No entertainment is so cheap as reading, nor any pleasure so lasting.

Mary Wortley Montagu

 
 
 
 
 
Tác giả: Yasunari Kawabata
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: 川端 康成
Dịch giả: Thái Văn Hiếu
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Bach Ly Bang
Số chương: 8
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 6699 / 189
Cập nhật: 2015-08-21 07:45:08 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3: Thành Phố Kimono
yoto là một thành phố lớn với những cây cối đẹp đến sững sờ. Không sao tả được cái tuyệt mỹ nơi khu vườn bao quanh biệt thự hoàng gia cạnh chùa Xingakuin, cánh rừng thông bên hoàng cung, bao nhiêu vạt vườn mênh mang của những ngôi chùa cổ, mà ngay cây cối trên các phố xá cũng rất tươi tốt, chính chúng là điều trước nhất đập vào mắt du khách...Những cây liễu rủ ở Kiyamachi và trên bờ sông Takaxe, những con đường trồng liễu dọc các dãy phố Godgio và Horikaoa thật lạ thường. Đây là loài liễu rủ thực sự, những cành non mềm mại của chúng buông xuống sát đất. Cả những cây thông đỏ mọc thành vòng bán nguyệt trên Bắc Sơn cũng khiến người ta thán phục.
Vào tiết xuân, rặng Đông Sơn khoác trên mình màu xanh mơn mởn, còn khi trời quang mây tạnh thì có thể thấy rõ cây cối tận trên núi Hiay. Cái đẹp của cây cối tô đậm thêm cái đẹp của thành phố mà vẻ sạch sẽ nơi nó được thường xuyên coi sóc.
Ở Ghion, nhất là khu vực xa xa, dọc các đường hẻm chật chội có những ngôi nhà đã sạm đen vì cũ kỹ, nhưng bản thân đường phố thì sạch sẽ, không đâu thấy dấu hiệu bùn lầy.
Có thể nói y như vậy về khu Nhixidgin, nơi người ta sản xuất áo kimono. Ở đấy là sự sạch sẽ lý tưởng, bất chấp rất nhiều cửa hiệu nhỏ và xưởng thợ không đẹp mắt. Hàng rào gỗ ở các nhà hàng này được lau chui cẩn thận, trên đó không bói thấy một hạt bụi. Vườn bách thảo cũng được quét dọn, mặt đất không giấy vụn, không rác rưởi.
Quân Mỹ chiếm đóng từng xây lấy trong bách thảo các ngôi biệt thự và đương nhiên, cấm người Nhật vào thăm thú, về sau người Mỹ rút đi và tất cả đâu lại hoàn đấy.
Ông Xoxuke Otomo - chủ một xưởng dệt ở Nhixidgin - có một lối mòn trồng long não ưa thích trong bách thảo. Cây không cao, hơn nữa lối mòn lại ngắn, nhưng ông thích đi dạo ở đấy. Nhất là vào tiết xuân, lúc rặng long não đâm chồi...
"Những cây long não ở đằng ấy sao rồi? - Thỉnh thoảng Xoxuke lại sực nhớ trong lúc đang phải lắng tai theo dõi hoạt động của cỗ máy dệt. - Liệu bọn chiếm đóng có chặt chúng không?"
Ông nôn nóng đợi cái lúc vườn bách thảo mở cửa trở lại.
Mỗi khi đến bách thảo, Xoxuke ưa bách bộ dọc bờ con sông Kamogaoa thoai thoải dốc lên mé thượng nguồn, từ chỗ đó trông ra là quang cảnh Bắc Sơn. Thường ông đi dạo lẻ loi một mình.
Toàn bộ cuộc đi dạo trong bách thảo và dọc sông mất khoảng một tiếng. Hôm nay đây ông lại nhớ đến lối mòn trồng cây ưa thích mà đâm thèm.
- Ngài Takichiro Xada từ bên Xaga gọi điện đến đấy, - bà vợ cắt ngang dòng hồi tưởng của ông.
- Takichiro? Bên Xaga à?... - ông bước lại gần bàn viết, nơi đặt máy điện thoại.
Ông thợ dệt Xoxuke trẻ hơn nhà buôn quần áo Takichiro năm tuổi. Từ xưa họ vẫn nuôi thiện cảm với nhau, thường khi cùng chơi bời trong một "hội đàn đúm". Nhưng dạo gần đây không thường xuyên gặp nhau lắm.
- Otomo nghe đây, lâu lâu rồi ta chưa gặp nhau...
- Chào chú, Otomo, - giọng Takichiro nghe sôi nổi khác thường.
- Thế ra bác đang ở Xaga đấy à?
- A ha, đang lủi trong một ni viện hẻo lánh đây.
- Tiên sinh có hảo ý xử sự hơi lạ đấy. - Xoxuke dùng lối nói lễ độ một cách cố ý. - Mà ni viện cũng nhiều loại...
- Nhưng ni viện đây là thực sự đấy, có mỗi mình bà cụ ni viện trưởng ở đấy thôi.
- Thì đã sao? Bà cụ là một chuyện, còn như tiên sinh Xada với cô nào tre trẻ...
- Thôi đừng đùa cợt lố bịch nữa, - Takichiro phì cười, - tôi có việc với chú đây.
- Việc à? Với tôi?
- Phải. Tôi tính ghé vào đấy hôm nay.
- Rất hân hạnh, xin mời bác. - Xoxuke không giấu nổi vẻ thắc mắc. - Tôi ở nhà cả ngày, đang làm việc. Chắc qua điện thoại cũng nghe thấy tiếng máy lách cách đấy.
- Có tôi có nghe! Mà chú biết không, tôi đã thấy nhớ nhung thứ ồn ào ấy rồi.
- Có lẽ bác thì nhớ nhung chứ đối với tôi cái tiếng ồn ào ấy là miếng cơm manh áo sát sườn. Nó mà dứt là tôi tong. Đây không phải như chuyện bác tiêu khiển trong ni viện hẻo lánh...
Chưa đầy nửa tiếng, chiếc ôtô có Takichiro ngồi đã dừng ở cạnh nhà Xoxuke.
Takichiro bước vào nhà. Cặp mắt ông sáng lên. Ông hấp tấp mở phuroxiki 1 ra.
- Đây, tôi định yêu cầu chú, - ông vừa nói vừa xoay đảo lung tung bức vẽ.
- Thắt lưng! - Xoxuke thốt lên và chăm chú nhìn Takichiro. - Lộng lẫy, hiện đại quá - khác hẳn phong cách của bác, Xada tiên sinh ạ. Thôi phải rồi...Đúng là giành cho cái người cùng ở ẩn với bác trong ni viện chứ gì?...
- Chú lại suy bụng ta... - Takichiro bật cười. - Cho con gái chúng tôi.
- Bao giờ cái thắt lưng dệt xong cô nhà ngạc nhiên phải biết. Chứ còn gì nữa. Nhưng liệu cô ấy có mặc như thế không?
- Đây nhá, Chieko đã tặng tôi mấy cuốn vựng tập các phiên bản của Klee.
- Klee... Klee... đâu như họa sĩ phải không?
- Đại loại là người theo phái trừu tượng và nghe nói, là một bậc thầy tương đối khá. Tranh ông ấy gợi tâm trạng mơ mộng. Chúng làm xúc động đến cả trái tim già lão của tôi. Tôi đã lần giở các vựng tập rất lâu, để ý xem kỹ các phiên bản rồi làm phác thảo - chả có gì giống những họa tiết trên vải Nhật Bản xưa hết.
- Điều đó chắc rồi.
- Thế nên tôi quyết định nhờ chú dệt cái thắt lưng theo mẫu này. Ta xem xem có được không. - Giọng Takichiro vẫn còn run vì xúc động.
Xoxuke im lặng xem kỹ bức vẽ một lúc.
- Chà, kiệt tác đây, màu sắc cũng đẹp lắm. Có cả cái mới mà trước đây chưa có trong các mẫu của bác. Còn họa tiết thì vẫn tao nhã như xưa dù rằng sắc nét. Dệt theo nó không dễ đâu, nhưng chúng tôi sẽ cố. Ta sẽ làm một cái để thử. Ở bức vẽ có cảm giác thấy cả lòng hiếu thảo của cô con gái lẫn tình thương của cha mẹ.
- Cảm ơn chú... Dạo vừa rồi đâu đâu cũng thấy đi tìm idea, sense 2, đến màu sắc cũng đem so đọ với thời trang phương Tây.
- Phải, cái thực sự chân chính thì không làm.
- Tôi không thể chịu được khi người ta cứ dùng từ ngữ nước ngoài trong nghề chúng ta. Ở Nhật từ thượng cổ đã có cách cảm thụ màu sắc riêng biệt, tinh tế, có cần diễn đạt bằng lời đâu.
- Phải, rất phải! Ngay màu đen cũng có bao nhiêu là vẻ, - Xoxuke gật đầu tán đồng. - Nhân đây, bác có biết hôm nay tôi nghĩ gì không? Xem những ai là người duy nhất chuyên sản xuất thắt lưng bây giờ. Những người ấy, như Idzukura chẳng hạn, có hẳn một công xưởng thật sự hiện đại - một xí nghiệp bốn tầng theo lối Âu châu. Đằng ấy họ dệt tới năm trăm cái thắt lưng mỗi ngày, công nhân dự phần điều khiển, nghe nói tuổi trung bình thợ dệt ở đó là hai mươi. Cứ cung cách này thì vài chục năm nữa, những thợ quen làm máy dệt tay kiểu như chúng tôi biến sạch.
- Bậy!
- Mà có sống được thì không khéo cũng thành ra một thứ "Tài sản quốc gia", "Bảo vật văn hóa" của xứ sở không hơn không kém.
- Hay chẳng hạn, như bác, Xada tiên sinh, hoặc cái ông...Klee chắc?
- Tôi nói Paul Klee. Mà chú có biết không, tôi ở ẩn trong chùa mà hầu như nửa tháng cứ suốt ngày, không thì lại hết đêm suy nghĩ lại họa tiết và màu sắc cho cái thắt lưng này, nhưng vẫn không dám tin mình vẽ được đến thế.
- Mẫu vẽ không chê vào đâu được, đúng lối tao nhã Nhật Bản, - Xoxuke vội bác lại, - hoàn toàn xứng với tên tuổi và tài năng của bác. Chúng tôi sẽ cố dệt một chiếc thắt lưng đẹp đúng như mẫu bác vẽ, có lẽ Hideo, thằng con cả tôi, dệt lại tốt hơn tôi. Mà hình như bác đã biết nó rồi thì phải.
- Rồi.
- Hideo dệt tất đấy.
- Chú am tường hơn. Cái chính là phải sao cho kết quả. Nghề của tôi là bán buôn và phần nhiều lại với tỉnh lẻ, nên chi tiết tôi không thạo.
- Bác cứ nói ngoa cho mình làm gì?
- Cái thắt lưng này tính dành cho mùa thu. Làm nhanh nhanh lên nhá.
- Xin vâng, thế áo kimono dùng với thắt lưng đã chọn rồi chứ?
- Trước hết hãy thắt lưng đã...
- Tôi hiểu. Với nhà buôn lớn thì chọn một cái kimono không đáng gì lắm... Không chừng bác sửa soạn gả chồng cho cô nhà chăng?
- Chú moi đâu ra chuyện ấy?! - Takichiro bỗng dưng thấy ngường ngượng.
Ở các xưởng Nhixidgin nơi người ta làm bằng máy dệt tay, khá hiếm khi kỹ xảo dệt được cha truyền con nối tới ba thế hệ. Nghề dệt tay ở mức độ nào đấy là một nghệ thuật. Nên nếu người cha có là thợ dệt cự phách thì điều đó cũng hoàn toàn không có nghĩa con trai ông ta sẽ thành một thợ giỏi như thế. Cho dù anh ta không chây lười vì thỏa mãn với vinh quang nơi tài năng cha mình, mà gắng nắm cho được các bí quyết tay nghề đi nữa cũng vậy thôi. Thường là thế này: người ta dạy trẻ con guồng sợi từ bốn, năm tuổi. Đến mười, mười hai tuổi nó đã làm chủ được máy dệt và tự lực thực hiện các đơn đặt hàng không phức tạp lắm. Do đó, một khi người chủ xưởng có đông con thì đấy là một bảo đảm cho sự phát đạt. Làm công việc guồng sợi có cả những phụ nữ đã nhiều tuổi, sáu mươi hay đến bảy mươi. Và thông thường có thể thấy trong các xưởng bà và cháu gái ngồi guồng sợi với nhau.
Nhà Xoxuke chỉ có một người guồng sợi, đấy là bà vợ hoàn toàn không còn trẻ trung gì nữa của ông. Bà làm việc không kịp duỗi lưng, suót từ sáng đến tối và dần dà, đâm ngày một trầm lặng hơn.
Xoxuke có ba người con trai. Người nào cũng dệt thắt lưng bằng loại máy dệt cao takabata.
Chủ xưởng có ba máy được coi là phong lưu, song có những xưởng chỉ có một máy, có những thợ dệt phải đi thuê máy.
Tay nghề cự phách của Hideo, mà như Xoxuke đã thừa nhận anh vượt cha về phương diện này, thì cả giới chủ xưởng sản xuất lẫn các nhà buôn lớn đều biết.
° ° °
- Hideo, Hideo! - Xoxuke réo to, nhưng người kia chắc là không nghe thấy.
Khác với chạy máy, các máy dệt tay làm bằng gỗ nên không kêu to lắm. Song máy của Hideo là cái ở xa nhất và chàng thanh niên đang mải dệt chiếc thắt lưng hai mặt - một công việc đặc biệt phức tạp - không nghe thấy cha gọi.
- Mẹ nó này, gọi thằng Hideo đi, - Xoxuke quay sang vợ.
- Tôi đi đây. - Bà phủi những mẩu sợi vụn ở đầu gối, rồi vừa lấy tay đấm đấm chỗ thắt lưng vừa theo hành lang nền đất đi về phía cỗ máy người con trai đang làm việc.
Hideo dừng go, nhìn về phía Takichiro, song chưa đứng dậy ngay - có lẽ, anh mệt. Thấy khách, anh cũng chưa buồn đến cả vươn vai để rướn cái lưng đã tê rần mà chỉ chùi mặt, rồi lúc đã đến gần Takichiro thì lầu bầu lên tiếng:
- Rất hân hạnh được ngài hạ cố đến túp lều dơ dáy của chúng tôi - Toàn bộ con người anh vẫn để đằng kia, nơi công việc.
- Xada tiên sinh đã làm phác thảo và yêu cầu dệt một cái thắt lưng đấy, - người cha nói.
- Thế ư? - Hideo vẻ thờ ơ nhận xét.
- Đây là chiếc thắt lưng đặc biệt và bố nghĩ mày nên làm thì tốt hơn.
- Chắc để cho cô nhà, cho tiểu thư Chieko phải không? - Hideo giờ mới nhìn Xada.
° ° °
- Hôm này cháu nó đứng máy từ sáng sớm, có lẽ nó mệt. - Xoxuke nói với giọng xin lỗi, cố thanh minh cho thái độ khiếm nhã của con trai.
Hideo im lặng.
- Nếu không gửi gắm tâm hồn vào thì làm sao làm được cái gì tốt đẹp - Takichiro đáp, tỏ cho biết rằng ông không giận.
- Không có gì đặc biệt đâu ạ, cái thắt lưng hai mặt bình thường thôi, thế mà nó cứ không để yên... Xin thứ lỗi đã không nghênh đón ngài cho phải phép. - Hideo khẽ cúi đầu tạ.
Takichiro gật đầu:
- Không sao hết, người thợ chân chính không thể làm khác được.
Khi phải dệt thứ đồ tầm thường thì công việc thành nặng nhọc gấp đôi. - Chàng trai cúi đầu xuống.
- Nghe đây này, Hideo, Xada tiên sinh có mang đến một mẫu vẽ khác thường. Ngài ở ẩn trong một ni viện ở Xaga và đã nghiên cứu nó rất lâu đấy. Đây không phải để bán. - Người cha nghiêm mặt nói.
- Thế ư? Nghĩa là, ở Xaga...
- Hãy cố dệt làm sao càng tốt càng hay.
- Xin vâng.
Thái độ thờ ơ của Hideo đã làm vơi mất niềm xúc động hân hoan mà Takichiro mang trong lòng lúc đến xưởng dệt Otomo.
Ông giở phác thảo ra, đặt trước mặt Hideo.
-...
- Anh không thích à? - Takichiro dè dặt hỏi.
-...
- Hideo, - Xoxuke thốt lên, không chịu nổi sự im lặng bướng bỉnh của con trai, - ai hỏi thì phải trả lời. Mày bất nhã lắm.
- Con là thợ dệt, - cuối cùng thì chàng trai nói, đầu vẫn không ngửng lên, - nên con cần có thời gian để nghiền ngẫm mẫu vẽ của ngài Xada. Tác phẩm thật khác thường, mà làm quấy quá thì không được - vì đây là thắt lưng của tiểu thư Chieko cơ mà.
- Thì bố cũng đang nói chính chuyện đó, - Xoxuke gật đầu. Cách cư xử khác lạ của con khiến ông ngạc nhiên.
- Nghĩa là, anh không thích? - Lần này câu hỏi của Takichiro nghe có vẻ xẵng.
- Mẫu vẽ tuyệt vời, - Hideo điềm tĩnh lại. - Không lẽ tôi đã nói tôi không thích nó sao?
- Nói ra thì không, nhưng trong lòng... Tôi thấy trong mắt anh.
- Ngài thấy cái gì?
- Thấy gì à?! - Takichiro đột ngột vùng dậy tát Hideo. Chàng trai thậm chí không tìm cách né tránh.
- Ngài cứ đánh bao nhiêu cũng được. Chứ tôi không hề có ý nghĩ mẫu vẽ của ngài xấu, - Hideo hoạt bát hẳn lên. Dường như, cái tát đã giũ sạch vẻ hờ hững trên mặt anh. - Cúi xin ngài thứ lỗi, thưa Xada tiên sinh. - Hideo cúi rạp xuống, bàn tay chạm nền. Thậm chí anh cũng không cố lấy tay che bên má nóng bừng vì cái tát.
-...
- Tôi biết là ngài giận, nhưng tuy vậy tôi vẫn xin mạo muội yêu cầu: cho phép tôi được dệt chiếc thắt lưng này.
- Cũng vì việc ấy mà tôi đến đây, - Takichiro vừa càu nhàu, vừa gắng trấn tĩnh lại. - Chính anh hãy tha thứ cho tôi, cho lão già này. Tôi cư xử thật chả ra làm sao. Cái tay đã đánh anh thì đang đau...
- Ngài cho phép bắt tay nào. Tay cánh thợ dệt thì cứng, da lại dày.
Cả hai cùng bật cười.
Song trong thâm tâm Takichiro vẫn cảm thấy ngượng ngùng.
- Đã lâu không xúc phạm đến ai, thậm chí cũng không nhớ được khi... Thôi, bỏ quá cho tôi nhá - ta hãy quên chuyện ấy đi. Tốt nhất là hãy nói cho tôi biết, Hideo ạ: tại sao anh có vẻ mặt lạ lùng vậy lúc xem mẫu vẽ có tôi? Nói thật đi nhé!
- Vâng. - Hideo lại chau mày. - Tôi dẫu sao cũng còn trẻ, thiếu kinh nghiệm, vả lại đối với tôi, chỉ là người thợ, cũng khó mà nói được điều gì xác đáng. Quả là ngài đã rộng lòng cho biết ngài làm phác thảo này lúc đã ở ẩn trong tu viện phải không?
- Đúng. Tôi cũng định ngay hôm nay sẽ lại quay về. Có lẽ, tôi còn lưu lại ở đó độ chừng nửa tháng.
- Ngài không nên quay về đấy nữa, - Hideo nói, giọng quả quyết. - Ngài về nhà đi thì hơn.
- Ở nhà tôi không được tĩnh tâm, không tập trung được suy nghĩ.
- Vẻ lộng lẫy, rực rỡ và nét tân kỳ của mẫu vẽ đã khiến tôi sửng sốt. Tôi chỉ còn biết khâm phục: làm sao mà ngài, Xada tiên sinh, tạo ra được một phác thảo nhường ấy? Song, nếu bắt đầu chú tâm xem kỹ thì...
-...
- Dường như có thú vị đấy, đặc sắc đấy, nhưng... trong đó thiếu sự hài hòa, thiếu hơi ấm của tâm hồn. Mẫu vẽ phảng phất nỗi bất ổn, một vẻ gì đấy bệnh hoạn.
Takichiro tái mét đi, cặp môi ông tìm rẩy không thốt nổi lấy một lời.
- Tôi có cảm giác như, trong ngôi chùa hẻo lánh ấy có loài hồ li tinh cư ngụ, và chính chúng đã lèo lái tay bút ngài...
- Vậy đấy - Takichiro kéo bức vẽ lại gần mình, nhìn nó chòng chọc. - Khẩu khí khá lắm. Tuy trẻ người vậy mà tinh anh... Cảm ơn anh... Tôi sẽ suy ngẫm cho thật đến nơi đến chốn lần nữa và sẽ thử làm một phác thảo mới xem sao. - Takichiro lật đật cuộn bức vẽ lại nhét vào ngực áo.
- Việc gì phải thế? Mẫu vẽ tuyệt vời lắm, còn khi nào tôi dệt cái thắt lưng, thuốc nhuộm và chỉ màu sẽ tạo cho nó một vẻ khác.
- Cám ơn anh, Hideo ạ. Vậy là, anh có ý định sẽ dệt chiếc thắt lưng mà đặt vào đấy cảm tình dành cho con gái chúng tôi, và nhờ đó sẽ tiếp thêm hơi ấm cho bức phác thảo không chút sinh khí này, - Takichiro nói, rồi vội vã từ biệt và rời xưởng dệt.
Ông đã ngay tức khắc nhìn thấy một con sông nho nhỏ, con sông điển hình cho Kyoto. Mà cỏ ở ven bờ - đúng theo lối cổ - xiêu xiêu ngả xuống mặt nước. Còn bức tường trắng trên bờ kia nữa chứ?
Tường nhà Otomo đó chăng?
Takichiro thọc tay vào ngực áo, vò nát bức phác thảo rồi ném nó xuống sông.
° ° °
- Mình có muốn đi với con đến Omuro ngắm hoa không?
Tiếng chuông điện thoại của Takichiro khiến Xighe bị đột ngột. Không rõ vì sao bà không nhớ nổi rằng trước đấy ông chồng đã mời bà đi ngắm hoa.
- Chieko! Chieko! - Bà hét lên, hệt như kêu cứu với con gái. - Cha gọi điện - lại nghe máy đi...
Chieko chạy vào, rồi đặt tay lên vai mẹ, nàng cầm lấy ống nói.
- Vâng, con với mẹ sẽ đến...Vâng, sẽ đợi ở nhà trà đình trước cửa chùa Nhinnadgi...Không, không, không đến trễ đâu ạ...
Chieko đặt ống nghe xuống, đưa mắt nhìn mẹ và bật cười.
- Có gì mà mẹ hoảng hốt thế hả mẹ? Chẳng qua mẹ với con được mời đi ngắm hoa thôi mà.
- Lạ thật, bỗng dưng ông ấy lại nghĩ đến mẹ!
- Ở Omuro bây giờ anh đào đang thì nở rộ... - Chieko cổ vũ bà mẹ đang còn phân vân.
Anh đào ở Omuro được mệnh danh là "trăng buổi bình minh", chúng khai hoa muộn hơn ở những nơi khác tại cố đô - phải chăng cũng là để Kyoto chưa phải vội chia tay với hoa?
Họ qua cổng tam quan Nhinnadgi. Cánh rừng anh đào (hay khu vườn anh đào thì đúng hơn?) mé tay trái trổ hoa mãnh liệt đến khác thường.
Nhưng Takichiro bảo lúc nhìn về phía ấy:
- Thôi, tôi đâu có lòng nào xem cảnh này nữa.
Trên các lối mòn trong rừng có đặt những ghế băng rộng, trên đó khách đến đây tản bộ, ăn, uống rồi hát hò oang oang. Đôi chỗ, những người đàn bà nông dân đã có tuổi say sưa nhảy múa rất vui vẻ, còn đám đàn ông ngà ngà say thì nằm dài ra ghế băng ngáy như sấm; một số nằm ngay trên mặt đất; ý chừng đã lăn từ ghế xuống trong khi ngủ.
- Sao lại đến nỗi này! - Takichiro lắc đầu buồn bã rồi đi thẳng.
Xighe và Chieko theo ông, mặc dù đã từ lâu họ quen với việc ngắm hoa anh đào ở Omuro.
Tận giữa rừng, một làn khói mỏng bay lên trời - đằng ấy người ta đốt những rác rưởi khách yêu thích anh đào nở bỏ lại.
° ° °
- Ta đi đâu yên tĩnh hơn chứ, Xighe? - Takichiro có đề xướng.
Họ đã sắp bỏ đi thì trông thấy những người phụ nữ Triều Tiên mặc quần áo dân tộc dưới gốc cây thông cao đối diện cánh rừng anh đào. Họ đeo trống Triều Tiên và trình diễn một điệu múa dân tộc theo điệu trống. Cảnh tượng coi có vẻ đẹp đẽ hơn nhiều so với đám người chơi bời giải trí trong vườn anh đào.
Xuyên qua khe hở giữa những cành thông non, hiện lên phía xa những đóa hoa hồng hồng của loài anh đào núi.
Chieko đứng lại một ngắm các phụ nữ Triều Tiên rồi nói:
- Cha ạ, ta đến vườn bách thảo đi - đằng ấy yên tĩnh lắm.
- Chứ sao? Thôi thì... Ta xem anh đào ở Omuro là đã làm tròn bổn phận của mình với mùa xuân rồi. - Và Takichiro bước ra ôtô.
Vườn bách thảo mở cửa trở lại cho khách thăm viếng từ tháng tư, và xe điện lại bắt đầu chạy từ ga Kyoto tới đó.
- Nếu ở vườn bách thảo cũng lại cái cảnh xô bồ như vừa nãy thì ta sẽ dạo chơi trên bờ sông Kamogaoa vậy, - Takichiro nói.
° ° °
Ô tô lao vùn vụt qua cái thành phố ngập trong màu xanh tươi trẻ của cây cối. Những tán lá non có vẻ tươi hơn hẳn trên các ngôi nhà cổ một điều khó bề cảm thấy gần những công trình xây dựng mới.
Nhìn từ phía con đường trồng cây trải dài dọc tường bao, vườn bách thảo có vẻ cực kỳ khoáng đãng và đầy ánh sáng. Bên trái, ôm lấy nó, con sông Kamogaoa vẫn đẩy trôi xuôi dòng nước của mình.
Xighe mua vé qua cửa và nhét vào thắt lưng. Bà vừa hít căng lồng ngực vừa ngắm khoảng rộng đã phơi mở. Từ khu phố các thương gia nơi họ sống chỉ thấy lờ mờ các mỏm đồi xa xa, mà Xighe thì thậm chí cũng chả có dịp ngắm chúng: bà hiếm khi rời cửa hàng ra phố.
Bên trong cổng bách thảo có đài phun nước đang phun mà xung quanh nó là loài uất kim hương nở rộ. Một cảnh tượng lố bịch đối với Kyoto.
- Chắc cái này là do người Mỹ làm lúc họ xây các biệt thự của mình ở đây. - Xighe nói.
- Nghe đâu, người Mỹ còn xây những thứ ấy ở đằng xa kia nữa cơ tận giữa vườn ấy, - Takichiro nhận xét.
Họ cảm thấy trên mặt những bụi nước li ti từ đài phun nước, mặc dù trời lặng gió. Sau đài phun nước, về mé tay trái nhô lên một nhà kính khá lớn, mái vòm thủy tinh gắn trong khung kim loại. Họ ngó qua lớp kính các loài cây cỏ nhiệt đới trồng trong đó.
Song ghé vào xem thì không.
Đi dạo quanh vườn bách thảo không mất bao nhiêu thời gian.
Bên phải con đường, một cây thông tuyết Hymalaya đồ sộ đã đâm ra những chồi xuân võng xuống vì từng chùm lá kim dài. Các cành phía dưới là là sát mặt đất. Thông tuyết Hymalaya là một loài cây thuộc họ lá kim, song bộ lá mượt mà của nó là thứ mới sinh - đấy mà là "kim" sao được? Khác với loài thông rụng lá Karamatsu, nó không trút bỏ những lá già về mùa thu nhưng dù sao đi nữa đám chồi xanh non của nó vẫn gây ra ấn tượng huyền diệu:
- Ta đã thất thố với con trai Otomo, - Takichiro lẩm bẩm một câu không ăn nhập vào đâu. - Anh ta vượt hẳn cha trong công việc, còn con mắt thì quả là sành sỏi lắm: nhìn thấu mọi sự.
Lẽ cố nhiên Xighe và Chieko chả hiểu gì lời ông nói.
- Cha gặp Hideo đấy à? - Chieko hỏi, còn Xighe thì chỉ chêm thêm: - Nghe nói, anh ta là một thợ giỏi.
Họ biết là Takichiro không ưa gặng hỏi.
Qua phía phải đài phun nước rồi rẽ trái, họ nhận thấy một khu gì đại loại như vườn trẻ. Từ đấy vọng tới tiếng trẻ con cười đùa, còn trên bãi cỏ thì thấy các thứ đồ trẻ con giản đơn, sắp đặt rất ngăn nắp.
Takichiro và hai người phụ nữ cùng đi bước vào dưới tán lá cây và một lần nữa lại rẽ trái. Thình lình, cả một bãi trồng hoa uất kim hương hiện ra trước mắt họ. Chieko thậm chí kêu lên khi từ xa đã thấy chừng ấy thứ hoa: đỏ, vàng, trắng, đen, tím thẫm như hoa trà: Những đóa hoa đều to, mỗi thứ một lô riêng.
- Có lẽ là họa tiết bằng hoa uất kim hương cũng hoàn toàn hợp với kimono theo phong cách mới chăng, cho dù trước đây không bao giờ ta lại bằng lòng với một vẻ vô vị như thế...- Takichiro thở dài.
° ° °
Nếu những cành thông tuyết Hymalaya vươn rộng gần chạm đất với từng chùm lá mịn màng có thể sánh với chiếc đuôi công xòe rộng thì vẻ sặc sỡ uất kim hương kia phải so với cái gì? - Takichiro nghĩ. Màu sắc của chúng tựa hồ nhuộm cả không trung, thấm sâu tận bản thể nó.
Xighe tách khỏi chồng rồi tì vai vào Chieko. Kể cũng lạ là, vào phút ấy cái thu hút sự chú ý của Chieko không phải những bông hoa.
- Mẹ ơi, mẹ có nhìn thấy những người đang đứng trước đám uất kim hương trắng không? Phải chăng là một lễ chạm mặt?
- Chà, quả là...
- Đừng nhìn thẳng về phía họ như vậy, mẹ. - Cô gái kéo tay áo Xighe. Trước bãi hoa uất kim hương là cái hồ thả cá chép.
Takichiro rời ghế băng đứng dậy rồi vừa chậm rãi bước men các lô uất kim hương vừa cúi sát xuống đám hoa và gần như ghé nhìn từng vành hoa.
- Hoa Tây phương chói quá, khiến người ta chóng chán, một khu rừng trúc nho nhỏ còn hợp ý tôi hơn, - khi quay về với hai người phụ nữ cùng đi, ông Takichiro nói.
Bãi uất kim hương nằm ở chỗ đất thấp, bao quanh là cây.
- Chieko, con có cảm thấy vườn bách thảo có một cái gì đó Âu châu không? - Takichiro hỏi.
- Thật khó xét đoán, nhưng quả thật nó có cái gì hao hao vườn Tây phương, - Chieko đáp. - Cha thì muốn đi nhưng có lẽ, vì mẹ, ta hãy nghỉ lại đây một lát chứ?
Takichiro vẻ tuyệt vọng đã một lần nữa dịch đến gần đám hoa thì đúng lúc ấy có tiếng gọi giật ông lại.
- Hình như Xada tiên sinh phải không? Ô, tất nhiên rồi, ngài Xada đây rồi?
- A, Otomo. Tôi thấy rồi, cả Hideo đi cùng chú nữa kìa. Thế mà không ngờ gặp bố con chú ở đây.
- Không, tôi mới bất ngờ...- Xoxuke vừa thốt lên vừa cúi rạp xuống chào. - Tôi thích dạo trên con đường trồng long não ở đây, chờ lúc vườn mở cửa trở lại đến khổ! Hôm nay tôi đã cực kỳ thích thú bách bộ mãi trên con đường ấy. Rặng long não phải đến năm mươi, mà không khéo sáu mươi tuổi... Xin bác lượng thứ cho thói mất dạy của thằng con tôi, nó cư xử thật là bất nhã lúc bác đến thăm. - Xoxuke lại cúi đầu lần nữa.
- Còn trẻ mà - nên bỏ quá cho anh ta chứ.
- Bác từ Xaga đến đây à?
- Tôi từ Xaga, còn Xighe với con gái thì từ nhà.
Xoxuke đến gần hai người phụ nữ cùng đi với Takichiro và cúi chào.
- Hideo, anh nghĩ sao về loài hoa uất kim hương này? - Giọng Takichiro nghe nghiêm khắc quá đáng.
- Chúng sống... - với tính ngay thẳng vốn có, - chàng trai đáp.
- Sống?... Lẽ dĩ nhiên là sống rồi, nhưng tôi khó chịu khi nhìn chúng - chúng quá nhiều... - Takichiro quay đi.
° ° °
Những bông hoa đang sống... Đời chúng ngắn ngủi, song chúng đang sống, dĩ nhiên rồi. Hàng năm các nụ hoa lại sinh ra. Rồi nở. Chúng sống, cũng như toàn bộ thiên nhiên đang sống...Takichiro có cảm giác y như ông lại thất thố với Hideo lần nữa.
- Tôi không đủ thẩm quyền xét đoán đâu, nhưng tôi nghĩ, một họa tiết bằng hoa uất kim hương không hợp với kimono hoặc thắt lưng lắm. Tuy nhiên, nếu một họa sĩ thiên tài vẽ họa tiết ấy thì những bông uất kim hương có lẽ cũng sẽ có một cuộc sống vĩnh cửu trong mẫu vẽ, - Takichiro ngoái đầu lại nói. - Ta cứ lấy các mẫu vẽ trên vải cổ mà xem. Một vài mẫu trong số đó còn già hơn kinh đô cổ của chúng ta. Còn ai là người có tài sáng tạo một vẻ đẹp tương tự bây giờ? Vậy là, một số bản sao...
-...
- Hoặc giả cây cối nữa. Trong đấy chả có những cây già hơn thành phố ta là gì?
- Với tôi thì những chuyện như thế quá khó hiểu. Việc của tôi là dệt. Ngày này qua ngày khác. Mà sao lại bàn cãi về các thứ vải quý ở đây nhỉ? - Hideo cúi gằm xuống. - Tôi chỉ nghĩ có thế này: nếu đem đặt Chieko cạnh Miroku 3 ở chùa Chiugudgi hay Koriudgi, thì cô nhà tuyệt vời hơn những pho tượng ấy biết chừng nào?
- Có lẽ, bảo Chieko vậy thì sẽ khiến nó vui sướng đấy, cho dù nó không xứng được so sánh thế... ôi, Hideo? Người con gái biến thành bà già nhanh lắm. Nhanh lắm!
- Thì tôi đã nói: đám uất kim hương sống, - Hideo bắt đầu cao hứng nói. - Tiết khai hoa ngắn ngủi lắm, song trong cái khoảnh khắc thoáng qua ấy là toàn bộ vẻ sung mãn của cuộc sống. Lẽ nào không phải như vậy? Và chính bây giờ là lúc tiết ấy đã đến.
- Tôi đồng ý. - Takichiro lại quay về phía chàng trai.
- Tôi không có ý định dệt những thắt lưng khả dĩ dành lại cho cháu chắt chúng ta. Tôi sẽ làm những cái để người thiếu nữ phải nói: đấy là cái dành cho tôi - và sẵn lòng mặc vào ngày hôm nay, ngay bây giờ, lúc nàng đang độ tuổi xuân.
- Một ý kiến tuyệt vời, - Takichiro gật đầu.
- Đấy là lý do tại sao tôi nói đám uất kim hương đang sống. Giờ chúng đang nở rộ, song đây đó đã có những cánh hoa rụng.
- Âu cũng...
- Dẫu rằng hoa rụng cũng mỗi thứ mỗi khác. Một đằng anh đào như cơn bão thực sự bằng cánh hoa, còn như loài uất kim hương kia...
Chắc ý anh muốn nói những cánh hoa uất kim hương rụng phải không? Tôi chỉ nói một điều: bãi hoa uất kim hương không hợp lòng tôi - nó có quá nhiều những đóa hoa sặc sỡ, mà mất đi vẻ đáng yêu... Có lẽ, tất cả là do tuổi già đã đến chăng?
- Ta đi chứ thưa ngài, - Hideo đề nghị. - Thành thật mà nói, đã nhiều lần người ta mang các phác thảo đến tôi, yêu cầu dệt thắt lưng có họa tiết uất kim hương, nhưng đấy là mẫu vẽ trên giấy, và tôi từ chối. Còn hôm nay tôi đã tận mắt ngắm những đóa uất kim hương đầy nhựa sống - và khác nào được sáng mắt ra.
° ° °
Năm người bọn họ rời bãi hoa uất kim hương, cất bước leo lên các bậc đá.
Một bờ giậu chạy dài theo cầu thang, hay thậm chí không phải bờ giậu nữa mà là bức lũy bằng những cây đỗ quyên kirixi thì đúng hơn. Đỗ quyên chưa ra hoa, nhưng vạt lá lăn tăn ken dày và xanh mướt của nó giúp tôn thêm sắc rực rỡ những đóa uất kim hương đã bừng nở.
Từ trên cao nhìn xuống là cảnh mấy khu vườn trồng mẫu đơn thân mộc - mẫu đơn Trung Hoa có hương thơm và botan. Chúng cũng chưa ra hoa. Những vườn mẫu đơn có vẻ gì chưa thuận mắt - có lẽ vì chúng mới xuất hiện cách đây không lâu.
Rặng Hiay mờ mờ hiện ra ở đằng Đông.
Hầu như từ bất cứ chỗ nào trong vườn bách thảo cũng đều trông thấy quang cảnh một rặng núi nào đó: hoặc Hiay, hoặc Đông Sơn hay Bắc Sơn. Núi Hiay từ sau vườn mẫu đơn hương ló ra vẻ như gần ngay đấy.
- Chỉ có đỉnh núi là không rõ - sương mù che khuất mất, - Xoxuke nói với Takichiro.
- Màn sương xuân che lấp cả dáng hình...- Takichiro vẫn chăm chắm rặng núi đáp. - Otomo ạ, nó không nhắc chú rằng mùa xuân đã đến sao?
- Không bác ạ!
- Hay ngược lại, nó gợi ra ý nghĩ mùa xuân đã tàn?
- Không, thưa bác, - Xoxuke lặp lại. - Mùa xuân qua nhanh quá. Chúng tôi không kịp cả việc ngắm hoa anh đào cho đến nơi đến chốn.
- Khéo chú chẳng tự phát hiện cho mình điều gì mới hết.
Họ im lặng bước đi một lúc.
- Otomo này, sao ta không dạo con đường trồng long não ưa thích của chú nhỉ? - Takichiro đề nghị.
- Rất vui lòng, thế tôi cũng đủ sung sướng rồi. Nếu cô nhà cùng đi với chúng ta thì càng hay ạ. - Và Xoxuke ngoảnh lại nhìn Chieko.
Trên cao, cành long não đan vào nhau, tạo thành mái lều màu xanh lá cây phía trên đầu. Những chiếc lá non óng ả ngả chút ánh tia tía. Tuy trời lặng gió vẫn hơi rung rinh.
Cả năm người lặng lẽ đi, thỉnh thoảng mới trao đổi vài câu ngắn gọn. Ở đây, dưới tán lá long não, từng người theo đuổi ý nghĩ riêng của mình.
Khi Hideo so Chieko với những pho tượng Miroku đẹp nhất ở Nara và Kyoto mà lại còn nói rằng cô gái đẹp hơn những pho tượng ấy, thì Takichiro lo nghĩ thực sự. Phải chăng Hideo say mê con ông đến thế. Mà nếu con bé lấy anh ta làm chồng thì nó nương náu vào đâu? Trong cái xưởng dệt của họ ư? Lại suốt từ sáng đến đêm se sợi à?
Ông ngoảnh lại, Hideo đang sôi nổi kể một chuyện gì đó với Chieko, còn nàng thì chốc chốc lại gật đầu vẻ tán đồng.
Nói chung thì Chieko không nhất thiết phải về nhà Otomo. Cứ thu nhận Hideo vào gia đình mình cũng được, Takichiro nghĩ.
Chieko là đứa con gái độc nhất. Có thể hình dung Xighe sẽ buồn phiền đến đâu nếu nó về nhà chồng. Mặc khác, Hideo là con trưởng của Otomo, mà bản thân Xoxuke đã thừa nhận rằng nó vượt cha về tài nghệ chuyên môn. Liệu chú ấy có thuận cho Hideo đi không? Song chú ấy vẫn còn hai đứa con trai kia mà.
Và dẫu sao đi nữa, cho dù việc kinh doanh của ông gần đây có sa sút ông, Takichiro, vẫn là một thương gia bán buôn ở khu Nakaghio. Phải chăng có thể so sánh ngôi nhà hiệu buôn của ông và cái xưởng dệt, nơi cả thảy có ba cái máy, nơi không có một thợ mướn nào và những người trong gia đình phải tự làm bằng tay toàn bộ công việc. Một công việc vặt vãnh dưới quan điểm thương mại. Cứ trông Axako - mẹ của Hideo, hay những đồ dùng thảm hại trong bếp thì biết... Vậy thì thử hỏi làm sao Hideo, tuy là con trưởng đi, lại không đến với gia đình họ một khi anh ta cưới Chieko...
- Hideo là một thanh niên đứng đắn và cương nghị, - Takichiro bật lên thành tiếng, tựa thể để tiếp tục độc thoại với mình. - Một người như thế hoàn toàn có thể trông cậy được, cho dù còn ít tuổi.
- Bác cho như vậy à? Xin đa tạ - Xoxuke điềm tĩnh đáp. - Còn nói làm gì: làm thì nó cần cù đấy, nhưng sống không hòa hợp với mọi người... Vụng về, thô lỗ... Lắm lúc tôi đến lo cho nó.
- Đấy không phải là cái chính, mặc dù ngay tôi, chú nhớ chứ, cũng vừa phải một trận với anh ta xong, - Takichiro nói, không có vẻ mếch lòng mà đúng hơn còn vui vẻ là đằng khác. - Chả nên giận anh ta, tính khí nó vốn vậy mà... À nhân tiện, sao chú lại đến với mỗi mình Hideo?
- Rủ thêm mấy đứa nhỏ nữa cũng được, nhưng thế thì lại phải dừng máy mất. Với lại tôi nghĩ: cứ đi giữa rặng long não thế này, nhìn ngắm thiên nhiên, may ra tính nết nó dịu bớt đi...
- Con đường tuyệt diệu thật. Mà chú có biết không, Otomo, tôi đưa Xighe và Chieko đến đây, đại để cũng là do lời khuyên của Hideo đấy.
- Sao lại thế ạ? - Nét mặt Xoxuke biểu lộ vẻ băn khoăn. - Nghĩa là nó muốn thấy cô nhà sao?
- Không, không, chuyện hoàn toàn không phải ở chỗ đó! - Takichiro sợ hãi xua tay.
Xoxuke ngoái lại nhìn. Hideo và Chieko đang đi cách họ một quãng, còn theo sau đấy là Xighe.
Lúc họ ra qua cổng vườn bách thảo, Takichiro đề nghị:
- Otomo này, bố con chú lấy xe chúng tôi mà đi. Từ đây đến Nhixidgin một tí chứ mấy, trong lúc xe quay lại chúng tôi còn tản bộ một lúc dọc bờ sông...
Xoxuke lưỡng lự, song Hideo nói:
- Cám ơn, chúng tôi xin lạm dụng lòng tốt của ngài.
Anh ngồi vào xe trước cha.
° ° °
Ô tô chuyển bánh, Xoxuke nhổm khỏi đệm ghế lễ độ vái chào Takichiro và hai người phụ nữ cùng đi. Còn Hideo thì không ra khẽ cúi đầu cũng chẳng ra không - thật khó hiểu.
- Anh chàng này ngộ thật, - Takichiro nói, vất vả lắm mới nén được cười: ông nhớ lại lúc mình tát anh ta. - Chieko, con chuyện trò thế nào mà khiến chàng trai ấy say mê thế? Anh ta đúng là yếu đuối trước những cô gái trẻ.
Chieko bối rối cụp mắt xuống:
- Anh ta nói, còn con chỉ nghe. Lúc đầu chính con cũng nghĩ: Sao anh ta lại vui chuyện thế, nhưng sau thì con cũng bắt đầu thấy thú vị...
- Anh ta phải lòng con chăng? Con biết không, Hideo bảo với cha rằng, con tuyệt vời hơn các pho tượng Miroku ở những chùa Chiugudgi và Koridgi... Con xem, anh chàng lạ lùng không?
Lời cha nói làm Chieko bối rối. Mặt và cả cổ nàng nữa ửng hồng lên.
- Anh ta kể chuyện gì vậy? - Takichiro hỏi.
- Hình như, về số phận những cái máy dệt tay ở Nhixidgin.
- Ra thế ư? Về số phận? - Takichiro trầm ngâm thốt từng tiếng.
- Dĩ nhiên chữ "số phận" cần đến một cuộc nói chuyện không đơn giản, song... đại để là về số phận, - Chieko xác nhận.
Họ đi men sông Kamogaoa theo con đê có lối mòn trồng thông.
Takichiro xuống phía bờ sông. Ở đây, dưới thấp, ông bỗng dưng nghe thấy rành rọt tiếng nước tràn qua đập chắn.
Ven bờ, từng đôi thanh niên ngồi trên đám cỏ non, những người có tuổi thì đang lấy lại sức bằng thức ăn mang theo từ nhà.
Ở bờ bên kia, một lối mòn đi dạo trải dài bên dưới đường nhựa.
Sau mấy cái cây anh đào hiếm hoi, xanh thắm lên tán lá non sau mùa hoa, hiện ra rặng Atago, mà cạnh nó là Tây Sơn, còn ngược lên phía thượng nguồn một chút là Bắc Sơn. Đằng ấy là một khu vực được bảo tồn, nơi cảnh quan tự nhiên được đặc biệt bảo vệ.
- Ta ngồi một lát đi, - Xighe đề nghị.
Cách cầu Kitaodgi không xa, người ta phơi lụa iudgen trên cỏ.
- Hôm nay tiết xuân đẹp lắm, - Xighe vừa đưa mắt nhìn xung quanh vừa nói.
- Này, ý mình về Hideo thế nào? - Takichiro hỏi bà.
- Ý ông định nói gì?
- Nếu tiếp nhận anh ta vào gia đình ta ấy mà?...
- Sao cơ? Ngay lập tức thế à?...
- Con người anh ta xứng đáng.
- Cái đó cũng đúng, nhưng ông đã hỏi ý kiến Chieko chưa?
- Nó chả nói sẵn sàng mọi việc đều tuân theo cha mẹ vô điều kiện là gì? Phải vậy không, Chieko? - Takichiro quay sang cô gái.
- Trong chuyện này không thể nài ép được. - Xighe cũng nhìn Chieko.
Chieko ngồi trên thảm cỏ, đầu cúi. Trước mắt nàng chập chờn hình ảnh Xinichi Midzuki - không phải bây giờ, mà là thời còn là một cậu bé, mặc quần áo chú tiểu thời xưa, lông mày kẻ, môi tô son đỏ thắm, mặt xoa phấn trắng, đi cỗ xe đẩy trong ngày lễ Ghion.
Chieko hồi tưởng lại anh ta có vậy. Lúc ấy chính nàng còn là một cô bé chưa biết gì.
--------------------------------
1 Phuroxiki: chiếc khăn để gói đồ đạc mang theo, tựa như tay nải của ta.
2 Idea, sense (tiếng Anh trong nguyên văn): ở đây dùng với nghĩa thuật ngữ mĩ thuật: "quan niệm thẩm mĩ, khuynh hướng thẩm mĩ".
3 Miroku: Phật vị lai.
Cố Đô Cố Đô - Yasunari Kawabata Cố Đô