Nguyên tác: Sisters
Số lần đọc/download: 0 / 17
Cập nhật: 2023-08-05 10:52:33 +0700
Chương 2
M
ặt trời chiếu sáng rực rỡ xuống Quảng trường Plazza Della Signoria ở Florence, khi Annie - người thiếu nữ trẻ đẹp mua thạch ở một quán bên đường. Cô nói tiếng Ý thông thạo khi mua thạch chanh trộn sôcôla, và khi thưởng thức món thạch tổng hợp này, cô đã để thạch rơi xuống tay hai giọt. Cô đưa lưỡi liếm nước thạch trên tay trong lúc ánh mặt trời chiếu sáng mái tóc màu cổ đồng của cô. Cô đi qua phòng trưng bày nghệ thuật Uffizi để về nhà. Cô đã sống ở Florence hai năm, sau khi tốt nghiệp đại học với tấm bằng cử nhân mỹ thuật ở trường Thiết kế Rhode Island. Trường đại học này tương đối nổi tiếng và được nhiều người biết đến. Sau khi tốt nghiệp ở Rhode Island, Annie theo học trường Mỹ thuật ở Paris và đậu bằng thạc sỹ. Cô mơ đến chuyện học hỏi về hội họa ở Ý suốt đời, nên sau khi tốt nghiệp ở Paris, cô đến đây, và thấy việc theo học ở đây rất quan trọng cho mình.
Cô theo lớp học vẽ hàng ngày và học kỹ thuật vẽ của các họa sĩ bậc thầy. Trong năm qua, cô cảm thấy tiến bộ rất nhiều trong công việc, nhưng luôn nghĩ cần phải học hỏi thêm nhiều nữa. Annie mặc chiếc váy vải và đi đôi xăng đan mua ở vệ đường với giá 15 Euro, còn chiếc áo bình dị cô đã mua khi đi chơi ở Seina. Chưa bao giờ cô thấy ở đâu sung sướng như ở đây. Sống ở Florence này, giấc mơ của cô đã thành sự thật.
Annie có kế hoạch tối đó sẽ đến dự buổi học vẽ chân dung, có người ngồi làm mẫu. Buổi học diễn ra tại phòng vẽ của một họa sĩ, bắt đầu lúc 6h tối. Ngày mai cô sẽ lên đường về Mỹ. Cô không thích rời khỏi đây, nhưng đã hứa với mẹ sẽ về nhà như mọi năm. Dù chỉ rời Florence vài ngày thôi, cô cũng không muốn. Cô chỉ vắng mặt một tuần, rồi sẽ trở về đây để cùng các bạn đi chơi ở Umbria. Từ khi đến đây, cô đã đi thăm nhiều nơi trên đất Ý, đến Hồ Como, nghỉ ngơi ở Portofino, và hầu như tham quan khắp các nhà thờ, viện bảo tàng ở Ý. Cô rất thích đến Venice để xem các nhà thờ và kiến trúc ở đây. Cô nghĩ rằng chắc chắn nước Ý là nơi rất quan trọng cho cô, từ khi đến đây cô đã học hỏi được rất nhiều về nghệ thuật.
Annie đã thuê một căn gác xép áp mái ở một chung cư cũ kỹ, nó rất hợp cho cô. Công việc cô đang làm là thành quả của nhiều năm lao động vất vả. Cô đã tặng bố mẹ bức tranh do cô vẽ vào dịp Giáng sinh, họ rất kinh ngạc trước tác phẩm của cô vì nó có chiều sâu và rất đẹp. Bức họa vẽ cảnh Đức Mẹ đồng trinh và Chúa hài đồng, rất giống bút pháp của các bậc danh họa xưa. Cô đã dùng các kỹ thuật mới của mình khi thể hiện tác phẩm. Cô đã kết hợp kỹ thuật vẽ tranh hiện đại với cổ điển. Mẹ cô nói bức tranh là một kiệt tác, nên đem treo ở phòng khách trong nhà để mọi người cùng chiêm ngưỡng.
Cô sẽ về nhà để dự tiệc mừng ngày 4 tháng 7. Năm nào bố mẹ cô cũng tổ chức mừng lễ này, cô và các chị dù ở đâu và bận mấy cũng phải lo về nhà để tham dự. Năm nay Annie về nhà là cả một sự hy sinh lớn. Cô có rất nhiều việc cần phải làm, nên không muốn rời khỏi đây, dù chỉ một tuần. Nhưng giống như các chị em, cô không muốn làm mẹ thất vọng. Mẹ cô sống để đợi ngày gặp các con, bà hy vọng cả bốn con gái đều về nhà sum họp. Bà nhắc đến chuyện này suốt năm. Trong căn hộ kỳ quặc của Annie, không có điện thoại, nhưng bà thường gọi vào di động của cô để xem cô có khỏe không. Bà thích nghe giọng con gái. Không có gì làm cho Annie sung sướng và thú vị hơn công việc của cô ở Florence. Nhiều lúc cô đã đứng hàng giờ trong phòng tranh Uffizi, nghiên cứu các bức tranh. Có khi cô lái xe đến các thành phố lân cận để xem các bức họa nổi tiếng. Đối với cô, Florence là thánh địa Mecca.
Gần đây cô đã yêu một họa sĩ trẻ đến từ New York. Anh chỉ mới đến Ý sáu tháng nay. Sau khi anh đến đây mấy ngày họ đã gặp nhau. Cô gặp anh tại phòng tranh của một người bạn là họa sĩ trẻ vào đêm giao thừa. Sau đó, mối tình của họ càng ngày càng thắm thiết. Họ yêu tác phẩm của nhau, cùng chia sẻ quan điểm về nghệ thuật với nhau. Tác phẩm của anh mang tính hiện đại, còn tác phẩm của Annie có nét truyền thống, nhưng nhiều quan điểm và lý thuyết của họ rất giống nhau. Anh đã bỏ nhiều thời gian đi làm thiết kế, nhưng không thích công việc này. Anh nói làm việc ấy là bán rẻ tài năng của mình.
Cho nên anh đã dành chọn tiền và sang Ý học hội họa trong một năm.
Annie may mắn hơn. Ở tuổi 26 mà cô vẫn còn được gia đình giúp đỡ. Cô có thể sống ở Ý suốt đời, không có gì làm cho cô vui sướng hơn. Mặc dù cô thương bố mẹ và các chị em, nhưng lại không thích về nhà. Mỗi lần phải rời xa Florence, xa công việc, cô cảm thấy đau khổ vô cùng. Cô muốn làm họa sĩ ngay từ khi còn nhỏ, và thời gian trôi qua, mong ước ấy ngày càng lớn mạnh, cương quyết hơn. Ý định này làm cho cô khác xa với các chị em cô. Các chị em cô đều làm những nghề phổ biến hơn, nó giúp họ hái ra tiền. Người chị đầu của cô là luật sư, người chị kế làm giám đốc chương trình biểu diễn trên TV ở L.A., còn cô em út làm người mẫu, cả thể giới đều biết đến cô. Annie là người duy nhất trong nhà theo nghề họa sĩ, cô không quan tâm đến việc nó sẽ giúp cô kiếm được nhiều tiền như những nghề khác hay không. Cô sung sướng khi thấy mình đam mê với công việc, thậm chí không nghĩ đến chuyện tác phẩm có bán được hay không. Cô nhận thấy mình rất may mắn vì được bố mẹ giúp đỡ, nhưng cũng tự nhủ sẽ cố gắng để sống tự lập. Hiện tại, cô đang nghiên cứu về kỹ thuật cổ điển và hấp thụ những tinh hoa về nghệ thuật ở Florence.
Candy, em gái cô thường đến Paris, nhưng Annie không bỏ công việc để đi thăm em, và mặc dù thương yêu người em út, nhưng cô và Candy ít có chung quan điểm. Khi Annie làm việc, cô không quan tâm đến việc mình có chải tóc hay không, và những thứ trong nhà cô đều dính đầy sơn. Bất cứ khi nào Annie gặp Candy, cô em gái đều khuyên chị cắt tóc cho đẹp, hay học cách trang điểm, còn Annie chỉ cười. Cô không nghĩ đến chuyện làm tóc và trang điểm. Suốt hai năm, cô không mua cái gì mới để mặc. Chuyện thời trang không có trong kế hoạch của cô. Annie chỉ ăn, ngủ, uống và làm nghệ thuật. Cô chỉ biết có chừng ấy, thích chừng ấy, và người bạn trai của cô, Charlie, cũng thích những thứ như cô. Trong sáu tháng trời, họ gần như không xa nhau nửa bước, họ cùng đi du lịch với nhau khắp nước Ý, cả hai đều nghiên cứu những tác phẩm hội họa nổi tiếng là khó hiểu. Tình yêu của họ tiến triển tốt đẹp. Khi cô gọi điện thoại nói chuyện với mẹ, cô nói anh là một họa sĩ rất tuyệt, họ tương đắc nhau về nhiều điểm. Điều duy nhất khiến Annie lo lắng là anh có kế hoạch sẽ về New York vào cuối năm, trừ phi cô thuyết phục được anh ở lại. Ngày nào cô cũng khuyên anh ở lại Florence thêm. Nhưng vì anh là người Mỹ, anh không thể làm việc ở Ý và cuối cùng anh sẽ cạn tiền. Annie có thể sống lâu dài ở Florence vì được bố mẹ giúp đỡ. Cô biết thế, nên rất cảm ơn bố mẹ đã cho cô hưởng được niềm hạnh phúc này.
Annie tự hứa với mình đến 30 tuổi sẽ tự túc về mặt tài chính, vì hy vọng khi ấy sẽ bán được tranh. Cô đã trưng bày tranh hai lần ở một phòng trưng bày nhỏ tại Rome, và đã bán được nhiều bức. Nhưng nếu không có sự giúp đỡ của bố mẹ, cô sẽ không thể có được suộc sống sung túc. Nhiều lúc cô thấy bối rối, nhưng chưa thể sống bằng tiền bán tranh được. Thỉnh thoảng Charlie trêu cô về chuyện này, và chỉ cho cô thấy cô là người may mắn và việc Annie sống trong căn gác xép tồi tàn chỉ là việc lừa dối. Nếu cô muôn, bố mẹ cô có thể thuê cho cô một căn hộ tươm tất. Chắc chắn trường hợp của cô không bi đát như phần đông các họa sĩ mà họ biết. Tuy nhiên, dù anh trêu chọc cô về việc được bố mẹ giúp đỡ nhiều, anh vẫn kính trọng cô, vì tác phẩm của cô rất có chất lượng. Anh nghĩ cô rất có năng lực về hội họa, và mới 26 tuổi đời, cô đã vững vàng trên con đường sự nghiệp. Tác phẩm của cô có chiều sâu và kỹ thuật khéo léo. Nghệ thuật pha màu của cô, tinh vi, sắc sảo. Khi cô thực hiện được một đề tài khó, Charlie nói với cô rằng anh rất tự hào về cô.
Anh muốn đi với cô đến Pompei để nghỉ cuối tuần, nghiên cứu tranh vẽ trên tường ở đấy, nhưng cô đáp rằng cô phải về nhà để ăn mừng lễ 4 tháng 7. Bố mẹ cô năm nào cũng mở tiệc ăn mừng ngày lễ này.
- Tại sao em xem việc này quan trọng thế? - Charlie không gần gũi với gia đình mình, nên không có kế hoạch về thăm họ trong năm nay. Nhiều lần anh nói cô gắn bó với bố mẹ và chị em gái giống như trẻ con vậy. Dù sao cô cũng đã 26 tuổi rồi.
- Quan trọng là vì gia đình em rất yêu thương nhau, - cô đáp. - Không phải vì ngày 4 tháng 7 là ngày lễ quan trọng mà chính việc gia đình sum họp với nhau mới quan trọng. Em còn về nhà vào dịp lễ Tạ ơn và Giáng sinh nữa. - Cô báo trước như thế để sau này anh khỏi thất vọng hay hiểu lầm. Những ngày nghỉ lễ là thời gian thiêng liêng của họ.
Charlie hơi bực mình, nên thay vì đợi thêm một tuần nữa để đi Pompei với cô, anh nói sẽ đi đến đấy với một người bạn cũng là họa sĩ. Annie buồn vì không đi với anh, nhưng cố xem như không có chuyện gì. Ít ra, trong thời gian cô đi xa, anh có việc để làm. Mới đây anh thất bại trong công việc, anh đang phấn đấu để lấy lại phong độ bằng ý tưởng và kỹ thuật mới. Hiện giờ, công việc của anh chưa tốt đẹp, nhưng cô tin anh sẽ sớm thoát khỏi cảnh bế tắc này. Anh là một họa sĩ có tài, nhưng người họa sĩ lớn tuổi đã làm cố vấn cho anh tại Florence nói rằng thời gian anh làm thiết kế đã phá hỏng sự trong sáng trong tác phẩm của anh. Người họa sĩ đó nghĩ rằng trong tác phẩm của anh quá thực tế, ông ta khuyên nên từ bỏ điều ấy đi. Lời khuyên của ông ta đã chạm tự ái của anh, khiến anh không nói chuyện với nhà phê bình anh đã chọn trong nhiều tuần. Anh rất dễ bị xúc phạm giống như nhiều họa sĩ khác. Ngược lại, Annie rất cởi mở trước các lời phê bình, cô vui vẻ tiếp thu ý kiến của mọi người để hoàn thiện mình. Như cô em Candy, cô luôn luôn khiêm nhường, về nghề nghiệp cũng như về bản thân.
Nhiều tháng nay, Annie đã cố thuyết phục Candy đến thăm mình trong những dịp cô em đến Paris và Milan, nhưng Candy không đến Florence vì cho rằng đấy là xứ của những họa sĩ chết đói. Mỗi khi tạm nghỉ, Candy thích đến những nơi như London và St. Tropez. Cuộc sống của Candy khác xa với Annie. Annie không muốn bay đến Paris để gặp cô em gái, cũng không muốn ở tại những khách sạn sang trọng như Ritz. Cô thấy hạnh phúc khi đi ở thành phố Florence, ăn thạch, hay đến nhà trưng bày Uffizi, chỉ mang xăng đan và mặc váy bình dị. Cô thích như thế hơn mặc áo quần sang trọng, trang điểm lòe loẹt, đi giày cao gót như mọi người trong giới của Candy. Cô không thích những con người giả tạo thường đi với Candy. Còn Candy thường nói rằng bạn của Annie có vẻ như cần tắm rửa. Hai chị em họ sống trong hai thế giới hoàn toàn khác nhau.
- Khi nào em về? - Charlie hỏi, khi anh đến nhà cô. Cô đã hứa sẽ nấu cho anh ăn vào buổi tối trước khi cô đi. Cô mua mì sợi, khoai tây và rau, tất cả đều còn tươi và cô định sẽ làm món xốt. Charlie đem đến chai rượu Chianti, rót cho cô một ly trong khi cô đang nấu. Anh đứng bên kia phòng ngắm cô. Cô xinh đẹp, tự nhiên và khiêm tốn. Bất kỳ người nào đã gặp Annie đều cho cô là người bình dị, nhưng thật ra cô là người học cao, thông thạo nghề nghiệp, và xuất thân trong một gia đình tốt, khá giả. Từ lâu, anh đã nghĩ rằng gia đình cô rất tốt, nhưng Annie không bao giờ nói đến đời sống sung túc của mình lúc còn nhỏ, và hiện nay vẫn còn nhờ gia đình. Cô lặng lẽ sống cuộc đời của một họa sĩ nghèo, làm việc cực nhọc. Dấu hiệu duy nhất ở Annie cho biết cô thuộc thành phần thượng lưu là chiếc nhẫn vàng có khắc hình gia huy cô mang trên bàn tay trái, hình gia huy của mẹ cô. Annie cũng lặng lẽ và khiêm tốn về vấn đề này. Tiêu chuẩn duy nhất để cô đánh giá mình và những người khác là họ có làm việc cật lực cho công việc hay không.
- Ngày mai em sẽ đi, - cô đáp, nhắc lại cho anh nhớ. Cô để một cái bát to đựng mì sợi lên bàn ăn. Mì sợi thơm phức, cô rắc pho mát parmesan lên trên. Bữa ăn của họ còn có bánh mì nóng hổi mới ra lò. - Vì thế tối nay em nấu cho anh ăn. Khi nào anh và Cesco đi Pompei?
- Ngày mốt, - Charlie đáp. Họ ngồi vào hai chiếc ghế không giống nhau, hơi lung lay, kê hai bên bàn. Anh nhìn cô và cười. Cô đã lượm hai cái ghế này ở ngoài đường đem về dùng. Đồ đạc trong nhà cô đều tậu bằng cách này. Cô dùng tiền bố mẹ cho ít chừng nào hay chừng ấy, ngoài việc dùng để thuê nhà và ăn uống. Cô không sống theo nếp sống xa hoa. Chiếc xe cô đi là loại Fiat đã chạy được 15 năm. Mẹ cô sợ xe không được an toàn, nhưng Annie không chịu mua xe mới.
- Anh sẽ nhớ em, - Charlie buồn bã nói. Từ khi họ gặp nhau đến giờ, bây giờ là lần đầu tiên họ xa nhau. Anh nói anh yêu cô sau một tháng kể từ ngày họ đi chơi với nhau lần đầu tiên. Cô thích anh hơn bất cứ ai trong nhiều năm và cũng yêu anh. Điều duy nhất khiến cô lo sợ cho tình yêu của họ là việc anh sẽ trở về Mỹ trong vòng sáu tháng nữa. Anh đã khuyên cô trở về New York, nhưng cô chưa muôn rời nước Ý, dù để theo anh. Khi anh ra về, cô không thể quyết định về cùng anh được. Mặc dù cô yêu anh, nhưng cô đã thề không bao giờ từ bỏ cơ hội học tập hội họa ở Florence để theo bất kỳ người đàn ông nào. Cho đến bây giờ, cô luôn luôn xem hội họa là điều ưu tiên hàng đầu. Cô nghĩ rằng nếu cô rời bỏ Florence để theo Charlie, thì sẽ là một sự hy sinh quá lớn cho cô.
- Tại sao chúng ta không đi đâu đó sau khi đi Umbria trở về? - Anh nói, vẻ hy vọng, và cô cười. Họ có kế hoạch sẽ đi Umbria với bạn trong tháng bảy, nhưng anh muốn có thời gian ở riêng với cô.
- Bất cứ khi nào anh muốn, - cô đáp, và thật tình muốn thế. Anh cúi người qua bên kia bàn hôn cô, rồi cô phục vụ anh mì sợi. Cả hai người đều cho rằng mì sợi rất ngon. Charlie thường nói rằng việc gặp cô là điều tuyệt vời cho anh từ khi anh đến châu Âu. Nghe anh nói, cô thấy cảm động vô cùng.
Cô lấy ảnh của Charlie đưa cho các chị em và mẹ xem, họ nghĩ rằng cuộc tình giữa cô và anh rất quan trọng. Mẹ cô nói với các chị em cô rằng bà hy vọng Charlie sẽ thuyết phục được Annie trở về. Bà tôn trọng công việc Annie làm ở Ý, nhưng ở đấy quá xa và cô thấy sung sướng khi được ở đấy, nên không muôn về nhà nữa. Bà rất mừng khi nghe cô bằng lòng về nhà ăn lễ 4 tháng 7 như mọi năm. Mẹ cô sợ cứ mỗi năm trôi qua, các con bà sẽ bỏ thông lệ ấy và không về nhà nữa. Bây giờ chưa có người con nào của bà lấy chồng, có con, nhưng bà biết rằng khi họ có chồng con, tình hình sẽ đổi thay. Trong lúc chờ đợi điều đó xảy ra, bà cứ vui hưởng thời gian với con, sung sướng có con về thăm hàng năm. Bà nhận thấy rằng chỉ có phép lạ mới đưa đẩy cả bốn người con cùng về nhà ăn lễ với bà một năm ba lần, ngoài ra họ còn tranh thủ để về thăm bà trong các dịp khác nếu có thể.
Annie ít về nhà hơn những người khác, nhưng cô rất trân trọng về ba ngày lễ truyền thống. Charlie ít liên hệ với gia đình mình, anh không về thăm gia đình ở New Mexico gần bốn năm nay. Cô không tưởng tượng ra được chuyện cô không về thăm bố mẹ và các chị em một thời gian lâu như thế. Dù ở Florence xa xôi, nhưng cô vẫn rất thương nhớ gia đình.
Ngày hôm sau, Charlie lái xe đưa Annie ra phi trường. Chuyến đi sẽ khá dài. Cô bay đến Paris, rồi ngồi chờ ở phi trường ba giờ mới đáp chuyến bay đi New York lúc bốn giờ chiều. Cô sẽ đến New York lúc 6h, và hy vọng về đến nhà sau khi gia đình ăn tối xong khoảng 9h. Tuần trước cô đã gọi nói chuyện với chị Tammy, họ sẽ về nhà cách nhau chừng nửa giờ. Candy sẽ đến sớm hơn, còn Sabrina lái xe từ New York về nhà, nếu chị chịu bước ra khỏi văn phòng, và dĩ nhiên chị sẽ mang theo con chó khủng khiếp của mình. Annie là người duy nhất trong gia đình ghét chó. Những người khác không rời khỏi chó của mình, ngoại trừ Candy mỗi lần đi làm việc xa mới để chó ở nhà. Còn những lúc khác, Candy luôn kè kè con chó giống Yorkshire, cô thường mặc cho nó cái áo len casơmia màu hồng và thắt nơ. Annie không yêu chó, nhưng dù họ có thích chó hay không thì mẹ cô vẫn sung sướng khi thấy họ về nhà.
- Em nhớ cẩn thận giữ mình, - Charlie nói rồi hôn cô thật lâu. - Anh sẽ rất nhớ em. - Khi cô đi, trông anh có vẻ lạc lõng và buồn thảm.
- Em cũng vậy, - Annie đáp nho nhỏ. Đêm qua họ làm tình suốt mấy giờ. - Em sẽ gọi cho anh, - cô hứa. Khi xa nhau, họ luôn liên lạc với nhau qua điện thoại di động, dù chỉ là vài giờ. Charlie luôn thích gần gũi người yêu. Có lần anh nói rằng cô quan trọng với anh hơn cả gia đình. Cô không nói như thế, và không nghĩ như thế, nhưng cô rất yêu anh. Lần đầu tiên cô cảm thấy như thể mình đã gặp được người đồng cảm với mình và có lẽ anh là người bạn chí tình, mặc dù cô chưa muốn lấy chồng trong nhiều năm nữa, cả Charlie cũng nói vậy. Nhưng họ nghĩ đến chuyện sống chung trong mấy tháng cuối cùng anh còn ở đây, tối qua họ nói lại chuyện ấy. Cô định khi về lại đây sẽ đề nghị như thế với anh. Cô nghĩ đây là điều anh muốn, và bây giờ cô đã sẵn sàng tính đến chuyện ấy. Trong sáu tháng vừa qua, họ không xa nhau nửa bước. Anh thường nói, dù cô có mập ra, già đi, rụng răng, hết tài, hay mất trí, thì anh vẫn yêu cô. Cô cười khi nghe anh nói như vậy, và nói với anh rằng cô sẽ cố gắng để không rụng răng hay mất trí. Điều quan trọng nhất cho cả hai là hội họa.
Loa phóng thanh trong phi trường mời hành khách lên máy bay, họ hôn nhau lần cuối. Annie vẫy tay chào rồi vào cổng phi trường, ngoái nhìn hình bóng Charlie cao, đẹp trai, nhìn theo cô vẫy tay chào, cặp mắt tình tứ. Lần này cô không mời anh về nhà cô, nhưng định vào dịp Giáng sinh sẽ mời anh đi cùng, khi ấy có lẽ là lúc anh trở về Mỹ. Annie muốn Charlie gặp gia đình mình, mặc dù cô biết các chị em cô có lúc hơi quá đáng. Họ có ý kiến khác với cô, nhất là Sabrina và Tammy, hai cô này thường không thích nghề của Annie, quan điểm về cuộc sống của họ rất khác quan điểm củsi cô. Mặc dù cô thương yêu các chị em, nhưng có chung quan điểm với Charlie hơn với họ. Giữa cô và các chị em chỉ có tình chị em là thiêng liêng thôi.
Annie ngồi gần một bà già trên chuyến bay đến Paris. Sau khi máy bay hạ cánh, cô đi loanh quanh trong phi trường ở Paris. Charlie gọi cho cô khi cô mở máy lúc xuống máy bay.
- Giờ anh đã thấy nhớ em rồi! - Anh nói, giọng thảm thiết. - Anh biết làm gì cả tuần nếu không có em? - Anh có vẻ như không thể rời cô được nửa bước, nên nghe vậy cô rất mủi lòng. Họ đã gắn bó với nhau đến nỗi lần xa nhau này rất khổ cho cả hai người.
- Anh sẽ vui khi ở Pompei, - cô đáp. - ít ngày nữa em sẽ về. Em sẽ mang về cho anh bơ đậu phụng, - cô hứa. Anh thường kêu ca rằng từ khi đến đây, anh luôn nhớ món bơ đậu phụng này. Đối với Annie, ngoài gia đình ra, cô không nhớ gì ở Mỹ hết. Cô thích sống ở Ý, thích nền văn hóa, ngôn ngữ, tập quán và thức ăn ở đây. Thực vậy, bây giờ về Mỹ, cô thấy nước Mỹ có vẻ xa lạ đối với mình. Cô nhớ Ý hơn là nhớ Mỹ, vì thế cô muốn ở lại Ý. Cô cảm thấy nước Ý như quê hương của mình, nên không thích rời khỏi đây. Nếu sáu tháng nữa, khi Charlie về lại Mỹ mà anh muốn cô đi theo, thì quả đây là điều khó xử cho cô. Cô sẽ phải đấu tranh giữa hai lựa chọn, một bên là theo người yêu, một bên là nơi cô cảm thấy như quê hương yêu dấu của mình. Cô nói tiếng Ý rất thông thạo.
Chuyến bay của hãng Air France cất cánh ở phi trường Charles de Gaulle đúng giờ. Annie biết Candy đã đi máy bay tại phi trường này trước đó sáu tiếng, nhưng Candy không muốn đợi để đi cùng một chuyến với Annie, vì Candy đi vé hạng nhất, còn Annie đi vé hạng bình dân. Candy tự túc mua vé, còn Annie thì không. Annie không muốn bố mẹ tốn kém nhiều khi mua vé hạng nhất, còn Candy lại nói cô thà chết còn hơn đi vé bình dân, phải ngồi một chỗ, không có chỗ duỗi chân, hai bên sát với chỗ ngồi của người khác, không thể nằm nghỉ được. Đi vé hạng nhất, cô có thể biến chỗ ngồi thành giường nằm. Cô không muốn ngồi suốt cả chuyến bay. Cô nói với Annie rằng sẽ gặp chị ở nhà. Candy đã nghĩ đến chuyện trả thêm tiền vé cho Annie để Annie có thể đi giường nằm, nhưng Candy biết thế nào Annie cũng từ chối, vì cô không muốn nhờ cậy em gái.
Khi máy bay cất cánh, Annie rất hài lòng về việc cô đã mua vé bình dân. Mặc dù nhớ Charlie, nhưng nghĩ đến chuyện gặp gia đình, Annie thấy nôn nóng muôn về nhà thật nhanh. Cô ngồi dựa người ra lưng ghế, nhắm mắt, miệng mỉm cười, nghĩ đến những người trong gia đình.