In order to heal others, we first need to heal ourselves. And to heal ourselves, we need to know how to deal with ourselves.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: David Zierler
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 11
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1188 / 27
Cập nhật: 2017-09-08 16:30:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Giới Thiệu
rong bốn năm qua, tác giả đã tìm hiểu về lịch sử sử dụng chất 2,4- D (a xít 2,4-dichlorophenoxyacetic) và chất 2,4,5 -T (a xít 2,4,5 -trichlorophenxyacetic). Các nhà sinh lý học thực vật đã xếp những hóa chất tổng hợp này vào loại những chất kích thích thực vật chọn lọc trong họ thuốc diệt cỏ phenocyacetic. Đây là dòng hóa chất đầu tiên được các nhà khoa học tổng hợp nhằm diệt trừ “cỏ dại”, tức mọi loài thực vật vô ích hoặc làm giảm năng suất cây trồng của con người.
Những khám phá tiền thân của thuốc diệt cỏ hiện đại xuất phát từ phòng thí nghiệm của Charles Darwin. Những năm cuối đời, Darwin phát hiện ra rằng có một cơ chế tự thân nào đó hướng cho thực vật vươn về phía ánh nắng mặt trời và nguồn nước. Sau này, các nhà khoa học châu Âu và Mỹ gọi cơ chế này là hệ hormone thực vật. Ngay trước thế chiến thứ II, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng một số hóa chất tổng hợp có thể đẩy nhanh sự phát triển của cây - và nếu dùng với nồng độ cao thì có thể làm cây chết. Các chất 2,4 - D và 2,4,5 -T được hấp thu qua lá cây và hủy hoại hormone thực vật. Vài ngày sau, những cây tiếp xúc với các chất này trở nên mất kiểm soát, phát triển cực nhanh cho đến khi lá cây khô héo, ngả màu nâu rồi rụng.
Tác dụng hóa sinh của những chất diệt cỏ này không mang tính đặc hiệu: vì hiện chưa có quy chuẩn quốc tế nào phân biệt “cỏ dại” và các loại thực vật khác. Vai trò của chất này như thế nào tùy thuộc vào việc con người muốn khống chế thứ gì trên mảnh đất của họ. Ở các nông trường, chất 2,4 - D và 2,4,5 - T giúp trừ cỏ dại trên đất canh tác và đồng cỏ chăn nuôi. Sau thế chiến thứ II, thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu đã giúp tăng mạnh sản lượng nông nghiệp trên khắp thế giới trong thời kỳ Cách mạng Xanh. Ngày nay, thuốc diệt cỏ vẫn được sử dụng rộng rãi trong nông nghiệp, quản lý rừng và chăm sóc cỏ với lượng sử dụng tới hơn một tỷ ga-lông mỗi năm.
Trọng tâm của cuốn sách này khắc họa một khía cạnh đã đi vào lịch sử của thuốc diệt cỏ. Trong suốt chiến tranh Việt Nam, quân đội Mỹ đã trộn 2,4 -D và 2,4,5 -T, theo tỉ lệ 50:50 thành hợp chất có tên gọi Chất Độc Da Cam, chất này đã làm trụi lá khoảng năm triệu héc-ta rừng để làm lộ diện những người cộng sản (Việt Cộng) dưới ngọn cờ Mặt trận giải phóng dân tộc miền Nam Việt Nam. Từ năm 1961 tới 1971, chiến dịch phun chất khai quang Ranch Hand (Bàn tay nông dân) không chỉ nhắm tới một số loại cỏ nhất định mà cả toàn bộ hệ sinh thái. Ở Việt Nam, rừng cũng bị đánh đồng với cỏ (dại).
Mục đích sử dụng thuốc diệt cỏ trong lĩnh vực nông nghiệp và quân sự hoàn toàn khác nhau: một bên là hướng tới việc tăng sản lượng nông nghiệp, một bên là để giành thắng lợi trong chiến tranh. Nhưng điểm chung là đều muốn dùng hóa chất để tiết kiệm sức người. Người nông dân muốn ngăn cỏ dại phá hoại mùa màng sử dụng thuốc diệt cỏ để tiết kiệm chi phí so với nhổ cỏ bằng tay. Đối với Tổng thống John F. Kennedy, người quyết tâm không để cộng sản tiếp quản chính phủ miền Nam, cuộc chiến thuốc diệt cỏ nghĩa là dùng tác nhân hóa học để chống lại Việt Cộng. Kennedy tìm kiếm những biện pháp tiên tiến để vô hiệu hóa chiến thuật phục kích của Việt Cộng như một phần trong kế hoạch đàn áp quy mô lớn. Chiến lược của ngài tổng thống hết sức giản đơn: không dùng bộ binh để đáp trả chiến thuật du kích, vốn được xem thế mạnh duy nhất của Việt Cộng, mà dùng các chất hóa học.
Dưới thời tổng thống Lyndon B.Johnson, cuộc chiến thuốc diệt cỏ được mở rộng đáng kể: Trong chương trình kéo dài mười năm, chỉ từ 1966 đến 1969, lính Ranch Hand đã rải mười lăm trên tổng số hai mươi triệu ga-lông thuốc, tức là 75%. Sự leo thang này nói chung là do sự “Mỹ hóa” chiến tranh sau năm 1965, làm mở rộng tất cả các hoạt động quân sự của Mỹ ở Việt Nam, nhưng đặc biệt là vì Johnson không coi việc sử dụng thuốc diệt cỏ của người tiền nhiệm như một bài học, trái lại còn tiếp tay cho chiến tranh lan rộng. Hiệu ứng phá hủy hàng loại của cuộc chiến thuốc diệt cỏ bị gọi là “Diệt chủng môi trường”, cái tên được đặt bởi các nhà khoa học phản đối hình thức chiến tranh này từ năm 1964, đây cũng là những người giành được quyền tới kiểm tra những ảnh hưởng của thuốc đối với Việt Nam vào sáu năm sau. Họ phát hiện thấy không chỉ “cỏ” biến mất mà môi trường sống cũng bị tàn phá - và viễn cảnh rằng chính những chất hóa học ấy có thể làm hại con người và động vật đã lờ mờ hiện ra.
Sự tranh cãi kéo dài về thuốc diệt cỏ đã đảo lộn một phần quan trọng chính sách hòa hoãn của Tổng thống Richard M.Nixon nhằm giảm bớt căng thẳng trong chiến tranh lạnh với các nước cộng sản trên thế giới. Một trong những sáng kiến giảm căng thẳng của Nixon là đưa nước Mỹ lên lãnh đạo chủ trương cấm phổ biến toàn cầu các vũ khí hóa sinh học. Cuối cùng, Nixon đã đơn phương chấm dứt chương trình vũ khí sinh học của quân đội Mỹ. Cuối năm 1969, Nixon thông báo kế hoạch tái đệ trình Nghị định Geneva 1925 để Thượng viện thông qua. Hiệp ước quốc tế này buộc các nước ký kết không được sử dụng vũ khí hóa học và sinh học trong chiến tranh. Thông cáo chỉ ra rằng việc sử dụng “các khí gây ngạt, khí độc hay các loại khác, và tất cả những chất lỏng, vật liệu và thiết bị tương tự đã bị dư luận thế giới văn minh lên án”.
Sáng kiến của Nixon đã giúp những người phản đối chiến dịch Ranch Hand có một cơ sở lý tưởng để kết thúc chiến tranh diệt cỏ ở Việt Nam và ngăn chặn các cuộc chiến tương tự trong tương lai. Họ thuyết phục Ủy ban Thượng viện về Quan hệ đối ngoại (SCFR) lồng ghép việc từ bỏ chiến tranh diệt cỏ vào nghị định Geneva. Nixon bác bỏ đề nghị, viện dẫn cơ sở pháp lý đã từng được đưa ra lần đầu dưới thời Kennedy rằng: Hiệp ước Geneva chỉ cấm các loại vũ khí gây chết hay có hại cho người, chứ không phải thực vật. Điểm mấu chốt ở đây là trong suốt thời chiến, sự phá hủy sinh học đối với thực vật - nền tảng của hệ sinh thái - đã không được lưu lại để làm bằng chứng cho việc vi phạm điều ước quốc tế. Về phương diện sinh thái, lập luận mà họ đưa ra hầu như không thuyết phục chút nào vì thuốc diệt cỏ được rải với số lượng lớn rõ ràng sẽ không chỉ làm hại thực vật. Hơn nữa, các nhà khoa học cũng lập luận rằng những loại thuốc diệt cỏ này được sản xuất dễ dàng với chi phí không cao, nên được coi là “vũ khí hủy diệt hàng loạt” hoàn hảo, theo thuật ngữ hiện đại, bởi vì hầu như bất cứ nhà nước hoặc thủ lĩnh phong trào cách mạng nào cũng có thể thực hiện chiến tranh diệt cỏ, miễn là ở nơi đó, điều kiện hệ sinh thái và chiến thuật của đối phương khiến cho việc khai quang lãnh thổ trở thành lợi thế.
Các nhà khoa học đã chiếm ưu thế, nhờ sự ủng hộ từ các thành viên quyền lực trong Quốc hội, như J.William Fulbright, Edward Kennedy, và những người phản đối sự phá hủy sinh học mà quân đội Mỹ đã thực hiện tại Việt Nam, lẫn bản thân cuộc chiến tranh. Trước khi Đạo luật về quyền chiến tranh được ban hành vào năm 1973, sự tranh cãi xung quanh thuốc diệt cỏ là một cơ hội lý tưởng để đấu tranh giành thắng lợi. Vào thời điểm đó, nhiều nhà lập pháp muốn kéo Mỹ khỏi Việt Nam và hạn chế quyền lực chiến tranh của quân đội. Sau một thời gian bế tắc kéo dài, vào năm 1975 Tổng thống Gerard R.Ford chấm dứt việc sử dụng thuốc diệt cỏ trong chiến tranh, đi ngược lại lời khuyên của các quan chức quân sự, những người vẫn tin tưởng rằng sử dụng thuốc diệt cỏ là chiến lược tốt cho các cuộc chiến trong tương lai. Bằng việc diễn đạt khẩu hiệu phản đối chiến tranh “Không để có Việt Nam nào nữa!” theo ý nghĩa sinh thái học, các nhà khoa học đã chính thức hóa khía cạnh đạo đức về vấn đề môi trường xuyên quốc gia thành luật quốc tế. Phong trào khoa học chống lại Chất độc da cam phát triển, vượt trên và góp phần chống sự phân chia lưỡng cực trong chiến tranh lạnh, vốn là căn nguyên làm phát sinh chiến tranh diệt cỏ.
Cuốn sách này chủ yếu lý giải vì sao các nhà khoa học đã kết thúc được chiến tranh diệt cỏ. Họ đã đạt được thành tựu đặc biệt trong phong trào phản chiến đa dạng và rộng khắp, các thành viên phong trào đã yêu cầu chính phủ Mỹ phải thay đổi chính sách tại Việt Nam. Cá nhân tác giả cho rằng chiến dịch khoa học phản đối Chất độc da cam thành công là nhờ chiến dịch này rơi vào đúng thời điểm chuyển giao chính trị ở Mỹ cuối những năm
1960, đầu những năm 1970: (1) Sự sụp đổ của chủ nghĩa can thiệp chống Cộng vốn tiêu biểu cho chính sách đối ngoại của Mỹ; và (2) ngày càng có nhiều người quan ngại rằng những tác động vào môi trường sẽ lan ra quy mô toàn thế giới, mối đe dọa tới hòa bình và thậm chí cả sự sống còn của loài người. Tất nhiên, cả hai sự chuyển biến này đều vượt ra ngoài những tranh cãi xung quanh thuốc diệt cỏ. Nếu không có chiến dịch Ranch Hand, những vấn đề về chính trị, đạo đức và chiến lược của chiến tranh Việt Nam cuối những năm 1960 có thể đã khiến chính sách vây chặn khối cộng sản của Mỹ không nổi rõ đến vậy. Và nếu như thuốc diệt cỏ vẫn chỉ được dùng trong nông lâm nghiệp tại Mỹ, thì các nhà hoạt động môi trường và giới khoa học hẳn sẽ cảnh báo nguy cơ thảm họa sinh thái trong tương lai, như kiểu họ đã từng làm vào Ngày Trái Đất đầu tiên vào năm 1970.
Chiến dịch của các nhà khoa học quan trọng không chỉ bởi nó giúp dự báo những sự thay đổi này mà còn bởi nó kết nối chúng lại với nhau, giúp mở rộng và tái định hình ý nghĩa của an ninh quốc tế, không chỉ bó hẹp trong mục đích chủ yếu trước đây của Mỹ là xóa bỏ mối đe dọa từ cộng sản. Thành tựu này là một dự báo chính trị xảy ra vào thời điểm ngẫu nhiên. Các nhà khoa học, đứng đầu là ngài Arthur Galson của Đại học Yale, đã trình bày về chất hủy diệt sinh thái ở Việt Nam như sản phẩm của một cuộc chiến tranh tàn phá vô nhân đạo và là điềm báo về hệ sinh thái lệch lạc xây dựng trên nền kỹ thuật công nghệ. Phần sau sẽ liên kết các xu hướng của cuộc chiến tranh lạnh trước sự chuyển mình của Việt Nam và ý thức về các vấn đề môi trường thời hậu chiến tranh vốn trước đây được phân tích hoàn toàn riêng rẽ trong các tài liệu lịch sử môi trường và ngoại giao.
Tác giả bắt đầu tìm hiểu về Chất độc da cam và chiến tranh diệt cỏ để trả lời cho câu hỏi lịch sử lớn hơn: Mối liên quan giữa các vấn đề sinh thái và quan hệ quốc tế là gì? Từ góc nhìn của một nhà chép sử, tác giả thấy vấn đề này hầu như chưa được soi xét, bởi: rất ít các nhà nghiên cứu lịch sử môi trường viết về quyền lực chính trị, còn các nhà lịch sử ngoại giao thì hầu như không quan tâm tới mối tương quan giữa văn hóa và biến đổi khí hậu. Tác giả thực hiện dự án này với mục đích đáp ứng lời kêu gọi bức thiết từ cả hai ngành, là thúc đẩy việc nghiên cứu vượt khỏi giới hạn truyền thống. Trong những năm gần đây, các nhà sử học đã có nhiều đột phá để thu hẹp khoảng trống này, đặc biệt là trong lĩnh vực chiến tranh, ngoại giao và tác động môi trường.
Tác phẩm này tìm hiểu về những tranh cãi xung quanh thuốc diệt cỏ và coi đó là cơ sở để nắm bắt ý nghĩa của an ninh toàn cầu trong bối cảnh Chiến tranh Việt Nam. Những nhà khoa học phản đối chiến tranh diệt cỏ đã tập trung vào việc tạo ra một tầm nhìn mới về an ninh môi trường, xuất phát từ việc chấm dứt chiến tranh lạnh và hệ tư tưởng lưỡng cực. Vấn đề cấp thiết đặt ra hiện nay là, nếu không thể duy trì sức khỏe hệ sinh thái thì nhân loại có nguy cơ đối mặt với các thảm họa toàn cầu như chiến tranh tài nguyên, sự nóng lên của Trái Đất, hạn hán hay nhiều loại tuyệt chủng hàng loạt. Trên cơ sở lập luận rằng Chiến dịch Ranch Hand và những diễn biến trong tương lai có thể sẽ hủy hoại sự cân bằng sinh thái của hành tinh, các nhà khoa học đã giúp luật hóa những vấn đề môi trường toàn cầu để làm cơ sở chính cho chính sách quốc gia và ngoại giao quốc tế của Mỹ, mà điển hình là việc thành lập Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) vào năm 1972.
Tuy vậy, thành tựu của các nhà khoa học vẫn phần nào chưa trọn vẹn vì họ đã không thể ngăn chiến tranh diệt cỏ vào thời kỳ cực thịnh của nó, dù họ đã tập trung theo đuổi việc này từ sau năm 1964. Nếu chính phủ và các quan chức quân đội dừng chương trình tại thời điểm đó, thì chiến dịch Ranch Hand vẫn chỉ là một chương trình nhỏ, chủ yếu mang tính thử nghiệm. Chiến dịch sẽ chỉ tác động tới một diện tích đất khá nhỏ. Nhưng trên thực tế, chiến tranh diệt cỏ đã cùng leo thang với chiến tranh toàn diện.
Lý do nhất quán về chiến tranh diệt cỏ mà quân đội Mỹ lặp đi lặp lại suốt cuộc chiến là: việc sử dụng thuốc diệt cỏ cải thiện tầm nhìn ngang và từ trên xuống ở địa hình rừng, gây khó khăn cho quân du kích khi tiếp tế cho lực lượng hay tấn công binh sĩ, các đoàn xe và căn cứ Mỹ. Theo lý lẽ đó, chiến dịch Ranch Hand mở rộng phạm vi lẫn cường độ phun thuốc trong thời kỳ cao điểm chiến tranh từ năm 1966 tới 1970. Quân đội cho rằng, chiến tranh diệt cỏ sẽ giúp chiến tranh kết thúc nhanh chóng và phục hồi vinh quang cho chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Chiến lược của các nhà hoạch định chính sách ở Mỹ, và niềm tin chắc chắn của quân đội vào vai trò chiến tranh diệt cỏ khiến Chất độc da cam và những hậu quả phức tạp của nó chắc chắn vẫn là vấn đề nóng bỏng vài chục năm sau khi chiến tranh Việt Nam đã kết thúc.
Những hậu quả mà chất độc da cam gây ra cho sức khỏe của hệ sinh thái và con người vẫn luôn là một chủ đề được quan tâm nghiên cứu. Các chuyên gia y tế tiếp tục tranh luận rằng rất nhiều bệnh - bao gồm ung thư, tiểu đường và dị tật bẩm sinh ở những người dân Việt Nam, cựu chiến binh Mỹ và Việt Nam, thậm chí cả con cháu của họ - đều bắt nguồn từ việc tiếp xúc với Chất độc da cam. Mối quan tâm này không chỉ giới hạn trong những người trực tiếp tham gia chiến tranh. Các nhà sinh thái học của chính phủ Việt Nam cũng như các tổ chức phi chính phủ (NGO) phương Tây vẫn tiếp tục xác định và khắc phục những thiệt hại sinh thái do chiến tranh diệt cỏ. Từ năm 1976, chính phủ Việt Nam thống nhất bắt đầu công cuộc tái phủ màu xanh tại những khu vực nông thôn từng bị phun thuốc dày đặc. Chương trình đã đạt được những thành tựu đặc biệt. Khu vực rừng đầm lầy ven biển, hay còn gọi là rừng đước ngập mặn, mặc dù đã hứng chịu hậu quả chiến tranh lớn nhất trong khu vực, nhưng đã phục hồi gần như hoàn toàn. Một nhà khoa học của chính phủ Việt Nam, Phùng Tửu Bôi, đã có một phương pháp tài tình để bảo vệ rừng nhiệt đới bản địa trước sự xâm lấn của những giống cây ngoại, vốn cắm rễ tại đây khi những cây ưu trội chết do bị phun thuốc độc. Giáo sư Bôi đã cho trồng những giống cây ngoại có giá trị thương phẩm cao để che bóng cho đến khi cây con nội địa đủ sức hấp thụ trực tiếp ánh nắng mặt trời. Cư dân vùng lân cận có thể thu hoạch cây che bóng để bán.
Chiến dịch Ranch Hand cũng đã tạo ra những “điểm nóng” ở những khu vực bị phun nhiều thuốc và những bãi kho từng chứa hàng ngàn container thuốc diệt cỏ. Dioxin, (viết tắt của chất 2,3,7,8 - tetrachlorodibenzo-para-dioxin - hay TCDD, là một sản phẩm phụ độc hại của loại 2,4,5-T chuyên dụng trong quân sự - tồn tại dai dẳng trong những khu vực này. Hợp chất kỳ lạ và nguy hiểm này đã khiến Chất độc da cam trở nên nổi tiếng, trong khi ít người nghe về những thuốc diệt cỏ như Chất Xanh (một loại thuốc diệt lúa làm từ thạch tín) và Chất Trắng (chứa chủ yếu chất 2,4-D, vẫn được sử dụng rộng rãi để trừ cỏ dại cho các bãi cỏ trồng và trong nông nghiệp). Phần lớn các nhà khoa học Việt Nam tin rằng các “điểm nóng dioxin” là nguyên nhân gây dị tật bẩm sinh ở hàng nghìn người dân. “Làng Hòa Bình” Việt Nam, nơi chăm sóc người lớn trẻ em bị dị tật bẩm sinh, và hình ảnh trong những triển lãm lịch sử đã cho chúng ta thấy rằng những người không sống trong thời chiến lại trở thành nạn nhân của chiến tranh diệt cỏ (hình 1). Các nhà khoa học phương Tây tuy còn hoài nghi về mối liên hệ này nhưng vẫn kêu gọi nghiên cứu thêm, nhất là khi một số nghiên cứu phát hiện trong cơ thể người dân sống gần “điểm nóng da cam” có lượng TCDD tăng cao.
H1
Người ta cũng còn nghi ngờ về hậu quả của chiến tranh diệt cỏ đối với sức khỏe và những người lính Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam. Những người cho rằng một số bệnh ung thư hay rối loạn gen di truyền có liên quan tới việc tiếp xúc Chất độc da cam có thể truy ngược lại nhu cầu quân sự của Mỹ trong thời điểm chiến tranh leo thang.
Từ giữa tới cuối những năm 1960, Lầu Năm Góc đặt hàng số lượng thuốc diệt cỏ vô cùng lớn, vắt kiệt năng lực sản xuất của Dow, Monsanto và các công ty hóa chất khác. Để đáp ứng được chỉ tiêu, những công ty này cố gắng sản xuất thật nhanh chóng và đôi khi bỏ qua một số quy trình sản xuất tiêu chuẩn. Điều quan trọng nhất là, những đơn đặt hàng của quân đội buộc các nhà sản xuất phải “chế biến” 2,4-D và 2,4,5-T ở nhiệt độ cao hơn bình thường. Theo như một nghiên cứu độc tính đã lưu ý, lượng dioxin sản sinh trong quá trình sản xuất 2,4,5-T “có thể được giảm thiểu nếu tuân thủ các quy tắc nhiệt độ, áp suất và điều kiện hòa tan, nhưng khi quá trình sản xuất vượt khỏi tầm kiểm soát, thì lượng TCDD sinh ra sẽ vô cùng lớn”. Theo một quan chức Mỹ, các sĩ quan quân đội biết tới dioxin vào thời kỳ cao điểm chiến tranh. James Clary, một nhà khoa học Không Quân Mỹ (USAF) đóng tại Việt Nam, đã viết thư gửi cựu thượng nghị sĩ Tom Daschle vào năm 1988 như sau:”Khi chúng tôi khởi xướng chương trình chiến tranh diệt cỏ vào những năm 1960, chúng tôi đã nhận thức được những thiệt hại tiềm tàng từ chất độc dioxin trong thuốc. Chúng tôi thậm chí còn biết khi sản xuất cho quân đội, thuốc diệt cỏ sẽ có nồng độ dioxin cao hơn để có chi phí thấp hơn và tốc độ sản xuất nhanh hơn. Tuy thế, thuốc sản xuất ra là để tiêu diệt kẻ thù nên không một ai trong chúng tôi thực sự quan tâm tới điều đó”. Xét về mặt thống kê, tiết lộ hiếm hoi duy nhất này đã không đủ để phản ánh những vấn đề tiềm ẩn mà Clary nhìn nhận.
Các nghiên cứu dịch tễ học trên các quân nhân Mỹ từ hai mươi năm trở lại đây vẫn chưa thể tìm ra một mối liên hệ thuyết phục giữa Chất độc da cam và bệnh ung thư cũng như các loại bệnh khác mà binh sĩ cho là do thuốc diệt cỏ gây ra.
Nhưng logic này cũng dễ dàng bị lật lại: Không ai có thể quả quyết rằng bệnh tật của những người lính Mỹ không phải do Chất độc da cam; Và vì thế, theo quan điểm của tác giả, chính phủ Mỹ và các nhà sản xuất cũng không thể tránh được tội cẩu thả trong việc mua bán và rải một lượng lớn hợp chất mà độc tính của nó chưa được nghiên cứu kỹ trong suốt thời kỳ chiến tranh hay thậm chí đến tận bây giờ. Đây chính là cơ sở chính cho ra đời Đạo luật về Chất độc da cam năm 1991, trong đó chính phủ Mỹ cam kết điều trị cho những binh lính Mỹ mang bệnh “được giả định là” do tiếp xúc với Chất độc da cam.
Alvin L. Young, nguyên là nhà khoa học làm việc cho dự án của Không Quân Mỹ, đã nghiên cứu sâu về Chất độc da cam và di chứng của nó và tiến xa thêm một bước. Ông vận dụng chiến lược có thể coi là khôn ngoan nhất để tránh việc chứng minh hậu quả vốn đang gặp khó khăn: “Việt Nam và Chất độc da cam giờ không chỉ là vấn đề chính sách công mà còn liên quan tới y học và khoa học. Chúng ta đã có nhiều chính sách hỗ trợ binh lính của chúng ta, như thế là đúng đắn. Nhưng chính phủ Mỹ cũng nên nhìn nhận rằng nhiều quân nhân Việt Nam cũng có nguy cơ mắc một loạt bệnh tật do trận chiến ấy. Vậy tại sao chúng ta không điều trị và trợ cấp cho tất cả binh lính hai nước mà cứ phải tập trung vào Chất độc da cam?”.
Điều đáng chú ý là, giải pháp này rất giống quan điểm chính sách của một nhà ngoại giao làm việc tại đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội. Ông đã đồng ý chia sẻ với tác giả với điều kiện không tiết lộ danh tính. Ông cũng là một chuyên gia về vấn đề ý tế công cộng và phát triển. Ông cho biết: “Cái nghèo vẫn tồn tại nhiều nơi tại Việt Nam, và vẫn còn biết bao khó khăn trong việc xác định chính xác ai là nạn nhân Chất độc da cam. Vậy tại sao chúng ta phải phí công sức lẫn tài nguyên chỉ để ngăn cản những người này không được nhận gói cứu trợ rộng rãi hơn từ Washington?” Đây là hướng đi tốt nhất để tiến tới bình thường hóa hoàn toàn quan hệ hai nước, một bước quan trọng để có được ngày nay.
Chất độc da cam là một chủ đề lịch sử nhưng đáng ngạc nhiên là nó ít được các nhà sử học quan tâm. Tuy nhiên, các nhà sử học lại viết nhiều về các chất hóa học và chính sách quốc gia của Mỹ. Hai điển hình tiêu biểu là Thomas Dunlap với cuốn DDT: nhà khoa học, nhân dân và chính sách công (lời dịch giả: DDT là tên một loại thuốc diệt côn trùng được phát minh bởi một nhà hóa học Thụy Sĩ, Paul Miller vào năm 1938. DDT bị cấm sử dụng vào 30 năm sau đó bởi những hậu quả gây ra cho thiên nhiên, con người); Edmund Russell với cuốn Chiến tranh và thiên nhiên: Con người và côn trùng chiến đấu chống lại hóa chất từ chiến tranh thế giới thứ nhất và cuốn Mùa xuân im lặng. (Lời dịch giả: Mùa xuân im lặng là cuốn sách của tác giả Rachel Carson xuất bản lần đầu năm 1962. Cuốn sách được sử dụng rộng rãi trong các phong trào bảo vệ môi trường). Trong cuốn sách của mình, Dunlap nghiên cứu về mối tương quan phức tạp giữa kiến thức khoa học và mối lo ngại của người dân trước sự phơi nhiễm rộng rãi thuốc trừ sâu. Cũng như cuốn DDT, dự án này cực thịnh vào đầu những năm 1970, khi chính phủ và các nhà sản xuất giành được thắng lợi môi trường trước đám côn trùng và cỏ dại bằng chất hóa học. Khác với những thảo luận của Dunlap về sự tham gia của người dân, dự án này không điều tra sâu về phản ứng của công dân trước những tranh cãi về Chất độc da cam. Sự khác biệt này là do nhiều nguyên nhân.
Quỹ Bảo Vệ Môi Trường gồm những nhà khoa học và dân thường đi đầu các cuộc thập tự chinh cấm thuốc DDT. Không có một lực lượng nào như vậy trong suốt thời kỳ tranh cãi về thuốc diệt cỏ. Và cũng không có một tác phẩm văn học nào có sức nặng như cuốn Mùa xuân im lặng để thu hút sự quan tâm của dân chúng. Các nhà khoa học đang nỗ lực chấm dứt chiến tranh thuốc diệt cỏ đã không hợp sức với người dân có cùng mối quan tâm với họ, mà cũng không dành nhiều công sức để tác động vào nhận thức công chúng trong suốt chiến dịch. Thay vào đó, họ tập trung tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức khoa học, bao gồm cả Hiệp hội vì sự tiến bộ của khoa học Mỹ (AAAS). Tiếp đến họ tạo mối quan hệ tốt với các cơ quan chính phủ và quân sự để đảm bảo việc đi lại ở những vùng có chiến sự tại Việt Nam được an toàn, tạo điều kiện cho việc nghiên cứu các tác động của chiến tranh diệt cỏ. Cuối cùng, các nhà khoa học tập trung tìm hiểu quy tắc quốc tế xung quanh Nghị định thư Geneva 1925. Họ cho rằng hiệp định này là con đường tốt nhất để đi đến chấm dứt hành động chiến tranh trên danh nghĩa đã lan ra phạm vi quốc tế. Với chiến lược như vậy, các nhà khoa học cho rằng việc tham gia các tổ chức với các chiến dịch môi trường “khua chiêng gióng trống” là hoàn toàn không quan trọng.
Khác với DDT, vào đầu những năm 70, “Chất độc da cam” không phải là một thuật ngữ quen thuộc, mà chỉ là một mật danh trong chiến tranh, để chỉ một hợp chất hóa học dạng lỏng mà quân đội sử dụng ở bên kia bán cầu.
Cuối những năm 1970, ngay trước khi Chất độc da cam trở thành tên gọi ngắn cho tất cả các loại thuốc diệt cỏ sử dụng trong chiến dịch Ranch Hand lẫn loại hợp chất 2,4,5-T có chứa dioxin, các phóng viên thường gọi các loại thuốc diệt cỏ này là “chất da cam, chất trắng và chất xanh”.
Trong hoàn cảnh đó, chất độc da cam chưa có tên gọi riêng. Chẳng mấy người Mỹ biết về mức độ sử dụng thuốc diệt cỏ ở quê hương họ, chứ chưa nói gì tới Việt Nam. Những gì họ biết về chương trình rải thuốc ở Việt Nam là từ những bài báo nghiên cứu dựa trên những phát hiện của các nhà khoa học và sự vận động hành lang tiếp theo đó ở Washington khi chiến tranh lắng xuống. Mặc dù Rachel Carson nhắc đến mối nguy tiềm ẩn của thuốc diệt cỏ trong cuốn Mùa xuân im lặng, nhưng bà chủ yếu nói về DDT, hóa chất diệt muỗi (bà cáo buộc loại thuốc này giết chết các loài chim, khiến cho mùa xuân cũng trở nên im lặng). Hợp chất này đã gây chấn động hàng triệu người Mỹ, ngay cả tổng thống Kennedy cũng tỏ sự quan tâm tích cực đến vấn đề này.
Chiến dịch Ranch Hand không được công chúng biết đến như những gì Carson đã làm với DDT. Chất độc da cam chỉ được chú ý nhiều từ cuối thập kỷ, khi các người lính Việt Nam bắt đầu phát nhiều bệnh có khả năng do phơi nhiễm thuốc diệt cỏ. Những nhà khoa học hoài nghi về sự cáo buộc này và tỏ ra bàng quan với vụ kiện. Vào thời điểm đó, các luật sư biện hộ lao vào một trong những vụ kiện phức tạp và kỳ lạ nhất trong lịch sử nước Mỹ. Trước khi Chất độc da cam”trở lại” nước Mỹ, khiến nhiều người lính trở về nước với bệnh tật và ám ảnh chiến tranh, khó có thể tin rằng các nhà khoa học chịu thay đổi chương trình mà lao vào chiến dịch tuyên truyền để tranh thủ sự ủng hộ của công chúng. Không phải là họ không nhìn thấy giá trị của việc đó. Nhưng tính cấp thiết của vấn đề buộc các nhà khoa học phải ưu tiên tập trung vận động những nhà hoạch định chính sách nào phản đối mạnh mẽ chiến tranh Việt Nam và nhận ra mối quan hệ giữa chiến tranh với tới các vấn đề sinh thái và an ninh quốc tế. Các nhà khoa học để các tổ chức khác làm thay việc vận động quần chúng, tiêu biểu là những người đã tổ chức ngày Trái Đất đầu tiên. Họ đã nhắc tới sự tàn phá mà chiến tranh diệt cỏ gây ra tại Việt Nam trong buổi diễn văn khai mạc năm 1970.
Mặc dù trình tự thời gian của cuốn sách này đi song song với DDT của Dunlap, tác giả cũng tiếp tục phần việc Edmund Russel dừng lại trong cuốn Chiến tranh và thiên nhiên. Russel đã miêu tả sống động cách các nhà khoa học và các nhà nghiên cứu trong quân đội vô tình cùng nhau tìm ra hóa chất có thể giết chết cả con người và côn trùng. Theo ông, sự tương đồng giữa thuốc diệt côn trùng và vũ khí hóa chất giết người đã làm mờ đi cái ranh giới giữa chiến tranh ở một đất nước xa xôi và nền hòa bình ở quê nhà. Russel đã kết thúc câu chuyện của mình vào đêm trước Chiến tranh Việt Nam, và chỉ có một đoạn ngắn nhắc tới Chất độc da cam. Trong công trình nghiên cứu này, các loại thuốc diệt cỏ 2,4 -D và 2,4,5 -T đi theo con đường gần giống như những gì Russel đã mô tả về DDT. Các nhà nghiên cứu trước tiên hiểu được tính chất và tiềm năng của thuốc diệt cỏ cũng như thuốc trừ sâu. Họ cho rằng hai loại thuốc này ra đời xuất phát từ nhu cầu bức thiết của thế chiến thứ II và nhu cầu tổng động viên chiến tranh tại châu Âu và Mỹ. Sau chiến tranh, hai loại thuốc này đều được thương mại hóa, và các tập đoàn hóa chất thì ca ngợi sản phẩm của mình như một kỳ tích giúp bảo vệ và nhân rộng sức mạnh của nước Mỹ thời kỳ hậu chiến. Russel đã mở rộng nghiên cứu biên độ tới tận thế chiến thứ I, khi khoa học hiện đại kết hợp cùng Cách mạng công nghiệp tạo ra nỗi kinh hoàng của chiến tranh hóa chất tại châu Âu. Mãi cho đến khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, các nhà khoa học phản đối chiến tranh mới đảm bảo được rằng Nghị định thư Geneva 1925 - nhằm ngăn chặn chiến tranh hóa học và sinh học trong tương lai - gồm những điều khoản không chỉ bảo vệ con người mà cả môi trường sống của họ.
Có ba tác phẩm nổi bật thể hiện mối quan tâm rõ ràng về về Chất độc da cam. Tôi coi tác phẩm này là một trong số đó. Cuốn Chiến tranh thuốc diệt cỏ của Paul Predrick Cecil được viết dựa trên những trải nghiệm cá nhân của tác giả - ông từng là phi công trong chiến dịch Ranch Hand. Bên cạnh việc cung cấp những thông tin cực kỳ quý giá về các nhiệm vụ cụ thể và cơ cấu bộ chỉ huy chiến dịch, tác phẩm của Cecil cũng mang lại một cái nhìn sâu sắc về những người lính tại chiến trường đặc biệt và nguy hiểm nhất trong lịch sử chiến tranh hiện đại. Những vụ tử vong đầu tiên của Không quân Mỹ là lính Ranch Hand, và máy bay rải thuốc phải chịu hỏa lực mặt đất của quân đối phương mạnh hơn bất kỳ phi đội nào khác. Cecil đã tường thuật một cách sống động những gian nan và thử thách trong nhiệm vụ rải thuốc phát quang. Tác phẩm của ông cho người đọc thấy rằng, tuy chiến dịch rải thuốc diệt cỏ còn nhiều tranh cãi, nhưng những người lính tham gia chiến dịch đều rất giỏi và đoàn kết, họ tin tưởng rằng chiến dịch đó mang lại lợi ích tốt nhất cho đất nước mình.
Cecil cũng chỉ ra rằng những người “lính Ranch Hand” không tham gia vào quá trình ra quyết định tiến hành chiến tranh thuốc diệt cỏ; nhiệm vụ của họ đơn thuần là tạo điều kiện chiến đấu tốt nhất cho binh lính Mỹ tại chiến trường Việt Nam, và họ thực thi nhiệm vụ đó. Cecil tỏ ra không đồng tình với quan điểm những người phản đối chiến tranh, là những người sẽ được nhắc tới nhiều trong phần tiếp theo đây. Họ nhìn nhận và đánh giá những người lính Ranch Hand theo chuẩn mực hoàn toàn khác, rằng không cần coi “hủy diệt sinh thái” và “sự cần thiết về mặt chiến thuật” là hai khái niệm tách bạch loại trừ nhau khi tìm hiểu sự thật. Bàn cãi về giá trị của chiến tranh thuốc diệt cỏ ở Việt Nam thực sự không giúp gì mấy để giải quyết mối quan ngại của những người phản đối chiến tranh về ảnh hưởng của thuốc lên hệ sinh thái và sức khỏe con người, cũng như khả năng thứ vũ khí giá rẻ dễ kiếm này sẽ được dùng ngày càng nhiều hơn trong các cuộc chiến trên khắp thế giới.
Cuốn Chờ đợi một đạo quân dần chết (Waiting for an Army to die) của tác giả Fred Wilcox nói về những cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam mắc bệnh sau chiến tranh và cho rằng nguyên nhân là Chất độc da cam. Wilcox đã tái hiện lại hoàn cảnh khổ sở của họ khi chết dần chết mòn vì bệnh ung thư và các bệnh hiểm nghèo khác. Trong khi đó, phải tới năm 1984, Bộ cựu chiến binh Mỹ và các cơ quan liên bang khác với bộ máy quan liêu cồng kềnh và thiếu sâu sát mới bắt tay vào nghiên cứu ảnh hưởng của Chất độc da cam đối với sức khỏe. Nhưng Wilcox chưa quan tâm đúng mức đến kết luận thiếu chắc chắn của các nhà nghiên cứu y học về sự phơi nhiễm Chất độc da cam và số liệu thống kê một số bệnh có liên quan vào thời điểm cơ quan liên bang tiến hành nghiên cứu. Ví như một cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam đang chết dần chết mòn vì ung thư phổi, thì đó là hậu quả bất hạnh của thời gian làm nhiệm vụ tại Việt Nam, do gen di truyền, hay là hậu quả của thói quen hút thuốc trong suốt hai mươi năm qua? Việc xác định nạn nhân Chất độc da cam phức tạp hơn những điều Wilcox viết trong cuốn này rất nhiều. Tuy vậy, cuốn Chờ đợi một đạo quân dần chết đã đưa Chất độc da cam thành một biểu tượng mạnh mẽ nhắc nhớ những người lính Mỹ bị lãng quên sau chiến tranh Việt Nam. Cả tiêu đề và các trường hợp tiêu biểu sống động của Wilcox cho thấy rằng, việc thiếu những dữ liệu “có tính quyết định” chứng minh mối liên hệ giữa chất độc da cam với đa số các căn bệnh khác mà người lính và gia đình họ phải chịu chủ yếu phản ánh sự hạn chế của ngành dịch tễ học hơn là hậu quả sức khỏe thực tế mà chiến tranh diệt cỏ gây nên tại Việt Nam.
Cuối cùng, cuốn Phiên tòa chất độc da cam (Agent Orange on Trial) của tác giả Peter H.Schuck đã phân tích vụ kiện có tính bước ngoặt, đặt những cựu chiến binh Mỹ tại chiến trường Việt Nam vào thế đối đầu với các nhà sản xuất chất độc này vào đầu những năm 1980. Là một học giả có nghiên cứu pháp lý, Schuck đã giải thích thêm được nhiều vấn đề mà tác phẩm của Wilcox chưa đào sâu. Tác phẩm của Schuck nói về vụ kiện dân sự lớn nhất (và có thể là phức tạp nhất) trong lịch sử nước Mỹ và lý giải vì sao những người cựu chiến binh không thể khởi kiện và giành được quyền đòi bồi thường. Đầu tiên, chính phủ Mỹ thực hành “quyền miễn tố tối cao”, nên các cựu thương binh không thể kiện các cơ quan liên bang. Thứ hai, các công ty hóa chất quả quyết rằng họ sản xuất theo thông số kỹ thuật chính phủ chỉ định, còn các luật sư cũng khéo léo phủ nhận tất cả mối liên hệ giữa những căn bệnh chết người và việc phơi nhiễm chất độc da cam. Trước khi phiên tòa diễn ra, nguyên đơn là các cựu chiến binh được đền bù 180 triệu Đô la Mỹ trong phiên hòa giải ngoài tòa án, mặc dù các luật sư biện hộ cho công ty Dow và Monsato khăng khăng rằng việc hòa giải này không đồng nghĩa với nhận tội, mà đơn giản là hành động thể hiện thiện chí. Và một phần lịch sử đã lặp lại khi thẩm phán Jack Weinstein trong vụ kiện đó lại là chủ tọa cho phiên tòa mà người Việt Nam kiện các công ty hóa học sản xuất Chất độc da cam vì hàng loạt bệnh và những thiệt hại đối với môi trường mà chiến tranh diệt cỏ đã gây ra. Vào năm 2005, Weinstein bác đơn kiện. Ông nhận định rằng chiến dịch Ranch Hand không vi phạm vào bất cứ điều luật quốc tế nào mà Mỹ bị ràng buộc (Nghị định Geneva là một ví dụ), và do đó, các công dân ngoại quốc không có cơ sở để kiện. Tháng 3 năm 2009, các nguyên đơn Việt Nam đệ đơn kháng cáo và bị bác bỏ, vụ kiện kết thúc. Có lẽ, đây là khía cạnh duy nhất trong hậu quả phức tạp của chất độc da cam đã kết thúc dứt khoát.
Mỗi tác phẩm ấy đều giúp tôi hiểu thêm nhiều về sự phức tạp vô cùng và và những sự kiện xung quanh Chất độc da cam. Nhưng hãy còn một điều khác nữa, điều khiến cho Chất độc da cam thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học, giới trí thức lẫn binh lính trong cuộc Chiến tranh lạnh và làm nảy sinh những ý niệm về an ninh quốc tế. Cuốn sách này sẽ lý giải những thăng trầm của chiến tranh diệt cỏ dưới góc nhìn lịch sử. Các chất 2,4 -D và 2,4,5 -T sẽ lần lượt xuất hiện trong phần về khám phá khoa học đến chiến lược an ninh quốc gia, rồi đến các cuộc biểu tình vì môi trường và phản đối chiến tranh trong thời chiến tranh Việt Nam. Tất cả những nhân vật được nhắc đến trong sách đều ít nhiều góp phần vào việc tạo ra chất hủy diệt sinh thái.
Con Đường Da Cam Con Đường Da Cam - David Zierler Con Đường Da Cam