Nguyên tác: Terre Des Hommes
Số lần đọc/download: 3388 / 94
Cập nhật: 2015-11-04 11:25:00 +0700
Chương 3
PHI CƠ
Sá gì, Guillaumet ạ, sá gì những chuyện đó: ngày ngày, đêm đêm, nếu công việc anh làm là quẩn quanh xem xét bên những máy đo sức ép, là giữ thăng bằng trên những tuyến chuyển nghi, là thăm chừng tiếng chạy của động cơ, là phải liệu đảm đương trên hai vai mình mười hai tấn kim khí: những vấn đề được đặt ra với anh, đáo cùng, vẫn là những vấn đề con người ta, và thoắt thôi, anh bước ngang nhiên vào giữa cõi cao cả tót vời của người dân miền núi. Không thua gì một thi sĩ, anh cũng biết thưởng thức màu sương trắng giục bình minh. Từ đáy thâm u những đêm bay bất trắc, anh đã từng mong đợi màu hoa mộng mờ ảo hiện ra như chùm bông man mác, cái ánh lạ tuôn từ lòng đất tối, lên trào ngập cõi đông. Cái mạch nước giếng ngầm diễm ảo đó, đôi lần ở ngay trước mặt, đã chan hòa rất chậm rãi, và đã cứu sống anh lúc anh tưởng rằng mình đương chết.
Việc sử dụng một khí cụ khoa học vẫn không thể biến anh thành một gã chuyên môn khô cỗi. Tôi tưởng rằng những kẻ quá kinh hãi trước những tiến bộ của ngành khoa học chuyên môn, chắc là họ đã nhầm lẫn không phân biệt rõ phương tiện và cứu cánh. Kẻ nào đấu tranh trong hy vọng duy nhất nhằm vào những kết quả vật chất tiện nghi, hẳn nhiên là không thu hoạch được chút gì đáng giá cho cuộc sống. Nhưng máy móc không phải là cứu cánh. Phi cơ không phải là cứu cánh: nó chỉ là một dụng cụ. Một dụng cụ cũng như cái cày.
Nếu ta tưởng rằng máy móc làm hư nát con người, ấy có lẽ rằng chúng ta thiếu thời gian để lui gót ra sau và nhìn rõ lại, và xét đoán về những ảnh hưởng, những tác dụng của biến dịch nhanh chóng như những biến dịch chúng ta đã trải qua. Có nghĩa gì mấy đâu, một trăm năm của lịch sử máy móc đem so ra với hai trăm ngàn năm lịch sử của loài người. Quả thật chúng ta chỉ mới chớm khởi sự ngồi vào cư trú trong gian nhà mới mẻ, mà quả thật là chưa được xây dựng hoàn thành. Mọi sự quanh ta, đổi thay quá chóng: giao tế giữa đời, giao dịch làm ăn, điều kiện công việc, thói nhà, phong tục… Tâm lý của chúng ta cũng bị tơi bời điên đảo, ngay tận trong cơ sở u trầm nhất. Những ý niệm về biệt ly, về xa vắng, về cách trở, về trùng lai, không mang chứa những thực cũ, mặc dù từ ngữ diễn đạt vẫn là từ ngữ xưa. Để lĩnh hội cõi sống ngày nay, chúng ta dùng một ngôn ngữ thiết lập vì cõi sống hôm qua. Và đời sống của quá khứ dường như tương ứng với bản chất của chúng ta hơn, chỉ riêng vì một lẽ: nó đáp lại đúng lời, cho cái ngôn ngữ chúng ta.
Mỗi tiến bộ một ngày, mỗi đẩy xa chúng ta một chút, xa dời mãi những tập quán chúng ta vừa chớm bén quen hơi, và quả thật chúng ta làm những kẻ thiên di trên đất trích, chưa hoàn thành được cái tổ quốc chung.
Tất cả chúng ta là kẻ man di, mà những đồ chơi mới đương làm ngất ngây choáng mắt. Những cuộc tung cánh phi cơ không có ý nghĩa nào khác. Cái nọ bay cao hơn cái kia một chút, cái kia chạy chóng hơn cái nớ một phần. Vậy chúng ta quên mất cái do lai xui chúng ta lao đầu mà xô cho máy chạy. Tạm thời là thế, cái cuộc chạy tưng bừng, nó che lấp cái đối tượng là cứu cánh, hoặc do lai. Mãi mãi than ôi vẫn rồi ra rứa. Đối với người thực dân đi xây trời đế quốc, cái ý nghĩa cuộc đời là chinh phục cho mau. Người quân nhân khinh thường kẻ thực dân. Nhưng cái mục đích cuộc chinh phục kia, há là chẳng đắp xây của gã thực dân được thành tựu? Và thế đó, trong niềm phấn phát hứng thú trước những tiến triển của mình, chúng ta xô con người vào phục dịch công cuộc thiết lập đường rầy, cất cao nhà máy, khơi hầm đào mỏ, xẻ giếng dầu hôi. Chúng ta có quên đi chút ít một điều: những xây dựng kia, cốt là phụng sự con người. Đức lý của chúng ta, trong thời gian chinh phục là một đức lý quân nhân. Nhưng bây giờ, chúng ta phải đóng vai trò đúng điệu thực dân. Chúng ta phải làm sao cho cái căn nhà mới mẻ, chưa ra hình dạng rõ ràng, phải làm sao cho nó thành sống động. Chân lý, với kẻ này, là thiết lập; chân lý, với kẻ kia, là cư trú.
Ngôi nhà của chúng ta hẳn là lần hồi sẽ thân thiết với con người hơn. Cả máy móc cũng vậy, máy móc càng tinh xảo, máy móc càng nép mặt ở phía sau cái vai trò mình đóng; máy móc càng hoàn bị, máy móc càng xóa mình thin thít ở bên kia cái công dụng mình đưa ra. Dường như mọi cố gắng kỹ nghệ của con người, mọi bài toán chi ly, những bao đêm dài thao thức chỉ nhằm tới một điều là đạt tới chỗ đơn sơ, như tuồng cần phải qua kinh nghiệm hằng hằng của nghìn nghìn thế hệ, mới có thể khơi dẫn dần dần đường cong cây cột, nét nhịp mạn tàu, thân liễu yếu phi cơ tròn xinh như thể… như thể một lần là cho tới tột cõi nguyên trinh mà trả về cho ban sơ cái đường cong đồi vú, cái đài các đôi vai. Tưởng chừng cái việc làm của kĩ sư, của thợ vẽ, của các viên cán sự trong phòng nghiên cứu, chỉ như hình là mài giũa và xóa bôi, cho nhẹ nhàng nảy ra cái then cài, cái chốt cọ, cho thăng bằng uyển chuyển cái cánh mộng phi cơ, cho đến chỗ làm sao cho người ta không ngờ ra được nữa, cho người ta ngó nhìn mà không thấy cái chắp víu đôi bên, là mép thân, là miền cánh, làm sao cho thiên hạ phiêu bồng trước hình thể mở phơi, lai láng làm sao như giờ đây mới thật là thoát tục, láng như ngời, như ngẫu nhĩ chung đôi tuyết bạch trơn tru như mịn màng đầu gió, duy nhất hiện hình là đặc tính của thi ca. Tuồng như cái tuyệt vời hảo hợp chỉ đạt tới một lần là không phải lúc chẳng cần thêm, mà chính ra là cái khi không còn chi để rứt bớt ra một phần nào được nữa. Ở tột cùng tiến triển, hồn máy móc đã mờ xóa phiêu du.
Tuyệt hảo của phát minh cũng lăm le về chỗ quên mình là minh phát. Và, cũng như trong khí cụ, mọi cái gì máy móc hiện thể bên ngoài đã dần dà xóa bóng, và có đến với ta cũng tự nhiên như ngẫu sinh là một hòn sỏi biển trơn tròn, mà ngẫu sinh lại sinh từ sóng rộng, thì cũng vậy, cái tuyệt vời đáng nên tán tụng, là cái máy ta dùng, chính trong lần được dịch sử, đã dần dà tự biến dạng để người quên.
Xưa kia chúng ta tiếp xúc với phi cơ như chạm vào hồn phức tạp. Nhưng ngày nay quen nết, ta quên mất mình đang gửi nhịp với một động cơ sầu tỏa đương quay. Thế là tới đây, nó đã đáp ứng với chức vụ của mình, là quay vù, quay tít, như tim đập trong lồng, và cũng vậy, nào ai biết bên phổi mình đang có một quả tim quay. Ai lưu tâm lưu ý tới. Khí cụ ta dùng thân thuộc, đã mất hút lưu tâm. Ở bên kia khí cụ, và xuyên qua khí cụ, là ấy cõi sơ khai thiên nhiên sơ thủy ta tìm về bắt gặp lại, đó trùng lai – cõi thiên nhiên của chàng làm vườn, của chú hàng hải, của bác thi nhân.
Ấy rằng với nước, ấy rằng với hơi, ấy rằng với không khí, là ấy của người phi công cất cánh tiếp xúc đề huề. Lúc động cơ tung nhịp, lúc con tàu đã rạch sóng biển khơi, triều nước dâng, vỗ vào mạn tàu rột rột như rập rình chiêng dậy, quân nhạc ngân theo, thì con người có thể dõi theo việc làm kia bằng cách đo cật gan mình động đậy. Nó chấn động thế nào, thì ta cũng cảm rõ được từng phút, từng giây, chiếc thủy phi cơ càng tăng tốc độ, càng thu nhập thêm uy quyền trên làn sóng phân vân. Người phi công cảm thấy, trong cái khối mười lăm tấn kim khí kia, đang soạn sửa một hương nồng thuần thục, sắp dậy trào đưa toàn khối bay lên. Người phi công đưa tay nắm chặt thêm các tay lái, và dần dà thu nhập hết quyền hành nọ, như đón về một tặng vật ai trao. Nắm được tặng vật rồi, thì mọi bộ phận tay lái tự biến thành những sứ giả của quyền uy. Lúc quyền uy đã thục, người phi công chỉ cần làm một cử động nhẹ như chơi, nhẹ hơn vịn tay vào cành hái quả, là quá đủ để tách rời khỏi sóng nước cái thân con tàu yểu điệu, và đưa nó lên bầu trời dàn mộng giữa thương khung.
IV
TÀU BAY VÀ TRÁI ĐẤT
1
Đã đành tàu bay là máy móc nhưng cũng là một khí cụ phân tích tuyệt hảo. Khí cụ đó giúp ta khám phá khuôn mặt thật của địa cầu. Trải bao thế kỷ, đường sá quả thật đã đánh lừa chúng ta. Chúng ta nằm trong tình trạng vị Nữ Vương xưa kia từng muốn viếng con dân để xem trăm họ có hân hoan an cư lạc nghiệp dưới sự trị vì của mình không. Nhưng bọn triều thần muốn lừa dối Nữ Vương, bèn sắp đặt vài khung cảnh tốt đẹp dọc đường trên lối Nữ Vương đi, và thuê bọn ca sĩ chờ sẵn để múa khúc. Trừ hai vệ đường mỏng manh như sợi chỉ nhiếp dẫn thị quan, Nữ Vương chẳng còn nhìn thấy gì khác nữa, chẳng hay biết thêm chút gì khác nữa về vương quốc của mình, và không ngờ rằng nơi vùng đồng không mông quạnh xa xa, nhân dân lầm than đói rét đang nguyền rủa bà.
Còn chúng ta? Chúng ta đi trên những dặm đường quanh co ngang dọc. Đường đi vốn ưa tránh những vùng đất khô cỗi gập ghềnh, cát sỏi khô khan. Đường thuận theo nhu cầu con người, đường nối liền những mạch nguồn này với nguồn nước khác. Đường đưa dẫn bước chân nông phu từ vựa lúa ra bờ ruộng xanh, đường đón súc vật mỗi chiều về chuồng yên nghỉ, và đưa súc vật mỗi sáng ra đồng cỏ non. Đường giao nối làng này với xóm nọ, và trai gái hai miền gá nghĩa với nhau. Thảng hoặc có con đường nào liều băng qua sa mạc, thì có phải rằng nó khôn khéo chạy ngoòng ngoèo để gặp cho được những vùng có bóng dừa râm mát bên nước xanh?
Chúng ta bị đường sá phỉnh phờ, cũng như bị độ lượng của từ tâm lừa dối. Những cuộc viễn du trải bao phen đi ngang qua những dải đất phì nhiêu, những vườn hoa quả mật, những bãi cỏ xanh, và từ đó về sau, trong bao ngày tháng, chúng ta hồn nhiên tô điểm cho lộng lẫy, cái ngục tù vây hãm thân ta. Trái đất này, chúng ta tưởng là êm đềm, dịu ngọt lắm.
Nhưng mắt ta bỗng sáng tỏ mất rồi. Một tiến bộ xót xa. Với phi cơ, ta đi con đường thẳng. Vừa cất cánh, ta đã rời xa những con đường đề huề thung dung tìm giếng nước, tìm trại chăn nuôi, hoặc tung tăng từ đô thị này đến đô thị khác. Từ nay thoát vòng cương tỏa êm ấm, không cần men tới những bờ giếng nước gần gũi như xưa, chúng ta nhắm thẳng tới những mục đích ở cuối trời. Bắt đầu từ đó, từ độ cao giữa thương khung lướt gió đi thẳng tắp, chúng ta chợt nhận ra căn cớ cốt thiết ở hạ tầng, những đá, những cát, những muối, nơi đó đời sống đôi khi ngại ngùng liều nảy nở lác đác đó đây, như một tí rêu bám vào những khe hở giữa gạch vụn điêu tàn.
Thế là chúng ta đã biến thành những nhà lý học hóa học, sinh vật học đi khảo sát những nền văn minh đang trang hoàng những góc mềm u cốc và đôi lúc bất ngờ gặp chỗ phong khí tốt, bỗng mở phơi lộng lẫy dị thường. Thế là chúng ta từ đó đứng trên tầm vũ trụ thương khung, mà nghiên cứu con người qua tấm kính tròn như qua những dụng cụ khảo sát. Thế là từ đó chúng ta bắt đầu đọc trở lại pho lịch sử trần gian.
2
Nhằm phía eo bể Magellan, hơi xế một chút về phía Nam Rio Gallegos, người phi công bay ngang qua một vùng phún thạch cũ. Những phún thạch rã rời đó đè nặng trên cánh đồng nơi đây, một lớp dày hai mươi thước. Rồi bay ngang một vùng phún thạch thứ hai như thế, rồi một vùng phún thạch thứ ba, và từ đấy trở đi, mỗi mỏm đá nhô, mỗi cồn cao gò thấp hai trăm thước, cũng mang riêng một miệng lửa bên sườn. Không có gì giống những hỏa sơn ngạo nghễ như ngọn Vésuve: chỉ là những miệng núi lửa mở ngay giữa đồng bằng.
Nhưng ngày nay, yên tĩnh đã trở về. Một yên tĩnh như xui ta ngạc nhiên, giữa một khung cảnh lỗi nhịp. Xưa kia đây chính là nơi của hàng nghìn ngọn núi rầm rộ đua nhau hút lửa từ đáy thẳm để tung lên ì ầm. Mà ngày nay chỉ còn một vùng vắng lặng, với nhiều đỉnh núi đen đủi, giá băng.
Xa hơn nữa, có nhiều núi lửa xưa hơn đã bắt đầu phủ cỏ vàng óng. Thỉnh thoảng lại thấy mọc một vài cây trong sũng núi, trông như một cành hoa nở trong một chiếc chậu xưa. Dưới màu ánh sáng man mác như tà dương, dải đất bằng nhuốm vẻ xinh tươi, một lớp cỏ thấp phủ đều, trông như một mảnh vườn có bàn tay chăm sóc. Mặt đất phẳng phiu, phải nhìn kỹ mới thấy miệng lửa khổng lồ có nhô lên chút ít. Một con thỏ vụt chạy, một con chim vỗ cánh, sự sống đã chiếm cứ một giải tinh cầu mới, vì đất ngọt đã bám vào.
Lúc sắp rời Punta Arenas, các miệng lửa cuối cùng hầu đã được lấp cạn. Một dải cỏ phủ khắp nơi, uyển chuyển theo nhịp cong vòng của triền núi lửa: từ nay phong cảnh chỉ còn giữ riêng một nét hòa ái, dịu dàng. Mỗi khe hở, mỗi hang thô, được khâu vá trở lại bằng đường tơ trinh bạch thơm lừng. Mặt đất mượt như nhung, những triền sương xuôi dốc, đó ai còn nhớ ra nữa cái lai lịch hãi hùng. Cỏ tơ non mọc ở mép đồi, đã xóa nhòa những âm u vết tích.
Và đây, thành phố ở tận tít trời Nam tận cùng thế giới, nhân vì ngẫu nhĩ gặp được chút linh khí của một chút bùn mềm, đã được thành lập phong nhiêu giữa những phún thạch nguyên sơ và dương băng biển Nam heo hút. Sát ngay cạnh những chất đá đen sì, phồn hoa kia sao mà xui lòng xao xuyến: huyền diệu của con người, dị thường của tao ngộ. Ta không biết vì đâu, ta không rõ bởi cách nào người du khách nọ đến viếng những khu vườn này, những khu vườn chỉ cho phép cư trú một thời gian quá ngắn, một chu kỳ địa chất, bằng cách nào viễn khách về đây một ngày giữa thiên thu nghe hồng ân chan rưới.
Tôi hạ cánh giữa tịch mịch chiều vàng. Punta Arenas! Hãy nhìn ta tựa lưng vào bờ giếng mà ngó gái giữa thanh xuân. Cách nhau hai bước, tôi càng thấy rõ cái lẽ huyền nhiệm kiếp người… Trong một thế giới mà sự sống giao tiếp dễ dàng với sự sống, mà những cành hoa giữa lòng gió hồn nhiên hôn phối với những cành hoa, một thế giới mà con thiên nga nào cũng quen biết mọi con thiên nga, trong thế giới đó, chỉ riêng con người là xây dựng căn lầu mộng cô đơn.
Phần tinh anh còn cách biệt nhau nghìn trùng. Một giấc mộng “đầu hoa ngang ngửa thắm” của gái xuân, càng chia xa nường biệt lập, tôi biết làm sao mà tìm cái lối vào trong nẻo đó, ở trong kia? Làm sao hạnh ngộ? Làm sao nghe ra, làm sao biết rõ những cơn man mác trong nhịp bước gái tơ đi, lững thững chiều hôm về căn nhà cha mẹ, mắt lim dim khép mở hai hàng, hai môi má núng đồng tiền mở nụ, một mình mỉm cười với gió đẩy tà xiêm, một mình em hay, một mình em biết, một mình rộn lên những trận viễn du khai phá, những mộng tưởng phát minh, nhưng u hương rập rình quân nhạc dối nhau xiêu đình đổ quán… Nàng đã tự thiết lập một điện đài bí ẩn trong một vương quốc rẽ riêng, bằng những gì của riêng ai đem lại, bằng những gì gã tình nhân đăm chiêu tơ tưởng? Bằng điệu nói của chàng? Bằng những lặng lẽ của anh? Từ đó về sau, đối với em, chỉ riêng chàng là hoàng tử chí tôn, ngoài chàng ra, người người trong thiên hạ thảy thảy lưu manh man dại côn đồ? Em khép thân ngà trong một cõi, kín đáo hơn giấu vào một viễn cách hành tinh, em che lấp đời riêng trong những lối đi về kiều diễm, trong những thói nhà băng tuyết, trong những âm vang dìu dặt của ký ức não nùng phỉ phong. Sinh ra từ giữa lòng núi lửa, từ giữa lòng thảo hoa, từ giữa chất muối trùng khơi thổi mặn, mới đó hôm qua, nay em đã thành Tiên Nữ.
Punta Arenas! Tôi tựa lưng vào bờ giếng. Những người đàn bà già nua tới đây lấy nước. Trong tấn bi kịch đời họ, ngày mai tôi sẽ biết riêng chỉ một cử động tôi đòi ấy thôi. Một bé con ngửa cổ vào tường, khóc lặng lẽ. Ngày mai trong kỷ niệm của tôi, sẽ chỉ còn ghi riêng hình ảnh một đứa bé lạc loài, sầu khổ không nguôi. Tôi là kẻ lạ tới đây. Tôi không biết, không biết gì hết cả. Thế giới họ, tôi không thể bước vào. Làm sao tôi dám nói.
Những yêu thương, những ganh ghét, những niềm vui của con người cả một tấn tuồng rộng lớn đó diễn ra trong khung cảnh bé bỏng xiết bao. Từ đâu con người khơi dẫn được về cho mình nguồn khát vọng vô biên. Từ đâu con người vốn bị phó mặc cho rủi may, bị vất ra sống trên một miền đất mà phún thạch hỏa sơn còn hâm hấp nóng, mà những trận bão cát sắp tới, mà những cơn mưa tuyết sắp về, còn hăm dọa mãi! Nền văn minh của họ chỉ là một lớp vàng mạ mỏng manh: Hỏa Sơn sẽ xóa, sẽ bôi. Một biển mới sẽ dâng triều. Một cơn lốc cát.
Phố thị này tưởng như xây trên một dải đất đai đích thực, tưởng chừng lòng đất còn phong phiêu trong những chiều sâu độ thẳm như miền đất Beauce. Người ta quên mất rằng, ở nơi này hay chốn khác, cuộc sống vẫn là xa xỉ phẩm, và ở dưới bước chân của con người, không bao giờ có một mảnh đất sâu dày nùng hậu, bất cứ nơi đâu. Những điều đó được minh chứng rõ rệt do một cái hồ tôi gặp được ở cách thành Punta Arenas vài ba dặm đường. Nằm vây bọc giữa cây cối cằn cỗi và nhà cửa lè tè, trông thiểu não như một cái ao con trong sân nông trại, vì lẽ gì nó lại tuân theo nhịp động của thủy triều biển khơi, cũng hằng hằng dâng lên rút xuống. Giữa bao nhiêu thực tại yên tĩnh quanh mình, những lau vàng trúc vỏ, những trẻ con nô đùa, cái hồ kia đêm ngày kiên nhẫn kéo dài hơi thở chậm chạp theo tiết nhịp bốn bên, nhưng vẫn âm thầm tuân theo những định luật khác. Dưới mặt nước bằng phẳng, dưới lớp băng giá im lìm, dưới mái chèo của chiếc ghe hư nát duy nhất nơi đây – uy lực của mặt trăng đương âm thầm tác động. Những xoáy nước lũ của hải triều đương ngấm ngầm thao túng khối nước đen ngòm này, tận trong đáy thẳm thâm u, những tương ứng tiếp thông dị thường đương tiếp tục cuộc phối hóa, từ vùng loanh quanh đó cho tới tận eo biển Magellan, dưới làn cỏ hoa mỏng mảnh. Cái hồ kia rộng không quá trăm thước, nằm ở ngưỡng cửa lối đi vào thành phố thiên hạ sống rất bình an vững chãi trong cõi đất con người. Vâng, cái hố kia đã phập phồng đập theo nhịp múa tim đại hải.
3
Chúng ta cư trú trên một tinh cầu lưu ly chuyển dịch. Lâu lâu, nhờ chiếc phi cơ vạch nẻo, tinh cầu bỗng phơi mở ngọn nguồn mình: một cái hồ âm thầm liên lạc với mặt trăng đã biểu lộ những tương quan ẩn kín. Và tôi còn biết những dấu hiệu khác.
Dọc bờ biển vây dọc dãy Sahara, từ Capjuby tới Cisneros, thỉnh thoảng ta lại bay qua một vùng cao nguyên với những sầm lĩnh đột nham hình nón cắt, mà bề rộng xê xích giữa khoảng vài ba trăm thước tới vài ba mươi cây số. Duy có điều đặc biệt là: bề cao của chúng lại suýt soát khoảng ba trăm thước, không xê dịch chi nhiều. Lạ nữa là: không những chúng cao như nhau, mà lại còn giống nhau về màu sắc, về chất đất và hình thù bờ dốc, mép ghềnh. Cũng như thể những cột trụ một điện đài nào xưa, nhô chơ vơ trên mặt cát còn như nhắc gợi cho ta nhớ rằng, xưa kia, tòa nhà huy hoàng thế nào, mà giờ đây tàn phế, chỉ còn chút vết tích thế kia… thì, cũng vậy, những đột nham, sầm lĩnh này cũng chứng minh với ta rằng xưa kia chúng hẳn phải nằm chung trong một toàn thể của một vùng cao nguyên lớn rộng.
Thuở con đường Casablanca-Dakar mới mở, trong những năm đầu phi cơ còn mong manh yếu ớt, thì chúng tôi thường, hoặc vì máy hỏng, hoặc nhân đi tìm kiếm, cứu trợ những phi cơ bay lạc, mà phải hạ cánh xuống những vùng phiến loạn, thổ dân không ôn hòa. Nhưng cát, bản chất vẫn dối trá; ngó như là bền vững, đâu ngờ có lúc phải sa lầy. Còn những giãi ruộng muối xưa, tưởng đâu rắn chắc như nhựa trải đường, tưởng đâu cũng vang động dòn dã dưới gót chân đi, ngờ đâu nó cũng lại thường lún mất dưới vòng bánh phi cơ. Lớp muối vỡ tan, mở rộng một giãi bùn đen hôi hám. Thế nên chi, chúng tôi thà cam chịu hạ cánh trên những cao nguyên kia, mỗi khi trường hợp cho phép; ấy chỉ vì chúng không bao giờ che dấu những cạm bẫy bên trong.
Sự bảo đảm ấy, bởi đâu mà có? Ấy là nhờ một thứ cát trắng, rắn chắc, nặng hạt do những vỏ hào, vỏ hến tí hon tụ hội, dồn ghép lại, làm thành những đống đồ sộ đun ra. Trên mặt cao nguyên, những đống lài lài còn nguyên vẹn mặt mày, nhưng nếu ta lần theo triền dốc mà đi xuống, sẽ thấy có chỗ vỡ ra từng mảng, có chỗ ghép chặt lại nhau. Xuống tới chân dãy cao nguyên, nơi các thứ vỏ ấy dồn tụ lâu năm nhất, thì còn thuần một chất đá vôi không pha trộn phiêu bồng.
Thuở hai anh bạn Reine và Serre bị những thổ dân bất hảo thộp được cầm tù, tôi có dịp chở một sứ giả người Maure tới hạ cánh xuống một trong những vùng này. Trước khi từ giã người đó, tôi cùng anh ấy lân la tìm xem thử có con đường nào sẽ giúp anh ngày mai lần mò xuống được. Nhưng khắp bốn mặt đều là những bức tường thẳng tắp đổ xuống hố thẳm, không một lối nào khả dĩ cho phép thoát thân.
Tuy nhiên trước khi cất cánh bay tìm chốn khác, tôi còn nấn ná dò hỏi nơi đây. Tôi cảm thấy trong mình một niềm vui – thơ ngây có lẽ – một niềm thích thú được dịp ngẫu nhĩ ghi dấu chân mình tại một mảnh đất mà có lẽ từ thiên cổ tới nay, người cũng như vật, chưa bao giờ xâm nhập tới. Không một người Maure người mọi nào có thể vượt tới gần cái chỗ doanh trại hoang liêu này mà mở cuộc tấn công. Không một người Âu người Ấn nào đã từng đến thám hiểm khu vực này. Tôi bước đi trên một thứ cát tuyệt vời hoang vắng, tuyệt diệu hoang trinh. Tôi là kẻ đầu tiên làm con người thứ nhứt đã ngồi xuống đưa bàn tay mà hốt thứ bụi vàng vô giá đó, và đong lên đổ xuống, và lúc lắc trong lòng bàn tay của mình, và đê mê nhìn phấn vàng thong dong chảy giọt. Vâng, tôi là kẻ đầu tiên tới phá vỡ cõi tịch mịch này. Trên khuôn mặt khối dương băng này, kể từ thiên thu kể lại, chưa hề có phát sinh một lá cỏ, tôi xin làm hạt giống của gió xa mang về, bằng chứng đầu tiên của cuộc sống ái ân lần thứ nhất.
Một ngôi sao mọc, tôi liếc mắt lên. Tôi nghĩ rằng cái mặt phẳng trắng phau này, từ muôn vạn kỷ, chỉ riêng gửi tấm trinh thể của mình cho tinh tú soi bóng mà thôi. Tấm thảm, tấm gương trinh bạch trải ra dưới vòm trời trong suốt. Tim tôi chợt nhói mạnh một cái, như bàng hoàng trước một phát minh huyền ảo, lúc chợt thấy… cách mình chừng vài mươi thước, nằm lửng lơ trên tấm thảm pha lê, rõ ràng một viên sỏi đen bất động.
Tôi nằm đè thân trên lớp vỏ hến dày ba trăm thước. Toàn khối khổng lồ ấy tuyệt đối chống lại sự hiện hữu vô tình vô lý của viên sỏi kia. Trong lòng sâu dưới đất hẳn nhiên là phải có những hòn đá lửa đương ngủ yên, giữa lòng địa cầu nghìn năm thai nghén, nhưng cái phép nhiệm màu ảo diệu nào lại có thể xô một viên sỏi từ đáy thẳm nhô lên tới tận mặt trắng phau phau này? Tim phập phồng như đứt chỉ xổ tung, tôi đưa tay nhặt của quý: một viên sỏi đen, rắn chắc, to bằng ngón tay, nặng như kim khí, tạc hình tượng một giọt lệ long lanh. Nhưng đâu là linh hồn khóe mắt?
Một tấm thảm trải dưới một gốc táo, chỉ đón những trái táo. Một tấm thảm trải dưới vòm trời sao, chỉ hứng được những hạt sương sao rụng. Chưa bao giờ một tinh thạch chỉ dẫn rõ được cội nguồn mình một cách tuyệt đối hiển nhiên như thế.
Và hồn nhiên mắt mở nhìn trời, tôi nghĩ rằng từ ngọn táo thanh thiên kia, tất còn nhiều quả rụng. Tôi sẽ tìm ra chúng ngay tại chỗ chúng đã rơi, vì tự vạn kỷ nhớ nhung lần mò đi tới, chưa có gì có thể di động những trái lạ ghi tạc nhịp gót thiên thu.
Chúng không giống một vật thể nào khác ở đây. Và tức khắc, tôi vội vã khởi sự sưu tầm để yên định giả thuyết.
Giả thuyết đúng thật. Tôi lần hồi góp nhặt nhiều viên ngọc cuội, theo nhịp trung bình mỗi mẫu một viên. Viên nào cũng mang hình đá lửa nguội. Viên nào cũng lóng lánh rắn chắc như huyền kim. Và thế đó, từ trên cao nguyên bát ngát là một vũ – lượng – kế tinh cầu, bằng một súc đồ kinh dị, bàng hoàng nghe tiếng gọi của sử lịch mang mang, tôi đã chứng giám trận mưa lửa diên trì trên thời gian đổ giọt.