Số lần đọc/download: 2503 / 24
Cập nhật: 2015-12-10 13:31:59 +0700
Câu Chuyện Vợ Một Người Dân Chài
Ở cuối xóm chài, trên một gò thấp cát trắng có một túp nhà tranh nhỏ. Túp nhà xây dựng chẳng ra gì nên không được đứng cùng hàng với những căn nhà nhỏ khác đều đặn và sạch sẽ ở xung quanh bãi cỏ xanh rộng rãi, nơi những vòng lưới màu nâu nằm phơi nắng. Tưởng như túp nhà này tự tách khỏi hàng lối và bị đẩy ra tận cồn cát. Người đàn bà góa khốn khổ, là người đã thiết kế và tự xây dựng túp nhà này đã xây dựng những bức tường thấp hơn những bức tường của tất cả các nhà khác, còn cái mái nhọn thì cao hơn bất cứ mái nhà nào trong thôn. Nền nhà thấp hơn mặt đất. Cửa sổ dù không cao, không rộng, những cũng chạy suốt từ mặt đất đến mái nhà. Bếp lò cũng như chuồng ngỗng đều không đặt được trong gian nhà độc nhất chật hẹp phải vây thêm ra ngoài tường. Túp nhà này không giống như những nhà khác, chẳng có một mảnh vườn để cho dây bìm bìm leo quanh cây phúc bồn tử, và cây ngưu bàng che mất một nửa tàn lá cây mộc hương. Trong tất cả các loại cây chỉ có cây ngưu bàng là chịu mọc theo túp nhà tranh này đến tận cồn cát. Về mùa hè những cây ấy cũng khá lộng lẫy với tán lá tươi mát màu xanh thẫm và những bông hoa đỏ nở tung giữa đám gai nhọn có móc. Nhưng đến mùa thu, khi những ngọn cây đã cứng lại và hạt đã già thì ngưu bàng không thèm làm dáng nữa, nó khô quắt lại, trở nên xấu xí và đám lá rách của nó phủ đầy tang tóc dưới những mạng nhện bụi bám đầy.
Túp nhà tranh này không bao giờ ở được quá hai đời chủ, bởi vì những bức tranh torsi của nó chỉ có thể đỡ được cái mái nặng trong hai thế hệ thôi, và bao giờ chủ túp nhà cũng là những người đàn bà góa khốn khổ. Người quả phụ hiện đang ở trong túp nhà này ưu ngắm những cây ngưu bàng, nhất là về mùa thu, khi cây đã khô đi và bám vào những tảng đá. Những cây này nhắc bà nhớ lại những người đàn bà trước kia ở đây và đã xây dựng lại túp nhà: đó là một người đã khô héo và úa tàn, và cũng có khả năng bám móc và níu giữ, Con người khốn khổ ấy đã sử dụng tất cả sức lực của mình cho đứa con mà bà phải đẩy vào đời. Nghĩ đến điều này, người chủ hiện nay của túp nhà vừa muốn cười lại vừa muốn khóc. Nếu bà lão đã quá cố ấy không có cái bản chất bám giữ như cây ngưu bàng thì sự việc có lẽ đã xoay chuyển khác đi, nhưng biết rằng như vậy có tốt hơn không nhỉ?
Người quả phụ thường ngẫm nghĩ miên man đến sự tình cờ đã đưa bà đến giải bờ biển bằng phẳng này của xứ Xcani bên cạnh eo biển hẹp giữa những người dân bình lặng và chậm chạp này. Bởi vì bà sinh ra ở một hải cảng nhỏ của nước Na Uy, dưới những thung núi dốc đứng, trước mặt biển rộng; và mặc dầu gia đình lâm vào cảnh khó nhăn nghèo túng sau khi ông bố mất đi, người con gái con nhà buôn bán này vẫn quen nhìn thấy quanh mình cuộc sống tấp nập. Bà đã nhiều lần tự kể lại cho mình nghe lịch sử của chính mình, như người ta đọc lại một quyển sách khó hiểu để thử rút ra ý nghĩa của nó.
Số phận kỳ lạ của con người này đã bắt đầu như sau: một buổi tối, từ cửa hiệu khâu nơi nàng làm việc trở về nhà, nàng bị hai người thủy thủ tấn công; một người thủy thủ thứ ba cứu nàng thoát nạn. Anh ta đã đương đầu với một hiểm họa chết người thật sự; và anh ta đưa nàng về đến tận nhà. Nàng đưa anh vào, giới thiệu anh với mẹ và các em gái rồi phấn khích thuật lại hành động của anh. Nàng thấy như cuộc sống của mình thêm phần giá trị khi có một người khác dám liều thân để bảo vệ nó. Gia đình nàng đã tiếp đón chàng thủy thủ trẻ rất niềm nở và mời chàng luôn luôn trở lại chơi với gia đình mỗi khi chàng có dịp.
Chàng tên là Borje Ninxơn, làm thủy thủ trên một chiếc tàu nhỏ có hai buồm của xứ Xcani, tàu Anbectina. Trong suốt thời gian tàu còn đậu ở cảng, chàng hầu như ngày nào cũng đến nhà những người bạn mới của mình.; và chẳng bao lâu, cả nhà không ai muốn tin rằng chàng chỉ là một thủy thủ bình thường. Lúc nào chàng cũng diện với chiếc cổ bẻ trắng lốp và bộ quần áo thủy thủ bằng dạ đẹp. Thẳng thắn, nhanh nhẹn, tư cách của chàng chẳng khác gì người cùng đẳng cấp với gia đình này. Chàng chẳng bao giờ nói gì với họ, nhưng cả nhà đều có cảm tưởng chàng là con trai của một quả phụ giàu có. Sở dĩ chàng đi làm một chân thủy thủ bình thường là vì không sao cưỡng được lòng yêu thích đi biển và là để chứng minh cho mẹ chàng biết sở thích ấy của chàng là nghiêm túc; nhưng sau khi vượt qua thử thách thì mẹ chàng sẽ mua cho chàng một chiếc tàu.
Thế là gia đình người Na Uy này, đã từ lâu không đi lại chơi bời với những người quen biết cũ nữa, đón tiếp chàng chẳng chút nghi ngại. Tính tình xốc nổi và ăn nói lém lỉnh, chàng miêu tả ngôi nhà của mình có mái nhọn và cao, trong phòng có cái bếp lò lớn kiểu cổ, cửa sổ có những ô kính nhỏ. Chàng cũng kể về những đường phố lặng lẽ của thành phố quê hương mình và những dãy nhà cùng một kiểu như nhau. Còn nhà của chàng với những mảng trang trí nhô ra thụt vào đã tạo một sự tương phản thú vị với quang cảnh xung quanh. Và những người nghe chàng kể chuyện đều thấy hiện ra sau lưng chàng một ngôi nhà cổ giàu sang có hình trang trí ở đầu hồi, một kiểu nhà cổ có tầng gác nhô ra gây nên một cảm giác dễ chịu của sự phong lưu và cổ kính.
Cô thiếu nữ rất sớm nhận ra là chàng đã yêu mình; và điều đó làm cho mẹ và các em nàng vui mừng. Chàng trai Thụy Điển trẻ tuổi và giàu có này đã được trời phái đến để bù đắp cho sự nghèo túng của họ. Dù nàng không yêu chàng đi nữa thì cũng không bao giờ nghĩ đến chuyện xua đẩy chàng đi. Một người bố, một người anh chắc chắn là đã tìm cách dò la tìm hiểu về người khách lạ này, nhưng mẹ nàng cũng như nàng chẳng hề cẩn thận nghĩ đến điều đó. Về sau này, nàng mới hiểu ra rằng chính mẹ con nàng đã hầu như đẩy chàng đến chuyện nói dối. Lúc đầu không hề có ý nghĩ xấu, chàng đã để cho trí tưởng tượng của họ gán cho chàng những tài sản lớn; rồi đến khi thấy họ sung sướng biết mấy khi tưởng chàng giàu có thì chàng đã sợ mất nàng nên không dám cho họ tỉnh ngộ nữa.
Hai người đính hôn với nhau lúc chàng ra đi, và khi con tàu hai buồm trở lại thì họ làm lễ cưới. Nàng có hơi thất vọng khi thấy chàng trở lại mà vẫn chỉ là anh thủy thủ thường; nhưng chắc là hợp đồng thủy thủ của chàng chưa hết hạn. Chàng cũng chẳng mang đến món quà nào của mẹ chàng. Nhưng chắc là bà già đã hy vọng cho con trai bà sẽ lấy một đám khác. Vậy phải chờ đến lúc Axtid về gặp bà và chinh phục được cảm tình của bà. Kể ra nếu họ biết xét đoán cẩn thận thì mặc dầu tất cả những điều nói dối của chàng, họ cũng có thể thấy được là chàng nghèo.
Vì người vợ trẻ muốn được đi du lịch trên chiếc tàu buồm, nên ông chủ tàu mời nàng ở trong cabin của ông, và nàng sung sướng nhận lời. Borje hầu như được miễn tất cả mọi công việc, và chàng dành phần lớc thời gian của mình để trò chuyện cùng Axtid trên boong. Chàng hào phóng ban cho nàng cái hạnh phúc tưởng tượng, cái hạnh phúc mà chính chàng đã sống suốt cả đời mình. Chàng càng nghĩ đến túp nhà tranh bé nhỏ nằm ngập trong cát, lại càng vẽ lên thật cao ngôi nhà mà chàng những muốn đưa nàng vào. Theo lời kể của chàng, người thiếu phụ nhẹ nhàng lướt đi giữa một bến cảng kết đầy hoa và giăng đầy cờ để chào đón người vợ mới cưới của Borje Ninxơn. Nàng ngồi xe để chạy qua một cổng chào, trong khi những người đàn ông cứ nhìn theo nàng mãi và những người phụ nữ thì tái mặt đi vì ghen tức. Cuối cùng chàng đưa nàng vào một ngôi nhà cổ kính có những người hầu mái tóc bạc phơ cúi gập mình chào nàng và mời nàng ngồi vào bàn tiệc bày la liệt những bộ đồ cổ bằng bạc.
Sau này khi nàng đã biết rõ sự thật, ý nghĩ đầu tiên của nàng là viên thuyền trưởng đã đồng tình với Borje để lừa dối nàng; nhưng rồi nàng phải hoàn toàn thừa nhận là không đúng như vậy. Trên chiếc tàu này, mọu người có thói quen nói về Borje như là một người khá giả. Họ có một kiểu đùa cợt ưa thích là nói chuyện một cách rất nghiêm chỉnh về tài sản và gia đình bề thế của chàng. Họ tưởng rằng nàng cũng nói đùa như họ. Vậy là đến khi chiếc thuyền buồm thả neo ở bến cảng gần làng của Borje nhất, nàng vẫn còn tưởng mình là vợ của một người giàu có.
Borje được nghỉ phép một ngày một đêm để đưa vợ về nhà mẹ chàng và sắp đặt lại cuộc sống mới cho vợ.
Khi hai người đi đến bến tầu mà dáng lẽ phải có những lá cờ phất phới và đám đông reo hò chào đón đôi vợ chồng trẻ thì ở đó chỉ thấy vắng lặng như thường lệ. Borje nhận thấy cô vợ thất vọng đưa mắt nhìn quanh.
- Chúng mình đến sớm quá, - chàng nói. - Thời tiết tốt nên chuyến đi được rút ngắn lại rất nhiều! Họ chẳng cho xe đến, giờ ta phải đi bộ một quãng khá xa, vì nhà ta ở ngoài thành phố.
- Có hề gì, anh Borje? - Nàng trả lời. - Ngồi im mãi một chỗ rồi, bây giờ đi bộ càng tốt.
Và họ bắt đầu lên đường, con đường ghê tởm mà sau này, cả đến lúc đã già, nàng không thể nghĩ đến mà không rên lên khổ não và co quắp cả hai bàn tay vì đau đớn. Họ đi theo những đường phố rộng và vắng vẻ mà nàng thấy đúng như chàng đã tả. Nhìn cái nhà thờ âm u và những ngôi nhà trát torsi cao bằng nhau một loạt, nàng tưởng như gặp lại bạn cũ của mình. Nhưng còn cái đầu hồi nhọn và cái cầu thang viền lan can đẹp thì ở đâu nhỉ?
Borje gật đầu ra hiệu với nàng tưởng như chàng đoán được điều nàng đang nghĩ.
- Còn xa đấy, chàng nói.
Ôi, sao mà chàng không biết thương xót, sao mà chàng không làm cho bag tiêu tan ảo mộng ngay đi! Giá lúc ấy chàng thú nhận ngay tất cả thì có lẽ nàng không mảy may oán giận vì nàng còn quá yêu chàng. Chàng đã thấy nỗi lo sợ bị lừa dối của nàng mỗi lúc một tăng lên, mà chàng vẫn còn tiếp tục nói dối. Đó là điều làm cho nàng đau khổ, là điều nàng không bao giờ hoàn toàn tha thứ cho chàng được. Mặc dù nàng tự nhủ rằng lúc đầu chàng muốn đưa nàng đi khá xa để không thể bỏ chàng được nữa; nhưng chàng cứ cố tình nói dối mãi làm cho tâm hồn nàng lạnh giá đi như một tảng băng không còn tình yêu nào có thể làm tan đi được.
Vậy là họ đã vượt qua thành phố và đi vào cánh đồng. Nàng nhìn thấy những khúc hầm hào tối om và những lũy đất cao mọc đầy cỏ xanh, đó là những di tích thành lũy phòng ngự ngày xưa của thành phố. Ở những chỗ hào lũy nối nhau vây quanh một pháo đài nổi lên những tháp canh lớn màu xám và một ngôi nhà dáng rất cổ. Nàng rụt re bước qua nhưng Borje lại rẽ sang phải đi theo một lũy đất chạy dọc bờ biển.
- Đây là đường tắt, - chàng nói khi thấy nàng ngạc nhiên vì phải đi vào một lối hẹp.
Chàng trở nên lầm lì. Sau này nàng mới hiểu ra rằng lúc ấy chàng đã thấy khổ tâm lắm vì phải đưa vợ đến túp nhà tranh tồi tàn trong xóm, đã thấy chẳng sung sướng gì khi lấy một người vợ địa vị cao hơn mình, và đã lo sợ không hiểu lúc biết rõ sự thật thì nàng sẽ xử trí ra sao?
Sau khi hai người im lặng đi dọc theo các bờ lũy, nàng nói:
- Anh Borje, chúng mình đi đâu thế này?
Chàng giơ tay chỉ vào xóm, nơi mẹ chàng ở trong túp nhà tranh, trên cồn cát. Nhưng nàng lại tưởng chàng chỉ vào một trong những trang trại đẹp ở rìa cách đồng và nàng lại tin tưởng.
Rồi hai người di xuống những đồng cỏ nước mặn vắng tanh vắng ngắt, và nỗi lo âu lại chiếm lấy lòng nàng. Nơi đây, nhiều loại cỏ mọc xanh um vui mắt, nhưng đối với nàng chỉ là một đầm lầy xấu xí. Gió thổi không ngừng, rít lên quanh nàng và thì thầm voéi nàng những chuyện tai ương phản bội.
Borje bước nhanh. Họ đã vượt qua đồng cỏ nước mặn và đi vào xóm. Trên đoạn đường cuối cùng, nàng không dám hỏi một câu nào khác. Nhưng khi thấy một dãy nhà nữa hiện ra thì nàng lại khấp khởi mừng thầm. Có lẽ, có lẽ anh ấy đã không nói dối. Những hy vọng của nàng đã bị lay chuyển một cách tàn nhẫn đến nỗi nàng sẽ rất vui lòng bước vào một trong những căn nhà nhỏ bé xinh xẻo có những bông hoa và những riềm cửa trắng hiện ra sau những ô cửa kính sáng loáng này. Nàng thấy tiếc phải vượt qua...
Bỗng nhiên nàng thấy ở cuối xóm một túp nhà lụp xụp tồi tàn; và đối với nàng túp nhà ấy hình như nàng đã nhìn thấy từ lâu bằng đôi mắt của tâm hồn trước khi nhìn thấy nó thực sự.
- Có phải đấy không? - Nàng hỏi và dừng lại ở chân cồn cát.
Chàng gật đầu và tiếp tục đi đến túp nhà tranh.
- Khoan đã! - Nàng kêu lên, - chúng ta cần phải nói cho nhau rõ về chuyện này.
Chàng quay lại phía nàng.
- Anh đã nói dối! - Nàng nói với giọng đe dọa. - Anh đã lừa tôi; anh đã làm điều tàn tệ hơn cả kẻ thù tàn tệ nhất của tôi. Vì sao vậy?
- Anh muốn lấy em làm vợ, - chàng khẽ lúng túng trả lời.
- Giá anh nói dối vừa vừa thôi thì còn được. Nhưng sao anh lại nhồi vào đầu tôi toàn những chuyện giàu sang? Bịa ra nào là đầy tớ, nào là cổng chào để làm gì? Anh tưởng tôi tham của lắm sao? Anh không cảm thấy tôi yêu anh đến mức độ có thể theo anh đi bất cứ nơi nào à? Sao anh lại nhẫn tâm lừa dối tôi cho mãi đến phút cuối cùng như vậy?
- Em có muốn vào nhà nói chuyện cùng mẹ anh không? - Chàng thì thầm trong cơn tuyệt vọng.
- Tôi chẳng thiết vào.
- Thế em định trở về?
- Làm sao tôi có thể trở về được? Làm sao tôi có thể gây cho gia đình tôi một nỗi buồn lớn lao như vậy? Cả nhà tôi đã tưởng tôi được hưởng hạnh phúc và giàu sang! Nhưng tôi cũng sẽ không ở trong nhà anh. Tay làm hàm nhai, tôi chẳng lo gì.
- Em hãy ở lại, em hãy ở lại, - chàng van xin. - Anh làm như vậy cũng chỉ vì muốn lấy được em thôi.
- Nếu anh thú thật với tôi sớm hơn một chút thì tôi đã ở lại.
- Phải, em sẽ ở lại nếu anh như anh giàu mà lại nói là nghèo.
Nàng nhún vai và bỏ đi vừa lúc cách cửa túp nhà tranh mở ra và bà mẹ Borje xuất hiện. Đó là một bà già nhỏ bé quắt queo, mồm móm mém, da nhăn nhúm. Trông bề ngoài bà có vẻ già, song chắc chưa nhiều tuổi và cũng còn minh mẫn.
Có lẽ bà đã nghe được một phần câu chuyện và đoán được phần kia, chứng cớ là bà đã tìm được ngay cách thu xếp.
- Vậy đó, - bà nói. - Con đã dẫn về cho mẹ cô dâu con nhà tử tế, và theo như mẹ thấy thì con lại còn bịa chuyện dối trả nữa kia.
Bà dịu dàng lại gần Axtid và vuốt ve má nàng.
- Con vào đây với mẹ, tội nghiệp cho con. Mẹ biết con mệt mỏi và kiệt sức rồi. Đây là túp lều của mẹ, của riêng mẹ, thằng kia sẽ không vào đâu. Vào đi, vào đi con. Bây giờ con là con gái mẹ và mẹ sẽ không để con vào nhà ai khác.
Bà vuốt ve thiếu phụ, vỗ về nàng rất dịu dàng và đẩy nàng vào cửa. Cuối cùng Axtid vào nhà, còn Borje ở lại bên ngoài. Bà già hỏi han nàng con cái nhà ai, sự việc xảy ra như thế nào, và bà khóc lóc cho số phận của nàng, làm cho Axtid cũng tự mình phải khóc. Rồi bà nghiêm khắc lên án con trai. Phải, Axtid làm vậy là đúng: không thể trong nhà một người như hắn được. Hắn luôn luôn nói dối. Nhưng xưa nay dáng người và vẻ mặt của hắn vẫn đẹp làm sao! Ngay từ khi hắn còn bé tí tẹo, mẹ hắn đã lấy làm lạ sao hắn lại sinh ra làm con nhà nghèo. Người ta cứ tưởng hắn là một hoàng tử bị lạc. Không bao giờ hắn chịu yên phận. Hăn nhìn mọi vật với con mắt của người quyền quý, và khi lòng tự ái của hắn nổi lên, hắn không còn giữ chừng mực gì nữa. Mẹ hắn đã vì thế mà bao lần phải khóc. Nhưng những chuyện bịa của hắn chưa từng làm hại ai bao giờ. Trong vùng này người ta biết nó, người ta chỉ cười thôi. Thật ra mà nói thì chắc lần này thằng bé tội nghiệp đã bị cám dỗ ghê lắm...Rất lạ lùng là một thằng con nhà dân chài lại biết đi lừa người ta như vậy. Axtid có nghĩ đến điều ấy không? Cái thằng này có thông thạo lề thói lịch sự và những thói quen của người giầu có, đến nỗi ai cũng tin chắc nó là con nhà giầu. Chắc chắn là nó đã bị lầm lạc trong cuộc sống. Chứng cớ là nó chưa bao giờ có ý định chọn một người vợ cùng đẳng cấp.
Bà già cứ nói, cứ nói. Axtid lặng im.
- Con thấy không, - bà nói tiếp, - mẹ chẳng có thể làm cho nó bỏ được thói kiêu ngạo và ý muốn huyênh hoang, nhưng một người đàn bà khác khôn hơn mẹ có lẽ sẽ làm được. Thằng con của mẹ nó tốt bụng và có năng lực: cái đó chắc cũng đáng để thử xem...Nhưng ngày mai mẹ sẽ để con đi, mẹ hứa như vậy.
- Đêm nay anh ấy sẽ ngủ đâu? Đột nhiên Axtid hỏi.
- Mẹ nghĩ nó sẽ ngủ ngoài trời, trên bãi cát. Chắc nó không dám đi xa đâu.
- Để anh ấy vào nhà thì hơn. Axtid nói.
- Không, con yêu quý của mẹ, chắc con chẳng muốn nhìn thấy nó; vả lại nó có ngủ ngoài trời cũng chẳng hề gì; mẹ sẽ đưa cho nó một cái chăn.
Quả thật đêm ấy chàng ngủ trên bãi cát, và sáng hôm sao bà mẹ sai chàng ra thành phố vì bà không muốn Axtid nhìn thấy chàng. Và bà tiếp tục nói chuyện với nàng, và bà đã giữ được nàng lại không phải bằng áp lực mà bằng lời nói, không phải bằng mưu mẹo và cung cách màu mè, mà bằng lòng nhân hậu thật sự.
Cuối cùng khi bà đã thuyết phục được cô con dâu ở lại với người con trai bà, khi bà đã thấy hai người trẻ tuổi hòa giải với nhau và bà đã làm cho Axtid tin rằng thiên chức của nàng đích thị là làm vợ của Borje Ninxơn và đem lại cho chàng tất cả những điều tốt lành mag nàng có thể làm được; khi bà lão đã hoàn thành cái nhiệm vụ ấy, - cái nhiệm vụ không phải chỉ làm trong một ngày hay một tuần, - khi ấy bà mới nhắm mắt.
Trong cuộc đời của người đàn bà luôn luôn lo lắng cho đứa con trai của mình ấy, Axtid thấy ít ra cũng còn có một ý nghĩa, nhưng trong cuộc đời của chính mình, nàng chẳng thấy có một ý nghĩa nào. Cưới nhau được mấy năm thì Borje bị chết đuối; đứa con đọc nhất của họ cũng chết khi còn trẻ. Nàng đã chẳng làm cho chồng sửa đổi được tính nết. Nàng đã chẳng dạy được cho chồng tính thật thà và đứng đắn. Nhưng cuộc sống đã làm cho chính nàng thay đổi. Axtid càng ngày càng hòa mình với đám dân chài. Nàng không bao giờ muốn gặp lại một người nào trong gia đình nàng, bởi nàng lấy làm xấu hổ bởi vì mình giống như những người đàn bà trong xóm chài về mọi mặt. Cuộc đời của nàng đã giúp ích được gì cho ai? Nàng sinh sống bằng việc trông nom và vá lại những tấm lưới cho những người đánh cá; nhưng nàng không biết mình sống để làm gì. Giá như ít ra nàng đã làm cho một người, chỉ một người thôi được sung sướng hoặc trở nên tốt hơn...Không bao giờ nàng tự nhủ rằng một con người đã coi cuộc đời của mình là hoài phí vì đã không làm được điều gì tốt lành cho ai cả, lại có thể do ý nghĩ khiêm nhường như vậy, cứu vớt được linh hồn của mình.
NGỌC THỌ dịch