Thất bại lớn nhất của một người là anh ta không bao giờ chịu thừa nhận mình có thể bị thất bại.

Gerald N. Weiskott

 
 
 
 
 
Tác giả: Trần Long
Thể loại: Truyện Ngắn
Nguyên tác: Tiểu Ngạ Quỷ Bên Cầu Nại Hà
Dịch giả: Trang Hạ
Biên tập: Quyen Thuy
Upload bìa: Ha Coi
Số chương: 4
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1154 / 33
Cập nhật: 2018-08-18 10:51:26 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương Ba: Trong Cõi Phù Vân
rời mờ sáng, khóm núi phủ một dải mây u ám, tôi dật dờ giữa đám mây mù. Trong tim tôi tràn ngập cảm giác không thể nói ra, bình yên và hỗn loạn, kiên quyết mà lưỡng lự. Có lẽ đây là lần tôi ra đi vĩnh viễn, cảm giác trào lên đâu đó trong tim, để tôi thấy nỗi hoang mang và cô độc tột cùng.
Ra đi thật dễ dàng, cũng chả cần nói chia tay, cũng chả cần vẫy tay, nhưng rời khỏi nơi đã gắn gốc rễ, thành cụm bèo phiêu dạt trong gió lạnh lẽo trở thành khoảnh khắc không ai quên được. Chim di cư còn biết chốn bay về, lá rụng từ cây còn biết về cội, giây lát ấy, tôi rốt cuộc hiểu ra cảm giác của những người bạt xứ chết nơi đất khách, cuộc đời đã trôi chảy hết, vạn sự đã dĩ vãng, nắm xương còn mòn mỏi hóng về quê cũ.
Tôi không biết tôi sẽ sống bao lâu, có lẽ 100 năm, có thể 1.000 năm, có thể 10.000 năm. Một vạn năm rất dài, dài tới mức tôi không biết dài bao lâu, nhưng khi kết thúc, cũng không biết vạn năm đó kết thúc ở một ngày nào, rồi liệu có người nào mang nắm xương tàn của tôi về lại chốn mà hôm nay tôi ra đi.
Nắng xuyên qua mây mù, rọi vạn dặm nhân gian rỡ ràng. Tôi đứng trong ánh nắng cảm giác được nỗi nhẹ nhõm chưa từng nếm trải, từng sợi nắng từng sợi ấm áp hắt vào buồng tim tôi, ánh sáng quyến rũ như xuyên suốt thân thể tôi đang trong veo như một đám mây.
Một hồn quỷ thì làm sao nhìn thấy được nắng trời, hạnh phúc làm sao khi tôi được Bồ Tát truyền giáo Pháp môn tu Tiên, tôi lãnh ngộ được ân sủng từ thiên nhiên. Tôi vô tình nhớ tới Bồ Tát, trong tim tôi ngài là bậc tối cao nhân từ, tôi kính trọng ngài, tôi yêu ngài.
Nhưng cùng lúc đó tôi nhớ đến nỗi tuyệt vọng của Tần phán quan, gương mặt gỗ đá tuyệt vọng trong oán hận, những mảnh hồn sót lại nhầy nhụa và tấm lụa áo bay phấp phới, và lúc đó gương mặt Bồ Tát lạnh lùng như băng, đôi con ngươi sâu thẳm... Tôi chưa biết từ bao giờ bắt đầu có một sợi tơ ai oán với Bồ Tát, cũng không rõ tôi đã thương xót Tần phán quan từ bao giờ.
Không quên nổi nụ cười nhân ái như cha của Bồ Tát.
Không quên nổi ánh mắt vô thần khi sấm sét giáng tới của Tần phán quan.
Không quên nổi khúc hát ai oán của linh hồn đơn côi nơi ngục tăm tối.
Đầu óc hỗn loạn, như có vô số người đang cãi cọ trong tôi, kéo tôi về nhiều hướng... Tôi không biết tôi nên ngả về đâu, về ai.
Tôi ngơ ngẩn ngồi bên đường, nhìn người qua lại, mỗi người đều một vẻ mặt vội vã, vội vàng tới, vội vàng đi. Tôi hâm mộ họ, họ biết họ nên đi đâu, còn tôi thì chả biết đi đâu, cũng không ai nói cho tôi biết, tôi nên đi về đâu.
Ngày của người trôi sao nhanh, chớp mắt, mặt trời đã tắt đi tà huy của mình, đêm lại tối rồi, bốn phía người đi thưa dần, đôi khi có người ngang qua, mặt có nỗi thèm mau về ngôi nhà nhỏ. Nhà, tốt biết bao. Trong nhà có thể vợ đã nấu xong cơm, chờ người chồng về sum vầy, con cái chờ bố mang quà về...
Mà những người vội vã qua đường này, có lẽ cũng đang nhớ bữa cơm thịnh soạn chờ ở nhà và người vợ dịu dàng, đám con ngoan, mở cửa về con cái sẽ sà vào lòng, vợ mỉm cười êm ái...
Nhà, tôi không có nhà, cũng không biết ở đâu có nhà của tôi.
Đột nhiên, tôi nghĩ đến ngôi nhà một nghìn năm trước tôi đã đầu thai, ở đó có cha tôi, có mẹ, có cô ấy... tôi như người chết đuối vớ được cọc, người đi đường ban đêm nhìn thấy một tia sáng đèn, tôi không kìm được nỗi cảm động: "Tôi phải về nhà!"
Vào giây cuối cùng khi đêm tới, trong ngọn khói leo lét, đèn nến thắp lên đây đó, tôi hoá thành làn gió, bay về phương xa, nơi xa là nhà tôi, cách xa đã nghìn năm.
Loáng thoáng nhớ vị trí nhà nghìn năm trước, ở bên núi. Tôi khôi phục vóc tướng, bước lên đường núi. Đường núi quanh co, bên núi có thị trấn nhỏ, gọi là "Đào Nguyên Hương", tôi từng sống ở đây. Đi trên đường núi, bốn bề xanh ngắt điệp trùng, chim hót vượn kêu, hoa dại phả vào tôi hương vị nhân gian.
Được sống trong đời sống này thật hạnh phúc, tôi nghĩ. Tôi lục lọi tìm ký ức những gì còn nhớ về cuộc sống trần gian ngày xưa, xuân hoa thu nguyệt hạ đỗ quyên, tuyết hoa trắng trời mùa đông.
Hoa đào trước cổng vườn cũ, không rõ hôm nay tôi về có nở hoa rực đầy cành như ngày xưa? Cây liễu bên hồ trước làng liệu còn bầy trẻ con đùa nghịch? Những quán rượu dọc đường bay hương thơm liệu còn nhộn nhịp như ngày cũ? Những ngôi nhà cổ còn che người qua cơn mưa gió? Những bạn bầy thanh mai trúc mã thơ trẻ xưa liệu còn đầu thai về đất cũ này?
Nghĩ rồi chân bước chậm dần, quê càng gần lòng càng âu lo, cách biệt ngàn năm thời gian, cố hương, vẫn là cố hương của tôi chứ? Thị trấn ngày càng gần, tim tôi càng thắc thỏm, cảm xúc hỗn tạp, không biết nên bắt đầu từ đâu. Trong tâm trạng hoang mang, tôi một lần nữa đặt chân lên quê cũ.
Ấn tượng về khu vườn xưa đã mất, tất cả xa lạ, những con phố xa lạ, những cái cây xa lạ, những người mãi mãi là người lạ. Tất cả vừa như vẫn có gì quen thuộc, màu viên đá lát đường như xưa, dáng cây vẫn yểu điệu như xưa, gương mặt người dường như ta từng gặp, chỉ có điều không biết nói từ đâu.
Quanh quẩn mãi, tôi mới tìm được nền nhà nghìn năm trước, nơi tôi đã từng sống với cha mẹ và người thân. Nhà đã không còn, nền đất đã biến thành rừng hoa đào, giữa rừng chỉ còn sót lại một hòn thạch sư lở lói cho tôi biết đây vốn là nhà tôi, đây, là nhà tôi, ngôi nhà một nghìn năm trước, ngôi nhà đã không còn tồn tại.
Chậm rãi đi giữa rừng đào, cẩn trọng soi xét kỹ dưới chân mình đất nào là nền nhà cũ, đâu là phòng, tôi không ngờ tôi có trí nhớ tốt thế, nhớ được bao nhiêu chuyện xưa cũ. Nhè nhẹ ngẩng đầu nhìn về xa xăm rừng đào, đôi mắt ầng ậng mây mù, mơ hồ như rừng không còn nữa, tôi đang đứng giữa nhà tôi, lầu gác vòm mái, hiển hiện trong mắt.
Trong nhà giữa như vọng đến tiếng mẹ gọi tôi về ăn cơm, thư phòng dường như có tiếng cha mắng tôi trốn học. Tiểu viện tường đông, đầu tường như mọc chút rêu xanh, đó là âm thanh gì? Cô ấy ở bên tường gọi tôi, đòi tôi gấp cho cô ấy một cành hoa đào, bắt một con chim sẻ nhỏ...
Một cánh hoa rụng xuống, ngả lên những vân sóng tầng tầng giữa dòng, từng vòng sóng từng vầng loang ra, trong làn ánh sáng xao động, phòng ốc, đình viện chìm đi không dấu vết, cha mẹ, gia nhân, những lứa bạn bè quen thân hoá thành hư ảo theo sóng nước. Chỉ có hoa đào như cũ, những cánh hoa bay trong gió như mơ như ảo, như khói như mưa, như khóc như than, trái tim tôi như những làn khói bay xa, phiêu dạt theo cánh hoa, phiêu bạt...
Đêm tối, tôi mang bầu rượu, ngồi bên hòn đá thạch sư, nói chuyện cả đêm với đá. Tôi kể với đá quá khứ của tôi, nói với nó chuyện kiếp trước của tôi, nói với đá về cha mẹ tôi xưa, nói với đá về sự vô tri của tôi, nói với đá sự đau đớn của tôi, nói với đá sự buồn bã của tôi, nói với đá những khao khát của tôi, nói với đá sự hoảng loạn của tôi...
Cuối cùng tôi đắp ba doi đất vàng bên hòn thạch sư, làm thành mộ của cha mẹ tôi và người tôi yêu, dùng chỗ rượu còn sót lại, tế cúng linh hồn đã xa xưa của họ. Rượu thấm vào đất, thoáng đã khô ngay, tôi hy vọng nhờ rượu này có thể rửa đi những đau thương và bất hạnh mà tôi đã mang đến cho họ nghìn năm trước, có thể rửa đi những tiếng than vì sự bất hiếu của tôi, những oán hận vì tôi ngỗ ngược.
Nhưng tôi không biết rượu có khả năng đó thật không, đi giải những vết thương suốt ngàn năm, đi bù đắp những tiếc nuối đã ngàn năm.
Tôi quyết định ở lại sống nơi quê nhà, sau khi từ bỏ địa phủ, tôi hồn phách rã rời, không còn muốn bước chân ra đi nữa, tôi muốn có một cái nhà, đây đã là nhà tôi ở kiếp trước, cũng sẽ là nhà tôi ở kiếp này.
Tôi vốn định ở lâu trong rừng hoa đào, nhưng rừng đào ven thị trấn. Vốn cô độc trong địa phủ, tôi không thể sống chung với hàng xóm, hàng xóm luôn thấy tôi cổ quái, tránh né tôi, tôi rất buồn, tôi muốn sống như họ, nhưng tôi không biết bắt đầu từ đâu. Vì thế tôi đành dọn ra rìa núi ngoài thị trấn, tự lợp cho mình một gian cỏ.
Mặt trời mọc rồi lặn, năm nối năm, ngày trôi qua rất nhanh, tôi cũng tập tành dần thói quen người trần gian, tôi tự cày lấy vài mẫu đất cằn cỗi, trồng vài loại rau, nuôi vài con gà con vịt. Cuộc sống tuy thanh đạm, nhưng so với cuộc sống u ám nơi âm ty, tôi cảm thấy rất mãn nguyện. Đôi khi tôi cũng xuống núi vào thị trấn, bán vài thức rau mình trồng, vài con gà vịt mình nuôi, rồi vào quán quen nhắm vài cốc rượu nhỏ.
Dần dà, tôi quên mình là quỷ, quên mình đang đi tìm đại đạo, tôi dường như cảm thấy mình là người, là một kẻ phàm phu nhàn rỗi.
Một ngày, núi yên tĩnh xuất hiện một người khách không mời mà tới.
Hôm đó, tôi vừa cho gà vịt ăn xong, chuẩn bị nghỉ ngơi, uống ấm trà. Một đạo sĩ bước tới trước mặt tôi, định hoá duyên (xin đồ khất thực).
Tôi bèn đưa chút cơm rau và trà nước cho ông. Khi đưa tay ra nhận, mặt đạo sĩ biến sắc, trở nên rất khủng khiếp, mắt chòng chọc nhìn thẳng vào mặt tôi. Rồi không nói không rằng, quay người chạy mất. Tôi cảm thấy thật kỳ quặc, nhưng không ngờ một tai hoạ từ trên trời giáng xuống...
Sáng hôm sau, tôi còn chưa cơm nước gì, thì thấy đạo sĩ kia dẫn một đoàn người lên núi, có cả đạo sĩ, hoà thượng, rất nhiều dân làng. Nhóm người vừa nhìn thấy tôi đã cuống lên, rồi toả ra bao vây tôi, hoà thượng niệm kinh liên tục, niệm những gì mà tôi nghe không hiểu. Những đạo sĩ thì ném bùa chú tới tấp, cầm chuông rung lắc loạn xạ, thoáng chốc sân nhà tôi náo loạn gà vịt bay chó chạy, ruộng rau bị dẫm nát tan hoang. Tôi chịu không nổi phản đối, các người đang làm cái gì đấy! Ai ngờ đạo sĩ kia hắt một thứ đen sì vào người tôi, một mùi tanh nồng nặc lên mũi, thì ra là một chậu máu!
Tôi nổi cơn thịnh nộ, tiến tới, vung tay lên một quyền, đạo sĩ bị đánh bay văng ra vài trượng, thổ ra máu tươi, nằm úp trên đất phều phào. Tôi sững lại, giờ mới nhớ ra công phu tôi tu luyện suốt ngàn năm đâu phải sức người thường chịu nổi, may quá tôi chỉ ra một đòn nhẹ, nếu không đạo sĩ kia chết ngắc.
Đám người hỗn loạn kêu oai oái, một đạo sĩ mắng chửi: "Đồ súc sinh quỷ đói, lại còn không sợ máu chó đen!" Tôi mắng lại: "Ngươi mới nói nhảm, ta không phải ác quỷ, ta là... ta là..."
Tôi sững sờ.
Tôi là quỷ, tôi chính là quỷ đây.
Đạo sĩ quát: "Ngạ quỷ nhà ngươi, vì sao không ở địa ngục, chạy lên trần gian hại người! Quyết không tha cho ngươi!"
Tôi giận dữ, tôi nào hại người. Tôi hét lên: "Tôi chưa hề hại người!"
Đạo sĩ hét lớn: "Ác quỷ không hại người, lên trốn trần gian làm gì! Xảo trá!"
Tôi giận đùng đùng, tôi chỉ muốn về sống ở quê hương tôi, chỉ muốn có một mái nhà. Chẳng lẽ như thế là sai lầm ư? Ai ngăn cấm quỷ về dương gian! Ai! Tôi không hại ai, tôi chưa bao giờ hại ai. Tôi chỉ sống trên mảnh đất của tôi thôi!!! Tim tôi ngày càng kích động, lời mắng mỏ của đạo sĩ làm tôi không kiềm chế nổi nữa, tiếng niệm kinh, tiếng chuông, những tiền giấy bay tới tấp đầy trời, những gậy gộc gạch đá đập lên người làm tôi bức bối.
Một luồng sức mạnh tiềm ẩn trong thân tôi bạo phát, tôi ngửa đầu lên trời gào thét, một luồng âm khí từ ngực tôi vụt thoát, tức khắc biến thành một quầng vần vụ xanh lè và hoá thành cơn lốc dữ dội, thổi bay đất đá, mái nhà bị san phẳng, ruộng vườn tơ tướp, cây cối bật nhào rễ... Mấy hoà thượng đạo sĩ bị thổi bay, những người còn lại sợ hãi kinh khủng, cuống cuồng bỏ chạy xuống núi.
Hôm sau, tôi vào thị trấn định mua vài thứ cất lại nóc nhà.
Ai ngờ vừa vào trấn, những người gặp tôi mặt thảy đều xanh lè, hoảng hốt bỏ chạy. Người người tán loạn sợ hãi, cả những lính gác cổng thành đều không rõ nấp vào đâu trốn. Tôi cũng không hiểu xảy ra điều gì, cho đến khi tôi tới quán mì quen thuộc của ông Vương định ăn chút lót dạ, tôi mới hiểu ra.
Ông Vương nhìn thấy tôi đi vào, sợ run lên cầm cập, vội vàng bảo: "Đừng đến nữa, đừng có đến nữa..."
Tôi nghi hoặc nhìn, ông ta nói vấp váp: "Anh là quỷ thật ư?".
Óc tôi oà ra một tiếng, tôi hiểu rồi, tôi hiểu hết, người, không bao giờ đón nhận quỷ, cũng sẽ không bao giờ cho phép quỷ chia sẻ cõi sống cùng họ. Tôi không biết trong lòng tôi là cảm xúc gì nữa, là bi thương, là bi phẫn, là buồn bã, tôi ngơ ngẩn quay người đi ra khỏi quán nhỏ, nhìn phố không người, hàng quán xô lệch.
Tôi muốn gào, tôi muốn gọi, tôi muốn khóc... Tôi, nơi quán rượu trống hoác, cầm hồ rượu, vứt xuống một đồng xu, tôi đi khỏi thị trấn không ngoái đầu.
Giữa rừng đào, tôi uống một hơi cạn nửa hồ rượu, còn lại nửa bình rưới lên đất.
Tôi vốn định năm nay mùa hoa đào nở, tôi sẽ xây những nấm mồ thật cho họ, nhưng xây rồi nào để làm chi, mà tôi cũng chẳng còn thể nào ở lại nơi này.
Tôi vốn tưởng đây là quê nhà, nhưng không phải, nghìn năm trước là, nghìn năm sau không! Bãi bể ruộng dâu, thiên địa vô tình, ai ngờ nhân gian lạnh lùng thế, những người bạn ta từng quen thân, lại nghĩ ta không phải đồng loại mà vứt bỏ ta, những người qua đường từng đi bên cạnh, giờ trốn tránh ta, như ta là hồng thuỷ, ta là thuốc độc...
Lần này tôi không có nước mắt, nhưng trong tim tôi đau như là nhỏ nước mắt, đau tới mức tôi không thể thở...
"Lang tang..." chiếc hồ rượu vỡ tan dưới chân, như mảnh vườn tan nát của đời tôi, giấc mơ tan nát của tôi.
Cõi Luân Hồi Cõi Luân Hồi - Trần Long Cõi Luân Hồi