Số lần đọc/download: 2903 / 22
Cập nhật: 2015-12-15 07:59:19 +0700
Chương 3
H
ai tuần lễ trôi qua từ ngày tôi trọ học nhà bác Phán. Mọi người đều đối xử với chị em tôi đầy tình thương mến, do đó, tôi dần dà quen đi với nếp sống mới và không còn buồn vì nỗi nhớ Huế nữa. Tôi có gửi thư cho Tuyết và Hoàng nhưng chưa thấy trả lời. Việc ghi danh vào học và những cuộc đi chơi đây đó, đã giúp tôi có thêm một số bạn mới, đó là những người bạn của chị Trinh cùng đến dự những cuộc vui do anh Trứ tổ chức, những lần đi chơi Lái Thiêu, đi Cấp… nhưng tôi vẫn cảm thấy hình như tâm hồn mình đang trống vắng, đang thiếu một cái gì, một ánh mắt, một lời nồng nàn săn đón, đó là Hữu, đó là người con trai đầu đời đã làm con tim tôi xao động thật sự, tôi thương nhớ mông lung, tôi mong ngóng từng ngày nhưng hình bóng Hữu vẫn biền biệt xa xôi. Từ lần gặp gỡ ban sơ đó, tôi không còn gặp lại Hữu nữa, nhiều lúc tôi định hỏi thăm anh Trứ về Hữu nhưng rồi lại ngập ngừng, tôi cảm thấy vô duyên quá khi hỏi đến một người con trai có thể nói là xa lạ đối với tôi, anh Trứ sẽ chế nhạo tôi, chị Quyên và chị Trinh sẽ trêu tôi hoài hoài dù tôi mới chỉ hỏi về Hữu có một lần chăng nữa, đó là điều mà tôi không thích chút nào. Tôi muốn sống cho riêng tôi trong cái tháp ngà tình cảm kín đáo, đừng ai hay, đừng ai biết niềm tưởng nhớ vừa manh nha trong tôi dành gửi đến một người.
Tiếng anh Trứ làm tôi giật mình:
- Ngọc, làm gì đó, ra anh nói cái này cho nghe.
Anh Trứ đang tươi cười vẫy tôi ngoài hàng hiên, tôi chạy ra:
- Chi rứa anh Trứ?
- Đi Mỹ Tho chơi không?
- Đi với những ai anh?
- Thì cũng như thường lệ, Minh, Phương, Đồng…
- Chị Quyên em có đi không anh?
- Lẽ dĩ nhiên là có.
Tôi bỗng thấy chán nản, những cuộc picnic không có Hữu trở thành vô vị, những lần ngồi trên xe mặc các bạn nói cười, tôi im lìm lặng lẽ như một chiếc bóng cô đơn. Tôi không muốn tái diễn lại cảnh đó nữa, tôi thích nằm nhà nghĩ tới Hữu, như vậy có lẽ thú vị hơn.
- Thôi em không đi mô anh Trứ, để em ở nhà trông nhà cho.
- Sao vậy Ngọc, em sợ không có ai trông nhà hả? Cần gì, mình khóa cửa lại, gửi chìa khóa cho bác Lễ tài xế ở sau nhà. Ba me anh lên Đàlạt chắc trưa nay cũng về tới mà.
Tôi vờ vỗ vào trán:
- Bữa nay em hơi nhức đầu, anh cho em ở nhà nghỉ nghe.
Anh Trứ có vẻ lo lắng:
- Em đau sao vậy? Để anh lấy thuốc em uống nhé.
- Thôi anh, em vừa uống viên Rhumex xong. Chúc anh và các bạn đi vui vẻ nghe.
Chị Quyên vừa vào tới:
- Răng? Ngọc không đi à?
Anh Trứ đáp thay tôi:
- Nó hơi nhức đầu, để nó ở nhà một bữa, thôi tụi mình đi.
Chị Quyên siết nhẹ tay tôi trước khi rời bước, tôi buông mình xuống chiếc fauteuil vẩn vơ nhìn lên trần nhà. Tâm trí tôi trống rỗng, đầu óc tôi như nhão rời bởi nhiều ý nghĩ lẫn lộn, những hình ảnh xen trộn diễn biến mất trật tự làm tôi chóng mặt. Tôi đứng dậy, bước ra sau vườn, cỏ trên lối đi còn đọng sương đêm, lành lạnh bước chân tôi. Chị bếp xách chiếc giỏ nhỏ từ cuối vườn hấp tấp đi lại:
- Ủa, cô không đi Mỹ Tho với cậu Trứ à?
- Bữa ni tôi mệt. Chị đi mô rứa?
Chị Bếp kéo chiếc khăn vắt lên vai quấn lên đầu:
- Thằng con út tôi đau nặng phải chở vào bệnh viện Nhi Đồng. Tôi đã xin cậu Trứ cho nghỉ một bữa. Tưởng cô đi chơi luôn với các cô cậu chớ, tôi vừa mới xuống nhà bác Lễ dặn coi chừng nhà đó, bây giờ có cô rồi, khỏi lo.
Tôi nửa đùa nửa thật:
- Rứa trưa ni lấy chi cho tôi ăn đây?
Chị Bếp như sức nhớ ra điều chi:
- Ấy chết, mà không lo, có bánh mì và đồ nguội trong tủ lạnh, cô ăn tạm nghe.
Tôi cười vỗ vai chị:
- Nói giỡn đó, tôi nhịn một bữa cũng chẳng chết ai, thôi chị mau về lo cho cháu.
- Dạ, cám ơn cô.
Tôi nhìn theo dáng chị Bếp đi vội vã, tưởng tượng đến đứa con chị xanh xao gầy guộc mà mới tuần trước đây, người em gái của chị từ Long An ẵm lên cho chị thăm, thằng bé sinh thiếu tháng, trông ốm yếu đến thảm hại. Trời về trưa, nắng lên cao nhuộm vàng cây lá trong vườn, ngôi vườn nhỏ xinh xắn thật hi hữu giữa cái thành phố ồn ào náo nhiệt này, nơi mà con người chen lấn nhau từng tấc đất căn nhà, từng miếng cơm manh áo. Tôi với tay ngắt một cành hoa thông thiên, màu hoa vàng rực rỡ nổi bật lên những ngọn lá thon dài xanh mướt đong đưa như thầm hỏi tôi: "Cô bé sao buồn vậy?". Vâng, tôi đang buồn, nỗi buồn không duyên cớ, hồn tôi như chùng xuống, tâm tư tôi ray rứt kỳ lạ. Hữu, anh có phải là nguyên nhân nỗi buồn đang dằn vặt trong em? Có tiếng lắc cắc trong bụi cây, tôi tò mò nhìn vào, bác Lễ đang dùng kéo tỉa nhánh ngọn lá hồng sâu.
- Kìa bác Lễ, bác nhiều nghề hí.
Bác Lễ giật mình ngẩng lên:
- Cô Ngọc, cô ra thăm vườn đó à? Gớm, đã lâu tôi mới thấy cô ra tận đây đó.
- Tại cháu bận quá đó bác.
- À, cô vừa mới nói gì vậy?
Tôi cười:
- Cháu nói bác nhiều nghề, vừa làm vườn, vừa lái xe.
Bác Lễ vui vẻ đứng lên, phủi mấy vết đất dính trên áo.
- Ông ở nhà dạo này bận công việc đấu thầu liên miên nên vườn tược càng ngày càng bị bỏ bê. Cỏ mọc tràn lan, còn mấy khóm hồng thì sâu ơi là sâu, giống ở Đàlạt đấy, ông quí lắm nên mỗi buổi sáng tôi phải săn sóc dùm ông. Cô nghĩ coi, công việc bề bộn, tôi không có thì giờ để nhổ ba cái cỏ dại, trông bê bối quá nhưng phải đành để vậy chứ biết làm sao.
Tôi góp ý kiến:
- Hồng giống Đàlạt mà răng hoa nhỏ ghê bác hí.
- Đất Sai gon mà, nóng như lửa, hoa nào mà chịu nổi, mấy khóm hồng này còn sống là may lắm đó.
- Thôi bác nghỉ tay đi, trưa rồi đó.
- Mời cô vào nhà tôi chơi nhé.
Tôi hỏi:
- Nhà bác đâu?
- Kia kìa.
Bác Lễ chỉ tay về phía cuối vườn, ngôi nhà gỗ màu trắng khuất sau hàng phượng vĩ um tùm, tôi buột miệng:
- Nhà bác nên thơ ghê đi.
Bác Lễ thu dọn đồ làm vườn vào một cái túi đeo lên vai:
- Cô đến chơi nhé.
Tôi theo chân bác Lễ băng qua con đường hẹp lát gạch, mầu đỏ đã sạm đen vì ẩm mốc rêu phong. Hoa phượng rụng đầy lối đi, tôi chợt thèm nghe một tiếng ve sầu, điệp khúc mùa hạ ngân vang rền rĩ trong những ngôi vườn hoa lá xanh um của vùng trời kỷ niệm nào đó giờ xa tít mù khơi… Những buổi sáng học bài thi bắc ghế ngồi dưới rặng nhãn lồng, bên hồ sen mát, nhạc ve như quen thuộc, như quấn quít không gian ngào ngạt vạn mùi thơm với hương cau thoảng nhẹ, hương hồng bì vương vấn say mê. Tôi khép hờ đôi mi, hít nhanh vào buồng phổi bầu không khí trong lành buổi sáng, bác Lễ đã bước lên bậc thềm mở cửa:
- Mời cô vào.
Ánh sáng hắt vào nhà, tôi thấy một bộ bàn ghế kê ở giữa và sát về phía bên phải, một chiếc giường tre trải chiếu nylon, ngoài ra không còn một bộ đồ vật nào cả. Bác Lễ cười hiền hòa:
- Cô ngồi chơi, để tôi đi lấy nước.
Tôi xua tay:
- Thôi bác, cháu vừa mới uống trà xong.
Bác Lễ vén bức màn gió nhìn vào trong nhà:
- Chuyên ơi, Chuyên.
Có tiếng dạ lớn. Tôi nhìn bác như thầm hỏi, Bác gãi gãi tai:
- Thằng con tôi, mới được biệt phái về làm ở nha Kiều lộ.
- Bác ở đây với anh ấy thôi?
- Vâng, mẹ nó mất sớm, hơn hai mươi năm tôi sống trong cảnh gà trống nuôi con. Thằng Chuyên vừa được biệt phái về, thiệt tôi mừng hết sức. Nhờ ơn Trời Phật.
Đôi mắt bác Lễ long lanh một niềm tin. Người con trai cao gầy từ bên trong bước ra gật đầu chào tôi.
- Cô đến chơi. Tôi có nghe ba tôi nhắc đến cô và người chị ở Huế vào đây trọ học. Cô là…
Tôi lúng túng:
- Dạ phải. Tôi là Ngọc, còn anh…
- Tôi là Chuyên, vừa ra khỏi đảng Kaki.
Chuyên cười, kéo ghế ngồi đối diện tôi:
- Cô Ngọc vào đây học Luật phải không?
- Răng anh biết?
- Trinh nói. Hình như Trinh sáng nay đi chơi đâu thì phải.
- Dạ, chị ấy đi Mỹ Tho với các bạn.
- Sao cô không đi?
- Tôi hơi nhức đầu, đi dạo trong vườn cho khuây khoả, tình cờ mới biết được nhà bác Lễ, ngôi nhà ở vào một vị trí thật nên thơ, tôi thích dễ sợ.
Chuyên ngạc nhiên:
- Dễ sợ…?
Tôi cố gắng giải thích:
- Ờ, đó là tiếng người Huế tôi thường dùng để chỉ một sự gì thái quá, có nghĩa là nhiều lắm, ghê lắm.
Chuyên hơi mỉm cười, tôi đưa tay chấm vào vệt nước trên bàn vẽ những đường vòng vô nghĩa để che dấu thẹn thùng, tính tôi thường hay mắc cỡ như vậy mỗi khi nói chuyện với người khác phái. Bác Lễ đem hộp mứt mận để lên bàn.
- Ăn mận uống nước trà cho vui cô Ngọc.
Có tiếng guốc khua nhẹ trên bậc thềm, chị Trinh bước vào nhà, tà áo xanh mát dịu cả gian phòng. Tôi ngạc nhiên:
- Ủa, chị không đi Mỹ Tho với chị Quyên à?
Chị Trinh mở sắc tay lấy khăn lau mồ hôi lấm tấm trên trán:
- Đi Mỹ Tho hoài chán thấy mồ, chị theo xe ra phố lấy cái áo rồi trở về đây.
Chuyên nhìn chị Trinh bằng đôi mắt khác lạ, tôi đọc được trong đó vẻ trìu mến thiết tha, nửa gần gũi, nửa xa vời như một buổi nào đó, tôi đã trông thấy một lần, ánh mắt người con trai bâng khuâng trao gửi, phải, đúng rồi, ánh mắt của Hữu nhìn chị Quyên. Tôi thoáng hiểu phần nào khi nghe giọng Chuyên lạc đi:
- Trinh…
Chuyên đang muốn nói chuyện riêng và tôi đương nhiên trở thành người thừa thãi, tôi đứng dậy kiểu từ:
- Chị Trinh ngồi chơi nghe, em lên phòng nằm nghỉ một chút.
Bác Lễ đang đào đất gieo những hạt giống, tôi đến cạnh bác:
- Bác trồng chi rứa bác?
- À, hoa mồng gà cô. Cô thích chứ?
Tôi lắc đầu:
- Hoa mồng gà hữu sắc vô hương, cháu không ưa lắm mô.