò lên ngực, lướt qua núm vú, lừ lừ xuống bụng, lần lần tới chỗ ấy nhầy nhụa, nham nháp, đau. Năm ngón tay dừng lại ở nơi này. Những ngón tay hờ hững nhấc lên áp xuống như người nghệ sĩ buồn sầu mệt mỏi, hờ hững gõ những phím dương cầm rời rạc. Mặt đất, dưới lưng mẹ, những gốc ngô sắc nhọn vẫn đang rỉ máu. Những gốc ngô sắc nhọn đau đớn đâm mẹ đau hơn. Mẹ buông nhả chiếc áo dài màu trắng đang nắm chặt trong tay, nó bồng bềnh nở như vòng hoa trắng bên cái xác là mẹ. Mẹ chong mắt nhìn sâu bầu trời. Đôi mắt như đôi mắt chết chưa có người vuốt lại. Đôi mắt mở to vô hồn nhưng vẫn nhận ra rằng, dù u ám, trời vẫn sáng hơn mặt đất. Trời sáng hơn mặt đất nhưng trời xa vời vợi, làm sao mẹ có thể đến nơi được, làm sao mẹ có thể chạy trốn được khỏi mặt đất này? Mẹ có thể chạy đi đâu? Mẹ có thể đến với nơi nào? Nơi nào sẽ đón mẹ, nơi nào sẽ giang tay bao bọc, che giấu mẹ?
Mẹ úp đôi bàn tay dây bẩn lên mặt. Bầu trời ơi hãy xám lại đi, hãy đen kịt như tro, và trăng, và sao hãy ngủ quên, hãy ẩn trốn hãy chui hết vào mây đen kia đi để mọi vật không còn là mọi vật, để cái thân hình sống sượng chềnh ềnh há hốc mõm, ngáy gừ gừ kia lẫn tan trong cái tối đất tối trời tối lòng đen dạ quỷ. Và mẹ nữa, mẹ không thấy mẹ, ai không thấy ai, khi ấy mẹ sẽ bỏ chạy. Mẹ không vào chùa hay cắt tóc đi tu, mẹ vào mặt trận làm thanh niên xung phong. Mẹ đi tìm Hạnh, ở bên anh, mãi mãi bên anh. Sẽ là, mãi mãi bên anh...
Tên Mã vẫn thản nhiên ngáy đều. Mẹ lê dần thân xác tới mép sông. Sông mênh mông như biển cả và đen ngòm, thỉnh thoảng bên kia sông đất lở xuống dòng nghe như tiếng cá kình quẫy. Gió từ nơi rất xa, cuồn cuộn từng cơn, từng cơn ùa về, hun hút hú ngỡ như tiếng khóc ai oán của những oan hồn. Trong thinh không gió lộng sông dài, thảng thốt đan xen cánh chim đơn chiếc lạc chốn về, cất tiếng kêu buồn thảm. Mẹ thấy sợ, thấy cô đơn, cô đơn hơn con chim kia khóc kêu lạc tổ, yếu mềm hơn chiếc lá trong bão giông. Chợt nhớ về bà, mẹ xoay người về phía đất liền, những cây phi lao đơn chiếc bên bờ ruộng dựng đứng những lá kim quật gió. Thảo mộc hoang vu cúi gục đầu bạt ngàn rì rầm như những con chiên tâm huyết nguyện cầu. Đêm hôm không biết con đi đâu, ở nhà, bà một mình một bóng lo lắng ngóng đợi con... Mẹ rùng mình sợ chết. “Ta phải về, ta phải về thôi”.
Nhưng, mẹ vừa chạy chưa được nửa bước, tiếng đàn ông ồm ồm như tiếng lão Đại Hải(1) bật lên:
- Này. Cứ thế em đi?
Mẹ giật thột. Sững lại. Đồ quỷ. Mã chìa cho mẹ chiếc áo con, trong màn đêm đen tối cái áo con quấn vòng quanh chiếc áo dài giống như một búi vỏ bào. Vẫn chưa hết bủn nhủn chân tay vì sợ, mẹ giật lấy mớ áo quần, lẩn trong bãi ngô, lần lượt mặc quần, xỏ áo, cài từng khuy.
Bãi ngô xanh lực lưỡng như đoàn quân chờ lệnh, rì rào. Mẹ căng thẳng bước từng bước giữa những luống ngô. Mồ hôi vã ra, mẹ sợ. Mẹ bước nhanh hơn. Mẹ chạy gằn. Khi vừa cảm giác có vẻ như đã an toàn, mẹ ào chạy. Nhưng Mã nhanh hơn. Mẹ chạy soàn soạt quạt vào lá ngô. Như gà mất trứng, Mã bật dậy, vội vã đuổi theo. Bước chân roàn roạt, đạp gục những thân ngô, thanh quản hắn ngân lên tự đắc:
- Em định bỏ tôi ư?
Nhưng mẹ vẫn chạy. Hắn rút ngắn khoảng cách rồi vươn người choàng hai tay vồ mẹ phía sau lưng, thở, đứng vững, siết chặt và thục mạng. Hùng hục và quần quật, quần nát “tiểu đoàn ngô”. Những thân ngô xanh mướt mỡ màng như những chàng lính trẻ măng tơ mơn mởn tuổi dậy thì gục ngã lên nhau tạo thành tấm thảm đệm dưới thân thể mẹ. Mã thô bỉ như con lợn phàm ăn háu đói vục mặt vào chậu cám, tợp, tợp. “Tiểu đội ngô” đau đớn, ứa máu nhựa in dấu lên thân thể nàng. Những chiếc lá măng tơ ram ráp, những cạnh lá sắc như dao cứa vào cổ vào mặt tên khốn nạn.
- Mẹ ơi cứu con! Mẹ ơi! - Mẹ muốn hét lên nhưng miệng lại câm lặng.
Con lợn no nê hổn hển thở.
Mẹ xộc xệch. Bơ phờ. Rũ rượi. Mẹ khều khào bỏ chạy...
- Em là của tôi. Của tôi rồi đấy! - Thứ âm thanh sắc nhọn như mũi dao vút theo nàng, cắm phập tim nàng.
Mẹ chết đứng, rít qua kẽ răng rất nhỏ:
- Thằng đê tiện!
Những hạt máu đỏ tươi gieo trên cát. Những giọt máu nhòe loang lổ như cánh hoa hồng tàn rụng in trên áo quần nhàu nhĩ. Nhàu nhĩ mang hình kim, như gai của những bông hồng.
Con Hoang Con Hoang - Lê Hồng Nguyên Con Hoang